Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

BỨC THƯ CHƯA GỞI - Bình Nguyên Lộc


 Có nhiều người kinh nghiệm thường bảo rằng hôn nhơn chỉ là một cuộc xổ số, may rủi khó lường.

Không rõ với thiên hạ thì sao, nhưng nhận xét ấy đúng với trường hợp của tôi lắm.

Tôi gặp chàng do một sự tình cờ. Rồi quen nhau. Nhưng quen nhau, chỉ có thể biết tánh tình nhau thôi chớ không có nghĩa là biết hết mọi điều : dĩ vãng, dòng họ của chàng...

Sau trận thế chiến, trong nước ta lại có chiến tranh riêng của ta, khiến nhiều gia đình ly tán, tàn rụi, và mất gốc.

Chàng thuộc hạng người đó và tôi cũng vậy. Không còn cha mẹ, anh em, họ hàng gì cả, chúng tôi trôi nổi lên Saigon thì làm sao dọ hỏi về nhau như thời xưa cho được.

Âu là yêu nhau thì nhắm mắt lấy nhau vậy. Xã hội ta, dầu không muốn, cũng phải chịu giống các xã hội Âu Mỹ về khía cạnh đó. Bên ấy, trong các thành phố lớn, họ cũng nhắm mắt lấy nhau như thế chớ một cá nhân bị chìm trong một đô thị tám triệu người thì còn biết cá nhân ấy thật rõ làm sao cho được.

Tôi có thể đã ba con rồi, giấu đút mướn vú nuôi trong một xóm nhà lá nào, chàng cũng có thể đã hai ba vợ, một cô ở Bàn Cờ, một cô ở Gia Định, cô thứ ba ở Bàu Sen, làm sao tôi biết được.

Cái câu :"Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu" cứ ngỡ chỉ đúng trong thời xửa thời xưa nào, thế mà lại cứ đúng mãi mới kỳ.

Nhưng tôi đã gặp bến trong đấy, các bạn gái ơi ! Mừng giùm tôi nhé.

Tuy không còn bà con họ hàng, nhưng tôi có nhiều bạn, rất đông bạn gái và vài bạn trai. Tất cả đều đồng thinh bảo là tôi có phước. Mà quả đúng như vậy.

Chàng đẹp trai, lương to, địa vị vững, không rượu chè, cờ bạc gì cả, cho đến đổi thuốc điếu thơm mà chàng cũng không hút được thì quả là một ông thánh sống, một con người "lành mạnh xây dựng" nhứt thế gian.

Tôi lại có cảm giác rằng chàng chưa biết đến đàn bà trước khi cưới tôi.

Là trinh nữ, tôi vẫn có xem chiếu bóng, vẫn có đọc tiểu thuyết tình mê ly. Chàng rất vụng về trong đêm tân hôn, chớ không phải bảnh như mấy vai chánh trong phim, hoặc trong tiểu thuyết.

Tôi đã thẹn quá, mà chàng lại không biết làm sao, không biết nói gì, không biết gạt gẫm tôi, thành thử chúng tôi sống "lành mạnh" suốt tuần lễ đầu. Có buồn cười chưa !

Nhưng chính vì thế mà tôi sung sướng không biết bao nhiêu vì tôi chắc chắn rằng tôi đã rơi vào một tay trinh nam mà tấm lòng còn trong vắt như tấm lòng của chính tôi.

Chàng rất nhát gái, bạn của tôi đến chơi chàng không dám tiếp, có bị tôi bắt ép ra ngồi cầm khách, chàng chỉ ngồi làm cảnh mà thôi, các chị ấy có hỏi gì, chàng ửng đỏ hai tai lên và trả lời ú ớ những gì không ai nghe rõ gì cả.

Nhưng không vì thế mà lũ bạn gái của tôi chê chàng. Trái lại, chúng nó mê chàng như điếu đổ, vì chúng nó là một lũ quỉ dịch, một số có kinh nghiệm, một số còn trong trắng nhưng rất tinh nghịch, mà con gái kinh nghiệm và rắn mắt nào cũng đều mê con trai thật thà.

Tôi hãnh diện lắm, và sung sướng ghê đi chớ không phải mặc cảm có chồng khờ đâu. Và tôi ghen quá sá, mệt lắm. Nhưng chính sự ghen tương cũng làm cho tôi sung sướng hơn lên.

Tôi yêu, tôi quí chàng như ông lão quí vợ bé mười tám tuổi vậy lận. Sao mà chàng hiền lành như ông Phật, và chân thật như hòn đất.

Môi chàng chưa hôn cô nào cả nên nó ngọt và thơm như môi trẻ con, và mỗi lần chàng hôn tôi, tôi nghe rõ ràng tình yêu của chàng như một thứ nước cam lộ nó chảy vào tôi. Trời ơi sao mà tôi sung sướng đến thế nầy !

Ngoài giờ đi làm, ngoài những chuyến đi công tác ở Hậu Giang và ở miền Trung, chàng không hề rời tôi nửa bước.

Chiều chiều, chàng đi làm về, tôi đang thổi nấu dưới bếp, mặt lọ lem và má với lại tóc hôi nước mắm, tanh cá ghê lắm, thế mà chàng chạy a xuống, ẵm tôi lên hôn trơ hôn trất, bất kể chiếc sơ-mi trắng nõn như áo của chú học trò ngoan, bất kể nó bị tay bẩn của tôi làm hoen ố.

Có mặt con nhỏ ở, chàng cũng thây kệ, cứ nựng nịu tôi cho thỏa lòng nhớ vợ của chàng suốt mấy tiếng đồng hồ vắng mặt.

Chàng đi thay đồ trong buồng thì con nhỏ ở cười với tôi :

- Thầy cưng cô quá sá. Không bằng thầy năm mà em ở hồi trước, thẩy chửi vợ tưới hột sen.

Chàng không có thề non hẹn biển với tôi như những anh chồng đời xưa, vì đời nay, các cô vợ tinh khôn hơn, có kinh nghiệm hơn, giỏi tâm lý đàn ông hơn, nên họ không thèm nghe lời thề thốt nào nữa cả mà chỉ quan sát để rồi kết luận về mức độ của tình cảm của chồng họ đối với họ thôi.

Tôi đã quan sát chàng và tin chắc rằng chàng yêu tôi với tất cả tấm lòng chàng, một tình yêu không bợn bởi giấc mơ phiêu lưu tình ái ngoại hôn nào cả.

Hạnh phúc của tôi hoàn toàn và đầy đủ quá khiến tôi đâm sợ. Tôi tin dị đoan, vì người ta thường bảo trong tình vợ chồng phải có cái gì đó không được tròn trịa lắm chớ nó quá trơn tru thì đó là điểm chẳng lành cho sự bền vững của cuộc sống chung.

Đôi lần, tôi thỏ thẻ nỗi lo lắng của tôi cho chàng nghe thì chàng phá lên cười mà rằng :

- Nếu thế thì rất dễ đề phòng. Em hãy để cho anh có mèo, tức là tạo ra gai góc cho nó hết trơn tru, thế là vợ chồng ta sẽ sống trăm tuổi, bách niên giai lão.

Tôi véo chàng một cái mỗi lần chàng pha trò như vậy rồi chúng tôi cười xòa với nhau, tôi quên tất cả mọi băn khoăn lo sợ.

Ở với nhau đúng một năm rưỡi thì tôi thọ thai.

Trời, phải các bạn mà thấy được cái mức cưng vợ của chàng.

Chàng đã đích thân chà gạch sàn nước mỗi hôm bằng bàn chải sắt, không dám giao công việc quan trọng ấy cho con nhỏ ở. Chàng sợ gạch trơn tôi trợt chơn mà té thì nguy.

Tôi nhõng nhẽo ghê lắm và chàng hay nói rằng :

- Ừ, ráng mà nhõng nhẽo đi cưng, để vài tháng nữa, chú bé ấy chú ra, chú giành nhõng nhẽo hết đa.

Mấy tháng đầu tôi ốm nghén, ăn không được thì chàng cũng bỏ cơm. Thành thử chính chàng cũng ốm nghén nữa.

Đó là mùa mà chàng phải đi công tác ở miền Trung rất thường và mỗi lần xách va ly là chàng âu sầu và hôn tôi hằng trăm cái, rồi mỗi bước là mỗi ngập ngừng.

Bé Thành ra đời rồi thì ôi thôi là thích. Hạnh phúc của tôi đã lên cao tột đỉnh vì bản năng làm mẹ của người đàn bà đã được thỏa mãn mà chồng tôi lại cưng tôi hơn trước kia nữa, bởi tôi hóa ra là người có công trận lớn, công mang nặng đẻ đau, cho chàng một đứa con nối dõi.

Nhưng nỗi lo sợ của tôi trước kia lại hóa thành sự thật. Chúng tôi hưởng chung được ba năm hạnh phúc thần tiên thì một hôm, chàng bị tai nạn xe cộ. Một chiếc tắc-xi ép xe sì cút tơ của chàng vào lề. Xe ngã, chàng té, đầu bị đập vào đá ba bê.

Ba hôm hấp hối trên giường bịnh, chàng mê man không trăn trối gì cả. Vả lại, chắc chàng cũng chẳng có gì dặn dò. Đôi vợ chồng trẻ, chưa sự nghiệp. Bất quá khóc với nhau mà nói rằng :"Anh sẽ yêu em cả đến khi xuống tới tuyền đài".

Tôi chắc chắn chàng sẽ nói như vậy, chỉ như vậy thôi.

Thế rồi chàng tắt nghỉ, lúc tôi được hăm bốn xuân xanh.

Mồ chàng đã xanh cỏ từ lâu, thế mà tôi vẫn ôm ấp kỷ niệm mến yêu của người chồng lý tưởng.

Tôi không có thề với tôi rằng sẽ thủ tiết cùng chàng cho đến lúc đầu bạc răng long, nhưng tôi nghe rằng khó lòng mà yêu người khác được. Tái giá, riêng đối với tôi là một sự phản bội trắng trợn linh hồn của một người đã yêu tôi tột bực, không hề phạm một lỗi nhỏ nào trong đạo vợ chồng.

Thỉnh thoảng tôi hay soát đồ đạc của chàng, để tìm lại hình ảnh người quá cố qua bao kỷ vật ấy, nhứt là tôi hay ngửi y phục của chàng, mớ y phục không dùng trong cuộc tẩn liệm, để tìm lại mùi riêng biệt rất thân yêu của chàng.

Một hôm, dỡ chồng quần tây để đuổi những con hai đuôi, một bức thư màu lam nhạt, bỗng lưu ý tôi. Cầm thư lên xem, tôi suýt ngất vì dòng chữ đầu do chính tay chàng viết :

Em Thúy cưng của anh.

Tôi chết lặng đến mấy phút, nhưng cố trấn tỉnh, cố suy luận thuận lợi cho linh hồn chàng, vì tôi vẫn chưa tin được rằng đây là bức thơ tình của chính chàng. Biết đâu, chàng lại chẳng có người bạn có tuồng chữ giống tuồng chữ của chàng.

Thế nên rồi tôi tiếp tục đọc, và mỗi chữ mỗi vận xé lòng tôi.

Em Thúy cưng của anh.

Sai hẹn với em vì chị sửa soạn về quê để bán ruộng thì tới phút chót lại hủy chương trình, dời lại hai tháng sau.

Dạo nầy, anh chỉ có thể trốn vào giờ làm việc để đến với em thôi, nhưng lại quá bận nên cũng đành để cho em cô đơn.

Vuốt giận em và xin sẽ tạ tội với em bằng cái món quà mà em cứ ao ước mãi đó.

Nay mai, anh sẽ bịa rằng đi công tác miền Trung trong mười hôm và anh sẽ sống với em suốt tuần trăng.

Thân yêu

Đức


Thư đề ngày 20 tháng chạp năm 1962 tức vào ngày mà chàng bị tai nạn xe cộ. Đây là một bức thư chưa kịp gởi, có lẽ viết tại sở, nhưng bận việc, cất vào túi mang về nhà, hoảng hốt, cố giấu thật kín rồi quên luôn, hoặc tìm chưa ra.

Trời ơi ! Sao lại rủi ro cho chàng và cho tôi đến thế ? Nếu thư đã gởi đi, tôi nào hay biết rằng trong thành phố nầy đã có một cô gái chia sớt tình yêu của chồng tôi !

Chàng ơi ! Em không trách chàng đâu ! Em rất hiểu luật sinh lý, và mấy tháng em thọ thai bé Thành, chàng đã phải nhịn lâu quá.

Có lẽ chàng không hề muốn phản bội em, nhưng chàng đâu có phải là ông già hoặc thánh nhơn !

Chỉ là sự rủi ro thôi. Không, sự rủi ro mà em nói đây, không phải là mối tình vụn trộm của chàng mà là sự không gởi thư kịp.

Cái lỗi của chàng, trên thực tế là có thật, nhưng nếu en không bắt gặp thư nầy thì như là không có. Thành thử, cái gì cũng là ảo ảnh cả, thực là hư, hư là thực.

Chàng ơi ! Ba năm thần tiên ! Nhưng giờ biết ra thì chỉ là hư ảo ! Em đau xót vô ngần mà không còn tin tưởng vào cái gì nữa cả, kể cả sự thành thực nhứt trần đời của một người chồng gương mẫu.

Không trách chàng, em tha thứ cho chàng vì ít ra, chàng cũng đã lịch sự mà giấu khéo quá, giấu nhẹm quá !

Em cũng tha thứ người kia có lẽ vì buổi đầu nàng cũng không biết sự thật, và khi đã trót yêu anh, nàng đành phải liệu luôn vậy.

Và nhứt là em tha thứ em. Vâng, em là kẻ có lỗi phần nào, chính em đã lên án gái buôn hương, khiến anh mặc cảm tội lỗi, tránh họ, nên lại phạm tội nặng hơn là bẻ gãy cuộc đời của một cô gái có thể là ngây thơ trong trắng. Em là nhà đạo đức tầm ruồng.

Nhưng em tha thứ em vì em đã đền tội rồi, đền tội vì niềm đau nầy đây.


(Nhựt báo Tia Sáng, 1964)

(Trích từ tập truyện ngắn Diễm Phượng)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét