Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

ĐƯỜNG TƠ XUÂN LƯU LUYẾN (*) - Trần thị Phương Lan


Những mùa xuân sau này tuy không còn tiếng pháo, nhưng kỳ diệu và may mắn thay, xuân vẫn còn là  xuân, có lẽ vì vẫn còn nhiều thứ khác khỏa lấp khoảng trống, tỉ dụ như muôn ngàn sắc hoa xuân rực rỡ một trời, những chùm bong bóng đủ màu sặc sỡ, đủ hình thù vừa lạ vừa quen, vẫn còn bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ, hay ly rượu hồng. Nhưng giả sử Tết mà thiếu vắng những khúc nhạc xuân rộn ràng, thì chẳng khác nào muôn chim  vẫn bay rợp trời xuân nhưng ta không nghe thấy chúng véo von cất tiếng hót, hoặc như bậc giai nhân bị tước mất giọng nói oanh vàng thỏ thẻ. Tết thiếu đi cung đàn xuân thì còn chi là Tết? Và biết lấy gì đây để bù đắp lại sự mất mát khôn cùng đó?

Có những thứ chỉ mới mẻ mới đẹp như quần áo chẳng hạn, nhưng trái lại, có nhiều thứ phải cũ mới quý, và nhạc xuân là một trong số đó. Không có kỷ niệm gắn liền, một bài hát xuân mới ra đời dù có hay tuyệt vời tới đâu chăng nữa,  cũng giống như một tác phẩm điêu khắc đẹp nhưng vô hồn, một đóa hoa hữu sắc vô hương, dù không phải do khuyết điểm hay lỗi phải gì của chính những bài hát đó,  Xin đơn cử vài ví dụ, như nhạc phẩm Vần Thơ Xuân Cho Em của nhạc sĩ Thanh Trang, (tác giả bài Duyên Thề lừng lẫy một thời): 

Giờ này Xuân đến biết em còn chờ đấy chăng?
Mùa xanh thay lá lẽ đâu lòng còn giá băng?
Biêng biếc khung trời ngày Xuân nắng gieo tơ vàng
Ngày vắng thanh âm lại vang tiếng tơ điệu đàn!

 bài Hương Xuân Bên Thềm của Nguyễn Hùng Lân:

Say đắm hương xuân ngời
Vang mãi câu yêu đời
Để hồn ta say trong tiếng rơ
Êm như giấc mơ 
Hương xuân bên thềm trôi lững lờ..

Tai ta nghe những giai điệu, thanh âm mới lạ và vô cùng thánh thót du dương, tuy vậy trái tim ta không hề thổn thức, rung động, cõi lòng không bồi hồi trầm lắng xuyến xao, vì ta không thể thả hồn vào cõi mơ nơi dĩ vãng vàng son trị vì, dĩ vãng có vô vàn bóng dáng những  người thân yêu, vẫn còn hiện diện hoặc đã vĩnh viễn xa rời, đã cùng ta thưởng thức, cùng hát những khúc nhạc xuân đó, trong bối cảnh đó, cùng với những biến cố xảy ra khiến chúng trở thành KỶ NIỆM không thể xóa nhòa. Từ đó nảy ra mối liên kết, hay mối yêu thương ta dành riêng cho ca khúc đó. Để khi chỉ cần tình cờ nghe lại bao nhiêu năm sau, thì nước mắt vẫn lặng lẽ đọng trên khóe mi, rồi tuôn trào thành dòng trên má. 

Nhưng nói tất cả những ca khúc mới ca ngợi mùa xuân đều vô hồn là vơ đũa cả nắm, vì có những ca khúc tuy bình mới nhưng rượu lại cũ, và ta vẫn có thể cảm nhận được tâm hồn của tác giả, thấm đượm hồn xuân trong nền văn hóa cũ, đã viết nên những tác phẩm khiến ta phải ít nhiều bâng khuâng, như hai nhạc phẩm Hoài xuân, Xuân là gì? cùng do nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác:

Lặng nghe ta thấy tiếng chân người qua
Ngày quen trưa vắng lá rơi xào xạc
Mà sao ta thấy bỗng nghe rất lạ
Đời xuân như lá đã bay rất xa..
Rồi khi ta lắng nghe trong chiều qua
Ngày xuân theo gió đã đi thật xa
Vườn xuân se sắt nắng xuân đã già
Ngày vui đã hết để ta ngẩn ngơ, để ta ngẩn ngơ…

Hoài xuân, (Tuấn Khanh)

Hoặc: 

Cứ nghe xuân vội đi 
Rồi bỗng nghe xuân lại về 
Cứ nghe ta buồn thêm 
Khi lắng nghe gió xuân...

Xuân là gì? (Tuấn Khanh)

Hay

Dù đời con lận đận
Vẫn nặng lòng nhớ quê
Thương mẹ già xế bóng
Đợi con bên thềm xuân

Mẹ ơi xuân lại về (Hồ Đắc Thiếu Anh)

Có người nói rằng, nhạc xuân trước 1975 bài nào nghe cũng buồn!  Trách sao được? Và cũng tránh đi đâu được? Thời ly loạn  mà! Và khi còn nghe tiếng súng nổ, còn thấy máu xương rơi, có người nhạc sĩ nào vô tâm vô tình đến nỗi ngồi trong tháp ngà và sáng tác toàn những cảnh thanh bình, hạnh phúc ấm êm cho được? Vì thế khi lắng nghe những giai điệu xuân trước 1975, có khi chúng ta còn có thể nghe thấy tiếng trái tim nghệ sĩ của họ thổn thức, hay cả tiếng những giọt nước mắt nóng hổi của họ nhỏ tí tách lên trang giấy bản thảo!

Nếu xuân về tang thương khắp lối, xuân này khó cho vui, thì đừng đến xuân ơi! 

(Phiên gác đêm xuân, Nguyễn Văn Đông)

Nghe gió xuân lòng mình sao thương nhớ ngày tháng xưa những ngày sống nên thơ. Mùa xuân ơi đi qua trong cõi đời hương xưa tàn úa rồi… Ngày xa nhau ai đi về cuối trời chia tay chẳng hứa lời. Tàn xuân hoa lá úa rơi như lòng tôi…

Tàn Xuân (Nhật Trường)

Hay

Quê hương trong thời đau thương, mùa xuân chia ly là thường!

(Mùa xuân trên cao, Trầm Tử Thiêng)

Hoặc

Hai mươi mấy xuân rồi tôi vẫn đi hoài nghe như vắng tiếng cười. Chẳng vì non nước tôi đang còn lửa khói nên xót xa đầy vơi! 

Tôi chưa có mùa xuân (Châu Kỳ)

Nhưng nói gì thì nói, nhạc xuân trước 1975 còn bao gồm cả hàng trăm ca khúc vui tươi rộn ràng, cả  “nhạc giựt” nhí nhảnh trẻ trung lẫn nhạc nghiêm túc hơn.

Đầu tiên phải kể đến bài Cánh thiệp đầu xuân mà người miền Nam không ai không biết, dù trí thức hay bình dân.Vì tết tới, ai mà chả phải chúc, có người còn đụng đâu chúc đó, đụng ai chúc nấy, chắc do chứng say xuân! , mặc dù lời chúc của mình dù thành tâm thành ý tới đâu cũng không thể làm thay đổi, suy suyển một ly ông cụ vận may của người được chúc tụng!

Một bài nhạc xuân  khác cũng khá ấn tượng là  bài Mộng chiều xuân, nhưng phải cái kén ca sĩ, và kén cả thời gian:  nghe lúc 4 giờ chiều là vừa, sớm hơn thì nắng quá, trễ hơn thì hết nắng còn gì, và nắng xuân thì khỏi nói chắc các bạn cũng biết là dịu nhẹ như tơ vàng, êm ả vô cùng! Thuở nhỏ có một lần vô tình thức giấc ngủ xế trưa, tôi thoáng nghe được bài này từ băng cassette từ dưới nhà vọng lên, và nhìn qua khung cửa tôi thấy cả một khung trời xuân xanh ngát, cùng màu nắng xuân diệu kỳ! Lòng tôi phơi phới và cứ nhớ hoài phút giây tuyệt đẹp đó.

Một ca khúc mùa xuân khác tương tự bài Mộng chiều xuân, vì cũng phải thưởng thức khi trời vẫn chưa nhạt màu nắng xuân, đó là bài Chiều xuân hồng (With all my heart, Petula Clark trình bày, lời Việt của Nguyễn Mạnh Hoàng Cương) qua tiếng hát của Elvis Phương:

Chiều xuân hồng chiều xuân với nắng trong
Chiều xuân vàng nhìn xuân ngỡ ngàng
Đàn trẻ thơ chạy trong ánh nắng trưa
Xôn xao rộn ràng với xuân huy hoàng..
Sống thanh bình xuân khắp núi sông
Là la la la la..

Cũng có một nhạc khúc tuy thường được nghe trong những rạp chiếu bóng nhân dịp xuân về, dù chẳng dính dáng gì tới mùa xuân, đó là bài Chung thủy, của nhạc sĩ Văn Phụng. Khúc dạo nhạc và nhạc đệm bằng đàn tranh mê ly luôn làm tôi liên tưởng tới những mùa xuân thuở nhỏ, tết được nghỉ học và đi xem phim hầu như mỗi ngày với các anh và em trai! Ôi ngày vui sao lại chóng qua, hay đó chính là quy luật muôn thuở của cuộc đời mà tôi phải miễn cưỡng chấp nhận?

Tôi vẫn nhớ hoài một cuốn băng cassette tên Dạ Vũ Mùa Xuân mà ba má tôi đã mua về dịp tết khi chúng tôi còn bé.Tôi hầu như có thể thuộc lòng từng bài trong đó, được sắp xếp cố ý giống như một buổi dạ tiệc khiêu vũ tất niên, tuy bao gồm cả những bài hát không thuộc đề tài mùa xuân như bài nhạc hòa tấu Tequila, bài Thương hoài ngàn năm của Phạm Mạnh Cương, hay Biết đến bao giờ của Lam Phương… nhưng vẫn để lại trong lòng tôi một nỗi nhớ không hề nhạt phai cho dù  bao năm tháng  đã trôi qua.

Và còn biết bao nhiêu ca khúc mừng xuân khác, cả tưng bừng rộn rã lẫn tê tái nghẹn ngào, như Ly rượu mừng,  Xuân tha hương của Phạm Đình Chương,  Hoa xuân của Phạm Duy, Bến xuân xanh của Dương Thiệu Tước, Đón xuân này nhớ xuân xưa của Châu kỳ, Nhịp xuân của Trần Ích, Xuân về của Thẩm Oánh, Xuân họp mặt, Xuân miền Nam, Xuân vui ca của Văn Phụng, Mùa xuân hoa tim nở của Đỗ Lễ, Mùa Xuân gửi anh, Xuân đã về, Hạnh phúc đầu xuân của Minh Kỳ… đã để lại trong lòng bao thế hệ những người yêu nhạc xuân xưa niềm nhớ nhung luyến tiếc những tháng năm đẹp nhất của đời người.

Cho dù lớp bụi thời gian đã làm phai mờ bao khóe mắt giai nhân, hay phủ một sắc màu xám xịt lên mái tóc ngày nào còn xanh của họ, nhưng cho dù có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, thì mỗi khi những khúc nhạc xuân xưa vang lên rộn ràng,  trái tim tưởng chừng đã chai đá vì vết hằn tháng năm hoặc những khổ đau phũ phàng chồng chất, cũng vẫn như được hồi sinh, để chúng ta lại cùng rung động bồi hồi, hay luyến lưu níu kéo biết bao kỷ niệm êm đềm của thời quá vãng đã xa lắc xa lơ, và đắm chìm trong những đường tơ xuân đầy quyến luyến, mỗi dịp xuân về!


Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)        

*Chú thích: Đường tơ thôi lưu luyến, tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét