Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

ĐÃ HẾT MÙA THU - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Sàigòn lâu nay tôi không để ý đến những đêm rằm. Trăng tròn hay khuyết cũng vậy, mọc lờ lững đứng đâu đó trên nền trời chật hẹp vì những tòa nhà cao, ống khói xưởng thợ ngổn ngang.

Đêm Trung Thu, tôi được nhắc nhở là hàng năm có một đêm gọi như thế. Đài Truyền hình hát vài bài ca ngợi trăng rằm lấy lệ. Tiếng đồng ca của bầy trẻ thơ lúc nào cũng dễ thương, ngày nay được truyền đi rộng rãi hơn trên màn ảnh nhỏ.

Nhưng tất cả chỉ có thế. Một mùa trăng ngắn ngủi ở Sài Gòn chấm dứt ngay khi vừa mới bắt đầu. Có lẽ trăng vẫn đẹp như thường lệ cho một số người ngắm nghía. Nhưng khi mầu trăng đã chết trong thành phố này rồi, làm sao tôi còn cảm thấy mùa thu đến được.

Thi sĩ, kẻ rỗi rảnh để theo dõi bốn mùa truân chuyên thay đổi, đã nhẹ nhàng báo trước:

... Em nghe chăng mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức...

Không. Tôi không nghe gì cả. Ban ngày chỉ có tiếng động ầm ĩ huyên náo của máy xe. Ban đêm đèn mầu trong phòng trà và những ánh hỏa châu thỉnh thoảng thả trong trời ngoại ô thành phố.

Tôi đã chết khô như một loài đá ong rồi chăng?

Đêm trăng tháng tám năm ngoái ở Huế. Tôi tình cờ về đến chân cầu Trường Tiền, nôn nao bước mau ven bờ sông Hương, tìm lại cầu Bến Ngự nhỏ tiêu điều. Dưới bóng cây âm u vệ đường những bụi bờ thỉnh thoảng mở ra cho thấy một vài bến nước của dòng phụ lưu "nắng đục mưa trong" rồi dừng lại bên này sông, trên cao kia là gạch đá vỡ nát của nhà thờ Phú Cam.

Và ở đó, tôi đã có một mùa thu mênh mang thơm ngát trong người.

Một người bạn cũ bắt gặp tôi đang ngơ ngáo trên đường. Nhờ thế tôi đỡ phải đi lang thang một mình trong thành phố quê nhà này, nay đối với tôi như một khách sạn lạnh lùng không cần ghi tên người ở trú ngụ.

Tên của bạn tôi là Minh lính, cái chữ sau dĩ nhiên chỉ nghề nghiệp của hắn.

Hắn hỏi, mày mấy năm rồi không về Huế?

Tôi nói bảy năm rồi, tưởng như mới hôm qua nhưng dài hơn bảy thế kỷ.

Minh lính đưa tôi đến một quán cà phê nằm trong ngõ hẹp chật chội, trước ngõ một lũ đàn ông thỉnh thoảng cứ ra vào đông đảo. Lúc đầu tôi tưởng đây là một nhà chứa điếm, tôi mừng thầm trong bụng.

Nhưng Minh lính đã giới thiệu, đây là quán cà phê chị Lợi, tao thích ngồi đây lắm.

Quán nhỏ, khói thuốc ngột ngạt, nhạc lè nhè bên tai cho có lệ, cà phê phin ở Huế bao giờ uống cũng ngon, nhờ câu chuyện nở như bắp rang trong khi chờ đợi những giọt nước đen thẫm từ tốn rơi, mang theo mùi thơm phức ấm cúng.

Mưa nhỏ nhưng dằng dai. Trời sớm tối. Minh lính chở tôi đến trước trại của hắn, tôi đứng bên đường chờ hắn vào "áp phe" nhờ một thằng nào đó trực giùm đêm nay.

Rồi Minh lính đưa tôi xuống bến Thương Bạc ngủ đò. Các mụ Tú Bà chào hỏi tay bắt mặt mừng. Đò chèo ra một quãng ngắn và cắm sào xuống lòng sông cạn. Cô lái đò miệng hôi mùi thuốc Cẩm Lệ, hỏi Minh lính, cậu kêu em nào? Mặc dù hoàn toàn lạ mặt ở nơi này tôi vẫn có thể kêu đại một cái tên nào cũng trúng được. Không Hoa thì Huệ, Liễu hay Hồng gì đó.

Tôi nói, kêu giùm em Trăng được không, cô lái đò ngạc nhiên, ở đây mô có ai tên nớ.

Thế rồi mọi chuyện cũng xong xuôi. Trong chốc lát một gái giang hồ tôi không còn thấy rõ mặt, được đem đến trên chiếc ghe con chèo len lỏi thoăn thoắt từ bóng tối mịt mù nào.

Tôi ngồi ngoài mui đò chờ Minh lính với cô gái. Minh lính ngồi ngoài mui đò chờ tôi với cô gái. Và cô gái chờ tiền, nhéo tôi một cái chào tạm biệt, chúng tôi gỡ gạc qua loa thêm chút ít.

Thêm một vài chai bia, mực khô rồi cả hai nằm ngủ. Chấm hết. Đêm đó tôi đã quên nhìn trăng, tôi quên nhìn bóng đen của cây cầu đàng xa, tôi quên nhìn dòng sông trôi trong đêm.

Tôi đã vô tình như vỏ cây già rồi chăng?

Sáng hôm sau, Minh lính phải vào trại. Tôi còn lại một mình tìm đến nơi khác.

Ở một Hội quán có bao lơn trông ra sông Hương, tôi uống ly cà phê loại trung bình, không lấy gì làm ngon lắm. Nhưng bù lại, tôi được chứng kiến một cảnh tượng vui mắt trên sông. Tuổi nhỏ vẫn còn biết kỷ niệm ngày Trung Thu. Đám học sinh trường Hưng Đạo đánh trận giả nhắc lại chiến công oai hùng của Hưng Đạo Vương đại thắng quân Mông Cổ. Trên mặt nước sông khua động và lố nhố hai bên bờ đám học trò đứng xem. Trận "thủy chiến" giữa hai phe diễn ra một cách vui vẻ. Đám học trò đứng không vững trên những chiếc đò nhỏ, mặt mày vẽ râu ria xồm xoàm bôi đầy lọ nghẹ, chiến bào đủ màu sặc sỡ cũng xuênh xoang ra phết. Hưng Đạo Vương của năm 1971 mang gươm gỗ chỉ trời chỉ đất, hô vang tiến quân inh ỏi. Phe Mông Cổ mặt mày buồn thiu vì bị đóng vai kẻ bại trận, la lối vài câu lấy lệ rồi sẵn sàng chèo đò trốn chạy. Hưng Đạo Vương múa may một hồi bèn ngồi xuống đò nghỉ mệt, "ngài" tạm giải khát bằng một chai "bia tây" và móc từ trong áo giáp ra một điếu thuốc lẻ châm hút phì phà.

Khi đêm xuống cố đô đen sâu một cách vắng lặng như một phế tích. Tôi mượn một chiếc xe đạp của người bà con, đạp lòng vòng đi qua những con đường u ám rợn người mà tôi không còn nhớ tên. Trời lạnh nhè nhẹ theo những gốc cây còn ướt ẩm cơn mưa buổi chiều, những ổ gà ngổn ngang trên mặt đường làm bánh xe thỉnh thoảng nhảy lên chồm xuống.

Tôi muốn hát. Trong đêm thanh vắng này, một tiếng hát lanh lảnh cất lên nghe cũng thú lắm dầu có dở đến đâu đi nữa.

Nhưng tôi không nhớ trọn vẹn được một bài nào. Cuối cùng tôi huýt sáo. Tôi bỗng nhớ ngày xưa nghe mẹ tôi kể đi đêm mà huýt sáo là ma dễ lân la đến làm quen lắm. Tôi bèn sợ hãi câm miệng lại.

Một đêm trong Vườn Trăng thoảng thơm mùi hoa Quỳnh thanh khiết. Mọi người xúm xít nhậu nhẹt và chuyện trò vui vẻ, vài ba cô con gái mắc cỡ không dám ăn nhiều, chỉ ngước đầu lên ngắm trăng.

Một chai rượu Bách Nhật được đem ra. Thứ rượu quý gia truyền được chôn cất dưới đất đúng một trăm ngày. Tôi nhắp một tí, rượu trắng như sữa, ngọt ngào ngây ngất. Đây là một thứ rượu rất dễ uống nên mặc dầu là kẻ yếu rượu, tôi cũng có thể ngồi lầm lì nốc hết ly này đến ly khác.

Tôi lâng lâng nóng bừng, cây cối trong vườn lung linh chuếnh choáng, mùi hoa hay mùi cây trái nào thơm đậm đà hơn. Mọi người, mọi thiếu nữ đều tuyệt đẹp mà lòng tôi thì rộng rãi quá.

Hình như có người đang đàn hát hay ngâm thơ, tôi cũng không còn nghe rõ. Bên cạnh tôi người thiếu nữ (có thể là người đàn bà) vốn đã đẹp từ lâu rồi nay lại càng diễm ảo, mắt môi sóng sánh như mầu rượu đỏ, má hồng hay mặt tôi hồng.

Tôi gọi nàng là Muôn đời, Vĩnh cửu vì chính đó là ý nghĩa của tên nàng.

Nàng nói nhỏ, T. thấy Huế có vui không?

Tôi trả lời cụt ngủn, buồn gần chết. Câu nói thật trái ngược với ý nghĩ vì tôi đang hết sức bất mãn. Nàng chẳng bao giờ gọi tôi bằng anh và xưng em, nàng cứ gọi tôi bằng tên rất ngang bướng vì lý do nàng bằng tuổi tôi. Tôi đã có quá nhiều lần giải thích cho nàng biết tôi sinh ra đời vào giây đầu tiên trong năm, như thế chắc nàng phải nhỏ hơn tôi ít nhất là vài phút.

Nhưng nàng không đồng ý. Nàng thì chẳng bao giờ đồng ý với tôi về bất cứ điều gì cả, kể cả điều nhỏ nhất. Ví dụ như khi tôi yêu cầu nàng với một thái độ rất là êm đềm và đàng hoàng: Đừng bao giờ nói tiếng không với tôi, nghe... thì nàng nhanh nhẹn trả lời: KHÔNG. Thế đó.
 
Người phụ nữ muôn đời ấy rót cho tôi thêm một ly, môi nàng thoáng cười trông vừa gần gũi vừa xa vắng quá.

Nàng nói với tôi, cái câu tôi đã một lần nghe người khác hỏi, T. đã mấy năm rồi giờ mới về Huế.

Tôi thở dài trả lời, chưa bao giờ cả, có bao giờ được trở về Huế đâu, ngay cả trong lúc đang ngồi ở đây.

Nàng cười nói không hiểu.

Tôi nói không hề gì, nàng còn không hiểu tôi ngay cả những điều nên hiểu, những điều quan trọng nhất. Sự xa cách giữa chúng ta là một chuyện thông thường rồi.

Không biết đêm nay nàng có nhắp một tí rượu nào chăng mà rạng rỡ long lanh quá. Tôi thở mạnh, nói không ra hơi nên chẳng ai, kể cả nàng, nghe được những lời thì thầm điên rồ của tôi cả.

Nàng là chiêm bao, là sự thực, là ngây thơ vô tội, là đắm đuối tội lỗi, là tươi tắn, là sầu muộn, là bí ẩn, là phơi mở sáng ngời, là nghiêm trang như một nữ tu, là quyến rũ như một ma nữ đa tình... Còn gì nữa, còn tất cả, tôi tiếc không phải là một nhà soạn tự điển để có thể kê khai ra đây hàng ngàn hình dung từ tượng trưng một ít về nàng. Chỉ một ít thôi, vì thật ra nàng là một cái gì toàn vẹn tuyệt vời mà ngôn ngữ phải sợ hãi câm nín trước nàng.

Tôi quên nói thêm là nàng thường bận tâm lo xây đắp hạnh phúc cho những kẻ khác, còn mơ ước của riêng nàng giấu kín tận trung điểm địa cầu.

Tôi có thể hát lè nhè những lời sặc mùi rượu:

Em ước mơ chi cõi trời trăng sao xa lạ
Mà biết đâu thiên đường nằm trong trái tim ta...

Nhưng nàng vẫn không nghe tôi. Nàng chê cả thiên đường, tôi biết làm sao được.

Đêm đó, tôi say khướt về khuya không còn biết trời đất gì cả. Rượu Bách Nhật mềm môi tha hồ uống bao nhiêu cũng được nhưng lại làm điên đảo, quật ngã khi buổi tiệc tàn.

Tôi ngủ vùi không mộng mị, quên ra bờ sông ngắm đò thả đèn trên sông Hương mừng mùa trăng.

Tôi thật tệ hại. Đáng lẽ đêm nay phải thao thức trong hình ảnh nàng, người đàn bà ngàn đời vẫn xanh như màu lá chuối non ấy. Như mùi hoa đêm ai đã ngửi một lần, dầu chỉ thoáng qua, là suốt đời  được tẩm bằng hương hoa chẳng phai chẳng úa.

Nhưng đêm mùa thu đó ở Huế, tôi vẫn quên nhìn trăng. Nhưng cần gì những lồng đèn, bánh nướng, trà sen và trăng mười sáu. Khi tâm hồn tôi đã là thu.

Theo những nhà soạn niên lịch, mùa thu đã hết. Nhưng mùa thu trong tôi thì bất tận.


HOÀNG NGỌC TUẤN     

(Trích tuần báo Khởi Hành số 129, ra ngày 4-11-1971)
 
Nguồn : Blog Trần Hoài Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét