Chương 1
Bà ngoại gỡ cặp kính lão ra khỏi mắt, tay gấp lại cuốn truyện tàu “Nhạc Phi diễn nghĩa”. Mưa xối xả ngập cả vườn, thỉnh thoảng gió thổi hắt vào nhà qua khung cửa sổ. Bà lo âu nhìn ra ngoài trời xám dầy đặc, đằng hắng một tiếng rồi gọi xuống nhà dưới:
- Út ơi!
Cô Út dạ nhỏ rồi chạy từ dưới bếp lên, cô đem theo một cái lồng ấp chứa đầy nước sôi. Cô ngồi xuống sập gụ, âu yếm ngã vào lòng mẹ như muốn được chia hơi nóng hừng hực tỏa ra từ lồng ấp.
- Trời chi mà lạnh quá mẹ hỉ.
- Ừ. Mưa hoài mưa hủy mấy ngày ni rồi.
Cô Út co ro thu mình trong hai ba lớp áo len, cô lẩm bẩm:
- Chắc lại sắp có lụt rồi mẹ hỉ. Năm mô cũng đến khoảng tháng ni là lụt lội.
Bà ngoại gật đầu, lẩm nhẩm tính trên đầu ngón tay rồi liếc nhìn cuốn lịch Tam Tông Miếu treo trên tường. Bà thở dài:
- Con không nghe ông bà nói: “tháng bảy nước nhảy lên bờ”… Huế mình thiệt khổ, năm mô cũng lụt.
- Lúc lụt 53, con còn nhỏ chút, mẹ tưởng chết trôi từ lúc đó rồi.
Bà đưa cuốn truyện cho cô Út:
- Con đọc cho mạ nghe, ngang cái đoạn thằng gian thần Tần Cối bắt cha con Nhạc Phi về Triều…
Cô Út phụng phịu:
- Trời ơi, con còn mấy cái áo dài chưa ủi tề. Đọc truyện là bổn phận của thằng Tí Đường mà.
Bà ngoại giật mình ngồi nhổm dậy, bà quay quắt hỏi:
- Chết! Thằng Tí Đường mô, cả chiều ni tao không thấy mặt nó.
- Nó đi học, bộ nó ở nhà đọc cho mạ nghe toàn là Tam Quốc, Thủy Hử! Có ngày nó bắt chước mấy ông Lương Sơn Bạc cho mà coi.
Bà ngoại la lên:
- Trời Phật ơi! Học chi mà giờ chừ chưa về. Trời tối mò rồi.
- Mới có năm giờ mà mạ. Trời mưa nên mau tối đó.
Bà ngoại nhìn ra ngoài trời. Một cành chuối non bị mưa quật ngã ngoài vườn nằm xơ xác.
- Thiệt là mấy ông thầy chi mà ác rứa. Bão lụt thời ta cho học trò nó nghỉ học cho rồi. Đường sá ngập nước như ri không biết thằng Tí Đường nó có về được không.
- Trời ơi! mạ làm như nó còn con nít. Nó mười hai tuổi rồi, thường ngày có lội qua sông Hương còn được, nước xấp xỉ mắt cá chưn mà ăn thua gì thằng trời đánh đó.
Bà ngoại đẩy cô Út khỏi lòng bà, bà vỗ vỗ vào lưng cô, thúc giục:
- Thôi, cô làm ơn mặc áo tơi lên trường đón cháu nó về đây cho tui yên bụng.
Cô Út bậm môi bất mãn, cô lè lưỡi nhìn ra bầu trời đang đổ mưa ào ào mà rùng mình.
Nhưng rồi cô cũng đứng dậy theo lời mẹ, cô cằn nhằn mấy tiếng cho đỡ tức:
- Thiệt mạ cưng thằng cháu đó quá, hèn chi nó càng ngày càng hư. Còn con, mạ có coi ra chi mô. Lớn sầm sầm rồi mà cứ bắt đưa với đón.
Bà ngoại khẽ phất tay một cái nhẹ vào mông cô Út, bà hừ một tiếng:
- Đồ ngu. Mi là con út răng tao không thương mi nhứt nhà được. Nhưng mi mười bảy mười tám rồi, sắp có người đến "rước" rồi.
Cô Út đỏ mặt la lên một tiếng rồi bỏ chạy vào nhà trong lấy áo mưa. Bà ngoại nhìn theo, đôi mắt bà êm đềm mơ màng, bà lẩm bẩm như vẫn đang nói với cô Út: "... còn cái thằng Tí Đường, ba nó mất sớm, mẹ nó lại đi xa, nói mãi nó mới để thằng Tí ở đây cho tao dạy dỗ. Có một mụn cháu mà không thương răng được..."
... Nói tóm lại trong nhà ai cũng thương thằng Tí Đường nhất. Cả dì Út nữa, lúc nào nó làm dì nổi cáu về chuyện gì thì bị dì cho ăn mấy cái phất trần, nhưng mỗi lần đi xi-nê, dì vẫn dẫn nó đi theo, xem xong lại còn cho ăn một ly chè trái cây nữa.
Ở trường học, ghi rõ tên vỡ, thằng Tí Đường cũng có một tên oai ra phết chứ đâu gọi là Tí một cách coi thường thế. Cái tên thân mật, sở dĩ gọi là Tí vì nó nhỏ nhất nhà, so với mấy ông cậu bà dì của nó. Còn cái "biệt hiệu" Đường bắt nguồn từ cái thói thích chạy rong ngoài đường hơn là nằm trong nhà của Tí. Suốt ngày, không kể những lúc đi học, thằng Tí Đường đều lê la trên khắp các hè đường ven sông, hái me, bẻ phượng, câu cá, xách ná cao su bắn chim (thỉnh thoảng bắn trật hoài nó bèn gan lì bắn trộm chim bồ câu của nhà hàng xóm).
Mặc dầu thương Tí Đường nhưng ai cũng than phiền, rầy rà nó luôn vì nó ham chơi hơn ham học. Thứ hạng trong sổ Thông tín bạ của nó mỗi tháng mỗi tụt dần làm dì Út không ngớt cau mày, thở dài cho cái công lao kèm học thằng cháu mỗi đêm của dì. Nhưng cũng có một người không bao giờ trách móc thằng Tí Đường cả, lại còn luôn tán đồng khuyến khích cặp giò chạy nhông nhông ngoài đường của nó. Người dễ tính đó là tôi. Tôi bao giờ cũng ca ngợi không ngớt những thành tích của Tí Đường. Bởi vì một lí do rất giản dị, chính tôi là thằng Tí Đường ấy. (Đáng lẽ tôi phải nói rõ chi tiết này từ đầu nhưng tôi quên khuấy mất. Hơn nữa, cũng không có gì quan trọng. Một thằng bé con mười hai tuổi đó là tôi, hay là ai cũng được. Bất cứ người nào, dầu đứng đắn trịnh trọng đến đâu, ai mà lại không qua một thời thơ ấu như Tí Đường. Ai cũng đã phải một lần qua cái tuổi mười hai đó chứ)
Chiều hôm đó cô giáo cho tan học sớm hơn thường lệ. Tôi chen chân với tụi trong lớp chạy ào ra ngoài sân, bỗng nhác thấy di Út đang đứng nấp mưa dưới mái hiên cổng trường, mắt ngong ngóng đón tôi. Tôi bèn nhanh chóng xách xe đạp dông tuốt ra ngõ sau, được bãi học sớm như thế này mà phải bị dì Út dẫn về nhà thì uổng quá.
Nước trên đường đi lênh láng, văng tung tóe thật vui mắt dưới những bánh xe đạp của học trò, vài đứa cuốc bộ thích chí đá tung nước vào người nhau. Tôi bậm miệng cố nhấn bàn đạp cho chiếc xe băng ngang lớp nước, trời quất vào những ngọn roi mưa lạnh muốn chết nhưng lòng tôi thì như mở cờ trong bụng. Một thằng bạn bỗng nhảy phóc ngồi lên yên sau, la lên:
- Chở giùm tao về nhà đi.
- Trời ơi, nặng quá. Mi đón xe buýt mà về.
- Lụt quá, xe buýt hết chạy rồi... Thôi khoan về đã, ra bờ sông coi người ta "rớ" cá.
Thằng bạn tôi tên là Hùng Vồ, nó đã dụ dỗ tôi được rồi. Tôi hết thấy nó nặng trịch, cố gắng đạp loi nhoi ra phía bờ sông Hương. Mưa bớt dần nhưng mặt nước trên đường vẫn trôi cuồn cuồn, kéo theo biết bao cành cây gãy và lá chết. Nước ngập cao thêm lúc đến bớ sông. Tôi phải nhảy xuống đẩy xe đi từng bước thật khó nhọc, may mà có Hùng Vồ đẩy đằng sau.
Lão già đánh cá vẫn ngồi yên tỉnh bơ như trụ đồng trong mưa. Chiếc nón và áo tơi của gã ướt mèm rách nát. Thỉnh thoảng, lão nghiêng người ra kéo lưới. Những thanh tre nằn yên dưới làn nước sông dựng đứng lên, một đám cá nhỏ tí nhảy lăng tăng trong nước. Tôi nói với Hùng Vồ:
- Mai mình xuống ruộng câu cá rô.
Hùng vồ bĩu môi:
- Mi ngu quá. Trời mưa lớn ri làm răng mà câu cá được, người ta chỉ giăng lưới hay chặn mấy ống cống mới có cá được. Phải đợi nước rút xuống bớt đã, ra ngoài ao mặc sức mà câu.
Tôi quên rằng Hùng Vồ vốn là con nhà nông truớc kia, ở đâu miệt Giạ Lê. Cá, tôm, ếch, nhái gì là bạn lâu năm của nó.
Lúc đó có một đám nhỏ bọn nữ sinh đứng xúm xít nói chuyện lao xao dưới bến đò. Một chiếc đò tách bến, chòng chành giữa làng nước sông chảy xiết, bọn nữ sinh ngồi chen nhau trên đò tha hồ thét lên ơi ới. Tôi cầu cho đò chìm một lần, cho bọn tiểu thư lúc nào cũng yểu điệu với chiếc nón bài thơ ấy biết mặt. Tụi nó mười đứa thì hết chín đứa sợ nước, không biết lội. Tôi sẽ trổ tài Tarzan phóng ra tìm coi ai đẹp nhất, cứu lấy một đứa. Chì một mà thôi, không phải tôi ác gì nhưng nước sông đang chảy mạnh như thế này, cặp một đứa trong tay bơi đã là khó rồi.
Tôi mỉm cười khoái trá, mơ màng tưởng tượng đến ngày mai báo sẽ đăng hình tôi thật lớn, người đang ướt mèm, bồng một cô gái trong tay, chắc họ phải viết "gương can đảm làm hãnh diện cho giới học sinh toàn thị xã Huế: Một cậu học sinh 12 tuổi của trường bán công đã anh dũng bay xuống sông khi trời giông bão làm đò chìm, cứu được một cô nữ sinh Đồng Khánh 16 tuổi khỏi chết đuối. Vị anh hùng tí hon đó tên là Tí Đường, năm nay học lớp...". Ối trời ơi, không được rồi, ai đặt cho cái tên Tí Đường thật quê ấy lên mặt báo được. Tôi sẽ cho họ cái tên chính thức chứ. Lúc ấy thì tha hồ "cúp cua", cuối năm tôi cũng được phần thưởng toàn trường về hạnh kiểm. Chà, cái lão hiệu trưởng chuyên cầm roi đe dọa học trò chắc sẽ mở toét mắt ngạc nhiên vì tôi, tôi là nạn nhân hai ba lần dưới ngọn roi dài ghê gớm của lão rồi. Không chừng đến lúc đó lão lại mời tôi làm huấn luyện viên bơi lội cho tất cả nữ sinh toàn trướng, hách chết được.
Chương 2
Nhưng tôi bỗng cụt hứng vì ở Huế làm gì có báo. Đợi báo Sài Gòn đăng hình tôi thì lâu quá.
- Tí Đường, mi làm chi mà như người ngủ gục rứa?
Tôi giật mình tỉnh dậy khỏi giấc mộng người hùng. Hùng Vồ reo lên chỉ tay vào lưới cá, một mẻ lưới thật ngon lành, cá bạc quẫy đuôi lấp lánh làm tôi cũng cảm thấy nôn nao, sướng lây với lão già chài lưới.
Bọn tôi ngồi bên bờ sông cho đến chiều tối vẫn chưa thấy chán. Ngoài màn lưới cá còn bao nhiêu màn khác hấp dẫn khi trời mưa, ví dụ như cảnh bầy nữ sinh xắn ống quần lên tận đầu gối để lội nước bì bõm, da thịt trắng coi thật sướng mắt và cũng thấy buồn cười.
Trời tối dần, đường sá đã vắng vẻ, chỉ còn âm thanh của dòng nước chảy ào ào là nghe rõ mồn một bên tai. Tôi cảm thấy đói bụng, trời lạnh thế này mà ăn cơm thì ngon phải biết, nồi cơm trắng ngần bóc khói nghi ngút, mấy con cá mực kho với ớt mặn mòi, thêm đĩa ruốc hay mắm cà... Ối trời, bà ngoại và dì Út đều là những người nấu ăn tuyệt vời, tôi không thể nào sống trên đời này mà thiếu họ được. Nhưng khi bụng đói, tôi mới nhận thấy được là về nhà hợp lý hơn ở ngoài hè đường. Tôi bèn giục Hùng Vồ về, nhà nó ở ngay dưới chân cầu Bến Ngự, gần nhà tôi một quãng ngắn. Mẹ của Hùng Vồ đang lấp ló trong cửa sổ đón chờ nó, thằng nhóc hãnh diện sung sướng ra mặt. Tôi buồn buồn nói:
- Tối mi qua nhà tao chơi nghe.
- Không được. Tối ni tao phải học bài, mai có giờ Lý Hóa.
Chán cái thằng chăm chỉ hạt bột này. Thật nó là chúa gạo bài nên tháng nào nó cũng đứng nhất nhì trong lớp. Tôi quên khuấy mất đã nhiều lần cầu cứu nó vì mấy bài toán hóc búa trong kỳ thi lục cá nguyệt. Tôi nổi cáu:
- Mi tụng bài như tụng kinh nên trán mi vồ như bướu, tụi nó mới kêu mi là Hùng Vồ. Thiệt uổng cho cái tên Hùng nghe hay lắm.
Hùng vồ run run lặp cặp, môi tái xanh vì lạnh, cãi cho bằng được:
- Trán tao cao chứ không phải vồ. Người thông minh có trán cao, chứ ai như mi trán thấp xỉn.
- Tại tao để tóc dài che xuống nên trán tao coi bộ thấp, chứ tao chải vuốt lên như kép cải lương thì thấy trán cao liền.
Hùng vồ không thèm nói gì nữa, mẹ nó đã kêu lên từ trong nhà. Tôi một mình đạp xe thui thủi về nhà Nhà tôi ở chỗ thấp, nước trong vườn hà đã ngập hết mấy khóm hoa hồng mà sáng nào tôi cũng hái một đóa ngâm với trà Tàu cho bà ngoại. Vườn khoai sắn mới nhu nhú củ sắp ăn được cũng bị dìm chết dưới làn nước lụt rồi.
Tôi lấy sợi dây thừng, treo chiếc xe đạp của tôi lên lưng chừng trên sàn nhà, cách mặt nước để đề phòng khỏi bị cuốn trôi đi. Ở Huế, năm nào đến mùa đông cũng bị ngập lụt nên tôi đã có một vài kinh nghiệm, có khi truớc lúc đi ngủ mới tràn vào nhà một ít mà sáng thức dậy, mực nước đã lấp ló tràn lên giường rồi.
Bước lên nhà, chưa kịp ngửi khói thơm ấm áp từ mâm cơm bốc khói lên thì giọng dì Út đã vang rân:
- Thắng Tí Đường chừ mới ló mặt về. Cả chiều ni mi đi mô? Mi trốn học phải không? Tao chờ mi ở cổng trường tới sáu giờ mà không thấy chi cả.
Đôi mắt của bà ngoại sau làn kình trắng, nhìn tôi một thoáng trách móc nhẹ làm tôi thấy hối hận. Cả nhà ai cũng có vẻ lo lắng chờ đợi tôi cả. Tôi lắp bắp giải thích:
- Cháu phải đem bài làm của tụi trong lớp về nhà cô giáo. Kỳ ni cháu đứng nhứt Luận văn.
Dì Út nhếch mép cuời mỉa mai:
- Chà, học giỏi dữ! Chứ không phải mi đi xi-nê hử. Đúng rồi, rạp Tân Tân đang chiếu phim cao bồi "Thanh toán tại OK.Coral"
Tôi reo lên:
- Chiếu phim đó rồi hả. Mai đi dẫn cháu đi với.
- Thôi, mi lớn sầm sầm rồi, tao dắt vô họ không cho nữa. Tiền mô mà mua thêm cho mi một vé.
Tôi thầm nghĩ rằng mình càng lớn càng thêm thiệt thòi. Thứ nhất là không được xem xi-nê ké với dì Út được nữa, phải mua thêm một vé cho riêng mình.
Rồi cả nhà cũng quên chuyện tôi về trễ một cách nhanh chóng. Tôi ngồi sà ngay xuống bên mâm cơm, thèm thuồng nhìn nồi canh chua cá ngạnh bốc khói thơm lừng. Tôi nuốt nước bọt, dì Út lanh mắt liếc thấy, dì phì cười nói:
- Chà, coi đẹp mặt chưa tề.... Học trò đi học mới về. Cơm canh chưa chín đã trề môi ra.
Nhưng dì cũng múc cho tôi một chén cơm chan canh cá ngạnh nấu với măng chua, những bọc trứng ở cổ cá trông thật ngon lành. Tôi nói:
- Cháu mê nhứt là canh cá ngạnh.
Dì Út bĩu môi:
- Ai mà không mê. Mi không nghe người ta nói... Canh măng giang nấu với cá ngạnh nguồn Vì anh mà em phải bán buồn mua vui.
Tôi nói thầm: dì Út ơi, cháu biết dì chứa đầy trong bụng một đống thơ phú, ca dao, tục ngữ rồi. Ca dao về món ăn, về tô canh cá mà dì còn nhớ được thì cháu phục lắm, nhưng để cháu ăn no nê đã rồi nghe dì ngâm nga tiếp.
Tôi ăn ba bốn chén cơm trong một loáng là hết sạch. Tôi rón rén chui vô một góc phòng, nằm dài trên tấm "phản", tay ôm lồng ấp của bà ngoại vào bụng, tay vớ lấy cuốn truyện "Nhạc Phi" có một lằn xếp ở giữa sách đánh dấu trang, đoạn Ngưu Cao khởi binh kéo về triều trả thù cho Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối chém đầu. Dì Út hứ một tiếng, nhìn tôi lắc đầu:
- Thiệt cái đồ "học trò dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm".
Trời đất ơi! lại tục ngữ nữa, mấy cái câu đó đều do bà ngoại tôi truyền cho dì Út hết chứ có mới mẻ dì. Tôi cố nặn óc nhớ lại một câu gì để đối đáp lại cho bõ ghét, tôi sực nhớ ra rồi, miệng ngâm ông ổng:
- Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ.
Câu này chắc là tôi nhớ sai vài chữ, nhưng bà ngoại đã mỉm cười, gật gù âu yếm nhìn tôi:
- Thằng Tí Đường cũng giỏi dữ a.
Dì Út thấy tôi được khen, gân cổ cãi:
- Mi dùng bút nguyên tử, làm gì có cái "nghiên" mà so sánh với người xưa.
Tôi giở lý sự ra liền:
- Ca dao tục ngữ người ta nói bóng gió thôi chớ. Ví dụ như cháu có một thước hai mà dì cao tới một thước năm, thì dì "dài lưng tốn vải" hơn cháu chớ.
- Nhưng tao ăn cơm xong còn phải lo dọn dẹp, rửa chén đũa, pha trà cho bà ngoại chứ mô có nằm liền như mi được.
- Thì đến khuya đi ngủ, dì phải nằm chớ.
- Thôi thôi... đóng cái miệng lý sự cùn của mi lại cho tao nhờ... Tí Đường!
- Dạ.
Đến bây giờ thì hết đối thoại một cách công bình rồi. Khi dì Út nghiêm giọng nạt như thế là tôi lại trở thành thằng Tí Đường, vai vế nhỏ nhất trong nhà, sẵn sàng răm rắp theo lệnh trên.
- Bỏ cuốn truyện đó mau. Lấy sách vở ra, rồi tao cho mi một đề toán. Làm xong mới được ngủ.
Đó là cách trả thù khủng khiếp nhất của dì Út. Dì học trên tôi bốn năm lớp nên dư sức tống cho tôi một bài toán hình học mà tôi không cách gì giải nổi, đến lúc đó mới lên mặt giảng giải cho tôi.
Trời càng tối càng mưa lớn thêm. Tôi ngồi thờ ơ truớc trang giấy vẽ những hình tròn méo rắc rối. Thỉnh thoảng có tiếng một cành cây nào gãy xuống răng rắc, ếch nhái bên bờ ao kêu từng tiếng đều đều nghe buồn não ruột. Nước mưa đã tràn vào nhà dưới nhưng tôi biết cái điệu này chẳng mấy chốc sẽ tràn lên nhà trên. Nước hãy lên cao mau đi để cuốn trôi cái bàn học cho rồi. Mấy ông cậu của tôi đang xúm nhau khiêng bàn ghế chồng lên nhau, gạo củi, nước nắm, đồ ăn được đặt vào một nơi cao nhất nhà.
Radio bỗng ngừng nhạc để đọc bản tin đặc biệt. Người ta loan báo năm nay sẽ có bão lớn ở miền Trung. Những làng mạc, quận lỵ chung quanh thị xã Huế đã có nhiều nhà cửa, súc vật bị cuốn trôi, một vài người chết đuối và việc tổ chức cứu trợ bắt đầu. Riêng ở Huế, mực nước sông Hương mỗi lúc mỗi dâng cao, nước đã tràn ngập khắp đường sá, lưu thông gián đoạn và chợ búa nghỉ họp.
Còn 1 kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét