Chương 3
Cuối cùng, cái câu nói tôi chờ đợi nhất đã được cô xướng ngôn viên thỏ thẻ thốt ra: ‘Bắt đầu ngày mai, mồng 5 tháng 10 năm 196... học sinh thị xã Huế được nghỉ học cho đến khi có lệnh mới...’
Tôi reo lên một tiếng, tung cuốn vở lên cao, cảm thấy những trang giấy nặng nề như nở ra muôn ngàn hoa bướm đủ màu bay lượn.
Ngày hôm sau tôi mới biết được nghỉ ‘lễ lụt’ còn buồn hơn là đi học, vì tôi không được đi đâu ra khỏi nhà, Dì Út đem về mấy cái tin thổi phồng vì những người chết trôi, những kẻ bộ hành bị thân cây gãy đổ đè lên người chết nát thây v.v... bà ngoại bèn cấm tuyệt tôi không được ló một bàn chân ra vườn, chứ đừng nói là ra khỏi cổng nhà. Ôi thôi, thằng Tí Đường lừng danh này trở thành Tí xó bếp mất rồi.
Nước ngập cao hơn trong vườn. Đứng bên cửa sổ nhìn ra, tôi không còn phân biệt được đâu là ao sâu, đâu là vườn tược được nữa. Chỉ toàn là nước lũ đục ngầu, trôi vất vưởng lá chết và những cành cây mục. Cả cái giếng sâu sau nhà cũng bị chôn mất biệt dưới làn nước. May mà chuồng gà mái đang đến kỳ ấp trứng được dời kịp lúc lên nhà trên, hai con heo mập ú đã tình cờ bán đi cách đây một tháng chứ nếu không bây giờ chắc kẹt chỗ và kêu réo điếc óc lắm. Còn nói gì đến cây trái. Cam quýt, mãng cầu bị ngã rạp tàn tạ hết, cây trứng cá xác xơ ướt như chuột lột, bao nhiêu trái chín rơi dập vỡ ngay trong những ngày đầu tiên của cơn bão rồi.
Tôi thẫn thờ ngồi bó gối trên ‘giang sơn’ nhỏ bé của tôi, là cái bàn học được chồng lên trên chiếc giường cao. Bây giờ nước đã tràn vào trong nhà, mọi người đi lại khó khăn trên những tấm ván bắc chênh vênh nối liền từ giường này đến giường khác.
Đến gần trưa, khói bếp lại tỏa um lên làm tôi chảy nước mắt. Dì Út thật chịu khó, dì xoay xở mệt phờ người với nồi cơm và mấy thanh củi ướt. Tôi buồn không biết làm gì, tôi bèn lấy những đôi guốc của ai không biết, cắm lên mặt guốc một ngọn đèn cầy thắp đỏ, rồi đẩy chiếc guốc trôi vật vờ như những chiếc thuyền. Tôi lim dim mắt tưởng tượng đến những con đò rước đèn trên sông Hương. Chẳng mấy chốc, những con đò làm bằng guốc gỗ cứ trôi tứ tung khắp trong nhà, trong thật vui mắt. Nhưng tiếng dì Út đã hét lên:
- Trời ơi! Guốc của tao mô rồi? Thằng Tí Đường thấy không?
Tôi hoảng hồn chưa kịp nói gì thì gì Út đã khám phá được trò chơi thả thuyền của tôi. Má dì đỏ au lên, không biết vì tức giận hay vì củi lửa.
- Thôi…thôi…rứa là quá rồi! Tí Đường! Mi đem guốc cao gót mới mua của tao ra làm đò hỉ!
Tôi đành nhảy xuống nước đi vớt đôi guốc sơn màu hoa cà của dì Út lại. Với ai chứ với dì Út thì tôi biết, guốc là guốc, đò là đò, roi mây là roi mấy chứ không nhập nhằng với nhau được. Nhưng dì Út muốn biết chắc là tôi không dám tái diễn trò này nữa. Dì cầm một cây chổi lông gà nhịp nhịp vào mông tôi, giọng đe dọa:
- Tí Đường, lần sau còn chơi dại như ri nữa thôi?
- Dạ… cháu không dám nữa mô.
- Hừ… hừ cái chi mà mi lại không dám làm. Lần sau tao còn bắt được thì mi bị mấy roi?
- Dạ… năm roi.
Dì Út hét lên:
- Không được. Mười roi nghe chưa? Mi nhắc lại coi, mấy roi?
- Dạ… mười roi.
Dì Út buông chổi có vẻ bằng lòng.
- Nhớ hí, chính miệng mi chịu mười roi rồi.
Dì Út có lối giao hẹn trừng phạt như vậy từ lâu rồi, tôi bất bình lắm nhưng không dám cãi. Lần nào khi bị ăn roi, tôi cũng nghe dì nói thật hiền lành: “Đừng có khóc, chính mi đã nhận mười roi rồi”. Cứ vậy, dì có thể thảnh thơi đánh tôi đủ số, với một lương tâm yên ổn vì cho rằng tôi đã tự đề ra hình phạt cho mình chứ không phải là dì. Nhưng kể ra thì ít có khi nào tôi bị ăn đòn oan cả. Tôi còn nhiều bí mật khác mà dì Út không biết đó chứ. Tôi còn “lời” chán.
Một vài ngày mưa giông bão lần lượt qua đi, tôi đành bó chân theo đường giáo xuất quỷ nhập thần của Triệu Tử Long múa như rồng bay giữa chốn ba quân, một người một ngựa, ôm ấu chúa trong chiến bào mà vẫn tung hoành mãnh liệt làm quân Tào Tháo kinh hồn bở vía! Lại còn ông Trương Phi dương danh cầu Trương Bản, hét một tiếng làm vỡ mật tướng Tào. Và còn nhiều “thần tượng” khác của tôi nữa. Tôi tạm quên đi trời lụt lội để sống giữa tiếng gươm đao sát phạt chốn trận tiền.
*
Một buổi chiều trời bớt mưa lớn, nước rút lần ra khỏi nhà nhưng trong vườn và ngoài đường xá vẫn còn ngập lụt. Tôi không thể nào nhẫn nhục được nữa, không khí lành lạnh của cả một bầu trời xám mông lung bên ngoài làm tôi rạo rực.
Tôi lén ra khỏi nhà một cách tài tình, cố quên đi số roi mây dự trữ cho một vụ đi chơi không xin phép này. Bà ngoại đang giăng áo quần vừa giặt xong chung quanh lò lửa. Người cai ngục đáng ngại nhứt là dì Út đã trở thành một người đẹp hiền lành yếu đuối nhất rồi. Bởi vì dì đang ngồi bên song cửa, mắt mơ màng để tận đâu đâu, tay dì dạo tình tang trên cây đàn Tây ban cầm. Giọng của dì khe khẽ hát nghe cũng êm đềm lắm: Ngoài hiên mưa rơi rơi… lòng ai như chơi vơi… Ồi chà! Khi mà lòng dì đang chơi vơi thì mười thằng tôi thủng thẳng ra khỏi nhà dì cũng chẳng biết. Tôi còn ngại gì nữa. Trong phút chốc tôi đã lội nước trên đường để tìm đến nhà thằng Hùng Vồ.
Mấy ngày quanh quẩn mãi trong nhà, tôi nhớ đến bạn bè quá. Nhất là thằng Hùng Vồ. Mặc dù tính tình hai đứa khác hẳn nhau, và nhiều lần cái bộ óc chăm học, thông minh của nó làm tôi phát ghét. Nhưng rốt cuộc nó vẫn là thằng bạn thân nhất của tôi trong lớp, trong khu xóm Bến Ngự này. Không những nó rất cần thiết cho tôi trong mấy kỳ thi lục cá nguyệt, mà đi rong chơi thiếu nó thấy cũng mất thú.Hùng Vồ là cố vấn giỏi cho tôi về mấy cái định lý về hình học rắc rối, còn tôi cố vấn lại cho nó những chuyện xi-nê, bắn chim, vượt sông bẻ trộm mía v.v…
Nhà Hùng Vồ đóng kín cửa. May mà trời không mưa lớn nên có thể đứng trước cửa huýt sáo bài “Cầu sông Kwai” theo đúng như mật hiệu, là nó có thể nghe được liền. Và một cánh cửa hé mở, khuôn mặt gầy ốm, đầy vẻ lo lắng của Hùng Vồ đã nhô ra. Vì sợ mẹ Hùng Vồ biết , nên chúng tôi không dám thốt ra một tiếng, phải nói với nhau toàn bằng cử chỉ, tôi và nó đã quen thuộc cái trò này lắm rồi. Tôi nháy mắt với nó, hất đầu ra đằng sau có ý bảo nó theo tôi đi chơi cho vui. Nhưng nó buồn buồn lắc đầu, đưa hai bàn tay uốn cong mái tóc nó lên vài cái bù xù như tóc đàn bà rồi khẽ tát lên mặt một cái nhẹ. Như thế có nghĩa là nó sợ mẹ nó đánh đòn (tóc của mẹ nó “phi-dê” xoắn tít).
Tôi bĩu môi chế nhạo, đưa ngón tay chỉ vào cổ tay trái, chỗ đeo đồng hồ (mặc dù tôi chả đeo đồng hồ gì cả). Có nghĩa là cả hai đứa sẽ đi chơi về sớm. Hùng Vồ ngần ngừ một lát có vẻ sắp xiêu lòng nhưng rồi nó lại lắc đầu, đưa tay chỉ trời, ra dấu bảo rằng trời đang mưa, và làm bộ ho vài cái, ý nói nó sẽ bị bệnh nếu đi chơi dưới trời mưa.
Thật cái thằng chăm học cho lắm nên cứ bị đau yếu xanh xao như thế này mãi. Tôi chỉ tay vào áo mưa tôi đang mặc, rồi đưa cánh tay lên gồng một cái và toét miệng cười. Như thế có nghĩa là nếu mặc áo mưa thi tha hồ đi chơi vẫn mạnh khỏe như thường.
Cuộc đối thoại câm đó diễn ra một lúc lâu mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao cả. Tôi bèn lục túi đếm lại đồng tiền lẻ và bạc cắc, rồi thuyết phục Hùng Vồ cách cuối cùng. Tôi chỉ tay vào túi tôi, rồi đưa tay vẽ một hình chữ nhật vào không khí, và nắm bàn tay làm như đang cầm súng, miện “bắn” thật nhỏ mấy tiếng. Có nghĩa là tôi sẽ bao nó đi xem phim cao bồi.
Chỉ nghe “két” một tiếng, Hùng Vồ đã phóng ra khỏi cửa sổ, lội nước tất tả ra đến cổng nhà, quay đầu dáo dác nhìn lui một cái rồi nắm tay tôi ù té chạy dài càng nhanh càng tốt.
Chương 4
- Nhưng mà tao không có tiền mô nghe.
- Thì hai đứa đi chung một vé.
Hùng Vồ lo lắng:
- Biết lão gác cửa có cho vô không?
Tôi cười chọc nó:
- Mi ráng làm răng cho cái trán của mi thấp xuống một chút, rụt mình cho lùn tịt để họ tưởng mi là em út của tao mới được.
Hùng Vồ giận dỗi:
- Thôi mi đừng có nói ác nữa. Đi xi-nê với mi chiều về trước sau cũng bị mạ đập cho coi.
- Nói rứa mi leo vô nhà lại đi mà gạo bài.
- Nhưng tao thèm đi xi-nê quá. Cũng tại mi hết, mi tập cho tao ghiền.
Quả thật chính vì tôi mà Hùng Vồ sớm biết thưởng thức môn giải trí hấp dẫn này. Trước khi gia đình nó ở thôn quê, nó học trường làng đến hết tiểu học là đành ở nhà phơi lúa hay ra sông câu cá. Rồi nhà nó khá hơn chút ít, nên dọn lên thành phố. Hùng Vồ mới được tiếp tục học và trở thành người bạn thân thiết của tôi khi nào không hay. Có điều lạ là phần đông người dưới quê cứng cáp khỏe mạnh lắm, nhưng Hùng Vồ từ nhỏ lại đau yếu luôn. Nó thường buồn buồn tâm sự cho tôi biết thuở nhỏ nó bị một trận ốm tưởng chết tiêu luôn, sống đến bây giờ là may lắm, nhưng không thể nào to con như mấy thằng cùng lớp được. Trong lớp, nó chỉ lủi thủi một mình với cuốn vở, chỉ chơi với mình tôi.
Hùng Vồ không biết gì hết về những cuộc vui của một đứa trẻ thành phố. Từ ngày tôi dẫn nó đi xem chớp bóng lần đầu tiên, nó đâm ghiền cho tới bây giờ. Nhưng nó chăm học lại con nhà cần kiệm đã quen, ít khi nào nó được mẹ cho tiền đi chơi lắm.
Vừa lội nước tung tóe, tôi vừa kể cho Hùng Vồ nghe về cuốn phim tụi tôi sẽ coi. Thật ra thì tôi cũng chưa biết gì, chỉ mới nghe dì Út quảng cáo, nhưng phim cao bồi nào mà không có đấu súng và đấm đá trong quán rượu. Hùng Vồ nao nức hối tôi đi nhanh thêm kẻo hụt suất 3 giờ chiều, rồi khi nghĩ đến 5 giờ mới về nhà là nó cứ dàu dàu mặt than hoài lần này thế nào cũng bị ăn đòn. Tôi cũng vừa sực nghĩ một cách đau khổ đến ngọn roi của dì Út. Nhưng chỉ một thoáng chốc là tụi tôi quên tất cả.
Nước còn xấp xỉ trên đường nhưng trận bão chấm dứt rồi, rạp hát vừa mở cửa trờ lại. Bảng quãng cáo vẽ bộ mặt thật lớn của gã tài tử có cái cằm chẻ đôi, hình nhỏ hơn vẽ một gã khác đang hờm cây súng trường coi gây cấn lắm.
Vé hạng chót mười đồng, Hùng Vồ lo ngại nhìn lão Chà và gác cửa nhưng vì đông khách chen lấn quá, lão chỉ liếc sơ tụi tôi một chút rồi cũng cho hai đứa vào một vè. Chịu khó ngồi hàng ghế cụng đầu với màn ảnh một lát thôi, khi đã vào phim chính, tôi dẫn Hùng Vồ len lén lên hàng ghế hạng nhất, mỗi đứa ‘ngự’ trên một chiếc ghế bọc da êm ái có thua ai.
Đấm đá, súng nổ, dao bay… trận thanh toán cuối cùng của phim lại diễn ra rất dữ dội làm Hùng Vồ cứ há hốc miệng không chớp mắt, xem giống như lúc nó chăm chú ngồi nghe thầy giảng bài… Cuốn phim coi thật ‘đã đời’ rồi cũng chấm dứt, rạp không chiếu kiểu thường trực để tôi ngồi xem phim một lần nữa mới thỏa.
Một buổi chiều như thế kể cũng vừa đủ, nhưng tôi đề nghị thêm chuyện khác, bao giờ tôi cũng là cái thằng có nhiều ‘sáng kiến’ cả.
- Hùng Vồ, mình đi xuống dưới chợ Cống coi nước ở Đập Đá đã rút đi chưa.
Hùng Vồ nhún vai, càu nhàu:
- Rút hay chưa thì kệ nó chớ, thôi về nhà đi cho rồi, mạ tao bây chừ chắc nóng ruột như lửa.
- Trước sau cũng đã lỡ rồi. Đi chơi thêm một chút có răng mô. Nếu nước mà rút hết khỏi Đập Đá chắc người ta đang đổ xô câu cá dưới đó vui lắm, mình đến nhà thằng Sơn mượn cần câu, nó ở gần đó mà.
Hùng Vồ cứ lắc đầu liên hồi nhưng cuối cùng tôi cũng nắm được tay hắn kéo đi cho bằng được. Nhưng buồn quá, Đập Đá vẫn còn nước sông cuồn cuồn chảy ngập tràn, chìm dưới dòng nước lũ, tôi không nhìn thấy rõ đâu là dòng sông, đâu là bờ đập. Tôi lại rủ rê:
- Thôi, hay mình lội qua đập đến nhà thằng Sơn đi, nhà nó có nhiều cuốn truyện võ hiệp hay lắm…
- Thôi… thôi, tao không đời nào thèm rớ tới truyện, bài vở ở trường học còn không hết.
Tôi nổi cáu:
- Mi thiệt là thằng nhà quê.
- Thì tao có nói tao là dân thành phố mô.
Tôi nói khích nó:
- Chắc là mi sợ không dám lội qua đập chớ chi?
Hùng Vồ gật đầu:
- Ừ thì tao sợ thiệt đó. Mi không thấy nước chảy mạnh như ri, người lớn còn sợ lội qua, mình e mà đi lớ ngớ nước nó cuốn nhào xuống sông liền.
Tôi gắt Hùng vồ, giận dỗi nói:
- Thôi, mi sợ thì đừng qua. Tao qua đập một mình đến nhà thằng Sơn được rồi.
Nói xong tôi nóng nảy lội xuống đập liền. Chân tôi dọ dẫm từng bước cố bám chặt lấy nền đá để khỏi bị dòng nước hất giò là có đường chết đuối.
Tiếng Hùng Vồ la lên sau lưng:
- Còn tao làm răng chừ?
- Mi về nhà trước đi. Đồ nhát gan, từ ni tao không chơi với mi nữa.
Hùng Vồ kêu lên vài tiếng nhưng tôi không dám quay đầu nhìn lại. Nước trước mặt tôi cuồn cuộn chuếnh choáng làm tôi có cảm tưởng như bị say. Thằng Hùng Vồ cẩn thận thế mà có lý, nước chảy mạnh hơn tôi tưởng nhiều, cứ đẩy tôi dạt về một phía làm tôi ớn lạnh khi nghĩ đến việc mình có thể bước ra ngoài bờ vực, hụt chân xuống dòng sông chảy xiết. Mưa lại bắt đầu nặng hột trở lại. Nhưng đã trót làm mặt gan lì rồi tôi không thể nào trở lui được nữa.
Tiếng Hùng Vồ bỗng kêu lên:
- Thôi tao lội qua theo mi đây. Chờ tao với.
Tôi quay người lại bảo thôi nhưng không còn kịp, Hùng Vồ đã xuống đập. Nó run rẩy lội thật khó nhọc, thân người cứ ngã tới ngã lui như một nhà ảo thuật đi dây xiếc. Tôi đứng đưa tay chờ, hồi hộp nhìn nó chống chỏi một cách khổ sở trong sóng nước. Tôi thầm hối hận đã nghĩ ra cái trò lội nước qua đập nguy hiểm này. Tôi kêu lên:
- Coi chừng, Hùng Vồ. Răng mi cứ đi xiên qua bên trái rứa… nhắm thẳng về hướng tao mà đi, đừng nhìn xuống dưới nước nữa.
Hùng Vồ dứ chập choạng bước một cách đáng ngại. Mặt nó tái xanh, mắt dáo dác nhìn ra phía sông rồi lại cúi xuống như cố nhìn nền đá dưới chân. Nhưng nước đã lên quá bụng nó và đục ngầu, làm sao nó nhìn thấy gì được. Tôi lo sợ khi thấy Hùng Vồ cứ mỗi lần đi mỗi lần lệch qua một bên, và tôi sợ lặng người đi khi nghĩ rằng có lẽ nó đã đứng trên mép đập. Tôi hét lên:
- Mi đứng yên một chỗ đi đừng nhúc nhích nữa, để tao tới.
Tôi vội vã tiến về phía Hùng Vồ. Nó run lẩy bẩy nhìn tôi với ánh mắt khẩn cầu. Nó lại cử động định bước tơi thêm một bước nữa. Tôi la lên.
Nhưng đã muộn, Hùng Vồ đã bước thêm một bước lệch hẳn sang một bên. Tiếng thét thất thanh của nó vang lên thật rợn người. Tôi chỉ nhìn thấy cái trán cao của nó nhô lên trên mặt nước. Cả thân người nó đã ngã nhào chìm trong lòng nước chảy ào ào như thác.
Tôi la lên nhưng tiếng kêu cứu lạc giọng, Hùng Vồ vùng vẫy giữa sông chảy xiết, một cánh tay nó cố vươn lên đập loạn xạ rồi chìm đâu mất. Tôi chỉ biết đứng la hét như điên. Một lúc lâu mới có một chiếc ca nô chạy ra kịp vớt Hùng Vồ. Khi tôi tập tễnh lên đến bờ, cả một đám đông đã bu kín quanh thân nó. Tôi vừa khóc vừa sợ, chạy nhanh lại nhưng không chen vào nổi giữa đám người lớn đứng tò mò bu kín. Xuyên qua những ống chân, tôi nhìn thấy thân mình Hùng Vồ nằm như xác chết, mặt mày nó thâm tìm, mắt nhắm nghiền. Một người đang ấn trên bụng nó, nước từ trong miệng trào ra ồng ộc.
Một lát sau, xe Hồng thập tự đến chở Hùng Vồ đi. Tôi vội chạy lại chen vào được trong xe, nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của Hùng Vồ. Nó nằm trên băng ca trông ghê rợn như những xác người tôi vẫn trộm nhìn thấy ở bệnh viện. Nó bỗng mở mắt, đôi mắt nhìn tôi trắng dã vô hồn như không nhận ra. Tôi van nài trong tiếng khóc :
- Mi đừng chết... đừng chết. Hùng Vồ ơi...
Một người y tá đã đuổi tôi xuống xe. Tiếng còi hú hãi hùng như ma xa lần rồi mất hút trong chiều mưa còn mù mịt.
Người ta chỉ cứu kịp Hùng Vồ khỏi chết đuối... Nó được chở về nhà ngay sáng hôm sau nhưng lại ngã bệnh nặng, sốt thương hàn hay là bệnh gì đó, người nó run cầm cập dầu đắp dưới mấy lớp chăn dày. Tấm thân vốn đã gầy yếu của nó không chịu đựng nổi. Gần mười ngày sau, Hùng Vồ chết... Nắng đã lên và các trường học đều mở cửa sau một mùa mưa lụt.
Đêm Hùng mất, tôi bỏ chạy như người điên bên bờ sông âm u tâm tối, qua những cây cầu mà tôi muốn gãy đổ hết đi để nhận chìm tôi xuống sông chết tiêu đi cho rồi. Đến khuya, tôi thất thểu leo cửa sổ vào nhà, quần áo tôi rách tươm dơ bẩn. Dì Út không biết gì, tôi vẫn bị ăn mấy roi mây như thường lệ vì tội đi chơi đêm nhưng tôi không thấy đau gì cả, da thịt và hồn tôi như chết lạnh rồi, không còn một chút cảm giác. Đầu óc tôi chỉ lởn vởn khuôn mặt xanh mét và cái trán cao của Hùng Vồ. Nó là một thằng có cái trán cao đẹp đẽ thông minh đáng yêu nhất mà tôi được biết.
Khi tôi vào giường nằm tôi mới òa khóc. Dì Út ngạc nhiên vì có lẽ thấy chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế, kể cả những lúc tôi bị đòn nặng nhất. Dì hỏi :
- Răng rứa Tí Đường ? Dì lỡ đánh cháu chỗ mô đau lắm phải không ?
Tôi nức nở :
- Không... Thằng Hùng Vồ chết rồi.
Dì Út giọng tỉnh bơ :
- Hùng Vồ là ai rứa ?
Tôi khóc to thêm, vừa giận dữ la lên :
- Dì ác lắm... dì không bằng một góc nó mô. Cháu thương nó hơn dì gấp mười lần... Dì không biết gì cả, dì ác lắm...
Dì Út kinh ngạc đứng lặng người, dì nhìn tôi lặng lẽ một hồi rồi quay trở ra khỏi phòng. Tôi vừa khóc vừa lẩm bẩm trong miệng. Tất cả mọi người thật là tệ, cả dì Út nữa, dì chỉ nhớ cho đầy bụng ca dao tục ngữ với thơ phú, dì chỉ biết có nấu ăn, đàn hát và roi vọt... Dì không biết trên đời này, ngay trong xóm này, có một thằng Hùng Vồ vừa mới qua đời. Nó không kịp được học thêm một chữ, làm thêm một bài toán nào nữa. Và không có Hùng Vồ trên đời, tôi cũng không phải là thằng Tí Đường nữa.
Trong trí óc non dại của tôi hồi đó, lần đầu tiên tôi có ý niệm rõ ràng về cái chết. Lần đầu tiên tôi nghĩ rằng bão lụt mỗi năm ở quê tôi không phải là chỉ có câu cá, lội nước, chèo thuyền mà thôi, nó còn là chết chóc, đói rét nữa. Về sau khi lớn lên, ý nghĩ đầu tiên từ thuở nhỏ của tôi vẫn không thay đổi. Tất cả những cái gì gây ra sự chết: chém giết, hận thù, bệnh tật, thiên tai, nghèo đói... đều đáng ghê tởm, đều phải bị mọi người cùng nhau tiêu diệt.
Nhưng đó là chuyện khác. Còn về chuyện của Tí Đường đến đây là hết. Người ta không gọi nó là Tí Đường nữa vì nó đã thôi chạy rong chơi ngoài đường. Tên mới của nó là Tí Đưa Đám, mọi người trong nhà đều nói không hiểu sao sau mùa lụt lội ấy, cái bộ mặt nó luôn luôn lầm lì ủ dột như người đi đưa đám ma.
Từ đó, cuộc đời của Tí buồn bã lắm...
(Trích từ tập truyện ngắn Cô Bé Treo Mùng, nxb Trí Đăng 1972)