Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

HẠT NGỌC - Thạch Lam

 

 
Tặng Nhung và Đằng
 
Hôm nay, Ban ở trường học cắp sách về, có vẻ buồn. Về nhà, Ban vứt sách trên bàn, rồi ngồi phịch xuống ghế, thừ người ra như đang nghĩ ngợi lắm. Ban vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời và rất chăm học, nên cha mẹ nó quý lắm. Ông Ba thấy con như vậy gọi đến bên cạnh, dịu dàng hỏi:

- Ban, con làm sao mà buồn thế? Có việc gì đấy? Hay hôm nay ở trường con bị phạt?

Ban trả lời:

- Con không bị phạt, nhưng bài luận hôm nay con làm hỏng cả, không được như mọi khi.

- Bài luận thế nào mà con làm hỏng? Xưa nay con vẫn khá về luận cơ mà. Đầu đề bài luận ra sao?

Ban chạy lại bàn học lấy quyển sách đem đến. Cậu giở sách đến buổi học hôm nay, rồi đọc cho cha nghe:

- Bài luận như thế này: "Anh hãy tả rất kỹ lưỡng một buổi gặt lúa ở nhà quê: Công việc của những người gặt hái ra sao, và cảm tưởng anh thế nào?"

Ông Ba bảo:

- Thế thì có lấy gì làm khó, mà con không làm được?

Cậu Ban gấp sách ngửng nhìn cha, rồi đáp:

- Nhưng mà con chưa trông thấy người ta gặt lúa bao giờ thì làm thế nào mà tả được?

Câu trả lời gọn ghẽ ấy khiến ông Ba bỗng sửng sốt. Ông lẩm bẩm trong miệng "ờ nhỉ", rồi lặng im. Sự thực giản dị ấy, ông không ngờ đến, nay khiến ông suy nghĩ. Ờ mà thực như vậy: thằng Ban chưa được xem gặt hái bao giờ thì làm thế nào mà nó tả được? Mà sao nó lại chưa được xem? Vì từ bé đến giờ nó vẫn ở luôn trên Hà Nội, chưa được về nhà quê lần nào.
 
Ông bà Ba trước kia vẫn ở nhà quê, ở một làng đông đúc và sầm uất về tỉnh Hưng Yên . Sau vì nghèo nàn, ông bán hết vả nhà cửa và ruộng nương, thu xếp lên trên tỉnh làm ăn. Từ độ ấy đến nay, ông cũng không có dịp nào trờ về thăm quê cũ ; hai con ông, Ban và Hồng, em nó, đều sinh trưởng ở trên này cả. Ông rất chăm chút các con, rất để ý đến sự nuôi dạy chúng. Ban năm nay học lớp nhì trường Hàng Vôi, còn em Hồng, còn bé theo học một trường tư ở gần nhà.

Ông vẫn yên trí rằng cho con đi học như thế là đủ. Nhưng nay ông mới thấy còn cần phải thỉnh thoảng đưa chúng đi chơi các nơi nữa mới được. Nhất là về nhà quê. Về quê để chúng biết công việc đồng áng ruộng nương ra sao, cái công việc cốt yếu và quan trọng ấy của cả một nước. Để chúng biết sự làm ăn khó nhọc, của những người chân lấm tay bùn, của những người làm ruộng, suốt ngày giãi nắng giữa cánh đồng ; để chúng biết được giá trị của một hạt thóc, mà bao nhiêu công quả mới gặt được về. Ông thường thấy trẻ con các nhà giàu có ở Hà Nội không biết coi trọng hạt cơm: trong bữa ăn, thường khi bỏ thừa bỏ mứa hoặc để vung vãi ra đất rồi dầy xéo lên không tiếc. Ông lại thấy các cậu đó đối đã với những người nhà quê rất là khinh bạc, tỏ ý khinh bỉ những người quần nâu áo vải. Rất thường khi ông được nghe các cậu ấy mắng người nhà người cửa là "đồ nhà quê" tựa như ba tiếng ấy có nghĩa là hèn hạ lắm.

Ông thôi nghĩ, quay lại nhìn con ; cậu Ban đã gấp sách cất đi, và trên mặt vẫn phàng phất một vẻ buồn rầu vì bài luận không biết làm. Ông gọi cậu lại bên cạnh, và bảo:

- Trong tháng này có ngày nghỉ lễ nào không?

- Thưa thầy, có ạ. Đến 11 này là ngày lễ Đình Chiến, chúng con được nghỉ hai ngày.

- Thế thì hay quá. Bây giờ tháng mười ta, lại đúng về vào vụ gặt. Để đến hôm nghỉ ấy, thầy sẽ đưa con và em Hồng về quê xem gặt.

Cậu Ban mừng quá, reo lên:

- Thật nhé, thầy đưa chúng con về xem nhé. Con muốn xem gặt lắm. Xem gặt có vui không, hở thầy?

- Vui lắm. Con về xem sẽ biết.

Bà Ba lúc ấy ở ngoài vào, cũng tán thành:

- Phải đó, về mà ăn cơm nếp mới. Nhân thể thầy nó về, tôi gửi ít qàu về biếu và Tú ở làng ta một thể. Từ ngày ra tỉnh làm ăn đến giờ, tôi cũng chưa có dịp nào về thăm bà cụ, không biết bà ta có được mạnh khỏe không. Ngày còn ở nhà quê, bà ta thường giúp đỡ luôn luôn trong lúc mình túng thiếu, tôi vẫn nhớ không quên.

Ông Ba nói:

- Ừ thế bà sửa soạn sẵn đi. Đến hôm ấy tôi với chúng nó sẽ đi chuyến ô tô sớm.


VỀ QUÊ

Sáng sớm hôm mồng mười, ông Ba cùng cậu Ban với cô Hồng ra bến ô tô, đường đi Hưng Yên. Xe đi quá ga Phú Thụy thì ông Ba bảo đỗ trước một cái chợ nhỏ bên đường. Ba người cùng xuống. Ban ôm gói quà bánh, hỏi thầy:

- Đã đến làng ta chưa ạ?

- Chưa, còn phải đi một quãng xa độ gần hai cây số nữa. Bây giờ ta hãy vào hàng nghỉ, uống nước đã.

Xếp hàng bên một con đường đất đều có nhiều hàng quán bán nước. Hôm ấy là phiên chợ, nên các hàng đều đông khách cả. Những người nhà quê ngồi chen trên cái ghế dài quanh cái chõng hàng: người thì ăn thuốc lào, người thì bưng bát chè tươi nóng lên miệng, húp từng ngụm nhỏ và tắc lưỡi ra dáng ngon lành lắm. Các bà nhà quê đi chợ thì ngồi trên chiếc giường nan phía trong, vừa ăn trầu, vừa nói chuyện, thúng mủng và quang gánh ngổn ngang trước mặt. Tiếng cười nói, lẫn với tiếng ồn ào của người họp trong chợ, làm vang động cả không khí.

Ông Ba cùng với Ban và Hồng vào ngồi trong một hàng nước. Người bán hàng là một bà cụ già đầu tóc bạc phơ, quần áo rất tươm tất và sạch sẽ. Bên cạnh bà, một đứa cháu gái mới độ hơn mười tuổi ngồi trông bếp nước. Bà cụ thấy Ban và Hồng là người trên tỉnh về, vui vẻ mời:

- Cô, cậu ăn quà đi. Hôm nay có bánh rợm và bánh chưng mới ngon lắm.

Ông Ba quay lại hỏi hai con:

- Hai con có đói không? Đói thì ăn đi.

Hồng nhanh nhẩu trả lời:

- Đói lắm ạ. Từ sáng đến giờ chúng con chưa ăn gì cả.

Cô và anh, mỗi người bóc một chiếc bánh rợm. Nếp mới thơm phức, và nhân đậu nhuyễn, rất bùi. Bà cụ hàng vui tính nói đùa:

- Hai cô cậu chả mấy khi ăn quà nhà quê, hẳn lạ miệng lắm.

Hai người ăn rất ngon lành. Vừa ăn vừa nhìn ngắm phong cảnh. Trước mặt quán, bên kia đường, là đồng lúa chín vàng mãi tận đằng xa. Hôm nay trời nắng, nên tuy có gió may mà cũng không lạnh lắm. Nhiều thửa ruộng đã bắt đầu gặt. Những người thợ gặt quần áo nâu nổi bật lên trên màu vàng đậm của lúa chín.

Trong quán, người vào uống nước nghỉ chân càng ngày càng đông. Trên chiếc ghế ngay cạnh chỗ hai anh em ngồi, hai ông cụ già đang nói chuyện về gặt hái, mùa màng. Ông Ba cũng bàn góp vào câu chuyện, cất tiếng hỏi:

- Năm nay vùng ta có được mùa không hai cụ?

Một ông cụ đeo kính trắng, nghe câu hỏi, ngửng lên nhìn ông Ba rồi lễ phép đáp:

- Cũng khá, ông ạ. Không đến nỗi như năm ngoái, phần bị sâu cắn, phần bị trận bão, thành thử hỏng mất cả.

Ông cụ kia nói thêm:

- Năm nay mà trời lại ra tai như thế nữa thì chết đói.

Rồi như ngẫm nghĩ lại chuyện cũ, cụ tiếp theo bằng một giọng buồn buồn:

- Ấy ngày trận bão năm ngoái, cụ có biết không, tôi có bốn mẫu nếp ở ngay chỗ đầu gió thành ra mất hết cả. Ngày hôm sau ra gặt không còn vớt được một phần mười.

Bà cụ hàng từ nãy vẫn lắng tai nghe, bây giờ cũng chép miệng nói chen vào:

- Rõ thật là trời sinh tai sinh vạ. Nhà cháu chả có gì, ấy thế mà hai sào ruộng cấp của con cháu ở xóm dưới cũng bị mất sạch. Mẹ con ngày ấy thật chật vật mới kiếm đủ ăn.

Ông Ba ái ngại hỏi:

- Thế ngôi hàng nước này của cụ có khá không? Ở đây xem chừng cũng đông người đi lại.

- Khá gì. Ông tính khách tuy nhiều nhưng chỉ cơi trầu bát nước, cả ngày không thu nổi dăm hào. Có ngày phiên chợ, bán được thêm chút quà bánh, nhưng lời lãi cũng chả là bao.

Rồi bà cụ cười, nét mặt tươi như hoa dưới làn tóc trắng:

- Rổi việc, bà cháu tôi dọn hàng cho vui. Chứ ở nhà không cũng buồn.

Cậu Ban yên lặng nghe, chăm chú nhìn mọi người, từ hai ông cụ đến bà hàng, cô bé đun nước cũng dừng tay têm trầu để nghe chuyện, hai con mắt đen ngạc nhiên nhìn lại cậu và cô Hồng. Ban hiểu rằng quần áo sang trọng của mình và của em đã khiến cho cô bé kia chú ý. Cô bé nhà quê ấy chỉ mặc có một chiếc quần đen, và một cái áo cánh nâu vá nhiều chỗ. Tự nhiên Ban thấy mến cô gái bé đảm đang ấy, hãy còn ít tuổi mà đã trông nom được cửa hàng giúp bà. Mỗi lần thấy cô bé nhanh nhẹn làm việc này việc khác, nét mặt vui vẻ, Ban lại thêm có cảm tình đối với cô ta. Cậu nghĩ đến những trẻ củng trạc tuổi ấy ở Hà-nội, hơi có việc gì đã sai người nhà, đầy tớ, không chịu mó tay vào việc gì, dù là dễ dàng, nhỏ nhặt: như múc thau nước, lau đôi giầy chẳng hạn.

Cậu đang suy nghĩ như thế, thì bỗng nghe tiếng ông Ba bảo:

- Thôi, đi vào trong bà Tú đi chớ. Để rồi còn ra đồng xem gặt.

Ông mở ví lấy tiền trả bà hàng: quà nhà quê thật là rẻ, hai cô cậu ăn no mà chưa hết một hào chỉ, cả tiền nước. Xong ba cha con vái chào hai ông cụ già, chào bà hàng nước rồi bước ra ngoài quán.


ĐI VÀO LÀNG

Ba người theo con đường đất nhỏ đi về phía làng. Hai bên đường có giồng những cây gạo, thân đứng thẳng tắp. Thỉnh thoảng lại có một cây bứa cành lá rườm rà xanh thẫm, hay một vài cây nhãn cổ thụ, gốc sần sùi và cành uốn rủ xuống thấp tới gần mặt đất. Ông Ba bảo hai con:

- Vùng này nhãn có tiếng là ngon. Cứ đến mùa nhãn là khách các nơi về mua đông lắm, họp thành hẳn cái chợ nhãn.

Hồng hỏi thầy:

- Bao giờ có quả hở thầy?

Ông Ba giảng cho con biết:

- Nhãn có hoa về cuối tháng hai hai đầu tháng ba. Đến cuối tháng sáu sang đầu tháng bẩy thì nhãn chín. Người ta nghiệm rằng năm nào nhãn sai thì nước to. Điều đó cũng có lẽ đúng, vì có nắng to trong mấy tháng nhãn ra hoa thì mới đậu nhiều quả. Mà nắng to trong mấy tháng ba, tư thì tất những tháng sau sẽ mưa nhiều.

- Nhãn giồng bao nhiêu năm thì được ăn quả, thầy?

- Lâu lắm. Nhãn là một giống cây mọc rất chậm, thưởng thì bẩy tám năm mới có nhiều quả. Những cây nhãn ở làng này toàn là nhãn cổ thụ, giồng đã lâu năm lắm.

- Cậu Ban nhắc lại:

- Con nhớ năm nào bà Tú có cho người đem ra biếu mấy trăm nhãn lồng ngon lắm. Nhãn lồng có phải là thứ nhãn mà lúc chín người ta đan cái lồng bọc ngoài để giữ có phải không ạ?

Ông Ba bật cười:

- Không phải. Nhãn lồng là một thứ nhãn rất chắc cùi dầy, múi có khi lồng lên nhau. Còn nhiều thứ nhãn khác nữa, nhãn đường phèn, nhãn nước, nhãn ráo. Ở vùng đây có thứ bạch nhãn quý lắm, gọi là nhãn tiến, vì ngày xưa vẫn đem tiến vua.

Mấy người mải nói chuyện nhãn, đã đi đến cổng làng lúc nào không biết. Qua mấy bậc đá xanh, ba cha con vào trong đường làng. Đường ở ngoài nắng vào đây mát rợi hẳn đi, vì hai bên đường hẹp có lũy tre mà cành lá giao nhau ở trên ngọn làm thành một cái vòm lá kín.

Đi một quãng, ông Ba dừng lại trước một cái trại có tường đất thấp bao bọc. Trên tường, giồng cây xương rồng làm thành một bức rào tươi kín mít. Một cái cổng mái gạch lộ ra dưới lá một cây bưởi rất lớn. Ông Ba bảo:

- Đây là nhà bà Tú đây. Hai con vào phải chào hỏi cho có lễ phép nhé.

Ban và Hồng đều vâng lời. Ông Ba bèn đầy khẽ cánh cửa, cất tiếng gọi. Tức thì ở trong có tiếng chó sủa ran, rồi có một người đàn bà đi ra đuổi chó, tay cầm một cái que.

- Ai đó?

- Tôi đây. Tôi hỏi bà Tú có nhà không ạ?

Người đàn bà đã ra đến cổng, mở rộng hai cánh cửa, và khi thấy ông Ba thì vui mừng reo lên:

- Ô kìa, ông Ba đấy à? Ông về bao giờ thế? Mời ông vào nhà.

Ông Ba vội vàng đáp:

- Thưa, tôi mới đi ô tô về, vào đây ngay đấy ạ. - Và ông quay lại bảo hai con:

- Bà Tú đây, các con chào đi.

Hai anh em Ban đều ngả mũ nón chào rất lễ phép. Bà Tú nhìn hai đứa trẻ, cười hỏi ông Ba:

- Hai cháu đấy à? Úi chào, chóng nhớn quá nhỉ?

Rồi bà âu yếm giắt tay cô Hồng, bảo:

- Đi vào trong này, con.

Mấy người qua cái sân gạch rộng, đã có một ít thóc phơi bên cạnh một đống rơm mới và một cái cối đá kê nghiêng trên mấy viên gạch.

Bà Tú mời khách vào nhà trên. Đó là một cái nhà gạch rộng rãi, làm theo lối cổ, có hiên và cửa bức bàn. Trong nhà, rất nhiều câu đối sơn treo ở các cột, và trên cao, một bức hoành phi lớn có bốn chữ đại tự mà cậu Ban chỉ biết được có một chữ là chữ "tâm". Bà Tú mời ông Ba ngồi trên chiếc trường kỷ kê liền một chiếc án thư, rồi gọi người nhà pha nước. Ban không ngồi ; cậu đứng tựa cánh cửa bức bàn nhìn ra ngoài sân, và qua đấy, cái vườn rộng bao bọc quanh nhà, rất nhiều cây quả mà cậu chưa từng trông thấy bao giờ. Lần này là lần đầu cậu mới được vào một nhà ở thôn quê, nên cái gì cũng khiến cho cậu chú ý, ngạc nhiên.

Bà Tú đặt khay chè lên án thư mời khách, rồi hỏi ông Ba:

- Bà nhà ta ngoài ấy có được mạnh khỏe không? Đã lâu nay, vì công việc đồng áng bận quá, tôi cũng chưa có dịp nào lên thăm bà được.

- Nhà tôi vẫn thường nhắc đến bà luôn. Hôm nay nhân mùa gặt, tôi đưa hai cháu về thăm bà, và xem gặt một thể. Chúng nó từ bé đến giờ chưa được xem gặt hái bao giờ.

Bà Tú nhìn hai đứa trẻ, cười:

- Về đây thì tha hồ mà xem gặt. Rồi tối tôi bảo người nhà thổi cơm nếp mới cho mà ăn, ngon lắm.

- Năm nay bà cấy được bao nhiêu mẫu?

- Hơn mười mẫu mùa, với vài sào nếp cái và hai sào tám lùn. Thứ tám mà năm ngoái tôi đã cho đem ra biếu ông bà ấy mà.

- Vâng thứ tám ngon và thơm quá. Hạt cơm trắng và rẻo. Nhà tôi quý lắm, cứ để dành ăn dần.

- Ấy, hôm nay đương gặt chỗ tám ấy đấy, ông đưa cháu ra mà xem. Con bé Đào nhà tôi nó cũng đương trông nom gặt ngoài ấy, từ sáng sớm.

Ông Ba đứng dậy:

- Vâng, xin phép bà để đưa hai cháu ra xem.

Bà Tú theo ra đến cửa, còn dặn với:

- Chong chóng mà về ăn cơm, ông nhé. Không sợ các cháu đói.

Hồng từ nãy thấy bà Tú hiền từ và âu yếm, mới bạo dạn trả lời:

- Thưa bà, ban nãy chúng cháu đã ăn lót dạ ở hàng rồi ạ.


RA XEM GẶT

Ông Ba lại giắt hai con quay ra. Nhưng lần này theo con đường khác, đi quanh co giữa làng, hai bên toàn là lũy tre và tường đất thấp của các nhà. Thỉnh thoảng bọn này gặp ở trước một cái cổng ngỏ, vài ba đứa trẻ nhà quê, đương chơi đánh khăng đánh đáo. Thấy người lạ đi qua, chúng dừng chơi đứng lên nhìn, có đứa mắt nhấp nháy vì ánh nắng, có đứa há hốc mồm ra như ngạc nhiên lắm. Ban nhận thấy phần nhiều chúng đều gầy còm cả, và quần áo vừa rách rưới vừa bẩn thỉu. Cậu biết rằng vì cha mẹ chúng nghèo.

Ra gần đến cuối làng, hàng lũy tre dầy kín tách hở ra để tầm mắt có thể nhìn thẳng ra ngoài cánh đồng lúa chín. Ông Ba dừng lại một lát bảo hai con:

- Ruộng của bà Tú về phía này. Phải, thầy hãy còn nhớ.

Ba người rẽ sang tay phải, đi men theo lũy tre. Gần đến một cái Văn miếu làm trên một mô đất cao, cây cối um tùm, ông Ba chỉ tay bảo:

- Đây rồi.

Ven đường, là một thửa ruộng đương gặt. Năm sáu người thợ gặt đang cúi mình trong hàng lúa. Trên bờ ruộng đã thấy nhiều lượm lúa chồng lên nhau, cùng với nhiều quang gánh để sẵn.

Một thiếu nữ nhà quê đang ngồi coi gặt bên đống lúa, thấy bọn người đến bèn đứng dậy. Ông Ba gọi:

- Cô Đào trông gặt đấy à?

Thiếu nữ vội vã chạy lại, mừng rỡ:

- Ồ kìa, ông Ba. Lại cả hai em nữa kìa. Vui quá.

Ông Ba đáp:

- Chúng tôi đưa nhau về xem gặt đấy, cô ạ.

- Ông đã vào trong nhà chưa?

- Đã. Chúng tôi ở trong ấy ra đây.

Cô Đào đưa ông Ba đến ngồi dưới bóng mát của một cây đa nhỏ. Hồng từ lúc trông thấy Đào đem lòng yêu mến ngay. Cô thân mật ngồi nép vào bên cạnh Đào, nghe thiếu nữ nói. Hai má Đào hồng lên vì ánh nắng, hàm răng đen nhánh và miệng cười rất tươi.

Ban đã chạy xuống ruộng lúa, đứng cùng hàng với những người gặt. Cậu thấy họ gặt rất nhanh nhẹn. Một cái vung tay ra, đã thu gọn một ít lúa vào cái hái. Rồi đến tiếng soạt cứ ngọt đi của lưỡi hái, cắt đứt thân cây, thế là một bó lúa đã nằm hàng trên đất ruộng cùng với những bó trước, trông rõ thật là dễ dàng, và giản dị.

Một người thợ gặt đã có tuổi, thấy Ban tò mò đứng xem, dừng tay lại nhìn lên, cười hỏi:

- Gặt thì có gì lạ mà cậu chăm chú xem thế?

Ban đáp:

- Thế mà lần này là lần đầu tôi mới được xem đấy, cụ ạ - Rồi cậu hỏi:

- Gặt có dễ không, hở cụ?

Người thợ gặt mỉm cười:

- Dễ lắm. Cậu thử mà xem.

Ông ta tháo cái hái ở tay ra rồi đưa cho Ban. Cậu đỡ lấy ngắm nghía. Cái hái có một thân chính bằng gỗ dài hơn một cánh tay, về phía giữa thân, có ghép một cái lưỡi bằng thép rất sắc. Một đầu cái thân có buộc dây vòng để luồn vào cánh tay giữ cho chắc ; đầu kia là một thanh gỗ khác - cũng có khi bằng tre - gập lại gần như thước thợ đối với thân chính, nhỏ hơn và vút nhọn như một cái sừng, người gặt dùng cái ấy để vơ lúa về thành bó, rồi đưa lưỡi hái ở thân chính ra cắt.

Ban thử đeo cái hái vào tay...

Cậu lúng túng mãi chưa biết cầm hái thế nào cho thuận. Ông cụ thợ gặt bèn chỉ bảo cho Ban biết cách cầm hái, và cách vơ lúa thành bó thế nào cho dễ cắt. Ban chăm chú nghe.

- Nào, bây giờ cậu thử gặt đi xem nào.

Ban cúi mình xuống các bông lúa, mắt đưa nhìn những người gặt quanh cậu để nhận xét họ làm thế nào.  Nhưng cử chỉ của họ nhanh nhẹn và thoăn thoắt đến nỗi cậu không nhận xét được rõ. Cậu cũng vung tay vơ lúa gọn về mình, tưởng thu về được nhiều, nhưng đến lúc sắp đưa lưỡi hái, cậu mới thấy trong tay mình chỉ có vài thân lúa. Cậu đưa lưỡi hái cắt: hình như thân lúa dai lắm, cắt mãi không đứt, và các bông lúa cắt không đều. Cô Đào ở trên bờ reo đùa:

- À, em Ban nhà ta cũng tập gặt lúa kia đấy. Cố lên, rồi chiều chị trả công cho.

Ban lại càng lúng túng. Tuy vậy cậu vẫn hăng hái làm việc ; mỗi lần vơ lúa gần người, cậu lại ngửi thấy mùi lúa chín thơm ngát, và bông lúa sắc sát vào tay, vào má. Một lát cậu thấy nực, và thấy nắng rát trên lưng ; mồ hôi đã rỏ giọt ở trên trán. Lúc bấy giờ cậu mới biết gặt là một công việc khó nhọc, chứ không phải dung dị và nhẹ nhàng như cậu tưởng khi mới đứng xem. Ban cố gắng cắt thêm được mươi bó lúa nữa. Khi cậu dừng tay ngửng lên, thì thấy các người thợ gặt khác đã bỏ cách cậu một quãng xa rồi. Ông cụ thợ gặt đỡ lấy cái hái và bảo:

- Thôi cậu nghỉ tay uống nước. Để tôi gặt chóng cho kịp.

Trên bờ, lúc ấy Đào cũng lên tiếng gọi:

- Lên đây uống nước ăn quà em Ban.

Cậu bước lên ngồi cạnh mọi người, ngay trên nền cỏ mượt, vắt áo lên lau mồ hôi trán và cầm lấy nón của em Hồng quạt. Cậu nói với ông Ba:

- Gặt thế mà nhọc lắm thầy ạ.

Ông Ba cười đáp:

- Ấy là con mới tập làm có một tí. Những thợ gặt này họ làm việc từ tờ mờ sáng đến giờ, chiều lại còn phải gánh lúa về làng. Thế mà công việc gặt kể cũng còn là một công việc nhẹ đấy. Kể từ lúc cầy ruộng đến lúc lúa chín, còn bao nhiêu là công việc nặng nhọc bằng mười nữa.

Cô Đào đã gọi một người bán hàng đổi đồng đến. Đó là một trong số những người đàn bà cứ đến mùa gặt, gánh các thứ quà bánh ra đổi cho các thợ gặt lấy lúa. Các thợ gặt được dùng ít lúa đổi lấy các quà bánh ấy, tuy lúa không phải của họ. Đó là một tục rất hay, biết đến cái công khó nhọc của những người gặt. Gặp chủ ruộng rộng rãi thì họ đổi được nhiều quà bánh hơn. Cô Đào là một thiếu nữ rất thương người và độ lượng, nên bạn gặt làm cho cô đều mến yêu cô.

Người đàn bà đặt gánh hàng xuống trước mặt Hồng. Trong hai thúng Hồng thấy có xôi lạc, xôi đậu đen, chả, các thứ bánh lá, như bánh chưng, bánh nếp, bánh tẻ, và diêm, thuốc lào với giầu, cau. Cô Đào bảo đơm một đĩa xôi gấc và cắt ít chả, mời khách. Ông Ba kêu còn no không ăn, nhưng Ban và Hồng thì ăn ngon lành lắm. Quà mới vừa lạ miệng, lại vừa ăn dưới bóng cây mát, trên bờ ruộng, nên Ban thấy có một vị cậu chưa từng biết. Cô Đào lại gọi các thợ gặt:

- Trưa rồi, các bác nghỉ tay lên ăn quà một thể.

Bọn họ vui vẻ kéo cả lên quây quần lấy gánh hàng. Người ăn giầu, kẻ uống nước, hút thuốc, và trò chuyện rất là vui vẻ. Bấy giờ mặt giời đã gần đứng bóng. Trên cánh đồng rộng bao la trước mặt, lúa chín lóe vàng dưới ánh nắng. Về phía chân trời, mấy đám mây trắng lững thững bay trên màu lam biếc.

Ban nhìn chung quanh thấy những người gặt ở các thửa ruộng khác cũng đã nghỉ cả. Phía đầu làng có nhiều cây to mọc trên bờ ruộng, nên quãng đồng này có vẻ thân mật của một cái vườn. Các bọn thợ gặt họp nhau dưới bóng cây, hoặc uống nước ăn thuốc, hoặc giở cơm nắm ra ăn với nhau. Thỉnh thoảng gió đưa lại tai Ban một tiếng cười, hay tiếng rít dài của chiếc điếu cầy hút mạnh. Không khí trên cánh đồng rất thoáng và dễ thở, khiến Ban thấy trong người khoan khoái, các mạch máu chạy đều. Và cậu tự nhiên cảm thấy một mối vui sướng nhẹ nhõm, từ lúc thấy cái vui vẻ làm công việc của những người thợ gặt ; hình như chính cậu cũng có dự phần vào sự hoạt động ấy.

Ông Ba bảo cô Đào:

- Ruộng nhà hôm nay đã gặt hết chưa cô?

- Hết rồi ạ. Bắt đầu gặt từ ngày hôm kia cơ ạ. Còn thửa ruộng tám này nữa là hết. Đến chiều nay thì xong cả.

Hồng ngây thơ hỏi:

- Thế là hết cả công việc, không còn phải làm gì nữa phải không chị?

Đào cười, giơ tay âu yếm quàng lên vai cô bé:

- Đã xong thế nào được. Lúa mang về còn phải đập, phải phơi, sàng sẩy, rồi mới đổ vào cót. Ấy là không kể nếu muốn có gạo ăn thì lại còn phải xay, phải giã nữa.

Đào đứng lại một chút, và chợt nghĩ ra, tiếp theo:

- May quá, hôm nọ chị đã bảo người nhà làm thúng gạo nếp mới, để tối chị bảo thổi xôi cho các em ăn. Xôi gạo mới ngon lắm cơ.

Ban và Hồng cùng đáp:

- Chị cứ nhắc mãi làm chúng em thèm.


TRỞ VỀ NHÀ

Ăn quà xong, Đào đã cố mời ông Ba và định đưa hai anh em Ban về nhà nghỉ, và ăn cơm chiều. Bà Tú cũng cho người nhà ra mời. Nhưng Ban và Hồng nói vừa ăn quà no, chưa muốn ăn cơm. Và hai anh em nói muốn ở lại bên cạnh Đào suốt đến chiều để xem gặt. Ông Ba cũng chiều ý hai con, để Ban và Hồng ở lại xem gặt nốt, còn mình ông về nhà trước không sợ bà Tú trông đợi.

Nghỉ ngơi xong, các bọn thợ gặt lại trở nhau xuống ruộng làm việc. Bọn thợ của cô Đào cũng xuống gặt nốt. Tất cả cánh đồng lúa lại diễn ra cảnh hoạt động tấp nập của ban sáng ; tiếng hái soàn soạt cắt lúa lại nổi lên lẫn với tiếng cười nói của những người gặt.

Cô Đào không muốn đứng không. Cô xuống ruộng thu gọn và buộc những bó lúa xếp vào quang gánh cho người nhà gánh về. Ban và Hồng cũng đến bên làm giúp, và công việc ấy dễ dàng, nên hai anh em làm được chu đáo. Đào pha trò:

- Ừ, hai em cố làm đi, cho xứng với nồi nếp mới chờ ở nhà chứ.
 
 Buổi ban chiều qua lúc nào không biết. Đến khi gánh lúa cuối cùng đã xếp, Ban mới hay rằng ngày đã sắp hết rồi. Cậu mải vui công việc quên cả thì giờ và cậu thấy trong lòng vui vẻ và tự bằng lòng mình lắm. Chị Đào bảo:
 
- Thôi, chúng ta cùng theo gánh lúa này trở về thôi. 
 
Bọn thợ gặt đã thu xếp liềm hái và quần áo. Tất cả chừng ấy người men theo ven bờ ruộng. Trên con đường về làng nhiều người gánh những gánh lúa vàng nặng trĩu.
 
Mặt trời đã lặn sau lũy tre của làng xa. Tuy vậy chưa tối hẳn. Các đám mây trên cao vẫn còn chiếu sáng, và trên cánh đồng còn phảng phất một chút ráng chiều tươi đỏ. Mọi người đều bước mau để chóng về tới nhà. Một mùi lúa chín thơm, theo anh em Ban đi, như vướng vào bụi cây, ngọn cỏ. 
 
Về đến sân nhà bà Tú thì trời bắt đầu tối. Bà Tú thấy thợ gặt về, vội vã ra đón hai anh em Ban.
 
- Gớm, sao chơi lâu ở ngoài ruộng thế. Làm ở nhà tôi mong mãi.
 
Rồi bà quay sang nhìn cô Đào, có ý trách:
 
- Sao con không đưa hai em nó về sớm ăn cơm, lại chịu nhịn đói.
 
Đào chỉ cười. Ban lễ phép đáp lại:
 
- Thưa bà, chúng con không đói ạ. Chị Đào đã gọi hàng quà đến cho chúng con ăn hồi chiều.
 
Bà Tú vỗ vào lưng hai anh em:
 
- Thôi, mau mau đi rửa chân tay rồi ăn cơm. Thầy đương đợi trên nhà kia kìa. 
 
Đào đưa Ban và Hồng ra cầu ao rửa. Bọn thợ gặt đã ở đấy rồi. Họ chen nhau vui vẻ trên chiếc cầu ao tre, khoắng nước rộn rịp khiến bóng các ngôi sao chiều lay động rung rinh giữa đám bèo.
 
 
ĐẬP LÚA
 
Cơm nước xong, Đào bắc một chiếc ghế dài ra ngoài sân, ngay nhà trên trông xuống. Bấy giờ, giăng đã lên quá ngọn tre, một mặt giăng trong sáng và gần tròn, vì hôm nay là ngày mười bốn ta.
 
Bà Tú bảo:
 
- Hôm nay có giăng sáng thế này thì dễ không phải thắp đèn đâu nhỉ.
 
Một người thợ gặt thưa:
 
- Cũng phải thắp, cụ ạ. Đèn sáng dễ vét thóc hơn.
 
Bà Tú gật đầu khen phải. Tức thì một người nhà đi lấy một cây đèn chân, thắp lên và đặt trên một chiếc đôn gỗ. Giữa sân, bên cạnh cái cối đá kê nghiêng, các bó lúa đã xếp sẵn thành mấy đống. Vài người khác đem một lá cót to và cao, quây vòng lấy cái cối, và cách xa cối độ ba bước chân. Sửa soạn xong đâu đấy, bọn thợ, miệng còn ngậm tăm, đã gọi nhau:
 
- Thôi, bắt tay vào việc đi chứ. Làm sao cho đêm nay hết được chỗ lúa mới gặt này.
 
Cô Đào nói khuyến khích:
 
- Hết chứ. Một mình bác Hiên đập cũng xuể rồi. Bác ấy vẫn nổi tiếng là người làm nhanh công việc cơ mà.
 
Người gọi đến tên đó là một người lực điền còn trẻ tuổi, rất vạm vỡ, khỏe mạnh. Nghe cô Đào nói, bác chẳng đáp lại, lặng thinh bước vào đập lúa.
 
Hồng nắm áo Đào hỏi:
 
- Ơ chị, người ta cầm cái gì đấy nhỉ.
 
- Đấy là cái néo, hai khúc tre có dây nối vào nhau. Người ta dùng néo để cặp lấy bó lúa giơ lên đập vào cối.
 
Ba bốn người liên tiếp nhau đập lúa rất nhanh nhẹn. Tiếng lúa đập trên cối đá thình thịch lẫn với tiếng hạt thóc bắn ra rào rào vào lá cót. Mỗi lần bó lúa đập xong, người thợ lại vừa mở cái néo, vừa quăng bó lúa hết thóc ra đằng sau.
 
Cô Đào cười, vỗ vai Ban, đùa bảo:
 
- Cậu lực điền, thủ ra tập đập lúa đi xem nào.
 
Ban nghe lời, đến bên đống lúa. Cậu cũng lấy néo quàng chặt lấy bó lúa, rồi giơ cao đập xuống cối đá. Cậu tưởng đã néo rất chặt, ai ngờ vừa đập xuống thì bó lúa đã bật tung ra ngoài mất. Ban lại cúi xuống nhặt bó lúa lên, néo lại. Nhưng hễ đập mạnh là lại tuột. Năm bảy lượt như thế. Thành thử trong lúc cậu loay hoay mãi, chưa xong với một bó thì có người thợ đã đập xong đến năm sáu bó rồi. Chị Đào cứ nhìn Ban mà cười - chị hôm nay vui vẻ lạ -, rồi rủ Hồng:
 
- Thôi, để mặc anh ấy loay hoay với cái néo. Chị em chúng mình ra phía này tuốt lúa chơi đi.
 
Chị giắt Hồng đến cạnh đống bó lúa đã đập rồi. Ở đấy bên cạnh một chiếc đèn hoa kỳ nhỏ, mấy người đàn bà đang ngồi tuốt lúa chung quanh một cái nia lớn. Hồng hỏi:
 
- Những bó lúa này đã đập hết thóc rồi cơ mà?
 
Đào giảng:
 
- Không hết sạch được. Thế nào cũng còn sót lại ít thóc. Có khi chỉ vài hạt. Nhưng mà cũng phải tuốt nhặt cho hết, vì một hạt thóc quý lắm.
 
Mỗi người cầm một đôi đũa tre, cặp lại trên từng bông lúa rồi tuốt những hạt thóc còn lại xuống nia. Công việc thật là cẩn thận và tỉ mỉ. Khi tuốt xong, thì không có hạt thóc nào sót lại, bông lúa chỉ còn là cuống rơm.
 
Ai nấy cùng hết sức làm việc. Ở dưới nhà ngang, phía bên trái gian nhà chính, bỗng nghe có tiếng chầy giã gạo, tiếng cười nói khúc khích của mấy cô gái quê. Lát sau, một giọng hát nổi lên, giọng hát trong vắt và lanh lảnh, êm như ru. Mọi người đều dừng tay lại nghe. Bà Tú nói:
 
- Lại giọng hát của cô Tuế rồi. Ở đâu có cô ấy là có tiếng hát.
 
Ban cũng chú ý nghe. Cậu nhận ra cô Tuế hát những câu ca dao mà cậu đã đọc qua trong sách. Nhưng tối hôm nay, giữa cái quang cảnh tấp nập ngày mùa này, cậu mới hiểu được hết ý nghĩa của các câu hát. Đó là những câu hát giản dị, về công việc đồng áng ở thôn quê, nói tới sự chăm làm và nhẫn nại của những người làm ruộng : thức khuya, dậy sớm, cả ngày cặm cụi ngoài cánh đồng, trong những ngày nóng nực của mùa hạ cũng như trong những ngày rét mướt của mùa đông.
 
Nhờ có tiếng hát phấn khởi, nên ai nấy đều hết lòng làm việc. Chẳng bao lâu mà lúa đã đập hết. Bây giờ người ta bắt đầu vun thóc vãi lại thành đống ; người cất tấm cót, người vần cối đá ra rìa sân. Nia thóc tuốt của chị em Đào, Hồng cùng với mấy bà khác cũng đã hơi đầy ; còn Ban thì cậu đang xuýt xoa, hai tay sát nhẹ vào nhau, vì từ nẫy đập lúa, da tay cậu đã có chỗ phồng lên.
 
 
TỪ GIEO ĐẾN GẶT
 
Bà Tú từ dưới bếp đi lên, theo sau có một người nhà mang một mâm đầy cơm nếp, muối vừng và bát đĩa. Mâm cơm để ở giữa sân, cạnh cái đôn để đèn. Bà Tú bảo các thợ:
 
- Nếp mới đây, mời các bác ăn đi cho vui. Hôm nay làm tuy vất vả, nhưng xong sớm tôi mừng lắm.
 
Rồi bà quay ra bảo Đào bắc thêm ghế và kê bàn ở trước thềm. Một mâm cơm nếp khác được mang lên, ít hơn mâm kia, nhưng bát đũa tươm tất hơn.
 
- Nào, ông Ba và hai cháu đâu, ra ăn đi. Gọi là có chút nếp mới ăn với muối vừng. Ở nhà quê này chả có quà gì khác.
 
Ban thành thực đáp:
 
- Thưa bà, chả có gì ngon hơn cơm nếp mới với muối vừng nữa ạ. Nhất là lại ăn dưới sáng trăng như thế này.
 
Hồng víu tay vào chị Đào:
 
- Chị cũng ngồi ăn một thể, chứ chị.
 
Bà Tú so đũa, mời. Mọi người đều xới cơm vào bát ăn. Ban đưa bát cơm nếp lên miệng, thấy mùi gạo mới thơm phức, phảng phất như hãy còn là lúa chín ở ngoài ruộng. Gạo vừa rẻo vừa quánh nhựa, ăn với muối vừng đậm và béo. Vì làm việc vận động xong, nên Ban thấy đói, ăn rất ngon lành. Suốt đời cậu chưa từng bao giờ ăn bữa cơm ngon đến như thế.
 
Mặt giăng bấy giờ ở giữa trời, trong vắt và sáng lạ thường. Bóng người in xuống sân gạch cứ rõ mồn một. Các lá cây bưởi, cây mít ở trong vườn đều sáng bóng lên như ướt nước. Qua hàng rào, các nhà hàng xóm cũng lao xao tiếng người cười nói, và thỉnh thoảng có tiếng chó cắn sủa một người thợ nào đi khuya. Tối hôm nay thật là cả làng đều hoạt động vui vẻ: thóc chín đã gặt về rồi, suốt một năm làm lụng khó nhọc bây giờ đã đến ngày kết quả.
 
Ăn cơm nếp xong, bọn thợ đều thu xếp đi nghỉ, vì họ đã làm việc từ sáng sớm. Chỉ còn có bà Tú, cô Đào cùng với ông Ba và hai con, thêm vài cô gái quê giã gạo, là còn thức. Mọi người đều kéo xuống nhà ngang, quây quần trên chiếc phản thấp. Ông Ba với điếu thuốc lào hút một hơi, rồi quay sang hỏi hai con:

- Thế nào, hôm nay hai con xem gặt có vui không? Và Ban đã biết rõ ràng chưa?

Ban thưa:

- Đã ạ. Bây giờ có ra luận thì con không sợ để giấy trắng nữa. Nhưng thầy nói cho con biết tất cả các công việc từ lúc cầy ruộng đến lúc gặt lúa, thì con mới biết đầy đủ được.

- Việc ấy thì không gì bằng hỏi chị Đào đây. Chị là người làm ruộng thì không ai còn biết rõ công việc hơn nữa. Hồng chưa để thầy nói hết, đã víu lấy tay áo Đào:

- Chị nói cho chúng em nghe đi, chị. Để rồi nhớn lên em sẽ về đây làm ruộng với.

Chiều ý hai người bạn bè mà cô thấy mến yêu ngay từ sáng, lúc mới gặp gỡ, cô Đào vui lòng kể lại những công việc cô vẫn làm quanh năm.

- "Ở đây đồng khô mà đất tốt, nên thường chỉ cấy lúa có một mùa thôi, còn lúc khác thì giồng mầu vì giồng mầu lợi hơn cấy chiêm. Giồng mầu nghĩa là giống các thứ ngô, khoai, cà, đậu. Có người giồng khoai tây và một thứ cây làm thuốc gọi là bông mã đề nữa. Giồng từ tháng một, đến tháng hai tháng ba thì giỡ. Cỏn thân cây đậu, hay khoai đem bón đất để thêm mầu, (như thế nên gọi là giồng mầu). Tháng ba thì bắt đầu sửa soạn mùa lúa. Ruộng đã cầy và để ải (1) từ trước, đập đất cho nhỏ, bừa, tát nước nếu năm nào ít mưa để gieo mạ. Mặt ruộng lúc bấy giờ phải xấp xỉ nước và san phẳng cho đều. Trong lúc ấy thóc giống đem ngâm đã mọc mầm, vớt lên rồi đem ra ruộng gieo. Chờ hai tháng thì được mạ. Lại nhổ lên để đem cấy. Trước khi cấy ruộng cũng đã phải cầy, bừa rồi. Độ hai tháng thì lúa lên đã cao, lúc ấy người ta gọi là "lúa con gái". Ba tháng thì có đòng đòng. Từ lúc ấy thì chỉ còn đợi lúa chín mà thôi, nhưng không phải vì thế mà hết công việc. Còn phải vơ cỏ, bón phân, tát nước, trăm công nghìn việc vất vả. Đến lúc trông thấy lúa chín không bị sâu, không bị mưa bão, mới hơi mừng. Rồi đến tháng mười như bây giờ thì bắt đầu gặt."

- Như thế là hết công việc, chị nhỉ.

- "Kể là hết công việc làm ruộng. Nhưng gánh thóc về còn phải đập, phải xay, giã mới thành được hạt gạo mà các em ăn đó. Nghĩa là công việc làm mất một năm, trừ có mấy tháng trước Tết và tháng giêng là còn được nhàn đôi chút. Ấy ở đâu đồng mầu, khô ráo và đất bỏ, công việc làm ruộng còn dễ. Ở các nơi đồng chiêm, quanh năm nước phủ, thì công việc lại khó nhọc hơn nữa. Cũng có nơi đồng tốt, tiện lợi nước, người ta cấy cả hai vụ, vụ lúa chiêm, gặt trong tháng sáu, và vụ lúa mùa, thì gặt bây giờ.

"Em muốn biết rõ các công việc ruộng nương thì học thuộc lấy bài hát này."

Ban và Hồng nhao nhao lên hỏi:

- Bài hát thế nào cơ chị? Chị dạy chúng em học với.

- Khoan đã. Để chị nhớ lại đã.

Đào lặng yên nghĩ ngợi, lẩm bẩm trong miệng như để nhắc thầm lại các câu hát, rồi cô bắt đầu đọc:

Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai giồng đậu giồng khoai giồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.
Tháng này đem lúa ra ngâm,
Đến khi mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Đặt tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước đã vơi mười còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gầu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.

Đào vừa dứt tiếng hát, Ban đã reo lên:

- Bài hát hay quá chị nhỉ. Để em lấy bút ra em chép.

Đào bảo:

- Phải đấy. Em chép thì mới nhớ được. Rồi học thuộc lấy để biết rõ các công việc đồng ruộng.

Rồi chị Đào nói thêm:

- Làm ruộng thì phải chịu khó, thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn, không ngại khó nhọc thì mới làm được, không phải là công việc dễ. Em Hồng sau này dẫu có chí thích cũng không làm được đâu, vì em không quen công việc khó nhọc từ lúc bé.

Bà Tú cười, điểm thêm vào câu chuyện:

- Các cô các cậu ở tỉnh quen ăn trắng mặc trơn rồi, có làm ruộng lại sợ bẩn áo.

Mọi người cùng cười. Ông Ba hút một điếu thuốc lào nữa, rồi thong thả bảo hai con:

- Đấy công việc làm ruộng chật vật như thế đấy. Kể từ khi gieo mạ, cấy lúa, cho đến lúc thành hạt thóc gặt về nhà, biết bao là công lao khó nhọc, dãi nắng dầm mưa. Người ta nói "Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm" quả không sai. Ấy là không kể những năm lại mất mùa đói kém nữa. Tuy vậy những người làm ruộng ở nhà quê không chán nản bao giờ, họ cứ vẫn chịu khó làm lụng. Hạt thóc cần để nuôi sống loài người, và lại mất bao nhiêu công của, bao nhiêu sức lực mới giồng lên được.

Vậy các con phải kính trọng và cám ơn các người làm ruộng, nhờ có họ chúng  ta mới có cơm ăn.

Bà Tú dịu dàng nói thêm:

- Hạt cơm là hạt ngọc đấy, hai cháu ạ. Ngày xưa có người học trò nhặt  hột cơm trên đống phân trăn mà cất đi, sau Trời Phật phù hộ cho thi đỗ. Vậy hai cháu phải quý trọng hạt cơm trong bữa ăn đừng để phí phạm rơi xuống đất bẩn nhé.

Ban và Hồng đồng thanh trả lời rất lễ phép:

- Vâng ạ. Chúng cháu xin theo đúng lời bà.
 

CHUNG

_____________ 
(1) Để chồng đất lên nhau cho tơi dưới nắng mưa và thấm hút không khí.
 
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét