Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

DIỆP XƯA - Tôn Nữ Thu Dung

 

Anh chàng tên Diệp, Vũ Khuynh Diệp, nhưng khi viết thư cho tôi, lá thư làm quen ngớ ngẩn, anh chàng chỉ ký Vũ Khuynh và vẽ thêm một chiếc lá. Vì vậy tôi ngỡ tên Khuynh, và về sau tôi cứ thích gọi là Khuynh, anh chàng đồng ý. Khuynh lừng khừng vào bậc nhất thiên hạ. Lần đầu nhận được thư Khuynh, tôi đã không ngớt rủa thầm thằng cha hắc ám. Cái thư như thế này:

"Tiểu Di.

Nguyễn P. Tiểu Di, cái tên hay quá. Đó là một bút hiệu phải không. Cô mười bảy tuổi? Cách đây mười bảy năm chưa hề có đấng cha mẹ nào nghĩ ra một cái tên hay đến lắm vậy, để làm chùng lòng tôi đến lắm vậy... cô tha lỗi, tôi viết thư này chẳng phải để xin xỏ một tình bạn đâu mà tôi muốn xin chẳng ai có để cho... Đừng nghĩ rằng tôi đường đột, tôi đề nghị điều này hy vọng cô chấp thuận: cô bằng lòng làm người trong mộng của tôi?

Tôi đang xây dựng một truyện dài, trong đó có một nhân vật dễ thương - Tiểu Di - cô bé vừa mười bảy tuổi (cái tên Tiểu Di tôi đã chọn từ lâu, bất ngờ hôm nay lại được đọc cái tên này trên báo, dưới những bài thơ ngọt ngào. Tôi không ngờ Tiểu Di của tôi có thật, và sống trong thành phố này, gần tôi).

Tiểu Di, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một liên hệ nào dù nhỏ nhoi trong tiềm thức. Viết thư cho tôi ngay đi, tôi chờ từ bây giờ, từng giây, từng phút...

VŨ KHUYNH".       

Tôi cười khì, cầm cái thư phóng xuống nhà cho mọi người xem. Bà chị tôi góp ý kiến:

- "Nên gởi thư cho hắn. Biết đâu sau này hắn sẽ đi vào văn học sử nhờ Tiểu Di."

Thằng em kế điềm đạm hơn, thong thả ngắm nghía lá thư cẩn thận, phán một câu:

- "Đừng đùa với... ái tình".

Tôi cốc mạnh vào đầu nó:

- "Ái tình cái con khỉ!"

Nghe lời bà chị, tôi viết thư cho Khuynh, với tính bướng bỉnh sẵn có, cộng thêm một tí kiêu hãnh, một tí đùa cợt, tôi trả lời hắn.

"Ông Khuynh.

Tôi là Di, Nguyễn P. Tiểu Di. Đó là tên trong khai sinh, do cha mẹ đặt, chẳng phải là bút hiệu, bút tiệm gì cả. Tại sao lại cần bút hiệu? Tôi biết làm thơ, điều ấy đáng hãnh diện lắm chứ. Vậy tội chi mà chẳng đề tên thật cho thiên hạ biết? Ông đoán sai tất cả... Tôi 16 tuổi và không bao giờ muốn làm người trong mộng của ông đâu. Trong mộng thì mong manh hư ảo quá mà tôi thì chỉ thích những gì có thật bền vững, lâu dài.

Ông Khuynh, tôi hy vọng mai kia sẽ được đọc tác phẩm của ông, có một cô bé Tiểu Di nào đó chỉ trùng với tôi có mỗi một cái tên, còn hình dáng tính tình thì hoàn toàn khác hẳn. Tôi cũng nghĩ rằng ta chẳng có liên hệ nào trong tiềm thức gì gì đâu... vì cái tên ông kỳ lạ quá, tôi chưa hề nghĩ đến lần nào. Khuynh, Khuynh là cái gì nhỉ? Tại soa ông không tên Nghiêng, tên Xiêu, tên Đổ? Hy vọng ông không bực mình khi đọc thư tôi.

TIỂU DI"         

Thư gởi đi hồi nào tôi cũng quên, hình như tôi không hề mong thư trả lời của Khuynh. Nhưng đôi lúc, bắt gặp lá thư cũ nằm trong ngăn kéo, tôi lại tức anh chàng vô cùng. Không ai có quyền giam thư tôi cho dầu tôi viết có ngang tàng, bướng bỉnh, bất lịch sự đến đâu đi nữa... tôi quý những chữ viết ra bởi tâm trí mình. Khuynh là cái thớ gì? Để coi...

Nhưng rồi chiều nay, tôi nhận được thư Khuynh. Cũng dòng chữ lêu nghêu cao ốm, cũng cây bic gần hết mực và cũng những câu kỳ lạ...

"Tiểu Di.

Không ngờ Di lại viết thư cho tôi, bất ngờ quá, cảm động quá, Di ạ! Di ạ!

Tiểu Di giống Tiểu Di (của tôi) như hệt, cũng bướng bỉnh, cũng kiêu hãnh, cũng dễ thương... sao trùng hợp kỳ lạ vậy Tiểu Di?

Tôi tên Diệp, Vũ Khuynh Diệp. Cây khuynh diệp cao lêu nghêu trên con đường Lê Thánh Tôn đó, những buổi học về, Tiểu Di có thấy? Nhưng bây giờ tôi là Vũ Khuynh. Tên này cứng cáp, có vẻ con trai hơn nhiều chứ tên Diệp thì mỏng manh như... lá, Tiểu Di nhỉ?

Gọi tôi là Khuynh anh Khuynh Di nhé! Tôi mến Di mất rồi, cô bé bướng bỉnh của tôi, có phải chúng ta đã quen thuộc với nhau từ lâu lắm.

KHUYNH".         

Không! Tôi muốn nói to lên như vậy. Tôi sợ gửi thư cho những người không quen biết. Bạn bè tôi đông đảo quá thì tôi cần chi một người bạn nữa...

Và tôi im luôn. Nhốt thư hắn vào một chiếc hộp có khóa, tưởng vậy là xong.

Ai ngờ hắn tìm đến. Nghe tiếng chuông reo, ngỡ là bạn Triệu tôi ra mở cửa. Hắn nhìn tôi một giây, đột ngột buông từng tiếng nghe như thầy giáo điểm danh:

- Nguyễn P. Tiểu Di...

Tôi ngẩn người, hắn chỉ vào bảng tên thêu trên túi áo, vỏn vẹn hai chữ Vũ Khuynh.

- "Ơ hay".

- "Không có gì đáng ngạc nhiên cả, Di. Áo nay mới thêu xong hồi sáng".

Vô duyên, thêu xong hồi nào thì kệ hắn chứ. Tôi chỉ ngạc nhiên vì hắn đoán được tôi thôi. Nghĩ vậy nhưng tôi không nói ra, lặng lẽ quan sát hắn. Đôi mắt hắn ngước lên nhìn những đám trúc đào nở rộ, đột ngột hắn reo lên, mừng rỡ như bắt gặp một thứ gì trân quý nhất trên đời:

- "Trời ơi, hoàng anh".

Mắt hắn dán vào đám hoàng anh leo ngang khung cửa, giọng dồn dập reo vui:

- "Di biết không? Hoàng anh là loài hoa tôi yêu nhất. Nó là công chúa của các thứ hoa."

- "Ô, vậy là giống nhau. Tôi cũng thích hoàng anh lắm."

Khuynh lan man kể về hoàng anh, kể về một thời nhỏ dại ở quê nhà có toàn màu hoa thân thiết, về những đam mê bất nhất của tuổi lớn khôn. Tôi nghe, và khen thầm tên này có khoa ăn nói. Mãi đến khi bóng tối úp chụp xuống mảnh vườn, hắn mới nhắc đến chuyện về.

- "Đáng lẽ tôi chưa tìm đến Di, nhưng..."

- "Nhưng sao?"

- "Mai tôi đi rồi... Lam Sơn đang chờ, nói bây giờ có muộn không Di?"

- "Không, đối với tôi sớm hay muộn cũng chẳng hề gì..."

Hắn dắt xe ra cửa, môi cười tươi:

- Đúng vậy, Tiểu Di, có những thứ không bao giờ muộn cả. Ví dụ như... tình cảm. Aurevoir".

Tôi vẫn thấy hắn rõ ràng trong óc khi vô tình nhìn lên dàn hoàng anh trước nhà. Cặp mắt hắn khi nào cũng ngơ ngơ xa lạ và giọng nói thì rộn rã mang âm hưởng của loài se sẻ không khi nào biết đến buồn đau. Cái thư đầu tiên từ ngày hắn vào Lam Sơn đến tay cùng với báo đăng tên những tân binh tử nạn. Tên Vũ Khuynh Diệp không nổi bật trong trang giấy lớn mà Diệp cũng đâu có cần gì khi đã nhắm mắt xuôi tay... cái chết dễ dàng, phải không Diệp? Bỏ lại nhân vật Tiểu Di thật cũng chưa đủ thân thiết lắm để nhỏ vài giọt nước mắt xót thương. Nghe tin, ngậm ngùi một chút, nhìn lên dàn hoàng anh, bóng Diệp đâu có hiện về.

"Chiều đến vành khuyên quên giấc ngủ bay về khung cửa hoàng anh xưa..." Hai câu thơ Diệp gởi theo tờ thư cuối có lẽ Diệp bây giờ đã hóa thân thành một loài vành khuyên. Chiều chiều bay về hót rộn ràng trên những chùm hoàng anh mộng tưởng.


TÔN NỮ THU DUNG      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 110, tuần lễ từ 12-7 đến 19-7-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét