Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

CHÀO VÙNG ĐẤT CAO NGUYÊN - Võ Hồng

 

Chín tháng mười một. Tôi bước xuống xe đò Minh Tân.

Không khí mát lạnh làm đầu óc tôi lâng lâng ngây ngất. Dưới chân tôi vẫn là màu đen quen thuộc của nhựa đường của mọi thành phố, nhưng tôi biết chắc rằng ở dưới tầng sâu là những lớp đất đỏ đặc biệt của miền Cao Nguyên. Đất ẩm ướt nuôi dưỡng những rừng ngo dày, những đám dương xỉ chằng chịt, đất nhu hiền đó bắt đầu từ hôm nay bảo bọc tôi. Đĩa rau làm xanh mát bàn ăn, những quả cam quả mận màu vàng, lọ thúy cúc làm rực rỡ căn phòng, thậm chí ly nước lọc trong suốt mà tôi sẽ uống một hơi dài đều là sản phẩm của đất. Thân ái chào vùng đất Cao Nguyên. Xin cảm tạ sự chở che kín đáo lặng lẽ.

Lần đầu tiên tôi đến Dalat là lúc tôi được bảy tháng. Má tôi bồng trên tay. Lần này tôi đến Dalat với thẻ căn cước bỏ kỹ trong xắc và cái va-li nặng cứ chực trằn xuống. Thời gian vù qua một loáng thật mau.

Tôi vừa đậu xong Tú Tài, mùa hè 72. Khi thi thì mong đậu, đậu xong cảm thấy buồn. Thương ngôi trường nơi tôi cho trôi qua mười hai năm lặng lẽ vô tư. Mỗi ngày khi tôi cặm cụi trong phòng học trên trang sách thì ngoài sân trường những cây phi lao cao vút rầm rì tâm sự với nhau trên từng trời cao. Những thân xoài tựa lá xanh dày mang sức sống tràn trề đang khoe mình với bồn cỏ xanh trải rộng quanh chân. Sống gần chúng hàng ngày trong suốt mười hai năm, những cây cối đó trở thành những người bạn có xúc cảm, có tri giác. Xa các người, tôi buồn lắm, có biết không?

Tôi đã đến thăm trường vào một ngày cuối mùa Hè. Các lớp đóng cửa, sân trường vắng hoe. Tôi im lặng bước, nhón gót đi khẽ, sợ không dám khua động giấc ngủ bình yên của những tĩnh vật. Tôi mường tượng thấy rõ lại tôi, con bé sáu tuổi, xách cái cặp bỏ đầy sách vở và bút và bảng đá thật nặng, cái cặp kéo trì xuống, đập lên đôi chân mảnh của tôi khiến tôi phải ngả người sang bên trái một chút để giữ thăng bằng. Con bé mặc cái áo đầm trắng có lấm tấm những chấm nhỏ màu xanh nhạt, đầu đội mũ kaki trắng rộng vành và chân mang giày trắng. Con bé đi tới lớp bằng xích lô, ngồi chen chúc có khi với hai đứa khác. Chúng ngồi không yên, nói chuyện rinh rả hoặc la ó luôn miệng khiến bác xích lô vui lây bỗng có hôm cong mình nhón gót đạp đua với các xe khác. Lũ nhỏ đứng bật hẳn dậy, vỗ tay dậm chân cổ võ ồn ào. Con bé có những đứa bạn thân như Khánh Trang, như Huyền Châu. Lắm bữa sốt ruột giục bác xích lô đạp nhanh để tới mét với con Huyền Châu rằng cây mận nhà mình đã lấm tấm nở hoa, mét với con Khánh Trang rằng chiều qua mình mới đi cắt tóc và tắm bằng nước nóng. Em bé khi vào lớp và ra lớp đều hối hả sắp hàng, luôn luôn vội vã, luôn luôn háo hức, muốn đọc, muốn viết, muốn nghe, muốn trả lời, bước qua khỏi cửa thì xách cặp chạy thộn vào hộc bàn, bước ra khỏi hiên thì xách cặp chạy vù ra cổng. Con bé hoạt động, luôn luôn táy máy chân tay như một con chó nhỏ.

Buổi xế chiều hôm nay đây, tôi đứng một mình nhìn hành lang heo hút để tưởng nhớ hình dáng của con bé ấy. không còn nữa. chỉ thấp thoáng hiện diện lặng lẽ trong óc tôi thôi bởi chỉ là hình bóng của tôi mười hai năm trước.

Đúng vậy, nó chỉ thấp thoáng hiện diện trong óc tôi, hiện diện rõ ràng hơn phải là trong óc Ba tôi, với từng chi tiết của cử động, của lời nói tiếng cười bởi nhiều lần Ba tôi đưa tôi đến trường, tôi na cái cặp nặng trịch đi vào mãi cuối hàng hiên rồi mà quay lại vẫn thấy Ba tôi còn đứng yên đó dõi mắt trông theo. Tôi mỉm cười và Ba tôi trả lời lại cũng bằng nụ cười. Hoặc có lần Ba tôi đến trường đón, từ trong lớp tôi đã thấy Ba đứng ở cổng nhìn vào. Rồi khi chuông rung tôi xách cặp chạy ra đứng sắp hàng cạnh con Cẩm Thủy, rồi khi chúng tôi ngay ngắn và trật tự bước tới, rồi khi đi quá hành lang chung được phép bỏ hàng ngũ chạy như điên ra cổng trường, tôi thấy Ba tôi chong mắt nhìn. Tia mắt dịu dàng như của một người mẹ.

Như vậy thì chắc chắn là Ba tôi đã nhìn thấy rõ ràng và trọn vẹn hơn tôi. Và khi thời gian lặng lẽ trôi tới để đẩy lùi mỗi ngày mỗi xa lại đằng sau thì người yêu thương hơn hết, nâng niu trân trọng hơn hết chính là Ba tôi vậy.

Về phần tôi thì tôi không chối cãi rằng tôi không yêu cái tôi hiện tại cho bằng yêu . Tôi hôm nay đã có vấn đề để suy nghĩ, để cân nhắc. Chớ thì hồn nhiên tươi tỉnh, gặp cái gì cũng vui cũng thích, thích đọc thích vẽ, thích làm toán thích ăn bánh kem, thích coi xi-nê, thích nghe chị Sen kể chuyện ma, thích rượt nhau chạy trong sân, thích bế con gà, thích mân mê một đóa hoa trong chậu. Thật giống một con chó nhỏ. Con chó nhỏ cũng thích nhảy thích chạy, thích nằm ngửa ra nhai quai guốc, thích châu mỏ mà sủa bá láp vào một cái miệng hũ đen ngòm.

Phải, tôi hôm nay đã có vấn đề để suy nghĩ. Đỗ xong Tú Tài, mọi người học sinh đều bị đặt trước lắm ngả đường. Chọn đi ngả đường nào? Ngả nào cũng lắm người đi, dư ối người đi, kèn cựa nhau mà đi. Thi vào Dược, bảy ngàn lấy đỗ hai trăm. Mà học xong cho được bốn năm, thi đỗ ra, cho thuê cái bằng chỉ được hai mươi ngàn đồng mỗi tháng, không bằng một người đàn bà bán thuốc lá lẻ. Thi vào Phú Thọ thì nghe nói phải chịu khó chạy hàng triệu bạc. Học Văn Khoa, Luật Khoa thì giảng đường chật không có chỗ mà ngồi. Còn Nông lâm súc, Quốc gia Hành chánh, Y Khoa, Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Sư Phạm... Không nơi nào ra một dấu hiệu thân ái để người học sinh vui vẻ vẫy tay chào mà hăm hở bước thẳng tới.

Con Chương thi vào Nông lâm súc. Lũ bạn đùa rằng nó sẽ đi chăn bò và lên núi đốn cây. Con Nguyệt muốn vào Y Khoa. Nó nói:

- Ba tao chấm số Tử vi nói có cái Sao gì đó chiếu vào cái Cung gì đó của Số mạng tao. Nên ổng hy vọng là tao học được Y Khoa.

Cách đây ba năm, Nguyệt đã mét rằng trong số tử vi của chị nó cũng có cái Sao gì gì đó chiếu vào cái Cung gì gì đó của chị nó, - Ba nó bảo vậy, - và Ba nó hy vọng là chị nó sẽ thành Bác sĩ. Nhưng rồi sau ba năm trèo lên trượt xuống, vật lộn túi bụi với mấy cái chứng chỉ Lý Hóa Tự Nhiên, Hóa Vô Cơ, Hóa Hữu Cơ, Mô tả... vân vân, cuối cùng chị nó đi làm cho Nam Đô ngân hàng. Con Minh Hà tỏ vẻ tự tin hơn hết:

- Tao học Văn Khoa. Tao yêu tư tưởng. Tư tưởng làm lớn con người.

Tôi định học ở Dalat một năm rồi sẽ xuống Saigon. Giá có thể được học một năm ở Đại học Huế nữa thì tuyệt. Đi nhiều nơi, ở nhiều miền, nghe nhiều giọng nói để thêm yêu thương quê hương và đồng bào mình. Thêm tin tưởng ở năng lực của dân tộc mình.

Nghe tôi chọn Đại học Dalat, hầu hết người nào cũng hỏi lại tôi thật nhanh như một phản ứng:

- Học chính trị kinh doanh hả?

Làm như Đại học Dalat chỉ có ngành học đó.

Tùng Hoa cùng chọn Dalat như tôi. Hai đứa chơi với nhau, hai gia đình quen nhau và những hôm Ba tôi bận không đến trường để đón tôi được thì tôi đi theo luôn xe của ba má Tùng Hoa đến đón nó. Tôi phải xa cách Thanh Thuận, con bạn thân của tôi suốt tám năm trời bởi chúng nó chọn Đại học Saigon. Qua khỏi năm chót của bậc Trung học, chúng tôi thật giống một bầy chim nhỏ, tan tác bay mỗi đứa một phương.

- Những con đường ở Dalat cũng biết suy tư.

Ba tôi có lần đã nói như vậy. Tôi tự hẹn hôm nào thong thả sẽ đi rất chậm rãi tìm xem chúng nó suy tư như thế nào. Và con đường nào có dáng suy tư nhiều hơn hết.

Những ngày đầu tôi với Tùng Hoa còn phải bận lo tìm nhà trọ. Nhiều căn phòng có treo bảng "Cho sinh viên thuê" làm Tùng Hoa và tôi muốn cười rũ ra, mặc dù đứa nào cũng mỏi chân muốn chết. Hãy tưởng tượng đi, một diện tích ba thước nhân với ba thước, mái tôn lạnh lẽo trên đầu. Vách bằng ván thùng gỡ ra đóng lại. Sàn xi măng đen, âm ẩm. Tưởng tượng thêm rằng có một cánh tay lực sĩ nào đó đấm tung một quả thôi sơn vào, cái khối vách gỗ ván thông sẽ tung bay lả tả, những tấm tôn sẽ văng tuốt ra xa và hai kẻ lưu trú sinh viên là Tùng Hoa và tôi sẽ nằm trong giường mà nhìn thấy trăng sao.

Nhưng bà chủ nhà trang trọng:

- Vâng, có căn phòng cho sinh viên thuê đấy ạ... Chúng tôi phải giữ lại cho họ đó... Chết chết, đâu có dám cho ai khác thuê? Bao nhiêu các anh chị cứ đến mãi hỏi mãi. Mà chịu. Đành phải từ chối... Vâng, vâng, trông thì cũng có hơi bé một tí, thế nhưng khi ở thì lại rộng chán vạn, tha hồ tiếp bạn bè... Vâng... Vâng... Tiếp khách thì đẹp... Này, này! Hai cô! Dừng lại tôi bảo này! Nếu hai cô thích quá thì tôi cũng nể nang mà cho hai cô thuê đó.

Hai đứa sợ quá, muốn chạy luôn. Phải làm bộ không nghe và rảo bước.

Hôm nay thì tôi đã có một chỗ trọ ấm, yên và đẹp. Có lối đi rải sỏi và có bồn hoa nở đầy hoa kim châm màu vàng, hoa tử dương màu thiên thanh. Có những thân mimosa lá sáng rực ánh kim khí. Có những gốc anh đào đứng khiêm tốn khi thời tiết chưa sang Xuân. Và đặc biệt là có Tùng Hoa dịu dàng làm những buổi sáng thức dậy thêm ấm áp, làm những đêm mưa dầm tí tách đỡ cô đơn.

Mùa Hè 1972, gia đình tôi bị xé đều ra làm bốn mảnh. Chị tôi ở một thành phố. Anh tôi ở một thành phố khác. Tôi ở một thành phố thứ ba. Ba tôi ở lại thành phố cũ. Như con ốc mượn hồn thò mình ra khỏi vỏ, ngo ngoe những chân mảnh, tâm hồn mỗi người chúng tôi vươn ra những cánh tay dài, thật dài để lần lượt rờ vào ba người thân yêu của mình ở ba thành phố.

Sáng hôm lên đường, tôi cùng ngồi ăn bữa điểm tâm tạm biệt với Ba tôi trước khi ra xe. Ba đẩy bát phở về phía tôi:

- Con ăn đi kẻo nguội.

Ba đặt luôn một ổ bánh mì dài trước mặt.

- Gắng ăn thêm một mẩu bánh mì nữa.

Tôi la lên:

- Ăn gì nổi.

La lên là để dằn xuống nỗi xúc động.

- Hồi xưa Ba ở trọ học, mỗi lần nghỉ lễ đi thăm nhà là ông chủ trọ bắt dậy thật sớm để đủ thì giờ ngồi ăn cơm cho no. Ổng nói: có hột ngọc trong bụng cho nó cản gió cản máy.

Thế là đủ ba lần, Ba tôi kể câu chuyện hột ngọc. Lần đầu tiên khi chị tôi đóng vai chính trong bữa ăn buồn. Lần thứ hai là anh tôi. Bây giờ đến phiên tôi.

Tôi thấy no không muốn ăn khi nghĩ rằng lát nữa cái ghế tôi sẽ trống. Nó sẽ bị bỏ trống nhiều ngày. Sớm nhất là Tết tôi mới được về thăm nhà, được ngồi nơi cái ghế cũ, cạnh Ba tôi. Tôi lẻn đưa mắt nhìn Ba. Ba mặc bộ đồ pyjama Tétron có đường sọc xanh nhỏ do chị tôi tự cắt may hôm Hè chị về nghỉ Hè. Đó là bộ pyjama được cắt may đẹp nhất do từ bàn tay chị. Mọi thứ quần áo, từ cái tablier cho tới cái robe chị đều mầy mò tự nghĩ ra, đo, vẽ, cắt may lấy, không học thầy và cứ coi dãy pyjama của Ba tôi ở tủ áo là biết tiến trình về Y Khoa - khoa may áo - của chị. Đáng thương nhất là cái sơ-mi-zét nylon màu xám mặc ở nhà, chị cắt may hồi mới khai tâm thiếu kinh nghiệm nên cái cổ áo chật quá không cài khuy được và vải lót đặt vụng làm nó cứ thích cong lại. Vậy mà Ba tôi cứ mặc một cách thản nhiên, bình tĩnh và đầy vẻ tin tưởng.

Giờ này ngồi gợi nhớ cái hình ảnh lần đầu tiên Ba tôi mặc chiếc áo sơ-mi-zét cắt may vụng đó, tôi bật cười thành tiếng, không giữ được. Thật là vô duyên. Vì rằng đôi mắt tôi vẫn còn ướt khi, lúc nãy, nghĩ đến cái hoàn cảnh của gia đình tôi bị cắt ra làm bốn mảnh đặt ở bốn thành phố khác nhau mà lòng xúc động khôn cầm.


VÕ HỒNG     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc giai phẩm Xuân Hồng, 1973)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét