Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

THÁNG NGÀY QUA - Nhất Linh

 

Ðầu hiên, về phía trông ra vườn, một cái vườn trồng toàn roi, Minh và Giao cặm cụi ngồi học.

Bấy giờ đã quá trưa. Trời trong biếc. Trên giàn thiên lý, mấy chùm hoa sẽ đưa trước gió, một vài tiếng gà gáy xa xa.

Giao đang học, tự nhiên thấy có cái cảm giác rất lạ, chàng không ngửng đầu lên mà biết chắc có người đứng nhìn chàng. Giao gấp sách lại, quay mặt ra phía vườn, thấy vợ bạn đương đăm đăm nhìn mình:

- Hú vía! Chị Minh! Tôi thoáng thấy bóng trắng trắng lại ngỡ là ma.

Người vợ trẻ của Minh hơi có ý ngượng vì thấy Giao bắt gặp mình nhìn trộm, mỉm cười nói chữa:

- Hai anh em học chăm quá, người ta đến gần mà không biết.

Lúc bấy giờ nàng đứng tựa đầu vào cái ghế dài, như có vẻ mỏi mệt, cặp môi hơi hé, hai gò má phơn phớt đỏ và đôi mắt trong trẻo, sáng sủa như ánh nắng rực rỡ mùa hè. Nàng có cái vẻ đẹp lộng lẫy quá, khiến Giao không dám nhìn lâu, nhất là không dám nhìn hai con mắt của nàng, hai con mắt huyền bí như có cái mãnh lực vô hình làm cho Giao rạo rực, náo nức cả trong lòng.

Nàng đưa ra mấy cánh hoa nhài và bảo chồng:

- Này cậu, cây nhài hôm nọ tôi mua ở chợ về, có hoa rồi đấy, cậu lấy cốc cho nước vào để cắm hoa.

Minh, mắt vẫn để vào sách nói:

- Tôi rất ghét thứ hoa nhài. Ngửi nó đâm ra nhức cả đầu.

Nhưng Giao không nghĩ thế, chàng hiểu vì cớ gì mà người vợ Minh đem hoa đến, chàng cảm động. Từ hôm nói chuyện với Minh rằng ở trên đời chàng không thích hoa gì bằng hoa nhài, thì chàng thấy vợ Minh mua ngay cây nhài về trồng trong vườn, tưới xới săn sóc đến luôn luôn. Hôm nay cây nhài nở mấy bông hoa đầu, vợ Minh ngắt hoa có cái ý nghĩa gì, Giao đã hiểu.

*

Ðã hơn một tháng nay, Giao cố sức chống lại với cái sức mạnh của ái tình, nó như ngọn sóng gió muốn lôi cuốn chàng đi. Chàng mới có mười bảy tuổi, cái tuổi còn non nớt lại gặp ngay mối tình mãnh liệt mà éo le.

Tuy Minh hơn Giao những bảy tuổi mà hai người cùng học một lớp ở trường Trung học, Giao trọ ở nhà một người quen trong làng N, nhưng vì bên nhà Minh có vườn mát mẻ nên thường hay sang cùng ngồi học với Minh, nhân tiện chỉ bảo giúp Minh, vì Minh học lực rất kém. Thế rồi ngày một ngày hai, khi đi lại, lúc ra vào, Giao cảm vì cái sắc đẹp rực rỡ của vợ Minh mà xem chừng vợ Minh cũng vì cái tình ngây thơ của một cậu học trò còn trẻ tuổi đối với mình.

Nhưng hai người cùng sợ, cùng rụt rè, không dám tìm cách để gặp nhau, nhưng cũng không nỡ xa nhau, cứ để mặc cho cái mùi hương nguy hiểm của ái tình nó mê đắm cả hai người.

Giao biết, biết là có một ngày kia chàng sẽ phạm vào tội lỗi đối với bạn, chàng biết là sẽ làm một việc rất xấu, nên chàng hết sức chống lại. Có khi chàng giữ hai, ba ngày không sang nhà bạn nhưng cái vẻ đẹp kia, đôi má hồng, hai con mắt sáng kia như có sức mạnh bắt chàng không thể nào quên được. Giao lại sang, tự an ủi mình rằng ngắm một người đẹp đã tội lỗi gì đâu.

Cứ mỗi lần Giao sang ngồi học với Minh thì người vợ hay lân la đến chỗ hai người nói chuyện vơ vẩn. Một hôm Giao sang học bên nhà bạn, thấy cửa đóng, gõ thì người vợ ra mở. Nàng thấy Giao làm ra bộ ngạc nhiên:

- À anh Giao! Tôi lại tưởng có người đến hỏi nợ, đã lo!

Rồi nàng cười, cười tít đi, đôi má lại càng đỏ, hai con mắt lại càng trong, khiến Giao cuống quít, không biết nói làm sao. Nàng vừa cài then cửa vừa nói:

- Hôm nay anh Minh đi vắng!

Rồi nàng nhìn Giao như dò ý tứ. Giao vội nói:

- Thế chị để tôi về thôi, mai sang.

- Về nhà bức chết, anh cứ vào mà ngồi học... việc gì.

Rồi nàng nhìn lên cây, vỗ tay nói một cách ngây thơ như đứa trẻ vui mừng:

- Roi chín rồi, để tôi lấy sào chọc mấy quả anh ăn. Ngọt, giòn, mát như đường phèn.

Nàng vừa nói vừa chép miệng, rồi làm bộ như nuốt nước bọt thèm, nhìn Giao cười.

Giao nhìn lên cây roi thấy trong đám lá xanh mấy chùm quả nặng trĩu, sắc da mát và hồng, như muốn trêu giục người ta hái xuống ăn ngấu ăn nghiến, lại nhìn đến người đàn bà đôi má hồng, tự nhiên trong trí chàng nảy ra một sự so sánh chùm quả ngon với người con gái đẹp. Trong lúc say đắm về cách cử chỉ của nàng, Giao không nghĩ gì cả, nhưng Giao sợ, sợ không thoát khỏi! Chàng biết chàng như con cá riết con đã mắc vào lưới, không tài nào thoát, nhưng cũng giẫy giụa trước khi chịu khuất phục.

Một lát vợ Minh đi vào, tay cầm một chùm roi, tóc xõa xuống má, nhìn Giao hớn hở.

Giao đứng ngay dậy, thì nàng cũng vừa bước lại gần sát bên cạnh: bốn mắt gặp nhau. Giao nhìn nàng thấy nàng đổi khác hẳn mọi khi: cặp môi nàng mấp máy, dưới tấm áo mỏng, ngực nàng phập phồng, hai con mắt nhìn đăm đăm vào chàng có vẻ lẳng lơ, nồng nàn như đắm tình.

Một lát, nàng sẽ nói:

- Mời anh xơi roi...

Lúc bấy giờ Giao như người mất hồn, mặt nóng bừng, không nghĩ gì nữa, như bị hai con mắt đẹp huyền bí của nàng làm tê mê... Giao khẽ để tay lên tay nàng - tay nàng còn cầm chùm roi - nàng để yên không kéo ra, cúi đầu e thẹn. Bỗng tự nhiên, nàng giật mình kéo mạnh tay ra, lùi lại một bước, kêu:

- Con sâu! Trong quả roi có con sâu...

Giao nhìn, quả nhiên thấy trong một quả roi to nhất, đẹp nhất, có con sâu từ từ bò ra leo lên tìm đường thoát. Giao vội vàng ném quả roi ra vườn. Nhưng từ lúc đó, chàng như người ngủ mê mới tỉnh: con sâu trong quả roi đã làm cho chàng biết rằng chàng sắp phạm một tội xấu xa, mà trong lúc mê man vì sắc đẹp chàng không nghĩ tới. Chàng ném quả roi xong, quay lại thấy vợ bạn đương nhấc bức mành, bước vội vào nhà như người đi trốn. Giao thở dài, cắp sách về nhà trọ, và từ đấy, chàng không tới nhà bạn nữa.

*

Bảy năm sau... trong bảy năm đó vì việc nhà, Giao phải cách biệt hẳn Hà Nội, phiêu lưu nay đây mai đó: trên đường đời, chàng đã gặp biết bao nhiêu là mỹ nữ, nhưng chàng không sao quên được người xưa.

Bảy năm sau, nhân về Hà Nội, chàng thuê xe xuống làng N... để thăm người bạn học mà chàng phải xa cách, mà nhất là thăm người mà bảy năm về trước có cái sắc đẹp đã làm rung động tấm linh hồn ngây thơ của chàng.

Tình cờ lúc đó lại vừa đúng tháng sáu đúng mùa roi chín.

Tuy đã lâu năm, nhưng chàng nhận ngay được ngõ vào nhà bạn, cái cổng gỗ bây giờ đã cũ, mấy cây roi có to hơn, nhưng trong đám lá xanh mấy chùm quả nặng trĩu vẫn một sắc da mát và hồng như trước.

Chàng gõ cửa, thấy trong nhà có tiếng người đi ra. Cửa mở, một người đàn bà, tay bế con, thấy Giao buộc mồm kêu:

- Anh Giao!

Nàng nhận ngay ra được cậu học trò, bạn học của chồng ngày trước.

Nàng mừng quá, chỉ nói được thế thôi rồi đứng nhìn Giao từ đầu đến chân. Nhưng Giao trông nàng lấy làm lạ, ngạc nhiên, hơi ngờ ngợ. Chàng lãnh đạm hỏi:

- Bác trai có nhà không, bác?

Nàng vừa cài then cửa vừa nói:

- Nhà tôi đi vắng.

Giao bước vào thấy cảnh sắc vẫn nguyên như cũ: vẫn giàn thiên lý ở đầu nhà, dăm chùm hoa nở, vẫn cái án thư, hai cái kỷ ở đầu hiên, chỗ mà chàng vẫn ngồi học với Minh năm nọ.

Lúc ngồi nói chuyện, uống nước với vợ Minh, Giao cố ý ngắm kỹ nàng, vì Giao không nhút nhát như trước mà không dám nhìn lâu nữa - nhưng bây giờ còn đâu cái đẹp nồng nàn, còn đâu đôi má hồng, hai con mắt trong trẻo sáng sủa như nắng rực rỡ mùa hè...

... Tháng ngày qua... sắc đẹp tàn...

Nàng thẫn thờ nói:

- Chóng thật! mới ngày nào, bây giờ đã...

Nàng ngẩng nhìn lên tường thấy bóng mình in trong cái gương to để đấy, cái bóng một người đàn bà đứng tuổi, không có vẻ gì là vẻ thanh xuân, nàng chạnh tưởng tới cái sắc đẹp lộng lẫy khi xưa nay đã tàn. Nàng nhìn Giao, Giao nhìn nàng, hai người cùng một ý nghĩ như nhau.

Nàng buồn rầu, nhắc lại:

- Chóng thật!...

Rồi nàng cố gượng làm bộ vui tươi, bảo Giao:

- Bác đến may quá, vừa đúng mùa roi chín... để lấy mấy quả bác xơi.

Giao ăn roi nhìn nàng nói nửa đùa nửa thật:

- Roi vẫn ngọt, vẫn mát như đường phèn... nhưng bây giờ không có sâu nữa.

Rồi hai người cùng mỉm cười, cái mỉm cười chua chát, biết bao ý nghĩa, như nhắc hai người ôn lại chuyện xưa. Giao bùi ngùi nhớ lại cái mơ mộng ngày trước, cái mơ mộng yêu một cách thiết tha và không chánh đáng, một cái sắc đẹp mà bây giờ chàng mới biết là ảo mộng, mong manh không có giá trị gì!

Chuyện vẩn vơ một lúc, Giao đứng dậy xin cáo từ. Nàng cũng tiễn theo ra.

Lúc đi qua chỗ ngồi học ngày trước, chàng thấy trên án thư một cái cốc không có cắm mấy cành nhài mà lúc vào chàng không để ý đến. Mấy bông hoa nhài trắng như mấy cái nụ cười âu yếm nhắc lại trong trí Giao câu chuyện tặng hoa ý nhị năm xưa. Mấy bông hoa có lẽ vô tình cắm đó đã làm cho Giao có cái ảo tưởng rằng trong bảy năm nay, lúc nào nàng cũng còn nhớ đến cậu học trò, cậu học trò đã trót mê nàng vì cái sắc đẹp mà bây giờ không có nữa. Cái ảo tưởng ấy làm cho Giao man mác trong lòng.

Trước khi từ biệt, Giao nhìn thẳng vào mắt nàng như để tỏ lời cám ơn nàng trong bấy lâu vẫn để bên lòng một chút tình thương yêu chàng, chút tình ấy kín đáo hơn cái sắc đẹp kia, nhưng lâu bền hơn.

Tháng ngày qua... sắc đẹp tàn... nhưng cái hương thơm của tình thương yêu tuyệt vọng, u uẩn của nàng đối với Giao còn phảng phất không bao giờ phai.

 
NHẤT LINH       

(Trích từ tập truyện ngắn Anh Phải Sống)

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

TÊN ĐÀO NGŨ - Nguyễn Mộng Giác

 

Chiếc GMC chở quan tài đậu sát vào mái tôn, quay đít vào gần cửa ra vào. Lá quốc kỳ bị gió bay, nên lệch sang một phía, để lộ hông quan tài gỗ tạp sơn một lớp dầu bóng đỏ ối. Người tài xế mở xe nhảy xuống, nói trỏng vào phía buồng lái:

“Xuống đi! Phải ở lại đây tối nay rồi. Trời tối, ai dám qua truông”.

Bốn người lính ở phía sau nhanh nhẹn leo qua hông, đạp một chân lên bánh xe cao su, nhảy mạnh xuống nền xi măng. Bụi đỏ bay mù từ mấy bộ quần áo xốc xếch lem luốc. Có tiếng trẻ con khóc phía đầu xe. Người đàn bà mặt mày ốm gầy và lạc thần, đầu quấn khăn tang, thò đầu hướng về phía nhà tiền chế nói lớn:

“Mấy chú làm ơn mở cho cánh cửa. Nặng quá”.

Một người lính đi lại phía bên phải xe, gắng hết sức mới mở bật được cánh cửa, rồi đưa tay dìu hai mẹ con xuống. Một tay ẵm đứa nhỏ độ một tuổi, một tay xách cái giỏ ni lông, người đàn bà phải để mặc cho anh lính đỡ hai nách, cẩn thận bước xuống bậc thang, rồi chậm rãi vào trú dưới mái hiên. Đứa nhỏ ngơ ngác nhìn chung quanh, nhận diện từng người, rồi lại khóc lên từng hồi. Người đàn bà ngồi bệt trên nền trại, lấy bình sữa bằng nhựa núm vú vàng xỉn nhét vào miệng đứa bé. Nó núc vài ngụm, ậm ừ như muốn nghẹn nước, rồi quay đầu nhả vú ra khóc tiếp. Người đàn bà sợ làm phiền ông Chỉ huy trưởng, vội vã bồng con ra đứng dưới mấy gốc dương liễu lá rũ. Tân hỏi mấy người lính đang tiếp tục giũ bụi:

“Bị ở đâu đó?”

“Trên Phú Nhơn”.

“Chở về đâu?”

“Miệt ngoài Bồng Sơn. Bây giờ đã sáu giờ chiều, qua truông sao nổi”.

Toán lính trực thoả mãn tò mò, lảng đi xa. Bốn người lính lạ hỏi Tân chỗ câu lạc bộ, rồi đi theo hướng Tân chỉ. Người tài xế mở nắp đầu máy kiểm soát dầu nhớt và bu-gi, rồi cũng đi theo bốn người lính hộ tống. Một lúc sau, một người bưng ra cho người đàn bà dĩa cơm và chai xá xị, xong vội vã quay trở lại câu lạc bộ. Đứa bé bây giờ đã hết khóc, nằm ngủ lả trên vai mẹ. Người đàn bà bồng con vào trong mái hiên, liếc nhìn lên quan tài thúc thít khóc, rồi ngồi trên nền trại lơ đãng xúc cơm ăn. Gió bên ngoài bỗng thổi mạnh bốc bụi mù mịt, trong khi đêm chầm chậm trở về. Lúc ông Thượng sĩ nhẹ nhàng bước chậm cho ngọn nến khỏi tắt, leo lên xe gắn lên nắp quan tài, Tân hỏi:

“Tối nay toán nào gác cầu, Thượng sĩ?”

“Toán hai”.

“Ủa, sao tụi nó không cho tui hay”.

Ông Thượng sĩ đứng trên xe, không thèm quay mặt lại, gắt gỏng:

“Mầy đi ghẹo gái cho đã rồi về hỏi lôi thôi. Có lấy đồ đạc ra lô cốt mau lên không? Cho mấy củ bây giờ”.

Tân chạy vội về phòng trực. Người đàn bà vẫn ngồi chỗ cũ, biếng nhác nhai cơm, hờ hững nhìn mông lung về phía bóng tối trước mặt. Phòng trực không còn ai. Bóng đèn điện góc phòng lung lay theo gió. Khẩu M.16, cái mũ sắt, và tấm pon-cho của Tân còn bỏ lại trong góc tối.

Tân đội mũ sắt lên, trí óc ràng buộc vào cái rọ trách nhiệm. Sợi dây nịt đạn quấn quanh bụng chặt chẽ như quân kỷ. Đôi giày nặng bó cổ chân, níu trì gân cốt như muốn chôn sâu người lính đời đời kiếp kiếp xuống giao thông hào, sau lỗ châu mai, trong hầm lô cốt. Chỉ có khẩu súng là nhẹ nhàng, đong đưa trong vòng ngón trỏ, tự do như chiều đạn đạo.

Một mùi hôi gay gắt trộn lẫn hương nhang thổi vào chỗ Tân ngồi. Bóng người đàn bà ôm con nổi hẳn trên nền sáng do ngọn đèn pha phía bên kia trại. Tân lẩm bẩm:

“May tối nay mình ra cầu. Không thì nằm đây lãnh đủ”.

Lúc ra đến cổng trại, một trận gió mạnh thổi ào ngăn cả bước Tân đi. Tân đưa tay dụi mắt. Bên trong hàng rào, có tiếng trẻ khóc. Khi nước chảy ra trôi hết bụi và mi mắt hết cồm cộm xốn xang, nhìn trở vào trong, Tân thấy ngọn nến trên nắp quan tài đã tắt.

Tín chửi thề:

“Đ.M. bây giờ mới ra. Lính cậu hả?”

“Thôi mà người anh em. Lão thượng sĩ đã cho anh lãnh đủ rồi. Nỡ nào người anh em còn nặng tay”.

Rồi chuyển sang giọng bình thường, Tân bảo:

“Đã phân công chưa?”

“Rồi, mầy gác ca bốn”.

“Với ai?”

“Tao không nhớ. À, hình như với thằng Liễn”.

“Tụi nó đâu rồi?”

“Giặt quần áo phía bến đò. Mầy làm gì cả buổi chiều nay không thấy mặt”.

“La cà lai rai vậy mà. Đầu tháng dư tiền, không có sao”.

“Nói giọng cha không. Sao không nằm luôn trong trại cho bảnh?”

“Hôi không chịu nổi”.

“Cái gì?”

“Cái xác. Có một con bị trận Phú Nhơn, vợ lên lãnh về. Trời tối không dám qua truông, nên GMC chở vào gởi tạm đằng trại”.

Tín nói sang chuyện khác:

“Tao mới mua được cái cát-xét Hitachi”.

“Bao nhiêu?”

“Chín ngàn. Nghe thử không?”

Tín mở máy. Giọng một nữ ca sĩ danh tiếng nỉ non, tha thiết:

“Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi. Các anh đi biết bao giờ trở lại. Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong. Làng tôi nghèo nho nhỏ trên sông. Gió bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ. Làng tôi nghèo, nắng mưa tơi tả, trai gái trong làng vất vả ngược xuôi…”

Tân đưa tay tắt máy:

“Nghe mùi quá. Nhưng đâu phải tụi mình. Nói chuyện tụi nó ngày trước mà”.

Tín cãi:

“Thì áp dụng cho tụi mình cũng được, có sao đâu. Này này: Các anh về mái ấm nhà êm, câu nói tiếng cười rộn ràng trước ngõ. Mình đi hành quân tảo thanh đem lại an ninh cho đồng bào. Mặt bên kia còn một bài mới. Chờ một chút tao cuộn băng trở lại đã”.

Tân lấy thuốc hút, nhìn xuống bãi cát chân cầu. Anh hỏi:

“Đêm nay có trăng không?”

“Có, mười bảy ta mà”.

“Vậy là đỡ khổ rồi. Tao gác ca tư, trăng sách quắc, đố đứa nào dám bén mảng tới chân cầu”.

Tín đã sang băng xong, mở máy trở lại:

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về… Anh trở về hàng cây nghiêng ngả, anh trở về có thể bằng hòm gỗ cài hoa. Anh trở về, trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn mầu tang trắng…”

Tân lại đưa tay tắt máy, lầm bầm:

“Thôi. Để yên nghe nước chảy còn hơn”.

Anh ra phía cầu, đái xuống dòng sông đen. Tín nói lớn:

“Mầy tục tĩu quá, không hiểu sao tụi con gái mê mầy”.

Tân gài nút quần, trả lời:

“Tao khơi đúng chỗ ngứa giấu kín sau cái mặt nạ ngoan ngoãn con nhà, sau cái vỏ mỏng ngây thơ. Còn tụi bay thì cả tin, nên hỏng hết”.

Rồi không muốn dây dưa tranh luận, Tân bảo:

“Tao đi tắm một chút. Tụi nó trở lại, mầy nói giùm là tao đã ra rồi”.

Tân trở lại đầu cầu, giở vòng dây thép gai chui qua bên kia. Con đường mòn dốc xuôi xuống bãi cát phía dưới. Lá dứa gai cứa vào ống quần vải dày, chỉ nghe rào rào. Thích thú, thách đố, an tâm, Tân dẫm bừa lên gai góc, bước nhầu lên mấy bụi ốc mèo, không thèm theo lối mòn quanh co mình rắn. Mấy khóm dứa đen quì mọp dưới gót, sau lưng. Một cây gai ngang ngạnh đâm thủng lần vải, Tân thót người đau đớn, tức giận quật mạnh báng súng lên bụi đen, rồi dẫm mạnh gót giày trên đó mà đi. Vài nhánh khô gãy rụm, dòn tan.

Qua hết khóm gai thì đến bờ cát. Đã quen lối đi, Tân dừng lại bên một khóm cây rậm. Anh lấy nắp nhựa đậy họng súng M.16 lại, rồi cắm súng giấu sâu vào bóng tối. Đôi bàn tay bất chợt rảnh rang, trở thành ngượng nghịu. Theo thói quen, Tân đưa tay lên vai định gỡ dây súng trước khi ngồi lên mô đất. Anh lầm bầm chửi thề, thấy mình lú lẫn quên trước quên sau. Đôi bàn tay vẫn còn vụng về, mấy ngón cử động láu táu không biết phải làm cái gì. Tội nghiệp! Chúng nó không quen ở không. Cho nên bàn tay nầy nắm ngón tay bàn tay kia bẻ lốp rốp, rồi bàn tay kia bẻ trả.
Trước mặt, bãi cát vàng nhờ nhờ chạy dài ra đến tận bờ nước đen, và Tân nhớ rõ mặt cát mịn đến nỗi bước chân lên trên, làm da chân mỏng vẫn có cảm giác êm ái bình thường như được ấp ủ trìu mến bằng lớp vải lên dày. Tân ngồi xướng mô đất, dây nịt đạn chằng ngang bụng, cọ mạnh vào xương sườn.

Bỏ mặc quân trang và vũ khí gần khóm cây. Tân định đi xuống bờ cát, nhưng nghĩ sao, bèn quay trở lại. Trăng đã lên tự lúc nào, chiếu rõ cái mũ sắt, dây nịt đạn, đôi giầy thô, và cả báng súng nhựa. Anh giấu đồ đạc cẩn thận hơn, cho bóng tối che khuất rồi tiện tay cởi luôn bộ quần áo treillis nặng nề hôi hám. Tân chỉ còn mặc một cái quần đùi và cái áo lót. Gió lùa vào khe nách, ống quần, thổi dậy niềm khoan khoái, bùng lên khát vọng tự do.

Tân nhảy xuống lòng cát, tung tăng chạy khắp mọi hướng. Trăng mỉm cười. Gió mơn man. Cát hôn ấm lòng chân. Trời cao và đất rộng mời gọi. Sự sống man rợ, điên cuồng ngây ngấy đưa bước chân thoăn thoắt, đưa đôi tay vung mạnh lướt tới, nghiêng nghiêng mặt người để hứng thuận chiều gió. Bàn tay đưa ra trước mặt chờ đón mà không nắm bắt, hy vọng mà không tham lam, để gió mát và ánh vàng lọt qua mấy ngón. Tân chạy nhảy, không cảm thấy mệt nhọc thỏa thuê, và lúc đứng dừng lại, vẫn còn thấy lòng mình trống không để tiếp tục góp thu cái diệu vợi vô cùng của đất trời vào lòng.

Anh chạy theo bờ nước trong. Chân đạp rào rạo trên sỏi nhỏ ven sông, nước bắn tung lên mát dịu ống chân và bắp vế. Lúc chạy về phía trăng lên, bọt nước tỏa sáng quanh mình, rơi vang trên bãi, như các tia nước phun trong công viên thành phố.

Tân chạy thẳng theo đường nước cạn, rồi lại uốn mình ngoằn ngoèo như hình rắn, hết dậm chân trên cát ấm lại dậm chân xuống nước róc rách mát rợi. Trong một bước lơ đãng, anh bước vào một hố sâu. Tân ngã xuống, nước ngập nửa người. Trăng mờ đi vì một đám mây vô tình. Anh hốt hoảng nghĩ:

“Không biết có đứa nào thấy chỗ mình giấu súng không? Đã tới ca gác của mình chưa?”

Anh ngồi xuống cát, và bây giờ mới cảm thấy mỏi rần khắp người. Gót chân rát vì bị chà xát quá nhiều. Gió tăng thêm lạnh trên bộ quần áo ướt. Bóng cầu đen đủi choàng tay qua hai bờ xa tít, tham lam trơ trẽn.

Một trái hỏa châu từ quận lỵ bắn lên, chiếu mầu đỏ kè bệnh hoạn mặt sông, rồi tắt lịm để lại một vệt khói lững lờ dưới trăng.

Có tiếng kẻng đổi ca từ trên cầu vọng xuống. Tân cố nhíu mày đọc mấy chữ số trên đồng hồ. Chưa tới phiên mình! Gió lạnh lẽo, Trăng nhợt nhạt. Nước rên rỉ. Bóng tối ma quái. Trong một cử động đột ngột cương quyết, Tân quăng cái đồng hồ rơi tõm xuống dòng sông đen. Tiếng vọng khích động cảm giác, và anh bắt đầu chạy như điên trên bãi, lội mạnh xuống dòng sông cho đến lúc nước ngập quá gối và chạy trở lên tận bờ cỏ ướt dọc theo doi cát.

Khi chạy như thế đến vòng thứ ba, vừa từ bờ cát trở về con nước, Tân đã thấy có bóng người ngồi lặng ở đấy rồi.

Bóng một người con gái.

*

Trăng đã lên quá ngọn tre xóm Đông hơn một con sáo. Ánh trăng viền khuôn mặt người con gái, cho Tân thấy đôi mắt mở lớn hướng về phía ánh sáng và đôi môi cười. Mái tóc dài chìm trong nền tối, nhưng dáng người in rõ trên mặt cát ướt. Hai bàn chân cô gái ngâm dưới nước sông, khuấy động róc rách. Gió vẫn dịu dàng. Cát vẫn câm nín. Trăng cười lặng. Chỉ có nước nhột nhạt vì bàn chân khuấy động, không thôi rúc rích thích thú. Nửa như chế giễu nửa như thúc giục. Mồ hôi loãng theo gió thổi, làm Tân lành lạnh da cổ và xương sống. Tân hỏi:

“Làm gì ngồi đây?”

Cô gái không trả lời, không quay lại. Một lúc sau, cô mới hỏi lại:

“Làm gì mà chạy như ngựa chứng? Có say không?”

“Ra ngồi đây lâu rồi à? Sao tôi không thấy?”

“Say rồi thấy sao được?”

“Chiều nay tới phiên gác cầu, không dám nhậu”.

“Thiếu gì thứ say. Đâu phải chỉ có rượu. Say hơi đất. Say hơi lá. Say trăng, say mây. Say sưa hơi ấm của cát, say cái rúc đầu nhột nhạt của nước trên mặt da…”

Tân ngăn lại:

“Nói thật hay nói giỡn đó?”

“Thật chớ. Tân không thấy tôi ngâm chân xuống nước à?”

Tân lạnh mình, há hốc mồm không nói được gì. Một lúc sau mới hỏi lấp lửng, e dè:

“Sao biết tên tôi?”

“Dễ ợt. Chú ý tìm hơi thì phải ra. Chỉ cần hỏi mấy cô thợ may ngoài chợ”.

Tân sợ thực sự. Xương sống ớn lạnh. Tân hỏi, giọng ấp úng:

“Cô ngồi chỗ nào? Bàn máy góc bắc hay gần bên nhà hát bộ?”

“Ơ hơ. Em có làm thợ may đâu. Nhưng em có một con bạn làm thợ may biết anh nhiều…”

Tân vội vàng hỏi:

“Tên gì?”

“Thôi, nói chi thêm rắc rối. Gia đình em làm nghề câu gõ. Sõng cột dưới gốc cây lớn kia kìa”.

“Vậy cô lên đây ngồi làm gì?”

“Bắt người ta bơi dưới nước hoài sao? Cho lên bờ một chút không được à?”

“Sao không được. Ai dám cấm. Nhưng tôi muốn hỏi sao dám lên ngồi đây một mình”.

“Cha đi lên bờ mua đá đèn. Với lại, đâu phải chỉ có một mình…”

Tân dớn dác nhìn quanh, hối hận đã không mang súng đến tận bờ nước. Phải gắng bạo dạn lắm, Tân mới hỏi được:

“Sao các bạn cô không ra mặt? Sao không ra ngồi nói chuyện cho vui?”

“Chuyện gì? Có nói anh cũng không hiểu”.

“Sao vậy?”

“Anh nghĩ bạn em là ai?”

“Làm sao biết được. Mấy cô thợ may ngoài chợ này. Mấy cô bán cá này. Mấy cô hái rau muống trên cầu này”.

“Không phải. Lâu lâu em mới lên bờ mua cước với nước mắm. Mỗi lần cha đi chợ, em phải ở lại giữ sõng”.

“Sao khi nãy bảo quen với mấy cô thợ may ngoài chợ?”

Cô gái không trả lời, lấy chân quấy động mặt nước. Tân đánh bạo hỏi:

“Bạn em đang ở trên sõng dưới kia phải không? Mời họ ra nói chuyện đi”.

“Bạn em à? Chúng nó đâu biết nói”.

“Cái gì lạ vậy?”

“Cha lầm lì cả ngày. Trừ những lúc nói gióng một sai em gỡ lưới, gõ cây, cha em không nói gì hết. Em buồn tìm bạn nói chuyện cho qua ngày. Em nói với mấy con cá này…”

Tân ngắt ngang:

“Nói với cá?”

“Chớ sao. Em an ủi nó. Trông cái bụng trắng phau, cái vẩy óng ánh bạc, đôi mắt trong, dễ thương lắm, mà cũng tội nghiệp nữa. Nhiều lần em gặp mấy con cá nhỏ lưng xanh, vây pha hồng dãy dụa trong lưới như van xin. Em lén cha thả lại xuống sông. Em không biết nó lội về hướng nào, nhưng chắc chắn nó biết ơn em nhiều. Buổi trưa cha cột sõng dưới gốc cây ven bờ nằm ngủ. Em thả chân xuống nước chơi. Chú cá thoát nạn hôm trước trở lại mơn man gặm chân em. Chắc nó đến cảm ơn”.

Tân tò mò thích thú, quên nỗi sợ hãi ban nãy, hỏi:

“Có bao giờ gặp Long cung thái tử không?”

“Anh nói sao?”

“Có gặp Long cung thái tử không?”

“Thái tử nào đâu?”

“Em không hiểu à? Dưới nước có một cung điện nguy nga, trong điện cũng có một ông vua nước trị vì, gọi là Long vương. Con ông vua gọi là Thái tử. Mỗi lần đi chơi đây đó ở bờ biển bến sông, thái tử mang hình con rùa mai xanh, con cua mu đỏ…”

Cô gái vỗ tay cười, rồi hỏi mau:

“Thái tử có hóa thành cá không?”

“Có”.

“Như vậy là em đã gặp Thái tử rồi. Một hôm em gỡ lưới được con cá mình xanh biếc, vây màu đỏ và trắng. Cả cha cũng không biết tên cá gì. Hai cái râu trước mép dài như sợi tơ. Em thả nó xuống nước trở lại. Mãi đến con trăng sau, em đang ngồi nhúng chân xuống nước thế nầy thì có con cá nhỏ đến gặm chân nhột nhột. Em mê mải nhìn trăng quá nên lúc nhìn xuống nước, mắt lòa đi, không trông thấy gì. Em chỉ thấy một giải vàng trước mặt như con đường đất trải giữa sông. Em đứng dậy, em bước tới, bước tới nữa. Hình như nước rẽ hai bên vì em không cảm thấy ướt át. Mãi đến khi nước ngập tới cổ, em mới tỉnh hẳn và vội vàng bơi lại phía sõng. Chắc Thái tử mời em đến Long cung quá”.

Tân vội ngồi xa hơn, nhìn chăm chăm vào mặt cô gái. Đôi mắt cô vẫn sáng long lanh dưới trăng. Cái miệng vẫn cười, và cả khuôn mặt trẻ thơ bộc lộ một trạng thái lơ lững giữa đất và trời, ánh sáng và bóng tối, cõi thực và cõi tưởng. Cảm thấy khoảng cách giữa hai người đã đủ an toàn Tân mới hỏi tiếp:

“Hèn gì. Bây giờ anh mới hiểu. Em ngâm chân dưới nước đợi bạn về?”

“Đêm nay nó không tới. Nhưng không sao. Em nói chuyện với người khác”.

“Lỡ không có anh thì sao?”

“Thiếu gì bạn. Nước này. Cát này. Trăng này”.

Tân không khỏi tò mò, chồm đến gần hỏi thật rõ:

“Nước biết nói à?”

“Nó chỉ nói nhỏ thôi. Khi buồn thì thì thầm. Khi vui thì rúc rích. Chỉ có dưới chân cầu là ồn ào. Lính họ rào dây thép gai, rác rến bám vào làm thành cái đập. Nước chảy xiết, kêu ồ ồ. Không đời nào em thèm lên đến gầm cầu”.

Tân nhớ đến nhiệm vụ:

“May dữ a. Đêm hôm mà em mon men đến đó, lãnh đủ có khi”.

“Lính họ bắn à?”

“Sao không? Họ tưởng em là Việt cộng phá cầu”.

“Em có làm gì đâu? Gặp em, anh có bắn không?”

“Lớ xớ đến gần cầu, bắn liền”.

“Ai thèm tới đó làm gì. Anh cũng ồn ào như nước dưới chân cầu”.

Lúc bấy giờ, một áng mây làm mờ bầu trời. Tân giật mình nhìn về phía Tây. Bóng cầu vẫn đen thui, tham lam ôm hai bờ xa tít. Khi trăng sáng trở lại, ánh lòa trên sông che hẳn dấu cầu.

*

Trăng lên đến đỉnh đầu. Bóng hai người vây tròn chỗ ngồi. Trăng bớt lóe sáng trên mặt nước, nhưng bãi cát vàng óng và trở nên mênh mông. Mặt nước sông trong xanh, có thể nhìn thấy tận đáy cát. Cô gái từ lâu cầm lấy tay Tân, và lần đầu anh cảm thấy hơi ấm chuyền sang từ năm đầu ngón tay mềm. Anh nhìn chăm chú hơn: cổ tay tròn, thân người mập lẳn, ống quần đen ướt dán chặt vào hai đùi, đôi bàn chân trắng. Cô gái tự nhiên lo sợ rút bàn tay về. Tân nói:

“Đừng chờ thái tử nữa. Hãy nói chuyện với anh”.

“Nói cái gì?”

“Chuyện làm ăn. Một ngày em lưới được bao nhiêu cá? Bán được bao nhiêu tiền?”

“Không nói. Để anh nói trước”.

“Nói cái gì?”

Cô gái cười thật ranh mãnh:

“Chuyện làm ăn. Anh đi lính thì nói chuyện lính”.

“Đi lính đâu phải nghề làm ăn?”

“Sao không? Như nghề câu gõ có khác gì đâu? Lưới được bao nhiêu? Bán được bao nhiêu?”

Tân nhìn thẳng vào mặt cô gái xem muốn hỏi thật hay nói đùa. Nét mặt vẫn có cái vẻ trống vắng mà tham dự như trước. Tân chậm rãi trả lời:

“Nghề anh không có thả lưới rồi gõ cây rượt cá”.

“Cha em cũng có làm vậy. Mấy hôm trời tối, ổng lấy đèn đá soi xuống sông, dùng đọc đâm cá. Em ngồi đầu sau lo chèo. Nhiều khi em vô ý chèo trệch một chút, sõng xoay ngang. Cha đâm trật, ổng la om sòm”.

Tân trầm ngâm nhưng cô gái lại cười ròn rã. Tân bị lôi cuốn, cười theo.

Cô gái hỏi:

“Sao bây giờ không chạy như ngựa chứng nữa đi?”

“Bỏ em ngồi một mình, thái tử rước đi mất uổng lắm”.

“Anh ra đây giỡn trăng hay đi tắm?”

“Quên mất. Ra đi tắm”.

“Sợ nước à? Cho ướt luôn, chịu không”.

Không chờ trả lời, cô gái lội ra giữa dòng tạt nước lên chỗ Tân ngồi. Hai người tạt nước nhau, tiếng cười làm rạng rỡ đêm khuya. Thông thạo hơn, cô gái tạt từng tia nước mạnh đúng vào mặt Tân, khiến anh phải mất thì giờ vuốt mặt. Nhưng anh vẫn theo tiếng cười đuổi theo. Cô gái quen chạy trên cát, luôn luôn vuột khỏi tầm tay Tân. Đôi lúc anh sắp chụp được bả vai, nhưng cô đã hạ mình xuống, luồn về phía khác, làm cho Tân quá đà ngã lên bờ nước.

Tân vẫn cố rượt theo. Nhờ bước hỏng vào lũng cát sâu, cô gái ngã, Tân mới theo kịp. Gió và nước không làm nguội được sức nóng bừng bừng. Tân úp mặt lên cổ cô gái, dụi mặt vào trong tóc ngửi mùi hôi và rong rêu. Cô gái vẫn cười, hàm răng trắng óng ánh, đôi mắt long lanh, đôi tay trải dài trên cát làm phập phồng lồng ngực. Không nói năng gì, Tân ôm lấy thân thể ấm áp, sống trọn sự cuồng bạo dã thú. Miệng cô gái vẫn cười, nhưng đôi mắt nhắm nghiền, đôi tay chới với. Cả gió cả nước cả trăng đồng lòng thúc giục, trong khi cát vàng ấp ủ nâng niu.

Khi ngồi lại trên cát nhìn khuôn mặt cô gái mắt vẫn còn nhắm nghiền như đứa bé ngủ say, Tân ngờ ngợ thấy quen. Nhưng không nhớ đã gặp cô ta lúc nào, ở đâu!

*
Lúc mấy người quân cảnh đẩy lên xe, chiếc GMC vẫn còn đó chưa đi. Hai tay bị khóa quặt ra sau, nên phải chật vật lắm Tân mới bước lên được cái bậc cấp, rồi cúi người luồn ra ra ngồi băng sau. Mấy người lính đứng bên ngoài không cần giữ ý, hỏi nhau:

“Bắt được thằng chả ở đâu đó?”

“Tận bãi cát gần khúc quanh của con sông”.

“Chắc xuống dưới an ninh trả lời không xuôi đâu. Cả tiểu đội chết, cây cầu sập, chỉ còn có một mình chả đi tắm”.

“Nghe mìn nổ trên cầu mà cứ tắm à?”

“Không. Toán tiếp viện theo đường sông vòng lên, gặp nó đang bận quần áo và lấy súng chạy về”.

Tân ngồi im không nói năng gì. Phía trước xe, một nhóm người đang tụ tập quanh mấy cái xác. Có tiếng khóc nỉ non và kể lể rên la. Bỗng nhiên đám đông dạt cả ra, tránh lối cho lính khiêng một cái băng ca đi vào. Nhiều tiếng lao xao:

“Một người nữa hả?”

“Đâu phải lính. Xác đàn bà”.

“Dễ sợ. Ngực bị vỡ toang hết. Lượm ở đâu đó, trung sĩ?”

“Bến chài. Lúc tụi tôi bọc hậu đón đầu bọn du kích, thì thấy nó hớt hải chạy từ phía cầu về. Hô đứng lại, nó cũng cứ chạy, nên mới nổ súng. Nếu biết là nó, thì không giết làm gì”.

“Vậy chớ ai đó?”

“Con khùng xóm Chài”.

“Con khùng xóm Chài hay con khùng ngoài chợ?”

“Cả hai đứa là một. Nó là con gái ông câu gõ. Cha nó chết cách đây mấy năm. Nó xin ăn ngoài chợ, và hễ cứ đến mùa trăng là nổi cơn”.

Tân nghe được câu chuyện, lịm người không dám nhìn về phía trước. Bên cửa trái, người tài xế xe GMC đang xem lại máy móc trước khi lên đường. Bốn người lính hộ tống đã lên ngồi hai bên quan tài. Người tài xế đậy nắp ca bô, gọi với vào trong:

“Ra đi cho sớm chị”.

Người đàn bà ẵm đứa con ra xe. Mái tóc bù xù. Cái áo trắng vải thô và vành khăn tang nhàu nát, dơ dáy. Lúc đi ngang qua xe quân cảnh, người đàn bà vô tình nhìn vào phía Tân.

Anh không tin ở mắt mình. Cũng khuôn mặt ấy, cũng trạng thái lơ lửng giữa tưởng và thực, có và không, hững hờ tránh né mà mời gọi thúc giục, xa lạ với cõi sống mà cũng không gắn bó với cõi chết. Người đàn bà bước đi mệt mỏi, âm thầm, nhưng khi đến gần xe, gọi người tài xế một cách tỉnh táo:

“Xách giùm cái giỏ chút, chú. Khi hôm ngủ được không?”

“Đi đường mệt, nằm thẳng cẳng đến lúc nghe tiếng nổ trên cầu mới thức”.

“Đêm qua trăng giọi sáng quá, không ngủ được một khắc…”

Đầu óc Tân quay cuồng. Anh đẩy người quân cảnh phía trái sang một bên hướng mặt về phía người đàn bà hỏi lớn:

“Ê, không ở lại chờ thái tử sao?”

Anh quân cảnh kinh ngạc. Người đàn bà quay lại, mắt ngơ ngác, tưởng không phải người ta gọi mình nên tiếp tục leo lên ngồi trên buồng lái.

Người quân cảnh gay gắt:

“Đ.M. Cha nội đã đến nước này rồi mà không chừa cái thói lăng nhăng. Chồng người ta còn nằm một đống trong hòm, đã chọc ghẹo”.

Chiếc GMC rồ máy, từ từ ra khỏi cổng. Một lớp bụi vàng mỏng tỏa lên, lơ lửng như ánh trăng.
 
 
Nguyễn Mộng Giác     
 
(Trích từ tập truyện ngắn Bão Rớt) 

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

BÀN TAY NĂM NGÓN - Bình Nguyên Lộc

 

Thầy giáo dò tên trong sổ rồi lại liếc học trò như để bắt mạch chúng, coi đứa nào xanh mặt vì không thuộc bài. Không thấy đứa nào tỏ vẻ lo sợ, thầy nhắm mắt chấm đùa thì trúng tên trò Kinh.

- Kinh, lên bảng trả bài ám đọc.

Trò Kinh vừa đứng dậy, vừa nói lên cử động của mình, bằng tiếng Pháp:

- Tôi đứng dậy, tôi ra khỏi bàn, tôi lên bảng và tôi đọc. Rồi tôi trả bài cũng bằng tiếng Pháp: "Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngón."

- Sáu...

- Sáu...

- Sáu chớ...

Cả lớp cười rộ lên một cái rần. Kinh giựt mình, ngưng đọc. Thoạt tiên anh không hiểu gì hết. Nhưng chợt nhớ thì bàn tay mặt anh có sáu ngón, mặt, tai anh ửng đỏ. Anh vội giấu bàn tay mặt dưới cùi chỏ tay trái đương khoanh trước ngực.

Thầy giáo đập thước rầm rầm lên bàn và la:

- Cười cái gì. Trò nào còn cười bị phạt chép năm chục trương bài nầy. Trò Quang, ta không nên... làm sao ?

Trò Quang đứng dậy. Sợ sệt đọc: "Ta không nên nhạo báng người tàn tật".

- Tốt, giỏi, ngồi xuống !

Kinh lăn qua, trở lại mãi, không sao nhắm mắt được. Anh nhớ rõ từng chi tiết buổi học trên đây, mười sáu năm về trước và thương hại cậu bé tội nghiệp, thuở ấy đã chịu biết bao khổ nhục giữa đám trẻ tàn ác, cũng vì cái ngón thứ sáu nầy.

Anh giơ bàn tay lên xem. Cái ngón dư đó, mọc từ bên hông ngón cái, cong quắt vô như càng tôm, càng cua. Da nó non, mịn, hơi ửng hồng. Đầu ngón, một móng tay nhỏ xíu, nhọn hoắc, cong như ngói ống lợp chùa.

Thật là dị kỳ, không giống anh em nó chút nào, y như là ai mới nghịch gắn nó vào đó, và nó làm bằng những chất gì khác hơn là thịt và da.

Hèn chi trẻ nhỏ hồi đó và người lớn bây giờ không đùa sao được. Phải chi ai cũng có sáu ngón, thì anh sẽ được coi như người thường, đàng nầy...

- Ờ, Kinh nghĩ, tại sao người đời cứ muốn cái gì cũng giống nhau hết, khác một chút là họ không tha. Mình mặc một bộ đồ mốt xưa họ cũng cười, mình dạy con theo phương pháp riêng của mình, họ cũng công kích. Mình có một tư tưởng nào hơi bạo, hơi đi trước họ, họ không khỏi nhìn mình như nhìn một người điên.

Kinh bật cười, nghĩ đến một người kia bỗng dưng mọc đuôi dài. Chàng thấy trong trí đám người đi theo thằng cha có đuôi, mặc sức mà bàn tán mà chế giễu. Rồi chàng nhớ đến bọn đầu cơ, luôn luôn rình một dịp tốt để hốt tiền. Bọn nầy không khỏi thương thuyết với người có đuôi, nhốt va lại trong một cái lều bằng bố, giữa chợ đông, rồi thì lùng tùng xòa, lùng tùng xoèn mại vô, mại vô, người có đuôi, năm cắc vô cửa nè !

Kinh lại nhớ đến những bức tranh khôi hài ở một tờ báo ngoại quốc kia. Tranh vẽ một nhà thông thái chế ra một hỏa tiễn rồi bắn mình lên sao Mars. Tới nơi thấy người sao Mars có ba chơn, mũi dài như vòi voi, không rái tai. Những người nầy bu quanh nhà thông thái và nói với nhau: "Các anh coi, thằng người dưới quả địa cầu mới dị tướng, xấu xí làm sao !"

Thì ra óc loài người rất hủ lậu. Cái người thượng cổ đã dựng lên một cái chòi để ở, không thích ở lỗ nữa, không biết đã bị đồng loại rầy rà, làm tình, làm tội đến bao nhiêu.

Kinh thở ra dài: Loài người cứ muốn giống nhau, lại muốn cái gì cũng giống loài người. Họ bày ra đấng Tạo Hóa, đấng Cứu Thế với hình ảnh giống hình ảnh họ, với tư tưởng và tình cảm gần gần họ, hơi khoáng đạt, trong sạch hơn một chút, một chút thôi. Còn cái anh chàng nào đã tạo ra Tiên đó, thì lại càng giản dị hơn nữa. Va cho Tiên là người phàm tu thành và vẫn còn giữ rất nhiều phàm tánh.

Phải chăng vì tánh đó, thâu hẹp lại, mà thuở nhỏ anh đọc truyện Tàu cứ tưởng tượng Trương Phi, Tiết Nhơn Quí là người Việt Nam, rồi đến mười lăm mười sáu tuổi, khi biết rõ lại họ là người Tàu, anh tức mình sao những nhơn vật anh yêu lại không phải người đồng chủng.

Kinh rờ ngón tay dư. Nó mềm mụp như bằng bột. Tuy ngón tay đó cũng nghe được xúc giác, nhưng anh cảm thấy sự đụng chạm đó không giống khi anh rờ những ngón khác. Như là ngón thứ sáu đó không thuộc vào thân thể anh.

Kinh có tiếng người lập dị. Đó là lời xét đoán của người chung quanh anh. Thật ra những cái dị ấy, anh tự nhiên mà có, chớ không cố ý lập ra, và không cần dư luận, anh không thèm sửa đổi cho giống người ta.

Nhưng cái dị của ngón tay nầy thật là để không được nữa.

Anh làm ở Bưu điện. Mấy năm nay anh ngồi phòng bút toán ở trong. Năm nay anh đổi ra "ghi-sê".

Thật là phiền. Mỗi khi anh bán ra một con cò, là có cả chục con mắt ở ngoài dòm cái ngón tay chướng ấy. Chắc ngoài họ bảo nhau: "Ở sở Bưu điện có thầy sáu ngón". Khi họ sai thằng nhỏ đi mua cò, chắc họ dặn: "Mầy cứ lại chỗ thầy sáu ngón tay là đúng chỗ bán cò."

Kinh khổ sở tưởng như nội Sài Gòn người ta cứ ăn no rồi bàn nhau về cái ngón dư của anh.

Ra đường, anh đoán ai cũng nhận ra anh, và luôn luôn anh nhét tay vào túi quần.

Phiền nhứt là phải thối tiền cho phụ nữ. Hễ thối tiền thì phải chưng bày cái bàn tay (khổ, lại là bàn tay mặt là bàn tay làm việc) có tật ấy ra lâu hơn khi bán cò. Những cái mỉm cười kín đáo của những cô gái đẹp trước cục thịt dư sao mà nó mỉa mai, hỗn láo đến thế ?

Một hôm một bà đầm già thân mật hỏi: "Sao thầy không cắt nó đi ?" Mà lại hỏi trước một công chúng phụ nữ đông đảo. Anh muốn hụp xuống phía sau ghi-sê mà trốn những nụ cười tàn ác kia.

À, cái mụ đầm mới vô lễ chưa. Mắc mớ gì đến mụ chớ ?

Kinh thầm oán mụ đầm đó, nhưng từ ngày ấy anh mới sực nhớ ra là có thể loại cái khó chịu nầy ra khỏi thân thể anh.

"Ờ, ờ, tại sao thuở giờ mình không nghĩ đến. Có gì đâu, phụp một cái là mình được như người thường. Mình không đến đỗi xấu trai. Nếu không có cục nợ ấy thì cũng là người dễ coi như ai. Ờ, mà có đau đớn lắm không nè ?" Anh đi hỏi thăm một bác sĩ hẹn ngày giờ cẩn thận.

- Không, không đau đớn gì đâu, bác sĩ nói, như con kiến cắn é mà !

Kinh yên lòng. Nhưng đêm nay, cái đêm trước ngày "long trọng" ấy, anh nghe ngài ngại. Không biết nó sẽ đau đến bực nào. Không, mà mình sẽ bậm môi rán chịu, không rên la chi cho bác sĩ cười. Làm trai mà ! Anh nghĩ cái ý làm trai một cách trịnh trọng như là một chiến sĩ sắp ra trận ngày mai.

Kinh cầm ngón tay lúc lắc, bụng bùi ngùi:

- Mấy mươi năm rồi, mầy ở với tao. Thôi mai nầy vĩnh biệt nhé !

Kinh ngạc nhiên vì chợt nghe mình thành thật buồn vì sự chia ly nầy.

- Mình đa cảm đến thế à ?

*


- Lại chích lần nữa à, thưa ông ?

Bác sĩ cười hì hì đáp:

- Nhiều lần nữa chớ. Thứ thuốc tê nầy, chích đâu thì có hiệu quả đó, chỉ ở đó thôi. Thành ra tôi phải chích ít lắm là bốn phát chung quanh gốc ngón tay.

Bác sĩ rút kim ra, lụi phía bên kia, Kinh đau điếng.

- Phải dè đau như vầy, tôi không đòi thuốc tê. Để vậy cắt có lẽ ít đau hơn.

- Phải có thuốc tê vì còn đốt.

- Đốt ?

Bác sĩ không trả lời, cắt sực một cái, ngón tay đã rớt xuống mâm.

Ông tiếp lấy cái sắt trắng nướng đỏ mà thầy khán hộ vừa trao tới.

Kinh nghe lạnh cả mình. Nhưng không sao. Chỉ nóng vừa thôi khi cây sắt lửa ấy rà lên vết thương.

Trên đường về, Kinh nghe nhẹ người, tuy cái ngón dư ấy chỉ cân nặng độ hai chục gơ-ram.

Chỉ nửa phút thôi là anh biến ra một người thường, sung sướng y như người khác. Bắt tay ai họ không còn nhìn xuống nữa. Thôi, từ đây tha hồ mà thối tiền nhé.

Kinh lấy làm lạ sao người đời thương hại sự thiếu, như là nhường nhịn người cụt tay chẳng hạn, mà không ưa sự dư. Có ông Phán trong sở chỉ vì dư tiền nhiều mà bị anh em ghét. Còn cái thằng cha Quân, thua xiểng liểng, nợ tứ giáng lại được họ thành thật thương xót.

Được sống như người thường ? Ý nghĩ đó cứ trở lại làm anh hớn hở như mới được của quí. Tâm trạng anh là tâm trạng của một người tù mới mãn hạn. Anh nhìn mọi người qua đường tự hào rằng ta đây cũng như ai.

*


Nhưng từ đó, Kinh thấy đời mình thật là nhỏ nhoi, tầm thường như những cái tầm thường khác.

Ở ghi-sê không có lấy một cô gái đẹp nào tỏ vẻ thán phục bàn tay năm ngón của anh hết. Anh cố ý xỉa tiền chầm chậm, và chỉ làm cho người ta bực mình. Cho đến cái cô má lún đồng tiền thường lui tới Bưu điện, cái cô mà nụ cười tinh quái hơn ai hết trước kia, bây giờ hình như cũng quên rằng có một thời anh đã mang một bàn tay khác phàm.

Mà nghĩ cũng phải. Bàn tay của anh chỉ là một bàn tay thường thôi, có gì đâu mà người ta phải chú ý đến ? Và chủ nó chỉ là một anh thơ ký thường như muôn ngàn anh thơ ký thường khác.

Kinh thở dài:

- Được yên thân lại không thú bằng bị quấy rầy !

Anh cảm thấy đã hiểu tầm hạnh phúc. Hạnh phúc của anh là ở những khi ao ước được như người thường, ở những lúc tưởng tượng mình chỉ có năm ngón như ai. Anh triết lý: "Hạnh phúc ở chỗ muốn, chớ không phải ở chỗ được".

Bỗng anh nhớ ra một điều, thành thật và thấm thía hơn ý tưởng trên: "Bây giờ mình mới biết sợ sự tầm thường !".
 
 
BÌNH NGUYÊN LỘC       
 
 (Trích từ tập truyện ngắn Nhốt Gió)
 
 

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

ĂN CƠM CHƯA - Bình Nguyên Lộc


Bà sơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đọc thấy. Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.

Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm.

Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ, tôi chết đến nơi.

Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn vận thường phục.

Bà sơ theo sau nói:

- Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống Potion de Todd, bác sĩ nhé!

- Phải đấy.

Đoạn bác sĩ hỏi tôi:

- Ông nghe thế nào?

- Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ.

- Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm,vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột... nếu ông lén ăn gì.

Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó. Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:

- Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay. Ngoan lên nhé!

Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi.

Như vừa được tái sanh! Tôi nói không quá lố lắm đâu. Vi trùng thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm. Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông gừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.

Trưa hôm đó, bác sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi. Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm,vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó. Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.

Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi. Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.

Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con khô hố. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.

Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua Sérum Glucosé cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm. Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.

Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi... Cứ theo người cùng trại với Á Lìl, thì cô ta là một đứa bé "mua". Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc. Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì các bạn biết, con bé ấy rẻ là dường nào.

Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé "nước lụt" ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.

Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác. Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.

Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một ả nô tỳ, cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, nó là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.

Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được.

Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.

Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước "An Nam", con nô tỳ nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả. Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc bi-da-ma riêng, lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.

Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra.

Má Á Lìl cạn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.

Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân "nước lụt" như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú chệt già đại phú nào đây, một ngày kia.

Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với hàm-yũ. Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra. Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.

Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một gàu-mên cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa. Tôi hỏi:

- Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?

- Ngóa thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.

- Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?

- Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng Annam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.

Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:

- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.

- Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.

Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:

- Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho ngóa chết mà ngóa không chết, nên ổng bỏ đói cho ngóa chết đó.

Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:

- Ăn cơn với ngừng (gừng) nấu dấm thì tốt lắm, như người Annam ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.

Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Má Mẹ, người cai quản các bà Sơ, từ Sàigòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl. Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa. Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.

Khi tôi giựt lấy gàu-mêm cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:

- Cố lứ nói thương ngóa, sao không cho ngóa ăn cơm?

- Vì thương mới không cho ăn.

Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa nô tỳ nầy.

Lìl cười gằn hỏi:

- Thương gì lại bỏ đói?

- Vì ăn thì chết ngay.

- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.

Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.

Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.

Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.

Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:

- Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy. Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.

Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:

- Ngóa nhớ tía má của ngóa quá. Tía má ngóa vì không có cơm ăn nên chết. Tía ngóa chết đi được một tháng, thì má ngóa bán ngóa cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của ngóa ăn. Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!

Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: "Ăn cơm chưa?"

Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.

Vả, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được. Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: "Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện".

Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách gàu-mên mà đi; sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.

Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III.

Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:

- Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng, người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.

- Trời ơi! Sao lại chết? Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.

Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:

- Chảy máu ruột!

- Sao lại chảy máu ruột?

- Vì ăn!

- Trời ơi!

Bà lão ho, rồi lại nói:

- Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.

- Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?

- Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.

Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:

- Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ...

- Sao vậy?

- Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó. Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu 1 thì tiền đâu?

Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to. Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:

- Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?

- Có. Nó có kêu thầy...

- Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?

Nó kêu khóc rằng: "Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!"

Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi. Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.

Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: "Ăn cơn chưa?", tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn mối tình thương đầu của tôi.

 
BÌNH NGUYÊN LỘC       
 
(Trích từ tập truyện ngắn Ký Thác) 
 
--------------------------------
1Thuở đó chưa có ngân hàng máu.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

HAI NGƯỜI BẠN - Khái Hưng

 

Tôi có nhiều bạn cùng mang cái tên ấy thế mà không hiểu sao, tôi đoán ngay được là ai, khi anh Đạt đến chơi báo cho tôi biết tin Phúc đã chết. Và tôi hỏi:

- Phúc phán già, phải không?

Phúc phán già, trong đám anh em bạn học về thời tôi, còn ai không biết tiếng! Nhưng nhất nhờ về câu chuyện thù hằn mà tên anh không sao phai được trong ký ức chúng tôi, dù đã hơn hai mươi năm nay, nhiều người trong bọn chúng tôi chỉ gặp mặt anh chừng vài ba lần.

Cái thù hơn hai mươi năm! Mà kẻ thù lại chính là người bạn thân nhất của anh, anh Tảo.

Tôi quên hẳn vì sao tôi quen anh Phúc và anh Tảo. Chỉ nhớ rằng hai anh thường đến chơi chỗ chúng tôi trọ. Có lẽ hai anh ấy trước kia có học cùng trường Bảo hộ với anh tôi. Nhưng chúng tôi không khỏi lấy làm lạ rằng cũng như chúng tôi, Tảo và Phúc đều nể sợ anh tôi, dầu tuổi các anh ấy suýt soát, có lẽ hơn tuổi anh tôi.

Tảo và Phúc đều làm công trong một nhà buôn của một người Pháp. Tôi không bao giờ tò mò hỏi nhà buôn ấy là nhà nào. Nhưng đoán chừng công việc cũng không lấy gì làm bề bộn, khó khăn vì thấy anh Phúc hay nói chuyện đi hát ả đào và anh Tảo còn đủ thời giờ trông coi giúp việc sổ sách cho cửa hàng thịt bò của một người bà con.

Nhờ cái công việc phụ ấy của anh Tảo chúng tôi mua được thịt bò giá rẻ. Hôm nào anh Tảo cũng chọn cho miếng thịt ngon nhất, còn xương nấu xúp thì anh cho rất hậu tuy mỗi hôm trong sổ chúng tôi chỉ biên có một hào. Mãi sau này tôi mới biết cửa hàng thịt bò là của người bà con anh Tảo, chứ ngày xưa tôi vẫn yên trí rằng chính anh Tảo là chủ. Không phải vì tháng tháng thấy anh Tảo đến thu tiền sổ, mà vì nhìn thân hình béo tốt, lực lưỡng, ngắm cái mặt hồng hào đầy đặn của anh, tôi không thể gán cho một nghề khác nghề bán thịt bò được.

Hơn một năm gần đây, một hôm tôi đã lại gặp anh. Tôi thấy anh không thay đổi chút nào. Vẫn cái tầm vóc to béo, vẫn cái mặt đỏ gay như quả lựu rám nắng hồng, da căng thẳng và bóng loáng, trong đó hai con mắt xếch và một mi long lanh đưa đi đưa lại rất nhanh và cái miệng rộng luôn luôn mở ra hoặc để nói hay để cười. Tất cả cái hình ảnh rất quen, rất thân mật thời xưa còn giữ được nguyên vẹn. Nguyên vẹn, cả cử chỉ và ngôn ngữ.

Chợt thấy tôi anh cười ha hả, vui mừng đến nắm lấy tay tôi mà nói, nói không ngừng như không cần tôi đáp lại:

- Lâu lắm mới lại gặp cậu. Thế nào cậu có được mạnh không? Nghe nói bây giờ cậu viết văn, phải không?

Thì ra cái thời gian ngoài hai mươi năm anh Tảo không thèm kể vào đâu: anh vẫn coi tôi là một “cậu” em bé mặc quần ngắn cắp sách đi nhà trường. Cả tác phẩm của tôi, anh cũng không cần đọc: nghe người ta đồn là đủ rồi. Những lời nói bô bô của anh làm tôi hơi ngượng, vì lúc ấy chúng tôi đương ở giữa một nơi hội họp có tới gần nghìn người. Nhưng dù bao nhiêu con mắt tò mò nhìn chúng tôi, dù tôi muốn bỏ chạy biến đi nơi khác, tôi vẫn không thể rời được người bạn xưa: mắt tôi như dán vào cái mặt đỏ mà bao giờ tôi cũng đoán thấy đầy thành thực, đầy thẳng thắn, đầy khẳng khái, cái mặt của Quan Vân Trường nếu có bộ râu dài.

Sự thực, tôi mới biết hai tính nết của con người kỳ dị ấy. Là tính vui vẻ, dễ dãi và tính nóng nảy, giận dữ.

Cái tính nết thứ nhất đã biểu lộ ra rõ rệt trong một buổi ăn mà chúng tôi mời anh Tảo đến dự. Hôm ấy anh bán thịt bò cho chúng tôi bằng một giá rất rẻ, có thể nói bán một, cho một.

Rồi buổi chiều mới gần năm giờ anh đã đến và chẳng nói chẳng rằng, anh cởi áo dài ra, bỏ khăn xếp vứt xuống bàn. Đoạn anh chạy thẳng vào bếp. Mãi sau chúng tôi mới biết anh đi làm các món ăn, vì anh thạo về khoa nấu nướng. Bữa cơm ấy chúng tôi ăn ngon lắm, một phần nhờ về các món nấu khéo nhưng nhất là vì cái tính dễ dãi của anh Tảo đã làm cho chúng tôi cảm động và sung sướng.

Tính nóng nảy của anh thì ai cùng phải ghê sợ. Một lần tôi được mục kích anh đánh người kéo xe và tôi đã phải rùng mình. Anh mặc cả năm xu, người xe bằng lòng, nhưng khi đến nơi lại giữ giọng vòi vĩnh đòi bảy xu. Anh Tảo mặt đã đỏ càng đỏ thêm. Mắt anh đã xếch càng xếch quá. Hai hàm răng anh nghiến lại. Rồi anh nắm tay quai mạnh một cái. Người xe ngã khuỵu và gục đầu vào ngực. Tức thì anh Tảo như bừng tỉnh cơn mê, cúi xuống đỡ người phu xe dạy, xoa vuốt nắn bóp cho tới khi người ấy hoàn hồn. Rồi anh ấn hai hào vào bàn tay người ấy và giục: “Đi, đi ngay không lại khổ bây giờ!”

Còn người bạn thân của anh? Còn anh Phúc?

Đem so sánh với anh, thì đó thực là một cái trái ngược, trái ngược từ hình thể cho chí tinh thần.

Về hình thể, nếu Tảo là ông ác thì Phúc là ông thiện. Một người mặt đỏ như lúc nào cũng say rượu, một người mặt tái như mắc bệnh thiếu máu. Trong gương mặt nhợt nhạt ấy cái gì cũng chậm chạp, lười biếng: hai con mắt lim dim hấp háy như buồn ngủ; cái trán rộng và cao, yên lặng và thư thái, người ta đoán cho những tư tưởng, những ý nghĩ cũng yên lặng và thư thái, âm ỷ như lửa âm ỷ cháy trong đống trấu phủ kín tro tàn. Trên cái mặt uể oải lạnh lùng ấy chỉ có cái miệng là hoạt động, tuy hoạt động một cách cũng uể oải, lạnh lùng. Trong khi Phúc ngồi nghe chuyện, tất cả mắt trán, tai anh như để ở đâu đâu. Duy có cái miệng là tỏ rằng anh đương chú ý đến câu chuyện: vì luôn luôn nó nhếch ra, nó mủm mỉm, nó hơi hé để hàm răng không đều và trắng bệch.

Chính nhờ về cái miệng có duyên ấy mà Phúc đã được anh em tặng cho cái biệt hiệu “phán già” ngay từ thời anh còn theo học năm thứ nhất tại trường Bảo hộ. Người ta cho anh nói khéo như một ông phán già.

Sự thực, những câu trả lời đúng chỗ của anh rất nhanh, rất ngắn, nhưng rất ngộ nghĩnh rất buồn cười có khi rất chua chát nữa. Nhờ thế mà anh đã khét tiếng ở các nhà cô đào và ai ai cũng phải gờm, phải sợ anh.

Nhưng cái miệng anh không những chỉ có tài châm chọc, nó lại có cả tài kể chuyện.

Tôi yêu anh, thích anh cũng vì cái tài ấy. Những câu chuyện cổ tích, hay tiếu lâm cũ rích mà ai ai cũng đã nghe thuật đi thuật lại hằng chục lần, những câu chuyện ấy ở miệng anh kể lại, vẫn làm cho mọi người phá lên cười vui sướng. Hình như anh Phúc đã nhận được hết cả những bí thuật của khoa kể chuyện. Chỉ hơi lên giọng, xuống giọng, chỉ ngừng lại một vài giây, anh cũng đủ làm tôn giá trị những ý tưởng tầm thường và ở người khác, có lẽ nhạt nhẽo nữa.

Tôi mê nhất những chuyện chiếu bóng của anh. Anh kể thong thả, từ từ, khiến người nghe như trông thấy đương lần ra trên màn bạc, như được ngắm các nhân vật cử động, nói cười, tuy thời ấy chưa có chiếu bóng nói. Những chuyện từng hồi, anh cũng kể từng hồi. Tới chỗ nghỉ, nghĩa là chỗ khiến người ta hồi hộp, sợ hãi, mong ngóng đoạn tiếp, anh ngừng lại hoặc để đánh diêm hút thuốc lá, hoặc để nằm im một lúc lâu như đã ngủ. Anh chỉ kể chuyện ban đêm, những đêm anh ở lại ngủ cùng giường với chúng tôi.

Ngoài cái thú kể chuyện, anh Phúc còn có cái thú làm thơ. Thơ anh tôi không nhớ có hay không, nhưng hình như buồn lắm và ác lắm. Anh Phúc ưa những tư tưởng chán đời và trào phúng. Nghe đâu nhiều lần anh đã xướng họa với thi sĩ Tản Đà trong những tiệc rượu say sưa. Tôi thì tôi không phục tài làm thơ của anh bằng cái tài thuộc thơ người khác. Thơ Xuân Hương, thơ Yên Đổ, thơ của khắp các thi sĩ cổ, kim, anh đọc vanh vách, không vấp một câu, mà anh đọc với cái giọng trầm trầm rất dễ yêu.

Người ta nói nhờ về cái tài kể chuyện và cái điệu thơ sầu êm ái, Phúc đã chiếm được nhiều trái tim lãng mạn đa tình, đa tứ. Mà chính Phúc cũng tự phụ khoe khoang rằng chưa hề mất tiền cho tình nhân cô đầu bao giờ. Có lẽ anh không khoác lác đâu, vì chính trong bọn chúng tôi, ít người đã thoát khỏi sức hút của cái duyên thầm kín ấy.

Và tôi đoán chưa chắc cái duyên thầm kín đã không giúp một phần lớn trong sự đắc thắng trên đường đời của Phúc: Tay trắng Phúc đã trở nên có bạc vạn, làm chủ hai ba tòa nhà ở Hà thành. Đó không phải là một viên thư ký nhà buôn cần cù như Tảo. Vì thế, để Tảo mài đũng quần trên ghế làm công, anh bỏ ra kinh doanh các việc to tát và nguy hiểm. Ngày nay Tảo vẫn còn làm công, và nghe chừng cũng để ra được cái vốn dăm bảy nghìn.

Cái chi của hai người bạn cũng như cái tài của họ cách nhau là thế, một đằng nghìn, một đằng vạn. Mà trí thức và tính tình họ còn cách nhau xa hơn nữa. Chúng tôi vẫn không hiểu tại sao hai người lại thân nhau được, lại yêu nhau được. Tôi đoán chừng, nhưng đó chỉ là đoán phỏng, hai người hợp nhau ở chỗ cùng tôn trọng luân lý Á Đông. Thực vậy tình bằng hữu của họ giống như tình bằng hữu của Lưu, Quan, Trương. Họ săn sóc đến nhau, coi gia quyến bạn như gia quyến mình. Một hôm lại chơi hai người - họ thuê nhà cùng ở với nhau - tôi đã cảm động ngắm họ thu xếp hành lý cho con gái một người bạn ở trọ nhà họ, tới hè về Nam Định với cha mẹ. Họ không quên một vật nhỏ, dặn đi dặn lại mãi những điều thông thường mà người con gái mười lăm tuổi kia hẳn phải biết.

Nhưng hai người bạn ấy bỗng giận nhau, thù nhau. Còn ai hiểu tại sao. Chúng tôi cũng không biết họ giận nhau bao giờ. Một hôm gặp Phúc tôi hỏi thăm tin tức của Tảo. Phúc lạnh lùng đáp: “Không biết”. Nhưng Tảo thì thật thà và sôi nổi hơn. Tôi vừa đọc tới tên Phúc, anh đã xua tay gạt liền: “Cậu đừng nói đến thằng ấy với tôi nữa. Tôi đã thề không nhìn mặt nó!”

Sự thù ghét đến thế ư? Và chắc hẳn nó có một nguyên nhân sâu xa, quan hệ. Trong hơn hai mươi năm nay những người quen biết Tảo và Phúc gặp nhau thường bàn tán về cái thù gần góc thế kỷ ấy. Họ nêu ra nhiều thuyết lắm. Họ dựng thành hẳn từng thiên tiểu thuyết. Có kẻ cho rằng vì tình, có kẻ đoán rằng vì luân lý. Lại cỏ kẻ tin chắc rằng vì chính trị. Nhưng sự thực vẫn không ai biết. Sự thực vẫn chôn sâu trong óc trong tim hai người bạn xưa đã trở nên hai cừu địch trứ danh.

Có điều này quân tử trong cái thù kinh niên của hai người. Là họ không từng nói xấu nhau một câu. Họ chỉ yên lặng ghét nhau, yên lặng khinh nhau, yên lặng tránh nhau. Gặp nhau ngoài phố và không kịp lảng, thế nào một người cũng vào một cửa hàng vờ mua thức gì để chờ cho người kia đi qua. Nếu không có cửa hàng thì họ gõ cửa vào chơi liều một nhà không quen biết.

Lại điều này nữa, cái thù của hai người không tiến mà cũng không lui. Trong bao năm lúc nào cùng thản nhiên, thoáng qua, nhưng sự thực, chúng tôi biết, nó vẫn nung đốt hai tâm hồn khổ sở.

Cách đây ba bốn tháng, Đạt gặp Tảo. Và chính Tảo báo cho Đạt biết cái tin buồn: Phúc vừa chết độ mười hôm. Tảo tiếp:

- Nghĩa tử là nghĩa tận, cậu ạ. Tôi cũng có mang vàng hương đến viếng nó. Nhưng giữ lời thề, tôi không nhìn mặt nó, tôi không nhìn cả cái áo quan đựng nó nữa.

Đạt ngần ngừ nói:

- Câu chuyện thù hằn của hai anh, lâu nay tôi không dám hỏi đến, sợ ở trong có điều bí mật phạm tới danh dự hai anh. Nhưng nay anh Phúc đã từ trần rồi thì anh có thể cho tôi biết cái duyên cớ đã khiến hai anh giận ghét nhau không?

Anh Tảo ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:

- Được, nay nó chết rồi thì tôi có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện với cậu lắm. Hôm ấy tôi và nó đương ngồi ở phòng giấy thì chủ vào đưa cho nó một tập giấy dầy và bảo nó: “Anh làm việc này, Tuyên làm việc này, còn thừa bao nhiêu việc khác giao tất cả cho Tảo”. Cậu có biết nó trả lòi thế nào vói chủ không? Nó nói gọn thon lỏn: “Mais monsieur, je suis sur que Tảo en est incapable”. 1 Đấy câu Pháp văn của nó đấy, tôi không thêm, không bớt một chữ. Cậu tính có điếng anh em không? Hót chủ rằng mình “incapable” mà lại hót chủ ngay trước mặt mình. Lúc bấy giờ tôi đương bận viết bức thư về thăm thầy tôi ốm. (Chừng Tảo cho rằng đó là một bổn phận thiêng liêng nên càng giận bạn). Tôi liền gấp tờ giấy lại, đứng phắt lên nói với chủ: “Con fiez moi toutes ces affaires et vous verrez dans une heure si je suis capble ou non”2. Đó cũng là, theo lời Tảo, câu đáp nguyên văn của anh trong khi anh tức giận.

Thế là từ hôm ấy, từ giờ ấy, từ phút ấy, hai người bạn không nói với nhau một lời, không nhìn tới mặt nhau nữa.

Nghe Đạt thuật xong chuyện, tôi kinh hoảng bảo anh:

- Trời ơi! Nếu quả thế thì hai người đã giận oan nhau trong gần một phần tư thế kỷ nay rồi. Lỗi chỉ ở câu tiếng Pháp. Vì tôi chắc không có lý gì anh Phúc lại hót chủ để phản bạn ngay trước mặt bạn. Và câu Pháp văn của anh chỉ có nghĩa: “Thưa ông, nếu ông giao tất cả công việc cho Tảo thì Tảo nó không thể làm xuể được đâu”. Sự thực. Phúc chỉ có lòng tốt bạn.

Đạt cười đáp:

- Ừ, nhưng sao Phúc cũng giận, cũng thù Tảo?

- Lại cũng vì câu trả lời tiếng Pháp của Tảo. Phúc cho là Tảo nói xược mình, khinh bỉ mình ở trước mặt một người Pháp. Thế rồi hai người chôn sâu trong lòng những điều uất ức, không đem ra phân trần, bày tỏ với ai một người vì tính nết thâm trầm, một người vì tâm hồn khảng khái.

Đạt mỉm cười suy nghĩ rồi kết luận bằng một câu triết lý:

- Biết đâu những thù hằn sâu xa, to tát của người ta lại không có toàn những nguyên nhân nông nổi, vô lý như thế cả.

 
KHÁI HƯNG     
 
(Trích từ tập truyện ngắn HẠNH) 
 
--------------------------------
1Nhưng thưa ông tôi chắc Tảo không làm nổi đâu.
2Ông cứ giao các việc cho tôi, trong một giờ ông sẽ biết tôi làm nổi hay không.    

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

ĐÔI BẠN MẮC HOA VÔNG - Bình Nguyên Lộc

 

Đêm rằm tháng bảy nầy, trời đã không mưa Ngâu như thường năm mà lại còn nóng bức khó chịu.

Tuy thế, con đường Hòa Hưng vẫn vắng hoe: ở ngoại ô xa, người ta ngủ sớm như dưới tỉnh.

Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi chạy về phía khám đường. Như giữa truông rừng mà ánh đèn pha hay đuổi thú, ở đây, năm bảy con vật cũng phát nhảy vào lề cỏ.

Đó là những con chó đi hứng mát ngoài đường. Chúng tùng tam tụ ngũ nơi đó để tìm bạn, để yêu thương, để kể lể cho nhau nghe những câu chuyện chó của loài người mà chúng được mục kích, để cãi nhau, tranh nhau một nhơn tình và rất thường khi xâu xé nhau.

Thật là rậm rật như chó tháng bảy!

Khi ánh đèn bật lên thì trên màn bạc tình cờ ấy, hiện ra nhiều trò chó má và khúc phim ngắn kia thật là kém mỹ tục thuần phong.

Từng cặp một, chúng thơ thẩn dưới ánh trăng mờ, chơi vơi trong nguồn ân bể ái. Lại có những anh chàng bị hất hủi, đứng bơ vơ tiu nghỉu; có những anh chàng đang lẽo đẽo theo một bóng hồng; có những cặp nhân tình như giận nhau, đứng cùng nhau mà mỗi người đang nhìn một ngả.

Lạ lắm là trong loài giống nầy, cái thiếu mà đực lại thừa. Cho nên đây đó vài trận đánh nổi lên, ai cũng cả quyết tranh nhau người ngọc.

Dạ khách là dân tứ chiếng: chó ta, mực, vện, phèn chiếm đa số, nhưng cũng có những béc-dê lai, kiêu hãnh nhưng quả không hùng dũng chút nào, những con chó vá, lai giống tám mươi đời vương, bé loắt choắt mà cứ làm bộ oai. Những con chó tây chánh hiệu mà me tây nào đó đã bỏ lại khi lui về vườn để hoàn lương, ốm tong teo vì thiếu thịt bò, bâng khuâng như nhớ thời oanh liệt.

Ở đây không phân chia giai cấp: chó ghẻ cũng lắm khi may mắn lọt vào mắt xanh của cô nàng, chó rụng lông vẫn ngồi trò chuyện được với chó xù, và cả con chó thọt cũng có bạn. 

Những anh chàng gặp đêm xui xẻo chia nhau đi từng nhà mà rủ ren. Trong đó còn nhiều cô nàng khuê môn bất xuất: chủ chúng nó không muốn chó họ đùm đề con dại, càng không muốn chó họ trao thân một cách phiêu lưu để rồi đẻ ra những tạp giống mà họ không thích.

Những cô nàng kín cổng cao tường nầy, đẹp thì không đẹp, nhưng chúng có sức quyến rũ của trái cấm. Thế nên nhiều anh chàng ràng mãi trước ngõ mấy nhà khép cửa phòng thu kia.

Ôi chao là khổ cho các nhà vô phước nầy. Bên ngoài chàng kêu chàng hú, bên trong nàng hứ nàng hé suốt đêm.

Thật là rậm rật như chó tháng bảy!

Cái nhà khổ hơn hết là hiệu may Chức Nữ "chuyên may y phục đàn bà" như tấm bảng trước đó đã nêu lên. Hiệu may có che cái thảo bạt phía trước. Thảo bạt đóng bằng cửa song, trong ngoài thấy nhau được. Cổng không kín, tường không cao, bọn nó dễ trao lời nhau và cứ xấn rấn trước nhà đó mà rậm rật.

Cô Tư, cô chủ, ban đầu còn la lấy lệ, mãi sau phải lấy củi phang ra bên ngoài và quất con Ma-Lên hết mấy roi. Nhưng chứng nào tật nấy, bọn nầy cứ nội công ngoại kích, khó chịu quá đi thôi.

Cô Tư đành chịu thua, đi lại giường nằm đọc Liêu Trai để quên chúng nó. Cô tìm dấu đã đánh trên lề tờ sách hồi nãy và đọc thấy con ma ấy đang lên lầu. Cô bỗng sực nhớ đến tên con chó của mình, nên mỉm cười.

Con Ma-Lên của cô không phải là ma, cũng không leo lên đâu cả. Đó là tiếng Pháp-me-Tây để nói Ma-Đơ-Lên (Madeleine). Nguyên năm trước, ở xóm có một con mẹ, vợ săn-đá, khách hàng khó chịu nhứt của cô; con mẻ tự xưng là Ma-Lên.

Cô Tư rất không ưa con mẹ ấy, nên đặt tên con chó như thế cho bõ ghét. Nhưng Ma-Lên bốn cẳng là bạn thân nhứt của cô Tư. Tết năm ngoái cô về quê thấy nhà bên cạnh nhà ông ngoại cô, người ta toan đem cả một ổ chó con trấn nước cho chết. Động lòng thương, cô xin con chó tốt nhứt để nuôi. Không phải chỉ thương chó chết đuối mà thôi đâu, cô thương vì thấy số phận con chó hơi từa tựa số phận cô ở cái chỗ bị người đời hất hủi một cách bất công.

Ở nhà quê, chó tháng giêng hay hóa dại, vì thời tiết nóng quá. Nhơn tháng ấy là tháng hoa vông trổ, người ta lầm lẫn sự trùng phùng ấy với nguyên nhơn bệnh dại, nên gọi bệnh ấy là chứng mắc-hoa-vông. Chó lớn thì họ còn để sống vì còn cần, chớ chó mới đẻ là họ trấn nước chết hết kẻo chúng nó mắc-hoa-vông mà khốn!

Cô Tư năm đó bốn mươi ba tuổi, tuổi Dần. Chỉ vì cái tuổi Dần báo hại ấy mà trai đời xa lánh cô, không sợ cô mắc hoa vông mà sợ cô sát chồng, như trong sách nói.

Thuở còn trẻ, ở làng, cô cũng được nhiều người coi mắt. Nhưng không đám nào đi tới nữa cả, sau vụ coi thầy, coi tuổi. Cô Tư không đẹp, nhưng có duyên, có giáo dục lại có của. Thế mà cô phải chịu nhìn năm tháng trôi đi, nhìn tuổi tác cô chồng chất lên mãi trong cảnh cô độc lẻ loi.

Cuộc kháng chiến đã đưa cô trôi nổi lên Saigon mấy năm nay và cô càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết giữa đô thị đông đúc nầy.

Người con gái già, khi qua khỏi tuổi khó khăn bốn mươi, bỗng nghe thân thể và lòng bình thản lại. Cái rạo rực tuổi thơ chỉ còn là một ký ức xa xôi. Tuy nhiên bình thản không có nghĩa là vui vẻ được. Nếu không có Ma-Lên làm bạn, không rõ cô Tư sẽ buồn đến bực nào. Ma-Lên sạch sẽ, ngoan ngoãn, Ma-Lên trìu mến chủ, ít đi đâu. Nhưng nó là con gái đang thì, lại không hấp thụ được cái giáo dục tiết chế của con gái loài người, nên nó bắt đầu để cho xác thịt làm chủ nó.

Cô Tư đọc tới chỗ chàng thư sinh vừa gác bút ngước lên thì thấy cô gái áo lam đứng trước mặt mình mà mỉm cười, thì bỗng nghe một tiếng "cẳng", con Ma-Lên đã đánh ngã lọ trầu bà để trên bàn gần cửa song.
Cô tức lắm. Cúi xuống đất lượm chiếc guốc mà chọi nó. Ma-Lên hoảng sợ chạy vô riu ríu nằm dưới chân giường.

Chủ nó nghiêm sắc mặt mà hỏi xẵng:

- Vậy đó hả?

Chắc Ma-Lên chỉ hiểu một phần lời của chủ nó thôi, phần trách mắng tội đánh bể cái lọ. Phần kia, nó làm sao nhận thức được lý do chủ cấm đoán nó đi ra ngoài để yêu đương. Chính chủ nó cũng còn chưa hiểu. Nói đúng ra, cô Tư vẫn hiểu nhưng không muốn thú nhận. 

Những người xấu bụng, hay ganh tị trước hạnh phúc của kẻ khác. Cô Tư là người tốt. Nhưng rủi thay, cô lại là gái già. Thành ra cô vẫn xấu một chút xíu về chỗ đó. Trước kia, mỗi lần trang bạn đi lấy chồng, cô bỗng thấy hết thương người bạn đó. Lắm khi đâm ra ghét họ, và thình lình tìm được những lỗi to lỗi nhỏ của họ lu bù.

Lâu rồi, cô quả không còn ganh tị với ai, vì bạn hữu cô đã thành bà nội, bà ngoại hết cả rồi. Nhưng con Ma-Lên đã đến trong đời cô. Cái ngày mà nó đi song song với con chó Mốc trước nhà, cô lại ngậm ngùi nhớ lại tuổi xuân của mình, rồi như trẻ trở lại, cô cả quyết giữ nó, không cho nó "bị hoen ố". Phải, cô xem cái việc nó yêu đương là hoen ố thân nó.

Mắng Ma-Lên xong, cô Tư lại tiếp tục đọc sách. Thừa cơ chủ lo ra, Ma-Lên đứng dậy, chạy vòng vòng quanh nhà như gà mắc đẻ. Ngoài kia mấy con chó hàng xóm vẫn đứng đó mà kêu "hựt... hựt... hựt". Thấy dạng Ma-Lên trở ra, chúng nó áp tới xung phong vào cửa. Tiếng cào vào gỗ nghe sột sột, tiếng hựt, hựt càng phút càng to.

Bị phá rối giữa lúc ham mê câu chuyện, cô Tư lần nầy giận tràn hông. Cô chạy mau ra ngoài, vặn khóa mở cửa để đuổi chó. Cô mở he hé cửa thôi, rồi đứng chắn nơi đó. Nhưng Ma-Lên chen vào hai chân cô, quyết vọt ra. Mưu toan bất ngờ của con chó khiến cô ngạc nhiên. Cô lấy hai chân kẹp cổ nó lại. Nó rấn tới để vuột, mạnh quá tưởng tượng, như có ai đẩy phụ thêm ngoài sau. Nếu cô Tư không khép cửa kịp, thì chắc cô đã ngã sấp vì sức xô của con Ma-Lên.

Đóng cửa xong, cô mệt thở hổn hển, đạp một cái lên đầu Ma-Lên rồi đi vào giường. Tuyệt vọng, Ma-Lên theo chủ đi vào. Lần nầy nó buồn hiu hiu, nằm gác mõm lên hai chân trước, ra vẻ nhẫn nại chịu số phận.

Cơn giận nguôi lần, cô Tư nhìn Ma-Lên rồi thương nó hơn bao giờ hết. Nó mới lớn lên, đầy dẫy sinh lực. Tiếng gọi xác thịt mà nó nghe theo, tự nhiên quá, có gì bậy bạ đâu. Thế mà, tại sao nó lại phải bị bắt làm gái già? Đồng loại nó có lánh xa nó đâu, có coi tuổi coi thầy gì để mà sợ nó đâu. Thì tại làm sao bắt nó chịu số phận của một người không may đẻ vào năm Dần?

Cô Tư vói tay vuốt lên đầu Ma-Lên, Ma-Lên cảm động ngóc mõm liếm tay chủ, mắt nhìn cô Tư nói:

- Tôi không hiểu sao chủ cấm đoán tôi, nhưng dầu sao tôi vẫn thương chủ. Mà... buồn quá chủ ơi!
 
Cô Tư nghe văng vẳng ai hát:

Xưa kia ai cấm duyên bà,
Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi.
 
Cô tiếp tục vuốt đầu con Ma-Lên mà không nhìn chó nữa; cô nhìn vào thuở cô hai mươi, xa lắm rồi. Ngậm ngùi thay một thời xuân đã mất! Khoa coi tuổi đã ngăn cô sống tự nhiên ngoài lễ giáo. Đời cô như còn vơi những nỗi niềm gì, nhưng mà lại đầy ứ những uất khí nó xúi cô xử ác với con bạn mến thương hôm nay.

Cô Tư bỗng vụt ngồi dậy, do dự giây lát rồi đứng lên đi ra ngoài.

Ma-Lên cứ bình tĩnh nằm đó, an phận mà chủ đã định cho. Cô Tư vặn khóa cái rột, mở cửa cái két. Chó bên ngoài hoảng sợ vẹt ra.

Cô kêu:

- Ma-Lên, ra đây!

Ma-Lên như không tin được tiếng kêu của chủ là thật. Nó ngóc đầu, dáo dác nghe ngóng, đến chừng chủ kêu lần thứ nhì nó mới chắc bụng, nên uể oải bước ra. Lần nầy nó không dám hấp tấp. Biết có được đi chăng?

Cô Tư vuốt lên đầu nó, mà rằng:

- Đi chơi với chúng bạn cho vui!

Rồi phải xô nó ra, nó mới chịu đi cho.

(Trích từ tập truyện ngắn Ký Thác)

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

BỨC TƯỜNG TRÊN NGAI CỎ - Bảo Lễ

 

Buổi chiều tôi với My đứng với nhau dưới hàng cây công viên nhỏ ở đường Hải Thượng. My vẫn còn đi học, My học giỏi lắm và, tôi rất mến My.

- My nè!

- Gì?

- Mai My học mấy giờ?

- Học đến bốn giờ lận! Mệt ghê nơi!

- Trời ơi học mà mệt?

- Mệt chớ, chán nữa là khác.

- Biết vậy thì nằm ở nhà đọc sách, xem lịch đoán thời tiết sướng hơn không?

- Ở nhà cho chết ấy!

- Sao chết?

- Má cầm chổi lông rượt vòng quanh thế giới luôn!

- Chu choa! Chạy luôn thế giới? Mấy vòng hở My?

- Cả chục vòng.

- Ghê hén, một vòng rộng bao nhiêu?

- Độ chừng cái nhà của anh vậy!

- Nhà của anh bằng cả một thế giới?

- Ừ.

- Vậy thế giới này chỉ có mình anh? Còn em ở đâu?

- My ở thế giới khác cơ.
 
- Vậy hỏi My một trái đất có bao nhiêu thế giới?
 
- Vô số thế giới, anh không tin thì thôi...
 
My cúi xuống, mái tóc bồng bềnh sau cơn gió lành lạnh đầu mùa, môi My vẫn còn nở nụ cười thật tươi.
 
- Ừ tin, mà My phải giải thích.
 
- Anh là một thế giới khác, em là một thế giới khác, cách nhau bây giờ độ hơn gang tay, gang tay nằm trong bức tường ngăn cách bởi đó, không bao giờ thấy, chúng ta không bao giờ biết nhau, nhìn để yêu thương nhau và cười nhau, rủ nhau đi dạo, qua lại vẫn chẳng thấy. Vì vậy ta suy ra là một thế giới không một mà hai ba...
 
- My chứng minh như toán học vậy đó!
 
- Được không vậy hở, anh?
 
- Ừ, nhớ sang năm chuyển ban đi nghen!
 
- Ai kèm toán em? Ngày mai biết anh còn ở lại thành phố này không?
 
- Thôi My chuyển ban khác cũng được luôn mà bức tường My chứng minh hồi nãy anh đâu thấy, anh cho dê rô điểm vì chứng minh trật.
 
- Đúng mà!
 
- Đâu?
 
- Đây nè.
 
My chỉ tôi xuống đất, rải rác vài chiếc lá vàng úa nào lăn lóc theo gió đến muộn màng...
 
- Trước mặt anh đó!
 
- Đâu? Sao mà anh chẳng thấy?
 
 My bật cười, tôi cũng cười. Đừng chứng minh ẩu nữa nghen My. Tôi buồn lắm.

- Mai này My học giờ thầy nào vậy?

- Ông thầy sinh ngữ với ông thầy toán cơ!

- My rán học đi nghen, đừng biếng, sắp thi rồi.

- Mà sao My học chẳng được.

- Sao không được?

- Tại vì... nhớ anh đó.

- Thì đừng nhớ.

- Không nhớ thì học không vô.

- Nhớ hay không nhớ cũng đều không vô! Thế là sao?

- Thì thà My với anh chẳng có gì hết.

- Anh không chịu.

- Thì anh rán tập đi.

- Tập thì anh... chết.

- Thì đừng chết.

- Không chết thì vẫn còn. Mà My học như anh đi.

- Học như anh là học làm sao?

- Vô sơ sơ.

- Ừ. Mà có gạo bài lắm không hở anh?

- Có chứ!

- Em không gạo được.

- Thôi, anh quyết định nghen?

- Ừ.

- Anh làm vua, My làm dân. Bây giờ My nghe đây : My, hãy học đi, học tức nhiên là phải có gạo bài. Không được nhớ nhiều mà phải nhớ sơ sơ thôi. My sắp sửa thi rồi. Ta cũng đi thi không thì bị Ba Má rầy rồi sẽ khóc, mắc công ta dỗ...

- Mà này, vua phải đi thi nữa hở?

- Thi chớ!

- Anh thi môn gì hở anh?

- Thi rất nhiều môn, nhất là môn đấu võ mồm với My.

- Anh thật là đáng ghét.

- Sao dân lại kêu vua bằng "anh"? Phạt cho xem.

- Vua gì mà dữ ghê.

- Anh mà dữ hả?

- Sao không dữ.

- Hiền lắm, nếu dữ là phạt lâu rồi.

- Còn lâu đó anh vua. Vì nhà vua vừa mới xưng anh với dân đó!

- Hồi nào?

- Mới hồi nãy.

- Tại vua quên.

- My không chịu, lật đổ vì vua phải nhớ dai, nhất là vua của My.

- Vua có quyền, vua độc tài líp.

- Độc tài dân ghét.

- Ghét anh không? Thôi đừng nghen, anh chả thèm làm vua nữa, làm thường dân như My thôi.

- Anh làm vua với cỏ cây thì được. Anh làm vua, em cũng làm vua. Thế mới công bằng.

- Không bao giờ trên ngai có hai vua!

- Ngai cỏ ấy!

- Ừ ngai cỏ. Thôi anh làm vua, ngày mai phong My làm hoàng hậu.

- Ừ.

- Hoàng hậu cũng không được lấn quyền!

- My hổng chịu, vì hoàng hậu cũng có quyền như anh cơ mà!

- Anh đả đảo liền.

- Thiệt không?

- Thiệt.

- Em ghét anh liền.

- Thôi sao cũng được, nhịn My nhiều rồi đó nghen...

- Ai bảo nhịn My chi!...
 
*

My, tôi bây giờ không còn làm vua với My được nữa. Tôi với My đã thấy rõ bức tường như ngày nào My đã nói. My biết ngày ấy, tôi với My hãy cùng với tay rồi gặp nhau muôn kiếp. Thôi nhé My, My làm hoàng hậu của cỏ cây, tôi cũng chẳng còn làm cây cỏ để được My trị vì trong lòng. Bây giờ tôi xa My. My vẫn còn làm vua. Vua cây cỏ của tôi ngày ấy hay nũng nịu nay vẫn còn đi học như hôm nào? Bây giờ không còn thấy nữa, tôi xa phố có My, không còn bên My để nhắn hỏi mai đây My học mấy giờ?...


BẢO LỄ        

(Trích từ tuần báo Tuổi Ngọc số 96, tuần lễ từ 5-4 đến 12-4-1973)