Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

CHƯƠNG 4_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 4


Căn lều của bác Tom là một kiến trúc thô sơ, nhỏ bé bằng gỗ gần kế bên ngôi nhà của chủ (Ngôi nhà, tiếng mà người nô lệ da đen dùng để chỉ nơi cư trú của chủ nhân cũng như căn lều chỉ nơi cư trú của họ).

Trước căn lều có mảnh vườn nhỏ xinh xắn. Hè đến, quả phúc bồn tử, quả dâu và vài thứ quả khác cùng với rau cải tươi xanh nhờ sự chăm sóc kỹ càng của Chloé, vợ bác Tom. Mặt tiền rợp mát do một cây thu hải đường to lớn đỏ rực và một bụi hồng đầy hoa. Các nhánh cây dày kịt đan vào nhau và rũ xuống che lấp hẳn căn lều thô sơ, tuy nhiên căn lều sáng rực lên và thay đổi theo màu sắc của hoa quanh năm, những bụi hoa cúc và dã yên thảo cũng tìm được một chỗ để chường mặt ra phô trương vẻ đẹp. Bác Chloé rất thích khung cảnh đó.

Giờ này bác gái đã dọn xong bữa tối cho ông bà chủ. Bác Chloé là đầu bếp chính của chủ nhân. Kiểm soát lại một lượt trên bàn ăn, ra lệnh cho những người thuộc quyền bày biện hoàn tất, bác trở về căn lều riêng của mình để lo bữa tối cho chồng.

Đứng bên bếp lửa hồng, bác Chloé đang chăm chú rán con cá vàng ngậy trên chảo rồi mở nắp vung ra và từ bên trong nồi mùi thơm nức mũi bốc lên, báo hiệu một bữa ăn ngon.

Khuôn mặt bác gái đen đủi, tròn và bóng loáng như được bôi lên đó một lượt lòng trắng trứng. Dáng người béo trục, phảng phất cái kiêu hãnh của một tay đầu bếp khéo nhất vùng. Đó là điều bác ta lấy làm hãnh diện nhất.

Trong trang trại không một chú gà tây nào, một con vịt nào, thím gà mái nào là không khiếp sợ khi thấy bà bếp lù lù xuất hiện gần chúng, thoáng thấy bác chúng hiểu ngay là ngày tàn của cuộc đời chúng sắp điểm rồi.

Về phần bác, động thấy chúng là lập tức bác nghĩ ngay đến cách chế biến chúng thành những món ăn thích khẩu cho chủ nhân. Quay? Luộc? Hầm? Nướng? Làm cách nào cho giòn tan, ngon ngọt, mềm mại và thơm tho? Đó là mối bận tâm chính của bác ta. Làm sao mà bầy gia súc không sợ chứ?

Có lẽ ta phải nhắc thêm đến tài làm bánh của bác Chloé: bác thay đổi các thứ bánh luôn luôn, như các cô các bà nhàn rỗi và thừa tiền ở các đô thị lớn chạy theo thời trang vậy. Nhờ thế, tuy ăn bánh bác làm mỗi ngày, chủ nhân không bao giờ thấy chán. Điều làm bác ta sung sướng nhất là được nghe những người thưởng thức các món do bác làm ra có đôi lời khen tặng.

Mỗi khi nhà chủ có khách đến thăm, ở lại, bác bù đầu vì tìm tòi đủ cách để thay đổi thực đơn đều đều, nhưng ta đừng tưởng tay đầu bếp này kêu ca, than phiền chút nào đâu. Không gì làm bác ta sung sướng hơn khi thấy một dãy va-li, rương hòm đặt dọc theo hành lang, vì đó là cơ hội để bác ta thi thố hết tài năng với mọi người.

Nhưng thôi, hiện giờ bác gái đang bện trong nhà bếp của bác, hãy để bác được yên với ngón sở trường mà đi sâu vào thăm thú bên trong lều.

Một cái giường kê sát góc, trên phủ một tấm ra trắng bong như tuyết đọng, cạnh giường là một tấm thảm khá rộng. Đây là chỗ ngả lưng thường xuyên của bác Chloé. Cái giường trắng tinh, tấm thảm và góc lều này là nơi trang trọng nhất. Bác không bao giờ cho phép lũ trẻ bén mảng đến nghịch ngợm. Góc này cũng được coi như phòng khách của căn lều. Đằng góc kia cũng kê một cái giường nhưng không được sạch sẽ bằng, chứng tỏ nơi đó được sử dụng thường xuyên.Bên trên lò sưởi treo la liệt nhiều bức tranh sặc sỡ, đề tài rút từ Kinh thánh, ngoài ra còn có bức chân dung của Đại tướng Washington, thoạt nhìn qua, người ta chú ý ngay đến nét vẽ vụng về và màu sắc kỳ cục đến nỗi người ta có thể nghĩ rằng vị anh hùng này, do một sự huyền diệu, nhiệm mầu nào xui khiến được sống lại chắc chắn ông cũng thất vọng quay đi, không dám nhìn thẳng vào chân dung của chính mình.

Trong một góc nữa có hai đứa trẻ ngồi trên cái bâng cũ kỹ, tóc chúng quăn như len, mắt đen và sáng, má phinh phình bóng loáng; cả hai đang theo dõi em chúng trong khi con bé chập chững bước đi. Con bé cứ bước được vài bước về phía trước thì lại ngã nhào xuống. Mỗi bận em ngã như thế, hai anh nó được dịp vỗ tay reo hò tở mở, như thể chúng đang coi một trò xiếc thú vị, hấp dẫn.

Một cái bàn cũng cũ mèm đặt trước lò sưởi, được phủ lên bằng tấm khăn. Trên bàn, một bộ cốc dĩa, muỗng nĩa, kiểu xưa hơi... hiếm có. Điều này báo cho ta biết trước gia đình sắp có tiệc đấy.

Bác Tom, gia nhân đắc lực nhất của ông Shelby đang ngồi tại đó. Một người đàn ông vạm vỡ cao lớn, bộ ngực nở nang, tay chân rắn chắc cuồn cuộn bắp thịt, nước da đen bóng. Toàn thể dáng dấp bác biểu lộ những nét thuần túy của người Châu Phi. Nét mặt bác cương nghị nhưng hiền lành, bác là một người tốt bụng.

Bác Tom của chúng ta đang chăm chỉ làm việc với một cố gắng phi thường và kiên nhẫn tột độ, đức tính của người Phi châu: bác tập viết! Từng chữ một hiện ra ngoằn ngoèo trên tấm bảng đặt trước mặt bác. Cạnh bác là cậu bé Georges, cậu tiểu chủ tốt bụng đang hướng dẫn bác trong công việc khó khăn và hứng thú này. Cậu bé 13 tuổi đó lấy làm hãnh diện trong địa vị thầy giáo của mình, cậu tỏ ra lanh lẹ, hăng hái và vui vẻ.

- Không, không phải bên này, bố Tom ơi! Phía này cơ mà! Đây là chữ “g” mà.

Georges la lên khi thấy bác Tom bẻ quặc cái đuôi của chữ “g” về phía phải. Trong lúc Tom còn đang lúng túng, cậu lại tiếp :

- Bố Tom nhìn kỹ coi! Phải bẻ quặt về phía trái chứ! Còn đây là chữ “q”...

- À! Ra vậy đó! Cậu giỏi thật!

Bác Tom gật gù tán thưởng với vẻ khâm phục khi nhìn chữ “g” và chữ “q” do cậu viết lên bảng. Đoạn bác nhón lấy viên phấn, cặp giữa những ngón tay thô kệch và kiên nhẫn viết lại.

Đằng góc bếp, ngừng tay nấu nướng, đưa mắt nhìn cậu chủ, giọng thán phục, bác gái phụ họa theo chồng :

- Ờ! Người da trắng thật tài chớ! Như cậu Georges đây, mới có tí tuổi mà viết thạo, đọc thạo. Mà cậu còn chịu khó tối tối đến dạy cho ông, cậu tốt bụng quá đi thôi!

- Này bác ơi, tôi đói meo đây này, cái bánh chín chưa, hở bác?

- Sắp chín! Sắp chín rồi, cậu ơi! - Vừa nói bác Chloé vừa nhanh nhẩu mở nắp vung lên - Tuyệt diệu! Chín và vàng ngậy. Dám cam đoan là chỉ có tôi mới nướng vàng đều như thế này...

Bác nhìn cậu Georges bằng ánh mắt vui vẻ, tiếp :

- Cậu biết không: hôm kia bà chủ bảo cô Sally là phải theo học lóm nghề nấu nướng của tôi, mà cậu biết cô ấy đã nướng ra sao không? Cậu nghe đây: cô ấy nấu nướng làm sao mà cuối cùng cái bánh chỉ nở to một bên, cháy, và chai cứng hơn chiếc guốc của tôi nữa đó, cậu ơi! Tôi bảo cô Sally thế này chứ: “Cô Sally ơi! Tôi thương hại cho cái bánh, cô làm tội nó quá đi”. Thiệt vậy đó cậu, cô Sally mà nấu ăn...

Bác ngừng nói, nhún vai, biểu lộ sự chê bai tài nấu nướng của Sally - hay chế giễu cũng thế - rồi mở vung, lấy bánh ra, cái bánh ngon lành, thơm nức mũi làm ai nấy cũng rỏ dãi. Rồi bác dẹp bánh lại một bên, bắt tay làm các món khác cho bữa tối. Bác ra lệnh cho các con :

- Thôi! Pierre, Molise, lại dọn bàn! Cả con bé Polly, lại đây với mẹ nào! Và cậu Georges nữa, bây giờ xin cậu tạm dẹp sách vở lại, mời cậu ngồi vào bàn dùng bữa với chúng tôi.

- Mẹ tôi bảo tôi ăn trên nhà, nhưng tôi có linh cảm là bác có món đặc biệt nên tôi xuống đây đó, bác Chloé à!

Bác Chlóe đặt một miếng bánh nóng hôi hổi vào dĩa cậu chủ, nét mặt rạng rỡ :

- Cậu xuống đây chúng tôi mừng biết mấy mà kể! Cậu phải biết là già Chloé này lúc nào cũng quý cậu, dành cho cậu phần ngon nhất đó à! Thôi, mời cậu!

Georges tỏ ra biết thưởng thức tài của bác Chloé lắm, nên bác rất hài lòng. Bác tâm sự :

- Cậu còn nhớ món ba-tê gà hôm ông bà chủ tiếp Đại tưởng Knox chứ? Bute đó tôi và bà bàn hoài về món điểm tâm. Cậu này, tôi không hiểu sao các bà chủ hay có cái tật ưa chen vô công chuyện bếp núc của gia nhân. Bà chủ hay cật vấn tôi về món này, món kia, bảo phải làm như thế này, như thế này. Xin lỗi cậu, tôi nói vụng nghe: tôi thiệt hết sức bực mình cho nên cuối cùng tôi nổi dóa lên, quên cả lễ phép, tôi nói vầy đây: “Thưa bà, bà hãy nhìn hai bàn tay của bà coi, có phải ngón nào cũng thon nhỏ, thanh bai, trắng trẻo và mang đầy nhẫn ngọc, nhẫn vàng không? Chúng đâu phải để dùng vào việc bếp núc? Còn bàn tay của tôi thì thô tháp, đen đủi... Bà quên sao? Chúa đã sinh ra và an bài từ lâu rồi, mỗi bàn tay có phận sự khác nhau, có phải không? Những người có bàn tay như bà thì phải ngồi đúng chỗ trên phòng khách sang trọng, còn hạng như tôi thì lo làm món ba-tê gan gà thật ngon để...”. Cậu nghĩ coi, tôi bực quá đi cho nên...

Georges ngắt lời người bếp vui tính :

- Thế mẹ tôi trả lời bác ra sao?

- Nói sao hở? Bà nhìn tôi, hai mắt tròn xoe, đẹp ghê đi, rồi giây lâu, bà gật đầu nói: “Có lẽ đúng, có lẽ thím nói đúng đó Chloé ơi!”. Và bà chịu đi lên để tôi được tự do như ý muốn. Bà tốt thật, đáng ra, gặp bà chủ khác thì tôi bị bạt tai đó nghe cậu! Kể ra tôi hơi vô lễ, nhưng biết làm sao, mỗi người một việc chớ. Tôi thú thật là tôi không thể làm gì ráo nếu có mặt bà trong bếp, bà làm tôi rối trí thêm thôi, cậu à!

Georges là một thực khách thật thà, cậu ăn no cành hông và tận lúc đó mới để ý đến mấy mái tóc xoăn và những cặp mắt sáng rỡ từ góc lều đang nhìn cậu với vẻ thèm thuồng. Georges la lên :

- Chúa ơi! Bác cho tụi nó ăn với chứ! Lại đây Pierre, Moise, tội chưa!

Sau đó thầy giáo và học trò ngồi tựa thoải mái trên ghế, cạnh lò sưởi trong khi bác Chloé nướng thêm bánh tráng, rồi bác bế con bé nhất lên đầu gối cho nó ăn và cho hai anh nó cùng ăn. Hai thằng lớn vừa ân vừa chui dưới gầm bàn, la hét, đùa giỡn náo cả lên. Chốc chốc, chúng lại kéo chân em út nữa chứ.

- Lại đằng kia kìa! Bộ tụi bay không thể ngồi yên khi nhà có khách sao?

Bà mẹ vừa dùng chân quơ lia lịa xuống gầm bàn vừa cảnh cáo chúng mỗi khi nhận thấy chúng làm quá lố. Cha chúng cười dài :

- Chúng ngứa tay, ngứa chân quá mà, làm sao bắt chúng ngồi yên được chớ!

Ngay lúc đó, từ gầm bàn hai đứa chui ra, tay và mồm dính đầy những mật - mật mà mẹ chúng rưới lên bánh tráng cho chúng ăn - tiếp tục trêu chọc em gái hăng hơn. Bà mẹ hét dựng lên :

- Tụi bay có đi chỗ khác không? - Bác Chloé vừa la vừa lấy tay đẩy hai cái đầy bù rối rạ xa - Trời ơi! Tụi bay dơ dáy quá sức đi! Chạy ra giếng, mau!

Lần này bác đấm thùm thụp vào lưng hai con trai nhưng chúng chả tỏ vẻ sợ hay đau đớn chút nào, tuy vậy chúng cũng tuân lời mẹ chạy ra khỏi lều, vừa chạy vừa cười khúc khích.

- Thiệt là hai thằng bé cứng đầu, cứng cổ, khó dạy...

Giọng bác có vẻ hãnh diện hơn là phàn nàn, rồi với tay rụt cái khăn mặt cũ rách nhúng vào thau nước lau tay, lau mặt cho con bé út. Sau cùng, bác trao nó cho chồng. Con bé được đặt ngồi trên gối cha trong khi mẹ nó lo thu dọn bát dĩa ngổn ngang trên bàn ăn.

Con bé vuốt vuốt lên mũi cha, cào cào vào mặt cha và vùi hai bàn tay nhỏ bé mũm mĩm vào tóc cha. Nó có vẻ hoàn toàn thoải mái trong tư thế này.

- Thiệt y như một món đồ chơi ấy thôi!

Bác Tom nói và ẵm đứa bé dang xa xa như để có thể ngắm nó kỹ hơn. Rồi bác đứng dậy đặt nó lên đôi vai rộng và bắt đầu múa máy, cậu tiểu chủ thì dùng khăn vây vẫy quanh đứa bé trong lúc Pierre và Moise thì nhào lộn như những con gấu trong đám xiếc.

Bác Chloé không dự vào trò chơi ồn ào này, bác kêu: “Nhức đầu quá”. Song những lời than phiền của người đàn bà không làm cho ai quan tâm hết. Hình như những lời than phiền của bác đã được cả bọn nghe nhiều lần và không hề làm gián đoạn cuộc vui của họ. Tom tiếp tục múa may, hai đứa con trai tiếp tục nhào lộn, Georges tiếp tục ve vẩy khâu quanh họ...

 *

Giữa lúc căn lều rộn rã tiếng cười đùa vui vẻ, vô tư thì trên nhà lớn của ông bà chủ, một cảnh tượng buồn nản diễn ra, khác hẳn.

Gã buôn người và ông Shelby ngồi đối mặt nhau trong phòng ăn, trên bàn là đủ thứ giấy tờ.

Ông chủ cặm cụi đếm từng tập giấy bạc và sau đó ông trao lại cho gã lái buôn người.

- Đủ rồi đấy! - Gã ta nói - Bây giờ chỉ còn ký tên nữa là xong hết.

Chụp lấy tờ giấy cam kết bán hàng. Ông Shelby đặt bút xuống ký, vội vàng và khổ sở, nóng nảy tỏ ra muốn cho chóng xong việc khó chịu này.

Ông đưa cho gã tờ giấy đã ký và số tiền. Haley rút từ trong cái cặp ra một tờ giấy nợ, coi lại thật kỹ rồi đưa cho ông chủ nhà. Ông vồ lấy, vẻ nhẹ nhõm như vừa trút đi được một gánh nặng nhiều ngày.

Haley đứng lên :

- Thôi, vậy là êm xuôi hết, há?

- Phải! Êm xuôi hết!

Ông Shelby uể oải lặp lại lần nữa ba tiếng “Êm xuôi hết!” và thở ra, vẻ ảo não. Gã buôn người có vẻ ái ngại - ấy, đôi khi Haley cũng tế nhị lắm - hỏi chủ nhân :

- Shelby ơỉ! Tôi thấy ông không được vui mấy, phải không?

Shelby ngậm ngùi nói :

- Tôi hy vọng là ông không quên lời hứa danh dự với tôi: đừng bán Tom cho hạng người gian ác...

- Kìa, ông bạn đa cảm ơi! Cứ tin nơi thằng Haley này đi! Tôi cam đoan sẽ giữ đúng lời hứa với ông mà.

- Ông phải biết, sở dĩ tôi nhẫn tâm bán Tom đi là vì tôi kẹt quá, nếu tôi còn có phương cách thì không đời nào...

- Và tôi nữa, tôi cũng có thể rơi vào trường hợp như ông. Tuy nhiên, tôi sẽ kiếm chỗ tốt cho Tom. Đừng sợ tôi xử tệ với Tom. Điều mà tôi có thể hãnh diện trước mặt Chúa Trời là tôi chưa từng làm điều tán tận lương tâm với bất cứ ai. Tin tôi đi!Tin Haley? Làm sao tin nổi, nhưng sự thể đã đến mức này thì giả vờ tin lão cho đỡ khổ, còn hơn.

_________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 5