Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

CHIẾN TRẬN - Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

 
Hình: latimes.com

Mẹ nói:

“Không ngờ, mẹ có được một đứa con là bác sĩ rất kiên cường.”

“Con không biết mình có kiên cường không Mẹ à!”

Đôi mắt Ái chớp nhanh để ngăn nỗi xúc động. Ái lảng sang chuyện khác:

“Mẹ ơi! Sao Mẹ lại mong có con làm bác sĩ hở Mẹ?”

“Mẹ không vì giàu, vì danh, mà chỉ vì Mẹ nặng một lòng biết ơn các bác sĩ. Nói chung là bác sĩ, y tá và những người làm trong ngành Y con ạ!”

“Mẹ nói đúng. Nếu không có y tá và các nhân viên khác, thì bác sĩ khó lòng làm tròn công việc của mình.”

Ái mang đĩa thức ăn của mình về bàn. Cái bàn ăn khá rộng, hai mẹ con ngồi hai đầu. Hình như đã thành một thói quen rồi, không ngồi kế bên nhau như trước kia. Hai chữ “cách ly” có ý nghĩa như một hành động vì an toàn, không phải nghĩa xa cách tình cảm. Con người thật lạ, Ái nghĩ vậy. Kho tự điển không có thêm chữ mới, mà có thêm nghĩa mới.

Trong bữa cơm hiếm hoi được ngồi cùng nhau, mẹ và Ái ôn lại chuyện một năm qua. Thế mà đã được một năm! Một năm thay đổi hẳn cuộc sống của mọi người! Thế giới có hơn 100 triệu người mắc bệnh, hơn 2 triệu rưỡi người tử vong. Những con số biết nói. Mỗi con số nhích lên là một sinh mạng!

Mẹ nói với giọng bâng khuâng:

“Từ khi còn nhỏ, mẹ đã có ý nghĩ quý trọng những vị bác sĩ. Ngày xưa, ở xứ mình, đa số người ta chỉ đến bác sĩ khi bị bệnh thật nặng. Do đó, vị bác sĩ được coi như ông tiên hay bà tiên cứu sống mình vậy. Hồi năm tuổi, con bị bệnh sốt xuất huyết. Thời đó, bệnh sốt xuất huyết và bệnh bại liệt là nỗi kinh hoàng của các bậc cha mẹ. Bệnh bại liệt thì có vaccine để ngừa, nhưng sốt xuất huyết thì không. Hôm mẹ ở với con trong phòng cấp cứu của bệnh viện Nhi Đồng, mẹ tận mắt chứng kiến một đêm không ngủ. Các bác sĩ, y tá, nhân viên và các sinh viên Y Khoa thực tập làm việc không ngừng tay. Họ cũng như những người mẹ theo dõi từng giọt dịch truyền, từng nấc lên xuống trên nhiệt kế đo thân nhiệt của những đứa con đang nóng sốt.”

“Mẹ, chỉ khi con ra trường, con mới biết là Mẹ thích có con làm bác sĩ.”

Mẹ cười:

“Thì bởi vì Mẹ không muốn tạo áp lực cho các con, Mẹ muốn các con tự do chọn ngành mình theo học. Điều Mẹ muốn, Mẹ không nói khiến các con khó nghĩ.”

“Hi hi, Mẹ đúng là bà mẹ tân thời.”

“Mẹ chưa già mà lị!”

Ái nghe cảm động. Hiếm hoi có một bữa cơm Ái được ngồi ăn thức ăn do Mẹ nấu. Ngày nào cũng là những ngày vội vã. Có được phút nào thong thả là ngủ vùi cho lại sức rồi lại vội vã ra đi. Mà cũng đâu phải lúc nào Mẹ cũng có thì giờ kể chuyện ngày xưa như hôm nay. Công việc của Mẹ cũng bộn bề…

“Lúc đó con còn nhỏ quá, nhưng con vẫn nhớ tới bây giờ, ngày con mê man trong bệnh viện. Con thấy đủ loại giấc mơ, có lẽ vì do sốt cao quá. Có lần thức giấc, con thấy ông bác sĩ đang khám bệnh cho con. Con tưởng như ông ấy là một ông tiên áo trắng…”

“Thì là ông tiên thật đó! Cả bệnh viện ai cũng mến phục ông. Nhưng ông ăn nói rất thẳng thắn. Ông sẵn lòng chê trách những bà mẹ coi thường lời căn dặn của ông. Căn bệnh sốt xuất huyết rất tai ác, con ạ! Nó lấy mạng sống của nhiều trẻ con.”

Rồi Mẹ rơm rớm nước mắt, nhắc đến một vị bác sĩ có con chết vì bệnh này. Đứa bé nằm giường ngay bên cạnh giường của Ái. Trước khi chết, đứa bé còn nói líu lo. Người cha bác sĩ đau lòng vì con, nhưng khi rời phòng bệnh, ông vẫn trấn an các bậc mẹ cha và chúc lành cho các cháu ở lại.

Còn một khía cạnh khác mà Mẹ thường không muốn nhớ, đó là đời sống của con người trong hoàn cảnh xã hội lao đao. Có người nói rằng tiền bác sĩ lãnh được sau một cuộc giải phẫu chỉ ăn được tô phở, hoặc chua chát hơn, so sánh một “ca” mổ ruột, bác sĩ lãnh tiền không bằng một người thợ vá một cái ruột xe. Có vẻ phóng đại quá chăng? Nhưng đó là thực tế. Nhiều vị làm trong ngành Y không ngần ngại nhận bao lì xì trước khi làm nhiệm vụ. Xã hội tập cho họ có thói quen như vậy, lâu dần trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Nhưng may mắn thay, vẫn còn những người không để mất lòng tự trọng, vẫn không để mất phẩm giá, không lao theo thời trang.

“Ngược về trước nhiều năm, có những hình ảnh làm Mẹ ghi nhớ lắm con ạ! Hồi đi học, Mẹ có lúc đến thăm thương bệnh binh. Mẹ nhìn mấy ông bác sĩ quân y, thấy cũng hơi sợ, vì trông các ông nghiêm nghị, khắc khổ lắm. Có lẽ vì thường xuyên ra trận, đối diện với cái sống chết trong gang tấc của những người lính, nên ít khi các ông cười.”

“Thật vậy hở Mẹ?”

“Ừ. Vậy chứ mấy ông cũng tình cảm lắm, chỉ có điều là họ giấu thôi! Một lần tình cờ Mẹ thấy ông bác sĩ quân y rơi nước mắt khi một người thương binh đau quá khóc gọi mẹ của anh ấy. Nỗi đau của con người, dù là tinh thần hay thể xác, không ai gánh giùm ai được.”

Ái khẽ nói:

“Con đi đây Mẹ!”

“Lại đi hở con?”

“Dạ. Số người nhiễm có giảm, nhưng người ta vẫn chết vì bệnh này. Tụi con còn mệt nhiều.”

Mẹ lắc đầu, mắt trĩu nặng. Mẹ dặn dò như mọi lần:

“Con cẩn thận.”

“Mẹ cũng vậy nhé! Có ai đến, Mẹ nhớ mang mask vào rồi hãy nói chuyện.”

“Mẹ biết. Con này, Mẹ không hiểu sao, chỉ một việc đơn giản như vậy, bảo vệ mình, bảo vệ người, mà nhiều người không muốn làm.”

Ái thở dài:

“Họ có cái lý của họ. Họ nghĩ đó là cái quyền của họ mang mask hay không. Họ không sống trong hoàn cảnh những người bị bệnh. Họ không thông cảm cho những người phải làm việc như tụi con.”

Ái rùng mình. Phải, một năm trôi qua như cơn ác mộng! Nhiều người cho đến lúc bệnh nặng rồi, vẫn không tin tại sao mình bị bệnh. Họ nói họ không tiếp xúc với ai, vậy con virus từ đâu mà đến? Không chỉ người già hay người suy yếu vì có sẵn bệnh, mà cả thanh niên tràn đầy sức sống cũng mắc bệnh. Làm việc trong phòng ICU, Ái như người đồng hành với bệnh nhân giành giật sự sống. Khi thất bại, Ái như cũng đồng hành với họ trong lúc họ ra đi. Rồi Ái phải đứng lại. Họ đi một mình.

Một lần, Ái ngồi bên người bệnh là một ca sĩ. Ai biết được đàng sau mớ dây nhợ và ống thở, là một giọng hát thanh tao! Cô có vẻ muốn hát. Nhưng đã hết! Tiếng chim ríu rít quyến rũ đã được thay bằng tiếng thở khò khè, và lịm dần như ánh nến leo lét chìm vào vũng tối. Một lần, Ái ngồi bên người bệnh là một nhà thơ. Những ngón tay run run cử động như muốn viết. Nhà thơ không còn đủ tỉnh táo để mơ mộng. Tất cả chung quanh nhà thơ chỉ là một tấm màn u uất. Trong những ngày căng thẳng cao độ, Ái chứng kiến cảnh phòng bệnh với những dãy giường mới mang tới, chính là garage đậu xe của bệnh viện, cảnh hàng dài những xe cứu thương chờ chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu nhưng không còn chỗ, phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ. Thương tâm hơn nữa, nhà xác cũng hết chỗ. Thi hài của những người chết đã được gói kín, sắp xếp lên các ngăn kệ của phòng lạnh dã chiến, có khi là trên những chiếc xe vận tải lạnh. Họ nằm chật chội, lớp lớp, hàng hàng…

Phải, một năm trôi qua như cơn ác mộng. Chết vì Covid có đáng hay không? Không đáng chút nào. Nhưng nhiều người đã chết. Cuối Tháng Hai, nước Mỹ đã mất nửa triệu người.

Có nhiều lúc Ái không dám nhìn mình trong gương. Mở chiếc “khẩu trang” ra, Ái choáng váng vì dưới hai mắt và hai bên má của mình như bị biến dạng: kết quả của việc thường trực đeo mask ngày cũng như đêm. Những phiên trực làm mặt mũi xanh xao. Hết trực, Ái phờ phạc tìm đến giấc ngủ, hy vọng lấy lại sức lực. Nhưng trái lại, Ái rơi vào tình trạng mất ngủ kinh niên. Ái sợ rằng mình rồi cũng sẽ mắc bệnh!

Một người bạn khá thân chia sẻ rằng bạn được làm việc ở nhà, vì công việc văn phòng có thể mang về nhà, không cần đến sở. Bạn tỏ ý lo ngại cho Ái. “Ái ơi, mình biết “work from home” là may mắn lắm. Có những việc không thể làm ở nhà, như Ái đó! Ái đối diện với mối nguy hiểm từng giờ.” Bạn cũng giả dụ nếu có thể chọn lựa, bạn thà chết vì đau tim hơn là chết vì Covid. Bạn nói đúng. Cái chết vì Covid đau khổ biết bao! Người chết vì Covid cô đơn biết chừng nào!

Vẫn như có sẵn định mệnh cho từng người, không ai chọn lựa được đâu! Ai mà biết được mình sẽ chết vì cái gì, chết lúc nào và chết ra sao? Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều người chết nên Ái có một cách nghĩ cho riêng mình. Đó là làm việc bằng tinh thần của một người lính. Giường bệnh là chiến trận. Người lính chỉ có một con đường là chiến đấu. Khi bại trận, người lính ngồi ôm mặt khóc. Khi chiến thắng, chào tạm biệt bệnh nhân xuất viện bằng tiếng vỗ tay và lời reo mừng. Mạng sống con người vẫn luôn quý giá!

Ái khẽ nói:

“Con đi đây Mẹ!”

“Ừ, con đi.”

Ái cười:

“Mẹ yên tâm, không đến nỗi như trước đâu! Mình đã được chích vaccine rồi.”

Mẹ gật đầu, nét mặt Mẹ vui:

“Phải, cơ thể của mình đang “sản xuất” chiến binh để chống giặc. Nói ráng một chút con nghe, ngày xưa, con nít như Mẹ làm quen với vaccine lần đầu trong đời là “trồng trái” để ngừa bệnh đậu mùa. Eo ơi, người ta dùng cái ngòi bút thấm thuốc rạch lên da mình mấy vết nghe ớn. Ai cũng lãnh sẹo vì “trồng trái” để khỏi bị cái bệnh tai ác đó. Có người còn bị mưng mủ, hành lên hành xuống. Dân mình nghe chích vaccine là mừng lắm. Họ biết tin tưởng vào khoa học. Chưa bao giờ nghe nói đến chuyện chống vaccine.”

Hai mẹ con không hẹn mà cùng thở dài, rồi cùng cười.

“Con đi đây!”

Biết trước rằng khi vào bệnh viện, Ái lại cũng sẽ đối diện với những cảnh ngộ đau lòng. Tuy vậy, tâm trạng có phần nhẹ nhàng hơn trước, với ý nghĩ mình đã có “cái nhà máy sản xuất chiến binh chống giặc” trong người. Có một chút hy vọng! Lúc trước, đi ra khỏi nhà cũng là như người lính đi ra mặt trận, nhưng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Có khi không được về nhà vì phải “cách ly” đúng nghĩa. Cũng có thể mãi không được về.

 

Cuối Tháng Hai, 2021            
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh   

Nguồn: http://www.camlinguyenthimythanh.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét