Bữa tối khi đang dùng cơm, mẹ nói "Mùa xuân sắp trở về, chóng quá, thêm một năm" Mẹ bỏ lửng câu nói. Tôi ngừng ăn nhìn sang và bắt gặp đôi mắt mẹ thoáng buồn, đám mây u tối nào đang lang thang chợt đậu lại trên đôi mắt mẹ, màu xám u buồn hoàn toàn tương phản với màu sắc rực rỡ, tươi mát của bình hoa hồng đặt trên bàn ăn.
Tại sao mẹ vẫn thường băn khoăn mỗi lần mùa xuân trở lại? Những năm trước tôi không hề để ý vì tôi chỉ là con bé vô tư, ưa đùa nghịch, phá phách cùng lũ bạn học trò, chỉ biết vòi quà và làm nũng với mẹ. Tết năm nay tôi vừa đúng mười bảy tuổi, cái tuổi chưa hẳn đã vội rời xa khung trời xanh mướt ngây thơ, tóc buông rèm, cột nơ thắt bím, đi ngủ cùng những cánh bướm sặc sỡ bay vào giấc mộng và trở dậy trong tiếng chim hót líu lo đánh thức màn sương cùng những đóa hoa dậy muộn. Tôi biết con số mười bảy chính là cái gạch nối giữa một cô bé thích ô mai và một thiếu nữ bắt đầu biết mơ mộng vẩn vơ cùng nắng sớm mưa chiều, mặt hồ yên tĩnh của tâm hồn gợn lên những làn sóng tình cảm đầu tiên. Lòng tôi chợt trùng xuống khi khám phá ra nỗi cô đơn và những ngày tháng hiu quạnh của mẹ trong ngôi nhà này. Sự vắng bóng của cha tôi khiến ngôi nhà và sự cô đơn của mẹ càng trở nên rộng lớn.
Nhà tôi nằm trên một ngọn đồi cỏ xanh. Đó là ngôi biệt thự quét vôi trắng, kiến trúc theo lối Tây phương, những mặt kính sáng loáng lấp lánh ánh nắng và mờ đục hơi nước mỗi lần sương mù từ dưới thung lũng cuồn cuộn dâng lên. Tôi yêu mến chiếc sân rải cuội trắng, lạo xạo những bước chân sáo của tôi, những cụm mimosa, hoa hồng vàng vừa hé nở lấm tấm những hạt sương mai, rung rinh theo gió, vẫy tay giã từ tôi rời cổng đến trường học. Buổi trưa khi tôi trở về chúng nở lớn, những cánh nõn xòe ra trong nắng sáng. Sườn đồi thoai thoải trước sân nhà dẫn xuống thung lũng mọc toàn cỏ xanh và những cây thông. Những ngày nghỉ học, không xuống phố tôi vẫn thường thơ thẩn dạo chơi dưới đó, nhẩn nha xếp những chiếc thuyền giấy thả trôi theo các khe suối róc rách chảy qua thung lũng, hái những cánh hoa dại ép vào tập vở hoặc nhặt những trái thông rụng xuống trên mặt cỏ về cho vào lò sưởi hừng hực lửa hồng những đêm trời lạnh giá. Những trái thông sù sì, màu cũ mốc nhưng đốt lên sẽ tỏa ra mùi thơm nồng ấm của nhựa thông. Tôi thích những trái thông nhưng chắc không ưa nổi tiếng reo vi vu của những cành thông vào những buổi hoàng hôn, khi ánh nắng cuối cùng của một ngày vừa tắt bên kia chân đồi, tiếng reo như muốn dẫn dắt hồn tôi lạc đến một khung trời hoang vu, lạnh lẽo, nhất là vào những đêm mùa đông, tiếng gió lao xao than vãn lướt qua rừng thông trong bầu không khí lạnh băng khiến tôi rùng mình nghĩ đến những người chết, một nghĩa địa thênh thang với những hàng thánh giá trắng rờn rợn. Những lúc đó tôi thường chạy sang phòng bên ngủ với mẹ hoặc nếu làm gan nằm nán lại tôi sẽ trùm khăn kín mít từ đầu đến chân, bịt chặt hai tai để không còn nghe âm thanh quái đản của các cành thông đang rì rào, mắt tôi nhắm chặt nhưng vẫn thấy trước mắt hiện rõ những cây thông biến thành những bộ xương người, chân tay dài ngoẵng đang bước chậm chạp từ thung lũng lên ngọn đồi, tiến đến phòng ngủ của tôi. Người tôi nổi gai ốc và tôi thiếp đi trong sợ hãi.
Buổi sáng thức dậy, mở cửa sổ nhìn xuống rừng thông tôi mới thấy sự lo sợ hão huyền của mình đêm qua, không có gì thay đổi trong cuộc sống, thiên nhiên vẫn mang bộ mặt vô tư, bình lặng. Mùi bánh mì nướng phết bơ của mẹ tôi từ trong bếp tỏa ra và tiếng mẹ ấm áp vọng lại: "Hồng ơi! Dậy đi con, còn ăn sáng, đi học nữa chứ". Những sáng chúa nhật mẹ tôi vẫn giữ nguyên điệp khúc Hồng ơi trên đây - tôi vẫn thường gọi đùa là ca khúc bình minh của mẹ - bà chỉ thay đổi hai tiếng đi học bằng hai chữ đi lễ. Không khí mát lạnh ban mai khiến tôi lười biếng cuộn mình trong chăn và chỉ trở dậy khi ánh nắng ấm áp lau khô những hạt sương bám trên các ô cửa kính và hồi chuông từ giáo đường bên kia con dốc rộn rã báo hiệu sắp hết lễ nhất. Tôi đánh răng rửa mặt, mặc vội quần áo, chải tóc và trở ra điểm tâm bằng một mẩu bánh mì nướng dòn nóng, một ly sữa mẹ pha sẵn. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy thiếu thiếu một thứ gì và chợt nhớ ra mùi cà phê thơm ngát những ngày ba tôi còn ở nhà. Thời kỳ đó, sau bữa điểm tâm mỗi sáng chúa nhật tôi vẫn hưởng cái thú được ba tôi nắm tay một bên, mẹ một bên, dẫn tôi đi lễ ở nhà thờ. Rồi mẹ tôi đi chợ, ba trở về ngồi vào bàn đánh máy hoặc xuống vườn cắt những cành hồng chưng vào lọ hoa lớn đặt ở phòng khách. Ban đêm trước khi đi ngủ mẹ thường ngồi đàn dương cầm, những ngón tay của bà lướt nhẹ trên hàng phím ngà, ba xem sách hoặc ngồi mơ màng cạnh lò sưởi, tẩu thuốc tỏa trên môi. Cũng có khi ba đàn cho mẹ và tôi hát các bài "mon petit ami", "Silent night"...
Tôi không hiểu vì sao đang sống hạnh phúc như thế ba tôi lại bỏ đi, dạo đó tôi còn bé quá và chỉ biết mang máng rằng ba gặp khó khăn trong công việc làm ăn đi đến sự lỗ lã, nợ nần. Ba đánh mất cái thú cắt những cánh hồng tươi chưng ở phòng khách hoặc ngồi hút thuốc trước lò sưởi nghe mẹ tôi đánh đàn. Những đồ đạc đắt giá trong nhà lần lượt bị bán đi kể cả chiếc dương cầm. Tôi còn nhớ buổi chiều trước khi chủ mới đến chở đàn đi mẹ tôi đã thẫn thờ ngồi trước đàn đánh hết bài này đến bài kia. Những âm thanh vút cao rồi trầm lặng nghẹn ngào, khi nhẹ nhàng, lúc mạnh bạo, giáng xuống tan vỡ như chiếc ly thủy tinh ném mạnh xuống sàn gạch. Mắt mẹ tôi đầm đìa những giọt lệ, những giọt nước mắt rơi lã chã xuống phím đàn. Chiếc dương cầm đó ba tôi đã mua tặng mẹ tôi trong ngày kỷ niệm lễ cưới của hai người. Từ một người đàn ông hiền hòa, yêu vợ, ba tôi đâm ra gắt gỏng, đôi mắt đỏ gay những khi uống rượu. Tiếng đàn êm đềm hạnh phúc được thay thế bằng tiếng đổ vở của ly tách và vở kịch của gia đình tôi bắt đầu. Những lần ba mẹ vãi vã nhau tôi thường sợ trốn dưới gầm giường hoặc ngoài xó vườn. Tôi cũng khóc, như mẹ tôi. Rồi một ngày ba tôi bỏ đi biền biệt.
Tết năm nay ba có về không, ông bỏ đi cũng sáu bảy năm nay rồi. Tôi thương mẹ, rán chăm chỉ học hành và làm theo những lời bà dạy bảo. Tôi vẫn biết những điều đó chỉ làm bà hài lòng và cảm động, không thể khỏa lấp nỗi cô đơn của mẹ trong những ngày cuối đông, lúc thời tiết trải rộng chiếc áo choàng lạnh lẽo trong không gian và cả trong tâm hồn mẹ. Tôi thường bắt gặp ánh mắt bâng khuâng của bà mỗi đêm khi tiếng thông reo từ dưới thung lũng lao xao vọng lại, bà ngồi trước mặt chiếc dương cầm, gõ vài nốt bâng quơ (cây đàn này mẹ mua lại của người chủ cũ sau khi đi làm và dành dụm được một số tiền).
Mùa xuân sắp về. Tôi nghe trong lòng dấy lên những náo nức như sự chờ mong quay quắt ngày trở lại ngôi nhà thân yêu của ba tôi, mẹ vẫn thường an ủi tôi và an ủi chính bà "lá rụng thế nào chẳng về cội". Khí hậu ám áp của những ngày sắp sang xuân khiến má tôi trở nên hồng hào và mạch máu lưu thông mạnh trong cơ thể như nhựa non dạt dào trong mỗi mạch cây cuống lá. Cỏ ngát xanh dưới thung lũng, nổi bật những chiếc hoa vàng dại trong mỗi ngôi vườn, hai bên lối đi các cây anh đào khoe hững chiếc lá mượt, lấm tấm những nụ hoa nõn, chỉ vài hôm nữa cây cành sẽ đơm đầy những bông hoa hồng thắm, thấp thoáng trong ánh nắng quyện lẫn với màn sương.
Mấy ngày nay xuống phố tụi chúng tôi đã thấy các hiệu sách, sạp báo hai bên vỉa hè bày bán đầy đặc những cái thiệp tết, đủ cỡ đủ màu. Cả một mùa xuân hồng lung linh nhảy múa trong những hình ảnh xinh đẹp, rạng rỡ, nào là chậu mai, cành đào, cây nêu trước ngõ, phong pháo nổ ròn trước sân trước vẻ sốt ruột của đám trẻ thơ xúng xính quần áo mới đang chờ đợi để tranh nhau những cái pháo tịt ngòi, nào là ông đồ già khòm lưng "bày mực Tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua". Tôi, Chi, Diệu tha hồ lựa chọn, so sánh, hỏi ý kiến nhau nhặng xị cả lên những cuối cùng chẳng mua được tấm nào, sợ lỡ mua tấm này sang hàng khác lưa được những tấm khác đẹp hơn lại mất công xuýt xoa tiếc rẻ, cảm thấy đau tiền. Một bà hàng thấy tụi tôi nhẩn nha lựa mãi, trả giá rồi bỏ đi đã gọi giật tụi tôi trở lại, cong cớn:
- Này, sáng mồng một đừng có lại mở hàng mà con bà nhịn đói cả năm.
Tụi tôi đứa mắt nhìn nhau mỉm cười rồi con Diệu, từng nổi tiếng vua cứng đầu kiêm hoa khôi văn chương của P.C.T. Đà Nẵng, cây hùng biện của lớp 12C, trả lời:
- Dạ, sáng mồng một Tết mà gặp bà sợ e tụi cháu dông cả năm.
Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại, bà hàng đứng dậy, chỉ tay về phía chúng tôi, to tiếng:
- Này, bà bảo cho mà biết, còn con gái học trò đừng có lẻo mồm lẻo mép mà... ế chồng.
Tôi định trợ chiến nhưng Diệu đã bám tay tôi, hạ độc thủ:
- Thưa bà, ế chồng thì ế, chớ tụi cháu không dám về làm dâu nhà bà.
Tụi tôi ù té chạy và bụm miệng cười khúc khích trước đôi mắt ngạc nhiên của nhuj47ng người đang đi trên đường phố. Đến lớp tụi tôi vẫn còn cười và may quá hôm đó là buổi chiều tất niên nên học sinh tha hồ vui đùa, trò chuyện. Trong mỗi lớp, bàn ghế được xếp theo hình chữ U, con trai ngồi thành hai hàng dài hai bên, con gái ngồi giữa, đối mặt với bàn giấy dành cho bà hiệu trưởng và các giáo sư. Họ sẽ lần lượt đến từng lớp học, thường bắt đầu từ lớp nhỏ đến lớp lớn, ngồi vào chiếc bàn danh dự có trải khăn ni lông và một bình hoa đặt cạnh các đĩa bánh mứt, nhấm nháp vài lát mứt, cắn vài hạt dưa sau khi học sinh trưởng lớp trịnh trọng đứng dậy, run run lôi tờ diễn văn viết sẵn trong túi ra, ca ngợi công đức bà hiệu trưởng, quí vị giáo sư đã dạy dỗ các em nên người, dẫn chúng em đi trên con đường sáng, nay Tết đến xuân về, chúng em không biết gì hơn là kính chúc quí vị một năm mới hạnh phúc, dồi dào sức khỏe để tiếp tục sứ mạng giáo dục vân vân...
Sau phần diễn văn chúc Tét, giấy bóng bọc các bánh mứt bắt đầu sột soạt, rào rào như một đàn châu chấu đang gặm nhấm cả một cánh đồng lúa, tiếng hạt dưa lách tách và dĩ nhiên bánh mứt, hạt dưa trên các bàn con trai khi nào cũng vơi nhanh hơn các bàn con gái .
Tâm hồn tụi tôi phơi phới theo những làn gió nhẹ từ sân trường lọt vào các cánh cửa, thổi bay những đuôi hoa giấy lòng thòng trên trần lớp, mặt trời lười biếng ngủ vùi suốt mùa đông trong lớp chân mây xám xịt, ẩm đục hơi nước nay đã vươn vai trở dậy, chiếu những tia nắng mới xuống cây cành xanh mướt, những đóa hoa thược dược màu sắc diễm kiều.
Đêm văn nghệ tất niên diễn ra trên sân trường trong bầu không khí tưng bừng, náo nức. Sân khấu vĩ đại là những chiếc bàn học được kê sát vào nhau, phía trước những băng ghế xếp thành những hàng ngay ngắc dành cho các khán giả. Chiếc màn nhung đỏ thẫm buông kín rũ những nếp uốn khúc đều đặn, dợn sóng lăn tăn mỗi lần cơn gió lướt qua, những bóng đèn nhấp nháy, các sợi hoa giấy thướt tha nhảy múa trên các cành thông, cây sầu đông nở đầy những chùm hoa tím nhạt. Trời sụp tối học sinh đã tề tựu đông đủ, đứa nào cũng áo cũng quần mới, chải tóc cẩn thận, khuôn mặt sáng láng, xinh xắn như một đàn tiên nhỏ bé vừa lạc xuống từ trời cao. Tiếng đếm đều đặn từ một đến mười vang lên trên các máy phóng thanh để điều chỉnh kỹ thuật. Đèn sân khấu, đèn pha cũng chớp tắt, đổi từ màu hồng sang vàng, tím, đỏ, xanh lá cây. Một vùng không gian tràn ngập âm thanh và màu sắc.
Khán giả, đa số là phụ huynh học sinh, lục tục kéo tời, chả mấy chốc đã chiếm đầy các dãy ghế. Chương trình văn nghệ tất niên sắp khai mạc. Tôi hé vội chéo màn nhung và lòng bỗng dưng hồi hộp khi nhìn thấy lố nhố những cái đầu lóng lánh màu sắc, hàng ngàn đôi mắt đổ dồn về phía sân khấu chờ đợi. Mẹ tôi ngồi trên hàng ghế dành cho khán giả danh dự của nhà trường, mẹ đang nghiêng người nói chuyện với bà hiệu trưởng, chốc chốc lại mỉm cười. Trông mẹ hôm nay xinh ghê, tôi vẫn thường hãnh diện thầm với nhan sắc kiều diễm của bà. Khuôn mặt trái soan bầu bĩnh nổi bật trên chiếc robe nhung đen, hai cánh tay để trần, làn da trắng mịn màng. Miệng bà tươi cười như đang ngậm một cánh hồng nhưng đôi mắt vẫn thấp thoáng nét buồn xa vắng.
Đến hồi khai mạc, bà hiệu trưởng lên sân khấu nói mấy lời cảm tạ dự hiện diện của quan khác và phụ huynh học sinh. Tiếng dương cầm ngọt ngào của mẹ tôi dìu dặt vang lên, những nốt trầm ngân dài, nốt thanh cao vút, chuỗi âm thanh óng ánh như những chùm tơ trời buổi sáng quấn quít lấy nhau múa lượn la đà trên các cành lá, đỉnh cây rồi kéo nhau bay bổng, mất hút giữa bầu trời thưa thớt những vì sao cuối đông. Mẹ hơi cúi xuống trên phím đàn, bà đánh với tất cả say mê và lôi cuốn mọi người vào sự say mê đó. Mẹ vẫn nổi tiếng là tay chơi dương cầm có ngón đàn ngọt ngào, bay bướm nhất thành phố sương mù thơ mộng này. Trước khi lấy ba tôi bà là một học viên trường quốc gia âm nhạc, nghe đâu bà đã đoạt giải thưởng trong một kỳ thi âm nhạc toàn quốc. Tiếng đàn cùng nét duyên dáng, thanh tú của bà đã khiến ba tôi mê đắm một thời. Thuở hai người chưa lấy nhau những đêm về ba thường lang thang qua ngôi biệt thự mờ ảo những cành anh đào trong sương và tiếng đàn réo rắt của mẹ từ trên căn phòng, ánh sáng lung linh thoát ra khung cửa sổ, phủ ngập và tan loãng cùng bóng sương đêm.
Như một cánh buồm bọc gió, tiếng đàn của mẹ xuôi chảy phăng phăng trên giòng sông kỷ niệm, hai bên là những bến bờ ghi dấu những hò hẹn đầu tiên, nơi đây phơ phất những cánh hoa mimosa e ấp của người con gái bắt gặp những tình cảm thứ nhất của đời mình, thuyền lướt qua một vườn hồng ngào ngạt đưa hương, bước chân cuống quít của thiếu nữ lạc vào thế giới tình yêu kỳ diệu. Hoa hồng thương yêu, hoa vàng nhớ nhung, hoa tím tương tư. Thuyền xuôi nhẹ cạnh cánh đồng hoa trắng, màu trắng trinh nguyên của chiếc áo dài, khăn voan ngày cưới khi mẹ ngượng ngùng đi cạnh ba tôi bước lên những bậc thềm đá dẫn vào giáo đường, hồi chuông đổ mừng khiến đàn bồ câu đang mơ màng ngủ trên mái ngói giật mình vỗ cánh, bay dạt vào trời xanh. Chiếc bóng trắng mỏng manh của mẹ quì cạnh ba trước tòa Chúa như muốn được che chở, thương yêu suốt đời, điện nến sáng trưng, linh mục chủ lễ trang nghiêm, tiếng đàn harmonium nhẹ như lời gió và ban hợp xướng ngợi ca sự kết hợp thiêng liêng, kỳ diệu của thượng đế. Kể từ giây phút này cuộc đời người nữ sẽ được gắn liền vào cuộc đời người nam. Hãy sống với nhau, thương yêu nhau suốt đời, đổ mồ hôi để lấy bát cơm và tìm kiếm hạnh phúc.
Bóng mẹ tưởng như đổ gập lên mặt đàn, bà không còn đàn bằng mười đầu ngón tay nữa mà bằng cả tâm hồn, hơi thở. Mọi người yên lặng, say sưa lắng nghe và bị cuốn hút vào thế giới huyền ảo, say mê của âm nhạc. Từ trên sân khấu tôi nhìn thấy đôi mắt mẹ long lanh ngấn lệ. Tôi cũng khóc hồi nào không hay, những giọt nước mắt nóng hổi ứa ra, lăn dài xuống má. Tôi chùi vội vào chéo màn nhung kẻo sợ con Diệu đứng cạnh trông thấy nó sẽ trêu tôi. Nó vốn cứng đầu và mang một ít nam tính trong hồn nên không ưa tụi bạn gái khóc nhè. Những giọt lệ ứa ra khỏi rèm mi đẹp lắm, Diệu vẫn thường nói đùa để lâu lâu đứa nào chẳng may khóc trước mặt nó, nhưng nên dành độc quyền cho lũ nhóc tì, tóc còn thắt bím, nhảy lò cò và chơi ô quan. Tụi mình đều mười bảy tuổi, sắp lên đại học cả rồi, không lý mai mốt để chàng (a, con này ghê lắm, chắc nó có bồ rồi) lên đường nhập ngũ phải rền rĩ đổi lại câu hát: Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, trôi đầy nước mắt hay sao?
Dạ khúc do mẹ tôi độc tấu dương cầm kết thúc, khán giả sững sờ, rơi hẫng vào im lặng mất mấy giây rồi tiếng vỗ tay mới rào rào nổi lên, từng đợt, từng đợt đuổi nhau ào ào như sóng. Mẹ tôi đứng dậy trong ánh sáng dịu dàng từ những bóng đèn màu trên các cành thông chiếu xuống, rắc nhẹ lên mặt một lớp phấn hồng, bà cúi chào cảm tạ khán giả mấy lần, những tràng pháo tay vẫn chưa dứt. Mẹ nhận bó hoa hồng từ tay bà hiệu trưởng trao tặng, đặt lên mặt đàn rồi lại ngồi xuống, vẻ u buồn phảng phất trên đôi mắt tan biến nhường chỗ cho nét hân hoan. Giàn đèn pha ter6n sân khấu đổi từ màu t1m u buồn sang màu hồng tươi vui. Sau dạ khúc, mẹ tấu bản ca khúc bình minh, nhạc đệm cho vũ khúc của chúc tôi. Mặt trời mọc lên từ phương đông, chim hót líu lo, đàn gà đập cánh sau lũy tre và chúng tôi lần lượt xuất hiện trong vũng sáng hồng rực rỡ. Nông phu vác cuốc ra đồng, lũ trâu rời chuồng bước gập ghềnh trên dường làng mấp mô, các cô gái quê gánh hàng ra chợ, học trò vui vẻ cắp sách đến trường. Khác với âm thanh trầm buồn của dạ khúc, bây giờ điệu nhạc của mẹ vui tươi như làn gió lượn trên mặt hồ có những con thiên nga lông trắng, cánh diều giấy lên cao trên đồng làng. Một ngày mới bắt đầu, ngày của sự làm việc, cần lao và học tập. Chúng tôi nhịp nhàng nhảy múa theo điệu nhạc, mang máng nhớ đến một bài học thuộc lòng: Chính vì con mà người thợ làm bánh mì trắng xóa những bột, bác nông phu dầm mưa dãi nắng, người hàng thịt bê bết máu... Cả một xã hội hoạt động đều đặn để phục vụ đời sống của con, bồi bổ kiến thức và nuôi dưỡng tinh thần con. Bây giờ đến phiên con, con sẽ làm gì để đền ơn xã hội.
Đêm văn nghệ chấm dứt, bà hiệu trưởng xoa đầu tôi khen ngợi, cám ơn mẹ và đưa tiễn chúng tôi đến tận cổng trường. Sương xuống mù mịt trên các con đường và gió đêm lành lạnh ngấm vào da thịt. Tôi nép sát vào người mẹ tìm hơi ấm. Những bóng đèn trên ngọn núi cao nhạt nhòa như con tàu đang trôi dạt trên một đại dương mù mịt. Rừng thông dưới thung lũng hiện mờ mờ trước mặt, sự im lặng kéo dài đã khá lâu, tôi níu tay hỏi mẹ:
- Tết năm nay ba có về không mẹ?
Mẹ trả lời, cố nén tiếng thở dài:
- Mẹ cũng không biết nữa, chừng nào ba chán đường xa sẽ trở về với mẹ con mình.
Một chiếc xe bật đèn pha chạy vụt qua, máy nổ ầm ầm trong tiếng gió. Tôi đưa mắt nhìn lên vòm trời âm u, các vì sao đều đã trốn mất.
- Mẹ biết nơi ba ở không?
Đèn đường chiếu hắt xuống gương mặt mẹ, chia thành hai vùng tối sáng như nét mặt một pho tượng đá trắng.
- Mẹ làm sao biết được, mấy năm nay ba không gửi thư về.
- Sao mẹ không đi tìm ba?
- Mấy năm trước ý tưởng đó cũng có đến với mẹ nhưng bây giờ mẹ nghĩ có tìm cũng vô ích khi ba con chưa muốn quay về với gia đình. Mẹ kiên nhẫn chờ đợi dầu biết rằng mỗi mua xuân qua mẹ già thêm một tuổi, những vết nhăn của thời gian từ từ hiện ra trên gương mặt.
Tôi nói như cố đẩy những ẩn ức ra khỏi lòng:
- Không, mẹ chưa già, mẹ còn trẻ đẹp, nước da mẹ mịn màng như da con gái.
Mẹ tôi cười khẽ, cánh tay khoác lên vai tôi siết chặt.
- Cám ơn con gái cưng của mẹ. Mà thôi, đừng bận tâm đến chuyện buồn. Hãy hưởng những ngày tháng thơ ngây của tuổi trẻ, vui đùa cùng những cánh bướm và đi ngủ với những đóa hoa.
Tôi ngúng nguẩy:
- Mẹ quên rằng năm nay con đã mười bảy tuổi.
Mẹ tát yêu vào má tôi:
- Bộ con tưởng đã lớn lắm rồi sao. Đừng có hư mẹ đánh đòn bây giờ.
Tôi định hỏi thêm mẹ mấy câu liên quan đến sự bỏ đi của ba tôi nhưng bước chân chúng tôi đã dẫm lên lối sỏi bước vào nhà.
*
Mấy ngày cuối năm tôi được nghỉ học tha hồ quấn quít bên mẹ xem bà tỉ mỉ ngồi bào những lát gừng, lát bí để làm mứt, những củ gừng vàng bết đất và lá xanh bên trên, mẹ rửa sạch, cắt lá và thái thành những lát mỏng. Tôi phụ với mẹ một tay nhưng thấy mình vụng về, mấy lần luống cuống suýt để dao cắt vào ngón tay, chẳng bì với mẹ, tay thoăn thoắt như khi bà đánh bài vậy. Tôi nhắc mẹ:
- Năm nay mẹ không làm mứt hạt đậu (đậu phụng rang ngào với đường) hở mẹ?
Mẹ ngừng tay, củng nhẹ vào đầu tội:
- Mẹ mua sẵn đường đậu cả rồi nhưng chưa làm vội. Con mèo của mẹ ưa ăn vụng lắm, sợ đến ngày Tết chẳng còn bao nhiêu để mời khách, lại còn con mèo tam thể và con mèo đen (lũ bạn trong lớp thường gọi đùa tôi, Chi và Diệu là ban tam ca Ba con mèo xí xoọng), toàn những cái mồm ưa ăn vặt, chắc chẳng có ma nào dám tước về nhà.
Tôi mỉm cười nũng nịu:
- Ơ, ơ mẹ quên con mèo con đã được mười bảy tuổi.
Mẹ vui vẻ:
- Chừng nào thì con Chi, Diệu đến chơi. Có tụi nó hơi ồn ào nhưng cũng vui cửa vui nhà.
Tôi ném mấy lát gừng vừa cắt vào thau nước.
- Tụi nó bảo sáng mùng một sẽ đến xông đất nhà mình, mừng tuổi để mẹ lì xì. Con Chi nhắc mẹ nhớ để dành sẵn bánh chưng và dưa món cho nhiều nhiều.
Gì chứ dưa món do mẹ tôi làm phải kể là tuyệt hảo, đáng được liệt vào những kỳ quan thế giới. Những lát đu đủ, cà rốt ngâm với nước mắm đường cho rúm, những hạt đậu phụng béo bùi ăn với bánh chưng trong ba ngày Tết thì nhất.
Đúng lời hẹn, sáng mộng một mới bảnh mắt ra, tôi đã nghe tiếng Chi, Diệu léo xéo ngoài cổng, hồi chuông điện reo vang inh ỏi trong nhà. Tôi vội chạy ra, mở cửa đón lũ bạn vào. Mấy cái miệng tíu tít:
- Năm mới!
- Năm mới!
Chỉ hai tiếng đó cũng quá đủ nghĩa, không cần nói gì hơn. Năm mới, cái gì cũng mới, từ cái quần, giày dép, tâm hồn đến đồng tiền mừng tuổi mới tinh đựng trong bao giấy hồng điều. Mẹ tôi mặc chiếc áo dài nhung màu rượu chát, tươi cười đứng đón chúng tôi trên bực thềm đá hoa. Diệu, Chi vòng tay rối rít:
- Lạy bác năm mới.
- Năm mới chào bác.
- Chào hai cháu, mời tất cả vào nhà.
Chúng tôi ngồi quây quần trên bộ sa lông, cành mai nở rộ những cánh hoa vàng thắm. Sau lời chúc đầu năm mẹ trao cho mỗi đứa một bao giấy hồng điều. Diệu chưa mở vội, xem thừ mình được mừng tuổi bao nhiêu, nó nói với mẹ tôi:
- Thưa bác, năm nay tụi cháu đều lớn cả, xin bác tặng cho mỗi đứa hai bao tiền mừng tuổi.
Mẹ cười cười:
- Tục lệ ông bà để lại chỉ mừng tuổi một phong bì, nếu cháu muốn bác sẽ tặng thêm một... tấm chồng!
Con Diệu rú lên như rờ phải lửa:
- Eo ơi, cháu còn nhỏ, xin bác cho cháu hai chữ bình an để học hành.
Mẹ tôi nhặt một bông mai rụng xuống mặt bàn.
- Cháu nói phải đó, ở tuổi các cháu chỉ nên vui đừa trong thế giới đèn sách, những điều khác thời gian sẽ tuần tự mang đến như sự chuyển dịch của thiên nhiên : Lộc nõn, lá xanh, hoa nụ, trái kết.
Sau bữa ăn bánh chưng và dưa món đặc biệt, mẹ dẫn chúng tôi rời nhà, dạo chơi thung lũng cỏ xanh. Chúng tôi chạy đuổi nhau, tung tăng như những cánh bướm, chi61c chốc ngừng lại để thở và chờ mẹ theo kịp. Bây giờ tôi mới để ý, tụi con Chi, con Diệu hôm nay diện ghê. Chi mặc jupe hồng, thắt nơ cùng màu, Diệu thường ngày mặc đồ Tây hôm nay khoác áo dài thướt tha. Chúng hẹn nhau chiều nay sẽ xuống phố nhìn thiên hạ du xuân, sau đó sẽ về nhà tôi đánh tam cúc rồi nhờ mẹ bói Kiều.
Nắng xuân ấm áp và tâm hồn tôi phơi phới như thảm cỏ non trải rộng đến chân trời, nắng ấm mơn nõn trên những đóa hoa dại còn lóng lánh những hạt sương. Mải mê chạy đuổi nhau, tụi tôi bỏ mẹ lại một quãng đường khá xa, đến khi nhìn lui chỉ thấy tà áo dài của bà phất phơ trong gió, nổi bật trên nền cỏ xanh như một cánh hồng nhung đỏ thẫm. Tôi ngồi xuống một gốc thông, chờ mẹ đi tới, thầm nghĩ giá bên hình ảnh diễm kiều của mẹ có ba tôi sánh bước thì tôi sẽ hoàn toàn hưởng được một mùa xuân hạnh phúc trên thảm cỏ non.
PHẠM VĂN BÌNH
(Trích giai phẩm Xuân Hồng Tuổi Ngọc 1973)