Năm ấy, thần tượng của tôi là Buồn Xo. Đó là một thằng bạn người
Thượng học cùng lớp, tên thật của nó có lẽ phải viết là B.Sor mới đúng,
nhưng mọi người trong trường đứa thì kêu là Bờ-Xờ, đứa kêu Bê S… lung
tung cả. Cuối cùng, không ai bảo ai, tất cả đều quyết định gọi tên thằng
này là Buồn Xo cho tiện, nhất là có vẻ Việt Nam một chút.
Thằng Buồn Xo thật trái với cái tên bi quan ấy. Nó chẳng bao giờ biết
buồn là gì, miệng luôn luôn toét ra cười khoe hàm răng trắng nhởn như
hình ông Chà-và trên hộp kem đánh răng, Buồn Xo đen như gỗ cháy vì nó
thuộc một bộ lạc “Gia-Rai” hay “Ê-Đê” gì đó, nói tiếng Việt nhanh như
gió vì nó đã học đến lớp Đệ Tứ trường Lasan. Có lẽ trong “buôn” nó, Buồn
Xo là thằng “trí thức” nhất và rất nhiều hy vọng sau này sẽ là tù
trưởng.
Nhưng dĩ nhiên nếu Buồn Xo chỉ có vài đặc điểm đó thì làm sao mà
thành thần tượng của tôi được. Điểm xuất sắc của nó ở chỗ khác: Ở sân
vận động. To con nhất trong lớp, khỏe như cọp, lanh lẹ như một con báo,
dai sức như con voi, Buồn Xo là vô địch luôn mấy môn trong những cuộc
tranh tài thể thao.
Nhất là vào dịp Tết, ở xứ Ban Mê Thuột buồn tẻ này người ta tổ chức rất long trọng nhiều cuộc đấu sôi nổi giữa các tuyển thủ của các trường Trung học trong tỉnh, thằng Buồn Xo lại càng chói sáng hơn nữa. Trường Lasan nhờ có Buồn Xo mà năm nào cũng đem về bày ở văn phòng Hiệu trưởng vô số “cúp” vô địch.
Nhất là vào dịp Tết, ở xứ Ban Mê Thuột buồn tẻ này người ta tổ chức rất long trọng nhiều cuộc đấu sôi nổi giữa các tuyển thủ của các trường Trung học trong tỉnh, thằng Buồn Xo lại càng chói sáng hơn nữa. Trường Lasan nhờ có Buồn Xo mà năm nào cũng đem về bày ở văn phòng Hiệu trưởng vô số “cúp” vô địch.
Năm nay cũng thế. Vô địch học sinh về môn bơi lội: Buồn Xo. Vô địch
chạy bộ: Buồn Xo. Vô địch nhảy cao, nhảy dài: cũng Buồn Xo. Bọn tôi chỉ
mất chức vô địch môn bóng chuyền và bóng tròn về tay đội cầu trường Công
Lập. Còn cái môn gay go nhất và được bọn học trò hâm mộ nhất là bóng rổ
thì vài ngày nữa mới biết kết quả.
Chung kết bóng rổ, Lasan đụng đầu với một địch thủ đáng ngại nhất là
trường người Hoa Tinh Văn. Có lẽ tỉnh nào cũng thế, trường người Hoa
luôn luôn vô địch về môn bóng rổ, vì học trò trường người Hoa được huấn
luyện đều đặn và có phương pháp về môn này, bóng rổ là môn thể thao
“Vua” của các trường người Hoa. Năm ngoái ở Ban Mê Thuột trường Tinh Văn
đoạt giải vô địch như mọi người đã đoán trước, trường Lasan đứng hạng
nhì. Năm nay, bọn tôi quyết định phục hận. Nhất là thằng Buồn Xo, nó đã
lớn thêm một tuổi, cao thêm vài phân, mắt ốc bươu của nó sáng hơn một
chút và đôi tay dài ra như vượn, Buồn Xo uống rượu cần thề với tôi là
năm nay, nó sẽ thả vào lưới dễ như đi chợ mua trứng đặt vào rổ.
Vì tất cả những điều kể trên, mỗi năm cứ đến gần Tết là thằng Buồn Xo
càng được trường o bế chiều chuộng. Nó là “hạt ngọc đen” vô giá của
trường. Môn hạnh kiểm trong sổ Thông Tín Bạ của nó được điểm tối đa. Môn
giáo lý 19/20 mặc dầu thằng này không bao giờ thuộc hết một bài kinh
Kính Mừng, và làm dấu thánh giá luôn luôn lộn vai trái với vai phải.
Nhưng mấy giáo sư được “mật lệnh” của “Frère” hiệu trưởng, theo lời đề
nghị của “Frère” Bernard,nhà dìu dắt thể thao của trường, là phải làm
mọi cách để thằng Buồn Xo lên tinh thần trong những ngày quan trọng này.
Tháng này Buồn Xo sẽ được xếp hạng từ mười đến hạng nhất mặc dù mới
tháng trước nó đứng thứ 59/60 (thằng đứng thứ 60 nằm bệnh viện vì sốt
rét rừng).
Vào những ngày cuối năm, các giờ học buổi chiều được bãi sớm hơn
thường lệ một giờ. Tiếng chuông tan học vừa reo là cả bọn trong lớp đồng
loạt ồ lên nheo nhéo như ong vỡ tổ:
– Buồn Xo ! Buồn Xo !
– Mau ra xem Buồn Xo biểu diễn!
Buồn Xo chỉ nhe răng ra cười. Nó xếp sách vở vào cặp một cách chậm rãi với dáng điệu lừ đừ của một nhà vô địch chính cống. Cả bọn, trong đó dĩ nhiên có cả tôi nữa, xúm lại công kênh Buồn Xo ra khỏi lớp. Lát sau bọn tôi vây kín sân bóng rổ xem Buồn Xo tập dượt. Thôi thì đủ kiểu. Nào là chạy một mạch từ xa đến rồi nhảy lên thẩy bóng vào lưới, nào chạy theo sát góc sân, nhảy lên, không cần nhìn rổ, ném bóng một tay bay xiên tà tà vào lưới, nào là ném “vòng cầu”, dội mạnh xuống sân rồi dội ngược lên rơi vào rổ. Cú sở trường và đẹp mắt nhất của Buồn Xo là xoay lưng lại với lưới, nhảy dợm như đưa bóng cho ai rồi xoay mình vòng lên cao tung banh vào lưới nghe một cái “rột”. Không biết đến lúc đấu ra sao, chứ bây giờ xem Buồn Xo biểu diễn, thật ngon lành như đặt trứng vào rổ.
Sau buổi tập dượt, cả bọn lại vây thằng Buồn Xo bắt nó thề lại sẽ phá
lưới đối thủ nát như giẻ rách. Có thằng còn lau mồ hôi cho Buồn Xo, tôi
thì đãi nó một ly “xirô” và đậu xanh bánh lọt.
Trận chung kết quyết định cuối năm làm tôi mất ăn mất ngủ.
Một ngày trước khi có trận đấu, Buồn Xo đến nhà tôi. Nó đứng ngoài
cổng, kêu tên tôi thật nhỏ nhưng ở trong nhà vẫn nghe rõ như tiếng
trống:
– Tí Rừng, ra đi tắm với tao!
Trời mùa xuân ở miền núi rét lạnh thật khó chịu mặc dù tôi đã quen
thuộc với khí hậu này nhiều năm rồi. Thế mà bây giờ Buồn Xo lại hứng rủ
đi bơi. Tôi cảm thấy ớn lạnh, cái mục này không hấp dẫn và thích hợp
chút nào cả.
Tuy thế, tôi vẫn phóng nhanh ra với Buồn Xo. Đã bảo nó là thần tượng
số một của tôi mà. Và là bạn thân thiết nữa, trong lớp tôi “gà” cho nó
bài luận văn và toán, ngoài sân nó làm huấn luyện viên chỉ dẫn cho tôi
chơi tất cả những môn thể thao.
Trong khi Buồn Xo nắm tay tôi lôi đi, tôi càu nhàu:
– Trời lạnh như vậy mà đi tắm “pít-xin” mày điên à.
Nó bĩu môi:
– Tao không thấy lạnh. Ở nhà sáng nào tao cũng nhảy xuống suối lặn xuống tận đáy.
– Nhưng hôm nay mày phải giữ sức. Mai là đấu rồi. Đi bơi rủi mày bị vọp bẻ hay mệt ngày mai làm sao chơi lại!
Buồn Xo đưa cánh tay hộ pháp của nó lên gồng một cái, lắc đầu:
– Tao là vô địch bơi lội mà. Mày đừng lo.
Đi chơi kể ra bao giờ cũng thú hơn ở nhà. Tôi vội vào lấy chiếc xe đạp của tôi đèo Buồn Xo đi đến “pít-xin”.
Cái hồ tắm duy nhất ở tỉnh này cũng thật độc đáo. Không cần có hệ
thống bơm nước riêng gì cả, hồ tắm xây ở một nơi thấp, ngay dưới con
suối, thác nước từ trên cao chảy xuống tự động chảy vào hồ, chỉ có một
tấm rào sơ sài chắn lá cây, gỗ mục. Người ta lợi dụng nước suối chảy đầy
quanh năm để cho vào hồ, bởi thế mỗi khi trời mưa, nước suối đỏ đục
ngầu trông thật dơ bẩn và nước trong hồ tắm cũng dơ y hệt như thế. Ở
cuối hồ tắm, có một chỗ tháo nước ra cho mấy người đàn bà Thượng làm nơi
giặt quần áo. Thật tiện lợi.
Mình trần trùng trục, chỉ mặc một chiếc quần ngắn, tôi khom mình đứng
trên bờ hồ run lập cập, gió núi thổi mạnh làm tôi nổi da gà. Cho tiền
tôi cũng không dám nhảy xuống nước. Nhưng Buồn Xo đã từ sau lưng tôi len
lén đẩy tôi ngã nhào xuống nước. Nó cười hì hì thật đáng ghét trong khi
tôi phải cắn răng cố cử động chân tay thật mạnh để chống cái lạnh.
Rồi Buồn Xo phóng mình xuống hồ thật đẹp mắt. Nó khoát nước vào mặt tôi ào ào, rồi bỗng nói:
– Đố mày ngày mai tụi mình thắng không ?
Tôi hăng hái đáp :
– Chắc chắn. Ăn thua ở nơi mày, Buồn Xo. Mày phải nhớ năm ngoái trường mình bị thua.
– Tại tụi nó chơi xấu tao quá. Tụi nó cho hai thằng lỳ nhất đeo dính tao như đỉa, nhưng năm ngoái mình cũng thua có một trái.
Tôi lên mặt “Ông bầu”:
– Ngày mai tụi nó cũng đeo dính để chơi xấu mày, không chừng có đến
ba đứa “lo” riêng cho mày. Nhưng mày phải cố thoát đi mới chì chứ. Thúc
cùi chỏ vào bụng tụi nó cho tao.
Buồn Xo gật đầu, nó hỏi tôi:
– Mai mày có được thi đấu không?
Tôi hãnh diện gật đầu:
– Được. Frère Bernard ghi tên vào danh sách đội tuyển rồi, nhưng tao ở toán “xơ cua” phòng hờ.
– Lo gì. Chơi bóng rổ hay đổi người lắm. Đợi vài phút là có thằng mệt đừ hay bị thương, mày sẽ được thay.
Tôi bơi vào bờ, mơ màng thích thú. Tôi là thằng rất mê chơi thể thao
nhưng môn nào cũng dở cả. Năm nay là lần đầu tiên Frère Bernard xếp tôi
vào danh sách tuyển thủ bóng rổ cho trường, dầu tôi là thằng kém nhất
đội và chắc cùng lắm người ta mới cho tôi vào thi đấu. Nhưng tôi chỉ
muốn có thế, chỉ cần được có thế, chỉ được chơi vài phút trong trận
chung kết quan trọng này, chỉ cần toát mồ hôi ướt áo một chút cho ra vẻ,
chỉ mong thằng Buồn Xo đem chiến thắng về cho đội nhà là tôi cũng được
thơm lây.
Buồn Xo mách kế cho tôi :
Buồn Xo mách kế cho tôi :
– Nếu mày có chơi chung với tao thì tốt. Tao với mày hợp “giơ” hơn.
Khi nào tao đem banh xuống, mày cứ lén một mình chạy đứng gần rổ. Tụi nó
sẽ ào lại vây tao, không ai để ý đến mày đâu! Lúc đó tao sẽ làm bộ cố
xông vào thẩy banh vô lưới, nhưng rồi tao sẽ giao bóng cho mày. Chắc
không còn thằng nào cản mày hết, mày chỉ việc nhắm cho trúng và bình
tĩnh thẩy banh vào lưới. Dễ như ăn cắp trứng gà.
Tôi sung sướng gật đầu. Tôi mường tượng đến trận đấu ngày mai, chiến
thuật của Buồn Xo thế mà có lý, biết chừng đâu tôi sẽ là thằng ghi điểm
nhiều nhất cho đội nhà.
Tôi leo lên bờ, kêu Buồn Xo:
– Thôi về là vừa. Hôm nay tao phải giữ sức. Tao đâu có “dai phông” như mày.
Buồn Xo cũng nhanh nhẹn bay lên, nhưng nó nói:
– Khoan về nhà đã. Tao với mày lên trường.
– Giờ này đâu có ai ở đó. Chiều nay trường mình nghỉ mà.
Buồn Xo có vẻ lúng túng, nó ngập ngừng nói:
– Không phải trường mình. Tao muốn đến trường bà “xơ”.
Trường bà “xơ” là trường sát bên cạnh trường tôi, có nhiều nữ sinh đẹp nhất tỉnh. Tôi ngạc nhiên:
– Đến đó làm gì?
Bộ mặt đen như nhọ chảo của Buồn Xo hơi ửng đỏ trông thật kỳ lạ. Nó cúi đầu không dám nhìn tôi, lí nhí nói:
– Tao muốn… ngắm… bọn con gái một chút.
Tôi như vừa từ trên cung trăng rơi xuống. Thằng Buồn Xo hôm nay làm
tôi ngạc nhiên hết sức. Mặc dầu nó là thằng lớn tuổi nhất trong lớp,
theo phong tục người Thượng ở tuổi đó là có vợ đến hỏi cưới rồi, nhưng
lâu nay tôi có bao giờ thấy Buồn Xo để ý gì đến chuyện con gái đâu, hắn
chỉ suốt ngày say mê với mấy quả bóng chứ đâu thèm liếc mắt tới bọn con
gái lần nào.
Có lần tôi chỉ cho nó xem một đứa con gái có mái tóc kiểu “búp bê”
rất xinh xắn, nó nói: cái đầu con đó nhỏ hơn trái bóng rổ một chút. Khi
tôi trầm trồ người nàng thật dịu dàng mỏng manh, Buồn Xo phê bình: Chân
gì như ống tre, chạy không hết nổi cái sân banh đâu…
Thế mà, bây giờ…
– Đi với tao một lần đi… Tí Rừng! Đi một mình tao sợ lắm.
Buồn Xo lại xuống giọng năn nỉ.
Tôi nhún vai, không thèm thắc mắc gì thêm cho mệt và gật đầu. Buồn Xo
hí hửng ra mặt. Nó hăng hái dành lấy “ghi đông” xe đạp, đèo tôi phóng
nhanh không biết mệt, mặc dù đường đi từ hồ tắm đến trường toàn là lên
dốc cao khúc khuỷu.
Lát sau, đến trước trường bà “xơ”, bọn tôi dựa xe đạp vào gốc cây
ngồi lên chờ giờ tan trường. Tôi liếc sang Buồn Xo nhưng nó quay mặt
tránh đi.
Chuông reo vang, bầy nữ sinh ùa ra, áo sơ mi trắng với “jupe” xanh
tụi nó tung tăng đầy đường trông đến hoa cả mắt. Trái với Buồn Xo, những
vụ ngắm con gái như thế này đối với tôi rất thường, tôi không phải chỉ
mê thể thao không thôi. Nhất là trường bà “xơ”, tôi có mê một “đứa” tên
Mai Ly, nó là con một ông thầu khoán ở cạnh nhà tôi. Láng giềng với nhau
bao giờ cũng có lợi, ngày nào Mai Ly cũng thấy tôi phóng chiếc xe đạp
láng bóng hiệu Dura nên dần dần nó cũng quen mặt tôi, thỉnh thoảng nó
còn bĩu môi cười với tôi chỉ một thoáng nhanh như làn chớp bỏ chạy vào
nhà.
Tôi mặc kệ Buồn Xo đang thẫn thờ chiêm ngưỡng nàng tiên nào của nó.
Tôi chăm chú tìm Mai Ly trong cả hàng trăm đứa con gái mặc đồng phục
giống nhau. Mãi lúc chỉ còn thưa thớt người, tôi mới thấy Mai Ly, nó ôm
cặp trước ngực lững thững băng qua đường, đến chỗ chiếc xe jeep màu nâu
của ông bố đang đợi sẵn. Trước khi Mai Ly lên xe tôi đành phải huýt gió
một tiếng nho nhỏ. Mai Ly quay đầu lại, nó đã nhận ra tôi và mỉm cười
thật nhanh rồi chiếc xe jeep rồ máy chạy với một tốc độ mà không có tay
đua xe đạp nào theo kịp. Tôi chỉ kịp nhìn thấy lọn tóc cột bằng dây cao
su của Mai Ly lắc qua lắc lại như vẫy tay chào tôi. Đối với tôi, một
cuộc “gặp gỡ” như thế là quá đủ rồi, đủ sung sướng và hãnh diện quá rồi,
tôi cảm thấy khoái chí giống như thủ môn bắt được một quả “pê-nan-ti”
mạnh như búa bổ giữa tiếng vỗ tay vang dội.
Tôi quay sang thằng Buồn Xo, kiêu hãnh nói:
– Mày thấy “con nhỏ” vừa cười với tao không?
– Thấy.
– Tên nó là Mai Ly, ở sát bên nhà tao đó. Đẹp không?
– Quá đẹp.
Tôi nhếch mép cười theo dáng điệu của một người đào hoa chính hiệu, rồi thì thầm bí mật với Buồn Xo:
– “Của” tao đó.
Buồn Xo im lặng không nói gì. Nó hình như không thấy vui sướng gì trong chuyện đi ngắm con gái này, mặc dù trước đó chính nó là người rủ rê tôi… Mấy ngày nay, cứ hồi hộp lo lắng về trận đấu chung kết, tôi quên bẵng đi hết mọi chuyện, quên cả những buổi chờ Mai Ly tan trường về.
Buồn Xo trầm ngâm nói nhỏ:
– Thôi tao về. Mai gặp lại.
– Ừ đêm nay mày nhớ đi ngủ sớm lấy sức. Cấm không được uống rượu cần hay nhảy múa hát hò gì hết.
Tôi bỗng nhớ ra một chuyện liền hỏi Buồn Xo:
– Trong “buôn” mày còn có bà phù thủy nào không?
– Hết rồi. Tụi tao “văn minh” rồi mày. Mày hỏi làm gì?
– Nếu còn bà nào thì nhờ bà làm phép cho tụi mình ngày mai thắng trận. Hay làm phép mấy hình nộm giả làm bọn đối thủ, rồi cắm vào giò mỗi đứa một mũi tên, mai tụi nó sẽ đi cà nhắc mà tranh giải.
Buồn Xo chê tôi:
– Mày dị đoan quá. Thôi tao về.
Tôi chào tạm biệt Buồn Xo bằng hai ngón tay chẻ hình chữ V, nghĩa là Victory: chiến thắng.
Đúng bốn giờ chiều ngày tất niên, trận chung kết bóng rổ học sinh Ban Mê Thuột diễn ra tại sân trường Tinh Văn.
Tôi đứng ngồi không yên trong bộ đồ đồng phục tuyển thủ, áo “may-ô”
màu xanh nước biển với Lasan màu trắng trước ngực, sau lưng đeo số 7, số
thứ tự đó ai cũng biết chỉ là đấu thủ phòng hờ. Nhưng mặc được bộ đồ
mới tinh rực rỡ trong những ngày tranh giải vô địch này không phải dễ.
Tôi sung sướng lắm rồi.
Khán giả ngồi đầy kín ở những hàng ghế gỗ làm theo kiểu bậc thang.
Trên chỗ ngồi danh dự, tôi liếc thấy Frère Hiệu trưởng đang lau kính cận thị. Đa số khán giả là tất cả nam nữ học sinh trường Tinh Văn đang cười nói vui vẻ vì tin chắc đội nhà sẽ thắng như năm trước. Số khán giả còn lại là học sinh các trường tư thục và dĩ nhiên đông nhất là trường bọn tôi.
Đoàn tuyển thủ trường Tinh Văn đã xếp hàng đều đặn chạy ra sân, đứng
theo hình vòng tròn cúi đầu chào khán giả một cách điệu nghệ. Tiếng vỗ
tay vang lên đôm đốp từ một nửa số khán giả.
Lát sau, năm tuyển thủ Lasan hăng hái chạy ra, trong đó dĩ nhiên có Buồn Xo, mang số 2. Trong bộ áo tuyển thủ, nhưng trong hiệp đầu tôi sẽ là khán giả, một “ủng hộ viên” to miệng nhất của đội nhà. Tôi kêu tên Buồn Xo thật lớn rồi đưa tay vẫy nó nhưng nó không nhìn thấy. Hai đội bí mật quan sát “xem giò xem cẳng” địch thủ của mình. Tôi thấy đối phương chụm lại bàn tán có vẻ bí mật, chắc tụi nó đang tính kế kềm chặt thằng Buồn Xo.
Sau những thủ tục thông thường diễn ra, như các đấu thủ bắt tay nhau
và trao cờ lưu niệm, trận đấu mở màn. Trọng tài tung bóng lên cao kèm
theo tiếng còi ré lên, những tuyển thủ trong chớp mắt cử động tay nhanh
vùn vụt, màu áo xanh của trường Lasan loang loáng với màu áo đỏ của
trường Tinh Văn trông đến hoa mắt.
Tôi trố mắt chờ xem thằng Buồn Xo tung hoành. Trận đấu mới khởi đi,
đối phương tấn công tới tấp. Phải công nhận tụi nó có kỹ thuật cao
cường, chơi có đấu pháp đàng hoàng và toàn đội linh động nhịp nhàng. Bọn
nó mở tỉ số trước, một trái thẩy lọt được hai điểm. Tiếng vỗ tay vang
rần. Rồi thêm một trái, thêm một trái, một trái nữa… tiếng hoan hô inh
ỏi, mồ hôi tôi đã bắt đầu nhỏ giọt. Tấm bảng ghi số điểm to tướng trước
mắt: Tinh Văn: 10, Lasan: 0.
Tôi nóng ruột đứng bật dậy la lên:
– Buồn Xo! Làm bàn đi.
Bọn bạn tôi cũng đồng loạt kêu tên “người hùng” của chúng:
– Buồn Xo! Buồn Xo! Gỡ huề đi.
Trận đấu lại tiếp diễn ào ạt. Đội Lasan ghi được hai điểm đầu tiên,
nhưng không phải do thằng Buồn Xo làm bàn. Đối phương vẫn tấn công như
sóng tràn, “quân” tụi nó vây chặt thường trực phần đất bọn tôi, thi nhau
làm bàn. Lại thêm một trái, một trái…
Mười phút đã trôi qua, số điểm đối thủ bỏ xa bọn tôi: 20 so với 4.
Và cái điều mà tôi không bao giờ ngờ tới đã xảy ra trong chiều nay.
Thật bom nguyên tử có nổ trong lúc này cũng không làm tôi kinh ngạc hơn.
Nãy giờ Buồn Xo như một cái bóng mờ trên sân, nó chưa thẩy lọt một quả
nào cả.
Buồn Xo, “hạt ngọc đen” của đội bóng rổ Lasan, vua phá lưới, thần
tượng của trường nhà, con báo gấm của miền cao nguyên v..v… giờ đây bỗng
như một đứa trẻ nít ngơ ngác giữa bầy thú dữ. Buồn Xo trông như người
thất thần, hồn vía để trên mây, chạy chậm chạy uể oải, vụng về để mất
bóng nhiều lần, phạm đủ thứ lỗi sơ đẳng như ôm banh chạy, để bóng trúng
vào chân… Nó như không muốn đấu, mặt lừ đừ ngái ngủ, thẩy bóng trật ra
ngoài lưới quá xa. Tóm lại hôm nay Buồn Xo chơi dở chưa từng thấy. Tôi
nhỏ giọt mồ hôi, kinh ngạc lẫn lo lắng vì Buồn Xo. Đã có tiếng la phản
đối từ đám khán giả trường nhà, tất cả đều nhắm vào Buồn X . Frère dìu
dắt Bernard như gà mắc đẻ, đứng ngồi không yên.
Đối phương cũng có vẻ ngạc nhiên, vì không ngờ Buồn Xo như người nộm.
Chúng không để lỡ cơ hội bằng vàng này, tha hồ tấn công và ghi điểm.
Thủ quân của đội nhà đưa tay lên cao , dí mũi tay phải vào lòng bàn
tay trái ra dấu xin trọng tài tạm ngừng trận đấu. Rồi cả bọn bực tức và
lo âu vây lấy Buồn Xo hỏi thăm.
Tôi cũng định chạy xuống nhưng một đám học sinh trường tôi đã ùa ra
bao kín tò mò nhìn thằng Buồn Xo. Từ xa, tôi trông thấy Frère Bernard
nói gì đó với Buồn Xo bằng dáng điệu giận dữ. Mặt nó cứ cúi gằm xuống có
vẻ xấu hổ, nó lầm lì lí nhí nói với Frère Bernard những gì tôi cũng
không biết.
Bên tôi thay thế một người, nhưng tất cả vẫn còn tin tưởng vào Buồn
Xo, nó vẫn có mặt trên sân. Rồi trận đấu tiếp tục. Giữa những tiếng la
hét cổ vũ, thúc hối, lẫn la ó phản đối của đám người ủng hộ, thằng Buồn
Xo vẫn không khá hơn tí nào. Nó vẫn ngẩn ngẩn ngơ ngơ như một người bị
phù thủy “ếm”. Và một khi Buồn Xo không hoạt động hữu hiệu, các đối thủ
khác của đội tôi lúng túng như rắn mất đầu, thỉnh thoảng may mắn lắm mới
thảy lọt một quả. Đối phương tha hồ đàn áp bọn tôi tơi bời, chúng đã
tin là chắc chắn thắng, vừa đấu vừa biểu diễn những pha đẹp mắt giữa
tiếng vỗ tay tán thưởng. Hai mươi phút trôi qua, trọng tài thổi còi chấm
dứt hiệp đầu. Bảng kết quả ghi Tinh Văn: 44 – Lasan: 20. Xem như mộng
vô địch của trường tôi đã tan tành. Nãy giờ tôi hét đến khan cả cổ, bây
giờ hình như tôi ứa nước mắt đau đớn.
Đám tuyển thủ mình đầm đìa mồ hôi, uể oải ngồi dài ở một góc sân nghỉ
giải lao, nước cam được đem ra nhưng thằng Buồn Xo không buồn uống. Nó
ngồi im như tượng đá giữa bọn học trò ủng hộ giờ đây vây quanh thì thào
bàn tán và “lên án” nó thật nặng nề:
– Sao bữa nay mày chơi tồi quá vậy Buồn Xo?
– Mày hết gân rồi hả Buồn Xo?
– Buồn Xo ! Mày hết thời rồi.
Bỗng một thằng nào đó hét lên:
– Thằng Buồn Xo làm “điệp viên”! Nó ăn tiền hối lộ của bên kia rồi!
Buồn Xo đứng phắt dậy, nắm cổ họng thằng vừa nói nhưng Frère Bernard
đã giằng ra kịp. Vừa lúc thấy tôi chen lấn đi tới, Frère Bernard nói:
– Tí Rừng, hiệp sau em thay cho Buồn Xo.
Tôi cương quyết lắc đầu:
– Không. Thay thằng số 3. Không có Buồn Xo thà chịu đầu hàng trước cho rồi.
Frère Bernard giơ tay lên trời tỏ vẻ chán nản hết sức. Tôi nói:
– Không đâu, Frère. Hiệp sau nó sẽ phục thù cho coi.
Tôi vẫn còn tin tưởng vào thằng bạn quý Buồn Xo của tôi. Tôi đoán
chắc là nó vừa bị một chuyện gì xuống tinh thần lắm rồi, có chuyện gì kỳ
lạ thế, chứ tài nghệ vô địch của nó đâu phải sa sút dễ dàng như vậy.
Đám khán giả ồn ào đã bị đuổi hết ra khỏi sân. Tôi ngồi xuống bên cạnh Buồn Xo nắm lấy vai nó.
– Sao bữa nay mày kỳ quá vậy Buồn Xo?
Nó cúi đầu không đáp, tôi sốt ruột:
– Sao vậy?
Nó ngước nhìn tôi thật nhanh rồi lại cúi gằm xuống, tôi vừa kịp thấy đôi mắt đỏ au gần như khóc. Nó bỗng nói nhỏ:
– Tao …nhớ quá …
Tôi nổi cáu hét lên:
– Mày nhớ gì ? Mày phải nhớ đến trận đấu một chút chớ. Mày nhớ Frère Hiệu trưởng hứa cho bọn mình cái gì nếu thắng không? Mày có nhớ nếu thua đậm tơi bời như vầy ra Tết bọn mình còn mặt mũi nào đi học lại nữa. Tụi trong lớp sẽ thủ sẵn cà chua phục kích mày cho coi. Tụi nó đã nghi mày “phản bội ” rồi.
Buồn Xo lắc đầu :
– Tao không phản. Nhưng tao không chơi nổi nữa… Tao nhớ quá…
– Nhớ ai ?
Buồn Xo chớp mắt có vẻ ngượng, nó quay đầu đi tránh mặt tôi nhưng rồi cũng trả lời nhỏ:
– Mai Ly.
Hai tiếng mềm mại ấy thốt ra từ cái miệng méo xệch của Buồn Xo như sét đánh vào đầu tôi. Hôm nay không biết là thứ ngày quái lạ gì mà thằng Buồn Xo cứ làm tôi hết kinh ngạc về chuyện này đến chuyện khác.
Tôi nói với vẻ nghi ngờ:
– Tao không tin. Mày mới thấy Mai Ly một lần thôi mà, đâu nhớ dễ dàng như vậy được.
Buồn Xo lặng lẽ lắc đầu, vẻ buồn bã của nó bây giờ làm tôi chợt nhớ
lại thái độ trầm ngâm hơi kỳ lạ của nó vào chiều hôm qua, khi thấy Mai
Ly cười với tôi. Tôi lặng người trong khi giọng Buồn Xo đều đều bên tai
tôi:
– Không …tao biết con đó lâu rồi, chắc trước cả mày, nhưng tao chưa
bao giờ được nó cười với tao cả. Hôm tao rủ mày đến trường bà “xơ”, là
cốt để nhìn nó một cái.
Tôi cắn môi phân vân, không ngờ thằng Buồn Xo đáng thương này trồng
cây si Mai Ly trước cả tôi. Và theo cái câu tôi thường đọc trong tiểu
thuyết, thì đây có vẻ là một “mối tình ngang trái”. Hai thằng bạn chơi
thân với nhau nhất lại cùng “thương ” một đứa con gái.
Tôi không biết nên nói gì trong lúc này cả. Bộ mặt Buồn Xo giờ đây
mới trông thật Buồn Xo… rất hợp với cái tên của nó. Nó bỗng cầm tay
tôi, nói như van lơn:
– Mày “cho” tao con Mai Ly “của” mày đi. Rồi tao đổi lại cho mày một cái nỏ với bộ tên quý lắm. Mày là người “Kinh”, mày thiếu gì mấy đứa con gái da trắng khác. Cho tao đi, tao kiếm thêm cho mày một cặp ngà voi nữa…
Tôi bực bội la lên:
– Tao cóc cần cung tên ngà voi gì của mày hết. Tao chỉ cần mình đoạt giải vô địch…
Tôi bỗng nảy ra một ý kiến. Tôi nói nhanh với Buồn Xo trong lúc người nhói đau nhè nhẹ:
– Được rồi, tao sẽ “cho” mày Mai Ly. Với điều kiện vào hiệp sau, mày phải vùng lên đè bẹp đối phương. Trận này nếu tụi mình thắng thì mày sẽ được Mai Ly, tao đi “kiếm” một đứa con gái khác. Nếu thua thì mày đừng hòng…
Mắt Buồn Xo sáng lên, nó nắm chặt tay tôi:
– Mày nói thật không? Mày thề đi!
Tao thề. Thắng trận thì mày sẽ được “vợ”!
Buồn Xo hăng hái:
– Được rồi, tao sẽ phá nát lưới tụi nó trong hiệp nhì cho mày coi. Nhưng mày tìm cách nào cho tao làm quen với Mai Ly…
– Khó gì, tao viết giúp cho mày một bức thư, mày chỉ việc đưa cho nó đọc là nó mê tít mày.
Buồn Xo khoái trá ra mặt, nó đứng dậy vươn vai hú lên một tiếng như người rừng làm cho mọi người đều ngạc nhiên. Bây giờ chính tôi mới mang bộ mặt buồn xo hơn ai hết, nhưng tôi đã nhất quyết “hy sinh”.
Trận đấu tiếp tục, tôi thay thằng số 3, chạy kèm với Buồn Xo. Và khán
giả lại thêm một phen kinh ngạc vì Buồn Xo, chỉ có tôi thì không. Buồn
Xo như vừa được ban phép lạ hồi sinh, nó biến thành một con cọp dữ không
ai ngăn lại nổi. Dẫn banh chạy thoăn thoắt như một con rắn, tấn công
chớp nhoáng và làm bài liên tiếp, bóng thẩy vào lưới nghe ngon lành như
tiếng pháo. Thằng giữ bảng điểm làm việc không ngừng tay, số điểm của
Lasan tăng lên vùn vụt: 20 – 22 – 24 – 26 – 28 – 30… Tiếng vỗ tay của
học trò trường nhà vang lên như sấm. Frère Bernard cũng đứng dậy nhảy
nhót. Frère Hiệu Trưởng vội vàng làm dấu thánh giá cảm tạ Chúa. Đối
phương kinh hoàng nhìn nhau, chúng kêu nhau ơi ới và nói những tràng
tiếng bí mật, rồi hai thằng lập tức kèm sát Buồn Xo không rời một phút.
Nhưng vô ích, Buồn Xo như vừa được tiêm một mũi thần dược, mỗi trái banh
lọt lưới là một bực thang dẫn đến người yêu xinh đẹp của nó. Cái bóng
đen của Buồn Xo bao trùm hết sân đấu. Trông nó chạy như gió, tung mình
lên cao như một con sư tử, uốn lượn mình trên không như một con đại
bàng, và thẩy bóng vào lưới chính xác như nhắm mắt đút ổi vào miệng.
Lasan : 32 – 34 – 36 – 38 – 40! Tất cả đều do thằng Buồn Xo làm bàn.
Bọn đấu thủ trường nhà, trong đó có cả tôi nữa, lên tinh thần kéo rốc tấn công toàn lực.
Bọn tôi chặn được hết những đường giao banh, mỗi khi bắt được bóng, tụi tôi giao nhanh lập tức cho Buồn Xo, nó vẽ vời vài pha ngoạn mục trông cứ như là đấu thủ Harlem rồi lại làm bàn.
Bọn tôi chặn được hết những đường giao banh, mỗi khi bắt được bóng, tụi tôi giao nhanh lập tức cho Buồn Xo, nó vẽ vời vài pha ngoạn mục trông cứ như là đấu thủ Harlem rồi lại làm bàn.
Đối phương lùi về thế thủ, và bắt đầu chơi xấu. Trong những lúc tới sát lưới và nhảy lên cào, Buồn Xo đều bị vài thằng địch thủ cùng nhảy lên một lượt, khéo léo thúc cùi chỏ và đầu gối vào bụng nó. Nhưng da thịt Buồn Xo dày cứng như da heo rừng, nó chỉ gồng mình chịu đựng và chỉ chú ý đến vòng lưới. Trọng tài thổi phạt đối phương nhiều lần nhưng thà bị phạt còn hơn để thằng Buồn Xo rảnh tay tung hoành, chúng vây lấy Buồn Xo như đỉa. Nhân cơ hội này, áp dụng đúng chiến thuật “ăn cắp trứng gà” chính tôi cũng được thong thả thẩy lọt hai trái.
Dầu sao , bên “địch” cũng ghi thêm được vài điểm. Tinh Văn: 48 –
Lasan: 42… còn mười phút nữa là mãn trận đấu, Buồn Xo lồng lộn như con
thú dữ, nó gần như chơi một mình trên sân… Lasan: 44 – 46 – 48… Khán
đài vang dậy tiếng vỗ tay, tiếng đập chân và tiếng reo hò đồng loạt:
– Buồn Xo , Buồn Xo. Gỡ huề đi!
Còn một phút, Buồn Xo chơi cú sở trường, xoay lưng vào địch thủ, nhảy
lên dợm bóng như đưa cho tôi rồi quay ngược mình lại trên không, quả
bóng từ tay nó bắn thẳng đụng vào tấm gỗ vuông, dội chúc xuống lọt lưới…
Buồn Xo! Huề rồi! Thêm một trái nữa, thắng đi!
Tinh Văn: 48 – Lasan: 48… còn chừng 30 giây đồng hồ là mãn cuộc. Buồn Xo lại được bóng, đối phương lại vây không một kẽ hở. Buồn Xo xoay mình như một con chong chóng để tránh những bàn tay địch thủ chực đánh rớt banh, Buồn Xo không thể nào thoát khỏi vòng vây được, nó ném mạnh bóng chui qua háng một đối thủ giao cho tôi, tôi bắt được banh, tim tôi đập thình thịch, mồ hôi tuôn ra và mắt tôi như mờ đi, không thấy vòng lưới của phe địch đâu cả… tiếng Buồn Xo hét lên:
– Làm bàn đi, Tí Rừng!
Tôi sực tỉnh, nhảy người lên tung bóng… nhưng tôi hồi hộp luống cuống
quá, quả bóng chậm chạp bay đến trúng vào… vòng sắt miệng lưới dội
ngược ra… có tiếng khán giả ồ tiếc rẻ, Buồn Xo nhảy lên cao nhất đoạt
được bóng, nó vùng vẫy làm hai đối thủ bám sát phải té ngửa ra sân. Hai
thằng khác lại húc vào Buồn Xo, một thằng nóng mặt lì lợm nhảy lên chặt
“karatê” vào cánh tay Buồn Xo… Trọng tài đưa còi lên miệng chưa kịp thổi
phạt thì Buồn Xo đã tung bóng trước khi ngã xuống sân. “Rột’, bóng đã
lọt lưới, cú làm bàn gay go để quyết định chiến thắng đã thành công…
Trọng tài thổi còi tan trận đấu, Tinh Văn: 48 – Lasan: 50, bọn tôi chỉ
thắng hơn được một trái, phục được “thù” năm ngoái.
Học sinh trường nhà la ó hoan hô chạy tràn vào sân, Buồn Xo được công kênh như một vị thần, “diễu hành” khắp sân… Sau đó đoàn tuyển thủ Lasan được cả trăm học trò trường bảo vệ “hộ tống” cẩn mật dể tránh thêm một trận đấu… võ Thiếu Lâm đáng tiếc có thể xảy ra do con cháu của Đạt Ma Sư Tổ gây ra.
… Niềm vui chiến thắng rồi cũng qua đi, người tôi nhễ nhại mồ hôi, tôi lầm lũi câm lặng chở Buồn Xo về làng nó.
Khi đến trước căn nhà sàn của Buồn Xo, tôi đưa cho nó lá thư tình của tôi viết cho Mai Ly như đã hứa, trong túi tôi lúc nào cũng có sẵn bức thư đó mà chưa lúc nào dám gửi.
Tôi buồn buồn dặn Buồn Xo:
– Mày chỉ việc “tẩy: tên tao ở cuối và điền tên mày vào là xong.
– Mày đợi tao vào lấy cho mày cái nỏ bắn tên hay lắm.
Tôi lắc đầu, gượng cười:
– Tao không thích trò đó. Nhà mày còn… chút rượu cần nào không?
Buồn Xo ngạc nhiên:
– Còn chớ. Nhưng mày lấy làm gì, mày đâu biết uống rượu.
Tôi nói lúng túng:
– Thôi … hỏi cho biết chứ tao sợ rượu lắm. Thôi tao về…
Đêm đó, tôi lén mua một chai bia đem về phòng, ráng nốc hết và say
mèm buồn bã, tôi ngủ mê mệt đến trưa mới dậy nổi. Đó là chai bia đầu
tiên trong cuộc đời học sinh thể thao lành mạnh của tôi.
Hai ba ngày Tết trôi qua một cách im lìm, đối với riêng tôi. Tôi đến
trường một mình, còn nghỉ học nên trong sân trường chẳng còn bóng người,
ngoại trừ lão gác dan. Lão biết mặt tôi nên không ngần ngại mở cửa
phòng lớp lấy cho tôi mượn quả bóng rổ.
Tôi thẫn thờ nhồi bóng một mình trên sân, tiếng động vang một cách buồn tẻ. Tôi thẩy bóng hai ba lần đều trật ra ngoài lưới. Đầu óc tôi như để tận đâu đâu, hay có lẽ chỉ nghĩ đến Mai Ly và Buồn Xo.
Không biết thằng đó đã trao thư tỏ tình cho Mai Ly chưa. “Tụi nó” đã
gặp nhau chưa, và “có gì” vui vẻ trong mấy ngày Tết… Không biết Mai Ly
có hợp với Buồn Xo hay không, điểm xuất sắc của thằng này là thể thao mà
Mai Ly chỉ biết môn thể thao duy nhất là chơi lò cò…
Tôi thẩy bóng nhưng trật một lần nữa. Quả bóng dội vào thành gỗ văng
đi xa, tôi cũng không buồn nhặt, bỗng sau lưng tôi, có tiếng nhồi bóng
mạnh mẽ trên sân và tiếng chân chạy, rồi quả bóng bay xẹt vào lưới thật
tài tình. Tôi ngạc nhiên quay đầu lại.
Chính là Buồn Xo, nó đưa tay chào tôi và nhăn răng ra cười. Tôi nói với giọng hơi hờn giận:
– Sao mày không đi chơi với Mai Ly mà còn đến đây làm gì ?
Buồn Xo lắc đầu. Nó lượm bóng, thẩy lọt thêm một trái nữa. Tôi như một anh chàng khổ sở:
– Mày đưa thư cho Mai Ly chưa ? “Hai người” vui vẻ trong mấy ngày Tết chứ?
Buồn Xo tiến lại gần tôi, nó móc trong túi quần lấy ra “bức thư tình”
giờ đây bị làm giấy gói kẹo, nó bỏ một viên vào mồm, một viên đưa cho
tôi rồi vò nát bức thư vứt xuống đất. Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi, nó đã
nói:
– Tao không đưa thư, cũng không gặp gì cả. Tao không nhớ, không thích Mai Ly gì nữa, tao không thích con gái (!)
Nói xong, Buồn Xo nhặt lấy bóng ném cho tôi. Tôi nhảy lên thẩy, và
lần này lọt được vào lưới. Nó cười nhìn tôi, tôi cũng cảm thấy vui
thích lâng lâng trong lòng, tôi nói với nó:
– Mày thấy chưa, rốt cuộc rồi mày cũng quay về với sân bóng rổ. Mày sẽ thích chơi banh hơn là bọn con gái , hơn cả Mai Ly…
Buồn Xo mỉm cười quàng vai tôi, nó lắc đầu rồi nói chậm từng tiếng:
– Không… Tao thích mày hơn cả.
Nếu Buồn Xo có khiếu về văn chương, sau này tôi tưởng nó có thể viết
một cuốn sách dày về câu nói ngắn ngủi đó. Nhưng thằng này dốt luận Việt
văn nhất lớp nên nó chỉ có thể nói có thế là hết ý.
Và chỉ chừng ấy là quá đủ.
HOÀNG NGỌC TUẤN
Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005) |
(Trích từ tạp chí Tuổi Ngọc, giai phẩm Xuân Hồng, 1973)