Mùa hạ trời trong sáng. Từ trên bãi cát, người ngồi có thể nhìn thấy những cánh buồm thật xa trên biển, cánh buồm xám gần như nối liền mặt nước và trời. Một người thanh niên đã cởi áo ngoài, anh mặc chiếc quần ngắn và có vẻ định nhảy ào xuống đợt sóng đang đều đặn vỗ, vỡ tan bọt nước trắng như bông gòn. Nhưng anh ngần ngại.. Mặt trời nằm thật thấp trên trời, không khí sớm mai lạnh ngắt trên da thịt làm anh rùng mình. Anh cử động mạnh chân tay để lấy hơi ấm, rồi quả quyết nhúng chân trên bờ cát ướt nước. Nước vẫn lạnh làm tan biến hơi nóng trong người anh mau chóng. Anh chán nản nhìn hai cánh tay anh nổi da gà. Anh trở lại chỗ để quần áo, dưới một gốc dương liễu. Anh mặc chiếc quần dài vào, run rẩy hút một điếu thuốc. Trời gió nhiều nên anh phải mất gần năm que diêm đầu điếu thuốc mới bắt được ngọn lửa.
Anh mặc quần áo rồi cởi ra, lại mặc vào như thế gần mười lần rồi. Sáng nào anh cũng định tắm biển thật sớm, lặn ngụp một mình trong biển nước bao la thật ghê rợn với hơi lạnh và tiếng sóng dữ dội. Nhưng sáng nào anh cũng đành chịu thua, anh sợ nước lạnh chết được nên rốt cuộc anh mặc quần áo vào, ngồi trên cát, hút hết một bao thuốc lá rồi trở về. Căn nhà của ông chú của anh cách mặt biển không xa, mái lợp tôn nhưng có được một mái hiên đàng trước khá mát mẻ nhờ hai hàng cây trứng cá tàn che rậm rạp. Từ cánh cửa sổ quay ra biển, anh thức dậy mỗi buổi sớm mai trời còn tối, đứng lặng người nhìn ra mặt nước đen ngòm, những con tàu xa tít với ngọn đèn nhỏ như hạt cát. Cho đến khi anh nhìn thấy rõ ràng một vài người đàn bà từ xóm chài lưới đang sửa soạn lội xuống biển để giăng lưới bắt những loài cá nhỏ, cua rạm ở chỗ nước cạn.
Rồi anh một mình ra biển, bụng trống không hay có lẽ chỉ đầy đặc với khói thuốc lá. Anh sẽ tắm cho thật khỏe người, nhưng dĩ nhiên là anh không tắm, anh hẹn đến mai, vì anh luôn luôn sai hẹn thật dễ dàng với anh.
Một người đàn bà đi lại về phía anh. Nàng mặc bộ áo quần lụa màu xanh như ngọc, như da trời, như rong biển nhưng cũng có thể xanh như làn da của nàng. Áo quần của nàng rất mỏng, gió lại thổi ngược chiều về phía nàng nên người thanh niên có thể nhìn thấy màu hồng của da thịt nàng ròn rọn sau lớp vải. Nàng hình như vừa mới ngủ dậy và đi một mạch từ nhà ra đây, không cần thay áo quần gì cả. Nhưng ở cái thành phố miền biển đầy đặc gái giang hồ này, không ai chú ý gì đến bộ quần áo ngủ của nàng ngoài đường phố.
Khi nàng bắt gặp cái nhìn của anh, nàng cười, nụ cười của nàng trông đáng yêu chết đi được, mặc dù môi nàng đã phai son tái nhợt. Da mặt nàng cũng không trang điểm gì, đôi mắt đen sâu mất ngủ và mệt mỏi. Nàng ngồi xuống, co mình vì lạnh. Anh bèn khoác lên vai nàng chiếc áo sơ mi vải dày của anh. Nàng cười có nghĩa là cám ơn, rồi nàng bắt đầu nói chuyện, những câu chuyện anh df9ã nghe hoài, nhưng anh vẫn thú vị lắng tai.
- Sáng nay Đăng tắm biển chưa?
Người thanh niên tên Đăng gật đầu, anh nói với giọng hãnh diện:
- Rồi. Tắm từ hồi năm giờ sáng. Chị phải biết, lúc ấy trời lạnh ghê gớm, gió thổi mạnh như bão, nước biển lạnh băng đến nỗi có thể ướp cả tấn cá tươi được. Như chị đừng hòng đụng tới một giọt, nhưng tôi quen rồi, nhảy ào xuống bơi lội cả giờ, thấy mát mẻ ghê lắm.
Nàng mỉm cười tỏ vẻ thán phục. Không hiểu sao nàng lại hay cười như thế, có lẽ nàng tự biết mình có nụ cười đẹp. Nàng tên là Phương Quỳnh. Đăng muốn gọi nàng bằng cái tên dễ thương ấy, nhưng anh đã quen gọi nàng bằng chị vì nàng lớn tuổi hơn anh. Nàng cũng dễ ghét quá đi, nàng thản nhiên tự xưng là chị và giọng điệu của nàng kẻ cả như một bà mệnh phụ lớn bằng tuổi mẹ anh. Nàng bỗng ra lệnh:
- Đăng đếm cho chị có bao nhiêu cánh buồm trên biển?
- Tôi chán cái trò ấy quá rồi. Ngày nào cũng như thế, chị để ý làm quái gì mấy chiếc thuyền buồm đó?
- Chị thích. Đăng không đếm, chị về nhà liền à.
- Về thì về đi, lúc nào cũng dọa. Bộ chị ở nhà một mình không buồn sao?
Phương Quỳnh dụi tắt điếu thuốc lá đang còn cháy dở vào trong cát. Nàng cũng hút thuốc như anh, nhưng nàng chuyên môn hút một thứ thuốc nhạt phèo dành riêng cho đàn bà. Nàng không bao giờ hút cho hết điếu thuốc, chỗ nàng ngồi lúc nào cũng vương vãi những mẩu thuốc còn dài. Nàng nói làm khói thuốc từ trong miệng bay ra tản mát.
- Buồn sao được. Chị sẽ rủ mấy con bạn ở phòng bên đi ăn vài tô bún riêu, uống một ly cà phê đá, xong về nhà nằm đọc tiểu thuyết, nghe nhạc. Chị mới mua mấy dĩa hát mới hay lắm, nếu rảnh Đăng nhớ lại nghe.
- Những dĩa hát của chị nghe muốn mửa được, nói thật đó. Lại còn ba cái tiểu thuyết rẻ tiền trong những tờ báo lá cải ấy, không hiểu sao chị lại mê được.
Sở thích của Phương Quỳnh trái hẳn với Đăng. Cả hai đều nhận thấy rõ điều đó, nhưng đâu có quan hệ gì. Có ai điên rồi đi tìm một tâm hồn kẻ lạ giống mình. Phương Quỳnh đăm đăm nhìn ra hòn đảo nhỏ ngoài khơi, người ta gọi là Cù lao xanh. Rặng núi màu nâu bò dài ra biển, bên kia rặng núi là Qui Hòa, một vùng núi đất dành riêng cho những người bị bệnh cùi, sống ngăn cách với người lành mạnh bởi những dãy núi cao. Sóng biển vỗ theo một hàng dài suốt bờ biển, từ mỏm núi có ngọn hải đăng trên đỉnh cao cho đến Ghềnh Ráng. Sóng biển ban mai vang một điệu nhạc nặng trĩu và buồn bã như tiếng đán đại hồ cầm.
Người thanh niên lắng nghe tiếng nhạc biển, mắt anh vẩn vơ nhìn Phương Quỳnh. Anh quen nàng từ hồi anh còn là một cậu bé con chừng mười lăm tuổi, còn mê tắm biển suốt ngày không biết lạnh và chiều chiều lặn ngụp tìm những con sò nhỏ vùi sâu trong cát. Lúc ấy Phương Quỳnh là con gái của một gia đình quen thân ở bên cạnh nhà anh. Nàng lớn tuổi hơn anh và học rất giỏi nên mỗi đêm đều qua nhà dạy thêm cho anh môn Toán, anh là tay dốt Toán số một vì anh không thể nào kiên nhẫn ngồi nhìn mấy cái hình vẽ trống rỗng trên giấy. Phương Quỳnh là "cô giáo" của anh cho đến lúc anh bỏ gia đình đi xa nhiều năm, một ngày anh đã lớn, trở về thành phố cũ này và gặp lại nàng trong một quán rượu có nhiều lính ngoại quốc. Phương Quỳnh lớn mau chóng thật. Đăng uống đã nhiều rượu nên mắt buồn ngủ, anh chỉ nhìn thấy nàng mờ nhạt, thân hình nàng ngồi gọn lỏn trong hai cánh tay ôm quàng sờ soạng của một gã ngoại quốc to gần gấp đôi nàng. Khi gã ấy bỏ đi, một gã khác kêu nàng đến ngồi bên cạnh, gã gọi cho nàng một ly rượu nhỏ giá chừng vài trăm bạc rồi ôm nàng vuốt ve. Da thịt nàng chắc bây giờ còn mềm mại lắm. Hồi xưa anh biết được điều đó khi nàng đang đánh thẻ với một bọn con gái, anh làm bộ vấp té và ngã nhào vào người nàng, nàng giận anh ghê gớm nhưng anh đã khám phá được da thị nàng mát rượi. Đăng gọi người bồi kêu nàng lại ngồi với anh và những ghì sau đó xảy ra như một màn kịch cổ điển. Nàng kinh ngạc nhận ra anh, anh hỏi nàng tại sao lại đến "nông nỗi" này. Nàng buồn bã tâm sự : cha chết hay mẹ chết hay cả cha lẫn mẹ đều bỗng nhiên la7n ra chết gì đó, nàng phải bỏ học để đi làm nuôi thân và bầy em dại. Và trong khi có cả triệu nghề ngỗng trên trái đất này, nàng lại ngẫu nhiên chọn phải cái nghề gái bán bar, có tiền tiêu xài thỏa thích. Chưa hết, nàng lại thích có nhiều tiền thêm một chút nên bằng lòng làm vợ một gã sĩ quan người Mỹ giầu tiền và hay đi công tác xa. Đăng nghe Phương Quỳnh nói mà không thấy xúc động gì, có lẽ vì mấy ly rượu đang thấm nóng vào trong da thịt anh, ru anh ngà ngà và làm tan biến hết những cảm giác. Cũng cói lẽ vì anh thường thích những sự thay đổi như thế, dầu nó làm anh đau xót một chút. Đàn bà con gái như thế đấy. Mới ngày nào thay áo còn mắc cỡ tìm một chỗ thật kín, rồi bỗng dưng ngồi thản nhiên hút thuốc mặc cho bàn tay người lạ chui dưới lớp vải, sờ mó những bộ phận kín đáo nhất của mình.
Đăng không bao giờ ngạc nhiên về những chuyện này cả. Anh chỉ hỏi: Bây giờ chiều chiều còn thích xây những lầu đài bằng cát không? Nàng đáp: hết rồi. Anh hỏi: "Cô giáo" còn học hành gì nữa không? Nàng nói: bỏ hết trơn rồi, bây giờ chỉ biết làm tính cộng mỗi khi có nhiều tiền. Anh hỏi: Chị bây giờ còn thích biển không? Nàng đáp: còn. Anh nói: Sáng mai có rảnh ra biển chơi, ở chỗ hồi kia chị vẫn thường cầm một nhánh dương liễu nhỏ, vẽ trên cát những hình chữ nhật, hình tam giác, hình khối để dạy Toán. Nàng gật đầu, mắt vui sướng. Anh hỏi câu cuối cùng: bây giờ chị còn cười đẹp không? Nàng gật đầu và cười cho anh thấy. Nụ cười của nàng vẫn còn đẹp thật như tượng đá trăm năm câm nín không bao giờ nhúc nhích, thế mà bỗng dưng nhoẻn miệng cười, nụ cười ấy phải đẹp biết bao. Nàng hút thuốc lá nhiều, nhưng hàm răng vẫn còn trắng bóng. Nhất là khi nàng cười trong đêm tối, Đăng có cảm tưởng như miệng của nàng vừa đánh cắp của bầu trời một chuỗi ngôi sao nhỏ.
Đăng gặp lại Phương Quỳnh đơn giản như thế. Sáng hôm sau nàng ra biển thật, nàng và anh nói chuyện gẫu với nhau một hồi, rồi nàng bảo anh đếm xem cho nàng có bao nhiêu cánh buồm trên biển, và đến trưa hai người chia tay. Sáng nay cũng như mọi buổi sáng khác.
Ngoài khơi những cánh buồm mỗi lúc mỗi đậm nét. Những con thuyền đã ở trên biển từ đêm qua hay từ nhiều đêm rồi. Những con thuyền mới tách bến, mệt nhọc từ xóm chài lưới trôi ra chậm chạp, mang theo niềm hy vọng và nỗi lo âu của cả một gia đình.
Mỗi chiều, con thuyền trở về bến với một đống cá tươi lăn lóc, hay thật ít ỏi trong những ngày biển động, hay có khi không bao giờ trở về nữa vì gặp cơn bão tố.
Đăng mỏi mắt đếm. Có hai cánh buồm ở gần mỏm núi phía tay trái, có ba cánh buồm ở về phía tay phải, ở ngay giữa có một vài cánh buồm nhỏ bé bên cạnh chiếc tàu sắt khổng lồ.Anh đếm được chừng hai mươi cánh buồm. Vẫn còn nhiều nhưng anh đã nản và nhắm mắt lại. Phương Quỳnh buồn rầu khi thấy anh thôi đếm. Anh cũng buồn khi thấy Phương Quỳnh buồn. Anh muốn nói một câu chuyện gì để làm nàng vui, anh định kể lại những ngày anh ở một nơi thật xa đây, nhưng những chuyện ấy không có gì vui cả nên anh lại thôi. Anh tìm một câu chuyện khác.
- Chị có thích những cánh buồm trắng không?
- Thích, màu ấy đẹp. Hồi xưa chị vẫn mang thật nhiều áo dài trắng.
- Không phải chỉ đẹp thôi, những cánh buồm trắng tượng trưng cho tình yêu và hạnh phúc. Ngày xưa có một anh chàng tên Tristan...
- Tristan?
- Ừ. Tristan, anh chàng kiếm sĩ lãng mạn giang hồ ấy, một hôm bị bệnh nặng gần chết. Chàng bèn sai người dong một cánh buồm đi tìm cho được Yseult, người yêu nhất đời của chàng mà không thể sống chung với chàng được, và Yseult là người duy nhất trên địa cầu có phương thuốc chữa lành bệnh cho chàng. Chàng dặn người nhà nếu đem được Yseult về, nhớ giăng một cánh buồm trắng, còn nếu không thì để cánh buồm đen. Từ đó trong cơn hấp hối, Tristan mỏi mắt nhìn ra biển ngóng chờ một cánh buồm trắng trở về. Rồi một ngày kia chiếc thuyền trở về có đem theo Yseult, căng lồng lộng một cánh buồm trắng. Nhưng lúc ấy Tristan đã kiệt sức mê man, không nhìn thấy gì cả, chàng hỏi thuyền đã trở về chưa và cánh buồm màu gì. Con vợ trời đánh của Tristan nổi cơn ghen vì sợ chồng gặp lại người yêu cũ, nói dối rằng thuyền đã trở về với cánh buồm màu đen. Tristan bèn chết trong tuyệt vọng. Yseult đến đã trễ rồi chết theo chàng...
Chị thấy không chị Quỳnh, mối tình thật đẹp, tuyệt vọng cũng thật đẹp.
Phương Quỳnh lắng nghe, một màu đen trong mắt nàng. Đăng không muốn trông thấy nàng buồn như thế. Anh gãi nhẹ vào lòng bàn chân nàng để chọc nàng cười nắc nẻ như trẻ con, nhưng nàng gạt tay anh ra và im lặng. Im lặng có nghĩa là không cười, và anh thấy nhớ nụ cười của nàng. Một lát sau, Phương Quỳnh nhắc lại lời yêu cầu, nàng vẫn có tiếng là cương quyết từ hồi còn nhỏ.
- Đăng đếm xem có bao nhiêu cánh buồm trên biển?
Anh nói dối cho nàng vừa lòng:
- Hai mươi ba tất cả. Có một cánh buồm đi quá xa... nó mất hút rồi, không còn ai nhìn thấy nó nữa... bây giờ chỉ còn hai mươi hai thôi.
Phương Quỳnh dùng ngón tay viết con số 22 trên cát rồi lại xóa đi. Nàng lại viết rồi xóa. Nàng làm như thế cả triệu lần làm anh phát nản cái trò quái gỡ của nàng. Anh đứng dậy, đòi lại chiếc áo của anh đang khoác trên người nàng, định trở về nhà. Nhưng Phương Quỳnh bảo anh hãy ngồi lại một lát, nàng sẽ không làm ra vẻ u sầu nữa, nàng sẽ cười cho anh nhìn thấy những nụ cười tươi tắn, cười luôn miệng, gần như nàng phải xem đồng hồ để một phút lại nhoẻn miệng cười vô cớ. Nàng nói:
- Có lẽ sáng mai chị không ra đây nữa.
- Sao thế?
- Mai thằng chồng của chị về, chị phải ở nhà để săn sóc cho nó một chút.
- Thương hắn lắm hả?
- Dĩ nhiên rồi. Lương vợ của chị cao lắm, hơn sáu chục ngàn một tháng.
Đăng ngẩn ngơ nghĩ đến số tiến, xấp giấy bạc xanh lè nhảy múa trong đầu óc anh.
- Buổi chiều chị có rảnh không?
- Không. Buổi chiều chị mắc bán ở bar Hawai, cái quán bữa trước Đăng gặp chị ở đó.
- Còn đêm?
Đôi mắt Phương Quỳnh long lanh sáng thật dễ ghét, đôi mắt ấy không thèm nhìn Đăng.
- Đêm của chị vui lắm. Có cả một bọn đàn ông rủ chị đi nhảy nhót suốt đêm. Đăng biết không, chị nhiều nhân tình lắm. Một thằng phi công đẹp trai người Texas, một lão chủ hotel ở bến xe, thêm hai ba người nữa giàu sụ. Đêm đến chị đi chơi với bất cứ ai quen đến rủ chị. Đùa giỡn, uống rượu mệt nhoài cho đến gần sáng. Đem nào làm biếng đi, chị qua phòng tụi bạn đánh bài, đủ thứ ngầu hầm, cát tê, bài cào, xì dách. Đăng thấy không, chị ít khi buồn, chị là người thích vui đùa kinh khủng.
- Chị Quỳnh, vậy là chị không còn dư một phút nào cho... tôi sao?
Phương Quỳnh quay mặt đi để tránh đôi mắt nhìn của Đăng.
- Không. Bây giờ thì không, cả thời nhỏ chị dành cho Đăng nhiều rồi. Những lúc ngồi trong lớp học, chị mong cho trời mau tối để qua nhà Đăng dạy Đăng làm bài. Đăng không còn nhớ, chị giận ghê lắm khi thấy Đăng làm biếng học, cứ ngủ gục trên bàn trong khi chị nói đến khan cổ. Hồi đó Đăng học dốt quá đi, nhưng có lẽ chị thích như thế, chị cố ý bắt Đăng làm những bài khó cho Đăng làm sai, để chị có dịp lấy thước gỗ đánh mạnh vào bàn tay của Đăng sưng vù.
Đăng muốn nhắm mắt lại để tránh ánh nắng của mặt trời bắt đầu len lỏi chậm chạp trên bãi cát. Anh nói buồn phiền:
- Chị thích sống như bây giờ mãi sao?
- Thích chứ. Có nhiều tiền, nhiều bồ bịch, suốt ngày sắm sửa áo quần, son phấn, ăn quà vặt, đi chơi, cờ bạc... Bây giờ chị chỉ thích chừng ấy. Đăng đừng buồn, chị đã khác xưa rồi. Nhưng ai cũng thế cả. Đăng cũng thế phải không?
- Tôi có gì thay đổi đâu.
Phương Quỳnh xé bao thuốc lá đã hết thành những mảnh vụn nhỏ rơi trên cát. Đăng cho nàng một điếu thuốc của anh, thứ thuốc Bastos xanh có lẽ nặng đối với nàng và nàng không bằng lòng lắm khi nuốt khói.
- Thôi bỏ qua những chuyện ấy đi. Đừng hỏi chị gì nữa. Bây giờ nói về Đăng đi, thế nào? Bây giờ Đăng có nghề ngỗng gì chưa hay vẫn còn đi học?
- Còn đi học mới chán chết chứ.
- Đăng định làm cậu sinh viên ăn bám gia đình suốt đời sao. Có cái gì làm Đăng chưa vứt hết những chữ nghĩa đau đầu trong sách vở đó? Thời buổi này phải kiếm thật nhiều tiền để tiêu xài... Thôi bỏ qua đi... bây giờ Đăng học gì, chắc là Y-Khoa để sau này thành ông bác sĩ?
- Không phải. Tôi học Triết.
- Cái quỷ gì thế? Học môn đó để sau này ra trường làm gì?
Đăng lúng túng. Anh đã nghe người thân hỏi anh câu này cả trăm lần và chưa lúc nào anh giải thích một cách hợp lý được.
- Tôi cũng không biết rõ... Có những thằng đỗ cả bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ cũng không hiểu gì cả, giỏi lắm chỉ làm một con vẹt ở Đại Học. Thật khó giải thích cho chị hiểu... Nhưng đại khái đó là một môn học khuyến khích mình phải suy nghĩ nhiều hơn, suy nghĩ để hiểu rõ chính mình và có thể tìm hiểu người khác.
Phương Quỳnh bĩu môi:
- Đăng làm chi cái chuyện vô ích đó. Nếu Đăng định tìm hiểu chị, thì Đăng càng hiểu rõ hay giúp chị hiểu rõ chính chị bao nhiêu, chị lài càng khổ tâm thêm thôi. Đăng bỏ cái trò soi mói ấy đi. Chị ghét những người hay suy nghĩ ghê lắm, chị chỉ thích sống.
Đăng không nói gì thêm. Anh không thích cãi cọ với đàn bà, nhất là với Phương Quỳnh, cô giáo ngày xưa đáng kính của anh. Tất cả những cuộc tranh luận, cãi cọ đối với anh đều rởm và khô khan. Anh đến bãi biển này không phải vì thế, mà vì nụ cưới, tiếng nói, tiếng reo vui của Phương Quỳnh. Chính những cái đó mới đẹp đẽ cà sống động.
Mặt trời trên biển đã lên cao đỏ ối. Đăng ngồi ngược chiều với ánh sáng nên mắt anh hoa lên, chỉ thấy lờ mờ biển trước mặt. Bây giờ nếu anh muốn đếm xem có bao nhiêu cánh buồm trên biển cũng không được. Đôi mắt anh đã ứa nước mắt. Phương Quỳnh đã có vẻ buồn ngủ trên cát, nàng nói nhỏ với anh là hãy kể một câu chuyện gì cho nàng nghe. Đăng cố gắng moi trí nhớ để kể cho nàng một vài chuyện gì dính dấp đến biển cả. Anh nói về những con người của biển, từ Billy Budd, anh chàng thủy thủ chất phác và bất hạnh đến lão già đánh cá Santiago chiến đấu gan lì với con cá mập. Đăng nói trong một lúc lâu và có lẽ Phương Quỳnh cũng không nghe gì cả. Nàng đã ngủ trên cát, những hạt cát dơ bẩn bám vào tóc nàng, những hoa nắng lấm tấm trên cát như những hoa giấy trong ngày hội.
Đăng nhìn kỹ khuôn mặt mệt mỏi của Phương Quỳnh, anh ao ước được nhìn thấy ở đó khuôn mặt nghiêm trang và mơ mộng của cô giáo Phương Quỳnh ngày xưa. Nhưng vô ích. Nàng nắm đó, áo quần nhàu nát của nàng, tóc tai cẩu thả của nàng, mùi nước hoa... những thứ ấy cho biết rõ nghề nghiệp của nàng không dấu diếm, và một đứa trẻ con cũng biết được điều đó.
Khi anh đánh thức Phương Quỳnh dậy, mặt trời đã lên quá cao, bãi cát đã nóng đến nỗi không ai điên gì ngồi mãi ở đây, hàng cây dương liễu cũng không có đủ bóng mát. Nàng mở đôi mắt thật mờ nhạt nhìn anh. Anh hỏi nàng một câu cuối cùng:
- Tại sao chị thích đếm những cánh buồm trên biển như thế?
Nàng trả lời mau lẹ, không suy nghĩ trong khi còn buồn ngủ:
- Chị không biết. Có lẽ vì chị hay nằm mơ thấy một ngày kia có một cánh buồm mang chị ra khơi, bỏ xa thành phố này mãi mãi. Nhưng không phải ông ngư phủ nào cũng dễ dãi như vậy đâu, hình như có đến một trăm chiếc thuyền đã từ chối chị. Đến chiếc cuối cùng, chiếc thứ một trăm lẻ một, cánh buồm mới giăng lên, chở theo chị ra đi. Chị chờ cánh buồm đó.
- Sao lúc nãy chị nói là thích sống mãi ở đây?
- Thôi đừng hỏi nữa. Chị không biết gì cả. Chị về đây.
Đăng tần ngần một lát rồi anh quả quyết nói:
- Chị Quỳnh, tôi thích cái gót chân trái của chị ghê lắm, trông ngon lành như một miếng bánh kem sữa.
Phương Quỳnh sợ hãi bỏ chạy khi Đăng nhào đến chụp bàn chân của nàng. Anh chụp được bàn chân phải của nàng nhưng lại thả ra, anh chỉ tìm bắt bàn chân trái. Phương Quỳnh vùng vẫy làm cát văng vào đôi mắt của Đăng. Anh không còn nhìn thấy gì nữa nhưng tai vẫn nghe những bước chân xa dần của nàng.
*
Sáng nay trời trống không như chẳng có chuyện gì để nói cả. Biển vẫn xanh và vẫn kéo nhau vỗ vào bãi cát như đã làm thế từ ngàn đời. Đăng bỏ thành phố này không duyên cớ. Khi phi cơ rời khỏi mảnh đất lóc nhóc những nhà cửa, bắt đầu bay ra vùng trời trên biển, Đăng nhìn xuống những bãi cát ngắn bằng gang tay và không biết Phương Quỳnh có ngồi đếm những cánh buồm trên biển không. Những ngày qua ở miền biển này, những câu chuyện trò, những buổi sớm mai. Tất cả thật vô nghĩa. Anh không hiểu gì hết. Anh không hiểu gì về anh và cũng không hiểu gì về Phương Quỳnh. Tất cả đều mơ hồ, vô nghĩa. Nhưng anh yêu vô cùng những điều vô nghĩa ấy.
Đăng nhìn qua khung cửa sổ để thầm đếm cho Phương Quỳnh những cánh buồm. Những cánh buồm nhỏ nhoi dưới sâu thăm thẳm đẹp như những bông hoa trắng nở trên bãi cỏ. Rồi một đám mây trôi qua che khuất khiến anh không còn nhìn thấy gì hết.
Hình như có đến một trăm cánh buồm trên biển. Nhưng không bao giờ có thêm cánh buồm một trăm lẻ một cho Phương Quỳnh.
HOÀNG NGỌC TUẤN
(Trích từ tạp chí Bách Khoa số 292, ra ngày 1-3-1969)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét