Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

BIỂN - Khái Hưng

 

Từ hôm tôi vào Sầm Sơn, sáng nào trời cũng mưa rả rích. Buổi trưa tạnh ráo thì mây lại u ám, và về chiều gió đông nam nổi lên thổi mạnh, làm thời tiết trở lạnh như vào khoảng cuối thu. Tôi buồn rầu nghĩ đến cảnh nghỉ hè trên Sapa. Vào đây mục đích là để tắm biển, để phơi nắng thế mà đã năm sáu hôm nay tôi chỉ khoác áo ngủ dài ra ngoài pull'over đứng vẩn vơ tựa hiên nhìn đường vắng. Chán nản quá đến nỗi sách cũng không đọc được. Rồi sinh ra cáu kỉnh, gắt gỏng ngầm ngấm trong lòng. Tiếng học chữ Hán và quốc ngữ của lũ trẻ ở phía sau nhà càng làm tôi thêm khó chịu, bực tức!

Nhưng sáng nay, lòng tôi vui thích. Nhớ lại tính nết tôi mấy hôm trước, tôi thấy tôi vô lý. Tiếng học chữ Hán vẫn bay sang, lanh lảnh như tiếng tụng kinh của một chú tiểu tốt giọng, đều đều như tiếng niệm phật của các tín nữ lên chùa, và quen quen, thân mật như tự ngàn xưa sống lại. Cả một thời ký vãng của tôi cũng sống lại, cái thời thơ ấu học chữ Nho. Tôi tưởng như chính tôi đương ê a đọc đi đọc lại mãi một câu: "I a phụ từ tử hiếu i a... i a phụ từ tử hiếu i a...". Giọng đường trong khiến tôi nhớ tới một bậc đàn anh người xứ Thanh. Ngày xưa không gì thú cho tôi bằng nghe anh đọc thơ và bình văn tuy tôi chẳng hiểu chi hết. Bất giác bắt chước giọng anh, tôi ngâm nga đọc hai câu thơ của anh mà cái trí nhớ thời tám chín tuổi vẫn còn giữ vẹn toàn, tươi mát như rau nguồn vừa mới hái:

𝘛𝘩𝘶𝘢̂́𝘯 𝘩𝘢̀ 𝘯𝘩𝘢̂𝘯 𝘥𝘢̃ 𝘯𝘨𝘢̃ 𝘵𝘶̛ 𝘵𝘦̂̀,
𝘓𝘢̣𝘤 𝘵𝘩𝘪𝘦̣̂𝘯 𝘵𝘢̂𝘮 𝘵𝘶̀𝘺 𝘣𝘢́𝘰 𝘩𝘪𝘦̂̉𝘶 𝘬𝘦̂...

Các bạn có hiểu tại sao tôi vui thế không, tại sao hôm nay tôi sung sướng thế không? Mặt trời cuối xuân đã mọc trên từng không xanh ngắt và trong lòng tôi sáng tươi.

Tôi ra bãi biển, mặc sơ sài có một cái áo sát, một cái quần đùi ngắn. ở đó cố nhiên tôi chỉ gặp toàn những dân chài lưới, người nghỉ mát độc nhất là tôi. Nhưng không vì vắng người tắm biển mà bãi biển kém vẻ hoạt động, dù đây không còn là cái hoạt động thanh lịch, xinh xẻo, cái hoạt động phô bày, dàn xếp từ các nơi thành thị đem về như người ta phô bày, dàn xếp một cảnh hoạt động giả dối ở trên sân khấu nhà hát. Đây là cái hoạt động thiên nhiên, mộc mạc và hùng vĩ.

Ven làn nước có phần êm lặng so với những buổi chiều huyên náo mấy hôm trước, từng hàng người lực lưỡng kéo lưới. Những tấm thân cường tráng, nổi từng bắp thịt rắn chắc và rám tía cùng ưỡn ra, ngả về phía sau. Những bộ đùi mập mạp cứng như thép cùng duỗi thẳng để nhịp nhàng giẫm chân xuống cát và từ từ lùi lại, từ từ quá đến nỗi ta sẽ tưởng vẫn đứng y nguyên một chỗ, nếu thỉnh thoảng người cuối hàng không tháo dây móc ra để lộn lên đầu hàng, rồi lại lặng lẽ lạnh lùng, không suy nghĩ, ưỡn mình ngả về phía sau giẫm chân từ từ kéo. ánh nắng vàng dịu, trong mát, mong manh, mịn màng như lọc qua mấy đợt mây xanh, vẽ dài những hình rung động lên cát ướt.

Một cái lưới kéo vào bờ. Yên lặng đứt quãng, yên lặng mà tiếng sóng biển ầm ĩ, đều đều càng làm tăng lên. Một cái mảng từ đâu chở đến vừa vụt hiện ra để hứng lấy từng sải lưới. Đàn trẻ mót cá tua tủa chạy lại, xôn xao cười nói, mỗi đứa tay cầm một cái vợt nhỏ. Một người đánh cá cởi trần quần nâu bện lên tới háng, giơ ra một cái que nứa và dữ tợn dọa nạt: "Chúng mày mà lại gần thì chết đòn bây giờ!". Bọn kia như không thèm nghe, lội cả xuống nước, quây quần lấy cái mảng, đứng sát vào hai bên thành lưới đã kéo gần tới đây. Tiếng que nứa mỏng vun vút trong không, hay đen đét lên đầu, lên mình lũ trẻ nhốn nháo. Những con cá lớn, trắng, sáng loáng như bạc từ dưới nước tự ném mình lên trên không để lại rơi xuống khoảng lưới vẫn đương kéo vào. Những con cá nhỏ, đầu nhọn thân dài và dẹp mắc trong mắt lưới bị người ta dứt mạnh vứt vào cái lồ đặt trên mảng, nếu không bị một thằng bé con nhanh nhẹn, nhẹ nhàng hắt vào trong vợt của nó.

Chỉ dăm phút, cá đã bỏ hết vào lồ đầy tới hai phần ba. Trộn lộn, lúc nhúc, nào cá thu phơn phớt màu xanh, nào cá chim lấp lánh màu bạc và biết bao nhiêu các thứ cá nhỏ giống nhau mà chỉ dân vùng biển mới có thể phân biệt và thuộc tên. Lẫn vào đó những con mực râu dài, những con cua với đôi khuyên tròn như cặp mắt vẽ trên mai, những con tôm vàng đầu to, uốn mình nhảy tanh tách.

Năm, sáu chị buôn cá xúm lại, vây chặt lấy cái lồ đã khiêng lên bãi. Câu nói thách, câu mặc cả, lời cãi nhau, mắng nhau. Một người đàn bà lôi lấy lồ, một người đàn ông kéo giật lại. Nhưng rồi mua bán cũng xong ngay, và mấy người đàn bà vội vàng cùng nhau chia phần đổ vào thúng, thoăn thoắt gánh đi.

Yên lặng lại trở về trong bầu không khí vẫn sáng dịu. Và những cái bóng yên lặng của những người kéo lưới vẫn nằm dài trên làn cát ướt. Lũ trẻ đã biến đâu mất cả. Ngoài bọn dân chài chỉ còn lại ở dưới bóng rợp cái mảng kê trên nạng, hai đứa bé mà tôi trông thấy ngay từ lúc mới ra bãi biển. Một thằng ngồi bó gối, một thằng nằm sấp, cả hai cùng chăm chú nhìn vào một khoảng đất ở trước mặt, và cùng có vẻ suy nghĩ, tìm tòi.

Tôi lại gần thì đó hai vị tiểu tiên đương ham mải một ván cờ "hoa thị"; những quân cờ là những mẩu que nứa cắm xuống cát. Tôi đứng nhìn qua một lượt, xem xét thế trận của hai bên quân que để nguyên và quân que bẻ gẫy, rồi tôi mỉm cười tuyên bố: "Hòa thôi!". Cả hai đứa trẻ cùng ngửng lên. Một đứa đăm đăm nhìn tôi và chào: "Thầy! Năm nay thầy ra nghỉ mát sớm!". Tôi nghĩ thầm: "Nghĩa là năm ngoái nó đã gặp mình". Tôi hỏi:

- Thế nào? Hòa thôi chứ, em? Hai bên bằng quân mà tướng lại cùng bị vây...

Thằng kia cười đáp:

- Vâng, hòa. Hòa thôi, Tuất ạ. Đánh ván khác nhé?

Tuất lạnh lùng:

- Thôi, chả đánh nữa! Đánh với mày buồn chết, ván nào cũng hòa.

Rồi nó đứng dậy đi bên cạnh tôi.

- Thưa thầy, thầy ở Hà Nội?

- Ừ, sao em biết?

Tôi mỉm cười đáp. Tuất rất tự nhiên trả lời:

- Thưa thầy, con tưởng những người Bắc vào đây toàn là người Hà Nội cả.

- Vậy em đã biết Hà Nội chưa?

Tôi tưởng hỏi đùa, và tôi ngạc nhiên khi nghe Tuất đáp lại:

- Thưa thầy đã.

Nó ngước nhìn tôi, nhìn rất lâu như để tìm cái hình ảnh Hà Nội in trong đôi con ngươi của một người Hà Nội mới đem vào. Lần đầu tôi nhận thấy cặp mắt sáng và trong, cặp mắt hơi xếch lên thái dương nhưng không vì thế mà dữ tợn, không vì thế mà mất vẻ ngây thơ dịu dàng, nhân hậu. Cặp mắt của anh đồ Thanh, của anh "đồ Râu" (vì anh có bộ râu rất đen và đẹp), tác giả hai câu thơ trên kia. Cặp mắt của một người chở phà mà tôi đã gặp năm kia ở một bến đò qua sông Mã trên một con đường hẻo lánh. Hôm ấy ngắm người trai trẻ vạm vỡ tuấn tú và trang nghiêm, không hiểu sao tôi nghĩ ngay tới chú đình trưởng Lưu Bang, nhưng hôm nay nhìn thằng bé xinh xẻo với cũng cặp mắt trong sáng và hơi xếch ấy, tôi lại tưởng tới vua Lê Lợi, thời còn hàn vi, ẩn náu ở một bến đò nào đó bên dòng sông Mã nước chảy phăng phăng ra biển khơi.

Sau một phút im lặng đi cạnh tôi, Tuất hỏi:

- Thầy có biết phố nhà Thương không?

Tôi hỏi lại:

- Có phải phố Phủ Doãn không?

Tuất nhìn tôi, ngẫm nghĩ:

- Dạ, có lẽ phải đó. Con không sao nhớ được cái tên ấy, con chỉ gọi là phố nhà Thương, ở ngay sau nhà thương, rẽ ra phố Tràng Tiền, thẳng lên phố Bônbe có hiệu Gôđa. Con đã vào hiệu Gôđa rồi, to lắm, đẹp lắm...

Tôi mỉm cười ngắt lời nó:

- Vậy ra em đã ở Hà Nội?

- Dạ.

Rồi Tuất kể cho tôi nghe tất cả câu chuyện đời nó.

Mẹ Tuất chết rồi. Cả cậu Tuất nữa. Tôi không rõ tại sao cậu Tuất lại có một địa vị quan trọng trong đời Tuất và trong câu chuyện của Tuất. Tôi cũng không hỏi kỹ để biết duyên cớ. Trước tôi vẫn tưởng "cậu" là người sinh ra thằng bé, tuy tôi cũng hơi lạ một điều về cách xưng hô của nó: mẹ với cậu. Nhưng không, không phải cậu là cha Tuất, cậu chính là em mẹ Tuất, Tuất nói thêm cho tôi biết thế. "Còn cha Tuất?" Câu hỏi ấy chỉ chực thốt ra, nhưng vẫn bị giữ lại. Tôi như sợ làm buồn hoặc phật lòng thằng bé, vì một thiên tiểu thuyết gia đình vừa phác ra trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi thấy thằng bé mồ côi mẹ, rồi cha nó lấy vợ kế, một người vợ đảm đang và cay nghiệt, và nhiều lời như một số đàn bà tôi thường gặp ở Sầm Sơn. Nhưng trong mấy năm sau khi mất mẹ, thằng bé còn được cậu bênh vực, che chở, chống cự lại người mẹ kế dữ tợn. Rồi người cậu cũng mất. Từ đó thằng bé bỗng thấy mình trơ trọi trong cái gia đình không yêu mến. Tôi cúi nhìn Tuất như để đọc thiên tiểu thuyết của tôi in trong gương mắt ngây thơ, nhưng thằng bé vẫn vui vẻ kể tiếp câu chuyện của nó.

Nó đến ở với bà An Lợi. Bà ta yêu nó lắm. Còn ai không yêu được một thằng bé con kháu khỉnh như nó? Trừ có là dì ghẻ nó. Thế rồi gần hết hè bà ta hỏi nó có muốn theo ra Hà Nội không.

Ra Hà Nội? Tuất chưa từng bao giờ nghĩ tới. Nhưng bắt đầu từ hôm ấy nó nghĩ tới. Nó không thể tưởng tượng được Hà Nội như thế nào. Song nó chắc ở đó có nhiều, rất nhiều nhà gạch vừa to vừa cao, và rất nhiều ô tô vừa đẹp vừa nhanh. Còn người ở Hà Nội thì chắc như tất cả những "thầy", những "cô" vào Sầm Sơn nghỉ mát. Hình ảnh cái thành phố lớn lao, đẹp đẽ ngày đêm hiện ra trong khối óc mười lăm tuổi, hiện ra lờ mờ, xa xăm như hình ảnh thiên đường và địa ngục hiện ra trong óc một người đàn bà tin đạo. Thực ra nó yêu Hà Nội như người ta yêu thiên đường, nhưng nó cũng sợ Hà Nội như người ta sợ địa ngục.

Một hôm nó bảo bà An Lợi:

- Thưa bà, chắc Hà Nội đông người lắm?

Bà kia mỉm cười:

- Đông lắm. Đông như một tổ kiến vậy.

- Thưa bà, nhà cao dễ đến chục từng?

- Không, chỉ hai, ba từng thôi, nhưng mà to và nhiều lắm.

- Còn xe ô tô?

- Ồ! Xe ô tô ư? Đường đi như mắc cửi.

Thằng bé nghĩ ngợi, lo lắng. Về Hà Nội, nó làm thế nào để tránh được ô tô, để khỏi bị đè chết?

Nhưng hôm bà An Lợi sửa soạn ra về nó bỗng quả quyết bằng lòng đi theo hầu. Giọng thằng bé đến đây cất cao lên:

- Thưa thầy quả thực Hà Nội đẹp. Mà có nhiều cái đẹp quá. Hôm mới ra, mỗi lần bà chủ sai con đi đâu có việc gì, lúc về thể nào con cũng bị cốp, vì con đi lâu quá, gặp cái gì con cũng đứng lại xem. Gặp người nào đẹp, ăn mặc hay hay con cũng đứng lại ngắm nghía. Có người thấy con nhìn cũng nhìn lại con, rồi bật lên cười to, làm con xấu hổ cắm đầu chạy. Một hôm bà chủ sai con mua một lạng cà phê ở hiệu Gôđa, con đi mất hết cả buổi sáng. Về, bà con tát cho hai cái nên thân, nhưng mà con cũng hả. Trời ơi, đẹp quá thầy ạ... Thế rồi con cũng quen dần đi. Về sau, con không lạ nữa, bà chủ sai con đi đâu con đi một mạch, chẳng nhìn trước, nhìn sau, bên phải, bên trái nữa.

Thấy Tuất ngừng lại, tôi hỏi:

- Nhưng nay sao em không ở với bà An Lợi?

Thằng bé buồn rầu kể cho tôi nghe đoạn cuối câu chuyện:

Bà An Lợi yêu nó lắm, vì nó ngoan ngoãn nết na. Nhưng không hiểu sao một hôm nó chợt thấy nhớ nhà, nhớ núi Sầm Sơn, nhớ biển Sầm Sơn, nhớ bãi cát Sầm Sơn, nhớ lũ trẻ nô đùa và nhớ cả thầy đồ dạy chữ Hán. Có lẽ lòng háo hức thích Hà Nội đã nhạt. Cái thành phố tráng lệ không còn sức hấp dẫn đối với khối óc ham muốn, không còn đủ mãnh lực để đè át cái tình nhớ quê hương vẫn âm thầm, ẩn náu trong lòng thằng bé con vùng biển.

- Thưa thầy, Tuất kể, suốt một tháng, đêm nào con cũng tưởng đương ở nhà, đương chạy nhảy hay đánh cờ ở ngoài bãi với bạn bè. Bên tai con, tiếng sóng biển réo ầm ầm. Nhưng giật mình tỉnh dậy, con vẫn thấy con nằm ở trên gác nhà bà chủ con. ở dưới đường, đèn điện sáng như ban ngày mà xe ô tô thì chạy rầm rập qua trước cổng nhà thương. Con bưng mặt ngồi khóc, khóc mãi cho tới lúc mệt quá lại ngủ thiếp đi. Mấy hôm đầu, con còn khóc to, nhưng bà chủ con mắng và đánh nữa, nên về sau con chỉ khóc thầm nhét vạt áo vào miệng cho bà chủ khỏi nghe thấy tiếng. Mà người con mỗi ngày một gầy đi. Con gầy quá cơ, thầy ạ. Thầy tính hằng hai, ba ngày liền ăn mỗi bữa một miếng cơm, có khi nhịn đói và chỉ uống nước lã thì làm gì mà không gầy không sút đi. Bà chủ con thương con lắm, cứ hỏi con tại sao con hay buồn hay khóc. Trước con còn giấu quanh; về sau con liền thú thực với bà chủ con rằng con nhớ nhà. Bà chủ con dỗ con: "Rồi lâu quên đi". Nhưng con không quên, thầy ạ. Bà chủ con lại mắng con; "Đã lớn rồi mà còn nhớ nhà!"

Đến đây, tôi ngắt lời Tuất và hỏi:

- Nhưng em nhớ ai? Em đã bảo mẹ em chết rồi, và cả cậu em cũng chết rồi kia mà.

- Thưa thầy, con nhớ nhà. Nhớ biển, nhớ núi, nhớ... nhớ hết cả mọi thứ. Với lại chính vì má con với cậu con nữa. Má con cứ luôn luôn bảo con; "Tuất ơi! Về đi thôi, về đi thôi. ở đây làm gì, đây không phải nhà mày!" Cả cậu con nữa, cậu con cứ đuổi con "ồi ồi".

- Mẹ em? Cậu em? Tưởng mẹ em và cậu em đều mất rồi kia mà?

- Dạ, má con và cậu con chết rồi. Con nói con nằm chiêm bao đấy chứ. Một tuần lễ trước hôm được về nhà, đêm nào con cũng nằm chiêm bao thấy má con và cậu con hiện lên đuổi con về. Hôm sau cùng má con gắt và mắng con: "Sao tao dạy bảo mày không nghe lời tao, hở Tuất?" Con lên kêu van với bà chủ con. Bà chủ con thấy con gầy rạc, mặt mũi hốc hác, xanh xao thì sợ con chết nên bằng lòng cho phép con về. Nhưng bảo con hãy chờ vài hôm để bà tìm người đưa con vào Sầm Sơn. Con nói liều: "Thưa bà con nhớ đường, bà cứ để con vào một mình". Thế là bà chủ trả tiền công con, lại cho con hai đồng tiền tầu. Chiều hôm ấy con về tới Thanh Hóa, rồi đi bộ vào Sầm Sơn liền. Mãi khuya con mới về tới nhà. Nhân đêm hôm ấy có trăng, con đi thẳng ra bãi biển, và con ngồi xuống cát, con khóc, khóc mãi...

Tuất ngừng hẳn, yên lặng đi bên cạnh tôi. Bỗng một lát sau nó vơ vẩn nhìn lên đường hỏi:

- Thưa thầy, nghe nói tiền tầu nay tăng giá. Năm ngoái con lấy vé mất có một đồng mười ba xu.

Tôi lơ đãng trả lời thằng bé:

- Bây giờ vẫn thế.

Và tôi nghĩ thầm:

"Hay nó còn nhớ tiếc Hà Nội và nghĩ đến món tiền mua vé xe lửa đấy chăng?"

 
Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve. Nxb Đời nay, Hà Nội, 1944.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

PHẤN THÔNG VÀNG - Xuân Diệu

 

Họa sĩ đến đó, trong giờ đẹp nhất của buổi chiều. Trưa đã đi, ngày chưa ngả, sắc nắng ở giữa mầu vàng héo và mầu đỏ tươi.

Ấy là một buổi chiều hè, khi nắng chín muồi nhưng còn lâu chưa rụng, ngày như đứng sững để cho sắc vàng đừng trôi chảy hay đổ xiêu; một sắc vàng không rực rỡ nhưng nguy nga, tưởng đã yếu nhưng thực mạnh thầm, lâu dài ngâm nga ở trong không khí.

Họa sĩ mê mẩn làm sao! Rừng thông to lớn, chân cây vững trồng, tiếp nhau không hết. Buổi chiều vàng, có lẽ ở đâu thì chỉ xinh đẹp; ở đây rừng thông, chiều lại thêm lực lưỡng; sự sống không phô bày rõ rệt quá như trong buổi sáng hay buổi trưa, nên thịnh vượng mà có duyên.

Dừng chân đã được một chốc, nhìn lên trời và ngắm chung quanh, họa sĩ nghe trong lòng thơ thới. Linh hồn chàng nở dãn, lập tức cái giá đặt xuống đất khung vải để vừa tầm, và hộp màu mở ra. Chàng bắt đầu họa.

 Chiều với rừng lặng lẽ; nhưng sắc vàng phảng phất âm thanh, nắng là một sự hiển hiện rõ rệt và điều hòa, tưởng có thể gõ vào không khí ở trên đầu để nghe sự lặng im rung rinh, xao xuyến. Có lẽ ai nấy cũng đã gặp chàng họa sĩ tóc đen ấy chứ; nếu không thì hãy tưởng tượng đi, và luôn tiện, hãy hình dung cảnh rừng thông. Cảnh có lẽ ở bên Tàu, và người có lẽ ở bên Tây, nhưng chuyện này không cốt nơi chỗ ở, hay cốt chỉ có một chỗ ở: lòng người.

Chàng trai trẻ đứng quệt những màu lên vải, đôi mày nhíu lại chăm chú vào tranh.

Nhưng chàng không thể không cô đơn, khi thấy rừng đẹp, hình thông bóng nắng sẵn sàng làm khung cho một cảnh tự tình. Và lần này, chàng lại buồn rầu thêm một lần nữa.

Chàng không xóa được trong lòng chàng một hình ảnh. Ba hình ảnh thì đúng hơn; nhất là hình sau cùng, nõn nà mà đau độc. Thanh niên của chàng quá xấu số với tình yêu; ba cuộc tình duyên chỉ để lại cho chàng những cay đắng.

Lần đầu, người chàng yêu chỉ coi chàng như một người bạn, thua nữa, như một người anh. Lần thứ hai người ta lãnh đạm hẳn với chàng. Giá ai đâu gặp cảnh ấy, họ sẽ thôi yêu là xong. Chàng, chàng vẫn dõi theo, không chịu thả. Chàng nghĩ rằng hễ yêu thì sẽ được yêu lại, đâu biết rằng sự cố nhiên của lòng mình không cố nhiên chút nào cả, đối với đời.

Và mất bao nhiêu thì giờ, những mơ ước hão, những nhớ thương hoài, những sự gây dựng không đâu của tình yêu bất mãn. Rồi có ngày cũng phải hết: người ta đi lấy chồng.

Đến lần thứ ba. Sau khi đau khổ ê chề, lòng trẻ lại thử sống lại với mùa xuân, bởi vì mỗi khi đi vẽ ngoài đồng, họa sĩ nghiệm rằng lá non mũm mĩm quá. Chàng lại thấy tình yêu mượn hình một người tuyệt sắc, một nữ thần có tóc óng dài và thân hình như tượng xưa.

Người yêu mới cũng yêu chàng. Khi nàng ấy vừa mỉm cười đầu tiên, chàng nói: đời chàng đã tới đích; và khi nàng mở lời dịu ngọt, chàng biết tình yêu của mình đã trọn vẹn về người này. Họa sĩ mê đắm quá; nàng mới tỏ ý cùng yêu mà chàng liền tưởng đó là lời hẹn đời kiếp với nhau.

Thực chàng chỉ đợi một chút yêu trả lại để tung cả linh hồn bị nén bấy lâu, huống chi vị nữ thần của chàng "cũng yêu chàng lắm". Hai lần thất bại, chàng họa sĩ đa tình một thi sĩ không làm thơ đâm đầu vào tình yêu, không thể đo đắn gì, cũng như kẻ bị nhử nhiều lần, bèn quyết xông vào cướp lấy bánh.

Kẻ khác đời không khi nào giao thiệp với người thường và khỏi chếch mếch, nhất là trong chuyện tình. Họ ở cao quá chăng? Có lẽ...

"Và sắc đẹp chỉ làm bằng cẩm thạch", câu ấy dường như đúng với người giai nhân. Sau bao phen ráng hợp nhau, chàng họa sĩ phải ngậm ngùi rời nàng, không muốn kéo dài sự sai lạc của bản đàn nữa. Hai người rất muốn chung hợp, song đã không ăn ý, thì thà rời nhau để còn có thể nhớ lại mà thương nhau. Nếu cố gắn, e rồi đến ghét nhau mất.

Và chàng đi, hết chốn nọ đến chốn kia, dạo nỗi bất mãn của mình qua nghìn sông núi. Chàng tự nói đi tìm danh sơn thắng cảnh, nhưng thực chỉ đem nỗi thất vọng cùng đi giữa thế giới của cảnh và của người. Chàng thấy mệt rồi, lòng mệt mỏi và trống không như một tòa lầu bị cướp.

Chàng đã trút bao nhiêu âu yếm còn lại còn lại nhưng vẫn nhiều lắm cho vị nữ thần của chàng, và chàng phải thấy rằng có khi linh hồn không đi đôi với nhan sắc. Lòng chàng mệt mỏi: ba lần cho, ba lần mất, dốc cạn hết cả nhụy lòng. Những kỳ hương dị sắc của tình chàng đã trút vào đâu đâu, bay đi trong một luồng gió rủi, để chàng thất tình như một người triệu phú bỗng dưng chỉ còn hai bàn tay không.

Và chàng đi, và chàng đi, vì mỉa mai thay, chàng vẫn còn khá tiền để trả những chuyến tầu. Và may sao chàng đa tình kia lại là một họa sĩ.

Những tranh chàng vẽ, dầu rằng đẹp, song không có tinh thần sự sống, sắc mầu không hồi hộp niềm yêu. Khi người ta quá lên cao, người ta càng xuống thấp: chàng đã tin lắm, nên bây giờ chàng thấy hết, hết rồi. Chỉ còn đôi bàn tay chúng tô hình sắc một cánh thờ ơ.

Có đổi khung cảnh, mà sầu tình vẫn không thay: ba lần thất vọng! Chàng đã có tài phục sinh, nhưng còn gì đâu, sau lần mà chàng đã quyết là cuối cùng? Và những người chàng gặp trên con đường phiêu lưu vạn dặm phong trần chỉ làm chàng ghê sợ.

Hai, ba năm rồi, họa sĩ thất thơ như vậy. Và ngày ấy, đến một chỗ trong xứ lạ, chàng nghe nói có rừng thông ở kia, bền vững đã lâu đời. Mùa hè rực rỡ, chàng bèn tìm đến vẽ tranh.

Nhưng vẫn thấy lòng chàng đã hết rồi, hay là chàng tưởng thế.

Bởi vì chiều nay, lòng chàng lại tái phục sau ba năm giả vờ chết.

Bởi vì trí ta ảnh hưởng đến lòng ta, làm sai sự thực rất sâu kín; chàng trai trẻ nghĩ rằng lòng chàng phải hết, nên lòng chàng tuy vẫn thầm còn, mà không lộ được kho sống giấu chôn.

Bởi vì chiều nay, rừng thông vừa chín, và sự tình cờ xui chàng đến đó, và cũng sự tình cờ xui ngọn gió đến đây.

Họa sĩ đương thờ thẫn kính sự lặng im của rừng thì bỗng đâu veo veo những tiếng trùng trùng điệp điệp. Gió đổ qua muôn ngọn thông, tai họa sĩ nghe muôn tiếng một lần, gồm thành một tiếng rậm và nhiều, rào rào êm ái. Và ly kỳ thay! Phấn vàng ở đâu nhẹ tuôn bay xuống, quả là một trận mưa phấn vàng, vì tiếng thông reo đã giống sẵn tiếng mưa.

Bấy giờ họa sĩ mới hiểu, nhớ lại những bài cách trí nói về màu hoa thông chín, gió tải nhị vàng đem đi, khiến dân núi gọi là mưa lưu huỳnh. Không gian đã thành một điệu vàng mênh mông: nắng vàng nhuộm vàng những cây, và phấn thông vàng lẫn vàng trong nắng.

Nhị vàng của thông. Ồ! Tình yêu của thông đó chăng? Gió hơi se, rừng thông rún rẩy, tiếng ngân hữu ý, khi trời thành một sự đổi trao: muôn cây chắc đương khoái lạc vì đương sống việc ái tình, đó là nhị thông thoát hoa đực bay tìm hoa cái. Rừng thông sung sướng, ái tình tản mạn ôm ấp không gian: ấy là rừng thông đang yêu...

Tình yêu dồi dào gấp mấy của loài người! Phấn thông vàng không đi có chỗ có nơi, mà khởi hành một cuộc viễn du vô hạn. Gió chở đi qua trời rộng, nhị của thông đầu rừng lại đến gặp thông cuối rừng, và tất cả nhị của thông rừng này đi đến một rừng thông nào khác. Họa sĩ bất giác nghĩ đến những quả bắp nếp khi nhỏ chàng ăn, miệng vừa nhai, trí vừa không hiểu sao ở giữa những hàng hạt trắng tinh lại có lổ đổ những hạt đỏ khác màu. Có gì lạ? Nhị hoa bắp tẻ đã bay đến trong vườn bắp nếp. Tuy nhiên vườn nhà bên cạnh không có một cây bắp tẻ, có lẽ suốt cả làng cũng không có một vườn bắp tẻ nào, nhưng ở xa, rất xa xôi, thế nào cũng có những bắp tẻ đã cho nhị phiêu lưu, trải dặm ngàn để đến thành những hạt ngọc vàng nạm giữa những hàng ngọc trắng.

Tình yêu của loài cây xa xôi, viễn vọng như thế, không tính toán gần gũi như của loài người. Hoa thông để nhị vàng chảy ra tự trong lòng, và chỉ biết chừng nấy. Có một việc, là yêu, là gửi đi, là cho. Phấn thông sẽ đến, sẽ không đến? Kể làm chi!

Nhị vàng mênh mông tràn đầy, dư dật, cùng nhau cùng nhau viễn hành, rắc vàng khắp nơi. Phấn thông vàng đi đến sự vu vơ. Có lẽ ở đằng chân trời, một rừng thông chưa chín hoa, đang đứng chờ nhị của rừng thông này đến. Cũng có lẽ bên kia trời, chỉ có sự vô địch của một làn mây.

Gió đem đến giữa lòng ấm áp hoa cái, thì nhị sẽ thành những quả vĩnh viễn đời đời, mà gió đem vào sự trống rỗng hay vào chốn bùn lầy, cái ấy tùy lòng gió.

Vả lại, tình yêu có bao giờ mất! Phấn thông vàng không gặp hoa cái chăng, thì phấn cũng đã làm lộng lẫy không gian trong một buổi chiều nọ. Sự phung phí đã thành mỹ thuật. Trời đã thêm xinh đẹp, phấn thông vàng không hề uổng công.

 Và chàng họa sĩ đã ngửng đầu hứng lấy bao nhiêu nhị vàng từ trên tỏa xuống trên mái tóc đen, và chàng đã mở lòng nhận lấy bài học ngụ trong bài thơ của phấn thông vàng. ờ, sao chàng không phung phí như thông? Sao chàng nghĩ chi đến sự thiên hạ nhận? Chàng yêu, không đủ sao? Thấp thỏi gì hơn sự chọn lựa, tính toan, yêu để mà được! Những tâm hồn như chàng phải chỉ thấy có tình yêu và không nệ đến người yêu. Chàng không xấu, không già, tuổi trẻ và sắc đẹp của chàng xứng đáng với tình yêu lắm, và lòng chàng: một suối ngọt, một vườn thơm.

Miễn lòng chàng yêu; miễn tình chàng đẹp. Gặp lòng một tri kỷ, tình chàng sẽ ấm áp, gặp sự vô tri của một người lãnh đạm, tình chàng sẽ lạnh lùng. Nhưng có bao giờ hết đẹp đâu! Sao chàng lấy cớ thất bại để giảm mất thú yêu, để làm sai lạc tình cảm? Đến hay không, đó là công việc của gió; đời là một cuộc đánh đố, thì ái tình cũng là một sự rủi may.

Mà rừng thông kia có bao giờ không trái? Hoa đã gặp hoa, tình đã gặp tình. Nhờ phấn thông rắc nhiều, nhiều quá sự cần thiết. Nếu phấn ít thì sự mất mát sẽ thua thiệt, nhưng phấn hằng hà sa số, thì vẫn có một phần khá lớn đến nơi.

Chàng thất bại ba lần: lần thứ tư sao lại chẳng là một lần thắng cuộc? Sao chàng không thử mười lần, một trăm lần nữa? Mười phen yêu, ít nữa cũng hai phen gặp, một trăm phen yêu đã cho ta hai mươi phen gặp rồi. Và vẫn cứ còn đủ một trăm tình yêu.

Chỉ sợ ta nghèo, không đủ tình để phung phí. Ta không thèm nghĩ sự thiên hạ cho lại, nhưng ta cứ cho, tự khắc thiên hạ cũng đem đến cho ta. Mà nếu thiên hạ không cho, thì đã sao chứ? Phấn thông vàng đã làm đẹp không gian, tình của ta sẽ thêu mộng cho tấm vải xoàng xĩnh của cuộc đời, bầu trời sẽ vang rộng những tiếng đàn hát, những phấn vàng của lòng yêu; và cuộc đời, nhờ bọn đa tình, sẽ kém bề hững hờ nhạt tẻ...

 Trời ơi, chàng họa sĩ sung sướng quá khi nghĩ xong những điều đó, vội vàng chạy về quán trọ để rồi tìm lại cuộc đời, lăn vào sự sống mà yêu, yêu... mà cho, cho tất cả lòng tươi thắm của chàng, ba năm ròng chàng tưởng đã cạn rồi, nhưng kỳ thực vẫn là một nguồn vô tận...

Và khi những bước hồi hộp của chàng trai chạy đến cuối rừng, chàng suýt mê ngã trên cỏ xanh, vì thấy trên trời bao la, phấn thông vàng đương bay lan trong tám hướng của cõi đời.

 

 XUÂN DIỆU       
(Trích từ tập truyện ngắn Phấn Thông Vàng) 
 

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

HAI LẦN CHẾT - Thạch Lam

 

Dung là con thứ bốn. Vì vậy khi nàng ra đời, không được cha mẹ hoan nghênh lắm. Thực ra, không phải cha mẹ nàng hất hủi con, vẫn coi người con như một cái phúc trời ban cho, nhưng lúc bấy giờ cha mẹ nàng đã nghèo rồi. Với ba người con trước, hai trai, một gái, cha mẹ dung đã thấy khó nhọc, vất vả làm lụng mới lo đàn con đủ ăn, và hai con trai được đi học. Sau Dung lại còn con bé út nữa, nên cảnh nhà càng thêm túng bấn.

Khi sinh ra Dung, mẹ nàng vì bận buôn bán, giao phó nàng cho người u già trông nom. Người u già này ở nhà Dung đã lâu lắm, đã nuôi và săn sóc tất cả anh chị Dung từ lúc bé. Nhưng, không biết vì có phải thấy Dung ra đời trong sự lãnh đạm, mà u già đem bụng thương yêu Dung chăng. U săn sóc, bế ẵm nàng, và chăm chút nàng quý như con đẻ vậy, tuy Dung lúc bé ốm yếu khó nuôi và lại ghẻ lở bẩn thỉu nữa.

Cha Dung chẳng làm gì cả. Từ xưa đến nay vẫn thế. Hình như ông ta sinh ra đời là chỉ để ngồi ở nhà cho lúc nào cũng có người và để những ngày giỗ tết trong họ, khăn áo chỉnh tề đi ăn cỗ mà thôi. Không ai thấy ông ta làm một việc gì, mà cũng không ai nghĩ đến sự ông ta phải làm một việc gì.

Ông lúc nào cũng ngồi rung đùi bên cạnh cái điếu ống mà ông sửa chữa rất kêu, thỉnh thoảng hút một điếu, rồi lại trầm ngâm như đang nghĩ ngợi một sự gì quan trọng. Những lúc ấy u già biết là ông chẳng nghĩ sự gì quan trọng cả, bèn đem Dung đến cho ông bế. Ông giơ hai tay ẵm Dung vào lòng, hôn hít, rồi xốc Dung lên trên đùi, ngoáy bụng cho nó cười, rồi lại trịnh trọng đưa trả u già. Xong, Ông lại ngồi nghĩ ngợi.

Có lẽ ông nghĩ tình cảnh nhà ông, hồi còn ông cụ đi làm việc quan, rất giàu có và hách dịch suốt một vùng này. Từ khi cụ cố mất đi, cơ nghiệp ăn tiêu dần, cảnh nhà thành ra sa sút, chỉ còn cái danh không.

Cha mẹ Dung cũng không nghĩ đến sự bắt nàng đi học như anh chị nàng, có lẽ vì nghĩ rằng lo cho hai người cũng đã đủ.

Dung càng lớn càng gầy gò đi. Suốt ngày nàng chỉ chạy đánh khăng đánh đáo với lũ trẻ con nhà "hạ lưu" cha nàng gọi thế những người nghèo khổ trú ngụ ở chung quanh xóm chợ. Nhiều khi đi đâu về trông thấy, cha nàng gọi về, đánh cho mấy roi mây và cấm từ đấy không được chơi với lũ trẻ ấy. Những trận đòn xong, Dung lại mon men chơi với lũ trẻ, và thấy hình như cha nàng cũng chỉ cấm lấy lệ chứ không thiết gì đến, nàng lại vững tâm nhập vào bọn hạ lưu đó, suốt ngày dông dài ở ngoài chợ.

Một đôi khi, mẹ nàng kịp về đến nhà trông thấy nàng quần áo lôi thôi lếch thếch và chân tay lấm, bùn, chỉ chép miệng thở dài nói:

- Con này rồi sau đến hỏng mất thôi.

Rồi bà lại quay đi buôn bán như thường, sau khi đã để lại cho chồng một món tiền tiêu pha trong nhà, và sau khi anh chị Dung mỗi người đã nũng nịu đòi được một hào để ăn quà.

Dung thấy thế cũng chẳng ganh tị, vì nàng xưa nay đối với các anh chị cũng không thân thiết lắm. Những khi nàng đang chơi thấy đói, nàng lại chạy về xin u già bát cơm nguội hay thức ăn gì khác thế nào u già cũng đã để phần rồi chạy nhảy như một con vật non không biết lo nghĩ gì.

Những sự ấy đã làm cho Dung có một cái tính an phận và nhẫn nại lạ lùng. Ngày trong nhà có tết nhất, các anh chị và em nàng được mặc quần áo mới vui chơi, còn nàng vẫn cứ phải áo cũ làm lụng dưới bếp, Dung cũng không ta thán hay kêu ca gì. Mà nàng biết kêu ca cũng không được. Nhiều lần nàng đã nghe thấy u già nói mẹ nàng may cho cái áo, thì mẹ nàng trả lời:

- May cho con nặc nô ấy làm gì. Để nó làm rách nát ra à?

Còn nói với cha thì Dung biết là vô công hiệu, vì cha nàng không dám tự ý làm cái gì bao giờ cả.

Cuộc đời cứ đi như thế trong cái xó chợ cỏn con ấy. Thấm thoát Dung đã mười bốn tuổi, nhưng ai cũng tưởng là hãy còn trẻ con, mà tính tình nàng như đứa trẻ con thật. U già đã có khi phải gắt lên với nàng:

- Bây giờ cô phải đứng đắn lên một tí chứ. Nhiều tuổi rồi còn gì nữa.

Dung ngây thơ hỏi:

- Đứng đắn là thế nào cơ, u?

- Đứng đắn là đứng đắn chứ còn thế nào nữa, cô hỏi lẩn thẩn lắm. Cô không có vẻ người lớn một tí nào cả.

- Ừ, thì tôi không người lớn. Nhưng không người nhớn thì làm sao hở u?

U già vác quạt đánh, Dung chạy lại ôm lấy, rồi âu yếm ghé tai u già nói khẽ:

- Tôi có người lớn, cậu mợ cũng không yêu hơn cơ mà.

Thế là hai u cháu lại lặng yên không nói gì nữa.

Một hôm mẹ Dung đưa một bà ở trên tỉnh về chơi. Thấy người lạ, nhất là cách ăn mặc thị thành của bà khách. Dung cứ đứng dán mắt lên nhìn. Mà lạ thay, lần này Dung không thấy mẹ quát mắng bảo lui đi như mọi bận có khách khác. Mà bà khách lạ cũng chăm chú nhìn Dung từ đầu đến chân, lại hỏi han Dung nữa.

Sau hai bà thì thầm với nhau mãi. Mẹ Dung mời bà khách ở lại ăn cơm, rồi thân hành tiễn bà ra ga.

Bẵng được ít lâu, một hôm mẹ Dung bổ hàng về, gọi Dung lại gần, lấy ra một gói bọc giấy mà bảo:

- Đây là áo mới của cô đây. Lấy ra mà thay, chứ ai lại ăn mặc rách rưới thế kia bao giờ.

Dung se sẽ cầm gói giấy mở ra, thấy hoa cả mắt: nào áo nhiễu trắng, áo bom bay hồng, áo lụa màu hoa lý. Lại mấy chiếc quần lụa cạp đỏ, mấy cái áo cánh phin, mấy cái cổ yếm máy và mấy chục thước vải. Dung cất tiếng run run hỏi:

- Của những ai đấy, mẹ?

- Không, riêng của con đấy thôi.

Dung sung sướng mân mê các cúc áo. U già cũng lại gần xuýt xoa khen.

Từ hôm ấy, mẹ Dung chiều chuộng Dung lắm, không ghét bỏ như trước. Bà bắt Dung ăn mặc chỉnh tề, tập đi giầy (nhưng vắng mặt mẹ, Dung lại vất giày đi chơi, vì nàng không quen đi) bắt vấn tóc, và nhuộm răng.

Cuối tháng tám năm ấy, bà khách lại xuống chơi ở lại ăn cơm. Mẹ Dung gọi Dung vào buồng, đóng cửa rồi thì thào với con đến hơn một tiếng đồng hồ.

Sau cửa mở, thấy Dung bước ra mắt đỏ hoe như mới khóc, và bẽn lẽn không dám trông bà khách. Nhưng u già dỗ dành ít lâu, Dung lại vui vẻ và cười đùa như cũ. Hễ trẻ láng giềng có chế nhạo, Dung chỉ mỉm cười.

Thế là Dung đi lấy chồng.

Nàng đi lấy chồng cũng bỡ ngỡ và lạ lùng như người nhà quê lên tỉnh. Dung coi đi lấy chồng như một dịp đi chơi xa, một dịp rời bỏ được cái gia đình lạnh lẽo và cái xóm chợ quen mắt quá của nàng. Đi lấy chồng đối với nàng là hưởng một sự mới.

Vì thế, khi bước chân lên ô tô về nhà chồng, Dung không buồn bã khóc lóc gì cả. Nàng còn chú ý đến những sự lạ mắt lạ tai của nhà giai, không nghe thấy những lời chúc hơi mát mẻ và ganh tị của hai chị và em bé nàng nữa.

Về đến nhà chồng, Dung mới biết chồng là một anh học trò lớp nhì, vừa lẩn thẩn vừa ngu đần. Nàng đã bé mà chồng nàng lại còn bé choắt hơn. Nhưng bà mẹ chồng với các em chồng nàng thì to lớn ác nghiệt lắm.

Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ chồng, ăn mặc nâu sồng như khi còn ở nhà, rồi theo các em chồng ra đồng làm ruộng. Nhà chồng nàng giàu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi người làm mà bắt con dâu làm.

Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.

Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:

- Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.

Rồi bà kể thêm:

- Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.

Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.

Một hôm tình cờ cả nhà đi vắng, Dung vội ăn cắp mấy đồng bạc trinh lẻn ra ga lấy vé tàu về quê. Đến nơi, mẹ nàng ngạc nhiên hỏi:

- Kìa, con về bao giờ thế? Đi có một mình thôi à?

Dung sợ hãi không dám nói rằng trốn về, phải tìm cớ nói dối. Nhưng đến chiều tối, nàng lo sợ quá, biết rằng thế nào ngày mai mẹ chồng nàng cũng xuống tìm. Nàng đánh bạo kể hết tình đầu cho cha mẹ nghe, những nỗi hành hạ nàng phải chịu, và xin cho phép nàng ở lại nhà.

Cha nàng hút một điếu thuốc trong cái ống điếu khảm bạc, rồi trầm ngâm như nghĩ ngợi. Còn mẹ nàng thì đùng đùng nổi giận mắng lấy mắng để:

- Lấy chồng mà còn đòi ở nhà. Sao cô ngu thế. Cô phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể. Ngày trước tôi về nhà này còn khó nhọc bằng mười chứ chả được như cô bây giờ đâu, cô ạ.

Sớm mai, bà mẹ chồng Dung xuống. Vừa thấy thông gia, bà đã nói mát:

- Nhà tôi không có phúc nuôi nổi dâu ấy. Thôi thì con bà lại xin trả bà chứ không dám giữ.

Mẹ Dung cãi lại:

- Ô hay, sao bà ăn nói lạ. Bây giờ nó đã là dâu con bà, tôi không biết đến. Mặc bà muốn xử thế nào thì xử. Chỉ biết nó không phải là con tôi nữa mà thôi.

Bà nọ nhường bà kia, rút cục Dung được lệnh của mẹ phải sửa soạn để đi với mẹ chồng.

Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hy vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.

Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy giòng nước chảy. Trí nàng sắc lại khi ước lạnh đập vào mặt, nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.

Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.

- Tỉnh rồi, tỉnh rồi, không lo sợ gì nữa. Bây giờ chỉ đắp chăn cho ấm rồi sắc nước gừng đặc cho uống là khỏi.

Dung dần dần nhớ lại. Khi nàng mở mắt nhìn, thấy mình nằm trong buồng, người u già cầm cây đèn con đứng đầu giường nhìn nàng mỉm cười một cách buồn rầu:

- Cô đã tỉnh hẳn chưa?

Dung gật:

- Tỉnh rồi.

Một lát, nàng lại hỏi:

- Tôi làm sao thế nhỉ... Bà cả đâu u? Bà ấy về chưa?

U già để tay lên trán Dung, không trả lời câu hỏi:

- Cô hãy còn mệt. Ngủ đi.

Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:

- Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được. Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?

Dung buồn bã trả lời:

- Con xin về.

Khi theo bà ra ga, Dung thấy người hai bên đường nhìn nàng bàn tán thì thào. Nàng biết người ta tò mò chú ý đến nàng.

Trông thấy giòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.

Dung thấy một cảm giác chán nản và lạnh lẽo. Khi bà cả lần ruột tượng gọi nàng lại đưa tiền lấy vé, Dung phải vội quay mặt đi để giấu mấy giọt nước mắt.

 
 (Trích từ tập truyện ngắn Gió Đầu Mùa)
 

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

DẤU CHÂN NGƯỜI VỀ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Chàng đứng trước cánh cửa sổ nối liền với hàng rào thép gai bao quanh sân nhà. Nếu chàng mở cánh cửa, một cử động thật ngắn ngủi và dễ dàng, là ngôi nhà của chàng đó. Ánh đèn điện sẽ bừng sáng, cánh cửa đóng kín trước nhà sẽ mở ào ra như một cơn gió, chàng sẽ tìm thấy lại một khuôn mặt kinh ngạc lẫn mừng rỡ của người mẹ chàng và mấy đứa em nhỏ. Nhưng chàng vẫn đứng im, bàn tay nắm chặt chiếc xắc tay nhẹ bổng với một vài bộ áo quần. Chàng nhìn mũi giày của chàng xoay nhè nhẹ trên cát, ở cái thành phố miền biển này, cát trải đầy dưới chân của mọi người khắp nơi và bây giờ, cát bám đầy một màu vàng mù mịt trên đôi giày của chàng.
 
Bây giờ đêm chưa khuya lắm nhưng ánh đèn đã tắt trong nhà chàng, nhà hàng xóm cũng thế. Xóm này có thói quen đi ngủ sớm, tất cả những cánh cửa đều đã khép kín, bóng tối từ những tàng lá rậm của cây keo tây làm cho khu xóm tối tăm thêm. Chàng mỉm cười nhớ lại ngày xưa chàng vẫn rất ghét cái thói quen đi ngủ sớm của xóm này. Chàng vẫn thường ra ngồi một mình trên tầng cấp trước nhà, nhìn bâng quơ khắp xóm để tìm một khung cửa nào đó còn có ánh đèn, nhưng chàng không bao giờ được hài lòng. Chàng thấy mình thèm một hơi thuốc lá, ánh lửa của que diêm soi mập mờ lên mặt kính đồng hồ cho chàng biết là chàng đã đứng ở đây khá lâu, đứng bất động như một tượng đá. Tay chàng đặt nhẹ lên cánh cửa gỗ, những tiếng kêu gọi nào như nói bên tai chàng, chỉ cần hất cái then cài cửa qua một bên và đi vào sân, chậm rãi bước lên những bậc thềm, gõ tay vào cánh cửa lớn trước nhà. Rồi lắng nghe những tiếng ồn ào xao động dần dần vang rõ từ bên trong, tiếng động của những bước chân chạy vội vã. Có lẽ chàng sẽ tìm thấy cảnh tượng của gia đình giống đúc như hồi chàng còn ở nhà. Người mẹ chàng với thân hình mập mạp sẽ tất tả chạy ra, đứa em gái của chàng có đôi mắt thật to và chiếc cổ dài như một con hươu cao cổ, đứa em trai út ốm tong teo với cặp giò dài như ống tre, vừa dụi mắt vừa la hét ầm ĩ.

Cánh cửa mở ra thật dễ dàng, một tiếng động thật nhỏ nhoi gần như mơ hồ trong đêm, nhưng sẽ mở ra biết bao nụ cười náo nhiệt. Chàng bồn chồn thầm nghĩ không biết gian phòng khách của căn nhà có còn bày biện như xưa không, cánh cửa sổ có còn được giăng bằng bức màn vải màu xanh, dưới tấm kính trong veo trên chiếc bàn có còn đặt tấm hình chụp chàng hồi nhỏ đang ngồi chễm chệ trên một con ngựa đá. Chàng cũng nhớ đến căn phòng nhỏ riêng tư của chàng, tối tăm và đầy những mạng nhện, sách báo vứt bừa bãi trong các xó xỉnh bây giờ chắc đã làm thức ăn cho bấy mối, trên tường tấm lịch xưa cũ màu đỏ có bức tranh một bầy ngựa bạch đang soãi vó trên cánh đồng xanh. Rồi căn phòng cuối cùng mái lợp tôn là nhà bếp, chàng vẫn thường xuống đó để nhìn cô em gái của chàng lúi húi vo gạo nấu cơm. Hồi nhỏ chàng thích ăn mặn có tiếng nên thường lén xuống bếp bỏ thêm muối hay nước mắm vào những món ăn đang sôi trên bếp lửa. Chàng nhớ nhiều nhất đến cánh cửa nhỏ sau cùng hết của căn nhà, ăn thông ra một con ngõ tối, cánh cửa mà chàng nắm hết những bí mật mở ra và đóng kín lại thật nhẹ nhàng để đêm đêm có ít tiền trong túi, chàng một mình mở cửa đi ra khỏi nhà, la cà ở những tiệm cà phê, những quán nước ngoài bãi biển, tiệm bi da cho đến gần sáng mới trở về mà trong nhà không ai hay biết.

Bây giờ nếu chàng muốn biết những điều đó có thay đổi gì không, chàng chỉ việc mở cánh cửa là tìm lại tất cả. Không khí nhỏ bé ấm áp của gia đình, những đồ vật thân thuộc gần như những người, khuôn mặt yêu dấu của người mẹ và bầy em. Tất cả. Tất cả từ một cử động nhỏ. Nhưng tiếng động ấy đã không vang lên một cách hồn nhiên, bàn tay đã lệ thuộc vào sự nghĩ ngợi của trí óc. Và những gì dính dấp đến trí óc thật là kinh khủng, chúng làm chàng phải chọn lựa. Chàng đứng bất động trong cảm giác băn khoăn do dự thật vô lý nhưng chàng không thể nào xua đuổi nổi.

*

Cách đây đã lâu chàng có về nhà một lần. Gia đình thật vui vẻ và náo nhiệt trong một vài ngày đầu. Những đứa em bao quanh lấy chàng và chàng cho chúng những món đồ lặt vặt như sách báo trẻ em, cặp da, một bộ sưu tập tem quốc tế cho đứa em trai và một xấp vải áo cho cô em gái. Người mẹ hỏi han chàng đôi chút về những ngày chàng ở xa đây, chuyện học hành sinh sống. Bà trách chàng về cái tật làm biếng viết thư về cho gia đình. Mỗi khi nghe thành phố chàng ở bị pháo kích hay khủng bố, bà phải vội vàng mua báo để dò tên chàng trong danh sách những nạn nhân, nhưng dĩ nhiên là không bao giờ có tên chàng cả. Bữa cơm đầu tiên dưới mái nhà thật ngon lành, món cá ngừ kho với nhiều ớt chín thơm phức, dĩa thịt bò tái có nhiều rau sống và nước tương, tô canh thơm cá hồng ngọt lịm, dĩa cà muối và rau muống luộc tươi xanh, ly bia mát lạnh trong miệng. Người mẹ hỏi chàng ăn uống ra sao khi xa nhà, chàng trả lời rằng chàng ăn sơ sài cho qua bữa, dĩa cơm gì đó với ly trà đá ở quán cóc bên đường. Người mẹ lắc đầu nói hèn gì trông chàng ngày càng ốm yếu hẳn đi, nhưng những đứa em nói rằng chúng rất khoái được ăn cơm ở những quán bên đường, chúng cũng đòi chàng kể cho chúng nghe về những chuyện ở thành phố đầy đặc xe hơi bóng loáng và nhà cửa đồ sộ.

Sau bữa cơm, cả nhà đều đi ngủ trưa ngoại trừ chàng. Chàng nằm dài trên chiếc ghế bành, mắt mở thao láo nhìn quanh khắp căn nhà, quan sát tò mò những đồ vật tầm thường nhất, như bàn ghế, chiếc bình hoa, chiếc vỏ ốc dùng để gạt tàn thuốc. Chàng hút một điếu thuốc lá có mùi là lạ, khác với thứ thuốc chàng hay hút. Người mẹ vừa đưa tiền cho đứa em chàng mua mười bao thuốc lá đủ hiệu, Winston, Montclair, Philip Morris, Chesterfield, Lucky gì đó cũng được, toàn là những thứ chàng ít thích hút nhưng bây giờ mùi vị lạ khác nhau của từng loại thuốc làm chàng thích thú.

Chàng nhấp nháp một ly rượu nhẹ, ngẫm nghĩ đến những ngày chàng ở xa đây, những ngày tháng toàn là rong chơi vui đùa, quay cuồng, no đói thất thường và đôi khi buồn chán đến chết được. Cứ thế chàng nằm duỗi dài người cho đến chiều tối, hay chập chờn trôi vào một giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê. Trong căn phòng vắng lặng, chỉ có tiếng quạt máy quay nhè nhẹ, tiếng đàn dồn dập của một nhạc công tây ban cầm danh tiếng trong những nhạc điệu lãng mạn, từ chiếc máy hát nhỏ. Chàng cảm thấy mình lâng lâng sung sướng như một thi sĩ đầu bạc trắng đã gạt bỏ hết mọi chuyện đời.

Một vài ngày nhàn hạ tiếp theo, rồi không khí của gia đình không còn thanh thản như chàng mơ ước. Người mẹ bận rộn suốt ngày, tất tả đi qua đi lại nhà hàng xóm trong những vụ hụi hè, mượn tiền, cho vay. Nhà chàng tấp nập những con bạc đến vay nợ, trả tiền, đôi khi có người khênh cả tủ lạnh hay máy hát đến cầm thế. Phần đông con bạc là những cô gái lấy Mỹ ở trong xóm, những gã lính Mỹ thường bận công tác xa nhà nên các cô nàng có đủ thì giờ rộng rãi chui đầu vào sòng bạc suốt ngày đêm.

Chàng không muốn nhưng vẫn nhìn thấy hoạt cảnh quay cuồng xảy ra thường trực trong nhà. Người mẹ mặc cả kỳ kèo từng đồng bạc với khách, giận dữ la ó, cằn nhằn đủ chuyện mỗi khi có con bạc nào đó không trả nợ đúng kỳ hạn. Bữa cơm ngột ngạt không còn làm chàng ngon miệng, hai đứa em sợ hãi ăn từng miếng một, chàng ngồi lặng lẽ câm như miệng hến. Chàng biết người mẹ sẽ tìm đủ cớ để trách la mọi người cho hả giận. Bà mắng hai đứa em về những lý do mơ hồ nào đó, rồi cau có quay sang chàng:

"Tiền bạc càng ngày càng khó kiếm, không đủ chi tiêu trong gia đình. Con không lo học hành cho chóng xong, không tìm công việc gì làm kiếm tiền sống tự túc. Mẹ đã tốn kém biết bao vì con từ khi con nhỏ cho đến bây giờ".

Chàng im lặng. Người mẹ bỏ chén cơm không buồn ăn, bà tiếp tục:

"Con trai lớn mà không giúp đỡ gì cho gia đình được cả, ở nhà thì cứ tiêu hoang, xa nhà đã lâu mà cũng không khá được gì. Con không noi gương tụi thằng Hai, thằng Dũng con bà Bảy, chúng đi làm sở Mỹ kiếm mỗi tháng cả mấy chục ngàn, chạy áp phe dư tiền nuôi cha mẹ, nuôi em. Con phải biết "liệu cơm gắp mắm" chứ, nhà đâu có đủ tiền cho con ăn học suốt đời, phải biết tùy thời mà xoay sở, học hành coi bộ sau này cũng không làm gì được thì phải lo kiếm nghề ngỗng làm có tiền nuôi thân và nuôi gia đình, mẹ đâu có đủ sức nuôi con mãi đâu..."

Chàng cảm thấy miếng cơm đắng nghét trong miệng, chàng hớp vội một miếng nước. Những đứa em chàng đã ăn xong vội vàng, chúng đang lo sửa soạn sách vở đi học. Người mẹ uống một ly bia, mặt bà đỏ gay và lấm tấm mồ hôi. Bà vẫn chưa chấm dứt bản điệp khúc của bà:

" Mẹ đã lớn tuổi rồi, sợ không đủ sức nuôi mấy em được nữa. Những người bằng tuổi mẹ đáng lẽ là nghỉ ngơi rồi, thế mà mẹ vẫn suốt ngày quần quật làm ăn. Hồi trước ai cũng trông đợi, đặt hy vọng vào nơi con cả, mong con sớm làm ăn nuôi gia đình. Bây giờ không thấy con lo lắng gì cho gia đình cả, con cứ sống lông bông ở đâu đó, thỉnh thoảng về nhà một lần rồi lại đi. Con không cần biết gì về gia đình cả..."

Người mẹ đưa tay lên chùi mắt:

"Con không biết thương ai cả. Hồi còn nhỏ mẹ khổ sở biết mấy vì con, giờ con càng ngày càng có vẻ thờ ơ, sống trong gia đình mà cứ như một khách lạ".

Chàng rời khỏi bàn ăn. Không khí ngột ngạt khó thở làm chàng nóng nực, mồ hôi trong ngực áo và trên mặt chàng thấm ướt. Chàng muốn nốc hết một chai rượu mạnh để được ngủ vùi trong mồ hôi, hơi rượu và cơn mê mệt. Chàng ao ước được đứng trên bãi biển, nhảy ào xuống mặt nước xanh ngát bao la, để trôi thân thể trong dòng nước mát lạnh, không nghĩ ngợi không ưu phiền vì một điều gì cả. Chỉ man mác trong tâm hồn một ý nghĩ là trên đời chỉ còn chàng và biển.

Đối với đời sống hoang đàng của chàng, no đủ hay đói khổ thật vô nghĩa. Chàng chỉ sợ hãi những lời trách móc và đôi mắt phiền muộn của một ai nhìn chàng. Chàng cảm thấy lúng túng và xấu hổ khi có ai đó đặt nhiều hy vọng vào chàng, như mẹ chàng chẳng hạn.

Chàng trở về để tìm lại một ít không khí dễ chịu. Một ngọn đèn vàng trong đêm mưa, căn nhà nhỏ vang vang tiếng học bài của bầy em nhỏ, bàn tay đan chiếc áo ấm mùa đông và đôi mắt âu yếm nhìn các con của người mẹ. Chàng sẽ sung sướng biết bao khi được đắm mình trong thế giới nhỏ nhắn nhưng tươi đẹp như một trái dâu tươi ấy, nhìn thấy hạnh phúc của những người thân của mình và từ đó cảm thấy mỗi thời khắc đều đẹp đẽ tràn đầy như biển cả.

Và chàng lại ra đi vì những điều không nồng nàn, không tươi mát, không êm đềm, những điều trái ngược hẳn với biển cả yêu dấu của chàng.

*

Bây giờ chàng vẫn còn đứng trước cổng nhà, bàn tay đã thôi đặt trên cánh cửa, bàn tay kia nắm chặt lấy chiếc xắc tay. Đêm khuya dần, trời khuya như thế này hút thuốc ngon biết mất nhưng bao thuốc của chàng đã hết. Không khí mang theo nhiều cát và mùi vị mặn của gió biển.

Tiếng chó sủa bỗng vang lên khi có một đám người đàn bà lầm lũi đi ra từ trong một ngõ tối.

Chàng nhìn thấy loáng thoáng vài khuôn mặt tái nhợt, mặt mũi như những bóng ma và bắt gặp một mùi nước hoa rẻ tiền. Chàng biết họ vừa từ sòng bạc nhà bà Tư già chui ra, nhưng không hiểu sao đêm nay họ lại về nhà sớm thế, mọi khi những con bạc vẫn đánh cho đến sáng. Một người đàn bà bỗng dừng lại nhìn chàng chăm chú, nàng mặc chiếc áo ngủ màu hồng có nhiều nếp nhăn và mái tóc xô lệch. Chàng nhận ra một vài nét quen thuộc nhưng vẫn không biết là ai cho đến khi người đàn bà kêu lên kinh ngạc và gọi đúng tên chàng:

- Trời ơi! Cậu về hồi nào vậy?

- Chị Ngọc phải không?

- Tôi đây chứ còn ai nữa, bộ tôi bây giờ già lắm hay sao mà cậu không nhận ra?

- Đâu có, tại trời tối quá. Chị vẫn thường luôn chứ?

Người đàn bà uể oải gật đầu, nàng lấy bao thuốc lá từ trong ngực áo, gắn một điếu lên môi và mời chàng một điếu. Trong bóng tối bây giờ có một chút khói xanh.

- Chị bữa nay cũng ghiền hút thuốc rồi, ông chồng chị không cấm sao?

- Còn đâu nữa mà cấm. Anh ấy chết trận rồi.

- Chết? sao vậy?

- Chết là chết chứ biết tại sao. Mà không chết cũng vậy thôi. Tôi và anh ấy bỏ nhau lâu rồi... Hồi đó tôi đen quá, đánh đâu thua đấy, đồ đạc trong nhà đem đi bán sạch trơn, có được căn nhà cũng đem cầm. Cậu xem tôi có trẻ đẹp gì đâu, chẳng qua là có tiền mới giữ được anh ấy, chừng hết tiền rồi là anh ấy bỏ tôi lập tức...

Người đàn bà thở một hơi khói, đôi môi nàng khô ran khi chép miệng thở dài:

- Anh ấy sống với một con khác được đâu chừng vài tháng rồi chết, đi hành quân bị phục kích ở gần cầu Bà Di đó cậu. Chết cũng đáng đời, nhưng đôi khi nhớ lại cũng thấy thương phải không cậu?

Chàng không nói gì. Người đàn bà nhìn chàng từ đầu đến chân rồi, nói:

- Cậu về má cậu biết chưa? Trời ơi! Sao áo quần còn để đây, sao không chạy vào kêu cửa cho bà ấy biết? Bà thấy cậu về chắc bà mừng lắm.

- Mấy bữa nay chị có thường gặp má tôi không?

- Gặp hoài. Hồi trưa tôi mới đến bà chuộc mấy món đồ, bà có mời tôi ở lại ăn cơm. Bà lúc này làm ăn coi bộ kẹt cậu à, vài đứa con nợ trốn biệt tích. Bà có vẻ buồn, cậu về chắc bà vui lắm. Để tôi chạy vào kêu bà nghe.

Chàng hốt hoảng ngăn người đàn bà lại:

- Đừng, chị Ngọc. Làm gì gấp vậy, đứng đây nói chuyện chơi một chút đã... Lâu nay chị có gặp Phượng không?

Người đàn bà nheo mắt nhìn chàng tỏ vẻ đùa cợt:

- Chưa gì đã hỏi thăm "người xưa" rồi. Con Phượng lúc này bê bối lắm. Thằng Mỹ già bỏ nó rồi, cờ bạc, nghiện rượu quanh năm ai mà chịu được. Nó bây giờ bán ở cái bar gì đó ở bãi biển, nhưng coi bộ xác xơ lắm, tiền làm ra có được bao nhiêu mà tiêu như nước.

Người đàn bà nói nhỏ lại:

- Con Phượng có kể cho tôi nghe về cậu...

- Thôi dẹp chuyện ấy qua một bên đi. Chị còn thuốc lá không, tôi xin một điếu.

Người đàn bà châm lửa cho chàng. Khi đốm ánh sáng nhỏ lóe lên, người đàn bà nói sao độ này chàng xanh xao quá. Chàng lặng yên hút thuốc, không nói lời nào trong một khoảng thời gian lâu nên người đàn bà tỏ ý muốn chào chàng va ra về.

- Chị Ngọc, tôi nhờ chị một điều này. Chị đừng nói cho má tôi biết tôi có về nhà nghe.

- Sao kỳ cục vậy?

- Chị đừng hỏi, tôi cũng không biết trả lời sao cả. Chị cứ hứa với tôi đi, sáng mai chị đừng cho ai biết đêm qua tôi có về, sáng mai là tôi đón xe đi thật sớm, thật xa đây rồi. Chị hứa với tôi một lần đi, chị Ngọc.

Người đàn bà ngơ ngác và hơi buồn rầu. Nàng vứt mẩu thuốc lá đi xa, nàng nói những lời gì đó với chàng nhưng chàng không nghe gì cả, tai chàng lùng bùng với những tiếng động khó chịu. Sau cùng người đàn bà cũng hứa sẽ giữ kín chuyện chàng trở về, nàng đưa cho chàng hết cả bao thuốc lá rồi bỏ đi, bóng nàng xa dần trong đêm tối. Tiếng chó sủa lại vang lên nghe rờn rợn rồi nhỏ lại, gầm gừ vài tiếng và mất hẳn.

Bỗng chàng nghe tiếng chó sủa dữ dội hơn, văng vẳng từ đàng xa tiếng rao hàng của một bà già bán hột vịt lộn. Chàng nắm chặt lấy chiếc xắc tay, quả quyết bỏ đi. Chàng nhớ lại mẹ chàng có thói quen ăn hàng đêm, dù ngủ say đến đâu mà chợt nghe tiếng rao hàng của những bà bán bún bò, hột vịt lộn là bà đánh thức cả nhà dậy để kêu ăn rồi mới ngủ lại.

Một ý tưởng thật buồn cười chợt đến với chàng. Chàng nhìn những dấu chân của chàng lún từng vết trên bãi cát lầy lội và nghĩ rằng sớm mai, những đứa em chàng khi mở cổng đi học, sẽ nhìn thấy những dấu chân và đoán được chàng có về nhà đêm qua. Ý tưởng thật trẻ con và vô lý nhưng chàng không xua đuổi nổi, chàng vội vàng dùng đế giày xóa tan những dấu chân, và cẩn thận đá văng tung tóe những mẩu tàn thuốc rơi đầy quanh chỗ chàng đứng. Chàng vội vã bỏ đi nhanh vào con ngõ hẻm ăn thông ra đường lớn. Tiếng chó của nhà hàng xóm hai bên ngõ hẹp sủa vang thật dễ sợ khi bóng chàng lầm lũi đi qua.

Khi đi được một quãng đã xa, chàng yên tâm quay đầu nhìn lại mái nhà mà suýt nữa bây giờ chàng đang yên ấm nằm bên trong. Ánh đèn vàng bùng lên trong căn nhà và một cánh cửa sổ mở ra cho thấy bóng dáng nhấp nhô của một vài người. Chàng cảm thấy tim mình nhói đau đến nỗi muốn quỵ xuống, nắm úp mặt mãi mãi trên bãi cát này. Chàng ước ao được trở thanh một cậu bé con lên năm để có thể khóc òa và giậm chân giận dỗi suốt đêm. Cát dưới chân chàng quấn quýt làm những bước đi chậm lại.

Một chiếc xích lô đạp dừng lại. Lão già đưa mắt nhìn chàng dò hỏi.

- Bác có biết một phòng ngủ nào rả tiền chở tôi đến đó.

Lão già gật đầu. Chiếc xe lăn bánh chậm rãi trên con đường đêm không một ngọn đèn. Gió biển càng thổi mạnh và chàng nhìn thấy bãi biển và hàng dương liễu đàng xa dần dần tiến lại gần.

- Bác định chở tôi đi đâu đó?

- Ở bãi biển mới có một khách sạn mới cất, chắc bây giờ ở đó còn có phòng trống.

Chàng hốt hoảng ngăn lão già:

- Bác quanh đầu xe trở lại đi. Kiếm cho tôi một khách sạn nào ở phố, càng xa bãi biển càng tốt, đắt rẻ gì cũng được.

Lão già ngơ ngác không hiểu gì cả rồi cũng quay đầu xe trở lại. Lão già làm sao hiểu được, chàng sợ hãi biết bao tiếng sóng biển. Những đêm buồn và cô độc như thế này nghe mãi bên tai tiếng sóng âm u buồn thảm không bao giờ dứt, chàng làm sao chịu nổi. Chàng ngồi dựa người trên nệm xe, nhắm mắt lại để tưởng tượng như nằm trên chiếc giường quen thuộc trong nhà. Nhưng chàng giật mình mở mắt ra, vì tiếng nhạc ồn ào và tiếng cười đùa của những gái giang hồ vang lên từ những quán rượu nằm sát bên nhau.

Chàng mỉm cười nhớ lại mình đã nhanh trí xóa dấu chân trên cát. Sớm mai, những đứa em của chàng sẽ vô tư đi học như thường lệ, mẹ chàng sẽ bận rộn với tiền bạc như thường lệ. Người đàn bà tên Ngọc có lẽ sẽ giữ lời hứa với chàng, và như thế là ở cái thành phố mà ngày xưa chàng vẫn gọi đùa là "thành phố thân yêu của tôi", không ai biết chàng đã trở về đêm qua.

Chỉ có bãi cát là nhớ rõ những dấu chân chàng. Nhưng im lặng muôn đời là thói quen đáng yêu của những hạt cát.


1969                   
HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn Cô Bé Treo Mùng, nxb Trí Đăng 1972)
 


 

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

TRỜI MƯA KHÔNG NGỚT - Thanh

 

Buổi chiều nắng vàng lẩn lút trốn mất tự bao giờ và mây đen vần vũ cả một khoảng trời, em về học với những hạt mưa nhỏ lấm tấm và chiếc ô đen cùng hai đứa bạn dễ yêu. Ba thân thể rét mướt mà ba cõi lòng thì ấm cúng và thân ái biết dường nào, ngó nhau bằng sáu con mắt có những tia vui rộn ràng. Em muốn hét thật to giữa trời mưa mỗi lúc càng nặng hạt, thứ âm thanh kỳ lạ vô cùng của trái tim nhỏ nhoi mà thật lắm chuyện. Em muốn vờ bỏ quên những thực tại quen thuộc để lãng đãng bằng thứ mộng mơ ngầy ngật xôn xao giữa ngàn sợi thần kinh trong trí nhớ. Những bước chân cuống quýt đạp lên nhau nghe êm ái ơi là! Ba tà áo vội vàng nương nhau tìm chỗ ẩn một cơn mưa thảng thốt! Em đưa tay vờn những hạt mưa nước nhỏ nghe một cảm giác ngất lịm trong bàn tay nhỏ nước mưa lạnh và mát rượi tựa như bàn chân em mỗi lần bước lên thảm cỏ xanh ở sân trường trong giờ chơi, chua ngất với những quả me chín mùi sau cơn gió thổi rơi vào chiếc nón lá đầm ấm vô chừng. Chiều nay tưng bừng cơn mưa đầu mùa quý giá. San sẻ cùng em là Bích Vân đi giữa, áo tơ hàng, tay cầm ô, le lưỡi mỗi lần cơn sấm chớp bất chợt đi qua. Huỳnh Hoa bên trái tóc rẽ ngôi lệch hững hờ chớp mắt mỗi lần cơn gió thổi đến buốt lạnh. Và em bên phải bằng tay ôm sách vở ngoan hiền, ngơ ngác ngắm mưa như thứ thần thoại hoang đường ngày xưa. Hỡi buổi chiều đã nhắc nhở cho em những ngày qua bằng thời gian không thay đổi. Những chiếc lá mưa rơi nhẹ nhàng trên đỉnh ô như tiếng than vãn của chú dế mèn trong chiếc hộp thuốc lá con mèo mỗi khi em lười lĩnh bỏ quên không vất vào đấy một nắm cỏ tươi. Em bật cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó. Bích Vân nhìn sang, huých nhẹ khuỷu tay vào quyển sách em đang ôm trong ngực.

- Cười chi rứa? Cho cười miếng coi.

Em chỉ lên chiếc ô và bảo:

- Hai bác lắng tai nghe thử tiếng mưa đi, giống y hệt cái giọng than của con dế mèn.

Huỳnh Hoa nghếch mặt:

- Ừa, ừa... giống ghê đi... Ơ! Mờ con dế mèn của bác nó kêu thế nào nhỉ?

- Bích Vân toét miệng, nhe hai hàm răng trắng:

- Ui ui... giống cái giọng the thé của bà già quét lá sân trường.

Em thấy tức cười quá đi, lấy bàn tay che miệng, mắt nhắm tít và miệng cười tưng bừng át cả tiếng mưa rơi. Huỳnh Hoa và Bích Vân sau một chút ngơ ngẩn cũng ôm bụng cười dữ tợn, ba đứa cười om sòm cả đường phố. Chiếc dù nơi tay Bích Vân rủng rỉnh rùng rình, những hạt mưa thừa dịp tạt vào mặt ba đứa. Thấy nguy cơ em ngừng cười, phát vào lưng Bích Vân một cái.

- Khiếp, nói cười một miếng mà cười tận thế.

- Tự bác làm tui mắc cười quá à!

Huỳnh Hoa hãy còn hinh hích, con bé nhăn nhó kêu:

- Nghỉ chơi bác mắt to ra à ơi! Làm tôi nhức bụng quá.

Hai đứa bạn gọi em là mắt to vì hai đứa bảo em có hai mắt to như hai hòn bi ve của lũ nhóc. Bích Vân có hai mụn ruồi tham ăn nơi miệng nên gọi là mụn ruồi. Còn Huỳnh Hoa với thân hình mảnh dẻ được gọi là gầy như trúc. Ba đứa bắt chước người lớn gọi nhau bằng bác và xưng là tui, đôi khi thấy dễ thương và yêu dấu ghê đi ấy! Em dùng bàn tay gõ nhẹ vào sống lưng huỳnh Hoa.

- Ôi chao! Tui cũng ê ẩm cái ruột ghê đó bác.

Huỳnh Hoa khuyên nhủ:

- Thôi đừng cười nữa, cười hở mười cái răng.

Bích Vân tiếp:

- Vô duyên chưa nói đã cười.

Em ậm ừ:

- Ờ, ờ... cười mắt nhăn, mũi nhăn, miệng nhăn. Cái mặt thật là bà lão.

Bích Vân kêu lên:

- Eo ơi! Thế thì nhất định nhá, không cười đó nghe!

Đi hết con đường có hai hàng cây to, trời nắng cũng chẳng can chi, mỗi trưa tan học không nón, đầu trần ba đứa cứ đi phây phây, vừa đi vừa nhặt me chín rụng và tranh nhau chí chóe, mặc dầu vẫn biết số me nhặt được một chốc cũng sẽ chia thật đồng đều. Bích Vân, con nhỏ bạn người Trung hay la toáng mỗi lần nhặt được quả me to và sìu cái mặt bánh đa ướt khi vồ phải quả me... rỗng không có ruột, Huỳnh Hoa cái giọng nhỏ nhẹ miền Nam điềm đạm hơn, có khi nhặt đầy cả khăn tay mà hai đứa chẳng hề hay biết. Còn em cái tính thật kỳ cục vớ được quả nào thì sào ngay quả ấy. Biết được điều ấy Huỳnh Hoa trợn hai cái đồng tử lên ngó em (bác ấy ức điều chi thường hay trợn mắt lên lắm), còn Bích Vân thì càu nhàu:

- Răng không có mụn ruồi tham ăn, mờ dễ sợ ghê rứa, tui sẽ về nhà bác chấm hai cái như tui nì.

Em chỉ che miệng cười là hai đứa bật cười theo và quên hết. Ôi! Bạn em đáng yêu quá... tính chi mà dễ cười... Ba đứa đi đến đâu là rộn rã tiếng cười, là ồn ào tiếng nói, thứ âm thanh trẻ thơ pha lẫn một chút khôn lớn nó êm đềm và khó giải thích quá đi, dưới những bước chân lá me vàng ướt đẫm những giọt mưa lóng lánh, nhìn mặt đường đang nở từng đóa hoa hạnh phúc như tấm thảm nhung bay lại thật gần, và ước mơ mưa mãi mãi thấm ướt đừng bao giờ phai nhòa trên tà áo. Này! Ngưỡng cửa tuổi hai mươi, mười chín ơi! Em chỉ biết chớp mắt ca tụng sự linh thiêng vô hình ấy, em muốn nắm đầy trong bàn tay mớ kỷ niệm vụn vặt ngủ yên trên chiếc nôi quá khứ xa xôi mà đằm thắm ấy, em muốn cột vào từng chân tóc sợi thân thuộc đang lơ lửng giữa đám học trò đầy ắp yêu thương vàng son ấy. Mưa hỡi! Em chỉ biết kể lể cho mưa nghe bằng giọng trầm điệu pha chút chua chua, ngọt ngọt trong hộp thủy tinh trắng từng quả ô mai quyến rũ. Ở một nơi có ngày đổ từng cơn mưa sau hồi chuông reo sau giờ tan học sẽ có em và bạn bè kiễng đôi chân nhỏ bé  hái từng trái tương lai không biết mệt. Em sẽ lạy trời mưa về múa hát với hàng phượng cao cho em đếm từng nốt tin yêu trên dãy hành lang dài song sắt hình rổng ngoài giảng đường mà chữ nghĩa vẫn đeo đuổi trong từng ngăn trí nhớ chẳng bao giờ rời xa. Em nhìn lại đằng sau con đường dài qua bao nhiêu bước lang thang của ba đứa, hơi thở nồng nàn tỏa ngát rộn ràng từng bước chân đá sỏi. Ba bàn tay tìm nhau thật gần tựa hồ quả bóng bay đi tìm một chân mây. Người cảnh sát già đứng hiền lành trong chiếc áo mưa rộng kín đầu ở một ngã tư nhìn ba đứa cười với chiếc miệng móm và những sợi tóc bạc mầu muối tiêu. Bích Vân kêu to (với ba đứa người cảnh sát như một người bạn già quen thuộc cùng chia sẻ những mắt me).

- Ông ơi! Bữa ni mưa to, me hắn nghỉ chơi một bữa rồi.

- Rứa hỉ? Buồn ghê hỉ?

- Ông ơi! Cháu khoái mưa mà khoái cả me.

- Ông ơi! Trời mưa ông che nón lá.

- Con ni, dị rứa... hát chi dị òm... vô duyên ghê a tề.

Ông cảnh sát khoát bàn tay gân guốc:

- Về nhanh, mưa to quá là to.

- A! Ông nì, không có me rồi đuổi tụi cháu hở?

- Về đi, về đi, mô có, mô có.

Cái đầu trong chiếc áo mưa lắc lia lịa, ba đứa giơ tay chào ông và mỗi đưa nắm một vạt áo dài, qua một vũng nước, em cố ý đạp cho vũng nước bắn tung tóe, em thấy mờ mờ hai đồng tử của Huỳnh Hoa trợn lên và giọng miền trung của Bích Vân càu nhàu:

- Rứa cho biết thân, có còn ham trời-không-mưa-em-cũng-lạy-trời-mưa nữa hay thôi.


THANH        

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 107, từ ngày 21-6 đến 28-6-1973)
 

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

TÌNH XƯA - Thạch Lam

 
 

Ngày theo học trường tỉnh Thái Bình, tôi ở trọ nhà ông Cả Vinh, một nơi quen biết của thầy mẹ tôi. Ông Cả cũng có người con trạc tuổi chúng tôi đi học, bởi vậy ông cho học trò đến ở, lấy cớ rằng để anh Hòe, con ông, được vui anh vui em. Thực ra, ông bà Cả muốn chứa trọ để kiếm lời. Nhà ông nghèo lại đông con, và số tiền tháng của ba chúng tôi cũng đủ giúp cho bà Vinh một cái vốn nhỏ để buôn bán.

Ông Cả ở một lớp nhà cổ, một cái nhà ngói năm gian chạy dài mặt phố và một căn nhà lá rộng, đầy những hàng hóa của bà Cả, rồi đến nhà dưới và bếp. Đằng sau nhà có một miếng đất trồng cây cối, ngăn với bãi cỏ hoang của tỉnh bằng một hàng rào râm bụt thấp. Ngay trước nhà gạch trông ra, có một cái sân vuông và hẹp, có bể nước lớn. Cái sân đó là giang sơn riêng của ông Cả : một cái núi non bộ nhỏ trong cái bể con bằng xi măng và hai dẫy chậu trồng đủ các thứ lan. Cũng như nhiều người rỗi khác, ông Cả có cái ham mê những công việc tỉ mỉ. Sớm chiều lúc nào tôi cũng thấy ông lom khom ở ngoài sân, cúi mình tỉa xén các chậu lan hay sửa sang non bộ. Thật là một dịp trọng vọng nếu chậu lan có chúm một dò hoa. Phải nhìn vẻ vui sướng trên mặt ông lúc bấy giờ mới hiểu. Ông gọi chúng tôi ra xem hoa, với cái tự kiêu của một chủ nhân ông khéo léo; rồi hàng giờ ông đứng lặng ngắm chậu lan, dường như để đợi chờ bông hoa nở.

Sân gạch ngay chỗ cửa sổ buồng học chúng tôi trông ra, và lúc nào ngửng lên trên sách, chúng tôi cũng thấy bóng ông. Sự chăm chút âu yếm và cẩn trọng của ông làm chúng tôi buồn cười. Nếu không có anh Hòe cùng ngồi đấy, chúng tôi đã bàn định tinh nghịch đùa ông một chuyến.

Bữa cơm họp đông đủ cả nhà : chúng tôi, anh Hòe và ông Cả ngồi ăn cơm nhà trên, còn bà Cả với hai cô con gái và đứa em nhỏ ăn riêng dưới bếp. Hai mâm cơm khác nhau: bữa cơm chúng tôi ăn ngày nào cũng có thịt cá, còn bữa cơm ở dưới nhà chỉ toàn rau muống và đậu phụ. Không bao giờ chúng tôi thấy có món ăn khác, và có lúc chúng tôi thầm phàn nàn cho sự kham khổ của bà Cả và hai cô con gái. Vẻ xanh xao của Lan và Huệ không làm chúng tôi ngạc nhiên. Đó là hai thiếu nữ lặng lẽ và kín tiếng, không lúc nào cười nói to.

Bởi vậy tuy hai cô cũng trạc tuổi với chúng tôi, tôi cũng không để ý đến. ở trong buồng học trông ra, thỉnh thoảng tôi thấy bóng Lan đi qua sân xuống nhà dưới hay với tay múc nước trong bể. Nhưng cách đi đứng khép nép và cách phục sức nhã nhặn của cô không gợi ý chúng tôi bao giờ.

*

Chúng tôi ở trọ nhà ông Cả đã được ngót hai năm. Tôi thích ở đấy, giữa những người giản dị, và riêng đối với tôi, ông Cả rất có cảm tình.

Anh Hòe là một cậu học trò rất đần và dốt, chậm trí khôn; cùng vào học mà tôi lên lớp nhất, anh mới học lớp nhì. Bởi vậy ông Cả nhờ tôi rèn cặp cho anh ta, và bảo ban thêm. Tôi gắng làm công việc đó một cách chu đáo, nên ông Cả tỏ ý biết ơn. Những lúc nào anh Hòe chậm hiểu bài hay làm tính hỏng, ông Cả thường gắt bảo:

- Mày không xem cậu Bình đấy mà bắt chước. Cậu ấy học sáng bao nhiêu, mà lại chịu khó nữa.

Tôi lặng yên và tìm cớ lánh ra ngoài để anh Hòe khỏi ngượng.

Từ đấy, tôi được gia đình ông Cả trọng vọng và yêu quý. Số tiền trọ trả sòng phẳng, và những quà cáp mà mẹ tôi không bao giờ quên mang đến biếu ông Cả mỗi khi lên thăm con, khiến bà Cả có ý biệt đãi tôi. Tiếng bà dịu đi và trở nên êm ái mỗi khi nói với tôi; khi nào về muộn, bà dành phần riêng cho tôi những món ăn ngon và một mâm cơm tươm tất. Hai bạn tôi ganh tị, thường nói mát:

- Thôi, sắp làm rể bà Cả đi thì vừa. Cho chúng tao ăn cỗ cưới với nhé!

Tôi mỉm cười không trả lời, vừa nghĩ đến cô gái cả bà chủ trọ: cô thiếu nữ ấy không làm tôi có chút ý gì. Mà thật ra, tôi cũng không biết mặt mũi cô ta thế nào cả: tôi chưa bao giờ nhìn kỹ cô ta.

Về cuối tháng tám năm ấy, sau ngày nhập trường ít lâu, một việc xảy đến làm náo loạn các học trò: một thiếu nữ, cô Bích, vào học lớp nhất lẫn với bọn con trai. ở Thái bấy giờ trường con gái chưa có lớp trên, mà cô này đã học hai năm liền ở lớp nhì rồi. Cha mẹ cô không thể gửi cô lên Hà Nội, bèn xin cho cô vào học trường con giai. Sau khi đắn đo mãi, ông đốc trường bằng lòng để cô học lớp nhất. Ngày đầu cô đến trường, bọn học trò thầm thì bàn tán và chỉ tay về phía cô. Ngay thày giáo chúng tôi cũng có vẻ ngượng nghịu. Nhưng chỉ bọn học trò chúng tôi là xôn xao nhất. Chúng tôi không thể quên được có một người con gái lẫn vào trong lớp. Cô Bích lại đẹp và rất có duyên. Tất cả lớp ra công cố sức để bắt chim cô. Những bức thư tình gửi đi như bươm bướm. Chính tôi, tôi cũng yêu thầm nhớ vụng cô ta. Và vì thế mà tôi bắt đầu để ý đến các cô thiếu nữ.

Rất lâu, việc cô Bích vào học là đầu đề câu chuyện trong bữa ăn của chúng tôi. Chúng tôi thuật lại cho nhau nghe những cử chỉ của cô và của những anh mê cô. Anh Hòe cục mịch quá, không biết nói gì về chuyện ấy, nhưng ông Cả, tuy ngày thường rất đạo mạo, cũng thỉnh thoảng tự cho phép một câu nói đùa hóm hỉnh. Ông vuốt hai bên mép râu và nhìn chúng tôi cười một cách tự đắc. Tiếng ồn ào của chúng tôi đến tai bà Cả ở gian bên, và bà cũng chen vào một câu nói:

- Cô ta ở đấy thì học với hành gì được. Không khéo lại tằng tịu với anh nào thôi.

Ngưng một lát, bà lại hỏi đùa:

- Sao cậu Bình không nhân ngãi phăng với cô ta có được không?

Tôi chưa kịp trả lời, hai anh bạn tôi đã nhao nhao lên đáp:

- Có, có đấy ạ. Cô ấy để ý đến anh Bình lắm ạ, vì anh ấy học giỏi nhất lớp.

Tôi toan cãi, nhưng lại thôi, lòng cũng hơi thích vì lời nói ấy. Một lát yên lặng theo sau câu chuyện. Rồi có tiếng thanh và nhỏ của con gái bên kia. Cô Lan nói chuyện với mẹ; tôi lắng tai chú ý, nhưng tiếng nói khẽ quá, không nghe rõ gì cả.

Một hôm giờ ra chơi, anh Ngạc, người bẻm mép và láu chuyện nhất lớp, bỗng tự dưng vỗ vào vai tôi, bảo:

- Sáng nay nhân tình mày ra phố mua sắm cho mày ăn phải không?

Tôi ngơ ngác chưa hiểu Ngạc nói gì, thì anh đã nhìn tôi nháy một bên mắt rất ý nghĩa, tiếp:

- Lại còn vờ mãi. Cô Lan con ông Cả chứ gì!

Rồi hắn quay lưng bỏ đi, để tôi đứng sững người, yên lặng; tôi chưa kịp cãi lại điều gì.

Về đến nhà, tôi thấy trong buồng học, ngay trên bàn về phía tôi ngồi, một đĩa sắn gọt sẵn để đấy. Câu nói của Ngạc trở lại trí nhớ tôi, làm cho tôi ngạc nhiên. Làm sao hắn ta biết được cô Lan mua sắn, và để phần cho tôi? Vừa lúc ấy, anh Chi đi học về, chạy vào. Thấy đĩa quà, anh kêu lên:

- Á sắn! Trông ngon quá.

Không lưỡng lự, anh cầm lấy ăn liền. Cử chỉ ấy khiến tôi khó chịu.

- Anh biết sắn của ai đấy mà cũng ăn?

Chi cầm miếng sắn cắn dở, quay lại phía tôi:

- Không phải sắn của anh à?

- Không. Tôi không biết của ai để đấy.

Nghe thấy tiếng chúng tôi nói, bà Cả ở ngoài sân bước vào:

- Các cậu cứ ăn đi. Sắn của em nó mua phần các cậu đấy.

Khi bà Cả ra rồi, Chi nhìn tôi với một vẻ trêu nghịch, vừa cầm miếng sắn nữa trên đĩa:

- Cô ấy phần riêng anh đấy, chúng tôi ăn có được không?

Bực mình, tôi không trả lời, yên lặng ngồi xuống ghế. Chi không nhìn tôi nữa, và anh cúi mình ăn sắn với một vẻ khoan khoái rất rõ rệt. Tôi nhìn trộm anh ta. Tự nhiên tôi nghi cho Chi và Hoạt đã đặt điều thêu dệt về tôi với các bạn ở trường. Hai anh đều là những người lém và hay bịa chuyện lắm.

*

Từ hôm ấy có những cái săn sóc nho nhỏ tỏ rằng cô Lan chăm chút đến tôi. Đi học về, bao giờ tôi cũng thấy một vài thứ quà dành sẵn, để ngay trên bàn chỗ tôi vẫn ngồi. Có khi một bó hoa tươi cắm trong ống bút. Sách vở ngăn nắp và sạch sẽ khiến cho tôi biết cô Lan có vào buồng học lúc chúng tôi đi vắng. Tuy vậy, tôi cũng không dám chắc hẳn rằng Lan để ý đến tôi; tôi cũng không bao giờ cố ý giáp mặt nàng.

Một buổi chiều, chúng tôi ra vườn đằng sau nhà. Bấy giờ đầu tháng chín, hai cây hồng ở góc vườn trĩu những quả. Anh chị em Lan đang cầm quèo trẩy. Chúng tôi bước lại gần. Anh Chi nói:

- Nào, cô Lan cho chúng tôi mấy quả nào?

Lan lặng yên cầm quèo với một cành cao. Thân thể trẻ tươi và dẻo dang của nàng vươn cong dưới bóng cây, và tấm áo mảnh căng sát để phô hẳn những đường mềm mại. Khi nàng hái chùm quả xuống, Chi và Hoạt xúm lại cướp ngay trên tay nàng những quả ngon. Tôi vẫn đứng riêng ra, và thèm muốn cái vẻ tự nhiên của hai người bạn. Nhưng sau cùng, Lan đến gần bên, đưa cho tôi một quả ngon nhất mà nàng đã giấu trong lúc các bạn tôi tranh. Tôi giơ tay đón lấy và ngón tay tôi chạm vào ngón tay nàng. Lan nói khẽ:

- Anh cầm lấy.

Đôi mắt nàng nhìn tôi, tôi bỗng rung động cả người; đôi mắt nàng phản chiếu một tình yêu mãnh liệt và tha thiết quá. Tôi hiểu ngay rằng nàng yêu tôi. Tự nhiên, một sự cảm động tràn lấn vào người; tôi cũng nhìn lại nàng. Nét mặt của Lan lúc bấy giờ tôi mới biết rõ. Nàng không đẹp, nhưng khuôn mặt dễ coi, và lúc này nàng có một vẻ xinh xắn đáng yêu, một cái duyên tươi thắm và kín đáo. Trước tôi, nàng cúi mặt xuống; một nỗi e thẹn làm ửng hồng hai gò má. Khi nàng quay đi, tôi nhìn theo khen phục cái dáng điệu uyển chuyển của nàng.

Sau buổi ấy, tôi biết chắc chắn ý tứ của nàng đối với tôi. Lan tìm hết cách làm cho tôi vừa lòng. Những sự chăm nom săn sóc riêng của nàng làm tôi tự kiêu. Đôi khi, nàng cố ý tìm cách gặp tôi. Những lúc tôi đi học về, tôi thấy nàng như tình cờ ra đứng ở ngõ. Khi tôi đi qua, nàng khép nép vào bên tường và nhìn tôi mỉm một nụ cười sung sướng. Tôi cũng mỉm cười trả lại nàng; tôi còn trẻ và tình yêu của một cô con gái khiến tôi tự đắc.

Một đêm giữa tháng, tôi ngồi buồn trong buồng học, không biết làm gì. Cả nhà đã đi ngủ, và anh Chi với anh Hoạt đi xem tuồng vắng. Tôi ngồi gần bên cửa sổ trông ra sân. ở ngoài, trăng rằm vằng vặc, tường vôi sáng trắng lên chói lọi. Hai dãy chậu lan cắt bóng xuống mặt sân, và các lá lan đen sẫm lấp lánh ánh trăng cong. Thời khắc rất êm dịu và thú vị. Tôi lặng yên hưởng luồng gió mát của ban đêm.

Bỗng nhiên một bóng người len vào các chậu cây, rồi tôi nghe thấy tiếng nước khẽ rớt xuống. Cô Lan tưới hoa. Tôi nhớ mỗi khi chậu lan có dò hoa nở, ông Cả lại bắt nàng tưới ban đêm. Có khi, khuya lắm, chúng tôi hãy còn nghe thấy tiếng cô ở ngoài vườn. Một ý ham muốn bỗng đến chiếm lấy tâm hồn tôi. Mùi thơm nhẹ và sắc của hoa lan thoang thoảng ở ngoài. Lan vẫn cúi mình trên chậu cây, dường như không biết có tôi bên cạnh. Tuy vậy, tôi đoán rõ sự cảm động của nàng. Tôi đến bên cạnh nàng khẽ gọi:

- Lan, em Lan...

Tôi để tay lên tay nàng. Lan rung động cả người, toàn thân nàng mềm lại. Nàng ngả người trên vai tôi... Tôi biết rằng từ đây Lan sẽ là một vật của tôi, và tôi muốn làm gì nàng cũng được.

Sau độ ấy, tính nết nàng hình như đổi hẳn, hay bây giờ nàng mới biểu lộ cái tính nết thực của nàng ra. Nàng không còn là cô gái lặng lẽ và kín đáo trước kia nữa. Lan nói năng luôn miệng và tiếng cười của nàng vang lên trong nhà; mắt nàng sáng lên, và hơi một chút việc cũng làm cho nàng vui sướng. Bà Cả lấy làm lạ về con và nhiều khi bà định ngăn cản cái vui tràn lan ấy:

- Ôi! Con Lan độ này làm sao ấy. Không biết có gì mà vui vẻ thế.

Hai bạn tôi hình như hiểu biết. Họ thường nhìn tôi với một vẻ trêu nghịch và cười với nhau một cách tùng đảng. Tôi làm lơ như không biết gì.

Ái tình đã khiến Lan thành một người khác. Tâm hồn nàng phô bày ra rõ rệt. Nàng thành ra con trẻ và ngây thơ quá. Nàng tưởng làm tôi vừa lòng bằng những cử chỉ săn sóc âu yếm. Những thức quà liên tiếp nhau trên bàn học, khiến chúng tôi ăn no bỏ cả cơm. (Chỉ béo cho hai anh bạn tôi, họ được hưởng tự nhiên và lại còn có chuyện để chế giễu tôi nữa). Lúc nào nàng cũng nghĩ cách để chiều ý tôi. Những cử chỉ vụng về của nàng khiến tôi vừa cảm động lại vừa ngượng với anh em. Nhưng Lan hình như không nhận thấy.

Một buổi chủ nhật, mấy người bạn đến rủ chúng tôi đi chơi. Vừa đi qua chợ ở đầu phố, bỗng thấy Lan tất tả chạy theo, gọi. Tôi dừng lại, cau mày, không bằng lòng. Nàng trông lên, và lúc bấy giờ hình như mới biết tôi không đi một mình. Hai má đỏ bừng vì thẹn. Lan lúng túng:

- Anh... anh cầm lấy cái này mà ăn.

Nàng giở trong bọc áo mấy bẹ ngô nướng vừa mua ở chợ.

Tiếng cười của các bạn tôi vang lên. Bực mình, tôi đâm gắt:

- Ai bảo cô cho tôi? Tôi không dùng cái của ấy.

Lan sững người, đứng lặng nhìn. Tôi biết tôi đã làm phật ý nàng, nhưng ai lại đem cho quà giữa phố như thế. Anh Chi hỏi lỡm:

- Sao, của chị ấy mua cho mà anh lại chê à?

Họ cười với nhau, rồi Hoạt giới thiệu với mấy người bạn:

- Nhân tình đẹp của anh tôi đấy.

Tôi không trả lời, khó chịu. Lúc về, tôi cố ý tránh nàng, và giữ vẻ mặt giận. Nhưng Lan vẫn trẻ con và vô lý như cũ.

Ngày mồng năm tháng năm, không biết nghĩ thế nào, Lan đưa tặng tôi một bộ bùa bằng vóc nhiễu xanh đỏ. Đó là công trình tỉ mỉ mà nàng đã thức suốt đêm để khâu. Trông thấy vật ấy rõ ràng để trên tập sách của tôi, anh Chi và Hoạt rũ ra mà cười. Họ chuyền tay nhau xem quả đào và quả ớt sặc sỡ ấy, và những câu mỉa mai lại gấp đôi lên. Xấu hổ, tôi giằng lấy và vứt ra ngoài cửa sổ. Cái bùa túi rơi ngay vào rãnh nước.

Chiều đến, khi gặp Lan, tôi thấy nàng nhìn tôi có vẻ âm thầm oán trách. Vừa bực mình cho tôi lại vừa bực mình cho nàng, tôi lặng yên giả vờ lãnh đạm rồi tránh mặt ra chỗ khác.

Ông bà Cả đã bắt đầu nghi ngờ một sự gì. Điều ấy khiến tôi lo ngại. Tôi đã nhiều lần bảo nhỏ Lan phải kín đáo. Nhưng mặc những điều khuyên nhủ cẩn thận của tôi, Lan hình như không thể giữ gìn được. Nàng có một tâm hồn giản dị và quê mùa trong tình yêu. Lan làm quà cho tôi những thức rất buồn cười và vô lý, và tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi không bằng lòng:

- Những thứ ấy em biếu anh, anh không thích ư?

Biết không thể làm nàng hiểu được, tôi chỉ trả lời:

- Tôi không thích cô cho tôi cái gì cả.

Sự yêu mến của tôi với nàng có lẽ Hoạt và Chi đã kể cho nhiều người nghe rồi. ở trường các bạn học nhiều lần đã nói bóng gió xa xôi đến. Câu chuyện cái bùa túi ngày mồng năm họ đã biết. Ngạc, một hôm, tự dưng đến thò tay vạch áo tôi ra, bảo:

- Nào, xem cái bùa túi của mày đâu nào...

Tôi giận dữ gạt hắn ra, quay đi. Ngạc chế với:

- Ê, ê, nhớn thế kia mà còn đeo bùa túi kia!

Những lời chế giễu ấy làm tôi bực tức đến cực điểm. Tôi thầm trách Lan đã gây cho tôi những nỗi khó chịu ấy. Tình yêu mộc mạc của nàng bắt đầu đè nén tôi. Những cách yêu mến săn sóc của nàng chỉ làm tôi bận bịu.

Tôi bắt đầu tìm cớ tránh nàng. Lan, trái lại, càng quấn quýt lấy tôi. Lòng ham mê khiến nàng quên hết cả giữ gìn. Hễ gặp tôi chỗ khuất là nàng nhẩy đến ôm lấy, và tôi khó khăn mới gỡ được ra. Chúng tôi như thế đã suýt bị ông bà Cả bắt gặp mấy lần.

... Những vẻ chế giễu của các bạn học và những câu mỉa mai lại thoáng qua trong trí. Tôi không còn cái yên tâm để sẵn sàng hưởng tình yêu nữa. Tôi vội xa nàng. Lan không hiểu, và những câu trách móc, tuy rất kín đáo, với những giọt nước mắt của Lan mỗi khi thấy tôi thờ ơ, chỉ càng khiến tôi khó chịu thêm.

Một buổi chiều, cả nhà đi ăn cỗ vắng, Hoạt và Chi sang Nam Định chơi. Tôi ở ngoài về thấy mâm cơm chờ sẵn ở nhà với hai đôi đũa và hai cái bát. Lan đứng khuất một chỗ khúc khích cười. Rồi, như con chim non, nhảy nhót chạy ra nắm lấy tay tôi mắng:

- Hôm nay cậu về muộn quá! Cơm nước nguội cả rồi!

Câu trách cợt đùa, nàng cố lấy giọng đứng đắn để giống như lời người vợ trách chồng. Tôi buồn cười, nhưng cau mày không đáp.

Lan nhìn tôi như đứa trẻ dò ý người lớn:

- Gớm, làm gì mà lầm lầm cái mặt thế? Thôi, tôi xin cậu đi.

Nàng bưng miệng cười, mở lồng bàn, rình sự bằng lòng của tôi trước những món ăn khéo làm mà nàng biết là tôi vẫn thích.

Nhưng tôi vẫn không nói. Tôi uể oải vào buồng bên, ngồi sau bàn học giở sách ra coi. Biết nàng đang tiến lại gần, tôi cũng không quay lại.

- Anh Bình sang xơi cơm.

Tôi không đáp, nàng lại mời:

- Mời cậu Bình đi xơi cơm... Xin mời cậu Bình đi xơi cơm ạ!

Tiếng cười nàng giòn giã reo lên sau câu nói ấy. Nàng chạy đến bên định kéo tôi dậy, nhưng nét mặt nghiêm nghị của tôi bắt nàng ngừng im.

Vẻ sững sờ của nàng và sự oán trách buồn rầu ứa trên đôi mắt khiến tôi có ý ái ngại cho nàng, song tôi cũng nói:

- Được, cô cứ để mặc tôi, tôi chưa muốn ăn.

- Kìa, nhưng mà...

- Không, chốc nữa tôi ăn cũng được.

Nàng toan nói, nhưng sau cúi đầu im lặng, nhìn tôi một lần nữa rồi quay ra.

Tôi ăn cơm một mình, ăn rất nhanh, và không để ý đến sự giận dỗi của Lan; xong bữa tôi đi chơi tức khắc.

Ở ngoài phố, tôi gặp Chi và Hoạt bên Nam về, Chi làm bộ ngạc nhiên:

- Kìa sao không ở nhà tự tình?

Hoạt thêm một câu:

- Ông bà đã giận nhau chứ gì?

Rồi cả hai nấc lên cười. Tôi cau mày để đáp lại.

Đêm hôm đó tôi bực mình và trằn trọc không ngủ được. Nghĩ đến tình yêu của Lan đối với tôi, nghĩ đến bữa cơm chiều, tôi hơi lấy làm hối hận, và bởi thế lại càng thấy bực mình thêm.

Sáng hôm sau tôi nghe thấy bà Cả hỏi:

- Lan, mày mệt đấy à?

Tiếng Lan đáp:

- Thưa đẻ không ạ.

Khi Lan ở dưới nhà đi qua sân, tôi thấy nàng mặt rầu rầu, hai mắt quầng thâm, dáng điệu lặng lẽ và chán ngán. Nàng xách cái thùng tưới đến để bên bể nước và hình như cố tình giữ lại trong lòng những tiếng thở dài.

Tôi thấy lòng nao nao vừa bực vừa buồn, như thấy một sự gì êm đẹp đang mất đi mà không còn can đảm giữ lại được nữa.

Từ hôm ấy, Lan lại yên lặng như trước. Nàng ít nói và cũng không hay gặp mặt tôi. Nàng tỏ ra một thái độ đúng mực, lãnh đạm và lúc nào cũng buồn rầu. Sự đó để cho tôi được bình yên, nhưng cũng làm cho tôi phật ý. Tôi tưởng nàng chỉ thế trong ít bữa, chắc có buổi nàng không gan được nữa, sẽ phải tìm đến tôi, sẽ phải hỏi han tôi, và sự chờ đợi cái lúc nàng làm lành với tôi lại càng khiến tôi tức bực trong sự kiêu hãnh.

Cùng ở một nhà, chúng tôi như người xa lạ, và lâu dần, nghĩ đến nàng, tôi thấy lòng dửng dưng. Hơn một tháng trời thỉnh thoảng mới trông thấy nhau, Lan với tôi thản nhiên hỏi nhau hay trả lời những câu không giấu một ý tứ gì thân mật hay hờn giận.

Tôi cũng không để mắt đến dung nhan nàng nữa, và đôi khi tưởng tượng đến chuyện cũ, tôi ngạc nhiên như tìm thấy một tính tình dị kỳ.

Rồi mùa thi tới nơi. Chi, Hoạt và tôi chăm chỉ luyện tập. Sự ganh đua sốt sắng cuối năm là điều quan tâm hoàn toàn của người đi học. ở nhà ông Cả trong những bữa cơm, chỉ nói đến chuyện thi cử và bàn bạc đến những đầu bài khó hay dễ sẽ ra trong kỳ thi này.

Lan bị xóa bỏ hẳn trong đời tôi. Không bao giờ sự lãng quên lại mau chóng như trong tâm trí tôi hồi bấy giờ, và không bao giờ cuộc tình duyên của tuổi thanh niên lại đơn bạc đến như thế. Giữa cô con gái ông chủ nhà cùng với người ở trọ học, hình như không có một tình nghĩa nào cả và cái đêm trăng ân ái trước đây dăm ba tháng chỉ là hình ảnh hờ hững của một giấc mộng thoáng qua.

Hồi ấy kỳ thi cơ thủy chưa mở ở Thái Bình. Tôi cùng các bạn hữu phải sang trường Nam và ở luôn đó bốn ngày để chờ đợi kết quả. Ngày thứ năm tôi trở về Thái với cái mừng được trúng tuyển và tức khắc nghĩ đến sự thu xếp về quê. Anh Hòe, con ông Cả, cũng may mắn như tôi, và hai anh Chi và Hoạt. Tôi để cả tâm trí vào sự vui vẻ của mọi người. Vợ chồng ông chủ làm một bữa cơm sang trọng như bữa tiệc để khao chúng tôi. Cả nhà ngồi ăn trừ cô Lan khó ở từ mấy hôm trước. Tôi hỏi thăm qua quýt lấy lệ và cười nói giảo hoạt nhất nhà. Chi thỉnh thoảng trêu tôi bằng một câu ranh mãnh khác. Một lần, khi rượu ngà ngà say, và nhân thấy Chi đứng làm mối xin cô Lan cho tôi, ông Cả cười thích chí:

- Cái gì chứ cái đó thì được. Nhưng ai lấy con gái tôi thì phải ở gửi rể ba năm.

Tôi "xin vâng" và cười một cách rõ ràng tỏ ra tính cách đùa cợt của câu chuyện.

Tôi không kịp có thì giờ hối hận cho sự tàn ác vô tình có thể thấy trong câu đùa cợt. Tôi cũng không muốn nghĩ rằng Lan lúc đó có thể đau lòng vì tôi. Lan không còn liên lạc với tôi nữa.

Hôm sau tôi từ giã nhà ông chủ, lòng hớn hở tưởng đến sự mừng rỡ của mẹ tôi lúc thấy tôi về. Trong cái thì giờ đi xe từ Thái đến bến Tân Đệ và đợi tầu ở Nam qua, tôi mải nghĩ chuyện nghỉ hè, chuyện lên Hà Nội học ban Thành chung, không một lúc nào có một ý mến tiếc cô thiếu nữ con gái ông Cả.

Khi tàu Nam tới tôi đáp thuyền lên, chọn chỗ cất hành lý và vui vẻ ngó đầu ra trông một lần cuối cái bến tôi vẫn đi về trong mấy năm qua. Hai dãy nhà lá bồng bềnh ở hai con đường quạnh quẽ đang thong thả lùi lại và nhỏ dần. Một sự bâng khuâng nhẹ nhàng dìu tâm hồn người đến những tình cảm man mác, tôi bỗng thấy cả người xúc động vì nhận ra trong bọn người lác đác ở bến một cái xe đỗ vội, và trên xe bước xuống một người con gái ngơ ngác nhìn về phía tôi.

Tầu đã xa hẳn mạn sông. Mặt người trên bến không nhìn rõ. Tuy vậy, tôi không thể lầm được, người thiếu nữ kia chính là con người tội nghiệp đã hờn giận tôi và thương tôi.

Chỉ một lát, bến đò Tân Đệ đã khuất hẳn ven sông. Từ đó, tôi không gặp Lan lần nào nữa.

 

 THẠCH LAM    

(Trích từ tập truyện ngắn Sợi Tóc)