Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

HAI CON MẮT - Khái Hưng

 

Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già lẫn - tuy ông Cửu năm nay chưa đầy sáu mươi. Bệnh như không tăng mà cũng không lui. Đêm nào cũng vậy, cứ vào khoảng một, hai giờ khuya, ông Cửu lại ú ớ kêu la cầu cứu, khiến con cháu ông đều thức dậy, chạy cả đến bên giường. Vừa thở hổn hển, ông vừa thuật lại giấc mơ dữ dội: hai con mắt hiện lên ám ảnh ông, chăm chú nhìn ông, hai con mắt to như mắt hộ pháp lòng trắng dã và tròn, lòng đen đen nháy và vuông. Ông rên hư hư "ối giời ơi! Hai con mắt! Hai con mắt vuông!" Rồi cho đến sáng ông Cửu không sao ngủ được.

Một hôm ông gọi đông đủ con cháu đến bảo:

- Tao chắc đây là một việc báo thù hay một việc đòi của.

Ông Cửu như ngần ngại, sợ hãi, xấu hổ, nằm im lìm suy nghĩ, giương mắt nhìn thẳng lên đỉnh màn. Trong khi ấy, các con cháu ông yên lặng, lo lắng, kính cẩn đứng đợi. Về sau không giữ nổi, ông thở dài kể tiếp:

- Chúng mày hẳn không biết vì sao ngày nay tao có cái cơ nghiệp này, cha mẹ tao có để cho tao một đồng một chữ nào đâu. Cả người trong làng cũng vậy, thấy tao đương nghèo đói, - đói thực ấy - bỗng trở nên giàu có, làm nhà làm cửa, tậu vườn tậu ruộng thì họ cũng đoán và đồn rằng tao được của, thế thôi, chứ sự thực thì tao chưa hé ra với ai một lời nào. Nhưng sự thực thì chính tao được của. Ngày xưa, tao nghèo lắm, thường đi gánh thuốc lào thuê cho người hoặc làm bất cứ công việc gì để kiếm một ngày hai bữa cơm và vài tiền quý, có khi giời làm đói kém, chỉ được một ngày hai bữa cơm thôi cũng đã là may lắm rồi.

"Một hôm tao đào móng nhà cho ông chánh Thà. Lúc ấy về chiều tối, ai nấy đã nghỉ tay, sắp sửa ăn cơm. Nhưng tao còn đào chơi vài nhát thuổng nữa. Có lẽ giời xui khiến ra thế, vì có ai bắt mình làm đâu! Mà nào mình có làm việc cho mình cho cam!

"Bỗng giữa những tiếng giục giã: "Ra ăn rỗi, anh Niệm!" tao thấy chối tay và nghe thấy một tiếng cạch: lưỡi thuổng của tao vừa xiên xuống một vật rắn chắc như thành một cái tiểu sành vậy. Tao cúi xuống bới nhìn thì đó là một cái vật nhỏ đậy nắp mà nắp lại trát gắn bùn rất cẩn thận. Tao đồ rằng trong đó có vật quí nên lấp lại điềm nhiên đi ăn cơm với mọi người.

Đêm hôm ấy tao xin ngủ lại chỗ xưởng làm như thể là một sự rất thường mình vẫn ở làm thuê cho ông chánh, có khi trong luôn dăm ba bữa nửa tháng không về qua nhà. Tao chờ đêm khuya vắng đến chỗ móng đào bới đất moi lên được một cái vại chỉ bằng cái vại nén cà nhỏ ấy thôi. Nhưng mà tao bê thấy nặng quá. Nền nhà mới dựng vào một khu vườn rong: ông chánh Thà giàu lắm, đất ở thênh thang có tới vài mẫu. Tao đem cái vại của tao tới bụi chuối rậm, rồi mở nắp lấy hết những vật ở trong, gói vào rẻ rách giấu đi. Tao cũng không biết đó là những vật gì. Mãi hôm sau đem về mới biết là vàng, toàn những vàng thoi..."

Ông Cửu ngừng kể. Các con cháu vẫn im lặng đứng chờ, vì chưa thấy có liên lạc giữa hai con mắt vuông, với cái vại vàng chôn. Sau một lúc lâu, ông Cửu lại nói:

"Vậy tao chắc nay... nó đòi của. Nó theo tao, nó đòi của. Hai con mắt nó hiện ra, kia nó hiện ra kia - hai con mắt nó về để báo cho tao biết... để báo cho tao biết rằng tao đã đến ngày tận số"

Ông Cửu nghẹn ngào như bị hai bàn tay vô hình bóp cổ. Người con cả ông an ủi.

- Thưa thầy, thầy được của là giời cho thầy. Của ấy là của giời. Nếu là của ông cha ông chánh Thà để lại thì sao ông chánh lại không biết gì, thì sao xưa kia ông ta lại không đả động tới mà các cụ tiền nhân cũng không báo mộng báo mù gì cho ông ta hay nhất là tại sao của ấy lại không lọt vào tay ông ta. Lại điều này nữa khiến con tin chắc chắn rằng giời dành của ấy cho thầy: là tại sao thầy lại tìm thấy cái vại để vàng giữa lúc nghỉ việc? Nếu thầy đào được sớm hơn, vào buổi sáng hay buổi trưa chẳng hạn, thì có phải đã ầm ĩ lên và ông chánh đã nhận mất vàng rồi, còn đâu. Không, con dám quả quyết rằng của ấy là của giời chứ không phải là của tổ tiên ông chánh. Của giời dành cho thầy. Vì thuở xưa hay kiếp trước thầy đã tu nhân tích đức nhiều lắm.

Ông Cửu mỉm cười nhắc lại: "Thầy đã tu nhân tích đức nhiều lắm?". Ông nghĩ đến những việc ông đã làm: nào cho vay nặng lãi, nào trữ thóc gạo lại không bán làm cho giá cao lên trong khi bao nhiêu người chết đói, và ông lẩm bẩm: " Hay đó là hai con mắt của bọn ấy đến đòi mạng đến bắt mình phải đem mạng mình ra mà thế mạng". Nhưng ông nghĩ tiếp ngay - vì trong khi ốm tinh thần ông sáng suốt khác thường: "Nếu là mất của chúng thì sao hai con mắt ấy lại lạ lùng thế. Sao lòng đen lại vuông, lại to thế? Không, chắc đây là mắt thần".

Tự nhiên trong tưởng tượng của ông, một vị thần hiện ra trần truồng ngồi trên bệ gạch, một vị nữ thần miệng gắn nhựa trám và hai con mắt to thao láo lòng trắng tròn, lòng đen vuông. Rồi pho tượng biến dần biến dần, chỉ còn lại hai con mắt đăm đăm nhìn ông. Ông lại la: "Giời ơi! Hai con mắt! Hai con mắt vuông!" và lắc đầu xua tay đuổi cả con cháu ra ngoài phòng.

Mấy người con bàn nhau về căn bệnh cha. Họ đoán có tiền căn nghiệp chướng chi đây. Họ liền mời các vị cao tăng đến lập đàn ba ngày ba đêm ở sân để tụng kinh, giải ách cho cha. Đêm thứ ba, cúng chúng sinh: một nhà sư tốt giọng hát bài ca chiêu hồn để gọi linh hồn chúng sinh về nghe kinh phật, trong bọn có đủ các hạng khốn nạn, cùng khổ trong loài người.

Nào những kẻ sa cơ, lỡ bước...

Bỗng ông Cửu kêu rú lên một tiếng rồi ngất đi.

Và ông mơ thấy ông đi trên con đường nắng, chân mỏi, bụng đói. Hai bên đường lúa mọc xanh rờn, người làm việc đông đảo. Họ hát những câu ca dao mà ông cũng thuộc và những khi đi gặt hái ông thường hát.

Tới một cái miếu con ẩn trong bóng cây đa um tùm, ông dừng chân ngồi nghỉ. Một tia hy vọng vụt chiếu rọi vào mắt ông: ông vừa trông thấy kê trước cửa miếu một cái nia đầy những xu và trinh... Ông đưa mắt nhìn quanh: không một ai. Mấy nén hương cắm trên một thẻ vàng tỏa mùi thơm lạnh lẽo và càng làm tăng phần tĩnh mịch nơi miếu vắng. Ông tự nhủ thầm: "Mình chỉ việc đưa tay ra bốc một nắm bỏ túi là sẽ có cơm ăn, là sẽ không chết đói". Và ông đưa tay ra thực. Nhưng ông lại rụt tay lại, tưởng như có ai ghé mắt đâu đó đứng nhìn. Ông nghĩ đến câu chuyện Mường, chuyện Thổ, những chuyện ma xó giữ nhà: mình vào nhà lấy trộm vật gì trong khi chủ đi vắng; con ma sẽ đọc tên vật ấy lên rồi nó theo dõi mình mà bóp cổ cho mình chết. Tự nhiên, ông rùng rợn, dựng tóc gáy, vội vã bỏ đi.

Đi được một quãng, ông lại quay về cái nia tiền. Ông định bụng cứ lấy một ít đi ăn cơm rồi chết thì chết cũng cam lòng. Chết còn hơn đói. Giữa lúc ấy một người đi đến. Ông sợ hãi nấp vào sau gốc đa. Người kia thản nhiên qua miếu, và ông nghe thấy hắn ném vào nia một đồng trinh. Chờ cho hắn đi khỏi, ông lại nhô ra, đến bên cái nia, đăm đăm nhìn. Nhưng vẫn không sao dám nhặt vài đồng trong nia tiền... của thánh. "Của thánh... lấy, tội chết, thánh quật chết!" Ông Cửu Niệm thì thầm. Rồi quả quyết đi thẳng.

Một quãng xa, ông gặp trên con đường rẽ vào một cái chợ đương họp, một chị ăn mày ngồi phục bên một cái rổ, một cái gậy, và ngước mắt trắng đục nhìn trời, miệng kêu than như ca hát: "Con người thì có, con mắt thì không...". Trong rổ có hai đồng trinh. Mắt ông Cửu như dán vào đó. Ông đứng im một hồi lâu, tai như lắng nghe câu van lơn của người ăn mày. Nhưng sự thực ông đương nghĩ thầm: "Nó mù! Nó mù! Nó không trông thấy mình.. Quanh đây không một ai.." Và ông cúi xuống, lẳng lặng cúi xuống, rón rén nhặt hai đồng trinh thu vào trong bọc.

Rồi ông hấp tấp chạy, như sợ người mù đuổi theo. Ông vào chợ mua bát cơm đầy, ăn ngốn ngấu. Ăn xong, ông quay về con đường cũ. Qua đầu đường, ông vẫn thấy người ăn xin ngồi nguyên chỗ, và trong rổ của nó hai đồng trinh vẫn còn. Ông mừng thầm tự nhủ: "Thì ra mình mơ thấy mình lấy hai đồng trinh của nó. Kỳ thực mình có lấy đâu?"

Tới miếu cũ, ông ngắm lại cái nia. Lạ lùng chưa! Bao nhiêu trinh trong nia đã sắp thành từng đôi một. Và chỉ trong một giây biến thành những cặp mắt. Những cặp mắt ấy to mãi ra, to mãi ra và trừng trừng nhìn thẳng vào mắt ông, những cặp mắt lòng trắng tròn, lòng đen vuông. Cùng một lúc, tiếng ăn mày cất lên tứ phía, giọng nghe thê thảm: "Lạy ông lạy bà, ông bà thương con, con người thì có, con mắt thì không". Rồi bao nhiêu cặp mắt vuông bay tới tấp vây chặt lấy ông Cửu...

Ông kêu thét lên: "Giời ơi! Hai con mắt vuông!" Rồi ông tỉnh mộng.

Ngoài sân, tiếng nhà sư đọc bài chiêu hồn chúng sinh giọng trầm bổng như kẻ ăn mày kêu đường. Ông Cửu thở hổn hển, rồi lại ngất đi.

Sáng hôm sau, ông gọi các con đến dối dăng:

- Cha nhiều tội lắm. Cha ở ác với rất nhiều người, nhưng với hai con mắt... với hai con mắt vuông ấy thì cha chết mất. Đó là hai con mắt thịt, hai con mắt trần, chứ không phải mắt thần, mắt thánh nào cả như cha vẫn tưởng nhầm. Ngày ấy... đã lâu lắm... Nhưng mà thôi, đã có các con chuộc tội cho cha. Ngay hôm nay các con rao mõ rằng luôn năm hôm cha phát chẩn cho những người đói khó trong khắp vùng này. Mỗi người các con cho một bát gạo với hai đồng trinh. Hai đồng trinh, các con nhớ chưa? Đó là cha trả nợ, còn bát gạo là cha trả lãi.

Chiều hôm ấy, ông Cửu nghe tiếng mõ rao, và biết rằng các con ông sẽ làm theo lời ông dối lại. Ông sung sướng mỉm cười trong giấc ngủ cuối cùng. Ông chắc chắn sẽ thoát khỏi sức áp bách, sức thôi miên của hai con mắt vuông.

Xuân 1940
 KHÁI HƯNG       

(Rút từ tập truyện ngắn Cái Ve. Nxb Đời nay, 1944.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét