Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

CUỐI CÙNG NHƯ NÀNG MUỐN - Hoàng Ngọc Tuấn


 
Phần 1

Tôi biết có người sẽ cho rằng câu chuyện dưới đây có tính cách hài hước và giả tưởng. Nhưng tôi cũng chẳng biết làm sao để cãi lại điều trên mặc dù tôi không hề tin như thế. Chỉ còn cách là tôi xin đi trở lại từ đoạn đầu, dầu dĩ nhiên là riêng tôi đã đi đến đoạn cuối.

Một hôm mẹ tôi đánh điện tín lên Saigon gọi tôi về gấp, chỉ vài giòng chữ ngắn ngủi, bà không muốn nói rõ lý do dông dài vì sợ tốn nhiều tiền cước phí. Và cũng chính nhờ sự lửng lơ đó làm tôi hoang mang, lo âu. Tôi vội mua vé xe đò về Cần Thơ ngay ngày hôm sau.

Về đến nhà điều tôi sợ hãi nhất là nhìn thấy mẹ tôi nằm đau yếu. Nhưng rất may là không phải. Bà vẫn mập mạp, khỏe mạnh, nói cười mừng rỡ khi gặp lại tôi. Sau khi tắm rửa xong xuôi tôi được bà đãi một bữa cơm ngon lành có canh chua đầu cá lóc đặc biệt của miền Lục tỉnh và còn thịt bò nhúng giấm rau sống bánh tráng nữa. Chưa hết, thêm một chai bia lạnh và một bao thuốc lá hợp "gu" của tôi. Tôi thưởng thức ngon miệng nhưng hơi e dè, tôi biết bà sắp sửa thuyết phục tôi điều gì.
 
Và tôi đoán không sai, bà mở đầu một cách nhẹ nhàng: 
 
- Con à, má muốn...
 
Rồi điều tôi ngán nhất xảy đến, bà tiếp tục : vẫn dịu dàng nhưng giọng bà chắc nịch như đã sửa soạn kỹ càng: 
 
- Má kêu con về đây gấp, là má muốn... con lấy vợ. 
 
Tôi đoán ngay được những câu sau: 
 
... Má cũng đã già rồi mà chưa có cháu bồng cho vui. Má muốn con yên bề gia thất trước khi má nhắm mắt. Con là con trai trưởng trong nhà, lại đâu còn nhỏ nhít gì. Để má coi, tuổi con Đinh Hợi... Tí, Sửu, Dần, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi... con năm nay đã hai mươi lăm rồi, ngày xưa tuổi đó là...
 
Tôi nói: 
 
- Má cho con xin thêm chai bia nữa được không má? 
 
Bà vui vẻ : 
 
- Ồ... Thiếu gì, con uống bao nhiêu cũng có. Bữa nay là ngày vui mà, má thấy con bằng lòng là má... 
 
Tôi rất buồn phải chặn đứng niềm vui của bà lại : 
 
- Không... khi còn tỉnh táo là con không bao giờ dám cãi lại má. Nên bây giờ con muốn say mèm, để nói với má rằng... 
 
Bà cũng đoán được câu nói tiếp theo của tôi vì mẹ con tôi thuộc vào hạng người thông minh. Bà giận dữ đứng phắt dậy, mạnh tay dọn dẹp chén dĩa kêu loảng xoảng thật khó chịu. Giọng nói của bà trở lại đúng âm điệu tôi thường nghe vào lúc tôi mười bẩy tuổi hay bị ăn đòn. 
 
- Mới bây lớn mà đã hút sách, rượu chè. Nói cái gì cũng không biết nghe thiệt là hư thân mất nết... 
 
Khi mẹ tôi gọi bao thuốc lá chính bà mới mua cho tôi là "hút sách", gọi chai bia là "rượu chè", thì tôi biết tôi nên mở miệng thêm gì nữa, tốt hơn là tạm lánh mặt đi. Tôi bỏ ra quán nước gần cạnh nhà, ở đây tôi tha hồ nhậu nhẹt chỉ với điều kiện có đủ tiền trả khi đứng lên nhưng tôi không ngờ mẹ tôi quen biết thân mật với tất cả láng giềng trong xóm kế cả bà chủ quán này nữa. Tôi chưa uống hết một chai bà ta đã lân la tiến lại. 
 
- Cậu à, nghe nói cậu sắp lấy vợ phải không cậu. Chà... bà nhà thiệt có mắt lựa "dâu". 
 
Tôi không có lý do gì phải ăn nói mềm mỏng nữa : 
 
- Tính tiền, bà chủ.

Phải thông cảm cho tôi. Tôi còn trẻ, yêu đời, nhiều mơ mộng. Những thú vui của một đời độc thân tự do, tôi chỉ mới hưởng được một chút ít và nghĩ là còn rất nhiều điều hấp dẫn khác nữa. Lâu nay, tôi sống lông bông không giờ giấc đã quen. Khi ngủ lại nhà người bạn này, khi nhà bạn khác, lúc nào muốn đi chơi thì đi, lúc nào muốn về thì về, không ràng buộc vào ai và cũng chẳng muốn yêu cầu ai ràng buộc vào mình. Hơn nữa tôi là người nhiều tham vọng về đủ mọi lãnh vực, trừ lãnh vực gia đình. Tôi mơ ước bỏ ra hết đời tôi để thực hiện nhiều dự tính, cũng giống như hàng triệu người đàn ông khác. 
 
- Thế mà mẹ tôi lại đòi: "cưới vợ". Lấy vợ, nghĩa là... thôi, tôi không dám nghĩ tiếp.

Mẹ tôi vẫn chưa chịu thua, bà kiên nhẫn theo đúng thói quen của bà, Khi thì giận dữ, khi dịu dàng, nhưng suốt trong mấy ngày, bà không lúc nào nói một chuyện gì ra khỏi đề tài hôn nhân cả. Đầu tiên là giới thiệu tên họ : 
 
- Má lựa kỹ cho con rồi, tên nó là Xinh. Trời ơi... thiệt là... con mà thấy nó là con thương liền... 
 
Tôi im lặng. Bà nhìn tôi nghi ngờ: 
 
- Hay là con có thương đứa nào ở Saigon rồi hả?

Tôi mơ màng nghĩ đến những người con gái tôi quen mà bà chưa biết mặt. Có lẽ trong đó có một vài người yêu tôi hoặc hình như có một vài người tôi yêu... Tôi chưa kịp trả lời, mẹ tôi đã hét lên: 
 
- Trời đất ơi ! Má con còn sờ sờ ở đây mà con không biết thương, lại đi thương đâu mấy đứa con gái...
 
Tôi biết câu tiếp theo của bà có tính cách bôi nhọ phụ nữ Saigon nên tôi ngắt lời bà : 
 
- Má, má biết con thương má quá xá mà... nhưng còn cô Đẹp gì đó. 
 
- Xinh. Nguyễn thị Xinh. 
 
- Dạ, cô Nguyễn thị Xinh đó con có quen biết cô ta hồi nào đâu, có biết mặt mũi gì đâu. Rồi có gặp mặt chắc gì hợp tính nhau thương nhau được. 
 
Mẹ tôi lý luận liền có kèm theo ví dụ rõ ràng : 
 
- Vậy rồi xưa má có quen với ba con trước đâu. Bà ngoại nói lấy là lấy, rồi cũng im cả... 
 
- Nhưng còn bà ngoại. Con nghe kể hồi đó bà ngoại thương ông ngoại mà bà cố mình không chịu. Cương quyết lắm nên bà cố mới chịu thua. 
 
Mẹ tôi nói lớn : 
 
- Bây giờ má cũng cương quyết như bà ngoại. Con phải lấy con Xinh má mới chịu. 
 
Rồi tiếp liền theo, không để tôi kịp thở, bà lên tiếng ca ngợi về thân thế tài sắc, đức độ về cô Nguyễn thị Xinh nào đó. Những lời này có tính cách đề cao cá nhân quá đáng, nhưng bà nhắc đi nhắc lại cả chục lần nên tôi không thể nào quên được. Nhất là cái đoạn :
 
- Ba con Xinh nguyên trước đây là Đốc Phủ Sứ đó. Giờ hai ông bả có một tiệm tạp hóa lớn nhất trong tỉnh. Má nó là bạn với má đã lâu, ngay trong chuyện của con cũng đã bàn tính xong xuôi cả rồi. Mai con đến thăm hai ông bà một chút là xong...
 
Tôi nói : 
 
- Má, cho con xin một chai bia nghe má. 
 
- Khoan đã. để má nói hết cho con nghe, con Xinh là con nhà buôn bán, quán xuyến giỏi giang từ nhỏ, suốt ngày cứ ở nhà là tính toán sổ sách, nó nết na lắm cả đời không đi đâu ra khỏi nhà một bước. 
 
- Kể cả đi học ? 
 
- Con đừng nói vậy, nó là con nhà có học mà. Nó học đến lớp...
 
-Tiểu học đệ nhị cấp ? 
 
Mẹ tôi gật gù : 
 
- Ờ... ờ... có lẽ, đúng ra má cũng không nhớ rõ. Thôi, nói dông dài làm gì... Tóm lại nó là đứa vợ hiền hoàn toàn, thằng nào may phước lấy được nó. 
 
Tôi than van như một nhân vật trong kịch cổ điển : 
 
- Trời ơi, vậy còn tình yêu. Tình yêu, tình yêu, má không nói gì về tình yêu cả sao? 
 
- Hứ... tình yêu, tiếng đó chỉ có trong tiểu thuyết, Thiệt má tốn tiền nuôi con ăn học cho lắm rồi mê muội đọc mấy thứ sách... 
 
Câu tiếp theo của bà có tính cách miệt thị văn chương nên tôi phải giả vờ đi mua thuốc lá để bà không nói thêm gì nữa. Thế rồi trong mấy ngày liên tiếp bà còn thêm một điệp khúc khác "con không thương má chút nào... thiệt là con bất hiếu v.v..." kèm theo tiếng nhạc buồn ảo não làm tôi yếu lòng nhất : Đó là tiếng khóc tỉ tê của bà.

Cuối cùng, tôi hơi xấu hổ vì thấy mình không được cứng rắn như bà ngoại ngày xưa. Tôi nói: 
 
- Thôi, được rồi, con nghe lời má. Không những cô Xinh thôi mà cô xấu cô xí gì con cũng lấy tuốt hết. 
 
Mẹ tôi mừng rỡ vô cùng. sáng hôm sau bà bắt tôi hớt tóc cạo râu sạch sẽ, ăn mặc áo quần đàng hoàng và dẫn tôi đến nhà cô Xinh. Ngày tiếp theo, cô Xinh đến ăn cơm thân mật ở nhà tôi.

Thế là dầu muốn dầu không, tôi cũng đã quen biết nàng.


Phần 2

Kể ra, Xinh không đến nỗi như tôi lo ngại. Nàng có một nhan sắc trung bình như hàng trăm người khác, ăn nói cũng khá vui vẻ và có dáng thật thà đặc biệt của người miền Nam. Nhưng dĩ nhiên, nàng hoàn toàn khác biệt hẳn với người trong mộng của tôi. Nàng hơi mập mạp, sau này chắc sẽ không thua gì mẹ tôi. Tay chân nàng khá to lớn mạnh khỏe theo đúng truyền thống của một gia đình buôn bán tháo vát. Và đúng lời mẹ tôi ca ngợi, nàng là con nhà lành, hiền thục thật. Đã hai mươi tuổi rồi mà nàng chưa có một gã bạn trai nào cả.

Khi quen biết tôi, chỉ trong vòng mấy ngày đầu là nàng tỏ ra thích tôi ngay, không một chút e dè gì cả. Nàng cũng đã biết được những lời bàn qua bàn lại giữa ba má nàng và má tôi, ba má nàng rất tán thành tôi và nàng lại càng tán thành sớm hơn nữa. Mọi việc xảy ra tuần tự. Khi tôi vuốt tóc nàng, nàng nói nàng là người bạn thân của tôi. Khi tôi cầm tay nàng, nàng nói nàng là người yêu của tôi. Và khi tôi hôn nàng, nàng nói nàng là vợ tôi. Thế là hết thời kỳ thơ mộng, sự việc xảy ra nhanh chóng quá làm tôi hơi tiếc rẻ. 
 
Nàng e lệ, nhưng nói với tôi rất thành thật: 
 
- Anh là người đàn ông đầu tiên, duy nhất và cuối cùng của em. 
 
Tôi nghĩ thầm trong ba hạng người đó, hy vọng nàng sẽ xếp vào hàng thứ ba đối với tôi, còn hai hạng trước đã có người chiếm chỗ rồi.

Nàng ít nói những chuyện về tình cảm tình yêu. Chưa gì mà nàng đã bàn luận tính toán cho tôi nghe đám cưới nên tổ chức thế nào cho vừa linh đình lại vừa đỡ tốn tiền, nàng như reo lên: 
 
- Bữa đó mình mướn một ông thợ chụp hình nghe anh.Ờ mà thôi, mướn người ngoài tốn tiền lắm, anh biết chụp hình không anh? 
 
Tôi giải thích cho nàng hiểu là trên thế giới không bao giờ có một chú rể nào lại làm công việc chụp hình trong ngày đám cưới cả, dù nghề nghiệp chính cống của y là nhiếp ảnh gia đi nữa.Tốt hơn là mướn thợ đến chụp và tôi cũng đã báo trước cho nàng là tôi không được "ăn ảnh" lắm. 
 
Nàng mơ màng mỉm cười: 
 
-Khi hai đứa mình chụp chung, anh nhớ cười tươi cho hên nghe. 
 
Tôi cũng xin lỗi nàng trước là không bao giờ tôi cười nổi khi bị chụp hình, nhất là trong ngày đám cưới mà tôi đoán chắc sẽ tiếp đón khách khứa mệt đến phờ người, ngày đó tôi không khóc là may lắm rồi. 
 
Sau cùng, tôi phải chặn đề tài đáng chán đó lại. Tôi nói: 
 
- Được rồi. Sẽ có đám hỏi, đám cưới, chụp hình như em muốn. Tất cả đoạn cuối câu chuyện này sẽ đúng như em muốn. Nhưng còn đoạn đầu của chúng ta em phải để cho anh toàn quyền tổ chức. 
 
- Nghĩa là sao? 
 
Tôi giải thích: 
 
- Nghĩa là trước khi trở thành một đôi vợ chồng gương mẫu, tụi mình phải có một thời gian "thuở ban đầu" thật thơ mộng đã. Nghĩa là mình phải tìm hiểu nhau, trò chuyện, viết thư, tặng quà, rủ nhau đi chơi, phải hẹn hò lén lút mới thú. 
 
Nàng ngạc nhiên: 
 
- Việc gì phải lén lút? Ba má em "chịu" anh rồi mà. 
 
Tôi làm như không nghe lời nàng, tiếp tục nói: 
 
- Thỉnh thoảng mình phải giận hờn nhau một chút cho vui. 
 
Nàng ngây thơ: 
 
- Anh có làm gì đâu mà em giận. 
 
Tôi hơi bực mình: 
 
- Vậy thì anh sẽ giận em. 
 
Nàng lo lắng: 
 
- Em có làm gì đâu? 
 
Tôi chán nản hét lên: 
 
- Chính vì em không làm gì hết mà anh giận đó. Nói mãi mà không chịu hiểu gì cả. 
 
Và tôi bắt đầu giận nàng thực sự. Nàng cúi đầu buồn rầu, có lẽ nàng còn rơm rớm nước mắt nữa, nhưng nàng bỗng ngửng đầu lên giọng vui mừng: 
 
- Mình khỏi lo về rượu. 
 
- Hả ? 
 
- Tiệm ba em còn mấy két "mạc-ten" bán cả năm nay chưa hết. Mình tha hồ xài đãi khách trong ngày cưới đỡ phải mua tốn tiền.

Tôi ngẩn người. Nàng quả đúng là một người vợ lý tưởng, theo quan niệm của mẹ tôi. Tôi đã chịu thua quan niệm đó rồi, vậy tốt hơn nên im lặng mà thở dài cho xong. 
 
Nhưng rồi nàng cũng chìu theo ý tôi một chút. Mấy ngày sau, tôi đưa nàng đi chơi ở một vài nơi trong thành phố như một cặp tình nhân. Tỉnh Cần Thơ này cũng không biết đi đâu, tôi phải xem lại một cuốn phim cũ, bọn tôi đi uống cà phê vào buổi tối ở quán Góp Gió một lần, đi ăn cơm ở quán nằm bên bến Ninh Kiều một lần... và hết. 
 
Nàng không tỏ ra thích thú gì lắm. Nàng luôn luôn nhíu mày khi thấy tôi để lại tiền "buộc boa" trên bàn ăn. Nàng phàn nàn: 
 
- Anh phí quá. Nếu anh cộng lại tất cả những số tiền lẻ đó từ trước đến nay, thì anh... 
 
Tôi ngắt lời: 
 
- Thì anh sẽ trở thành một gã bồi quán thắt nơ đen. Còn em sẽ là chị bếp đeo cái khăn to tướng trước bụng. 
 
Nàng còn khó chịu khi thấy tôi hút thuốc lá. Lại thêm một mệnh đề quen thuộc bắt đầu bằng chữ "NẾU" của nàng: 
 
- Nếu anh chịu khó mỗi ngày nhịn hút một bao, để tiền lẻ đó bỏ ống, thì trong vòng vài năm anh sẽ...
 
- Anh sẽ đi hút thuốc phiện. Chỉ có thế. Thôi, anh yêu cầu em đừng dùng chữ "NẾU" nhiều quá nữa. Cái chữ đó dành cho mấy ông già hay than van tiếc rẻ. Nếu hồi đó, nếu... hồi xưa v.v... 
 
Nàng im lặng một lát, rồi nàng quên ngay, giọng nói nàng êm đềm: 
 
- NẾU con đầu lòng của mình là con gái, mình sẽ đặt tên là...
 
Tôi bực dọc đáp: 
 
- NẾU. Lê thị NẾU. Anh thề sẽ đặt tên con gái như vậy. NẾU em còn nói...
 
Tôi ngưng bặt lại vì kịp nhận ra mình cũng lỡ lời dùng chữ NẾU đáng ghét đó. Tôi dần dần nhiễm phải tính nết và ngôn ngữ của nàng mà không biết.

Nhưng may là khoảng một tháng sau đó tôi và nàng có được với nhau những ngày thú vị hơn. Nàng nhân dịp lên Saigon mua hàng cho tiệm tạp hóa của ba nàng, nàng ghé lại tìm tôi. Tôi dẫn nàng đi chơi cho biết khắp danh lam thắng cảnh ở thủ đô. Như Lăng Ông, Sở Thú, Xa lộ, Bến tàu, Chùa Xá Lợi, Nhà thờ Đức bà, Khách sạn. Địa điểm cuối cùng vừa kể dĩ nhiên không phải là một thắng cảnh, nhưng đó là nơi tôi sẽ nhớ đến nhiều nhất trong đời.
Nàng khóc day dứt: 
 
- Đáng lẽ anh phải để dành tới ngày cưới. Chớ nếu bây giờ anh bỏ em...

Tôi ôm nàng vào lòng, hôn nàng âu yếm. Lâu lắm tôi mới nghe lại cái chữ NẾU của nàng, giờ đây nghe thật dễ thương, thân thuộc biết bao đối với tôi. Tôi đã yêu nàng thực sự. 
 

Phần 3

Thế là cuối năm đó, hôn lễ của chúng tôi cử hành. Đúng như ba má nàng muốn, như mẹ tôi muốn.

Bạn bè tôi kéo đến chia mừng đông đảo, nhưng tôi biết trong bụng chúng khá buồn vì vừa mất đi một người bạn trung thành trong những cuộc rong chơi thâu đêm suốt sáng. Dĩ nhiên vào ngày đó, cũng có đủ tất cả những thứ cần phải có theo thông lệ : Rượu quý thức ăn, hoa hồng, bánh ngọt, bắt tay bắt chân, chụp hình v.v... Khi ống kính nhắm vào nàng, nàng cười rất tươi và đến bây giờ tôi mới thấy nàng đẹp thật. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chính tôi cũng cười hết sức vô duyên khi bị chụp hình. 
 
Sáu tháng sau đám cưới, chúng tôi có đứa con đầu lòng. Tôi đặt tên riêng gọi trong nhà là Bé Sớm. Quả thật nó ra đời hơi sớm, sớm hơn thông lệ đến ba tháng mười ngày.

Vợ tôi mở một cửa hàng tiểu tạp hóa ở trong xóm. Tôi xin được một chân thơ ký đánh máy tại công sở. Tôi đi làm đủ sáu ngày trong tuần, mỗi ngày đủ tám giờ đồng hồ, buổi tối tôi dọn dẹp mọi thứ giúp đỡ cho vợ tôi, ngày chủ nhật tôi đèo nàng bằng xe " mô bi lết" vào Chợ Lớn mua hàng hóa, đủ thứ đồ từ một đôi dép Nhật đến một chiếc lược chải đầu. Tóm lại tôi quên bẵng cách đấy một năm có một chàng trai trẻ rất hào hoa phong nhã tên là "tôi". Bây giờ, tôi sống ngược lại với ngày xưa một cách đau lòng. Vợ tôi lại hoàn toàn không có một ý thích nào giống tôi. Nàng không bao giờ đụng vào một cuốn sách hay một tờ tạp chí.

Nàng không thích âm nhạc, không thích điện ảnh, không thích bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào hết. Đối với nàng, tất cả bảy ngành nghệ thuật của nhân loại đều thâu gọn lại vào chương trình cải lương trên Tivi vào mỗi tối chủ nhật. 
 
Một đêm, ôm nàng trong tay, tôi kể cho nàng nghe mơ ước của tôi : 
 
- Thời buổi này nhiều bất công quá. Anh sẽ làm một nhà cách mạng. Để râu tóc kiểu Hippi như Ché Guevara. Lúc đó em sẽ là một người bạn đời lẫn bạn đường của anh, em phải học môn cứu thương để săn sóc cho anh mỗi khi anh đụng trận. 
 
Nàng reo lên: 
 
 - À... Nhờ anh nói em mới nhớ. Bà Tư trước nhà hồi chiều mua hai hộp bông gòn mà chưa trả tiền để em ghi vô sổ đã. 
 
Rồi nàng vùng dậy khỏi vòng tay tôi. Đợi nàng xong xuôi các thứ, tôi thầm thì nói tiếp: 
 
- Chắc anh làm chính trị gia "ngon" hơn em à. Anh sẽ ứng cử dân biểu tranh đấu cho dân nghèo. Vài năm sau, đủ uy tín, anh sẽ "bắt" một cái ghế bộ trưởng, em sẽ là bà phu nhân. Chà....Bộ trưởng Kinh tế, lúc đó anh sẽ giảm bớt thuế má...
 
Nàng thở dài: 
 
- Ờ... ờ, mà sao thuế má gì bây giờ cũng cao quá, buôn bán càng ngày càng khó. Tiền nước, tiền điện, tiền nhà, tiền gạo, tiền sữa... cái gì cũng tăng giá cả. Mới tháng trước một "ki lô watt" điện đâu có bao nhiêu... 
 
Và nàng với tay lên đầu nằm tắt đèn. Trong bóng tối, tôi tiếp tục nói với nàng, lần này tôi cố tìm một mơ ước nào có vẻ gần gũi với nàng hơn. 
 
- Thôi, anh nhất định đi buôn lậu cho mau giàu. Anh sẽ là tỉ phú. Biệt thự của mình ở Đà lạt trồng đầy hoa hồng trên sân thượng, có đủ cả quầy rượu, sàn nhẩy, bàn "bi da", hồ tắm nước nóng. Em sẽ đeo đầy nữ trang từ búi tóc cho đến ngón chân út...
 
Nàng cầm bàn tay tôi đưa lên môi hôn tỏ vẻ cám ơn, bỗng nàng ngồi bật dậy : 
 
- Ùa ! Chiếc nhẫn đám cưới của anh đâu rồi không thấy đeo ? 
 
Tôi bối rối : 
 
- Anh đem đi "cầm" rồi. 
 
- Trời ơi ! 
 
Tôi giải thích:
 
- Hôm nọ, bọn anh phải mua quà mừng ông chủ thăng chức. Sau đó là đến ngày sinh nhật thứ 50 của bà chủ, sau đó nữa là đến đám cưới của con gái ông bà chủ và sau hết còn lại một ít anh đi nhậu nhẹt với một thằng bạn cả mấy năm mơi gặp lại.

Nàng bắt đầu khóc. Tôi hôn nàng như mưa bấc. Giọng nàng nức nở : 
 
- Sao anh không hỏi tiền em mà lại đem cầm chiếc nhẫn... kỷ niệm đó... 
 
Tôi đau đớn hơn nàng nữa, tôi vuốt ve nàng. 
 
- Thôi... em nín đi. Tháng sau lãnh lương anh chuộc lại chứ mất gì đâu. 
 
Nàng đột ngột bắt bẻ : 
 
- Vậy tiền lương của anh để đâu mà lại phải đi đến tiệm cầm đồ ?

Trời ơi, nàng đã quên hết rồi sao. Nàng không nhớ mỗi tháng tôi đều đem về cho nàng gần hết số lương nhỏ bé của tôi cho nàng chơi "hụi", tôi chỉ giữ lại chút ít để mua một tấm vé số Kiến thiết Quốc Gia và chơi số "đề". 
 
Nhưng tôi không muốn làm nàng phiền lòng thêm gì nữa. Tôi cố nhớ lại những cách thức tán tỉnh đàn bà của tôi ngày xưa mà ngày nay khi làm chồng tôi đã quên mất. Tôi âu yếm nàng, dần dần nàng cũng nguôi ngoa và trở nên thật mềm mại, dịu dàng, đáng yêu trong lòng tôi. Phòng ngủ của chúng tôi vẫn còn tắt đèn nhưng bây giờ không phải là vì sợ tốn điện nữa.

Cứ thế mỗi đêm tôi đều thức khuya để kể lể về tương lai huy hoàng, nàng cũng thức dầu không biết có nghe tôi nói không. Có điều là cả hai vợ chồng đều trằn trọc không ngủ được. Và nàng lại có bầu. 
 
Một hôm tôi thổ lộ cho nàng nghe giấc mơ thầm kín nhất của tôi và rất mới lạ đối với nàng :
- Anh sẽ viết truyện. sách của anh sẽ được in ra hằng triệu cuốn, được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Khắp thế giới sẽ biết đến tên anh. Anh sẽ viết những tác phẩm làm rơi nước mắt những con người hay cười cợt phè phỡn nhất, và làm cho những con người khổ đau bất hạnh nhất cũng nở được nụ cười. Những kiệt tác của anh sẽ làm chấn động đời sống, trí óc, tình cảm của nhân loại. Anh sẽ là nhà văn Á châu thứ ba, nhà văn Việt Nam đầu tiên đoạt giải Nobel. 
 
Nàng ngắt lời : 
 
- " Nô en " vừa rồi cũng vui chứ anh. 
 
Tôi nói dằn từng tiếng : 
 
- Nobel. Đó là một giải thưởng văn chương cao qúy nhất ngoài số tiền thưởng...
 
- Bao nhiêu anh? 
 
- Khoảng 80 triệu đồng VN. 
 
Nàng huýt sáo tỏ vẻ ngưỡng mộ. Nhưng rồi nàng lại ngẩn người, lý luận theo lối thương mại : 
 
- Không được đâu anh. Nếu anh muốn kiếm được 80 triệu đồng, anh phải có một số vốn cả trăm triệu. Anh thì đời nào có nổi số tiền đó nên không bao giờ anh được giải Nô en cả. 
 
- Nobel !

Tôi nhắc lại một cách chán nản.Tôi biết nàng nói đúng, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đạt được vinh dự đó, mặc dầu đấy không phải là một vụ buôn bán gì mà tính số vốn với số lời. Cho dù sách tôi có hàng triệu độc giả, nhưng chắc chắn không có nàng trong số đó. Nàng không bao giờ đọc sách văn chương, một tác phẩm dày 500 trang của tôi chỉ có công dụng gói được 500 gói ô mai bán cho trẻ con. Hơn nữa, sống cái kiếp vợ chồng quần quật suốt đời này, tôi còn biết viết gì nổi ngoại trừ viết thư cho má tôi : "Thưa má, vợ chồng con vẫn được mạnh khỏe hạnh phúc. Vợ con vừa sinh đứa con thứ bẩy, lần này chúng con đồng ý xin nhường cho má đặt tên cháu.."

Chóng thật. Mới đó mà đã bảy năm trôi qua kể từ ngày lấy nhau. Vợ tôi sinh năm một. Ba đứa đầu tôi còn công phu đặt những cái tên thật văn hoa cho chúng, nào là Ẩn Lan, Ly Ngân, Hoài Ngọc...Những đứa sau tôi phó cho vợ tôi muốn đặt tên gì thì cứ việc, và nàng đặt tên con ảnh hưởng mấy lon sữa hộp trong tủ Văn Phước, Văn Lộc, Văn Thọ...Tôi cũng đoán trước được tên những đứa sau: Thị Mai, Thị Quế, Thị Lộ.

Thế đó, cuộc dời dần dần trôi qua, sóng gió lẫn êm thắm nhưng đều đều như quả lắc đồng hồ. Ngày nay tôi đã là một công chức chánh ngạch và thượng hạng của bộ Phát Triển kế hoạch, chỉ làm việc ở đây tôi mới được giải tỏa một phần nào những ẩn ức, những kế hoạch trù tính của tôi thời trẻ tuổi.

Đôi ba tháng một lần, vợ chồng tôi mới đi chơi và cũng chẳng biết đi đâu ngoại trừ đến thăm viếng nhà vợ chồng bạn. Trong khi tôi và bạn tôi vừa binh xập xám vừa âu sầu bùi ngùi nhắc lại thời oanh liệt xa xưa, vợ tôi đánh tứ sắc với vợ bạn tôi, con chúng tôi chạy chơi rượt bắt với con vợ chồng bạn. Tôi đánh bài có khi ăn, khi thua, còn vợ tôi thì luôn luôn thua, nàng không có khiếu về cờ bạc, mặc dù cũng biết chơi đủ thứ bài. Những lần nàng cháy túi, tôi đến bên nàng, nói một cách nhẹ nhàng: 
 
- Nếu em để dành số tiền thua bạc trong vòng vài năm, em sẽ mua được một két "Mạc ten" ba sao, làm của hồi môn cho con gái. 
 
Nàng hơi đỏ mặt, mỉm cười âu yếm nhìn tôi. Tôi vừa làm sống lại cả một thời con gái với chữ NẾU bất hủ của nàng. Giữa đám đông người, nàng vẫn đưa cánh tay của nàng víu cổ tôi xuống, hôn nhẹ vào má tôi. Trong giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy, tôi chỉ hận rằng sao mình không là một ông giám đốc ngân hàng, để cho nàng mỗi tối khiêng một két sắt đầy bạc đi " đậu chến".

Đêm đêm, vẫn như trong mấy năm trước, tôi ôm nàng mơ màng nói về những giấc mộng của tôi, dần dần giấc mộng đó đi vào giấc mộng ngủ say, và trở thành giấc mộng thực sự. 
 
Chút an ủi cho tôi, là thỉnh thoảng chợt thức vào nửa đêm, tôi lặng ngắm nàng còn đang mê ngủ. Khuôn mặt nàng vẫn đầy đặn phúc hậu như ngày nào, môi nàng hình như hơi mỉm cười có vẻ hài lòng. Tôi hôn nhẹ vào vầng trán ấm áp của nàng, và thì thầm nói nhỏ : "Em cười là phải. Rốt cuộc mọi chuyện đều như em muốn. Tất cả, cuối cùng đều như em muốn..."

Rồi tôi nằm quay mặt đi, nhắm mắt lại, nói với chính mình : "Còn anh....Anh cũng không hối hận gì. Chắc anh cũng được hạnh phúc... nhưng dầu sao, anh không thể nào cười nổi..."

Rồi tôi thiếp ngủ, tránh cho vợ tôi cái cảnh mang bầu lần thứ tám.

Nhưng không ai tránh mãi được. Hiện nay, chúng tôi đã có mười một đứa con và chậm lắm sau tết này, vợ tôi sinh thêm một đứa cho vừa chẵn một tá. Tôi hy vọng rằng nàng cũng tin dị đoan như tôi để không bao giờ có thêm đứa thứ mười ba nữa.

Thế là xong một đời, bao nhiêu mơ mộng ngày xanh của tôi đã thực sự như những chiếc lá úa vàng lìa cành, lá xanh còn trên cây là của những người nào đó. Tôi rồi cũng như hàng triệu người khác. Chúng ta nuôi những chuyện vá trời lấp biển rồi rốt cuộc chúng ta phải chạy hộc hơi để thuê một căn nhà lá, chạy toát mồ hôi kiếm một ngày hai bữa cơm, chạy tiền cưới vợ, chạy tiền nuôi con, chạy tiền gạo tiền sữa, chạy một chỗ làm êm thắm trong thành phố, chạy một chỗ an toàn trong quân đội... Chạy suốt đời. Đặc điểm của thời đại này là chạy. Không còn được đi dạo thảnh thơi hay nhảy múa vui ca nữa.
 
Chúng ta xây những lâu đài trên cát, mình không đối phó nổi với sóng biển từ ngàn khơi kéo vào xóa vỡ tan tành.

Ngày nay, mỗi khi có người bạn nào nhắc lại ngày xưa kia tôi thường nói sẽ làm những điều vĩ đại này nọ, tôi cảm thấy mắt tôi cay cay nóng, nhưng tôi sẽ không để cho vợ tôi biết điều đó. Tôi chỉ nói với nàng thật dịu dàng:
 
- Em à, lấy cho anh một chai bia lớn


Hoàng Ngọc Tuấn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét