Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

BỌT NƯỚC TRẮNG - Nguyễn Quốc Hiệp

 

Họ quen nhau thật là lạ lùng. Đó là cô bé có mái tóc ngang vai và con mèo mắt bi ve. Cô bé thì hay học bài ở cửa sổ, ngồi mơ mộng nữa. Từ cửa sổ nhìn ra biển cô bé chỉ thấy chòm cây bàng xanh mướt, còn biển thì lờ mờ loáng thoáng nên không giúp cô bé mơ mộng được, cả con đường Hoàng Hoa Thám nữa. Xời ơi nắng gì mà chang chang, thấy mà ghét. Chỉ con mèo, con mèo trắng mươn mướt của ai đó hay qua vườn nhà cô bé để ngủ quên, ngủ ở nhánh cây ngọc lan gần cửa sổ phòng cô bé. Không biết vô tình hay cố ý, con mèo thỉnh thoảng lại chớp chớp mắt nhìn cô bé, đó là chưa kể, đôi khi còn kêu meo meo nho nhỏ. Cô bé thích chí lắm, cười hoài, giúp thêm ý cho mơ mộng, cho mấy bài luận (luận của cô hay nhất lớp ấy), cho cả khuôn mặt bầu bĩnh của cô nữa, dễ thương ơi là.

Thế là họ quen nhau, cô bé đặt tên mới cho con mèo hết nửa ngày, Forget-me-not, cái tên dài quá mà cũng dễ thương. Đừng quên tôi, ý cô bé nhắc con mèo ấy mà. Và cô bé xưng bằng tên mình. Ức Gi. Cũng dễ thương nốt. Cô bé học siêng ghê lắm, dân "gạo" đó. Nhưng mỗi lần thấy con mèo sang để... ngủ quên là cô bé mừng ghê lắm, cứ y như bắt được vàng. Cô bé kêu gọi vang cả con đường dài đang nghỉ trưa, làm cả những con chim thức dậy náo động tưng bừng. Mẹ đi ngang nhăn mặt:

- Ức Gi làm gì đó, có để bố ngủ không, bố dậy đánh đòn giờ.

Rồi mẹ lẩm bẩm:

- Con gái lớn mà còn đoảng thế.

Cô bé làm bộ so vai rụt cổ rồi cười xòa, chị Ức Ti ghé mắt kêu:

- Hình như nó bị khùng rồi, kìa me, cho nó vào nhà thương nhanh lên...

Có tiếng me cười. Ức Gi định cãi với chị, nhưng nghĩ sao cô bé lại thôi, cô quay sang háy mắt với con mèo.

- Forget-me-not thấy không, suýt nữa là Gi ăn đòn rồi.

Con mèo dừng lại trên chót cành cây, còn một chút xíu nữa, con mèo không nhảy qua, nó đứng nhìn cô bé. Còn đợi người ta bế nữa à? Con mèo "xụ" mặt làm thinh, giận đó, cô bé cười cười rồi nhoài người ra bế nó vào, con mèo vẫn lẫy, cô bé mất hồn xin lỗi rối rít và phải đền bằng một cái "mi" nhẹ lên trán con mèo, nó mới kêu nho nhỏ và vẫy đuôi, nhưng đến phiên cô bé giận. Cô bé giận thì thôi khỏi nói, dễ thương ghê là, hai mắt nhắm nghiền, môi mím lại, mặt hồng lên, tóc rũ ngổn ngang trên vai, con mèo lại rối rít, nó nhảy lên bàn, leo xuống ghế, liếm vào chân trần của cô bé, "người ta" xin lỗi đó. Cô bé mới cười, mím thôi, còn giận mà. Một chặp, cho đã đời, cô mới bế nó lên "chồng đồn" lên vai và ca hát vang lừng. Mẹ phải xách roi chạy xuống mới thôi. Nó khùng mà. (?)

Đó mới là chuyện giận giận quen quen thôi, chưa kể chuyện đi học, đi nhà thờ, đi chơi biển v.v... Cô bé siêng đi nhà thờ lắm, cũng như đi học. Hồi kia, cô bé phải đi bộ, từ nhà đến trường Thánh Tâm mất mười lăm phút, chưa kể nhiều hôm dậy trễ với làm nũng với mẹ. Và mòn sơ sơ một tháng một đôi guốc gỗ. Mẹ kêu tội nên cho đi xe, xe nhà ấy mà, cái xe của bố đi làm buổi sáng, buổi chiều bác tài chở đi học. Bác chiều cô bé ghê lắm, cô bé đòi đi ngả biển, bác đi ngả biển, cô bé đòi chở theo con mèo, bác chở con mèo, lúc lên xe thì đủ chuyện, cô và con mèo giận nhau, rồi cô đòi ngừng mua kem, lên chia bác tài, đòi đi mua chiếc vòng san hô đen... Tùm lum hết, mà bác vẫn chiều, chị Ức Ti biết, kêu bác tài bảo chiều quá nó hư bác chỉ cười thôi, bác dễ yêu ghê. Đến trường cô bé chia tay và bác tài chở con mèo về, trả cho cái cây trước cửa sổ phòng cô bé.

À, con mèo của cô bé đó, nó ở cùng đường ấy mà, nhà nó xeo xéo với nhà Ức Gi, cũng có căn gác gỗ trắng lại có lan can nữa, chiều chiều, có người con trai ra đó đánh đàn, đánh thì nghe "được" mà cứ nhìn cô bé hoài dị òm à. Con mèo thì cũng ngồi đó, nó đợi chiếc xe chở cô bé về là chạy theo sang chơi với cô, chơi hàng xóm láng giềng, giận giận quen quen và học với cô bé.

Nhưng... một hôm, cô bé đang vói tay ôm con mèo sang thì chạm phải một tờ giấy nhỏ, được buộc bằng chỉ trắng vào chân con mèo, làm cô cuống quýt. Cô bé gỡ ra cầm nơi tay, ngượng ngùng. Có phải là một lá thư đó không. Ô! Lá thư nhiệm mầu làm sao, nó làm mặt cô bé cứ hồng lên, hồng lên và đỏ ửng. Cô bé thấy nóng ran ở má, mạch máu trong người căng thẳng, tim đập thình thịch. Cô mở ra, lá thư chỉ vỏn vẹn:

"Đằng ấy cho đằng nầy làm quen đi.
Nguyễn Quốc Hiệp"

Cô bé bỏ rơi tờ thư xuống đất. Ê quá, ai mà lại làm cho người ta mắc cỡ. Cô bé giấu nụ cười trong tóc mà hồn đã ra ngoài cửa sổ, cô bé liếc lên căn gác bên kia. Anh chàng đang nhìn cô bé đó kìa. Ức Gi cuống quýt bước lại bàn cắm cúi viết:

"Có phải đằng ấy hay đánh đàn ở lan can phải không? Đừng nhìn người ta nữa.
Nguyễn Vũ Ức Gi"

Cô bé buộc thư lại chỗ cũ, hai tay vẫn còn run rẩy, con mèo hình như hiểu được, nó liếm vào đôi tay nóng ran và nhìn cô bé. Cô bế nó lên hôn nhẹ vào trán và trả lại cành cây. Làm giùm sứ giả cho Gi đi bơ! Cô bé lại liếc lên bắt gặp Quốc Hiệp đã ngưng đàn, nhìn cô bé đắm đuối, cô bé giật thót mình, chạy vội đến giường nhoài người trên ấy. Lúc này, cô bé giận mình quá khi nhớ đến những lúc giận con mèo, và làm nũng với mẹ. Không biết người ta có thấy không nhỉ? Đến thứ bẩy tới, làm sao cô bé xưng tội nữa? Bắt đền à?...

...

- Thưa Cha.

- Hở?

- Cho con xưng tội.

- ...

- Thưa Cha cho con xin xưng tội tám tuần... con đã giận hờn ba mẹ nhiều lần, con đã giận hờn anh chị nhiều lần, con đã giận hờn con mèo nhiều lần, con đã giận hờn người ta nhiều lần, con...

- Hết chưa?

- Dạ.

- Hết chưa?

- Dạ... dạ con... con... con... có quen với một... một... một người con... trai... ở trước nhà thì... thì... có tội không Cha?

- Hừ, con mấy tuổi?

- Dạ mười lăm.

- Thôi... con coi chừng. Việc ăn năn đọc năm kinh Lạy Cha, năm kinh Kính Mừng. Lạy Chúa tôi...

Từ đó hai người yêu nhau, vui lắm. Cô bé cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như ai cướp mất hồn, giả dụ như mẹ bảo cô rót nước mời khách, cô lại nhớ Quốc Hiệp và thay vì rót nước, cô ngồi làm thơ, mẹ đợi hoài, đến khi khách về, mẹ túm cổ cô bé ra cho ăn một trận đòn nứt đít nên thân. Nhưng chứng nào tật ấy, cô cứ mơ mộng và ăn đòn đều đều. Hôm học thi kỳ hai cô cứ mơ mộng quên "tụng" bài, mẹ dọa rồi, cô bé cứ trơ trơ. Cho đến ngày kế cận cô mới học, học cuống quýt, chữ nghĩa không ăn vào óc, và kết quả kỳ thi cô lại ăn đòn, hai roi thôi. Và cô bé đi xưng tội thế này:

- Lạy Cha...

- Hở?

- Xin thương xót con...

- Hở?

- Con hay nhớ người... con trai nên... kỳ thi này con hỏng, lạy Cha, mẹ giận đánh con, xin Cha thương xót con.

- Sao nữa?

- Xin Cha giúp con, cho con hết mơ mộng.

- Con cố học.

- Nhưng không được, thưa Cha.

- Cha biết sao bây giờ?

- Xin Cha thương xót con.

- Lạy Chúa tôi...

Cô bé từ đó đã vướng vào cái vòng lẩn quẩn, cô hứa rồi lại quên, quên rồi lại hứa, cuối cùng cô buông tay và ngồi khóc, buồn đến chết đi được. Bây giờ cô hết chơi với con mèo. Hai đứa hết thân, mà cô bé mắc thân Quốc Hiệp rồi còn đâu mà thân con mèo, chỉ nhớ một tí thôi. Chị Ức Ti biết, nhưng không nói, lâu lâu lại háy mắt với cô bé, hay hỏi:

- Quốc Hiệp ra sao rồi?

Làm cô bé đỏ mặt. Có một lần Ức Gi ngồi chải tóc trước gương hết hai tiếng, ủi áo quần hết một tiếng. Chị Ti kêu:

- Có hẹn hả?

Nói thực to làm cô bé hết hồn. Mẹ nghi, hỏi:

- Hẹn ai đó Gi?

Chị lại đỡ lời:

- Nó hẹn với tụi bạn đó, ăn gì đó mà me.

Rồi chị háy mắt với cô bé. Cô sợ muốn rụng tim ra luôn, chơi chi ác quá, từ đó thôi, cô bé giữ gìn ý tứ hơn, ra đường đi ngay ngắn hết còn tung tăng như trước. Mẹ thở dài:

- Giời ơi! Con gái giờ điệu rơi điệu rụng.

... Bây giờ, cô bé cũng quên xưng tội, ít xem lễ nhà thờ. Quốc Hiệp đã làm cô quên hết, cô chỉ nhớ Quốc Hiệp và những phiến bọt biển Quốc Hiệp tặng cô hôm sinh nhật:

"Cô bé giống như bọt biển trắng dễ thương ghê là"

Chừng đó thôi và bài hát nữa: "Anh theo là theo cô nàng..."


NGUYỄN QUỐC HIỆP          

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 100, tuần lễ từ  3-5 đến 10-5-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét