Thứ Tư, 12 tháng 3, 2025

MỘT CHÚT MƯA BỤI - Ngọc Minh


Hắn gọi tôi bằng chị. "Chị Ngọc! Chị Ngọc! Quay lại đây cho nói cái này một chút". Tôi quay phắt lại. Mắt trợn to. Chú nhỏ muốn chi đây. Ai quen mà gọi tên thân thiết dữ vậy. Tiếng hát cất cao: "Màu nắng hay là màu mắt nâu nâu". Tôi phá lên cười. Cái trò quái quỉ gì mà "dzui dzậy"? Hắn chống đàn xuống đất tựa cằm lên buồn hiu: "Vậy là thua cuộc với tụi bạn rồi. Chẳng biết làm cách nào cho chị chưởi."
 
Sau này thì đã biết rồi, đó là một lối làm quen của hắn. "Chị nghĩ thế nào về việc con trai theo tán con gái?" - "Đừng bày đặt phỏng vấn tôi. Tôi sẽ nói những lời người ta vẫn nói và chẳng bao giờ nói ra được đâu những ý nghĩ kỳ khôi quái đản của mình. Như vậy, tốt hơn hết vẫn là im lặng chứ gì?" - "Chị lách hầu hết những câu hỏi khôn khéo ghê. Nhưng chị cứ lẩn quẩn loanh quanh trốn tránh hoài vậy chắc tờ báo của tụi này phải dẹp quá. Thế chị có đồng ý với Tú không - Hắn xưng tên gọn ơ cũng như đã tỉnh bơ gọi tên tôi bằng cách nhìn bảng tên gắn trên áo - là con trai Phan Thiết rất..." - "Biết rồi, tối qua có mấy anh Trần Hưng Đạo qua đây với vài người không phải học sinh mà có mang võ khí. Họ có vẻ hận ghê lắm khi thấy mấy ông tướng nước mắm nhà này cứ nhởn nhơ theo tán mấy chị Bùi thị Xuân. Nhất là vở hài kịch khi hôm của Bình Thuận đã cho con gái sương mù đi hỏi chồng con trai cá nục. May nhờ thày Kèn, ông già râu của tụi này, ra tiếu ngạo vài câu nên mới im, không thì lộn xộn lắm".
 
"Theo Tú đó là một lối trả thù hạ sách. Thượng sách là phải quen lại mấy chị Bình Thuận. Tự nhiên thấy trong tất cả các tỉnh của Quân Khu Hai dự trại hè này, mấy chị xứ Phan có một cái gì hay hay nhất..." Tôi cười thầm nhưng cố làm nghiêm. Kéo mũ bê rê xuống giả vờ chùi kính nâu để ngắm nghía hắn một xí. "Tôi đoán không ra lớp của Tú" - "Hè năm tới Tú phải thi Bac un". Tôi lè lưỡi. Hắn học bằng tôi. "Nhưng chắc Tú nhỏ hơn tôi. Tôi 17 rồi đó" - "Bằng chứ! Nhưng cơ mà Tú đứng cao hơn chị cái đầu". Một cách tự nhiên hắn so vai với tôi rồi vui thú reo lên: "Thấy không?" Mấy thầy trại trưởng cứ đi ngang nhìn cảnh tượng này mà tủm tỉm cười hoài làm tôi ngượng quá. Bèn xí gạt hắn: "Tôi phải về phòng. Bỏ quên bàn ủi cắm rồi trong đó". Hắn cười trêu nói vói theo những bước chân phóng qua từng hai bậc cầu thang của tôi : "Phải ghi vào phóng sự của tụi này một điều mới khám phá. Là mấy chị Phan Thiết sang ghê đi. Dự trại mà mang theo cả bàn ủi!"
 
Nụ cười làm khuôn mặt trắng trẻo càng sáng sủa hơn, nhưng tiếng hát thì đổ sụp bóng tối hắt hiu lên mặt hắn. Tiếng hát trong sương khuya nhột nhạt tóc dài phủ êm sau lưng dù rằng đằng sau tôi, hắn đứng xa cả thước. Tôi kêu lên: "Đừng nhìn tóc tôi nữa Tú". Hắn phì cười: "Chị hay thế. Như là có đôi mắt sau đầu." Chúng tôi tiếp tục đứng nói chuyện trong tư thế đó. Hắn hướng về gáy tôi. Tôi nghiêng mình tựa trên balcon của dãy lớp học lầu phóng tầm nhìn về thành phố mập mờ ánh đèn trong biển mù sương. Cho đến khi có tiếng loa gọi tất cả trại sinh trở về phòng ngủ trước giờ ấn định. Nghe bặt tiếng hát ru êm trong bóng tối phía sau. Quay lại chỉ thấy phấp phới phiến giấy trắng với một vài nét phác họa dáng tôi tựa nghiêng lả tóc cạnh một khung cửa tròn như một bức tranh Tầu. Hắn vẽ tròng đen của tôi và đánh vào đó thật ngậm ngùi một dấu hỏi.
 
"Có lẽ anh ta thích màu nâu lắm hay sao mà thấy chị cứ bận quần Cigarette với áo gilet màu nâu hoài vậy" - "Anh ta nào"? "Thì cái anh chàng nào nằm trong tròng đen không tưởng của chị mà Tú chưa biết nên thay vào đó các dấu hỏi ấy mà". Tôi cười buồn: "Không có đâu Tú. Trong đó chỉ là cái dấu than." - "Chị có đôi mắt lạ lùng lắm chị Ngọc. Một người có đôi mắt như vậy phải hát hay ghê lắm". Bỗng nhớ đến L.M.H của Phú Yên đã ghi vào sổ nhỏ kêu đã "cảm thương hàn" rồi vì cái giọng ngọt ngào ru ngủ của dân Bình. Phải chăng nước mắm và gió bể thấm đậm thêm chất mặn mà phủ dụ người nghe cho từng âm hưởng của người biển Phan. Trừ tôi! "Tú nghe tiếng vịt đực kêu chưa. Tôi hát còn khàn hơn thế nữa." - "Chị khôi hài quá!" Hắn cười. Hàm răng trắng. Đôi môi đỏ. Cánh mũi mong manh. Lông mi cong dài. Tóc dài phủ gáy và trán. Dễ thương như mấy chú thỏ của tôi ở nhà. Đi đâu hắn cũng lôi theo cây đàn gỗ. Nhưng không ra vẻ một kẻ du ca đâu. Vì hắn còn thiếu rất nhiều những bụi bặm xốc xếch lôi thôi như một du tử...
 
"Tôi có một đứa em gái. Nhỏ hơn một tí xíu thôi. Nhưng đẹp hơn nhiều. Nó chẳng "quê một núi" như tôi đâu". Hắn xịu mặt: "Lẽ ra chị không nên nói như vậy. Chị làm như Tú kêu chị là chị vì cô em của chị đó hở. Tú cũng có một ông anh beau lắm. Nhưng mà Tú có muốn khoe với chị đâu" - "Ơ hay! Không thích thì thôi. Chuyện chi mà Tú hằn học dữ vậy". Tôi vò nát cọng cỏ đứng dậy. Hắn luống cuống: "Chị giận Tú thật sao?". Tôi thản nhiên đi. Đôi chân dài ngoằng phóng tới trước mặt tay dang ra cản đường "Chị phải cười chứng tỏ hết giận rồi mới được đi." Tôi mím môi, dậm chân "Dang chỗ không tôi hét lên bây giờ". - "Tiếc quá không có gương ở đây để chị ngắm mình. Soi tạm trong mắt Tú đi. Chị càng sùng mắt càng to ra lóng lánh sóng giận và dĩ nhiên càng đẹp. Má lại đỏ au, hơn cả dân Đà lạt nữa..." Tôi phì cười. Khó mà giận được hắn. Tiếng Bắc đó lại êm đềm xào xạo vút lời! "Ngẩn ngơ nỗi nhớ ngập tràn mắt đêm" - "Bài hát nào đâu mà dễ thương và lạ thế?" - "Thơ của ông anh Tú. Mới phổ thành nhạc đêm qua sau khi về phòng. Tụi bạn la chói lói vì Tú đàn suốt đêm chẳng đứa nào ngủ được..."
 
"Chị có chơi cái trò lẩm cẩm nầy không. Khắc tên mình và bạn vào gốc thông". Tôi rùng mình. Thung lũng mang tên tình yêu. Gốc cây mang hình tim với mũi tên xuyên qua. Rỉ máu! Thôi chú nhỏ đừng đi xa quá chớ. Để chị Ngọc còn hơi sức mà về Phan. Lúc haut parleur của thầy G. ầm ĩ gọi tập họp để lên xe về trại, tôi còn thấy Tú đứng giữa sườn thung lũng, ra dấu gọi đến. Giữa đám đông tôi cố gắng nhướng cổ lắc đầu khoát tay tỏ vẻ không đến được. Làm thầy G. phạt tôi chạy quanh 100 tên trại sinh Bình 5 vòng. Người giận đáng lẽ là tôi, thế mà đến lúc đi rửa chén với con An tôi bắt được mảnh giấy viết bằng mực nâu của hắn cột trên cành Mimosa vàng cạnh bể nước "Giận chị rồi. Khi sáng kêu đến coi một tác phẩm của Tú mà chị không đến. Tú khắc trên thông đôi mắt chị. Trong hai tròng mắt một là dấu than, một là dấu hỏi. Ghét chị quá đi."
 
Kêu giận kêu ghét nhưng hắn đã cười toe từ xa khi gặp tôi. "Đây là anh Tuấn của Tú. Còn đây là Lộng Ngọc, bạn của Tú". Ỷ có ông anh, hắn hạ tôi từ chị xuống bạn. Ông anh có vẻ sành sỏi khôn lỏi hơn Tú nhiều. Dân CTCT mà. Theo chương trình tối nay là văn nghệ giao hữu giữa các tỉnh và dân Võ Bị. Chiến Tranh Chính Trị lẫn Chính Trị Kinh Doanh (mấy chị Bùi thị Xuân bày tụi tôi đọc trệch VB thành Vỏ Bí hay Vợ Bỏ - CTCT là Cục Tác Cục Tác hay Con Trai Của Tôi - CTKD là Cu Tí Khóc Dai). Anh Tuấn hỏi tôi đủ chuyện đến trả lời không kịp. Nhưng càng nói chuyện tôi lại càng thấy thích cái lối nói chuyện bộc trực hiền hậu còn hơi hướm trẻ con của Tú hơn. Tôi vẫn còn được những người thân xem như còn bé mà. "Quay" con nhỏ vui thú lắm sao, ông anh của Tú. Nói chuyện với người lớn phải suy nghĩ, phải giữ gìn ý tứ mệt ghê cho con nhỏ lười lĩnh như tôi. Chợt nhận ra nãy giờ Tú đứng im lìm không nói lời nào. "Tú sao thế? Tê liệt xương hàm à? Mọi hôm nói chuyện nhiều lắm mà". Hắn đáp cộc lốc: "Mọi hôm khác". Chú nhỏ lại lẫy rồi. Tôi nói nhỏ vào tai hắn: "Sao Tú giống Mi Na của tôi ghê. Nó hay giận lẫy lắm". - "Mi Na là bạn thân của chị phải không?" - "Ừ! Nhưng nó là một con chó". Hắn ôm bụng ngặt nghẽo cười: "Chu choa (hắn bắt chước tiếng của dân miền Trung) bây giờ chị kêu Tú giống chó. Chị còn chơi thân với những con thú nào nữa không?" Hắn chẳng biết nhà tôi là Ty Mục Súc ở cuối đường xuống biển và cha tôi là thầy thuốc của súc vật. Người hay lẫy ơi! Bạn thân đâu thể có nhiều mà đến "những" lận. Và dù cho có lẫy, có hờn, có đàn, có hát, có cười đùa, có lặng thinh... chi thì tôi cũng phóc lên xe GMC vào ngày đó. Trước đó hắn đã cúi xuống cài huy hiệu trường Trần Hưng Đạo lên bê-rê của tôi: "Tú chẳng biết ép hoa như con gái. Chỉ có mỗi cái nầy biếu cho chị". Sân trường đã vắng hoe. Hương phấn huỳnh đàn phả xuống, tôi quay mặt lúng túng: "Trời ơi! Tôi chẳng có cái gì để lại cho Tú hết" - "Tụi nó bầu chị làm người sắt đá nhất vì không ai xin địa chỉ chị được" - "Tôi giải thích nhiều lần rồi. Tại nhà gần bể. Đường gẫy nên không có số. Tôi sống trên cát mà" - "Thế muốn viết thư cho chị phải làm sao?" - "Tú bắt chước câu chuyện trinh thám mười tên mọi da đen đêm rồi tôi kể đi. Bỏ thư vào lọ. Thả xuống suối. Suối chảy ra sông. Sông trôi xuống biển. Sóng sẽ cong tay vớt lấy chuyển đến tôi" - "Lúc nào chị cũng đùa được. Có lẽ mắt chị màu nâu nên không bao giờ chị biết khóc. Nghe có mấy anh hỏi thăm về một cô bé giấu tên trong đám lửa trại đêm rồi, được gọi là Không Tên Số Một trong trò chơi kết thân, Tú biết ngay là chị. Phải chăng tên chị là Hồ Phi Lộng Ngọc nên mọi chuyện với chị đều là bỡn cợt và mãi mãi bay xa." Chắc Tú chưa đọc những câu thơ này của Thanh Tâm Tuyền:
 
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi muộn phiền
ôi những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không lệ là những viên đá xanh 
những người khóc lẻ loi một mình
Đau đớn lệ là những viên đá xanh...
 
Xe rồi chuyển bánh. "Cho Tú gởi lời thăm cái dấu than trong mắt chị. Có còn chỗ trống nào cho Tú không? Tú làm một cái chấm thôi cũng được". Cám ơn xe đã chạy thật đúng lúc để vớt tôi khỏi trôi ngã bềnh bồng lúng túng ngột ngạt trong cái hố tạo ra bởi những lời vừa thốt của Tú. Xe lướt qua những biệt thự lạnh lẽo như hơi giá bốc lên từ mặt hồ. Đong đưa xa tít xa, trong vườn nhà ai những đóa Hạnh-Phúc Thủy-Tinh xanh mờ như cái ánh trăng xanh ướt của những đêm trại vừa qua đang lùi dần vào quên lãng hệt những cây thông đứng ngủ yên ngậm kín sương mai hai bên đường đèo. Hạnh Phúc ừ thì ngắn ngủi vì chóng vỡ như Thủy Tinh. Những hạt mưa sương lâm châm trên tóc. Nhớ đến một câu thơ của tôi mà Tú đã phổ nhạc: "Chút mưa bụi mùa xuân trong nắng hạ". Vâng! Nắng hạ đã bắt đầu úa. Nhưng mưa đó vẫn là mưa xuân. Nhẹ  nhàng như bụi phấn. Như khói hương thôi. Chưa đủ làm ướt má ai đâu mà hình như chỉ để dịu đi chút gắt gay của nắng mùa hè.
 
Rất đỗi tình cờ, tôi gọi khẽ tên hắn : Vũ Phiêu Tú. Là gì nhỉ? Mưa bay. Gió thoảng và một vì sao nhỏ nhắn như xui nhớ đến Le petit prince. Mãi một đời tôi, quấn quít những địa danh, những bạn thương bạn thiết, những dấu chấm than, chấm hỏi tận đáy mắt tôi hình như tên họ bao giờ cũng bắt đầu bằng những chữ P.T.
 
Tiếng chuông bỗng ngân nga từ tháp chuông của nhà thờ Con Gà thì phải nhưng lại như vẳng vọng từ đâu, một kiếp xa xôi. Nghe mênh mang trong mưa sương những câu thơ của Đ.M.T mà Tú đã hơn một lần ngâm nga cho tôi nghe:
 
Hãy rung lại một tiếng chuông của mọi ngày vàng trong quá khứ
Có thể em sẽ nghe hồn mình run rẩy trong từng mỗi âm thanh...
 
Mưa vẫn bay trên lưng đèo. Hạt bụi nước long lanh không làm ướt đất mà nhuộm mịt mờ cảnh vật, đọng thắm hoa rừng đẹp não nùng hơn. Có ai thấy không nhỉ? Đã có một hạt bụi của mùa xuân trong mùa hạ gõ âm thầm vào mắt tôi tạo thành một điểm và đọng hoài ở đó không tan.
 
 
NGỌC MINH       
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 41, tuần lễ từ 9-3 đến 16-3-1972)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét