Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

ÁO LỤA THÁNG MƯỜI HAI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Căn phòng gỗ nóng bức mệt mỏi với tiếng xe cộ chạy ầm ĩ ngoài đường, những giọt mồ hôi chảy dài trong lưng áo. Bé đến, tươi mát như một miếng kem dâu, mang mùa đông trắng xóa cho căn hầm rực lửa.

Anh bối rối khi muốn tìm một chữ để khen ngợi bé. Người ta đã thường dùng những sáo ngữ nào để ca tụng đàn bà. Cô thật diễm lệ, cô thật lộng lẫy... quyến rũ... Anh phải cố gắng thoát ra ngoài những lời nói quen thuộc và trống rỗng ấy. Cần phải tìm một lời gì gần giống như tiếng chuyện trò của những chim sẻ trên mái ngói. Cô bé, tuổi mười sáu, môi hồng còn run run hơi thở trẻ thơ, lúc nào cũng mặc một chiếc áo lụa trắng trên người, mầu áo thần tiên và cô đơn trong rừng xanh đỏ lập lòe của thành phố.

Căn phòng quá nóng, sợi tóc mai của bé lấm tấm mồ hôi, và anh trộm nhìn thấy một khoảng lưng áo trắng ướt mềm. Bé nhặt lấy một cuốn sách nào đó, quạt lấy vài hơi gió mát. (Suốt đời anh, anh vẫn ao ước viết được một cuốn sách nhảm nhí gì đó để cho bé làm quạt).

Bé ôm lấy cây đàn tây ban cầm. Những ngón tay yếu ớt bấm trên sợi dây đàn, âm thanh mỏng manh vang lên như những giọt mưa phùn. Và bé hát. Bé còn nhỏ nhưng đã sớm biết những bài ca của người lớn rồi. Đôi môi bập bùng con trẻ đã biết nói những nỗi sầu muộn, cô độc, những cuộc tình mất, những đời duỗi rong phiêu bạt. Tiếng hát trong vắt mềm mại như dải lụa trắng, bay trong buổi sớm mai trên cõi thiên đường. 

Anh lắng nghe, sợ hãi. Đó là những lời ca dành cho người đàn bà. Bé thì chưa phải là đàn bà, đúng không? (Bé mà trả lời bằng một cái lắc đầu là anh chết giấc mất). Căn phòng anh ở, gồm toàn một bọn nhạc sĩ và ca sĩ kỳ tài cả, trừ ra anh. Mặc dầu rất yêu nhạc, cóc bao giờ anh có thể mở miệng hát đàng hoàng một bài nào được cả. Anh chỉ thích lảm nhảm những điệu nhạc lộn xôn không biết từ đâu đến bất chợt với anh. Bởi thế, mỗi lần đến đây bé cùng với mọi người say sưa hát hỏng. Anh bị bỏ rơi một mình, chán nản, anh trả thù mọi người bằng cách hút thuốc luôn miệng. Khói thuốc ào ạt trùm khắp căn phòng, có đốm khói thành hình chữ O xinh xắn, nhưng phần nhiều là khói thuốc bay đi rồi tan loãng loạn xạ, không có hình thù gì cả. Hay đó chỉ là làn da của bé, trên cánh tay, trên nụ cười, trong mắt long lanh. Long lanh khi nhìn anh, ánh mắt ấy đã xóa sạch hết cái đầu óc đen tối.

Những lời hát chậm rãi lại, và hết. Bé trò chuyện với mọi người. Áo quần và đồ đạc lặt vặt của họ đã xếp đặt sẵn trong va ly, còn hai ba ngày nữa là Tết, mỗi người đều nao nức trở về bên cạnh gia đình hưởng những ngày xuân đoàn tụ. Trừ ra anh.

Bé nói:

- Tết này, em theo gia đình ra Vũng Tàu ăn Tết một tuần.

Bé quay sang anh:

- Lúc nào anh về nhà?

Anh lắc đầu, nói rằng anh ở lại một mình trong căn phòng này. Rồi đây, những ngày đầu năm đến, anh sẽ lặng lẽ nằm chờ mùa xuân qua, trong thành phố ồn ào lạ mặt. Bé ngạc nhiên hỏi tại sao. Anh trả lời một cách rất tiểu thuyết là anh muốn nếm hương vị chua chát của một cái Tết bơ vơ xem sao. Nhưng thực ra lý do đơn giản nhất là anh đã hết sạch tiền. Số tiền dành để mua tấm giấy vé máy bay đã lần lượt vào những bàn tay của con mẹ bán cà phê đầu đường, con mẹ bán thuốc lá, con mẹ bán vé chớp bóng, bán sách vân... vân... và rất nhiều con mẹ khác mà anh ít có cảm tình, chỉ tiếc là họ giữ trong tay những thứ anh cần có hằng ngày theo thói quen. Bé nhìn anh với đôi mắt có lẽ là tội nghiệp thương xót. Bé nói chiều ba mươi Tết bé sẽ đem lại cho anh một ít quà ngày Tết. Buổi chiều ấy, tất cả mọi người đều đi mất rồi, anh sẽ ở một mình chờ đợi bé. Nghĩ đến điều đó, anh khoái muốn chết. Bé khoe với anh:

- Anh xem này, em chụp với chị Thúy.

Trong tấm hình màu nho nhỏ, trên thảm cỏ xanh như một sa mạc lạ lùng, có hai cô thiếu nữ, áo trắng và áo tím. Anh nhìn quanh quất xem có ai để ý không, trong bụng anh định nhanh tay "chớp" tấm hình cất kỹ vào túi áo. Nhưng bên cạnh anh còn có nhiều người nên anh phải bỏ ngay ý định phi pháp đó.

Trời bên ngoài bớt nắng. Trên đầu của đám người đang lúc nhúc đi chợ Tết ở Sài-gòn, chiều đã lần xuống, buông bóng mát hiếm hoi cho những vỉa hè lát gạch vuông đang rộn rã.

Bé nói với mọi người là bé phải về. Đôi mắt của bé nói với anh rằng bé sẽ trở lại vào buổi chiều cuối năm, và chờ đợi tiền "lì xì" của anh. Điều này làm anh chột dạ, anh nghĩ chắc mình sẽ phải đi đánh cướp ngân hàng như trong xi nê mới được.

Rồi bé đi, cũng như khi bé đến. Chỉ thấp thoáng một mầu lụa trắng, nghe mơ hồ hương thơm dịu dàng của một thứ lá cây sớm rơi khi còn xanh.

*

Buổi trưa nắng, anh không ngủ được. Anh ngồi một mình trên hàng rào bằng "xi măng" đã đổ nát, nhìn thiên hạ lũ lượt đi phố. Căn phòng của anh nằm sát bên đường, ở một góc phố chính của thành phố, nên ban ngày anh cũng ít đi chơi đâu xa, anh chỉ cần mặc áo quần đàng hoàng rồi ra đứng trước cửa phòng, như thế cũng là đi phố rồi.

Một thằng nhỏ trạc chừng mười lăm tuổi, mặt đen đủi dính đầy dầu nhớt xe, đang lúi húi sửa chiếc xe gắn máy. Anh cười với nó và vứt cho nó điếu thuốc lá. Thằng nhỏ cách đây mấy tháng, anh còn thấy nó đứng bên vỉa hè, trước những quán ăn, để giữ gìn và lau chùi những chiếc xe hơi bóng lộn. Không biết nó xoay qua làm nghề sửa xe gắn máy từ lúc nào, anh chỉ nhớ có một đêm nào đó nó vào phòng anh xin gởi hộp đồ nghề, và bây giờ việc đó gần như thành thông lệ.

Điếu thuốc lá thắp đỏ trên khuôn mặt nhỏ dại mệt mỏi của thằng bé. Anh hỏi:

- Mày chưa lo thu dọn đồ nghề, về nhà ăn tết lúc này là vừa rồi.

Thằng nhỏ lắc đầu, hàm răng trắng nhởn của nó vẫn thường nhe ra mỗi khi cười, nay ngậm miệng lại.

- Nhà đâu mà về?

- Mày không có nhà à, sao trước kia tao nghe mày nói...

- Nhà tui ở chợ Ông Tạ. Nhưng tui bỏ nhà "bụi đời" lâu rồi. Về nhà ngán ông già ổng oánh chết.

Anh an ủi nó:

- Ba ngày Tết, ai mà đánh đập làm gì cho xui cả năm. Mày về nhà năn nỉ xin lỗi ông già mày, rồi lo đi học. Bộ mày bỏ nhà đi vất vơ suốt đời được à.

Thằng nhỏ vứt mẩu thuốc lá, mặt già nua như một kẻ phong trần.

- Lớn lên, tui đi lính.

Anh lắc đẩu, mắng nó : đồ điên. Nhưng anh cũng điên đâu kém gì nó, anh cũng vất vưởng lông bông quanh năm suốt tháng, không có một nghề ngỗng trong tay. Xa lạ với thành phố nhộn nhịp, xa lạ với gia đình mà thỉnh thoảng chỉ trở về trong vài ngày ngắn ngủi.

Anh trở vào phòng. Nằm co mình trên chiếc ghế bố, anh thiếp ngủ đi trong giấc mơ mê mệt, đầu óc tràn đầy những hình ảnh quái đản mộng mị, những hình ảnh thường đến với kẻ lạc lõng.

Tiếng động nhỏ của cánh cửa phòng hé mở. Anh giật mình tỉnh ngủ như một con chim sáo khi biết bé đến. Anh khẽ mở mắt rồi nhắm lại, giả vờ ngủ say. Anh tưởng tượng đến cảnh bé đứng nhìn anh, bàn tay bé bỏng của bé e dè sờ trên vầng trán nóng ẩm mồ hôi của anh. Nhưng không, bé để một gói gì đó trên bàn rồi bé đứng ngần ngại một lát và tiến lại phía cửa, định ra về. Anh đành phải vùng dậy. Bé mỉm cười với anh, bối rối nhìn khắp căn phòng không có một ai trừ ra anh với bé.

- Họ về quê ăn Tết hết rồi. Chỉ còn một mình anh.

Bé mím môi lắc đầu làm những sợi tóc thấp thoáng nụ cười.

- Tội nghiệp anh chưa.

- Có gì mà tội nghiệp. Anh sẽ khoái nhất đời nếu có em ở đây ăn Tết với anh.

Bé kêu lên:

- Trời ơi, không được đâu. Mai cả nhà em đi ăn Tết ở Cấp rồi. Có lẽ qua Tết mới về Sài-gòn.

Anh vớt vát:

- Thì còn chiều nay.

- Em phải về nhà liền bây giờ, mấy ngày nay mẹ em bắt em ở nhà suốt ngày lo sửa soạn nhà cửa.

Có lẽ mặt anh lúc ấy buồn bã ghê gớm lắm nên bé vội mở bọc giấy đặt trên bàn.

- Em phải lén cắp mẹ một ít đồ Tết cho anh đấy.

Hai chiếc bánh chưng chín, mầu lá chuối xanh, những ký mứt hạt sen, mứt gừng và một gói lớn hạt dưa đỏ rực trông thật vui mắt.

Rồi bé ngồi trên chiếc ghế, tay lật vẩn vơ một vài trang sách. Vì nhà bé ở gần đây, nên bé vội vàng đến anh trong bộ áo quần vẫn thường mặc ở nhà, đơn sơ tấm áo cánh trắng mỏng. Anh tìm trong hộc bàn cuốn sách mới mua hôm qua để cho bé, nhật ký của Anne Frank.

- Em xem cuốn nầy rồi, tội nghiệp ghê.

Anh gật đầu. Đáng thương cho cô bé Anne, tuổi thơ của cô bé ấy không được chơi lò cò, không được chạy đùa bắt bướm, không được lén lút chuyện trò với bạn trong phòng học. Chiến tranh, thù hận chủng tộc đã chôn kín bé Anne mòn mỏi trong căn gác xép, thời gian dài dặc trốn tránh trong sợ hãi, rồi bỏ mình trong một trại Tập trung.

Bé ôm lấy cuốn sách vào ngực.

- Anh "lì xì" cho em lấy hên đầu năm đi.

May mắn thay, anh còn lại một tờ giấy bạc trăm trong túi, anh viết tên mình và tên mùa xuân năm nay trên đó, rồi cho bé. Bé xếp tờ giấy bạc cất trong tay, tinh nghịch.

- Lúc nào em hết tiền, em lấy bạc này mua bún riêu. Anh có giận không?

- Không. Nhưng nếu bây giờ em về, anh sẽ giận lắm.

Đôi má bé đượm mầu hoa hồng.

- Thế thì em đành phải để anh giận rồi. Mẹ chỉ cho em đi một lát, em còn về nhà sắp xếp mứt bánh cho mẹ, lát nữa là đến Giao thừa rồi.

Căn phòng chỉ có một mình anh với bé, nên bé cứ đòi về hoài, bé mà bỏ về nghĩa là đem mất mùa xuân mới đến cho anh trong vài giây phút, bé có biết thế không?

Cuối cùng, bởi vì anh không phải là tên cai ngục cứng rắn, nên anh phải để cho bé ra về. Bé còn quay lại, khuôn mặt thơ ngây mang nỗi dặn dò bí mật, một ngón tay đưa lên môi ra dáng quan trọng.

- Để em về một mình. Anh cứ ngồi đây, đừng ra khỏi phòng... người ta thấy kỳ chết.

Anh hứa với bé sẽ chôn chân một chỗ mặc dù anh muốn vô cùng theo dõi hình bóng của bé xa dần. Bé đi vội vàng ra khỏi cửa. Anh ngồi yên một lát, rồi anh đành phải quên lời hứa với bé, anh chạy ra khỏi phòng, nhảy đứng trên một hàng rào cao, nhìn thấy bé đang băng qua đường đầy xe cộ chạy ào ạt. Bé dần dần xa mãi, bị che lấp trong đám người, rồi cuối cùng bé mất hút trong dãy phố.

Chiều nay, bé đã đi mất nhưng cũng đã trở về trong tâm hồn anh và nằm êm ái trong đó mãi mãi.

*

Ngày đầu năm, sau khi chia cho thằng bé sửa xe một miếng bánh chưng, anh khóa phòng lại và ra phố. Túi quần anh đầy nhóc mứt hạt sen và hạt dưa, túi áo anh có một bao thuốc lá thơm phức. Như thế là cũng tạm đủ rồi, cho một buổi sáng lang thang ngoài phố.

Trái với thường lệ, đường phố Sài-gòn lặng thinh, vắng và xanh ngắt. Mặt trời nóng bức nấp sau những cụm mây mùa Xuân. Không có mưa phùn như Tết ở Huế, nhưng không khí cũng lạnh một chút cho ra vẻ, như muốn nói rằng ở cái đô thị quay cuồng hỗn tạp nầy, mùa Xuân vẫn đến.

Anh tìm đến một quán quen thuộc ở ngã tư đường. Bên trong khung cửa kính, những bàn ghế và người ngồi hôm nay bỗng dưng ít nói như một người già cả. Mọi khi, quán vẫn tràn đầy tiếng cười đùa, chuyện trò của khách. Nhưng hôm nay, chỉ có ít người ngồi cách xa nhau, gương mặt đăm chiêu trong màn khói thuốc lá. Một khách bỏ jeton vào máy nhạc, tiếng hát khàn khàn như cưỡng ép của người ca sĩ vang lên một lát rồi im bặt, lại trở về không khí im vắng. Người bồi đem lại cho anh một tách trà nóng, rồi lững thững lủi vào một góc quán đọc báo. Trong quán bây giờ, có lẽ đến 80% người là những kẻ xa nhà đang tơ tưởng đến gia đình ở một nơi xa nào đó, 20% số người còn lại, là bà chủ quán đang ngồi ngáp dài, mấy cô nàng bồi quán đang chụm nhau nói chuyện gẫu và những bà già thỉnh thoảng vào quán mời khách mua vé số.

Con đường lặng thinh anh nhìn thấy bên ngoài. Lác đác bụi xe, cột đèn đường đều đặn bật sang màu xanh đỏ, người cảnh sát tư lự chắp hai tay sau lưng, đi lui đi tới thẫn thờ như một thi sĩ.

Đêm đó, thâu góp hết những đồng bạc cuối cùng, anh chun vào một phòng trà nhỏ. Trong bóng tối, lãng đãng bên cốc rượu nồng và khói nhạt, anh hững hờ nghe tiếng hát của những kỹ nữ quên mùa xuân.

*

Mấy ngày Tết rồi cũng qua đi làm anh thở dài nhẹ nhõm. Không biết gia đình bé đã trở về Sàigòn hay chưa. Thỉnh thoảng đi ngang nhà bé, cánh cửa đóng chặt, anh trộm ngước mắt nhìn lên bao lơn, chỉ thấy những bồn hoa thược dược đỏ.

Anh đã rời chỗ cũ. Căn phòng nhỏ quen thuộc vương vãi đầy những vỏ hạt dưa, đã gặp phải một tai nạn đầu năm. Một chiếc xe hơi phóng hết tốc lực, không biết tại sao lại đâm sầm vào căn nhà gỗ, những mảnh gỗ yếu ớt bay tứ tung, căn nhà sập hết một phần lớn, chỉ còn lại một góc nhỏ. Anh kiếm một cây gỗ chống cho phần còn lại của ngôi nhà khỏi sập, rồi vẫn cố thủ ở đó. Nhưng một buổi sáng xấu trời kia, người chủ nhà đến báo tin căn nhà sẽ được phá tung để lấy gỗ bán cho một tiệm thợ mộc. Anh đành cuốn gói ra đường ngơ ngác trên lề đường gọi một chiếc xe gắn máy và nghĩ đến địa chỉ của một người bạn ở ngoại ô thành phố. Từ đó anh chưa bao giờ gặp lại bé.

Buổi chiều, bé học thêm Pháp văn ở trường C.C.F. Ngôi trường màu xanh dễ thương nằm trên con đường có nhiều bóng mát. Anh chỉ ngồi trong một quán trên đường đi của bé, là thế nào anh cũng bắt gặp chiếc áo lụa tháng mười hai ấy.

Anh ngồi chờ suốt hơn một giờ đồng hồ, ly nước đã cạn và bao thuốc rỗng không vò nát trên bàn.

Anh nhìn thấy bé ở bên kia đường. Một chồng sách vở ôm trên ngực. Chiếc áo lụa thay mầu, xanh như bóng lá. Anh vội vã ra khỏi quán. Bé hơi giật mình, và nụ cười luống cuống theo bước chân dừng lại.

- Lâu ngày quá mới gặp em.

Bé bối rối nhìn những người đi đường qua lại. Anh mời bé vào tiệm với anh ngồi chơi một lát, nhưng bé lắc đầu, bé nói đã chiều rồi, mẹ sẽ mắng chết nếu bé về trễ hơn thường lệ.

- Gần thi Cá Nguyệt rồi, em bận học suốt ngày.

- Thế còn ngày chủ nhật... 

- Ngày chủ nhật cũng bận, em lo xem cửa hàng cho mẹ. Anh biết không, ở nhà em là "quản lý" đó.

Anh lắc đầu chán chường, anh nói anh đến thăm bé có được không. Bé lại cười, mái tóc bé tung qua tung lại ngộ nghĩnh.

- Không được đâu anh. Mẹ mắng em chết.

Anh nghĩ rằng bé cũng có lý. Cái bộ vó của anh, với mái tóc rối bù, áo quần bê bối và cái thái độ cố hữu, rất ít có cảm tình đối với những ông bà. Tưởng tượng đến bộ mặt khó đăm đăm của những bà mẹ có được một cô con gái cưng, lúc nào cũng đưa mắt nghi ngờ soi mói nhìn khách lạ. Những thứ đó làm anh nản.

- Thôi để buổi sáng, anh lại trường đón em đi học về nhé.

- Không được đâu anh. Sáng nào ba em cũng đón em về cả.

- Cám ơn em. Nếu em không cho biết, có lẽ anh đã gặp phải một tai nạn lớn nhất trong ngày.

Bé bật cười:

- Anh bây giờ dọn đi chỗ khác rồi phải không?

- Ở khá xa, ngoại ô thành phố, bên kia một cây cầu có nhiều cảnh sát đứng gác.

Bé reo lên:

- Thế anh viết thư cho em nhé.

Anh gật đầu. Bé nhìn anh mỉm cười: thôi em về nhé. Anh không giữ bé lại được. Anh đánh mất bé như những lần khác. Lúc nào cũng vội vàng thoáng qua vài lời ngắn ngủi, rồi bé lại mau chóng trở về nhà. Như một con chim bồ câu nhỏ chẳng bao giờ biết đến khung trời bao la, chỉ tung tăng phút chốc mỗi sớm mai, rồi lại trở về chiếc lồng son thơm mùi hương cũ.

Thế là bắt đầu từ buổi sáng hôm sau, người phát thư già của thành phố này sẽ có thêm một lá thư trong cặp da, lá thư thứ mấy trăm ngàn trong đời lão, chiếc xe đạp lóc cóc nhẫn nhục chạy vào tận những hang cùng ngõ hẹp.

Thật buồn cười khi có hai kẻ cùng ở trong một thành phố, lại phải chuyện trò với nhau qua những lá thư như cách nhau nhiều song sắt ngục tù. Những dòng mực nắn nót của bé, dễ thương nhưng khôn ngoan rào đón. Còn anh thì viết vội vàng, nóng nẩy, thẳng thừng đôi khi gần như cộc lốc. Anh vẫn chán cái trò thư từ nầy lắm. Những lá thư xanh chỉ đem lại tình yêu vào cái thời thế kỷ 17, 18. Thời buổi này, những chữ viết yếu ớt đó vang động thật nhỏ nhoi, thua kém. Anh cảm thấy dần dần xa bé. Bé lúc nào cũng có cái câu thật dễ ghét: Em vẫn nghĩ đến anh luôn, nhưng dạo này em bận học lắm...

Và rồi thư từ thưa thớt dần, mất hẳn lúc nào không hay. Trong khi chờ đợi bé trở thành một nhà nữ bác học danh tiếng, anh đã vô tình kẹt vào một vụ lính tráng vô cùng rắc rối. Anh hết lông bông suốt ngày, đầu tóc anh bị gọt ngắn như một trái gáo dừa. Người ta đeo vào cổ anh hai tấm kim khí ghi rõ tên họ loại máu và một cái số quân dài dằng dặc. Người ta phát không cho anh cả một đống áo, quần, mùng, mền, quân trang đè nặng cả lưng. Và thế là anh đã đi lính, như rất nhiều người khác.

*

Một ngày nào đó anh trở về ghé ngang nhà bé. Chỉ một ngày nghỉ phép ngắn ngủi ở thành phố làm anh can đảm. Anh bước vào nhà bé, bà mẹ ngồi trong ghế đăm đăm mắt tò mò nhìn khuôn mặt cháy đen vì nắng của anh. Bé vừa đi đâu đó về nhà, chiếc áo lụa thay mầu một lần nữa. Bây giờ hình như đó là mầu đỏ quyến rũ của một thiếu nữ đã lớn, chỉ hơn một năm mà đã có thêm trên nét mặt những nét xa lạ kín đáo nào đó.

- Dạo này sao anh đen thế?

- Anh đi lính.

Bé ngạc nhiên:

- Sao thế, anh không được tiếp tục học nữa à?

Anh lúng túng trả lời:

- Có một sự hiểu lầm giữa Bộ Quốc Phòng và anh. Họ không đồng ý với anh ở một vài điểm.

Trong khi anh cảm thấy bầu không khí ngột ngạt nặng như một phiến đá từ những người trong nhà. Bé nhìn anh, bé báo cho anh biết những tin tức mới về bé. Cuối năm nay, bé sẽ xuất ngoại du học và... tháng tới, bé sẽ làm đám hỏi với một anh chàng nào đó (chắc là nhà giàu, học giỏi).

Bà mẹ bé chăm chăm nhìn anh, làm anh đành nhe răng cười nói vài lời chia mừng với bé. Rồi anh chào tất cả mọi người để ra về.

Dĩ nhiên bây giờ, anh rất ít vui. Cho nên thành phố bỗng mang một màu xám chán ngắt và buồn tẻ.

Hơn nữa, tháng mười hai với những con đường mềm mại lá xanh cũng đã qua lâu rồi. Ở Sàigòn cho dù hoàng hôn xuống, trời vẫn còn nóng bức.


HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn CÔ BÉ TREO MÙNG, nxb Trí Đăng 1972)

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

MƯA MÙA ĐÔNG - Hoàng Ngọc Tuấn

 


Mùa Hạ của phố Huế có nhiều hoa phượng. Trên con đường vắng chạy dọc theo bờ sông, người đi đường đôi khi ngước mắt nhìn lên, bao giờ cũng thấy những dải hoa đỏ rực rỡ kết đầy trên tàng lá cây xanh. Trong lớp học, cô giáo mệt nhọc đọc từng chữ cho học trò chép. Cô bảo sắp đến kỳ thi lên lớp cuối năm rồi, các em phải cố gắng chăm chỉ thêm chút nữa. Thi đỗ là mùa nghỉ hè thênh thang tươi đẹp trao tặng cho các em.
 
Nhưng hầu hết bọn học trò đều ngủ gục trên bàn, hơi nóng gắt gỏng của mặt trời và tiếng ve kêu vang um, không đánh thức được chúng. Tôi cố gắng chống chọi với cơn buồn ngủ để làm một bài thơ. Thủa ấy có lẽ tôi được mười lăm tuổi. Vào tuổi đó, các cậu bé con chỉ có thể làm thơ tả cảnh đầm ấm trong gia đình hoặc làm thơ tình gởi đến cho những cô con gái trong mộng. Tôi làm một bài thơ tình và phải chăm chú nhìn cô giáo để diễn tả nét mặt của cô trong thơ.
 
Cô giáo của tôi tên là Dạ Thảo, đó là một cô gái xuất sắc chưa hề thấy trên đời. Cô dạy môn văn chương nhưng bọn học trò con trai cả năm không biết một tí gì về văn học sử cả, chúng chỉ mê mẩn ngắm thân hình mảnh mai của cô trong những chiếc áo dài mềm mại mà cô mặc thay đổi mỗi ngày. Khi thì áo màu tím, màu xanh, hay màu trắng, màu nào trông cũng thật là quý phái. Mái tóc đen óng ả, làn da trắng, đôi mắt trong và nụ cười thắm của cô, tất cả đều dễ thương quá, nên chẳng có đứa nào sợ cô cả. Lớp học mỗi khi đến giờ cô dạy thật thú vị. Bọn học trò chia ra làm hai hạng: bọn có tâm hồn mơ mộng nhìn cô không chớp mắt, còn bọn có tâm hồn bằng đá, cứ tự do chuyện trò, đọc truyện kiếm hiệp hay chụm đầu chơi ca-rô với nhau.
Tôi thuộc vào bọn thứ nhất. Tôi lại ở trong hạng nhỏ con trong lớp, nên được ngồi ở dãy bàn đầu, chỗ gần với cô giáo nhất. Vì thế tôi thuộc lòng những ý nghĩa trong mắt cô Dạ Thảo. Khi nào cô hài lòng điều gì, đôi mắt cô biến thành màu nâu dịu dàng, khi cô giận dỗi màu nâu ấy đổi sang màu đỏ. Nhưng màu nâu hay màu đỏ đều quyến rũ cả. Mỗi tuần thằng nào làm được bài luận Việt văn cao điểm nhất, cô bảo nó đứng dậy đọc cho cả lớp nghe, rồi cô xoa đầu nó khen ngợi. Cái trò đó quả thật tuyệt vời. Tôi dần dần bỏ bê hết tất cả những môn học nào ngoài môn Việt văn, suốt ngày chúi đầu đọc một lô sách truyện đủ thứ, tiểu thuyết tiền chiến, truyện trinh thám, ái tình, truyện kiếm hiệp... để được “văn chương thấm vào người”, như cô Dạ Thảo nói. Rồi cái ngày thần tiên nhất của tôi cũng đến. Bài luận của tôi, tả một cảnh biệt ly trong gia đình, được chấm nhất lớp. Trong khi đó, tôi bị các ông giáo môn toán chửi mắng thậm tệ, vì tôi luôn luôn bó tay trước bất cứ một bài toán nào, dầu dễ nhất.
 
Cô Dạ Thảo gọi tôi đứng dậy. Tôi lắng nghe tên mình phát ra từ đôi môi dễ yêu của cô, và tôi run run đọc bài luận cho cả lớp nghe. Xong xuôi, cô khen tôi vài lời, nói rằng mong muốn tôi cứ xuất sắc mãi như vậy. Rồi cô ban phần thưởng như thường lệ, nghĩa là dùng năm ngón tay trắng mềm mại xoa lên mái tóc tôi. Hạnh phúc làm người tôi nóng bừng, tôi lén ngước mắt nhìn lên và bắt gặp vội vàng đôi mắt của cô âu yếm lạ thường.
 
Thuở ấy, tôi yêu cô Dạ Thảo vô cùng và tôi quả quyết với bạn bè là cô giáo cũng mê tôi như chết. Nhưng về sau, sự thực đã chứng minh ngược lại, không ai còn nghe được tiếng trách móc và lời giảng bài ngọt ngào của cô nữa. Cô giáo yêu dấu của một thời tuổi thơ đã bỏ trường, bỏ học trò, đi lấy chồng. Ngày đó tôi hậm hực viết đầy trên trang giấy vở những chữ to tướng: Cô giáo phản bội. Những chữ ấy thật ghi đậm dấu vết trong tâm hồn tôi, nhưng giá có người nào đọc được, chắc họ sẽ cười lăn ra chết.
 
Một lần nào đó, cô Dạ Thảo ngạc nhiên khi thấy tôi không làm bài luận nhan đề: “Tả một cảnh êm ấm trong gia đình với cha mẹ và anh em”. Tôi không biết gì về cảnh đó. Tôi không được sống trong mái nhà êm ấm mà trẻ thơ nào cũng mơ ước. Tôi mất cha từ nhỏ, chưa hề thấy mặt người. Mẹ tôi yêu tôi, nhưng bà cũng yêu thêm một người đàn ông khác. Bà sống với một người chồng mới và muốn có tôi bên cạnh, nhưng tôi thích ở với bà ngoại tôi hơn. Trong ngôi nhà cổ kính có vẻ lạnh lùng của bà ngoại, tôi cảm thấy bình yên, vì ở đó không có người lạ. Hồi nhỏ, người ta sợ hãi những người lạ biết bao.

Người ta không yêu Huế vì mùa Hạ. Mùa Hạ nắng chảy trên da người như đè nặng cả một khung trời lửa. Tôi yêu Huế vì mùa Đông mặc dầu mùa Thu là mùa dễ thương nhất. Mùa Thu lá vàng rụng nhiều, làm buồn lòng người phu quét đường còm cõi. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh mơ màng của mùa Đông ở Huế.
 
Hình như Huế là một thành phố mưa. Bầu trời, mái ngói, những ngọn cây đều là một màu trắng mờ chao động. Mưa kéo dài suốt tuần lễ, có khi suốt tháng trường, thỉnh thoảng mưa tạm dừng lại giây lát cho những cậu bé con chạy ào ra bờ sông, ao hồ để câu cá. Trường học đóng cửa vì “lễ lụt”. Nước ngập cao ở mọi đường, khiến thầy giáo và học trò đều không đến trường được. Nước sông lên cao chôn vùi Đập Đá. Những người đi xe đạp, khi băng qua đập, phải dắt xe chậm chạp từng bước, người nào không cẩn thận sẽ té nhào xuống sông và bị dòng nước cuốn phăng đi mất. Mực nước trong thành phố lên cao mãi. Những nhà cửa đã bị nước tràn vào sân và rồi nước ngập khắp các căn phòng. Bàn ghế, đồ đạc, chồng chất lên nhau, trên chỗ cao nhất đặt một tấm gỗ làm nơi cư trú cho cả gia đình.
 
Ngôi nhà của tôi nằm trên một trũng đất thấp. Nước đã xâm chiếm khắp căn nhà, phá hoại hết khu vườn đầy cây trái và hoa cỏ, chuồng gà sau bếp cũng mất tích theo dòng nước lũ. Người lớn lo âu vì gạo dự trữ sắp hết và không thể đi đâu được. Nhưng trẻ con khoái biết bao, được nghỉ học, được ngồi yên trên một con đò nhỏ và nhờ bác chèo ghe chở đi vòng quanh nhà hay sang nhà hàng xóm mượn vài lon gạo. Tôi thích sang nhà trước mặt nhất, vì nhà ấy có một cô gái tên Bích Câu. Bích Câu lớn tuổi hơn tôi nhiều, nàng học trường  Đồng Khánh nên sáng nào cũng thướt tha điệu bộ đi học ngang qua nhà tôi. Ngày lụt lội, Bích Câu mất hết cái vẻ đài các. Nàng mặc chiếc áo cụt tay thấm đầy nước mưa, quần xắn đến đầu gối để lộ làn da chân trắng nõn. Bích Câu đang mải mê lội nước, tìm những cành cây trôi vật vờ, đem về nhà nhóm bếp, nấu nướng. Tôi bỏ con đò, nhảy xuống nước tìm củi giùm cho Bích Câu. Tôi phải bậm môi cố bíu chặt chân mình trên mặt đất mềm nhũn. Rồi tôi cũng đem đến cho Bích Câu một bó củi to tướng. Nàng cười nói cảm ơn, nàng khen tôi dễ thương và nói rằng tôi khoan về nhà, cứ ở đây kiếm củi cho nàng, đến trưa ăn cơm ở nhà nàng luôn, mẹ nàng cũng mến tôi lắm. Nhưng tiếng kêu của bà ngoại tôi đã vang lên:
 
- Đông ơi, về nhà ăn cơm. Con đi đâu từ sáng đến giờ?
 
Tôi vội vàng quay về ngay, tuy trong bụng tiếc kinh khủng. Bích Câu dặn dò:
 
- Đông cẩn thận kẻo nhào xuống ao nghe. Cứ theo đường thẳng này mà đi là đúng đường, còn hai bên là ao sâu cả đó.
 
- Yên trí. Tôi thuộc lòng vườn nhà tôi mà, cây ổi nào vừa có trái chín là biết ngay, huống gì hai cái ao to tướng. Chỉ tiếc không được ăn cơm ở đây thôi, trưa nay nhà chị ăn cơm với gì đó?
 
Bích Câu cười, nàng đưa tay vén lại mái tóc đen nhánh của nàng, giờ đây đã ướt sũng nước.
 
- Nhà hết thức ăn rồi. Trưa nay mỗi người ăn một chén cơm với nước mắm ớt. Thấy nhà nghèo ghê chưa?
 
- Nghèo gì? Trời lạnh như thế này mà đớp một chén cơm nóng hổi... nghe nói đã chảy nước miếng.
 
- Thế nhà Đông ăn gì?
 
- Có lẽ ăn cơm với mắm cá.
 
- Trời ơi! Tuyệt quá.
 
- Qua tôi ăn cơm đi.
 
- Không được, mẹ la chết. Thôi Đông về đi, chiều qua chơi nghe.
 
Tôi vùng vẫy chân dưới nước chảy xiết, đi khó khăn từng bước một. Tôi cứ quay đầu nhìn Bích Câu mãi, nên suýt chút nữa bị ngã xuống ao. Khi bàn chân đạp trúng ngay bờ ao, tôi sợ tái người và vội vàng hụp cả thân người xuống nước, hai tay hối hả khoát bơi mạnh qua một bên. Áo quần ướt nhèm, dính sát vào da thịt làm tôi lạnh cóng. Tôi đứng run lẩy bẩy như một con gà bị thả vào hồ nước. Mái ngói của ngôi nhà trước mặt mà bây giờ sao thấy quá xa. Tôi bỗng thèm ghê lắm một lò lửa có những thanh củi nổ tí tách.
 
Buổi trưa, cơn bão tố từ đâu kéo về thổi ào ào như muốn nhổ bật cả khu xóm. Tiếng gió réo và tiếng những cành cây gẫy nghe thật bồi hồi.
 
Buổi chiều mưa ngớt hột, một vài chiếc đò chèo đến trước nhà rao hàng. Bà ngoại mua một ít gạo và cá khô để dành cho những ngày sắp đến. Khi bà ngoại quay vào trong nhà, tôi leo lên đứng trên cánh cửa sổ, mực nước bây giờ đã lên ngang bằng cánh cửa. Tôi kêu lên khi người lái đò sửa soạn nhổ cây sào để chèo đi.
 
- Bây giờ bác chèo đi đâu nữa?
 
Người lái đò hất đầu hướng về những mái nhà hàng xóm đang chìm ngập trong biển nước, chiếc nón lá trên đầu của bác ta rách tơi tả dưới cơn mưa.
 
- Còn phải đi bán cho mấy nhà khác, có lẽ tối mới về nhà.
 
- Bác chở giùm tôi qua nhà trước mặt một chút đi. Bác qua bên đó bán cho người ta luôn, họ cũng hết thức ăn rồi.
 
Người lái đò gật đầu, chờ tôi leo xuống đò xong, bác ta mới nhổ cây sào ra khỏi mặt đất và mệt nhọc chống sào xuống dòng nước để con đò trôi chậm từng bước ngắn. Khi đò trôi vào cổng nhà Bích Câu, đã thấy nàng ngồi trên cửa sổ, khuôn mặt nàng không hiểu sao trông thật buồn bã, bàn tay thả những tờ giấy màu xanh rơi lả tả trên mặt nước. Bích Câu ngẩng đầu lên.
 
- Tôi buồn quá Đông ơi!
 
Nàng làm tôi ngạc nhiên, tôi nhìn thấy đôi mắt nàng hơi đỏ vì hình như đã khóc.
 
- Tại sao buồn? Trời lụt được nghỉ học mà còn buồn gì nữa. Bộ nhà hết gạo ăn rồi hả?
 
- Không phải. Tại vì tập thơ của tôi, tôi mất hết tập thơ rồi.
 
Bích Câu nói món đồ nàng quý nhất là tập thơ chép tay của nàng. Nàng đã mua mấy trăm tờ giấy pelure màu xanh, khâu chỉ đóng lại thành một tập dầy, có đóng bìa cứng cẩn thận. Trên những trang giấy đó, nàng đã chép biết bao bài thơ thật hay, trích từ những tờ báo hay sách mà nàng mượn của bạn bè.
 
- Tôi cất kỹ nó trong hộc, lúc bận dọn dẹp đồ đạc, bỗng quên mất nó đi. Đông xem, còn gì nữa đâu, nước ướt hết, rách nát hết rồi... chỉ còn vài tờ.
 
Tôi cầm lấy một tờ giấy màu xanh từ tay nàng, trang giấy ướt mèm nước dơ bẩn, những dòng chữ viết bằng mực tím của nàng, bây giờ trông nhòe nhoẹt, có chữ bị xóa mờ hẳn đi. Một bài thơ nào đó không còn toàn vẹn.
 
Bích Câu cứ ngồi âu sầu một chỗ mãi. Tôi nghĩ rằng có lẽ nàng cứ ngồi lặng yên như thế, cho đến khi biến thành một hòn sỏi lăn xuống nước, và tôi làm thế nào tìm được một hòn sỏi nhỏ bé trong sóng nước mù tịt này. Con gái khi buồn trông thật đáng yêu, tôi muốn mình cao lớn thêm thật nhiều, lớn thêm vài tuổi nữa, để có thể vuốt ve mái tóc dỗ dành nàng. Tôi có một cách riêng để an ủi con gái. Lúc đầu là chọc cho nó giận dỗi thêm để khóc òa, và sau cùng là dỗ dành thực sự cho cô nàng hết khóc.
 
- Thôi đừng buồn nữa. Mùa lụt này có khối người mất hết nhà cửa, ruộng vườn, chị mất một xấp giấy vớ vẩn mà cũng bày đặt buồn.
 
- Đông không có tâm hồn. Đông không biết yêu văn chương gì cả.
 
- Đừng đùa. Trong lớp tôi đứng nhất về môn Việt văn đó.
 
- Vậy tại sao Đông không tiếc giùm tôi? Mấy trăm bài thơ chép cả hai năm nay bây giờ mất hết. Giờ có muốn chép lại cũng cũng không mượn đâu cho có đủ những bài thơ đó.
 
Tôi bắt đầu pha trò của tôi.
 
- Chép lại làm gì cho mất công. Bây giờ lo để dành tiền mua sách về tâm lý đàn ông, tâm lý ái tình mà đọc. Này, nói thật cho chị biết, chị lớn rồi nghe không, lo kiếm chồng là vừa, chứ không phải lúc nào cũng thơ thẩn mãi được.
 
Bích Câu đỏ bừng mặt, nàng kêu lên:
 
- Đông nói gì kỳ cục vậy?
 
- Con gái lớn rồi phải đi lấy chồng, chứ có gì mà kỳ cục. Mấy lúc này thấy có nhiều ông nào lượn quanh nhà chị hoài, chọn đại một ông đi.
 
Bích Câu bĩu môi. Mặt nàng trở nên nghiêm trang, đôi mắt nhíu lại khó chịu nhìn tôi.
 
- Đông vô duyên quá. Khi không để ý vào chuyện người khác làm gì vậy?
 
Tôi đứng sựng lại, mặt nóng bừng vì sượng sùng. Cái chữ “vô duyên” quá nặng nề đối với tôi, và bất cứ một ai nói với tôi câu đó đều làm tôi sợ hãi. Khuôn mặt của Bích Câu bây giờ hết vẻ tội nghiệp, đôi mắt nàng thật xa lạ, lạnh lùng. Nàng đã không khóc như tôi chờ đợi, và trái lại, bây giờ tôi có vẻ là người muốn khóc hơn cả. Tôi đứng yên ngẫm nghĩ về mình và nghĩ rằng có lẽ mình vô duyên thật, điều đó làm tôi buồn bã vô cùng. Bích Câu càng thêm vẻ thờ ơ, nàng không nhìn tôi, không nhìn ra ngoài bầu trời mưa nữa. Nàng đã buông hết những tờ giấy màu xanh xuống nước và nàng dùng những ngón chân của nàng đùa nghịch trong lòng nước sóng sánh.
 
Con đò đã bỏ đi từ hồi nào tôi chẳng hề hay biết. Những hạt nước mưa tuy không còn rơi mạnh mẽ, nhưng cũng thấm ướt trên đầu và thân người tôi từng giọt thật lạnh băng. Hôm nay lại thêm một bữa tắm mưa lạnh gần chết.
 
Tôi quay về nhà, nhìn khuôn mặt mình không còn ra hình dáng gì nữa, dưới làn nước đục ngầu một màu bùn đỏ.
 
Tôi cảm thấy giận Bích Câu lạ lùng. Nếu tôi là người luôn luôn sẵn sàng dỗ dành con gái, thì trái lại, cóc có một cô nào chịu khó dỗ dành tôi cả. Bích Câu không nói thêm một tiếng, nàng thản nhiên nhìn tôi bỏ đi.
 
Cứ mỗi buổi chiều xám nặng nề, nước bao la dưới chân và nhiều gió lạnh, tôi thường nghĩ đến một lò lửa ấm áp. Nhưng rồi khi nằm bên cạnh lò lửa trong nhà, lại mơ tưởng đến bầu trời cao ngoài kia xanh bát ngát.

Ba ngày sau, mực nước xuống nhiều, chỉ còn cơn mưa tầm thường mà bất cứ thành phố nào cũng có thể có. Trời thôi không còn gió bão.  Nước lũ lượt rút đi khỏi ngôi nhà và khu vườn, theo ao và đường cống hai bên đường chảy ra sông. Khu vườn bây giờ là một miếng đất xác xơ, đám ớt xanh, bắp cải, những cây rau quế, rau dền, rau khoai hư nát hết. Vườn hoa hồng và hoa huệ mà sớm mai nào bà ngoại cũng thức dậy tưới nước, bắt sâu, bây giờ ngã rạp nhàu nát trên bùn đất, trông buồn bã như những xác người chết.
 
Tôi thức dậy sớm vì nghe tiếng gọi tên mình từ bên nhà hàng xóm. Thoạt đầu tưởng như tiếng gọi của Bích Câu, nhưng khi vừa dụi mắt mới biết là không phải. Tôi nhận ra khuôn mặt quen thuộc của anh Đào. Anh Đào đang đứng co ro mình trong chiếc áo mưa nhà binh bạc màu, đầu anh đội một chiếc mũ cát-két như những tay thợ săn, chân đi giày ba-ta rách bươm. Tôi chỉ bằng tuổi mấy đứa em của anh Đào, nhưng anh thường rủ tôi chơi với anh trong những vụ tắm sông hay đạp xe lên các lăng tẩm. Anh Đào đưa hai bàn tay trước miệng làm ống loa rồi la lên:
 
- Ê, Đông ơi, thức dậy đi lội nước với tao.
 
- Trời còn mưa nhiều không?
 
- Còn. Mưa mới khoái, mày kiếm cái áo mưa với bộ đồ nào dơ nhất mặc vào rồi qua đây nhanh lên. Đi ra bờ sông coi người ta câu cá.
 
Tôi vùng dậy ngay. Đi chơi lang thang dưới cơn mưa thật tuyệt, dù người tôi đang run lên vì lạnh, tôi cũng không thể nào bỏ qua được. Tôi vội vã tìm ba chiếc áo sơ mi thật dầy, mặc chồng lên nhau vì trời còn lạnh, cổ quấn khăn kín mít. Tôi may mắn tìm được đôi giày ba-ta há mõm nhưng thiếu chiếc mũ thợ săn như của anh Đào. Cuối cùng, tôi đành trùm lên đầu chiếc mũ to tướng của ông cậu tôi. Tôi chạy nhanh ra khỏi cổng nhà, anh Đào đứng chờ trước cửa nhà anh. Anh đang hút thuốc, khi thấy tôi anh nhe răng ra cười để lộ hàm răng thiếu một chiếc ở giữa. Vì sún răng, nên anh có thể làm cái trò rất thú vị là gắn điếu thuốc lá vào hàm răng anh, giữa kẽ hở nhỏ xíu. Tôi bật cười, anh Đào vỗ vai tôi.
 
- Mấy bữa nay mày đi đâu mất tao tìm hoài không thấy?
 
- Qua nhà chị Bích Câu chơi.
 
Anh Đào tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn tôi.
 
- Bên đó có gì vui đâu?
 
- Chị Bích Câu dễ thương lắm.
 
Đôi mắt của anh Đào mở tròn kinh ngạc, anh nhún vai và vứt điếu thuốc xuống đất.
 
- Dễ thương? Cái con nhỏ chua ngoa nhất xóm này mà mày bảo dễ thương? Con nhỏ có bộ mặt dài như ngựa mà lúc nào cũng vênh lên, tưởng mình đẹp ác lắm.
 
Đến lượt tôi ngạc nhiên.
 
- Mặt vậy mà bảo là dài? Chị ấy đẹp quá trời đi, lại văn nghệ ghê lắm. Anh biết không, chị Bích Câu có một tập thơ quý lắm, chép nhiều bài thơ xưa thật hay.
 
- Bộ mày mê con Bích Câu rồi phải không?
 
Tôi gật đầu, tôi không giấu diếm điều gì với anh Đào, nhất là những chuyện tình cảm, bởi vì anh Đào là ông giáo đầu tiên dạy cho tôi những bí quyết chinh phục con gái, dầu tôi không bao giờ thấy anh Đào quen với một cô nào cả. Tôi buồn buồn thú nhận với anh Đào là tính tôi đơn giản đến nỗi yêu hầu hết những người đàn bà nào tôi quen hay chỉ vừa gặp. Tôi lại biết điều khiển giấc mơ của mình thật tài tình. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi dành chừng nửa giờ nghĩ đến người con gái nào là khi thiếp đi, tôi sẽ gặp nàng trong giấc mơ.
 
- Đêm qua mới nằm mơ thấy chị Bích Câu. Nhưng hơi kỳ lạ... thấy chị ấy đi lấy chồng rồi ông chồng nào cũng bị rơi xuống giếng chết đuối cả. Có chừng mười người chết như vậy, nên rốt cuộc không ai dám lấy chị cả. Đến năm 90 tuổi, chị Bích Câu vẫn góa chồng... nhưng thật kỳ cục, già như thế mà nước da chị vẫn trắng như tuyết...
 
Anh Đào bực mình ngắt lời tôi.
 
- Thôi, dẹp chuyện mơ mộng của mày đi. Nếu tao có khá tiền, tao sẽ dẫn ngay mày đến một ông bác sĩ trị bệnh thần kinh.
 
Anh Đào nắm tay tôi lôi đi. Trên mặt đường, nước mưa chỉ còn lúp xúp ngang mắt cá chân, vừa đủ để tôi nhúng đôi chân trong làn nước mát lạnh và đá văng tung tóe những hạt nước văng lên cao. Mưa rơi từng giọt lộp bộp trên đầu nghe thật vui tai. Đôi khi một cơn gió mạnh thổi qua, cành cây nhỏ nào đó rơi trúng vào vai làm tôi giật mình. Tôi với anh Đào đi dọc theo bờ sông Hương. Trên bờ sông, cứ cách một quãng ngắn là một lão già đang đội mưa giăng lưới. Hình như tất cả những cậu bé con của thành phố đã đổ xô ra những bờ sông. Đứa đứng nhìn, đứa vút mạnh lưỡi câu xuống dòng nước. Những đứa nào mới tập tành câu cá thì ra những bờ ao và ruộng cạn, ở đó có rất nhiều cá bống và cá rô, thứ cá dễ ăn mồi nhất.
 
Tôi nhìn thấy những điếu thuốc bốc khói xanh thật đẹp, cứ liên tiếp đốt trên môi anh Đào, tôi xin một điếu nhưng anh không cho. Tôi cố gắng nói và nghĩ rằng nếu tôi không nói lên được, chắc người tôi sẽ chết cóng:
 
- Anh Đào ơi, xin điếu thuốc hút cho ấm bụng.
 
- Nói lớn lên... tao không nghe gì cả, trời mưa lớn quá.
 
Tôi nổi cáu gân cổ lên:
 
- XIN ĐIẾU THUỐC!
 
- Không được. Mày còn nhỏ đừng bày đặt.
 
- Mười lăm tuổi rồi chứ còn nhỏ gì?
 
- Nói lớn lên... tao không nghe gì cả.
 
- MƯỜI LĂM TUỔI RỒI!
 
- Đợi sang năm mười sáu tuổi rồi hút thuốc.
 
Tôi thèm một điếu thuốc lá quá chừng. Tôi lầm lũi đi nhanh, bàn chân bực dọc đá văng tất cả những cành cây gãy gặp phải trên đường. Hai người đi qua cầu Trường Tiền và tôi phải bám chặt vào thành cầu để khỏi bị gió thổi bay xuống sông. Anh Đào đi còng lưng như người già. Anh đưa hai tay giữ chặt chiếc mũ thợ săn và nhăn nhó vì những hạt nước mưa thi nhau quất vào mặt. Anh nói lắp bắp:
 
- Mày thích vô tiệm ngồi cho ấm không?
 
Tôi giả vờ kêu lên:
 
- Nói lớn lên... Trời mưa quá, không nghe gì cả.
 
Tôi nhìn thấy anh Đào há miệng thật lớn, chắc nước mưa đã bay vào đầy cổ họng anh.
 
- THÍCH VÀO TIỆM KHÔNG?
 
- Không. Anh đi một mình đi, tôi về.
 
- Đừng đùa. Mày về một mình rủi nhào xuống sông chết đuối, tao biết nói sao với bà ngoại mày?
 
- Mặc kệ. Tôi về đây.
 
Anh Đào hoảng hốt nắm chặt lấy chiếc áo mưa của tôi, năn nỉ:
 
- Thôi đi với tao vào tiệm rồi tao cho hút thuốc lá.
 
- Nói lớn lên... không nghe gì cả.
 
- THẰNG QUỶ! TAO CHO MÀY HÚT THUỐC, KHỎI ĐỢI ĐẾN SANG NĂM NỮA.
 
Tôi cười sặc sụa vui thích, cùng với anh Đào chạy nhanh qua cầu để đến tiệm cà phê. Chắc anh Đào cũng thèm uống một ly nước gì đó như tôi, vì cả hai vừa hét quá nhiều đến khan cả cổ.
 
Quán ít người, người nào cũng co ro trong chiếc áo đi mưa và một điếu thuốc lá trên miệng. Mưa tạt vào những bàn ghế đặt ngoài quán, nên anh Đào phải tìm một chỗ kín nhất trong góc quán. Anh Đào vẫn đội chiếc mũ thợ săn thật đẹp, còn tôi vội vàng lột chiếc mũ to tướng và lố bịch của tôi ra. Người bồi tiến lại trước mặt anh Đào.
 
- Cho tôi một ly cà phê sữa... còn thằng này, mày uống gì? Một ly chè trái cây hay chè đậu xanh nhé.
 
- Trời ơi, lạnh như thế này mà uống cái thứ dành cho trẻ con đó!
 
Tôi nói với người bồi bằng cái giọng thản nhiên và thành thạo như đã vào quán này cả ngàn lần.
 
- Anh cho tôi một ly cà phê đen với một  “ lon”  Ruby.
 
Anh Đào nhún vai, lắc đầu nhìn tôi rồi nhìn ra ngoài đường. Đường phố mờ mịt trong cơn mưa, một vài người vội vàng đi qua lại. Chiếc máy hát trong quán rè rè chạy một bản nhạc ăn khách nhất lúc này, bài Bambino do giọng hát ma quái của Dalida trình bày. Lát sau, người bồi trở lại với hai ly cà phê bốc khói thật ấm, và một lon sữa bò trong đó đựng năm điếu thuốc lá hiệu Ruby Queen. Tôi châm một điếu trước tiên, khói nóng nặng nề trong miệng và cay xè đến chẩy nước mắt. Trời đã mờ vì mưa, đôi mắt lại bao phủ thêm bằng một vài giọt nước mắt, nên khi tôi nhìn sang bên kia đường, cảnh tượng hết sức mờ nhạt như một khúc phim bị hư. Rạp chớp bóng vừa mới vãn, khán giả chen chúc đi ra đường phố, có những đàn bà mặc áo đi mưa màu xanh, đỏ hay tím, trông thật vui mắt.
 
Đến ngày cuối tuần, cơn mưa hoàn toàn chấm dứt. Nước đã khô trên đất, chỉ còn những ao sâu hai bên đường là vẫn còn đầy ắp dòng nước chảy xiết. Mặt trời đã lâu không ai nhìn thấy, bây giờ hơi ửng một chút hồng hào như má con gái. Và dần dần, tia nắng đỏ rực rỡ trên mái ngói và những cành cây chỉ còn một ít lá xanh. Ban đêm, tôi sang nhà Bích Câu để xin vài viên thuốc cảm. Người tôi bây giờ lúc nào cũng lạnh run từ trong da thịt, vì những vụ đội mưa đi chơi vừa rồi. Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt của Bích Câu để xem mặt nàng có dài như mặt ngựa không, nhưng tuyệt không, khuôn mặt nàng vẫn tròn và trắng xanh, che lấp sau mái tóc đen nhánh.
 
- Đông thấy tóc tôi đẹp không? Mới gội đầu với bồ kết đó.
 
- Ừ.
 
- Đông có giận tôi phải không?
 
- Không.
 
- Thế sao mấy ngày này không qua đây chơi?
 
- Bận đi chơi với anh Đào, anh ấy vui vẻ hơn chị nhiều.
 
Bích Câu mở tròn mắt ngạc nhiên, tôi lại nhớ đến nét mặt của anh Đào khi nghe nói về Bích Câu.
 
- Chơi gì với cái thằng răng sún dễ ghét đó?
 
- Đừng nói bậy, anh ấy dễ thương lắm.
 
- Dễ thương? Cái thằng ăn bận như cao bồi, sáng nào tôi đi học cũng bị nó chận lại ở góc đường chọc ghẹo.
 
- Anh ấy đâu có thèm chọc chị làm gì. Chị tưởng chị đẹp lắm sao?
 
Tôi ra về. Bây giờ nước đã cạn khô, con đường gạch đá hay ao sâu đều hiện rõ, nên Bích Câu không dặn dò tôi phải đi cẩn thận nữa. Bích Câu chỉ kêu nhỏ:
 
- Đông có hơi giận tôi phải không?
 
- Phải. Nhưng giận ít thôi.
 
- Vậy làm sao cho Đông hết giận?
 
- Đừng làm gì cả. Cứ để tự nhiên rồi hết.
 
Bích Câu bật cười. Tôi không quay lại, nhưng vẫn thấy rõ ràng trong trí não đôi môi nàng đỏ hồng tươi thắm, trời bây giờ có nắng ấm, nên môi của nàng không còn tái xanh nữa.
 
Đêm khuya, tôi nhìn sang nhà Bích Câu, phòng nàng vẫn còn thắp ánh điện vàng. Chắc nàng đang sửa soạn lại bài vở và ủi chiếc áo dài trắng. Tôi lấy chăn đắp kín người, để đôi mắt mở ra vẫn không nhìn thấy gì cả. Sáng mai, trên đường sẽ có nhiều người đi. Bích Câu sẽ thướt tha trong chiếc áo dài trắng, khuôn mặt nàng sẽ nghiêm trang như thường lệ. Có thể nàng làm lơ khi thấy tôi hay chỉ nhếch mép cười mỉm rất nhanh. Dầu sao tôi cũng mong con đường của nàng đi sẽ đen nhánh, lóng lánh như hột nhãn sau những ngày nước mưa quét sạch bụi bặm. Nếu thỉnh thoảng trên đường có một vài màu xanh lấm tấm, đó là màu xanh của những trái sầu đông đã rơi vội vàng trong mùa mưa bão.
 
Người nữ xướng ngôn viên của đài phát thanh loan báo theo một nguồn tin của Sở Khí tượng, cơn bão lụt ở thành phố Huế đã chấm dứt. Xe buýt đã chạy như thường lệ, và bắt đầu từ sáng thứ hai, học trò sẽ lại cắp sách đến trường.
 
Như thế là cơn mưa mùa Đông trên thành phố này đã qua đi. Khi Huế hết mùa mưa, tôi thấy bớt yêu Huế nhiều hơn.
 
 
Hoàng Ngọc Tuấn
 
(Trích từ tập truyện Học Trò, Vàng Son xuất bản 1973)

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

NGƯỜI BẠN TRẺ - Thạch Lam


Anh Bình!

Tôi đang mải ngắm một cửa hàng, vội vàng quay lại, ngơ ngác nhìn xem ai gọi. Trên bờ hè phía bên kia, một người nhỏ bé, bận quần áo ta, miệng cười và giơ tay vẫy. Tôi chưa nhận rõ là ai. Người đó, đợi cho mấy chiếc xe tay đi khỏi, rồi tất tả chạy qua đường đến gần tôi, tay giơ ra vui vẻ.

- À, anh Bào.

Chúng tôi mừng rỡ. Bào nắm chặt lấy tay tôi, lay đi lay lại:

- Anh chưa quên tôi à?

Tôi đáp:

- Quên thế nào được một người bạn học cũ. Nhất là anh thì tôi lại càng nhớ lắm.

Một tia vui thoáng qua trong mắt Bào. Anh thong thả nói:

- Lâu lắm rồi anh nhỉ. Thấm thoát thế mà đã hơn bảy, tám năm đấy. Anh trông tôi có khác trước lắm không?

Tôi nhìn Bào từ đầu đến cuối, rồi đáp:

- Không khác mấy, chỉ có hơi gầy đi một chút. Nhưng cái vẻ "con gái" của anh thì vẫn vậy, không khác tí nào!

Hai chúng tôi cùng cười. Khi còn học ở trường, anh Bào vẫn có cái huy hiệu là"con gái" do anh em tặng. Vì hồi ấy, anh mới có mười ba tuổi - chúng tôi học ở lớp nhất - hai má anh hồng hồng và vẻ mặt anh nõn nà trông xinh xinh như một cô con gái thật. Mà tính tình anh cũng ngây thơ nữa.

Mới đầu còn gọi đùa, sau cái tên ấy thành quen, các bạn học ai cũng gọi anh Bào như thế. Chúng tôi thường trêu anh bằng cách gọi anh lại gần, xoa đầu anh mái tóc anh rất đẹp hôn đùa vào má rồi bảo: "Cô gái bé tôi xinh chửa", hoặc một câu khác tương tự. Anh Bào cố sức giang tay chúng bạn ra, mặt anh thẹn đỏ lên, trông lại càng đáng yêu và càng giống cô con gái lắm.

Sự nhắc lại những kỷ niệm chung ấy làm chúng tôi trở nên thân mật như xưa. Tôi khoác tay Bào vừa đi vừa nói chuyện.

- Tôi nghe hình như anh đang học ở ban thành chung Nam Định cơ mà. Sao bây giờ anh lại lên đây?

Bào buồn rầu đáp:

- Tôi bị đuổi rồi anh ạ. Từ đầu năm ngoái.

Anh kể lại cho tôi nghe cái duyên cớ: anh đang học năm thứ tư sắp thi ra, thì xảy ra việc các học trò để tang một nhà chí sĩ. Cả lớp cùng bị đuổi. Sau ít lâu, mọi người lại lục tục xin vào và được phép trở về học. Chỉ có anh và mấy người nữa, mà không biết kẻ nào đã vu cáo là cầm đầu cuộc bỏ học bị đuổi hẳn. Anh không minh oan được. Cả cha anh ở bên Thái cũng sang, vào nói với ông đốc, nhưng vô hiệu.

- Từ độ ấy, thầy tôi giận tôi lắm. Nhà tôi nghèo, anh cũng biết, mà tôi lại là hy vọng độc nhất của cả gia đình, các em tôi thì còn bé. Thầy mẹ tôi khổ sở lắm mới nuôi tôi ăn học đến thế. Vậy mà đột một cái bị đuổi.

Ngừng một lát, anh Bào tiếp:

- Tôi về nhà không chịu được. Thầy tôi cứ uống rượu say, rồi chửi mắng tôi là đứa con bất hiếu phụ công cha mẹ, không nghĩ gì đến nhà cửa, chỉ đua đòi anh em đến nỗi bị đuổi. Thầy tôi bắt phải ra Hà Nội tìm việc làm, bảo nếu không được thì đừng về trông thấy mặt nữa.

Anh Bào khẽ thở dài:

- Nếu không có công việc thì thật tôi cũng không dám về. Thầy tôi nghiêm lắm anh ạ.

- Sao anh không xin đi làm?

- Không được. Tôi bị cấm suốt đời không được làm việc trong các sở của nhà nước.

Anh Bào trở nên yên lặng. Một lát, tôi hỏi:

- Còn các nhà buôn? Các sở tư?  

- Ấy, tôi cũng chỉ còn hy vọng ở những chỗ ấy. Nhưng cũng khó lắm, ít người dám mượn một người học trò bị đuổi và bị cấm. Đi đến đâu, họ cũng biết. Với lại tôi cũng không có các giấy chứng chỉ, vì có đi làm bao giờ.

Chúng tôi thôi nói, lặng đi rảo bước trên hè phố. Đến chợ cửa Nam, Bào giằng tôi ra, bảo:

- Tàu điện 80 đến rồi, tôi phải về nhà không họ đợi.

- Anh ở đâu?

Bào nở một nụ cười buồn trên miệng, trả lời:

- Tôi ở trọ một hàng cơm nhỏ ở dưới ô Cầu Giấy. Không dám mời anh xuống chơi.

- Thì anh đến chơi đàng tôi. Anh nhớ số nhà rồi chứ?

Bào nhảy vội lên xe điện, giơ tay chào.

Tôi nói thêm:

- Thế nào anh cũng đến chơi nhé.

Xe chạy khuất vào chỗ rẽ phố hàng Đẫy. Tôi thong thả trở bước về nhà, trong óc miên man nghĩ ngợi. Sự gặp gỡ này vớt lại bao nhiêu kỷ niệm về quãng đời học sinh của tôi ở tỉnh Thái. Những nét mặt bạn cũ đã quên lại hiện ra trong trí nhớ, với những buổi học vui vẻ, những cuộc nô đùa vô tư lự. Bao nhiêu ngày sung sướng của tuổi trẻ!

Nghĩ đến Bào tôi đem lòng thương hại. Cậu bé con xinh xinh giống con gái ấy, với cái vẻ ngây thơ, hồi ấy làm cho chúng bạn yêu mến. Tôi thường theo anh đến nhà chơi, một căn nhà lá ở đầu tỉnh. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre nói chuyện, bên cạnh, bà mẹ anh Bào tráng bánh trứng và thổi xôi để đem bán. Thỉnh thoảng tôi mới gặp thầy anh ta; ông có vẻ nghiêm nghị lắm, và hình như lúc nào cũng ung dung không làm gì.

Không nhớ là mấy tháng sau, anh Bào đến chơi tôi. Trông anh khác hẳn, người gầy đi một chút, và xanh xao như ốm. Anh hình như đã đi bộ nhiều ở ngoài đường, nên quần áo và giầy đầy những bụi.

Tôi mời anh ngồi, ân cần hỏi:

- Anh đã tìm được công việc làm chưa?

Bào lắc đầu:

- Chưa, anh ạ. Suốt trong mấy tháng nay, tôi đi khắp các nơi ở Hà Nội mà chẳng tìm được việc gì. Đến đâu người ta cũng từ chối.

Anh nghĩ một lát, rồi nói thêm:

- Người ta thật là bất công và vô lý quá. Tôi đã làm nên tội lỗi gì đâu!

Lời nói nghẹn ngào trong cổ họng anh. Anh ngồi thừ người ra, không buồn uống chén nước chè của tôi mời. Tôi cũng yên lặng, không biết nói gì. Những lời an ủi lúc bấy giờ, tôi thấy hình như vô ích.

- Anh cứ chịu khó đợi ít lâu nữa xem. Để cái chuyện ấy người ta quên đi đã.

- Cũng đành phải chờ, chứ biết làm thế nào. Nhưng cũng phải có tiền để trả tiền trọ chứ.

Anh Bào cố mỉm cười. Cái cười thật đáng thương và ái ngại. Tôi nhìn kỹ anh: chiếc áo lương anh mặc đã cũ bạc, vá kín đáo một vài chỗ. Trên mặt anh có bao nhiêu nốt lấm chấm đỏ dày đặc cả hai má. Vô tình, tôi hỏi:

- Anh bị muỗi đốt dày cả mặt kia kìa.

Anh Bào có vẻ thẹn:

- Chỗ tôi không có màn và không được thoáng. Có khi muỗi đốt cả đêm không sao ngủ được.

Thấy người nhà tôi sửa soạn dọn cơm, anh đứng dậy cáo từ. Tôi tiễn anh ra ngoài cửa. Con đường về ô Cầu Giấy thẳng tăm tắp và bụi mù. Anh bắt tay tôi, toan quay lại đi thì tôi hỏi:

- Anh không đợi xe điện mà về à?

 Bào lắc đầu, vỗ vào túi:

- Không, hết cả tiền rồi.

Tôi ái ngại, giữ anh lại: "Anh hãy đợi tôi một chút". Rồi vào nhà lấy mấy hào chỉ còn lại trong túi, ngượng nghịu đưa cho anh: "Anh cầm tạm mà đi xe".

Bào không nhìn đến tiền, bỏ vào túi rồi nắm chặt lấy tay tôi khẽ nói:

- Cám ơn anh.

Anh quay ra. Tôi nhìn theo cho đến khi anh lẫn vào đám người đi làm về.

Một tuần sau, tôi đang qua chợ cửa Nam, bỗng nghe thấy tiếng gọi. Một chiếc xe tay dừng lại sát hè. Tôi nhận thấy anh Bào, nằm ngay trên xe, bên cạnh có một người đàn bà đã đứng tuổi. Anh cố ngóc đầu dậy bảo tôi:

- Tôi về Thái đây, anh Bình.

Tiếng nói phều phào như người hết hơi. Mặt anh đỏ gay, hai mắt sáng lên một cách khác thường. Tôi sợ hãi hỏi:

- Chết chửa, anh làm sao thế?

- Tôi ốm, anh ạ. Bà chủ trọ sợ tôi chết ở nhà bà nên nhờ bà này đưa tôi về. Xin chào anh nhé.

Tôi sửng sốt, yên lặng. Người đàn bà nhìn tôi nói, như định phân trần:

- Cậu ấy sốt cả bảy tám hôm nay rồi. Bà Hai cũng đã sắc cho cậu ấy mấy chén thuốc nhưng bệnh không đỡ, nên mới nhờ tôi đưa cậu ấy về vậy. Ông cũng biết, nhà người ta làm ăn buôn bán, cần phải kiêng giữ.

- Nhưng anh đương ốm thế này thì về làm sao?

Anh Bào nhìn tôi không trả lời, có vẻ mệt nhọc lắm. Tiếng còi xe hỏa bỗng vang động ở phía ga. Người đàn bà giục anh phu xe:

- Thôi đi nhanh lên kẻo nhỡ.

Tôi nắm tay anh Bào. Bàn tay anh nóng rực như lửa. Tôi thấy lòng tôi thắt lại khi xe anh quay đi.

Hơn một năm đã qua. Từ hôm ấy, tôi không nhận được tin tức gì về anh Bào nữa. Hình ảnh anh mờ dần trong trí tôi.

Rồi một buổi chiều, tôi đang ngồi xem báo dưới bóng đèn thì cửa bỗng mở. Hai cậu bé mặc áo thâm thập thò ở ngoài rồi rụt rè bước vào. Tôi ngạc nhiên. Cậu nhớn úp cái mũ trắng trên ngực, lễ phép hỏi:

- Thưa ông, có phải đây là nhà ông Bình không ạ?

- Phải, tôi đây. Hai cậu hỏi gì?

Cậu bé yên lặng thò tay vào trong người lấy ra một cái gói con bọc giấy để trên bàn trước mặt tôi, rồi nói:

- Thưa ông, chúng tôi là em anh Bào.

- À... Thế anh Bào đâu?

Cậu bé sẽ trả lời:

- Anh chúng tôi tự tử rồi ạ.

Tôi bàng hoàng cả người, nhìn hai cậu bé. Tôi nhận thấy hai cái mũ trắng đều có quấn băng tang. Thế ra thực ư, anh Bào tự tử? Cái chán nản, đau khổ gì đã xui anh chết trong lúc còn trẻ trung chưa đầy hai mươi tuổi.

Hỏi chuyện, tôi mới biết anh Bào ở trên này về cứ ốm liên miên mãi. Rồi anh ở nhà không đi đâu nữa. Một buổi chiều đầu tháng vừa rồi, bà mẹ đi chợ về đến buồng thì đã thấy anh treo cổ trên xà. Người nhà vội khiêng đến nhà thương cứu chữa. Anh tỉnh lại một chốc, rồi đến mười một giờ đêm thì mất.

Cậu bé kể xong, tiếp thêm:

- Trước khi chết, anh tôi có gọi hai chúng tôi lại bảo: "Anh chỉ có một người bạn tốt là ông Bình. Các em nhớ đem cái gói này đưa lên cho ông ấy".

Tôi giở ra, thấy có hai cái ảnh đã cũ. Một bức chụp chung cả lớp học, hồi còn học ở Thái. Tôi nhận thấy tôi đứng bên cạnh Bào. Còn bức kia là tấm ảnh nửa người của anh. Nhìn thấy cái vẻ xinh trai và ngây thơ của người bạn cũ, lòng tôi thấy nao nao thương tiếc. Nước mắt tràn lên mi, tôi thấy nghẹn ngào như muốn khóc.

Hai cậu bé cũng lặng lẽ, buồn rầu, đưa mắt nhìn tôi. Hai đứa trông giống anh Bào quá, cũng đôi mắt thông minh và cái vẻ kháu khỉnh ngây thơ như thế. Tôi chợt nghĩ đến sự nghèo nàn của nhà anh, đến hai đứa trẻ kia không có chỗ nương tựa để ăn học, thật là đáng thương.

Tôi xếp hai cái ảnh cũ lại rồi ngọt ngào bảo hai đứa ngồi xuống ghế. Tôi kêu khẽ:

- Hai em có thương anh ấy không?

Hai cậu cùng yên lặng. Cậu bé nhất bỗng ôm mặt khóc, hai vai nấc lên dưới tấm áo vải thâm đã cũ.

THẠCH LAM