Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

MÙA XUÂN CUỐI CÙNG (II) - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Chiếc đồng hồ kiểu cổ treo trên vách đánh lên những tiếng ngân vang đều đặn. Tôi từ trên gác bước xuống phòng khách ở dưới. Thùy đang ngồi ôm một con mèo bằng bông, cô bé mỉm cười với tôi rồi đưa một ngón tay lên miệng ra dấu im lặng. Tôi gật đầu nhón chân đi thật nhẹ nhàng đến ngồi bên cạnh Thùy và lặng lẽ đưa mắt nhìn khắp căn phòng.

Ông Trân ngồi sau đàn dương cầm, quay lưng lại với tôi nên tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt và có lẽ đang đắm mình mê man trong tiếng nhạc của ông. Chỉ thấy hai bàn tay trắng của ông lướt thoăn thoắt trên phím đàn trắng ngà. Mái tóc của ông có những sợi tóc bạc chải rũ ra đàng sau, khi ngửng cao lên khi gục đầu cúi thấp xuống. Tôi không ngờ ông Trân tài hoa đến thế. Một con người hoạt động kinh doanh sành sỏi giờ đây đang đắm hồn trên đàn dương cầm như một nghệ sĩ. Trong đêm vắng trời tối đen như mực bên ngoài khung cửa sổ, bài hòa tấu khúc của Beethoven rào rạt vang lên thật dồn dập. Tiếng đàn dưới ngón tay ông Trân lôi kéo những cảnh tượng thiên nhiên mà ngày qua tôi đã gần gũi ùa vào trong người tôi. Tôi ngồi thật lặng yên như tượng đá, điếu thuốc trên tay quên hút nên tàn thuốc đã dài, khẽ rơi nhẹ nhàng trên nền nhà.

Thùy có vẻ không được thích thú lắm với bản nhạc cổ điển này. Cô bé ngồi im lặng vì lịch sự, nhưng má nó nghiêng một bên tựa trên thân hình con mèo nhồi bông.

Không biết đến bao lâu, rồi tiếng nhạc lắng xuống, dừng lại, như lạc mất đi trong đêm tối. Tôi khẽ vỗ tay nhè nhẹ. Ông Trân ngạc nhiên quay lại:

- À cháu. Tưởng cháu ngủ rồi chứ.

- Cháu thật may mắn đã được nghe bác đàn. Thật không ngờ, hay tuyệt.

Ông Trân đứng lên nhồi thuốc lá vào ống điếu rồi châm lửa rít một hơi dài. Ông mỉm cười lắc đầu:

- Cháu quá khen. Tôi mới tập chơi được sáu bảy năm nay, từ khi được rảnh rang với công việc một chút. Nhà tôi dạy đấy, cháu nghe nhà tôi đàn chưa?

- Dạ nghe một lần... nhưng từ hồi đó, lâu quá.

Ông Trân gật gù ngồi trong chiếc ghế bành màu đỏ sẫm, đầu ông dựa trên thành ghế, mắt ngước lên cao có vẻ mơ màng:

- Nhà tôi mới thật là một tay dương cầm lão luyện. Học đàn từ thuở nhỏ, lại được một tay danh sư người Đức dạy riêng ở nhà.

Tôi cố ôn lại những hình ảnh ngày xưa, nhất là khuôn mặt của vợ ông Trân. Tình cờ tôi nhìn thấy trên vách bức tranh của Léonard de Vinci in trên giấy láng ngoại quốc với màu sắc thật đẹp. Người đàn bà có nụ cười bí mật trong họa phẩm La Joconde hình như có một nét gì giống với vợ ông Trân. Ông Trân mỉm cười khi bắt gặp tôi đang chiêm ngưỡng bức họa:

- Cháu thích hả?

- Dạ, đây là một họa phẩm lừng danh trên thế giới.

- Tôi không thích mấy nhưng đã tốn công tìm mua cho được trong một tập sách collection hội họa của Pháp, vì người làm mẫu trong tranh hình như hơi giống nhà tôi, cháu có thấy thế không?

- Dạ thấy.

Thùy ngửng đầu lên:

- Có giống em không?

Ông Trân đưa tay vuốt má cô con gái, giọng ông đùa cợt:

- Giống mày thế nào được? Mày chỉ giống một con sói rừng, quanh quẩn suốt ngày trong những bụi cây. Mất công thuê thầy dạy nhạc, dạy đàn cho mày, học được một tuần là mày đã chán, bỏ ngang. Mày không thích trở nên một người lịch sự, quí phái hả?

Thùy lắc đầu:

- Không. Con thích làm một người nhà quê, đi câu, nuôi gà, trồng bắp... Lớn lên, con ở đây hoài để lo việc đồn điền cho ba má.

Ông Trân lắc đầu quay sang tôi:

- Cái con nhỏ này điên thật cháu à. Mấy lần tôi định bỏ nó vào trường Pháp nội trú ở Saigon, nhưng nó nhất định không chịu xa chúng tôi. Mà thật ra... tôi cũng khó mà xa nó, vợ chồng chỉ có mỗi một đứa con gái.

Thùy cười sung sướng. Cô bé ngồi bệt xuống sàn nhà bên cạnh ông Trân, má nó dựa vào bàn tay người cha.

Ông Trân nói với tôi một vài câu chuyện về chính trị, thời cuộc v.v... ông phê bình những vụ tranh chấp lộn xộn chính trị ở thủ đô, nhắc đến một vài chính khách mà ông quen biết. Ông tỏ ra là một người hiểu biết rộng. Tôi bàn góp về những chuyện chiến tranh, lính tráng. Ông hỏi tôi còn được hoãn đi lính bao lâu nữa.

- Dạ, cũng còn được một vài tháng.

- Buồn nhỉ. Thời bọn tôi đi lính cho Tây, tôi cũng bằng tuổi cháu, lúc ấy tôi nghĩ rằng bọn chúng tôi cực khổ lao đao hết sức rồi, chắc đến thế hệ con cháu mình sẽ sung sướng hơn...

Ông Trân đổ tàn thuốc trong ống điếu ra chiếc gạt tàn.

- Nhưng các cháu bây giờ, xem ra còn cực khổ lo âu vì chuyện lính tráng hơn bọn tôi ngày trước nữa.

Tôi nói đùa:

- Thôi đành chờ xem thế hệ sau nữa vậy.

- Biết đến thời nào mới yên được cháu. Giặc giã hoài...

Tiếng chuông đồng hồ bỗng gõ vang vài âm thanh rời rã. Đêm nay ông Trân có vẻ không được vui, hình như ông có một vài điều gì phiền muộn, khó nghĩ trong lòng. Cô bé Thùy đã ngáp dài, cái đầu nghiêng hẳn trên thành ghế như muốn ngủ say trên cánh tay cha.

- Cháu đã buồn ngủ chưa?

- Dạ chưa. Không hiểu tại sao đêm nay cháu không ngủ được. Nếu bác không thấy gì phiền, cháu xin được ngồi đây mãi, chờ sáng, nghe một vài dĩa nhạc...

Ông Trân gật gù, ông đứng dậy đến chiếc máy hát ở góc phòng. Cũng là bản nhạc lúc nãy, nhưng lần nầy do một ban nhạc nổi danh Đức-quốc trình bày. Tiếng nhạc bao trùm căn phòng cuồn cuộn như cơn mưa đêm giông bão. Ông Trân kéo Thùy đứng dậy, âu yếm vỗ vào đầu cô bé:

- Con xuống dưới bếp bảo người làm nướng vài miếng thịt nai khô cho ba nhậu chơi. Rồi con đi ngủ đi, khuya lắm rồi.

Thùy vít đầu cha xuống hôn lên má. Tôi cũng thèm hôn một chiếc hôn ấm, chắc là rất thơm mùi lá cây của cô bé, nhưng nó chỉ đưa tay ra dấu chào tôi.

- Đêm nay em nhường anh cho ba nhiều rồi, ngày mai anh phải dẫn em đi chơi.

Tôi nhìn theo những bước chân trần của cô bé rón rén đi ra khỏi phòng.

Một lát sau chỉ còn ông Trân và tôi trong căn phòng ấm áp, gần như cách biệt hẳn với bầu trời giá lạnh tối đen bên ngoài. Ông Trân đứng nhìn những chai rượu quý trong tủ, toàn là nhãn hiệu đắt tiền.

- Đêm nay tôi với cháu uống say một bữa nghe. Tôi cũng thấy khó ngủ. Cháu dùng gì, whisky hay cognac?

- Cho cháu một cốc cognac.
 
Ông Trân trở lại bàn với hai chai rượu và những viên đá lạnh đựng trong chiếc chậu nhỏ. Ông ngồi xuống đối diện với tôi. Tôi bỗng bắt gặp một cái nhìn thật khó hiểu của ông, chỉ trong giây lát thôi rồi khuôn mặt của ông Trân trở lại bình thường như cũ.

- Uống Courvoisier pha thêm Soda nhé.

- Dạ thôi, cháu uống sec.

- À tốt lắm. Nhưng thứ rượu ngon này sẽ đốt cháy cuống họng cháu cho xem.

Tôi mỉm cười, cảm thấy nhàn hạ thú vị lạ thường.

Trời lạnh như thế này, đốt cháy cũng là một cách sưởi ấm đó bác ạ.

Ông Trân mỉm cười trao tôi cốc rượu. Ông cầm một chiếc ly mỏng manh đựng thứ rượu Martini màu đỏ sậm như nước nho, rồi đưa cao lên cụng ly tôi, miệng ông cười tươi nhưng nét mặt sao thấy xa xăm quá:

- Nào chúng ta bắt đầu uống mừng cho tất cả mọi người trong nhà này. Uống để nhớ ba cháu ngày xưa vẫn thường đối ẩm với tôi.  
 
Hai chiếc ly chạm nhẹ với nhau vang lên một tiếng động nhỏ vui tai, thật rộn ràng như muốn mời gọi người cầm ly nốc cạn một hơi. Tôi nhấp một ít, chất rượu thấm trên lưỡi một mùi thơm cay như ớt chín nhưng cũng rất dịu dàng, bỗng nhiên đem cho cơ thể một cảm giác bất ngờ ngây ngất. Rượu trôi xuống cuống họng, thấm hết trong người, đốt nóng mạch máu làm cái lạnh bên ngoài trở nên vô nghĩa.

Ông Trân uống một hơi cạn ly. Ông đưa tay chỉ dĩa thịt nai nướng mời tôi, tôi cũng không muốn làm một người khách sáo. Miếng thịt nai khô dày, đã dầm nước tương mặn và những thứ gia vị rồi phơi khô trong nhiều ngày, bây giờ được nướng thơm phức, những sứa thịt nai tơ mềm tách ra trong kẽ răng cho tôi hương vị mặn nồng đậm đà. Tôi hớp thêm một chút rượu, tất cả trộn lẫn trong miệng làm say sưa vị giác. Tôi không dằn được tiếng kêu khoan khoái:

- Tuyệt thật. Đã lâu rồi mới làm một "chầu" đã đời như thế nầy!

Tôi chợt im lặng vì nhớ rằng người đối diện với tôi không phải là bạn thân đồng tuổi, mà là người bạn của cha mình, nhưng ông Trân cười dễ dãi. Ông ân cần rót thêm rượu vào ly của tôi, chai Martini của ông cũng dần dần chảy rong róc vào ly, rồi lại cụng ly chúc mừng nhau, và uống.

Cứ như thế không biết bao nhiêu lần. Tôi ngồi ngửa cổ trên thành ghế, cơ thể bừng bừng sảng khoái vô cùng, có lẽ khuôn mặt tôi đang đỏ hồng như mặt trời chết muộn vào mỗi buổi chiều. Tôi không được mạnh rượu như cha tôi và ông Trân, nhưng cũng không đến nổi phải bỏ sớm cuộc say. Chất rượu màu vàng sậm như nước trà, nhưng lóng lánh thật đẹp trộn lẫn trong những viên đá lạnh trong suốt. Đôi môi tôi thấm mềm, tẩm ướt đầu điếu thuốc lá mỗi lúc một thấy ngon hơn. Rượu chảy vào trong người nhiều hơn nữa, đầu óc tôi lâng lâng như một con thuyền vật vờ trên biển tối, hai màng tang giựt nhè nhẹ và chân tay cảm thấy bải hoải rã rời một cách sung sướng vô cùng.

Khuôn mặt của ông Trân bắt đầu chao động và mơ hồ, trước mặt tôi. Bỗng dưng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy một vài nét thật lạ lùng trên mặt ông Trân. Thường ngày, khuôn mặt ấy vẫn đầy những vẻ tự tin, tươi tắn của một người hài lòng về đời sống của mình. Nhưng đêm nay, ông Trân ngồi thu mình trong chiếc ghế rộng lớn, ly rượu cầm hờ hững trên tay, trông ông có vẻ thật yếu đuối, trên đôi mắt chứa đựng một điều gì bối rối lo nghĩ.

Ông lặng lẽ nốc vội vàng hớp rượu, đôi mắt ông nhắm nghiền và những nếp nhăn buồn phiền giờ đây mới hiện rõ trước mắt tôi. Giọng ông thật nhỏ, kéo rời rã:

- Uống thêm đi cháu. Cháu làm tôi nhớ ba cháu quá. Những đêm khuya bọn tôi cũng uống rượu như thế này và ba cháu cười nói ầm ĩ, bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất nổ như bắp rang...

Ông Trân nhìn thẳng vào mắt tôi nhưng tôi không còn hiểu ý nghĩa trong cái nhìn của ông, mắt tôi đã mờ đi vì hơi men:

- Thật trên đời không có đôi bạn nào thân thiết với nhau bằng tôi với ba cháu. Đi lính trong quân đội Pháp, chúng tôi bao phen sống chết với nhau ngoài mặt trận... Lào Kai... Điện Biên rồi đào ngũ, ăn chơi cũng có đôi, kinh doanh buôn bán... thành công hay thất bại cũng có tôi và ba cháu. Hồi đó bọn tôi nuôi biết bao mơ mộng vĩ đại, để rồi ba cháu sau bao phen làm ăn thất bại, đành cam chịu cảnh gà trống nuôi con. Tôi thì kiếm một chân thư ký quèn trong đồn điền sống qua ngày, không ngờ cứ lên chân mãi trong xó rừng này, sống đầy đủ, bình yên nhưng tẻ nhạt biết bao... Phải chi còn ba cháu thì còn đỡ buồn một chút.

Tôi ngồi nghe mơ hồ tiếng nói của ông Trân đều đều như trong giấc mơ, nhất là khi tôi đang trộn lẫn trong men rượu và tiếng nhạc vang vang từ chiếc máy hát. Hình như ông Trân nhắc lại một câu ông đã nói:

- Thật trên đời không có đôi bạn nào thân thiết nhau hơn tôi và ba cháu...

Ông Trân khẽ nhếch mép cười, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một nụ cười thật mỉa mai chua xót của ông Trân.

- ... Thân nhau đến nỗi cùng yêu một người đàn bà mà tình bạn vẫn không hề sứt mẻ.

Người tôi đang nóng bừng nhưng lời nói của ông Trân bỗng làm tôi lạnh buốt trong một giây.

Ông Trân có vẻ băn khoăn trông thật tội nghiệp, ông không buồn châm lửa mồi thuộc, chiếc ống điếu ông cầm hờ hững trên tay đập nhè nhẹ trong lòng bàn tay. Chai rượu của ông đã vơi nhưng khuôn mặt ông không đỏ bừng, hơi tái xanh và lấm tấm mồ hôi giống hệt như cha tôi.

- Cháu à, đáng lẽ tôi không nên nói chuyện này với cháu, tôi không muốn làm mất vui mấy ngày Xuân của cháu... nhưng... thôi, tôi cũng nói một lần sự thực với cháu cho xong.

Điếu thuốc lá cháy đỏ trên kẽ tay, tôi lặng yên chờ đợi, tôi cảm thấy tỉnh hẳn người trước bộ mặt nghiêm trọng của ông Trân.

- Trước khi kết hôn chính thức với tôi, vợ tôi... đã một thời sống chung với ba cháu. Điều đó không làm bận tâm tôi gì hết, tình bạn của tôi và ba cháu ở trên hết mọi thứ tình cảm trong đời này. Nhưng có một điều này, không biết... con Thùy là con của tôi hay của ba cháu. Con Thùy có thể là em ruột, em cùng cha khác mẹ của cháu... có thể là không. Không ai biết rõ điều này cả, ngoại trừ vợ tôi. Không... vợ chồng chúng tôi bây giờ hoàn toàn hạnh phúc, tôi nâng niu con Thùy từ ngày nó còn nằm trong bụng mẹ, tôi không dám tìm hiểu sự thật, không dám nghe câu trả lời của vợ tôi. Sự thật là cái quái gì khi nó bây giờ trở thành vô ích? Đời sống vợ chồng con cái chúng tôi đang êm ấm thế này, tôi nỡ nào quấy rối lên làm gì nữa?

Bài hòa tấu khúc của Beethoven đã hết. Tiếng nhạc hùng vĩ và trong sạch đã chấm dứt trong những âm thanh cuối cùng. Không ai nghĩ đến việc thay một dĩa hát khác. Bây giờ là một bản nhạc mới : Sự im lặng. Sự im lặng tràn ngập trong người tôi, tôi cảm thấy run rẩy như đang nghe một bài hát rên siết buồn thảm.

Tôi lặng người, trống không như một hình bóng không thực. Tưởng chừng như lời nói của ông Trân là những lời của diễn viên trong một vở bi kịch nghe thật lạnh người nhưng khi màn nhung khép kín, tôi có thể vỗ tay khen ngợi rồi thảnh thơi ra về không chút bận tâm.

Nhưng không phải như thế. Vở bi kịch đã dính dấp đến tôi, đã lôi kéo tôi vào trong thảm kịch của nó. Có một thứ cảm giác gì còn hơn cả sự đau đớn, buồn thảm. Cái cảm giác ấy bây giờ tẩm đầy mình tôi thật thấm thía như những ly rượu mạnh. Trong cốc rượu vàng sóng sánh hình như ẩn hiện chập chùng khuôn mặt của cha tôi, vợ ông Trân và Thùy. Tôi sợ hãi không còn dám đưa cốc lên môi.

Ông Trân và tôi, chúng tôi đều bị dìm ngột ngạt trong bầu không khí đã không còn ấm cúng. Bỗng chốc tôi có cảm tưởng đêm nay trong rừng cây u tối này, chỉ còn có chúng tôi còn thức, hai người lặng lẽ trong một căn phòng nhỏ, những chai rượu đã vơi, thể xác và tâm hồn đều rời rã âu sầu, men say thấm đắng cay trên lưỡi.

Những ngày xuân hiếm có của tôi tưởng chừng không bợn một chút mây, nay đã mang đầy cơn giông bão. Tôi nghe tiếng nói của tôi vang lên mơ hồ như ở một người nào khác:

- Bác nói đúng, cả bác lẫn cháu, mình không nên tìm hiểu điều đó.

Ông Trân ngửa cổ hớp hết ly rượu, giọng ông đầy vẻ chua xót:

- Thôi, hai đứa mình đành làm những kẻ băn khoăn suốt đời, để cho người khác được sống bình yên.

Ông Trân đứng dậy lấy thêm một chai rượu khác. Cái thân hình trước đây có vẻ rắn chắc khỏe mạnh của ông nay bỗng thấy còng xuống và già hẳn đi. Đôi mắt ông quay về tôi, đôi mắt sâu hút có những tia máu đỏ vì thấm rượu:

- Tôi thật điên... tại sao tôi lại đem những điều giữ kín trong bao lâu nay ra nói với cháu. Thôi, cháu xem như không có chuyện gì xảy ra cả. Ngày Tết vẫn còn dài...

Ông Trân lại ngồi vào ghế rót rượu vào ly. Đầu óc tôi giờ đây quay cuồng như một điệu luân vũ, tôi cảm thấy xa cách với tất cả, chỉ còn lại hình ảnh của Thùy. Khuôn mặt trong sáng rực rỡ hạnh phúc hơn tất cả những nỗi hạnh phúc khác, đang hiện rõ trước mắt tôi dầu tôi đã nhắm mắt vật vờ muốn say ngủ.

Có lẽ chúng tôi cứ ngồi uống rượu như thế suốt đêm nếu không có tiếng chuông điện thoại reo lên phá tan sự im lặng. Lát sau ông Trân uể oải đứng dậy:

- Tôi có chuyện cần phải xuống phố ngay. Cháu ngồi nhậu chơi một mình nhé.

Tôi gật đầu. Tôi không uống nổi nữa, màu vàng của rượu chờn vờn đong đưa trước mắt. Có tiếng xe hơi của ông Trân ngoài sân nổ máy. Bây giờ chỉ còn lại một mình tôi, chiếc gạt tàn đã đầy ắp tàn thuốc lá, những chai và cốc lưng chừng rượu thừa.

Chỉ còn một mình tôi còn thức trong ngôi nhà này, ngôi nhà chợt trống trải lạnh lẽo như một rừng cấm. Những ngày xuân thôi đã không còn kéo dài thêm một phút nào nữa. Tôi cố nén cơn quay cuồng của men rượu, chếnh choáng đi lên những bậc thang gác và mở cửa căn phòng tôi. Trong khoảnh khắc tay tôi tự động thu xếp nhanh chóng mấy bộ áo quần vào trong xắc tay rồi trở ra. Tôi hành động bơ phờ không suy nghĩ gì cả, như trong một giấc mộng.

Đứng lặng thêm một phút trước chiếc đàn dương cầm, những phím đàn trắng ngà nằm xếp hàng cạnh nhau, tôi ao ước biết đánh đàn để có thể quên tất cả và ngồi xuống đây, đánh một bản nhạc tình ái cổ điển thật cô độc. Tôi muốn tự dìm chết nỗi cô đơn của mình trong tiếng nhạc. Nhưng tôi không biết đàn, bàn tay của tôi bỗng đánh mạnh trên phím đàn dương cầm. Một âm thanh dữ dội chợt vang lên nghe thật thô kệch. Tôi nhét chai rượu vào trong ngực áo rồi mở cánh cửa lớn bước ra khỉ nhà.

Những ngọn gió lạnh ban đêm chợt thổi ào ạt vào người, sống lưng tôi lạnh buốt, rượu thịt trong bụng tôi như muốn trào lên miệng, như muốn nôn mửa hết ra ngoài. Tôi cúi đầu, né tránh một cách vô vọng cơn gió lạnh chết người và loạng choạng bước băng qua sân nhà. Con chó nằm ngủ kín dưới mái hiên bỗng thức dậy sủa vang vài tiếng rồi im bặt như vừa nhận ra người quen.

Mùi thơm của bông hoa sứ trắng lần hồi lan dần quanh người tôi. Mộ của cha tôi được ông Trân xây bằng đá hoa, vây kín chung quanh bằng những cây hoa sứ rậm rạp, thứ hoa có mùi hương nồng nhất ở miền núi.

Ngày xưa trước khi rời bỏ tất cả, tôi đã đứng im lìm tưởng nhớ trước mộ cha tôi. Nay thêm một lần giã biệt. Trước mộ bia còn có một bó hoa huệ trắng mà Thùy và tôi đêm giao thừa đã đem đến cho người chết. Tôi đứng lặng câm như một thân cây bất động trong miền rừng núi cô tịch. Tiếng côn trùng kêu, có những loài chim đêm nào đó hót mơ hồ và lá cây trước gió lung lay nghe xào xạc. Cha tôi nằm dưới kia, người có thể thức dậy nhấp ít rượu ngon, say với tôi trong một đêm xuân buồn bã này không? Cha tôi có buồn khi thấy đứa con đi hoang của mình năm nay tưởng đã tìm kiếm được mùa xuân, không ngờ đi vào một vở thảm kịch tưởng chỉ có trong tiểu thuyết. Tôi châm điếu thuốc lá, mùi khói khô ấm.

- Sáng mai em sẽ thay một bó hoa mới cho anh.

Tôi giật mình quay đầu nhìn lại. Thùy đang đứng thu mình trong chiếc áo manteau, cổ quàng kín chiếc khăn len, da mặt hơi tái xanh vì lạnh.

- Em thức dậy vì nghe có tiếng ai đánh thật mạnh trên đàn dương cầm, và có tiếng chó sủa... Ba chắc xuống phố rồi hả anh, sao anh đứng đây?... Anh vào nhà ngủ kẻo bị lạnh.

Tôi chợt hét lên như đứa con:

- Không. Không vào, không bao giờ vào nhà đó nữa.

Thùy sợ hãi nhìn bộ mặt có lẽ đang đỏ ngầu của tôi, cô bé tiến lại nắm cánh tay tôi, giọng ấm áp:

- Khuya rồi anh. Để sáng mai rồi mình đi thăm mộ ba anh.

Tôi nhìn Thùy trừng trừng. Con bé ấy có nét gì giống tôi chăng. Không phải người nằm dưới mồ này chỉ là cha anh không thôi, có thể là cha của em nữa. Em có thể là người em gái ruột thịt của anh, nhưng cũng có thể là một người bạn gái nhỏ. Những lời ấy thì thầm mãi trong đầu óc tôi làm tôi mệt mỏi, choáng váng lạ thường.

Thùy bỗng chạm phải chiếc xắc tay của tôi để dưới chân. Cô bé ngạc nhiên đứng ngẩn người nhìn tôi rồi hình như nó biết rằng tôi sắp bỏ nó để đi xa vĩnh viễn. Cô bé úp mặt khóc òa trên ngực áo tôi, nước mắt trẻ thơ của nó tuôn trào dễ dàng làm người tôi thấm lạnh thêm. Rồi Thùy ngước đôi mắt đã ướt nhìn mù mịt thật thảm hại, tưởng chừng như không còn biết vui tươi là gì nữa:

- Anh làm trò điên gì thế? Sao anh lại bỏ đi?

Tôi nín lặng, không thể đào đâu ra một câu trả lời hợp lý.

- Anh biết không... anh về đây mấy ngày làm em quen rồi, không có anh... em chết được.

- Anh cũng chết được.

Tôi quay sang ôm Thùy vào lòng.

Thùy không còn là một cô bé nữa. Thân thể mềm mại, da thịt của nó đã có những mùi thơm quyến rũ của một thiếu nữ. Tôi hôn trên trán Thùy, dầu cô bé là người lạ hay người ruột thịt của tôi, chiếc hôn đó cũng chỉ chứa đầy tình thương thơ dại và trong sạch.

Nhưng rồi tôi cố giằng Thùy ra khỏi người tôi. Uống thêm hớp rượu để lấy can đảm, tôi quả quyết cầm chiếc xắc tay quay đầu bước đi:

- Anh có chuyện cần đi xuống phố gấp, mai anh lại về đồn điền.

- Anh nói láo. Anh đi luôn phải không?

- Ừ. Thôi anh đi luôn, em gởi lời anh chào ba.

Tiếng khóc của Thùy làm tôi chết điếng người, rượu đã làm tôi mềm yếu như một đứa trẻ nên tôi muốn khóc ròng theo. Tôi cắn môi uống thêm một hớp rượu nóng bỏng cay xè trên lưỡi. Tôi cần say sưa để có can đảm làm mặt giận dữ. Tôi hét lên:

- Anh phải đi. Bộ em tưởng anh muốn ở lại cái xứ Mọi này suốt đời sao? Cứ ở đây câu cá, quanh quẩn mãi bên mấy cây cao su của em sao? Anh phải về Saigon, phải ngồi trong những nhà hàng sang trọng, phải ăn chơi, phải uống rượu trong những phòng trà... Em cứ ở với cái đồn điền rừng rú của em cho đến chết đi.

Những tiếng la hét bẩn thỉu của tôi có lẽ đã làm Thùy ghê sợ. Cô bé bỏ cánh tay tôi ra, ngồi bệt xuống trước bia mộ cha tôi, hai bàn tay đẫm nước mắt úp kín mặt.

Tôi vứt vội mẩu thuốc, bỏ chạy theo lối  đường mòn ra quốc lộ. Tôi không dám nhìn lại, bỗng nhiên có tiếng kêu vọng theo của Thùy trộn lẫn trong nước mắt:

- Em ghét thành phố... em ghét anh.

Những lời nói đó làm tôi đau xót hơn bất cứ mũi dao sắc nhọn nào trên đời. Tôi ném mạnh chai rượu vỡ toang vào một thân cây, cắm đầu chạy vội vã trên những bước chân xiêu vẹo. Rừng lá, bóng đêm và gió chập chùng tạt vào mặt tôi những ngọn roi đau đớn, nhưng không muốn tha thứ cho một kẻ vừa nặng lời với núi rừng cao đẹp.

Ra đến bờ đường quốc lộ, tôi đứng trong một lát rồi nhào ra đường chặn hai ngọn đèn pha của một chiếc xe nào đó. Tiếng xe thắng gấp rút rít lên mặt đường ướt. Người tài xế xe vận tải chở gỗ thò đầu ra, khuôn mặt giận dữ. Tôi hối hả nói:

- Cho tôi quá giang xuống phố, tôi là người ở trong đồn điền Y-Nol.

- À, đồn điền Y-Nol, cũng là chỗ quen biết cả. Mời anh lên.

Chiếc xe vận tải chuyển bánh rồi dần dần phóng nhanh trên con đường đêm hun hút không có một bóng người, những hàng cây cao su dọc đường vùn vụt chạy qua mặt tôi rồi mất hút đằng sau. Mùa xuân cuối cùng của tôi cũng đã bỏ đi như thế.

- Này anh say rượu, anh có việc gì gấp vậy? Nếu anh không nói là người trong đồn điền Y-Nol, tôi đã tống cho anh một đạp hồi nãy rồi.

- Cám ơn ông, tôi đi gấp. Ngày mai không biết có chuyến xe đò nào đi Saigon không?

- Có chứ. Nhưng đường bộ đó bây giờ nguy hiểm lắm. Tuần trước một chiếc xe bị trúng mìn ở gần Bù-đăng, hành khách chết hết... Anh không chờ vài ngày nữa đi máy bay cho an toàn...

- Tôi có việc gấp.

- Ngày xuân mà có việc gì gấp quá vậy ông bạn.

- Mùa Xuân chết rồi!

Người tài xế ngơ ngác quay sang nhìn tôi, đôi lông mày nhíu lại tỏ vẻ không hiểu gì hết. Tôi bực mình hét lên:

- Mùa Xuân chết rồi. Ông nghe rõ chưa?

 
1970                  
HOÀNG NGỌC TUẤN   
 
(Trích từ tập truyện ngắn Hình Như Là Tình Yêu nxb Trí Đăng 1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét