Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

ĐẦU GÀ ĐÍT VỊT - Bình Nguyên Lộc

 

Người ta bảo xẩm lai đẹp hơn xẩm thiệt. Nhưng lai với dân gì mới đẹp ? Hình như với dân gì cũng đẹp cả, Ngọc nghĩ như thế.

Nhưng anh ta vừa khám phá ra rằng xẩm lai Cao-miên là người đàn bà lý tưởng. Người Cao-Miên tương đối thì cổ sơ hơn các dân tộc khác ở Đông-Nam-Á. Vậy người đàn bà cha Tàu mẹ Miên vừa có sắc đẹp lại vừa ngây thơ, chân thật, dễ yêu lắm.

Anh khám phá ra như thế vì anh vừa làm quen được với một cô xẩm thứ đó.

Anh rất ghét bốn tiếng "đầu gà đít vịt" người mình dùng để gọi thứ người nầy. Bốn tiếng ấy xấu lắm, mà những cô nàng nầy lại đẹp và dễ thương.

Ngọc gặp cô nàng trong một nhà quen ven biển hồ. Nàng không biết tiếng Việt. Họ chào nhau, rồi nhìn nhau mà cười.

Ngọc định đưa hết cái vốn tiếng Quảng của mình ra để trò chuyện với thiến nữ, nhưng khi nhìn lại cái trán của giai nhân, anh ta cụt hứng. Nhiều sợi tóc nhỏ rũ xuống cái trán sáng rỡ của người đẹp. Đó là lối để tóc của người đàn bà Tiều, trông ngây thơ lạ.

- Cú nường chìa tể - chàng nhìn cô gái mà nói như thế, khiến cô nầy và cả nhà cười ngất.

"Cú nường" là tiếng Quảng, "chìa tể" là tiếng Tiều, anh ba chỉ biết có hai tiếng Tiều sau đó, nên ráp lại mà nói thế, thật đầu gà đít vịt.

Vả lại Ngọc chỉ là khách thôi. Một người khách lại mời một người khách khác : "Cô nương xơi nước" thì chướng vô cùng, nên chàng bị cười là phải.

Nhưng có lẽ nhờ thế mà cô gái có cảm tình với Ngọc.

Cô gái nói với giọng mũi theo lối người Tiều-Châu, thỉnh thoảng trò chuyện với chủ nhà, người Việt lai Miên, vừa chỉ chàng.

Chàng thấy, đối với á xẩm, không cần giữ lễ độ nhiều nên cũng xáp lại mà nói, nói như người câm, nghĩa là bằng điệu bộ.

Á xẩm cười rũ rượi rồi cũng đáp lại bằng bộ tịch. Lạ lắm là hai người hiểu nhau.

Ngọc hỏi bằng bộ tịch :

- Cô nương tên gì ?

- Xíu-Tin.

Cô xẩm đáp bằng lời.

- Cô nương còn cha mẹ không ?

- Cha mẹ em đã qua đời.

Để đáp điều nầy cô nhắm mắt lại, rồi làm bộ ngã xuống. Xong cô ta làm bộ gạt nước mắt, chỉ lên đầu nói để tang.

- Cô nương mấy tuổi ?

- Mười chín.

- Cô nương có chồng chưa ?

- Chưa.

Vở kịch câm nầy chỉ dẫn được đến đó, vì các điều khác, khó quá, Ngọc ra bộ không được, mà dầu có ra, cô ả cũng chả hiểu. Cô gái trên mặc áo xẩm ngắn bình dân, dưới mặc xà-rong Nam-Vang bằng lụa dệt bông rất đẹp. Ồ, hai bàn chân non như chân em nhỏ, lại chân không ! Uổng chưa !

Nửa giờ sau, cô bé ra về. Ngọc lò tò đi theo.

Chàng dở ngón tán ngay. Chàng chỉ tay vào trái tim. Cô bé ngơ ngác chẳng hiểu gì cả. Chàng đổi chiến lược chỉ tay vào bụng ! Quả nhiên, cô bé hiểu, và mắc cỡ đỏ ửng mặt lên.

Họ đi lâu lắm mới đến một cái tha la. Cô ả làm thinh leo thang, Ngọc làm lì, không ai mời cũng cứ leo theo.

Cô gái mắc cỡ, vì cô mặc xà-rong, lại đứng trên. Cô xây lưng lại ngồi trên một nấc thang phủ xà-rong rất khéo và kín đáo.

Cô mỉm cười ra dấu bảo Ngọc xuống. Vô tình ngọc quên rằng chàng đứng dưới một cô gái mặc xà-rong như thế là vô lễ. Đến chừng cô gái biểu thế, chàng mới nhớ ra, và mặc dầu cố lì, chàng cũng vưng lời, xuống thang, dang ra xa.

Bấy giờ cô gái mới leo lên. Tới trên sàn, cô ta day lại cười và ngoắt Ngọc :

- Chìa tể.

Lần nầy cô xẩm mời xơi trà.

Họ nói chuyện líu lo, không cần hiểu nhau, nhưng vẫn thành đôi tình nhân sau một giờ mạnh ai nấy nói.

*

Ngọc thấy mình là một người sung sướng nhứt đời vì được người vợ câm, và nhứt là cô ả chìu chuộng chàng như một con đòi.

Xíu-Tin thuộc vào hạng phụ nữ yêu đương dữ dội dưới bộ tịch hiền lành, ngây thơ.

Đó là hai sự đối chọi rất dễ mê, nên Ngọc sau ba ngày đi lại, là đã dọn luôn nhà về ở đó. Chàng từ Nam-Vang đổi lên đây 1 mới có một tháng, còn ở trọ nhà người ta. Nên tội gì mà không xách gói về cái bồng lai kỳ lạ nầy.

Cô bé nấu cho chàng ăn theo lối người Tiều, nghĩa là rất gần Việt-Nam ta.

Hai vợ chồng không đi đâu cả, cứ ở nhà thương yêu nhau như hai con chim.

Tối tối chàng dạy vợ :

- Cái miệng.

Cô bé đáp lại :

- Cái miền.

- Em thương anh.

- Em thon ang.

- Em đau bụng.

- Em lau bọn.

Rồi cả hai cười như phá nhà.

Cô bé dạy chồng hát:

- Huề nía, huề cưn cưn.

Ngọc lặp lại:

- Hò nái hò con con.

Xíu-Tin cười ngất, bụm miệng chồng, chỉ lỗ mũi, bảo phải nói bằng lỗ mũi như nàng mới được.

Rồi cả hai lại cười đến rung rinh ngôi nhà cao cẳng, tha la.

Họ yêu đương nhau được ba tháng thì một hôm Ngọc có việc quan phải đi tỉnh lỵ Bạt-Tầm-Bong.

Hai ngày sau, chàng về tới nhà vào lúc tám giờ đêm, trời mưa dầm rỉ rả.

Tha la trơ trọi giữa cánh đồng với một ngọn đèn dầu leo lét. Thỉnh thoảng trời lại chớp lên, chàng thấy nó ấm quá, ấm vì kín mưa, lại ấm vì tấm tình ai trong đó.

Chàng vịn thang leo lên thì bỗng nghe trên đó có tiếng cười, mà là tiếng đàn ông.

Rồi lại nghe Xíu-Tin nói bằng tiếng Việt, y hệt như một cô gái Sài-gòn :

- Thằng chả ngốc lắm, cứ ngỡ em là đầu gà đít vịt thật, nên mê em lắm. Hồi chả lại đây, dư được tám trăm, giao em hết. Lương tháng nào cũng giao em xuất phát. Em đợi chả lãnh tiền kỳ nầy là quất ngựa chuối thôi.

Vừa lúc ấy thì sét đánh một tiếng long trời. Cả chiếc tha la và chiếc thang tre đều rung lên, kêu răng rắc.

Ngọc bủn rủn tay chơn, không biết vì sợ sét hay vì cái gì.

Có lẽ là vì con bé đầu gà đít vịt lại biết nói tiếng Việt.

Anh ta ôm đầu chạy ngoài mưa một mạch về đến nhà ở trọ khi trước.

Ngọc vào nhà, mặt hớt hơ hớt hãi như vừa bị ma rượt.

Chủ nhà hoảng hốt hỏi mau :

- Gì thế thầy ba ?

- Trời ơi ! Con bé đầu gà đít vịt ấy lại biết nói tiếng Việt !

- Con đầu gà đít vịt nào ?

- Cái con mà tôi theo mấy tháng nay đó mà.

Chủ nhà ngạc nhiên một giây rồi ôm bụng mà cười.

- Trời ơi, té ra thầy lầm nó à ? Tôi ngỡ thầy vui chơi vài tháng vậy chớ. Nó là một con ăn chơi ở Nam-Vang đến đây đó mà.

- Sao nó lại giỏi tiếng Tiều và tiếng Miên ?

- Thì ở đất nầy, có ai lại không giỏi hai thứ tiếng ấy.

 
(Trích từ tập truyện ngắn Tâm Trạng Hồng)
 
--------------------------------
1Một vùng ven hồ Tông-Lê-Sáp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét