Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

BỚT ĐI MỘT TRÁI - Bình Nguyên Lộc

Bọn họ về đến Thủ Đức là đã mười một giờ khuya. Sau khi viếng chợ đêm ngày Tết của Sài Gòn tưng bừng ánh sáng và màu sắc, họ trở về với chợ quận và có cảm giác là đang ở nhà lầu thì phải tuột xuống nhà tranh.

Ánh sáng đô thành vẫn thấy đỏ rực trên trời đằng hướng Nam và nhìn vầng sáng ấy, họ nhớ đến những tà áo muôn màu họ vừa ngắm một giờ trước đây. Giờ đây màu đen của y phục những người đi sắm Tết từ trong xóm ra, sao mà u buồn lạ.

Những gian hàng, phần lớn thắp đèn dầu, sao mà trông nghèo khổ và bịnh hoạn vô cùng.

- Bây giờ ta phá cái gì cho vui đặng qua đêm chớ. - Thạch đề nghị.

- Thì lại cũng cứ lăn dưa chớ còn trò gì nữa đâu. - Công quyết định.

Đó là một bọn con trai năm người, sống vào thời tiền chiến rất yên ổn ngày xưa, đã hưởng rất nhiều thú vui mà vẫn còn thấy thiếu.

- Hồi sớm, tao để ý đến một hàng dưa do một con bé có duyên lắm trông nom. Không biết ở xứ nào tới mà coi bộ ngây thơ lạ. Ta có lăn dưa thì nên lăn dưa của con bé ấy và nếu có thể được, lăn luôn... nó cho vui trò.

- Mấy nói miết, ban ngày nó có coi hàng, nhưng tối lại thì ông già bà già nó coi chớ còn đâu nó nữa.

- Ậy, mầy mới dốt phong tục. Ở chỗ khác, dưa tứ xứ về bằng ghe. Trên ghe có cả ông già bà già, con cái lu bù thay phiên nhau mà coi hàng. Ở chỗ ta không có sông, dưa về bằng xe bò. Xe bò đậu lâu không được. Tao thấy ông già ổng đánh xe về hồi sớm.

- Bây giờ bắt thăm coi đứa nào phải lăn năm nay đây.

- Tao cho !

- Tao !

- Tao mới phải; bốn năm liền tao chưa lăn lần nào hết.

- Năm nào mầy cũng kiếm cớ thối thác. Năm nay lại tham. Tao biết mà, tại có con bé ấy. May là bây chưa thấy mặt nó đa mà còn giành như vậy. Nếu bây mà thấy như tao thì...

- Thì tao còn giành dữ hơn tụi bây nữa.

- Hơn bao giờ hết, ta phải rút thăm mới được.

- Coi chừng nó gian lận tụi bây ơi. Nó đã thấy con bé rồi, thì chết nó cũng lập mưu mà lăn cho được. Phải kiểm soát cho gắt kẻo trúng phải lá "thăm tráo" của Từ Mậu Công.

Bọn họ kéo nhau vào một quán cà-phê ở dãy phố ngó vào một gian hàng ngả đó mà rằng :

- Đó, gian thứ nhì kế gian góc bên trái chợ.

- Đâu con bé đâu ?

- Nó ngồi trong tối làm gì thấy được.

Trong bất kỳ chợ Tết của nơi nào, cả chợ Tết của Sài Gòn cũng vậy, nếu gian mứt, gian rượu sáng sủa sạch sẽ bao nhiêu thì gian hàng dưa, bưởi lôi thôi, tối tăm bấy nhiêu.

Những gian hàng ấy luôn luôn ở cuối chợ và trông giống như những người bà con nghèo ở ngõ hẻm.

Trước gian hàng mà Công chỉ, họ chỉ thấy một ngọn đèn dầu hôi đang un khói. Sau ngọn đèn, trên chiếc đệm, dưa chồng chất như kim tự tháp, nền lớn, ngọn nhỏ. Và sau dãy núi dưa, có lẽ con bé đang ngủ gục vì vào giờ nầy chỉ còn lưa thưa vài khách hàng đi mua nhang đèn, bánh, pháo, thôi.

Sợ Công gian lận, họ oản tù tì chớ không bắt thăm. Đê được thăm, anh ta nhảy ra liền khỏi tiệm.

Lạ, năm ngoái anh bắt thăm trúng, tự cho là xui xẻo, vì đi ăn cắp dưa Tết có ngày phải ăn chổi chà. Nhưng năm nay anh ta mừng hùi hụi và cứ tự bảo là vận mình đỏ lắm.

Đê bước đi những bước nhẹ nhõm, lòng thong thả không lo ngại gì hết vì anh thấy tán gái quê không gì khó cả.

Không mấy chốc anh đã tới trước gian hàng, đặt chân lên đệm và dõng dạc hỏi to :

- Ai bán dưa ?

Người chủ gian hàng bưởi bên cạnh là một người đàn bà đứng tuổi, vạch vách ngăn bằng đệm dòm qua. Bên nầy thì im lặng lạ lùng. Trong bóng tối, sau trái núi dưa hấu, đôi mắt như hai hột ngọc đang nhìn ra ngoài.

Trong ánh đèn vàng úa. Đê thoáng thấy một gương mặt không đẹp mà dễ thương, hiền hậu mà không khờ khạo tí nào. Gương mặt ấy đương bình thản nhìn anh ta hơi mỉa mai kiêu ngạo một chút.

- Dưa bao nhiêu một chục cô ?

- Dạ, bán rẻ cho thầy chín đồng.

- Sao lại bán rẻ cho tôi ?

- Vì có lẽ thầy không biết trả lên trả xuống, em không nỡ nói thách.

À, con bé quá quắt lắm. Nó dùng tiếng "không nỡ" là khinh mình đây ! Đê nghĩ rồi nói :

- Chín đồng một chục thì chạy chín cắc một trái. Như vậy mà cô bảo là bán rẻ cho tôi. Má tôi mua dưa cỡ nầy ba cắc một trái thôi.

- Thầy làm toán chia tài dữ ! Chín đồng một chục, mà ra chín cắc một trái...

Bấy giờ Đê đã ngồi xuống. Chàng ta nhìn cô gái để đợi cái phút cô lo ra đặng thi hành kế quỉ. Nhưng cô gái vẫn không nhìn đâu khác hơn là người khách hàng nửa đêm.

- Thì một chục là mười, nếu có đầu là mười hai, thì chín cắc một trái có lẽ là tạm trúng rồi chớ gì.

Nghe câu đó cô gái không nghiêm trang được nữa, rũ ra mà cười.

Đê không thèm để ý, liếc mắt dòm lại sau lưng mình thì thấy bạn hữu đã đưa nhau đứng gác từng khoảng cách nhau sáu thước.

Cô bé cười híp mắt, lắm khi rũ xuống.

Đê thừa dịp tốt, lấy tay hất một trái về hướng Công, người đứng đầu trong sợi dây xích ăn cắp dưa nầy.

Đây là một bọn trai trẻ con nhà giàu, chơi trò lăn dưa cho vui vậy thôi, không nghĩ là mình ăn cắp và không thấy ghê tởm khi làm công việc nầy.

Lăn xong một trái, và chắc bụng là bạn hữu đã chuyền mà đưa trái dưa ấy đi xa, Đê làm bộ ngạc nhiên hỏi :

- Sao cô lại cười tôi ?

- Thầy đi mua dưa mà không biết dưa hấu một chục mấy trái thì lầm chết.

- Chớ cô nói một chục mấy trái ?

- Dưa hấu thì một chục hăm bốn trái.

- Dữ vậy à ? - Đê ngạc nhiên thật tình mà nghe con số kỳ dị nầy.

- Lại còn thứ trái cây một chục mười sáu trái. Chục trầu thì chỉ có hai lá thôi. Ấy, chục của ta nó rắc rối lắm, - cô bé nói thêm.

- Trời ơi, té ra tôi còn non. Cũng may là đi mua dưa thôi, chớ đi coi vợ mà khờ khạo như vầy thì "lầm chết" đúng y như cô vừa nói.

- Không sao, thầy đừng lo. Một cô gái hai mươi tuổi thì vẫn hai chục tuổi. Vì tuổi tác không có chục mười sáu, chục hăm bốn mà lo.

- Nếu có chục hăm bốn thì tôi, tôi đoán là cô chưa đủ chục, có phải không cô?

- Cái đó là việc khác không ăn thua đến vụ mua dưa.

Đê một lần nữa, nhận ra gái quê dạn nói cà rỡn hơn gái chợ trong dịp trêu ghẹo của con trai. Họ bộc lộ hơn gái chợ, lắm khi rất trây trớt và có lẽ nhờ thế, họ không bị uất khí và ít sa ngã.

Bấy giờ Đê đã lăn đến trái thứ năm. Mấy anh kia, bắt dưa dính như thủ môn giỏi bắt ba-lông, và đưa dưa đi tài tình như trên bãi cỏ, các cầu tướng "giao nhỏ".

Cô bé mảng cà rỡn mà không thấy gì hết.

Đê làm bộ lập nghiêm vì thấy cô gái cũng là tay bản lĩnh, tán láo không được. Anh hỏi qua về quê quán, gia đạo cô gái, hẹn gặp nhau năm tới và tiếc phải chia tay.

- Năm tới có lẽ ba em sẽ đi chợ khác. Cái nghề dưa nầy không thể nào bám mãi một chợ được. Mỗi năm phải tiên đoán coi chợ nào ít người bán mà vào, rủi đụng đầu với nhau thì nguy.

Đê cũng hơi bùi ngùi, đứng dậy nói :

- Rất tiếc không mua giúp cô được, vì tôi ngỡ một chục mười trái nên thiếu tiền.

- Không hề gì, thầy lấy chơi năm trái, thì trả tiền năm trái là xong.

Đê bủn rủn tay chơn, muốn té quì xuống. Không phải vì anh ta sợ tốn tiền. Cũng không phải sợ tội ăn cắp. Nhưng bị một cô gái như thế lột mặt nạ một cách bình tĩnh như vậy khiến anh ta kinh khủng không biết ngần nào.

Anh ấp úng :

- Tôi... thử... xem cô có lanh mắt không.

- Em vẫn biết thầy thử, nên em cố lơ đãng cho vui trò vậy mà.

À, nó khéo lắm, con bé ấy. Thế mới chết.

- Dạ (Đê thấy cần phải lễ phép) dạ bây giờ cô tính bao nhiêu cô ?

- Dạ, dưa mua tính giá khác. Còn dưa ăn thử thì cứ một đồng một trái, lấy rẻ thôi.

Con bé mắc dịch, Đê rủa thầm. Nhưng nếu nó đòi mười đồng một trái, mình cũng phải trả, chớ dám nói gì.

*

Khi Đê theo kịp bạn hữu, anh ta mặt bí xị và làm thinh mãi, không họa theo họ mà reo đắc thắng.

- Sao, có nước mẹ gì không mà coi bộ sò thế ? - Tạo hỏi.

- Có nước con thì có, chớ nước mẹ gì.

Công ngắt, chận lại nói:

- Các anh à, bọn bán dưa họ biết cái ngón của mình nên đề phòng dữ. Cứ mỗi một năm ta làm kém năm rồi một, hai trái.

- Mỗi năm bớt đi một trái dưa cũng chưa nguy. Tôi sợ năm nay phải bớt đi một người trong bọn ta, - Đê than.

- Anh định bỏ chúng tôi đi lăn con bé à ?

- Không lăn nó, mà chính tôi tự lăn vào nó đấy.

- Úy mẹ ơi, một cậu trong bọn mình si tình rồi đây bây ơi.

- Không si tình sao được, các anh. Phải chi các anh có bị đánh như tôi, nó vừa đánh vừa vuốt ngực thì mới biết.

- Nó đánh bằng chổi chà hay bằng gì ?

- Bằng cái đòn tinh khôn mà rất dễ thương của nó.

 (Trích từ tập truyện ngắn Tâm Trạng Hồng)    

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

CHO MỘT NGÀY ĐẦU NĂM - Từ Kế Tường


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hôm nay có mặt trời trong cửa mắt
Đường sáng trưng, những ngỏ nắng đầy tay
Chim mới về giọng lửng xuống mây bay
Hồn trẻ lại để nghe ta nhảy nhót

Năm có dáng núi cao xanh chót vót
Có ngày theo sóng biển nói bao la
Có em vàng áo lụa ở đâu xa
Chiều gió đẩy tôi về dong sức lớn

Hồn mạnh khỏe với châu thân biển gợn
Bóng trường giang xuôi khắp chỉ một dòng
Mưa qua đời tang lễ giữa hư không
Chôn cất hết chiếc quan tài củi mục

Cây trái ngọt trĩu trên cành hạnh phúc
Đường mới thơm tà áo đỏ mới khoe
Má mới đào môi mới chỉ cười che
Và hương phấn mới đàn trên phím tóc

Tự nhiên có ngày vui trong lớp học
Ô cửa buồn bỏ lại những giờ chơi
Tay làm thuyền buồm no gió ra khơi
Chân với bạn vang trên đường mở hội

Nghìn sân cỏ để hồn chim em tới
Nắng trong xanh từng thảm bọc chiều nhung
Tạnh hết rồi hôm mưa bão mịt mùng
Ngày tháng cũng thay gương làm ánh sáng

Hoa với bướm ở trong vườn quên lãng
Chỉ một lần kỷ niệm trắng bông phai
Tôi như mùa thu cũ rớt trên vai
Hờn rất nhẹ giùm em đôi chiếc lá

Đầu một ngày vội chi em, thong thả
Nhận giùm tôi lồng nhỏ với chim khuyên
Bước thật thà từ một bước đầu tiên
Năm sẽ ngỡ em vô cùng thương mến.

                                            TỪ KẾ TƯỜNG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 24 (bộ cũ), tuần lễ từ 26-12-1969 đến 2-1-1970)

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

ĐÊM XUÂN CÕNG HOÀNG ĐẾ - Bình Nguyên Lộc

 

Đã tới hồi gay cấn rồi đây, đã tới lúc nghẹt thở khi ông tư Sang kể đến đoạn quân Tây Sơn rượt chúa Nguyễn Ánh tới đình làng Tân Quang vào đầu một đêm xuân kia.
 
Tôi định rằng ông tư Sang bịa láo, ít lắm cũng về cái thời điểm xảy ra câu chuyện, ông đặt nó vào ngày Tết cho hợp với không khí đêm nay, cho vui vậy thôi, chớ Tây Sơn là kẻ thắng thế rõ rệt quá thì cứ nằm nhà mà ăn Tết, sang giêng sẽ hay, chớ tội gì phải vất vả truy nã kẻ thù vào một đêm xuân.
 
Đêm nay là đêm hăm chín tháng chạp, nhà tôi nấu bánh tét, hầm thịt, làm nem, nhà bếp vui lắm, nhưng sợ trẻ con buồn ngủ nên má tôi mới lờ đi cho ông tư Sang, khi thấy ông tới chơi. Chớ thường thì những ngày, những đêm bận rộn, má tôi không cho ông vào sợ ông làm mất thì giờ của người nhà.

Ông tư Sang là người láng giềng của nhà tôi, ông ở một nếp nhà tranh vách đất sau miếng vườn tổ phụ của chúng tôi, không vợ, không con và quanh năm, suốt tháng, cả ngày, ông hết la cà nhà này, đến chà lết nhà khác, vì cái nghề chánh của ông về sau này là nghề chèo đò ngang trong làng, mà ông cũng đã bỏ rồi, thì giờ của ông dư nhiều quá, không làm gì mà lấp cho hết các khoảng trống không mà ông tư rất sợ hãi.

Ông tư ngưng câu chuyện để ăn một cái bánh ít bột năng. Ông tuy dốt nát và thuộc thế hệ hồi Tây mới chinh phục ta nhưng lại rất thạo mánh khóe của báo hằng ngày. Ngày nay họ đăng phóng sự hoặc tiểu thuyết tới đoạn toát mồ hôi lạnh thì họ cho "còn nữa" để ngày mai ta phải mua báo hầu đọc tiếp.

Nhà tôi đêm nào cũng có quà cho anh chị em tôi ăn, nhưng cũng để đãi ông tư, một ông lão kể chuyện đời xưa rất hay mà thân phụ tôi rù quến tới để giúp vui cho cả nhà.Ông tư là bợm nhậu, chỉ ưa quà mặn, nhưng má tôi lại ghét rượu chè, đãi toàn quà ngọt, ông đành chịu vậy, bằng hơn đi nhà khác, kể ráo bọt mồm mà chẳng được một chén trà. Vả bánh ít bột năng là bánh ít loại sang, người thường mà mấy thuở được ăn, nên ông tư cũng tự an ủi rằng dầu sao gia đình tôi cũng đã trọng đãi ông lắm.

Lão tư Sang làm nghề trạo phu, chèo thuê cho các tay lái thương hồ. Nhưng năm ấy lão đã bảy mươi lăm, yếu từ mười năm rồi nên chỉ chèo được chiếc đò ngang đưa sang sông, bến đò ở trước nhà tôi.

Lão là một nông dân không thật thà chút nào, tánh tự nhiên của lão vốn đã láu lỉnh rồi, rồi nghề nghiệp của lão lại lưu manh hóa lão phần nào ; nghề thương hồ của các ông chủ của lão đã đưa lão đi khắp các nẻo đường của Tam-kỳ Lục-tỉnh. Lão đã sống một trăm lần nhiều hơn một nông dân thật sự, đã nghe các chủ nhân của lão nói láo trắng trợn một ngày mấy mươi bận với khách hàng, thành thử lão không còn là nông dân nữa.

Cha mẹ tôi không ưa lão, nhưng cứ cho lão tới nhà, hơn thế, còn khuyến khích lão tới bằng quà bánh, chỉ vì anh chị em tôi quá mê nghe chuyện, còn lão thì là tay thầy trong nghệ thuật đó, khắp vùng tôi ở, gồm mấy làng lân cận với làng tôi, không có một ông cụ, một bà cụ nào mà kể chuyện tài tình bằng lão trạo phu không có áo này. Ấy, lão ta cởi trần quanh năm, nói là trời nóng nực lắm, nhưng thật ra, lão ta không có chiếc áo nào hết.

Ăn xong cái bánh ít, ông tư uống một chén trà ngon, rồi hút thuốc, lâu lắc quá, khiến chúng tôi sốt cả ruột gan.

Rồi sao nữa ông tư? - Chị tôi hỏi.

- Chẳng, như vầy : Tía tôi làm ông từ giữ đình làng, có nhà trong sân đình. Tôi đã có vợ, ra riêng từ vài ba năm rồi, nhưng đêm đó, tôi đi thăm tía tôi.

Thình lình tía con tôi thấy một đạo hào quang nhoáng lên, vì là giữa mùa nắng, nên không thể lầm hào quang với lại chớp được. Cha con tôi nhìn ra sân thì thấy một người có phong độ đế vương đẩy cổng đình và chạy mau vào sân.

Cha con tôi đoán được ngay đó là ai rồi, thế nên tôi vụt nhảy ra khỏi nhà, chạy đến rước người ấy, đoạn quỳ mọp trước mặt người. Người ấy bèn để cho tôi cõng chạy trốn. Tôi thuộc các ngõ ngách nên trốn thoát.

Chỉ lúc chạy được xa rồi, tôi mới để Hoàng đế xuống và bấy giờ, tôi mới có thì giờ tung hô vạn tuế người.

Lớn lên học sử, tôi mới biết là ông tư nói dóc. Năm đó ông tư 72 tuồi, tức ông sanh 1853, vua Gia Long đã chết thành tro rồi, còn đâu để ông ta cứu giá. Vả lại, nếu có ai cứu giá thì đó là Chúa Nguyễn Phúc Ánh, chớ làm gì đã có Hoàng-đế, vì chúa Nguyễn Phúc Ánh còn bôn đào, đã xưng đế đâu nào.

Nhưng ông ta kể rất là sống động, y như chuyện quả có xảy ra thật, thành thử thân phụ tôi vốn biết ông ấy nói dóc mà chính người cũng ham nghe.

Lịch sử của miền Nam gồm nhiều đoạn thăng trầm trong đó có hai thiên mà người ta cho là hào hùng nhất. Đó là những năm đầu khẩn hoang, theo kế hoạch của các chúa Nguyễn, và đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy trối chết trước các cuộc ruồng bố của Tây Sơn.

Nhưng nhiều kẻ lại lờ đi về thiên anh hùng ca đầu, nó là anh hùng ca thật sự đấy, mà cứ ca hát cái thiên cứu giá chúa Nguyễn Phúc Ánh mãi, cho đến kẻ sanh sau đẻ muộn là ông tư Sang nghèo rớt mồng tơi nầy mà cũng khoe rằng mình đã cứu giá. Nếu ông ấy cứu giá thì ông ấy đã được phẩm hàm, ơn vua lộc nước rồi, chớ đâu có cả đời làm trạo phu.

Thấy sang bắt quàng làm họ, đó là bản tính của kẻ hèn. Trị thủy, phá rừng, giết thú dữ, đánh nhau với thổ dân là những kỳ công oanh liệt, nhưng quá tối tăm, đâu có rạng rỡ như cõng "Hoàng đế" chạy trốn. Lại còn cái vụ hào quang của Hoàng đế ấy nữa. "Hoàng đế" lẩn trốn trong Nam bao nhiêu năm là họ bịa ra bao chuyện ly kỳ, nào là rùa linh nổi lên chở Hoàng đế sang sông, nào là rái linh cắn quân Tây Sơn để cứu chúa. Nếu chằng may Tây Sơn mà thắng thì thật uổng những chuyện truyền kỳ hấp dẫn đó không biết bao nhiêu.

Ông tư lại ăn bánh. Ấy, bánh bột năng thuở đó ba xu một cái, bằng bây giờ mười lăm đồng, vậy mà ông già này đã tiêu thụ hết bốn cái rồi đó. Giá một buổi đầu hôm kể chuyện của ông ta, tính theo thời giá ngày nay lên đến một trăm đồng, vì rồi ông còn ăn nữa, chớ có phải bốn cái là đủ đâu. Mắc hơn một vé xi-nê ngày nay!

Sau chiếc bánh thứ tư, ông Sang kể chuyện ăn trộm vào thế hệ của ông. Về vụ đánh cọp, đánh cướp ; bắt trộm thì ông khỏi bịa láo vì những câu chuyện thật ấy, tự nó đã hay rồi. Tôi chú ý đặc biệt đến cái chi tiết về bộ máy ra-đa của kẻ trộm thời xưa.

- Họ - ông tư Sang kể - được võ trang bằng một que tre thật mỏng manh và dài độ bốn gang tay. Vào được trong nhà rồi thì họ vừa đi tới, vừa hươi que tre lia lịa trước mặt họ. Que tre chạm phải cột, hoặc tủ bàn gì thì họ biết ngay để mà tránh, trong khi đó thì chủ nhà cứ ngủ thẳng cẳng vì sức va chạm quá nhẹ nhàng bởi que tre quá mỏng. Thành thử như là họ có con mắt thần, thấy mọi vật trong bóng tối dầy đặc. Con mắt thần còn khám phá ra được cái vật quí giá trong nhà nữa.

"Chẳng, thuở ấy cho đến bực giàu có của ta nhà cũng chẳng có gì, trừ lư đồng, nồi đồng và mâm thau, nữ trang và tiền bạc thì không kể vì hai thứ đó được cất trong rương xe, một loại rương rất lớn, có bánh xe để dời đi được ra khỏi nhà khi nào có hỏa hoạn, và chủ nhà nm trên mặt rương mà ngủ, khó xơi lắm.

"Bọn trộm chúng nó mang gạo theo đầy cả túi, rồi vào nhà xong, chúng nó hốt gạo mà tung ra như là gieo mạ. Tiếng các hột gạo chạm vào những vật bằng đồng, nghe là biết ngay, đối với người đang thức, còn người ngủ thì chẳng hay biết gì cả.

Câu chuyện cũng hấp dẫn lắm, nhưng trừ bọn trẻ con chúng tôi ra, còn thì người lớn không ai thèm nghe hết vì thuở còn bé, cha mẹ tôi đã biết tài nghệ của bọn ăn trộm đời xưa, bọn nầy là tay nhà nghề chỉ mới tàn lụn cách đó độ vài mươi năm mà thôi.

Thế nên bác dâu tôi mới nói to lên một câu lạc đề:

- Sang giêng chú cho tôi mượn chiếc xe ngựa với thằng đánh xe để tôi đi thăm vợ của Bác-vật Năng nghe chú.

Bác Hai tôi không con, nên giao phần hương hỏa và nhà thờ cho thân phụ tôi. Bác qua đời rồi, người bác dâu của tôi trở về nhà mà ở để theo đúng cái cang "tùng phu" vậy ; không có tử để mà "tùng tử", bác ấy tùng nhà thờ của họ tôi là đúng đạo tam cang.

Còn vợ của Bác-vật Năng là người chị bà con xa của tôi, chị ấy lấy chồng làm kỹ sư canh nông dưới Sài gòn mà thuở ấy người ta gọi là Bác Vật Trồng Tỉa. Chị ấy sanh đứa con thứ ba đã đầy tháng rồi.

Thân phụ tôi đứng lên, đốt thuốc nơi ngọn đèn tọa đăng thắp dầu lửa, đặt điếu thuốc trên đầu cái thông phong, bập vài bập cho điếu thuốc cháy rồi mỉm cười mai mỉa mà hỏi rằng:

- Chị muốn cứu giá như chú tư đây hả?

Bác dâu tôi ngơ ngác không hiểu gì hết nên hỏi:

- Chú nó nói cái gì mà cứu giá?

- Chú tư đây đã khẩn hoang một mình bốn mẫu rừng, vậy mà chú không cho đó là kỳ công, cứ ham cõng ông Hoàng đế Gia Long mà thôi.

Nói xong, thân phụ tôi cười ha hả, rất là đắc chí.

Bác dâu tôi đã hiểu, vì chính tôi là trẻ con mà còn hiểu kia mà. Chị cả của tôi lấy chồng ở làng bên. Nhưng chị lấy chồng dân dã lại nghèo, nên năm rồi chị sanh con so mà bác dâu tôi không hề hỏi thăm một tiếng.

Bác ấy là con cháu nhà quan, ít lắm cũng theo lời bác khoe, chớ theo chỗ tôi biết thì ông cụ của bác ấy ngày xưa chỉ làm Chánh tổng. Tuy cũng là quan đó, nhưng mà quan nhỏ quá, quan ở trong làng. Bác ấy phong cho ông cố bác làm quan Án-sát tỉnh Trấn-biên, nên chi bác ấy chỉ giao thiệp với hàng Chánh tổng sắp lên mà thôi.

Nhiều người miền Nam ta, phần đông những kẻ tăm tối rất ưa khoe tổ tiên họ làm quan cho chúa Nguyễn. Vì đông người khoe như vậy, kẻ biết chuyện rất buồn cười mà nghĩ rằng chúa Nguyễn hẳn dư quan nên mới cho vào Nam đông đến thế. Những người ấy nhứt định chối bỏ dĩ vãng hào hùng của tổ tiên họ là lưu dân bị đày vào đây, hoặc là những kẻ nghèo khổ được chúa Nguyễn mộ vào Nam để khẩn hoang. Những đợt sóng Nam tiến anh dũng không tiền khoáng hậu trong lịch sử ta, thế mà họ có biết đâu. Cũng may là miền Nam chỉ có 300 năm lịch sử thôi, chớ nếu đây là đất "nghìn năm văn vật" thì có lẽ họ đã khoe tổ họ là Hùng Vương rồi vậy.

Bác dâu tôi hiểu, nhưng vẫn cãi:

- Chú nói mát làm gì. Có khác đó chớ. Chú tư đây chỉ nói láo để ké thơm lây của nhà vua, còn tôi có nói láo đâu. Tôi đi thăm cháu tôi đó mà.

- Nhưng cháu của chị cũng là một thứ nhà vua. Nó cũng là cháu của tôi hơn là cháu của chị nữa vì nó mang họ nhà tôi, nhưng nó sanh con ra thì y như là nhà giàu họ cất ngôi nhà thứ năm, thứ sáu, họ đâu có ăn tân gia nữa, và ta đâu có phải mừng cho họ nữa.

Lão trạo phu lại ăn bánh ít và để được ăn quà mỗi đêm, lão ta nịnh thân phụ tôi:

- Ông Cả nói đúng đó bà hội à! Tôi cõng Hoàng đế, Hoàng đế ban cho tôi giấy tốt, nhưng rồi tôi ăn cái gì chớ? Tôi chỉ được ăn cơm nguội sau những buổi chèo thuyền. Ông Cả đây không được lưu danh hậu thế như Hoàng đế, nhưng tôi lại được ăn bánh mỗi đêm. À, thưa cô bác, bà con, tôi có cõng Hoàng đế thật đó chớ.

Thân phụ tôi lại cười ha hả. Thuở thanh xuân, ông tư Sang có theo hát bội mấy năm, ban đầu làm quân chạy hiệu, sau được lên quân hầu. Quả lão ta có cõng Hoàng đế thật sự, chỉ có điều đó là những Hoàng đế tuồng.

Riêng tôi, tôi bỗng đâm tin nơi nguồn gốc mà bác dâu tôi thường khoe khoang. Bác ấy là con quan thật sự đó, vì rồi bác lại hỏi thân phụ tôi:

- Nhưng thôi, hơn thua nhau vài tiếng làm gì. Chú có cho mượn xe hay không thì nói.

- Chị cứ tự tiện. Tất cả đều là của hương hỏa, nghĩa của chung, chị có quyền dùng.

Chỉ có quan và con cháu nhà quan mới không giận, mới thực tế phớt đi, để được lợi. Danh lợi trên hết! Nếu phải quỳ lụy bề trên để được thăng quan tấn tước, người ta cũng chẳng ngại dẻo lưng, huống hồ gì một sự công kích nhè nhẹ của một người em chồng trong nhà.

Thật là hú vía cho cánh họ của tôi. Tổ tiên của tôi có lẽ là bần dân tiên phuông đi khai sơn phá thạch tìm kế sinh nhai. Họ đã bị quan chúa Nguyễn kiểm soát và cai trị. Ba trăm năm sau, có một người con gái của quan lẻn vào họ tôi để mà cai trị nữa. Nhưng may thay, bác ấy không con, thành thử họ tiên phuông mới giữ được mãi dòng máu tiên phuông, không lai giọt máu quan nào cả.

Lão trạo phu chối bỏ hàng ngũ lại ăn bánh ít. Lão ta ăn cái nầy nữa là cái thứ bẩy rồi đó. Nếu quả lão đã cõng Hoàng đế thật sự thì giờ này lão cũng đã hưởng ít lắm là năm mẫu ruộng với ngôi tiên chỉ trong làng. Nhưng phong thái của lão cứ là phong thái nông dân cọng với phong thái hát bội, thêm vào đó phong thái trạo phu.

Có lắm thứ quan. Có quan từ nhiều thế hệ văn nho mà xuống, với truyền thống riêng của họ, đẹp đẽ lắm. Lại có quan chỉ có quan nhờ cõng Hoàng đế chạy vài dặm mà thôi. Loại quan nầy thật là giống những bác cai phu, nhờ chiến tranh trở nên thầu khoán tỷ phú, đi xe Mercedes nhưng ăn cơm thì phải cởi trần họ ăn mới ngon miệng.

Chẳng hạn như quan bánh ít đây. Lão ta ăn kêu như heo, uống nước cũng kêu soạt soạt.

Năm 16 tuổi, tôi đốt quyển gia phả của họ tôi, mặc dù tài liệu ấy quí vô song vì ở miền nam nầy, trong một ngàn gia đình, chưa dễ có một họ có chép gia phả. Tôi thiêu hủy tập vở chữ Nôm mà tôi đọc không được ấy, vì tôi nghe ông chú tôi bảo rằng ông cố mười đời của tôi làm quan Án-sát tại Trấn biên.

Biết đâu ông cố của tôi lên quan Án-sát chỉ nhờ đã cõng vua Gia Long. Nếu nhờ tài liệu nào khác mà nhờ một nhà khảo cứu bỗng khám phá ra điều ấy thì thật là không rạng rỡ tí nào.

Thà cứ làm con cháu của những đợt sóng tiên phuông đã anh dũng chiến đấu với thiên nhiên để tạo ra miền Nam trù phú ngày nay, còn "le" hơn là con cháu nhà quan "Cõng", bởi vì tôi thích làm "Tôi", chỉ ăn ngày hai bữa hơn là làm bác cai phu lên chức nhà thầu lớn, đi xe Mercedes mà chửi thề như phu gạo.

Mấy năm sau, bác dâu tôi qua đời và nhà sư trụ trì ngôi chùa trong làng tôi, tới thỉnh bài vị vào chùa ngay. Những tháng cuối cùng của bác, bác chuẩn bị cái chuyến đi xa ấy rất chu đáo, có bao nhiêu tiền, bác cúng hết cho chùa để chùa lo hương khói bác đời đời kiếp kiếp. Chắc bác không thích cho hàng dân dã cúng quảy, khói hương cho bác. Tôn giáo còn ở trên quan trường nữa thì vào chùa hách hơn ở nhà dân.


BÌNH NGUYÊN LỘC     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 26, tuần lễ từ 18 đến 25-11-1971)

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

HÁI NỤ TẦM XUÂN - Phạm Khánh Vũ


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
tháng mười hai đứng bên này ngó lại
hoa vàng bay lả tả dưới chân đồi
thở trong hồn chút hương buồn xa ngái
lệ nồng nàn rơi xuống má tinh khôi

em đi học sớm mai trời rét lắm
có vô cùng cây lá ở chung quanh
tay cặp sách mà hồn bay ngơ ngẩn
chân bước đi mắt nhìn lại đời mình

hoa vẫn nở trên đầu cành xanh biếc
nhưng người đâu về đi lại đường xưa
nghe cây lá gọi trăm lời tha thiết
và một mùa chim chóc rất nên thơ

tháng mười hai gió về chưa ấm tuổi
có mùa xuân kề cận ở bên lòng
em đứng giữa trời cao còn biết gọi
người phương nào chưa chở nắng về song

một mai xuống dưới đời nhìn lại khóc
xin như chim về biển lạ vô cùng
tình đã mất bao giờ trên mái tóc
khi người về ôm mộ cỏ rưng rưng

                                     PHẠM KHÁNH VŨ

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 90, tuần lễ từ 23-2 đến 1-3-1973)

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

MẸ GÀ CON VỊT - Võ Hồng

Có tiếng la ồn ào ở nhà sau, tiếp tới tiếng cửa đóng sầm và tiếng gà quang quác chạy ngoài sân.

Lại con gà mái đen gây tai hại, tôi vừa nghĩ vừa bước lại cửa sổ nhìn ra sân. Quả đúng là con gà mái đen đang te tái chạy, vừa chạy vừa la. Đến cạnh bụi mãng cầu, nó đứng dừng, quay mặt lại rồi cục tác từng tràng dài như than thở, như phân trần, như chửi rủa người vừa rượt đuổi nó. Oang oang ở trong bếp là tiếng của con Bốn, con nhỏ ở, cũng vừa chửi rủa vừa phân trần:

- Ngày nào cũng lẻn chun vô bếp. Lật ngã chai, đập bể chén. Bươi cái bếp tro tan tành hết. Chết cha rồi, ngã bể cái chai dầu rồi. Gà gì mà gà quỉ gà quái.

Hai bên, gà và người không ai chịu nghe ai, cứ tự do làm ồn phần mình.

Con gà mái này do một cô em ở nhà quê đem biếu. Cô em nói:

- Gà này thuộc loại gà quạ, ăn thịt mát lắm, bổ hơn gà trắng, gà nổ. Ngày mai con Bốn làm thịt đi, chớ để lạ nước lạ gió nó bệnh đi, nó ốm đi.

Con gà bị cột chân bỏ nằm ở sàn nhà sau nghểnh cổ nhìn tôi, nhấp nháy tròng mắt vàng hoe. Tội nghiệp, nó ngây thơ không biết gì về cái số phận mà người chủ cũ của nó vừa phác họa cho nó. Một lưỡi dao cắt tiết. Một chảo nước sôi. Vặt lông. Mổ thịt. Xào nấu. Tôi thương hại, đặt một tay sờ lên mái lông mượt bóng của nó. Con gà “ứ ứ” vừa tránh lui. Tôi cười thầm: “Sắp chết rồi mà vẫn gắng giữ tiết hạnh”.

Theo đề nghị của cô em thì sáng hôm sau là ngày thi hành bản án tử hình con gà. Nhưng mới vừa bảnh mắt, một đứa con nhỏ của tôi, thằng Đức đã la lên.

- Ba ơi, có cái trứng gà ở đâu đây này.

Hai đứa con khác vội nhảy ra khỏi giường không kịp xỏ dép xỏ guốc chạy về phía có tiếng kêu. Dưới chân con gà quả có một cái trứng nằm đó, dính đất cát lem luốc. Con gà mái thì đứng thẳng người mắt nhìn láo liên. Chân nó bị buộc vào một đầu dây và đầu dây kia bị buộc vào một gốc mận.

Trang, con lớn của tôi thò tay khoèo cái trứng một cách rụt rè. Con gà “cục cục” khiến nó rụt tay trở lại, sợ bị mổ. Thằng Đức lại vỗ lên lưng gà, miệng an ủi:

- Đừng mổ, con. Chớ có dại. Để chị Trang lượm cái trứng của con.

Cái trứng được nhặt lên, đem nhúng vào thau nước, kỳ cọ một lát và được chuyền tay giữa ba đứa nhỏ. Con Ngân, con bé nhất nói:

- Đẹp quá hở anh Đức? Cái trứng trắng ghê.

- Màu hồng nhạt thế này là trứng gà so đây.

- Gà so là sao hở anh?

- Là con gà này đẻ lần đầu tiên đó.

Tiếng cô em ở nhà trên vọng xuống:

- Trứng gà so bổ lắm. Con gà này mới kêu ổ từ hôm kia. Ăn thịt vừa mềm.

Ba đứa nhỏ đưa mắt cho nhau, im lặng. Vẻ khó chịu. Thằng Đức nhíu đôi môi, ý chừng muốn bảo: “Cứ nói ăn thịt hoài”. Con Ngân không biết rụt rè vì nó nhỏ được tôi chiều hơn hết, nói ngay:

- Đừng ăn thịt nó nghe Ba?

Có Ngân mở đường, Đức tiếp lời:

- Để nó đẻ, Ba à. Ăn thịt nó tội nghiệp.

Con Bốn, con nhỏ ở chuyên môn nêu ra những sự khó khăn:

- Rồi chuồng đâu mà nhốt nó?

- Nhốt ở cái giỏ cũng được.

- Lúa đâu cho nó ăn?

- Nó ăn cơm không được sao?

Tôi để mặc cho ba đứa con và con Bốn đối đáp nhau. Tôi không trả lời, không giải quyết và như thế nghĩa là con gà khỏi bị giết.

Con gà hóa thành người bạn mới của ba đứa nhỏ. Buổi sáng đứa nào cũng tranh nhau ném ruột bánh mì cho gà. Buổi trưa, đứa thì ném cơm, đứa thì vất rau cho gà mổ. Con gà cũng dạn dĩ với ba đứa. Khi nó đi bên chân Ngân mà Ngân ngồi xuống ôm nó thì nó đứng yên miệng “ứ ứ” khe khẽ như chỉ phản kháng lấy lệ. Thằng Đức bắt được một con dế dũi béo ngậy cầm giữa hai ngón tay miệng túc túc gọi nó thì nó vội chạy lại rồi nhảy lên đớp ngay. Thấy con gà đã hóa hành bạn chơi của ba đứa con, tôi cũng lần lần thương nó. Ba đứa con của tôi cần một người túc trực ở nhà để chúng thương yêu. Tôi thì đi vắng luôn mà nếu có ở nhà thì chúng khó chơi đùa với tôi như với một người bạn nhỏ. Con gà mái hơn một con búp-bê nhiều. Con búp-bê chỉ im lặng và trẻ con phải bắt nó cảm xúc theo ý chúng. Đằng này con gà linh hoạt hơn, ngồi nhìn nó bới đất mổ sâu, chạy đuổi theo một con cào cào hay đi lưỡn thưỡn trong ánh nắng… lũ trẻ đã thấy vui. Những nỗi vui thay đổi luôn vì con gà có nhiều sáng kiến. Thật cần thiết để lũ trẻ khỏi sống những ngày bằng phẳng, vì thiếu một người mẹ thì cuộc sống trong gia đình không thể không bằng phẳng. Chính người mẹ bày ra cho có việc.

- … Hôm nay ăn bún chả, nghe! Ngân lại ngồi với má tập lặt rau. Này, những lá rau vàng vàng úa úa thế này phải vất đi đấy. Trang có thể tỉa ca-rốt củ cải để ngâm giấm đi. Nhanh lên.

- … À mùa này có hột sen tươi đây, món tráng miệng sẽ là chè hột sen. Trang lo bóc vỏ này. Thằng Đức lấy cái tăm nhỏ mà đẩy cái ngòi sen đắng ra này. Ừ, có lẽ nên mua thêm một cái liễn to để đựng xà-lách. Lũ nhỏ đã lớn rồi nên chúng đã bắt đầu ăn to.

Những tiếng nói êm đềm ấy, cái cảnh mẹ con lăng xăng ấy, đã sáu năm nay không có. Riêng bé Ngân thì chưa bao giờ biết được cái cảnh má con lăng xăng nó ra thế nào. Vì khi má mất Ngân chỉ mới biết đứng nhìn. Sống với cha thật gần như sống trong một ký túc xá. Ăn, ngủ, học có giờ. Ngủ và học thì không cần có sáng kiến và cũng chẳng thú gì mấy. Mọi sự thích thú quây quần xung quanh việc ăn mà Ba thì không nghĩ đến còn con Bốn thì vừa không có óc phát minh vừa không biết đề nghị. Tôi nghĩ tội nghiệp cho con mình. Những món ăn: sữa, ca-cao, chuối, trứng… quả tình không gây thèm thuồng bằng mít, xoài, ổi, mực khô… Nhưng những món này tùy mùa mới có và có ai theo dõi đâu mà biết? Có lần tôi đi làm thấy một người đàn bà bê trên tay một miếng mít vàng mật. Tôi mới chợt nhớ ra rằng hình như không biết đã mấy năm nay rồi, lũ con tôi chưa biết mít là gì. Trưa về tôi hỏi:

- Bốn này, sao không mua mít về cho em ăn?

Con Bốn trả lời tỉnh táo:

- Thầy không dặn con mà.

- Tao biết đâu mà dặn? Ra chợ thấy món gì ngon thì mua cho em ăn chớ tao đâu có ra chợ mà biết.

Con Bốn “dạ” và sau đó ngày nào nó cũng bắt lũ nhỏ ăn mít. Mấy lần tôi ngồi ở hiệu cắt tóc nhìn ra chợ. Bao nhiêu món ăn thay đổi mà chỉ ngồi ở nhà nghĩ tới, tôi chắc không thể kê ra được quá ba phần mười.

Con gà cứ tiếp tục đẻ và lũ trẻ cần mẫn lấy trứng đem cất chỉ để lại một trứng nơi ổ. Cứ đẻ xong một lứa, nghỉ vài mươi ngày nó lại đẻ lại. Nhưng tới một thời kỳ nào đó, nó cứ nhất quyết nằm trên ổ - với một cái trứng - mà không chịu bỏ ổ nhảy xuống. Trẻ con lại gần nó xù lông lên, miệng la lục cục. Con Ngân chạy vào báo cáo.

- Ba ơi, con gà cứ nằm hoài trên ổ, không chịu xuống.

Con Bốn “xì” lên một tiếng.

- Nó ấp mà cũng mét với Ba.

- Ấp gì có một trứng mà cũng ấp, - thằng Đức nói.

Tôi giảng cho nó:

- Con gà nó phản đối chúng mình. Trứng nó đẻ mình lấy hết đi nên nó tỏ ý không bằng lòng.

- Mình lấy luôn cái trứng cuối cùng của nó đi xem nó ấp cái gì, - Trang đề nghị.

- Dù không có trứng nào, nó vẫn ấp. Đã bảo nó phản đối mà lại.

Con gà mái nằm trên ổ suốt ngày, chỉ trưa nhảy xuống kiếm ăn một lát rồi lại lên nằm. Vẻ mặt nó nghiêm trang pha một chút giận dỗi. Sự kiện mới này xáo trộn cuộc sống bình nhật của ba đứa con. Chúng nó thập thò đi lại đứng ở chuồng gà, lúc thì một đứa đơn chiếc, lúc thì cả ba. Khi có hai đứa hay ba đứa cùng đứng thì chúng chỉ trỏ và trao đổi ý kiến với nhau. Có lúc thì một đứa giảng giải, hai đứa lắng nghe, có lúc thì cả ba đứa tranh nhau nói mà chẳng đứa nào nghe cả. Riêng con gà thì cứ nhẫn nại nằm đó như một con mẹ nằm vạ. Một hôm sau thằng Đức hớn hở chạy vào méc với tôi như vừa khám phá ra một sự lạ:

- Chị Trang lấy mất cái trứng của con gà rồi.

- Để làm gì?

- Để cho con gà khỏi ấp nữa. Chị Trang nói: con gà nó ấp nó cứ nhịn đói hoài. Chị ôm nó lên thấy nó nhẹ bổng.

Tôi trả lời lơ đãng:

- Tùy ý. Nhưng theo kinh nghiệm thì con gà vẫn không bỏ ổ.

Quả đúng như vậy, con gà cứ nằm trên cái ổ trứng. Đưa tay lại gần, nó vẫn xù lông cổ ứ ứ như để bảo vệ một bè trứng của nó. Ôm nó ném bỏ xuống đất thì nó xù lông lên vừa đi chậm rãi vừa kêu cúc cúc. Đi một vòng, nó nhảy lên ổ nằm lại. “Thật là một trạng thái bệnh hoạn”, tôi nghĩ.

Sau đó, một hôm Trang đề nghị:

- Con có ý kiến này: mình mua trứng vịt lộn đem bỏ cho nó ấp.

- Được lắm. Con cứ thí nghiệm đi. Mua chừng bảy tám trứng thì vừa đủ cho nó, nhiều quá ấp không hết. Nếu có thất bại thì coi như bỏ ra vài chục bạc để mua một kinh nghiệm. Ngược lại, nếu thành công thì…

Tôi mỉm cười chưa nói tiếp thì Đức đã nhảy cỡn lên:

- Thì mình có một bầy vịt. Thích lắm, Ngân ơi.

Cái ý định mua trứng vịt lộn đem ấp được thực hiện nhưng cả nhà lo lắng không biết con gà có chấp nhận những cái trứng lạ không. Để tránh sự đột nhiên bỡ ngỡ, Trang đứng sau đuôi gà cầm một trứng vịt chùi nhẹ dưới bụng gà. Con gà ứ ứ nhích mình lên một chút rồi nằm im. Trang lại chùi vào một trứng thứ hai. Con gà lại ứ ứ lại nhích lên và lại nằm xuống. Khi cái trứng thứ bảy đã chùi xong và con gà nằm yên, ba đứa con cứ đứng nấp sau bức sáo theo dõi từng cử chỉ của nó. Có một lúc nó nhảy ra khỏi ổ rồi đâm đầu chạy quanh sân, miệng kêu quang quác như bị ai đuổi đánh. Sau đó nó nằm xuống cát đập cánh vùng vẫy khiến bụi bay mù lên. Lúc nó trở dậy thì lông cánh mốc xì một lớp bụi. Nó xù lông vẫy tung một lát rồi mới lò dò đi lại tìm cơm nguội ở vại nước. Thấy con gà dường như bỏ quên bè trứng, thằng Đức nóng ruột chạy lại ôm nó bỏ lên chuồng. Nhưng nó chỉ đứng chớ không chịu nằm, Đức lại phải lấy tay ấn nơi lưng bắt nó nằm xuống. Con gà nhẫn nại nghe lời nhưng mặt mày ngó láo liên như chuẩn bị để bỏ chạy nữa. Tuy vậy, qua phút bắt buộc ấy, con gà trở lại say mê trong việc ấp. Lũ nhỏ tỏ ra yên tâm mỗi khi đi học về nhìn ra chuồng gà thấy nó cần mẫn nằm trên ổ. Để thưởng công cho nó, - có lẽ để cho nó khỏi bỏ đi ăn rồi quên về chuồng, - Trang đem một lon gạo một lon nước để cạnh, vừa tầm cho mỏ mổ. Thật là chu đáo.

Chừng mươi ngày sau bỗng một hôm có tiếng thằng Đức la lớn từ chuồng gà:

- Có tiếng chít chít ở chuồng gà Ngân ơi. Con vịt nở rồi. Ra xem, mau.

Trang và Ngân lật đật nhảy xổ ra. Con gà lúng túng trước sự hiện diện ồn ào của ba đứa nhỏ và trong khi nhích mình lên đã để lộ một cặp nhân nhỏ xíu. Đúng là con vịt con rồi. Ngân vội vàng thò tay vào rờ cái chân bé xíu thì bị con gà mẹ mổ cho một cái, vội rụt tay lại. Trang lấy một que nhỏ đẩy vào mình gà khiến nó né tránh và để lộ thân hình một con vịt con màu vàng hoe. Ồ! Con vịt ngây thơ nhìn ngơ ngác xung quanh với đôi con mắt tròn đen nháy. Nó sợ ánh sáng, vội núp dưới cánh gà mẹ. Cái mỏ nhỏ màu hồng nhạt ria rỉa vào lông cánh rồi rỉa cả vào mặt gà mẹ. Gà mẹ nheo nheo con mắt như để tránh đứa con nghịch ngợm. Mà quả nó nghịch ngợm thật. Vì chừng nửa ngày sau là nó đã bạo dạn bước ra khỏi ổ khiến gà mẹ cứ cúc cúc gọi chừng không cho nó đi xa. Cái mỏ tí xíu bạ chỗ nào cũng rỉa, rỉa vào cái mào, rỉa vào cái tích, rỉa vào cái mỏ sắc của mẹ nữa. Lũ nhỏ thật khiếp hãi khi nghĩ rằng cái mỏ kia mà nổi giận lên mổ mạnh một cái là đi đời con vịt con dại dột.

Qua hôm sau nở thêm hai con vịt con nữa, một con lông vàng một con nâu đen! Lũ nhỏ vội vàng chia của.

- Con vịt Cả phần tao - Trang nói.

- Em lãnh con vịt Hai lông vàng, Đức nối lời.

Ngân phụng phịu:

- Em không chịu con vịt lông đen nâu. Vịt đen xấu lắm. Em lãnh con vịt lông vàng của anh.

- Mày là em thì mày phải lãnh con vịt em chớ, - Đức nói.

- Nhưng con vịt em xấu lắm, em không chịu.

Trang phân giải:

- Thôi Ngân nhận con “em” đen đi. Rồi nếu mai nó nở một con nữa thì bù cho Ngân.

Ngân biết không cãi lại được vì anh chị đã ngầm về hùa với nhau rồi. Ngân đành phụng phịu nhận lấy, vẻ mặt không vui.

Hôm sau nở thêm một con nữa. Con này yếu quá đứng không muốn vững nên cứ nằm cả ngày. Màu lông vàng sẫm.

Đức quên cả lời hứa hôm qua, đề nghị liền:

- Con vịt này để phần cho Ba.

Ngân cãi:

- Hôm qua anh với chị Trang nói rằng con này phần của em mà.

Đức nghiêm sắc mặt, rầy ngay:

- Nhưng mày một mình mà tới hai con. Còn Ba chưa có con nào. Sao mày tham vậy?

- Tại hôm qua anh hứa với em rồi.

- Hứa cái gì. Tao nói chơi thôi. Bộ mày không cho Ba hả? Tiền của Ba mua trứng chớ tiền của mày à?

Ngân nghĩ: Người lớn nói gì cũng có lý, kể cả anh Đức hơn mình chỉ ba tuổi. Nhưng thôi, con vịt út vừa yếu vừa xấu xí để cho Ba cũng được. Vả lại Ba lãnh một con vịt xấu như mình cho mình có bạn.

Qua hôm sau, con gà bỏ ổ đứng dậy. Bốn con vịt con lao nhao sợ hãi miệng kêu chíp chíp. Đức bế gà mẹ bỏ xuống đất và lần lượt lùa bốn con vịt vào giữa kẹt ngón tay mà bổ xuống theo. Gà mẹ dõng dạc bước đi, miệng kêu túc túc. Bốn con vịt đi theo, chíp chíp luôn mồm. Bước gà mẹ quá dài khiến vịt con phải chạy theo mới kịp. Nhưng vì chưa biết chạy ra làm sao, chúng cứ nhảy choi choi. Gà mẹ đóng vai một cách tự nhiên gặp chỗ nào nó cũng đứng lại bươi. Đôi chân vạm vỡ hất tung từng búng rác, hất tung cát đất lên phủ đầy mình bốn con vịt con ngơ ngác. Bới một lát gặp một miếng mồi, nó túc vịt con lại nhưng vịt không nghe tiếng gà nên chúng cứ đứng ngẩn ngơ và không ngớt mồm kêu. Sợ chúng đói, mấy đứa nhỏ lấy ruột bánh mì xé nhỏ ra cho chúng ăn. Tuy vậy, chừng hai ngày thì vịt đã quen tiếng mẹ và đi đứng đã có chiều nhanh nhẹn vạm vỡ. Đôi chân nhỏ hoạt động không ngớt. Cái mỏ màu nâu đen mềm và mướt bạ chỗ nào cũng rỉa. Cái thân hình mang lông tơ nõn, nhẹ tưởng chừng một cơn gió mạnh có thể thổi bay đi cũng hoạt động quắn quít theo bước chân và cái mỏ.

Trông con vịt con bắng nhắng liu tiu hơn con gà con nhiều. Gà con tuy cũng hoạt động nhưng dường như cử chỉ của chúng một tính toán chừng mực hơn. Cũng chạy,cũng bới đất vẩn vơ nhưng không đến nỗi đuểnh đoảng như vịt con. Nhất là khi vịt lớn chừng một tuần thì quả tình vịt giống như một lũ mất trí. Chúng bắt chước nhau một cách khờ khạo. Con đi đầu chọc mỏ vào cái chậu nước rồi bỏ đi thì ba con đi sau cũng lần lượt chọc mỏ vào chậu nước rồi bỏ đi. Con đi đầu đi vòng quanh qua gốc chùm ruột rẽ sang vại nước, rỉa xuống vũng cát ướt rồi chạy lại mẹ thì ba con sau cũng làm theo đúng từng cử chỉ nhỏ ấy. Dường như chúng rất vui thú trong sự bắt chước nhau làm những việc vô ích đó.

Buổi trưa khi gà mẹ nằm dưới gốc cây nghỉ là bốn con vịt con cũng hạ mình nằm xuống kề mẹ. Dáng nằm không gọn gàng tí nào hết, chỉ vì cái mình quá dài và đôi chân quá ngắn. Lúc nào cũng như chực ngã chúi xuống. Cái đuôi thì ngoắt lia lịa. Có lẽ chúng không biết mệt là gì. Nằm xuống là vì bắt chuớc theo thôi chớ nằm nào có yên. Hết quay qua đến xoay lại, rồi nhích tới một chút, rồi ì ạch ngồi dậy, rồi kềnh càng nằm xuống. Gà mẹ làm như đã có nhiều kinh nghiệm nuôi con nên không để ý đến những sự lộn xộn đó. Nó gục đầu nhắm mắt một cách bình tĩnh. Chỉ khi nào gió xao động mạnh lá cây hay có một tiếng kêu to ở đâu quanh đó là nó chợt mở mắt ra và túc túc gọi con. Tức thì bốn con vịt líp chíp nhặng lên và líu tíu đứng dậy chạy lại nằm gần mẹ hơn. Chúng có vẻ mong đợi lời kêu gọi ân cần đó. Khi mẹ đứng dậy bước đi thì chúng vội vã gọi nhau đứng dậy liền. Rồi chạy rồi tỉa. Thực tế thì đó chỉ là những trò chơi thôi vì chẳng có gì ăn trong một cái chậu nước quá trong, thế mà con nào cũng rúc mỏ vào rỉa mãi không thấy chán. Thỉnh thoảng một con ngứa tay chân đứng ưỡn người đập cánh. Trông đôi cánh bé mà tội nghiệp. Chỉ to bằng hai cái lá con và dễ thường cũng chỉ dày như thế. Đập cánh nhiều nhất là khi cho các cậu vào tắm trong một thau nước lớn. Thôi thì đua nhau mà vục đầu xuống, rồi dùng mỏ mà quay lại rỉa vào lông lưng lông nách, còn đôi chân, - những đôi chân màu hồng hay màu đen mướt - thì xòe ra đằng sau để quạt nước mà bơi tới. Nước vung tung tóe xung quanh và mồm ríu ra ríu rít. Thật đúng là những đứa bé năm, sáu, tuổi nghịch nước.

Tối lại, bốn con tranh nhau nấp dưới cánh mẹ. Thật chẳng yên với lũ nhỏ láu táu này. Nằm kín trong đôi cánh mà chốc chốc vẫn nghe tiếng líp chíp như còn nói chuyện hay đùa nhau hay cãi nhau trong đó.

Một hôm thằng Đức lùa con gà mẹ và bốn con vịt con đi ngao du ở trước sân. Ra đến cổng thì chợt có một lũ trẻ con đi ngang qua. Một đứa đứng dừng lại, vừa chỉ trỏ vừa gọi to lên:

- A! Mẹ gà con vịt. Lại xem tụi bay ơi! Mẹ gà con vịt.

Cả bọn đứng lại, đi trở lui, nhìn vào sân. Một đứa trông lớn tuổi hơn hết trong bọn hát lên rằng:

Mẹ gà con vịt chít chiu

Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng

Mấy đứa khác vỗ tay reo và hát theo.

Đức lộ vẻ khó chịu đóng sầm cửa ngõ lại. Rồi lùa bầy vịt ra vườn sau.

Từ ngày đó, câu hát “Mẹ gà con vịt chít chiu” trở lại luôn. Những người hàng xóm, những người đến chơi nhà hễ thấy gà mẹ dẫn bầy vịt con đi ăn là lại đọc lên:

Mẹ gà con vịt chít chiu

Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng

Chừng một tháng sau thì chen vào lông tơ nõn đã có những cuống lông ống mọc so le ở hai cánh và ở đuôi. Màu lông này nhạt hơn. Rồi sau đó những chòm lông mái xuất hiện ở cổ, rải rác ở lưng. Bốn con vịt dáng bụ bẫm nhưng mình vẫn dài lêu nghêu như những đứa trẻ 14, 15 tuổi bắt đầu lớn. Đi giữa bốn vịt con, gà mẹ thật chẳng khác một người đàn bà nhỏ người, chững chàng đi giữa một bầy con tuy cao lớn hơn mình nhưng vẫn còn ngờ nghệch trong nét mặt và cử chỉ.

Chợt một hôm có tiếng con Bốn lại la lên ở nhà sau. Và tiếp theo là tiếng rủa sả:

- Lại đập phá đồ đạc nữa! Con gà quỉ.

Rồi tiếng cửa đóng sầm lại và tiếng gà mẹ cục tác. Con gà mẹ lại lo tìm ổ. Nó sục sạo khắp cả nhà dưới nhà trên. Bầy vịt con ngơ ngác chạy theo mẹ, bơ vơ lạc lõng. Mỗi khi gà mẹ bay lên đứng ở mặt bàn, đứng ở chân giường, mắt dáo dác tìm một chỗ cao hơn để bay lên nữa thì bầy vịt đứng ở dưới đất líu kíu gọi mẹ, hiếng mắt nhìn và chạy vòng quanh. Khi gà mẹ nhảy xuống đất thì chúng mừng rỡ chạy ùa lại sán vào chân mẹ. Nhưng gà mẹ mổ cho một cái và chúng hoảng vía vừa xô nhau chạy trốn vừa té lăn kềnh vừa cất tiếng la. Sau nhiều lần bị mổ như vậy, bốn con vịt con không còn dám líu ríu đi sát theo chân mẹ nữa. Tuy vậy mẹ đi đâu chúng vẫn sắp hàng chạy theo và lúc nào cũng giữ một khoảng cách vừa phải để mẹ có sấn lại mổ thì chúng kịp quay mình chạy trốn.

Buổi tối, gà mẹ nhảy lên nằm một mình ở chuồng cao. Bốn con đi vòng quanh dưới đất cất tiếng gọi mẹ nhưng vô hiệu. Cuối cùng, chúng nằm rúc vào nhau để ngủ. Thật tội nghiệp khi nhìn bốn đứa mình nằm kề nhau, con này áp ngực lên con kia, con kia rúc đầu vào cánh con nọ. Một cơn gió thổi qua là chúng xô đẩy vào nhau mạnh con nào con nấy xô, chân đạp vào lưng, mỏ rỉa vào hông, cả cái khối bất ổn đó di chuyển xáo trộn, ngã lăn ra. Rồi lại sắp xếp lại, lộn xộn bất ổn như cũ. Những tiếng kêu líu kíu nho nhỏ, khàn khàn thỉnh thoảng phát ra. Ngủ yên chừng hai phút thì chợt có một con líu kíu nhỏ trong mồm rồi những con khác cũng líu kíu họa theo, thật y như tiếng khóc thút thít của những đứa trẻ khóc giữa giấc mơ.

Có đêm gà mẹ không leo lên chuồng nằm mà nằm ngay dưới đất. Tức thì bốn con vịt nằm quây quần xung quanh. Để gà mẹ không chú ý đến sự hiện diện của chúng, chúng đi thật nhẹ và cẩn thận hạ mình cách mẹ chừng bốn tấc. Đuôi xếp về phía mẹ và đầu quay ra ngoài. Chừng như được yên tâm, giấc ngủ của chúng đỡ chập chờn hơn. Mỗi khi giật mình choàng dậy chúng sửa đổi thế nằm thì bao giờ chúng cũng cố nhích vào gần mẹ hơn một chút.

Ngày đầu khi gà mẹ mổ con, thằng Đức vừa quát vừa chạy đi tìm roi đánh:

- A! Con gà điên! Sao mầy mổ con?

Tìm không ra cái roi, nó rượt con gà chạy quanh sân.

Tôi đứng nhìn bốn con vịt nghểnh cổ nhìn nhau la và con gà mẹ ba chân bốn cẳng chạy trước mặt Đức. Tôi gọi con lại:

- Thôi đừng rượt nó nữa.

- Nó cắn vịt con Ba à.

- Ba biết rồi.

- Phải đánh cho nó một trận.

- Đánh vô ích. Nó lẻ con ra để đẻ mà.

- Nhưng sao lại mổ mấy con vịt?

- Nếu không mổ, lũ con nó sấn lại thì đẻ sao được? Không phải nó ghét vịt con đâu mà dù cho con ruột nó nữa, nó cũng phải mổ. Nó không dùng lời nói để giảng giải được, nó không có bàn tay dịu dàng để vỗ về con được mà nó chỉ có cái mỏ. Đó không phải là lỗi của nó.

Không trừng phạt được con gà, lũ nhỏ chăm chút đàn vịt con. Đi học về là ba đứa bế vịt lên tay, áp mặt vịt vào má mình như khi nựng một em bé người ta áp mặt nó vào má mình vậy. Con Trang lo đập ruồi và bốn con vịt lúc thúc đi theo sau để mổ. Con Ngân cầm dao xới vũng cát xung quanh vại nước để tìm trùn. Bốn con vịt chạy lao xao để tìm mổ ngay khi lưỡi dao chưa rút kịp ra khỏi mặt cát. Thằng Đức thì bị con Bốn la luôn vì tội xốc tung những bó rau muống để lựa những cọng non đem xắt cho vịt ăn. Rồi đứa thì lo múc nước tắm vịt, đứa thì đem xới cơm cho vịt, rốt cuộc bốn con vịt được săn sóc như bốn đứa trẻ mồ côi. Ngược lại, bốn con vịt cũng quen với lũ nhỏ hết sức. Hễ lũ nhỏ đi đâu ra vại nước ra sân sau là bốn con vịt đi theo bén gót. Thử ngồi xuống lấy tay nghịch cát là bốn con đã vội chạy lại để hy vọng mổ trùn. Thỉnh thoảng nghe tiếng vịt hàng xóm kêu inh ỏi, bốn con vịt te tái chạy sang nhưng nghe tiếng chân con Trang chạy đuổi theo vừa cất tiếng to “A! Lẻn trốn chạy đó nghe” tức thì bốn con chạy quanh về và thế nào con vịt trắng của nó cũng nằm xuống sát đất đợi nó bế lên. Bốn con vịt và lũ nhỏ đã thành những người bạn thân thiết. Bây giờ chúng đã thay lông hoàn toàn nên trông đẹp đẽ hơn trước nhiều. Hai con lông trắng phau, một con hạt dầu và một con đen. Chúng trở nên những con vịt thành niên hồi nào, lũ nhỏ cũng quên để ý nữa. Đến hồi để ý trông lại thì mới thấy là chúng đã không còn bé bỏng nữa. Thỉnh thoảng giữa trưa khi đã tắm mát, chúng vươn rộng đôi cánh đập phành phạch miệng la quang quác. Con vịt đen không ồn ào hùng biện bằng ba con kia. Con Bốn có kinh nghiệm phân biệt cho lũ nhỏ biết rằng đó là con vịt đực. Không đứa nào tỏ ra mến con vịt đực cả vì lông đen xấu xí mà lại lòi xòi không mướt láng.

Trong khi đó, gà mẹ lại lên ổ ấp và lần nầy cũng lại phải ấp một mớ trứng vịt. Nhưng ngày nở chỉ có một con vịt con nở ra mà thôi. Khi xuống ổ, hai mẹ con lúc thúc đi cạnh nhau. Sự săn sóc có phần cẩn thận hơn, nhưng con vịt con quả tình trơ trọi hết sức. Không có anh chị em cùng lứa nó thiếu hẳn những thú vui ngây thơ. Nó kém hoạt động hẳn, đi bên cạnh một bà mẹ cần mẫn đảm đang nhưng nghiêm trang. Đã thế nó lại còn bị con vịt đực đen ăn hiếp nữa. Lừa lúc gà mẹ đi xa, con vịt đực chạy đâm bổ lại để mổ nó. Nó la lít chít vừa tìm đường chạy trốn. Gà mẹ nghe tiếng la vội xù lông chạy đến và chú vịt đực vội vã tháo lui. Có lúc thì lũ trẻ con hay con Bốn phải chạy đến can thiệp để đuổi chú vịt đực. Thành ra cả ngày cứ thỉnh thoảng nghe tiếng vịt con la, tiếng chân lũ nhỏ chạy rầm rập và tiếng quát tháo:

- Ùi, ùi! Con vịt quỉ.

- Ê! Con vịt anh ăn hiếp. Đánh chết! Đánh chết!

Không có đứa nào dành phần con vịt này cả nên nó lớn như thế nào, chẳng mấy ai để ý. Cứ tuần tự theo ngày tháng, nó thay lông để biến thành một chú vịt thanh niên. Nó không có bạn chỉ biết có mẹ. Nên đến tuần mẹ lên ổ nằm, nó cất tiếng kêu thảm đạm và đi quanh quẩn dưới chân chuồng. Nó ngước mặt nhìn mẹ nằm trên ổ, miệng kêu, vừa tìm đường leo lên nhưng không được. Khi kêu chán, nó nằm dưới chân chuồng. Động nghe tiếng mẹ cựa mình ở trên là nó vội đứng dậy, miệng líp chíp kêu tưởng như mẹ sắp xuống cùng mình. Khi mẹ xuống thật thì lòng mừng của nó biểu lộ vội vã quắn quít. Nó cạp cạp luôn mồm vẫy đuôi lia lịa và chìa mỏ lại gần mẹ. Con gà mẹ chừng cũng thương hại nó hơn mấy đứa trước nên không hề mổ mà trái lại, hai mẹ con sóng bước cùng đi tìm mồi. Nhưng những giây phút êm đềm ấy, nó hưởng không được nhiều. Khi gà mẹ ấp lại thì nó gần như bỏ ăn, cứ đi lảng vảng quanh chân chuồng hoặc nằm đó chờ đợi. Nếu buồn chân muốn đi đó đây một chút, hoặc ra vại nước kiếm cái ăn, hoặc ra sân trước thơ thẩn dưới gốc trứng cá, gốc vú sữa thì nó lại phải dòm chừng con vịt đực hung tợn. Khổ nhất cho nó là khi đi quanh góc tường, chợt bước trờ tới thấy ngay con vịt đực ở trước mũi, phải vội chạy ngược lại, có khi vội quá phải ngã lăn ra đất. Những lúc ấy trông nó thật là cô độc, thiếu thốn.

Con gà mẹ lần này được ấp chính trứng của nó đẻ. Không phải do một lý luận nhân ái nào của lũ nhỏ mà chỉ do ở tính lười của chúng. Lười hốt trứng, lười mua trứng vịt, rốt cuộc chúng để trứng, mặc kệ cho gà. Kết quả là chín con gà con nở ra, đa số màu lông đen như mẹ. Khi gà mẹ dẫn bầy gà con đi thì chú vịt tháp tùng theo. Bây giờ thì chú đã lớn hẳn rồi, đầu lông ô đen nháy và bụng xệ đi núc ních. Chú chậm chạp bước sau bầy gà con. Thỉnh thoảng chú đi lại gần gà mẹ miệng lạp cạp như có chuyện gì báo cáo cho mẹ nghe. Tối lại, nhốt gà mẹ trong một cái giỏ thì chú nằm sát bên giỏ. Rồi sáng ra khi bầy gà hớn hở đi chải đất tìm mồi thì chú lại nặng nề đi sát theo hộ vệ. Hễ gà mẹ gặp tai nạn gì cất tiếng la lên là chú xông tới. Những tai nạn thường do con chó Tô gây ra. Nguyên nhân hầu hết là giành ăn. Gà mẹ sợ con Tô nhưng chú vịt lại coi thường. Ăn hiếp Tô được đôi lần, chú vịt tỏ ra dể ngươi. Có lần Tô đang nằm hớ hênh ngủ, chú vịt đi qua rỉa mỏ vào bụng Tô rúc mấy cái khiến Tô hoảng hốt đứng vụt dậy. Lắm lúc vịt ta dám lấy mỏ rỉa vào ngay mặt Tô khiến Tô phải lãng bỏ đi xa. Không biết đó là do tính can đảm thiên phú hay là do tính dại dột không biết người biết ta. May thay con Tô đã có tuổi, bắt đầu trầm tư nên lười biếng không thèm chấp nhất. Ai quấy rầy thì nó bỏ đi. Chỉ có miếng ăn mới cần phải, đôi khi, tranh giành mà thôi.

Một hôm, Ngân chợt hỏi tôi:

- Con gà mẹ là dì ghẻ của con vịt hở Ba?

- Không phải. Nó là mẹ nuôi con vịt.

- Thế má con vịt đâu?

- Má nó ấp không được nên mình phải nhờ con gà ấp.

- Sao dì ghẻ lại không nâng niu con chồng hở Ba?

- Ai bảo con vậy?

- Lũ trẻ nó hát đó.

Mẹ gà con vịt chít chiu

Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng

- À, đó là vì người đặt ra câu ca dao không nhìn rõ một con gà mẹ nuôi bầy vịt con. Sự âu yếm chăm sóc của nó đâu có kém khi nó chăm sóc chính con nó? Một con vịt chạy ra xa là nó đã vội túc túc gọi về. Ai bắt con vịt lên tay là nó vội chạy tới quang quác cái mồm ra la, xòe rộng hai cánh, xù lông lên và nhào tới đá liền. Con gà coi bầy vịt đều là con nó, không phân biệt rằng chúng có giống hay khác nó như thế nào.

- Câu hát nói rằng người dì ghẻ không thương con chồng.

- Đó là chuyện đời xưa. Đời xưa có những người đàn bà độc ác không thương lũ trẻ con.

- Đời bây giờ cũng vậy. Bác xích lô chở con đi học hay nói với con như vậy.

Tôi nhìn con gần hơn vừa ôn tồn hỏi:

- Bác ấy nói thế nào?

- Bác ấy bảo nay mai con sẽ có dì ghẻ và dì ghẻ đánh con.

- Không có đâu. Ai lại nỡ đánh con. Con ngoan và học giỏi mà.

- Nhưng mà…

Ngân ngừng nói, cầm bàn tay tôi áp vào má.

- … Nhưng mà… Ba đừng cưới dì ghẻ nghe Ba?

Tôi mỉm cười gật đầu.

Chợt tôi nhìn ra xa mông lung suy nghĩ.

Chiều hôm qua tôi vừa nhận được bức thư của Diễm trong đó có đoạn nàng viết: “… Em nghĩ rằng em sẽ thương yêu ba đứa con của anh như con của chính em vậy. Đã yêu anh, em không thấy có sự hy sinh nào là quá sức của em hết. Vả lại, có gì đâu mà gọi là hy sinh?…

Ngân lay tay tôi:

- Ba nhớ nghe?

Tôi thẫn thờ cầm tay con, gật đầu mà không trả lời.

 
VÕ HỒNG     
 
(Trích từ tập truyện ngắn Bên Kia Đường)
 

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

CHA CON, SỚM MAI - Nguyễn Đình Toàn

 

Tôi đã chờ đợi, nhưng những ngày cuối năm cũng không có gì thay đổi. Thay đổi? Hai tiếng đó nghe có vẻ nhuốm một chút khôi hài và hơi nặng nề. Tôi đánh thức thằng nhỏ trở dậy đi học mỗi sớm mai, và nghĩ, đáng lẽ đó là công việc của mẹ nó. Tôi còn tưởng tượng ra bàn tay mẹ nó lùa vào sườn nó cù cho thằng nhỏ tình ngủ, lối đánh thức con đặc biệt của nàng.

- Dậy, dậy rửa mặt còn đi học con.

Tôi phải tự rửa mặt, đánh răng cho nó, dù công việc này tôi có thể nhờ chị giúp việc làm hộ. Công việc buồn nản và đôi khi ngớ ngẩn.

- Bố sao ngày nào con cũng phải đi học vậy?

- Không đi học con ở nhà làm gì?

- Chơi.

- Thì con học có một buổi. Buổi chiều ở nhà con tha hồ chơi. Bố có cấm con đâu.

- Hôm qua con mới đi học rồi mà.

- Ừ, ngày nào con cũng phải đi học. Cũng như bố ngày nào cũng phải đi làm.

- Đi học làm gì hả bố?

- Con có đi học thì con mới biết chữ, biết đọc báo chứ.

Tôi lấy nước trong bình thủy pha cho nó một ly sữa, và pha cho mình một ly cà phê, dù đó cũng là việc tôi có thể nhờ chị giúp việc làm hộ.

Hai bố con ngồi ăn sáng chung quanh chiếc bàn nhỏ. Trời còn sớm, sương mù ngoài thềm còn nhìn thấy sau cửa kính. Chuyến xe lửa chở gỗ từ ngoài thành phố vào chạy qua trước cửa, cả căn nhà rung chuyển. Thằng nhỏ bỏ vội ly sữa chạy ra dán mũi vào cửa kính đứng ngó. Những thân cây lớn xếp chồng được buộc bằng những vòng xích sắt lớn, nhìn thấy loáng thoáng qua màn sương đục. Chuyến xe đã qua hết. Thằng nhỏ trở lại bàn ăn.

- Xe lửa chở cây đi đâu vậy bố?
 
- Chở về nhà làm gỗ.
 
- Làm gỗ làm gì hở bố?
 
- Làm bàn, làm tủ, làm nhà.

Dĩ nhiên câu trả lời của tôi thằng nhỏ không hiểu được. Nhưng không biết tôi có cách trả lời nào khác?

- Sao hôm nào con cũng xem tàu chạy mà con không chán à?

- Không. Mẹ có ở trên tàu đó không bố?

- Không. Tàu chở gỗ, mẹ ở trên đó làm gì.

- Thế tàu có đi ngang chỗ mẹ ở không bố?

- Để bố xem nào. Không, mẹ ở chỗ đó làm gì có đường tàu mà tàu chạy qua.

- Phải có đường tàu mới chạy được hả bố?

- Ờ, con có thấy cái đường sắt ngoài đó không. Phải có cái được đó tàu mới chạy được.

- Thế cái đầu máy nó không chạy được hả bố?

- Chạy chứ. Cái đầu máy kéo cái tàu chạy. Nhưng phải có cái đường sắt đó thì những cái bánh của nó mới có chỗ lăn.

- Ô tô đâu có cần đường sắt sao nó vẫn chạy được.

- Tại ô tô khác, xe lửa khác.

Càng ngày tôi càng cảm thấy tôi không biết cách nói chuyện với thằng nhỏ. Nó hỏi những câu tôi không biết trả lời thế nào cho xuôi. Chẳng hạn có một buổi tối hai bố con leo lên sân thượng chơi. Bữa đó trăng đầy và sáng. Nó hỏi: "Trăng có phải là đồng mười đồng của ông trời không bố". Tôi đành phải nói với nó, "bố cũng không biết nữa nhưng chắc thế". Một bữa khác, tình cờ nhìn thấy vầng trăng khuyết, thằng nhỏ lại hỏi: "Sao trăng lại vỡ một miếng hả bố, có phải má nó đánh rơi nó không?". Chắc thế, chắc má nó đánh rơi. Sao cái gì bố cũng không biết hả bố? Ừ, vì thế con phải đi học, bao giờ con biết chữ con sẽ đọc sách, con sẽ biết hết những gì con muốn biết, không cần phải hỏi bố.

- Bố.

- Hả?

- Bố đổ cho con một tí cà phê của bố vào sữa của con đi.

- Con uống cà phê đâu có được.

- Được mà. Mẹ vẫn cho con uống mà.

Tôi lấy muỗng múc cà phê đổ vào ly cho nó. Hai mắt thằng nhỏ hau háu nhìn vào chất nước đen được trút vào ly sữa.

- Bố cho con ba thìa thôi nghe.

- Bố, sắp tết chưa hả bố?

- Sắp rồi con.

- Còn bao lâu thì tết hả bố?

- Bao giờ ma sơ cho con nghỉ tết thì tết.

- Tết mẹ có về không bố?

- Chắc là mẹ không về.

Quanh đi quẩn lại, lại vẫn trở về câu chuyện cũ. Thằng nhỏ quả thật chịu không nổi sự vắng mặt của mẹ nó.

- Tại sao tết mà mẹ không về?

- Tại mẹ không muốn ở với bố nữa.

- Thế tại sao mẹ không ở với con?

- Nếu mẹ về ở với con, mẹ sẽ gặp bố. Đó là điều mẹ không thích.

- Mẹ ghét bố à?

- Không. Có lẽ mẹ không ghét bố. Mẹ chỉ không muốn ở chung với bố và con thôi.

- Thế bây giờ mẹ ở với ai?

- Bố cũng không biết.

- Bố có biết chỗ ở của mẹ không?

- Biết.

- Sao bố không đi gọi mẹ về?

- Không phải mẹ không biết đường về. Mẹ không muốn về đây nữa. Bố có đi kiếm mẹ cũng không về.

- Bố đưa con đến, con gọi mẹ.

- Để bữa nào rảnh bố đưa con đi.

Tôi nói thế, nhưng tôi không biết tôi có thể làm được việc đó chăng. Dĩ nhiên nàng không ở một mình. Có nên để cho thằng nhỏ trông thấy mẹ nó sống với một người khác? Có nên giấu nó chuyện đó? mẹ nó đã lấy một người khác, điều này, đối với nó có nghĩa như thế nào? Tòa đã phân xử cho nàng quyền nuôi một đứa con và tôi nuôi một đứa. Nhưng thực tế có giản dị như thế chăng? Đó là điều mỗi sớm mai, mỗi bữa cơm, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, thằng nhỏ lại nhắc đến.

- Tết mẹ không về thì ai mua đồ mới cho con?

- Bố.

- Bố mua cho con cây súng nghe bố.
 
- Chi vậy?

- Súng bắn pháo.

- Ờ, để rồi bố mua cho.

- Mẹ có thương con không bố?

- Chắc là có.

- Sao mẹ không nuôi con mà mẹ chỉ nuôi chị bé thôi?

- Tại con trả lời trước tòa con ở với bố, không ở với mẹ.

- Con nói thế hả bố?

- Con nói chứ còn ai nữa.

- Con nói dối, bố.

- Tại sao con nói dối?

- Tại chị bé đòi ở với mẹ rồi.

- Con sợ bố phải ở một mình à?

- Không. Bố cũng ở đây. Mẹ cũng ở đây mà.

- Con tưởng con nói thế nào rồi cũng về nhà mình cả, phải không?

- Thế tại sao mẹ không về, bố?

- Con nghe đây, mẹ không về đây nữa. Mẹ đã xin ly dị với bố. Bố với mẹ không ở với nhau nữa. Tòa đã chia chị bé cho mẹ, chia con cho bố.

- Bố, con muốn cho chị bé cái ô tô chạy "pin" của con.

- Con chán rồi à?

- Không. Con cho chị bé chơi chung.

- Để rồi hôm nào bố đưa con cầm đến cho chị bé.

- Sao bố nói vậy hoài mà bố không đưa con đi?

- Tại bố chưa nghĩ ra cách nào có thể đưa con đến gặp mẹ mà không phiền người này, người khác.

- Mẹ không muốn bố đưa con đến à?

- Có thể chính mẹ không muốn thế.

- Hay bố bảo chị bé tới tiệm kem rồi con mang ra cho chị bé.

- Nếu bố nói được với chị bé như thế thì thà bố đưa con đến còn hơn.

- Mẹ o sịt bố hả?

- Sao con hỏi luôn mồm thế?

Thằng nhỏ bị gắt trố mắt nhìn bố. Có lẽ nó tự cho việc nó hỏi về mẹ và chị nó không phải là một việc có lỗi. Nhưng tại sao tôi lại gắt lên vì thế. Bữa ăn sáng đã gần xong. Tôi để ý nhìn ra ngoài thềm, sương mù vẫn chưa tan hết. Giàn hoa leo mới hôm nào tưởng đã chết khô, lại xanh đầy lá non. Những sợi dây thép được căng cho dây leo, nặng trĩu với những đám lá và những chùm bông lấm tấm đỏ. Sự phát giác này làm tôi sợ hãi. Tôi đã bỏ quên nhiều thứ, ngày tháng, đứa con nhỏ. Tôi đã quên thật hay đã cố quên tất cả những gì đã xẩy ra, để tìm thấy lại những trật tự mới cho mình. Dù thế nào thì hết thẩy những điều đó cũng nhuốm một chút gì tàn nhẫn. Không ai tiếc một người đàn bà đã có với mình hai đứa con. Nhưng nếu đến cả người đàn bà đó mình cũng không yêu, thì tôi còn có thể yêu ai? Và trước đây tôi có quả thực yêu nàng và ngược lại? Mùa lá cũ đã rơi rụng hết bây giờ là mùa lá mới. Mọi sự giản dị có như vậy sao?

Tôi gọi chị giúp việc bảo lấy thêm áo lạnh cho thằng nhỏ. Trong khi nói, tôi nhớ những sớm mai trời rét. Hình dáng nàng co ro đứng rửa mặt trước thau nước trong bên thềm.

Thằng nhỏ thấy bố im lặng một lúc lâu không gắt thêm lại chẩu môi nói:

- Đi học chẳng có gì thú cả sao bố bắt con đi học hoài vậy?

- Mày thì biết gì mà thú hay không.

- Bố.

- Hả?

- Con muốn nghỉ học một bữa. Bữa nay thôi. Mai con lại đi học.

Con muốn nghỉ học. Bố muốn nghỉ làm. Chẳng ai muốn làm gì cả.

- Thôi con đừng có vớ vẩn. Mặc áo lạnh vào rồi sửa soạn đi.

Thằng nhỏ phụng phịu muốn khóc.

- Chịu khó đi học buổi chiều được nghỉ bố cho đi chơi

- Đi chơi đâu hả bố?

- Đi phố.

- Bố, con đau bụng quá.

- Mày chuyên môn vờ vịt.

- Bố cởi quần cho con đi cầu.

- Mau lên rồi đi học.

Khi thằng nhỏ vô nhà trong thì Lan tới. Nàng gõ cửa và sau đó tự mở cửa bước vào.

- Em phải tới sớm sợ anh đi mất.

- Hôm nay em được nghỉ làm sao?

- Em được nghỉ thường niên. Em có thể ở lại với anh một tuần.

- Thật không?

Nàng ghé hôn trên môi tôi bảo:

- Anh không mừng sao?

- Em cứ ở nhà, anh đưa thằng nhỏ đi học rồi sẽ ghé sở và tìm cách về nhà sớm.

- Anh có thể cho chị Hai nghỉ việc một tuần. Em sẽ làm thay cho chị ấy.

Nàng tự tiện gọi chị Hai lên nói cho phép nghỉ, cho tiền, chị có thể về thăm nhà một tuần, đúng một tuần thôi nghe, lại lên trông nhà cho cậu.
 
Chị Hai nhìn tôi như muốn hỏi ý kiến. Tôi ra dấu ưng thuận cho chị. Chị Hai cầm tiền nói cám ơn Lan và đi xuống nhà dưới sửa soạn quần áo.
 
Thằng nhỏ ở dưới nhà lên, tay cầm quần chạy lại bên bố bảo:
 
- Bố mặc vào cho con.
 
- Con không chào cô hả.
 
Thằng nhỏ khoanh tay cúi đầu chào. Lan lại gần xoa đầu thằng nhỏ nói:
 
- Ngoan lắm. Con chưa đi học à? 

Thằng nhỏ nói:

- Đi bố.

Lan lại gần hôn tôi, bảo:

- Anh về sớm được không?

- Anh sẽ cố.

Tôi chở thằng nhỏ đến trường, ghé qua sở cáo ốm, xin phép về sớm. Lúc tôi về nhà, chị người làm đã đi khỏi. Lan đã thay quần áo mặc nhà. Lan đang ngồi ngả người trên chiếc ghế sa lông dài vặn nhạc, nghe. Căn phòng vắng. Lan đóng cửa nên trông như trời còn tối. Lan giơ tay làm hiệu cho tôi lại gần. Tôi bước lại ngồi xuống bên nàng. Mọi việc gần như đã được nàng sửa soạn hết. Tôi chỉ việc thả mình vào cuộc. Da Lan thơm mềm mại, tuổi trẻ còn đầy trên ngực, chân tay nàng tròn trịa, dài. Tôi thay quần áo mặc nhà, nằm xuống bên nàng. Cuộn băng nhạc tiếp tục quay. Một bài hát cũ. Những ham muốn cũ đang được thắp lại. Lan với tay tắt chiếc máy. Những tiếng động đã im bặt hẳn. Khi hai người buông nhau ra, cùng nằm ngửa nhìn trần nhà, tôi có cảm tưởng xa lạ như căn nhà không còn là nhà của tôi nữa. Nó trở thành một nơi nào khác. 
 
Lan nói:

- Em phải nói dối nhà đi nghỉ trên Đà lạt để đến đây.

- Thế hả.

- Em thấy anh có vẻ không vui. Tại sao vậy?

- Không. Không có gì hết. Anh vẫn mong em tới và ở lại.

- Nếu anh không muốn thì em về và đi Đà lạt thật.

- Đừng nói bậy.

- Nghỉ một lát anh đưa em đi mua đồ về làm thức ăn.

- Em cứ ở nhà, để anh mua đồ làm sẵn về cũng được.

- Hôm nay cứ tạm ăn như thế. Mấy giờ anh đi đón thằng nhỏ?

- Mười một giờ.

Mười một giờ tôi tới trường đón thằng nhỏ. Nhưng cô giáo đã cho biết mẹ nó đã đến xin phép cho nó về trước. Bữa nay thứ bẩy. Mai nó được nghỉ học. Chắc mẹ nó muốn giữ nó ở nhà một ngày. Trong căn nhà đang ở đó có lẽ, nàng cũng đang chờ một người đàn ông khác, như Lan đang chờ tôi. Chỉ có những đứa con nhỏ bị tha đi, tha lại. Tôi sẽ có một ngày tự do với Lan trước khi thằng nhỏ trở về. Nàng cũng có bao nhiêu ngày tự do khác với một kẻ nào khác.

Tôi trở về nhà một mình. Trời nắng và đường đông nghẹt xe cộ. Lúc xuống xe tôi nôn nao khó chịu.

Lan mở cửa cho tôi.

Nàng hỏi:

- Anh sao thế? Con đâu?

Tôi nói:

- Nó về nhà mẹ nó.

Con đâu? Tôi muốn hôn lên môi Lan đồng thời muốn khóc khi nàng nói vậy.


NGUYỄN ĐÌNH TOÀN       

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 32, tuần lễ từ 30-12-1971 đến 5-1-1972)

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

NGÕ HẺM VỢ BÉ - Bình Nguyên Lộc

 

Biết rõ nền tài chánh của mình, Khánh cố cam phận với ngõ hẻm chàng ở.

Ngõ hẻm không có đường cho nước rút, nên hễ mưa xuống là nước vào viếng nhà chàng, xông pha ra đến sau bếp. Nó mang theo nào là giấy, bã mía, lá chuối gói xôi mà trẻ con trong xóm vứt bừa bãi trên đất mỗi buổi sáng rồi khi trở ra, nó bỏ lại những người khách khó chịu ấy.

Trước nhà chàng là một cánh đồng Tháp-Mười thu hẹp, mùa ướt, thì đọng nước mưa, mùa khô thì đọng nước rửa nhà từ cả hai mươi căn phố tống ra.

Phố vách ván, vợ chàng có chưởi chàng thì nhà hai bên nghe không sót một tiếng. Vách ván lâu năm, nhót hở cỡ đút ngón tay qua lọt, nên chi nhà ăn cái gì người ta cũng biết rõ như ở chung.

- A, hôm nay cuối tháng, nó ăn toàn cá rô con dầm mắm nêm.

Ngoài các thứ tiếng động cổ điển mà chàng phải nghe như là vợ chồng họ cãi lộn nhau vào giấc trưa, trẻ con ó ré bất kỳ giờ giấc nào, ra-dô vặn thả máy, Khánh sợ nhứt là những đám đóng đinh treo mùng.

À, tại làm sao mà đinh treo mùng của họ nó có sút họ không đóng ban ngày, mà hễ lối mười giờ đêm chàng đang lim dim thì nghe tứ phía tiếng búa nện vào đầu đinh một cách điên tiết.

Lắm khi búa nện trật một bên, đinh bắn ra xa, họ nổi giận chưởi cây đinh om sòm. Chiến dịch đóng đinh treo mùng đêm nào cũng tái diễn cả không ở nhà nầy thì ở nhà khác.

Lại mấy chị chè đậu, xưng xa nữa ! Trưa trưa, vừa chợp mắt được là mấy chị đi sát thềm nhà mà hét lên: "Ai chè đậu nước dừa hôn ?"

Khánh giựt mình thức dậy thì trăm ngàn tiếng động khác ngăn chàng ngủ trở lại.

Chàng cố an phận trong ngõ hẻm ấy, nhưng không thể được, vì một người kia không dung tha chàng.

Đó là chị chủ căn nhà đối mặt. Đầu đuôi câu chuyện cũng tại cánh đồng Tháp-Mười trước cửa.

Số là thằng con của chàng nó xếp ghe bằng giấy thả lên cái biển tí hon ấy cho vui mắt, ghe trôi tấp qua bờ biển bên kia tức là trước nhà đối mặt. Nước rút xuống mà ghe lại không rút theo, thành ra thằng bé vô tình xả rác trước nhà người ta.

Chị chủ nhà, sáng ra quét sân, thấy vậy phát chưởi ngay. Thì rác ở sân chị, chị cũng quét xuống biển chớ quét đi đâu, mà bị xả mới có một chiếc ghe bằng giấy là chị làm ầm bên.

Vợ chàng chịu không được, bước ra trả lời. Chàng toan níu vợ lại nhưng không kịp. Thế rồi hai đối phương đứng bên nây bờ biển và đứng bên kia bờ biển mà đấu khẩu với nhau y hệt như hai nước nghịch ở hai bên một bờ đại dương đánh giặc nguội với nhau bằng ra-dô.

Vợ Khánh chỉ đấu khẩu một lần đó thôi, thế mà chị kia lại cứ kéo dài mỗi ngày như là tiểu thuyết võ hiệp đăng báo, nói xiên nói xỏ chịu không thấu.

Hai vợ chồng Khánh khổ quá, định dọn nhà đi nơi khác.

Nhưng đã ở đó lâu rồi, Khánh thích chơn trời quen thuộc nơi đó: thân cây sao rêu phủ nhô lên khỏi nóc dãy nhà ngoài đường, mũi nhọn của lầu chuông nhà thờ đàng xa kia, và cả đến hàng dây kẽm phơi quần áo trước nhà, cái gì đối với chàng cũng đã thân yêu quá đi rồi.

Vả lại, cứ bằng vào số tiền mà chàng kiếm được khi nhường nhà nầy lại cho kẻ khác, thì chàng không thể tìm một nơi hơn thế.

Ở đây tuy ngập nước, tuy ồn mà tương đối khỏi bị cái nạn cầu tiêu hầm tràn trề ra sau mỗi trận mưa.

Thật là đi không nỡ mà ở cũng không đành.

Bỗng đùng một cái, con mẹ trước mặt dọn đồ đi. Trời ơi, phước đâu mà lớn quá như vậy ?

Sáng hôm ấy, hai vợ chồng mở cửa ra đón xôi ăn thì ngạc nhiên hết sức mà thấy phu xe cá đang khuân bàn ghế của nhà đối mặt ra xe.

Nào lu, nào hũ, nào lon, nào gáo chồng chất trên chiếc cam-nhông hai ngựa ấy rồì một tiếng đồng hồ sau là vợ chồng Khánh thoát nợ đời.

Khi chiếc xe cá đã ra khỏi ngõ hẻm, mười chín bà chủ nhà trong ngõ tựu lại trước cửa căn nhà trống mà bàn tán xôn xao.

Một chị ra vẻ thạo tin nói:

- Nó sang tới hai mươi ngàn đồng, được tiền quá.

- Hai mươi ngàn, thật hay giỡn ?

- Không tin thì thôi. Tôi nghe rõ đây mà ! Chủ phố ăn đứt ba ngàn mới chịu sang tên đó.

- Thế sang cho ai ?

Chị nọ cười bí mật mà rằng:

- Rồi sẽ biết.

Cả xóm đều nao nức mong đợi người chủ mới dọn về. Người đó có thể chỉ là một người thường như họ thôi, nhưng ở đây buồn quá, không có án mạng nào xảy ra hết, cho đến một vụ bắt ghen nho nhỏ cũng không thì một người dọn đi, một kẻ dọn về đều là trò vui được.

Họ khỏi phải đợi lâu vì ngay trưa hôm đó, có người đến rửa nhà.

Tức thì đàn bà trong xóm vồ lấy chị rửa nhà mà hỏi lăng xăng. Chị ta ngơ ngác đáp:

- Ông ấy mướn tui rửa thì tui rửa, có biết ai đâu.

Cả xóm thất vọng mà không tuyệt vọng, và bền chí đợi chờ.

Sáng hôm sau có xe cá vào ngõ, mà lần nầy thì đến hai chiếc, lại chở toàn đồ mới và đồ quí giá không mà thôi: giường gõ đỏ, nệm cao-su xốp, tủ bằng-lăng trắng, sa-lông mua ở tiệm tây, ra-dô gắn vào tủ, v. v...

Một người đàn ông ra vẻ người nhà, đi theo chỉ huy việc sắp đặt bàn ghế.

- Chủ mới là ai đó anh ? - Thiên hạ bu lại hỏi.

- Cô tôi.

- Cô anh là ai ?

- Có nói, bà con cũng không biết. Cô tôi là vợ của ông tôi, còn ông tôi là chủ của tôi.

Thấy đồ đạc quí giá, người trong ngõ cũng đoán được chủ nhà ở vào hạng ông. Anh người nhà lại xác nhận như thế. Giai cấp người chủ mới khiến họ càng tò mò thêm và ngạc nhiên lắm: là hạng ông sao lại vào ở đây ?

Sau buổi ăn trưa, chủ nhơn đến. Nhưng chỉ thấy bà chớ không thấy ông. Bà đi tắc-xi vào tận cửa với một chị người nhà.

Bà còn trẻ, độ hăm lăm tuổi thôi, ăn mặc sang quá sá và tướng mạo cũng sang trọng vô cùng. Lẽ cố nhiên là mặt bà đẹp, móng tay bà đỏ choét và nhọn hoắt.

Từ đó tới chiều cửa đóng kín mít khiến thiên hạ ấm ức vô cùng.

Chiều lại có người xách gào-mên cơm đến, cửa hé mở rồi đóng lại như cũ.

Đờn bà trong xóm trề môi dài một thước năm mà xầm xì với nhau:

- Xì ! Điệu dữ quá. Bộ sợ người ta thấy mặt rồi mất màu hay sao chớ ?

Liên tiếp hai ngày liền, cửa nhà ấy vẫn đóng kín mi kín mít. Thiên hạ ở đây khó chịu quá. Đờn bà ở đây thì người nầy xẹt qua nhà người nọ mà kháo chuyện chớ có đâu mà khuê môn bất xuất như thế nầy, báo hại người ta dòm mỏi cổ, đợi hụt hơi mà không thấy tăm dạng gì hết.

Sáng ngày thứ ba, chị người nhà ra ngoài, tay ôm một ôm quần áo dơ.

Thôi chết chị nầy rồi ! Thiên hạ vây lấy chị, rồi mấy mươi câu hỏi đưa ra một lượt khiến chị muốn phát điên lên.

- Làm sao cứ ở lì ở trỏng, không ra chơi bồ ?

- Cô chủ của chị đẹp quá ! Còn ông chủ đâu ?

- Ông chủ tên gì, làm nghề gì ?

- Giàu lắm hả chị ?

- Chà đến cái khăn mu-soa nhỏ cũng bỏ tiệm giặt ủi. Thành ra chị còn công việc đâu mà làm? 
 
Chị người nhà chỉ mỉm cười mãi, rốt cuộc chị đáp chung:

- Cổ không cho tôi đi đâu hết....

- Cấm cung à ?

- Như vậy ai thèm làm, ăn lương bao nhiêu một tháng mà bị nhốt như vậy cũng chẳng thèm?

- Thôi để khi khác.

Chị người nhà rứt mà đi, cả bọn còn tức ấm ách vì điều tra chưa tới nơi.

Chiều hôm đó một chiếc xe Mercédès nước sơn đen láng như huyền Phú-Quốc, vào ngõ, đậu lại ngay trước nhà mới dọn.

Một người đàn ông năm mươi tuổi, ăn mặc sang, cân xứng với chiếc xe, bước xuống, đóng cửa thật nhẹ rồi đi vào nhà. Ông ta chưa gõ cửa thì cửa đã mở. Bên ngoài người ta dòm thấy cô chủ nghẻo đầu rồi thụt lui vài bước nhường chỗ cho người đàn ông. Cửa khép lại liền khi ông ta bước qua khỏi ngưỡng.

Chiếc xe Mercédès đậu trong ngõ hẻm đến hai giờ sáng trong xóm mới nghe nó rồ máy êm ru.

Mấy hôm sau chị người nhà được ra ngoài, càng ngày càng ở lâu thêm mấy phút. Như vậy rất đủ cho cuộc thẩm vấn của các bà trong xóm. Họ đã biết rành mạch về nhà nầy rồi.

Cô chủ làm bé cho một ông kia. Ông ấy thuộc giới nào, các bà chỉ kề miệng vào tai nhau mà nói nho nhỏ thôi. Chỉ biết ông ta giàu lắm, có đến ba chiếc xe hơi nhà. Con gái lớn của ông ta tròm trèm tuổi của cô Tư, cô vợ bé ấy.

Cô Tư ít khi đi đâu. Mỗi ngày sai chị ở mua báo về đọc để khỏi mất liên lạc với bên ngoài. Vài ba đêm tiếp chồng một lần, có khi đến nửa đêm, thỉnh thoảng tới năm giờ sáng.

Cô Tư dọn về đây, không lợi cho ai cả, vì đàn bà trong xóm mất hết một nhà đề ngồi lê đôi mách lại mất hết một tay bồ.

Riêng Khánh thì chàng thấy chàng có phước như là đẻ bọc điều. Đang khổ vì chị hàng xóm thì chị nầy bỗng dưng nhường nhà lại cho một cô gái tối ngày không nói một tiếng. Sướng biết hao. Thế là khỏi phải tính đến chuyện dọn nhà đi nơi khác, khỏi phải rời bỏ những chơn trời thân yêu ở đây.

Nửa tháng sau, một chuyện y hệt như thế lại xảy ra nơi căn nhà số 17.

Cô chủ mới trẻ đẹp, đồ đạc cũng quí giá, cũng đóng cửa kín mít, và ông chủ thỉnh thoảng đến, cũng trên bốn mươi, ăn mặc sang trọng và đi xe Huê-Kỳ.

Các bà trong xóm kề tai nhau mà xầm xì:

- Coi bộ cái vó ấy thì cũng là vợ bé nữa !

Quả thật thế, mấy hôm sau, con ở của cô chủ thứ nhì vừa ló ra cửa thì bị họ bố ráp ngay để điều tra. Con bé khai tạch hoạch không sót một móng.

Trường hợp của cô Hélène nầy thì có hơi khác trường hợp cô Tư. Cô Hélène vừa bị bà chủ lớn bắt được ở một căn nhà tại ngõ hẻm khác, đánh cho một trận nên thân rồi xởn đầu.

Cô Hélène quyết tâm đóng cửa đền mãi mãi, trừ khi ông đến gõ theo ước lệ mới mở thôi.

Lại một tai nạn nữa cho xóm. Mất thêm một đại bản doanh ngồi lê, lại mất một tay bồ thứ nhì.

Nhưng Khánh thì lại mừng thầm. Vợ bé tới đây đông chừng nào, chàng sẽ được yên thân chừng nấy, vì không ai mà im lặng và yên lặng cho bằng loài vợ bé.

Nếu cô Hélène đến đây là do sự tình cờ thì những cô Sáu, cô Chín, cô Mạc-rít, cô Ma-lên khác đến, nhờ sự giới thiệu.

Số là hôm ấy cái ông chồng cô Tư đâm xe vào thì đèn pha xe ông ta rọi ngay đít xe của chồng cô Hélène đang đậu cách đó năm căn.

Thấy dáng xe quen, ông nọ sanh nghi, xăm xăm lại đó, chừng nhìn lại số thì quả là xe của bạn.

Ông nọ mừng quýnh chạy lui về báo tin cho cô Tư, cô Tư hỏi chị ở mới hay tự sự.

Ông nọ thích lắm, ngỡ chỉ có một mình ông mới bậy bạ thôi, nào dè gặp bồ. Đó rồi hai ông bà đi ngay lại căn 17 mà gõ cửa.

Trong đó chắc người ta quýnh lên, vì vừa bị một trận đến phải bỏ xóm kia mà. Nhưng vợ chồng ông ngoài nầy lên tiếng. Cửa mở, họ mừng rỡ nhau om sòm, giới thiệu lăng xăng rồi từ đó hai cô vợ bé đi lại nhau luôn.

Thế rồi mạnh các ông các ông giới thiệu, mạnh các bà, các bà rủ ren không mấy lúc mà vợ bé tràn đến như nước vỡ bờ.

Lệ trong xóm sang nhà mười ghim. Đó là cái giá bất di bất dịch từ ngày có cuộc di cư ở miền Bắc vào.

Nhưng giá nhà bỗng nhảy vọt lên từ mườì đến hai mươi ghim: Các ông chồng giàu cứ đổ tiền ra mà đuổi êm người ta đi như Do-Thái mua đất của Ả-Rập trước ngày phân chia xứ Ba-Lết-Tin.

Người trong xóm cái gì cũng muốn cắt nghĩa cả và cắt nghĩa được tuốt. Họ tự hỏi tại sao các ông ấy giàu sang tột bực như thế lại bắt các cục cưng ở xóm tồi tàn như vậy.

Rồi họ giải thích rằng nếu để ở xóm sang thì dễ lậu việc bởi vợ họ quen biết nhiều các xóm đó. Xe đậu ở ngoài đường dễ nhìn hơn là trốn trong xó nầy.

Mới trong vòng hai tháng mà có đến mười cô vợ bé về dãy phố hai mươi căn nầy.

Tối tối một dọc xe Huê-kỳ bóng lộn nối đuôi nhau đậu trong ngõ hẻm. Mấy đức phu quân ở đây quen biết nhau cả và xem ra họ thương mến nhau lắm. Đồng hội đồng thuyền mà !

Họ lại hùn tiền nhau, sang một căn phố, không để ai ở cả mà dùng làm nơi gặp mặt mỗi đêm. Phố dọn như "ba", có quầy rượu, có bồi chuyên môn pha "cóc-ten".

Họ bàn nhau công việc tại đại bản doanh đó và rất ung dung chớ khỏi phải lấm la lấm lét vì nơi đầu ngõ đã đặt lính gác hẳn hòi. Lính gác ngõ là một chị đàn bà bán thuốc lẻ, được lịnh hễ thấy gì khả nghi là phải bỏ hàng chạy vào báo động ngay.

Các gia đình vợ bé nầy được tổ chức châu đáo rồi không thấy sợ nữa. Tối lại họ mở cửa ra như thường, và đèn sáng làm nổi bật sự trang trí lộng lẫy trong nhà của họ.

Họ đi xem hát có đoàn, thỉnh thoảng đi mua lụa, mua vải, mua trái cây, thì đi cặp ba, cặp tư.

Ban ngày họ qua lại nhau luôn chớ không rúc trong nhà như lúc trước.

Mười bà vợ bé đều đẹp cả mười. Nhưng có bà đẹp ngây thơ phúc hậu, có bà lại đẹp một cách khêu gợi ồn ào. Vài bà nghiêm trang, phần lớn đều lẳng. Họ đi đứng uốn éo như con rắn và ăn mặc thì y như là mới mắc một đám mưa, da thịt lộ ra rõ bông bông.

Khánh chỉ mới có ba mươi thôi. Ban đầu chàng chỉ thấy mình có phước mà được yên thân, nhưng về sau chàng lại sung sướng mà được thưởng thức mỗi buổi chiều cuộc triển lãm ngực và mông.

Chàng đùa với vợ:

- Bộ ngực đó hỗn quá !

Vợ chàng é một tiếng, háy chàng một cái rồi ngoe ngoảy bỏ đi vào nhà.

Khánh nhìn vợ rồi nhiều khi đâm ra tủi thân. Vợ chàng đẻ ba lần rồi, đã gầy như con khô hố, và già xọm ra. Những bà vợ lớn của mấy ông sang trọng kia chắc cũng thế.

Nhưng họ lại có phương tiện để tìm an ủi nơi khác, họ, những người lưng khòm, vai hơi rút, và đầu hoa râm. Trong khi đó thì chàng, một thanh niên hồng hào sức khỏe, sinh lực dồi dào lại chỉ được thưởng thức suông mấy bộ ngực kia như là xem chiếu bóng mỗi buổi chiều.

Khánh tủi thân mãi rồi đâm liều. Ừ, tại sao mình lại không có vợ bé như người ta ? Những bộ ngực trước nhà khiêu khích mãi không thôi, còn vợ chàng thì cứ một ngày một lép thêm như bánh tráng nhúng nước.

Khánh tự biết là không đủ sức nuôi dưỡng hai gia đình, nhưng chàng cãi với chàng:

- Nào mình có mướn phố mắc tiền, có sắm bàn ghế sang trọng làm chi. Một căn phố lá, một chiếc chõng tre là đủ rồi. Mình chọn mấy cô bà ba, chớ đâu dám rớ tới mấy cô móng tay đỏ mà ngại.

Mấy lão kia ăn xài ẩu thế chưa chắc đã sẵn tiền, đã hơn mình.

Biết đâu ngày kia báo sẽ không đăng tin một trong mấy lão, hoặc thụt két, hoặc lường gạt các chỗ làm ăn ? Mình lương tháng bốn ngàn, chia ra cho ẻm ngàn rưỡi là yên tới già.

Sợ bà đầm ở nhà chăng ? Điều đó khỏi lo. Nếu biết cách như các lão kia thì an ninh sẽ được bảo đảm. Sài-gòn có muôn ngàn ngõ hẻm, các bà vợ lớn có liên kết với nhau, bố trí hằng vạn tay do thám cũng tìm chẳng ra mấy ổ uyên ương bí mật nầy.

Nhưng tuy tính vậy, chàng vẫn hoang mang, không biết có nên liều hay không. Lương chia rồi còn hai nghìn rưỡi mỗi tháng để đương đầu với nào tiền phố, tiền đèn, tiền nước, tiền chợ, tiền thuốc men, tiền ơn nghĩa, một vạn thứ tổn phí không thể tránh được, thì có đủ đâu là đâu.

Khổ ơi là khổ ! Ngỡ yên thân được với cuộc xăm lăng ngõ hẻm của đạo binh vợ bé, nào ngờ bây giờ đến phải rầu chín ruột ra.

Đêm nằm nghe tiếng cười giỡn dòn như bấp rang bên cạnh, trí mơ màng duyệt lại những tấm thân quyến rũ kia, chàng muốn điên tiết lên, vụt ngồi dậy bước xuống giường, đi qua đi lại, khiến vợ chàng kinh ngạc hết sức.

Khánh đi đã rồi lấy bút mực ra lập ngân sách cho hai gia đình. Lần nào cũng lòi ra một chỗ trống trong quỹ gia đình chánh, không thể tưởng tượng ra món tiền gì để trám nổi lỗ hồng to ấy.

Chưa có vợ bé mà Khánh đã gầy sút đi vì mất ngủ. Mất ngủ vì lo toan phương tiện tài chánh mà cũng vì bận rình mọi việc xảy ra ở các nhà vợ bé.

Chín giờ, chàng lắng đợi chiếc "xì-bo" hai chỗ ngồi của cái ông mặc áo con chim con cò. Chàng tưởng tượng cô Ma-ri đang uyển chuyển bước ra mở cửa, rồi nhảy ra sân bá lấy cổ lão cao-bồi già.

Mười một giờ, chàng băn khoăn sao lão thầu khoán chồng cô Ma-Lên lại không về như mọi bữa khác.

Thế nầy thì đến chết thôi trời ơi !

Mỗi ngày đi làm bốn buổi, Khánh đều ghé qua cô hàng thuốc lẻ ở đầu đường V. vì ở đó có đèn đỏ, không ngừng cũng không được. Mà ngừng một lần thì nó bắt ngừng hoài vì cô bán thuốc mặt rổ hoa mè trông có duyên ớn.

Cô bán thuốc cũng bất nhơn, không lần nào là không cười mím chi với Khánh, và xưng em ngọt xớt. Anh chàng đang ở trong một tâm trạng đâm liều vì khêu gợi ở nhà, bây giờ ra đường lại bị chiếm hồn.

Thế nên anh ta quả quyết sáng hôm đó là hạ chiến thơ cho cô bán thuốc !

Đêm ấy anh ta bận tìm mưu để cắt nghĩa những đêm vắng nhà sắp tới của anh làm sao cho có lý để vợ khỏi cằn rằn. Anh bịa nhiều chuyện hay quá, nào ông chủ sở, bắt làm xúp hứa cho ăn thêm tiền, nào má thằng Câu nào đó ở sở, qua đời, phải giúp đám ma nhà nó v. v...

Đồng hồ Wesminter nhà cô Mạc-Rít vừa chẫm rãi gõ xong mười tiếng thì Khánh nghe tiếng ai chạy đụi đụi ngoài sân. Anh vừa toan ngồi dậy thì lại nghe ai đấm cửa nhà cô sáu Bích-Vân.

Tiếng đấm cửa nghe du côn tệ. Cửa không mở. Lại có tiếng phá cửa rầm rầm. Khánh nhảy một cái là xuống đất, chạy ra mở hé cửa nhà anh mà dòm xéo qua bên cô Bích-Vân.

Ba chiếc xe lạ đã vào đậu ở ngõ hẻm, soi đèn pha vào ngay nhà nầy. Trước nhà, toàn là đờn ông không mà thôi.

Thì ra đây là một đám bắt ghen, không do bà lớn, mà lại do ông lớn chỉ huy. Thì ra cô sáu Bích-Vân bỏ chồng theo lão để râu Huê-Kỳ nầy.

Đờn ông mà ghen thì nó ghê hơn đờn bà nhiều quá sá. Chồng lớn của cô Bích-Vân lưng khòm, mặt ốm xanh mà vì giận run nên càng xanh thêm. Lão ta hét:

- Phá mẹ nó cho mau coi !

Mấy tay phá cửa nỗ lực thêm, rồi nghe một cái rầm lung lay cả dãy phố.

Cửa ngã vào trong, ánh sáng đèn ống ùa ra ngoài. Lão chồng lớn nhảy vô trước hết, tay thò vào túi quần lấy cái gì.

Khánh nghe tiếng cô sáu Bích-Vân kêu rú lên, rồi nghe nổ một tiếng như bánh xe xích-lô nổ. Lão râu Huê-Kỳ kêu: "Trời ơi" rồi thiên hạ chạy rần rần.

Khánh run lập cập, lui vào đóng kín cửa lại.

Vừa leo lên giường, chàng vừa lẩm bẩm:

- Ghê quá, không biết con bán thuốc có chồng hay chưa ?

Vợ chàng đang cho con bú, ngạc nhiên hỏi:

- Con bán thuốc nào ? Vây chớ ai bắt ghen ai đó ba nó ?
 
 
(Trích từ tập truyện ngắn Tâm Trạng Hồng)