Tường gọi điện thoại cho nàng đã nhiều lần nhưng chưa bao giờ chàng nhớ rõ số dây nói của nàng. Lúc nào Tường cũng ngờ ngợ lẫn lộn con số này với con số khác, chàng đành phải tìm mảnh giấy xé từ chiếc hộp quẹt nhỏ trên đó ghi lờ mờ một hàng số.
Tường biết nàng có mặt thường trực ở bên kia đầu dây, nàng là điện thoại viên kiêm thư ký của một công ty thương mãi khá lớn.
- A lô... Vân phải không?
- Thưa vâng. Xin lỗi ai gọi... à... anh, em nhận ra tiếng anh rồi.
- Một tuần qua lâu quá, nhưng ngày mai là chủ nhật rồi, em nhớ không?
Giọng Vân ngần ngừ:
- Một tuần qua mau thật, mới đó mà đã đến chủ nhật lại rồi. Em nhớ chứ... nhưng mà...
- Không nhưng gì cả... A-lô... anh chờ em, như thường lệ... anh nói vắn tắt thôi, anh đang gọi cho em ở phòng điện thoại công cộng, và bên ngoài có người đứng chờ... Nhớ đến nhé.
- Thôi được... em sẽ đến. Vẫn chỗ cũ chứ?
- Vẫn ở đó... Phòng số...
- Thôi biết rồi. Hẹn 9 giờ sáng mai, bây giờ em phải "cúp" đây, công việc còn bù đầu... Thôi nhé...
- Ừ thôi. Hôn anh một cái đi, hôn gió...
- Không được. Đâu phải em đang ở một mình, còn trong giờ làm việc mà. Có ai bên cạnh anh không, nếu không thì hôn em đi.
Tường mỉm cười, quay mặt vào trong góc hôn gió một cái nhẹ vào ống nói, rồi đặt máy xuống. Khi chàng bước ra khỏi phòng điện thoại, chàng chợt thấy một người đàn ông đứng tuổi tò mò nhìn chàng, ông ta nãy giờ đợi đến lượt mình gọi điện thoại. Tường hơi ngượng vì có người bắt gặp chàng vừa hôn âu yếm vào một ống sắt đen sì. Nhưng thây kệ, Tường tự nhủ và lững thững bước đi.
Phòng điện thoại nằm trong hành lang dài của một rạp chớp bóng vắng vẻ. Tường lơ đãng nhìn những bức hình quảng cáo phim dán dọc đầy sát trên tường. Hôm nay : Plein de Soleil. Alain Delon, Marie Laforêt, Maurice Ronet... Tường chần chờ một lát, đây là phim cũ, mình xem lâu rồi, nhưng làm gì trong suốt buổi chiều thứ bảy phố đầy người ồn ào này, làm gì cho hết một buổi chiều chờ đợi cuộc hẹn sáng mai này.
Tường tiến lại quầy bán vé như một con ngựa quen đường cũ. Chàng mua vé dưới nhà, đứng chờ thối lại tiền lẻ. Nhưng cái bà mập đeo kính trắng vừa thu tiền của chàng vừa lên giọng khinh khỉnh khó chịu:
- Thưa ông, vừa đúng rồi. Phụ thu cây mùa xuân... bảo trợ... quỹ... xây cất bệnh viện...
- À... xin lỗi.
Tường lủi thủi vào rạp một mình. Chàng hơi buồn khi liếc thấy một cặp (vợ chồng? tình nhân?) đang quàng tay nhau đi trước mặt chàng.
Chiều đó, trong bóng tối, Tường ngủ gục qua gần suốt phim. Dầu là phim hay, đạo diễn cừ : René Clément, nhưng vì chàng đã xem rồi, chàng chỉ mở mắt thức dậy một lát khi đến đoạn Marie Laforêt ngồi bó gối trong một chiếc ghế nhỏ, ôm đàn Tây ban cầm đánh một khúc nhạc lãng đãng rã rời, đôi mắt cô ấy lạ lắm, xanh dại, gần như vô hồn, có vẻ dữ nhưng lại đẹp... Còn đôi mắt của Vân thì sao... chàng cũng không nhớ rõ...
*
- Mắt em xanh như mắt mèo...
Vân thở dài, lắc đầu:
- Tuần trước anh mới nói mắt em đen như hạt nhãn.
- Thật sao? Anh đã nói thế à... hay có lẽ cả hai màu đó đều không đúng. Mắt em màu nâu như vỏ ốc biển.
- Hừ... chỉ thiếu một màu đỏ nữa là em được ở trong tranh của Picasso.
Tường cũng không biết vẽ lại trong trí chàng hình ảnh thật rõ ràng và chính xác của Vân. Đôi khi chàng nhớ nàng, chàng nhắm mắt mơ màng cố nhớ lại một vài đường nét đậm nhất, tiêu biểu nhất về nàng, nhưng chàng đành chịu.
Vân? Người đàn bà ấy có vẻ lờ mờ như xa lạ với chàng, thế mà chẳng có ai gần gũi với chàng hơn là nàng cả. Gần bên chàng về đủ mọi phương diện, nàng nói chuyện vui vẻ làm chàng thú vị, tính tình nàng đơn giản thẳng thắn hợp ý chàng. Nàng không quá đẹp lộng lẫy, khiến chàng phải ngắm nghía nàng mãi đến phát chán, nàng không quá xấu đến nỗi chàng phải tránh mặt nàng. Nàng trung bình, thường thường thôi, và chính điều ấy làm nàng dễ trở thành thân thiết với chàng. Chàng không ngưỡng mộ nàng và cũng không coi thường nàng, chàng thích nàng.
Cuối cùng, Vân không phải là một tiên nữ, cũng không phải là Chung Vô Diệm, nàng chỉ là một người bạn đường thân yêu của chàng. Bạn đường, chưa biết đường dài hay ngắn nhưng ít nhất là mỗi tuần một lần, vào đúng ngày Chủ nhật, chàng và nàng ở bên nhau sung sướng, thoải mái, không lo âu, hưởng trọn thỏa mãn một ngày nghỉ ngơi duy nhất trong tuần. Chàng cũng không phải tốn nhiều tiền lắm để mua quà tặng hay đưa nàng đến những tiệm sang trọng lòe nàng. Nàng không cần những thứ đó. Thế là vừa đủ rồi, suốt ngày Chủ nhật, mỗi tuần một lần, vị chi mỗi tháng bốn lần, cánh cửa đóng kín không bị ai gõ làm rộn, lầu hai ở một khách sạn nhỏ kín đáo, giá vừa đủ túi tiền, vừa đủ tiện nghi, quạt trần, cửa sổ có màn che màu xanh, giường nệm êm có "ra" trải giường trắng, phòng tắm kế bên, không có nước nóng nhưng cần gì, Sài gòn nóng như lửa, tắm nước lạnh mát hơn... Chỉ có thế, một nơi chốn nhỏ hẹp nhưng hoàn toàn tự do, một chiếc giường chỉ có vừa đúng hai chiếc gối, nếu nàng quen ôm thêm một chiếc gối dài mới ngủ được thì nàng cứ việc ôm chàng mà ngủ...
Cuộc hẹn đầu tiên của hai người dĩ nhiên không phải ở khách sạn. Ở một quán nước nào đó, một rạp chớp bóng vắng người nào đó, rồi dần dần chàng và nàng đều thấy rằng cứ gặp nhau như thế thật uổng phí thì giờ và buồn tẻ, chàng mới đề nghị tiến đến giai đoạn quyến rũ hơn như thế này.
Tường cũng là một tư chức tầm thường như Vân, có lẽ lương bổng chàng còn thấp hơn nàng một chút, nhưng chàng hơn nàng được một chiều thứ bảy nghỉ việc. Chàng cũng ngồi bên cạnh máy điện thoại, trong một tòa soạn tuần báo, công việc hàng ngày của chàng là sửa các bản vỗ morasse cho bác Chef Typo đưa lên; đến ngày báo phát hành chàng lo việc ký nhận sổ sách khi giao báo, rồi chàng ôm một đống báo ra bưu điện gởi đến các địa chỉ độc giả mua dài hạn, gởi báo biếu đến những cơ sở đăng quảng cáo, các người quen của ông Chủ nhiệm và các tác giả có bài đăng. Công việc chàng cũng dễ thở và nhàn hạ, chỉ có cái là phải có mặt đúng giờ đúng giấc tại Tòa-soạn, dầu có làm việc hay không, theo lệnh của ông Chủ nhiệm. Tuần báo của chàng là một tờ báo điện ảnh thời trang, giải trí, dành cho phụ nữ. Nếu chàng có tham vọng tiến thân, chàng có thể tập viết những truyện ngắn tình cảm lâm ly hay các bài phóng sự tường thuật về sinh hoạt ca nhạc ở phòng trà, đại nhạc hội... nhưng chàng tự thấy mình không có khiếu viết lách chút nào, rốt cuộc chàng tạm bằng lòng với công việc đều đều từ ngày này qua ngày khác này, một nghề nghiệp hoàn toàn có tính cách "quen tay", không tốt nghiệp một khóa chuyên môn nào và tuy chàng làm việc rất chăm chỉ và đắc lực nhưng nếu cần người ta cũng có thể sa thải chàng mà không thấy cản trở gì cho hoạt động của tờ báo cả.
Vân làm việc trong một Công ty Địa ốc bên kia đường, gần như đối mặt với tòa báo của Tường làm. Một hôm, nàng vào Tòa soạn để đăng nửa trang quảng cáo đầy những chữ, nào là nhà bán, nhà sang, nhà cho thuê v.v... Ông quản lý đi vắng, Tường nói với nàng ngồi chờ một lát, không hiểu sao chàng lại lấy một tờ báo số mới nhất đưa tặng nàng, chàng cẩn thận đóng lên trên tờ báo chưa ráo mực một con dấu đỏ : báo biếu. Vân đứng nhìn khắp Tòa soạn với một đôi mắt tò mò, nàng có vẻ thích thú và thán phục khi thấy Tường ngồi nghiêm trang ở bàn giấy với một đống bài vở và những bản vỗ nhà in ướt mực, đầy những vết chữa và gạch bỏ, chắc nàng tưởng chàng là một ký giả, văn sĩ hay chủ bút gì đó.
Hai người dần dần quen thân nhau, khi lần đầu tiên chàng hôn Vân, nàng kể lại rằng nàng bắt đầu chú ý đến chàng khi mỗi sáng đều thấy chàng ngồi ở quán cà phê bên cạnh tòa báo đăm đăm hướng mắt nhìn nàng, sáng nào cũng thế, cũng ở quán đó, một chỗ ngồi không thay đổi, chàng nhìn nàng với một đôi mắt ngây dại như si tình. Thật ra thì không phải, Tường hay ngồi ở cái quán bình dân đó vì nơi ấy sáng nào cũng có bán cà phê và nhiều thứ điểm tâm rất rẻ tiền, phù hợp với số lương khiêm nhường của chàng, và cũng vì quán nước nằm gần tòa báo nên bà chủ tiệm thỉnh thoảng cũng bằng lòng cho chàng thiếu chịu, ghi sổ đến đầu tháng trả tiền. Còn thói quen của Tường là luôn luôn tìm một chỗ ngồi hướng mặt ra đường, lừ đừ nhìn xe cộ, đường sá, nhìn rất nhiều người qua lại mà không nhìn thấy một người nào cả, chàng cũng không hề cố ý nhìn Vân.
Nhưng dầu sao Tường cũng không nói thật điều đó cho Vân biết làm gì. Chàng thích nàng, và đang được nàng thích. Nếu nàng muốn có một lý do ban đầu thơ mộng thì cứ để cho nàng giữ lấy.
Chàng và nàng rồi cũng biết rõ về nhau, không ai giấu giếm ai. Hai người trạc tuổi nhau, gần đến ba mươi. Vân đã có một đời chồng, ly dị, hiện nàng sống đủ ăn với một đứa con nhỏ. Tường độc thân, đứng đắn vì không có số đào hoa, không dư tiền để bay bướm, lương tháng của chàng vừa đủ ăn và cà phê thuốc lá, nếu chàng lấy vợ chàng sẽ chỉ đủ ăn mà không đủ cà phê thuốc lá, nếu vợ con chàng đùm đề chàng sẽ không đủ cà phê thuốc là và cũng không đủ ăn. Như thế là tự sát, chàng không dám tự sát nên không dám lấy vợ, chàng lý luận với Vân như thế mỗi khi câu chuyện của hai người có vẻ đưa đẩy đến chuyện vợ chồng. Nhưng cũng may mà ít khi nàng nói đến chuyện đó, điều ấy thuộc về một thế giới phiền toái, làm mất vui những phút gặp gỡ vô tư thanh thản của chàng và nàng.
Cứ đến khi ngày chủ nhật chấm dứt, Tường hôn Vân ở những bậc của cầu thang khách sạn vắng vẻ, chàng đưa nàng về và nói:
- Tuần sau, em nhớ chưa... sáng chủ nhật...
Nàng gật đầu, giọng vui vẻ tiếp lời:
- Đúng chín giờ, phòng 305, và anh nhớ đem cho em mượn vài tờ báo vớ vẩn gì cũng được, hay là một cuốn truyện, để em đọc đỡ buồn trong lúc anh ngủ trưa.
- Ừ. Một cuốn truyện thật chán để em khỏi chúi mũi vào suốt ngày, quên cả anh đi.
Vân mỉm cười, nàng hôn vào trán Tường mà không cần phải nhón chân lên vì có lẽ nàng cao hơn chàng một chút.
Tường gọi cho Vân một chiếc tắc-xi. Nhà nàng ở khá xa trung tâm thành phố.
*
Người đàn bà ngồi sau quầy khẽ gật đầu chào Tường, bà ta đã bỏ cái vẻ lạnh lùng mà tò mò đối với chàng như trong lần đầu tiên. Sau gần hai tháng, đều đặn vào mỗi sáng chủ nhật, bà ta đã quen mặt Tường.
Chàng đưa giấy tờ và tiền thuê phòng một ngày.
- Phòng 305 trống chứ?
- Dạ.
Người đàn bà lặng lẽ ghi tên chàng vào cuốn sổ rồi đưa cho chàng chiếc chìa khóa đeo lủng lẳng theo một tấm thiếc ghi số phòng.
Tường để lại trên quầy một ít tiền lẻ, tự nhủ hôm nay là ngày chủ nhật, weekend xả hơi trong thành phố, phải rải rác chút ít "pourboire" ở quán nước, quán ăn, khách sạn v.v... Chàng đã xếp đặt khéo léo để làm sao trong ngày này chàng có thể tiêu phí hơn thường lệ. Từ khi có những cuộc hẹn này, mỗi sáng chàng chỉ uống cà phê sữa thay vì kèm theo một tô phở, và từ thuốc lá hiệu Castan, chàng rớt xuống thuốc đen Bastos, "gu" mới này xem chừng hợp với túi tiền hơn mà lại đậm đà hơn.
Tường dặn cái câu thường lệ trước khi lên cầu thang:
- Lát nữa có ai đến gặp tôi, bà để cho người ta lên.
Bà già gật đầu. Quen biết dầu sao cũng đỡ bị những cái phiền phức nhỏ nhặt. Tường còn nhớ nét mặt ngượng ngùng bực bội của Vân khi nàng phải ghi căn cước tại quầy theo đúng điều lệ của khách sạn, trong lần đầu tiên.
Tường vào căn phòng quen thuộc ở cuối hành lang lầu hai. Chàng khóa kín cửa, cảm thấy thoải mái. Chàng nghĩ mình không đưa Vân về căn phòng thuê ở ngoại ô của mình là phải, nóng bức, ngột ngạt và đầy tiếng cười đùa la hét của trẻ con trong xóm.
Tường cởi áo quần, tắm không lâu lắm như ban trưa vì bây giờ trời có vẻ hơi lạnh. Chàng thích xoa nhiều xà phòng thơm đầy bọt, kỳ cọ thật sạch hai mắt cá chân vì nhớ lại có lần Vân chỉ cho chàng thấy một lớp ghét bám ở chỗ này. Chàng đánh răng bằng chiếc bàn chải mang theo trong túi áo. Xong xuôi, chàng nhìn khuôn mặt mình trong gương và một lần nữa, hài lòng về nghề nghiệp hiện tại của chàng, ít ra cũng còn được để tóc hơi dài và một tí râu ria chứ không mày râu nhẵn nhụi như các quân nhân hay công chức.
Tường để thân người còn hơi ướt lành lạnh nằm dưới tấm "ra" phủ kín đến cằm. Chàng hút thuốc lá, gạt tàn xuống nền nhà một cách bừa bãi, chờ đợi.
Lát sau, có tiếng gõ cửa.
Chắc chắn là Vân đến. Chỉ có thể là Vân. Tường vẫn quấn mình trong "ra", kéo lê tấm vải trắng che thân nhón đi vài bước và mở cửa.
Vân bới tóc lên cao. Nàng mặc áo dài màu đỏ sẫm thật đậm, không được hợp lắm với làn da không được trắng lắm của nàng. Tường ôm sát lấy nàng, bao quanh che phủ nàng bằng tấm "ra" lớn thùng thình. Nàng khẽ kêu lên, cười nhột. Chàng hôn nàng. Khi bàn tay chàng cảm thấy Vân mặc một thứ quần dài kiểu ống rộng may bằng vải dày cứng như quần tây, chàng hơi thất vọng đôi chút, chàng thích làn vải mềm mượt của chiếc quần dài đàn bà cổ truyền hơn. Chàng nói:
- Sao em đến muộn vậy?
Mắt Vân lơ đãng:
- Em còn phải đưa Tí Hon đi lễ nhà thờ.
- Tí Hon?
Con gái em đó. Anh không nhớ à?
- Ờ... ờ... anh nhớ rồi.
Chàng dìu nàng nằm xuống giường. Nàng lại nói:
- Anh đừng gọi điện thoại cho em nhiều quá. Dạo này Râu Xanh có vẻ khó chịu gắt gỏng với em.
- Râu Xanh?
- Ông chủ của em đó, anh không nhớ à?
- À... anh nhớ rồi. Em gọi lão là Râu Xanh, chắc là lão hảo ngọt lắm. Anh mong có ngày em sẽ trở thành bà Giám đốc Công ty.
Nàng cười và lắc đầu:
- Còn lâu. Lão giàu tiền, nhà lầu, xe hơi, lão đâu thiếu gì những cô đẹp hơn em nhiều. Lão chỉ ích kỷ, không muốn nhân viên của lão bồ bịch với bát cứ ai ngoại trừ lão, như thế vừa lơ đễnh với công việc vừa tỏ ra coi thường lão.
- Thế Râu Xanh có biết em... với anh không?
- Chắc lão cũng đã đoán biết. Nhưng sợ gì, em làm việc lâu năm và đắc lực nhất trong sở, lão không dám đuổi đâu.
Chàng cởi áo nàng. Nàng lại nói:
- Anh biết không, hồi sáng em sửa soạn đến anh, Trầu Cau có vẻ dò xét tò mò.
- Trầu Cau?
- Má em đó. Anh có một lần ăn cơm ở nhà em rồi anh không nhớ à?
- Nhớ... nhớ chứ. Nhưng anh không hiểu tại sao em hay đặt cho mỗi người một cái biệt danh như vậy... TÍ Hon, Râu Xanh, Trầu Cau... thế còn anh, em định gọi là gì?
- Chàng Lười.
Tường ngẩn người. Biệt hiệu của chàng có vẻ tệ nhất so với những người khác.
Cởi áo nàng xong, Tường tiếp tục cởi những gì không phải là áo trên người nàng. Nàng không bao giờ là người ít nói cả:
- Anh có đem cho em một cuốn truyện nào không?
- Có. Anh thuê một cuốn truyện nghẹt thở, toát mồ hôi lạnh, loại nhảm nhí mà em thích.
- Em chỉ khoái đọc loại đó. Truyện gì đó anh?
- "Người về trong đêm tối", một người đàn ông lén về nhà trong đêm khuya để giết vợ. Y uống rượu để lấy can đàm, nên y vào nhầm phòng của một người đàn bà khác ở sát bên.
Vân thích thú kêu lên:
- Trời ơi, hấp dẫn quá. Rồi sao nữa anh, kết cuộc ra sao?
- Bí mật. Lát nữa đọc rồi biết.
Vân tỏ vẻ thất vọng, nàng lắc đầu vùng vằng trong ngực chàng. Nhưng dầu sao, áo quần của nàng đã được đẩy xuống chân giường. Bây giờ không phải là lúc quan tâm đến số phận của những nhân vật tiểu thuyết... Nàng ngửa cổ dưới đôi môi chàng, mắt nàng khép lại, môi mở hé tỏ vẻ hài lòng sung sướng. Da thịt nàng êm mát, đầy đặn. Nàng hơi mập, to con hơn chàng. Nhưng chàng lại lạc quan cho rằng như thế nàng càng mát da mát thịt hơn. Chàng cảm thấy từ ngực nàng mùi nước hoa Immortel, thứ mà chàng không ưa, môi nàng có mùi son Kose, thứ mà chàng cũng không thích. Tóm lại, lối son phấn trang điểm của nàng không hợp với chàng, nhưng chàng không phải là người khó tính...
Tiếng quạt trần chạy đều đều bình thản, chàng thấy cổ nàng lấm tấm mồ hôi, có lẽ tất cả thân người nàng, ngực, bụng và chân tay đều ươn ướt mồ hôi.
Lát sau, Tường gục mặt trong mớ tóc của Vân. Chàng nhắm mắt, nghỉ ngơi, cố nén để khỏi thở dốc hồng hộc có vẻ thô bỉ quá, chàng thở nhẹ vào tai nàng...
Chàng nhoài mình, với tay rút một điếu thuốc lá trên đầu giường, hút một hơi theo thói quen. Nàng vẫn ôm lấy chàng, tay nàng cào nhè nhẹ trên lưng chàng, hàm răng nàng cũng cắn nhè nhẹ vào xương bả vai chàng, chàng gầy lắm, xương trên người chàng hằn lên như rễ cây.
Nàng thủ thỉ:
- Rồi đi đến đâu, anh... kết cuộc ra sao anh...
- Hẹn ngày chủ nhật tới, anh sẽ...
- Không, em không nói chuyện tụi mình. Cái truyện trinh thám đó kìa, người chồng muốn giết vợ vào nhầm phòng một người đàn bà khác, rồi sao nữa...
Tường đã biết nàng vốn rất mê những chuyện ly kỳ. Chàng thở dài chịu thua, kể tiếp:
- Rồi... không ngờ người đàn bà ấy cũng đang mưu tính giết chồng bà ta, cũng trong đêm đó... Lão chồng nàng thường hay về khuya, say sưa không biết trời đất gì cả nên bà vợ đã sửa đổi sắp xếp làm sao để cho lão chồng say chập choạng trong bóng tối thay vì mở cửa phòng ngủ lại mở cánh cửa hướng ra... khoảng không, tầng thứ bảy của một tòa nhà building, rơi xuống là tan xác...
Vân ôm xiết lấy người chàng, nàng rùng mình kêu nhỏ:
- Trời ơi, hồi hộp quá... Rồi sao, anh?
Tường không ngờ câu chuyện vớ vẩn ngoài chương trình này chiếm quá nhiều thì giờ trong một ngày ít ỏi này, nhưng chàng đành phải nói tiếp cho hết chuyện:
- Còn sao nữa... Thì cái anh chàng muốn giết vợ lại bị chết oan.
Vân kết luận:
- Ừ. Thôi cũng đáng kiếp.
Bây giờ cũng lại không phải là lúc quan tâm đến số phận của những nhân vật tiểu thuyết...
*
Sau khi tắm xong, tóc Vân xõa tung và làm ướt đẫm gối, nàng nằm bên chàng nhưng không ôm lấy chàng nữa. Hai người nằm cách nhau một khoảng, bàn tay nàng với những ngón hơi to siết trong tay chàng. Tấm "ra" được kéo lên để che đậy hai thân thể của chàng và nàng, nhưng chàng lại nhìn thấy hai ống chân của mình ló ra khỏi tấm "ra", với những sợi lông chân tua tủa trông thật buồn cười.
Nàng lim dim mắt, tóc mây bay bay dưới làn gió của cánh quạt trần, nàng mỉm cười mơ màng:
- Đến trưa mình làm gì, anh?
- Anh mời em đi ăn cơm trưa, nấu theo lối Bắc.
- Em cũng muốn ra phố mua vải áo, lâu quá chưa may cái nào mới.
- Mua vải thì em đi một mình đi, anh nằm đây chờ. Anh ghét vào cái đường hàng vải nghẹt người và đầy hơi cay chảy nước mắt.
- Anh thích em mặc áo màu gì?
- Anh không có ý kiến. Tùy em. Anh chỉ còn đủ tiền đãi em ăn cơm trưa, thêm một ly kem, nếu em thích. Còn áo mới thì anh chịu.
Nàng tỏ vẻ giận:
- Ai đòi anh mua đâu. Anh ăn nói không được khéo léo lịch sự chút nào. Chả bù với Kính Cận, anh ấy lúc nào cũng dịu dàng dễ thương.
- Trời ơi... lại còn Kính Cận nào nữa? Ai thế?
- Chồng trước của em. Có lần em đã nói với anh rồi mà. Anh không nhớ à.
- Nhớ rồi.
- Nhắc đến anh ấy, anh... có ghen không?
- Ghen? Tại sao? Hai người ly dị rồi mà.
- Nhưng trước kia em yêu Kính Cận ghê lắm, bây giờ mỗi khi nhìn Tí Hon em vẫn còn nhớ đến anh ấy. Anh có ghen không, Chàng Lười?
Trong một câu nói ngắn của nàng, nàng nhốt đủ ba biệt danh của ba nhân vật đóng vai chính trong đời nàng.
Tưởng trả lời cụt ngủn:
- Không.
Nàng thở dài:
- Có lẽ anh không yêu em.
Chàng mệt mỏi nói:
- Yêu, ghen... những chuyện đó xưa rồi, anh không hề biết.
Giọng nàng run run vì giận:
- Thế tại sao anh lại nằm đây? Tại sao anh cứ tiếp tục hẹn hò tán tỉnh gặp em... Nếu không yêu thì tại sao?
Chàng mở mắt nhìn trân trân lên trần nhà, đây là lần đầu tiên, nàng tỏ vẻ thắc mắc tỉ mỉ như thế, nàng làm chàng cảm thấy bất an, phiền muộn trong một cảm giác bềnh bồng lạc lõng mà trong đó, chàng yếu ớt xoay chuyển, nhìn thấy mọi vật đều mù mờ, miệng mấp máy những lời rời rạc vô nghĩa. Chàng sợ hãi, kéo nàng lại gần sát mình, hôn mạnh lên môi nàng và cảm thấy cô đơn lẻ loi hơn lúc nào hết.
Nàng đáp lại cái hôn của chàng một cách buồn bã, gượng gạo... Tại sao? Nếu không yêu em, thì tại sao?
Chàng thì thào nói nhỏ:
- Anh cũng không biết. Có lẽ chỉ là một... sự hòa hợp, bù đắp... hay là một cái gì gần gần như thế. Anh với em, chúng ta cùng thiếu thốn quá nhiều thứ trong đời, rồi mỗi người tưởng rằng người kia sẽ đem lại cho mình một cái gì đó... hạnh phúc, tình yêu... chẳng hạn... nhưng có lẽ mình đã tưởng lầm...
Chàng tránh mắt nàng, thẫn thờ lập lại:
- Chỉ là một sự hòa hợp... lâu dài? Ngắn ngủi?... anh cũng không biết.
Nàng buông khỏi tay chàng, nằm xích ra xa hơn và quay lưng về phía chàng. Nhìn qua vai nàng, chàng đoán nàng khóc. Có lẽ giờ đây, đôi mắt nàng có thêm màu đỏ như một lần nàng nói đùa.
Chàng bỗng nghe tiếng nói của Vân vang lên, bình tĩnh lại:
- Rồi ra sao? Kết thúc ra sao?
- Hết rồi, cái chuyện loại nghẹt thở giết người đó, anh kể hết rồi mà.
- Không. Em nói chuyện tụi mình kìa. Rồi tụi mình sẽ ra sao. Cứ mỗi ngày chủ nhật, em đến đi chơi với anh như nhân tình, ăn ngủ với anh như vợ chồng... Rồi hết, thứ hai, ai trở về với công việc nấy, nhà ai nấy ở, hẹn đến tuần sau, lại chủ nhật, phòng ngủ... rồi hết, hẹn tuần sau... Như thế rồi sẽ đi đến đâu?
Và nàng bỗng kết luận một cách đáng lo ngại:
- Anh, nếu... em có thai với anh thì sao?
- Đừng nói đến chữ "nếu" rùng rợn đó.
- Nhưng chuyện mà anh không muốn đó sẽ xảy ra nếu tụi mình cứ tiếp tục như thế này mãi.
Tường hút thêm một điếu thuốc... Phải, Vân nói đúng, những đứa con thường ra đời một cách bất ngờ trái lệnh với cha mẹ chúng.
Thật ra, chàng cũng đã lo nghĩ về chuyện này.
Hình như Vân đang nói những lời gì đó. Nhưng Tường không rõ, chàng thiếp ngủ, nhẹ nhàng, thỏa mãn...
Không biết Tường đã ngủ được trong bao lâu, cánh tay chàng đã bị lay nhẹ làm chàng tỉnh giấc, mở hé mắt, vẫn những cánh quạt quay vù vù... chàng nhắm mắt lại.
Giọng nàng thầm thì, dịu dàng và không còn có vẻ lo âu hay giận dỗi nữa:
- Anh, dậy đi... Trời mưa...
- Không phải đâu... Sàigòn làm gì có mưa vào mùa này.
- Mưa thật mà, anh không nghe tiếng lộp bộp ngoài đường sao?
Chàng vẫn nhắm mắt, giọng uể oải ngái ngủ:
- Chắc em nghe lầm rồi... Tiếng quạt máy chạy mà...
- Không, trời đang mưa thật mà.
- Hay là vòi bông sen trong phòng tắm, lúc nãy em không khóa kỹ.
- Không. Anh nhìn ra cửa sổ kìa, trời đang mưa lớn.
Tường lười biếng quay mặt lại, mở mắt nhìn và biết Vân nói đúng. Nước mưa đang đập vỡ thành những vết nhòe nhoẹt trên mặt cửa gương. Mưa trái mùa, trời vẫn còn loang loáng ánh nắng.
Buổi chiều trôi qua đúng như dự tính.
Vân không ở lại qua đêm được, nàng phải về nhà ngủ với Tí Hon và sửa soạn sáng mai đi làm sớm. Chàng Lười ngủ một mình trong khách sạn, ở lại đêm hay không thì cũng mất tiền phòng một ngày như nhau.
*
Mười giờ sáng thứ bảy, Tường xếp tờ báo vừa mới đọc xong, ngáp dài. Chuông điện thoại trên bàn của chàng reo lên.
Tường nhấc ống nói một cách dửng dưng:
- A lô...
- Xin lỗi phải Tòa soạn báo Hoa Hậu không ạ... cho tôi nói chuyện với ông Tường...
Tường hơi ngạc nhiên, kêu lên:
- Anh đây... Có chuyện gì vậy Vân?
Giọng nàng trong máy nhỏ lại, bối rối:
- Sáng nay em nghỉ làm. Em đang ở phòng điện thoại của nhà bưu điện...
- Rồi sao nữa?... A lô...
- Từ từ mà... Anh, mấy ngày nay em thấy trong người có vẻ là lạ... không chừng... có lẽ... hình như... em có... thai...
- Hả?
Tường hoảng hốt kêu lớn, trán chàng lấm tấm mồ hôi. Chàng bỗng có cảm tưởng như mọi người trong Tòa soạn đều bỏ hết công việc, chạy lại vây quanh chàng và cùng ghé tai vào máy điện thoại. Nhưng không, chẳng có ai để ý đến chàng. Viên Thư ký tòa soạn đang hí hoáy viết lách gì đó, trên bàn y bày la liệt những tấm hình tài tử màn bạc, ca sĩ, những mỹ nhân tham dự cuộc thi hoa hậu do tòa báo tổ chức... Tự dưng mắt Tường dán chặt vào những bức hình người đẹp đó, toàn là đàn bà... ở đâu cũng đầy đàn bà tóc uốn lượn, lông mi cong vút, môi đỏ chót.
Người ta thi nhau chụp hình đàn bà, in lên báo, đem bán, thanh niên mua về treo dán ở đầu giường... Người ta xúm lại mô tả đàn bà, phỏng vấn, hỏi han : Xin cô vui lòng cho biết người chồng tương lai của cô phải có những đặc điểm nào v.v... Đỏ mặt thẹn thùng trả lời : dạ thưa, em còn nhỏ... đang đi học, em chưa biết... yêu làn nào, em đóng phim, đi hát, là do ở... lòng yêu mến nghệ thuật... Vâng, em yêu nghệ thuật nên em phải yêu luôn ông chủ phòng trà, ông bầu, ông thổi kèn, ông đánh trống... ông giám đốc sản xuất, ông đạo diễn, ông tài tử... và sau cùng, sau hết, em mới yêu một ông chồng già, giàu sụ, quân tử Tàu, hiền triết, bao dung quảng đại, sẵn lòng nhắm mắt tha thứ cho em từ những lỗi lầm đã qua cho đến những lần sa chân lỡ bước sắp tới...
Có tiếng thúc giục trong ống nói nhưng Tường thẫn thờ không nghe gì cả. Mắt chàng vẫn dán chặt vào những tấm hình đàn bà hấp dẫn... Đàn bà, đàn bà... Đàn bà lắm chuyện, lắm chuyện đàn bà... Rắc rối đàn bà, đàn bà rắc rối... Đàn bà tội lỗi, tội lỗi đàn bà... Bỗng dưng... Tường như nhìn thấy vừa có một sự thay đổi nơi những tấm hình... Tất cả những cô tài tử, ca sĩ, hoa hậu đều mang mỗi người một cái bầu to tướng trước bụng...
- ... A lô... A lô... anh Tường, anh còn đó không?
Tường giật mình sực tỉnh, chàng lắp bắp nói vội:
- Còn... anh đang nghe đây, em cứ nói tiếp đi.
- Thì em đã nói rồi. Có lẽ em mang thai...
Tường hỏi dồn:
- A lô, em có biết chắc không? Có thấy triệu chứng gì khác lạ không? Mấy lúc này em có thấy thèm ăn xoài chua không?
- Đồ trẻ con. Hỏi vớ vẩn, xoài chua thì lúc nào mà chẳng thèm?
- Vậy tại sao em biết được?
- Đồ vô duyên, em phải biết chứ. Nhưng anh đừng lo, mai em đi khám bác sĩ mới biết chắc được. Có khi em lầm, hy vọng em lầm.
- A lô, em cưng, anh cũng hy vọng như thế.
- Nhưng nếu em có thai thật, anh có... sợ không?
Tường lau mồ hôi trán, lí nhí thú thực:
- Sợ... anh sợ.
- Đồ đểu giả.
Chỉ trong vòng có vài phút, Tường đã bị nàng lần lượt mắng là trẻ con, vô duyên và đểu giả. Nàng thật không biết rằng ba tính tình ấy hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, chàng làm sao có đủ một lần ba đặc điểm đó được. Người đểu giả thì ăn nói phải đường mật khéo léo, làm sao mà vô duyên được... nhưng lúc này không phải là lúc lý luận để đùa cợt nàng, Tường xuống giọng:
- Em nghĩ xem...
- Không nghĩ gì cả. Em quá biết anh rồi. Anh có đủ tất cả những khuyết điểm lớn nhất của một người đàn ông : lười biếng, nghèo tiền, không tham vọng tiến thân, vô trách nhiệm...
Tường bực tức, chàng trả đũa:
- Còn em... A lô, để cho anh nói đã. Em có đủ tất cả những khuyết điểm lớn nhất của một người đàn bà : một bà mẹ vợ còn sống, một ông chồng cũ, một đứa con riêng, một ông chủ râu xanh đeo sát bên...
Tường cố kìm giữ để ngừng lại. Trong ống nói chỉ có tiếng vo vo, hoàn toàn im lặng, không biết nàng đã gác máy chưa hay còn đó.
- A lô... Vân, Vân...
Hình như nàng vừa nhẹ thở ra, rồi giọng nói của nàng bình thản:
- Thôi, gây nhau mà ích gì. Cũng chưa có gì đáng lo ngại cả. Dầu sao thì chiều mai em sẽ đi bác sĩ.
- Sao lại chiều? Buổi sáng đi gấp cho rồi.
Nàng bỗng nói một câu thật không ngờ:
- Sáng mai là chủ nhật, anh không nhớ à.
- À... Chủ nhật lại rồi... À... chủ nhật, vẫn chỗ đó nhé, em nhớ đến.
- Rồi. Nhớ dặn trước phòng cũ, khoảng 9 giờ em sẽ đến anh, sau khi đi lễ nhà thờ với Tí Hon.
- Tí Hon? Ai thế?
Giọng nàng chán nản lẫn bực bội la lên trong máy:
- Trời ơi... anh ơi... Đầu óc anh để đâu? Thôi em "cúp" đây, sáng mai gặp lại...
HOÀNG NGỌC TUẤN
5-73
(Trích từ tạp chí Bách Khoa số 393)