Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

THẮM MÃI NHỮNG MÀU HOA - Trần thị Phương Lan

 

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta vô số những món quà vô giá: từ binh minh nắng rực rỡ hồng trên giòng sông lững lờ trôi xuôi, chiều tà nắng nhạt nơi thôn dã yên bình, đêm trăng thanh gió mát thổi qua bến vắng, hoặc ngay cả những buổi trưa: thời khắc khó chịu nhất trong ngày, vẫn đẹp mơ màng với biển xanh cát trắng nắng vàng cùng với những hàng phi lao rì rào hòa tiếng sóng miên man vỗ bờ. Trong muôn vàn những quà tặng trời ban đó, thì HOA là một trong những nguồn cảm hứng vô tận cho giới nghệ sĩ sáng tác, góp phần làm cho trần gian này trở nên bội phần đáng yêu.

Chả thế mà chúng ta vẫn thường hay bắt gặp trong thơ, văn, nhạc, họa, bóng hình của muôn ngàn sắc hoa. Vốn tính tham lam, thuở nhỏ, tôi  thường hay mộng ước thành nhạc sĩ hay ngay cả họa sĩ nữa, để thả hồn theo những áng mây chiều, những ánh sao đêm để có thể ca tụng vạn vật theo ngàn phím tơ hay nét cọ. Nhưng càng lớn tôi càng biết lượng sức mình! Giờ đây tôi chỉ còn biết tán thưởng những bậc nghệ sĩ tài năng hơn mình, và trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này nói riêng, chỉ xin được đề cập đến những tác phẩm của những nhạc sĩ kỳ tài vô tình nói hộ lòng tôi, đã tô đậm những sắc màu thắm tươi của những loài hoa kỷ niệm họ yêu mến, để tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc.

Trong tất cả những nhạc phẩm viết về hoa, có lẽ bài Nhớ mùa hoa tím của Mạnh Phát được tôi yêu thích nhất, dù không biết rõ tác giả đang đề cập đến loại hoa nào, mà chỉ đoán lờ mờ đó là một loài hoa dại nơi đồng nội, dựa theo nội dung bài hát, và hình minh họa đẹp tuyệt vời của họa sĩ Duy Liêm. Thuở nhỏ khi còn ở Châu Đốc với bác, tôi thường được nghe ca khúc này. Có lẽ đây là lý do chủ yếu khiến tôi yêu thích bài hát này chăng? Nhớ khi nào qua mấy mùa hoa. Mơ bóng dáng năm xưa xa mờ. Chiều chiều tìm trong tia nắng phai, gửi về nơi chân mây cuối trời bao buồn vui giữa mùa hoa tím... Châu Đốc là một tỉnh lẻ nửa tỉnh nửa quê, và cũng có nhiều loài hoa màu tím: bập bềnh trên ao hồ có hoa lục bình đẹp mê ly; dây leo thì có hoa cát đằng buông rủ trông như cây hoa đậu và thường hay bị sâu ăn, hoa bìm bìm rất xinh xắn dù đơn sơ mộc mạc, hoa ánh hồng tức hoa lan tỏi  nhìn thì đẹp quí phái nhưng lại hôi rình mùi tỏi, đúng là loài hữu sắc vô hương. Trái lại, hoa lài Nhật hai màu trắng, tím lại thơm ngây ngất  Có cả hoa giấy đỏ, cam, trắng, tím nữa, vẫn thường trồng trong vườn để làm cảnh hoặc để làm hàng rào, Một hôm bước lần theo lối cũ tôi về tìm lại giàn hoa tím xưa chưa phai… (Dưới giàn hoa cũ, Tuấn Khanh).

Một bài hát tôi cũng vô cùng mê đắm vì hình ảnh nên thơ và nhịp điệu rộn ràng là bài Hoa soan bên thềm cũ, được trình bày qua tiếng hát vui tươi của ca sĩ Thanh Lan. Sinh ra ở miền Nam, tôi không được biết đến loài hoa này, dù vẫn thường nghe nhắc tới qua  lời bài hát, Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi... Lâng lâng như lạc vào đồng hoa. Như hương hoa soan dâng bên thềm nhẹ nhàng nhưng ngất say,.. hay bài Mái trường xưa của Phạm Mạnh Cương, Chiều nao hoa soan ngập mái trường. Chiều nao hè về gieo nhớ thương… Chắc tác giả đã nhầm với hoa phượng? Hoa phượng rơi đón mùa thu tới. Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi. Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi nhớ muôn vàn nhớ ơi. Hát trong màu hoa nhớ… (Sắc hoa màu nhớ, Nguyễn Văn Đông).

Một loài hoa tím nữa được trân trọng nhắc đến trong bài Mùa thu chết, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Apolinaire, thi sĩ Bùi Giáng lược dịch, là hoa thạch thảo, hình như cũng được gọi là cúc họa mi. Giống như ca khúc liêu trai Mùa thu chết, sự ưa thích của tôi đối với bài hát Tôi vân yêu hoa màu tím của Hoàng Trọng hoàn toàn dựa vào niềm hứng thú thất thường lúc thích lúc không của tôi, Ngập ngừng trăng thu lững lờ vương soi xuống trần gian vắng Lạnh lùng mây đem gió về khua lá rơi người buồn chăng? Tôi trót yêu hoa màu tím, Nên vấn vương duyên thầm kín, Ôi biết bao đêm thao thức bên song bâng khuâng chờ trông. Mà thời gian trôi mấy mùa thu qua vẫn hoài mong nhớ. Đàn lòng ngân lên những lời tha thiết bên người thờ ơ...

Trong bảng màu vẽ của họa sĩ thì màu hồng nằm gần màu tím, vì màu này từ màu kia mà ra. Vì vậy sau đây tôi xin nhắc đến loài hoa màu hồng! Vì ít nhất một bài viết cũng phải có bố cục mạch lạc, chứ đâu thể luông tuồng. (Lẽ ra tôi đã viết bài cảm nhận này theo thứ tự bốn mùa xuân hạ thu đông, rồi tôi lại đổi ý, viết theo từng sắc hoa, mà mở đầu là màu tím) như những bông hồng lả lơi dưới ánh trăng, Vườn hồng say ánh trăng đêm. Nhấp nhô bên hàng cây mềm. Ngàn hoa nghe gió êm êm. Trăng thu nghiêng mình bên thềm… (Thềm trăng, Minh Phương) hay hoa đào mùa xuân, Chợt nhớ thương về quê xưa. Mùa xuân không còn nữa. Muôn cánh hoa đào phai úa. Lối cũ rơi hững hờ. Nơi ấy bao ngày xanh qua. Hồn thơ mơ màng quá. Yêu những khung trời hoa bướm với nắng tơ vàng êm… (Hoa bướm ngày xưa, Nguyễn Hiền). Cũng sắc hoa hồng phơn phớt của hoa đào trong nhạc phẩm Tình xuân (Vũ Thành),  Đào mỉm cười trong gió chào đón xuân về. Nhạc tràn lan đây đó muôn loài lắng nghe. Tình ngày xuân chứa chan vương vấn cung đàn…

Mùa xuân là mùa hoa nở, Trông Anh Đào bừng nở. Nàng Lan cũng mỉm cười. Âu yếm bên nàng Huệ là Cúc sắc khoe vàng tươi. Năm ngón tay Ngọc Nữ nhẹ đưa xuân vào cõi đời. Trong nắng xuân vời vợi cởi áo cho nàng Hồng vui (Xuân mộng, Lam Phương).

Cũng phải nhắc đến một loạt tác phẩm ca ngợi hoa mùa xuân, tất cả đều có giá trị thưởng lãm, như Đẹp giấc mơ hoa của Hoàng Trọng, Hôm qua đến tìm em. Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm. Bâng khuâng bước nhẹ êm. Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên…, Dựng một mùa hoa của Hoài An và Phó Quốc Thăng, Chào bình minh hoa ban mai lả lơi. Nhạc dịu êm dư âm vang ngàn nơi Bên khóm tre tươi chim hót hoa cười trong nắng yêu đời…, Mùa hoa thắm của Hoàng Trọng, Trời bình minh nhẹ theo chiều gió, muôn cánh hoa đẹp trên cánh đồng, khoe sắc êm dịu dưới ánh hồng, nhìn hoa thắm lòng bao nhớ nhung…, Hoa xuân của Phạm Duy, Có một chàng thi sĩ miền quê. Ngắt bông hoa biếu người xuân thì. Có một đàn em bé ngoài đê. Hát câu i tờ đón xuân về…, Đám cưới đầu xuân của Trần Thiện Thanh, Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu. Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu,  Đồn vắng chiều  xuân của Nhật Trường, Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai nhẹ rớt trên vai gầy. Hồn chới với ngỡ giữa xuân vàng dáng em sang…

Hoa cũng là tiếng nói của tình “bạn”  thuở ban sơ, như trong bài Nhớ bạn của Vũ Thành, Xuân vương trên ngàn hoa nhắc bao sầu nhớ mơ màng .Mây buông trong chiều vắng như luyến tiếc giấc mơ đã tàn Nhớ dưới xuân năm nào lòng say ước mơ sống trong mộng vàng, Tuổi biết buồn của Phạm Duy và Ngọc Chánh, Nhớ bé xưa cùng chơi, đuổi nhau dưới bóng hàng cây Nấu nướng hay nhảy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau đứng bên cầu, Ai ngờ dòng đời đang cuốn mau... 

Nhạc, đó là tiếng lòng! Ước mong sao những người nghệ sĩ tài hoa ấy cứ tiếp tục chia sẻ với nhân gian những kỷ niệm vương ngàn sắc hoa của họ, để những phím tơ đồng cứ mãi réo rắt ngân lên những cung bậc du dương, để ngàn hoa, hóa bất tử trong các nhạc phẩm ấy, sẽ thắm mãi những sắc màu, cho người đời ngàn xưa đến tận ngàn sau vẫn còn được thưởng ngoạn…

Trần Thị Phương Lan    
(Bút nhóm Hoa Nắng)   
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét