Truyện của VŨ HẠNH
Kha-Roát nhất quyết bảo rằng
A-Đun là giống ma lai nguy hiểm cho cả dân làng. Nhiều đêm hồn của A-Đun ra nằm
trên mộ Mi-Sao, hồn của hắn ta thật đó. Chỉ có hồn ma mới không sợ lạnh, không
sợ hùm beo, mới thích đi trong bóng tối.
Kha-Roát còn viện thêm nhiều
lý lẽ khác nữa. Ít khi ban ngày người ta gặp mặt A-Đun, chắc rằng lúc ấy hắn
đang chun vào một nấm mồ hoang nào đó. Ban đêm hắn ít đốt lửa, người ta có thể
gặp hắn cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau. Con gái ông Kay là nàng Bia-Ngo ghé
vào nhà hắn, bị hắn nhìn lâu một chút, mà về đau luôn hai con trăng liền. Hắn
quả là giống ma lai nguy hiểm, không còn hồ nghi gì nữa. Đáng lẽ dân làng phải
giết nó đi, để nó sống sót ngày nào cái buôn
không thể làm ăn nên nổi được đâu.
Ban đầu nghe Kha-Roát nói,
A-Đun không chịu hé môi. Nhưng sau trông thấy mọi người chăm chắm nhìn mình một
cách giận dữ, anh mới chậm rãi trả lời. Anh bảo hồn anh không hề đi đâu một
mình, mà vẫn theo anh từ nhỏ đến lớn. Chính ra anh nằm trên mộ Mi-Sao vì anh
thương nàng nhiều lắm. Ngày xưa còn là vợ chồng, nàng vẫn nằm cạnh bên anh, bây
giờ gió mưa lạnh lẽo nàng nằm trơ trọi trong rừng, tội nghiệp cho nàng quá lắm.
Anh ra ôm lấy nấm mồ, khuyên nàng đừng khóc, đừng buồn, mà anh nghe đau cái
ruột, chỉ vậy đó thôi. Đêm đến, nhiều khi anh không đốt lửa cho ấm gian nhà sợ
nàng giận dỗi vì đang chịu lạnh ngoài trời. Anh vẫn một mình, làm sao có mặt
nhiều chỗ một lần cho được? Kẻ nào nói vậy, cũng là một giống ma lai, vì hắn có
mặt nhiều nơi ở trong một lúc nên mới thấy anh như thế. Còn nàng Bia-Ngo, nàng
đau vì tại anh nhìn đó sao? Anh nhìn dịu dàng như nhìn bông lúa đầu non, không
thương không ghét chi nàng. Cái nàng Bia-Ngo lại bảo anh hại nàng à?
Không, Bia-Ngo lắc đầu bảo
rằng không hề nói vậy. Nàng đau là tại nàng đau đó thôi. Nàng thích A-Đun nhìn
nàng lâu hơn vậy nữa, chẳng sợ đau ốm gì đâu.
A-Đun nhất định cho mình
không phải là giống ma lai, Kha-Roát nhất định bảo có, làm sao bây giờ? Ông
Chúa làng Ha-Râm nói lớn cho mọi người nghe:
“Kẻ thấy được người có tội
và kẻ bị người kêu tội hãy ra đứng trước dân làng!”
Nghe nói, Kha-Roát chống cây
dáo xuống, đứng dậy. Gã lừ đôi mắt nhìn quanh, rồi lách đám người bước ra giữa
sân. Mặt gã sạm đen, đôi mắt linh hoạt hấp háy dưới nắng, thỉnh thoảng nheo lại
ngó về chỗ A-Đun ngồi và phía Bia-Ngo. Hai ống chân gã luôn luôn chuyển động có
vẻ đợi chờ. Đôi lúc gã ghì chặt lấy cán dáo, săm soi nhìn cái mũi nhọn như ước
lượng trước sức mạnh của sự xuyên thủng bằng hết gân lực đôi tay.
A-Đun chậm rãi đứng lên,
tiến ra giữa nền đất đỏ, đôi mắt đăm đăm nhìn mặt Kha-Roát, lộ rõ một nỗi căm
thù cố dồn nén lại. Khi cả hai người đã đứng giữa vòng, cách nhau độ ba sải
tay, ông già Ha-Râm lại cất tiếng nói:
- Khắp cả dân làng không ai
có đủ cái lý để biết trắng đen. Chỉ có Thần Linh mới rõ những điều ta không
biết nổi. Kha-Roát muốn cùng A-Đun hụp nước, nhưng suối Na-Leng mùa này đã cạn
quá rồi.
Kha-Roát kêu lên:
- Nước suối Nậm-Rui còn đầy
lắm đó.
Ông Ha-Râm lắc đầu:
- Nậm-Rui xa lắm, làng ta
đang giữa vụ mùa. Ta chọn cách khác để biết ý Thần cũng được.
Kha-Roát hất hàm:
- Cách gì?
Ông Ha-Râm nói lớn:
- Đổ chì!
Kha-Roát tối sầm mặt lại.
Bất giác gã xòe bàn tay ra nhìn rồi nắm thật chặt, đưa mắt hớt hải trông ra tứ
phía.
Ông Ha-Râm nói tiếp:
- Bây giờ chì chắc đã sôi
nhiều đó. Thằng bé Dô-Chan đâu rồi?
Một đứa trẻ ốm nhòng, nhanh
nhẩu chạy ra, đôi môi mím chặt giữ một điếu thuốc to tướng.
- Dô-Chan ơi, ra đằng sau
bếp nhà làng, bảo Khem đem chì mau hé!
Khi thằng bé lóc thóc đi
rồi, ông Ha-Râm mới ngồi xuống đất, rút cái ống điếu giắt ở lưng khố, đặt lên
trên đùi, nhồi thuốc. Đoạn, ông bước thong thả lại giữa sân buôn, cúi xuống đống lửa đang còn cháy
dở, đốt thuốc và kéo phì phập từng hơi rất dài. Mặt trời lên đã khá cao, nền
đất dưới chân mọi người dần nóng rát. Ngoài kia, giữa sườn đá xám, con suối
Na-Leng đang chảy buồn thiu, nước cạn như muốn phô bày lớp cát long lanh. Ông
Ha-Râm đảo mắt nhìn quanh lớp người già trẻ, gái trai chen chúc đợi chờ ở trước
nhà làng. Những bộ mặt im lặng, những cặp mắt đỏ ngầu và những cái nhìn soi
mói. Kha-Roát vẫn giữ chặt lấy cán dáo, cúi đầu như bận nghĩ ngợi điều gì.
A-Đun vẫn nhìn đăm đăm về trước, mỗi lúc đôi mắt như khô cạn dần tinh lực. Ông
Ha-Râm đặt cái ống điếu giữa lòng tay trái, tay phải vuốt mặt cho sạch mồ hôi
đọng giữa những nếp nhăn nheo, rồi gọi vào trong nhà làng:
“Khem ơi! Mau lên kẻo trưa
quá rồi.”
Lát sau, già Khem khệ nệ
bưng ra một nồi đồng lớn đặt xuống trước vị Chúa làng. Ông Ha-Râm cúi nắm chiếc
gáo trong nồi, đảo đi đảo lại nhiều vòng rồi giơ cao lên rót xuống từng dòng
nước đục, sền sệt, nói to:
“Kha-Roát! A-Đun! Chì đã nấu
sôi rồi đó. Hai người hãy chìa tay ra để biết ý Thần.”
Kha-Roát bỗng buông cây dáo
và ngồi sụp xuống, chống hai bàn tay lên đất. Gã muốn bấu lấy mặt cát nhưng nền
sân buôn chắc cứng, đã được quét sạch
từ sáng nay rồi. Gã lại đứng lên, nhích tới từng bước rất ngắn, hàm răng nghiến
chặt vào nhau, đôi tay co lại rồi chìa thẳng ra như hai khúc củi khô cằn. A-Đun
đã tiến đến gần Kha-Roát, hai tay xòe ra chờ đợi. Mọi người không ai bảo ai cùng
đứng cả dậy. Một hơi gió nồng oi ả thổi qua, dồn lớp lá khô xào xạc ngoài xa.
Mùi chì nấu sôi đốt cháy da gáo nghe hơi khen khét. Chung
quanh hầu như không còn tiếng động, tất cả dồn lại trong phút đợi chờ.
Ông Ha-Râm ra lệnh hai người
đến trước mặt mình:
“Ngồi xuống!”
Kha-Roát, A-Đun cùng ngồi
một lượt, kê người lên những gót chân nhón thẳng, đôi vế dang ra để chỗ cho hai
bàn tay xòe rộng. Mồ hôi tuôn ra dầm dề khắp người, chảy xuống ướt đẫm lưng
khố. Tất cả nét mũi, đường môi, khóe mắt của họ như căng thẳng ra, như nhấn
mạnh xuống, có vẻ lầm lì gân guốc hơn bao giờ hết.
Ông Ha-Râm chậm rãi khuấy
đều chiếc gáo trong nồi. Rồi ông giơ tay đập vào đầu mình vài cái như làm dấu
hiệu thiêng liêng, đoạn vục chiếc gáo sâu xuống, múc lên. Cánh tay Kha-Roát như
muốn co lại và những kẽ tay chỉ chực dang ra. Ông Ha-Râm rót xuống giữa lòng
bàn tay hơi rung chuyển ấy từng dòng nước đục. Và rót tiếp vào giữa tay A-Đun
một gáo thứ hai.
Bỗng một tiếng kêu rú lên cố
ghìm mạnh lại ở trong cổ họng. Kha-Roát run rẩy vụt lật hai bàn tay lại, đổ chì
xuống đất đưa lên ôm chặt đôi vai. Mắt gã như đờ hẳn đi và hai bên má như khô
rốc lại chỉ còn lớp da cháy xạm bọc lấy vành xương góc cạnh. Đôi gối khuỵu
xuống, người gã gục tới như cố đè nén những tiếng kêu rên uất trong lồng ngực.
A-Đun vẫn cứ im lặng đưa hai
bàn tay cong lại giữ lớp chì sôi. Dần dần gã thấy tay mình rung chuyển mỗi lúc
một tăng, cố giữ bao nhiêu cũng không thể ghìm lại được. Gã phải ấn cặp cùi chõ
vào ngực và mím chặt môi, dồn hết sức lực lên hai bàn tay chịu đựng. Mắt gã mỗi
lúc như lộ hẳn ra, đỏ tươi sắc máu. Cuối cùng gã nghe người mình dịu lại và
trong bàn tay chì đã quánh lại, khô đặc thành hai mảng tròn. Gã ném từng mảnh
đánh cạch xuống nền sân buôn và đứng
thẳng dậy, chìa hai bàn tay. Bàn tay tháng ngày cầm rựa, cầm dáo, chai lì,
sượng ngắt như vỏ một thân cây cốc lâu đời, không có một vết phỏng nào. Hai bàn
tay ấy yên lặng khoa lên trước mặt mọi người, rồi dừng trước ông Chúa làng
Ha-Râm.
Ông Ha-Râm nói lớn:
“Thần Linh đã cho ta biết ý
rồi. Kha-Roát phỏng tay nhưng tay A-Đun không có hề gì. Theo tục lệ làng, từ
đây của cải A-Đun thêm hai con trâu và một con bò.”
*
Năm ngày sau, A-Đun đến rẫy
Kha-Roát. Anh thấy gã ngồi thu hình trên một chiếc chòi giữ dưa, miệng ngậm một
ống điếu lớn, hai tay ấp lên hai bên lồng ngực. Vẻ mặt của gã già hơn mấy hôm
trước quá nhiều. Cặp mắt của gã nhíu lại như đang chìm đắm trong sự suy tính
khó khăn. A-Đun đến trước mặt gã khá lâu mà gã không nhìn thấy.
Anh cầm chiếc rựa gõ vào cột
chòi:
- Hé! Kha-Roát!
Kha-Roát mở to đôi mắt, nhận
ra A-Đun, cau mặt:
- Sao không đến bắt ngay từ
hôm đầu? Tao phải giữ trâu, giữ bò cho mày năm ngày rồi đấy.
A-Đun đáp lại:
- Làng định năm hôm trở lại,
tao đến hôm nay chưa quá hạn mà!
Kha-Roát gầm gừ:
- Xuống dưới bờ suối đưa
trâu bò về. Mày giàu rồi đó…
Rồi gã hằn học nói tiếp:
- Mày cướp của tao nhiều đó,
A-Đun!
A-Đun cười lạt, hỏi lại:
- Không phải Thần Linh cho
tao đấy à?
Kha-Roát nói như tiếng rít:
- Lâu rồi, tao không đốn củi,
phát nương, truốt lúa, không phải dơ như con chó, con gà, nên bàn tay tao mới
không chịu được sức nóng. Mày cướp của tao nhiều đó.
A-Đun nín lặng đứng nhìn
Kha-Roát giây lâu. Rồi anh chỉ tay xuống đất:
- Đứa nào cướp cái rẫy của
lão Min-Pay?
Kha-Roát mím chặt đôi môi,
cặp mắt trợn trừng căm giận. A-Đun nói tiếp:
- Trâu của Tha-Nga, bò của
Bui-Ngót, đứa nào cướp lấy? Chính mày, Kha-Roát! Mày là quỷ dữ của cái buôn này. Thần Linh bắt họ nhô đầu lên
khỏi mặt nước hay là mày từ nhỏ quen sống dưới suối Rơ-Mau! Mày làm hại biết
bao người rồi đó, mày tưởng mày sống mãi à?
Kha-Roát đưa tay chỉ một
thân cây bên góc trái chòi, khinh khỉnh trả lời:
- Tao có chết sớm cũng sống
ngang cây lọ nồi này đấy.
A-Đun rút lấy chiếc rựa giắt
ở bên mình và nhanh như cắt dùng hết sức lực phạt ngay một nhát. Cây lọ nồi đứt
lìa, ngã xuống trên chòi làm sạt một mái tranh.
A-Đun quát lên:
- Đời sống mày đó, Kha-Roát!
Kha-Roát thong thả bước ra
khỏi chòi, mỉm cười một cách nham hiểm:
- A-Đun! Chính mày muốn dứt
xong cuộc đời mày.
Nói xong, gã vội đi về phía
rừng. Trước khi khuất sau lùm cây, gã còn quay nói vọng lại:
- Lựa những con trâu, con bò
thật mập đem về giữ giùm tao nhé.
A-Đun nói như hét lên:
- Mày không cướp lại được
đâu!
*
Đợi trăng nhô khỏi rừng gồi
rọi sáng sườn non, A-Đun ngồi dậy, rút lấy cây dáo đã mài nhọn sẵn từ mấy hôm
nay, gác trên sàn nhà. Ánh lửa long lanh chiếu vào chất thép đỏ như sắc máu
khiến cho lòng anh rợn lên những ý hận thù. Anh đưa tay vuốt nhẹ nhiều lần trên
những cạnh sắc, cảm thấy được sự bén ngót qua làn da chai sượng ngắt của mình.
Anh vội leo xuống nhà sàn đi
về rừng gồi trước mặt. Lá cây ướt đẫm hai bên lối đi, giữa những bóng tối lỗ
chỗ đốm trắng, lộp độp sương rơi mỗi lúc một dày.
A-Đun cúi gầm trên những
bước chân, nghe rõ tiếng suối Na-Leng cuốn chảy ào ào những ống nước lũ kéo về
từ chốn rừng xa. Tiếng suối gợi lên ở trong đầu anh bao nhiêu tiếng khóc, tiếng
gào, những tiếng than thở bất tận. Thỉnh thoảng dòng suối tuôn mạnh vào ghềnh
dội ầm vang động như nỗi bất bình của chốn rừng khuya.
A-Đun đến nhà Bia-Ngo thì
trăng đã xế. Ngọn lửa trên sàn vẫn còn cháy sáng. Anh nhìn thấy rõ bóng dáng cô
gái qua lớp phên thưa. Anh kẹp cây dáo, nhón gót leo lên sàn nhà. Nghe động,
Bia-Ngo ngơ ngác nhìn ra, nàng không giấu được vui mừng khi thấy khuôn mặt
A-Đun hiện nơi khung cửa.
- A-Đun, đến làm gì thế?
A-Đun chậm rãi bước vào và
ngồi bên lửa. Anh đưa bàn tay tê lạnh hơ lên than hồng một lát khá lâu, rồi rứt
mấy lá thuốc phơi trên giàn vấn hút. Bia-Ngo yên lặng nhìn anh một cách trìu
mến. Nàng hỏi:
- Đi thăm mồ của Mi-Sao về
đấy phải không?
Anh đáp:
- Không phải. Ở nhà tìm đến
Bia-Ngo.
- Đến làm gì thế?
Anh không trả lời, yên lặng
thả từng luồng khói đậm đặc rồi quay sang hỏi:
- Tại sao Bia-Ngo không ngủ?
Bia-Ngo cau hẳn mặt lại:
- Tại thằng Kha-Roát ngồi
không chịu về. Mới đuổi nó đấy. Giận nó không sao ngủ được. A-Đun đến làm gì
vậy?
Anh đáp như đã dự tính từ
lâu:
- Đến bảo Bia-Ngo lấy chồng.
Bia-Ngo trố mắt ra nhìn,
nhận thấy nét mặt anh có vẻ đăm chiêu lạnh lùng. Nàng nói:
- Không hiểu được đâu. A-Đun
muốn nói gì thế?
- Muốn nói Bia-Ngo lấy
chồng.
- Bia-Ngo chỉ lấy A-Đun…
- Phải lấy Y-Rít mới được.
Bia-Ngo kêu lên:
- Không đâu! Không ai bảo
được tôi đâu!
Giọng A-Đun vẫn ôn tồn:
- Bia-Ngo không thể nào lấy
A-Đun.
Bia-Ngo dẫy nẩy:
- Cứ muốn lấy đó.
A-Đun nói tiếp:
- Ở buôn ta đây không ai tốt bằng Y-Rít, khỏe bằng Y-Rít. Chỉ tội Y-Rít
nó nghèo. Nhưng ít hôm nữa Y-Rít có thêm nhiều rẫy, nhiều trâu, nhiều bò,
Bia-Ngo không khổ gì hết.
Bia-Ngo giận dỗi:
- Không nghe A-Đun nói nữa.
A-Đun nhìn thẳng vào mặt
Bia-Ngo một cách dịu dàng rồi bảo:
- Không nghe nói nữa, nhưng
có nghe rõ tiếng gì đấy không?
Bia-Ngo cúi đầu, lắng tai
nghe ngóng. Ngọn lửa về khuya đốt sôi lèo xèo những đầu củi ướt. Côn trùng râm
ran không dứt ở trong lũng thấp, khe sâu. Gió núi rào rạt từng luồng thổi mạnh
qua lớp rừng già loáng bạc màu trắng. Những tiếng thú dữ văng vẳng gầm lên, vụt
tắt, như nỗi uất hận nghẹn ngào vọng lại giữa cơn mê sảng. Nhưng rõ hơn cả là
tiếng rì rầm không dứt, tiếng suối Na-Leng cuồn cuộn tuôn dài.
Bia-Ngo ngẩng lên:
- Chỉ nghe tiếng suối. Tiếng
suối Na-Leng cuốn nước lũ về.
A-Đun nhặt lấy cây dáo, từ
từ đứng dậy:
- Đi đây, Bia-Ngo… Đêm quá
khuya rồi.
Bia-Ngo muốn giữ anh lại
nhưng ngỡ ngàng trước thái độ của anh, nàng ngồi ngơ ngẩn trông theo bóng dáng
buồn bã, chậm chạp leo xuống sàn nhà. Anh đi lầm lũi trong đêm, không quay đầu
nhìn trở lại.
*
A-Đun đến nhà Y-Rít thì
trăng đã lặn, bóng tối chan hòa khắp cả núi rừng. Ngọn lửa trên sàn đã tắt, chỉ
còn âm ỉ tro tàn. Tiếng chó xồ lên làm cho Y-Rít vụt ngồi xổm dậy.
- A-Đun đây mà.
Y-Rít dụi mắt, ngáp dài, rồi
nói bằng giọng buồn ngủ nặng nề:
- Đợi thổi lửa lên cho sáng.
Đến làm gì thế?
- Thôi đi, lửa đã tắt rồi.
Sao mai đã mọc rồi kìa.
Nói vậy nhưng anh nghe lạnh
thấm vào xương tủy. Anh sờ tấm vải che thân ướt đẫm sương đêm và ngồi nép vào
sau một tấm liếp để tránh hơi gió tạt vào. Anh tiếp:
- Y-Rít hãy nghe A-Đun nói
hết. Có ghét cái thằng Kha-Roát hay không?
Giọng Y-Rít như gầm lên:
- Nó là thằng ác, cướp rẫy
Min-Pay, cướp trâu Tha-Nga, cướp bò Bui-Ngót… Nó còn muốn hại A-Đun!
- Nó như một con quỷ sống
trong buôn, để nó buôn không sống nổi. Ngày mai A-Đun sẽ
nói với ông Chúa làng là nó không kiêng thịt mỡ trước khi đi săn heo rừng mà
heo vẫn không tuột ra khỏi lưới, nó không chừa món thịt nai trong ngày con trăng
vừa tròn mà nó không hề đau ốm. Nó là kẻ ác có phép thư phù, ếm hại dân buôn. Nó phải ra trước Thần Linh đối
chứng.
A-Đun nhìn thấy Y-Rít lắc
đầu lia lịa trong tối.
Và Y-Rít nói:
- Không thấy con suối
Na-Leng tràn nước đó à?
A-Đun gõ cái cán dáo vào
khung cửa gỗ trả lời:
- Thấy rồi.
Giọng của Y-Rít đầy vẻ lo
âu:
- Bao nhiêu mạng người đã
chết vì thằng Kha-Roát ở trên bờ suối Na-Leng. Nó sống từ nhỏ bên sông Rơ-Mau,
nó quen nín thở trong nước, A-Đun không sao hơn nó được đâu.
A-Đun nín lặng một lát rồi
nói:
- Chẳng lẽ chịu thua nó mãi?
Nó như một con rắn độc ngầm hại mạng người. Bây giớ nó còn muốn hại A-Đun. Rồi
nó hại đến Bia-Ngo, hại đến Y-Rít. Không thể để cho kẻ ác sống dai như cây cốc
rừng, nó hút hết nhựa của cây cỏ khác, làm cho buôn ta khô héo dần đi. Y-Rít đừng lo, mặc kệ A-Đun. Lệ làng đã
định lâu rồi : kẻ nào có tội phải bị giết ngay để khỏi hại làng. A-Đun giao
lưỡi dáo này cho Y-Rít đấy. Lưỡi dáo bén lắm, sờ thử mà coi. Khi nào Kha-Roát
trồi đầu khỏi nước thì đâm ngay vào ngực nó, đâm trúng vào đây, vào đây nghe
không?
Trong bóng tối, A-Đun đưa
tay sờ soạng lên ngực Y-Rít và đến chỗ vú bên trái, dừng lại, ấn mạnh một ngón
tay vào:
- Đâm cho thật trúng vào
đây, Y-Rít. Giết kẻ có tội, đó là phần của A-Đun. Nhưng mà A-Đun nhường dáo cho
Y-Rít rồi. Y-Rít được thay A-Đun lấy rẫy, lấy bò, lấy trâu của thằng Kha-Roát.
Y-Rít kêu lên:
- Sao thế? Sao thế? Đừng nói
như thế, A-Đun. Kha-Roát hụp nước không ai bì kịp, đừng kể tội nó với làng,
đừng gây sự gì với nó. Thôi đi, thôi đi!
A-Đun yên lặng đặt nhẹ cây
dáo vào lòng Y-Rít. Rồi đứng thẳng dậy, anh nói:
- Đã nhất quyết rồi. thương
cái buôn nhiều lắm đó. Y-Rít đừng
quên lời của A-Đun.
Y-Rít thấy bóng của anh im
lặng in hình lờ mờ trên khung cửa lớn, mỗi lúc càng rõ thêm ở ngoài nền trời
bắt đầu rựng sáng. Lâu lắm A-Đun mới nói, giọng nói buồn rầu:
- Giao cả rẫy nương thuộc về
A-Đun cho Y-Rít đấy. Trừ được Kha-Roát phải trả rẫy cho Min-Pay, trâu cho
Tha-Nga, bò cho Bui-Ngót. Y-Rít nên cưới Bia-Ngo làm vợ. Bia-Ngo phải có người
chồng cho xứng với nàng.
Nói xong, A-Đun chậm rãi
xuống sàn, lầm lũi ra về.
*
Sau lời tuyên bố của ông
Chúa làng Ha-Râm, Kha-Roát khoan thai lội xuống nước suối đục ngầu rào rạt cuốn
đi những lớp rác rều đen bẩn. Gã nhìn bóng mình chập chờn lung linh dưới nước,
cảm thấy quen thuộc dễ chịu và không giấu được nụ cười của kẻ tự tin. Chỉ mới
cách bờ đôi sải mà nước đã lên đến ngực. Kha-Roát vội dò dẫm đến một tảng đá
lớn nhô lên mặt suối và ghé ngồi lại đợi chờ.
A-Đun ngước nhìn Bia-Ngo,
Y-Rít, nhìn khắp mọi người, rồi mới thong thả xuống suối. Là kẻ buộc tội, nếu
phải thua cuộc, anh sẽ chỉ mất một số trâu bò tùy theo làng định. Tuy vậy, đôi
mắt của anh thật là sầu não khiến nàng Bia-Ngo cảm thấy gan ruột xốn xang. Anh
lội từ từ xuống một mé bờ cách xa Kha-Roát, lựa nơi có tàng cây si tỏa bóng mát
lạnh trên nước. Hai người nhìn nhau lạnh lùng, nhưng đôi cặp mắt cùng nhíu cả
lại, nói lên những nỗi oán hận âm thầm.
Sau tiếng cồng đầu, dân làng
ồ ạt kéo đến sát bên mép suối và ông Ha-Râm ngồi vào một chỗ bờ cao ở giữa
khoảng cách hai người dưới suối. Tiếng cồng thứ hai nhắc nhủ mọi người chuẩn bị
và cả Kha-Roát cũng như A-Đun đều ngâm mình xuống nước, chỉ chừa mỗi một cái
đầu. Y-Rít nắm chặt cán dáo sắc nhọn, lội đến đứng ở ngang tầm Kha-Roát.
Bia-Ngo bấu chặt lấy bụi cỏ dế ven bờ, nín thở, nhìn không chớp mắt vào mặt
A-Đun.
Tiếng cồng thứ ba vừa dứt,
cả hai cái đầu hụp xuống dưới dòng. Mặt suối đục ngầu vẫn cứ rạt rào cuốn lớp
củi khô, rác mục, xoáy tròn quay tít qua những bờ đá nhấp nhô. Ánh nắng mờ nhạt
sau lớp mây dày rọi những bóng người lô nhô chen chúc ven bờ, thành những đường
nét chập chờn xao động. Vài tiếng bìm bịp nổi lên ở trong bụi rậm gần bờ, và
bên kia suối, bầy chim chắc-hoạch lao xao trên khóm bàn-lồ.
Bia-Ngo không còn nghe gì
nữa hết, thấy gì nữa hết, ngoài một điểm sáng lờ mờ trên nước, chỗ đã giấu kín
A-Đun. Cái nhìn của nàng trở thành nhức mỏi, mờ dần, đầm đìa nước mắt, nàng
phải chớp mắt vội vàng để khỏi mất đi từng chút lo âu. Một vài tăm nước sủi
lên, hình như có sự cựa quậy chờn vờn dưới đáy. Người ta chờ đợi, chờ đơi, ai
cũng cảm thấy quá lâu. Mặt trời đã qua khỏi lớp mây dày rọi sáng cả vùng rừng
núi, làm cho mặt nước chói chang.
Ông Chúa làng Ha-Râm ngồi
không yên chỗ trên mỏm bờ cao. Đầu ông cúi xuống thấp dần và ông tưởng chừng
đôi mắt già nua của mình sẽ không nhìn kịp một sự xuất hiện bất thần. Y-Rít nắm
chặt cán dáo, mím chặt đôi môi, chăm chăm đợi chờ Kha-Roát, tuy anh thấy rằng
A-Đun khó lòng thắng được kẻ thù.
Cuối cùng, Kha-Roát vụt nhô
đầu lên, há hoác vành miệng để hớp vội vào hơi thở, rồi gã vuốt mặt nhìn về
phía trước. A-Đun chưa thấy trỗi dậy. Kha-Roát thất sắc, lùi lại, loạng choạng
giữa dòng. Nhưng một hồi cồng vang động, gã thoáng thấy một lưỡi dáo bén nhọn
lao thẳng vào ngực bên trái của mình. Kha-Roát thét lên, nhào ngửa trên suối,
quẫy mạnh giữa dòng nước đục loang từng vòng máu đỏ tươi.
Y-Rít vừa cúi rửa nhanh mũi
dáo vừa nhìn về hướng A-Đun. Mặt nước trở thành ngầu đục, sủi tăm, loang loáng
qua lớp rác rều. Bia-Ngo vẫn im lìm, tay vẫn bấu vào bụi dế ven bờ, dán chặt
đôi mắt xuống chỗ vũng suối phủ rợp bóng cây.
Dần dần mọi người đổi sự chờ
đợi thành sự kinh ngạc. Và ông Ha-Râm ra lệnh cho gọi A-Đun.
Y-Rít phóng mạnh lưỡi dáo
xuống ven bờ suối, rồi lao người tới giữa dòng, một vài vết đỏ loang ra, lẫn
lộn giữa những xác cành củi mục theo nước trôi đi. Khi lặn sâu xuống, anh thấy
A-Đun co quắp, cứng đờ, vành môi, khóe mắt máu bầm ri rỉ từng dòng chan hòa
nước suối. Anh vội kéo mạnh xác chết, nhưng gặp một sức giằng lại. Y-Rít nhoài
tới. Hai chân A-Đun đã bị cột chặt vào một rễ cây to lớn đâm ngang lòng suối.
Sợi dây là chiếc khăn chàm cũ rách, xưa kia vẫn thấy Mi-Sao – người vợ yêu dấu
của anh – choàng ở trên đầu.
(Trích từ tập truyện ngắn “Vượt Thác”, nxb Cảo Thơm
1965)