Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

NHỮNG VIÊN ĐẠN BI-DA - Bình Nguyên Lộc

 

Thái đọc :

CẦU Ô

Thanh niên hoạt động và chịu khó, đang học lớp đệ tam chuyên khoa, muốn dạy học thêm ở các tư gia. Hỏi cậu Hồng, 233/20 đường Phát Diệm.

Chàng mỉm cười. Cái cậu Hồng nầy sao mà giống chàng quá cũng hoạt động, cũng chịu khó, cũng học đệ tam chuyên khoa, mà nhứt là cũng muốn dạy học ở các tư gia. Chỉ có khác là chàng không đăng báo để tìm việc thôi.

Có hằng trăm thanh niên võ trang bằng những đức tính, giống hệt cậu Hồng nầy, và cùng một mong mỏi với cậu. Thái biết rõ thế. Như vậy, chàng thấy đăng báo không hiệu quả bao nhiêu: mình đăng báo này, họ đăng báo khác, khó hy vọng được người ta mời.

Thái lại đọc tiếp:

Thanh niên đẹp trai, học lực trung học đệ nhứt cấp giỏi âm nhạc, thể thao, biết lái mọi thứ xe có động cơ, sành chụp ảnh, cỡi ngựa giỏi, rất tháo vát, sẵn lòng làm bất cứ công việc gì, với bất kỳ lương bổng nào, đi xa bao nhiêu cũng được. Hỏi cậu Tân 469/ 178F Phan Đình Phùng.

Thái để tờ báo xuống rồi thở dài. Một thanh niên giỏi chừng ấy công việc, lại phải thất nghiệp đến cam kết nhận bất kỳ đồng lương nào và nhận đi bất kỳ nơi nào, thì xã hội Việt Nam quả đang ở vào giai đoạn tranh sống quyết liệt rồi đây.

Nhưng sau một lúc nghiệm kỹ, chàng giựt mình. Có bao nhiêu tài giỏi như anh bạn trên đây, cũng bằng không. Đó là những tài ba ăn trợt, khó lòng sử dụng được. Người ta cần một bác thợ hồ giỏi để đưa đi Ban mê thuột, người ta cần một anh thợ điện giỏi để coi điện cho một xưởng nào đó ở Sàigòn, nhưng chắc chắn không ai biết dùng vào công việc nào một thanh niên cỡi ngựa tài, hoặc sành âm nhạc.

Xét bản thân mình, chàng thấy chàng còn nghèo tài vặt hơn anh bạn ấy nhiều lắm. Mà tài lớn, chàng cũng chưa có, hoặc có, cũng không thể bán hoặc cho thuê được.

Như bất kỳ cậu học sinh nào, Thái đã viết văn và làm thơ. Chàng hơn bạn hữu một tí là thơ chàng được đăng lên vài tờ báo. Chàng lại hơn những mầm non văn nghệ được đăng báo là giới phê bình đã bắt đầu nói sơ đến chàng.

Một người bà con của chàng, vốn là ký giả, một hôm xui dại chàng gởi thơ cho những báo nào đăng thơ chàng để đòi tiền nhuận bút.

Đợi mãi không thấy báo nào trả lời cả, mà lạ lùng hơn nữa là thơ chàng bỗng dưng vắng bóng trên mấy báo ấy, mặc dầu chàng cứ tiếp tục gởi đến họ.

Và cũng như bất kỳ mầm non nào, Thái nghĩ ngay là họ muốn dìm một tài ba chớm nở: trong các tòa soạn ấy có những biên tập viên cũng là thi sĩ, sợ chàng lên quá rồi lấn mất họ, nên họ dìm chàng chăng? Chớ làm gì bỗng dưng tài của chàng lại thình lình triệt thối ở khắp các mặt trận như vậy được.

Chàng băn khoăn cậy người bà con nói trên điều tra giùm, và kết quả của cuộc điều tra ấy đã đánh tan mất trong trí chàng cái ảo mộng đổi ra sách vở và xi-nê những vần thơ của chàng.

Người bà con ấy nói: "Chỉ có một ông chủ báo là chịu cho biết vì sao không có tiền nhuận bút cho thơ của anh, còn mấy tòa soạn khác, nhứt định không trả lời tôi. Ông ấy bảo rằng lệ của nhà báo, bất kỳ báo nào, hay phần lớn các báo ở đây, không có tiền nhuận bút chữ thơ. Một bài thơ chỉ choán có một phần tư cột báo thôi, thì không lẽ đưa mười đồng hay hai mươi đồng. Mà đưa nhiều hơn, một trăm chẳng hạn, để xem cho được con mắt, thì hóa ra mỗi cột báo chi phí biên tập phải lên đến bốn năm trăm, và một trang tám cột phải mất đi bốn ngàn bạc à? Ông ấy nói làm thơ là làm cái gì cao quý, là phục vụ nghệ thuật, thì không nên làm hoen ố công việc đẹp đẽ ấy bằng cách đòi tiền công.

Thế là rõ! Và đã lâu rồi, Thái chỉ trông cậy vào tiền mà gia quyến anh gởi lên cho mỗi tháng một ít thôi.

Chàng đọc tiếp quảng cáo, và lầm thầm nghĩ rằng chỉ có bọn người thất nghiệp và bọn người túng thiếu như chàng mới đọc quảng cáo thôi.

CẦN DÙNG

Một học sinh bực trung học đệ nhứt cấp để kèm hai trẻ lớp nhứt tại nhà. Hỏi ông phạm Văn Mìn, thầu khoán 758 đường Cao Thắng.

À, đây rồi! Thái reo thầm lên. Nhưng chàng thấy cái mỉa mai trong hai bài quảng cáo trên và dưới, nên buồn cười lắm: trên thì tìm việc, dưới lại tìm người, đúng là cái người tìm việc trên: mà 2 quảng cáo cứ đăng mãi mấy ngày rồi. Hai người chưa gặp nhau à? Hay đã gặp nhau mà không thích nhau?

Thái nhứt quyết đi đến nơi cần dùng thầy giáo nầy, và không để trễ, chàng đứng dậy đi thay đồ.

*

Thái có cảm giác rằng ông Mìn không phải là một ông nhà giàu mới, mặc dầu biệt thự ông đang ở, chưa sơn đến lần thứ nhì từ lúc dựng lên đến bây giừ.

Ông Mìn có lễ độ. Vâng, nhưng những ông nhà giàu mới cũng có thể có lễ độ như ông. Không, không thể cắt nghĩa được cảm giác của chàng bằng một hay hai chi tiết. Nơi ông nhà giàu mới, tất cả cái gì cũng kêu ầm lên rằng ta đây vừa có tiền đây nè! Nơi ông Mìn, thì tuyệt nhiên không.

Nhờ cảm giác đó mà Thái có ngay cảm tình đối với gia đình nầy. Cảm tình của chàng quả đặt không lầm chỗ.

Hai đứa bé, mười và mười một tuổi, ngoan ngoãn lắm. Chúng ham chơi, hay lo ra, nhưng có người kềm là chúng chăm chỉ được ngay.

Ngày đầu, Thái được ông Mìn tiếp rồi đưa qua buồng học để giới thiệu cho thầy trò tiếp xúc với nhau.

Mới đi dạy lần đầu, Thái chưa biết phải làm sao cho ra vẻ. Chàng suy nghĩ kỹ thì thấy cứ cư xử tự nhiên như một người anh lớn đối với em nhỏ, không cần làm oai, mà trái lại nên gây cảm tình.

Cuộc tiếp xúc được thân mật, và tín nhiệm phát sanh ngay nơi lòng hai đứa bé. Ông Mìn coi bộ mừng lắm.

Những ngày sau đó, chàng đi ngay vào buồng học, và luôn luôn học trò có mặt sẵn nơi đó để đợi chàng.

Buồng học là một buồng trông ra đường và ở giữa nhà. Buồng bìa bên trái là buồng tiếp khách, còn buồng bên mặt có lẽ là buồng chơi của trẻ con, vì chàng thường nghe tiếng bóng bàn bên ấy.

Thái dạy vào buổi xế trưa. Trời nóng bức lạ, mặc dầu có quạt máy, thầy trò vẫn nghe khó chịu. Thỉnh thoảng một chị người nhà bưng ra ba ly nước cam vắt cho ba thầy trò giải khát và buổi dạy nào chàng cũng uống ít lắm là hai bận nước cam như vậy.

Thái giảng thêm bài trường và nói chuyện nhiều hơn là dạy, vì chàng tin rằng phương pháp đó hay hơn. Học trò xem ra cũng rất thích lối học như vậy.

Hai tuần lễ sau, không xảy ra chuyện đáng tiếc nào cả. Thái có gởi thơ xin phép ông Mìn dẫn Long và Hưng đi xem "Nàng tiên khác thường!" và đưa hai cậu bé về tận nhà, rồi thôi, sự thân mật giữa thầy trò không vượt ra ngoài những câu chuyện bên lề sự học và những câu chuyện cổ tích ta và ngoại quốc.

Nói rõ là chàng gởi thơ xin phép, vì chàng không gặp mặt được ông Mìn lần nào cả từ lần mới đến xin việc và lần giới thiệu thầy trò.

Hai đứa bé không tò mò hỏi về đời tư chàng, còn chàng thì tuy hơi tò mò thật đó, nhưng ngại thất lễ với gia đình ấy nên cũng không tìm biết gì.

Thái chỉ mong học trò tiến bộ để được tín nhiệm của gia đình, và mong cho tới tháng để lãnh tiền, hầu mua sắm thêm những vật cần thiết.

Bốn giờ chiều ngày thứ mười sáu, ông Mìn qua buồng học chào thầy giáo rồi khen ngợi:

- Tôi bằng lòng lối dạy của thầy lắm. Tôi có xem tập cháu, không thấy thầy cho bài nhiều, nhưng cứ nghe chúng nói chuyện thì nhận thấy chúng nó mở trí thêm nhiều lắm: suy luận đúng, tò mò hữu lý và biết sự tìm hiểu nhiều bài, nhiều việc xảy ra chung quanh chúng nó. Tôi mong thầy cứ tiếp tục phương pháp ấy mãi. À, thầy có giỏi Việt văn hay không?

- Thưa ông, đó là sở đoản của tôi.

- May lắm. Nhưng có thể làm cho học sanh khá Việt văn được hay không thầy? Tôi cứ nghe họ nói phải có khiếu mới giỏi được.

- Thưa ông, họ nói đúng phần nào. Nhưng đó là khi nào muốn xuất sắc muốn thành văn sĩ kia. Chớ còn muốn giỏi để đủ làm một bài luận văn cho sáng sủa, muốn hiểu và cắt nghĩa một bài văn cho thông thì chỉ nhờ được chỉ dẫn đúng cách và tự mình cố gắng là được rồi.

- Vậy hả! Tôi có một đứa con gái, con thứ ba. Năm nay nó học đệ tứ mà Việt văn nó kém lắm. Chính nó cũng tự biết thế và rất lo sợ hỏng thi vì môn ấy. Thầy có thế nào giúp thêm giờ để dẫn cháu đến ngày thi cho đủ sức với người ta không?

- Thưa ông, hiện giờ tôi dạy từ ba đến năm giờ. Nếu chỉ thêm cho cô Ba, thì tôi ở lại đến sáu giờ, không gì trở ngại cả.

- Tốt lắm. Tôi sẽ có chỗ tạ công thầy riêng về giờ thêm đó.

Ông Mìn vừa nói vừa xây lưng đi. Ra tới cửa, ông nói vói vào:

- Đúng năm giờ, tôi sẽ đưa cháu đến đây để giới thiệu thầy trò với nhau, rồi chiều mai khởi sự học.

Thích chưa! Sẽ có tiền thêm đây, mà một tiếng đồng hồ dạy thêm nầy, lương bổng ít ra cũng tương đương với hai tiếng đồng hồ dạy trẻ. Trung học mà, chớ nào phải tiểu học đâu.

Nhưng Thái hơi ngạc nhiên không hiểu vì sao ông thầu khoán này lại không mướn giáo sư Việt ngữ thật thụ để dạy con gái, lại nhờ mình. Trung học mà dạy Trung học thì thầy với trò có khác hơn bao nhiêu đâu? Đệ tứ là lớp chàng vừa bước khỏi chỉ mới mấy tháng nay thôi kia mà, ông cụ lẽ nào lại quên điều đó?

Hay là ông ta hà tiện, định lợi dụng mình? Ừ mướn giáo sư tốn tiền lắm. Còn nhờ mình thì bất quá đưa thêm vài trăm mỗi tháng là cùng?

Nghĩ tới đó Thái hơi lo. Nếu bị lợi dụng mà tranh đấu để tự vệ e mất chỗ làm. Còn nín thinh mà chịu thì tức biết bao!

Nhưng dầu sao cũng được chỗ an ủi này là người học trò mới là một cô gái mười tám, như ông Mìn đã nói.

Là thanh niên, Thái hay mơ mộng hão như bất kỳ học sanh nào. Thanh niên Thái lại là thi sĩ thì giấc mơ tình ái của cậu còn to biết bao nhiêu.

Đây là một cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh, tốn tiền cũng còn dám tốn nữa kia chớ nói chi là được trả công rẻ.

Vậy đêm nay phải uống thuốc ngủ mới được, kẻo mơ quá rồi không nhắm mắt được đa nhé, vì ông Mìn đã quên đưa con lại, chàng nóng biết cô ấy ra sao.

Ngày giờ trôi sao mà chậm chạp đến phát giận lên.

Nhưng mà sợ lắm thay! Có ai chận cho nó đi chậm thêm nữa thì Thái đây cám ơn lắm lắm.

Mà giờ long trọng đã đến, không làm sao bước lui được nữa.

Suốt hai tiếng đồng hồ dạy Long và Hưng, Thái chỉ giảng được mỗi một bài cách trí thôi, còn thì kể những chuyện đầu Ngô mình Sở cả.

Chiếc đồng hồ Carillon bên buồng bên đổ nhạc rồi thong thả buông từng tiếng như kẻ sát nhơn đếm một, rồi hai, rồi...

Cánh cứa buồng mở, và nơi khung cứa nàng tiên áo trắng hiện ra, không biết có đẹp hay không, vì Thái bối rối không dám ngước lên, làm bộ như câu chuyện đang nói với trẻ còn dài lắm mà chàng thì đang kể chuyện mê mệt, quên cả bên ngoài.

Nàng tiên bước lại trước bàn, nghiêng mình chào thầy giáo rồi nói với hai em:

- Tới phiên chị học đây!

Hai đứa bé cười rồi đứng lên nói:

- Xin phép thầy.

Chúng không đợi thầy cho phép, chạy ùa ra ngoài, vừa chạy vừa la.

- Đổi phiên gác rồi, sướng quá, đi chơi nhé.

Thái nghe mình bình tĩnh hẳn lại. Cô bé xinh quá nhưng chàng thấy cô ấy còn trẻ con lắm. Cô ta không gây được tiếng sét nơi lòng chàng.

Thế là hơn, chàng nghĩ. Mình sẽ làm tròn phận sự một cách dễ dàng.

Cô bé Ngồi xuống ghế rồi thưa:

- Thưa... thầy - cô ta do dự giây lát không biết kêu Thái là gì - em là Huệ. Em học đệ tứ trường "Cô Bắc". Chiều hôm qua, ba em định đưa em lại đây để trình diện với thầy, nhưng lại có khách thình lình, rồi cuộc thăm viếng của khách kéo dài hơn tiếng đồng hồ. Khách đi rồi, thầy cũng đã về mất, Nên ba em biểu em xin lỗi thầy...

- Không cần gì - Thái chận nói - Ông cụ có nói qua là đủ lắm rồi.

Thái nhận thấy cô học trò ăn nói dễ dàng quá, lưu loát quá, và có bộ tịch dạn dĩ lắm. Thái thấy cần thành thật ngay với cô học trò để cô khỏi thất vọng, hoặc khỏi bị cô ta "côn" để phá chàng chơi.

- Tôi chỉ mới rời khỏi đệ tứ chưa đầy một năm, không hiểu sao ông cụ lại nhờ tôi dạy cô. Tôi cần cho cô biết điều ấy để...

- Thưa thầy, thầy khỏi ngại - Huệ chận nói - Chính em đã năn nỉ ba em mướn thầy đó. Em biết thầy sành Việt ngữ lắm, có lẽ còn rành hơn cả ông giáo sư của em nữa kia. Em biết về thầy nhiều lắm...

Thái hốt hoảng hỏi:

- Cô biết gì về tôi?

- Em biết thầy là thi sĩ Phong Điền...

- Làm sao cô biết được?

- Em có thấy ảnh của thầy đăng báo một lần.

- Vậy à! Nhưng tôi lại không sành nghề dạy học. Biết là một đàng, dạy được là một đàng.

- Mà thầy đã thành công với hai em Long và Hưng, lẽ nào lại không thành công với em.

Thái làm thinh giây lâu rồi nói:

- Té ra cô cũng đã để tâm đến bọn thi sĩ chúng tôi. Vậy chắc là cô thích văn thơ ?

- Thưa, thích lắm.

- Thì sao cô kém Việt văn?

- Thưa thầy, bởi vì đi thi, người ta cho luận văn: Làm bài luận rắc rối hơn đọc một bài sáng tác nhiều.

- À!

Lời cô bé nhắc Thái thớ đến chính một quan sát của chàng: là bên trung học Pháp người ta ra đề tả cảnh, còn bên Việt lại ra đề luận. Thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi, chưa vững trí thì luận là một việc quá khó khăn đối với họ. Nhưng đó chỉ là mối hại nhỏ thôi. Cái nguy to là bao nhiêu cố gắng đều đưa vào luận nên nhiều học sinh chểnh mảng mọi khía cạnh khác đến đỗi tới đệ tứ mà còn viết sai văn phạm.

Cuộc tiếp xúc tới đó là chấm dứt. Thái lấy sách ra giảng cho Huệ nghe một đoạn "Thu dạ" không có ghi trong chương trình.

Thật ra thì Huệ có khiếu về văn chương. Nàng hiểu rất mau, viết văn sáng rỡ, nhưng vì thiếu chỉ dẫn nên hóa lu mờ đó thôi.

Ngày nào hai thầy trò cũng nói chuyện độ hai mươi phút rồi mới học. Chuyện bên lề học vấn, nhưng không xa học vấn bao nhiêu.

Huệ vô trách nhiệm nên không cần giữ gìn, nói đến cả chuyện nhà chuyện cửa. Nhờ vậy mà Thái biết cô Lan, cô gái lớn của ông Mìn là một góa phụ trẻ. Cô ấy lấy chồng năm hăm hai. Được một năm thì chồng chết, và cô còn ở vậy cho đến năm nay cô đã hăm tám tuổi rồi.

Huệ rất mến thầy, hay biếu quà thầy lắm. Mà nàng khéo làm sao. Trong câu chuyện, nàng hỏi bâng quơ vài chi tiết về lối sống của ông thầy, thế mà bằng vào đó, nàng đoán đúng được những gì thầy cần mà sắm không nổi, những món thật là bất ngờ như cái tourne- disque chẳng hạn.

Thú thật là thầy, từ khi gặp trò, không có ý quấy nào cả, không phải vì thầy là một nhà đạo đức, trái lại nữa. Nhưng mà cô bé thật là bé, bé người mà bé cả tâm hồn nữa.

Huệ chỉ mới bắt đầu trổ mã. Tuy thân thể nàng hứa hẹn một sắc đẹp có hạng, nó vẫn còn cao lỏng khỏng, cổ nàng còn ốm nhom, mắt nàng nhìn mọi vật còn ngạc nhiên một cách đáng thương hại.

Huệ ăn diện như một cô gái lớn, nhưng sự ăn diện ấy không hòa hợp được với cái trẻ con nơi người nàng nên trông càng buồn cười thêm.

Thái rất thương em bé Huệ vì những câu suy nghĩ ngộ nghĩnh và hồn nhiên của em bé ấy, vì những mộng mười lăm của em về cuộc đời.

Chỉ có thế thôi.

Huệ là con nhà có giáo dục, nên lời lẽ cử chỉ của nàng không có gì quá đáng cả. Nhưng không hiểu sao, Thái tế nhận thấy rằng lòng mến thầy của nàng không phải vô tội đâu. Riêng trong bụng Thái, chàng cũng không dám nói đến tình yêu. Em bé còn thơ dại quá, bảo rằng nàng yêu mình, hóa ra vu cáo cho nàng sao. Nhưng mặc dầu không dám nghĩ như vậy, Thái cứ thấy sự trìu mến thầy của cô Huệ không chỉ là sự mến suông.

Không có bằng cớ nào đích xác cả để cho là như thế. Nhưng chính sự thiếu bằng cớ ấy khiến chàng len lén nghĩ đến ái tình. Khi người ta yêu, người ta chỉ làm thinh thôi. Nhưng cái gì miệng không nói ra được, thì mắt nói lên hết cả, và tay chân, thân thể cũng đều bập bẹ được để phụ lời.

Huệ có hỏi nhà chàng lần nào đâu, và chàng cũng chưa bao giừ tự khai chỗ ở trọ ra, thế mà hôm ấy, sáng chúa nhựt, chàng ngạc nhiên hết sức mà thấy Huệ đi ngang qua trước cửa, vừa đi vừa ngó vào nhà.

Căn nhà chàng ở trọ, trông ngay ra một ngõ hẻm dùng làm địa dịch qua lại cho cả xóm. Nhà không sân, không hàng hiên thành ra ai đi ngoài ngõ là y như là đã bước vào nhà nửa chừng.

Sáng hôm ấy, Thái đang ngồi ở bàn ngoài, đọc một chương trình chiếu bóng. Nghe tiếng giày, chàng ngẩng mặt lên thì hai người như là gặp nhau trong một căn phòng: họ cách nhau chỉ có hai thước thôi.

Huệ reo lên:

- Chào thầy. Thầy ở đây à?

Thái bối rối, không phải vì gặp con gái, mà vì sự chạm mặt đột ngột quá nơi một căn nhà tồi tàn mà chàng thấy cô ta không biết là hơn.

- Ừ, tôi ở đây. Cô ba đi đâu đó?

- Thưa, em đi tìm người bạn, nhưng chắc địa chỉ sai nên tìm mãi không ra.

- Người bạn cô tên chi? Xóm nầy tôi biết tên cả mọi người, từ già đến trẻ.

Huệ ấp úng, rồi không đáp, khiến Thái thấy là nàng quyết đến thăm anh, sau khi đã biết địa chỉ anh nhờ cách nào không rõ, có lẽ nhờ lục lạo trong quyển sổ tay của ông Mìn chăng?

Huệ đứng đó mà làm thinh, chắc khó chịu lắm, nên Thái mời:

- Mời cô vào chơi.

Huệ mỉm cười, bước vào nhà liền.

- Anh ở trọ, hay là nhà của anh.

Nàng xưng hô như vậy một cách rất tự nhiên, như là đã xưng hô từ lâu rồi.

- Thưa tôi ở trọ. Nhưng nhà bà con, không nhận ai khác cả, ngoài tôi ra.

- Thì cũng như nhà anh. Sáng chúa nhựt anh không đi chơi sao?

- Tôi ít đi lắm.

- Cả chúa nhựt nữa? Trời ơi buồn chết! À, mà chắc anh không buồn. Anh ở nhà để làm thơ. Làm thơ vui lắm không anh?

- Nhọc lắm thì có. Nhưng mình thích nhọc, thành ra cũng hơi vui được.

- Người ta ra đề sẵn, anh gieo vần có được không?

- Tôi chưa thử lần nào: Nhưng chắc phải có hứng mới làm hay được.

- Đâu anh làm thử bài thơ nầy xem. "Sáng chúa nhựt gặp khách bất ngờ".

Thái mỉm cười:

- Nếu cô bắt tôi làm ngay, không cho tôi đợi hứng thì thơ có dở cô ráng chịu nghe không?

- Đợi hứng? Thành ra hiện giờ anh chưa có hứng.

Thái nghe cả sự thất vọng chua cay trong giọng nói của Huệ.

Mặc dầu lòng chàng dửng dưng, chàng cũng không muốn làm phiền cô bé dễ thương nầy, nên vội cứu vãn:

- Có nhưng mà hứng chưa chín muồi.

Nhưng Huệ đã hiểu. Nàng thông minh lắm, việc gì tỉ mỉ nữa kia mà nàng còn tế nhận được thay, huống hồ chi cái hớ hênh to tát nầy của Thái.

Huệ nói vài câu chuyện không đâu rồi xin phép ra về.

Thái tiễn học trò ra đến đầu ngõ, nàng lên xe rồi anh mới trở vô nhà. Cuộc tiễn đưa "đến tận thuyền" ấy không phải chỉ vì lịch sự không mà thôi, mà là để an ủi một đứa bé vừa bị bể vỡ một bong bóng xà bông, đang buồn cho những màu sắc xanh đỏ bỗng nhiên tan biến mất.

"Tình trẻ con chưa rõ rệt bao nhiêu, rồi nàng sẽ quên mất và về sau còn thấy đó là buồn cười". Thái lẩm bẩm như vậy, rồi an lòng được, sau trót một tiếng đồng hồ băn khoăn.

Hôm sau, người học trò vẫn ngoan ngoãn, nhưng ít nói, bảo là không nói gì hết thì đúng hơn. Nhưng tuyệt nhiên không thấy nàng lộ vẻ giận hờn, oán trách gì cả.

Năm hôm sau là trở lại bình thường. Huệ vui vẻ y như lúc trước, nói líu lo như chim.

"Đúng như mình đã đoán, Thái nghĩ thầm. Nàng sẽ quên đi chớ gái thơ thì lòng dại hay đi phiêu lưu, nhưng khi thấy các nẻo đương phiêu lưu ấy không có gì huyền diệu lắm, thì họ trở bước được ngay.

Hôm ấy đúng vào ngày cuối tháng - tháng dạy học - nghĩa là mười hai tháng chạp. Huệ trao cho Thái một phong thơ của ông Mìn và yêu cầu Thái đọc ngay.

Thơ cám ơn công khó của ông thầy, kèm theo một số tiền. Tiền xúp dạy cô ba, tính phải chăng chớ không lường công. Và mời chiều hôm đó thầy giáo ở lại ăn cơm.

Đoán chừng ông thầy đọc vừa xong, Huệ nói:

- Sáng kiến của em đó. Ba, má em cũng mến anh lắm, nhưng bận quá nên quên mất. Em nhắc, ổng bả mới nhớ ra và biểu em nài nỉ cho anh nhận lời.

Thái hơi ngại, vì hôm đó chàng ăn mặc không được sạch lắm. Về nhà thay y phục thì không kịp nữa, bởi ông Mìn mời chàng hễ hết dạy là qua ngay để trò chuyện chơi trước khi dùng bữa.

Nhưng không thể không nhận lời.

Nhà có sân trong mà Thái không dè. Trông từ đằng xa, Thái thấy cả gia đình đều có mặt.

- Người mặc áo vàng nghệ, có phải là cô hai đó hay không cô ba? Thái hỏi Huệ đang dắt nẻo cho chàng.

- Dạ, chị hai em đó a.

Sân trồng hoa kiểng rất xinh, nhứt là rất ấm cúng và kín đáo, mắt người đi đường không dòm vào được.

Thái đã đến nơi. Chàng bận nhìn bà Mìn cao lớn đẫy đà nên chưa thấy ai cho rõ. Chàng nghiêng mình chào từng người, bắt đầu chào ông Mìn trước. Khi mắt chàng dừng lại trước người thiếu phụ góa chồng thì chàng ngây người ra.

Thiếu phụ đẹp, đẹp quá sức tưởng tượng của chàng. Chàng đã hình dung thử người đờn bà ấy thấy trong trí là cô ta hiện hơi đẹp hơn Huệ một chút, nhưng rồi sẽ thua Huệ khi Huệ được trổ mã đều.

Nhưng quả thật chàng đoán sai rất xa. Sắc của Huệ mà đi mút con đường tiến triển, cũng còn kém hơn Lan vào độ Lan vừa trổ mã xong. Huống chi Lan đã là đờn bà rồi.

Người đờn bà trẻ, đẹp hơn con gái đương thì nhiều lắm, vì cái chớm nở không sâu sắc bằng cái bừng nở, vì buổi mai tuy tươi mát dễ ưa mà không say sưa bằng buổi trưa uy vệ hơn.

Trong tình sử của loài người, thật không nghe nói bực vĩ nhơn nào mà mê con gái đến đổ vỡ cơ nghiệp, mà chỉ thấy toàn đờn bà làm tan nhà nát cửa người ta thôi.

Thái bối rối như cậu học sanh mười bảy mới giao thiệp với bạn gái lần đầu, mặc dầu chàng đã hăm hai rồi.

Để che lấp sự lúng túng của mình, chàng đưa tay bắt lấy hai tay đứa bé trai, lồi nắm lấy tay chúng mãi, hỏi lăng xăng như là hồi nãy chưa gặp nhau.

Ông Mìn mời chàng ngồi, rồi nói bằng tiếng Pháp:

- Mettez- vous à l'aise, jeune homme 1.

Bà Mìn thạo đời lắm, đưa đầu đề ra ngay:

- Tôi biết thầy ăn cơm tháng, bỏ bữa mà không báo trước cũng chẳng sao, nên mới đám mời thình lình như vầy. Số là vợ chồng tôi bận việc nên quên mất. Con Huệ nó nhắc mới sực nhớ ra. Để lại ngày hôm sau, e có điều gì trở ngại chăng, nên mới mời thầy ngay hôm nay.

Bà ta tỏ ra là một bà chủ có bản lĩnh. Chỉ có một mình bà là nuôi nấng buổi chuyện trò cho nó khỏi tắt ngọn. Nhờ thế mà Thái dễ chịu được và lần lần tỉnh lại.

- Ông giáo uống gì? Cô Lan vừa hỏi vừa day ra sau lưng lấy hai chai rượu để trên chiếc bàn con có bánh xe.

Thái ấp úng:

- Thưa cô, tôi uống gì... mà... không có chất rượu ấy.

Lan cười giòn lên:

- Như đờn bà ấy à? Như vậy làm sao được? Ít lắm cũng phải uống bia chớ.

- Thôi, cho ông giáo uống nước cam vắt, chị hai à, Huệ can thiệp để cứu ông thầy.

Lan đứng lên, thay cho mẹ mà đãi thức ăn uống cho cả bàn.

Đây là nàng tiên đã gợi hứng cho chàng làm thơ từ bao lâu nay, một người đờn bà có cái lưng ong như lưng gái nước Sở ấy, có những ngón tay riêng tự nó có linh hồn như những con vật sống, có đôi mắt mơ buồn một nỗi buồn khôn nguôi.

Suốt bữa ăn, Thái tế nhận được vẻ ngạc nhiên trên gương mặt cô Huệ.

Ái tình luôn luôn im lặng. Nhưng người ngoài lại nghe ồn ào lên rõ bông bông. Huệ có nói lòng mình ra bao giờ đâu, thế mà Thái đã biết rõ tâm tình nàng.

Thì nay cũng vậy, Thái chỉ hầu chuyện ông Mìn bà Mìn, thỉnh thoảng mới day qua đáp một câu hỏi thường của Lan, mà đáp một cách thờ ơ, lạnh lạt. Thế mà Huệ như trông thấy suốt tim. chàng đang máy động vì việc gì.

Huệ nó ngạc nhiên lắm. Mà chính chàng, chàng cũng ngạc nhiên. Lẽ nào chàng từ chối tình yêu của một cô gái trong trắng để bâng khuâng trước một người đờn bà đã hăm tám tuổi rồi?

Trước khi kiếu từ ra về, chàng nghe bà Mìn nói:

- Ông giáo sư tự nhiên qua lại nhà chơi. Chúng tôi xem ông giáo như người nhà, nếu ông không cho thế là mích lòng.

- Dạ, tôi đâu dám...

- Con Huệ nó nói đến ông luôn thành ra ông không qua đây mà chúng tôi đã quen nhiều với ông rồi.

Bà cười đến rung rinh cả thân thể.

Vâng, Thái sang nhà thường lắm. Chàng chỉ lo không có lý do để sang. Nhưng mà người ta cho phép, dại gì không nhận.

Nhưng càng qua lại nhiều, càng tủi thêm. Cô Lan chỉ xem chàng là một ông giáo đến dạy ở tư gia, không hơn, không kém. Hôm nào vui tánh, nàng bước thêm một bước, đối xử với chàng như một người chị đối với một người em trai họ.

Thật là trời trả báo cho chàng. Chàng đã xem Huệ như em thì bị Lan xem lại như em, quả đáng kiếp. Nhưng nghĩ oái oăm thay, ái tình. Nó giống như là trò chơi bi-da của người Nga: viên đạn này chạy đi tìm viên đạn kia, nhưng viên đạn kia không đứng lại với bạn, mà chạy tìm viên nọ.

Thái đau một niềm đau khó chịu. Thà là bị tình phụ rẫy cho cái đau nó rõ rệt ra, kêu khóc lên được cho hả hơi, và tự an ủi được khi nghĩ rằng người ngoại cuộc cũng sẽ tội nghiệp cho mình.

Đằng nầy niềm đau âm thầm của mình chính mình cũng không than trách được, thì cái đau ấy mới lắng xuống tới đâu để mà biết mà rứt để mà mài cho mòn lần mòn hồi cả tâm hồn chàng.

Lan có khinh rẻ, hất hủi chàng lần nào đâu ? Nàng có yêu chàng rồi phụ rẫy chàng lần nào đâu? Nàng chỉ thờ ơ thôi, xem như là chàng không có.

Hỡi vì sao trên trời, lấp lánh về nửa đêm! Có biết chăng một con dế kia mỗi tối mỗi nằm ở miệng hang mà dòm lên trời, bị thôi miên vì vẻ rực rỡ của nàng, mà vẻ rực rỡ ấy không bao giờ soi thấu miệng hang cả.

May thay là Thái có nơi lùi về ẩn náu. Đó là thế giới thơ của chàng. Thế giới ấy lần nầy được thủy triều đưa phù sa tình ái đến, nên nó bỗng trở nên phì nhiêu kỳ lạ.

Người ta nói chỉ có đau khổ và ái tình mới làm nảy tài thi nhơn được. Thái đã yêu mà yêu đau đớn, thành ra chàng đủ cả hai điều kiện để thành công.

Thơ chàng bỗng nhiên già giặn và sâu sắc ra. Người ta đoán được rằng chàng đã rút bao nhiêu tình cảm ấy nơi trường đau khổ, đã đi sâu trong thất vọng, trong chua cay mới tìm thấy được những giọng thơ nó làm bối rối người đọc.

Lần nầy, Thái nổi danh thật sự. Người ta phổ nhạc thơ chàng, người ta ngâm thơ chàng trên các đài phát thanh, người ta in thơ chàng dưới đủ hình thức, hình thức phổ thông cho mọi túi tiền, hình thức xa xí để đưa thơ chàng vào các gia đình vốn không thưởng thức văn nghệ bao giờ cả.

Tập thơ đầu in xong, Thái ân hận không đề kịp tất cả vào đó. Tiếng kêu đau thấm thía hơn hết chỉ mới phát ra đây, ngày chàng được tin Lan sắp đi lấy chồng do Huệ thỏ thẻ kể.

Chàng làm xong bài "Mừng cưới" ngay chiều hôm đó, giữa lúc cô học trò Huệ đang làm bài theo lời chỉ dẫn của chàng.

Bép xép tin ấy, Huệ rình phản ứng trên mặt Thái để đọc tình cảm của chàng. Nét đau câm lặng mà nàng bắt chợt được trên đó như biến thành tiếng động rồi vang dội vào lãnh vực sâu thẳm của lòng nàng.

"Trời ơi ! Anh ấy đau đớn như thế à? Nghĩa là anh ấy quả yêu chị mình quá lắm, và nghĩa là mình vẫn là một kẻ ngoài vòng tình cảm của anh thôi".

Một tháng sau, Thái được thiệp mời dự tiệc cưới. Nhà giàu thì đờn bà năm con bảy cháu vẫn còn làm đám cưới rình rang như con gái được.

Cầm tấm thiệp, Thái không nghĩ đến mối tình của chàng nữa mà chỉ lật qua lật lại vấn đề nên đi hay không nên đi.

Không nên đi, không phải vì xấu hổ với ai, hay vì hờn ai. Không, nếu mà Lan biết, chàng cũng không có gì để mắc cỡ với nàng. Chàng đã yêu mà không nói ra, không phải vì chàng nhút nhát mà chỉ vì chàng thấy có nói cũng vô ích. Người mà chàng yêu trộm không bị xúc động lần nào cả mỗi khi tiếp chàng. Người thờ ơ như vậy thì còn hy vọng gì.

Chàng cũng không hờn mát Lan được, vì Lan đã có dịp khước từ sự tỏ tình của chàng lần nào đâu?

Không nên đi vì công phẫn tình đời. Gia đình nầy chỉ xem chàng là một ông giáo vào dạy tư gia, trừ Huệ thì khác thôi.

Một ông giáo vào hạng đó không thế nào có ghế ngồi trong những cuộc tiếp tân sang trọng của họ được.

Họ mời chàng chỉ vì chàng vừa nổi danh. Giới nào, họ cũng muốn có vài đại diện lỗi lạc, cả giới văn nghệ sĩ là giới thật ít dính líu đến xã hội của họ.

Họ mời chàng ngồi đó để làm cây cảnh cho rôm bữa tiệc thôi.

"Các ngài thấy hay không, sự phong phú của các mối giao thiệp của tôi: bác học có, nhạc sĩ có, thi sĩ có, chớ không phải chỉ mời được nhà giàu không mà thôi như các ngài đâu".

Thái đã bị người ta dùng làm món đồ trang trí như vậy vài lần rồi. Lần đầu chàng thích lắm, nhưng sau nhận được ẩn ý của họ, chàng vỡ mộng ngay.

Đáng buồn hơn nữa là cái thứ cây cảnh lạ là chàng, lại lắm khi không được ai buồn ngó đến.

Văn nghệ sĩ à? Là cái quái gì ấy, nhiều người tự hỏi thế rồi tò mò dòm một cái. Đoạn thấy những con người không oai vệ chút nào, không sang trọng tí nào, họ lơ đi ngay.

Tủi thân lắm! Thái có một người bà con nhà giàu. Lâu lắm chàng mới đến thăm người ấy một lần. Một hôm, thấy trên bàn hắn có một quyển truyện kiếm hiệp, Thái hỏi:

- Anh thích đọc sách lắm không?

- Buồn ngủ lắm. Tôi mua cuốn truyện này chỉ cốt đọc mỗi bữa độ nửa trang cho dễ ngủ đó thôi.

Tủi ôi là tủi cho sản phẩm của tinh thần khi chúng lạc vào thế giới tiền bạc.

Thái đắn đo rất lâu. Rốt cuộc chàng quyết định phải đi. Gia đình nầy vẫn lịch sự đối với chàng, chàng không thể vô lễ là nằm nhà được.

Vả lại, biết đâu họ mời chàng không vì lẽ khác hơn là lẽ chàng nghi ngờ. Biết đâu đây lại không là sáng kiến của Huệ. Nàng luôn luôn can thiệp để cho Thái được tham dự vào mọi hoạt động xã giao của gia đình: Dạ yến tại nhà, rong chơi cuối tuần nơi các bờ biển v.v...

*

Chồng của Lan quả xứng đáng một ông chồng mà Lan mong ước: một người giao thiệp rộng (bằng vào số tân khách đàng trai trong bữa tiệc), có dáng điệu oai vệ của một chủ nhơn ông, đủ bản lĩnh sống đời sống mà người Pháp gọi là "Mông đen". Hai vợ chồng đi hết bàn nầy qua bàn khác. Ở mỗi bàn họ đều bị thưởng mỗi người một ly rượu mạnh. Ông ấy không hề trốn ân huệ của tân khách, lại còn bao sân giùm cho vợ. Năm căn phố lầu của tửu lâu "Hà Đình" hôm đó được gỡ tất cả vách gỗ ngăn. Mỗi căn chứa năm bàn, vị chi là hai mươi lăm bàn tất cả. Tính ra ông ta uống đến năm mươi ly rượu mạnh mà không hề thấy sắc mặt ông ta thay đổi màu chút nào.

Hai vợ chồng mới xứng đôi làm sao! Ông chồng hơi đen da nhưng vẫn đẹp trai một cách kim thời, nghĩa là đẹp như một lực sĩ điền kinh.

Còn bà vợ thì khỏi nói. Bà ta ăn đứt tất cả gái tân đang có mặt, ăn đứt luôn những thiếu phụ mà nếu không có bà, họ sẽ là những nàng tiên trong dạ hội nầy.

Nghe đâu như là Lan đã từ chối lời xin cưới của một vị bác sĩ để tái giá với ông Công, nhà xuất nhập cảng nầy.

Xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi để biến lần giông giống như xã hội Âu Châu về giá của con người. Ngày nay, người ta thấy những ông giáo sư, những ông bác sĩ đi xe đạp. Giá trị họ vẫn y nguyên như ngày xưa, nhưng giá của họ sụt đi trước cái bước vươn lên của những nhà tư bản. Một nhà trí thức, một kỹ thuật gia tốt nghiệp như một kỹ sư chẳng hạn, thật phải lép vế trước một con nhà thầu.

Lan đã chọn chồng theo lý tưởng của giới nàng. Nàng có tội gì đâu?

Hai suôi gia chiếm một bàn riêng đặt trong một phòng vắng. Cặp vợ chồng mới bận đưa nhau đi trình diện với từng tân khách, nên chưa ăn được, chỉ có cha mẹ em út đôi bên là đã ăn một lượt với khách.

Ăn xong, họ ra ngoài, thay thế cho hai vợ chồng vào mà dùng bữa. Trong phòng bấy giờ chỉ có ông Công, Lan và Huệ.

Lan sai Huệ chạy mời Thái vào.

Thái ngạc nhiên, không hiểu Lan mời mình vào làm gì. Khi chàng đến nơi, Lan tươi cười đon đả mời chàng ngồi để dùng thêm rượu bánh.

- Anh nè - nàng giới thiệu Thái với chồng - Đây là ông Thái, một thi sĩ hữu danh, bạn của gia đình em. Hình như là thơ của ông ấy hay lắm.

- Hân hạnh - Công đứng lên bắt tay Thái. Đoạn ông day qua nói với vợ:

- Ừ anh cũng nghe danh ông Thái. Hình như là thơ của ông hay lắm.

- Hân hạnh về phần tôi - Thái đáp mà lòng đau xót cho hai tiếng "hình như" mà hai vợ chồng mới ấy vừa dùng.

Họ cóc cần nghệ thuật, cóc cần thơ, chỉ cho thi nhân lọt vào vòng giao thiệp của họ để tỏ ra họ cũng thân được với trí thức thôi.

Đôi tân hôn bấy giờ cũng đã dùng xong bữa ăn. Phổ ky bưng đến một thố tàu hủ đặc biệt làm bằng hạnh nhơn.

Lan chính tay múc tàu hủ ra chén rồi mời Thái:

- Trong thực đơn, tráng miệng bằng cam, đu đủ, bánh sữa. Nhưng anh Công ảnh thích tàu hủ nầy nên chúng tôi kêu riêng. Mời ông dùng thêm với vợ chồng tôi một chén chơi. Tàu hủ hạnh nhơn của Hà Đình thì ngon đặc biệt.

Cả ba cùng thưởng thức biệt phẩm của tửu lầu, xong họ uống trà, cũng chính của tửu lầu ướp lấy.

Lan châm trà cho Thái rồi nói:

- Ông Thái nè, tôi có câu chuyện riêng, cần nói với ông hôm nay.

Thái giựt mình, nhưng cố bình tĩnh đáp:

- Thưa bà, tôi sẵn sàng nghe bà chỉ dạy.

Nàng lại cười, lịch sự hơn bao giờ cả rồi tiếp.

- Số là ở ngoài họ nói nhiều về bài thơ Mừng cưới gì đó của ông. Họ nói đến nó nhiều quá, và dám xuyên tạc nầy kia nữa là khác. Tôi chỉ mới nghe đây thôi, và tôi lo chồng tôi cũng nghe như vậy rồi ngộ nhận gì hay chăng? Nên tôi cần cả ba đều gặp mặt hôm nay để phá hết mọi hiểu lầm.

Nàng lại cười, mời thuốc người khách đang run sợ và tiếp:

- Nếu ông đã thầm yêu tôi, thì đó là quyền của ông, không ai nói vào đâu được cả. Ông bắt tôi mà làm đề thơ, cũng chẳng can gì, còn danh dự cho tôi nữa là khác. Nhưng quả tôi không phải là nhơn vật là ông đã tả trong bài thơ đó. Tôi không phải con người ham giàu rồi lơ là với một người bạn xưa. Tôi chỉ là một người đờn bà tầm thường thôi. Tôi mộng lấy một người chồng thích hoạt động, rồi tôi sẽ an phận mà nuôi con. Văn nghệ sĩ là một bực mà tôi không hiểu, nên không hề yêu được. Chỉ có thế thôi. Có phải như vậy hay không, thưa ông?

Rồi nàng lại cười giòn, như là nói một câu chuyện rất tầm thường mà hơi ngộ nghĩnh một chút.

Thái lúng túng đáp:

- Thưa bà, họ chỉ bịa ra đó thôi, chớ...

- Không có gì mà ông phải thắc mắc như vậy: Văn thơ chỉ là chuyện bịa thôi. Ông đây có quyền bịa bất kỳ thứ gì. Không, ông khỏi ngại, chúng tôi hiểu biết lắm. Mời ông dùng thêm trà. Trà ngon quá.

Bỗng có người gọi hai vợ chồng ra.

- Anh đi một mình - Lan nói - em ở đây với ông Thái.

Nhưng ngoài ấy người ta đòi hỏi cô dâu ráo riết lên. Thái phải nói:

- Xin bà cứ ra, kẻo người ta đợi. Đã có cô Huệ ở đây với tôi.

- Thôi, như vậy thì xin phép ông.

Nãy giờ Huệ lùi lại, giấu mình trên một chiếc trường kỷ kiểu Tàu, đặt trong góc phòng.

Bấy giờ nàng mới đứng lên để đi lại bàn, nhưng Thái mau chân hơn, đã tới gần bên nàng rồi. Hai người đứng nhìn ra cửa sổ. Những nóc nhà bẩn thỉu làm cho khung cảnh bỗng khác hẳn khiến người xem cảnh bỡ ngỡ vô cùng: trong là một căn phòng lịch sự tuy trang hoàng theo kiểu Tàu xưa; rồi đột ngột là những mái ngói đen buồn vì nắng mưa của năm tháng.

- Anh đã nghe rõ - Huệ nói sau một hồi im lặng - chị em sẽ an phận nuôi con, và không bao giờ hiểu văn nghệ sĩ cả. Em nói câu nầy không phải vì ganh mà làm hoen ố mối tình của anh: là em ngạc nhiên lắm. Làm sao mà nhà thơ cao đẹp nầy lại yêu đến dại một người đờn bà tự thú là tầm thường, không mơ một mộng đẹp nào cả, không rung động vì một tình cảm nào cả. Chị của em đẹp thật đó. Nhưng không lẽ ra thi sĩ mà chỉ yêu vì sắc đẹp của thân thể mà không kể đến cái đẹp của tâm hồn?

Thái đã ngà ngà say. Chàng nhìn Huệ giây lâu rồi mỉm cười. Chàng đưa tay xoa đầu cô gái bé rồi nói.

- Không, em không thể hiểu được đâu.

Cử Chỉ và lối xưng hô mới của Thái chỉ do lòng thương mà có thôi. Chàng thương cô bé như một em nhỏ dại, mà hôm nay, nhờ thân mật, nhờ rượu nên chàng mới dám bộc lộ tình thương ấy ra.

Nhưng Huệ nghe tê tái cả người, bước đến một bước nữa, đứng gần sát Thái rồi hỏi:

- Sao anh biết em không hiểu được lòng anh?

Lần nầy Thái cười to lên, cười như một anh chàng mới say, men rượu còn kích thích dữ.

- Em không hiểu, vì như thế nầy. Em sẽ lớn lên bằng chị của em. Em sẽ đẹp lắm, có thể đẹp hơn chị của em nữa. Nhưng ngày ấy, nếu anh còn sống, anh cũng sẽ không yêu em được, mà chỉ thương em như bây giờ thôi em à!

Em nên biết rằng một văn nghệ sĩ bao giờ cũng sống trước người trang lứa đến năm bảy năm là ít. Tâm hồn anh già hơn tuổi anh nhiều. Như vậy anh chỉ có thể tìm một tâm hồn bầu bạn nơi một người lớn tuổi hơn anh thôi. Chị em không hiểu thơ anh, đành vậy nhưng bà ấy lại hiểu những cảm nghĩ thường của anh, vì bà ấy già hơn anh nên mới có được tâm hồn ngang mức với tâm hồn anh. Còn em, em chỉ hiểu thơ, mà không hiểu anh được, em nghe chưa. Khổ lắm là em càng già, anh cũng già luôn, tâm hồn anh không thể đợi tâm hồn em được để cho đôi ta cảm thông nhau.

Giữa đôi trai gái, nếu một bên là văn nghệ sĩ, thì không thể nào tránh được sự so le để có thể yêu nhau được. Muốn xứng tuổi phải so le tâm hồn. Muốn xứng tâm hồn, phải một bên già một bên trẻ.

Anh cũng muốn yêu em lắm đó, mà tạo hóa có cho phép tâm hồn anh ngưng lại để đợi tâm hồn em đâu.

Huệ rưng rưng nước mắt:

- Hay là em cố cho già lòng thêm để theo kịp anh.

Thái cười ha hả:

- Cũng không được nốt. Em ơi, thôi vậy nhá! Số kiếp của anh là phải chịu đau khổ, còn số kiếp của em là phải chịu vạ lây. Thế mà còn hơn là gượng yêu nhau để rồi thất vọng.

Huệ nức nở mà rằng:

- Em chỉ thương anh thôi, còn cái đau của em, em cần gì.

- Vậy à ? - Thái ngạc nhiên hỏi - Có lẽ em già hơn tuổi em đó. Thôi em thôi đi, để anh xét lại coi có quả em già hay không mà có được lòng vị tha ấy.

Mắt Huệ reo cười lên, nhưng vẫn còn long lanh ngấn lệ.

 
BÌNH NGUYÊN LỘC       
 
(Trích từ tập truyện ngắn Đèn Cần Giờ) 

--------------------------------
1Anh chàng trai trẻ ơi, anh hãy cứ xoay cho hết ngượng ngập đi     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét