Tụi bây nhớ nghen, năm nay đúng ngọ tao mới cúng, mà phải cúng cho thật lớn.
- Dạ, con nhớ.
Chị Nhánh không bối rối trước cái lịnh trái đời mà cha chồng chị
lập đi lập lại đã ba hôm rồi. Trái lại, chị còn sung sướng mà khỏi phải
thức đêm, nhờ cái lịnh nầy. Mấy năm trước, gia đình nầy cúng cơm theo
tục lệ làng anh Nhánh, đúng vào sáu giờ sáng. Nhiều làng nông nghiệp ở
miền Đồng nai có lệ cúng giỗ như vậy để khách khứa ăn giỗ xong rồi còn
ra đồng làm lụng.
Anh Nhánh đã khá lên rồi, không sợ tốn tiền, nhưng anh vẫn thắc mắc và cứ bàn lén với vợ:
- Lạ quá, ông già đã tới tuổi sanh tật rồi hay sao é! Sao lại
cúng trưa? Mà cúng lớn làm chi vậy hổng biết nữa? Mình là ghe thương hồ,
có mời khách khứa, làng xóm gì được như hồi ở trên đất liền vậy đâu?
- Ối thì già sanh tật, đất sanh cỏ chớ sao!
Chị Nhánh lo cho heo gà ăn để rồi đi chợ. Tuy nhà họ chỉ là một
chiếc thuyền mà thôi, chị cũng nuôi mấy thứ gia súc đó, y như hồi còn ở
làng. Heo thì sáng và chiều, chị cho nó đứng trên sạp ghe để hóng gió
trong sự ngơ ngác nhìn cảnh sóng nước mênh mông, còn trời nắng gắt, hay
trời mưa nó bị hạ ngục dưới khoan hầm. Gà thì chị cầm tù chung thân
chúng nó trong những chiếc ống tre. Chúng ló đầu ra khỏi miệng ống để ăn
và thở, cũng lớn lên được vậy, nhưng mang hình cổ quái, tròn và dài y
như ống tre, để ăn thịt chớ bán không được. Được cái là thịt gà ống tre
rất mềm.
Đang gặp "con nước", anh Nhánh cũng phải đậu ghe lại trước chợ
ông Năm để chị Nhánh mua sắm các thứ cần dùng cho một đám giỗ. Anh căn
dặn:
- Má nó mua cho lẹ, kẻo trễ con nước, chèo nước ngược khổ lắm.
*
Cái chợ quê ấy, hôm nay dân họ vui như có đám hát về
làng. Chiếc nhà thuyền của anh Nhánh là một cảnh ngoạn mục đã rủ rê dân
chúng ra bờ sông khá đông.
Trước kia, dòng họ anh Nhánh khá giả mấy đời liền. Anh thừa tự
dòng máu ăn chơi của tổ tiên anh, nên sau họ suy sụp phải bán nhà, trôi
nổi bình bồng trên sóng nước rồi thì giờ khá lên, anh o bế chiếc nhà
thuyền thương hồ của anh như các cụ săn sóc một chậu cây cảnh. Thuyền có
một từng lầu, từng lầu này là buồng của ông cụ. Mũi ghe biến thành một
cái huê viên tí hon mà nhiều thứ bông hoa trồng trong những cái chậu
nhỏ, khoe màu rực rỡ giữa đám ghe thương hồ xám xịt và buồn hiu khác.
Vách và cửa đều được sơn xanh đỏ như ghe hầu của những ông quan địa
phương thời Pháp thuộc, hay của các đại điền chủ Hậu giang cũng của thời
ấy.
Hôm nay, mấy anh bạn ghe phải nhọc sức chèo ngược nước vì chị
Nhánh có vội vàng bao nhiêu cũng không kịp. Nhưng họ được bù công bằng
viễn ảnh bữa giỗ to trưa nay, to tương đối theo cảnh chật hẹp dưới
thuyền, đủ cỗ cho lối ba mươi thực khách nhưng lại thật là khổng lồ vì
trên ghe chỉ có bảy miệng ăn thôi: ông già của anh Nhánh, vợ chồng anh,
hai trạo phu và hai đứa con của anh.
Anh Nhánh cầm lái, công việc này, mấy năm trước vốn do ông cụ
làm. Hồi đó anh Nhánh còn nghèo chỉ dám mượn có một anh bạn chèo thôi,
chính anh phải chèo mũi, vả anh cũng chưa đủ kinh nghiệm để lái ghe.
Cầm lái tương đối nhàn, nên anh Nhánh ngồi nghĩ vơ vẩn về cuộc
đời kỳ dị của anh. Năm ấy anh cưới vợ rồi ra riêng. Nhà đang khá giả
bỗng suy sụp lần lần vì mấy trận thất mùa liên tiếp.
Ông cụ vốn
là tay phong lưu, quen ăn xài lớn nên phải bán ngôi nhà thờ bằng cây
danh mộc, rồi cất nhà tranh mà ở. Rồi nhà tranh lại cháy. Anh rước ông
già về nhà riêng của anh. Nhưng anh cứ làm ăn lụi đụi mãi, bí quá lại
phải bán nhà để lấy tiền sắm ghe đi buôn.
Nhờ trời ngó lại, anh trúng mối liền liền và anh công tử vườn này quyết chí làm lái thương hồ luôn cho đến trọn kiếp.
Thuyền tới Vàm Cui hồi đúng ngọ, và cô dâu đảm đang, dọn cỗ lên cho ông cha chồng cúng cũng đúng vào lúc đó.
Trong những giờ đợi con nước, Vàm Cui vui như một chợ quận,
huyện nào, vì ghe thương hồ nghỉ "chơn" nơi đây đông hằng trăm chiếc.
Cảnh buôn bán bằng xuồng tấp nập như ở làng vào những ngày đình đám.
Không có thức ăn nào, hàng hóa nào mà thiếu cả: chè, cháo, nem, chả, món
nhậu, bánh trái, thuốc, giấy, hộp diêm, dầu lửa gì cũng đủ cả.
Ông già của anh Nhánh cúng vái vội vàng rồi nhảy qua các thuyền
lân cận lạ hoắt, để mời ăn giỗ: ông cụ hối hả như vậy thật trái hẳn thói
quen của ông và gia lễ lắm, khiến cả thuyền đều kinh ngạc. Họ ngạc
nhiên mà thấy ông mời khách trong cảnh sống chật hẹp nầy, họ lấy làm kỳ
cho việc bỏ gia phong của ông. Họ đâu có dè rằng năm nay ông cụ rất có
lý do mời khách và sợ thiên hạ ăn quà no rồi ăn giỗ không ngon miệng nên
mới cúng tốc hành như vậy.
Ghe của sáu Nhánh đậu dựa bờ dưới bóng cây râm mát và cỗ bàn dọn
trên ba chiếc chậu trải trên sạp ghe. Ba mươi thực khách kể cả người
nhà, ngồi thành hai hàng, hai bên mâm cỗ dài ấy và không khí bỗng nhiên
giống hệt không khí trong làng với những cuộc bàn hươu tán vượn trong
mùi rượu đế, mùi vịt tiềm, mùi mì xào, mùi thịt hầm, mùi gỏi sứa.
Ông già của sáu Nhánh chỉ ngồi chấm mút để cầm khách mà thôi.
Ông đã no tới cổ, no hạnh phúc được ngửi lại mùi đất liền qua cái bữa cỗ
gợi nhớ làng mạc này.
Bấy giờ vợ chồng sáu Nhánh mới biết tại sao ông cụ đòi cúng vào
giờ ngọ. Ông cụ rất giỏi lộ trình đường nước, biết rằng đúng ngọ là
thuyền nào cũng bi kẹt tại vàm nầy và như thế mới có khách. Nhưng vợ
chồng anh còn chưa biết nhiều điều khác nữa.
*
Nửa tiếng đồng hồ sau bữa giỗ, hằng trăm chiếc thuyền
buôn chui chút nhau để qua con kinh vốn cạn từ sớm đến giờ và bấy giờ
nước lên mới sử dụng được. Ông cụ ngồi cú rũ trong mui thuyền, mãi cho
tới tối, mãn con nước, thuyền phải đậu lại, chị sáu Nhánh mời ông ăn
cơm, ông mới giựt mình. Giữa bữa ăn, ông cụ thình lình long trọng tuyên
bố:
- Tao không muốn theo ghe nữa. Vợ chồng bây có tiền cho tao chút ít để tao về làng cất chòi tao ở.
Sáu Nhánh chưng hửng rồi sanh nghi, nhìn vợ anh trừng trừng, ngỡ
chị ấy thất lễ với ông già nên ổng hờn. Chị Sáu cũng tưởng mình đã sơ
sót điều gì nên sợ hãi, lấm la, lấm lét.
Ông cụ ngầm hiểu được ngộ nhận của con và dâu nên giải thích:
- Tao nhớ làng, nhớ đất quá!
Sáu Nhánh muốn phụng dưỡng cha để báo hiếu nhưng anh kiếm cớ khác:
- Nhưng con còn cần tía, cần kinh nghiệm của tía.
- Mầy đã thạo đường nước lắm rồi. Từ đây xuống tới kinh Tà bang
dưới miệt vườn, mầy thuộc cả hình dáng của mỗi lùm cây ở hai bên bờ các
sông rạch, thì mầy đã đủ lông đủ cánh rồi đó.
- Nói thiệt với tía, con đã khá, nhưng chưa đủ tiền cất nhà ngói
tía ở. Tía ở lều tranh một mình sao cho sung sướng bằng sống dưới ghe
nầy mà con đã sắm đủ thứ đồ cần dùng.
- Tao không cần gì hết, miễn được về đất. Cho phải ăn chợ ngủ đình tao cũng vui.
- Đất...
- Ừ, đất, đất bạn mà tao chạy nhảy trên đó hồi còn thơ ấu, tao
thương nó lắm. Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa,
tao ghiền hửi mùi lúa chín, tao ghiền mùi phân chuồng. Tao muốn hưởng
mùi đất vài năm trước khi theo về với ông bà.
- Tía sống một mình, con e...
- Tao sẽ bắt hai đứa con của bây về ở với tao. Sống trôi nổi như
vầy hại cho chúng nó lắm. Chúng nó không có lấy một mái tranh để mà
nhớ, không có một khóm rau để mà thương, chúng nó sẽ giống như những
cọng rác trôi theo dòng.
- Nhưng mà...
- Nhưng vợ chồng bây còn làm ăn được thì cứ mà bay nhảy đi,
nhưng rồi cũng phải về làng khi nào đủ tiền mua một mảnh vườn. Đất nước
chỉ còn tồn tại được nhờ những kẻ nhớ thương nó, bám níu vào nó thôi.
- Nhưng mình sống bằng tiền, chớ có phải là bằng mùi phân chuồng đâu.
- Rồi mầy sẽ nghĩ khác, một khi mầy làm ăn thất bại, cần cái an
ủi mầy. Cái đó là bụi tre làng, là vuông ruộng sau nhà, là tiếng ru con
của một bà mẹ bên hàng xóm.
- Tía nói lạ, kỳ cục!
- Không có gì là kỳ cục. Rồi ngày kia mầy sẽ nghe rằng đất có
hồn và hồn mầy rất gần gũi với hồn đất. Tao nhớ đất muốn chết đi lận,
nhớ còn hơn là nhớ má mầy trong mấy năm đầu tang khó của bà ấy, bởi vì
vợ chồng không thân thiết với nhau hơn là mình với đất. Vợ chồng chỉ ăn ở
với nhau ba bốn mươi năm là cùng, đất thì nó thấy mình sanh ra, lớn lên
già yếu, rồi nó lại ôm mình khi mình chết. Mình cũng thấy nó từ lúc
lững chững bước đi cho tới lúc chống gậy mà lê bước. Nếu vợ chồng bây
không có tiền cho tao, thì tao cũng về làng, tao ngủ đình.
Thằng Lá, con trai lớn của sáu Nhánh hỏi:
- Ông nội ơi, ở đình có bắt dế được hay không ông nội?
Ông nội cười khà, day qua xoa đầu cháu và nói một mình, mắt nhìn ở đâu xa lắm:
- Bắt dế ! Ừ, nếu không bao giờ được hưởng cái thú bắt dế thì con người như... như mất đi hết phân nửa con người.
Đoạn day lại nhìn sáu Nhánh, ông khuyên:
- Mầy không nên bắt lũ con mầy trở thành những con người phân nửa.
(Trích từ tập truyện Cuống Rún Chưa Lìa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét