Còn mấy ngày nữa là đã đi thi, tiếng nói như những nhát búa gõ mạnh vào đầu óc, làm thằng học trò 17 tuổi hoảng sợ. Biết bao ngày tháng trôi qua, học hành chẳng ra gì, đợi đến lúc ngày thi đứng bên cạnh mình rồi mới chúi mũi mà học, học đến phát sốt, học đến điên người, học đến hoa mắt, mờ tai. Hình ảnh của tôi đó, hình ảnh năm nào ôm cặp sách đi thi tú tài, lớ ngớ, lơ ngơ, chữ nghĩa chưa thuần thục đã đến ngày ứng thí. Bình thường, tôi là thằng lỳ lợm, ít biết sợ bất cứ chuyện gì, cả trong lãnh vực đáng sợ là lãnh vực tình yêu, chả thế mà từ đầu năm đệ Nhị, tôi hiên ngang gửi những bức thư tình cho An, gửi thư không chút e dè, để rồi chúng tôi thân thiết với nhau. Cúp cua một vài giờ học, đi chơi rong ngoài đường, cả tôi và An đều phí đi bao nhiêu là ngày giờ vàng ngọc. Tôi cứ tỉnh bơ, mặc dù lúc nào cũng nghe thầy cô nhắc nhở bên tai rằng năm thi đấy, đừng đi chơi nhiều, rủi ro trượt vỏ chuối thì chết. Có những đứa bạn tôi khôi hài thêm rằng con trai mà rớt thì đi Đại học Quang Trung, ắc ê cho gấp, còn con gái thì đành "lỡ bước sang ngang" cho xong đời. Lúc chưa thi thì còn khôi hài được, chớ lúc thi đến nơi rồi thì chẳng đứa nào còn thấy mặt đứa nào mà chỉ thấy quanh mình toàn là Sử Địa, Lý Hóa, Vạn Vật ám ảnh đầu óc. Riêng tôi, sắp đến ngày thi thì đóng cửa phòng, học ngốn ngầu như ma đuổi, học như điên loạn cả đầu óc, có lẽ mặt mũi tôi xanh xao, đầu tóc tôi bù xù trông ghê gớm nên mẹ tôi cứ xuýt xoa và vội vàng mua đồ về tẩm bổ. Mãi rồi tôi chẳng dám soi gương để nhìn mật mũi của mình, nhỡ chỉ thấy hình ảnh một con ma đói hiện ra trong gương mà thôi. Cả An cũng vậy, có lẽ lo học lắm (!) nên không đến nhà tôi và tôi cũng chả có thì giờ để mò đến nhà nàng. Đến bây giờ tôi mới tiếc những ngày đi chơi lang bang, giá như tôi chịu khó học hành cho đàng hoàng thì bây giờ đâu có lâm vào tình trạng là cứ cầm quyển vạn vật đọc lầm nhẩm vài dòng thì tim lại buốt lên bèn nhớ đến cả đống Lý Hóa đang chờ, vừa cầm bài Lý Hóa lên đọc thì bụng chợt thót lại, nhớ ra Sử Địa cả mấy chồng, Quốc Văn cả quyển vở. Rồi thì tôi lại cho Nguyễn Khuyến giao duyên với gương phẳng, những bó mộc, bó su be lại cho chơi cả với Đạo hàm, Lượng giác rối tung lên. Đến ngày lấy phiếu báo danh, lên trường nhìn bạn bè, đứa nào cũng xanh xao vàng vọt, nói không ra hơi, đứng không muốn vững thật là thê thảm.
Và dù muốn dù không ngày thi cũng đến, buổi sáng mẹ tôi đã cẩn thận bắt ăn ly chè đậu xanh to tướng, theo lời mẹ thì cứ ăn đậu sẽ đậu liền. Lúc đó, tôi lại thấy mẹ có lý và cố gắng nuốt cho trôi cả ly chè để... đậu! Đến lúc này thì đã quá sợ hãi và mất tinh thần, tôi bèn phải van vái sao cho đậu được là ăn chay một tháng. Những ngày thi trôi qua, bài làm thật thường, chỉ làng nhàng thôi. Toán bỏ vài câu, Lý Hóa bỏ vài câu, Quốc Văn thì làm thiếu, Vạn Vật tương đối khá, còn Sử Địa tha hồ đánh a, b, c, d loạn đả. Tôi cứ định thi xong sẽ tha hồ đi chơi cho sướng, nhưng mà những ngày chờ đợi kết quả sao mà dài thê thảm, tôi cứ trùm mền năm nhà, chán rồi tung mền lại bàn tính điểm, rồi lại âu sầu lo lắng. Cả An cũng thế, 2 tháng chúng tôi đồng hội đồng thuyền, riêng An là con gái nên hay khóc làm tôi phát cáu. Tôi cũng lo sợ ghê lắm chứ, nhỡ mà tôi rớt, chao ơi! Tôi nhắm nghiền mắt không dám nghĩ tiếp đến lúc tình tôi và An tan vỡ, tôi vào Quang Trung, An sẽ tiếp tục học nếu An đậu, và sẽ lấy chồng nếu An rớt. Nghĩ đến lúc An lấy chồng tôi đâm oán Bộ Giáo Dục quá, sinh ra thi cử làm chi cho nhiều người sau mùa thi bén xếp bút nghiên "cất bước sang ngang" và làm bao mối tình dang dở. Riêng An, nếu nàng lấy chồng thì sẽ yêu đời, còn tôi, vào Quang Trung rồi đi Trung Sĩ, cuộc đời kể như đã hết bởi vì đi lính rồi còn tính chi chuyện học hành. Nghĩ mãi rồi sinh ra ốm nặng, tôi nằm liệt giường cho đến hôm có kết quả, tôi biết có kết quả, cố gắng lết đến trường mà không nổi, đành phải ở nhà chờ An đến, giây phút chờ đợi dài quá, tôi như người ngồi phải lửa, cứ nhấp nha nhấp nhổm trên giường mặc dù rằng tôi mệt muốn đứt hơi. Đến khi nghe tiếng giầy của An vang lên dưới nhà, tôi điếng cả người, tay chân bủn rủn bám chặt lấy thành giường, hơi thở như đứt quãng, nghèn nghẹn mãi tới khi nghe tiếng An nói với mẹ tôi một cách run rẩy, Bác ơi, đỗ rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhỏm. An còn đứng nói chuyện với mẹ tôi một lát, lúc này tôi mới nghĩ rằng An nói đỗ rồi mà ai đỗ mới được, tôi hay An? Thế là tôi lại lo sợ phập phồng. Đến lúc An xuất hiện ở thang lầu, vẫy tôi và cười, đỗ rồi, cả hai đứa hết, đỗ hết rồi. Tự nhiên tôi tung chăn đứng bật dậy, cứ như là bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ, chả còn bệnh hoạn gì nữa. An cho biết cả hai đứa đều đỗ thứ, hạng bét trong tất cả. Sợ tôi buồn An cứ xuýt xoa, bét thì bét chứ có nhiều người thèm được dính vào bảng vàng như mình mà có được đâu. Riêng tôi, tôi chỉ muốn hét to lên rằng "Quang Trung ơi, chào mi, hẹn một ngày nào xa xôi lắm".
Xong màn xem kết quả thi đỗ, tôi và An mở tiệc ăn khao, đi chơi đã đời. Mãi đến lúc mẹ tôi nhắc đến một tháng ăn chay tôi mới nhớ ra, thôi chết mất, ăn chay một tháng thì có khác nào đi tu đâu, tôi đâm ra trách mình sao nông nổi, vái chi đến một tháng ăn làm sao nổi đây. Mẹ tôi biết vậy nên cố gắng mua rau đậu về làm nhiều món ăn chay lạ miệng. Nhưng cho dù có thay đổi bao nhiêu thì tôi chỉ ăn được một tuần là ngán ngẩm, cứ chỉ toàn là đậu hũ mà thôi. Mẹ tôi thấy tội nghiệp nên van vái để xin ăn chay thay tôi 3 tuần. Đấy, mẹ tôi chịu khó với tôi như thế đấy, nghĩ mà thương mẹ quá, nhưng bù lại mẹ cũng đã hãnh diện nhờ tôi, đi đến đâu mẹ cũng được khen tốt phước, có con chăm học, thi đâu đỗ đấy, và tôi được đem ra làm gương cho những đứa bé nào biếng học trong họ hàng nhà tôi. Mà có ai biết rằng, chính tôi đây cũng phải học điên cả người, giỏi gì đâu.
Mãi cho đến bây giờ, đã vào đại học, sao mỗi khi nghe đến bốn tiếng "Đi thi Tú Tài" là tôi rợn người. "Thi ơi là thi sinh mi làm chi?" Câu hát của một tác giả thật là ý nhị, mùa thi thường đúng mùa mưa nên mùa thi cũng chính là mùa nước mắt học trò.
TRẦM THỊ DỄ THƯƠNG
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 60, tuần lễ từ 20-7 đến 27-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét