Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

MẮT CỌP - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Năm đó, tôi lên Ban Mê Thuột vào dịp Tết. Lý do là vì ở Saigon hoài đâm ra chán ngấy, nhất là Tết mà ở một mình trong thành phố rộng lớn này có lẽ phải buồn dễ sợ. Hơn nữa tôi có nhà một người bạn thân ở thị trấn cao nguyên này, tôi đã từng ở đây một thời gian và dầu cho lang bạt khắp chốn cũng khó lòng quên được những hình ảnh dễ thương, thơ mộng của Ban Mê Thuột, nơi mà người ta thường gọi là xứ Buồn Muôn Thuở.

Hồi ấy, tôi làm phóng viên cho một tờ nhật báo lá cải. Một tờ báo rất bạc đãi đối với bọn săn tin thời sự chính trị, vì nó sống lây lất chẳng qua là nhờ những tiểu thuyết võ hiệp và khiêu dâm đầy tràn ở trang trong. Tôi thường viết những bài phóng sự chiến trường, nhưng không được một ai chú ý đến vì thật ra nó tẻ nhạt như một bản thông cáo tình hình chiến sự. Thường thường tôi đến nơi sau khi súng đã im tiếng, người ta đã thu dọn mọi chuyện và tôi chỉ cắm đầu ghi chép lời của viên chỉ huy quân sự nơi đó, nghe y kể chiến công này nọ và trịnh trọng cầm cây gậy chỉ chỏ vào tấm bản đồ hành quân.

Tóm lại tôi là một người làm biếng, một phóng viên tồi, làm báo chẳng qua là để kiếm chút ít tiền sống qua ngày, và vì đã thất bại với đủ nghề trước khi lao đầu vào nghề này.

Lão chủ nhiệm lại thích tỏ ra mình là người có nhiều sáng kiến và hay ra lệnh. Những ngày gần Tết, bỗng nhiên lão gọi tôi vào văn phòng.

- Trong năm qua tôi thấy anh làm việc có vẻ lơ là quá. Như thế biết bao giờ mới "nổi" được. Làm báo là phải siêng năng, mạo hiểm, chịu khó đi xa, viết những cái gì thật độc đáo không giống với ai cả.

Tôi ngắt lời lão cộc lốc:

- Tôi biết rồi, thưa "xếp".

Lão gật gù nhìn tôi:

- Tết này anh có kẹt gì không, có về thăm gia đình không?

- Không.

- Tốt lắm. Dạo này ở cao nguyên thường có đánh nhau. Người ta chú ý nhiều đến Dakto, Pleime... v.v. Nếu anh chịu khó bay lên đó nằm chơi mấy ngày Tết, viết một cái phóng sự về đời sống của những chiến sĩ nơi tiền đồn rừng rú hẻo lánh, tôi thấy có vẻ ăn khách lắm.

Tôi chửi thề trong bụng. Tôi muốn nói thẳng với lão là cái "sáng kiến" của lão thật lẩm cẩm và chỉ có mỗi một mục đích là hành hạ người ta thôi, nhưng viễn ảnh thất nghiệp đói rách khiến tôi ngậm câm miệng. Tôi cũng gật gù:

- Được rồi. "Xếp" chi tiền một giấy máy bay khứ hồi lên Ban Mê Thuột cho tôi, từ đó tôi xin phương tiện quân sự ra thăm các tiền đồn. Và đừng quên tiền công tác phí là tôi sẵn sàng đi ngay.

Lão chủ nhiệm nhăn nhó khi nghe nói đến vấn đề xuất tiền bạc. Nhưng cuối cùng có lẽ nghĩ đến việc hy sinh một mùa xuân vui chơi của tôi nên lão cũng bằng lòng. Bà vợ lão cố vớt vát bằng cách gởi tiền tôi mua mật ong, cao hổ cốt, thịt nai khô nhân dịp tôi lên Ban Mê Thuột. Bà ta nghe nói trên đó những thứ ấy rẻ lắm.

Thế là có mặt tôi trong một chuyến bay rời khỏi Saigon vào ngày hai mươi tám Tết. Bỏ mặc cái thành phố đang nhộn nhịp những người đi sắm áo quần, mứt bánh, sửa soạn cho một ngày Tết ấm cúng trong gia đình. Nhìn qua khung cửa kính của phi cơ, thành phố nhỏ dần như món đồ chơi. Giờ này, hành khách đang nôn nóng trở về nhà đón xuân. Chỉ có tôi là đang bắt đầu cái công việc vô duyên chán nản nhất. Nhưng sống vất vưởng nay đây mai đó đã quen, tôi cũng không thấy buồn bã gì cả. Cái nghề nghiệp lạ lùng này nó bất cần biết đến ngày nghỉ lễ hay Tết nhứt gì hết. Và muốn sống dai với nó, điều đầu tiên là phải vứt bỏ bớt tình cảm, lòng dửng dưng khô rắn như một khúc gỗ.

*

Vì có đánh điện tín trước nên khi vừa đến phi trường Phụng Dực, tôi đã thấy Bằng đứng đợi sẵn. Hắn la lên, vẫy tay ra hiệu. Cái thằng bạn vui tính này, trước kia học cùng lớp tôi, bây giờ hắn trông nom đồn điền café cho ông bố. Trời Ban Mê Thuột mọi khi đã lạnh nay lại là mùa xuân, gió mưa lất phất rét chết người. Bằng quàng thêm cho tôi chiếc áo ấm rồi kéo tôi ra khỏi phi trường, hắn phóc lên một chiếc xe gắn máy đèo tôi phóng chạy như bay. Phải mập mạp và chịu lạnh quen như Bằng mới dám phóng xe gắn máy từ phi trường về thành phố, gió quật ngược vào người như những ngọn roi đau buốt, nhưng Bằng vẫn cười nói luôn miệng:

- Năm nay về nhà tao ăn Tết. Ở cái xứ đất đỏ này ngày Tết cũng vui ra phết... Năm nay tao...

Tôi gật đầu mặc dầu gió thổi mạnh làm tôi không nghe gì cả, mặc cho Bằng vẫn thao thao nói ba hoa gì đó, chắc là hắn đang phác họa chương trình đi chơi mấy ngày Tết.

Đêm Giao Thừa ở nhà Bằng, tôi mới khám phá mình vẫn mềm yếu như trẻ con. Tiếng pháo bên ngoài đì đạch nổ vài cái, sửa soạn cho những tràng pháo dài tha hồ ròn rã vào lúc mười hai giờ sắp đến. Trong nhà, bà mẹ của Bằng bày biện đồ cúng Tất Niên, những con gà luộc chín bốc khói, cua, trứng và cặp bánh chưng bọc lá chuối vừa vớt từ trong nồi bánh ra, nghi ngút khói. Những đứa em của Bằng co mình trong chiếc áo len mới, đứng sát bên nhau, hau háu nhìn vào đồ cúng. Bằng cũng bệ vệ trong bộ áo quần mới của hắn, hắn lăng xăng khắp nhà để sửa sang cái này cái kia. Bầu không khí ấm cúng đoàn tụ của gia đình Bằng làm tôi tủi thân. Tôi nhớ nhà kinh khủng. Nhà tôi, mẹ và ba đứa em nhỏ bây giờ đang làm gì, năm nay không biết có ai mua pháo và quần áo mới cho chúng, mẹ tôi có gói bánh chưng, bánh tét và làm mứt me dầm như mọi năm không.

Những hình ảnh ấy tôi tưởng chừng đã quên đi rồi, bây giờ bỗng thấm ướt vào người tôi, làm tôi thấy giá lạnh vô cùng.

Tôi bỏ ra khỏi nhà Bằng, trời tối đen, tôi cắm đầu đi về phía phố. Con đường vắng ngắt tối tăm, những dãy nhà đều đã đóng kín cửa, hắt ra từ khung cửa sổ một tí ánh đèn vàng, giờ này mọi gia đình đều đầy đủ quây quần bên nhau chờ đón Giao Thừa. Pháo nổ rải rác đây đó. Ngay trung tâm thành phố, quang cảnh đen ướt hoang vu như một sa mạc chết. Chỉ bơ vơ mấy ngọn đèn đường còn nhà nhà đều câm lặng. Rạp chớp bóng, khu Chợ Mới, những quán ăn ban chiều còn tấp nập, bây giờ bất động quạnh quẽ như một nghĩa địa. Nhưng chỉ là nghĩa địa đối với tôi thôi, còn bên trong những nấm mồ (do tôi tưởng tượng), người ta đang ấm áp bên nhau trong nỗi hạnh phúc ngày xuân.

Tôi nghe tiếng giầy của mình vang lẻ loi đều đều trên đường. Khói thuốc lá không đủ ấm lòng mặc dầu đốt liên hồi làm môi đã khô nóng, co mình trong chiếc áo dạ rộng phùng phình, tôi cắm đầu đi suốt hết con đường Y Yut, rồi rẽ lên phía nhà thờ. Tôi muốn đến suối Bu Ji nhưng trời đã khuya, con suối lại nằm xa tít ở bìa rừng, đường núi gập ghềnh nên tôi không dám đến đó bây giờ. Tôi đành ngồi trên một chiếc ghế đá, đặt ngoài sân nhà thờ. Có bức tượng nhỏ của một ông thánh gì đó làm bằng đá cứng trên bục cao, gần bồn hoa và hồ nước nhỏ. Tôi không biết ông thánh ấy tên gì nhưng đêm nay, ngoài tôi ra, có lẽ ông ta là hình thù giống người duy nhất đang đứng ngoài trời.

Tôi ngủ thiếp đi trên ghế đá. Một khoảng thời gian trôi qua khá lâu, rồi những tràng pháo nổ ầm ĩ làm tôi giật mình thức dậy. Trong bóng tối dày đặc của thành phố, nhấp nháy khắp nơi những ánh lửa, khói thuốc pháo thơm thoang thoảng đâu đây. Không cần có đồng hồ, tôi cũng biết bây giờ là mười hai giờ đêm.

Đêm Giao Thừa của tôi năm nay như thế đó.

*

Ngày đầu tiên của năm mới, nhà của Bằng bận rộn những khách khứa, những lời chúc Tết và bánh mứt, rượu đầy tràn trong phòng khách. Tôi bỏ ra phố một lần nữa. Cả cái thị trấn cao nguyên nhỏ nhoi này dường như vừa khoác một chiếc áo mới. Những thiếu nữ áo len đen và tà áo dài đủ màu rực rỡ, thỉnh thoảng nhiều người Thượng cứng ngắc trong bộ vó sang trọng nhất. Người người đi dạo chơi gần như quanh quẩn ở một đường chính của thành phố. Đường Quang Trung kéo dài từ nhà thờ đến chợ. Mọi quán đều đóng cửa ngoại trừ rạp hát đang đông nghẹt khách, tấm bảng quảng cáo đập vào mắt hình ảnh súng nổ, đấm đá dữ dội của một cuốn phim cao bồi.

Tôi tìm đến một quán café của người Tàu ở góc chợ, điểm tâm bằng một cái bánh bao bốc khói và ly café sữa. Thành phố nhộn nhịp một cách dễ thương bên ngoài, càng làm tôi thấy lẻ loi hết sức.

Ngay trong khi tôi ra sạp thuốc để tìm một thứ thuốc lá quen thuộc, tôi bỗng kinh ngạc đến ngẩn người, người bán hàng thối tiền lẻ lại nhưng tôi vẫn bất động nhìn chăm chăm về phía rạp hát.

Thằng Mắt Cọp, thằng em trai tôi đó sao. Dáng nó cao lêu nghêu, chiếc áo len đỏ chói và quần "Din" xanh làm nó nổi bật hẳn lên trong đám người. Đúng là thằng Mắt Cọp, không thể nào lầm lẫn được. Tôi la lên:

- Mắt Cọp! Mắt Cọp!

Ở đằng kia, Mắt Cọp giật mình ngơ ngác. Khi nhìn thấy tôi, nó la lên một tiếng ngạc nhiên, rồi phóng băng qua đường bất kể xô lấn mọi người. Hai anh em tôi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ vô cùng, tay tôi giật giật cái gáy tóc rậm rạp của Mắt Cọp.

- Mắt Cọp, mày bây giờ lớn quá rồi. Sao? Làm sao mà mày lại ở Ban Mê Thuột lúc này? Má và tụi nhỏ đâu?

Tôi lo lắng hỏi nó. Mắt Cọp nhe răng cười, đôi mắt nó vẫn to long lanh như mắt con gái, nhưng đôi lông mày rậm thỉnh thoảng nhíu lại với vẻ giận dữ làm nó có biệt danh Mắt Cọp.

- Ở ngoài Qui Nhơn hết chứ đâu. Bà Trân mời nhà mình lên Ban Mê Thuột ăn Tết. Má bịnh nên không đi được, má cho em lên đây chơi một mình. Mấy ngày nay em ở nhà bà Trân, chơi với tụi nhóc con bà hoài cũng chán. Anh biết bà Trân không?

- Biết. Cái bà lúc trước hay hùn hạp làm ăn với má chứ gì?

Mắt Cọp gật đầu, nó nói có vẻ buồn buồn:

- Lúc này bà đó làm ăn phát tài dữ lắm. Còn má thì cứ thua lỗ hoài. Em lên đây chơi một phần, một phần là để mượn tiền bà Trân cho má. Nhà mình lúc này "bết" lắm.

Mắt Cọp làm tôi thấy buồn bã. Thằng Mắt Cọp ngày xưa suốt ngày chỉ lo chơi đùa phá phách bây giờ đã biết lo lắng về chuyện tiền nong gia đình. Mắt Cọp lặng lẽ quan sát tôi, nó e dè hỏi:

- Trông anh ốm quá, anh lúc này ra sao?

- Thì cũng loay hoay kiếm đủ ăn.

Đôi mắt của Mắt Cọp bỗng mềm và buồn như nai tơ, nó nắm lấy tay tôi đặt lên bàn:

- Từ ngày anh bỏ đi, má với tụi em ngày nào khi ăn cơm cũng khóc. Thôi anh về nhà đi, má hết giận anh rồi.

Lời nói của Mắt Cọp như những mũi kim đâm vào bụng tôi đau nhói. Nếu không ngồi trong quán, chắc tôi đã bật khóc như trẻ con, ngày xưa mỗi lần mấy anh em bị mẹ tôi cho ăn roi vì nghịch ngợm, tôi vẫn là một thằng mau nước mắt nhất.

Tôi cố dằn lại bằng cách hỏi Mắt Cọp ăn uống gì, nó gọi một tô hủ tiếu và một chai xá xị. Tôi mỉm cười nhìn cái miệng của Mắt Cọp cuốn thức ăn vùn vụt như một con cá mập đớp mồi. Nó vẫn háu ăn và hồn nhiên như hồi xưa mặc dầu bây giờ đã được mười tám tuổi. Những ngày xưa vô tư của tôi bỗng hiện về trước mắt, rõ ràng như quang cảnh đường phố.

Hồi đó, nhà tôi ở trên bãi biển, mùa hè mấy anh em tôi được nghỉ học, bọn tôi chơi đùa phá phách suốt ngày. Căn nhà và khu vườn có những cây trứng cá đầy bóng mát trở thành miền Viễn Tây máu lửa, nơi xảy ra biết bao cuộc tranh hùng của những bộ lạc da đỏ hiếu chiến. Tôi, thằng anh đầu, lúc đó được mười tám tuổi, là tù trưởng của một bộ lạc với biệt danh là Ngựa Vằn, ông vua của những thung lũng hoang vu. Thằng em trai kế tôi là xếp sòng một bộ lạc thù nghịch, biệt danh là Mắt Cọp, chúa tể của sơn lâm. Cô em gái duy nhất trong nhà, nhất định lấy cái tên là Hươu Cao Cổ, công chúa của rừng xanh. Và thằng em út, hỗn danh là Dế Lửa, chúa tể của lòng đất âm u. Tất cả chia ra làm hai phe trong những trận đụng độ bằng cách ném cát, bắn đạn giấy, đấu kiếm v.v... Mắt Cọp và thằng Dế Lửa một phe, tôi và cô em gái Hươu Cao Cổ một phe. Chúng tôi ẩn nấp, rình rập trong căn nhà suốt ngày để thanh toán nhau bằng những viên đạn giấy bắn bằng sợi dây cao su, khi bị trúng vào ngực hay mông cũng đau điếng người. Hươu Cao Cổ chạy nhanh nên thường được tôi cử đi tiền sát, thám báo. Bên kia, thằng Dế Lửa giỏi chui rúc được chọn làm điệp viên dọ thám.

Mắt Cọp thua tôi hai tuổi, nhưng nó to con và mạnh bạo hơn tôi nhiều. Có lần đấu vật trên bãi biển, nó đè ngửa được tôi, một tay nó siết cổ và tay kia cầm một nắm cát đe dọa nhét vào miệng tôi. Tôi hoảng hồn la lên:

- Thả tao ra, Mắt Cọp!

- Anh phải nói chịu thua, em mới thả.

- Được, tao chịu thua.

- Không được. Chúa tể Ngựa Vằn, anh phải hứa chỉ trong 24 giờ, toàn thể bộ lạc của anh và con Hươu Cao Cổ phải ra khỏi nơi này, nhường hết đất đai lãnh thổ cho Tù Trưởng Mắt Cọp cai trị.

Thằng điệp viên Dế Lửa vỗ tay hoan hô, khoái chí ké vào mấy câu:

- Giang sơn này đã thuộc về ta. Mắt Cọp và Dế Lửa muôn năm!

Tôi phát cáu la lên:

- Mắt Cọp, mày không buông ông ra, chốc nữa đến giờ học ông ra cho mày một bài toán hóc hiểm cho mày bí chết luôn.

Thằng Mắt Cọp chợt nhớ ra tôi là "giáo sư" kèm học trong nhà vào mỗi buổi chiều. Nó ngán tôi lấy uy quyền của ông giáo để trả thù, nên sợ hãi buông tôi ra ngay. Nó đứng dậy xin lỗi tôi rối rít, tôi liền nhanh tay kẹp cổ nó lôi xuống biển nhận nước. Tôi bơi lặn giỏi hơn Mắt Cọp nhiều, cái thằng này chỉ uống vài ngụm nước là sặc sụa xin đầu hàng liền.

... Tôi phá bật cười cùng với lúc Mắt Cọp cũng cười sặc sụa. Hớp nước ngọt trong miệng nó sặc lên mũi văng ra ướt cả mặt. Chắc nó cũng vừa nhớ lại những cuộc tranh tài giữa hai anh em, như tôi đang tưởng nhớ miên man. Tôi châm một điếu thuốc rồi đẩy bao thuốc lá về phía nó.

- Mày bây giờ biết hút thuốc lá chưa?

Mặt Cọp lắc đầu:

- Em chê cái trò này. Chỉ khoái uống cô-ca, xá xị hay đi xi nê.

Trời đã bắt đầu trưa nhưng mùa xuân cao nguyên, mặt trời vẫn nhường chỗ cho mưa bay lất phất, giá lạnh cho những kẻ cô đơn. Tôi cũng sẽ giá lạnh biết mấy nếu không gặp Mắt Cọp buổi sáng nay. Mặc kệ tất cả những chuyện gì rắc rối có thể xảy đến, tôi cũng nhất định cho tôi và Mắt Cọp một  cái Tết thật đẹp. Tôi búng tay gọi chú bồi kêu thức ăn cho buổi cơm trưa. Bữa ăn theo kiểu Tàu với "cơm thố" và đầy thức ăn, gà vịt, heo quay và một cái "cù lao" bốc khói. Tôi và Mắt Cọp, không ai nhường nhịn ai, thi đua ăn một bụng thỏa thích. Chai bia làm bữa ăn thêm ngon miệng, da thịt trở nên ấm áp một chút. Xong xuôi, tôi trả tiền và kéo Mắt Cọp ra khỏi quán.

- Mày về nói với bà Trân là mày sẽ đến ở với tao vài ngày. Tao cũng về dặn thằng bạn cho nó khỏi đợi. Chiều nay hai giờ ra trước rạp Lo Do đợi tao.

Mắt Cọp khoái chí ra mặt, nó cứ nhúc nhích đôi lông mày rậm của nó, dấu hiệu thường thấy mỗi khi nó vui thích điều gì.

- Đi chơi Tết với anh là số dách rồi. Thôi em về anh nghe.

- Mày quên tên tao rồi hả?

Mắt Cọp dừng lại, nhìn quanh quất bốn phía rồi nó hứng chí vỗ bàn tay vào miệng hú lên một tràng dài như mọi da đỏ. Những người đi đường ngạc nhiên nhìn, nhưng nó vẫn tỉnh bơ, đưa hai ngón tay lên mắt ra dấu chào tạm biệt.

- Chào Ngựa Vằn.

- Chào Mắt Cọp. Chiều gặp lại.

Tôi trả lời và nhìn bóng dáng của nó xa dần, cặp giò sếu vườn thoăn thoắt một chốc là biến mất sau một ngả rẽ của thành phố.

Có tiếng pháo nổ dòn tan nghe thật hào hứng.

*

Chiều hôm đó, tôi và Mắt Cọp bắt đầu rong chơi khắp thị trấn. Đi quanh mãi hàng phố nhỏ cũng chán, chúng tôi lê gót đến những nơi xa hơn. Ngôi chùa Khải Đoan làm bằng gỗ đẹp lạ thường, nghi ngút khói hương. Ngoài cổng chùa, trên con đường nhỏ dẫn xuống thành phố, nhan nhản những sòng Bầu Cua Cá Cọp. Tôi thua mất vài trăm bạc ở chỗ này. Mải mê ăn thua tôi lạc mất Mắt Cọp trong đám người chung quanh. Tìm mãi mới thấy Mắt Cọp đang chúi đầu trong một sòng bài ba lá. Tôi phải kéo nó đi để tránh cho nó cái cảnh sạch túi vì thứ bạc bịp này.

Tôi cũng khá rành về Ban Mê Thuột nên tôi dẫn Mắt Cọp vào sâu trong những rừng rẫy xa xôi của người Thượng. Mắt Cọp cứ trố mắt nhìn những bầy con nít đen thui tắm suối. Những ngôi nhà sàn nằm sát nhau trông thật dễ thương trong buôn Thượng. Chúng tôi đi dọc theo dòng suối Bu Ji và suối Đê, gặp trời nắng mà tắm suối thì khoái biết mấy nhưng tiếc là mùa này nước lạnh băng như nước đá. Dưới bóng mát của những cây rừng âm u, lá ướt nằm chất đầy trên đất đỏ. Đến trưa, tôi mua cho Mắt Cọp ăn bằng thích một bung bắp luộc và đu đủ. Những khu vườn ở ngoại ô thành phố vẫn đầy trái cây quanh năm và chủ nhà rất vui vẻ bán cho bất cứ người nào hỏi mua. Mắt Cọp có vẻ thích hợp với rừng núi, từ trước đến nay nó chỉ nhìn thấy đồi núi và cánh rừng xanh trong phim ảnh.

Đến chừng đi rong đã mỏi chân, tôi nói:

- Thôi, mình về phố. Mày có muốn đi xe ngựa không?

- Khoái lắm, em chưa đi bao giờ.

Thế là tôi và Mắt Cọp lắc lư trên một chiếc xe ngựa chạy lóc cóc chậm rãi. Con ngựa già khi leo lên dốc quốc lộ lê từng bước một như muốn sụm đầu gối. Tôi và Mắt Cọp phải nhảy xuống xe, chạy bộ cho qua khỏi con dốc cao. Lát sau, bánh xe lăn đều lạo rạo trên mặt đường, mưa nhẹ đã làm mặt đất đôi chỗ có vài vũng nước và sình lầy. Mắt Cọp ngồi nhai kẹo cao su, nhịp chân bên cạnh lão mã phu, mắt nó mơ màng như tưởng tượng mình là một chiến sĩ da đỏ trên lưng ngựa.

Tôi vỗ mạnh vào vai nó:

- Tụi mày bây giờ còn chơi trò mọi da đỏ nữa không?

- Hết rồi. Từ khi anh đi, ở nhà chán chết. Em bây giờ giữ "gôn" cho đội banh trong trường, bắt dính như keo. Thằng Dế Lửa giờ siêng học ghê gớm, cả ngày cứ lầm lì chúi mũi vào vở, tháng nào nó cũng nhất lớp.

- Mọi da đỏ mà cũng học giỏi thế à. Còn con Hươu Cao Cổ?

Mắt Cọp quay đầu lại, bĩu môi:

- Trời ơi, cái con nhỏ đó. Anh biết nó nói sao không?

- Không.

Mắt Cọp đong đưa cái miệng giả giọng con gái:

- "Em bây giờ lớn rồi, không thèm chơi trò con trai nữa". Nó nói thế đấy. Anh mà thấy nó bây giờ thì phải biết, đi học mặc cái áo dài trắng tinh, trông "điệu" không chịu được.

Tôi bật cười, khuôn mặt của những đứa em hiện ra trong đầu óc, tôi cảm thấy thương nhớ chúng lạ lùng. Cái quá khư nông nổi điên cuồng của tôi lại trở về dẫu tôi muốn quên đi. Thuở đó không biết tôi la cà ở những quán bar đầy gái và bạn bè từ bao giờ. Mẹ tôi la mắng tôi suốt ngày, rồi một sớm mai tôi bỏ nhà đi theo một ả đàn bà hạng xoàng, nhưng hồi đó tôi thấy cô ả tuyệt vời như thiên thần. Nàng bỏ rơi tôi ở Saigon để theo một kép giàu sụ, tôi không dám trở về nhà và phải vật vã chen lấn mãi trong thành phố lạ mặt đó để kiếm sống.

Về đến phố, tôi kéo Mắt Cọp vào tiệm Mỹ Cảnh, hiệu cơm Tây duy nhất trong thành phố này. Tôi đãi nó một trận linh đình. "Bí Tết" thơm phức, bồ câu quay, phó mát trắng và rượu vang đỏ. Tôi ép nó uống một chút và thích thú nhìn bộ mặt đỏ rần của nó sau vài hớp rượu. Nó bắt đầu gật lên gật xuống trông thật khôi hài và đánh rớt dao nĩa mấy lần trong bữa ăn.

No nê, chúng tôi kéo đến thuê một phòng nhỏ ấm áp trong khách sạn, có vườn cây và ở bên cạnh rạp hát. Giọng Mắt Cọp lè nhè:

- Tiền đâu mà anh xài sang vậy?

- Đừng lo chuyện đó, Mắt Cọp. Tao đã đến tuổi không còn chạy rong trong thung lũng nữa.

Trong lúc Mắt Cọp ngủ li bì với cơn say của nó, tôi kiếm giấy bút và hí hoáy viết một bài báo lảm nhảm nhất trong đời tôi. Số tiền công tác phí, tiền gởi mua đồ của bà chủ có vẻ đã gần cạn và tôi không thể bỏ Mắt Cọp ở đây để làm tròn công việc của mình. Tôi không đắn đo viết thêm lá thư ngắn cho ông chủ nhiệm, đại ý:

"Thưa ông,

Trời Ban Mê Thuột gặp bão lớn, chắc là thổi từ Ai Lao qua. Các cơ quan quân sự ở đây từ chối không cấp phương tiện cho tôi ra các tiền đồn, đi máy bay trong lúc trời đang nổi cơn giông bão này theo họ là một cuộc tự sát. Bởi thế, công việc dự định của tôi không thực hiện được.

Để bù lại, tôi gửi ông một bài phóng sự khác rất độc đáo: "Nghề trồng café ở Việt Nam". Ông và tôi đều thích uống café, và tôi tin chắc có hàng triệu độc giả ghiền café, nên loạt bài này sẽ làm tờ báo bán chạy như tôm tươi mà không cần phụ bản đào cải lương in ốp xết bảy màu".

Mắt Cọp ngủ say một giấc cho đến chiều trong lúc tôi nặn óc để viết bài. Lúc nó ngủ dậy, trời bên ngoài nhìn qua khung cửa sổ đã tối đen. Chúng tôi xuống phố kiếm đến một tiệm cháo gà rất ngon ở trước rạp hát. Và mặc dầu rạp hát đang chiếu một cuốn phim cao bồi tôi đã xem rồi, tôi cũng kéo Mắt Cọp vào xem lại, nó say sưa nhảy lên nhảy xuống ghế nệm vì những cảnh phi ngựa rượt bắn trên màn bạc.

Ở rạp hát ra, trong khi hầu hết mọi người đều về nhà, tôi và Mắt Cọp vào một quán nước ở góc phố. Trời lạnh thế này mà nó làm luôn một lúc hai ly kem Chocolat to tướng. Tôi uống bia lai rai cho đến khuya, khách đã về hết, người bồi uể oải sửa soạn đóng cửa quán.

Trên con đường tối đen như hố sâu, có lẽ chúng tôi là hai người duy nhất đang đi trong thành phố. Tôi quàng lấy vai Mắt Cọp cho ấm người, gió rừng cao nguyên vi vu thổi về làm những chiếc lá bay bổng lăn tăn trên vỉa hè. Bây giờ thỉnh thoảng chỉ còn một hai tiếng pháo nổ, nghe xa xăm quá chừng, nhưng tôi không còn thấy lẻ loi nữa.

Buổi sáng, tôi dậy sớm đến Ty Bưu Điện để gởi bài về cho tòa báo. Lúc tôi trở lại khách sạn, Mắt Cọp đã đi đâu mất. Tôi ra đứng trước cổng, nóng ruột chờ đợi để dẫn Mắt Cọp đi chơi, lần này chắc phải ở suốt ngày trong rừng với đầy đủ thức ăn nguội, bánh mì và thuốc lá...

Tôi vui vẻ đưa tay vẫy Mắt Cọp, nó đang từ đàng xa đi lại một cách chậm rãi, bộ mặt có vẻ tư lự khác thường.

- Mày đi uống café một mình sớm thế à?

- Không. Em lại nhà bà Trân, vụ mượn tiền cho má xong xuôi hết rồi. Má lại mới đánh điện tín gọi em về gấp. Chắc mai em về.

Tôi gật đầu, đạp dí tắt điếu thuốc lá còn lại. Mắt Cọp chợt nắm lấy tay tôi, giọng nói của nó van lơn tội nghiệp chưa từng thấy.

- Anh theo em về nhà đi. Anh còn muốn đi lông bông đâu nữa?

Tôi vuốt ve mái tóc lởm chởm của Mắt Cọp, đôi mắt nó chợt ửng đỏ nước mắt khi thấy tôi im lặng. Mái nhà yêu dấu, thành thị xa lạ nhảy múa những tham vọng, tuổi trẻ lang thang với những giấc mơ chinh phục quyến rũ. Tiếng nói của Mắt Cọp vang lên gần như òa khóc:

- Theo em về nhà, đi anh.

Tôi bâng khuâng nhìn về phía cuối đường, trái tim tôi đau nhói. Một cánh chim đen vội vàng bay qua khung trời mưa.


HOÀNG NGỌC TUẤN     

(Trích từ tập truyện ngắn Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, nxb An Tiêm 1972)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét