Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

NHỮNG CHÙM HOA PHÁO ĐỎ - An Châu Lan

 

 
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
NGUYỄN DU

Hoa pháo nở vào mùa đông, thường trong tiết đông chí. Mầu hoa không hồng cũng chẳng đỏ. Và hoa pháo thật tình cũng chẳng đẹp. Nhưng giữa những ngày lạnh giá cuối đông, giữa cả một vườn cây xanh xao, ủ rũ dưới những cơn mưa dầm kéo dài đôi khi cả tháng, giàn hoa pháo đỏ rực cả một góc vườn, một mái hiên. Giàn hoa pháo ở tại nhà Cẩm nằm ngay mái hiên, leo cao bởi một giàn dây thép do ba nàng đã tốn nhiều công chăm sóc. Tôi không rõ giàn hoa pháo này có tự bao giờ, trồng được bao nhiêu năm. Đã nhiều lần định hỏi Cẩm nhưng lần nào cũng quên. Tôi chỉ thấy, khi tôi đến nhà Cẩm lần đầu vào lúc hoa pháo trổ bông, thân cây hoa pháo dù là thân leo nhưng đã bậm to bằng cổ tay tôi, và trồng rải rác thành một hàng dài nhiều cây chênh chếch về phía phải mái hiên.

Tôi và Cẩm học chung một lớp. Trước đó chưa khi nào hai đứa gặp nhau, biết nhau dù cho ở cùng phố. Chúng tôi học với nhau đã hơn ba tháng nhưng vẫn còn bỡ ngỡ, rụt rè khi thấy nhau ở cổng trường. Trường tôi có hai cổng. Cổng phía trước dành cho giáo sư và nữ sinh. Tụi nam sinh chúng tôi phải vào cổng sau. Và đi quanh qua phòng thí nghiệm, tôi có thể vào lớp rất nhanh. Hình như tôi đã không đi như vậy. Ít ra cũng bốn năm lần trong tháng mười và mười một. Sau khi khóa xe, tôi thường tách riêng bạn bè để men theo dãy bàng đi ngược trở lại hàng dương liễu để vào lớp. Và như vậy tôi đã gặp được Cẩm. Gặp để mà gặp, thế thôi, vì Cẩm thường đi chung với mấy cô bạn cùng lớp hoặc khác lớp. Những lần đi quanh co như vậy, vào lớp tôi lại nghĩ mông lung và trí óc vơ vẩn đâu đâu. Và tôi thường có một hành động: làm bộ rớt nắp viết rồi cúi xuống nhặt lên để nhìn qua phía bên kia, chỗ Cẩm ngồi. Không biết Cẩm đang nghĩ gì, thấy gì, tôi thấy Cẩm vẫn tỉnh bơ nhìn lên bảng. Tôi nhận rõ, về phía cửa sổ bên phải có một đám mây trắng trôi chậm trên bầu trời. Tự dưng tôi thấy mình không còn ngồi trong lớp học nữa, không nghe tiếng giáo sư giảng bài. Tôi bềnh bồng theo đám mây, mơ hồ, rạo rực. Tôi thấy Cẩm cười, thấy rõ cả hàm răng trắng thật đều. Tôi mơ mộng. Trong lớp này có bao nhiêu người đang mơ mộng, tôi không biết. Bên dãy bàn kia Cẩm có đang mơ mộng như tôi không, tôi không biết. Tôi chỉ biết hồn tôi bay theo đám mây, đám mây trắng giữa bầu trời xanh biếc.

Tôi có ý tưởng phải đến nhà Cẩm một lần. Tôi dò dẫm mấy cô bạn của Cẩm để hỏi nhà. Nhà Cẩm ở chợ Cống, đi gần về phía Đập Đá thì rẽ qua phải. Cả một buổi sáng chủ nhật tôi suy nghĩ mông lung. Đến nhà Cẩm phải ăn nói thế nào? Cẩm hỏi đi đâu thì phải nói làm sao cho ổn? Tôi tìm mãi không thấy được một lý do. Buổi chiều tôi đâm liều. Cứ đến rồi hãy hay. Tôi nhớ lời dặn: Cả quãng đường Nguyễn Công Trứ về phía bên trái chỉ có một ngôi nhà có gian hoa Pháo đỏ. Đó là nhà Cẩm.

Nhà Cẩm ở ngay đường, dễ tìm. Muốn vào nhà phải băng qua một sân rộng lát ciment và hai bên trồng nhiều chanh. Sau một phút chần chừ, tôi đi vào. Người tôi gặp trước tiên là một người đàn ông đứng tuổi mà tôi đoán là ba của Cẩm. Tôi hỏi:

- Thưa bác, có chị Cẩm ở nhà?

- Có. Mà cậu gọi hắn có việc chi?

Tôi lúng túng:

- Dạ thưa... dạ thưa, cũng không việc chi quan trọng. Dạ định hỏi chị ấy chút việc  thường.

- Vậy hả. Cậu vô nhà.

Tôi theo ông ta bước lên tầng cấp. Tôi ngẩng mặt nhìn lên. Trên đầu tôi là một giàn hoa pháo đỏ rực, chói chang trong ánh nắng chiều. Màu hoa tươi tắn, rạng rỡ. Rạng rỡ như trái tim vừa lớn của tôi. Như ánh mắt của Cẩm nhìn tôi từ dãy bàn bên của lớp. Như nụ cười bâng quơ, bất chợt lúc gặp nhau ở cổng trường. Tôi vào nhà, ngồi ở chiếc ghế phía trong. Khi Cẩm từ nhà dưới lên thì ba Cẩm bỏ đi ra ngoài. Tôi định nói một câu gì nhưng không nói được. Rất may Cẩm đã nói trước:

- Anh đến chơi. Để Cẩm pha nước anh uống.

Có dịp, tôi mở lời:

- Cám ơn Cẩm, tôi không khát. Đến Cẩm để hỏi chút việc, không biết có phiền không?

- Chuyện chi mà anh rào đón kỹ thế, chưa nói mà đã lo phiền hà.

- Cẩm có vào ban báo chí không?

Cẩm cười:

- Cẩm mà báo với chí. Nếu có lập ban ẩm thực thì Cẩm dong hai tay. Còn báo chí thì cũng dong hai tay nhưng để... xin hàng!

Cả hai chúng tôi đều cười. Tôi thấy thoải mái, vui vui. Tôi nói:

- Cẩm giấu nghề. Nghe nói ở trường cũ Cẩm viết nhiều và hay lắm.

- Thì cũng có nhưng trường cũ của Cẩm nhỏ xí xi. Trong thế giới người mù kẻ chột mắt là vua mà anh. Năm nay vào cái trường lớn như thế này thì mình chỉ còn là cái hạt cát.

- Cẩm quá khiêm nhường. Những hạt cát của Cẩm là những hạt cát làm nên thủy tinh.

Cẩm không nói tiếp. Nàng khoanh tay trước ngực nhìn ra ngoài sân. Ánh nắng buổi chiều yếu dần nhưng vẫn còn những vệt sáng trước hiên và trên giàn hoa pháo. Tôi nghĩ đến những lúc mình mơ mộng trong lớp. Và có lẽ bây giờ đến lượt Cẩm mơ mộng. Một chút màu hồng từ giàn hoa pháo hắt vào làm cho đôi má Cẩm ửng đỏ, dễ thương.

Cẩm duỗi thẳng hai tay nói bâng quơ:

- Trời sắp hết năm mà vẫn còn lạnh. Còn non tháng nữa thì lại Tết.

- Cẩm chắc trông Tết, chờ Tết lắm?

- Anh làm như Cẩm còn bé bỏng lắm không bằng. Chờ Tết để làm chi mới được. Chỉ thấy năm mới bằng con số tuổi chồng chất.

- Mới mười lăm mười sáu tuổi mà nghe đã già đời.

- Mười bảy tuổi ta rồi chứ bộ.

- Mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Dễ sợ!

Cẩm cười mà không nói. Tôi qua chuyện khác:

- Giàn hoa pháo của Cẩm đẹp thật. Cả con đường Nguyễn Công Trứ này chỉ có ngôi nhà của Cẩm là rực rỡ. Không hiểu sao người ta gọi nó là hoa pháo Cẩm nhỉ?

- Vì trông nó giống như cái pháo nhìn từng chùm thì không thấy nhưng nếu tách rời từng cái một thì anh thấy nó giống cái pháo.

- Pháo Tết hay pháo gì nhỉ?

Cẩm giẫy nẩy:

- Anh này rõ hay. Không pháo Tết thì pháo gì. Chả lẽ...

- Ừ, thì đó. Cẩm cũng thấy còn một loại pháo nữa đấy. Pháo vu qui chẳng hạn, phải không?

Hôm đó tôi ra về trong những cảm giác sung sướng nhẹ nhàng. Và từ sau lần đó tôi trở nên bạo dạn, thường tìm cách đến nhà Cẩm. Dĩ nhiên bao giờ cũng có chuyện. Khi thì mượn sách, mượn bài, khi thì hỏi chuyện này chuyện nọ dù đôi lúc có những câu hỏi ngớ ngẩn vô duyên. Cả lớp đã bắt đầu biết chuyện tôi yêu Cẩm. Tụi nó bàn tán chỉ chỏ. Bên nữ sinh những khi gặp tôi thường hay hỏi đùa "người ấy đâu rồi". Bên nam sinh thì tọc mạch hơn, chúng điều tra từng chi tiết nhưng lần nào cũng bị tôi tảng lờ. Nhiều đứa hỏi với giọng bực tức. Tôi yêu Cẩm. Và rất nhiều đứa trong lớp yêu Cẩm. Họ ghen ghét tôi vì họ biết Cẩm cười với tôi nhưng không cười với họ. Cẩm mượn sách vở, bài học của tôi nhưng từ chối những quyển sách rất thơm mùi nước hoa của họ. Tôi biết điều đó. Tôi sung sướng thật tình và cám ơn Cẩm.

Trường tôi nghỉ Tết từ ngày hăm bảy ta. Tôi hẹn Cẩm sẽ đến thăm Cẩm một lần trước khi năm hết. Tôi đã bắt đầu thấy âu lo vì những ngày xa Cẩm. Phải xa Cẩm đến mười ngày Tết. Tự dưng, khi buổi liên hoan tất niên chấm dứt, khi mọi người kéo nhau về, tôi bắt đầu thấy thiếu thốn một cái gì, một cái gì không thấy được, không nắm được, không hình dung được. Hình như là tình yêu. Tôi rất ngại khi phải đến nhà Cẩm dù cho bây giờ tôi đã bạo dạn hơn trước. Tôi sợ ba Cẩm. Ông ta có cái nhìn thiếu sự bao dung trái hẳn với cái nhìn trìu mến của Cẩm.

Tôi đến thăm Cẩm vào chiều hai mươi bảy Tết như đã hứa. Ở đó tôi gặp Trinh, một người bạn thân của Cẩm học cùng trường nhưng khác lớp. Tôi đã gặp Trinh một vài lần nên nói chuyện rất tự nhiên. Tôi, Cẩm và Trinh kéo nhau ra ngồi dưới giàn hoa pháo nói chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Chuyện nào cũng vui và cả Trinh lẫn Cẩm đều cười luôn miệng, tiếng cười ròn tan, cởi mở. Trong lúc chưa biết phải nói tiếp chuyện gì thì tôi nghe tiếng Trinh hát. Trinh nổi tiếng là hát hay. Trinh hát nhỏ nhưng cũng đủ để hai đứa tôi nghe. Tôi nhớ loáng thoáng Trinh hát một bài hát nổi tiếng của Nguyễn văn Đông.

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người... lạnh lùng trôi xuôi theo niềm nhớ... Người đi xa xăm phương trời ấy để một người...

Tôi khen Trinh hát hay. Trinh đưa tay chỉ mấy cành bông pháo đang đong đưa trước mặt nói rằng, anh có thấy hoa cười đó không! Hoa cười trong gió đông đấy Cẩm.

Cẩm nhìn lên bầu trời, đôi mắt trông xa vắng lạ thường.

- Cũng không biết nữa. Mà hoa đào của người xưa mới cười trong gió đông, hoa pháo của mình thì cười chi được.

Tôi tiếp lời Cẩm:

- Hình như Cẩm đang nhớ một cái gì phải không chị Trinh. Không chừng chị hát bài vừa rồi bắt Cẩm nhớ "người ấy" đấy.

- Cẩm thì chẳng có ai để mà nhớ. Sao chiều nay Cẩm thấy buồn. Năm cũ đã sắp hết. Cẩm sẽ còn ngồi ở trường với bạn bè bao nhiêu ngày nữa. Hết năm này đỗ hay không rồi cũng phải thôi học. Con gái đầu trong gia đình bao giờ cũng bị thiệt thòi. Cẩm còn cả đàn em trai. Phải hy sinh cho tụi nó, cũng được chừng nào hay chừng đó.

Chúng tôi đều im lặng. Tôi và Trinh cũng buồn lây với ý nghĩ đó của Cẩm. Tôi muốn nói với Cẩm như thế này : mỗi người sinh ra đều có sẵn một cái số. Không ai dám lạc quan cho cuộc sống tương lai của mình nhưng cũng đừng bi quan quá. Không người nào có thể cắp sách mãi đến trường. Một lúc nào đó phải dừng lại. Dừng lại có nghĩa là vào đời. Dừng lại sớm muộn gì cũng thế thôi, biết đâu chừng người ra đời sớm sẽ gặp nhiều may mắn. Tôi muốn nói với Cẩm như vậy nhưng tôi đã không nói. Mỗi năm hoa pháo chỉ có bông một lần, biết đâu vào tiết đông chí sang năm tôi sẽ không còn được ngồi dưới giàn hoa này nữa, vì vậy những lời nói của tôi nếu nói ra có Trinh nghe, Trinh sẽ tưởng giữa tôi và Cẩm đã sắp đặt sẵn một con đường. Tôi chưa có ý định nào. Tất cả chỉ là những mộng tưởng, ước mơ. Tôi sống trong vườn mộng và ươm tơ trong vườn mộng. Vườn mộng, trái mơ nào cũng đẹp, cũng ngon lành, nhưng rất khó hái. Tôi không dám nghĩ về một tương lai cho tình yêu. Con đường trước mặt thăm thẳm, ngút ngàn. Cho đến nay lúc ngồi dưới giàn hoa này với Cẩm tôi chưa lần nào bày tỏ một ý định, một dự tính.

Khi Trinh đứng dậy xin về trước thì tôi cũng về luôn vì trời đã ngả tối. Trong nhà đã bật đèn, ngoài đường cũng vậy. Tôi chào Cẩm và thấy đôi mắt Cẩm rưng rưng. Tôi không biết tại sao.

Giàn hoa pháo nhà Cẩm năm nay lại trổ bông đỏ, cũng những ngày cuối năm sau tiết đông chí. Kể từ ngày đó đến nay tôi không còn được ngồi dưới giàn hoa này thêm một lần nào nữa. Tôi chỉ được ngồi đó một lần trong đời. Chỉ có một lần cho kỷ niệm, cho nhớ thương. Một lần cho những mênh mông vụng dại. Cả một vùng ngọc ngà thơ mộng đã mất đi, mất theo Cẩm từ ngày Cẩm đi lấy chồng năm sau đó. Một thời để mà thương, một thời để mà nhớ, không còn nữa. Mỗi năm hoa pháo nở một lần nhưng tôi không còn được thấy Cẩm. Đám mây trắng bay ngang cửa sổ lớp học ngày nào tưởng đã dừng lại trên giàn hoa pháo thì lại tiếp tục bay xa, xa mãi. Hoa pháo nhà em lại nở, chỉ thiếu đôi mắt ngày nào.


AN CHÂU LAN        
(Huế 12-72)           

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 86, tuần lễ từ 25-1 đến 1-2-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét