Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

ÁO LỤA THÁNG MƯỜI HAI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Căn phòng gỗ nóng bức mệt mỏi với tiếng xe cộ chạy ầm ĩ ngoài đường, những giọt mồ hôi chảy dài trong lưng áo. Bé đến, tươi mát như một miếng kem dâu, mang mùa đông trắng xóa cho căn hầm rực lửa.

Anh bối rối khi muốn tìm một chữ để khen ngợi bé. Người ta đã thường dùng những sáo ngữ nào để ca tụng đàn bà. Cô thật diễm lệ, cô thật lộng lẫy... quyến rũ... Anh phải cố gắng thoát ra ngoài những lời nói quen thuộc và trống rỗng ấy. Cần phải tìm một lời gì gần giống như tiếng chuyện trò của những chim sẻ trên mái ngói. Cô bé, tuổi mười sáu, môi hồng còn run run hơi thở trẻ thơ, lúc nào cũng mặc một chiếc áo lụa trắng trên người, mầu áo thần tiên và cô đơn trong rừng xanh đỏ lập lòe của thành phố.

Căn phòng quá nóng, sợi tóc mai của bé lấm tấm mồ hôi, và anh trộm nhìn thấy một khoảng lưng áo trắng ướt mềm. Bé nhặt lấy một cuốn sách nào đó, quạt lấy vài hơi gió mát. (Suốt đời anh, anh vẫn ao ước viết được một cuốn sách nhảm nhí gì đó để cho bé làm quạt).

Bé ôm lấy cây đàn tây ban cầm. Những ngón tay yếu ớt bấm trên sợi dây đàn, âm thanh mỏng manh vang lên như những giọt mưa phùn. Và bé hát. Bé còn nhỏ nhưng đã sớm biết những bài ca của người lớn rồi. Đôi môi bập bùng con trẻ đã biết nói những nỗi sầu muộn, cô độc, những cuộc tình mất, những đời duỗi rong phiêu bạt. Tiếng hát trong vắt mềm mại như dải lụa trắng, bay trong buổi sớm mai trên cõi thiên đường. 

Anh lắng nghe, sợ hãi. Đó là những lời ca dành cho người đàn bà. Bé thì chưa phải là đàn bà, đúng không? (Bé mà trả lời bằng một cái lắc đầu là anh chết giấc mất). Căn phòng anh ở, gồm toàn một bọn nhạc sĩ và ca sĩ kỳ tài cả, trừ ra anh. Mặc dầu rất yêu nhạc, cóc bao giờ anh có thể mở miệng hát đàng hoàng một bài nào được cả. Anh chỉ thích lảm nhảm những điệu nhạc lộn xôn không biết từ đâu đến bất chợt với anh. Bởi thế, mỗi lần đến đây bé cùng với mọi người say sưa hát hỏng. Anh bị bỏ rơi một mình, chán nản, anh trả thù mọi người bằng cách hút thuốc luôn miệng. Khói thuốc ào ạt trùm khắp căn phòng, có đốm khói thành hình chữ O xinh xắn, nhưng phần nhiều là khói thuốc bay đi rồi tan loãng loạn xạ, không có hình thù gì cả. Hay đó chỉ là làn da của bé, trên cánh tay, trên nụ cười, trong mắt long lanh. Long lanh khi nhìn anh, ánh mắt ấy đã xóa sạch hết cái đầu óc đen tối.

Những lời hát chậm rãi lại, và hết. Bé trò chuyện với mọi người. Áo quần và đồ đạc lặt vặt của họ đã xếp đặt sẵn trong va ly, còn hai ba ngày nữa là Tết, mỗi người đều nao nức trở về bên cạnh gia đình hưởng những ngày xuân đoàn tụ. Trừ ra anh.

Bé nói:

- Tết này, em theo gia đình ra Vũng Tàu ăn Tết một tuần.

Bé quay sang anh:

- Lúc nào anh về nhà?

Anh lắc đầu, nói rằng anh ở lại một mình trong căn phòng này. Rồi đây, những ngày đầu năm đến, anh sẽ lặng lẽ nằm chờ mùa xuân qua, trong thành phố ồn ào lạ mặt. Bé ngạc nhiên hỏi tại sao. Anh trả lời một cách rất tiểu thuyết là anh muốn nếm hương vị chua chát của một cái Tết bơ vơ xem sao. Nhưng thực ra lý do đơn giản nhất là anh đã hết sạch tiền. Số tiền dành để mua tấm giấy vé máy bay đã lần lượt vào những bàn tay của con mẹ bán cà phê đầu đường, con mẹ bán thuốc lá, con mẹ bán vé chớp bóng, bán sách vân... vân... và rất nhiều con mẹ khác mà anh ít có cảm tình, chỉ tiếc là họ giữ trong tay những thứ anh cần có hằng ngày theo thói quen. Bé nhìn anh với đôi mắt có lẽ là tội nghiệp thương xót. Bé nói chiều ba mươi Tết bé sẽ đem lại cho anh một ít quà ngày Tết. Buổi chiều ấy, tất cả mọi người đều đi mất rồi, anh sẽ ở một mình chờ đợi bé. Nghĩ đến điều đó, anh khoái muốn chết. Bé khoe với anh:

- Anh xem này, em chụp với chị Thúy.

Trong tấm hình màu nho nhỏ, trên thảm cỏ xanh như một sa mạc lạ lùng, có hai cô thiếu nữ, áo trắng và áo tím. Anh nhìn quanh quất xem có ai để ý không, trong bụng anh định nhanh tay "chớp" tấm hình cất kỹ vào túi áo. Nhưng bên cạnh anh còn có nhiều người nên anh phải bỏ ngay ý định phi pháp đó.

Trời bên ngoài bớt nắng. Trên đầu của đám người đang lúc nhúc đi chợ Tết ở Sài-gòn, chiều đã lần xuống, buông bóng mát hiếm hoi cho những vỉa hè lát gạch vuông đang rộn rã.

Bé nói với mọi người là bé phải về. Đôi mắt của bé nói với anh rằng bé sẽ trở lại vào buổi chiều cuối năm, và chờ đợi tiền "lì xì" của anh. Điều này làm anh chột dạ, anh nghĩ chắc mình sẽ phải đi đánh cướp ngân hàng như trong xi nê mới được.

Rồi bé đi, cũng như khi bé đến. Chỉ thấp thoáng một mầu lụa trắng, nghe mơ hồ hương thơm dịu dàng của một thứ lá cây sớm rơi khi còn xanh.

*

Buổi trưa nắng, anh không ngủ được. Anh ngồi một mình trên hàng rào bằng "xi măng" đã đổ nát, nhìn thiên hạ lũ lượt đi phố. Căn phòng của anh nằm sát bên đường, ở một góc phố chính của thành phố, nên ban ngày anh cũng ít đi chơi đâu xa, anh chỉ cần mặc áo quần đàng hoàng rồi ra đứng trước cửa phòng, như thế cũng là đi phố rồi.

Một thằng nhỏ trạc chừng mười lăm tuổi, mặt đen đủi dính đầy dầu nhớt xe, đang lúi húi sửa chiếc xe gắn máy. Anh cười với nó và vứt cho nó điếu thuốc lá. Thằng nhỏ cách đây mấy tháng, anh còn thấy nó đứng bên vỉa hè, trước những quán ăn, để giữ gìn và lau chùi những chiếc xe hơi bóng lộn. Không biết nó xoay qua làm nghề sửa xe gắn máy từ lúc nào, anh chỉ nhớ có một đêm nào đó nó vào phòng anh xin gởi hộp đồ nghề, và bây giờ việc đó gần như thành thông lệ.

Điếu thuốc lá thắp đỏ trên khuôn mặt nhỏ dại mệt mỏi của thằng bé. Anh hỏi:

- Mày chưa lo thu dọn đồ nghề, về nhà ăn tết lúc này là vừa rồi.

Thằng nhỏ lắc đầu, hàm răng trắng nhởn của nó vẫn thường nhe ra mỗi khi cười, nay ngậm miệng lại.

- Nhà đâu mà về?

- Mày không có nhà à, sao trước kia tao nghe mày nói...

- Nhà tui ở chợ Ông Tạ. Nhưng tui bỏ nhà "bụi đời" lâu rồi. Về nhà ngán ông già ổng oánh chết.

Anh an ủi nó:

- Ba ngày Tết, ai mà đánh đập làm gì cho xui cả năm. Mày về nhà năn nỉ xin lỗi ông già mày, rồi lo đi học. Bộ mày bỏ nhà đi vất vơ suốt đời được à.

Thằng nhỏ vứt mẩu thuốc lá, mặt già nua như một kẻ phong trần.

- Lớn lên, tui đi lính.

Anh lắc đẩu, mắng nó : đồ điên. Nhưng anh cũng điên đâu kém gì nó, anh cũng vất vưởng lông bông quanh năm suốt tháng, không có một nghề ngỗng trong tay. Xa lạ với thành phố nhộn nhịp, xa lạ với gia đình mà thỉnh thoảng chỉ trở về trong vài ngày ngắn ngủi.

Anh trở vào phòng. Nằm co mình trên chiếc ghế bố, anh thiếp ngủ đi trong giấc mơ mê mệt, đầu óc tràn đầy những hình ảnh quái đản mộng mị, những hình ảnh thường đến với kẻ lạc lõng.

Tiếng động nhỏ của cánh cửa phòng hé mở. Anh giật mình tỉnh ngủ như một con chim sáo khi biết bé đến. Anh khẽ mở mắt rồi nhắm lại, giả vờ ngủ say. Anh tưởng tượng đến cảnh bé đứng nhìn anh, bàn tay bé bỏng của bé e dè sờ trên vầng trán nóng ẩm mồ hôi của anh. Nhưng không, bé để một gói gì đó trên bàn rồi bé đứng ngần ngại một lát và tiến lại phía cửa, định ra về. Anh đành phải vùng dậy. Bé mỉm cười với anh, bối rối nhìn khắp căn phòng không có một ai trừ ra anh với bé.

- Họ về quê ăn Tết hết rồi. Chỉ còn một mình anh.

Bé mím môi lắc đầu làm những sợi tóc thấp thoáng nụ cười.

- Tội nghiệp anh chưa.

- Có gì mà tội nghiệp. Anh sẽ khoái nhất đời nếu có em ở đây ăn Tết với anh.

Bé kêu lên:

- Trời ơi, không được đâu. Mai cả nhà em đi ăn Tết ở Cấp rồi. Có lẽ qua Tết mới về Sài-gòn.

Anh vớt vát:

- Thì còn chiều nay.

- Em phải về nhà liền bây giờ, mấy ngày nay mẹ em bắt em ở nhà suốt ngày lo sửa soạn nhà cửa.

Có lẽ mặt anh lúc ấy buồn bã ghê gớm lắm nên bé vội mở bọc giấy đặt trên bàn.

- Em phải lén cắp mẹ một ít đồ Tết cho anh đấy.

Hai chiếc bánh chưng chín, mầu lá chuối xanh, những ký mứt hạt sen, mứt gừng và một gói lớn hạt dưa đỏ rực trông thật vui mắt.

Rồi bé ngồi trên chiếc ghế, tay lật vẩn vơ một vài trang sách. Vì nhà bé ở gần đây, nên bé vội vàng đến anh trong bộ áo quần vẫn thường mặc ở nhà, đơn sơ tấm áo cánh trắng mỏng. Anh tìm trong hộc bàn cuốn sách mới mua hôm qua để cho bé, nhật ký của Anne Frank.

- Em xem cuốn nầy rồi, tội nghiệp ghê.

Anh gật đầu. Đáng thương cho cô bé Anne, tuổi thơ của cô bé ấy không được chơi lò cò, không được chạy đùa bắt bướm, không được lén lút chuyện trò với bạn trong phòng học. Chiến tranh, thù hận chủng tộc đã chôn kín bé Anne mòn mỏi trong căn gác xép, thời gian dài dặc trốn tránh trong sợ hãi, rồi bỏ mình trong một trại Tập trung.

Bé ôm lấy cuốn sách vào ngực.

- Anh "lì xì" cho em lấy hên đầu năm đi.

May mắn thay, anh còn lại một tờ giấy bạc trăm trong túi, anh viết tên mình và tên mùa xuân năm nay trên đó, rồi cho bé. Bé xếp tờ giấy bạc cất trong tay, tinh nghịch.

- Lúc nào em hết tiền, em lấy bạc này mua bún riêu. Anh có giận không?

- Không. Nhưng nếu bây giờ em về, anh sẽ giận lắm.

Đôi má bé đượm mầu hoa hồng.

- Thế thì em đành phải để anh giận rồi. Mẹ chỉ cho em đi một lát, em còn về nhà sắp xếp mứt bánh cho mẹ, lát nữa là đến Giao thừa rồi.

Căn phòng chỉ có một mình anh với bé, nên bé cứ đòi về hoài, bé mà bỏ về nghĩa là đem mất mùa xuân mới đến cho anh trong vài giây phút, bé có biết thế không?

Cuối cùng, bởi vì anh không phải là tên cai ngục cứng rắn, nên anh phải để cho bé ra về. Bé còn quay lại, khuôn mặt thơ ngây mang nỗi dặn dò bí mật, một ngón tay đưa lên môi ra dáng quan trọng.

- Để em về một mình. Anh cứ ngồi đây, đừng ra khỏi phòng... người ta thấy kỳ chết.

Anh hứa với bé sẽ chôn chân một chỗ mặc dù anh muốn vô cùng theo dõi hình bóng của bé xa dần. Bé đi vội vàng ra khỏi cửa. Anh ngồi yên một lát, rồi anh đành phải quên lời hứa với bé, anh chạy ra khỏi phòng, nhảy đứng trên một hàng rào cao, nhìn thấy bé đang băng qua đường đầy xe cộ chạy ào ạt. Bé dần dần xa mãi, bị che lấp trong đám người, rồi cuối cùng bé mất hút trong dãy phố.

Chiều nay, bé đã đi mất nhưng cũng đã trở về trong tâm hồn anh và nằm êm ái trong đó mãi mãi.

*

Ngày đầu năm, sau khi chia cho thằng bé sửa xe một miếng bánh chưng, anh khóa phòng lại và ra phố. Túi quần anh đầy nhóc mứt hạt sen và hạt dưa, túi áo anh có một bao thuốc lá thơm phức. Như thế là cũng tạm đủ rồi, cho một buổi sáng lang thang ngoài phố.

Trái với thường lệ, đường phố Sài-gòn lặng thinh, vắng và xanh ngắt. Mặt trời nóng bức nấp sau những cụm mây mùa Xuân. Không có mưa phùn như Tết ở Huế, nhưng không khí cũng lạnh một chút cho ra vẻ, như muốn nói rằng ở cái đô thị quay cuồng hỗn tạp nầy, mùa Xuân vẫn đến.

Anh tìm đến một quán quen thuộc ở ngã tư đường. Bên trong khung cửa kính, những bàn ghế và người ngồi hôm nay bỗng dưng ít nói như một người già cả. Mọi khi, quán vẫn tràn đầy tiếng cười đùa, chuyện trò của khách. Nhưng hôm nay, chỉ có ít người ngồi cách xa nhau, gương mặt đăm chiêu trong màn khói thuốc lá. Một khách bỏ jeton vào máy nhạc, tiếng hát khàn khàn như cưỡng ép của người ca sĩ vang lên một lát rồi im bặt, lại trở về không khí im vắng. Người bồi đem lại cho anh một tách trà nóng, rồi lững thững lủi vào một góc quán đọc báo. Trong quán bây giờ, có lẽ đến 80% người là những kẻ xa nhà đang tơ tưởng đến gia đình ở một nơi xa nào đó, 20% số người còn lại, là bà chủ quán đang ngồi ngáp dài, mấy cô nàng bồi quán đang chụm nhau nói chuyện gẫu và những bà già thỉnh thoảng vào quán mời khách mua vé số.

Con đường lặng thinh anh nhìn thấy bên ngoài. Lác đác bụi xe, cột đèn đường đều đặn bật sang màu xanh đỏ, người cảnh sát tư lự chắp hai tay sau lưng, đi lui đi tới thẫn thờ như một thi sĩ.

Đêm đó, thâu góp hết những đồng bạc cuối cùng, anh chun vào một phòng trà nhỏ. Trong bóng tối, lãng đãng bên cốc rượu nồng và khói nhạt, anh hững hờ nghe tiếng hát của những kỹ nữ quên mùa xuân.

*

Mấy ngày Tết rồi cũng qua đi làm anh thở dài nhẹ nhõm. Không biết gia đình bé đã trở về Sàigòn hay chưa. Thỉnh thoảng đi ngang nhà bé, cánh cửa đóng chặt, anh trộm ngước mắt nhìn lên bao lơn, chỉ thấy những bồn hoa thược dược đỏ.

Anh đã rời chỗ cũ. Căn phòng nhỏ quen thuộc vương vãi đầy những vỏ hạt dưa, đã gặp phải một tai nạn đầu năm. Một chiếc xe hơi phóng hết tốc lực, không biết tại sao lại đâm sầm vào căn nhà gỗ, những mảnh gỗ yếu ớt bay tứ tung, căn nhà sập hết một phần lớn, chỉ còn lại một góc nhỏ. Anh kiếm một cây gỗ chống cho phần còn lại của ngôi nhà khỏi sập, rồi vẫn cố thủ ở đó. Nhưng một buổi sáng xấu trời kia, người chủ nhà đến báo tin căn nhà sẽ được phá tung để lấy gỗ bán cho một tiệm thợ mộc. Anh đành cuốn gói ra đường ngơ ngác trên lề đường gọi một chiếc xe gắn máy và nghĩ đến địa chỉ của một người bạn ở ngoại ô thành phố. Từ đó anh chưa bao giờ gặp lại bé.

Buổi chiều, bé học thêm Pháp văn ở trường C.C.F. Ngôi trường màu xanh dễ thương nằm trên con đường có nhiều bóng mát. Anh chỉ ngồi trong một quán trên đường đi của bé, là thế nào anh cũng bắt gặp chiếc áo lụa tháng mười hai ấy.

Anh ngồi chờ suốt hơn một giờ đồng hồ, ly nước đã cạn và bao thuốc rỗng không vò nát trên bàn.

Anh nhìn thấy bé ở bên kia đường. Một chồng sách vở ôm trên ngực. Chiếc áo lụa thay mầu, xanh như bóng lá. Anh vội vã ra khỏi quán. Bé hơi giật mình, và nụ cười luống cuống theo bước chân dừng lại.

- Lâu ngày quá mới gặp em.

Bé bối rối nhìn những người đi đường qua lại. Anh mời bé vào tiệm với anh ngồi chơi một lát, nhưng bé lắc đầu, bé nói đã chiều rồi, mẹ sẽ mắng chết nếu bé về trễ hơn thường lệ.

- Gần thi Cá Nguyệt rồi, em bận học suốt ngày.

- Thế còn ngày chủ nhật... 

- Ngày chủ nhật cũng bận, em lo xem cửa hàng cho mẹ. Anh biết không, ở nhà em là "quản lý" đó.

Anh lắc đầu chán chường, anh nói anh đến thăm bé có được không. Bé lại cười, mái tóc bé tung qua tung lại ngộ nghĩnh.

- Không được đâu anh. Mẹ mắng em chết.

Anh nghĩ rằng bé cũng có lý. Cái bộ vó của anh, với mái tóc rối bù, áo quần bê bối và cái thái độ cố hữu, rất ít có cảm tình đối với những ông bà. Tưởng tượng đến bộ mặt khó đăm đăm của những bà mẹ có được một cô con gái cưng, lúc nào cũng đưa mắt nghi ngờ soi mói nhìn khách lạ. Những thứ đó làm anh nản.

- Thôi để buổi sáng, anh lại trường đón em đi học về nhé.

- Không được đâu anh. Sáng nào ba em cũng đón em về cả.

- Cám ơn em. Nếu em không cho biết, có lẽ anh đã gặp phải một tai nạn lớn nhất trong ngày.

Bé bật cười:

- Anh bây giờ dọn đi chỗ khác rồi phải không?

- Ở khá xa, ngoại ô thành phố, bên kia một cây cầu có nhiều cảnh sát đứng gác.

Bé reo lên:

- Thế anh viết thư cho em nhé.

Anh gật đầu. Bé nhìn anh mỉm cười: thôi em về nhé. Anh không giữ bé lại được. Anh đánh mất bé như những lần khác. Lúc nào cũng vội vàng thoáng qua vài lời ngắn ngủi, rồi bé lại mau chóng trở về nhà. Như một con chim bồ câu nhỏ chẳng bao giờ biết đến khung trời bao la, chỉ tung tăng phút chốc mỗi sớm mai, rồi lại trở về chiếc lồng son thơm mùi hương cũ.

Thế là bắt đầu từ buổi sáng hôm sau, người phát thư già của thành phố này sẽ có thêm một lá thư trong cặp da, lá thư thứ mấy trăm ngàn trong đời lão, chiếc xe đạp lóc cóc nhẫn nhục chạy vào tận những hang cùng ngõ hẹp.

Thật buồn cười khi có hai kẻ cùng ở trong một thành phố, lại phải chuyện trò với nhau qua những lá thư như cách nhau nhiều song sắt ngục tù. Những dòng mực nắn nót của bé, dễ thương nhưng khôn ngoan rào đón. Còn anh thì viết vội vàng, nóng nẩy, thẳng thừng đôi khi gần như cộc lốc. Anh vẫn chán cái trò thư từ nầy lắm. Những lá thư xanh chỉ đem lại tình yêu vào cái thời thế kỷ 17, 18. Thời buổi này, những chữ viết yếu ớt đó vang động thật nhỏ nhoi, thua kém. Anh cảm thấy dần dần xa bé. Bé lúc nào cũng có cái câu thật dễ ghét: Em vẫn nghĩ đến anh luôn, nhưng dạo này em bận học lắm...

Và rồi thư từ thưa thớt dần, mất hẳn lúc nào không hay. Trong khi chờ đợi bé trở thành một nhà nữ bác học danh tiếng, anh đã vô tình kẹt vào một vụ lính tráng vô cùng rắc rối. Anh hết lông bông suốt ngày, đầu tóc anh bị gọt ngắn như một trái gáo dừa. Người ta đeo vào cổ anh hai tấm kim khí ghi rõ tên họ loại máu và một cái số quân dài dằng dặc. Người ta phát không cho anh cả một đống áo, quần, mùng, mền, quân trang đè nặng cả lưng. Và thế là anh đã đi lính, như rất nhiều người khác.

*

Một ngày nào đó anh trở về ghé ngang nhà bé. Chỉ một ngày nghỉ phép ngắn ngủi ở thành phố làm anh can đảm. Anh bước vào nhà bé, bà mẹ ngồi trong ghế đăm đăm mắt tò mò nhìn khuôn mặt cháy đen vì nắng của anh. Bé vừa đi đâu đó về nhà, chiếc áo lụa thay mầu một lần nữa. Bây giờ hình như đó là mầu đỏ quyến rũ của một thiếu nữ đã lớn, chỉ hơn một năm mà đã có thêm trên nét mặt những nét xa lạ kín đáo nào đó.

- Dạo này sao anh đen thế?

- Anh đi lính.

Bé ngạc nhiên:

- Sao thế, anh không được tiếp tục học nữa à?

Anh lúng túng trả lời:

- Có một sự hiểu lầm giữa Bộ Quốc Phòng và anh. Họ không đồng ý với anh ở một vài điểm.

Trong khi anh cảm thấy bầu không khí ngột ngạt nặng như một phiến đá từ những người trong nhà. Bé nhìn anh, bé báo cho anh biết những tin tức mới về bé. Cuối năm nay, bé sẽ xuất ngoại du học và... tháng tới, bé sẽ làm đám hỏi với một anh chàng nào đó (chắc là nhà giàu, học giỏi).

Bà mẹ bé chăm chăm nhìn anh, làm anh đành nhe răng cười nói vài lời chia mừng với bé. Rồi anh chào tất cả mọi người để ra về.

Dĩ nhiên bây giờ, anh rất ít vui. Cho nên thành phố bỗng mang một màu xám chán ngắt và buồn tẻ.

Hơn nữa, tháng mười hai với những con đường mềm mại lá xanh cũng đã qua lâu rồi. Ở Sàigòn cho dù hoàng hôn xuống, trời vẫn còn nóng bức.


HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn CÔ BÉ TREO MÙNG, nxb Trí Đăng 1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét