Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

BÁM NÍU - Bình Nguyên Lộc

 

Trời hết mưa đã hơn nửa tháng rồi và nắng tháng chín gay gắt như là nắng hè. Thế mà trưa hôm ấy lão Nghiệm đi khắp xóm và hô: "Sửa soạn để đi hứng, bà con ơi".

"Hứng" đây là hứng cá, một động từ địa phương, đặc biệt của miền đông Nam Việt. Ở miền đông Nam Việt, nhứt là trong tỉnh Biên hòa, qua mùa nước lũ, con sông Đồng nai ứa nước nguồn, bờ sông bành trướng ra, xâm lấn đồng ruộng trong xa, cá sông thích lên để đẻ vào mùa ấy, có lẽ trên đó yên ổn hơn ở dưới lòng sông là nước lụt chảy mạnh ghê hồn.

Đẻ xong, chúng bỏ con, bỏ trứng lại, hồi cư để sống đời dọc ngang trong dòng sông rộng. Cá con tự túc trên bờ và khi mùa mưa dứt thì chúng đã lớn bằng đầu đũa rồi. Không biết do năng khiếu nào dìu dắt mà hễ những đám mưa cuối mùa đổ xuống là chúng áp nhau mà "chạy". Chạy tức là đổ xô nhau theo những con đường nước từ đồng ruộng cao chảy xuống các rạch, các sông, để tìm về những khoảng sinh tồn phong phú thực phẩm hơn, y như cha mẹ của chúng.

Dân miền đông, vào những đám mưa cuối mùa ấy, rủ nhau đặt những giỏ mây hoặc giỏ tre đan thật khít mặt, tại các "hiểm đạo" như Quan Công phục Huê dung đạo, và hứng bắt tất cả cá con đi tìm sanh lộ ấy. Họ đặt tên chung cho cá ấy (thuộc đủ loại cá sông ngọt) là cá lạc mạ. Mạ, có lẽ là tiếng "mẹ" nói trại bẹ ra, chớ bấy giờ lúa đã lớn cây rồi, còn đâu mạ nữa để mà lạc. Cá lạc mạ hỗn tạp và nhỏ quá, không có giá trị thương mãi nhưng lại là món ăn rất thích khẩu đối với nông dân nghèo. Mỗi mùa, một nông dân trong một làng quê hứng có cả thúng giạ cá lạc mạ, tức là hằng mấy trăm ngàn con. Họ kho với muối và mỡ, để dành ăn hơn chín mười ngày.

Lão Nghiêm cởi trần tư niên và người ta có cảm giác rằng da lão dày lắm vì lão chịu đựng phong sương đã hơn bảy mươi năm rồi, chỉ bằng loại y phục thiên nhiên ấy thôi. Lão có vó một tộc trưởng của thời xa xưa, rất nhiều kinh nghiệm sống và nhiều khả năng chỉ đạo như một con thú đầu đàn. Nên chi cả xóm, cả làng đều nghe theo lão, mặc dầu không có dấu hiệu trời sắp đổ trận mưa cuối cùng trong mùa, trận mưa cá chạy, trận mưa rơi xuống sau một thời gian khô hạn gạt gẫm vài tuần.

Họ rút từ trên giàn bếp xuống, những chiếc giỏ rất ít dùng ấy rồi ra đi ngay để giành đường nước. Vâng, những đường nước, trong một vùng, chỉ có hạn thôi, mà người hứng cá thì đông, phải tranh nhau mới được một đường, vì theo tục lệ cổ truyền, không ai được phép "đặt trên dòng", khi có người khác đã đặt giỏ họ rồi trên một đường nước nào đó. Nếu không có lệ nầy thì mạnh ai nấy tranh giành, đặt trên người khác, ở một đường nước chảy sẽ có cả ba bốn người giành hứng, làm sao tránh khỏi cãi vã, xô xát, đến xảy ra lưu huyết như chơi.

° ° °

Nếu cá con mới nở có năng khiếu đoán biết đám mưa nào là đám cuối mùa để mà chạy xuống sông, kẻo tháng tới, ruộng khô, chết cháy cả lũ, thì lão Nghiệm, y như cá, cũng đoán được đúng như vậy đó mà rủ thiên hạ đi hứng.

Quả thật xế lại trời mưa như cầm chĩn mà đổ thì tới tối giỏ ai cũng đầy nhóc cá lạc mạ.

Đêm nay, nhà nhà đều vui. Nhà nào cũng kho với mỡ một mớ cá con ấy để cuốn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm ớt nhậu chơi, còn dư lại bao nhiêu họ mới kho mặn.

Cá lạc mạ non mềm nên ngon khôn tả và dân nhậu đều thỏa thích đêm đó. Dân quê miền đông họ nghèo, không có tiền mua thịt, mà cá dưới sông bị họ hủy diệt bừa bãi như thế, hằng trăm triệu con mỗi năm, hủy diệt hồi chúng còn là mầm non thôi nên chi rồi họ lại phải nhịn thèm, vì đâu còn cá để mà câu? Nhịn thèm đến cuối mùa mưa khác, chỉ ăn mắm muối qua loa vậy thôi, sau cái đêm linh đình nhậu nhẹt đó.

Tuy nói thế chớ thỉnh thoảng họ cũng kiếm được cá. Đó là vào tiết tháng giêng, tháng hai. Cũng lại lão Nghiệm nữa. Vì sáng hôm ấy, lão ta lại kêu gọi người trong xóm đi tát. "Tát" là danh từ địa phương thứ nhì của miền đông về nghề cá. Tát là tát các vũng trong rừng sâu, bấy giờ đã cạn gần hết nước, sau năm tháng nắng chan chan.

Xóm Gò Rái của lão Nghiệm là một trong năm bảy xóm hẻo lánh của làng Tân định. Đó là một làng khô cằn, một mặt nằm ven sông Đồng nai, nhưng phần lớn đất đai lại ăn sâu vào phía trong rừng, từ đầu thôn ở bờ sông vô đến cuối thôn trong rừng, xa đến mười mấy cây số. Xóm chỉ đông có mười sáu nóc gia, cỡ chiến tranh đi qua đó, hủy diệt hết xóm, cũng không phải là một tấn thảm kịch lớn. Nhưng xóm ấy lại rất cần thiết cho sự tồn tại của làng nầy, nó gồm tất cả các xóm nhỏ mới thành làng được - cũng y như làng Tân định nầy cũng rất cần thiết để thành nước Việt nam, mặc dầu nó nghèo khổ, không làm lợi trông thấy cho nước nhà và cỡ tang thương có lướt qua đó, cả làng sụp đổ hết, có vẻ cũng không sao.

Tát vũng là công việc tập thể cần ít lắm là ba người mới làm cạn thật sự một cái vũng khá lớn và khá sâu trong khu rừng nào đó, sau làng. Nhóm của lão Nghiệm gồm lão, một góa phụ bốn mươi và chú bé Ất, mười bốn tuổi. Chú bé nầy là con của một gia đình sắp sửa bỏ làng, di cư đi nơi khác, vì ở đây sanh sống khó khăn không thể tưởng tượng được. Cha mẹ nó chỉ đợi cúng giỗ ông cố nội nó, vào cuối tháng hai, là bỏ cái chòi tranh gia truyền độc nhứt để di cư.

Lão Nghiệm biết ý cá, biết ý trời mà cũng thuộc nằm lòng các ao vũng trong rừng và thuộc nằm lòng mấy con đường mòn đưa vào các ao vũng ấy. Lão lại biết cả thú rừng thích ao nào mà tránh và khuyên dân làng tránh, vì ao nào thú ưa đến uống nước là ao đó có cọp rình. Họ lên đường hồi cỏ còn ướt sương, thế mà vào tới trong ấy, mặt trời đã lên cao được bốn năm sào rồi.

Vũng mà lão Nghiệm chọn, có tên hẵn hòi. Đó là vũng Mẹ con. Ai đặt tên cho cái nơi mà một năm chưa dễ có người làng đến chơi tới hơn một lần? Có lẽ đó là bọn thợ rừng, họ đặt để làm những cái mốc không gian trên bước đường xuyên lâm của họ. Vũng Mẹ con, như tên nó đã chỉ, gồm hai vũng nằm cách nhau độ ba thước, một vũng lớn và một vũng nhỏ. Lão Nghiệm khôn quỉ, chọn vũng này để có chỗ mà chứa nước của vũng có cá. Các vũng khác, nước tát ra, lại chảy vào, vì đất chung quanh luôn luôn cao hơn, việc tát vũng thành ra một khổ sai tốn sức lao động không thể tưởng tượng được.

Họ làm việc theo lối dây chuyền: ông tộc trưởng xuống tận rún vũng, múc vũng nước bằng gàu rồi mang trao chị góa phụ đứng cách đó độ hai mươi thước, chị nầy lại chuyền gàu cho thằng bé để nó đem nước đổ xuống ao con. Vũng Mẹ, lúc còn trinh, đẹp vô cùng. Nước rừng, nằm yên hằng năm, lắng trong như mắt mèo. Dòm xuống đáy vũng thấy rõ cá lượn quanh những thủy thảo hình dung cổ quái, có cây trông giống như cội tùng già, có cây giống như cây bông cúc, có cây lại mường tượng như một con rít khổng lồ.

Lão Nghiệm đứng nơi triền vũng do dự rất lâu, không nỡ để chân xuống đó mà phá đám sự yên ổn của loài thủy tộc ẩn dật nầy, mà làm vẩn đục khối nước trong leo lẻo, mà đạp gãy bao nhiêu thủy thảo đẹp như cây cảnh non bộ của nhà giàu. Nhưng mà cái ăn tồi tàn cứ nói lên tiếng nói ưu tiên của nó và ra lịnh cho lão phá hoại cảnh thần tiên thu hẹp này.

Xa xa, nghe có tiếng người hú nhau, có lẽ nhóm nào đó đi lạc đường, tìm nhau giữa rừng sâu. Ở đây, chỉ nghe tiếng nước của vũng Mẹ ùa vào gàu và giây lát sau, tiếng nước từ gàu trút xuống vũng Con. Họ lặng lẽ làm việc, dân của cái xóm thưa người nầy gần như là hóa câm hết thảy vì họ không có nhiều dịp lắm để sử dụng cái năng khiếu tốt đẹp nhứt của loài người là ngôn ngữ. Cho đến thằng Ất mà cũng ngậm miệng, một sự lạ ít thấy vì trẻ con ham nói như ham ăn.

Đây là chuyến đi tát đầu tay của Ất, năm kia nó còn bé quá, năm ngoái nó đau ốm trong mùa tát và chỉ mới được tham dự lần thứ nhứt đây thôi, vào một công việc kiếm ăn của dân làng.

Thình lình nó la lên:

- Cá mè! Trời ơi sao lạ kỳ như vầy?

Không ai buồn đáp câu hỏi của nó mà người xa lạ thoạt nghe không thể nào hiểu được.

Chị đàn bà góa bận khiển trách lão Nghiệm:

- Ông múc nước phải coi chừng chớ, để cá chun vô gàu, thì lát nữa phải tát cái vũng Con trở lại để mót cá sao?

Lão Nghiệm giận mình sơ sót một cách không xứng đáng với tài năng của kẻ đầu đàn, nên làm thinh để nuốt hận.

Thẳng Ất lặp lại câu hỏi, không hỏi thẳng người nào, nói to lên như chỉ nói với nó thôi:

- Sao lại cá mè?

Chị đàn bà góa hỏi lại:

- Chớ mầy tưởng cá gì?

- Tui cứ tưởng ta tát cá đồng, nghĩa là cá trê, cá rô, cá lóc. Những cá sông dường như đã bị hứng hết lúc còn là cá lạc mạ kia mà, thím Bảy?

- Không. Không phải con cá nào cũng "chạy" hết trong đám mưa cuối mùa đâu. Có một mớ cố lội ngược dòng để ở lại, thím Bảy giải thích.

- Trời, sao nó ngu quá vậy? Lội ngược dòng đã khổ thân không biết bao nhiêu, lại không được hưởng cái vui chung hội mà chạy với người ta. Tệ hơn nữa, ở lại trong ao tù, chắc phải thiếu ăn và rốt cuộc có thể chết cháy khi ao vũng cạn hết.

Lão Nghiệm đã mỏi tay, mỏi lưng, đứng thẳng lên để nghỉ. Lão nhìn vào rừng trước mặt lão, như không thèm nghe hai người đồng đội nói chuyện với nhau. Chị đàn bà góa bí lối không biết đáp thế nào với thằng bé, mà có lẽ chị ta cũng nghĩ như nó nên cũng đang thắc mắc thầm. Nhưng chị ta không hỏi, vì thằng Ất đã hỏi rồi. Không có người đáp nghĩa là không ai biết đáp làm sao, còn hỏi nữa làm gì! Vả lại dân quê bận sinh kế vất vả quá, không dám thắc mắc nhiều và lâu về bài toán vô ích nào khác hơn là bài toán "ăn".

Lão Nghiệm nhìn rừng lâu lắm, rồi vụt thình lình trả lời câu hỏi của thằng Ất, trong khi thằng bé ngỡ nó đành phải bỏ trôi băn khoăn nầy như bao nhiêu băn khoăn khác của tuổi thơ mà không ai buồn giải đáp dùm nó, trong cái thế giới rừng rú chỉ gồm mười sáu nóc gia mà ai cũng lo chạy gạo trối chết.

- Chắc mớ cá lạc mạ ngu nầy không ngu lắm đâu. Sở dĩ chúng nó không "chạy" vì chúng nó thương yêu cái nơi chôn nhao cắt rún của chúng, cố lội ngược dòng, bám níu để ở lại nơi mà chúng nó chào đời.

- Ở lại để làm gì?

- Không biết để làm gì! Chỉ thương là ở lại thôi!

- Đói chết.

- Đói cũng được, miễn toại lòng thương.

Không ai nói gì nữa và cả ba đều nhìn vào rừng, sau khi nói chuyện cá với nước. Một hồi lâu, lão Nghiệm toan khom lưng múc nước trở lại, nhưng lão lại thôi, nói tiếp:

- Thuở tui còn nhỏ bằng thằng Ất, ông bà tui cũng định bỏ làng đi kiếm ăn nơi khác. Nhưng rồi họ không nỡ đi. Nhiều người khác cũng tính như vậy mà rồi rốt cuộc ai ở đâu cứ ở đó. Họ bám níu vào mảnh đất cằn cỗi nầy mà họ rất cực khổ, không biết để làm gì. Chắc họ thương làng quá, đi không đành. Mà quả có như vậy, bà con ơi! Cái ngày mà ông nội tui quyết định ở lại, tui mừng không biết bao nhiêu, tui chạy đi báo tin lành với các bụi tre ở đầu xóm, với con suối cạnh cuối thôn, và cả ngày ấy, không có gì ăn, tui cũng nghe no tới cổ vì sung sướng

- Tui sắp đi, tui cũng buồn quá! thằng Ất than, nhưng không biết làm sao!

Chị đàn bà góa nãy giờ chưa có ý kiến nào hay, xui dại thằng bé:

- Sao mầy không trốn ở lại?

- Biết có được hay không?

- Dễ ợt. Trốn đi thì ngại đường xa nước lạ chớ trốn ở lại với người cũ, ai bỏ đói mầy mà mầy lo.

- Tui thương đất nầy quá!

- Bám níu, ông bà ta đã bám níu, tao đã bám níu mới còn xóm nầy, làng nầy. Còn làng mới còn nước mình, lão Nghiệm nói.

- Làng nầy nghèo quá, ông ơi! chị đàn bà góa than.

- Ừ, nghèo lắm và ta khổ lắm. Nhưng làng nầy không có không được. Một nước phải gồm rất nhiều làng, làng nghèo, làng giàu, làng nghèo cũng cần lắm chớ bà con!

 
(Trích từ tập truyện ngắn Cuống Rún Chưa Lìa) 
 

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

ĐIÊN - Khái Hưng

 

Tôi đổi về Thái Bình đã hơn hai năm, mà chưa có dịp nào trở lại thăm nơi làm việc cũ.

Lễ Phục sinh mới rồi, nhân được nghỉ bắc cầu thêm một ngày, tôi lên chơi Hà Nội, tình cờ gặp anh Thanh, người bạn trước cùng làm buồng giấy với tôi ở Vĩnh Yên. Anh em mừng ôn lại chuyện cũ, những cuộc chơi xưa.

Hỏi thăm những người quen biết, khi tôi nhắc đến tên anh Mã, anh tham Mã, thì bạn thở dài bảo tôi:

- Tội nghiệp! Nó điên đã sáu tháng nay.

Tôi kinh ngạc:

- Điên? Anh Mã điên?

Bạn tôi vẫn điềm tĩnh, nói tiếp:

- Từ ngày người bạn thân của anh ấy chết đi và anh ấy định tự tử chết theo không được là bệnh điên phát ra liền. Hình như vì trông thấy máu chảy, nên anh ấy bị một định kiến ám ảnh: anh ấy mơ màng thấy mình đã giết bạn, gặp ai cũng kể việc ám sát tưởng tượng một cách rất có thứ tự, nghe như thực vậy. May mà người ta biết anh ấy điên, nếu không có lẽ anh ấy ngồi tù.

Tôi sửng sốt hỏi:

- Lạ nhỉ? Nhưng người chết là ai thế?

- Anh Hùng. Anh Hùng chủ đồn điền mà chúng mình đã cùng anh Mã về chơi mấy lần, anh có nhớ không?

- Tôi nhớ lắm, tôi nhớ cái tính tình hào phóng của anh Hùng; nhớ cả người vợ rất đẹp của anh, một thiếu phụ trẻ tuổi, có học vấn, có nền giáo dục thức thời.

Nghe bạn nhắc đến tên Hùng; thốt nhiên tôi thấy hiện ngay ra hình ảnh tươi cười và dáng điệu nhanh nhẹn của người đàn bà ấy. Tôi hỏi:

- Anh Hùng, người khỏe mạnh, sung sướng như thế mà chết. Chết về bệnh gì?

- Tự tử.

- Tự tử! Vô lý!

- Chẳng một mình anh cho là vô lý, mà ông thầy thuốc khám tử thi cũng nói như vậy. Cho đến cả các báo cũng nhao lên về cái chết khả nghi ấy. Nhưng may mà anh ấy tự tử thật, chứng cớ hiển nhiên còn đó...

Rồi anh Thanh lại đem kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện:

- Cách đây sáu tháng, một hôm vào buổi giữa trưa, bỗng nghe có tiếng súng nổ ở nhà Hùng. Người ta chạy đến coi thấy anh Hùng nằm trên giường ngủ, áo lót mình và khăn giải nệm hơi vấy máu, bên cạnh có một cây súng bắn chim. Bên giường, vợ Hùng gục đầu xuống khóc. Ngồi ở một cái ghế gần đấy, Mã, người bạn rất thân của Hùng, hai bàn tay ôm đầu có vẻ buồn rầu đau đớn.

Tài xế của Hùng lên ngay tỉnh lỵ báo tin và gọi điện thoại cho thân phụ người chết.

Hai giờ sau ông thầy thuốc cùng ông án sát ở tỉnh về khám xét tử thi. Thì lạ quá, cứ theo đường đi của viên đạn, người chết bị giết chớ không phải tự tử; không phải tự tay người chết bóp cò được, phát súng phải ở tay người khác bắn và đứng cách xa một quãng ít ra là vài thước. Ông án tạm xướng lên cái thuyết: người chết để súng nằm trên bụng và dùng ngón chân cái ấn cò, rồi tiếng nổ giựt mạnh quá văng súng ra một bên.

Hỏi người vợ xem có lấy cây súng ở trên thây người chết ra không, thì nàng nói nghe tiếng nổ, mới hoảng hốt ở buồng bên chạy sang, và vẫn thấy các vật y nguyên như thế.

Còn Mã, người bạn chí thân của Hùng, chàng chỉ ngồi khóc và ấp úng trả lời viên thẩm phán rằng chẳng biết vì lẽ gì Hùng lại tự tử.

Hình như chàng buồn quá nên quẫn cả trí nghĩ. Đến lượt người tài xế và người bếp, họ đều khai như nhau rằng khi tới buồng chủ, thấy chủ ngắc ngoải sắp chết, đương thì thầm dặn dò bà Hùng và ông Mã những gì mà họ không nghe rõ.

Người vợ có nhận là đúng, và khai thêm rằng người sắp chết xin lỗi họ, và một mảnh giấy người chết cầm trong tay trái cũng chứng thực điều đó. Mảnh giấy có mấy hàng ngòng ngoèo sau đây:

"Tôi xin cha tôi, vợ tôi và bạn tôi thân nhất trên đời của tôi tha lỗi cho tôi. Vì mắc bệnh đau tim, tôi đã hèn nhát trốn nợ đời — Hùng "

Chữ viết chính là chữ Hùng, tuy lệch lạc, dòng lên dòng xuống như chữ người ốm nặng. Nhưng có thể cho rằng người ta lúc sắp tự tử, cảm động quá không có can đảm để trấn tĩnh mà viết được như thường. Chữ tên ký thì thực là nét chữ Hùng. Các nhà giám định đã thẩm tra kỹ lưỡng và đều công nhận như thế.

Chiều hôm ấy, thân phụ người chết ở Hà Nội đi ô tô lên. Bấy giờ ông án và ông thầy thuốc sắp sửa mổ tử thi khám nghiệm, nhưng ông cụ không muốn người ta phạm đến xác thịt con mình, cố nài xin thôi để khâm liệm, mai táng. Ông nói cứ tin ở bức thư tuyệt mệnh của người chết cũng đủ.

Thế rồi sáng hôm sau cất đám. Trong bọn đi đưa, người ta lưu ý nhất đến Mã. Chàng khóc lóc thảm thiết. Không ai ngờ tình bằng hữu lại thân mật được đến như thế.

Khi chôn xong, Mã thì thầm khấn khứa rất lâu rồi vì thương quá, ngất đi ở trên mộ. Người nhà Hùng phải khiêng về ấp. Thế là Mã lên cơn sốt, bất tỉnh nhân sự. Ba hôm sau bệnh Mã lui thì bỗng người ta lại nghe có tiếng súng nổ. Tiếng súng thứ hai này cách tiếng súng trước đúng bốn ngày. Có lẽ Mã lên cơn sốt làm mê mẩn, nên đã vớ lấy súng bắn chim tự chĩa vào ngực bóp cò. May mà tay người ốm còn yếu, cầm súng không được vững, nên viên đạn đi lệch, chỉ sượt trái tim.

Từ đó, Mã mắc bệnh điên.

*

Tôi nghe câu chuyện, đăm đăm ngẫm nghĩ, trong lòng nẩy mối ngờ vực vẩn vơ. Tôi hỏi:

- Thế bây giờ anh Mã ở đâu?

- Tôi vừa đến thăm. Anh ấy xin phép sáu tháng ăn nửa lương về nghỉ tại Hà Nội. Nhà ở phố B... Số tám.

Tính tò mò của tôi đã lên tới cực điểm. Tôi giơ tay bắt tay Thanh rồi vội vã lại phố B... thăm bạn cũ.

Tôi tuy làm cùng sở với Mã trong mấy năm, chúng tôi lại hợp tính nhau lắm, nhưng tôi vẫn không biết gia thế anh ấy ra sao, mãi khi đến nhà, tôi mới rõ anh ấy là con nhà giầu có và hình như được cha mẹ chiều chuộng lắm thì phải.

Lúc bấy giờ, ông thân Mã đi chơi vắng. Tôi chỉ gặp có một mình bà mẹ. Bà cụ ôn tồn mời tôi ngồi chơi rồi buồn rầu bảo tôi:

- Đã năm, sáu hôm nay, em nó không hé răng nói một lời, suốt ngày chỉ ngồi nhìn qua cửa sổ như mơ mộng điều gì. Rõ khổ quá! Nhà tôi xưa nay có ai mắc bệnh điên như thế bao giờ đâu?

Sau khi thuật lại một cách rất tường tận bệnh trạng của con trong mấy tháng, bà cụ lại tiếp:

- Người ta mách tôi rằng ông lục sự Thanh Oai có bài thuốc chuyên môn chữa bệnh điên. Tôi đã mời đến chữa cho em; ông ta bảo điên mà hay nói thì rất nhẹ, chỉ sợ ngồi lì cả ngày không nói câu nào mà thôi. Vì thế, ít bữa nay tôi thấy em nó bỗng như câm bặt, không chuyện trò lảm nhảm nữa mà tôi lo.

Tôi xin phép đến buồng bệnh nhân. Bà cụ bảo người nhà đưa tôi lên một gian phòng ở trên gác.

Mã đang ngồi xem quyển tiểu thuyết chữ Pháp, thấy tôi bước vào ngước mắt đăm nhìn.

Tôi đứng dừng lại, không vội tiến. Mã hất hàm như để hỏi tôi việc gì. Tôi ngả đầu chào và xưng tên. Anh liền mỉm cười, đứng dậy ra bắt tay tôi, rồi kéo tôi ngồi xuống ghế mà bảo tôi rằng:

- Được tiếp một người bạn ở Vĩnh Yên về chơi, tôi lấy làm sung sướng quá.

Tôi đương ngờ vực câu ấy có vẻ điên vì thấy Mã quên rằng tôi đã đổi về Thái Bình từ lâu rồi, thì anh lại tiếp luôn:

- Ở đây, thấy mọi người họ đều cho tôi là điên, tôi nói gì họ cũng không tin, nên tức mình tôi giả câm, đã năm sáu hôm nay. Rồi anh sẽ rõ tôi điên hay lành.

Dứt lời, Mã dõng dạc cất tiếng gọi người nhà bảo pha nước, dáng điệu khoan thai, giọng nói của một người không mất trí khôn.

Tôi đưa mắt ngắm quanh cái buồng có cửa sổ rào chấn song sắt và so sánh với một phòng nhốt người điên ở nhà thương Phủ Doãn. Khi ta đã có định kiến ấy, nó gợi ra trong trí ta biết bao ý tưởng giống loại với nó. Đến nỗi quyển tiểu thuyết bạn tôi đương cầm ở tay, tôi cũng cho là phải điên rồ mới thích đọc được.

Tôi còn mải mơ màng với những ý nghĩ viển vông thì một câu hỏi của Mã làm tôi giật mình như người tỉnh ngủ:

- Anh còn nhớ anh Hùng không?

Tôi vờ:

- Anh Hùng nào?

- Anh Hùng chết năm, sáu tháng trước ấy mà!... Anh không xem nhật trình hay sao mà không biết chuyện anh Hùng tự tử ở một cái đồn điền thuộc tỉnh Vĩnh Yên? Thực ra anh ấy không tự tử đâu. Chính anh ấy bị ám sát mà kẻ ám sát chính là tôi.

- Không, đâu phải.

- Cả anh nữa, anh cũng không tin tôi nốt! Nhưng được, dù anh tin hay không tin tôi cũng xin anh hãy lắng tai nghe những lời tôi kể sau đây.

Rồi hình như vì thuật đi thuật lại nhiều lần, nên đã thuộc lòng câu chuyện, Mã nói trơn tru, lời văn gọn gàng và bóng bẩy (có lẽ đó là triệu chứng của bệnh điên chăng?):

"- Tôi là một người trọng danh dự như thế nào, anh và các anh em bạn tôi đã biết, nhất khi danh dự lại có dính líu đến một người đàn bà. Mà các anh cũng chẳng lạ rằng đối với bằng hữu tôi là một người rất tốt, rất trung thành, tận tâm tận lực. Anh đừng vội cười mà cho là tôi khoe khoang, muốn phô những nết tốt của mình ra. Không cần gì tôi phải khoe khoang, và tôi cũng không còn được phép khoe khoang nữa kia mà, vì tôi là một kẻ sát nhân.

"Vâng, tôi không khoe khoang. Tôi phô những đức tính kia ra nếu đó có thể gọi được là đức tính (Mã điểm một nụ cười chua chát) là chỉ cốt để tỏ cho anh hay rằng một người như thế mà khi mê muội, khi bị ái tình nhục thể huyền hoặc, mờ ám, cũng trở nên được một tên giết người tầm thường, đê tiện, hèn mạt.

"Trời ơi! Có thể như thế được không? Có thể yêu vợ bạn rồi giết chết bạn được không? Đó là ái tình ư? Không, đó là một tính cách cầm thú của bản năng con vật ẩn núp, lẩn quất trong linh hồn con người... Khốn nạn! Đồ khốn nạn! Sao không nhốt nó vào nhà pha! Mau! Tống cổ nó vào ngục thất mau!".

Mã lớn tiếng thét rồi hình như mất hết nghị lực, đưa hai bàn tay lên bưng mặt khóc rưng rức, lẩm bẩm nói những gì, tôi không rõ. Tôi đứng dậy, khép cái cửa ra cầu thang gác, sợ ở nhà ngoài, bà mẹ nghe tiếng kêu gào mà lên, thì tôi sẽ không được nghe chuyện.

Tiếng giầy đi trên ván khiến Mã ngửng mặt lên, có lẽ tưởng tôi bỏ ra đi. Anh vội vàng chạy theo níu tôi ngồi xuống ghế, và mỉm cười - cái cười đầy nước mắt - bảo tôi:

- Anh phải nghe hết câu chuyện đã.

- Nhưng anh đừng hét nữa kia. Anh hét thế tôi sợ lắm, không dám ngồi gần anh đâu.

Mã lại mỉm cười:

- Oan khổ, anh coi tôi như một thằng bé con lên ba, lên bốn. Hoặc giả anh cho tôi là thằng điên thực. Nếu tôi điên sao không nhốt tôi vào nhà điên, lại để tôi tự do sống như một thằng lừa dối, một thằng phản bạn, một thằng giết người sống cái đời tự do, yên lặng của nó? Anh ạ, có lần tôi đã có làm cho điên thực, để họ nhốt vào nhà điên vì họ không muốn bỏ tù tôi, họ không muốn làm tội. Không những họ không tố giác tôi, họ lại còn không để tôi tự tố cáo tôi nữa. Đã mấy lần tôi định đến sở cẩm, đến tòa án, tự đưa tay vào xích, tự lăn mình vào lưới pháp luật, nhưng lần nào cũng bị người ta tóm được. Rồi người ta nhốt tôi vào cái buồng kín mít này nó cũng chẳng kém gì cái nhà tù. Họ còn dọa hễ tôi phá phách quá lắm để tìm lối trốn thoát, thì họ sẽ bỏ tôi vào cái cũi sắt nữa kia. ấy vì thế ít khi thả lỏng tôi thế này và cho tôi được phép tiếp bạn bè trong chốc lát. Rồi anh coi, họ sắp lên đuổi anh ra ngay bây giờ.

Tôi lo lắng nhìn cái cửa ra thang gác, nóng ruột muốn biết câu chuyện giết người của Mã, câu chuyện có lẽ chỉ những người ngu ngốc, đần độn, hay điên cuồng mới không tin là có thực.

"- Anh đã làm việc ở Vĩnh Yên, chắc anh cũng có biết anh Hùng. Một người hào hiệp, thẳng thắn như anh Hùng, ai mà không quen, ai mà không muốn gần gũi chơi bời.

"Tôi thì khác. Tôi thương mến anh Hùng ngay từ khi còn cùng nhau theo học lớp ba trường Hàng Vôi. Tình bằng hữu một ngày một thêm khăng khít. Rồi hai người cùng thi đậu bằng thành chung. Anh Hùng kế nghiệp cha, ra làm đồn điền, còn tôi theo đuổi việc học tại trường Pháp Chính. Chúng tôi mến nhau chẳng khác anh em ruột thịt. Hơn nữa, chúng tôi yêu nhau như một cặp tình nhân vậy.

"Nhưng khổ cho chúng tôi, không may cho tình bằng hữu thiêng liêng (anh ngừng lại một giây và gạch hai chữ thiêng liêng bằng một cái nhếch mép độc địa, cái nhếch mép nửa giống như cười, nửa giống như mếu), không may cho tình bằng hữu thiêng liêng của chúng tôi, anh Hùng lấy vợ. Không may nữa, vợ anh là người... bậy bạ... lẳng lơ...

"- Trời ơi! Con thiếu phụ! Con ác phụ! Sao tôi không giết nó? Sao tôi lại giết bạn tôi?".

Tôi nhìn ra cửa ngắt lời:

- Nếu anh còn gào thét thì tôi xin về.

Mã dịu lời:

- "Nhiều lần đến thăm anh Hùng, tôi đã nhận thấy cặp mắt đa tình, cặp môi đa dục của nó. Tôi đoán chừng đối với anh Hùng, anh em đến chơi đông, một phần vì anh có lòng mến khách thực, nhưng một phần cũng vì con mụ đàn bà kia. Cái dung nhan rực rỡ, cái cười tình đằm thắm của nó, cái thân thể nở nang, uốn éo của nó đã quyến rũ người ta, đã thôi miên người ta, đã mê hoặc người ta.

"Anh Hùng vẫn chẳng biết gì hết. Anh yêu thương vợ anh. Anh mê mẩn vợ anh đến nỗi chẳng nhìn thấy gì hết.

"Nhưng tôi nhìn thấy. Tôi chỉ là bạn chồng nó chứ không phải là chồng nó. Tôi không nỡ để một người tốt như bạn tôi bị lừa dối. Tìm cách mở mắt cho người mù vì ái tình vẫn là một việc khó, khó hơn lấy lại ánh sáng cho một người mù thực, nhưng khó, tôi cũng không từ, không lui.

"Năm ngoái, nhân một dịp nghỉ lễ, tôi về chơi đồn điền anh Hùng. Cố nhiên tôi gặp một lũ bạn giả dối, và trong số đó có thằng tình nhân khốn nạn của con đàn bà khốn nạn.

"Trời ơi! Sao tôi không bắn chết hai đứa thất phu, thất phụ ngay hôm chúng nó tư tình với nhau ở sau một đống rạ sau đồng? Sao tôi lại để cho chúng nó thoát? Trời ơi! Nhưng tôi cũng chỉ là một thằng khốn nạn".

Lần thứ hai, tôi ngắt lời bạn:

- Kìa! Anh lại thét. Thôi tôi không nghe nữa.

- "Xin lỗi anh, nhưng tôi khốn nạn lắm kia, Con dâm phụ thấy tôi biết chuyện bậy bạ của nó, thấy tôi rình mò, do thám nó, thì nó nghĩ ngay ra một quỷ kế, một kế mỹ nhân.

"Nó than, nó khóc, nó kể lể, nó phàn nàn nhiều điều về anh Hùng, nào anh ác nghiệt, cay độc, tình phụ nó, ruồng rẫy nó, hàng tháng, hàng năm không yêu thương nó, mà nó thì nó rất thèm khát sự yêu thương...

"Rồi không biết nó nói thực hay nói dối - còn ai hiểu được bụng nó - nó bảo ở trên đời này nó chỉ yêu có một người, nhưng nó không dám, nó không thể nói cho người ấy biết được. Nó đành chôn sâu trong trái tim, trong linh hồn khối tình tuyệt vọng.

"Thế là bắt đầu sự đê hèn của tôi! Vì tôi đã hơi tin nó. Trời ơi! Anh Hùng ơi! Sao tôi còn vác được cái mặt dầy mà sống ở đời?"

Mã bưng mặt khóc, khóc nức nở...

Tôi chờ Mã, không thấy anh kể nốt, liền nhắc:

- Câu chuyện chỉ có thế?

Anh Mã vội vàng ngửng đầu lên, lau nước mắt trả lời:

- Nếu chỉ có thế thì còn nói gì? Nhưng nào chỉ có thế.

"Ngày tôi bắt đầu thương hại vợ bạn là ngày tôi sa chân xuống địa ngục. Vì từ thương hại cho tới thương yêu chỉ có một bước...

"Mà bước ấy, tôi đã... qua. Anh Hùng ơi! Sao tôi khổ sở thế này?...

"Trời ơi! Cái sắc đẹp! Cái sắc đẹp giết người!"

Tôi chau mày bảo Mã:

- Nếu anh không tĩnh tâm mà kể thì tôi hiểu sao được?

"- Phải. Tôi mê man trong ái tình, trong dục tình.

"Chiều thứ bẩy nào tôi cũng phải mò về đồn điền bạn để tình tự với vợ bạn. Chúng tôi yêu nhau điên cuồng đến nỗi dám định cùng nhau đi trốn. Mà bạn tôi vẫn thẳng thắn, vẫn không ngờ vực mảy may.

"Thế rồi một buổi trưa chủ nhật..."

Mã như nghẹn lời không nói được nữa. Hai hàng nước mắt chảy ròng. Tôi rùng mình ghê sợ, toan bỏ ra về nhưng không sao đứng dậy được. Còn Mã thì ngồi đấy không hề ngó thẳng mắt tôi nữa, buồn rầu cúi gầm xuống mà kể tiếp:

"Một buổi trưa chủ nhật, ăn cơm sáng xong, Hùng rủ tôi đi săn. Tôi vờ nhức đầu ở lại nhà. Anh tất cũng hiểu tôi ở nhà để làm gì...

"Bỗng một nửa giờ sau, bạn tôi hình như bỏ quên vật gì, trở về vào buồng giữa lúc bọn gian phu dâm phụ sắp phạm tội nhục thể...

"Trời ơi! Tôi làm thế nào mà xóa bỏ trong trí nhớ cái cảnh tượng xấu xa, nhơ nhuốc ấy?

"Bạn tôi, xưa nay tính vẫn nóng nẩy, chĩa súng về phía vợ ngồi, định bắn. Tôi nhẩy phắt ngăn lại giật lấy súng; Hùng liền vớ ngay hai con dao treo bài trí trên tường, sấn lại chém vợ. Người vợ hình như mất hết cả can đảm, ngồi im để chờ chết. Hai lưỡi dao sáng loáng sắp bổ xuống đầu người thiếu phụ, thì đứng trước mặt, tôi chẳng kịp nghĩ ngợi, giương súng... bóp cò... Bạn lăn ra đất.

"Nhưng độ mấy giây sau, bạn tôi lại ngồi dậy. Tôi tưởng anh không việc gì, vì thấy anh men lại giường, rồi bước lên nằm duỗi thẳng cẳng trên nệm. Tôi nhìn cái áo lót của anh có vết máu ở ngực. Anh sẽ gật, ra hiệu bảo tôi ghé lại gần. Lúc bấy giờ tôi, một người không hồn, làm theo những lời sai khiến của bạn như cái máy theo người vặn. Anh Hùng thì thầm:

- Lấy mảnh giấy và cái bút chì mau!

"Rồi đặt lên trên một quyển sách có bìa cứng, anh viết mấy dòng sau này:

Tôi xin cha tôi, vợ tôi và bạn thân nhất trên đời tôi (Mã đọc đến đây, nấc lên một tiếng, và phải ngừng lại mấy giây) tha lỗi cho tôi, vì mắc bệnh đau tim, tôi đã hèn nhát trốn nợ đời...

"Nằm nghĩ ngợi một lát, anh lại bảo tôi nhặt hai con dao rơi ở mặt đất treo bên giường ngay bên cạnh mình.

"Người vợ, con đàn bà khốn nạn, từ nãy vẫn gục quỳ ngay bên cạnh và luôn luôn van lạy xin lỗi. Lúc đó có người nhà chạy lên, nhưng tôi chẳng hề để ý tới ai hết.

"Bạn tôi hiểu rằng mình còn sống trong giây phút, cố hết sức tàn se sẽ bảo tôi.

"Thế rồi bạn tôi tắt nghỉ...".

Có lẽ Mã đã ghi hết nghị lực để lấy giọng bình tĩnh kể đoạn chuyện sau cùng, vừa dứt lời, anh rú lên, văng từ ghế xuống gác, kêu rầm một tiếng. Bà mẹ ở dưới nhà tất tả chạy lên, hoảng hốt khóc lóc mếu máo:

- Khổ quá! Con tôi đã lên cơn điên rồi!

Tôi cùng một người đầy tớ khiêng Mã lên giường rồi cáo từ bà cụ ra về, trong trí còn phảng phất lời nói mỉa mai của Mã:

"Chỉ những người ngu dốt, đần độn hay điên cuồng mới không tin là câu chuyện có thực". 
 
 
 (Trích từ tập truyện ngắn Dọc Đường Gió Bụi)
 

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

VIÊN BÁ TƯỚC VÀ VỊ KHÁCH MỜI ĐÁM CƯỚI - O. Henry

 

Một buổi tối khi Andy Donovan đi ăn tối tại nhà nấu cơm tháng trên Đại lộ Hai thì bà Scott giới thiệu anh với một người trọ mới, một thiếu nữ có tên là Conway. Cô Conway người nhỏ nhắn và kín đáo. Cô mặc một bộ váy màu nâu vàng đậm, vải trơn, và cô tỏ ra hứng thú nhưng dường như uể oải nhìn đĩa thức ăn của mình. Cô e thẹn ngước mắt, phóng tầm mắt một cách dò hỏi sâu xa nhìn Donovan, thì thầm tên anh ta một cách lịch sự và lại quay về món thịt cừu của mình. Donovan cúi đầu chào đáp lại bằng cái liếc nhìn và một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười đã giúp anh ta nhanh chóng giành được sự thăng tiến về chính trị, làm ăn buôn bán và xã hội đã khiến anh ta quên ngay cô gái trong bộ váy màu nâu vàng kia khỏi danh sách những người nằm trong sổ ghi chép mà anh ta chú ý đến.

Hai tuần sau, lúc Andy đang ngồi trên thềm trước nhà tận hưởng điếu xì gà thì có tiếng sột soạt khe khẽ đằng sau lưng và phía trên đầu khiến cho Andy quay người lại, mà ước gì đầu anh ta quay lại được.

Ngay lúc đó cô Conway đang đi ra khỏi nhà. Cô mặc một bộ váy vải nhiễu đen láy, một thứ vải đen mỏng tang. Mũ cô ta đội cũng màu đen, có che một tấm mạng đen như gỗ mun mỏng tang như mạng nhện rủ xuống, phất phơ bay. Cô ta đứng ở bậc thềm trên cùng và tay đeo đôi găng lụa đen. Trên khắp bộ váy không thấy có lấy một vết trắng hoặc màu sắc nào khác. Mái tóc vàng óng của cô hầu như không có lấy một làn sóng được búi thành một nắm mượt óng thả thấp xuống tận cổ. Mặt cô ta trông bình thường, chứ chưa nói là không đẹp, thế mà lúc này đôi mắt xám to của cô ta đã làm cho cô ta thêm rạng rỡ, đến là đẹp nhìn chăm chú qua các ngôi nhà bên kia phố lên bầu trời, nét mặt sao mà u buồn.

Các cô cứ nghĩ mà xem, toàn màu đen, cô nàng thích nhiễu hơn, mà là nhiễu Trung Hoa, chỉ vậy thôi. Hết thảy màu đen, với cái nhìn xa xăm, u buồn đó, bộ tóc óng mượt dưới tấm mạng màu đen (dĩ nhiên các cô hẳn phải có bộ tóc màu vàng nhạt chứ) và dẫu cho cuộc đời tươi trẻ của các cô có tàn úa cứ như sắp phải tập nhảy từng bước, lúc đầu là lò cò, rồi nhảy bước một và cuối cùng nhảy phắt qua ngưỡng cửa của cuộc đời thì các cô cũng cố trông ra dáng như là mình đang đi trong công viên, mà phải dám chắc là mình xuất hiện bên ngoài nhà đúng lúc, ồ mà lần nào cũng thấy họ như thế cả. Nhưng giờ đây mà đi bàn đến những bộ đồ tang như thế này thì có phải tôi là người độc ác quá không?

Anh chàng Donovan bỗng nhiên lại viết tên cô Conway lên những danh mục để mình xem xét. Anh ta vứt mẩu thuốc xì gà còn lại đi, mà nhẽ ra có hút cũng còn được đến tám phút nữa mới hết, rồi nhanh chóng chuyển trung tâm hấp dẫn sang đôi giày da sơn thấp cổ.

- Buổi tối hôm nay trời trong vắt, đẹp quá cô Conway nhỉ – anh chàng nói. Nếu như Ban Dự Báo Thời Tiết mà nghe thấy giọng đầy quả quyết của anh ta thì chắc họ đã cho giương cả một tấm biển trắng vuông vức và đóng vào cột buồm, chứng tỏ mình chịu thua rồi.

- Họ còn có lòng để mà thưởng thức, anh Donovan ạ – cô Conway nói, miệng thở dài.

Thật ra trong thâm tâm anh Donovan lại nguyền rủa thời tiết đẹp đó. Thời tiết sao mà độc ác làm vậy! Nhẽ ra nó phải đổ mưa đá, gió thổi mạnh và tuyết rơi để hòa vào với tâm trạng của cô Conway chứ.

- Tôi mong đó không phải là người nhà của cô… Tôi hy vọng là cô không phải gánh chịu sự mất mát nào, có đúng không nào? – Anh chàng Donovan liều lĩnh hỏi.

- Cái chết đã lấy đi – cô Conway ngập ngừng nói – không phải là người bà con, mà là một người, mà thôi, ai lại bắt anh phải gánh chịu nỗi đau khổ của em cơ chứ, anh Donovan ạ.

- Bắt tôi gánh chịu á? – Donovan cãi lại – Sao lại nói thế hả cô Conway. Tôi sẽ lấy làm mừng, à mà lấy làm tiếc… Ý tôi muốn nói là không có ai có thể cảm thông với em chân thành hơn tôi được.

Cô Conway hé nở nụ cười. Ôi, cười gì mà trông còn buồn khổ hơn là nét mặt lúc thanh thản của cô.

- “Khi ta cười, thế gian sẽ cười với ta; khi ta khóc thì thế gian sẽ cho ta tiếng cười” – Cô ta đã trích dẫn lời hay ý đẹp – Anh Donovan ạ, em biết điều đó chứ. Em không có bạn bè hay người quen ở thành phố này. Nhưng anh tốt với em quá. Em rất trân trọng điều đó.

Anh ta đưa hạt tiêu cho cô Conway hai lần trên bàn ăn.

- Sống một mình ở thành phố New York là vất vả lắm… Vất vả thật đấy – Donovan nói – Nhưng mà… cứ khi nào cái thành phố nhỏ cổ lỗ này mà trở nên phấn chấn và thân thiện thì cứ gọi là không có giới hạn đâu. Giả dụ nếu cô đi dạo một chút trong công viên, cô Conway ạ, chắc có lẽ cô cũng nguôi ngoai một phần nào, cô có cho là vậy không? Nếu cô cho phép thì tôi…

- Xin cảm ơn anh Donovan. Anh không cho rằng đi cùng với một người lòng buồn nặng trĩu là ngán lắm thì tôi sẽ rất vui được nhận lời chào mời đó.

Hai người đi qua những chiếc cổng để ngỏ của công viên, nơi mà người được lựa chọn đã từng đi dạo mát, nằm ở khu kinh doanh trong thành phố, cổ kính, có ngăn bằng lan can sắt và tìm một chiếc ghế dài yên tĩnh ngồi.

Đây có sự khác biệt giữa sự khổ đau của tuổi thanh niên và sự khổ đau của tuổi già; gánh nặng của tuổi trẻ sẽ được vơi đi nhiều khi có những người khác sẻ chia; người già chỉ biết có cho và cho mà thôi, nhưng nỗi sầu muộn vẫn còn nguyên đó.

“Anh ấy là người chồng chưa cưới của tôi – Cuối cùng thì Conway cũng thổ lộ tâm tình vào cuối giờ – Chúng tôi chuẩn bị sẽ làm đám cưới vào mùa xuân tới. Tôi không muốn anh nghĩ rằng tôi đang đánh lừa anh đâu, anh Donovan ạ, nhưng anh ấy thật sự là một Bá tước. Anh ấy có một cơ ngơi lớn và một lâu đài ở Italia. Tên anh ấy là Bá tước Fernando Mazzini. Tôi chưa bao giờ thấy có ai hơn anh ấy về mặt thanh lịch. Dĩ nhiên bố anh ấy phản đối và có lần chúng tôi đã bỏ trốn, nhưng ông ấy đã đuổi kịp chúng tôi và đưa chúng tôi về. Tôi cứ lo thể nào giữa hai bố con cũng choảng nhau một trận. Anh biết đấy, ông bố có công việc làm ăn khấm khá ở P’kipsee.

Cuối cùng ông bố thay đổi hẳn ý định, thế là ổn, và ông nói chúng tôi có thể lấy nhau vào mùa xuân tới. Fernando chứng minh cho ông bố thấy danh tước và của cải của mình và sau đó anh ấy đi Italia để cho người sửa sang lại tòa lâu đài dành cho chúng tôi. Ông bố rất tự hào, nhưng khi Fernando muốn cho tôi mấy ngàn đô la để mua đồ tư trang của cô dâu thì ông bố lại mắng anh ấy là đồ ngớ ngẩn. Thậm chí ông ấy còn không cho tôi được nhận bất cứ cái gì, dù là một cái nhẫn hoặc một tặng phẩm nào từ anh ấy. Rồi khi Fernando lên thuyền đi thì tôi đi đến một thành phố và kiếm một việc làm thủ quỹ trong một cửa hàng bánh kẹo.

Cách đây ba ngày tôi nhận được một lá thư từ Italia, từ P’kipsee, thông báo rằng Fernando đã bị giết chết trong một tai nạn thuyền gondola 1 .

Chính vì thế tôi mới để tang. Anh Donovan ạ, trái tim tôi sẽ mãi mãi nằm bên trong mộ anh ấy. Tôi nghĩ mình kém xã giao lắm, anh Donovan ạ, nên tôi không sao còn có hứng thú kết bạn với ai được nữa. Tôi không muốn ngăn cách niềm vui của anh và bạn bè anh, những người luôn mỉm cười và làm cho anh vui. Chắc anh muốn đi về nhà phải không?”

Chà, các cô gái, các cô mà có muốn quan sát một anh chàng nào đó hăm hở chạy ra với cái cuốc chim và cái xẻng trong tay thì chỉ việc nói cho anh ta hay rằng trái tim của các cô nằm trong mồ của người khác rồi nhé. Bản chất các anh chàng thanh niên đó là những kẻ đào mả để ăn trộm. Cứ đi hỏi bất cứ một người đàn bà góa nào mà xem. Cần phải hành động để lấy lại bộ phận bị thất lạc đó và trả cho các thiên thần đang khóc sướt mướt trong bộ áo tang nhiễu đen. Những người chết chắc hẳn phải gánh chịu phần tồi tệ nhất từ mọi phía.

- Tôi vô cùng xin lỗi cô – Donovan nói khẽ – Không, chúng mình đừng quay về nhà vội. Cô không nói là cô không có bạn bè ở trong thành phố này đấy chứ, hả cô Conway. Tôi rất tiếc và tôi mong cô tin rằng tôi là người bạn của cô, điều này tôi thấy thật đáng tiếc.

- Tôi có mang theo ảnh của anh ấy trong túi đây – Cô Conway nói sau khi lấy khăn lau nước mắt – Tôi chưa từng cho ai xem đâu đấy, nhưng tôi sẽ cho anh xem, anh Donovan ạ, vì tôi tin anh sẽ là người bạn chân thành của tôi.

Anh chàng Donovan chăm chú nhìn và tỏ ra hứng thú thấy cô Conway mở hộp đựng vật kỷ niệm và lấy bức ảnh ra cho anh ta xem. Đó là một khuôn mặt nhẵn nhụi, thông minh, sáng láng và có phần đẹp trai, một khuôn mặt của một người vui tính và khỏe mạnh, là người chắc hẳn phải đứng đầu đám bạn bè của mình.

- Tôi có một bức khác to hơn, đóng trong khung, để ở trong phòng của tôi – Cô Conway nói – Lúc nào quay về, tôi sẽ đưa cho anh xem. Tất cả những bức hình đó làm cho nhớ đến Fernando. Nhưng chắc chắn là anh ấy mãi mãi trong tim tôi.

Một nhiệm vụ tế nhị mà Donovan phải đối mặt là làm thế nào thay thế vị Bá tước kia trong trái tim của cô Conway. Chính sự ngưỡng mộ của anh ta đối với cô ấy đã khiến cho anh ta thêm quyết tâm làm điều đó và nhiệm vụ nặng nề đó dường như không hề gây bức xúc đối với tinh thần của anh ta. Người bạn đầy thiện cảm nhưng vui tính chính là vai mà anh ta đã cố gắng đóng thử; và anh ta đã đóng thành công đến mức nửa giờ tiếp theo đó người ta thấy hai người nói chuyện với nhau một cách trầm tư bên cốc kem, dẫu cho nét buồn bã trong đôi mắt xám to của cô Conway vẫn chưa giảm đi chút nào.

Trước lúc hai người chia tay nhau trong phòng đại sảnh vào chiều tối hôm đó, cô Conway chạy vội lên gác và mang xuống một chiếc ảnh có đóng khung được gói thật trang trọng trong chiếc khăn lụa trắng. Anh Donovan ngắm nghía với con mắt dò xét kỹ lưỡng.

- Anh ấy đưa cho tôi vào đúng cái đêm anh ấy đi Italia – Cô Conway nói – Chiếc ảnh mà tôi để trong hộp nọ là tôi sao từ bức ảnh này đấy.

- Trông anh ta đẹp trai lắm – Anh Donovan vui vẻ nói – Cô Conway này, tôi rất lấy làm vui được đi cùng cô đến đảo Coney vào chiều Chủ Nhật sau, cô thấy có thích hợp không?

Một tháng sau họ tuyên bố đính hôn với bà Scott và những người ở trọ khác. Cô Conway tiếp tục mặc đồ đen.

Một tuần sau tuyên bố đó, hai người ngồi trên cùng chiếc ghế trong công viên, trong khi đó lá đung đưa hắt hình bóng mờ mờ ảo ảo của họ trong ánh trăng. Nhưng suốt cả ngày hôm đó Donovan mang vẻ mặt buồn khổ, lơ đãng. Tối nay anh ta im tiếng đến nỗi đôi môi của tình yêu không thể nào giữ mãi được câu hỏi thắc mắc mà trái tim của tình yêu đã đặt ra.

- Có chuyện gì vậy, Andy? Đêm nay anh trông nghiêm nghị và mặt mày cứ nhăn nhó thế?

- Chẳng có chuyện gì cả, Maggie ạ.

- Phải có chuyện chứ. Em không biết được sao? Trước đây có bao giờ anh hành động như thế đâu. Chuyện gì vậy anh?

- Cũng chẳng có chuyện gì nhiều lắm, Maggie ạ.

- Đúng thế, nhưng em vẫn cứ muốn biết. Em đánh cược là anh đang nghĩ đến một cô gái khác. Được thôi. Thế tại sao anh không đi đến với cô ấy nếu anh cần cô ấy. Xin anh bỏ tay ra cho.

- Vậy thì anh sẽ nói cho em hay – Andy nói một cách khôn ngoan – nhưng anh nghĩ em không thể hiểu một cách chính xác được. Em có nghe nói đến Mike Sullivan phải không? Mike Sullivan “To Bự” ấy mà, mọi người gọi anh ta thế.

- Không, em không nghe nói đến, mà em cũng không muốn nghe nếu như anh ta làm cho anh hành động như thế này. Anh ta là ai? – Maggie nói.

- Anh ta là người to lớn nhất thành phố New York này – Andy nói, gần như kính phục – Anh ấy có thể làm bất cứ điều gì mà mình muốn với Tổ chức Tammany 2 hay bất cứ tổ chức cũ rích nào trong phe phái chính trị. Anh ta to lớn, râu hùm hàm én. Ai mà nói điều gì chống lại anh Mike To Lớn thì chỉ trong nháy mắt đã có đến hàng triệu con người chạy đến bóp cổ anh ta ngay. Hừm, thế mà anh ta cách đây không lâu đã đến thăm cựu quốc và các ông vua đã lủi trốn vào hang như một lũ thỏ đấy.

Đúng thế, anh Mike To Lớn là một người bạn của anh. Anh thì có ảnh hưởng gì trong cái quận này đâu, nhưng anh Mike là người bạn tốt đối với những ai nhỏ bé hoặc nghèo khổ, cũng như đối với ai to lớn. Hôm nay anh gặp anh ấy ở Phố Bowery 3 . Em có biết là anh ta đã làm gì không? Anh ta đứng dậy và đi lại bắt tay anh. “Xin chào Andy. Tôi vẫn đang theo dõi cậu đấy. Cậu đang chỉ huy ở bên khu phố của cậu tốt lắm và tôi tự hào về cậu. Thế nào, uống tí gì chứ?” Anh ta hút xì gà, còn anh uống rượu. Anh khoe với anh ta là anh sẽ lấy vợ trong hai tuần lễ nữa. “Andy, hãy gửi giấy mời cho tôi để tôi còn nhớ và đi dự đám cưới chứ”, anh ta nói. Đấy, anh Mike To Lớn nói với anh như vậy đấy và anh ấy luôn nói là làm, em ạ.

Em không hiểu anh nói gì đâu, Maggie. Nhưng để có anh ấy đến dự đám cưới của chúng ta thì anh có mất đi một bàn tay cũng được. Đó sẽ là một ngày đáng tự hào nhất trong đời anh. Khi anh ấy mà đi dự đám cưới của ai thì chú rể nào mà chẳng thấy mình hãnh diện cả đời. Chính vì thế mà tối nay anh trông buồn thế.

- Thế sao anh không mời anh ấy nếu anh ấy nhiệt tình làm vậy? – Maggie nhẹ nhàng nói.

- Có lý do để anh không mời anh ấy – Andy buồn bã nói – Có lý do tại sao anh ấy không được có mặt ở đây. Em đừng hỏi anh đó là gì vì anh không thể nói cho em hay được.

- Ôi, em đâu có quan tâm – Maggie nói – Dĩ nhiên có gì đó liên quan đến chính trị, nhưng không vì lý do gì mà anh lại không vui vẻ với em cả.

- Maggie em – Andy nói liền lập tức – Em có nghĩ đến anh nhiều như em đã từng nghĩ đến người của em… như em nghĩ đến Bá tước Mazzini không?

Anh ta đợi một lúc lâu nhưng Maggie không đáp lại. Rồi bỗng nhiên cô ngả người vào vai anh ta và cất tiếng khóc, người rung lên khóc nức nở, nắm chặt lấy cánh tay anh ta, cả chiếc áo nhiễu đen ướt đầm đìa.

- Nào, thôi nào! – Andy dỗ, gạt bỏ sự khó chịu của mình sang một bên – Nào, có chuyện gì vậy em?

- Anh Andy – Maggie nức nở – Em nói dối anh đấy và anh sẽ không lấy em và cũng không còn yêu em nữa. Nhưng em cảm thấy là em cần phải nói cho anh rõ. Andy ơi, chẳng có vị bá tước nào trên đời này cả. Cuộc đời em chưa bao giờ có một người tình nào. Nhưng tất cả các cô gái khác đều có và họ nói về những người đó và điều đó làm cho những người tình của họ lại yêu họ hơn. Anh Andy ạ, em trông nổi bật trong bộ đồ đen, mà anh biết là em thế mà. Thế là em đi đến cửa hàng chụp ảnh và mua bức ảnh đó, rồi yêu cầu người ta làm thêm một bức nhỏ để em cất trong hộp, sau đó em bịa ra một câu chuyện về vị Bá tước nọ và về việc anh ta bị tai nạn chết, vì thế em mới mặc bộ đồ đen. Nhưng có ai ưa những kẻ nói dối đâu. Anh sẽ bỏ em và em sẽ chết vì xấu hổ mất. Ôi, em chưa bao giờ yêu ai trừ anh ra… thế thôi!

Thay vì là mình bị đẩy đi, cô Conway lại thấy Andy ôm chặt mình hơn. Cô ngước nhìn lên và thấy khuôn mặt anh ta mỉm cười rạng rỡ.

- Anh… anh thứ lỗi cho em chứ, Andy?

- Có chứ – Andy nói – Chẳng hề gì đâu. Trở lại nghĩa trang với vị Bá tước nọ. Em đã bộc bạch hết cả rồi, Maggie ạ. Lúc ở đó anh cứ hy vọng là em sẽ nói thật trước ngày cưới cơ. Em thật là một cô gái cứng đầu cứng cổ!

- Anh Andy – Maggie nói, nở một nụ cười có vẻ ngượng chút ít sau khi cô biết chắc là mình đã được thứ lỗi – thế lúc đó anh có tin mọi thứ về câu chuyện vị Bá tước đó không?

- Chà, không nhiều lắm – Andy nói, với tay lấy hộp đựng xì gà – bởi vì đó chính là bức ảnh về cái nhà anh Mike Sullivan To Lớn nọ mà em giữ trong cái hộp của em.

--------------------------------
1Thuyền gondola là loại du thuyền đáy bằng ở Venice, Italia.
2Xem chú thích trong truyện ngắn Maggie vào đời.
3Một phố ở Thành phố New York, nổi tiếng có khách sạn và quán bar rẻ tiền với những kẻ du đãng và say rượu thường hay lui tới.

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

CÂU DẦM - Bình Nguyên Lộc

 

Viết theo một chuyện cổ tích của làng Tân uyên để tặng những đứa con yêu mến của Tân Uyên đã xiêu bạt khắp mọi nơi sau mùa tiêu thổ 1945.

Tôi ưa đi câu, không phải để được cá bởi vì tôi nặng bóng vía lắm:

Cá không ăn câu, mồ cha con cá dại
Cần câu anh cầm, nghĩ lại con cá khôn.


Cũng không phải theo dấu của ông già sông Vị đợi chờ chúa Thánh rước về làm tướng Tây kỳ.

Đi câu, đối với tôi là những giờ mà lòng được nhẹ bổng không buồn, không vui, lâng lâng như đã thoát trần. Đi câu là những giờ rình một tăm cá hay lơ đãng ngó theo bóng chim thằng chài xẹt mau như sao băng, hoặc xem "từng mây lơ lửng trời xanh ngắt". Đó là những phút hồi hộp nhìn cái phao chìm lần... chìm lần, nghe đầu cần câu nặng nặng. Rồi... roạch một cái, con cá gì đó đã sứt mép còn lưỡi câu thì góa mồi, mồ hôi ngư ông nhỏ giọt... Đi câu là xem những con sông, ngọn rạch, tựa hồ như những con đường biết đi, mang theo hình ảnh của cả một sự sống, một cuộc đời hiếu động. Đi câu là vớt những trái tràm, những bụi cây rù rì trôi từ trên nguồn về để nghe nó kể lể chuyện rừng xanh.

Tôi lại thích đi câu dầm. Vì vậy mỗi lần về quê, tôi về vào mùa mưa để đi câu dầm, tìm lại những cảm giác đã sống qua ngày nào.

Phải nói cho các bạn nghe câu dầm là làm sao chớ. Có gì đâu: vài chục cần câu tre ngắn, đâu cần uốn cong như cây cung, đuôi cần vạt nhọn, nhợ câu ngắn hơn cần một chút, lưỡi thép hơi to.

Ở làng tôi người ta gọi đó là câu cắm, là vì cần câu được cắm dài theo bờ ruộng, có người lại kêu là câu bủa, vì cần nhiều, bủa khắp đồng ruộng. Còn câu dầm của họ thì lại là một cách khác nữa.

Nhưng tôi có cần gì nói trúng một tiếng nhà nghề của địa phương đâu. Câu dầm của tôi là một cuộc đi câu ban đêm, những đêm mưa dầm, phải dầm mưa mà câu.

Ở đây, câu, đối với tôi cũng không phải là bắt cá bằng cần. Đi câu dầm là hứng lấy những hột mưa nhọn hoắt, đón những ngọn gió lạnh quíu tay để được tận hưởng trong tưởng tượng cái cảnh ấm êm, chăn gối nệm bông.

Bơ vơ trong bóng tối, thèm thuồng một ngọn đèn xa... Lắng nghe sự sống bí mật, âm thầm của côn trùng trong cỏ, trong lau... Rùng rợn vì tiếng vạc não nùng như tiếng một cô hồn đau khổ, và tiếng thì thầm của đêm tối, tiếng gió vi vu...

Đó là những thú lạ thường mà người kỳ khôi hay tìm kiếm. Nhưng điều nầy thích hơn hết, là đi câu dầm thế nào cũng gặp ông Ba Sa.

*

Ông Ba Sa là một người thuộc về âm. Ban ngày không ai thấy ông đâu hết, trừ khi ông giúp đám ma, nhà héo, đi cúng chùa, cúng đình. Những lúc hội họp xóm làng như vậy, ông ít nói chuyện với ai, không hiểu vì thói quen sống cô độc, hay vì lẽ gì khác.

Như một con cú ăn đêm, bạn bè với bóng tối, ông Ba chỉ ra khỏi nhà lúc đỏ đèn để đi câu dầm, về mùa mưa. Còn trong những tháng nắng ruộng khô không biết ông làm gì.

Đêm nào tôi cũng thấy ngọn đèn ông Ba leo lét đằng xa. Một khi kia nghe mình hiu quạnh cô đơn quá, cần phải nói với ai một điều gì, hay ít ra cũng cần sự có mặt một "hơi" người bên cạnh, tôi mò lần lại cái đóm đỏ, ẩn hiện như đèn ma đằng kia.

Ông Ba cũng không tìm cách trốn tránh gì tôi, song cái miệng làm thinh của ông thì không ai cạy nổi.

Nhưng tôi đã có những chiếc đũa phép, một điếu thuốc mời, rồi hai điếu, rồi ba, rồi không còn biết là mấy điếu nữa. Trong những lúc như vậy mới biết hút thuốc điếu là sướng.

Cái sức nóng nhỏ mọn của điếu thuốc như thấm nhuần khắp châu thân, nghe như đỡ lạnh mình và lạnh lòng.

Khói thuốc xui người khép nép nhứt cũng phải cởi mở lòng. Lời qua, tiếng lại, ban đầu còn cụt ngủn, xẳng lè lần lần thân mật, có bao nhiêu trút rót ra không tiếc.

Một tiếng sét đằng xa vọng lại, tức thì ông Ba có chuyện Thiên Lôi, chuyện lưỡi tầm sét để nói cho tôi nghe liền.

Ông Ba biết rất nhiều chuyện yêu ma, và ở đây, hoàn cảnh rất thích hợp để gợi sự hãi hùng, rùng rợn.

Nào là chuyện thằng cha đi câu dầm, đêm kia gặp một bà già lạnh quíu, run rẩy bên đường. Động lòng thương, anh ta cõng bà ấy về làng. Nhưng dọc đường nghe càng lâu, càng nặng, nặng quá, đi không nổi. Anh ta ngó ngoái lại thì trời ơi, đó là một cỗ hòm lâu đời, mục nát, hôi tanh...

Lại chuyện anh chàng đi soi ếch, nửa đường có thằng nhỏ xin theo xách giỏ.

Tới khuya, anh ta xem lại giỏ coi được nhiều hay ít... thấy máu chảy ròng ròng, ếch thì con nào con nấy cũng mất đầu, anh ta hỏi lẩy thằng nhỏ:

- Bộ mầy ăn ếch sao mậy?

- Ừ, tôi ăn.

- Bộ mầy là ma sao mà...

Anh chưa dứt tiếng thì trời bỗng chớp lòe, thấy miệng thằng nhỏ dính máu tèm lem, túa lụa, còn lưỡi nó thì le ra dài tới rún...

*

Áo tơi và nón trũm của chúng tôi không đủ che mưa, đỡ gió. Chúng tôi lại hút thuốc cho ấm. Một điếu, rồi hai điếu... rồi ba, bốn, năm, sáu điếu.

*

- Cái thở 1 mà tui 2 còn trai như cậu - một đêm kia ông Ba kể - tôi có thèm câu cắm như vầy đâu. Cá ruộng, một năm có mấy tháng mà bán cũng không bao nhiêu tiền. Hồi đó con sông Đồng nai của mình còn nhiều cá, mà cá lớn, tôi chỉ đi câu xuồng. Một ngày, một đêm, kiếm mạt lắm cũng được năm quan tiền 3.

Tôi cũng biết sát phạt quá, bắt vật trời sanh lắm thì mang tội, song nghèo thì biết tính sao. Thôi thì tới đâu hay đó, nữa chết xuống dưới phải tội nào hay tội nấy. Nhưng tôi "đã xuống dưới" trước khi chết, nên từ ấy những nay, tôi dẹp cái nghề câu sông đi.

Ông Ba rút một hơi thuốc dài, rồi cho khói ra lỗ mũi chầm chậm... Đoạn ông thuật tiếp:

- Cậu cũng biết chớ... chợ Tân uyên mình địa thế tốt lắm. Mấy thầy địa lý cắc chú đi du phương, qua đó, thầy nào cũng khen. Nên cái chùa "Ông" 4 sau chợ bị nhà nước bắt dời đi mấy lần, mà "cắc chú" họ cứ rủ nhau xin để lại cho được mới nghe. Trước chợ, con sông, bờ cao ngất.

Nước sông trước chợ lại vận thành xoáy khu ốc, như cố ý dừng lại trước một địa thế linh thiêng. Bên kia sông, ngay chợ, khu rừng cấm Bình hưng trên hòn cù lao Tân chánh, ngó giống tấm bình phong, hay cái tam quan trước chùa chiền. Rừng sầm uất, cây cao, bóng mát đứng trên mé vực cao, nghiêm nghị rọi mình xuống sông sâu. Nếu không có chợ, nhà, người đi ghe thương hồ qua đó không khỏi sởn tóc gáy, vì cái vẻ linh thiêng, tịch minh của nó.

Mấy ông hồi trước thuật rằng: ngay dưới miếng đất cất chợ có một cái hang ăn luồn vô riết tới chùa Ông, tới chỗ cái hồ trên miệng có xây con cá hóa long, cậu biết chớ ?

Một đêm kia, cái nhà sàn của chú Sang, cất dựa mé sông, bỗng đổ sụp. Bao nhiêu của cải, vàng bạc đều đi tuốt hết, còn chủ nhà và vợ con thì, may quá, lội vào bờ được. Chú Sang mướn thợ lặn, định mò vớt của lại. Nhưng cái anh thợ lặn ấy tìm hoài không thấy dấu vết cái nhà, không lượm được lấy một mảnh ngói, một tấm ván nhỏ. Anh ta gặp một miệng hang, ngó vô tối đen như mực. Hang thần được dân làng biết từ đó.

Đó, mấy ông thuật rằng trong hang đó có một cặp cá bóng tu lâu đời thành thần. Hai vị thần nầy đã linh, lại hiền từ, nhơn đức hay phù hộ dân làng.

Cậu thấy không, người trong làng mình phần nhiều có chữ, đất địa có "Mão quan" rõ ràng.

Trong khu rừng cấm trước chợ lại có cặp "cù" cũng tu lâu đời thành thần. Nhưng đó là hai vị thần nhỏ, tướng của thần cá bóng.

Thần Cù rất hung ác, tham lam...

À! Quên cái nầy, mấy ông nói nhỏ cho nghe rằng Thần Cù là cặp rắn, lớn mà ngắn, mồng đỏ, mỏ nhọn... Hễ năm nào dân làng không cúng hối lộ thì năm đó thế nào cũng bị tai họa. Cái chợ hồi trước còn lợp tranh, cứ vài năm lại cháy một lần. Đêm trước khi cháy chợ, dân làng nghe bên rừng tiếng gầm thét vang trời. Bởi vậy, hằng năm làng có lập đàn làm chay trước chợ, để tế Thần Cù và luôn tiện bổ thí cô hồn, các đảng 5.

Mấy ông lại thuật rằng có lần kia, một người câu xuồng, bỏ neo tại bến Trâu, núp dưới bóng một cây nhông. Chỗ ấy rậm rạp, đi thuyền trên sông không thấy được. Khi đương câu, anh ta thấy giữa dòng sông nổi lên một con rùa lớn bằng cái nia. Rùa ngó quanh quất rồi lặn xuống liền, nửa giờ sau, người đi câu được mục kích một cảnh tượng hết sức lạ lùng. Nơi mà con rùa hiện lên hồi nãy, thấy có khói từ dưới nước bay lên. Đó là khói hương trầm thơm ngây ngất, bay tản ra khắp mặt sông. Rồi từ từ nổi lên hai vị thần, một vị nam, một vị nữ, ngồi đối diện trước một bàn thạch. Hai vi thần nầy, đen hắc, đầu đội mão hình đuôi cá, xiêm y rực rỡ những vảy cá ngũ sắc, những vỏ ốc xa cừ. Xem kỹ lại thì thấy thần đương đánh cờ. Chừng đâu được tàn một điếu thuốc bỗng nghe vị nữ thần nói: "Ông nè, ở đây nghe như có hơi phàm". Vị nam thần bèn ngước lên, nhìn quanh, dừng mắt lại phía xuồng câu, nhìn chăm chỉ rồi châu mày, tỏ vẻ khó chịu. Người đi câu còn hoảng sợ thì cả thần và bàn thạch đều chìm một cách mau lẹ.

Một lát sau, nơi khúc sông ấy, máu trào lèn nhuộm đỏ khối nước và thây con rùa ban nãy nổi lình bình. Các ông nói đó là một vụ trừng phạt tên lính dọ đường không kỹ, để mắt tục dòm thấy cảnh thân mật của thần.

Tôi chận ông Ba lại nói: "Tích nầy tới đây tôi đã biết, người nào ở Tân uyên lại không rõ chuyện "Cặp Cá Bóng tu dưới chùa Ông" và chuyện "Cặp Cù gáy cháy chợ". Nhưng rồi làm sao nữa?

Ông Ba kể tiếp:

- Có một khi đó, đương câu, tôi nghe nó rị cần mạnh quá, tôi biết là cá lớn ăn. Cái thứ cá lớn thì không nên kéo lên liền: như vậy chỉ thêm đứt nhợ, gãy cần mà thôi. Tôi cho xuồng chạy theo sức lôi kéo của nó.

Nhưng nó mạnh quá, sợi nhợ căng thẳng muốn đứt ra, tôi phải vừa bơi phụ thêm, vừa hớp nước sông phun cho cá nó mệt. Chạy theo doi Hàn, thì con cá đó đuối sức, thả ngửa trên mặt nước. Con cá nó lớn gần bằng thằng nhỏ năm tuổi lận. Mà điều nầy kỳ quá cậu, nó cứ nhìn tôi, hai mắt nhấp nhái như người ta ra hiệu. Tôi phát sợ lên, bứt dây, rồi thả cho nó trôi đi. Nó mừng quýnh, ngó tôi lần chót rồi lặn mất.

Lúc về ngang xoáy nước, xuồng tôi khi không vùng lật úp. Tôi tưởng phen đó chết trôi rồi, vì chỗ nước vận, tài giỏi như rái cũng không lội nổi.

Nhưng lạ quá, tôi bi nước rút xuống, chìm mà không ngộp, và lại chìm đứng, chớ không đâm đầu xuống như người chết đuối.

Đáy sông không có bùn, không có cát, mà lót toàn bằng đá ong. Tôi chưa hết sảng sốt thì bỗng đâu một con cá he lớn như một con heo nái lội tới trước mặt, rồi... lạ chưa, nói bằng tiếng người rằng: "Chúa tôi sai mời tráng sĩ vào dinh". Dinh nào cà, tôi hỏi trong bụng như vậy, và càng hoảng sợ hơn nữa. Nhưng tôi cũng cứ đi theo cá he...

Làm sao mà tôi đi dưới nước không ngộp, cũng không bị nước cản, nhẹ nhàng, thong thả như đi trên đất liền? Tôi theo cá he vào một cái hang lớn, rộng cỡ mười người chun vô cũng lọt. Thôi tôi biết rồi, hang Thần Cá Bóng đây chớ gì.

Bốn bề hang đều cẩn đá xanh. Hang sáng lờ mờ, xanh xanh như đêm có trăng, sâu vô ước chừng khỏi chợ - quả thật lời truyền khẩu không sai, hang ăn sâu tới chùa Ông - trong ấy tôi thấy một khoảng rộng sáng gần như ban ngày.

Rõ ràng là một vương phủ. Dinh cất bằng đá cẩm thạch, cột chạm rồng cẩn ốc xà cừ, ngói bằng vảy đồi mồi, lâu năm lên nước đẹp chưa từng thấy.

Ngai của Thần Cá Bóng đặt ngay trước thềm bằng san hô và huyền ráp mối lại rất khéo léo.

Thần Cá Bóng ngự trên ngai, bên hữu có Thần Bà, bên tả một vi thần còn trẻ, đứng chớ không ngồi. Vị thần trẻ nầy trên môi mang một vết thương còn mới ràng ràng.

Trước sân, binh tôm, tướng cá hầu hạ đông không biết bao nhiêu mà kể. Còn hương trầm thì phưởng phất thơm, nhạc thần vẳng nghe đâu đó.

Tôi run sợ quỳ trước ngai thần, bỗng nghe thần phán: "Nầy! Người kia, ngươi có biết rằng tội lỗi ngươi chồng chất đầy dẫy không ? Kẻ hầu hạ của ta đã hao hớt nhiều, bao nhiêu binh tôm, tướng cá bị nhà ngươi câu gần hết. Ta đã tâu với Long Vương và đã được phép xử ngươi. Ta định bắt ngươi xuống đây mà trị tội, nhưng chưa kịp thì, may cho ngươi, hồi sớm đây con ta hóa cá đi du hồ, vướng phải lưỡi câu của ngươi, và được ngươi tha cho. Vậy, ơn nầy đền tội ấy, nhưng ta khiến ngươi từ bỏ cái nghề bất nhơn ấy đi".

Nếu ngày mai ngươi còn léo hánh trên sông nữa thì đừng có mong được về với vợ con.

Tôi vưng vưng dạ dạ không ngớt thì Thần tiếp: "Muốn nhà ngươi khỏi thiệt hại điều gì, ta ban cho ngươi một viên ngọc chan chan. Con chan chan sống không bao lâu, nên không mấy con có ngọc, mà hễ có thì quí lắm. Nhà ngươi không được bán, cũng không được khoe với ai. Để nó trong nhà làm của, tự nhiên làm ăn khá. Thôi cho nhà ngươi về.

Tôi lãnh lấy ngọc, cúi lạy tạ ơn Thần rồi theo cá ra khỏi động. Khi lên tới mặt nước thì xuồng tôi đã đậu sẵn tại bến Trâu, khô queo như mới đẩy xuống sông vậy.

Từ ngày ấy tôi bỏ nghề câu, xoay ra buôn bán. Mà quả thật như lời Thần đã dạy, bán món nào lời món nấy, không bao lâu mà tôi cất được một cái nhà ngói khá lớn. Còn con thì đứa nào đứa nấy cũng mập cùi cụi.

Một ngày kia, buồn quá, tôi xách cần ra bờ sông giựt lòng tong chơi. Chiều về, nghe trong mình bần thần rồi đau một trận đau vật tôi gần trót năm. Vợ con tôi nối tiếp nhau mà chết.

Cửa nhà, tôi bán sạch để chạy thuốc và lo việc tang ma. Còn hòn ngọc thì biến mất đi lúc nào không biết.

Nên chi bây giờ tôi chỉ đi câu cắm thôi. Bị một lần tởn tới già. Thứ cá rô, cá lóc nầy là cá ruộng, có phải của thần đâu mà sợ.

Tôi rợn người lên vì lạnh hay vì sợ? Bất giác tôi xách đèn rọi vào mặt ông Ba. Qua những giọt mưa chảy rười rượi theo vành nón trũm, tôi thấy miếng ông già gặp Thần Cá Bóng lẩm bẩm như nói thêm điều gì với ai.
 
 
(trích từ tập truyện Cuống Rún Chưa Lìa) 

--------------------------------
1Thuở
2Tôi
3Tiền kẽm hồi Tiền Pháp thuộc
4Ông đây là ông Bổn Đâu Công, tức Mã Viện.
5Tục làm chay chợ vẫn còn, cho tới năm 1945 (lời tác giả)

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

LÒNG MẸ - Nhất Linh

 

Năm giờ sáng, bác Lê gái sực thức dậy, nhưng bác không đánh thức Út và tung chăn của Thêm với Nữa như mọi buổi sáng. Bác khẽ bước sang chỗ Tý nằm, cúi xuống cốc vào đầu Tý mà cốc rất nhẹ. Sau một đêm, cơn tức chồng của bác đã hết; bác lại hơi hối hận đã mắng chồng quá thậm tệ đêm qua. Chính bác đã mua những thức ăn ngon về như xui chồng nhớ đến rượu và chính bác cũng đã có lúc nghĩ đến mua một ít rượu cho chồng uống vì là ngày bán lợn lại có thức nhắm ngon. Bác cũng hối hận đã đánh Tý một trận đòn quá đau, còn về chỗ Tý không được ăn lòng, ăn thịt lợn thì không sao vì bác đã để phần riêng cho nó. Bác định đến đánh thức riêng Tý rồi dắt nó xuống bếp cho nó ăn trong khi cả nhà còn ngủ. Nồi cơm bác cũng đã để sẵn ở dưới bếp rồi. Bác không muốn một ai trong nhà biết là bác cho Tý ăn. Dưới ánh trăng mờ mờ, bác thấy Tý cựa quậy nhưng vẫn không dậy. Bác cho tay xuống lay vai và bác giật nẩy mình: vai Tý nóng như lửa. Bác vội cho tay lên trán sờ rồi kêu lên:

- Thằng Tý nó sốt, thầy nó ơi.

Bác ra thắp đèn rồi quay về bế Tý vào lòng. Hai mắt Tý mở to nhìn bác. Bác gọi, nhưng Tý không trả lời, vẫn cứ nhìn chừng chừng vào bác.

- Thầy nó ơi, dậy mau, nó mê man không biết gì nữa. Cô Mùi ơi! Thằng Tý nó sốt mê không biết gì nữa. Mời cô sang ngay. Nhỡ ơi, Tý nó sốt. Út ơi, dậy. Bé ơi, Tý ơi, tỉnh đi con! Cô Mùi ơi, mời cô sang.

Bác lại lấy tay lay người Tý; nhưng Tý vẫn không tỉnh, mắt cứ nhìn ngược lên làm cả nhà càng sợ hơn. Mùi chạy sang. Mọi người đều dãn ra để Mùi xem bệnh. Tuy Mùi không biết một tí gì về thuốc nhưng cả nhà cũng đổ dồn hy vọng vào Mùi vì nàng là con gái một ông lang, lại đứng chủ một cửa hàng bán thuốc. Mùi đến sờ tay lên trán Tý, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Hỏa nó bốc.

Câu nói ấy cũng không khác gì câu nói: "Tý nó sốt", (mà ai không biết là Tý sốt nhưng nghe Mùi nói thế bác Lê gái nhìn chồng một cái và nhắc lại một các đầy trịnh trọng:

- Hỏa nó bốc thầy mày ạ.

Mùi lại nói tiếp:

- Bây giờ phải cho nó hạ hỏa.

Mùi đứng lên chạy sang cửa hàng để lấy một liều thuốc sốt. Bác Lê gái lại lay đầu Tý:

- Tý ơi, tỉnh mau, uống thuốc hạ hỏa thì khỏi ngay. Cô Mùi đã bảo thế.

Nhưng Tý lúc đó đương nghĩ ngợi cố hiểu xem tại làm sao cả ruột gan phổi của nó, lại chạy ra ngoài người nó, nhưng nó nghĩ không ra; người nó như chơi vơi trên quãng không một cách rất khó chịu và óc thì rức như búa bổ. Tý nói với mẹ:

- Bu ơi, ruột con làm sao lại chạy ra ngoài bụng thế?

Bác Lê gái nhìn chồng nói:

- Không khéo nó chết mất, thầy mày ạ. Đấy, đã đến lúc nó mê sảng rồi...

Nói xong bác òa lên khóc, rối rít gọi tên thằng Tý, Mùi đi sang cầm gói thuốc, bảo Bé đi lấy chén nước. Nghe bác Lê gái khóc, Mùi vừa hòa thuốc, vừa dươm dướm nước mắt đến lúc nàng nhấc đầu Tý và thấy hai con mắt của Tý nhìn ngược lên, - một triệu chứng mà nàng tin là triệu chứng của những người sắp chết - Mùi lại khóc nhiều hơn nhưng lúc đó nàng khóc không phải vì nghe bác Lê gái khóc mà vì thương Tý sắp chết, thằng Tý mà nàng vẫn yêu nhất đám trẻ con ở xóm và nàng càng yêu hơn từ khi đã vụng trộm cho nó ăn bánh.

Bé biết tính Mùi nên bảo mẹ:

- Bu có nín đi không để cô Mùi chữa...

Nhưng cả nhà thì tưởng Bé bảo mẹ nín sợ làm rối trí Mùi. Mùi cho Tý uống xong cất tiếng hỏi:

- Tý ơi, Tý có biết ai đây không?

Mùi vừa hỏi vừa lấy ngón tay chỉ vào mình. Tý thấy cô Mùi vừa khóc vừa hỏi nó thế, nó chẳng hiểu vì sao nhưng cũng đáp:

- Cô Mùi.

Mùi tươi nét mặt nhìn bác Lê gái. Bác Lê gái cốc một cái lên đầu Thêm ngồi bên cạnh.

- Nó tỉnh rồi. Thuốc cô hiệu nghiệm thật.

Mùi muốn biết rõ hơn nên lại hỏi:

- Tại sao hôm nọ Tý lại được ăn bánh cuốn?

Tý yên lặng một lúc lâu rồi nói:

- Cô cho ăn.

Mùi biết Tý không nhớ lại được duyên cớ nhưng nó cũng còn nhớ lại là nàng cho nó ăn. Thế đã khá. Mùi bảo bác Lê cứ hai giờ cho Tý uống thuốc một lần, rồi đứng lên đi về hàng. Nhỡ xuống thổi cơm. Ăn xong bác Lê trai đi nhặt lờ thay vợ; Nhỡ kéo xe sang phố Phủ đón khách chuyến xe lửa sớm. Đã cho Tý uống thuốc rồi chỉ còn đợi thuốc ngấm và Tý đã tỉnh nên mọi người yên tâm đi làm công việc hằng ngày, Út cũng bế em ra chợ chơi với Thêm, Nữa. Chỉ còn một mình bác Lê gái ngồi bế Tý ở nhà.

Một lúc sau, bác Lê gái thấy Tý chỉ lên đầu:

- Bu ạ, con cứ rức nhói ở đầu.

Bác lấy tay xoa nhẹ lên đầu Tý. Bỗng bác sực nghĩ đến có lẽ vì đêm qua cốc đầu mạnh quá nên nó long óc và đâm ra sốt. Nghĩ như vậy, bác ứa nước mắt, ôm Tý vào lòng chặt hơn:

- Con đừng chết. Từ rày bu không bao giờ cốc đầu con nữa.

Tý nói:

- Bu cho con uống nước.

Nhìn thấy nét mặt Tý đã tỉnh táo, hai con mắt đã nhanh nhẹn không lờ đờ như trước nữa, bác Lê vui vẻ. Con bác lại thèm uống nước và uống ừng ực nghe ngon lành lắm. Nghĩ ra điều gì bác mỉm cười đặt Tý xuống ổ rơm.

- Con nằm đây một tí nhé. Bu đi lấy cái này cho con.

Bác chạy ra chỗ thờ ở gốc đa, vái lia lịa và lâm râm khấn rồi bác đi xuống bếp. Lúc lên, bác đặt trước mặt Tý một cái dĩa đầy thịt và lòng:

- Tao để phần cho mày đêm qua đấy.

Rồi bác nhìn Tý một cái như để bảo cho Tý biết là tuy hay đánh mắng Tý luôn nhưng bác vẫn thương Tý trong lòng. Rồi bác bế Tý lên, cầm đũa gắp miếng thịt lợn sào đút vào mồm Tý:

- Ăn đi, ăn được thì chóng khỏi. Còn lòng lợn thì độc không ăn được, hôm nào khỏi tao mua riêng cho mà ăn.

Tý nhai miếng thịt nhưng không thấy ngon gì. Nó cũng cứ cố nhai và nhắm mắt nuốt cho được miếng thịt vì Tý thấy mẹ bảo cố ăn cho chóng khỏi. Nuốt hết bốn miếng thịt, Tý lắc đầu:

- Con không ăn được nữa bu cho con uống nước.

Vừa lúc ấy Mùi chạy sang để nhắc bác Lê cho Tý uống thuốc vì đã được hai giờ rồi. Mùi giật mình nhìn thấy đĩa thịt đặt ở trước hai người và tay bác Lê còn cầm đũa:

- Chết, bác cho nó ăn lòng lợn đấy à?

- Không tôi cho nó ăn thịt thôi, Thịt sào lành mà.

- Thịt gì ăn vào thì cũng nguy.

- Thế à cô?

Bác lại lo sợ nói với Mùi:

- Nhưng nó có ăn được đâu. Đây là hôm qua nó đi cả ngày sang câu tôm bên bến Trò giờ ăn cơm cũng không về, tôi để phần cho nó.

- Thế nó có bị ướt mưa không? Chiều hôm qua mưa to.

- Tôi không để ý nhưng chắc là ướt.

- Thôi thế nó bị cảm rồi. Cảm thì không sao.

Bác Lê nhẹ hẳn người, một là vì Mùi nói cảm không sao hai là vì không phải nó sốt vì bác cốc đầu long óc. Mùi về rồi. Bác vừa bế Tý vừa thong thả gắp các miếng lòng, miếng giả cày ăn vã. Bác thấy ăn ngon và ăn hết cả dĩa lúc nào không biết. Nhưng đến hai giờ chiều. Tý lại sốt nặng hơn: nó nằm thiêm thiếp, thở mạnh và nói lảm nhảm luôn mồm.

Nghe bác Lê gái gọi, Mùi lại phải sang, rất bực mình vì thuốc của mình không công hiệu. Vừa sang đến nơi thì Tý cũng vừa nôn ra đầy chiếu nào cơm nào thịt. Mùi nhìn vào những miếng thịt, lấy làm mừng rằng không phải vì thuốc không công hiệu nhưng vì tại bác Lê gái đã cho nó ăn thịt và vì thế nó bị sốt nặng lên. Nhưng Mùi không nói cho bác Lê biết sợ bác Lê áy náy. Bác Lê cũng nhìn vào chỗ cơm nôn ra và lấy làm ngạc nhiên cả ngày hôm qua Tý nhịn đói, cơm ở đâu mà nôn ra nhiều thế kia. Bác Lê trai hỏi vợ:

- Tối hôm qua cho nó ăn lòng vào thảo nào nó sốt.

- Rõ thật ngủ mê. Ai cho nó ăn lòng. Tại hôm qua thầy mày say rượu đánh nó nên nó sốt. Từ rày còn uống rượu vào thì cả lũ con cũng chết dần chết mòn hết mà cả tôi cũng chết quách đi cho xong truyện! Tý ơi, tỉnh đi con.

Nhưng Tý vẫn nói mê sảng: "... con tôm... lăng cụ quận..."

Bác Lê gái nói với Mùi:

- Cô Mùi, nó nói lảm nhảm như bị ma làm.

Nói đến đây bác Lê gái sực nghĩ ra:

- Phải rồi, cả ngày hôm qua nó đi câu tôm, chắc lúc đi qua lăng cụ Quận bị ma làm. Thầy mày trông nó, để tôi chạy đi lễ tạ.

Thế rồi bác chạy ra cây đa lễ chỗ thờ thần đa, lễ cái bình vôi rồi bác đi thật nhanh ra bến đò Trò. Giọc đường thấy bụi cây nào bác cũng đứng lại lễ và khấn; đến lăng cụ Quận bác lễ mộ cụ Quận, lễ hai con chó đá ở cạnh lăng và lễ đủ cả năm cây thông. Ra bến đò Trò thấy không có gì để ma ẩn nấp, bác lễ đất, lễ trời, lễ sông, vái huyên thuyên.

Đỗi ngồi ở thuyền nhìn lên thấy bác Lê đương thì thụp lễ mình, lâm râm khấn làm như mình là một ông thần sống, chàng tưởng bác Lê vừa phát dại, vội đứng lên hỏi:

- Làm sao thế bác Lê?

Bác Lê nhìn thấy Đỗi:

- Anh Đỗi ơi, Tý nó bị ma làm, sốt nói mê nói sảng.

Thật ra lúc đó, thấy nét mặt hốt hoảng của bác Lê, miệng vẫn lẩm bẩm khấn, tay vái trên trời dưới đất, Đỗi cho chính bác Lê bị ma làm. Đỗi nói:

- Tý nó ốm à, để tôi chạy lại thăm nó một tí.

Đỗi vừa mới sực nhớ đã lâu Bé không đến và Tý ốm là một cớ chàng đến thăm Bé rất tự nhiên.

Bác Lê thấy lễ đã đủ khắp nơi, quay trở về. Lúc đến phố, bác rẽ sang tay trái, đi về phía nhà ông Năm Bụng bán rượu lậu. Lúc đó thì bác không nghĩ đến ma quỷ nữa, bác cho mọi sự đều do ông Năm Bụng gây nên. Vì ông Năm Bụng bán rượu nên chồng bác mới đánh con đến phát sốt, bác mới đánh Tý đến long óc, Tý mới chết mà không được ăn lòng, ăn thịt giả cầy. Lúc thường bác sợ ông Năm Bụng lắm, sợ và trọng nữa vì có người nói với bác rằng ông Năm Bụng là con một ông Bố ở Sơn Tây. Nhưng cơn tức bác lên thì ai bác cũng không sợ. Thấy ông Năm Bụng đứng ở trong nhà bác tiến thẳng vào, lấy tay dí vào trán ông Năm Bụng.

- Làm sao cái nhà ông lại bán rượu cho chồng tôi. Con tôi chết, tôi cho ông thì tù mọt gông.

Ông Năm Bụng thấy bác Lê gái vào, không lấy làm lạ; ông vẫn đợi bác đến, nhưng nghe bác Lê nói thế ông biết là bác Lê trai say rượu đánh con gần chết. Ông hối hận và sợ hãi. Bác Lê gái thấy thế càng làm già:

- Ông cậy ông con ông Bố à?

Rồi bác ấn mạnh ngón tay vào trán ông Năm Bụng làm ông Năm phải lùi lại một bước và cho hai tay ôm bụng sợ rơi năm chai rượu dắt ở trong.

- Con ông bố, con ông mẹ gì thì cũng kệ bố, kệ mẹ ông.

Bà Năm Bụng ở trong nhà chạy ra, nhưng bà không nhìn bác Lê gái, giơ tay chỉ vào mặt chồng:

- Nhục nhã chưa? Mấy năm giời khổ thân này lắm rồi. Đã bảo về, không về; ở đây để bất cứ một con đĩ dại nào có cũng mắng được vào mặt mình.

Bác Lê gái chạy lại gần bà Năm:

- Bà bảo ai là đĩ dại. Chồng bà bán rượu cho chồng tôi uống đánh con tôi sắp chết, bà lại còn mắng tôi là đĩ dại à? Bà cậy thế à?

Bà Năm Bụng làm như không nghe thấy bác Lê gái nói và bà cũng không quay nhìn bác Lê, tiếp lời nói với chồng:

- Ê chưa, không về thì mai tôi về một mình tha hồ ở đây mà nghe người ta chửi bố chửi mẹ cho.

Bác Lê gái thấy ông Năm Bụng rút cả năm chai rượu dắt ở bụng ra đặt xuống phản rồi từ từ đi đến phía bà Năm và bà Năm thì cứ lùi lùi dần vào cửa buồng. Ông Năm vẫn không nói gì giơ tay ấn mạnh vào má vợ một cái. Bà Năm khóc òa lên.

- Cứ đánh chết người ta đi, đồ vũ phu.

Ông Năm Bụng vẫn không nói gì, đẩy mạnh vợ vào trong buồng rồi khép cửa buồng lại. Ông thong thả cầm năm chai rượu đút vào trong bụng; mắt ông lúc đỏ, bác Lê gái thấy đỏ thắm hơn cả chỗ tiết lợn mua hôm qua. Bác Lê vội quay trở ra và hối hận. Bác tưởng ông Năm đánh vợ vì vợ mắng mình là con đĩ dại và bác phục ông Năm là người lớn biết điều.

- Con ông Bố có khác.

Và sự tức mình của bác lại đổ dồn cả vào bà Năm mà bác cho là khinh người và hợm mình.

Lúc bác về tới nhà thì Tý đã tỉnh và sốt nhẹ hẳn người đi. Mùi nói:

- Tại nó nôn ra được.

Bác Lê gái thì cho là vì bác đi lễ và đã lễ đúng vào cái bụi cây hay đống đất mà Tý đã nghịch. Bác bế Tý vào lòng, nói lẩm bẩm một mình:

- Ông Năm Bụng thật là người tốt, biết điều.

Bác Lê trai nhìn vợ một cái. Bác biết là vợ mình vừa rẽ qua nhà ông Năm để mắng ông ta bán rượu cho mình nhưng còn tại sao lại biết là ông Năm Bụng bán rượu cho mình và tại sao khi về lại khen ông Năm là người tốt thì bác không hiểu. Bác thấy ngầm sung sướng vì bác vừa chợt nghĩ ra là lần sau có thèm rượu thì có thể lại đến ông Năm mua được.

Đỗi bước vào nhà bác Lê ngạc nhiên thấy nét mặt mọi người đều vui vẻ; tự nhiên Đỗi cũng vui vẻ vì đoán Tý đã khỏi và nhất là thấy Bé cũng ngồi đấy đương nhấc một bên khăn trắng lên nhìn mình. Đỗi lại hồi hộp vì lần đầu tiên vào nhà bác Lê mà chàng coi như là mẹ vợ mình. Chàng nhìn vào mặt mọi người cất tiếng chào chỉ trừ riêng Bé là chàng làm như không nhìn thấy. Đỗi hất hàm hỏi Tý:

- Khỏi rồi à?

Rồi Đỗi nhe răng cười với Tý. Bác Lê gái nói:

- Sao anh lại không bảo nó về để nó câu cả ngày quên cả ăn cơm.

- Thì nó bảo tôi là chính bác cho nó đi chơi.

Bác Lê gái lúc đó mới sực nhớ ra:

- Thật là mình lú gan lú ruột, đánh oan con một trận.

Bác mủi lòng ứa nước mắt.

Tý hỏi:

- Chỗ tôm của con hôm qua đâu?

- Ăn rồi, sáng ngày anh Nhỡ đem rang.

Bác Lê gái nói thế rồi quay nhìn Đỗi hỏi:

- Tự nó câu được nhiều thế hay là anh cho thêm?

- Một mình nó câu được. Trước cháu chỉ dạy nó cách thức câu có một hai lần, nó tinh ý và học chóng lắm.

Bác Lê gái nghĩ chỗ tôm ấy cũng bán được đến bốn năm xu và định bụng để nó đi câu tôm lại có lợi hơn là ở nhà làm việc khác. Bác cúi xuống bảo Tý:

- Cố chóng khỏi đi, thầy mày vót cho ít cần câu đi câu tôm cả ngày cũng được.

Tý mỉm cười nhìn lại mẹ.

Mùi đứng lên đi về nhà; nàng mừng rằng Tý đã đỡ, khỏi phải mời làm phiền cha mình ra. Bé cũng đứng lên sang bên cửa hàng. Đỗi cũng muốn đứng lên đi về nhưng không dám vì sợ cùng đi một lúc với Bé; trừ khi mới vào, còn thì không một lần nào Đỗi được nhìn mặt Bé cả. Chàng định gợi chuyện nói với hai bác Lê để làm thân nhưng không biết nói về chuyện gì? Chàng nghĩ mãi không ra câu bắt đầu. Thấy tay Đỗi cứ vặt mãi những cái đầu cói làm chỗ rách ở chiếu to dần ra, bác Lê gái nói:

- Rứt mãi làm chiếu rách to ra bây giờ.

Đỗi giật mình ngửng nhìn bác Lê gái và đứng lên:

- Thôi, cháu về đây.

Lúc đi qua cửa hàng bánh cuốn, Đỗi đánh liều nhìn vào và thấy Bé lại lật khăn lên để hở cả hai mắt cho chàng nhìn và mỉm cười nhìn lại chàng. Lần đầu tiên Đỗi thấy Bé lật khăn cho mình nhìn mà chàng không cần bảo mà lại lật những hai lần và lại mỉm cười cả với chàng nữa. Đỗi sung sướng bàng hoàng và đi chập choạng như người say rượu.

Ngày hôm sau Tý không sốt nữa và cách ba hôm sau Tý khỏi hẳn và khỏe khoắn như thường. Bác Lê gái mua lòng và dồi về cho Tý ăn, và bữa cơm nào cũng có nồi trứng chưng để riêng cho Tý. Buổi sáng nào Mùi cũng gọi Tý sang cho ăn hai chiếc bánh cuốn nóng, nhưng không cho Tý ăn ớt và cà cuống. Bác Lê trai lại ngồi vót cho Tý đến chục cái cần câu... Tý mới ốm khỏi trong người dễ chịu, khoan khoái lại thấy cái gì cũng khác hẳn trước, nó như sống một đời đổi mới. Mẹ nó lại không cốc đầu nó nữa và cũng không cốc đâu các em nó.

Hôm đầu tiên đi câu tôm, Tý trở nên nghiêm trang. Nó thấy không phải là đi chơi nữa mà là đi câu để được nhiều tôm đem về bán lấy tiền; nó nghĩ nó cũng sắp được như anh Nhỡ nó mỗi buổi chiều kéo xe về đưa cho mẹ bao nhiêu là tiền. Nó cũng có thể để dành riêng một ít tiền, thỉnh thoảng ra chợ ăn bánh đúc riêu của bác Mành.

Ăn cơm sáng xong, bác Lê gái đập nhẹ một cái lên vai Tý nói:

- Chiều về cố đem thật nhiều tôm về. Đừng đi chơi loăng quăng, và thấy có cái đống hay bụi cây thì đừng có nghịch, đừng có đái vào mà lại sốt như hôm nọ.

Mùi thấy Tý đi qua, vai vác cần câu tay xách giỏ, vội gọi vào và cho ăn hai chiếc bánh.

- Bây giờ khỏi rồi thì mai không có bánh ăn nữa đâu.

Bé hỏi Tý đi câu ở đâu. Tý đáp:

- Em sang bến đò Trò, ở chỗ ấy nhiều tôm lắm.

- Ngày nào mày cũng đi câu ở bến Trò?

- Vâng ngày nào cũng thế. Chị hỏi làm gì cơ?

Bé giật mình nhưng cũng tìm ngay được câu ứng phó:

- Như thế tao không phải thỉnh thoảng sang bến Trò mua tôm nữa.

Tý đi khỏi, Bé chạy ngay xuống bếp vò đầu vò tai, miệng lẩm bẩm:

- Đã bảo đừng cho nó câu lại cho nó câu để bây giờ thế này? Còn mình nữa, tự nhiên lại nói câu ấy ra với Tý để bây giờ không còn cớ gì sang bến Trò nữa.

Bé tức Đỗi và tức cả chính mình. Nàng dứt mạnh cái khăn che mắt xuống, ngồi thừ người ra một lúc:

- Thì cần gì sang bến Trò! Đáng ghét cái mặt.
 
 
 (Trích từ tập truyện ngắn Mối Tình "Chân")
 

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

GIĂNG SÁNG - Nam Cao

Ðiền có bốn cái ghế mây. Tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ có bốn cái ghế mây này là có giá. Không phải Ðiền mua. Tính Ðiền rất ghét mua. Từ ngày ra ở riêng đến giờ, Ðiền mới mua có một lần. ấy là một cái giường bằng gỗ bưởi của một người cô nghèo khó. Người cô cần tiền để lấy thuốc ngã nước cho chồng. Còn Ðiền thấy cũng cần một cái giường. Tháng ba vừa rồi vợ Ðiền mới sinh một con trai. Nghĩa là bây giờ Ðiền có những hai con. Cả nhà đúng bốn người, bốn người chất cả vào một cái giường! Giá mùa rét thì cũng được, chen chúc nhau một tý càng ấm áp. Nhưng mùa nực, còn gì là vệ sinh?

Năm chừng mười họa, Ðiền cũng còn nghĩ rằng: nên theo phép vệ sinh. Bởi Ðiền là người có học hẳn hoi. Ðiền đã có lần làm một ông giáo trường tư trong ngót ba năm, mà Ðiền có bốn cái ghế mây vừa mới nói. Năm ngoái đây, cái trường vẫn thuê Ðiền dạy lớp nhất, lấy hai chục bạc lương một tháng, đột nhiên phải dẹp. Dẹp để nhường lại mấy căn nhà cho người ta dùng vào việc khác, cần cho lúc này hơn. Ông hiệu trưởng còn chịu của Ðiền nửa tháng lương. Tiền học tháng cuối cùng thì chưa thu được. Chỗ anh em biết tính thế nào cho tiện? Giá ông xoay được, thì ông trả phắt Ðiền chục bạc, cho đẹp mặt cả đôi bên. Nhưng ông không xoay được. Mà chẳng lẽ Ðiền phải thiệt? Thôi thì... thôi thì... - biết nói ra sao bây giờ? - Ông cười một cách ngượng nghịu bảo Ðiền:

- Thôi! Thế này này, ông Ðiền ạ! Giá ông không ngại, thì ông đem bộ ghế mây về quê mà dùng. Lão hàng phở nó trả có bảy hào một cái. Hôm nọ, chỉ căng mây lại cho hai cái cũng đã mất một đồng. Bán cho lão thì phí đi. Mà ở nhà ông chưa có ghế...

Lúc ấy, Ðiền phải cố giữ, cái mặt mới không xị xuống. Thật ra thì Ðiền chán lắm. Ðiền chẳng muốn lấy bốn cái ghế tý nào. Chao ôi! Cũng mang tiếng là ghế mây!... Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào là nước sơn không róc cả ra như là da thằng hủi. Trông đủ thảm. Ðiền phải bỏ ra bảy hào chịu lấy một cái vé tàu hỏa để tải mình về quê đã đủ xót ruột lắm rồi, còn phải nợ mà bỏ tiền ra tải bốn cái ghế già nua ấy nữa. Nhưng từ chối thì không tiện. Ra sự rằng mình dỗi. Có lẽ tủi lòng ông hiệu trưởng. ấy là một điều mà Ðiền chẳng muốn, bởi ông với Ðiền là chỗ bạn nghèo với nhau. Họ bị tủi vì người ngoài đã lắm. Chẳng nên để người nọ bị tủi vì người kia... Ðiền đang nghĩ một cớ gì để thoái thác. Thì ông lại bảo:

- Ông nên đi tàu thủy. Có đắt mới đến năm hào. Năm hào với năm xu màn là năm hào rưỡi. Vậy cho rằng có phải trả tiền cước bốn cái ghế, thì cũng chỉ bằng tiền tàu hỏa thôi. Mà rộng rãi. Ông để hai cái ghế ra, một cái để ngồi, một cái gác chân, ung dung như ngồi nhà ông vậy. Tội gì đi tàu hỏa mà chen chúc.

Kể thì cũng là một ý hay. Như thế tránh được cả cái nạn huých khuỷu tay vào ngực nhau để tranh một cái vé đi xe lửa. Tránh được cả cái nạn ngồi lên đùi người khác và để người khác ngồi lên đùi mình. Và ngửi mùi mồ hôi với mùi phân lợn của những toa tàu hạng tư ... Nhưng...Ông hiệu trưởng không đợi Ðiền phải nói ra. Ông đã đoán mà hiểu trước. Nên ông bảo:

- Còn cái sự chuyển những cái ghế thì không ngại. Tôi sẽ bảo thằng nhỏ buộc hai cái làm một, dùng cái đòn gánh nước, gánh ra tàu cho ông. Còn từ bến màn về nhà ông, sẽ thuê một thằng bé nào độ năm xu, hay một hào.

Ðiền nhẩm tính. Như vậy, tất cả có già giặn lắm mới tốn chừng đồng bạc. Nghĩa là tiêu quá đằng kia hai hào. Hai hào bốn cái ghế mây! Cho có xộc xệch nữa cũng còn rẻ chán... Ðiền ưng thuận. Thế là bốn cái ghế mây của ông hiệu trưởng mà lão hàng phở trả có bảy hào một chiếc, được đi tàu thủy về quê của Ðiền.

Và thế là Ðiền có bốn cái ghế mây. Ðiền không biết giá. Nhưng Ðiền đoán chừng mua mới thì cũng đắt. Bây giờ, mỗi chiếc có khi tới ba bốn đồng. Ba bốn đồng một chiếc! Thế nghĩa là cả bộ đáng giá ngót hai chục bạc. Xóm Ðiền cũng chả nhà nào có những đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Ðiền quý lắm. Thị rất xót xa khi thấy những ông khách cục súc, sau khi đã nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp vừa thanh, liền đặt cái mông đít to bành bạnh như cái vại lên mặt ghế, khiến mấy sợi mây lún xuống, rồi co cả hai chân bẩn thỉu lên, ngả cái lưng to như lưng trâu tựa vào vành ghế, khiến cái vành ghế phai oải hẳn về đằng sau. Như thế phỏng còn gì là ghế? Có mà ghế sắt cũng phải hỏng, đừng nói gì ghế mây!... Một hôm thị bàn với chồng rằng:

- Này, cậu ạ! Người nhà quê họ vô ý lắm. Mình có của thì mình phải giữ gìn. Hay là ta đem cất những cái ghế mây đi, kẻo để ai vào cũng leo lên ngồi chồm chỗm, mấy chốc mà vứt đi?

Thoạt nghe, Ðiền phải bật cười. Ðiền nghĩ đến tính bủn xỉn của đàn bà. Họ may áo để cất đi. Và mua ghế để chẳng cho ai ngồi sốt. Ðiền đã toan phản đối. Nhưng nghĩ ngợi một giây, Ðiền lại bằng lòng. Vợ Ðiền thế nào chả hơn Ðiền trong cái môn lo liệu việc nhà? Vả bây giờ Ðiền chỉ là một kẻ ăn nhờ. Vợ Ðiền phải lo cho chồng từ năm xu húi cái đầu. Thị đã phải gánh lấy tất cả cái ách gia đình, thì cũng nên để cho thị có quyền trong gia đình một tý. Kẻo thị lại bảo: dẫu có hỏng cái gì, Ðiền cũng không phải bỏ tiền thay, nên điền không xót ruột... Từ hôm ấy, bốn cái ghế mây được treo lên bốn cái mỏ móc buộc ngoài đầu chái. Chỉ những khi có khách khứa nào sang trọng, Ðiền mới ra bê vào.

Nhưng những buổi tối có trăng thì dù chẳng có ai, Ðiền cũng khuân đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Ðiền gọi vợ, con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Ðiền dùng mà gác chân. Họ ngồi ghế, đợi trăng lên. Nếu con nhỏ không khóc, con lớn không bắt gãi thì hạnh phúc thật hoàn toàn. Gió thổi tan những lo lắng, chua cay chất ở lòng. ánh trăng êm xoa nước mát lên da. Da mềm dịu. Những nét cau có chìm đi tất cả. Trán vợ Ðiền hóa phẳng phiu, mặt thị tươi hẳn. Thị trẻ ra mười tuổi. Những phút thảnh thơi ấy, sao mà thị hiền dịu thế! Ðáng yêu đến thế! Ðiền không nhận ra một chút gì ở thị nó có dính dáng đến người đàn bà cau có vẫn ngoác mồm ra mắng con, mắng con ở, mắng mèo, mắng chó khiến nhà cứ om lên suốt ngày. Thị cúi xuống đứa con nhỏ, đồng thời ngước đôi mắt âu yếm nhìn con lớn. Ðứa con lớn cười với thị. Thị cười với nó. Thị cười với chồng. Ðiền nhìn vợ, nhìn con, lòng sung sướng. Ðiền mỉm cười với giăng.

Ðiền rất yêu giăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Ðiền đẫm văn thơ. Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm. Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Trăng, ơi trăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mơn man! Ðiền không ân hận chút nào. Hai thân Ðiền bán cả ruộng, vườn đi để cho Ðiền đi học chẳng phí đâu. Ðã đành các người chỉ có cái mục đích con làm nên ông phán, ông tham để ấm thân; các người hoàn toàn thất vọng khi thấy con leo cau đến tận buồng mà lại hỏng ăn. Ðiền tạng yếu quá, không được nhận vào công sở; và các người đã vội cho là tiền con đi học thật là tiền vất xuống sông. Nhưng Ðiền tin rằng: cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng. Và Ðiền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ Ðiền. Ðối với thị, giăng chỉ là... đỡ tốn hai xu dầu! Dầu lạc lúc này mỗi chai lít hai đồng. Mới biết các nước đánh nhau cũng có thiệt cho con nhà nghèo thật. Mỗi tối, thị đốt đèn một lát. Nhưng một lát cũng đủ tốn hai xu rồi. Những tối có trăng đỡ tốn hai xu. Hai xu chẳng là bao nhưng mười cái hai xu đã được hai hào; mười cái hai hào đã được hai đồng bạc; và mười cái hai đồng bạc... chao ơi! Nếu cứ tính toán mãi thế, thì biết đến bao giờ cũng được? Sao thị lại cứ phải luôn luôn tính toán? Những kẻ chỉ suốt đời tính toán là những kẻ tự làm khổ thân suốt đời... Ðiền vẫn trách vợ Ðiền như thế đấy. Ðiền có ngờ đâu chính Ðiền cũng một tật. Và ngay lúc này đây, lúc ngồi ngắm trăng để tạm quên những cái lo nhỏ nhen của kiếp người, Ðiền cũng còn tính vẩn vơ. Ðiền thấy giời rộng quá và sao nhiều quá. Ðiền nhớ đến câu thơ của một thi sĩ Tây phương ví khoảng trời sao như một cánh đồng. Nếu trời là một cánh đồng thì cánh đồng ấy thật bao la. Và Ðiền chỉ cần được một mảnh bằng cái mảng ở sau nóc nhà Ðiền kia, cũng đủ cho Ðiền không còn phải lo sinh kế nữa. Ðiền sẽ trao cho vợ Ðiền cai quản. Còn Ðiền lúc ấy có thể rảnh rang theo đuổi cái mộng của Ðiền...

Ðó là một cái mộng văn chương. Ðã có một thời, Ðiền chăm chỉ đọc sách, viết văn. Ðiền nao nức muốn trở nên một văn sĩ. Ðiền sẽ nguyện cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà văn nhân nước mình phải chịu. Ðiền vẫn thường bảo với một người bạn cùng chí hướng: Ðiền sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng bạc về nghề văn... Nhưng viết luôn mấy năm trời, Ðiền chẳng kiếm được đồng nào. Trong khi ấy Ðiền vẫn phải ăn. Nhà Ðiền kiết xác xơ. Các em Ðiền không được đi học. Mà cũng không được ăn no nữa. Sự túng thiếu đưa đến bao nhiêu là lục đục. Bố Ðiền bỏ nhà đi. Mẹ Ðiền gồng thuê, gánh mướn kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ. Những đứa con lớn, đứa đi ở bế em, đứa đi ở chăn trâu, đứa đi xin những cái hoa chuối, những nắm khoai đội đi chợ xa bán để kiếm vài xu ăn cho khỏi chết. Ðiền thấy mình ích kỷ. Sự nghiệp mà làm gì nữa? Bổn phận Ðiền phải nghĩ đến gia đình. Ðiền phải gây dựng lại gia đình! Ðiền phải tạm quên cái mộng văn chương để kiếm tiền. Ðiền đi dạy học. Chao ôi! Dạy học lấy mỗi tháng có hai mươi đồng. Bà mẹ Ðiền tưởng thế đã là phong lưu lắm. Bà bắt Ðiền cưới vợ. Vợ Ðiền là một con nhà khá giả, lấy Ðiền vì Ðiền là người có học. Rồi Ðiền có con. Cái gia đình lớn của Ðiền đã chẳng được nhờ Ðiền, bây giờ lại thêm một gia đình con con nữa. Không một phút nào Ðiền không phải nghĩ đến tiền. óc Ðiền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Ðiền lại thở dài. Ðiền tự an ủi: Có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Ðiền biết: chẳng bao giờ Ðiền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Ðiền cũng không có tiền...

Tối nay lại có giăng. Nhưng Ðiền chỉ đem có hai cái ghế ra sân. Vợ Ðiền hôm nay luật quật suốt cả ngày. Con ở xin đi ăn giỗ một hôm. Thị lại phải dệt vải lấy tấm vải để mai đi bán về đưa lãi nợ. Dệt xong thị vội vàng đi đòi món tiền. Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem luốc, mũi dãi nguếch ngoác bôi đầy mặt. Nhà cửa còn bề bộn. Con ở vẫn chưa về. Mình thị biết xoay sở làm sao kịp? Thị thấy lòng sôi lên sùng sục, thị giậm chân bành bạch kêu trời. Thị đánh con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, và càu nhàu trống không. Rồi thị bế con đi nằm sớm. Ðứa con lớn thút thít khóc chán cũng lăn ra ngủ. Mình Ðiền ngồi ngoài sân. Ðiền cố thản nhiên. Nhưng da mặt cứ rồm rộm; nó có vẻ dày lên và tê tê. Ðiền thấy gần như tủi cực. Vợ Ðiền có lẽ rất yêu Ðiền. Nhưng thị chỉ biết rằng người ta cần ăn cơm, mặc áo và uống thuốc khi đau ốm. Thị chỉ cố lo cho chồng ba thức ấy. Thị nhịn ăn để chồng ăn. Thị nhịn mặc cho chồng mặc. Thị bán đến cả yếm, áo để lo thuốc thang cho chồng. Thị tưởng thế là chồng sung sướng lắm. Nhưng không phải, Ðiền đã quen với những tình cảm nồng nàn và những lời nói vuốt ve. Nét mặt cau có, ngôn ngữ cục cằn, và nhất là cái lối yêu quá đơn sơ - có thể nói thô sơ - của vợ Ðiền làm cho Ðiền khổ. Ðiền thấy cái đời tình cảm của Ðiền thiếu thốn. Ðiền không được yêu ai. Còn sống trong cái gia đình này mãi, giữa những lo lắng nhỏ nhen này mãi, lòng Ðiền sẽ cạn. Cạn luôn cả nguồn thơ quý báu, mà Ðiền vẫn ao ước có ngày lại khơi... Trên kia, giăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa mới có nhân tình. Gió nhẹ nhàng đặt trên lá những bước chân vũ nữ. Những tàu lá chuối láng trăng đưa đẩy... Ðiền nghĩ đến những người đàn bà nhàn hạ, vừa tắm bằng một thứ nước thơm tho, mặc áo lụa xanh, ngả tấm thân mềm trên chiếc ghế xích đu và đưa đẩy đôi chân thưỡn thẹo...

Tại sao Ðiền lại vụt nghĩ đến những hình ảnh lả lơi ấy? Chính Ðiền cũng không thể hiểu. Có lẽ Ðiền ước ao một cái mái tóc thơm tho, một làn da mát mịn, một bàn tay ve vuốt. Có những người đàn bà đẹp, yêu rất khéo, bởi họ được ăn ngon, mặc đẹp, chăm sóc thịt da và chẳng làm gì cả. Phải rồi, vợ Ðiền chỉ là một kẻ tục tằn. Thị chẳng đáng cho Ðiền yêu quý. Cũng chẳng đáng cho Ðiền thương hại. Ðiền phải đi. Ði để giữ cho lòng mình tươi lâu. Ðiền sẽ làm bất cứ cái gì đó để có ăn. Rồi Ðiền bình tĩnh viết. Có như vậy Ðiền viết mới ra hồn được. Lời phải đẹp. ý phải thanh cao. Ngọn bút của Ðiền mới khơi nguồn cho những tình cảm đầy thơ mộng. Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa...

Ðiền lại thấy hiện ra cái bóng dáng yêu kiều của những người đàn bà nhàn nhã ngả mình trên những cái ghế xích-đu nhún nhảy... Những người ấy sẽ đọc văn Ðiền. Lòng họ đẹp thêm lên. Họ sẽ yêu Ðiền. Họ sẽ gửi cho Ðiền những bức thư xinh xinh ướp nước hoa. Tưởng tượng của Ðiền tỏa rộng ra như một ánh trăng. Ðiền nghĩ đến những cuộc tình duyên lãng mạn với những người đàn bà đẹp chỉ biết trang điểm và yêu đương. Những tiếng gắt gỏng ở trong nhà lại đưa ra. Vụt cái, trăng mất đẹp. Ðiền cúi mặt, bẽn lẽn như bị bắt gặp làm việc xấu. Ðiền lắng tai nghe. Tiếng vợ Ðiền gay gắt hỏi:

- Làm sao thế?

Ðứa con gái vừa mếu máo vừa đáp lại.

- Con đau bụng.

- Giời ơi là giời!

Ấy là tiếng vợ Ðiền rên lên. Rồi thị mắng con:

- Ăn bậy lắm! Chết là phải, còn kêu ai?

Ðứa con không dám khóc to. Nó chỉ oằn oại và rít nho nhỏ trong cổ họng. Thỉnh thoảng nó không còn sức nén, tiếng khóc bật ra Ðiền nghe một vài tiếng nức nở như tiếng người nôn oẹ, Ðiền vẫn ngồi cúi mặt. Một nỗi chua xót gần như là thuộc về thể chất, ứ lên trong lòng Ðiền. Nó dâng lên đến cổ, xông lên óc. Nước mắt Ðiền ứa ra.

Vợ Ðiền gượng nhẹ đặt đứa con đang ngủ mệt xuống võng. Thị cầm một con dao ra vườn moi mấy nhánh gừng về rửa sạch, giã ra. Thị vắt thêm vào đấy nửa quả chanh. Thứ thuốc bách bệnh của con nhà nghèo chỉ gồm có thế. Thị gạn lấy nước đem lại cho con. Con bé mới ngửi thấy hơi gừng đã sợ. Nó mím chặt môi. Dỗ thế nào nó cũng không chịu uống. Thị phải bế nó, đặt nằm ngửa trên đùi, một tay thị đỡ đầu, một tay thị kề chén nước gừng vào tận môi con. Con bé mím môi thật chặt. Bực mình thị quát:

- Há mồm ra!

Con bé khóc. Thế là cốc nước gừng đã dốc tuột vào mồm nó. Nó giãy lên như đỉa phải vôi. Nó phun phè phè. Nó gào lên. Bao nhiêu nước gừng bắn ra áo mẹ. Thằng cu con giật mình, khóc thét lên. Vợ Ðiền tức quá, phát đen đét vào lưng con bé ốm và quăng nó xuống giường như quăng một con mèo:

- Kệ cha mày! Cho mày chết đi!

Con bé vừa gào vừa van lạy:

- Con lạy bu; Con cay lắm! Con lạy bu! Cay mồm...

- Mày câm ngay không tao tát cho vỡ mặt.

Nó vẫn không chịu lặng. Thị sừng sộ, chực vồ lấy nó:

- Mày có câm không nào?

Nó sợ quá đành phải nín. Nhưng những tiếng rên nho nhỏ vẫn còn thoát ra... Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được. Ðiền không thể sung sướng khi con Ðiền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?... Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...

... Sáng hôm sau, Ðiền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.