Chàng đứng trước cánh cửa sổ nối liền với hàng rào thép gai bao quanh sân nhà. Nếu chàng mở cánh cửa, một cử động thật ngắn ngủi và dễ dàng, là ngôi nhà của chàng đó. Ánh đèn điện sẽ bừng sáng, cánh cửa đóng kín trước nhà sẽ mở ào ra như một cơn gió, chàng sẽ tìm thấy lại một khuôn mặt kinh ngạc lẫn mừng rỡ của người mẹ chàng và mấy đứa em nhỏ. Nhưng chàng vẫn đứng im, bàn tay nắm chặt chiếc xắc tay nhẹ bổng với một vài bộ áo quần. Chàng nhìn mũi giày của chàng xoay nhè nhẹ trên cát, ở cái thành phố miền biển này, cát trải đầy dưới chân của mọi người khắp nơi và bây giờ, cát bám đầy một màu vàng mù mịt trên đôi giày của chàng.
Bây giờ đêm chưa khuya lắm nhưng ánh đèn đã tắt trong nhà chàng, nhà hàng xóm cũng thế. Xóm này có thói quen đi ngủ sớm, tất cả những cánh cửa đều đã khép kín, bóng tối từ những tàng lá rậm của cây keo tây làm cho khu xóm tối tăm thêm. Chàng mỉm cười nhớ lại ngày xưa chàng vẫn rất ghét cái thói quen đi ngủ sớm của xóm này. Chàng vẫn thường ra ngồi một mình trên tầng cấp trước nhà, nhìn bâng quơ khắp xóm để tìm một khung cửa nào đó còn có ánh đèn, nhưng chàng không bao giờ được hài lòng. Chàng thấy mình thèm một hơi thuốc lá, ánh lửa của que diêm soi mập mờ lên mặt kính đồng hồ cho chàng biết là chàng đã đứng ở đây khá lâu, đứng bất động như một tượng đá. Tay chàng đặt nhẹ lên cánh cửa gỗ, những tiếng kêu gọi nào như nói bên tai chàng, chỉ cần hất cái then cài cửa qua một bên và đi vào sân, chậm rãi bước lên những bậc thềm, gõ tay vào cánh cửa lớn trước nhà. Rồi lắng nghe những tiếng ồn ào xao động dần dần vang rõ từ bên trong, tiếng động của những bước chân chạy vội vã. Có lẽ chàng sẽ tìm thấy cảnh tượng của gia đình giống đúc như hồi chàng còn ở nhà. Người mẹ chàng với thân hình mập mạp sẽ tất tả chạy ra, đứa em gái của chàng có đôi mắt thật to và chiếc cổ dài như một con hươu cao cổ, đứa em trai út ốm tong teo với cặp giò dài như ống tre, vừa dụi mắt vừa la hét ầm ĩ.
Cánh cửa mở ra thật dễ dàng, một tiếng động thật nhỏ nhoi gần như mơ hồ trong đêm, nhưng sẽ mở ra biết bao nụ cười náo nhiệt. Chàng bồn chồn thầm nghĩ không biết gian phòng khách của căn nhà có còn bày biện như xưa không, cánh cửa sổ có còn được giăng bằng bức màn vải màu xanh, dưới tấm kính trong veo trên chiếc bàn có còn đặt tấm hình chụp chàng hồi nhỏ đang ngồi chễm chệ trên một con ngựa đá. Chàng cũng nhớ đến căn phòng nhỏ riêng tư của chàng, tối tăm và đầy những mạng nhện, sách báo vứt bừa bãi trong các xó xỉnh bây giờ chắc đã làm thức ăn cho bấy mối, trên tường tấm lịch xưa cũ màu đỏ có bức tranh một bầy ngựa bạch đang soãi vó trên cánh đồng xanh. Rồi căn phòng cuối cùng mái lợp tôn là nhà bếp, chàng vẫn thường xuống đó để nhìn cô em gái của chàng lúi húi vo gạo nấu cơm. Hồi nhỏ chàng thích ăn mặn có tiếng nên thường lén xuống bếp bỏ thêm muối hay nước mắm vào những món ăn đang sôi trên bếp lửa. Chàng nhớ nhiều nhất đến cánh cửa nhỏ sau cùng hết của căn nhà, ăn thông ra một con ngõ tối, cánh cửa mà chàng nắm hết những bí mật mở ra và đóng kín lại thật nhẹ nhàng để đêm đêm có ít tiền trong túi, chàng một mình mở cửa đi ra khỏi nhà, la cà ở những tiệm cà phê, những quán nước ngoài bãi biển, tiệm bi da cho đến gần sáng mới trở về mà trong nhà không ai hay biết.
Bây giờ nếu chàng muốn biết những điều đó có thay đổi gì không, chàng chỉ việc mở cánh cửa là tìm lại tất cả. Không khí nhỏ bé ấm áp của gia đình, những đồ vật thân thuộc gần như những người, khuôn mặt yêu dấu của người mẹ và bầy em. Tất cả. Tất cả từ một cử động nhỏ. Nhưng tiếng động ấy đã không vang lên một cách hồn nhiên, bàn tay đã lệ thuộc vào sự nghĩ ngợi của trí óc. Và những gì dính dấp đến trí óc thật là kinh khủng, chúng làm chàng phải chọn lựa. Chàng đứng bất động trong cảm giác băn khoăn do dự thật vô lý nhưng chàng không thể nào xua đuổi nổi.
*
Cách đây đã lâu chàng có về nhà một lần. Gia đình thật vui vẻ và náo nhiệt trong một vài ngày đầu. Những đứa em bao quanh lấy chàng và chàng cho chúng những món đồ lặt vặt như sách báo trẻ em, cặp da, một bộ sưu tập tem quốc tế cho đứa em trai và một xấp vải áo cho cô em gái. Người mẹ hỏi han chàng đôi chút về những ngày chàng ở xa đây, chuyện học hành sinh sống. Bà trách chàng về cái tật làm biếng viết thư về cho gia đình. Mỗi khi nghe thành phố chàng ở bị pháo kích hay khủng bố, bà phải vội vàng mua báo để dò tên chàng trong danh sách những nạn nhân, nhưng dĩ nhiên là không bao giờ có tên chàng cả. Bữa cơm đầu tiên dưới mái nhà thật ngon lành, món cá ngừ kho với nhiều ớt chín thơm phức, dĩa thịt bò tái có nhiều rau sống và nước tương, tô canh thơm cá hồng ngọt lịm, dĩa cà muối và rau muống luộc tươi xanh, ly bia mát lạnh trong miệng. Người mẹ hỏi chàng ăn uống ra sao khi xa nhà, chàng trả lời rằng chàng ăn sơ sài cho qua bữa, dĩa cơm gì đó với ly trà đá ở quán cóc bên đường. Người mẹ lắc đầu nói hèn gì trông chàng ngày càng ốm yếu hẳn đi, nhưng những đứa em nói rằng chúng rất khoái được ăn cơm ở những quán bên đường, chúng cũng đòi chàng kể cho chúng nghe về những chuyện ở thành phố đầy đặc xe hơi bóng loáng và nhà cửa đồ sộ.
Sau bữa cơm, cả nhà đều đi ngủ trưa ngoại trừ chàng. Chàng nằm dài trên chiếc ghế bành, mắt mở thao láo nhìn quanh khắp căn nhà, quan sát tò mò những đồ vật tầm thường nhất, như bàn ghế, chiếc bình hoa, chiếc vỏ ốc dùng để gạt tàn thuốc. Chàng hút một điếu thuốc lá có mùi là lạ, khác với thứ thuốc chàng hay hút. Người mẹ vừa đưa tiền cho đứa em chàng mua mười bao thuốc lá đủ hiệu, Winston, Montclair, Philip Morris, Chesterfield, Lucky gì đó cũng được, toàn là những thứ chàng ít thích hút nhưng bây giờ mùi vị lạ khác nhau của từng loại thuốc làm chàng thích thú.
Chàng nhấp nháp một ly rượu nhẹ, ngẫm nghĩ đến những ngày chàng ở xa đây, những ngày tháng toàn là rong chơi vui đùa, quay cuồng, no đói thất thường và đôi khi buồn chán đến chết được. Cứ thế chàng nằm duỗi dài người cho đến chiều tối, hay chập chờn trôi vào một giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê. Trong căn phòng vắng lặng, chỉ có tiếng quạt máy quay nhè nhẹ, tiếng đàn dồn dập của một nhạc công tây ban cầm danh tiếng trong những nhạc điệu lãng mạn, từ chiếc máy hát nhỏ. Chàng cảm thấy mình lâng lâng sung sướng như một thi sĩ đầu bạc trắng đã gạt bỏ hết mọi chuyện đời.
Một vài ngày nhàn hạ tiếp theo, rồi không khí của gia đình không còn thanh thản như chàng mơ ước. Người mẹ bận rộn suốt ngày, tất tả đi qua đi lại nhà hàng xóm trong những vụ hụi hè, mượn tiền, cho vay. Nhà chàng tấp nập những con bạc đến vay nợ, trả tiền, đôi khi có người khênh cả tủ lạnh hay máy hát đến cầm thế. Phần đông con bạc là những cô gái lấy Mỹ ở trong xóm, những gã lính Mỹ thường bận công tác xa nhà nên các cô nàng có đủ thì giờ rộng rãi chui đầu vào sòng bạc suốt ngày đêm.
Chàng không muốn nhưng vẫn nhìn thấy hoạt cảnh quay cuồng xảy ra thường trực trong nhà. Người mẹ mặc cả kỳ kèo từng đồng bạc với khách, giận dữ la ó, cằn nhằn đủ chuyện mỗi khi có con bạc nào đó không trả nợ đúng kỳ hạn. Bữa cơm ngột ngạt không còn làm chàng ngon miệng, hai đứa em sợ hãi ăn từng miếng một, chàng ngồi lặng lẽ câm như miệng hến. Chàng biết người mẹ sẽ tìm đủ cớ để trách la mọi người cho hả giận. Bà mắng hai đứa em về những lý do mơ hồ nào đó, rồi cau có quay sang chàng:
"Tiền bạc càng ngày càng khó kiếm, không đủ chi tiêu trong gia đình. Con không lo học hành cho chóng xong, không tìm công việc gì làm kiếm tiền sống tự túc. Mẹ đã tốn kém biết bao vì con từ khi con nhỏ cho đến bây giờ".
Chàng im lặng. Người mẹ bỏ chén cơm không buồn ăn, bà tiếp tục:
"Con trai lớn mà không giúp đỡ gì cho gia đình được cả, ở nhà thì cứ tiêu hoang, xa nhà đã lâu mà cũng không khá được gì. Con không noi gương tụi thằng Hai, thằng Dũng con bà Bảy, chúng đi làm sở Mỹ kiếm mỗi tháng cả mấy chục ngàn, chạy áp phe dư tiền nuôi cha mẹ, nuôi em. Con phải biết "liệu cơm gắp mắm" chứ, nhà đâu có đủ tiền cho con ăn học suốt đời, phải biết tùy thời mà xoay sở, học hành coi bộ sau này cũng không làm gì được thì phải lo kiếm nghề ngỗng làm có tiền nuôi thân và nuôi gia đình, mẹ đâu có đủ sức nuôi con mãi đâu..."
Chàng cảm thấy miếng cơm đắng nghét trong miệng, chàng hớp vội một miếng nước. Những đứa em chàng đã ăn xong vội vàng, chúng đang lo sửa soạn sách vở đi học. Người mẹ uống một ly bia, mặt bà đỏ gay và lấm tấm mồ hôi. Bà vẫn chưa chấm dứt bản điệp khúc của bà:
" Mẹ đã lớn tuổi rồi, sợ không đủ sức nuôi mấy em được nữa. Những người bằng tuổi mẹ đáng lẽ là nghỉ ngơi rồi, thế mà mẹ vẫn suốt ngày quần quật làm ăn. Hồi trước ai cũng trông đợi, đặt hy vọng vào nơi con cả, mong con sớm làm ăn nuôi gia đình. Bây giờ không thấy con lo lắng gì cho gia đình cả, con cứ sống lông bông ở đâu đó, thỉnh thoảng về nhà một lần rồi lại đi. Con không cần biết gì về gia đình cả..."
Người mẹ đưa tay lên chùi mắt:
"Con không biết thương ai cả. Hồi còn nhỏ mẹ khổ sở biết mấy vì con, giờ con càng ngày càng có vẻ thờ ơ, sống trong gia đình mà cứ như một khách lạ".
Chàng rời khỏi bàn ăn. Không khí ngột ngạt khó thở làm chàng nóng nực, mồ hôi trong ngực áo và trên mặt chàng thấm ướt. Chàng muốn nốc hết một chai rượu mạnh để được ngủ vùi trong mồ hôi, hơi rượu và cơn mê mệt. Chàng ao ước được đứng trên bãi biển, nhảy ào xuống mặt nước xanh ngát bao la, để trôi thân thể trong dòng nước mát lạnh, không nghĩ ngợi không ưu phiền vì một điều gì cả. Chỉ man mác trong tâm hồn một ý nghĩ là trên đời chỉ còn chàng và biển.
Đối với đời sống hoang đàng của chàng, no đủ hay đói khổ thật vô nghĩa. Chàng chỉ sợ hãi những lời trách móc và đôi mắt phiền muộn của một ai nhìn chàng. Chàng cảm thấy lúng túng và xấu hổ khi có ai đó đặt nhiều hy vọng vào chàng, như mẹ chàng chẳng hạn.
Chàng trở về để tìm lại một ít không khí dễ chịu. Một ngọn đèn vàng trong đêm mưa, căn nhà nhỏ vang vang tiếng học bài của bầy em nhỏ, bàn tay đan chiếc áo ấm mùa đông và đôi mắt âu yếm nhìn các con của người mẹ. Chàng sẽ sung sướng biết bao khi được đắm mình trong thế giới nhỏ nhắn nhưng tươi đẹp như một trái dâu tươi ấy, nhìn thấy hạnh phúc của những người thân của mình và từ đó cảm thấy mỗi thời khắc đều đẹp đẽ tràn đầy như biển cả.
Và chàng lại ra đi vì những điều không nồng nàn, không tươi mát, không êm đềm, những điều trái ngược hẳn với biển cả yêu dấu của chàng.
*
Bây giờ chàng vẫn còn đứng trước cổng nhà, bàn tay đã thôi đặt trên cánh cửa, bàn tay kia nắm chặt lấy chiếc xắc tay. Đêm khuya dần, trời khuya như thế này hút thuốc ngon biết mất nhưng bao thuốc của chàng đã hết. Không khí mang theo nhiều cát và mùi vị mặn của gió biển.
Tiếng chó sủa bỗng vang lên khi có một đám người đàn bà lầm lũi đi ra từ trong một ngõ tối.
Chàng nhìn thấy loáng thoáng vài khuôn mặt tái nhợt, mặt mũi như những bóng ma và bắt gặp một mùi nước hoa rẻ tiền. Chàng biết họ vừa từ sòng bạc nhà bà Tư già chui ra, nhưng không hiểu sao đêm nay họ lại về nhà sớm thế, mọi khi những con bạc vẫn đánh cho đến sáng. Một người đàn bà bỗng dừng lại nhìn chàng chăm chú, nàng mặc chiếc áo ngủ màu hồng có nhiều nếp nhăn và mái tóc xô lệch. Chàng nhận ra một vài nét quen thuộc nhưng vẫn không biết là ai cho đến khi người đàn bà kêu lên kinh ngạc và gọi đúng tên chàng:
- Trời ơi! Cậu về hồi nào vậy?
- Chị Ngọc phải không?
- Tôi đây chứ còn ai nữa, bộ tôi bây giờ già lắm hay sao mà cậu không nhận ra?
- Đâu có, tại trời tối quá. Chị vẫn thường luôn chứ?
Người đàn bà uể oải gật đầu, nàng lấy bao thuốc lá từ trong ngực áo, gắn một điếu lên môi và mời chàng một điếu. Trong bóng tối bây giờ có một chút khói xanh.
- Chị bữa nay cũng ghiền hút thuốc rồi, ông chồng chị không cấm sao?
- Còn đâu nữa mà cấm. Anh ấy chết trận rồi.
- Chết? sao vậy?
- Chết là chết chứ biết tại sao. Mà không chết cũng vậy thôi. Tôi và anh ấy bỏ nhau lâu rồi... Hồi đó tôi đen quá, đánh đâu thua đấy, đồ đạc trong nhà đem đi bán sạch trơn, có được căn nhà cũng đem cầm. Cậu xem tôi có trẻ đẹp gì đâu, chẳng qua là có tiền mới giữ được anh ấy, chừng hết tiền rồi là anh ấy bỏ tôi lập tức...
Người đàn bà thở một hơi khói, đôi môi nàng khô ran khi chép miệng thở dài:
- Anh ấy sống với một con khác được đâu chừng vài tháng rồi chết, đi hành quân bị phục kích ở gần cầu Bà Di đó cậu. Chết cũng đáng đời, nhưng đôi khi nhớ lại cũng thấy thương phải không cậu?
Chàng không nói gì. Người đàn bà nhìn chàng từ đầu đến chân rồi, nói:
- Cậu về má cậu biết chưa? Trời ơi! Sao áo quần còn để đây, sao không chạy vào kêu cửa cho bà ấy biết? Bà thấy cậu về chắc bà mừng lắm.
- Mấy bữa nay chị có thường gặp má tôi không?
- Gặp hoài. Hồi trưa tôi mới đến bà chuộc mấy món đồ, bà có mời tôi ở lại ăn cơm. Bà lúc này làm ăn coi bộ kẹt cậu à, vài đứa con nợ trốn biệt tích. Bà có vẻ buồn, cậu về chắc bà vui lắm. Để tôi chạy vào kêu bà nghe.
Chàng hốt hoảng ngăn người đàn bà lại:
- Đừng, chị Ngọc. Làm gì gấp vậy, đứng đây nói chuyện chơi một chút đã... Lâu nay chị có gặp Phượng không?
Người đàn bà nheo mắt nhìn chàng tỏ vẻ đùa cợt:
- Chưa gì đã hỏi thăm "người xưa" rồi. Con Phượng lúc này bê bối lắm. Thằng Mỹ già bỏ nó rồi, cờ bạc, nghiện rượu quanh năm ai mà chịu được. Nó bây giờ bán ở cái bar gì đó ở bãi biển, nhưng coi bộ xác xơ lắm, tiền làm ra có được bao nhiêu mà tiêu như nước.
Người đàn bà nói nhỏ lại:
- Con Phượng có kể cho tôi nghe về cậu...
- Thôi dẹp chuyện ấy qua một bên đi. Chị còn thuốc lá không, tôi xin một điếu.
Người đàn bà châm lửa cho chàng. Khi đốm ánh sáng nhỏ lóe lên, người đàn bà nói sao độ này chàng xanh xao quá. Chàng lặng yên hút thuốc, không nói lời nào trong một khoảng thời gian lâu nên người đàn bà tỏ ý muốn chào chàng va ra về.
- Chị Ngọc, tôi nhờ chị một điều này. Chị đừng nói cho má tôi biết tôi có về nhà nghe.
- Sao kỳ cục vậy?
- Chị đừng hỏi, tôi cũng không biết trả lời sao cả. Chị cứ hứa với tôi đi, sáng mai chị đừng cho ai biết đêm qua tôi có về, sáng mai là tôi đón xe đi thật sớm, thật xa đây rồi. Chị hứa với tôi một lần đi, chị Ngọc.
Người đàn bà ngơ ngác và hơi buồn rầu. Nàng vứt mẩu thuốc lá đi xa, nàng nói những lời gì đó với chàng nhưng chàng không nghe gì cả, tai chàng lùng bùng với những tiếng động khó chịu. Sau cùng người đàn bà cũng hứa sẽ giữ kín chuyện chàng trở về, nàng đưa cho chàng hết cả bao thuốc lá rồi bỏ đi, bóng nàng xa dần trong đêm tối. Tiếng chó sủa lại vang lên nghe rờn rợn rồi nhỏ lại, gầm gừ vài tiếng và mất hẳn.
Bỗng chàng nghe tiếng chó sủa dữ dội hơn, văng vẳng từ đàng xa tiếng rao hàng của một bà già bán hột vịt lộn. Chàng nắm chặt lấy chiếc xắc tay, quả quyết bỏ đi. Chàng nhớ lại mẹ chàng có thói quen ăn hàng đêm, dù ngủ say đến đâu mà chợt nghe tiếng rao hàng của những bà bán bún bò, hột vịt lộn là bà đánh thức cả nhà dậy để kêu ăn rồi mới ngủ lại.
Một ý tưởng thật buồn cười chợt đến với chàng. Chàng nhìn những dấu chân của chàng lún từng vết trên bãi cát lầy lội và nghĩ rằng sớm mai, những đứa em chàng khi mở cổng đi học, sẽ nhìn thấy những dấu chân và đoán được chàng có về nhà đêm qua. Ý tưởng thật trẻ con và vô lý nhưng chàng không xua đuổi nổi, chàng vội vàng dùng đế giày xóa tan những dấu chân, và cẩn thận đá văng tung tóe những mẩu tàn thuốc rơi đầy quanh chỗ chàng đứng. Chàng vội vã bỏ đi nhanh vào con ngõ hẻm ăn thông ra đường lớn. Tiếng chó của nhà hàng xóm hai bên ngõ hẹp sủa vang thật dễ sợ khi bóng chàng lầm lũi đi qua.
Khi đi được một quãng đã xa, chàng yên tâm quay đầu nhìn lại mái nhà mà suýt nữa bây giờ chàng đang yên ấm nằm bên trong. Ánh đèn vàng bùng lên trong căn nhà và một cánh cửa sổ mở ra cho thấy bóng dáng nhấp nhô của một vài người. Chàng cảm thấy tim mình nhói đau đến nỗi muốn quỵ xuống, nắm úp mặt mãi mãi trên bãi cát này. Chàng ước ao được trở thanh một cậu bé con lên năm để có thể khóc òa và giậm chân giận dỗi suốt đêm. Cát dưới chân chàng quấn quýt làm những bước đi chậm lại.
Một chiếc xích lô đạp dừng lại. Lão già đưa mắt nhìn chàng dò hỏi.
- Bác có biết một phòng ngủ nào rả tiền chở tôi đến đó.
Lão già gật đầu. Chiếc xe lăn bánh chậm rãi trên con đường đêm không một ngọn đèn. Gió biển càng thổi mạnh và chàng nhìn thấy bãi biển và hàng dương liễu đàng xa dần dần tiến lại gần.
- Bác định chở tôi đi đâu đó?
- Ở bãi biển mới có một khách sạn mới cất, chắc bây giờ ở đó còn có phòng trống.
Chàng hốt hoảng ngăn lão già:
- Bác quanh đầu xe trở lại đi. Kiếm cho tôi một khách sạn nào ở phố, càng xa bãi biển càng tốt, đắt rẻ gì cũng được.
Lão già ngơ ngác không hiểu gì cả rồi cũng quay đầu xe trở lại. Lão già làm sao hiểu được, chàng sợ hãi biết bao tiếng sóng biển. Những đêm buồn và cô độc như thế này nghe mãi bên tai tiếng sóng âm u buồn thảm không bao giờ dứt, chàng làm sao chịu nổi. Chàng ngồi dựa người trên nệm xe, nhắm mắt lại để tưởng tượng như nằm trên chiếc giường quen thuộc trong nhà. Nhưng chàng giật mình mở mắt ra, vì tiếng nhạc ồn ào và tiếng cười đùa của những gái giang hồ vang lên từ những quán rượu nằm sát bên nhau.
Chàng mỉm cười nhớ lại mình đã nhanh trí xóa dấu chân trên cát. Sớm mai, những đứa em của chàng sẽ vô tư đi học như thường lệ, mẹ chàng sẽ bận rộn với tiền bạc như thường lệ. Người đàn bà tên Ngọc có lẽ sẽ giữ lời hứa với chàng, và như thế là ở cái thành phố mà ngày xưa chàng vẫn gọi đùa là "thành phố thân yêu của tôi", không ai biết chàng đã trở về đêm qua.
Chỉ có bãi cát là nhớ rõ những dấu chân chàng. Nhưng im lặng muôn đời là thói quen đáng yêu của những hạt cát.
1969
HOÀNG NGỌC TUẤN
(Trích từ tập truyện ngắn Cô Bé Treo Mùng, nxb Trí Đăng 1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét