Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

CHƯƠNG 11_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 11


Không biết cây đũa thần mầu nhiệm nào đã biến đổi con sông Mississipi khiến ngày nay nó khác hẳn thời mà Chateaubriand đã tả trong một bài thơ. Đọc bài thơ đó người ta hình dung nó như là một con sông của khu rừng già đơn độc, của những sa mạc mênh mông, chạy dài giữa những kỳ công của tạo hóa. Sông Mississipi ngày nay khác hẳn.

Những tia nắng cuối của một ngày tàn đang run rẩy trên mặt nước êm ả giữa dòng sông rộng bao la như biển cả. Những cây sậy đong đưa, những cây trắc bá khổng lồ màu đen và những đám rong rêu bám trên thân cây thành từng chuỗi nom khá đặc biệt.

Con tàu chạy bằng hơi nước, chất ngập hàng hóa đang tiếp tục cuộc hành trình. Nhiều kiện bông gòn đóng chặt to tướng chất thành từng đống hai bên mạn tàu, và cả bên trong, cùng khắp, trông xa giống như một khối màu xám khổng lồ. Người ta phải chú ý lắm mới nhận ra được bác Tom, người bạn khiêm nhượng của chúng ta, ngồi co ro ở đầu mũi tàu, lọt thỏm vào giữa những kiện bông gòn to lớn, nom nhỏ bé lạc loài đến tội nghiệp giữa cảnh sông nước bao la và hàng hóa vô tình.

Haley bắt đầu đối xử với bác bớt khắc nghiệt hơn và công nhận là lời của ông bà Shelby cũng như người thợ rèn rất đúng: con người hiền lành đó cam chịu số phận hẩm hiu dành cho mình, không tỏ vẻ phản đối như gã tưởng. Ban đầu gã canh chừng Tom rất chặt chẽ, mỗi tối gã xiềng kỹ Tom lại... Dần dần, vẻ bình thản, nhẫn nhục của Tom đã thắng: gã nới lỏng sự canh giữ, tin tưởng ở lời hứa danh dự của bác và vui lòng cho bác đi lại trên tàu tùy thích, tự do.Tom luôn luôn tỏ ra rất tốt và ân cần, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có dịp. Không bao lâu bác chiếm được cảm tình của tất cả mọi người trong lúc giúp họ với sự hăng hái và tận tâm, vẫn là hai đức tính bác vốn sẵn có từ khi còn bé, hồi còn ở trang trại của cha mẹ ông Shelby tại Kentucky.

Khi nào không còn gì để làm nữa, bác rút lui về giữa những kiện hàng, trong một góc ở mũi tàu, bắt đầu châm chỉ đọc Thánh kinh.

Còn cách Nouvelle Orléans trên trăm dặm, mực nước sông cao hơn miền nó vượt qua, cả dòng nước vĩ đội chảy giữa hai bên bờ đê kiên cố, cao hai mươi bộ (khoảng chừng sáu thước). Đứng trên bong tàu, du khách có thể nhìn thấy cả vùng cho đến tận chân trời xa tít tắp.

Tom dõi mắt nhìn cảnh cỏ cây trời nước bao la, nối tiếp mà tâm trí hoang mang vì nghĩ đến chuỗi ngày sắp tới, không rõ lành dữ thế nào. Bác mường tượng đến một vùng đất xa xôi mà kẻ nô lệ như bác đang làm việc nặng nhọc, mường tượng đến ngôi làng đầy những căn lều thô sơ, tồi tàn xếp thành hàng cách xa những ngôi nhà xinh đẹp sang trọng và các hoa viên của chủ nhân. Rồi trí tưởng tượng lại đưa bác trở về với trang trại cũ ở Kentucky, nấp dưới bóng của những hàng sao già quen thuộc. Bác hồi tưởng ngôi nhà tráng lệ của chủ cũ, những gian phòng đồ sộ, sáng sủa rồi nhớ luôn căn lều bé nhỏ của mình, đầy hoa leo rực rỡ. Bác như thấy những khuôn mặt quen thuộc của bạn bè, những kẻ cùng từng bác sống chung từ tấm bé, thấy cả vợ bác bận bịu trong bếp lo bữa ăn chiều, và cả giọng cười, tiếng hét của lũ con, tiếng ngọng nghịu của con bé út khi bác đặt nó ngồi trên đầu gối...

Trong khoảnh khắc tất cả vụt biến đi, bác chỉ còn trơ lại với thực tại: những rừng trồng đầy mía và trắc bá chạy dài, trải dọc theo ven sông, rồi tiếng nổ ầm ì của con tậu đang rẽ sóng. Tất cả những điều này nhắc bác nhớ rõ, rất rõ rằng cuộc cuộc sống êm đềm cũ đã bị cắt đứt kể từ khi bác đặt chần lên cỗ xe ngựa của Haley.

*

Trong số hành khách dưới tàu có một người đàn ông trung niên, dáng dấp quý phái và giàu có, hiện cư ngụ tại Nouvelle Orléans. Đó là ông Saint Clare, cùng đi với ông là con gái ông cỡ bảy tám tuổi. Cô bé có một bà cô chị họ ông theo săn sóc.

Tom vẫn theo dõi và quan sát cô bé này - vì bác vốn yêu con trẻ - Con bé rất lanh lợi, hoạt bát. Hình như nó không thể ngồi yên một phút nào. Nó như một tia sáng mặt trời ấm áp hay một cơn gió lạ chợt đến, chợt đi.

Đó là một vẻ đẹp ngây thơ lý tưởng: hai má hồng hào nhưng không béo phì, bầu bĩnh giống như một số con nhà giàu da trắng khác. Dáng dấp uyển chuyển, dịu dàng, em đúng là hiện thân của một nhân vật thần thoại. Em di động như một cánh hoa. Nhìn gương mặt em, người ta liên tưởng đến một tâm hồn thoát tục. Tóm lại, em đẹp tuyệt vời với những đường nét cao quý ít thấy ở phàm nhân và ai có đầu óc thẩm mỹ đều phải công nhận em khác thường mà không sao giảng giải, chỉ cảm thấy thôi.

Hình dáng của mái tóc, nét thanh nhã của cái gáy, toàn thân em phảng phất một vẻ quý phái lạ lùng, mái tóc vàng óng ả rủ xuống quanh cô bé như một áng mây nõn, đôi mắt xanh thăm thẳm, thông minh mà tư lự nấp dưới đôi hàng mi cong vút, tất cả những cái đó khiến em nổi bật lên trong đám trẻ con và thu hút những cái nhìn mỗi khi em len lỏi giữa đám du khách, linh động và thanh thoát.

Tuy thế, em không hẳn là một đứa trẻ trang nghiêm và ủ rũ, vẻ ngây thơ, sung sướng hiện rõ trên mặt em như bóng mát của một tàng cây mùa hạ. Nụ cười rạng rỡ trên đôi môi như đóa hồng buổi tinh sương. Người cha và bà cô thật vất vả trong khi canh chừng theo dõi em. Em mới đó đã biến mất y như một đám mây xuân bảng lảng. Vừa tóm được em trong tay em đã chuồn mất liền sau đó, không kịp đề phòng.

Trong bộ quần áo trắng, em thoăn thoắt từ góc này đến góc kia, những lời trách mắng của cha và cô chưa lọt vào tai thì em đã lướt sang nơi khác.

Đôi khi, do một sự tình cờ, người thợ máy đang làm việc ngẩng đầu lên, bắt gặp đôi mắt mở to nhìn chăm chắm vào chiều sâu của lò lửa: cô bé lo lắng, thương xót anh ta vì công việc có vẻ nặng nhọc và nguy hiểm. Khi thì người cầm lái tàu dừng tay và mỉm cười vì bắt gặp khuôn mặt dịu dàng, hiện ra trước mắt mình đẹp như một bức tranh và biến mất sau cửa sổ phòng lái. Có lúc, em lạc chân vào những chỗ hiểm nguy thì vô số bàn tay chai và thô tháp chờ sẵn để nâng em ra khỏi đó tức thì.

Tom, với bản tính dễ xúc động, bị bóng dáng xinh đẹp nhỏ nhắn của em cuốn hút từ đầu. Bác theo dõi em một cách gần như sùng kính vì bác nhận thấy từ con người bé nhỏ ngây thơ đó có cái gì đặc biệt khiến bác liên tưởng đến hình ảnh một thiên thần mà trong Thánh kinh thường nhắc đến.

Cô bé thường có vẻ: xót xa, buồn bã, mất hết hồn nhiên vui vẻ khi đến cạnh đám nô lệ bị xiềng xích trên tàu. Em len lỏi giữa bọn người đáng thương nảy, lặng lẽ nhìn họ, đôi khi dùng đôi bàn tay bé nhỏ cố gắng để nâng những sợi xích sắt lên. Rồi em thở dài ảo não, bỏ đi. Mà không đi luôn, chỉ lát sau em trở lại với đôi tay đầy kẹo bánh, hạt dẻ, cam và vui vẻ phân phát cho họ, đoạn lại bỏ đi.

Tom đã nhìn kỹ em trước khi đánh bạo làm quen. Bác có nhiều cách để chìu ý và làm thân với trẻ bởi vốn khéo tay, kiên nhẫn. Hồi ở Kentucky, bác rất được các con của chủ thương mến. Và giờ đây, bác cũng đang tìm cách làm hài lòng vị thiên thần bé nhỏ. Thật ra, trong túi bác luôn luôn có đầy nhóc những thứ bỏ đi với kẻ khác mà hấp dẫn đối với trẻ con, miếng vỏ dừa, hạt trái anh đào v.v... Bác gọt thành những hình thủ ngộ nghĩnh, đan thành những cái giỏ tí tẹo xinh xinh.

Giữa những kiện hàng to lớn, xù xì, xấu xí, em tiến đến, thoạt tiên em nghiêng mình, dáng điệu như một chú chim sâu cạnh bác Tom, hơi rụt rè đón nhận những món đồ chơi bằng thứ nguyên liệu vô giá trị nhưng đã được làm bằng cả tấm lòng, mắt em sáng ngời thích thú, hàm ý cảm ơn. Thấy đã đến lúc thuận tiện, Tom bắt đầu gợi chuyện :

- Cô bé ơi, cô bé tên gì?

- Cháu tên là Evangélinè Saint Clare. Tên cháu dài quá, phải không? Nhưng ba và mọi người gọi cháu là Eva. Còn bác, bác tên gì, hở bác?

- Tôi tên là Tom, tôi ở Kentucky, trẻ em ở đó gọi tôi là bác Tom.

- Vậy thì cháu gọi bác là bác Tom nghe? Cháu thích chơi với bác lắm, bác Tom ơi!

- Tôi cũng vậy.

- Bác đi đâu vậy, hở bác Tom?

- Tôi cũng không rõ nữa, cô Eva ạ!

- Kỳ không, sao vậy? Bác không biết bác đi đâu là sao?

- Tại vì tôi bị bán đi. Tôi sẽ bị bán lần nữa, chưa biết chủ mới là ai.

- Ba tôi sẽ mua bác, bác chịu không? Nếu ba tôi mua bác, bác sẽ được sung sướng. Để tôi xin ba mua bác.

- Cảm ơn cô bé. Cô tốt lắm.

*

Tàu dừng lại một trạm nhỏ để lấy thêm củi. Eva nghe tiếng cha gọi vọi vàng chạy lại với ông. Tom cũng đứng lên đi giúp công nhân dưới tàu trong công việc lấy củi.

Eva đứng cạnh cha ở bao lơn tàu để xem tàu khởi hành, động cơ chuyển động mạnh để nâng cần trục lên làm mạn tàu tròng trành và trong một chớp mắt vì sự sơ suất bất ngờ, cô bé mất thăng bầng bị hất văng xuống dòng sông. Người cha hoảng hốt toan nhảy bừa xuống theo con nhưng vài người gần đó biết rõ khả năng bơi lội của ông nên đã kìm giữ ông thật chặt, không để ông thực hành ý muốn điên rồ, vô ích này.

Mọi người bỗng nghe một tiếng ùm thật lớn: Tom đã nhảy xuống nước ngay sau đó, bác chỉ cần bơi vài sải, chờ cho em bé nổi lên là lao tới cứu được em.

Bác vốn khỏe mạnh, dai sức cho nên việc này không mấy khó khăn đối với bác. Bác nâng cô bé lên, bơi dọc theo thân tàu và trong sự cảm động lẫn sung sướng, bác trao đứa trẻ cho hàng mấy chục cánh tay đưa ra đón nó, song kỳ thật nó chỉ thuộc về một người, ông Saint Clare, cha nó.

Ngày hôm sau vào buổi chiều, một buổi chiều nóng bức, chiếc tàu tiến gần đến Nouvelle Orléans. Trên boong tàu diễn ra một quang cảnh nhộn nhịp khác thường. Mọi người lo thu xếp hành lý, sửa soạn rời tàu. Bồi phòng lo lau chùi đánh bóng sàn tàu, chà láng để chuẩn bị cập bến, một cái bến lớn và sang trọng.

Bác Tom, vẫn rầu rĩ như thường lệ, khoanh tay trước ngực, vẻ lo lắng nhìn đám hành khách trước mặt mình.

Em bé Eva đứng giữa đám hành khách nhốn nháo ấy, hơi xanh hơn mọi ngày, dáng chừng còn xúc động vì tai nạn hôm qua. Cạnh em là ông Saint Clare, cùi chỏ chống lên kiện bông gòn, dáng bộ hờ hững, một xấp giấy tờ mở ra, trải rộng trước mặt ông.

Cha con họ rất giống nhau: cũng đôi mắt to và xanh lơ, cũng mái tóc nâu óng ả, nhưng cái nhìn thì khác biệt: ông không có vẻ mơ mộng trong cái nhìn, trái lại mắt ông sáng quắc, cái nhìn khinh mạn. Miệng ông thanh tú. Bên khóe biểu lộ vẻ kiêu hãnh và hơi châm biếm.Với vẻ lơ đễnh, khinh khỉnh ông lắng nghe tên buôn người Haley đang thao thao kể lể đặc tính của món hàng.

Nụ cười mỉa mai nở trên môi, ông Clare đợi cho lão ta dứt lời rồi mới ung dung lên tiếng hỏi :

- À, ông bạn, theo lời ông thì bao nhiêu đức tốt, tài hay tên da đen kia đều hội đủ, phải không? Vậy là hắn ta quả đáng giá, tôi đồng ý. Vậy ông bạn muốn bán bao nhiêu đây? Bao nhiêu để ông bạn không phải thiệt thòi mà tôi cũng chịu nổi. Nào, cứ nói đi, miễn đừng nói quá.

- Thưa ông, chỉ giá vốn thôi, tôi đã mua gã đến một nghìn ba trăm đô-la chẵn đó, ạ!

- Thế đấy! - Ánh mắt ông sắc bén chế diễu - Và ông bạn định để vốn lại cho tôi chứ gì?

- Thưa, kể cũng hơi đắt chút đỉnh, nhưng thưa ông, con gái ông có vẻ thích có một tên nô lệ như Tom, ông cũng nên chìu ý cô.

- Ông bạn không vì thấy con tôi thích mà bắt chẹt chứ?

- Thưa ông, không đâu. Ông thử nhìn coi: bộ ngực hắn nở nang, tay chân cuồn cuộn bắp thịt, thân hình vạm vỡ. Tôi không nói ngoa đâu, hắn hoàn hảo hơn một con ngựa nòi đó nghe, và cái đầu thì... ông xem: trán hắn rất cao, chứng tỏ hắn thông minh. Một tên da đen đáng giá đặc biệt chứ không phải tầm thường như các tên da đen xoàng xoàng đâu đó. Thứ xoàng xoàng thì đâu mà không có, thưa ông? Ông sẽ không phí tiền đâu, hắn rất được việc, tôi cam đoan thế. Vả lại ông đã thấy: chính hắn cứu con ông!

Haley nuốt nước bọt, ngừng lại một giây rồi tiếp tục ca ngợi đức tính của Tom :

- Một mình hắn, hắn coi sóc cả một trang trại lớn, rất được lòng chủ nhân, nếu không vì một lý do chính đáng, ông ấy không chịu rời tên nô lệ đắc lực này đâu, thưa ông, đó là sự thật, tôi thề không thêm bớt.

- Thôi, đủ rồi ông bạn! Tôi không cần những đức tính đó đâu. Bọn da đen thông minh thì hay bỏ trốn và ăn cắp ngựa đem theo chứ được gì! Và vì nó quá thông mình, ông bạn phải bớt đi hai trăm đô la, theo ý tôi, ông bạn nghĩ sao?

Eva đứng cạnh cha, sốt ruột chen vào :

- Ba ơi, ba mua bác Tom đi ba. Con biết ba có tiền mà, ba! Con muốn ba mua bác ấy...

Eva nói và leo lên kiện hàng, vòng đôi cánh tay nhỏ bé quanh cổ cha.

- Để làm gì chứ? Nhà ta đâu thiếu nô lệ, hở con! Con cần một món đồ chơi? Một con ngựa gỗ, ba dễ chìu hơn. Tại sao con nằng nặc đòi ba mua gã da đen đó?

- Thưa ba, con chỉ muốn cho bác ấy được sung sướng mà thôi.-

 Đó mới thật là lý do chính đáng mà ba không thể từ chối đối với con.

Người cha nói trong lúc Haley đưa cho ông tờ giấy tiứng nhận có chữ ký của ông Shelby. Ông đón lấy, không có vẻ chú ý mấy nhưng sau ông cũng để mắt vào, có lẽ vì tò mò thì đúng hơn, và ông chợt kêu lên thích thú :

- À, chữ viết khá đẹp và không có một lỗi chính tả nào. Nhưng mà này, cái tôn giáo... cái đạo giáo của Tom làm tôi hơi ngại. Không rõ tôn giáo đem ra chợ thì giá cỡ bao nhiêu, lâu quá không hề đọc báo nên tôi không biết... Theo ông, giá tôn giáo của tên này là bao nhiêu?

Tuy trêu chọc gã buôn người, ông Clare vẫn móc túi đưa ra một xấp bạc giấy.

- Thôi, kiểm lại tiền đi, ông bạn!

- Ông rất tốt, ông sẽ là người chủ đại lượng.

Hắn nói, vẻ hài lòng, đoạn rút bút ra, làm giấy bán ký tên và đưa cho ông Clare.

Vẫn thói châm biếm cố hữu, ông này cười nói :

- Nếu tôi đây mà bị đem bán, tôi tự hỏi không hiểu tôi đáng giá bao nhiêu? Hình dáng của cái đầu này, vầng trán cao này, đôi bàn tay này, đôi chân này, rồi sự hiểu biết, nền giáo dục, tài đức này và tôn giáo nữa chứ? Quỷ thần ơi! Mấy môn sau cùng chắc không được bao nhiêu, phải không?

Quay sang con gái, ông đổi giọng âu yếm :

- Eva ơi! Lại đây với ba nào!

Nắm tay con gái cưng, ông đi về phía mũi tàu, người đàn ông đặt tay dưới cằm Tom, cất giọng từ tốn :

- Này, tôi hy vọng là anh sẽ hài lòng về cô chủ mới bé nhỏ của anh đây!

Tom ngẩng đầu lên. Ai mà có thể không hài lòng khi nhìn thấy khuôn mặt ngây thơ, xinh xắn một cách thuần khiết như thế được! Và mặc dù trong thâm tâm, Tom hằng đồng hóa cô gái nhỏ với các vị thiên thần khả kính trong Thánh kinh, trên thực tế chưa bao giờ bác dám mơ ước được có một cô chủ như Eva. Bác rưng rưng lệ nhưng cố nén, kính cẩn trả lời :

- Thưa ông, tôi cầu mong Chúa sẽ ban phúc lành cho ông.

- Tôi cũng ao ước như vậy. Này, tên anh là gì? Tom hở? Anh cũng có thể hỏi để biết tên tôi. Này, Tom, anh biết cầm cương ngựa chứ?

- Thưa, tôi quá thạo việc này. Ở trại ông Shelby có cả tá ngựa.

- Vậy thì tốt lắm. Tôi sẽ giao anh đánh xe ngựa, với điều kiện này: là mỗi tuần, anh chỉ được say sưa một lần thôi, trừ những khi có lễ lạt...

Tom có vẻ ngạc nhiên và bị chạm vào tự ái, liền cải chính :

- Thưa ông, tôi chưa bao giờ uống rượu.

- À, họ có cho tôi biết điều này. Nhưng còn để coi sao. Nếu quả thế thì tốt lắm...

Ông đổi giọng, thôi khinh khỉnh mà dịu dàng hơn :

- Anh có vẻ phật ý phải không? Đừng phiền lòng làm chi. Hay là anh không ưa việc đánh xe?

- Ồ, thưa ông không, tôi thích lắm chứ!

Eva chen vào :

- Bác Tom đừng lo, bác sẽ được sung sướng. Ba chỉ hay đùa thôi, chứ ba tốt lắm. Ba xử tốt với tất cả mọi người.

- Cảm ơn con của ba, con nói tốt về ba hơi nhiều đó nhá!

Người cha nói và để mặc con với người nô lệ, quay đi.
________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 12