Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

MỪNG TUỔI CHO ĐỜI - Hồ Minh Dũng

 

Muốn đi vào nhà Huy phải đi qua một con kiệt nhỏ. Kiệt gầy gò và dài như con trăn nằm chết, đã khô. Hai bên dựng lên những mái nhà tôn, dường như dân chúng mới đến cư ngụ, đa số là làm nghề  thợ nhuộm và đi buôn bán ở xa. Một đặc điểm khác làm cho tôi chú ý là con kiệt nầy có rất nhiều trẻ con, đứa nào cũng mập béo, vui tươi và lễ phép. Ít khi tôi thấy một người lớn tuổi, nếu có thì cũng là những người mặt mày bơ phờ, xanh xao, hờ hãi như họ đang lo sợ một điều gì sắp đến, như họ không phải sinh trưởng ở đây hay không có bà con thân thuộc ở đây. Điều đó, sau nầy tôi được Huy giải thích tuy khúc chiết nhưng tôi không tin, bởi vì chính sự sinh hoạt trong nhà nàng cũng đã làm cho tôi băn khoăn, thắc mắc.

Huy ở cuối con kiệt, có thể nói nhà nàng dính sát vào những tàng cây lúc nào cũng âm u, chễm chệ trên một đền cao bằng gạch có rêu mốc cằn cỗi, nơi trước đây dành cho những buổi tế trời đất của các vị quan quyền hay một tôn giáo nào đó. Trong nhà của Huy không ai để ý đến vùng đất mà họ chiếm cứ được trong một sự tình cờ mà họ cho là khá may mắn. Và tôi trở thành yêu Huy, thiết tha bởi một điều gì xa xôi hơn, vừa lãng mạn, vừa phiêu du, vừa mạo hiểm. Tôi đã nói với nàng:

- Sở dĩ tình yêu chúng ta kéo dài đền ngày hôm nay là vì em ở trong một căn nhà mà anh không thể không đến được.

Huy mỉm cười:

- Em không tin nó đơn giản như vậy.

Tôi nhìn những viên gạch màu xám tro. Thời gian đã hằn lên một lớp màu sắc đặc biệt. Ngoài trời lúc nào cũng chan hòa ánh nắng, thật đúng là một ngày ấm áp của miền Nam. Tôi không phân biệt được thời tiết giữa lúc nầy nhưng nhận thấy ở trong nắng có một sức sống trường kỳ chứ không phải yểu tướng như những cơn nắng thường xuất hiện mà tôi thường bắt gặp ở quê tôi. Huy nhìn tôi;

- Ba em lúc qua đời nói phải ở chỗ đất nầy, anh em không nghe là quyền của anh. Nhưng với em, bổn phận bắt buộc em không thể cãi lại lời cha được, nhất là khi ông không còn nữa.

Nét buồn lại đến trên mặt nàng:

- Anh em không nghe cũng có một lý do, anh ấy nói không muốn nhìn thấy những cái gì tàn tạ ở chung quanh, không thể kéo dài sự chứng kiến buồn bã nữa.

Tôi yên lặng. Những tiếng động trong kiệt được cơ hội vang lên trong đó có tiếng bọn trẻ con miệt mài cuộc chơi. Huy cũng nhìn ra vạt nắng ngoài sân:

- Cái gì cũng có lý do hết, nhưng em đang sống trong một cái không có lý do, đó là yêu anh.

Sau câu nói Huy cầm tay tôi, hơi ấm chảy qua bàn tay của tôi để nguyên trên bàn, Huy nói nhỏ:

- Anh uống trà líp-tông không?

- Trà Đà Lạt?

- Không trà Đài Loan ngon lắm.

- Nhất là được tự tay em pha.

Huy cười bước đến bàn nước. Tôi còn lại đối diện với những nỗi vu vơ, có thêm một nỗi buồn nào vừa mới đến, có nỗi buồn nào ngủ yên đã lâu giờ tái xuất hiện. Nỗi buồn nào cũng muốn sinh sôi nẩy nở.Tôi bỗng thèm khát cảnh ấm áp của một mái gia đình, một mái nhà.

Điều đó đáng lẽ Huy phải hiểu tôi nhưng trái lại, nàng nói:

- Anh là một người có hạnh phúc hơn người khác hay ít ra anh cũng đã tìm thấy nó mà khỏi tìm kiếm. Một người đã được mở hết những sợi dây xích trói buộc vô ích. Chính em là kẻ đáng bàn tới. Bây giờ quanh em biết bao liên hệ, biết bao liên lụy. Em có thể ví dụ em là một thân cây đứng giữa sa mạc, vừa để cho gió táp lung lay, vừa để cho người bộ hành ẩn núp chút bóng mát., vừa để cho chim muông trú ẩn và vừa để cho sâu bọ gậm nhấm lá chồi... chắc anh đã hiểu.

- Nhưng em không hiểu anh - tôi nói - Anh không phải là người đi tìm hạnh phúc như em nói đâu. Anh đã gặp hạnh phúc hay chưa, anh không nói tới, vì anh không tìm nó. Hạnh phúc anh, chẳng hạn như những giây phút gần em hôm nay, trong một mối tình đẹp đẽ, hiếm có, nhưng chốc nữa đây sẽ hết. Anh ao ước được một mái ấm hay ít ra có một nơi để nghĩ tới, để vọng về. Còn em, dù sao em cũng có một người cha để nhớ tới, một người anh để mong trở về.

Huy tiếp:

- Em hiểu rồi, bởi thế em đã chia cho anh, coi anh như một người trong gia đình nầy. Anh uống trà đi.

Tôi nâng ly trà đang bốc hơi:

- Cám ơn em, chẳng có gì hơn.

Trong mùi thơm của trà, tôi nghe như có ai nhắc tới dĩ vãng, dĩ vãng tôi tuy phức tạp, nhưng dễ nhớ vô cùng. Tôi chào đời như bao nhiêu đứa bé khác, được hưởng thụ đầy đủ phương tiện y khoa trong một bệnh viện công lập, nhưng chỉ vài ngày sau đó tôi đã trở thành một đứa trẻ không có mẹ. Mẹ tôi đã quấn tôi trong một chiếc khăn trắng có thêu hai con én bay giữa những đám mây xanh. Mẹ tôi đem bỏ tôi dưới một cống nước trước cửa bệnh viện cùng với rác rưởi, đồ phế thải trong nhà hộ sinh. Dĩ nhiên là tôi khóc, tôi gào thét lên một cách vô thức. Hai lỗ mũi tôi lúc đó còn ló ra ngoài không khí bản năng sinh tôn làm sao không hoạt động được. Sau đó, tôi được một người đem về nuôi, đó là một người bị bệnh điên vừa vượt nhà thương về. Đó là một người đàn ông tôi không nhớ được hình dáng, bởi vì người ấy cũng không ở với tôi được lâu. Sau khi đổ dồn vào công việc nuôi tôi, người ấy đã hết điên. Rồi người ấy tích cực tham gia một đoàn thể chính trị gồm toàn những người mù, người điếc, người què, người thiếu ăn, thiếu mặc và cuối cùng người đó chết trong một cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu, năm tôi lên mười tuổi. Trong đám tang, người hàng xóm dạy tôi gọi người ấy là bõ nuôi, họ dạy tôi lạy trước quan tài và quấn lên đầu tôi một vành khăn trắng. Đó là năm tôi biết một cách lờ mờ sự đau khổ, sự thiếu hụt. Năm đó tôi mới đến trường học vỡ lòng và trong đám học trò thường có cha mẹ đưa đón, tôi bắt đầu tìm kiếm cha mẹ tôi. Ai đã sinh ra tôi. Ai đã giết bõ nuôi tôi. Không có tiếng trả lời, tiếng nói tôi bơ vơ như một tiếng động rời lăn xuống thung lũng bao la. Tôi tiếp tục sống những ngày le lói vung vãi nỗi thương đau đây đó, một kẻ đứng trên sườn núi hoang vu không nhìn thấy được một đường mòn nào để bước xuống. Bao tháng năm, một kẻ mù lòa với chiếc gậy dò đường mỏng manh, tôi chập choạng bước. Lưỡi dao nào đã bằm nát ngực bõ nuôi tôi trong một ngày nắng hồng tía. Dù trong tuổi lãng quên, tôi vẫn không sao quên được đám tang của bõ tôi đi qua nhiều cồn cát nguội, qua nhiều bãi toàn hoa xương rồng nở có nhụy vàng. Đám tang bõ tôi cực kỳ cảm xúc, không giống một đám tang nào khác trên đời nó từa tựa giống như một cuộc rước kiệu mà bõ nuôi tôi là một thần tượng còn sống được nghênh đón, hoan hô, vạn tuế. Bõ tôi chết, tôi không còn đi học nữa, tôi trở lại mồ côi và lang thang, lẫn lộn trong các tiệm ăn, nhưng tôi không phải là một đứa bé hành khất vì tôi không ngửa tay xin, tôi ít khi thấy đói, bởi vì chung quanh tôi nhiều người cảm thông tôi quá, dường như ai thấy tôi họ cũng muốn biểu lộ lòng nhân đạo, họ cho tôi ăn, cho tôi uống với nét mặt cởi mở, thân thiện. Tôi cám ơn vô cùng nhưng không vì thế mà khuây khỏa được cái chết lặng lẽ của bõ nuôi tôi, sự tìm kiếm cha mẹ tôi. Con phố nào, ngõ hẹp nào, gầm bàn nào, xó chợ ẩm thấp nào đã gần gũi tôi, đã chứng kiến một chuỗi sinh hoạt không mấy ngoạn mục của tuổi trẻ tôi và cuối cùng, nhân vật nào đã chở tôi trên một chiếc xích lô đạp đến gửi tôi trong viện bảo anh. Từ đó tôi sống lớn lên như một môi trường thích hợp.

Thân thế tôi chỉ có chừng ấy. Tuy rườm rà nhưng thật ra không có một bí mật nào đáng nói. Có một số người lớn tuổi hoặc là bạn tôi hoặc là người yêu tôi, khi đã tìm hiểu dĩ vãng tôi, họ không bao giờ gặp tôi nữa, họ sợ cái nguồn gốc ấy. Tôi cũng có buồn năm ba phút khi bắt gặp phản ứng đó nhưng tôi cũng đã hãnh diện rằng, chính nhờ thế mà tôi có những mối tình chân thật, thắm thiết. Trong đó có Huy.

Chúng tôi quen biết nhau thật tình cờ và tình yêu xẩy đến cũng thật nhanh chóng. Cách đây chẳng bao lâu, tôi gặp nàng trên một chuyến xe buýt rộng rãi. Cả hai chúng tôi đều đứng nhìn ra cửa kính, mưa dựng từng chấn song ngoài trời. Tôi hỏi nàng đi đâu, nàng bình thản trả lời, tôi là kẻ đi xe để đụt mưa. Và tôi cũng thế, tôi cũng là kẻ đụt mưa lưu động. Chẳng có một tàng cây nào, chẳng có một hành lang hay vỉa hè nào để cho tôi ẩn núp mà thấy thích thú. Chúng tôi đã cảm thông nhau, quen và yêu nhau. Bây giờ Huy muốn gợi lại một chuyến xe chạy giữa cõi hư vô đó:

- Nếu chiếc xe ấy cứ chạy hoài thì chắc ngày nay chúng ta đã đến một chân trời quang đãng nào rồi.

- Cái đó cũng chưa chắc, có thể rơi xuống một vực sâu.

- Nhưng chắc chắn là lòng vực nở toàn hoa, nở toàn hoa xuân bát ngát.

Tôi nghĩ nhanh đến hai con én mẹ tôi đã quấn cho tôi hai mươi mấy năm về trước. Mùa xuân đã bao bọc quanh mình tôi trong tuổi thơ, khi rốn tôi chưa rụng hết. Tôi thoáng nghe tiếng Huy nói tiếp:

- Chuyến xe chở hai hành khách bàng quan đi thật lý tưởng.

Tôi gắng nở một nụ cười. Khói lam từ chén trà bốc lên. Huy nhìn ra ngoài sân, nàng nói:

- Nước trà em chế chắc không ngon như anh muốn?

- Nhưng chúng ta đang ở trong một quán xá bên đường, khách lữ hành chỉ có hai người.

Huy bỗng cầm tay tôi:

- Em chỉ muốn suốt đời làm kẻ đụt mưa trong quán xá này.

Tôi vuốt lên tóc nàng:

- Anh cũng mong như em.

- Có khi nào thành sự thật không anh?

- Sao em hỏi anh câu đó?

- Vì em không biết hỏi ai bây giờ.

Những âm thanh rơi rất nhanh ngoài kiệt, có tiếng chim hót sau hàng cây, ô trời hình chữ U nằm giữa hai dãy nhà lầu ở thật xa có một tảng mây như ngủ ở đó đã lâu rồi, như một lớp sơn của người họa sĩ đãng trí phết lên bức tranh chưa có đề tài. Thật lâu sau, Huy cười nhẹ:

- Em chẳng biết hỏi ai, chỉ hỏi một người mà người ấy ở xa quá, đó là ông Trời.

Tôi không nói gì thêm nữa. Lúc đó có một người đàn bà đẩy vào sân chiếc xe làm bằng gỗ, treo lủng lẳng đầy những quàn áo đủ màu sắc, ngay giữa chiếc xe có treo một cái hình được lồng gương cẩn thận.

- Dì em đã về - Huy nói.

Người đàn bà khoảng bốn mươi tuổi khẽ chào tôi rồi cho chiếc xe vào trong hiên nhà, một trận gió nhẹ thổi qua làm quần áo trên xe dính vào nhau trông như tấm tranh lập thể. Huy tiếp:

- Dì em làm nghề thợ nhuộm, một nghề mà dì tự lựa chọn sau ngày ba em qua đời, mục đích của dì là chọn một nghề có thể giúp cho dì quên được hình ảnh của ba em. Dì nhuộm màu sắc đẹp lại lấy ít tiền nên đắt lắm.

Sợ tôi không hiểu, Huy giảng thêm:

- Trước kia dì cũng là một người nghệ sĩ, thích đàn thập lục huyền, đánh cờ tướng, thích xem những trận đá gà và đua ngựa. Dì gặp ba em trong trường đua quen và yêu nhau vì cuộc cá đấu hào hứng.

Chờ người đàn bà thu xếp quần áo xong, Huy giới thiệu:

- Thưa dì, đây anh Ngạc, bạn con.

Người đàn bà mỉm cười nhìn tôi. Đôi mắt tuy đã lớn tuổi nhưng còn sáng rực. Tôi có cảm tưởng như đã gặp bà ta một lần nào ở đâu rồi. Tôi hỏi một câu xã giao:

- Dì có được khỏe không?

- Cám ơn cậu, vẫn thường.

Nói xong người đàn bà đi xuống nhà dưới, tôi thoáng thấy hai bàn tay bà đầy mực nhuộm trong lớp ánh sáng thật hòa hợp. Huy như cố gắng để nhắc đến kỷ niệm của dì:

- Dì em tên Yến Dung, trước kia học trường nữ trung học ở ngoài Huế. Dì có một thiên tình sử thật bi đát. Tình đầu của dì là một chàng trai trọ học cùng xóm có biệt tài câu cá. Dì đã cảm phục cái tài đó và yêu chàng, kết quả dì sinh một đứa con mà chàng ta không nhìn nhận. Dì phải bỏ con trước cửa bệnh viện để ra đi. Từ đó dì đi đủ mọi xứ, làm đủ mọi nghề để sinh nhai và gặp ba em, ngày ấy mẹ em vừa mới qua đời.

Huy dứt lời thì người đàn bà trở ra, bà ngồi xuống ghế, đối diện tôi:

- Cậu người Huế?

- Dạ.

- Vào đây lâu chưa?

- Khá lâu.

- Cậu ở quân đội?

- Thưa dì, không. Cháu lang thang.

Đôi mắt người đàn bà trở nên u uẩn:

- Nghe cậu nói giọng Huế, tôi nhớ lắm. Tôi xa Huế đã hai mươi mấy năm rồi, mong về lại Huế để thăm mà không được. Bây giờ chẳng còn ai thân thuộc nữa.

Nước mắt người đàn bà bỗng giàn giụa. Tôi nghe từng tiếng búa đinh bổ vào đầu. Khi tôi đứng lên thì đã choáng váng mặt mày. Tôi nói với Huy thật nhỏ:

- Thôi anh về.

Người đàn bà gục đầu xuống bàn khóc tức tưởi. Huy đưa tôi qua sân nắng. Lúc ra khỏi kiệt nàng đưa tay lên vẫy. Mắt tôi hoa đi, không phải một bàn tay mà có nhiều bàn tay nhuộm đủ màu sắc đưa lên cao, giữa một rừng mây mù.


Hồ Minh Dũng     

(Trích giai phẩm VĂN số tân niên, 1973)
 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét