Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

TIẾNG THỜI GIAN - Bình Nguyên Lộc

 
Từ cầu Cổ Cò vào chợ Mỹ Lương, đi đường thủy, mất ít lắm là ba tiếng đồng hồ chèo xuồng.

Gặp mùa nước đổ, nước trong Đồng Tháp Mười tuôn mạnh ra, khiến cho việc chèo ngược dòng là cả một kỳ công.

Thế mà Thạnh đã ba lần đòi quay trở lại khi xuồng tiến mau trên rạch Ông Mẻ được hai phần đường rồi. Nếu không có bạn chàng khuyên dứt thì trong cuộc hành hương hôm đó, họ đã chẳng đến nơi.

Phải, đây là một cuộc hành hương thật sự. Chợ Mỹ Lương là nơi đã nghỉ yên một đoạn dĩ vãng của họ, nghỉ yên một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy lại nữa. Họ đã yêu ở đó, đã đau buồn vì vận nước ở đó, và đã phấn khởi làm phận sự ở đó.

Hàng trăm đám lục bình xanh đang chạy đua xuôi dòng rạch Ông Mẻ vàng khè phù sa khiến họ nhớ đến những đêm năm nào mà họ vượt đồn Cổ Cò bằng cách lội úp theo những đám lục bình cứu tinh đó.

Sao Thạnh đã gần đến nơi rồi lại còn muốn quay về ? Sự thật thì chàng đã định bỏ cuộc ngay từ lúc mới xuống xuồng, và càng đi gần tới đích chàng càng lo sợ và càng muốn thôi không đi nữa.

Cả hai người bạn đều phấn khởi lúc rủ nhau về đây. Mười năm lăn lóc trong cuộc vật lộn để giành chén cơm, họ thường nghĩ đến cái nơi cất giữ rất nhiều kỷ niệm của họ.

Và hôm qua đây, nhơn thấy cũng đỡ bê bối tiền bạc phần nào, họ đồng tình về chốn quê cũ một chuyến, để thăm lại cảnh cũ người xưa, và nhứt là để xem hòn giả sơn của chú Dầu Ía có còn hay không.

Ở chợ Mỹ Lương chỉ có độc một gia đình Trung Hoa. Chú Dầu Ía, người chủ gia đình, thích chơi cây cảnh, non bộ. Sau nhà chú, chú có đắp một hòn giả sơn rất khéo mà Thạnh chưa thấy hòn giả sơn nào đẹp bằng.

Hôm qua đây, cả hai người đều có ý về Mỹ Lương một lượt, và Thạnh hăng hái nhứt, nói là rất nhớ hòn giả sơn đó.

Nhưng thật ra, chàng chỉ bồn chồn gặp lại người kia. Cái háo hức buổi đầu lại nguôi lần lần trên đường thôn du nầy, vì một lẽ làm chàng băn khoăn mãi từ lúc bước chơn xuống xuồng.

Khi họ thấy đằng xa sông Cái Cối chắn ngang con rạch Ông Mẻ, họ nhìn về bên trái thì chợ Mỹ Lương thoáng hiện xa xa, cheo leo trên doi đất tại ngã ba sông.

Thì ra chợ Mỹ Lương vẫn còn nguyên vẹn, đó là cái chợ thôn dã hiếm hoi không bị tàn phá lúc chiến tranh.

Nước sông đổ rất mạnh, khiến Thạnh hoảng lắm, chàng mong cho xuồng cứ tiến thật chậm để lùi lại cho lâu cái lúc đến nơi.

Ngã ba sông Cái Cối.

Chợ Mỹ Lương là kiểu mẫu cổ điển của nhiều chợ xép Tiền Giang. Chợ ngó xuống sông, và hai bên hông chợ, hai dãy nhà cũng trông xuống bến. Nhưng hai dãy nhà ấy lại bị dãy nhà sàn đối diện ngăn tầm mắt lại. Con đường mòn hẹp té, nhưng ngay bon, đi thẳng giữa hai dãy nhà vừa kể trên rồi mất hút trong rặng dừa đằng xa.

Bốn dãy nhà gồm bốn mươi căn, mỗi căn bán một thứ hàng hóa giống hệt ở mọi chợ khác. Có tiệm hớt tóc, mà những giờ vắng khách, mấy anh thợ ngồi buồn gảy ghi-ta; một tiệm may, vài tiệm chạp phô, một hiệu trữ dược phẩm Âu Mỹ kiêm bán sách báo, một hiệu ba da, một hiệu bán chén và đồ gốm v.v...

Họ lên bờ và căn nhà họ tìm trước hết là hiệu thuốc bắc "Tăng-Thọ-Đường".

"Tăng-Thọ-Đường" vẫn vững như một con người được tăng thọ. Tấm bảng hiệu dựng đứng theo lối Trung Hoa, trên viết lăng nhăng một cột chữ Tàu, đã rạn nứt vì mưa nắng gió sương, nhưng chữ mạ vàng vẫn còn đọc được.

Nhà có gác, chiếc gác thấp, mái cong cong như mái chùa, và cửa song sơn đỏ, gợi nhớ hình ảnh nước Tàu ngàn xưa mà người khách trú chủ hiệu thuốc nầy thương mến nhái lối kiến trúc ấy được phần nào hay phần ấy.

Cả hai đứng lại rất lâu nơi doi đất trước ngã ba sông, bùi ngùi nhìn những mái nhà đóng rêu, bùi ngùi nhìn chơn trời quen bên kia sông. Cảnh vật như được ướp lạnh hằng bao thế kỷ, và nay mở tủ lạnh ra, nó vẫn y nguyên như cũ. Chỉ có người là khác xưa. Anh thợ hớt tóc tiệm Nam Hưng, căn nhà bìa cheo leo trên bờ sông, trẻ hơn anh thợ ngày trước nhiều. Khách của ông ta cũng trẻ hơn. Cả bọn chơi măng-đô-lin, và ca tân nhạc, họ tìm trên vách mãi mà không thấy bóng cây đờn kìm cẩn ốc của bác thợ năm đó.

Mặc dầu lo sợ, Thạnh cũng bươn bả theo bạn sau lúc đứng chiêm nghiệm ở bờ sông. Hồi hộp lắm ! Nôn nao gặp lại người xưa, mà sợ sự gặp mặt đó, sợ nhưng cứ muốn gặp gỡ ngay!

Cụp... keng... keng... cụp... keng... keng... Tiếng chày giã thuốc trong chiếc cối bằng đồng, cứ giã một cái lại nhịp hai cái trên thành cối, tiếng nhạc đều đều kéo dài từ ngàn đời rồi trong giới dao cầu Trung Hoa ấy, đã nghe rõ khi họ bước tới trước thềm Tăng-Thọ-Đường.

Người giã thuốc không phải là ông Tăng-Thọ nữa mà là một người trung Hoa còn trẻ, độ ba mươi. Ông Tăng-Thọ đầu đã bạc phơ, ngồi ngậm một chiếc điếu dài gần bốn gang tay, mắt lim dim lắng nghe tiếng nhạc chày nện trên cối.

- Ông chủ a ! Mạnh giỏi chớ, ông chủ ?

Tiếng chày bỗng ngưng nện, tiếng chim chắc chè ngưng gáy trong lồng và ông Tăng-Thọ nhảy nhổm lên. Ông đẩy cặp kiếng trắng lên cái trán hói và láng bóng, rồi trố mắt nhìn hai người khách lạ đang bước qua ngưỡng cửa.

- Ông thầy còn nhớ anh em tôi không ?

Ông Tăng-Thọ vừa bán thuốc, vừa làm y sĩ, nên họ mới gọi thế. Ông ta cười hề hề mà rằng:

- Nhớ... Mà quên... a... nhớ ít ít thôi.

- Thằng Ba với thằng Tư, hai con sâu cam thảo đây mà !

- A, nhớ dồi ! Lâu quá, anh em còn mạnh giỏi hơ. A, ngóa mừng quá mà.

Ông Tăng-Thọ mừng rối rít, hối người nhà pha trà, rồi giới thiệu với khách :

- Thằng Hinh, dể của ngóa.

Thì ra, cái người giã thuốc là rể của ông ta. Thạnh thừ người ra, không phải vì ngạc nhiên, mà vì hơi bần thần trước một chuyện phải xảy ra, đã xảy ra, nhưng khó tin vì chàng ta mơ hảo.

Phải, cô Chúi Tín (Thủy Tiên) ấy thế nào cũng phải lấy chồng và cũng phải được lấy chồng. Cô năm nay có lẽ đã gần ba mươi, đẹp người, lại con nhà khá giả thì không lý do nào cô làm gái già cho đến lúc doi đất nơi chợ nầy sụp lở.

Chàng đã yêu cô Chúi Tín ấy, một cô gái Trung Hoa đã được Việt Nam hóa một trăm phần trăm, nhưng ông Tăng-Thọ, từ khi vợ chết, cứ nghe cô đơn và muốn chọn rể người Tàu cho có bạn, thành thử hai người không lấy nhau được.

Mười năm... Không biết bao nhiêu là nước chảy dưới cầu Cổ Cò, không biết bao nhiêu là nước chảy dưới dãy nhà sàn trước chợ. Trí chàng cho biết rằng Chúi Tín thế nào cũng đã lấy chồng, nhưng lòng chàng cứ chối rằng sự ấy đã xảy ra.

Mười năm...

Bây giờ chú rể bắt đầu giã thuốc trở lại, cụp... keng... keng... cụp... keng... keng.... Ông Tăng-Thọ rót trà ra trong những cái chén nhỏ bằng ngón tay cái và mời khách. Cả ba ngồi trước một cây xi-cú mà làm thinh, để nhớ lại năm nào mà họ đã núp sau hàng dừa để xem tàu Tây rần rộ chạy qua trước chợ, bắn bậy lên mà không ghé lại bao giờ.

Thạnh nóng nảy khi nhìn thấy chủ nhà cứ uống trà từng hớp một, hỏi :

- Ông thầy à, còn hòn non bộ ?

- Hà, cố lứ còn nhớ cái hòn non bộ ấy à. Hà, bây giờ tốt lắm, tốt quá !

- Cho xem được không ông thầy ?

- Sao lại khôn lược.

Ông thầy đứng lên, đi ra sau, hai người khách theo ra bén gót.

Hòn giả sơn ấy nằm ở sân trong, giữa nhà trên và nhà bếp, trong một cái hồ cạn thả bèo và cá lia thia.

Năm, tháng, gió, sương đã đi qua trên đó thêm mười năm nữa nên lớp rêu xanh bây giờ xanh rậm ri, đẹp không biết chừng nào. Nước cứ theo sơn khê mà đổ xuống hồ, và lão ngư phủ cứ thả cần câu, bất kể thời gian, trông hệt như ông già ở sông Vị.

Bộ giả sơn đẹp như một câu chuyện cổ tích bị lớp bụi thời gian phủ lên, càng dầy, càng hay, càng đẹp.

Bỗng tiếng người trẻ thơ lao nhao từ ngoài trước, ông Tăng-Thọ nhìn Thạnh, cười hề hề nói:

- Con Chúi Tín về đó.

Thạnh quay lại thì một á xẩm già tay bồng tay bế những bốn đứa con vừa bước vào tới nơi.

Trời ! Chàng kêu thầm lên trong bụng. Chúi Tín không còn là Chúi Tín nữa. Á xẩm nầy mới ba mươi tuổi mà răng đã bắt đầu rụng, và má hóp một cách dị kỳ. Nàng dơ không thể tưởng tượng được vì bận với lũ con.

Vừa lúc ấy thì tiếng đồng hồ con ngựa treo nơi vách nhà trên, chậm chạp gõ.

Keng... keng... keng...

Thạnh quặn thắt lòng, nghe như tiếng thời gian đang rụng, rụng từng chiếc một. Mười năm! Sinh kế đã làm chàng quên tháng ngày trôi. Nay bỗng dưng gặp lại người cũ với nhan sắc tàn phai, chàng nghe như thình lình thời gian, vốn đang ngừng chảy, vụt lướt qua một cái vù.

Keng.. keng.. keng...

Từng chiếc, từng chiếc một, thời gian rụng dần, không hối hả, nhưng chắc chắn, không một thiên tài nào chống lại nổi cả. Thạnh đã sợ cuộc gặp gỡ nầy vì chàng biết trước rằng cũng với sự rơi rụng của thời gian, sự tàn rụng của mối tình mà chàng ấp ủ tận đáy lòng, sẽ đau như ai bị tình phụ.

Kang... keng... keng...

Mỗi tiếng chuông đồng hồ, mường tượng như mỗi giọt mưa rơi trúng ngay tim chàng. Thời gian bị quên lửng, bỗng dưng nổi lên với cả chiều sâu và chiều dài của nó, minh mông như vũ trụ.

Thạnh quì bên bệ hồ, tay vuốt lên rêu xanh non mởn của bộ giả sơn : thời gian đã lướt qua đây rồi xây dựng vẻ đẹp nơi đây, nhưng sao khi lướt qua nơi kia, nó lại tàn phá nhan sắc của người đàn bà ? Chúi Tín ơi, em có biết hay không lòng anh cũng vừa sụp đổ tơi bời. Mối tình mà anh ngỡ là kiên cố trong tim anh, bỗng dưng cũng vừa tan nát hết khi thấy mặt em. Anh đã sợ điều đó, vì anh sẽ xấu hổ với anh không biết bao nhiêu, nhưng sợ mà cũng không tránh được. Bấy lâu nay anh sống với một giấc mộng, ôm nó mà ngủ mỗi đêm, và mỗi sáng khi choàng thức tỉnh, anh âu yếm nó để đủ cam đảm mà vật lộn với đời.

Keng... keng...

Giờ đây giấc mộng đã rụng theo tiếng thời gian rồi !

Dưới kia, trong lòng sông Cái Cối, nước Tháp Mười tuôn tràn ra, chảy mạnh như thời gian, và những đám lục bình trôi mau trên mặt nước, không đám nào giống đám nào hết, càng không giống đám lục bình của mười năm xưa.

(Tuần báo Vui Sống, 1959)    
 
(Trích từ tập truyện ngắn Diễm Phượng)
 

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

MÀU XANH LÁ - Phương Viên

 

Những gì tôi sắp kể cho bạn nghe đều đã xảy ra lâu lắm rồi. Hồi tôi còn học Trung học kia. Nhưng năm tháng không là đơn vị để đo lường khoảng thời gian đó. Đối với tôi (và có lẽ đối với cả nàng nữa) một chuyện gì đã lâu, có nghĩa là nếu mình nhớ lại nó thì có cái gì đó thúc buộc mình phải giữ kín, không được kể ra hay không được viết lại. Với nữa, lâu, là một khi mình đã nhớ được cái khởi đầu rồi thì sự việc cứ kéo theo nhau mà gõ nhịp trong đầu mình. Đó, một chuyện gì lâu là như vậy đó. Càng lâu thì càng đậm màu rõ nét.

Thế nhưng không phải là tôi không muốn giữ lại cho riêng tôi câu chuyện này. Đã có nhiều lần tôi suýt kể cho một người bạn tôi nghe, nhưng tôi đã kịp giữ lại cái hứng khởi đó. Tôi ích kỷ thật, nhưng như thế còn hơn. Nàng cũng vậy, chắc chắn là nàng không kể cho ai nghe đâu. Phần tôi, tôi kể cho bạn nghe không phải là vì tôi muốn kể. Lý do duy nhất khiến tôi muốn kể là, trong câu chuyện này có những chi tiết tôi không thể nào tìm hiểu rõ lý do được, dầu là tôi suy nghĩ suốt cái số năm tháng còn lại của cuộc đời tôi.

May ra bạn hoặc những người thân của bạn sẽ hiểu chăng. Vậy đó, nên sau những đắn đo tôi đã viết cả câu chuyện ra như bạn thấy. Biết đâu một ngày đẹp trời tôi sẽ nhận được thư của bạn, nói rằng bạn hiểu được tất cả, kể cả nguyên cớ của chúng. Trong trường hợp đó, bạn chỉ nên viết thư cho tôi. Còn nàng, nàng có lối giải pháp đặc biệt của riêng nàng rồi.

Trước hết, sự việc vì sao tôi quen nàng. Chỉ mỗi việc đó cũng khiến bạn rối ruột.

Nhà tôi sát cạnh với nhà nàng. Nhưng cho mãi đến khi nàng làm thiếu nữ thì chúng tôi vẫn chưa hề chào nhau, hoặc là cười với nhau, d6àu là bằng mắt hay bằng môi.

Những người trong hai gia đình chúng tôi cũng vậy, không ai quen nhau hết. Mặc dầu ba nàng, mẹ nàng và nàng thường đi qua trước cửa nhà tôi. Họ đến sở làm hoặc đến trường. Không biết bạn nghĩ thế nào, riêng tôi nội cái việc vì sao tôi và nàng không quen nhau trong suốt cái thời thơ ấu của chúng tôi, cũng là điều để ngạc nhiên rồi.

Nhưng nếu bạn nghĩ rằng chúng tôi ghét nhau thì bạn lầm đó. Chúng tôi không ghét nhau hay gì hết. Chúng tôi chỉ không quen nhau thế thôi. Có nhiều bận trái bóng của tôi rớt bên phía nhà nàng. Có khi trái cầu nàng đánh bay quá đà sang chỗ tôi đang chơi. Những lúc đó hoặc tôi nhặt quả cầu, hoặc nàng nhặt trái bóng, đưa cho nhau. Chúng tôi không nói gì với nhau cả, nhưng chúng tôi suýt quen nhau những lần đó.

Cho đến một sáng, tôi trốn học. Không để đi chơi hay làm gì hết. Nếu bạn đi học chăm chỉ, chuyên cần quá sẽ có lúc bạn thấy mình lố bịch cho mà coi. Tôi nói thật đó. Bởi vậy tôi trốn học sáng hôm đó. Chỉ để thay đổi vậy thôi. Và tôi leo lên những cành hoa sứ trước nhà. Bạn cũng biết cây hoa sứ thật đặc biệt, nghĩa là nó có hoa đẹp mà lại vừa có nhiều cành thật rắn chắc, có thể leo trên đó hàng giờ hay cả buổi nếu bạn muốn. Tôi đang ở trên cây hoa sứ như vậy và nàng đi học ngang qua. Tôi quả không ngờ là nàng đi học muộn. Có lẽ nàng được nghỉ một giờ đầu gì đó. Tôi nói là nàng đi ngang qua nhưng sự thật thì nàng đi ngay phía dưới. Ngay dưới chân tôi, ngay dưới tôi. Có cái gì thật oái oăm trong trường hợp như vậy. Không phải là vì khi người ta là một thiếu nữ, mà mình đang lủng lẳng trên cành cây, không phải vậy. Nhưng quả thật có cái gì không thuận buồm xuôi gió. Và như vậy, tôi ngồi yên, thu nhỏ người lại. Nàng đi qua phía dưới. Nàng qua hẳn rồi. Tôi thấy tóc nàng cột thành cái đuôi, với lụa xanh. Xanh lá cây.

Bỗng chốc, nàng quay người lại. Rồi tôi nghe: "Này, tôi chúa ghét những người con trai hái hoa". Trời ạ, nàng đang ám chỉ gì đây chớ. Quả thật là tôi đang bấn loạn, nhưng không phải vì vậy mà tôi để cho một người con gái chỉ trích tôi đâu. Dầu rằng đó là người con gái cột tóc màu xanh lá cây. Tôi cũng biết ghét những người chua chát chớ. Nàng đã quay đi rồi, nhưng tôi cũng nhanh không kém: "Cô không thấy rõ là hoa cắm trong bình sẽ đẹp hơn là để héo trên cây sao?" Tôi nói bằng cái giọng của nàng. Nếu bạn muốn tán một cô nào thì chỉ có hai cách. Một là bạn hãy làm cho cô ta xúc động qua sự dịu dàng rất đàn ông của bạn. Cách thứ hai làm cho nàng giận bạn. Nhưng không phải tôi muốn tán nàng hay gì hết. Tôi chỉ trả đũa vậy thôi. Và sự thật là tôi thành công thấy rõ. Nàng đã bước hẳn về phía tôi và hét tướng lên: "Đồ ích kỷ". Sự giận dữ của nàng làm tôi quíu lưỡi, ngoài dự liệu của tôi. Tôi thấy rõ là nàng còn muốn dành cho tôi những tiếng nặng hơn: Đồ khùng. Đồ  ngu. Đồ mắc dịch... Tôi không kịp leo xuống. Tôi nhảy đại xuống, bất kể rằng tôi đang ở trên cành cao. Và tôi có thể nhảy trúng nhằm nàng. Tôi bất kể. Điều tôi làm là, tôi đặt lên trên tập vở của nàng một cái hoa. Và tôi nói thật nhanh. Khi bạn bị quíu lưỡi vì con gái thì hoặc là bạn sẽ bập bẹ. hoặc bạn sẽ nói thật nhanh như bị tuột dốc. Tôi nói: "Không phải tôi hái hoa để cắm trong bình đâu, tôi chỉ muốn tặng cô thôi". Nét mặt nàng không đổi. Nhưng nàng nói, giọng nàng có đổi đi chút ít: "Tôi thích hoa sứ, nhưng như thế cũng chưa hẳn đủ làm lời tạ lỗi đâu". Tôi còn nghe nàng nói trễ học rồi, và nàng vụt biến mất. Nàng nói đúng, tôi cũng không mong là nàng có thể hết giận tôi.

Sau này có một dịp nàng bảo tôi và nàng đã quen nhau từ lần đó. Tôi thì chưa hề có nghĩ như vậy. Ai đời lại quen nhau vì một chuyện xung đột, dầu rằng chỉ ít ít thôi. Nói cho cùng, kể cả trường hợp nàng giận cay giận đắng đứa con trai trèo cây sứ và hái hoa, là tôi, tôi vẫn không mong rằng đã quen nàng.

Tôi quên nói là nàng có nhiều bạn lắm. Những người bạn trai của nàng thật dễ thương. Họ đều sáng sủa cả. Họ nói chuyện và cười đùa với nàng thật vui. Tôi chỉ nhìn thấy thôi, chưa bao giờ tôi nghe thấy họ nói gì với nhau. Nhưng tôi biết là những câu chuyện cũng thật dễ thương và vui. Tôi thường che giấu mình thật kín, mỗi khi thấy họ đi qua hoặc đứng với nàng trước ngõ, hay bất cứ nơi nào họ muốn nói chuyện. Tôi không nên làm tắt ngang những chuyện vui của nàng.

Nhưng một lần tôi đã thật sự làm nàng bực mình. Tôi muốn nói là tôi đã vô cớ xen vào, làm hỏng một lúc thật vui thích của nàng, bằng một lỗi lầm tệ hại nhất. Nguyên do chỉ vì cặp giò của tôi vụng về. Nếu tôi đá bóng hay hơn và chính xác hơn thì khóm hoa của nàng đâu đến nỗi xác xơ. Tôi chỉ nghe vảng những âm thanh gẫy gập của cành hoa. Nhưng tôi nghe thật rõ một nửa người tôi lạnh ngắt. Lần đó tôi thấy nàng không ném trả quả bóng qua hàng rào cho tôi.

Tôi không bao giờ có ý nghĩ làm quen với nàng. Suốt đời tôi, nếu có lần tôi đã gợi chuyện với nàng, cũng chỉ để chuộc lỗi mà thôi. Bởi vậy, một lần tôi qua bên nhà nàng là để xin đem quả bóng về.

Tôi bảo nàng là tôi quá cần trái bóng, vì ngày mai tôi sẽ đi biển. Tôi còn nói thật nhiều rằng tôi phải có quả bóng tôi mới ra bãi biển được. Rằng tôi chỉ thích biển khi nào có quả bóng để chơi. Tôi cứ phải nói thật nhiều, bởi lẽ nàng thì làm thinh. Một lát tôi nghe mình lạc đề. Vì lẽ ra tôi còn phải nói về quả bóng, nhưng tôi đã bắt sang chuyện những con sò. Tôi nói về cách thức mình có thể dùng chân để tìm bắt chúng. Với nữa, nếu có được nhiều thì mình nướng sò để ăn. Tôi cho nàng biết là khi bắt được năm con sò, hay nhiều hơn thì mình mới bắt đầu ăn được. Vì lẽ rằng sò thì nhỏ, với nữa người chủ quán tôi quen ở bãi biển chỉ cho tôi mượn bếp lò để nướng sò khi nào tôi có được năm con trở lên.

Nàng vẫn cứ ngồi làm thinh, đến nỗi tôi nghe cả tiếng những con chim kêu phía bên ngoài. Cuối cùng nàng nói: "Ngày mai tôi cũng đi tắm biển". Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Nhưng nàng đã nói tiếp là ngày mai nàng được nghỉ học. Và rằng nàng thích đi biển vào ngày thứ bảy, ít người. Và rằng đi tắm như vậy nàng có thể từ chối khi lũ bạn nàng rủ nàng cùng đi ngày chúa nhật. Nàng nói không ai đi tắm hai ngày liên tiếp, và đó là lý do để nàng từ chối. Chắc chắn ngày cúa nhật sẽ có chừng bảy đứa bạn trai đến rủ nàng đi. Nàng không nói gì đến quả bóng của tôi. Tôi phải hỏi lại: "Nhưng ngày mai tôi sẽ cùng đi tắm với quả bóng của tôi chứ?" Nhưng hình như nàng không nghe tôi hỏi. Bởi lẽ nàng nói rằng chiếc xe nhà nàng đang nằm ở một ga ra từ hai ngày rồi. Tôi buồn không chịu được. Nhưng không ai hỏi hoài về chuyện một quả bóng. Cái quả bóng mắc dịch đã làm gẫy cả khóm hoa. Với nữa, khi một người nào nói với bạn rằng xe họ chết máy mà bạn thì nói chuyện về quả bóng, thật trông bạn ngố lắm. Bởi vậy tôi hứa sẽ đưa nàng ra biển.

Tôi thức dậy không muộn lắm, nhưng nhìn qua kẽ lá của hàng hoa ti gôn tôi thấy nàng đã đứng trong sân nhà. Quả bóng của tôi trên tay nàng.

Nàng nói rằng chiếc xe của tôi thơm mùi xăng cháy. Thơm, tôi chết được. Nàng bảo nàng thích ngửi mùi xăng. Nàng nói không sai đâu. Tôi cũng có một đứa em gái, em mê ngửi mền nhà binh bạn ạ. Nếu bạn thấy em lúc em ngủ thì bao giờ bạn cũng thấy em đắp một cái mền. Em đắp mền và kéo lên tới mũi em. Bao giờ cũng vậy. Không ngoại trừ mùa hè hay mùa nào. Thế nên khi nàng nói là nàng thích cái xe tôi khi nó xông lên mùi xăng thì tôi tin là nàng nói thật. Tôi cũng tin mùi xăng là lý do duy nhất khiến nàng thích, không vì một lý do nào khác nữa. Cả tôi cũng không thể mê chiếc xe của tôi được.

Bạn không thể lái xe một cách thoải mái được trong thành phố. Bao giờ thì bạn cũng phải lái thật nhanh, nhanh bằng những chiếc xe khác. Nếu không bạn cứ phải nép vào lề để cho người đi sau qua mặt. Nhưng ở sát lề luôn luôn có nhiều ổ gà. Bởi vậy tôi không thích lái xe hơi tí nào hết. Nhưng không phải ai cũng biết đi bộ đâu.

Không thể nào bạn có cảm tưởng đúng về biển. Nghĩa là lúc còn đứng trên bãi cát bạn sẽ khác biệt hẳn với lúc bạn đã nhoài người bạn trên những con sóng, hay là ngâm mình trong nước. Bạn không còn bận tâm gì về những bài tập hay bài học bạn phải làm. Hoặc nếu bạn trốn học, cũng chẳng khác biệt gì hết, so với ngày nghỉ học hay ngày lễ. Bất kể rằng bạn đem theo nhiều tiền hay ít tiền. Bạn cũng không bận tâm về việc lát nữa bạn có được chơi bóng hay là không. Biển là vậy đó.

Nhưng tôi vẫn được nàng trao cho quả bóng. Nàng đã vẽ trên quả bóng mấy cái hoa, có lá. Một chỗ khác nàng vẽ một bàn chân. Có cả mấy giòng chữ nữa. Tôi nghĩ đó là mấy câu thơ của nàng. Nàng tô điểm quả bóng của tôi bằng mực xanh lá cây. Nàng hỏi tôi liệu nước biển có làm phai đi màu mực hay không. Tôi bảo nàng là không. Tôi sẽ không làm ướt quả bóng. Tôi đem cất quả bóng vào trong xe.

Một điều khá buồn cười là chúng tôi không tìm lại được nơi chúng tôi đã vùi mấy hộp nước ngọt. Lúc mới vừa tới biển tôi đã nghĩ ngay đến việc nên đem vùi chúng xuống cát ướt. Việc đó cũng giống như là ướp lạnh chúng vậy. Ngon lắm, bạn cứ thử thì biết. Nhưng bạn nhớ là phải làm một cái dấu hiệu gì đó, nơi mình đặt những hộp nước ngọt. Đừng quên như tôi lúc đó. Chúng tôi dùng tay đào sâu vào lớp cát ướt, tìm kiếm. Công việc này cần nhiều kiên nhẫn. Có thể nói là không thích thú gì, nếu không có những lần tay của chúng tôi vô tình nắm vào nhau. Tôi nghe rõ cát cũng run run. Mặt nàng cúi và tóc nàng che phủ. Tôi không thấy rõ mặt nàng để đoán biết nàng có bất bình vì việc tôi đã quên làm dấu hay không. Những lúc có nàng, tôi luôn luôn có những chuyện tréo cẳng ngỗng. Nhưng tôi cũng hơi an tâm vì thấy nàng tìm rất chăm chú. Tôi nghĩ dầu sao nàng cũng buồn lắm. Một lúc, tôi không nhớ rõ là lúc nào, tôi nghe một khoảng da trên lưng bàn tay tôi nóng ran lên. Không phải vì chúng tôi nắm tay nhau hay gì hết. Nhưng vì một hạt nước mắt nàng rơi trên đó.

Tôi không kể cho bạn nghe chuyện tôi bối rối, lúng túng như thế nào. Tôi chỉ kể cho bạn nghe chuyện một lát lâu sau. Nghĩa là lúc chúng tôi đã tìm được mấy hộp nước ngọt. Khi chúng tôi ngồi với nhau trên bãi cát, nàng nói với tôi rằng nàng muốn vẽ vài cái hình lên cái xe mắc dịch của tôi. Bằng mực xanh lá cây, nàng nói. Nàng có kể rằng ba nàng không còn cho phép nàng dùng mực xanh lá cây để chép bài. Ba nói nàng sẽ phải thi vào cuối năm học. Và rằng không ai dùng viết xanh lá cây để làm bài thi cả. Rằng nàng sẽ phải đổi màu mực ngay bây giờ. Bởi lẽ nếu đợi đến lúc đi thi mới đổi thì nàng rất có thể sẽ ngỡ ngàng vì việc đột ngột thay màu mực như vậy. Điều đó ảnh hưởng không ít đến kết quả thi của nàng. Đối với nàng việc không còn dùng viết xanh lá cây nữa là một điều khủng khiếp. Nàng buồn ghê lắm, và đó cũng là lý do tại sao bàn tay tôi đã nóng ran lên. Phần tôi, lúc đó tôi chỉ thấy khía cạnh khôi hài của câu chuyện. Nghĩa là khi một ai đó nói rằng họ ngỡ ngàng vì một màu mực, thì bạn dễ tức cười lắm. Cho dầu đó là màu xanh lá cây. Tuy vậy, tôi cũng nói với nàng là có nhiều điều thật rắc rối, phức tạp một khi mình đã tới lúc phải đi thi này nọ.

Tôi muốn kể tất cả mọi chuyện cho bạn nghe. Kể cả chuyện tôi đã cất giữ quả bóng như thế nào. Quả bóng có vẽ hoa. Chuyện tôi không còn đá bóng nữa. Chuyện nàng đã thay màu mực gì khi nàng không còn viết xanh lá cây nữa. Chuyện nàng đi thi. Kể cả chuyện bây giờ nàng đã ở một nơi cách xa tôi trăm ngàn cây số... Nhưng bạn cũng biết đó, khó lòng mà kể trọn vẹn một câu chuyện nào. Nhất nữa là khi câu chuyện đó mình vẫn thường gọi là kỷ niệm. Như trong câu chuyện này tôi đã thay đổi một vài chi tiết, và đã phải bỏ bớt đi nhiều chi tiết khác. Bạn không thể kể cho ai nghe, đúng như thật, những chuyện như vậy được.

Dầu vậy, những thiếu sót đó không hề gì, khi mà ý của tôi là chỉ muốn hỏi bạn một điều. Hay đúng ra, tôi muốn bạn cùng tôi để ý xem, tại sao những kỷ niệm đều màu xanh lá cây. Bạn và tôi thôi, còn nàng hẳn là nàng biết.


PHƯƠNG VIÊN      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 73, tuần lễ từ 19-10 đến 26-10-1972)



Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

MÙA THU RONG CHƠI - Mường Mán

 

 Gửi Ngụy Ngữ

Khóe nhìn nàng có ba phần tư diễu cợt, một phần tư nồng ấm.

- Hình như đây là lần thứ năm mình gặp nhau?

Tôi cố gắng để tia nhìn tôi có ba phần tư nồng ấm, một phần tư diễu cợt:

- Đâu có, chỉ gặp lần này thôi, bốn lần trước tôi chỉ thấy cô, chưa ngồi đối diện nhau, không thể gọi là gặp.

Nàng cười khẩy, nửa thích thú nửa ngạc nhiên ngờ ngợ:

- Cái gì đã khiến anh theo dõi tôi?

- Vẻ dịu dàng của một vật lạ.

- Rõ hơn.

- Dễ hiểu và giản dị hết sức. Thành phố nhỏ tí xíu này đám đông quen nhẵn mặt nhau, một kẻ khác từ nơi xa lạ tới, dễ nhận ra lắm.

Đôi mắt nàng rạng một nét cười:

- Nếu lúc nãy tôi từ chối không vào ngồi đây, anh tính sao?

- Buồn một tí trên đường đi rong, và có lẽ buồn nhiều nhiều khi về tới nhà.

Nàng ngó lơ ra ngoài khi tôi nhận ra giọng mình có chút gì như giả vờ.

- Mưa ở đây thật nhẹ nhàng.

- Vì mưa thương đất, mưa mạnh quá đất sẽ đau.

- Chắc vậy không, anh?

- Cứ tưởng tượng thế.

- Anh có lối tưởng tượng lạ đấy. Tiếp tục nữa đi.

- Tưởng tượng tôi và cô là một đôi bạn.

- Thân hay sơ?

- Lửng lơ giữa thân và sơ.

Nàng chớp mắt. Đôi môi vừa cắn vỡ một hạt mưa vô tình nào đó, ướt mời mọc.

Tôi mở một cánh cửa khác cho câu chuyện:

- Cô từ đâu tới?

- Dĩ nhiên là không từ trên trời rớt xuống hoặc, dưới đất chui lên. Anh thử đoán coi.

- Sàigòn, Đà lạt, Lào, Cam-pu-chia...

Nàng vui vẻ tiếp lời:

- Ma rốc, Ấn độ, Tàu, Thái lan...

Tôi cười dòn:

- Thôi không cần biết cô từ đâu tới, nhưng hơi tò mò tí nhé, cô về đây làm gì vậy?

- Tìm một chút cổ điển, thành phố tôi ở tối tân quá, phát nản.

- Cô tìm ra chút cổ điển ấy chưa?

- Mấy hôm trước thì chưa, giờ tìm thấy rồi.

- Ở đâu vậy?

- Ở anh.

Tôi tỏ lộ sự ngạc nhiên bằng cách hơi hả miệng ra chút chút, cho vừa nỗi bất ngờ trong hai tiếng nàng vừa thốt. Ở anh (?)

- Có chút cổ điển nào ở tôi?

- Anh có lối tán gái thật cổ điển.

- Lầm rồi, cô bạn. Tôi chưa định tán cô đâu. Nãy giờ mình nói chuyện tào lao mà. Thấy chưa? Cô còn tưởng tượng gấp ngàn lần tôi.

Thú thật, tôi chưa thấy đôi má đỏ au nào tuyệt vời bằng đôi má của nàng lúc này. Tôi còn khôn ngoan biết rằng, không nên để một phụ nữ kéo dài sự thẹn thùng, nhất là phụ nữ mới quen. Mắc cỡ lâu quá, dài quá, họ đánh mất sự tự nhiên và rất có thể sẽ chui vào cái vỏ im lặng, hết hào hứng.

- À này, sao sáng nay cô đi một mình? Cái ông "vệ sĩ" hôm qua hôm kia đâu?

Nàng kéo vài sợi tóc đưa lên môi ngậm. Cử chỉ làm dáng ưa thích của nàng?

- Ông anh họ tôi đó. Sáng nay khi thức dậy, dòm qua cửa sổ thấy mưa, tôi nghĩ nên đi dạo một mình thú hơn. Đi một mình dễ gặp những cái bất ngờ lắm.

- Có phải tôi là cái bất ngờ ấy không?

- Có lẽ.

- Đêm qua cô ngủ và có mơ?

- Vâng, mơ nhiều lắm, nhưng rất tiếc trong những giấc mơ đẹp của tôi không có anh.

Nàng có lối nói thật tinh quái. Ít ra cũng tinh quái bằng con chồn trong truyện cổ tích.

- Không thấy tôi trong mơ là may mắn đấy.

- Sao vậy, anh?

- Trong mơ cô thấy tôi, cam đoan cô phải khóc thét lên, mất ngủ.

Cả hai cùng cười một lượt. Nụ cười tôi hẳn là có nhận, phản ánh đôi chút long lanh sáng choang từ những hạt răng nàng. Cứ gì phải có răng khểnh cười mới có duyên? Nàng không có chiếc răng khểnh nào cả, vẫn duyên dị thường, duyên nhức nhối. Tôi muốn biến thành sợi tóc để nàng ngậm giữa môi cười ấy quá. Sợi tóc thề nhịn đau để răng nàng cắn, nhâm nhi một cách lười biếng.

Dường như cảm thấy đôi môi hơi khô vì bị tia nhìn chiêm bái của tôi thiêu đốt, nàng nâng ly nước trước mặt lên uống một ngụm. Những ngón tay nuột nà vòng quanh ly nước thân ái quá làm tôi bỏ ý định muốn biến thành sợi tóc ; muốn biến thành cái ly ngay tức khắc.

Mưa bên ngoài không thêm sức nặng ; nhẹ, đan mành mỏng, rung động theo từng đợt gió từ trời tạt ngang hoặc từ mặt sông đưa lên. Cũng có thể gió tới từ nơi xa xôi nào đó, từ thành phố nàng chẳng hạn. Nàng mang theo giòng gió lạ tới hôn phối với cơn mưa xứ này (?) Gió và mưa làm đám cưới rực rỡ mùa thu.

Mùa hạ già, chết, và thu tới.

Tinh sương ngâm tay vào thau rửa mặt, nước lạnh sẽ bảo cho ta biết mùa thu đã tới. Trưa dịu về ngang mặt hồ lục biếc, những đám lục bình nói khẽ ta nghe thu vừa sang. Chiều thắm đứng trong vườn, hàng trăm cánh lá chín rơi xuống vai thì thầm thu đã về ngự. Đem thu ngửa bàn tay, rủ làn tóc, đưa má, chìa môi cho đêm hôn, sương xanh sẽ run rẩy thủ thỉ thu về rồi mình ạ! Vâng. Vừa thu. Đang thu.

Và, đứa con gái ngồi trước mặt tôi có thể gọi nàng bằng danh xưng: Thu lạc đường không? Thu từ một thành phố khác, lạc tới đây. Ngồi trong căn quán hẹp này. Cứ gọi tạm nàng là Thu, tên Thu đi.

- Thu à, cám ơn em đã tới viếng thăm thành phố tôi ở.

Nàng chớp mắt kinh ngạc nhẹ:

- Anh lẩm bẩm gì thế? Anh gọi cô Thu nào đó.

- Tôi muốn gọi cô là Thu. Hẳn cô không phải tên Thu, nhưng cứ nhận đi.

Nàng chẳng hiểu thâm ý của tôi gì cả. Nàng hỏi một câu thật ngu:

- Bộ anh nhìn tôi giống cô Thu nào trong mộng hả?

Tôi ghét giải thích. Gật đầu đại.

- Thế anh, anh tên là gì nhỉ?

Tôi tinh nghịch:

- Tên hồi nhỏ hay hiện tại?

- Cả hai.

- Hồi nhỏ tôi tên Cu-Anh, vì ở nhà có thằng Cu-Em nữa.

Nàng khẽ nhún vai, mặt rạng vẻ thích thú:

- Hiện tại, anh?

- Không kể tên trong khai sinh, bạn bè thường gọi tôi là Thất-tình đại hiệp.

- Anh không định đùa chứ?

- Đúng vậy.

- Anh thất tình mấy lần rồi, thưa đại hiệp?

- Tiếc quá tôi không đếm, đã có những thằng bạn quỷ sứ của tôi chúng đếm dùm.

Tôi đốt một điếu thuốc, nụ cười nàng nở sau làn khói nhuốm vẻ huyền hoặc màu hồng pha tím. Nàng vụt trầm ngâm như một đạo sĩ.

- Thu, cô đang nghĩ gì?

- Thất-tình đại hiệp, tôi tiếc không còn ở đây lâu để thường xuyên được gặp anh. Lát nữa tôi rời chỗ ngồi này và, mai tôi rời thành phố này.

- Sớm quá!

- Sáng nay, trước khi gặp anh tôi đã tới Air Việt Nam mua cái vé máy bay.

- Về đâu?

- Sàigòn, đại hiệp ạ.

Tôi giả vờ làm mặt lạnh, giấu xúc động, nhấc ghế đứng lên:

- Vẫn còn kịp cho một cuộc đi dạo dưới mưa.

Nàng gật đầu dễ thương in một con mèo buồn ngủ.

Quên hết đám đông thiên hạ và đường phố, chúng tôi đi rong : lan man nhắc kể những lần gặp nhau trước. Lần thứ nhất, tôi làm cái đuôi theo nàng đi hết hai quãng đường, lòng vòng hết một khu chợ. Lần thứ hai, trong phòng tranh của một họa sĩ thời danh. Lần thứ ba, nàng thân ái gửi tôi một nụ cười, nói cảm ơn khi tôi nhường ghế cho nàng ở buổi độc tấu dương cầm của một nhạc sĩ Tây Đức tại trường Quốc gia Âm nhạc. Lần thứ tư, tình cờ cùng tới dự tiệc cưới của một cô bạn ; lần này thuận lợi nhất nhưng tôi không nói với nàng lời nào ngoài những nụ cười và những khóe nhìn chơi trò cút bắt. Lần thứ năm, sáng nay, tôi khoan khoái "bắt gặp" nàng đi một mình và, thở ra nhẹ nhõm khi nàng nhận lời vào quán nước.

Bây giờ, nàng làm mới cuộc chuyện trò bằng cách bỏ tiếng "tôi", xưng Thu, cái tên do tôi đặt.

- Thất-tình-đại hiệp ạ, về Sàigòn trí nhớ Thu giàu thêm một mớ kỷ niệm.

- Ừ, giữ lấy, sau này làm của hồi môn. Nhưng Thu sẽ nhớ những gì?

Nàng đưa tay hứng những giọt mưa:

- Thu nhớ có một chàng trai trẻ tóc xanh da tái huyền hoặc, chàng tên Thất-tình-đại-hiệp. Nhớ những dĩa bánh bèo, bánh cuốn, những tô cơm hến có ớt đỏ cay xé môi. Nhớ...

Tôi ngắt lời:

- Hình ảnh chàng Thất-tình-đại-hiệp sẽ được hân hạnh trộn lẫn với các món đồ ăn trong cái nồi súp của trí nhớ Thu.

Nàng cười dòn:

- Nói thật đó, đừng đùa, đại-hiệp!

Lòng tôi gợn lăn tăn những đợt sóng êm ái. Mắt nàng âu yếm phát ra tia lửa bí mật nào đó làm trái tim tôi nóng hực trong lồng ngực. Qua những chặng đường vắng hoe, tôi cố kềm giữ bàn tay muốn nổi loạn của mình trong túi quần tôi, bàn tay, lỡ thả nó ra chắc nó sẽ chụp vội bàn tay đang hứng mưa dễ thương của nàng mất.

Đến lúc phải chia tay. Tôi cảm khái thốt một lời hò hẹn, không quên chớp mắt vài ba cái cho thêm phần cảm động:

- Ngày mai anh sẽ ra phi trường tiễn Thu đi.

Lần nữa, nàng ngoan ngoãn gật đầu, dễ thương in một con mèo buồn ngủ.

*

Tôi ghét đám em họ, anh họ vây quanh nàng cười nói, dặn dò tíu tít, chọn một chỗ khuất thầm lặng ngắm nghía nàng.

Sáng nay, nàng vận jupe ngắn màu tím than, áo vàng màu da bò nóng cháy. Vừa nói chuyện với đám anh em họ của nàng, thỉnh thoảng nàng đảo đôi mắt đẹp dớn dác nhìn bốn phía. Tôi tin rằng những khóe nhìn tìm kiếm ấy dành cho tôi, tôi càng không muốn ra mặt, tới chào nàng. Tôi đang dành cho nàng một ngạc nhiên lớn.

Trời không mưa, căn phòng tường kính ồn ào tiếng cười nói. Chiếc Boeing 727 nằm im lìm ngoài phi đạo.

Nàng đảo mắt nhìn lần thứ ba thì, giọng nói dẻo dẹo của một cô ngồi ở quầy đổi vé vang lên trong máy phóng thanh: "Mời quý vị hành khách đi Sàigòn lên tàu".

Lên tàu. Nàng bối rối ngạc nhiên khi thấy tôi chọn chiếc ghế cạnh nàng và ngồi xuống. Nàng khéo léo chấm dứt sự ngạc nhiên bằng một nụ cười:

- Anh cũng đi nữa à?

Dở ẹt. Câu chào mừng của nàng đáng lẽ phải ấm áp: A! Anh quyết một lòng một dạ theo em há! Nàng đã không thể nói được một câu tương tự như thế. Tôi thất vọng chút chút. Tôi khẽ nhún vai. Điệu nhún vai bất cần của anh chàng J. P. Belmondo trong một phim nào đó, tôi rán bắt chước:

- Ừ, lâu lâu cũng nên đi xa, ở mãi một chỗ cuồng chân quá.

Và, tôi nói thầm trong bụng: Em bé, em ngu quá. Bộ em ngỡ anh là dân hào hoa chăng? Em thừa biết một vé boeing đi Sàigòn thời buổi này đắt kinh khủng. Trưa hôm qua anh phải tạm cho một cái áo len, cây đàn guitar, một cái đồng hồ vào "nghỉ mát" trong tiệm cầm đồ. Chưa đủ, phải năn nỉ ỉ ôi mượn thêm hai thằng bạn nữa mới có một số tiền, khả dĩ gọi là kha khá cho cuộc rong chơi này đấy.

Trong một thoáng, tôi bỗng nghĩ tôi ngu quá, dại gái quá. Ai đời lại theo cô nhỏ một cách bạt mạng vậy? Trưa hôm qua tôi đột ngột quyết định phải đi Sàigòn và, đêm hôm qua nhớ nàng quắt quay, nhức nhối.

Nhưng này! Có hề gì đâu. Muốn phiêu lưu, ta cứ phiêu lưu một chuyến chơi. Trái tim nằm trong ngực tôi chính nó, nó lôi tôi đi đó.

Nàng dựa ngửa vào lưng ghế:

- Anh về Sàigòn có chuyện gì thế, Thất-tình-đại-hiệp?

Đôi mắt nàng nhắm hờ như sẵn sàng đi vào cơn mơ nào. Tôi trầm giọng, cố làm ra điệu thì thầm:

- Rong chơi, và tiếp tục được gặp cô, Thu ạ!

Máy bay rời mặt đất, lướt êm qua những bụng mây nõn. Kệ xác máy bay, kệ xác mây gió trời đất. Tôi say mê tán tỉnh nàng. Chẳng bao lâu, hai bàn tay chúng tôi quấn quít nắm lấy nhau. Nồng nàn, nóng ấm và cảm động hết sức.

Tôi muốn có đông đủ mặt những thằng bạn quỉ sứ của tôi ngay lúc này, cho chúng tha hồ chiêm ngưỡng, để từ nay chúng hết âu yếm chế diễu tôi là Thất-tình-đại-hiệp nữa. Tôi cảm thấy bằng lòng với chuyến đi này và phục mình quá cỡ. Hỡi cái áo len, cây đàn guitar, cái đồng hồ! Ta trân trọng cám ơn các ngươi. Các ngươi là những "thánh tử đạo" đầu tiên hy sinh cho cuộc tình ta đó. Ta nhớ ơn các ngươi đời đời. Cái mặt nhăn nhó của mụ chủ tiệm cầm đồ trong trí nhớ tôi cũng trở nên dễ thương.

Tôi muốn chuyến bay kéo dài chừng nào tốt chừng ấy. Bay lạc sang Úc châu, Mỹ châu gì đó cũng được, miễn là tôi được ngồi gần nàng, nghe nàng thỏ thẻ và hai bàn tay nắm rin rịn thứ mồ hôi hạnh phúc. Nhưng chẳng thể được, chuyến đi nào rồi cũng phải tới đích.

Lúc tiếng cô tiếp viên phi hành âm vang trong lòng tàu, báo máy bay sẽ đáp xuống Sàigòn trong vài phút tới, nàng cười một nụ tươi ; lục ví lấy cuốn sổ tay ra xé một tờ, nhăn mày suy nghĩ 2, 3 phút gì đó, rồi viết cái địa chỉ dúi vào tay tôi:

- Chiều nay 3 giờ mời anh tới nhà Thu chơi, nhà vắng lắm, chỉ có hai đứa em nhỏ của Thu thôi, papa đi làm. Lát nữa có papa đón ở phi trường, mình không thể cùng về. Nhé, anh nhé!

Tôi định đề nghị nàng một chỗ hẹn khác. Tôi rất ghét dẫn xác tới nhà lạ, nhưng không kịp nữa, máy bay dừng lại, nàng rời ghế ngồi, tôi chỉ kịp siết chặt tay nàng (cho những ngón tay cùng được chia xẻ sự ngọt bùi của lời hò hẹn). Tôi đưa miếng giấy ghi địa chỉ nàng lên môi hôn rồi âu yếm nâng niu nhét nó vào túi.

Ông bố tới đón nàng thật. Nàng leo lên chiếc xe bốn bánh sơn màu kem sữa. Tôi ngẩn ngơ trông vời. Hồn và xác đều ngậm ngùi.

*

Bạn thân mến! Đọc đến đây chắc bạn nghĩ tôi sắp có một buổi chiều tuyệt vời ở Sàigòn, với cô bé nho nhỏ xinh xinh?

Không đâu bạn ạ! Bây giờ và cho tới chết, hình tôi vẫn là kẻ ngây thơ, đuổi bắt những hình sương bóng khói của cái mà người ta gọi là tình yêu.

Và, có lẽ tôi chưa hề rũ bỏ hỗn danh Thất tình đại hiệp do những thằng bạn quỉ sứ của tôi thân tặng nên, khi tìm tới địa chỉ do cô nhỏ jupe tím áo vàng ghi lại, bâng khuâng ngước mắt nhìn lên bắt gặp tấm bảng to tổ bố, kẻ những chữ đậm nét : DƯỠNG - TRÍ - VIỆN X.

Nàng tinh quái còn hơn con chồn trong truyện cổ tích, phải không?


MƯỜNG MÁN       
9-72               

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 71, tuần lễ từ 5-10 đến 12-10-1972)
 

 
 
 

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

NHỮNG NGÔI MẢ TỔ - Bình Nguyên Lộc

Sáng hôm ấy, dân trong xóm Sỏi đang không làm gì cả, vì mùa lúa đã mãn từ hơn một tháng rồi, thì rất ngạc nhiên mà thấy ba người đàn ông mặc Âu phục đi vòng quanh xóm.

Xóm cất trên một cái gò thấp nhưng vẫn nằm cao hơn ruộng chung quanh. Gò rộng độ bốn mẫu, hình tròn không đều nhưng những kẻ đi vòng quanh đó cũng có vẻ đánh nhiều vòng tròn như các ông thầy chùa chạy Kim Đàng.

Đây là một xóm đèo heo hút gió, nhưng người dân ở đây vẫn thường thấy người ở thành thị, những người đi săn, thỉnh thoảng ghé qua đó để xin vài tô nước, đi mua một con gà, hoặc để thuê một chiếc xe bò, loại xe chà rẹc đi vào rừng kéo một con thịt lớn mà họ săn được, cọp hoặc nai to chẳng hạn.

Nhưng hôm nay họ lấy làm lạ lắm là ba kẻ lạ mặt cứ đi vòng quanh xóm mãi chớ không vào xóm. Ba kẻ ấy lại không có mang súng, nghĩa là không có vẻ gì là thợ săn cả.

Cả ba đi trên ruộng khô - ruộng nầy cũng là ruộng gò, tức ruộng cao ở ven rừng - nằm sát bờ gò xóm Sỏi.

Cả ba người đều cúi gầm mặt xuống đất như để tìm kiếm tiền bạc gì mà họ đánh rơi dưới ấy lúc nào không rõ. Thỉnh thoảng một người cúi xuống lượm cái gì lên xem, có lẽ là một hòn sỏi, rồi họ trao tay nhau món ấy, rồi họ bàn tán với nhau rất lâu.

Dân trong xóm hơi sợ, dĩ nhiên là họ sợ cái gì mà họ không thể đoán được, con người vẫn thế. Vào rừng, họ biết có thể gặp cọp, nhưng họ không lo bằng khi họ vào thành phố Sài gòn chẳng hạn, mà họ không biết cái gì đang đợi họ ở đó.

Cái trò đi vòng quanh xóm kéo dài hơn một tiếng đồng hồ thì có chuyện lạ xảy ra: ba kẻ lạ mặt quả quyết bước lên gò để vô xóm.

Xóm Sỏi chỉ đông có năm cái nhà thôi. Nói nhà để nghe cho sang trọng chơi vậy chớ đó chỉ là năm cái chòi. Chòi cất bằng tre, không cửa, không vách, lợp bằng tranh, tức làm toàn bằng vật liệu tìm được tại chỗ dễ dàng, không tốn của mà cũng chẳng tốn công là bao nhiêu. Nhưng dân ở đây nghèo khổ quá nên họ không buồn nghĩ tới tiện nghi. Họ là tá điền, chủ ruộng ở xa lắm, mà là thứ tá điền hạng bét vì ruộng gò rất thất lúa, cho nên chủ ruộng mà còn không đong được bao nhiêu giạ thóc sau mùa gặt hai mươi mẫu ruộng khô ở đây thì nói chi tá điền họ thường không đủ lúa ăn tới sáu tháng.

Ruộng rừng bị nai và heo rừng phá lúa dữ quá, canh gác không xuể, chỉ đành đánh bẫy chúng để ăn thịt trừ cơm, nhưng ăn bao nhiêu cũng không hết thú rừng nên họ nhẫn nại chịu số phận vậy.

Dân số trong xóm, đếm đầu được hai mươi mạng, vừa già, vừa trẻ, vừa nữ, vừa nam. Người mình rất đông con, nhứt là trong giới nghèo. Nhưng nghèo vừa kìa, chớ nghèo sát đất như dân xóm Sỏi thì lại hiếm con.

Đáng lý gì năm gia đình nầy gồm ít lắm là bốn mươi người, vậy mà số nhân khẩu ở đây không bao giờ vượt lên khỏi hai mươi. Khí hậu bất bao dong ở đây, nhứt là bịnh sốt rét rừng, cọng với nghèo đói, tàn phá sức khỏe của người dân nên đường tử tức của đàn bà bị giảm, mà họ có đẻ đi nữa, con cái của họ cũng yểu tử vì hoàn cảnh, vì thọ khí bẩm không tốt của cha mẹ chúng. Vậy mà xóm nầy là một xóm rất lâu đời, bằng vào những nấm mộ sau xóm, đông đúc bằng mười lần dân số hiện tại, mà nấm mộ nào cũng có chủ cả, nghĩa là người ngày nay là con cháu của những kẻ đã sanh cư ở đây từ thuở nào rồi.

Chó trong xóm từ nãy tới giờ chỉ đứng ở các sân nhà mà sủa cầm chừng kẻ lạ mặt ngoài xa. Giờ thấy họ vào xóm, chúng đổ xô ra mà sủa dữ dội. Trẻ con sợ hãi, níu áo mẹ, còn người lớn thì hồi hộp mong đợi coi việc gì xảy ra. Ở đây buồn quá, một bác thợ săn ghé lại xin một tô nước cũng đủ làm huyên náo cả xóm rồi, và đó là một "biến cố" hay ho, giúp họ dùng làm đầu đề câu chuyện cả tuần, phương chi ba người nầy có vẻ bí mật, lạ lùng, thì "biến cố" có thể đáng kể hơn nhiều lắm.

Ba kẻ lạ mặt vào ngay nhà Tư Hoặc là cái nhà ngói ở đầu xóm. Sân không có rào, nên họ khỏi gọi cổng, cứ bước thẳng vô nhà.

Tư Hoặc không hề giao thiệp với ai, trừ với người trong xóm, mà họ đã quá thân với anh, thành thử anh không bao giờ biết xã giao là gì. Anh lại quen làm thinh cả ngày trong một thế giới gần như không người nên anh chỉ nhìn khách chớ không chào hỏi bằng lời hay bằng cử chỉ nào hết.

Người trẻ tuổi nhứt trong bọn ba người lạ mặt, hất hàm ra hỏi một cách bửa củi:

- Nhà nầy anh bán bao nhiêu?

Xóm nhà nầy xơ rơ quá, mà đất gò lổm chồm đá sỏi, đến cỏ mọc cũng không được, làm cho nó càng xơ rơ hơn. Người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm ở đời, ngỡ đề nghị giá cao, là họ bán ngay. Hoặc há miệng trố mắt mà nhìn khách rất lâu không nói không rằng gì cả.

- Mười ngàn, anh bán hay không?

Tư Hoặc vẫn trố mắt há miệng mà nhìn những con người kỳ dị nầy. Phong tục Việt nam ta, hỏi mua nhà ai mà không có lời rao bán của người ta, không những là một sự xúc phạm danh dự của người ta không thể dung tha được, mà lại còn là một lời trù rủa cho người ta sạt nghiệp, có thể làm cho người ta điên tiết lên mà giết mình nữa là khác.

Nhưng Tư Hoặc không giận. Nhà anh không đáng giá một ngàn bạc mà kẻ nầy trả đến mười ngàn nên anh tưởng đó là một lũ điên. Anh chỉ cười lặng lẽ rồi lắc đầu.

Người cao niên hơn hết trong bọn, nói với người trẻ tuổi bằng một thứ ngoại ngữ, Tư Hoặc không hiểu nhưng anh cứ cho đó là tiếng Tây.

Người lớn tuổi ấy nói với người trẻ tuổi:

- Thưa ông chủ, ông chủ hành động như ở Sài gòn không được đâu. Dân Sài gòn bị Âu hóa với lại bị tình trạng khan nhà hai mươi năm nay tập cho họ quen với việc bán nhà, mua nhà dễ dàng và cấp tốc như mua một hộp diêm, nhà họ đang ở ấm êm, ta nhào vô xáng xả đòi mua, họ bán ngay tức khắc nếu ta đề nghị giá cao, mặc dầu họ không có ý định bán nhà bao giờ. Người nhà quê thì khác.

- Chớ biết làm sao bây giờ?

- Ông chủ cho phép tôi dàn xếp có được không?

- Anh cứ tự tiện đi, tôi cho anh trọn quyền hành động

Xin được phép của chủ hắn xong, người lớn tuổi đi ra ngay. Hai người kia nối gót theo hắn. Hắn rảo khắp xóm, dòm vào từng nhà, đoạn dừng lại trước một cái thum mà trong đó hắn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ.

Hắn đứng ngoài sân, xá ông ta một cái, ông ta gật đầu, mời hắn vào nhà. Y như Tư Hoặc, ông lão nầy cũng không hỏi han gì khách cả, đợi khách nói mà thôi.

Người cao niên lễ phép thưa:

- Thưa bác, gò nầy có phải thuộc quyền sở hữu của chủ dãy ruộng nầy hay không?

- Ơ...không. Đây là đất công thổ.

- Nghĩa là đất của làng, bà con mướn năm mà ở.

- Ừ.

- Vậy thì hay quá! Thưa bác, anh em cháu là người Sài gòn, chán đời nên muốn tìm chỗ hẻo lánh mà ẩn dật. Thấy cuộc đất nầy thuận tiện để anh em cháu cất một cái am, anh em cháu xin thử hỏi bác coi bà con ở đây có bán nhà, hoặc nhường đất, dọn đi nơi khác hay không. Anh em cháu sẵn sàng đền bù cho mỗi nhà bán hoặc dọn đi một số tiền là mười ngàn đồng.

Ông lão choáng váng mấy giây rồi nổi giận nói:

- Trời ơi, chú thật là vô phép, lại không biết cữ kiêng cho người ta; nhà người ta đang ở yên lành, khi khổng khi không dám cả gan xáng xả đòi mua, đòi đuổi. Xui cho bà con tui quá, tui nói cho chú đặng biết, bà con tui ở chung quanh đây không nghe cho chú đâu.

- Xin bác tha thứ cho. Anh em cháu bằng lòng đền bù thiệt hại cho bà con mỗi người mười ngàn tức mười lần nhiều hơn giá cái nhà của bà con. Có phải bà con được lợi hay không?

Khác hẳn Tư Hoặc, ông lão nầy tuy biết bị mích lòng, mà lão lại cũng biết tham lợi nữa. Vì thế mà lão dịu cơn thịnh nộ ngay rồi suy nghĩ rất lâu.

Nhưng rốt cuộc, lão vẫn lắc đầu từ chối.

- Không thể được, lão nói.

- Anh em tôi thấy cách đây độ hai cây số, nghĩa là ở bên kia dãy ruộng nầy, có đất trống, mà lại là đất tốt nữa, trồng trọt được, chớ không phải đất cỏ cháy như ở đây. Bà con có thể...

- Không, nhứt định không, chú đừng có nài nỉ mất công.

Người thương thuyết lắc đầu, đoạn xin phép chủ nhà ra đi, cả ba đều rời khỏi xóm.

Ra tới ruộng, ông chủ trẻ tuổi cười nói:

- Anh có tài Trương Nghi, Tô Tần, nhưng cũng không thành công hơn tôi.

Bây giờ người trung niên mới mở lời lần thứ nhứt. Hắn trạc ba mươi lăm tuổi, gương mặt lanh lợi và một vẻ gì ác hiểm ẩn trong đó. Hắn hỏi:

- Nhưng các anh có chắc ăn lắm hay không mà dám dùng đến phương tiện lớn như vậy?

Người cao niên cười ha hả mà rằng:

- Tôi năm nay đã bốn mươi hai rồi, và đã lặn lội trong nghề nầy hồi tôi mới mười chín tuổi, thì các anh biết cái vốn kinh nghiệm của tôi có kém hiểu biết của một ông kỹ sư mỏ chút nào không.

Chẳng những xem mặt đất tôi không thể lầm về cái chứa của gò nầy, mà tôi còn ước lượng được sức chứa của nó nữa. Hết lớp đá sỏi trên mặt thì tới đất sét, và qua khỏi độ một thước đất sét ta sẽ gặp hai ngàn thước sạn trắng đang ngủ yên dưới ấy từ mấy ngàn đời rồi không rõ. Mỗi thước sạn trắng, trừ đi mọi tổn phí như là vận động, khai thác, chuyên chở, thuế má, là còn kiếm được lối một trăm đồng, nghĩa là ta sẽ bỏ túi hai trăm ngàn như chơi.

Nhưng đó là không kể khối sạn nằm dưới hằng trăm nấm mộ sau xóm mà ta không làm sao khai thác được cả trừ khi hành động theo cách nầy là đào hầm ăn thông dưới mộ rồi dùng trụ hầm mà chống đỡ cho đất đừng sụp, nhưng họ sẽ dòm ngó ta mà ngăn cản, và về sau nầy trụ mục thì mồ mả ấy sụp hết, mang tội lắm.

Hai người kia rất tín nhiệm bác chuyên viên nầy. Họ phấn khởi lắm vì họ biết rằng các hầm sạn trắng ở miền Nam nầy đã cạn hết rồi, không dễ dầu gì mà phát kiến được một mỏ vàng to như thế nầy đâu.

Sạn trắng ngày nay quí như vàng. Các nhà thầu, xây cất bằng bê-tông, đã phải xay nhỏ đá xanh để tạm dùng đỡ, còn sạn trắng thì chỉ để dành làm gra-ni-tô, làm vách tô rửa, hoặc để cho các bực triệu phú trải sân biệt thự thôi.

Người trung niên suy nghĩ giây lát rồi nói:

- Nếu quả đúng như vậy thì tôi sẽ có cách, miễn ông chủ chịu tốn thêm vài ngàn.

- Ừ, bao nhiêu cũng được, nói nghe thử coi.

- Nhưng phải chắc bác nầy không lầm kìa, vì cách đó tàn nhẫn lắm, có đáng việc mới nên dùng tới.

- Tôi bảo đảm bằng cả hăm ba năm lành nghề của tôi.

Người trung niên bèn hạ giọng xuống rồi thì thầm rất lâu với bạn đồng hành của hắn, mặc dầu ở đây xa xóm, không thể nào ai nghe được lời của họ. Đấy, có những điều mà người ta chỉ dám nói thầm với nhau thôi, vì người ta sợ chính cả người ta nữa.

Người chủ trẻ nghe xong, hoan nghinh liền.

Nhưng người cao niên thì châu mày tỏ vẻ bần dùng lắm.

Hắn hỏi:

- Liệu sẽ gây kết quả tai hại nào không?

- Nhứt định là không. Ở đây xa xóm. Nhà họ lại không có vách, không có cửa gì hết thì đâu có lo họ bị kẹt trong đó.

Rồi cả ba kéo nhau ra làng, ở ngoài bờ sông, cách đó độ năm cây số, nơi nhà họ tạm trú. Trước khi rời xóm, người cao niên gọi với người trong xóm mà hô rất to:

- Xin bà con nghĩ kỹ lại, vài bữa chúng tôi sẽ trở vô đây.

Đêm đó, ba người làm nghề khai thác hầm sạn nầy tổ chức nhậu nhẹt để đãi cả xóm ngoài, xóm lớn nhứt của làng nầy. Họ nhậu với kỳ nhông xé phay, rượu lậu nấu trong làng, thứ nước nhứt. Cả xóm say mèm.

Liền tiếp ba đêm liền, đêm nào cũng tiệc tùng như vậy cả, đêm thứ nhì họ nhậu với một con trút xào lăn, đêm thứ ba thì tuyệt, bởi món nhậu là hai cái vú nai đang nuôi con, bùi và thơm không tả được. Khi cả xóm cúp bình thiếc cả rồi thì người trung niên ra đi một mình. Hắn chỉ uống rượu cầm chừng thôi, nên hắn không say như chủ hắn và người đồng nghiệp cao niên của hắn. Hắn ra khỏi làng rồi băng rừng mà tiến mau vào xóm Sỏi, tay xách một cây ná lảy. Hai tiếng đồng hồ sau, hắn mới tới nơi, vì đường rừng rất khó đi. Trời đã trở bấc, khí lạnh làm cho chó trong xóm rất lười, chúng trốn mà ngủ hết, nên gã cầm ná đi tới bờ gò rồi mà không gây động.

Hắn rút ra một cây tên kỳ lạ lắm. Tên rất dài, nhưng tà đầu. Đầu tên buộc bó nhang và giữa một chục cây nhang ấy, cách đầu nhang độ hai phân tây, mười cây diêm quẹt được chôn thật chặt. Hắn núp sau một bụi cây cơm rượu, đoạn bật cái bật lửa lên mà châm nhang cho cháy. Xong đâu đấy, hắn đặt tên lên ná, nhắm nhía rồi lảy cò ná liền.

Trong bóng đêm mũi tên lửa than nầy xẹt đi, trông như một ngôi sao băng. Nếu có ai còn thức và rủi ro trông thấy, có lẽ họ sợ sệt cho rằng "Bà" giáng hạ, vì ở thôn quê, người ta tin "Bà" giáng như thế.

Hắn lùi ra xa, rồi ngồi xuống mà đợi kết quả. Nhang cháy độ năm phút thì lửa nhang gặp đầu diêm quẹt. Diêm quẹt cháy lên thành lửa ngọn mà cây tên lại đang nằm trên mái tranh của một cái chòi.

Không mấy chốc mà năm cái chòi ấy đều ra tro. Chỉ có hai mươi người trong xóm là kêu la, và năm con chó sủa om thôi, ngoài ra cả thế gian, không ai hay biết có cuộc hỏa hoạn nầy hết.

Sáng hôm sau, ba kẻ "chán đời muốn cất am để tu" trở vào đây, đúng y theo lời bữa hôm nọ, nên không ai ngạc nhiên cả.

Họ rất tốt bụng, giúp cho mỗi gia đình một ngàn bạc rồi người cao niên nói:

- Bà con phải cất nhà ngói mới tránh hỏa hoạn được: Mà cất nhà ngói phải có tiền. Ít lắm là mười ngàn. Ở đây, cây thì bà con đốn lậu được, vậy không tốn hao bao nhiêu. Bà con nên nhận đề nghị của anh em tôi hôm nọ đi.

Cả xóm làm thinh, nhìn nhau, hỏi nhau bằng mắt rất lâu, đoạn lão hôm nọ đáp thay họ:

- Bà con tôi đội ơn quí thầy tới ngàn ngày về khoản trợ giúp nầy và về đề nghị kia. Nhưng rất tiếc là không thể nhận được. Bà con tôi ở đây đã bảy đời rồi, mồ ông mả cha của bà con tôi đều nằm ở đây. Chúng tôi thương yêu cái gò cỏ cháy nầy quá rồi, không làm sao mà rứt ra để đi đâu được hết, cho dẫu là chỉ đi ở cách đây vài dặm hú.

- Bà con không tiếc mười ngàn sao?

- Tiếc lắm chớ nhưng chúng tôi lại tiếc cái gò nầy hơn.
 
 
(Trích từ tập truyện ngắn Cuống Rún Chưa Lìa)

 

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

NGƯỜI CON GÁI CÙNG ĐƯỜNG - Hoàng Minh

 

Đã từ lâu, cũng như thành một thói quen, sáng sáng tôi gặp nàng với đứa em trai nhỏ đi học. Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, ông bố nàng làm lính thỉnh thoảng thấy chở hai chị em nàng đi học. Tôi biết được là nàng học ở VHQĐ nhờ ở phù hiệu thêu trên áo nàng. Không hiểu từ lúc nào ngồi trên chiếc ghế đu bên hiên nhà, ánh mắt tôi chăm chú dõi theo tà áo dài thướt tha của nàng và ánh mắt nàng cũng bắt gặp cái nhìn đó, nàng luống cuống một chút rồi khẽ cúi đầu bước nhanh hơn. Chỉ có thế, tôi thoáng nghe bâng khuâng trong lòng. Hai ba lần như vậy, đứa em để ý biết. Nó hình như khó chịu dùm cho nàng và có lẽ đâm ghét bản mặt của tôi. Đôi khi gặp nó đi mua đồ một mình, tôi muốn nở một nụ cười làm quen nhưng mặt ông tướng cứ lạnh như tiền. À, chú nhỏ nhà ta làm cao. Mà tôi có cần cười với nó đâu chứ, tôi chỉ ước đủ can đảm nở nụ cười... giao duyên với nàng. Tiếc thay lòng can đảm tôi nhỏ hơn cả gan ruồi, chưa bao giờ tôi dám đường hoàng... chiêm ngưỡng nàng. Những lần thấy bóng dáng nàng từ xa, tuy mắt mũi làm như chúi vào quyển sách đọc say mê lắm vậy, thật ra tôi đang dọn lòng hồi hộp qua một bên để sửa soạn... Sửa soạn gì tôi cũng chẳng biết. Sửa soạn ngắm nàng chăng? Có lẽ thấy tôi không dám "giở trò" gì, thằng em nàng xem ra khinh thường tôi. Hắn thường nhe răng cả với tôi, cái nụ cười chế nhạo thách đố ấy mới dễ ghét làm sao. Nhưng cần gì, tôi biết nàng thầm thương hại tôi, nàng đang thông cảm sự nhút nhát của tôi. Không thế sao bữa nọ, thằng em nàng mới cất miệng oang oang nói:

- Bực mình ghê nơi chị Thư nhỉ? Xóm mình sao có lắm kẻ tò mò thế?

Nàng khẽ liếc nhẹ về phía tôi, nàng cau mày rầy nhỏ em. Cu cậu cụt hứng nên tỏ vẻ bực tức cứ đưa mắt gườm gườm tôi. Tôi khoái chí quá, tôi biết được tên nàng là nhờ công chú nhỏ đó nhé... Buổi tối ngồi học, tôi viết nguệch ngoạc những chữ Thư đầy lên trang cuốn vở. Ngồi học nửa buổi, nửa buổi còn lại tôi mải lo tìm vần thơ. Tôi có cảm tưởng máu thi sĩ đang chảy đầy trong huyết quản tôi. Tôi thầm cảm tạ Thượng Đế đã cho nàng bênh tôi, về phe với tôi. Làm thơ chán tôi nằm dài ra giường lẩm nhẩm đọc thơ mình, những câu thơ ngây ngô và vần điệu ôi mới chói tai làm sao.

Hôm nọ, bố nàng nhờ gửi chiếc xe Jeep của mấy người bạn trong sân nhà tôi. Nàng đi qua, lúng túng trước cửa. Thấy tôi nàng vội nói nhỏ, giọng dịu dàng thanh thoát:

- Xin anh cho gửi nhờ cái xe bên này ạ... Nhà Thư chật quá không có chỗ để.

Tôi cũng bối rối không kém, hình như tôi có ngơ ngẩn giây lát trên mái tóc có dắt cái kẹp mầu đỏ của nàng. Lúc gật đầu, nàng cám ơn và quay trở ra, môi nàng hơi mỉm cười. Nụ cười làm tôi bàng hoàng cả hồn. Những lần sau đó, hai đứa có vẻ thân thiết nhau hơn trước. Đi học về, nàng không cúi đầu đi một mạch mà gặp tôi, nàng mỉm cười. Bữa kia, nàng đi học về có một mình, tôi đánh bạo hỏi chuyện:

- Sáng Thư đi học sớm ghê! Em Thư hôm nay sao không thấy đi?

- Dạ, nó đau đó anh! Thư học sáng thôi à...

- Tôi nằm nhà chờ ngày tựu trường, thấy Thư đi học thèm ghê!

- Trường anh tựu lâu ghê nhỉ?

- Tại vì tôi học chương trình Pháp...

- Anh thích đọc sách lắm hả? Có rảnh ghé sang Thư lấy vài quyển về mà đọc.

- Sao Thư biết tôi thích đọc sách?

- Có lẽ tại lần nào gặp anh, Thư cũng thấy anh cầm một quyển sách hết. Thôi Thư về nhé anh.

Nàng cười khoe chiếc răng khểnh và vén tà áo bước nhanh. Tôi ngượng ngùng vì những lần nàng thấy tôi cầm quyển sách trên tay chỉ là những tập thơ của các thi sĩ ca tụng về tình yêu mới lớn. Biết được nguyên nhân nào tôi nổi hứng nghiền ngẫm... thi văn, nàng sẽ cười vào mũi tôi. Với cặp kính dầy cộm đeo trên mắt, chắc nàng tưởng tôi thông thái lắm. Bỏ kính ra, tôi đau khổ nhiều vì không tưởng tượng ra được... cái răng khểnh xinh xắn của nàng. Thỉnh thoảng thấy nàng đứng vơ vẩn trước nhà, gương mặt nàng sao đăm chiêu mơ màng lạ. Lúc này chị Thành thường lấy làm lạ khi thấy cây đàn đóng bụi treo trên vách được tôi trịnh trọng gỡ xuống lau chùi. Chị cười bảo phép lạ đã đến với "cây đàn bỏ quên". Tôi nói lâu nay tâm hồn nghệ sĩ phải có lúc tỉnh giấc chứ... Xem ra chị Thành ghê lắm, đôi mắt điều tra của chị khó để yên cho tôi. Chỉ đợi khi nào chị vắng nhà, tôi mới ôm đàn ra ngồi dưới gốc cây. Sao lúc này tôi thương yêu những cây đào nhà tôi làm sao, chúng xum xuê những tàn lá to lớn mát rượi. Ngồi bên nầy tôi không sợ nàng nhìn thấy và ngược lại tôi có thể quan sát vùng đất bên kia. Tôi đàn bản "Cô láng giềng", "Ngày xưa Hoàng Thị"... Bài "Sang ngang" của Đỗ Lễ tuy thích, tôi cũng bỏ sang một bên vì sợ nàng tưởng lầm tâm hồn tôi là ủy mị, ướt át... rẻ tiền. Những lần nghe tiếng đàn, thỉnh thoảng nàng có ngó sang, nhưng chỗ tôi ngồi khuất nên chỉ thấy mắt nàng thoáng ngỡ ngàng đôi chút. Nhìn ánh mắt đen lay láy của nàng, tôi biết tôi yêu nàng ghê lắm ngay từ phút đó. Và vì vậy tôi dè dặt hơn với ông bố nàng. Bố nàng mặc đồ lính thật oai, nhất là khi ông vỗ vai tôi và nói chuyện oang oang. Ông khen tôi là "cậu bé hàng xóm ngoan nhất ở đây", tôi đỏ mặt khi thấy nàng quay mặt đi cười. Chẳng ngoan gì đâu ạ, nếu ông biết tôi đang... tương tư nàng. Nhà tôi có nhiều cây gỗ, ba tôi hay bảo tôi đem sang cho bên nhà nàng một ít. Ngược lại bố nàng thường qua giúp ba tôi trong công việc đóng cọc, rào tường nào đó... Hai ông xem ra coi chuyện "láng giềng giúp đỡ nhau" là thường lắm. Có tôi là thấy buồn ghê gớm, mấy quyển sách nàng cho mượn tôi còn bỏ nằm lăn lóc trên đầu tủ. Chả là vì hôm qua đi chơi về tôi bắt gặp nàng ngồi sau xe Honda anh chàng nào chở. Nàng không thấy tôi, nàng mải nói chuyện với người con trai có ngạc nhiên vì thấy ánh mắt tôi nhìn chăm chú. Thả nàng xuống đầu ngõ, người con trai quay xe đi mất. Lúc nầy nàng mới nhìn thấy tôi đang uể oải dắt xe vào nhà.

- Anh đi đâu về đó?

- Tôi đi lại nhà bạn mới về. Thư cũng mới đi học về hả?

Rồi tôi thản nhiên bỏ vào trong. Hình như nàng có hơi ngẩn ngơ, ánh mắt tươi vui bỗng trở thành buồn bã. Cho bõ ghét, tôi lẩm nhẩm và thấy mình độc ác, bần tiện lạ. Lúc nầy tôi mới thấy câu nói tôi cộc lốc, gương mặt tôi nhăn nhó lạnh lùng... Tôi bỏ cơm, chỉ lên giường nằm ngó trần nhà. Chị Thành kêu, tôi ừ hử cho lấy lệ. Buổi chiều, tôi lại thay đồ xách xe đi nữa. Nàng gọi, tôi hơi ngần ngừ một chút.

- Anh có biết Thư sắp dọn nhà rồi không?

- Vậy hả? Sao Thư không cho tôi hay sớm?

- Mấy lúc nầy anh hay đi hoài, Thư cho hay sao được.

- Làm tôi chưa kịp đọc xong mấy quyển sách mượn Thư.

- Anh cứ giữ luôn đi. Bố Thư bảo Thư tặng anh đấy...

- Thư tiếc không?

- Với anh, Thư đâu có hẹp hòi...

Nghe giọng nàng run run, tôi biết nàng đang xúc động. Bao nhiêu giận hờn tan biến cả, tôi nhìn sâu vào mắt nàng và thấy nỗi sầu mang mang từ đấy.

- Thư đợi một chút. Tôi lấy cái nầy cho Thư...

Nàng đón lấy quyển sổ tay tôi trao cho. Quyển sổ do chính tay tôi đóng và ngay trang đầu nàng đọc được những dòng thơ Nguyên Sa:

Tôi muốn ví mắt em như một vì sao
Chưa có ở trên trời
Một vì sao : ngủ muộn hơn sao hôm...

Người con trai tôi thấy chỉ là anh họ nàng, gặp dọc đường anh chở nàng về có việc đi gấp.

Hôm nàng ra đi, tôi nhớ trời mưa lất phất. Cửa nhà nàng đóng kín, quạnh hiu. Tôi bỗng mong ngày tựu trường mau đến. Nhưng chiều nay, tôi vẫn ngồi đây, tiếng chim hót lạc lõng ở trong vườn và tôi thấy tháng tám còn đâu đây, với nắng tàn, với mắt ai...


HOÀNG MINH      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 72, tuần lễ từ 12-10 đến 19-10-1972)


Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

CHO ĐÀ LẠT YÊU DẤU - Trần thị Gia Lai

 

Chiếc xe lam chạy từ từ rồi dừng hẳn lại trước cây xăng. Ba tôi nhảy xuống trả tiền còn tôi ôm gói quần áo theo sau. Trời hãy còn tối và hình như có mưa, mưa bụi. Dưới ánh đèn néon trắng ở vườn hoa từ phía bờ hồ, tôi nhìn thấy những sợi mưa dài, mong manh, bay lất phất. Chiếc đồng hồ trên tay tôi chỉ 6 giờ 30 sáng. Hãy còn sớm. Những khu phố tôi vừa đi ngang chưa thức dậy, nhưng ở bến xe này thì thật đông và ồn ào. Cái náo nhiệt, những âm thanh, những dáng người chạy lui, chạy tới, hấp tấp, vội vã làm tôi khó chịu. Tôi chợt thấy một nỗi chán ngán vây quanh lấy mình và hơn lúc nào hết tôi muốn trở lên xe, bảo tài xế trở về con đường cũ, qua những dãy nhà im lìm, vắng vẻ, để rồi cuối cùng trả tôi lại cho ngôi nhà nhỏ, mang một vẻ hiu quạnh, buồn bã, nằm khuất sau hàng rào ngũ sắc và những cây ổi cao, đầy trái, ngôi nhà mà trước đây vài mươi phút, xe đã rồ ga, chuyển bánh...

Có tiếng ba bên tai tôi. Đoan, đi con. Tôi như kẻ mất hồn, bỏ mặc ý muốn mình chơi vơi, hụt hẫng, thẫn thờ đi cạnh ba. Ba dẫn tôi đến bến xe MT và bảo tôi ở đấy đợi ba vào mua vé. Dựa người vào tấm kính, tôi cảm thấy rã rời. Đoạn đường từ nhà tôi đến đây không xa, gói áo quần trên tay tôi không nặng. Nhưng đầu óc tôi tràn ngập ý nghĩ và tâm hồn tôi nặng trĩu buồn phiền. Tôi đưa tay vuốt tóc, vuốt mặt, làm những cử chỉ đem đến cho mình một sự tỉnh táo thật gượng gạo. Tóc tôi ướt vì mưa, mặt tôi cũng lành lạnh và ướt, không hiểu do mưa hay nước mắt. Tôi nhìn về phía bờ hồ, cố làm ra vẻ thản nhiên để tránh những đôi mắt soi mói chung quanh. Ánh sáng từ đường vào chợ và ở vườn hoa không được sáng để chọc thủng bóng tối, cho tôi nhìn thấy mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn. Tôi cắn môi, thôi rồi, môi tôi lại mặn. Từ lúc ngồi trên xe lam đến giờ, tôi không nhớ rõ mình đã khóc bao nhiêu lần rồi, chỉ biết tôi cứ phải cúi đầu, nhìn xuống sàn xe để giấu đôi mắt mình đo đỏ, mỗi lúc xe vượt qua những cột đèn mà ánh sáng hắt xuống chiếu rõ cả một khoảng đường, để ba không trông thấy và nhìn tôi bằng đôi mắt ái ngại lẫn buồn rầu.

Một tháng trước đây, khi ba đề nghị cho tôi lên nghỉ hè ở cái xứ Đà Lạt mưa ngày, mưa đêm này, tôi đã vui mừng đến khóc được. Nghĩ đến mẹ, hai đứa em và cả cuộc sống mới ở ngôi nhà xa lạ mà thân thiết của mẹ nữa, tôi đâm nao nao, chỉ muốn rời Nha Trang sớm phút nào hay phút ấy. Cho đến khi chiếc xe MT cũ kỹ mang tôi đi sâu vào thành phố miền cao nguyên rét mướt này, nhìn thấy những ngọn đồi xanh xanh, mặt nước hồ êm ả, và những con đường quanh co, khi lên cao, lúc xuống thấp, tựa những làn sóng lớn, rồi những cơn mưa chợt đến, chợt đi, mưa theo từng đám mây, từng cơn gió, tôi mơ hồ thấy được phần nào chuyến đi của mình. Nó sẽ không vui như tôi tưởng. Mà thật thế, suốt những ngày sống ở đây, bên cạnh mẹ và hai em, không hôm nào là tôi không khóc, cũng như hôm nào trời cũng mưa. Hôm đầu tiên bước chân vào ngôi nhà của mẹ, tôi xúc động vô cùng, tim tôi như muốn nhảy khỏi lồng ngực và tôi đã không cầm được nước mắt khi khuôn mặt mẹ xanh xanh hiện ra ở cửa. Lâu quá rồi tôi không gặp lại mẹ. Nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi, không hiểu mẹ có còn nhớ đến tôi hay đã quên rồi đứa con gái lớn hay buồn, khóc cũng chẳng ít của mẹ. Qua hôm sau ba tôi trở về Nha Trang, khi đã đưa tôi đến với mẹ và hẹn ngày lên đón, tôi lại khóc. Cũng như sáng nay, ngồi trên chiếc xe lam nhìn lại bóng dáng mẹ lẻ loi in lờ mờ trong bóng tối bên chiếc cổng, tôi đã nhìn mẹ, nhìn ba tôi rồi để mặc nước mắt tuôn dài trên má. Tôi không muốn bỏ mẹ. Tôi thèm những cử chỉ âu yếm của mẹ. Tôi cũng không muốn để ba sống trơ trọi một mình. Nhưng tôi không thể nào hàn gắn được vết rạn nứt giữa Ba và Mẹ tôi, mỗi ngày một lớn. Nhiều khi tôi tưởng như mình là trẻ mồ côi. Sống với ba, tôi có ý nghĩ mình mất mẹ. Ở với mẹ, tôi thấy mình như kẻ không cha.

Nếu ba tôi lơ là một chút, hoặc mơ tưởng xây dựng đời sống mới, chừng ấy dư để cho tôi lợi dụng chuyến nghỉ hè này mà ở mãi với mẹ, từ giã Nha Trang không chút lưu luyến. Nhưng tình thương ba dành cho tôi sâu đậm quá khiến tôi không thể làm gì hơn là cố gắng để ba hài lòng mãi về tôi. Có những buổi chiều, mẹ tôi bận bịu với bếp núc, tôi một mình đi lang thang trên những con đường vắng vẻ, có lẽ là vắng nhất thành phố, và tôi buồn rầu nghĩ đến nỗi cô độc, trống vắng của ba tôi. Không có tôi gian nhà nhỏ xấu xí ba thuê ấy sẽ thiếu hẳn tiếng đối thoại dù lạc lõng, rời rạc của hai cha con. Và những bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn tối hẳn là phải vô cùng giản dị, ngắn ngủi. Tự dưng tôi ao ước mình có cánh, bay về tức khắc với ba, tôi muốn xua tan nỗi yên lặng đang vây quanh ba bằng cái ồn ào, vui tươi giả tạo của mình... Tôi cứ nghĩ vẩn vơ như thế và đi mãi, chẳng biết mình đi đâu và đã qua những con đường nào. Đến khi trời sẫm tối, hơi lạnh của nước mưa thấm vào da thịt, tôi rùng mình và chợt tỉnh người, nhìn quanh để hỏi lối về nhà. Rồi những đêm khuya không ngủ được, tôi ngồi dậy mở cửa sổ nhỏ của căn gác mẹ dành cho tôi và tôi ngồi đấy mãi, mắt rưng rưng, thấy nhớ ba hơn bao giờ hết. Cho đến khuya thật khuya, khi con đường đã hoàn toàn yên lặng và tối đen, tôi không còn nhận ra đâu là nhà cửa, là cây cối, là đất trời... tôi cũng chưa buồn trở vào giường. Để sáng hôm sau thức dậy, tôi bàng hoàng nhìn thấy đôi mắt mình thâm quầng trong gương. Tôi ôm mặt. Có thể nào cuộc sống của tôi u buồn đến thế chăng? Có thể nào con bé Đoan, 17 tuổi có cha mẹ và hai em lại tội nghiệp đến thế chăng?

Hai em tôi còn nhỏ chưa hiểu được nỗi buồn có cha mẹ mà không được sống gần, nhưng lớn lên, hạnh phúc của gia đình bè bạn sẽ đập vào mắt chúng và chúng sẽ thấy thấm thía vô cùng. Tôi ái ngại nghĩ đến Trang, em gái tôi, nó có vẻ yếu đuối hơn tôi nhiều đó, dù tôi không cứng rắn tí nào. Cái ngôi nhà yên lặng ở con đường vắng nhất thành phố này sẽ không phải là môi trường thích hợp cho sự lớn lên của em tôi. Tôi không muốn ngày tháng lớn lên của Trang buồn rầu như cuộc sống tôi. Tôi không muốn nhìn thấy nét suy tư hiện trên khuôn mặt em tôi sớm. Tôi muốn khi đang tuổi lớn lên, giấc ngủ của em tôi phải thoải mái, vô tư để sáng hôm sau thức giấc, khuôn mặt không phờ phạc, mắt không thâm, gối nằm không ẩm ướt.

Nhớ lại hôm đầu tiên lên đây, gặp lại Trang và Bảo - em trai tôi - sau mấy năm xa cách, tôi buồn buồn. Khi tôi mở gói áo quần xếp trong tủ, hai em tôi đứng bên cạnh, chờ đợi một món quà. Nhưng tôi chẳng có gì cả, tôi gieo vào đầu chúng một nỗi thất vọng rồi. Tôi ra đi với hai bộ áo quần gói chặt trong giấy và trở về cũng với gói quần áo vỏn vẹn hai bộ trên tay, lạc lõng vô duyên. Không còn gì nữa cả. Chuyến đi xa hơi lâu này, tôi cũng không mang về cho Nguyện, nhỏ bạn thân, một món quà nào cả. Hôm trước tôi đã băn khoăn nhiều về món quà đó. Tôi sợ làm Nguyện buồn như em tôi đã buồn. Tôi có nghĩ đến một mẩu gỗ thông, khắc tên Nguyện, một bó hoa, một vài ký bơ, và đặc biệt hơn là một ít mưa Đàlạt bỏ vào bọc ny lông. Cuối cùng loay hoay mãi với những buồn rầu, tôi quên bẵng...

Một chiếc xe sắp chạy, bóp còi kêu inh ỏi làm tôi giật mình. Sửa lại gói quần áo trên tay cho ngay ngắn, tôi nhìn quanh để kiếm ba tôi. Vừa lúc ông đang bắt tay người bạn rồi đi nhanh lại phía tôi đứng. Ba tôi hỏi. Con chờ ba lâu không? Dạ không. Ba gặp người quen nên phải nói chuyện. Tôi hỏi nhỏ. Mấy giờ xe chạy ba? Bảy giờ, bây giờ là bảy giờ kém mười. Mười phút nữa xe chạy. Mười phút nữa tôi rời thành phố này. Tôi nhìn người tài xế sắp đồ trên mui xe. Trời đã sáng, ba dễ dàng nhận ra khuôn mặt tôi với đôi mắt, cái mũi đều đỏ. Ba dẫn tôi đến bên chiếc xe MT màu xám đậm bảo tôi lên ngồi trước. Tôi nghe như có tiếng ba tôi thở dài rất nhẹ nhưng đủ làm tôi xót xa. Đoan ơi, đừng khóc nữa. Tôi bảo thầm với tôi như thế. Buổi tối hôm qua, hôm kia và nhiều lần nữa, tôi đã chẳng gật đầu, hứa với mẹ làm vui lòng ba là gì. Nhưng sáng hôm nay tôi lại làm ba buồn mất rồi. Ba ơi, con xin lỗi ba. Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ...

Xe chuyển bánh. Giã từ Đàlạt. Giã từ những con đường, những đồi thông, hồ Xuân Hương. Giã từ mẹ và hai em... Chợt dưng tôi mong xe chạy mãi, chạy mãi chẳng bao giờ ngừng...


TRẦN THỊ GIA LAI        

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 70, tuần lễ từ 28-9 đến 5-10-1972)