Một hôm có hai người bạn thân ở Thái Nguyên đến chơi; liền bảo vợ làm cơm thết đãi, rồi ra tiếp chuyện bạn, nói những việc Tam hoàng ngũ đế bình những thơ Lý Bạch, Đỗ Công, nào luận về thuyết Dương Minh, nào bàn về văn Trang Tử; đã khám phá được nhiều điều trong rừng văn kim cổ, xong xem ra nói chuyện cũng đã lâu. Liếc mắt trông xuống dưới bếp thời thấy khói lạnh tro tàn, lắng tai nghe không thấy tiếng mâm, tiếng bát, có ý chột dạ. Lén dò xuống thời thấy trên bếp có một cái nồi đồng to đánh sáng choang, trong để một chồng sách, bên cạnh có để một cái thớt với con dao. Tinh thần Minh Tử lúc bấy giờ bảng lảng, đành phải gọi hai bạn thân xuống bếp chỉ vào mà nói.
- Tôi lấy phải vợ không ra gì, các bác đến chơi bảo nó dọn cơm thết đãi, thời nó làm ra thế này là có ý bảo chỉ có sách, thời đem luộc sách đi thái ra mà thết bạn, thế có cực không. Để tôi xem có cái gì hai anh đem ra cầm rồi vào hàng cơm ăn vậy.
Các bạn vội nói:
- Ấy chết, chúng tôi cũng có tiền cả đây chứ không đâu, tưởng là bạn thân thời vào nói chuyện ăn cơm, không có thời thôi, chứ có ngại gì.
Tối hôm ấy Minh Tử lấy sách cho vào cặp, bao nhiêu quần áo nhà vợ may cho trả lại cả, chỉ mặc có cái áo rách và một cái quần cũ của mình ngày trước, định chí trốn đi. Trần Thị sang nhà bố mẹ ngủ không về. Sáng sớm tỉnh mơ, Minh Tử gánh sách đi thẳng, không còn quay cổ lại nữa. Đi mãi, ai ngờ cái quần cũ quá, càng đi càng rách tứ tung, mà chỉ có cái áo cánh, không sao che đậy được, song cứ nhắm mắt đi liều. Đến gần một cái giếng thời gặp mấy cô con gái đi gánh nước, xấu hổ quá, phải ẩn xuống giếng. Họ kêu rầm lên:
- Ô hay! Giếng nước cả làng người ta ăn, cái bác này hư quá.
Minh Tử luống cuống nói rằng:
- Thưa các cô, quả tôi không dám thế, tôi vốn là học trò nghèo, quần áo rách tứ tung cả, không có cái khố mà mặc, thấy các cô thẹn quá phải xuống ẩn ở đây, các cô không tin thời đã có hai cặp sách mà tôi để bờ kia.
Họ nhìn thấy cặp sách, không nói gì nữa gánh nước về, một lát lại ra. Có một cô xinh nhất đám ấy lần khân ở lại sau, đợi chị em xa rồi đi ghé qua chỗ Minh Tử ngồi ném cho mấy vuông vải trắng cô vừa dệt xong, rồi cứ lặng yên gánh nước đi thẳng.
Minh Tử đóng khố rồi gánh sách chạy theo hỏi:
- Thưa cô tôi hỏi không phải, cô làm ơn cho biết tên cô là gì để sau này đền ơn.
Cô kia không trả lời, Minh Tử cứ lạch cạch vác sách theo mà kêu, đến cổng làng hỏi đám trẻ thời mới biết tên cô ấy là Thảo, con ông Lý cựu trong làng.
Hỏi xong lại gánh sách đi, đi mãi mỏi chân và đói bụng quá, sẵn có bóng cây đa ở giữa đồng liền ngả lưng nằm ngẫm sự đời.
Ông chánh tổng ở làng gần đấy trưa nằm ngủ thấy có thần báo mộng rằng cánh đồng làng nhà người có ông Trạng bây giờ đang đói nằm ở gốc đa. Ông Chánh giật mình thức dậy lấy tay dụi mắt mà lẩm bẩm nói khôi hài một mình rằng:
- Quái, ta tỉnh hay mơ. Trạng nào lại nằm ở ngoài cánh đồng mà Trạng nào lại đói bao giờ. Song thần nhân báo mộng, thử ra xem sao.
Liền lấy nón ra chỗ cây đa thời chẳng thấy Trạng nào cả, chỉ thấy một anh đóng cái khố trắng đương nằm bắt chân chữ ngũ ở đấy, hỏi thời nói học trò nghèo, lỡ đường đói bụng nằm đợi chết. Ông Chánh liền mời ngay về nhà dạy học con mình, may quần áo, cấp lương cho tử tế.
Năm năm sau quả nhiên Minh Tử đỗ Trạng Nguyên làm quan tại triều. Một hôm nhớ người con gái gánh nước năm xưa, liền xin nghỉ đi tìm nàng, ăn mặc như người học trò kiết; tìm đến cái làng ấy thời họ nói nàng đã lấy chồng, bây giờ chồng chết, ở vậy nuôi con. Một hôm đón nàng ở ngoài đường mà chào:
- Cô còn nhớ người học trò ngồi ẩn dưới giếng không?
Nàng nhìn một lúc rồi nói:
- Phải tôi nhớ ra rồi, nhưng bây giờ ông muốn đến xin tôi gì nữa.
Minh Tử nói rõ ngay rằng:
- Tôi muốn cùng cô kết nghĩa trăm năm.
Nàng đỏ mặt lên mắng là sỗ sàng, rồi bỏ đi.
Minh Tử lên huyện xưng danh hiệu rồi bắt cho giấy về đòi nàng lên, nàng chỉ khóc mà nói:
- Tôi đã thề giữ trinh tiết với chồng, thời tôi xin giữ cho đến suốt đời. Quan Trạng ngài biết tới, thời cũng xin tạ lỗi mà thôi, sự đã quá rồi, không sao được nữa.
Minh Tử cố khuyên thế nào cũng không nghe, cho nàng tiền bạc bao nhiêu nàng cũng từ chối cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét