Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

TRĂNG - Hoàng Ngọc Tuấn

 

TIẾNG cười la hét của lũ em dưới nhà làm Mỵ bực mình thêm. Cuộn băng nhạc đã chạy hết, tiếng đàn nghe rời rã mấy nốt sau cùng trong hơi thở nhỏ dần của cô ca sĩ. Mỵ tắt máy, nàng cầm tờ báo bên cạnh lên lật xem vài trang nhưng vứt bỏ ngay, không đọc được một chữ.

Căn phòng nhỏ của Mỵ ở gác trên, vắng ngắt thật buồn tẻ. Con búp bê vải có chiếc nơ màu đỏ sao bỗng thấy ngây ngô, không còn dễ thương như thường lệ nữa. Đêm xuống dần bên ngoài khung cửa sổ, nhà cửa thành phố nhấp nhô những ánh đèn nhỏ, bầu trời sáng hơn mọi đêm.

Có tiếng mẹ gọi từ nhà dưới:

- Mỵ ơi, sao không xuống đây chơi với mấy em.

Nàng nhắm mắt lại vờ ngủ, mới chưa đầy tám giờ tối mà đã ngủ cũng kỳ nhưng mẹ hình như bận rộn với mấy đứa em của nàng nên chỉ gọi vài tiếng lấy lệ rồi thôi. Nàng nằm im không thèm bật sáng đèn, nghe loáng thoáng ngoài sân nhà lũ trẻ con hàng xóm cùng hai đứa em của nàng ong ỏng hát… Tết Trung Thu rước đèn đi chơi...

Trung Thu, Trung Thu... Trời ơi, sao mà chán thế nầy. Thì cũng như những ngày rằm mỗi tháng thôi, mặt trăng cũng tròn như thế chứ có gì lạ đâu mà bày đặt Tết với Lễ. Thế mà lũ trẻ con lại nao nức sửa soạn từ mấy ngày trước, làm người lớn cũng bận rộn theo với chúng. Nào là đèn kéo quân, đèn ông Giăng, đèn con Thỏ cứ loang loáng lóe sáng trước cổng nhà. Ba mẹ nàng lại xem chừng cũng vui lây với tụi nhỏ mới kỳ chứ. Hai ông bà nôn nả xuống tận Chợ Lớn đặt mua mấy hộp bánh nướng, bánh dẻo từ mấy ngày trước. Lát nữa đây sẽ còn bắc bàn ghế ra sân ngồi nhâm nhi với trà Tàu.

Mỵ nghĩ mình đã lớn rồi, đâu có thèm mê đèn mê trăng như trước nữa. Ngày sinh nhật cách đây vài tháng của nàng đã cắm đến mười bảy cây nến, làm nàng phải thổi hai ba lần mới tắt. Nàng thích đêm Noël hay Giao Thừa hơn, thế nào những dịp ấy nàng cũng có được một hai cái áo dài mới, màu rực rỡ ghê lắm đến nỗi không dám mặc đi học, nhưng đã diện lượn phố ngập người trong tiếng chuông nhà thờ đổ rộn ràng thì sung sướng biết mấy. Và trên bàn học nàng sẽ bày la liệt những món quà tặng nho nhỏ của lũ bạn gái trong lớp, vài gói lớn nhất là của mấy ‘‘gã’’ học trên nàng một hai lớp mà nàng chỉ biết mặt chứ không hề quen bao giờ. Bao nhiêu là thiệp chúc mừng, nào vui, trẻ, đẹp suốt đời, lớn thêm một tuổi lại càng thêm quyến rũ, một năm may mắn hạnh phúc… Nàng đã chất đầy những tấm thiệp trong một hộp bánh Biscuit to tướng.

Tiếng chân người chạy rầm rập lên cầu thang làm Mỵ giật mình. Khuôn mặt hớn hở của thằng em trai với chiếc đèn con cá đỏ chói trở vào phòng, Mỵ vừa kịp nhắm mắt lại.

- Chị Mỵ ơi, xuống xem múa lân... người ta treo tiền ở sát bên mình đó.

Nàng giả vờ thở đều đặn như đang ngủ ngon mặc dù nghe rõ tiếng trống thình thình cùng tiếng la hét ầm ĩ cả một khu phố. Đứa em lay nàng vài cái rồi chạy vội xuống nhà dưới, Mỵ nghe thấy tiếng ồn ào dưới nhà lớn hơn rồi thằng em trai lại hồng hộc chạy lên. Lần này nàng không nhắm mắt lại kịp.

- Để yên cho chị ngủ.

- Mẹ bảo đem bánh Trung Thu lên cho chị ăn này, bánh có trứng gà với vi cá ở trong đó.

- Thôi, thèm vào, ớn thấy mồ !

Thằng em mừng rỡ :

- Em ăn phần chị nhé.

- Ừ, ăn hết đi cho trúng thực chết luôn.

Đứa em đưa chiếc bánh vào miệng ngay, cắn từng miếng một như sợ mau hết. Nó chạy lại cửa sổ, ló đầu ra ngoài rồi kêu nàng :

- Chị lại xem, ‘‘con’’ lân sắp đớp được tiền rồi.

Mỵ tò mò lại xem. Nhà lầu hai tầng bên cạnh nhà nàng, treo một gói tiền lủng lẳng trên cao, bọc trong tấm giấy đỏ. Một người mặc áo may ô che kín mặt trong chiếc đầu lân mầu mè sặc sở, cái miệng mở rộng táp lên táp xuống vờn quanh gói tiền như không muốn ăn vội. Dưới đất, trống con nổi rầm rập thúc hối cùng với một rừng khuôn mặt khán giả ngước lên chờ đợi. Ông Địa với chiếc mặt nạ toét miệng cười; quạt phe phẩy bụng phệ. Người mang đầu lân đứng thật tài tình trên vai một người khác, chiếc đầu quay qua quay lại như biểu diễn một lần cuối rồi há miệng táp lấy gói tiền. Đuôi lân bằng vải phe phẩy múa lượn có vẻ khoái trá vì chiến thắng.

Mỵ chú ý nhìn chiếc đầu lân. Nàng đứng gần nên nhìn thấy thật rõ khuôn mặt người đàn ông núp trong chiếc đầu, bây giờ y đã thò mặt ra ngoài, nét mặt già nua mỏi mệt thật tội nghiệp, có lẽ y còn lớn tuổi hơn ba nàng. Nàng nhìn thấy mồ hôi chảy ướt dầm trên da mặt nhăn nheo của y mặc dầu đầu lân vẫn tung tăng múa may thật oai hùng. Gói tiền cột bằng thứ dây dai quá nên ‘‘con lân’’ phải thò cả cánh tay nắm chặt ráng sức giật một hồi lâu mới đứt. Đám đông vỗ tay reo hò tán thưởng. Con rồng thắng trận đưa ‘‘tay’’ lau mồ hôi rồi nhảy tụt xuống đất, cả con lân dài uốn lượn rẽ sang ngõ khác, theo sau là một bầy trẻ con cầm đèn chạy bám lấy đuôi.

Thằng em nàng ăn chưa hết chiếc bánh, cũng chạy vù xuống nhà để ra đường nhập bọn.

Mỵ ngồi xuống chiếc ghế nhỏ trước bàn học của riêng nàng. Bên cạnh đống sách bừa bộn, một bông hồng trắng đã tàn trong chiếc bình sứ, bông hoa cho ngày sinh nhật mà nàng không chỉ một mình với căn phòng, còn nhiều người khác với tiếng chúc mừng bao quanh, và nhất là một người.

Một gã con trai. Dĩ nhiên không phải là ba nàng hay mấy đứa em, cũng không phải là những ông thầy giáo trên trường.

Chàng. Không, Mỵ ghét cái tiếng chàng. Nàng thích tiếng “Anh” hơn, vì nàng biết bao lần gọi lên âm thanh có vẻ hiền lành và thân mật ấy khi hai người nói chuyện với nhau. Và bây giờ, những hình ảnh về anh tràn đầy tâm trí nàng, như một khúc phim chậm rãi, thỉnh thoảng có tiếng nói thì thầm và ánh mắt đầy lời thân yêu chan chứa. Mỵ mơ màng và cảm thấy hoang mang như rơi lùi vào những tháng ngày nào đó cách đây không lâu, nhưng đã khác xa vô cùng với hiện tại. Giờ đây, đã mất những chiều hẹn cũ, buổi chiều tan học sớm, Mỵ rời cổng trường St Thomas lững thững bước như một cánh chim quen đường bay, về phía dốc cầu... Quán cà phê sát tường của một trường Đại Học, nơi mà anh bao giờ cũng vội vàng leo qua hàng rào cổng trường để gặp nàng chóng hơn... Rồi ly nước cam không còn mùi vị, vì những lời trao đổi bâng quơ cùng đôi mắt âu yếm ngại ngần đã ngọt ngào hơn một miếng bánh kem sữa. Cứ thế cho đến ngày...

Một đứa em khác chạy lên gác làm Mỵ bừng tỉnh. Đây là đứa út trong nhà, hàm răng sún vì nhai nhiều kẹo và trán luôn luôn sưng vồ vì một vụ té nhào nào đó từ trên cây xuống. Thằng bé kêu lên:

- Chị Mỵ ơi!

- Gì nữa ? Hết đứa này lại đến đứa khác. Sao không đi xem múa lân ngoài đường kia.

Thằng bé lắc đầu, nét mặt bỗng tư lự như người lớn :

- Em không thích múa lân đâu. Chị Mỵ ra xem trăng kìa, đẹp lắm.

Nàng ngạc nhiên.

- Mày trở thành thi sĩ hồi nào vậy ?

Thằng bé như không nghe lời diễu cợt của chị, nó đứng bên cửa sổ nhìn lên cao.

Thế này thì lạ thật, cái thằng nhóc suốt ngày chia phe đánh trận giả múa gươm múa súng ầm ầm mà đêm nay bỗng dưng lại nổi máu lãng mạn học đòi thưởng trăng. Nàng đến gần bên đứa em, tay vuốt mớ tóc lòa xòa của nó, cười đùa :

- Nào, xem chú Cuội và chị Hằng của em ở đâu cho biết.

Trên bầu trời, cao lên khỏi đám nhà cửa đen ngòm nhấp nhô những hình thù xấu xí lộn xộn, màu trời sáng hơn, những hình tượng mơ hồ vần vũ chung quanh mặt trăng. Cũng như thế chứ có gì đẹp đâu, mặt trăng cũng tròn trịa như mọi đêm rằm. Lâu nay Mỵ cũng chẳng để ý xem trăng mặc dù đêm đêm ánh sáng mông lung ấy thỉnh thoảng qua khung cửa tràn vào trên gối chăn nàng một chút êm đềm thú vị. Mấy ông thi sĩ tha hồ ngâm thơ vịnh nguyệt, bao nhiêu là tiên nữ với vũ khúc nghệ thường dập dìu trong đốm sáng nhỏ xa xôi ấy, lại thêm một ông vua Đường Minh Hoàng si tình ngớ ngẩn nào lạc trên đó nữa.

Nàng bỏ vào trong phòng, chẳng thèm say sưa gì với ánh trăng nàng vẫn thường nghe nói là huyền ảo vô cùng. Nàng dửng dưng, buồn tẻ trong mầu sắc và tiếng huyên náo vui đùa của đêm tròn trăng. Tuổi trăng đầy, chỉ kém Mỵ một tuổi.

Có lần anh đã nói với Mỵ như thế, Nhưng bây giờ... Anh đã đi xa, đã rời khỏi Saigon lâu rồi, chỉ mới vài tháng nhưng đã thật lâu rồi đối với Mỵ, lá thư của anh viết cách đây vài ngày còn nằm giữa tập vở của Mỵ, gởi từ một miền biển xa xôi, nhưng anh nói biển cả ở đó không bát ngát thơ mộng gì cho anh đâu. Anh không có thì giờ ngắm biển. Ở đó là ánh nắng rực lửa và mồ hôi. Nhưng đêm Trung Thu này, trăng có vỗ về anh đôi chút nào chăng...

*

Đại đội về tới trại khi trời vừa sẫm tối. Hơn trăm người áo lính ướt dầm mồ hôi như tắm mặc dầu ai nấy đều mong được tắm một trận cho sướng mà lại không được. Không có thì giờ. Sau một ngày học ở Bãi Tiên, cả bọn đeo ba lô súng ống nặng nề phải cố lê người mệt lả suốt gần mười cây số đường đèo để về trại cho kịp. Không đủ thì giờ ăn cơm chứ đừng nói là tắm,

Súng đạn, ba lô, nón sắt vứt ầm ĩ trong phòng. Nằm nghỉ lưng một chút thì khỏe biết mấy. Nhưng tiếng còi tập họp lại ré lên ngoài sân, lại ào ào chạy ra, lố nhố những cái đầu tóc cụt ngủn, ướt mèm mồ hôi chảy xuống mang tai. Tiếng người sĩ quan cán bộ quát tháo inh ỏi.

- Nhanh lên, nhanh lên. Ăn cơm cho lẹ rồi còn đi ứng chiến. Khóa sinh đại diện đâu ?

- Có mặt.

- Cho anh em xuống ‘‘nhà bàn’’, không được đi... cho chạy bộ... đếm đều nhịp.

Tiếng hô một hai một hai thì thào lộn xộn vì thốt không ra hơi. Cả đoàn người chạy xuống nhà ăn, đầu lắc lư như không còn giữ vững trên cổ. Viên cán bộ lại la lên:

- Đếm đều nhịp... Coi chừng qua phòng ông Tiểu Đoàn Trưởng... đếm lớn lên... vỗ tay... chạy đều nhịp... giữ hàng ngang hàng dọc đàng hoàng coi... hát lên... Tất cả hát lên... Này bao hùng binh tiến lên...

Đám khóa sinh cố gân cổ cất tiếng hát mệt nhọc yếu xìu, bài nhạc quân hành vang lên một cách thảm hại. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ bừng nóng giận của viên Đại Đội Trưởng, có lẽ y vừa thấy ông Tiểu Đoàn Trưởng đang chống nạnh nghiêm khắc nhìn đoàn quân chạy một cách bết bát. Y hét lên :

- Chạy đàng hoàng lại coi... hết gân rồi hả? Khoan... chưa được ăn cơm… chạy phạt thêm một vòng sân nữa.

Anh có mặt trong hàng cuối cùng của đoàn quân, càng lúc như càng bị bỏ rơi lại đàng sau, cặp giò loạng choạng muốn vấp vào nhau. Miệng anh thở hồng hộc, viên Đại Đội Trưởng chỉ tay vào anh quát:

- Anh này, sao không hát ? Không nghe tôi hả ?

Anh mở miệng lắp bắp máy mó cho ra vẻ hát chứ miệng anh không thốt nên một tiếng nào, chỉ toàn là chửi thề trong bụng.

Lát sau khi đứng đều hàng trước bàn ăn, thở hồng hộc, vừa được lệnh, cả bọn đồng loạt ngồi xuống, chụp lấy chén đũa xới cơm ngốn như điên vào miệng. Mồ hôi chảy ròng ròng trên tay anh nhỏ vào một bát canh nguội ngắt. Viên cán bộ đứng ở đầu bàn, xem đồng hồ tay rồi nói to :

- Năm phút thôi, ăn lẹ lên... còn bốn phút...

Miệng ngốn ngấu một đống cơm, anh nhìn thằng bạn trước mặt định nói nhưng hắn lắc đầu ra dấu gạt đi, không ai có đủ thì giờ nói chuyện nếu muốn kiếm một chút cơm dằn bụng trong đêm nay, lấy sức mà canh với gác.

Năm phút trôi qua trong tiếng đũa bát chạm nhau. Rồi lại sắp hàng rầm rập về phòng ngủ. Lại tiếng còi réo lên, súng ống đeo vào, ba-lô nặng hơn vì có thêm mùng mền, lãnh thêm đạn trừ bị. Anh bị phát thêm ba quả đạn súng cối, cột dây lòng thòng nặng trĩu dưới vai. Tiếng còi, tiếng la hét thúc hối thêm. Tập họp, điểm danh, báo cáo quân số...

- Nhanh... nhanh lên, làm gì mà chậm như rùa! Trung đội một, đủ chưa ? hai, ba, bốn, thiếu thằng nào không?

- Thưa Trung úy, có một thằng còn... đi cầu.

- Xách nó ra đây cho tôi, nhịn đi cầu một ngày không được sao ? Muốn cho ngủ cầu tiêu luôn một tuần hả?

Anh đội nón sắt lệch sang một bên lúc lắc làm cả bọn bật cười rộ, tay xách súng, tay gài nút quần vội vàng chạy ra sân.

- Nó ra đó rồi... thưa Trung úy.

- Hai chục cái hít đất, hai chục cái nhảy Song Phi. Mau lên.

Anh chống tay, nhấp nhô mông nhổm lên nhổm xuống vài cái rồi nằm bẹp thở dốc.

... Rồi đâu cũng vào đó, đại đội cũng tập họp đầy đủ, nặng nhọc lê bước tiến ra ngoài cổng trại,

Một thằng bạn thân cầm dùm súng cho anh cài lại áo quần và dây ba chạc rối rắm trên người, anh chửi thề :

- Mẹ nó, đêm nào cũng ứng chiến! Đêm thì đi Bãi Tiên, đêm đèo Rù Rì, đêm khu A, khu B, khu C rồi đến đêm nay nữa. Tối nay mình gác ở đâu mày?

- Nhà mát của ông Tướng, may mà cũng gần.

- Rồi lại ngủ chưa chợp mắt, sáng sớm phải dựng đầu mò về trại, lại chạy đều nhịp hai ba vòng sân, rồi lại lội bộ đi bãi, không biết mai mình có giờ nào ở Bãi Tiên không ?

- Yên chí, chưa đâu. Mai có giờ tác xạ súng M. 79, bãi bắn sát bên núi, gần trại lắm.

- Vậy thì đỡ khổ. Mẹ, Bãi Tiên, nghe cái tên thơ mộng lắm, thở không ra hơi mới thấy mặt nó, lại cái món Trung Đội Tấn Công lên đồi nữa... Mầy biết không, hồi chiều có năm thằng bị xỉu được theo xe cứu thương chở về.

Anh bật cười, nói tiếp:

- Trong đó có ít nhất là hai thằng giả vờ. Bữa sau tao phải bắt chước mới được. Mất mặt một chút mà được đi xe GMC, sướng chết.

Trong đêm tối đoàn quân lầm lũi đi. Sóng biển và những đợt gió nhè nhẹ nghe gần hơn, và hơi gió mát chạy luồn vào trên sống lưng ướt mồ hồi của anh, anh rùng mình khoan khoái.

Nhà Mát của vị tướng Chỉ Huy Trưởng Quân Trường nằm sát bên bờ biển, chung quanh là những hàng dương liễu rợp bóng và hàng dừa xanh. Bao ngoài một sân chơi quần vợt và chiếc bàn lộ thiên thường dùng cho khách quí hóng gió nhậu nhẹt, là một hàng rào kẽm gai. Đại đội anh đêm nay có bổn phận đóng rải rác ngoài hàng rào đó, đặt những vọng gác, hướng súng vào những bóng tối mơ hồ nào đó mà vị sĩ quan huấn luyện môn chiến thuật luôn luôn cho rằng có thể là địch quân mưu toan đột nhập.

Anh được chia gác phiên đầu, cũng khỏe, lát nữa sẽ được ngủ thẳng giấc còn hơn là đang mê mệt thì bị dựng đầu vào lúc hai giờ sáng để canh gác. Thằng bạn bị phiên ngay nửa đêm, hắn càu nhàu sừng sộ với thằng Tiểu Đội Trưởng.

Anh ngồi trên ba-lô, dựa lưng vào gốc cây, lén lút thắp một điếu thuốc lá rồi che lửa trong lòng bàn tay, hơi khói bay từng ngụm nhỏ.

Trời hôm nay có vẻ gì là lạ. Sóng biển kéo đều đều đổ lên bãi cát tiếng rì rào buồn bã. Máy radio chạy pin từ túi áo của một ai bật lên rè rè, nhạc rộn rả văng vẳng từ một thành thị nhộn nhịp ánh đèn nào, bỗng anh giật mình, tiếng hát của một bầy trẻ con vang lên nho nhỏ… Tết Trung Thu rước đèn đi chơi... Anh la lên:

- Ủa ? Trung Thu rồi hả?

Giọng nói của thằng bên cạnh đáp nhát gừng :

- Rồi thì sao? Mày định bày cỗ bánh nướng với trà tàu ra rồi ngắm trăng hả?

- Không...

- Có trăng trên đầu mày kìa, ngắm đỡ buồn đi, cũng đẹp chán.

Bây giờ anh mới biết tại sao hôm nay mình bỗng có cảm giác là lạ. Mới đó mà Trung Thu rồi, nhớ Trung Thu năm nào… xa xưa như chuyện cổ tích. Lâu ngày ở quân trường, cũng chẳng để ý đến lễ với Tết gì cả, không biết lúc nào là mùa xuân, mùa thu, mùa hạ, mùa đông. Chỉ biết mưa ướt dầm dề những đêm nằm dưới giao thông hào có lẽ là mùa đông, nắng trưa chảy mỡ là mùa hạ... Chỉ tính ngày tháng bằng tuần lễ, tuần lễ thứ hai mươi rồi, chỉ còn bốn năm tuần nữa là mấy ngày phép ra trường, sẽ bay về Saigon lập lức. Saigon, ánh sáng, tiếng hát đêm, quán cà phê buổi chiều tán gẩu... Saigon, như một thế giới nào xa vắng tươi đẹp quá, mỗi đêm làm anh trằn trọc một cách êm ái trong cơn mơ mộng.

Có tiếng của một tên nào đó the thé nhái theo máy ra-dô, nghe thật buồn cười và cũng thật tội nghiệp. Bọn anh đâu còn ở tuổi để đợi chờ một đêm Trung Thu nữa, những màu trăng đều vô vị như nhau qua trên đầu anh từ tháng này đến tháng khác. Nhưng đêm nay không hiểu sao, khi ánh trăng soi những tàn lá dừa lung linh trên bãi cát, anh tự dưng ngước đầu lên bầu trời, trời đêm quen thuộc.

Trên khoảng không bao la vô cùng kia, những đám mây bàng bạc đã lùi vào bóng tối. Nhường chỗ cho trăng, vừng sáng vằng vặc, một chút trong trắng như mắt yêu thương cũ, một chút như tan loãng trên màu áo lụa.

Biển cả hiện ra trước mặt anh toàn vẹn không keo kiết một chút gì, dâng hiến cả màu nước bao la vô tận, lung linh ánh trăng chảy chập chờn trên đợt sóng như tấm thảm nhuộm trong ánh sáng, chuyển động lấp lánh một vũ điệu êm đềm. Những cánh buồm đen mù mờ, lốm đốm ngoài khơi tận chân trời nào, như có vẻ gần lại trong đêm nay, tận hưởng nguồn trăng kỳ diệu của trời ban, mà trong nhiều đêm u tối lạc lỏng ngoài đại dương, những cánh buồm thường chỉ biết bão tố và sấm sét, trăng bình yên quý giá ít khi được thấy.

Điếu thuốc đã tàn trên tay anh. Lạ thật, anh đâu còn ở tuổi ngưỡng mộ chú Cuội trên cung Hằng nữa. Đêm nay cũng không có đèn kéo quân, không có bánh nướng Đông Hưng Viên, không một tách trà mạn. Thế mà đêm trăng như bay theo từng đợt sóng từ ngàn khơi ùa vào, tràn ngập lên bãi cát, qua những vỏ dừa khô và vỏ sò vương vãi, phủ lên lớp đá trắng lỗ chỗ như tổ ong, kéo theo rêu rong quấn lấy người anh, bàn tay và hơi thở mát lạnh ôm quàng lấy anh thân ái.

Anh như được nếm một nụ hôn ngọt ngào mùi vị mặn của biển cả, quay cuồng mê mệt của đêm, thanh khiết xanh ngắt của mầu trăng mười lăm trinh nữ.

Anh sung sướng ngây ngất đến nỗi không buồn xem đồng hồ. Phiên gác của anh vừa hết.

*

Vài hôm sau cũng vào buổi chiều. Đại đội lại đi học bãi lê lết trở về. Cả bọn như quên hết mệt nhọc khi viên thư ký tay cầm một xấp thư, lên giọng đọc tên từng người nhận. Anh đứng trong hàng quân hơi thở gấp, nôn nao chờ lá thư quen từ phố cũ, của cô bé mười bảy tóc mây bay, dòng chữ học trò nắn nót. Anh biết anh sẽ có thư Mỵ, và anh đã có...

‘‘ Trung thu ở Saigon chán lắm. Nhà thì đủ đèn đuốc, bánh kẹo nhưng em vẫn thấy buồn kinh khủng. Ở ngoài đó anh có ngắm trăng không, ở đây em không thấy trăng đẹp gì cả, hay có lẽ vì em lớn rồi...’’

Bất chấp bị phạt cả triệu cái hít, nhảy xổm, anh bỏ hàng quân chạy vội lại phòng Quân Bưu của trường, xin đánh một bức điện tín gởi Mỵ trước khi phòng đóng cửa:

‘‘Ở tuổi nào, trăng cũng vẫn đẹp. Ở đây, trăng đẹp tuyệt vời Mỵ ơi’’.

 
HOÀNG NGỌC TUẤN       
 
(Trích từ tập truyện ngắn Chuyện Hai Người, nxb An Tiêm 1972)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét