Thứ Hai, 2 tháng 10, 2023

MƯA NƠI XỨ LẠ - Phạm Quang Phước

 

Chuyến đi xa không được chuẩn bị hay sửa soạn trước khiến tôi hơi ngập ngừng khi năm giờ sáng, thức giấc để soạn đồ đạc vào va-li.
 
Trước đây mấy ngày tôi không hề vẽ vời hay tưởng tượng đến bất cứ một cuộc vui chơi nào cho vụ hè năm nay. Do đó tôi đã nhận lời với Vinh cùng chung sức mở một lớp luyện thi. Nói là chung sức, chứ thực ra Vinh đã lo hết cả. Mỗi ngày gặp nhau tại phòng giải lao của trường, Vinh vui vẻ báo cho tôi biết những điều anh đã thực hiện được. Có hôm Vinh bảo đã thuê được một phòng học rộng đủ cho bốn chục học trò. Ngày khác Vinh nói giấy phép đã được bộ chấp thuận. Có nghĩa là sau ngày nghỉ hè một vài tuần, chúng tôi đã có thể bắt đầu vì học trò theo học phần đông là học trò có giờ do tôi và Vinh phụ trách, đã được thông báo trước về lớp luyện thi này. Trong lúc Vinh nói bằng giọng vui vẻ về số học sinh ghi tên mỗi lúc mỗi đông, thì tôi chỉ nhìn công việc mình sắp sửa phải tham dự một cách hết sức thờ ơ. Vinh không nói nhưng có vẻ ngạc nhiên về sự thờ ơ của tôi lắm. Anh tưởng một công việc có lợi trong vụ hè sắp tới ít nhất cũng làm cho tôi thay đổi một phần nào cái vẻ lạnh nhạt của mình từ lâu nay. Nếu Vinh biết tôi coi những giờ dạy thêm ngoài nhiệm vụ của mình chỉ như một cách loại bớt thời gian dài nghỉ ngơi buồn chán, thì tôi chắc anh sẽ không ngạc nhiên gì nữa. Ba tháng dài nếu không tiếp tục bắt mình làm việc thì tôi sẽ làm cái khỉ gì đây cho qua thì giờ chứ? Dĩ nhiên là thời gian sẽ dài ra nếu tôi không tìm ra được thú vui nào khác ngoài việc lui tới hoài hoài mấy cái piscine hay tham dự một cách kẻ cả và miễn cưỡng vào những cuộc họp mặt do bọn học trò tổ chức. Nghĩ như thế nên dù biết rằng trong lúc mọi người nghỉ ngơi ở một bãi biển hay chân núi nào đó, mà mình lại phải tiếp tục cái công việc từ chín tháng qua là một chuyện không vui thú gì, tôi cũng mặc kệ cho Vinh muốn làm chi đó thì làm. Một cái cớ cho qua thì giờ vậy mà.
 
Ngày dạy cuối, trước khi chia tay nhau Vinh bảo tôi hãy cố vui chơi thật nhiều trong một tuần lễ rồi sau đó bắt tay vào việc. Tôi nghĩ tới những giờ dạy buồn nản sắp đến nên bỗng nhiên giận mình và đã tìm đủ cách để sử dụng mấy ngày nghỉ ngắn ngủi vào nhiều việc mà tôi nghĩ nếu không vì lớp dạy hè thì chưa chắc tôi đã làm. Kể ra có một vài ngày sống thảnh thơi theo ý mình cũng là một điều thú vị. Những bộ quần áo để lâu trong tủ được tôi lôi ra ủi cho thẳng thớm mặc mỗi lần xuống phố. Váy maxi váy mini cũn cỡn, kính đeo mắt to bản. Trông tôi không còn chút xíu nét đạo mạo như mỗi lần áo dài, tóc vấn cao tới trường. Tôi dễ chịu với ý nghĩ này nên thời gian lang thang ngoài đường chiếm gần hết một ngày. Tôi bỏ cơm nhà để ra tiệm khi thì một mình, khi thì mời theo một vài người bạn vẫn còn lui tới trường để kiếm thêm chứng chỉ. Những bữa ăn thường vui vẻ bởi những lời nhắc nhở của bạn bè như giúp tôi sống lại thời đang còn là một sinh viên. Đi ăn một mình hay với bạn bè, trong mỗi bữa tôi đều uống một vài ly rượu manh. Con gái mà uống rượu mạnh trông cũng chướng. Nhưng cần quái gì. tôi cứ nhờ men nồng tưới cho nồng thêm nỗi sống trong tôi thì đã sao nào. Tôi nghĩ giá đang lúc tôi say sưa như thế mà ông hiệu trưởng già hay lũ học trò bắt gặp chắc họ sẽ chết giấc vì ngạc nhiên. Không, họ sẽ gán thêm cho tôi một lố những tĩnh-từ-thời-thượng nữa. Những ly rượu uống ban ngày hay lon bia uống giữa khuya làm tôi hao hụt như đứng trên một nỗi bất trắc vô hình. Tôi mơ hồ tìm gặp một vài điều thay đổi nơi mình. Gì thế này? Không biết, tuy thế tôi vẫn tiếp tục ngoài phố và may sắm thêm một mớ quần áo đắt tiền nữa (mai mốt đi dạy, những bộ quần áo hoa hòe sẽ nằm yên trong một góc tủ cùng với đời sống thật lúc nào cũng phải giấu kín). Trong những ngày sống tạm gọi là khoái trá như thế tôi cố quên Vinh đi, cố quên cái lớp học chỉ còn đâu vài ngày nữa là tôi phải bắt tay vào dạy. Bởi nghĩ đến, tôi lại lẩn thẩn tự hỏi sao lúc nào mình cũng như tìm cách đẩy mình vào những phiền toái do mình tạo ra? Cũng có lúc tôi muốn bỏ mặc Vinh, để kéo dài thêm chuỗi ngày rong chơi. Nhưng ý muốn này cũng chỉ thoáng qua thôi, bởi tôi biết, qua tuần lễ thứ hai tôi sẽ lại chán ngấy những thứ mình đang có.

Một ngày, khi tôi sửa soạn rời nhà thì nhận được thư Tập. Không cần nhìn tên người gửi tôi cũng biết ngay là của Tập vì từ lâu nay đâu có còn ai thân thích đến độ phải liên lạc thư từ với tôi, ngoài Tập. Hơn nữa từ lúc mỗi đứa mỗi nơi với đời sống riêng của mình, hè năm nào Tập cũng gửi thư vào để gọi tôi ra nơi Tập ở "... Năm nay không dạy thêm, ở một mình buồn chết được. Nhé, Niệm ra với mình, nhé. Một căn phòng có cửa sổ nhìn ra biển dọn sẵn chờ Niệm từng năm một. Hè Sàigòn nóng nực có chi quyến rũ mà năm nào Niệm cũng chẳng thèm ra đây?..." Thư của Tập năm nào cũng mang những lời mời gọi có vẻ chân thành như vậy. Nhét phong thư vào ví tôi ra đường tự nhủ sẽ đọc trong một cái quán nào đó, dưới phố.

Như những ngày đã qua, tôi mua tờ báo đọc để kéo dài bữa ăn sáng chờ tới chín giờ hồ tắm mở cửa vào bơi lội một chập. Chừng hơn một giờ, chân tay mỏi nhừ vì vùng vẫy nhiều nhưng da dẻ thơm mát, tôi rời hồ tắm tới nhà một người bạn nằm trên con đường đưa tới quán ăn quen. Từ trong quán ăn, với điếu thuốc trên tay, đi ra tôi gặp Vinh. Chẳng hiểu ly bia mới uống hay câu chuyện nghe lỏm được của một cặp tình nhân trong quán ăn (họ bàn tính về chuyện đi nghỉ hè) mà tôi thấy sao Vinh bỗng có vẻ lôi cuốn quá đi. Vinh đứng sững lại trên lề đường, nhìn tôi như chưa bao giờ thấy cảnh một người con gái hút thuốc giữa hè phố. Mắt anh có nhiều vẻ ngạc nhiên sau lần kính trắng, dù rằng hồi còn đi học. Vinh đã từng sống phóng túng uống rượu hút thuốc như đàn ông rồi. Nhưng ở tôi, việc gì cũng khiến cho Vinh chú ý và ngạc nhiên được bởi anh đang yêu tôi mà. Chia tay với người bạn, tôi đứng lại cùng Vinh ngay bên chiếc xe anh dựng dưới đường. Vinh nhìn tôi và nói anh tìm tôi ở nhà mà không gặp. Anh thêm:

- Tìm mấy lần đều không gặp. Niệm đi đâu hoài thế?

Tôi búng mẩu thuốc ra xa trong một cử chỉ hết sức đàn ông rồi khoa tay một vòng cười đáp:

- Đi như thế này này.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là đi ăn, đi chơi, đi sắm đồ. Đi để khỏi nằm ở nhà. Anh không như tôi sao?

Vinh lắc đầu, anh nói tôi còn phải lo cho lớp học.

Bao nhiêu khoái trá vì hơi men, vì lần gặp Vinh bất ngờ giữa lúc không ngờ, bỗng tiêu tan hết vì câu nói của Vinh. Đang lúc tôi muốn quên, anh lại nhắc cho tôi nhớ đến cái lớp học đáng ghét kia (lớp học hay sự đồng ý của tôi đều đáng ghét như nhau), khi mở xách tay, soi mặt vào tấm gương nhỏ trên nắp, tôi thấy phong thư của Tập. Tôi cười nhạt à, lớp học. Thế nào rồi? Vinh bối rối vì nụ cười của tôi và chắc cũng vì anh thấy tôi cũng chỉ thờ ơ. Anh nói tôi đang định gặp Niệm về việc này đây. Thứ hai tới mình cho khai giảng. Để tôi đưa chương trình cho Niệm. Vinh quay về chiếc xe chắc là để lấy chương trình như anh nói. Tôi gọi giật giọng:

- Anh Vinh.

- ...?

- Tôi... tôi không dạy đâu.

- Niệm đùa đấy à?

- Không, tôi nói thật. Anh tìm người khác thế vào đi. Tôi không dạy được.

Tôi im lặng nhìn Vinh chăm chú như thưởng thức sự bối rối của Vinh khi nghe tôi có một quyết định đột ngột như vậy. Thật tình tôi cũng đang bối rối hết sức. Chưa chắc gì tôi đã nhận lời mời của Tập để ra cái thành phố ven biển kia. Vậy tôi sẽ làm gì khác nơi đây sau khi từ chối cùng Vinh dạy lớp học hè? Sau một lát bối rồi, Vinh phàn nàn với tôi đủ điều và mong tôi nghĩ lại. Tôi cười thầm trong lòng vì những khó khăn Vinh vừa nêu ra nếu tôi không dạy. Nào là khó tìm người thay thế, nào là có thể học trò sẽ nghỉ nếu người dạy không phải là giáo sư quen biết. Vinh che giấu một cách tài tình về điều duy nhất anh không nói ra nhưng tôi lại biết rất rõ. Chờ cho Vinh nói một hơi, tôi mới ngỏ ý xin lỗi về sự từ chối đột ngột của mình. Tôi bịa đặt ra lý do của chuyến đi làm như chuyến đi đã được sửa soạn từ lâu lắm rồi. Thật ra mới sau câu nhắc về lớp học của Vinh thôi.

Khi biết chắc là không thể nào giữ tôi ở lại được nữa, Vinh mời tôi đi chơi buổi chiều. Tôi nhận lời sau khi nhờ anh đưa tôi ghé vào bưu điện gửi hỏa tốc cho Tập một bức điện tín nói đón tôi ở bến xe, ngày mai.

Vài tiếng đồng hồ để sửa soạn, vẽ vời cho một chuyến đi xa. Gấp rút như thế mà lúc này, xếp quần áo, đồ đạc vào va-li tôi cũng chỉ dửng dưng chứ không hề háo hức như vẫn nghĩ. Tôi mang đủ vật dụng cho thời gian sắp tới sống ở biển. Vài bộ quần áo mùa hè, vài bộ áo tắm khêu gợi mới mua hồi chiều khi đi cùng với Vinh vào thương xá Tax. Bảy giờ, Vinh sẽ đem xe tới đưa tôi ra bến xe như lời anh nói buổi chiều. Soạn xong va-li, mới hơn sáu giờ, tôi lấy bộ đồ sẽ mặc trong chuyến đi treo sẵn lên móc rồi tắt đèn, cởi đồ nằm chờ sáng. Bức thư của Tập vẫn còn nằm ì trong ví vì chiều qua bận đi với Vinh tôi không có thì giờ để đọc. Cũng chẳng cần đọc lắm, thì có gì lạ đâu ngoài những câu viết như bức thư tôi nhận được vào mùa hè năm trước.

*

Chiếc xe nhỏ gồm bảy người kể cả tài xế, rời bến đậu bắt đầu cho cuộc hành trình dài trên bốn trăm cây số. Buổi sáng, bến xe chộn rộn với kẻ đi người ở, với những hàng quà bánh rao inh ỏi. Xe chạy chậm vì chưa ra khỏi khu vực hạn chế. Tôi lục xách tay lấy kính đeo lên mắt không nghĩ rằng Vinh đứng đâu đó trong dòng người đưa tiễn kia có lẽ sẽ buồn một chút nếu thấy tôi bình thản dựa ngửa trên ghế như sửa soạn một giấc ngủ. Cũng có thể là Vinh đã bỏ về ngay sau khi tôi chui vào lòng xe, ngồi yên ổn ở một chiếc ghế bên cạnh cửa, hàng thứ nhì. Buổi sáng, Vinh đưa tôi ra bến xe. Anh đem tôi vào một tiệm phở nài ép tôi cố ăn một chút gì đó cho đỡ mệt mỏi vì đoạn đường dài. Để làm vui lòng Vinh mà cũng chẳng biết phải làm gì hơn trong quán đông người lúc đó, tôi ăn được một tô phở nhỏ cùng nửa ly sữa. Lúc này, tôi cảm thấy dễ chịu vì những thứ đã ăn uống trong khi chờ Vinh đi lấy vé xe. Trưa nếu đói, tôi có thể yêu cầu bác tài ngừng lại một quán ăn dọc đường. Điều này có thể được vì là chuyến xe đặc biệt giá mắc hơn những xe khác.
 
Tôi nhìn trong xe. Ngay trên băng trước, cạnh tài xế là một cặp tình nhân còn rất trẻ, họ đang trao tay nhau những món quà và thì thầm với vẻ âu yếm. Nhìn lên tấm kính chiếu hậu phía trần xe, tôi thoáng thấy vẻ tươi tắn của hai cô gái ngồi sau lưng tôi, băng sau cùng. Và bên cạnh, cùng một hàng là gã con trai cứ liếc tôi hoài từ lúc gã vào chỗ tới giờ. Xem chừng gã đang muốn bắt chuyện với tôi nhưng vẫn tỏ vẻ chần chừ vì sau cặp kính to bản đen đặc gã chẳng hiểu tôi thức hay ngủ.
 
Hết xa lộ, qua một vài trạm kiểm soát, xe tăng tốc độ, khi đã bắt đầu ra ngoại ô. Hai bên đường không nhà cửa khiến tôi nhìn được đến suốt chân trời nơi đất trời gặp nhau bằng một đường chỉ nhỏ không rõ nét. Khung cảnh rộng thênh thang làm tôi thèm ngừng xe đi bộ một đoạn và cũng cùng lúc bất chợt này tôi thấy chuyến đi hình như được mở đầu bằng những dấu hiệu yêu đời. Tôi nhắm mắt tưởng tượng đến nơi mình sẽ đặt chân xuống chiều nay. Nếu có Tập ra đón ở bến, tôi sẽ để nguyên vẻ mệt mỏi sau đoạn đường dai rủ Tập xuống phố uống một thứ gì đó. Một trái dừa chẳng hạn. Rồi mới về nhà. Nếu điện tín chưa tới, không có Tập ra đón, tôi cũng đi kiếm thức uống để sửa soạn những câu trả lời sự s8an đón của Tập. Chắc chắn là Tập sẽ mừng rỡ, sẽ hỏi han tíu tít. Tôi cũng đang bồi hồi tưởng tới lúc gặp Tập. Giữa hai chúng tôi dù không phải là chị em ruột thịt nhưng chúng tôi đã dành cho nhau những lối đối xử còn hơn ruột thịt nữa. Một lẽ thật dễ hiểu : cả hai đứa đều không còn ai thân thích. Hồi tưởng về quá khứ là một việc làm tốn rất nhiều thì giờ cũng như sự mỏi mệt cho tâm trí, nên ít khi tôi nhìn lui quãng ngày tôi và Tập gặp nhau, hồi hai đứa còn bé xíu. Thôi hãy cứ biết rằng hai đứa đang thương nhau như ruột thịt. Nhìn về quá khứ làm chi cho mất công. Vả lại biết đâu sau mỗi lần nhớ lại của mỗi đứa vì một lẽ gì đó lại chẳng khiến chúng tôi nghi ngờ về tình thương vẫn dành cho nhau.

Xe ngừng lại một nơi tôi không rõ tên gọi, có những quán hàng nằm liền nhau ở hai bên đường. Tôi xuống theo mọi người dù chẳng muốn đi đâu hết giữa một xứ lạ như thế này. Gã con trai ngồi cạnh đang bắt chuyện với hai cô gái băng sau. Một lát tôi thấy cả ba vui vẻ đưa nhau vào một quán cơm. Tôi cười thầm, đi loanh quanh cho chân tay đỡ mỏi rồi cũng vào quán. Tôi gọi một con cua biển bự, ăn những miếng thịt rất ngọt cùng với hớp bia lạnh. Cô gái chủ quán nhìn tôi như không tin rằng một người con gái lại có thể thản nhiên bưng bia uống nom có vẻ ngon lành. Mà ngon thật. Tôi ăn gần hết con cua bự, chỉ còn dư lại mấy cái ngoe. Trả tiền xong, tôi mua một bao thuốc rồi mồi hút vài hơi cho đỡ tanh miệng khi ra phía nhà sau đi tiểu. Lên xe, tôi ngủ gà ngủ gật suốt trên quãng đường còn lại trong lúc gã con trai ngồi cạnh quay đầu xuống phía dưới nói chuyện với hai cô gái mới quen. Có lúc chập chờn giữa hai giấc ngủ tôi nghe nhiều tiếng cười vui chung quanh mình.

Không biết ai đó đã thức tôi dậy khi xe vào bến đậu, tắt máy. Trong lúc mọi người rời chỗ, tôi mở xách tay lấy khăn lau mặt rồi chải sơ lại mái tóc rối bù vì gió. Xong, tôi mở cửa bước xuống đường. Chiều trời nắng gay gắt mà sao nước đọng từng vũng trên mặt nhựa. Có lẽ đã có một cơn mưa ở đây khi xe chưa đến. Đặt chiếc va-li xuống cạnh chân tôi ngơ ngác nhìn quanh và đứng nguyên một chỗ hy vọng Tập sẽ nhìn thấy. Bến xe cũng chộn rộn như nơi tôi vừa bỏ đi lúc sáng. Một lát chẳng thấy Tập đâu, tôi còn đang chần chừ chọn một trong nhiều quán nước phía bên kia để vào thì một người đàn ông tới gần cúi đầu chào rất lịch sự:

- Thưa, có phải cô là Niệm?

Tôi nhìn lên và gật đầu vì đang bận tự hỏi giữa một thành phố lạ hoắc chưa một lần đặt chân đến tại sao lại có người biết tên mình? Chừng như hiểu được sự ngạc nhiên nơi tôi nên ông ta giải thích:

- Tôi là chồng của Tập. Nhà tôi đi Sàigòn rồi.

- ... !

- Chị không nhận được thư của Tập gửi sao?

Nhớ đến phong thư của Tập chưa đọc còn nằm gọn trong ví tôi nói có nhận được nhưng chưa đọc. Và tôi nói thêm tôi đã gửi cho Tập một cái điện tín hôm qua mà.

Người đàn ông chỉ tay về một chiếc xe đậu gần đó và bảo mời chị về nhà đã. Chắc đi xa chị cũng mệt rồi. Nói xong ông ta cúi xuống xách giúp tôi chiếc va-li rồi đi về phía xe trong lúc tôi im lặng lẽo đẽo phía sau than thầm vì sự không may của mình. Vừa lái xe chầm chậm qua nhiều con đường đông đúc, người đàn ông vừa giải thích cho tôi rõ những điều tôi đang thắc mắc. Thì ra trong bức thư chưa đọc. Tập nói sẽ về Sàigòn làm một vài việc cần rồi đón tôi cùng ra. Còn bức điện tín tôi gửi, ông ta mới nhận được lúc trưa, khi Tập đã về Sàigòn được hơn một ngày. Dù chưa biết mặt nhưng ông ta cũng ra đón ở bến xe vì không muốn tôi phải lạc lõng trong thành phố này.

- Tôi nghe Tập nói chị chưa hề đến đây lần nào?

- Vâng, và đây là lần đầu. May quá,  nếu không có ông đón tôi cũng chưa biết cách nào để tìm được nhà.

- Tôi tên Hiệp. Có người gọi là Hiệp lặn.

- Hẳn là ông lặn rất cừ.

- Vâng, tôi hiện đang phụ trách một lớp huấn luyện về săn cá.

- Tội nghiệp cho những con cá sinh sống trong vùng nào có ông sống.

Những câu nói đùa sau đó giúp chúng tôi vượt qua được sự rào đón lúc đầu. Khi xe về đến nhà, ở gần biển, tôi vui vẻ nhận lời mời đi ăn với Hiệp ngay buổi tối đầu tiên này.

*

Đúng như lời Tập viết trong nhiều lá thư, căn phòng có cửa sổ trông ra biển gió thổi lồng lộng. Ngay đêm đầu tiên dù mệt mỏi sau đoạn đường dài, khi đi ăn với Hiệp về, tôi cũng mở tung cửa để đứng nhìn xuống biển đêm với nhiều màu sắc rực rỡ nom như những chùm đèn nhiều mau của một đêm hoa đăng. Lúc ấy tôi nhớ là đã tự nhủ sẽ lưu lại nơi này suốt mùa hè để kéo dài nỗi thích thú mỗi đêm tựa cửa nhìn xuống bãi. Đêm đầu, tôi ngủ ngon trong căn phòng lạ, với Hiệp nằm ở phòng bên cạnh, rộng hơn. Tập từ Sàigòn về sau bốn ngày tôi đến. Bốn ngày không có Tập, tôi đi ăn đi nhảy đi tắm nhiều lần với Hiệp để cùng lúc sợ hãi vì khám phá ra sức lôi cuốn nơi Hiệp. Anh hay lấy ca-nô của sở làm để đưa tôi ra tuốt những hòn đảo ở thật xa. Chẳng hiểu Hiệp nghĩ sao khi đưa tôi đến những bãi vắng như thế, nhưng lúc nào trông anh cũng có vẻ dửng dưng, ngay cả khi lần đầu thấy tôi trong bộ áo tắm hai mảnh lóp ngóp từ dưới nước đi lên. Mỗi lần từ đảo trở về thường là quá chiều, gió thổi mạnh. Ca-nô mở hết máy như lướt trên mặt những con sóng lớn. Tôi ngồi nép vào một góc tránh gió và nhìn lên Hiệp dũng mãnh trong những động tác khiến tôi yên tâm và có cảm tưởng như được che chở.

Rồi Tập trở về. Tôi ham hố trong các cuộc chơi tay đôi tay ba như người nhịn đói lâu ngày ngồi trước bàn ăn thịnh soạn. Gần một tháng qua tôi không hề nhớ về chốn cũ và tôi tự hài lòng mình.

Căn nhà của vợ chồng Tập nằm lẻ loi ở cuối bãi nên buổi sáng còn lại một mình tôi không biết làm gì hơn là nằm trên bouée để trôi bềnh bồng trên nước chờ một trong hai người trở về. Hiệp thường xuyên ở ngoài khơi nơi mấy hòn đảo vắng, anh bận bịu với lớp săn cá. Còn Tập, mở một lớp luyện thi cùng với vài người bạn nữa. Từ ngày có tôi, Hiệp đi nhờ xe của một người bạn tới sở làm. Còn chiếc xe anh nói, để tôi lui tới cho đỡ buồn những lúc một mình ở nhà. Những sáng trời lạnh, không tắm được, tôi lấy xe chạy lòng vòng nhiều lần trên con đường ven biển rồi tiện thể xuống trường đón Tập về khi hết giờ. Buổi tối, chúng tôi gặp nhau trong bữa cơm ở nhà, đồ ăn là những con cá rất tươi Hiệp săn được trong lúc đưa học viên đi thực tập. Tôi đối diện cùng lúc sự lôi cuốn của Hiệp và nỗi thương mến của Tập.

Buổi sáng này, cũng vẫn một mình. Hiệp đưa Tập ra bến xe để nàng đi dự một buổi hội thảo kéo dài hai ngày ở tỉnh Đ. Có lẽ anh đã tới sở và giờ này đang ngoài đảo xa. Hơn một giờ ngâm mình dưới nước, tôi trở lên tắm lại bằng nước ngọt. Nhìn mình trong gương, da tôi đen trắng từng đoạn trông buồn cười nhưng bù lại thân thể cân đối như đi làm massage mỗi tuần. Trở về phòng kiếm chiếc váy khêu gợi nhất mặc lên người với ý định xuống phố một lát thì có tiếng còi xe trước nhà và Hiệp trở về. Chúng tôi gặp nhau ngoài thềm.

- Anh không đi làm?

- Bữa nay biển động nên nghỉ. Chị định đi đâu thế?

- Tôi đang tính xuống phố.

- Để tôi đưa chị đi. Mình ăn trưa ngoài tiệm luôn.

- Vâng, anh đợi tôi một chút.

Về phòng, tôi lấy ví và kính đeo mắt, khi trở ra Hiệp đã trở đầu xe xong. Tôi bảo Hiệp anh để tôi lái cho, rồi ngồi vào chỗ Hiệp nhường, nhẹ nhàng đưa xe tới lề đường. Buổi sáng trời mát, bãi tắm tuy sóng lớn cũng khá đông người. Xe chạy hết con đường ven biển tôi vào phố chính và ngừng lại trước một tiệm bán hải sản với ý định vào mua ít món về tặng cho vài người bạn. Hiệp theo tôi vào tiệm nhưng lẳng lặng nghe tôi trầm trồ. Vỏ ốc và san hô chưng đầy trong nhiều tủ kính lớn, tôi nhìn không chán mắt chẳng biết nên mua thứ gì. Nhưng sau cùng tôi cũng mua được hai cái vỏ ốc có gắn bóng đèn phía trong, một con sao biển màu xanh da trời và nhiều xâu chuỗi bằng vỏ ốc nhỏ xíu nom rất xinh. Hiệp bưng hộp giấy ra bỏ ở băng sau của xe trong lúc tôi trả tiền, cò kè bớt một, thêm hai với người chủ tiệm. Tôi đang có một buổi sáng vui vẻ nói cười luôn miệng. Hiệp nói:

- Chị còn mua gì nữa không?

- Chắc là còn mua nhiều nữa. Nhưng mình đi kiếm gì ăn đã chứ?

- Chị muốn ăn ở đâu?

- Đâu cũng được. Xa phố một tí.

Cho xe chạy, Hiệp bảo mình đi xuống H. ăn mực tươi. Tôi nhìn lên trời. Có lẽ hôm nay biển động thật vì qua vuông cửa nhỏ tôi thấy bầu trời màu xám giống như màu áo của vị tu sĩ. Tôi nói điều này với Hiệp. Anh mỉm cười vì sự ví von của tôi. Anh bảo không khéo trời mưa mất thôi. Nhưng nếu trời mưa ăn mực với uống bia lại rất thú. Chị uống được bia chứ? Tôi gật đầu, nhớ tới những ly bia mình đã uống ở đầu mùa hè (những ly bia, những điếu thuốc, phải chăng đều là những lưỡi dao rất sắc tôi cần tới chúng để chặt đứt vòng đai đời sống đang thắt chặt quanh mình?)

Xe đang chạy trên một con đường hai bên là biển và từng khoảng dừa rậm rì. Hiệp mở máy thu thanh. Tiếng nhạc phát ra bập bùng xen lẫn trong tiếng gió thổi ù ù hai bên tai. Khung cảnh giống như một đoạn phim nào đó tôi đã xem qua. Lúc đó tôi là khán giả và giờ này chắc tôi cũng chỉ là một khán giả tội nghiệp. Khi đèn bật snag1 thế nào cũng có đôi chút nuối tiếc vì đoạn phim mới xem. Tôi kín đáo thở dài rồi liếc sang Hiệp. Anh vẫn chăm chú với đoạn đường trước mặt. Tôi bỗng nói lớn:

- Sao anh đưa tôi đi xa quá thế?

- Tới rồi. Kia kìa.

Nhìn theo tay chỉ, tôi thấy một xóm nhà năm cheo leo trên lưng chừng một ngọn đồi thấp. Hiệp đem xe tới gần, leo lên một con dốc ngắn. Anh tìm chỗ đậu xe, tắt máy và chúng tôi bước xuống đường.

Những quán hàng vắng người. Liếc xuống bãi cát ngay dưới chân cũng vắng. Tôi và Hiệp có lẽ là những người lẻ loi tới đây chơi trong buổi sáng xấu trời như thế này, giữa trưa mà không nắng bởi trời vãn xám màu chì và biển thì sóng lớn. Vào quán, chúng tôi chọn một bàn gần cửa sổ có thể nhìn suốt bãi hình chữ C không một bóng người. Hiệp kêu hai chai bia, mực luộc cùng những thứ để ăn thay bữa trưa như đã định khi còn ở dưới phố. Trong lúc chờ đợi, tôi ăn những hột đậu phong đựng trong đĩa nhỏ và uống chậm rãi từng hớp bia. Hiệp bưng ly lên môi, anh nhìn tôi qua màu vàng óng của chất bia và nói tôi có nghe tập nói nhiều về chị. Nhưng tôi chỉ tin được một phần nào. Anh tin gì? Đời sống chị ấy mà. Hiệp nói mơ hồ nhưng tôi hiểu hết ý. Tôi cười làm vẻ buồn bảo tôi có một vài đời sống chứ không chỉ quanh quẩn ở một đời là nghề dạy học. Bây giờ tôi đang có một thời gian ngắn để sống đích thực đời sống của mình.

Không phải tôi muốn giải thích hay tâm sự gì với một người chưa thân thích lắm. Nhưng giọng tôi có vẻ là giọng tâm sự nên Hiệp tỏ vẻ săn sóc tôi hơn khi thức ăn được mang lên. Mực luộc còn nóng hổi chấm với muối tiêu chanh ăn ngọt từng miếng. Tôi ăn đủ các món do Hiệp gọi nên khi xong bữa cảm thấy tức bụng muốn đi lại một lát. Hiệp trả tiền rồi đứng dậy nói đúng như ý tôi muốn, anh đề nghị đi xuống bãi một vòng.

Con dốc thẳng đứng bên hông quán nhìn xuống bãi thấy chóng mặt. Có lẽ tôi đã uống nhiều bia nên say chăng? Trong lúc Hiệp đã xuống tới chân dốc tôi vẫn còn loay hoay chưa biết làm thế nào để đừng bị trượt chân lăn xuống như một viên sỏi. Níu vào những thân cây thấp tôi lần xuống. Gió thổi tung tà váy khiến tôi phải đưa một tay giữ cho khỏi bay nên suýt té nhiều lần. Hiệp nhìn lên. Tôi thấy tôi trong mắt nhìn mở lớn của anh nhưng vẫn thản nhiên. Khi tôi đã đứng vững vàng bên cạnh, Hiệp nói lúc chị đi xuống tôi trông giống như lúc Tập lặn lần đầu dưới biển, cũng e dè như nhau. Tôi không nói, hướng mắt ra xa khơi, nơi có những hòn đảo nằm rải rác và hình như được phủ một lớp khói mỏng. Vài cánh buồm đang trên đường về bến. Có lẽ mưa ngoài đó. Tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình trở về, vì nếu tiếp tục cuộc chơi rồi tôi cũng sẽ lao đao như con thuyền ra khơi ngày biển động.

Cầm giầy trên tay, tôi theo Hiệp đi dọc mé nước. Được một quãng thì trời đổ mưa nhỏ. Không bảo nhau chúng tôi đều đi quặt lên một bãi đá lớn lởm chởm chồng lên nhau với hy vọng tìm một chỗ trú. Mưa nặng hạt khi cả hai chui vào một hốc đá kín đáo, nhờ nhờ bóng tối. Tôi nghe hơi thở mình bỗng nhiên rộn ràng như mưa đổ xuống bên ngoài mỗi lúc mỗi hung hãn. Trong bóng tối chập choạng của hốc đá tôi thấy mắt Hiệp ánh lên một vẻ rất lạ. Tôi thì thào:

- Anh Hiệp, mưa lớn quá.

- Vâng, mưa lớn thật. Có lẽ mình phải trú còn lâu.

- Ở đây đang mùa nắng mà sao lại mưa nhỉ?

- Lạ thật. Cũng chẳng hiểu tại sao mưa trái mùa như thế. Nhưng rồi cũng sẽ tạnh mà.

- Vâng sẽ tạnh. Và khi ấy tôi trở về.

- Chị nói gì thế?

- Không, tôi có nói gì đâu.

Không dưng giọng tôi nghe bùi ngùi như vừa nói một câu giã từ trong buổi tiễn đưa nào đó. Hiệp không hỏi gì thêm, anh khum tay mồi thuốc nhả khói thơm đầy chỗ hai người.

Khi cơn mưa dứt, ra khỏi hốc đá tôi cũng bị ướt chút ít ở mặt và cảm thấy mắt mình cay không duyên cớ. Tôi bước hụt hẫng trên nền cát ẩm ướt để tới chân con dốc đưa lên chỗ đậu xe. Nhìn Hiệp lẹ làng trên con dốc đứng tôi nghĩ giá anh đưa tôi lên thì chắc là sẽ tới đích một cách mau chóng. Nhưng tôi phải leo một mình, khá chật vật vì đường trơn sau cơn mưa.


Phạm Quang Phước       

(Trích từ giai phẩm VĂN số tháng mười 1973)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét