Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

CÁI ĐẦU LÂU - Thế Lữ

 

Chiều hôm đó, tôi ngồi chơi với Ngô Đàm trong phòng sách của anh ta. Sau một hồi chuyện phiếm, bạn tôi lấy ra một cái hộp gỗ trắng đem khoe tôi :

- Tôi mới mua được cái này hay lắm.

- Cái gì?

- Rồi anh sẽ biết.

Nắp hộp mở, anh lấy ra một cái đầu lâu lớn, nương nhẹ đặt lên bàn, rồi nhìn tôi mỉm cười. Tôi hỏi :

- Anh mua vật này làm gì?

Đàm không trả lời ngay, lim dim mắt, gạt tàn thuốc lá và thong thả nói :

- Cái đầu lâu là biểu hiện sự chết, là một vật mà các nhà hiền triết hoặc tu hành bên Âu châu thường bày trước mặt, bên những chồng sách đầy bụi bám để suy nghiệm về những lẽ huyền bí của "đời sau". Đối với một nhà thông thái thì đó là một vật khảo cứu cũng như viên đá lạ, một chất hóa học hay một ống cấy vi trùng. Tôi không phải là nhà hiền triết, không phải là nhà tu hành hay nhà thông thái, nên cái đầu lâu đối với tôi là một thứ bài trí ghê gớm, một thứ đồ... "mỹ thuật" của người hiếu kỳ như tôi. Nhưng có lẽ trong những lúc đọc sách ở nơi tĩnh mịch này, trong những khi suy xét về những điều bí hiểm của sự chết, của đời người, thứ đồ "bài trí" kia sẽ là một vật kích thích cho trí tưởng tượng của tôi... Biết đâu bạn anh sẽ chẳng là một nhà tư tưởng trầm mặc như nhà hiền triết, nhà tu hành?

Câu nói văn hoa, nửa nghiêm trang, nửa đùa cợt của Đàm khiến tôi hơi ngạc nhiên, nhìn bạn.

Bỗng cửa phòng bật mở, một người thiếu niên mặc Âu phục bước vào, chưa kịp nói gì đã trông thấy cái đầu lâu, rồi đứng đực ra đó. Đàm hỏi :

- Kìa, anh Chung, sao hôm nay trông kỳ khôi thế?

Lúc ấy, Chung mới ngoảnh lại sẽ gật đầu chào tôi, rồi lại trân trân nhìn cái đầu lâu trên bàn, mãi mới nói :

- Ồ anh Đàm! Anh cũng có cái này ư?

- "Cũng có?" Thế ra tôi không thể có một cái đầu lâu được sao?

- Ồ, thế anh không thấy gì lạ chứ? Anh không thấy gì ư?

Chung ngồi xuống, đưa tay vuốt tóc, mặt hãy còn vẻ lo lắng, nhìn hết tôi đến Đàm rồi đến cái đầu lâu. Anh nói :

- Sao lại có sự ngẫu nhiên lạ thường đến thế? Tôi đến đây cũng định thuật cho anh nghe về cái đầu lâu ở nhà tôi... thì lại gặp ngay chính vật này... Chính cái đầu lâu này. Tôi đã tưởng nó đang ở nhà tôi biến lại đây, nên tôi mới sửng sốt đến thế. Để tôi kể đầu đuôi câu chuyện các anh nghe.

Chung lấy chén nước uống cạn một hơi, lóng cóng châm điếu thuốc lá rồi nói tiếp :

- "Trước kia tôi vẫn ở trên Hàng Bông như anh đã biết. Nhưng cách đây nửa tháng, anh Lịch là người học trường Mỹ thuật mới ra năm nay, tìm được một cái nhà ngói ở ngoại ô để làm phòng vẽ. Nhà ấy một tầng chia làm hai căn rộng. Lịch ở một căn còn một căn gọi anh Thao học năm thứ hai trường thuốc với tôi đến ở cho vui và chịu đỡ Lịch ít tiền thuê nhà.

Chỗ này ở xa thành phố, chung quanh toàn bãi cỏ, một mặt ngoảnh ra phía đường cái. Ở chỗ yên tĩnh như thế để học hành, lại rẻ tiền nhà, mà có hai người bạn cùng nhã nhặn tử tế cả thì còn gì dễ chịu hơn. Tôi không bao giờ phàn nàn nếu trưa hôm kia anh Thao không có cái ý kiến kỳ quặc đem về nhà một cái đầu lâu.

Đầu lâu thì tôi không lạ gì. Hồi còn học trường Bưởi, tôi đã được trông thấy nhiều lần ở phòng thí nghiệm. Nhưng cái mà anh Thao lấy ở nhà thương về lại là của một tên tù mới chết, trông còn mới, trắng hơn cái này nhiều, mà xương chưa được khô lắm. Thao xem ra quý hóa cái vật quái gở ấy lắm. Tôi thì không. Tôi thoạt trông thấy nó bỗng ghê rợn cả người... Có lẽ vì tôi thoáng nghĩ đến cảnh hiu quạnh chung quanh nhà của chúng tôi, hay có lẽ tôi vừa mới đọc xong những truyện linh hồn hiển hiện anh cho mượn ngày trước... Cái đầu lâu đặt trên bàn học anh Thao kê gần cửa sổ lúc nào cũng như chăm chú nhìn tôi bằng hai con mắt đen và rỗng, mà hai hàm răng thì nhe ra một cách chế giễu độc địa. Tôi có cái cảm giác khó chịu hình như "nó" biết cả những điều tôi nghĩ thầm. Tôi sinh ác cảm với "nó" và chắc hẳn "nó" cũng không ưa gì tôi. Cái vật trơ trơ kia không ngờ lại làm tôi băn khoăn đến thế. Tôi lấy đủ các nhẽ để tự nhủ mình cũng không xong, mà nỗi lo ngại của tôi mỗi lúc một thêm nặng nề như đè nén mãi lòng mình.

Tối hôm ấy, thấy bứt rứt trong người, để Thao ngồi học một mình, tôi đi nằm trước. Anh Lịch ở phòng bên cạnh vào nói mấy câu chuyện rồi lại ra ngay. Tôi nằm đó chừng đến hơn một giờ đồng hồ mới ngủ đi được. Nhưng cả trong giấc ngủ, tôi vẫn bị cái đầu lâu kia ám ảnh hoài. Tôi nằm mơ toàn thấy những đầu lâu với xương người, hay những cái ghê sợ hơn thế. Một lần tôi hốt hoảng thức dậy thì ngọn đèn cầy trên bàn học anh Thao đã tắt, trong nhà tối đen như bưng lấy mắt, bên ngoài cũng vậy, vì tôi cố tìm cái cửa sổ chấn song sắt cũng không trông thấy đâu. Bên cạnh tôi anh Thao chừng đã ngủ say, tiếng thở đều và thong thả. Thỉnh thoảng một tiếng ngáy ở buồng anh Lịch lại đưa sang. Mọi vật quanh nhà đều im lìm. Không một tiếng lá bay, không một hơi gió thoảng. Tôi muốn quên mà không thể quên cái đầu lâu kia được. Tôi thấy hình như nó có tri giác, nó "vẫn còn thức" và trong bóng tối, đang nhăn răng tráo mắt nhìn sự kinh khiếp của tôi.

Bỗng nhiên tôi thấy lạnh tái người đi. Từ phía bàn giấy anh Thao, tôi chợt nghe thấy những tiếng ken két như hai hàm răng nghiến vào nhau. Tiếng ấy nghe mỗi lúc một rõ dần, mà lâu đến gần một phút. Trước tôi còn muốn tin là tiếng anh Thao nghiến răng trong mơ. Nhưng Thao nằm bên cạnh tôi, mà tiếng kia thì rõ ràng ở bàn giấy đưa lại. Tiếng nghiến răng vẫn không dứt, nghe ra giận dữ và ghê gớm hơn lên... Tôi vội nắm lấy cánh tay anh Thao, hết sức lay. Thao thức dậy hỏi thì tiếng nghiến răng lại ngừng bặt. Tôi ghé tai Thao nói rất nhỏ :

- Này Thao ạ, tôi vừa thấy một việc lạ quá!

- Ở đâu?

- Ở cái đầu lâu.

- Có lẽ nào?

- Cứ để yên mà nghe.

Rồi chúng tôi không nói gì thêm, lắng tai nghe ngóng một lúc thì lại thấy như trước, tiếng nghiến răng cứ trước nhỏ, sau to dần. Thao liền đứng phắt lên, chạy lại bàn đánh diêm thắp đèn: cái đầu lâu vẫn nguyên chỗ cũ, nhưng lúc ấy ngoảnh mặt nhìn về phía giường tôi nằm.

Chúng tôi nhìn khắp nhà một lượt. Không có gì lạ. Cửa sang phòng anh Lịch vẫn đóng kín. Của sổ tuy không có cánh, nhưng có chấn song sắt, mà cái bàn giấy của Thao kê xa đó những năm sáu bước, áp vào bức tường đối diện với giường của chúng tôi.

Thao bảo tôi rằng những tiếng vừa rồi là tiếng chuột gặm, nhưng chính anh cũng biết nhà chúng tôi không có qua một con chuột nào. Và cái tiếng lúc nãy nghe to, nghe rõ một cách khác thường lắm.

Thao thấy tôi lo ngại cũng không bình tĩnh được, nhưng anh cố tìm lời an ủi tôi.

Chúng tôi để đèn rất lâu chờ xem, song không thấy gì. Nhưng khi tắt đèn lên giường nằm chưa đầy nửa giờ, thì cái tiếng nghiến răng lúc nãy lại bắt đầu, mà lần này thêm dữ dội.

Lúc ấy, cây đèn để ngay cạnh giường ngủ. Tôi chập ba que diêm làm một bật lên thắp. Trông sang bàn giấy thì cái đầu lâu đang lắc lư như thằng phỗng nhựa của trẻ con chơi!

Ngô Đàm bỗng phì cười lên thì Chung có ý không bằng lòng.

Quả thế, cái đầu lâu cứ nhăn nhở, lắc lư đến nửa phút. Mà chả có gì đáng cười hết. Chính anh Thao là người không sợ gì cả, lúc ấy cũng phải kinh ngạc mà nhìn tôi.

Suốt đêm ấy, chúng tôi không ngủ, cứ để đèn ngồi rình thì lại không thấy xảy ra việc gì nữa.

Sáng hôm sau (tức là hôm qua) chúng tôi nói chuyện ấy cho anh Lịch nghe thì anh cũng không tin. Sau thấy tôi nhất định nài anh Thao đem cái đầu lâu vứt đi, Lịch mới cho là chuyện có thực. Nhưng anh nói :

- Đã thế thì để đêm nay tôi cũng rình xem, rồi có thế nào vứt đi cũng không muộn.

Thì đêm qua cũng lại giống đêm trước. Cứ tắt đèn được một lúc lại thấy cái đầu lâu nghiến răng ken két mà thắp đèn lên lại thôi.

Tôi nhân đọc các sách anh cho mượn và gần đây lại được đọc một đoạn dật sử về hồi đại cách mệnh Pháp, thấy kể chuyện những thủ cấp sau ba, bốn giờ vẫn còn sống được, nên tôi càng cho việc cái đầu lâu kia nghiến răng là một việc phi thường. Bây giờ thì tôi tò mò hơn là khiếp sợ. Tôi bảo Thao cứ để yên cái đầu đấy và đến rủ anh ngủ ở nhà chúng tôi một tối xem. Tôi vẫn biết anh hay để ý đến những thứ chuyện kỳ dị này lắm".

Ngô Đàm vui lòng nhận lời. Tôi cũng ngỏ ý muốn đi với anh ta một thể và cùng hẹn đến tối sẽ có mặt ở nhà anh Chung.

Lúc Chung ra khỏi, Đàm xoa tay mỉm cười một mình. Tôi hỏi ý anh về chuyện vừa rồi ra sao, thì Đàm chỉ nhún vai, nói :

- Tôi sợ không gặp được cái ly kỳ như anh Chung nói, không khéo lại chỉ là một câu chuyện buồn cười thôi. Nhưng dẫu sao, ta cứ đi xem, không biết đâu mà nói trước được.

Bảy giờ rưỡi hôm ấy chúng tôi đến nhà thì các anh Thao, Chung và Lịch đang ăn cơm ở phòng vẽ của Lịch. Đàm đứng xem mấy bức vẽ than của Lịch được chừng năm phút thì các anh ăn xong. Chúng tôi sang cả phòng bên kia nói chuyện.

Trước hết, Đàm đi lại bên bàn cầm cái đầu lâu ngắm nghía mãi. Mặt anh có vẻ nghiêm trang như nhà thông thái đang khảo cứu, nhưng đôi mắt tươi cười một cách hóm hỉnh. Bỗng anh quay lại hỏi Lịch :

- Anh có thấy gì lạ ở cái đầu lâu này không?

- Không.

- Giá lúc anh cầm nó lên xem, anh chú ý chút nữa, thì thấy bốn chiếc răng trong cùng hà gần một nửa.

Lịch ngạc nhiên hỏi :

- Nhưng sao anh lại biết tôi đã cầm lên xem?

- Có gì là lạ. Anh cầm lên xem cẩn thận lắm, nhưng lúc chực bỏ cái quai hàm dưới ra để xem bộ răng thì trượt tay suýt đánh rơi xuống bàn. Có phải không?

- Phải. Nhưng sao anh biết?

- Tôi thường đọc sách của Conan Doyle, nên cũng tập được một đôi chút tỉ mỉ. Những vết đen này là bởi than vẽ ở ngón tay anh ra... Chỉ cần để ý một chút cũng thấy được. Anh đang vẽ ở phòng ngoài chắc chợt nghĩ đến cái đầu lâu, nên vào xem thử chứ gì?

Rồi Đàm đi khắp gian nhà, cúi nhìn các chân tường một cách cẩn thận như người đi tìm một vật quý đánh rơi. Anh lại nhờ Lịch cầm đèn ở phòng bên sang, còn tự anh cũng cầm cây đèn bên cạnh cái đầu lâu, và bảo dẫn đi xem chung quanh nhà.

Bên ngoài tối như mực. Trên trời mây ám không có một ánh sao nào. Ngoài một hàng dóc rào mau, xa xa thấy một đám sáng chiếu lên: đó là thành phố Hà Nội. Sau một cuộc tìm xét rất kỹ càng, nhưng rất vô ích, Đàm đạo mạo như một nhà trinh thám, bước vào trong nhà rồi xoa hai tay vào với nhau. Thốt nhiên, như sực nghĩ ra điều gì, anh nói :

- Tôi khờ quá, không đem cái đèn bấm ở nhà tôi lại.

Thao nói :

- Hay để tôi lên phố mượn?

- Anh chắc có mượn được không. Thôi để tôi về nhà lấy vậy. Phiền thực, nhưng thế chắc chắn hơn.

Lúc Đàm trở lại thì đã gần mười một giờ: anh đi nửa đường thì xe đạp nổ bánh.

Chúng tôi để sẵn diêm với đèn gần tầm tay. Cái đèn bấm Đàm trao cho Chung, còn anh ta thì ngồi ở một cái ghế thấp bên cạnh cửa sang phòng anh Lịch. Trước khi tắt đèn, Đàm dặn chúng tôi không ai được làm gì, nếu không có lời anh ấy bảo.

Đèn tắt. Bóng tối dầy đặc trong nhà. Tôi đưa tay lên tận mắt cũng không trông thấy. Thao với Lịch nằm sát vách, còn Chung và tôi thì ngồi ở mép giường. Không ai nói qua một lời. Tôi nghe hơi thở của Chung thì biết anh ta hồi hộp lắm.

Cái lo ngại dần dần ám đến. Mà sự yên lặng ở gian phòng có nhiều người này lại càng có vẻ khác thường. Chúng tôi cùng hết sức lắng tai, tiếng đồng hồ đeo ở tay anh Lịch nghe rõ mồn một. Tôi đếm tiếng tích tắc để biết thời giờ, nhưng mãi cũng sinh chán, và trong lòng lúc ấy thấy nôn nao một cách lạ. Tâm linh hình như bị kích thích và hình như báo cho tôi biết trước có một điều ghê gớm sắp xảy ra...

Có lẽ chúng tôi ngồi đó đã ngót một giờ, có lẽ lâu hơn nữa; mà tịnh không thấy một tiếng động nào hết. Hai anh Thao và Lịch chừng như đã ngủ, tôi đưa tay định xem họ còn thức không thì bỗng Chung nắm chặt lấy cánh tay tôi, nói khẽ quá đến nỗi tôi phải đoán ra chứ không nghe rõ :

- Im! Nghe!

Tôi chú ý nghe thì quả nhiên thấy có tiếng ken két nghiến răng thực. Lúc ấy tôi mới hiểu cái khiếp sợ của Chung. Lúc ấy tôi mới thấy rõ ràng cái ghê rợn của người gặp ma quái. Tay Chung vẫn nắm chặt lấy cánh tay tôi, nhưng hơi run run. Còn tôi thì cứ muốn quát to lên, quát rất lớn để phá tan cái yên lặng ghê gớm lúc đó.

Thấy hơi nóng ở sau gáy, tôi biết hai anh Thao và Lịch đã ngồi dậy. Tôi tráo mắt nhìn bóng tối đen đặc và mỗi lúc tưởng thấy hình thù dị thường hiện lên.

Tiếng nghiến răng càng lâu càng rõ thêm. Thỉnh thoảng ngừng lại một giây rồi lại nghiến nữa. Đàm ngồi trên chiếc ghế gần đó có lẽ cũng sinh nát đảm: chúng tôi không trông thấy anh, mà đợi mãi cũng không thấy anh bảo sao.

Hốt nhiên, từ phía đầu lâu, một tiếng quái gở gào lên trong những tiếng cười nghe sởn tóc gáy. Mọi người đều vùng dậy, tôi không đợi anh Đàm nữa, vớ lấy diêm đánh, mà Chung cũng bật đèn bấm lên.

Cái đầu lâu lắc lư như điên cuồng, và ngay cạnh đấy, một vật đen ngòm đang giẫy giụa. Mắt chúng tôi khi đã đỡ chói thì nhận ra đó là một con mèo đen bị giữ trong tay Đàm.

Đàm lúc ấy, tay thì giữ mèo trên bàn, nhưng người thì ở dưới gầm bàn. Anh cả cười lách chui ra, vừa gặp lúc chúng tôi ồ cả lại. Con mèo giương mắt kinh hãi nhìn chúng tôi. Một con mèo to, đen, mà gầy, lông mọc xờ xạc không đều và không mượt.

- Đấy (lời Đàm nói) cái quái dị mấy hôm chỉ là ở con vật đói khốn nạn này mà ra cả. Các anh nên nhớ rằng cái đầu lâu vô tri giác kia còn mới, mới luộc xong, vẫn còn hơi thịt... Từ lúc anh Chung mới kể chuyện, tôi đã ngờ thế... Đến lúc xem lại cái đầu lâu với cái cửa sổ không có cánh này, thì tôi đã hơi chắc. Mà bây giờ thì đã nắm được, hì! Đã nắm được "điều huyền bí" ở trong tay.

Sự lo sợ của chúng tôi bấy giờ lại đổi ra sự kinh ngạc. Vì có ngờ đâu câu chuyện kỳ quái ấy chỉ gây nên bởi một con mèo.

Khi Đàm với tôi ra về, bạn tôi cười bảo tôi :

- Tôi đã sợ ngay từ lúc còn ở nhà kia, sợ rằng chỉ gặp chuyện buồn cười thôi, chứ cái "phi thường" là một sự hiếm có lắm. Giá hôm nay đi với anh Nhị Linh thì câu chuyện này sẽ là câu chuyện khôi hài, mà tên chuyện sẽ là "chuyện con mèo". Nhưng lại đi với anh... chắc anh lại xoay nó ra thành chuyện ghê sợ". 

 
THẾ LỮ       
 
(Trích từ tập truyện ngắn Bên Đường Thiên Lôi)
 

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

NHỮNG NGÀY MỚI - Thạch Lam

 

Những bông lúa vàng mới cắt xong đều xếp rải rác từng hàng trên bờ ruộng, trong đám cỏ xanh mọc dầy. Mỗi khi gặt được vài lượm lúa người thợ hái ôm sát bó lúa thơm vào người, đem ra xếp vào chỗ lúa trước. Rồi họ lại trở vào ruộng, đứng theo hàng những người bạn gặt. Tiếng hái đưa vào gốc lúa xoàn xoạt như tiếng trâu bò ăn cỏ.

Chăm chú vào công việc làm, Tân không để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Chàng cũng không thấy mệt nữa, tuy ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, và mồ hôi từng giọt rỏ ở trên trán xuống. Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu. Tân lại cố hết sức gặt, chỉ lo không theo kịp hàng những người thợ khác.

Buổi sáng khi Tân ngỏ ý cầm hái xuống gặt, bọn thợ hái chàng mượn đã mấy hôm nay đều trông chàng mà cười. Một cô gái trong bọn, cặp mắt đen nhí nhảnh dưới vành khăn vuông che kín đầu, nói đùa:

- Ông để mặc chúng tôi, bộ ông thế kia thì gặt được độ ba nẹn lúa.

Mọi người vui vẻ cười làm Tân cũng cười theo.

Người già nhất trong bọn, một ông cụ râu tóc đã bạc, nhưng da xém đen và khỏe mạnh, lẳng lặng đem một cây hái ra mài trên bờ ruộng. Khi mọi người sửa soạn xong, ông cụ đưa cho Tân cây hái, lưỡi sáng loáng nói:

- Lưỡi sắc thế này thì cắt cứ ngọt như cắt cỏ.

Cắt được mấy lượm lúa, Tân thấy cánh tay mỏi rã rời. Chàng tưởng không thể nào gặt được nữa. Tuy vậy, cố hết sức chàng cũng chưa theo kịp bọn thợ gặt. Nhưng được vài bước, Tân lại phải dừng lại để thở. Chàng nhận thấy cô gái ban nãy, tuy tay đưa hái thoăn thoắt nhưng vẫn để ý nhìn chàng. Còn ông cụ già cứ điềm đạm gặt, bên cạnh ông ta, những bông lúa đã xếp thành đống. Tân lại cúi xuống làm việc. Dần dần mềm dẻo, Tân thấy dễ chịu. Chàng luôn đưa lưỡi hái, vui vẻ khi thấy những bông lúa chắc, vàng ngả sát vào người. Tân thấy tâm hồn khoan khoái như không bận một ý nghĩ gì.

Từ bờ ruộng đằng xa đi lại, một người đàn bà gánh hai gánh đầy. Ông cụ già thẳng người đứng lên nói vơi các bạn gặt:

- Thôi, hãy nghỉ tay ăn quà đi.

Tân cũng ngừng tay lại. Chàng đương thích làm việc, nói: "Đã nghỉ rồi cơ à? Sao chóng thế". Chàng quên rằng bọn thợ đã gặt luôn bốn giờ đồng hồ chưa nghỉ, họ làm việc từ buổi sáng sớm, trong lúc chàng còn ngủ.

Bọn thợ gặt tìm chỗ có bóng mát ở chân đồi nghỉ. Chung quanh đấy, ở các ruộng khác, những thợ hái cũng đều nghỉ cả, mỗi người chọn một chỗ dưới gốc cây, tay cầm bát cơm nếp ăn rất ngon lành. Đấy là bữa quà buổi trưa, vì sáng sớm trước khi ra đồng, người nào cũng ăn cơm cả rồi.

Mấy người thợ Tân mượn nhìn chàng ra dáng cám ơn lắm vì Tân rộng rãi, bữa cơm sáng đã cho họ ăn một ít cá vụn mà em chàng mua của bọn đánh dậm. Đến lúc đổi đồng, chàng lại cho phép họ được đem lúa đổi lấy một ít chả để ăn với xôi và bao diêm, gói thuốc cho mọi người. Bởi vậy, họ rất sung sướng vì ngày công tám xu của họ còn nguyên không phải tiêu dùng đến.

Thấy Tân dễ dãi vui tính, họ cũng vui vẻ trò chuyện trước mặt chàng, không còn ngượng nghịu hay giữ gìn gì nữa. Ông cụ già gọi chàng đến bên cạnh mời hút thuốc lào và uống nước. Cụ rót trong cái vò sành ra một bát nước đỏ thẫm ra đưa cho Tân:

- Cậu thử uống bát nụ vối này mà xem. Không có thứ nước nào ngon hơn nữa.

Thật đúng như vậy, Tân chưa uống bát nước nào ngon hơn bát nước vối của ông cụ. Chàng nghĩ đến khi còn ở Hà Nội, uống rượu bia và nước chanh ngâm đá, nhưng chưa thấy bao giờ khoan khoái như bây giờ.

Ăn xong, trên ven đồi, bọn thợ gặt nằm dài trên cỏ ngủ. Các thợ đàn bà họp nhau lại một chỗ ăn trầu và nói chuyện mùa màng còn ông cụ thì loay hoay buộc lại mấy cái hái để dùng đến buổi gặt chiều.

Cánh đồng lúa chín lóe vàng dưới mặt trời buổi trưa. Từng chỗ, ở thửa ruộng nào đã gặt rồi, gốc rạ lấp lánh như dát bạc. Phía xa, làng mạc ở chân trời rung động trong ánh nắng.

Tân nằm trên thảm cỏ, nhìn lên. Qua khe lá lung lay, chàng thấy trời xanh trong và mát. Mùi cỏ và mùi lúa thơm bốc lên xung quanh, Tân cảm thấy cái sung sướng của một người làm xong công việc. Chàng thấy vui vẻ, một mối tình nảy nở giữa tâm hồn Tân với những người thợ gặt giản dị và mộc mạc chung quanh chàng.

Họ làm việc xong cũng vui vẻ, sung sướng tuy những lúa gặt không phải là của họ. Tân cũng vậy, chàng biết rằng những bó lúa kia đem bán đi thì có lẽ không đủ tiền trả công người làm. Song những bông lúa ấy đối với Tân quý lắm và như có một ý nghĩa thiêng liêng, đấy là kết quả của cả một năm làm lụng khó nhọc và vất vả.

Tân nhìn xuống đồi, ngắm nghía những dải mây trắng lững thững ở phía xa. Từ khi trở về quê, chàng quen nhìn xét những đám mây mà trước kia ở tỉnh chàng không bao giờ để ý đến. Tân nhớ lại tất cả quãng đời niên thiếu của mình đã qua ở tỉnh thành. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, cha mẹ chàng đã gởi chàng ở nhà ông chú làm việc trên Hà Nội. Nhà chàng cũng không lấy gì làm giàu có, nhưng cũng vào bậc nhất nhì trong làng. Quanh năm cày cấy mươi mẫu ruộng ở ven đồi và chăm bón mấy nương chè, sắn, cũng thừa đủ chi dụng trong nhà.

Cũng như tất cả những nhà giàu khác ở trong làng, cái hy vọng của cha mẹ Tân là cho chàng đi học để trở nên thầy thông hay thầy ký... Mà lúc bấy giờ, chí nguyện của Tân cũng chỉ có thế, chàng hết sức chăm học nên năm mười tám tuổi đã đạt được cái hy vọng của gia đình.

Tân mỉm cười khi nghỉ đến cái tâm trạng của mình lúc mới đi làm; nghĩ đến cái anh chàng lúc nào cũng ăn bận chải chuốt như một cô gái, lúc nào cũng nghĩ đến cái quan trọng của mình. Hình như mỗi cử chỉ của thầy ký trẻ tuổi đều có ảnh hưởng đến mọi người.

Khi có nạn kinh tế, chàng mất việc. Cái chán nản của Tân và của cha mẹ chàng lúc bấy giờ thực đến cực điểm. Cha chàng buồn rầu từ trần. Còn chàng cứ lang thang ở Hà Nội mấy tháng trời, sống cái đời vất vưởng của anh thất nghiệp. Chàng đã biết cái thất vọng của những lúc đợi chờ, cái khổ sở của những đêm không có chỗ trọ, vì trong lúc ấy ở nhà quê có mình bà mẹ trông nom ruộng nương không xuể, và giá thóc rẻ hơn, nên không có tiền gửi cho chàng.

Nhưng một hôm rét mướt, một ý nghĩ bỗng nảy ra trong trí, nếu ở đây không đủ sống, tại sao không trở về quê sống cái đời giản dị của người làm ruộng?

Thế là hôm sau, Tân xách khăn gói về. Rồi từ đấy chàng hoàn toàn là một người nhà quê dễ dãi. Mới đầu Tân cũng thấy nhiều sự thiếu thốn khổ sở. Nhưng dần dần chàng nghiệm ra rằng những cái thiếu thốn đó, không phải là những cái cần dùng cho cuộc đời, mà là những cái thừa. Sự cần dùng là ăn với mặc, chàng đã có đủ. Dần dần chàng mới thấy cái đời chàng sống trước ở tỉnh thành là một cuộc đời phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ việc có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.

Tân tiếc hồi thủa nhỏ không sống ở thôn quê để được gần gũi với cảnh vật. Chàng thích sống bên cạnh những người nhà quê chất phác và mộc mạc. Bấy giờ chàng mới biết đến trời đất, đến thời tiết, đến sự thay đổi của mùa nọ sang mùa kia. Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng.

Tân không dửng dưng như trước với những cái chung quanh mình. Tâm hồn chàng có liên lạc và rung động cùng với cảnh vật. Chàng có cái cảm giác rằng mình sống...

Buổi chiều, thửa ruộng của Tân đã gặt xong. Cả một cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ. Bọn thợ gặt đều thu xếp liềm hái để trở về. Trên con đường vào làng, các lực điền gánh những gánh lúa vàng nặng trĩu.

Mặt trời đã xế phía bên kia đồi. Ở dưới thung lũng, sương mù lạnh trắng xóa lan ra lẫn với làn khói tỏa ở xung quanh các làng. Cỏ bên đường đi đã ướt. Về phía xa, có ngọn lửa của ai đốt trên sườn rặng núi mờ ở chân trời. Tân với bọn thợ bước đều trở về nhà, ai nấy yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của một ngày tàn. Trong cái thời khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất màu, đã nuôi hạt thóc cần cho sự sống của loài người.

Khi vào đến con đường khuất khúc trong làng, trời nhá nhem tối. Qua hàng rào cây, Tân thấy lấp lánh đèn ở sân các nhà, tiếng néo đập lúa trên cối đá, tiếng hạt thóc bắn vào nia cót như mưa rào. Đâu đâu cũng thấy tiếng cười nói vui vẻ, cảnh đêm trong làng thôn quê vẫn yên lặng âm thầm thì chiều nay hoạt động vô cùng. Mùi lúa thơm vương lại trong các bụi cây hòa lẫn với mùi đầm ấm của phân cỏ, bốc lên khắp cả.

Về đến sân nhà, mọi người ăn xong lại bắt đầu làm việc. Đàn bà vừa đập lúa vừa hát, còn bọn thợ hái ngồi quây quần bên chiếc đèn con nói chuyện. Ai cũng cười đùa tự nhiên. Họ đã tận tâm làm việc suốt ngày. Những lượm lúa vàng sẫm đem đến cho họ cái vui của ngày được mùa, cái hình ảnh của sự no ấm trong đời.

Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.

Sau khi hẹn thưởng cho bọn thợ nồi cơm nếp mới, Tân bước ra ngõ, nhìn xuống dưới đồi. Trên trời, ngàn sao lấp lánh. Gió dưới ruộng đưa lên mùi rạ ướt và hơi sương lạnh. Cả một vùng đêm rộng rãi và bình tĩnh trên cánh đồng yên lặng.

Tân chợt thấy ở chân phía trời xa, cái khoảng ánh sáng mờ của tỉnh thành Hà Nội...

Chàng sung sướng nghĩ đến những ngày đầy đủ của mình ở chốn thôn quê này. Một cuộc đời mới đương chờ đợi chàng...

 
THẠCH LAM      
 
(Trích từ tập truyện ngắn Gió Đầu Mùa) 
 
 

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

MÙA THỨ BA CỦA CÔ VẪN-NGHINH - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Dĩ nhiên đời nào có một cô gái tên kỳ cục là Vẫn-Nghinh như thế. Cũng tại vì cái anh chàng giàu óc tưởng tượng đặt ra cả. Trước đó anh chàng tha hồ tán tụng cô bằng đủ tên gọi mỹ miều... Nào là cô công chúa ngủ mơ trong rừng thẳm, nào là con chim sâu bí mật và ranh mãnh, nào là cô bé có mái tóc nhánh đen thơm hương chanh v.v... Thế mà, trong lần cãi nhau nào đó không nhớ vì lý do gì, anh chàng bực tức nói:

- Đáng lẽ tên em là Vẫn Nghinh mới đúng.

Cô đã hơi giận vì bị đặt cho một cái tên mới nghe thật trúc trắc này, nhưng cô cũng lấy giọng hiền lành hỏi:

- Tại sao?

Anh chàng hét tướng lên:

- Tại mỗi lần gặp anh, em cứ giữ cái vẻ nghinh nghinh kênh kênh hoài.

- Bộ anh dễ thương lắm sao?

- Anh lúc nào cũng nói cười vui vẻ, mỗi lần gặp em là anh vui hết lớn. Còn em thì cứ làm bộ nghiêm trang, khó khăn, nhíu mày, làm như... là chị của anh không bằng.

Vẫn-Nghinh quay mặt đi không thèm nói gì nữa. Tuy trong bụng cô thầm nghĩ có lẽ anh chàng nói đúng. Lâu nay mỗi lần gặp nhau, anh chàng lúc nào cũng cố "biểu diễn" đôi mắt nhìn cô với hết vẻ chân tình thân mật. Còn cô thì xem chàng như mấy ông anh ruột của cô thôi, cô nhìn ai cũng bằng đôi mắt láy đen long lanh nhưng bình thản tự nhiên như thường, chứ dại gì mà cho anh chàng một ánh mắt có ý nghĩa nào khác được. Anh chàng có tỏ vẻ săn sóc chiều chuộng bao nhiêu cô cũng cứ... vẫn nghinh như thường. Tha hồ cho anh chàng đem đủ trò "dụ nít", nào là "hối lộ" kem Êt-Ki-Mô, cốc dầm muối ớt, búp bê... cô cũng giữ thái độ "vẫn nghinh" cố hữu. Vì cô nghĩ đối với một anh chàng ba hoa bạt mạng như thế, cô mà bớt nghinh một chút là anh chàng được thể lên mặt liền.

Cuối cùng, anh chàng làm bộ hỏi bâng quơ vài câu cũng không thấy cô thèm trả lới. Cô biết anh chàng đang giận đau lắm nhưng ngoài mặt anh chàng vẫn làm bộ lì lợm tỉnh bơ, vứt điếu thuốc, nện gót giày cộp cộp bỏ ra về (nhưng không quên mở tủ lạnh nhà cô để tìm xem còn chén chè nào không).

Vẫn Nghinh cũng bỏ vào trong phòng, trở lại chúi đầu vào một đống bài vở. Thi với cử, thiệt là mệt. Cũng tại cái gia đình có quá nhiều ý kiến này. Đáng lẽ Vẫn Nghinh thi Tú Một kỳ đầu như đã dự định rồi, nhưng thiên hạ cứ bàn ra tán vào, anh cô khuyên nên thi kỳ hai đặc biệt cho những thí sinh ở vùng chiến nạn để được vớt điểm nhiều hơn. Nhà Vẫn Nghinh ở Huế, cô mới bỏ học chạy giặc vào Sàigòn, thành phố chi mà dễ sợ, tiếng xe cộ ầm ầm ngoài đường không ngớt vang vào tai. Ngồi trong phòng học bài, đọc lẩm nhẩm cứ mỗi đoạn là nghe một tiếng còi xe ré lên, báo hiệu... chấm xuống hàng!

Bây giờ là mùa thu, mùa thứ ba trong năm. Mùa xuân tưng bừng nhưng rất ngắn đã qua lâu rồi, mùa hè có được nghỉ ngơi gì đâu, giờ đã đến mùa thu. Đáng lã mùa thu là mùa đẹp nhất, học trò rộn rịp cắp sách trở lại trường, có bao nhiêu chuyện vui trong mùa hè vừa qua để tíu tít kể cho nhau nghe. Thầy giáo cũng thông cảm cho thói quen lơ là của đầu năm học, ai nấy vẫn còn như muốn kéo dại giấc ngủ muộn mùa hè.

Thế mà, mùa thu năm nay, trời Sáigòn chẳng có lấy một hơi lạnh mán mác nào như ở Huế, toàn là những cột đèn ba màu xanh vàng đỏ chứ đâu thấy hàng cây nào trút lá vàng.

Nãy giờ Vẫn-Nghinh bị "chia trí" khá nhiều rồi. Cô phải cố chú ý vào bài học. Trời ơi, sao mùa thu lại trúng vào mùa thi một cách dễ ghét thế. Lật một trang sách Giảng Luận Việt Văn: cụ Nguyễn Công Trứ sanh năm một ngàn... Thôi. Vẫn-Nghinh tìm thơ Lưu Trọng Lư đọc sướng hơn, mà biết đâu lại trúng đề thi như kỳ một:

Em nghe chăng mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức...

Có lẽ anh chàng "chịu đựng" không quá hai ngày. Đến ngày thứ ba, anh chàng lò dò trở lại. Lần này, anh chàng làm ra vẻ mặt mày tươi tắn như không có chuyện gì xảy ra cả, anh còn lân la hỏi chuyện học hành của Vẫn-Nghinh:

- Còn mấy hôm nữa em về Huế thi?

Vẫn-Nghinh lo lắng đếm trên đầu ngón tay rồi trả lời:

- Chưa đầy hai tuần nữa.

Anh chàng nói "lấy lòng".

- Em ráng lên. Học giỏi như em thế nào cũng đậu cao.

- Em lo quá, phải chi thi kỳ đầu cho xong. Em đọc báo thấy nói kỳ đầu đậu hơn năm mươi phần trăm. Cứ hai người thi là một người đậu.

Anh chàng trấn an:

- Em lo gì. Kỳ đặc biệt này còn dễ hơn. Cứ hai người thi là đậu đến một người... rưỡi.

Vẫn Nghinh cười:

- Anh nói chi lạ. Rứa còn một nửa người kia để mô?

- Cũng đậu vớt luôn.

Vẫn Nghinh bĩu môi quay mặt đi, tóc cô lòa xòa tung tăng trên vai áo. Cô nhớ anh chàng thường nói anh thích cô mặc áo lụa trắng trong nhà, lụa Thái Lan hay lụa nội hóa đều mềm mại và đẹp cả.

Hết chuyện học hành lài bắt sang đủ chuyện khác. Anh chàng luôn luôn gợi đủ chuyện để nói và Vẫn Nghinh cũng không thua kém gì ai về mặt này. Chỉ cần tả một buổi chiều đội mưa đi ven bờ sông Hương là cô kể cả một buổi sáng cũng chưa hết.

Sang đến chuyện xem chớp bóng, anh chàng nhắc đến phim Madly, câu truyện một mối tình tay ba, một người đàn ông đào hoa với hai người tình đến kết cuộc vẫn không tan vỡ. Anh chàng nói thật dễ ghét:

- Anh thích đoạn kết của cuốn phim này lắm. Phải chi anh được đẹp trai như Alain Delon, chiều chiều phi ngựa chở hai nàng sau lưng thì khoái biết mấy.

Vẫn Nghinh cũng đã xem phim này rồi. Cô cãi lại liền:

- Khiếp đảm. Anh ham lắm. Em thì ghét đoạn cuối đó.

- Anh thích. Đôi khi chuyện ba người vẫn được.

- Em ghét. Chuyện hai người là đủ rồi. Đáng lẽ ông đạo diễn phải sửa lại đoạn cuối: Cho "anh chàng" đó cỡi ngựa té chết đi, còn lại hai cô, mỗi cô đi mỗi ngả.

- Đâu được. Đoạn cuối êm đẹp như thế là hay rồi. Anh thích.

- Em ghét.

- Anh thích.

- Anh thích thì đứng đó mà thích một mình đi.

Nói xong, Vẫn Nghinh bỏ vào trong phòng, cánh cửa đóng mạnh một cách nặng nề. Còn lại anh chàng, đứng xớ rớ hoài không biết làm gì, anh chàng đi lui đi tới có ý nện mạnh gót giày nhưng Vẫn Nghinh không thèm biết đến.

Cuối cùng anh chàng lục lạo trong bếp xem có gì ăn đỡ buồn, anh chỉ tìm được một trái chuối. Ăn xong, anh chàng lén bỏ chiếc vỏ chuối trên đôi guốc của Vẫn Nghinh đặt trước cửa phòng đóng kín. Lát nữa nếu Vẫn Nghinh ra khỏi phòng chắc chắn cô sẽ nhìn thấy chiếc vỏ xanh ấy. Trên lớp vỏ mềm, anh đã dùng móng tay khắc mấy chữ: thôi, anh về.

Tóm lại, chuyện ba người không xong mà chuyện hai người cũng chẳng được. Chỉ còn lại chuyện một người. Anh chàng một mình lầm lũi ra về dưới bầu trời loáng thoáng mưa. Vẫn-Nghinh cũng ngồi một mình trước cuốn sách toán với cái định lý hình học: Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau... nếu hai đường ấy giận nhau...

Và khi hết giận nhau, hai con đường có thể tự ý đổi hướng đến tìm gặp nhau, như những nhánh phụ lưu cùng đổ vào dòng sông cái...

Bốn ngày sau, anh chàng lại đến.

Lần này, để làm hòa anh chàng mua cho Vẫn-Nghinh cuốn sách:

"Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò" của BS Đỗ Hồng Ngọc. Anh chàng lật vài trang, lên giọng chỉ dẫn:

- Học thi em cần phải có cuốn sách này. Nên đọc những mục như bệnh mau quên, bệnh buồn ngủ, v.v...

Vẫn-Nghinh ngước mắt lên hỏi:

- Còn gì nữa không?

- Còn nhiều cách chữa đủ thứ bệnh khác. Nhưng nếu em gặp... bệnh hay giận hờn thì chỉ có anh mới chữa nổi.

- Còn lâu à. Anh mới là mắc bệnh đó.

Có quà mở đầu bao giờ cũng ăn nói vui vẻ dễ dàng hơn. Anh chàng huyên thiên nói chuyện với Vẫn Nghinh. Lần này, anh say sưa kể về những thành phố xa lạ, anh đã sống ở đó một thời, mà Vẫn-Nghinh chưa hề biết. Nhất là Ban Mê Thuột, thị trấn heo hút nhỏ nhoi nào đó trên cao nguyên, nơi có những cánh đồn điền Cao su và Cà phê xanh mướt hai bên đường rừng đất đỏ. Anh chàng nói về giấc mơ của anh, một ngày nào đó sẽ tậu một căn nhà gỗ sơn màu nâu bóng, lặng lẽ nằm trong thung lũng, ở ven con suối Đê, chiều chiều có bầy trẻ con người Thượng đen đủi thi nhau bơi lội. Anh sẽ sắm một cỗ xe ngựa bạch, mỗi sáng chạy lóc cóc một vòng xuống phố mua thức ăn. Anh hỏi:

- Em có muốn anh chở theo đi chơi trên xe ngựa đó không?

Vẫn-Nghinh mỉm cười nhìn anh, cô chưa kịp trả lời thì nhà trên đã có nhiều tiếng chuông inh ỏi réo vang, báo hiệu có khách. Nhà Vẫn-Nghinh lúc nào cũng chật đầy khách khứa, bạn bè của mấy ông anh và tất cả những người này đều thân mật vui vẻ với nhau như người trong nhà. Chiều nay cả nhà đều đi vắng nên Vẫn-Nghinh phải bỏ anh chàng một mình để vội chạy lên tiếp khách. Ai cũng nhận được nơi cô một nụ cười nhỏ xinh xắn, và tùy theo lời yêu cầu của mỗi người, cô pha trà hoặc cà phê cho họ.

Sau khi xong xuôi tất cả những công việc tiếp đãi lịch sự đó, Vẫn-Nghinh trở xuống và ngạc nhiên khi nhìn thấy anh chàng ngồi lầm lì như có vẻ bực tức điều gì. Mặt anh chàng đỏ gay, bên cạnh là mấy vỏ chai bia, miệng anh chàng cứ rít thuốc lá liên tiếp và thỉnh thoảng lại thở dài sườn sượt.

Vẫn-Nghinh hơi nhíu mày, cô hỏi:

- Bữa nay sao anh uống bia dữ vậy?

Anh chàng vẫn lặng thinh không trả lời. Vẫn-Nghinh biết anh chàng này khi uống rượu có hai trường hợp xảy ra. Một là bốc đồng hứng chí nói cười không ngớt, hai là câm như hến như giận ai điều gì ghê gớm, và bây giờ cô nghĩ rằng có lẽ anh chàng đang rơi vào trường hợp thứ hai.

Vẫn-Nghinh bỗng nghe tiếng anh chàng nói, nhưng mặt lại tránh đi đâu như không muốn nhìn cô:

- Anh chẳng lúc nào được em pha cà phê cho cả.

Vẫn-Nghinh phì cười chợt hiểu. À, anh chàng lại ganh tị một cách vớ vẩn rồi. Cô nói nhỏ:

- Anh thường nói anh chỉ thích uống cà phê ngoài tiệm thôi mà. Búng tay kêu "bồi" một tiếng là có ngay.

- Em pha cà phê anh uống thấy ngon hơn.

- Thì anh phải nói em mới làm cho chứ.

Anh chàng đáp nhát gừng:

- Nói ra mất hay. Tự làm mới quý.

Giọng Vẫn Nghinh cũng khô khan không kém:

- Anh phải nói thì em mới biết. Em không tự động tự ý gì cả.

Anh chàng hớp trọn hết ly bia, vò nát bao thuốc lá như để hả giận, giọng anh chàng nặng nề:

- Em bướng lắm.

- Cũng bằng anh thôi.

- Con gái mà bướng không tốt.

Vẫn Nghinh bậm môi, cô nói lạnh nhạt:

- Tính em xưa nay như thế đó. Anh đã bướng thì tìm người nào ít bướng hơn mà... thân.

Im lặng một lúc lâu giữa hai người. Mặt anh chàng mỗi lúc lại càng đỏ như ông Quan Công. Anh chàng sẽ nhìn trộm Vẫn-Nghinh một thoáng nhanh rồi nói dằn từng tiếng:

- Anh ghét em.

Vẫn-Nghinh cúi đầu xuống. Mái tóc cô tung che lấp hết khuôn mặt nên sẽ không có một ai nhìn được đôi mắt cô trong lúc này, màu đen lóng lánh như thường lệ hay là màu của đóa hoa hồng.

Nhưng rồi cô cũng ngẩng cao mặt lên, nhìn thẳng vào anh chàng và nói:

- Em cũng chẳng bao giờ muốn anh thương.

Vẫn-Nghinh bắt gặp đôi mắt đỏ sâu của anh chàng nhìn mình như nghẹn ngào. Mọi lần, cô với anh chàng vẫn thi đua giương mắt nhìn nhau xem ai mở mắt được lâu hơn, và lần nào anh chàng cũng phải nhấp nháy trước vì mắt anh chàng hơi yếu.

Nhưng lần này, Vẫn-Nghinh không thể nhìn lâu hơn được. Cô yếu ớt gục đầu xuống, giấu đôi mắt mình trong lòng bàn tay. Bởi vì cô biết hình như có một cái gì không thật nắm trong lời nói lạnh lùng vừa rồi của mình. Lần này cô biết nếu gai nhọn của đóa hồng châm vào da thịt tan thành màu gì thì màu đó là màu mắt cô.

Lời nói của anh chàng vẫn tiếp tục châm thêm những cây gai:

- Em trả lại cho anh.

Vẫn Nghinh nhớ đến món đồ xoàng xĩnh của anh chằng tặng mình, giá đâu được chừng chục đồng bạc và cô đã đánh mất ở đâu rồi. Cô trả lời:

- Em làm mất rồi. Anh cứ đòi đi đòi lại như con nít. Em ghét mấy cái trò trẻ con của anh.

Anh chàng câm bặt như ngạc nhiên và đau lắm, kể ra thì già đầu như anh chàng mà bị gọi là con nít cũng tội nghiệp thật. Chẳng ai còn thèm nhìn ai nữa. Thời gian bò chậm chạp như một con rùa nhưng chẳng mấy chốc, chiều tối cũng đã xuống bên ngoài khung cửa sổ.

Vẫn-Nghinh nghe tiếng ghế kéo nhẹ, giọng nói run run của anh chàng vang lên:

- Thôi, anh xin lỗi... Anh chẳng bao giờ làm một trò trẻ con nào đối với em nữa. Rồi anh chỉ còn làm một trò trẻ con cuối cùng đối với anh thôi... Chúc em thi đậu, anh về.

Và anh chàng bỏ về thật vội vàng hơn tất cả mọi lúc, Vẫn Nghinh không thể nói kịp một lời nào nữa. Lần này có lẽ những bước chân của anh chàng sẽ thất thểu, loạng quạng hơn lúc nào hết, vì trong bụng chứa đầy ba chai bia lớn.

Và trong người, còn tẩm những lời đắng hơn bất cứ loại men rượu mạnh nào.

Ngày cuối cùng ở Sàigòn trước khi Vẫn-Nghinh về Huế thi. Thật là một ngày ồn ào rộn rịp, cả nhà bao vây lấy cô săn sóc đủ điều. Người dặn dò điều này, kẻ nhắc nhở điều kia. Mẹ bảo đem theo áo mưa, áo ấm vì mùa thu ở Huế thường hay mưa. Bà chị truyền cho một vài kinh nghiệm trong trường thi. Ông anh cả thực tế hơn, "khuyên" Vẫn Nghinh nên chép tài liệu vào trong lòng bàn tay, ngồi trong phòng thi cứ giả vờ vuốt má để "quay" là chắc ăn hơn hết.

Cả nhà làm một bữa bún bò để đãi Vẫn-Nghinh khăn gói lên đường. Đặc biệt trong ngày này, cô sẽ được hoàn toàn nghỉ ngơi, không phải đụng tay vào thứ gì hết. Từ lúc chị Tim đi lấy chồng, chị Thủy bắt đầu biết đánh đô-mi-nô, nhỏ Út bận đi học việc, bếp núc trong nhà "được" giao phó cho Vẫn-Nghinh và Hồng, cô gái kế.

Nhưng ngày hôm nay Vẫn-Nghinh là thượng khách. Cô được miễn làm mọi thứ. Được tự do đi lui tới trong nhà, từ nhà bếp lên phòng khách, rồi từ phòng khách xuống nhà bếp, tha hồ uyển chuyển chậm rãi như một con mèo tam thể. Vẫn-Nghinh chỉ có mỗi công việc thỉnh thoảng... nếm xem món ăn có vừa không, công việc nặng nề nhất là vào trong phòng, mở Ti vi xem một lát, và... ngủ dưỡng sức.

Bún bò Huế mà do những tay địa phương chính cống làm thì ngon khỏi phải nói. Nhưng không có anh chàng đến để ăn một bữa no bụng rồi chia tay.

Buổi trưa, Vẫn-Nghinh vào phòng riêng thu xếp áo quần vào va-li. Cô nghĩ ngợi đôi chút về anh chàng. Mọi khi, anh chàng đến nhà cô ngày một, vắng lâu lắm là bốn ngày. Nhưng lần này, hơn một tuần đã trôi qua cũng không thấy anh chàng đâu cả. Có lẽ anh chàng sẽ không bao giờ đến nữa.

Dầu ghét Toán, Vẫn-Nghinh cũng phải đem theo vài cuốn sách Toán cần thiết cho kỳ thi. Lại những con số rắc rối vì dấu cộng dấu trừ. Trừ với trừ thành cộng, nhưng anh chàng với Vẫn-Nghinh, bướng với bướng đụng nhau chỉ có thể vỡ, như hai viên kim cương chạm nhau.

Thế là xong một mùa hè và mùa thu. Thi xong, Vẫn Nghinh sẽ lên lớp, sẽ ở lại học ở Huế như mọi năm. Cô sẽ tiếp tục sống hết chuỗi ngày hồn nhiên êm đẹp bên cạnh gia đình và trường học. Anh chàng cũng sẽ cố sống vất vưởng ở một nơi xa nào đó. Mọi người sẽ quên nhau, cây gai yếu không cắt được da thịt mà chỉ ươm trồng cho Vẫn-Nghinh một kỷ niệm vui vui nho nhỏ của thời thơ dại. Khi cô lớn lên, thỉnh thoảng cô sẽ nao nao hồi tưởng.

Vẫn-Nghinh ngồi dựa người trên chiếc ghế mây. Cô tưởng tượng đến một ngày nào đó nhiều năm sau, anh chàng sẽ vợ con đầy đàn, sẽ đến thăm cô và đem theo giới thiệu "bà xã" với bầy con khoảng độ ba cô tiểu thư, rồi nói:

- Đây là "trò trẻ con" cuối cùng của anh: Một vợ ba con.

Lúc đó, Vẫn-Nghinh sẽ huýt sáo một tiếng. Cửa phòng lập tức bật mở. Từ trong nhà bước ra, "ông xã" của cô dẩn theo mười cậu quý tử lừ lừ tiến đến trình diện. Cô sẽ mỉm cười thật tươi với anh chàng và trả lời "đáp lễ":

- Còn đây là "trò người lớn" cuối cùng của em.

Và thế là hết. Thời gian sẽ qua như vó câu chẳng đợi chẳng chờ, đời trôi nhanh như dòng sông chảy vào lòng biển cả, quen nhau vào một mùa thu tình cờ năm nào, và bây giờ đã đến mùa thu. Mới đến mùa thứ ba mà đã xa nhau rồi, chứ chẳng đợi chi đến mùa đông rét mướt ly biệt.

Sắp xếp áo quần sách vở xong, Vẫn Nghinh ngồi nán lại một chút trong phòng. Cô không biết nên cười hay nên khóc. Anh chàng vẫn thường nói, phải cố cười để sống, cười là một liều thuốc bổ trong khi giọt lệ là viên thuốc độc rất có hại cho trái tim. Vẫn Nghinh thầm nghĩ bây giờ không có anh chàng ở đây, mình chẳng thấy mắc cỡ thua kém gì anh chàng nữa, có lẽ mình nên bớt bướng một lần cuối, tự ý nghe lời của anh chàng một lần cuối. Cô nhìn bóng mình trong gương và mỉm cười.

Không còn một cuốn sách giáo khoa nào trên bàn học, chỉ còn lại một cuốn thơ của Bùi Giáng. Vẫn-Nghinh bâng quơ lật một trang cô gặp vài dòng thơ quen của Appolinaire, nhưng bây giờ mới thấy thấm thía hơn.

... Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có được trên đời...


HOÀNG NGỌC TUẤN     

(Trích từ tập truyện ngắn Học Trò, Vàng Son xuất bản 1973)




Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

TRẺ CON KHÔNG ĐƯỢC ĂN THỊT CHÓ - Nam Cao

 

Hắn hút đến điếu này là điếu thứ ba. Ba điếu thông luôn. Cái thuốc lào, hút vào một buổi sáng lành lạnh như buổi sáng hôm nay, sao mà ngon thế! Khói đậm đà như vị mật, thấm qua lưỡi để pha vào với máu, lan đi từng thớ thịt, làm da thịt đê mê. Đôi mắt hắn gà gà; hơi thở phì phò như ống bễ lò rèn, những ngón tay lờ rờ trên không khí mơn man một dáng hình tưởng tượng. Như thế trong vài ba phút. Rồi cơn say lại nhạt. Cái thú vị chính là ở đó. Những cơn say, nếu kéo dài ra tất thành nôn nao. Người ta đâm chúi đầu vào bức vách hoặc xều dãi ra như một con chó trước khi hóa dại! Còn cái gì thô tục bằng? Đằng này những cơn say rất chóng qua. Người hút, vừa hút xong, đã bị muốn hút luôn điếu nữa. Hút bằng nào cũng không biết chán. Hút đi, hút lại mà vẫn còn thấy ngon.

Cái điếu là một vật vô tri mà dường như cũng biết nịnh đời. Vốn dĩ xưa nay nó là một cái điếu rất tồi. Hút không kêu. Nó chỉ xìn xịt như tiếng một vật gì bị ẩm. Nghe chán lắm. Thế mà hôm nay, chẳng biết cao hứng thế nào, nó lại kêu: những tiếng nổ tanh tách nảy lên trên không khí khô nỏ và trong veo của mùa thu như một chuỗi cười giòn. À, thì ra cái điếu hình như cũng có hồn. Vào một buổi sáng mát mẻ như buổi sáng hôm nay, tự nhiên nó hết ươn ao, và thấy cần phải ầm ĩ thì mới khoái. Người cũng vậy. Hắn thấy lúc này mà phải bó gối ngồi nhà thì cái đời thật khổ. Ấy thế là hắn càu nhàu chửi tục. Hắn chửi những quân hàng bưởi không chịu đến mua cây bưởi đào nhà hắn để hắn có dăm đồng mà tiêu. Năm đồng bạc!… Mắt hắn sáng hẳn lên một chút. Chúng có vẻ vừa trông thấy con chó thui béo căng và vàng óng treo lủng lẳng bên trên cái trống hàng nhà mụ Tam. Nước dãi tứa ra đầy miệng hắn, một hơi rượu rất mong manh thoáng qua mũi hắn rồi vụt biến. Chà! Hôm nay mát trời lắm nhỉ? Rượu với thịt chó mà lại gặp khí trời mát thì ngon biết chừng nào là ngon! Hắn nuốt dãi hai, ba lượt. Rồi hắn lại nhịt thuốc vào nõ điếu, châm đóm hút thêm điếu nữa. Cái điếu vẫn kêu tanh tách. Nhưng khói thuốc bây giờ sao nhạt thế! Khi đang hút thì nó nhạt như nước lã, mà hút xong thì lại hơi đắng miệng. Hắn nhổ bọt vào chân cột rồi vừa chép chép môi, vừa hếch mặt nhìn lên nóc nhà. Rượu… thịt chó… rượu… thịt chó… Óc hắn cứ luẩn quẩn nghĩ đến hai thứ đấy. Sắc vàng bóng của một cái mông chó thui nhầy nhẫy mỡ với sắc xanh nhạt của một chai Văn-điển đầy ăm ắp cứ lần lượt hiện ra. Ờ! Mát trời thế này mà được uống rượu thì tuyệt quá! Nhưng đào đâu ra tiền? Ấy thế là hắn lại chửi những quân hàng bưởi. Rồi nhân tiện, hắn chửi luôn vợ hắn: Cái “con mèo mù” đà đẫn mãi, bưởi chín đã gần muốn rụng mà vẫn chưa chịu rước người vào mua. Chửi chán, hắn tặc lưỡi một cái để bảo hắn rằng: không chửi nữa. Hắn quăng mạnh hai chân xuống đất để đứng lên và ra đi. Hắn đi cúi mặt, bước những bước mải mốt và cả quyết. Người ta tưởng hắn như đã định sẵn một nơi nào để đến. Nhưng không phải. Đến đầu ngõ, hắn tần ngần đứng lại. Bởi đến đầu ngõ, hắn gặp một con đường hai ngả. Biết đi ngả dưới hay ngả trên? Đi ngả dưới tức là đến nhà con mẹ Vụ để gạ bán non cho nó mươi gốc chuối. Nhưng con mẹ Vụ sẽ nhớ ra rằng: đã có lần hắn bán cho thị mười gốc chuối khác lấy hai đồng bạc đi xóc đĩa rồi lại bán lại lần nữa cho người khác lấy ngót hai đồng bạc. Giá mỗi cây chuối cố sinh ra lấy hai buồng, thì hắn không đến nỗi là con người lật lọng đâu. Nhưng cái giống chuối, từ cổ chí kim, mỗi cây chỉ sinh được một buồng. Vậy thì hắn đích thực là một con người hay lật lọng.

Chậc! Ừ thì hắn là người lật lọng, như vậy thì đã sao? Không sao cả. Bởi ai đã chửi hắn luôn ba hôm mới biết rằng chửi hắn vô ích thật. Chửi hắn thì mỏi miệng. Nhưng nên buộc chỉ cổ tay để nhớ cho thật kĩ: từ giờ đừng bao giờ dại dột tham lợi mà mua chuối non cho hắn một lần thứ hai. Con mẹ Vụ sẽ không mua chuối non cho hắn một lần thứ hai. Không những thế. Rất có thể, nó sẽ xỉa xói vào mặt hắn mà mắng cho đến nhục. Vậy thì cái ngả dưới rành rành là bất lợi. Hắn quay mặt về ngả trên. Thế nghĩa là cứ đến thẳng hàng thịt chó nhà mụ Tam. Nhưng mụ Tam vốn không ưa bán chịu. Mà hắn thì lại đã chịu của mụ luôn ba bữa, chứ đào đâu ra tiền trả. Cái mặt mụ chắc chắn là sẽ không được tươi tỉnh lắm. Mụ sẽ vác nó lên. Mụ sẽ nhìn cái tổ chim vô hình trên lưng chừng một cây tre ở trước cửa hàng nhà mụ, chứ không thèm nhìn hắn. Nếu hắn có lài nhài lắm, thì mụ sẽ hướng đôi môi lên hướng trời xanh mà bảo hắn: Trả nợ cũ đi đã rồi hãy ăn. Như vậy thì cũng nhục. Hắn dùng dằng không nỡ bước. Trong khi ấy thì nước dãi từ từ dâng lên miệng hắn. Rượu… thịt chó!… Rượu… thịt chó!… Trước mắt hắn lại lập lòe hai sắc: vàng bóng và xanh nhợt. Hắn nuốt nước dãi kêu ừng ực. Rồi hắn tặc lưỡi kêu một cái để ra hiệu cho hắn đừng do dự nữa. Việc gì mà do dự nữa ? Thịt chó của mụ Tam để bán, chứ không phải để cho ôi thối. Còn hắn muốn ăn thì phải mua. Không có tiền thì mua chịu. Trời sinh ra thế. Dầu rằng mụ Tam không ưa bán chịu thì hắn cũng đã chịu luôn được ba bữa. Thêm một bữa nữa thì đã sao? Ấy thế là hắn bước. Hắn bước nhanh nhẹn và vui vẻ. Y như một ông phó mới đi đến một đám mời ăn khao.

Nhưng gần đến hàng mụ Tam, hắn nghe tiếng mụ Tam the thé. Đích là mụ vừa xoắn được một kẻ ăn hàng chịu mất mặt mũi, bây giờ mới thấy. Đen đủi thực. Hắn tần ngần đứng lại. Để nghe ngóng xem sao đã! Chà cái con mụ la sát này thật là chua ngoa. Nó bảo người kia: ăn mà không muốn trả thì ăn này, ăn nọ cho con nó. Miếng ăn là miếng nhục. Thế này thì khó lòng mà nuốt cho trôi được. Hắn thở dài một tiếng, quay trở về… Bây giờ thì những bước đi thẫn thờ hơn. Hắn thấy người mỏi mệt, chân tay rã rời. Đúng là một anh nghiện đến bữa chưa được hút, thỉnh thoảng hắn lại đưa tay che miệng ngáp thật to, như một con trâu nghé ngọ, nước mắt ứa ra òng ọng. Khỏi một rặng tre cao, đến cánh đồng. Nắng bừng lên. Nắng mùa thu dìu dịu. Trời thì đẹp. Cánh đồng lúa mởn tươi, run gờn gợn như một làn da quen ủ kín đột nhiên phơi ra gió lạnh. Phong cảnh quyến rũ như một nhan sắc hoàn toàn nảy nở. Chao ôi! Giá hắn không bận nghĩ đến rượu và thịt chó! Giá hắn không khổ sở vì một cái dạ dày ưa đòi hỏi thì hắn đã sung sướng lắm. Nhưng hắn lại thèm rượu và thịt chó mà không được uống rượu, ăn thịt chó. Bởi vậy hắn cho là đời thật đáng buồn. Kiếp người nản lắm. Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ. Mà cái nắng hanh của mùa thu vô cùng khó chịu. Đầu hắn nghẹo xuống vai. Đôi mắt hắn lim dim. Hắn có vẻ vừa đi vừa ngủ. Hắn đã gần ngủ thật thì một việc bỗng làm hắn đột nhiên tỉnh người.

Ấy là lúc hắn lò dò về đến sân. Hắn đang đi bỗng giật mình. Một con chó đang thiu thiu trong một bụi dong ở đầu sân nhảy choàng ra. Một tí nữa thì đớp vào chân hắn. Hắn nhảy cẫng lên một cái. Và hắn sực nhớ ra rằng nhà hắn có một con chó vện, con chó vện ấy hay trông gà hóa cuốc, nên lắm khi trực đớp cả chân người nhà. Đó là một cái tật không thể tha thứ được. Bởi không ai nuôi chó để nó cắn què chân bao giờ. Ờ, mà lại còn điều này nữa: nuôi mèo hay nuôi chó thì cũng phải tùy gia cảnh; nhà giàu nuôi là phải, bởi nhà giàu sợ trộm mà lại nhiều cơm hớt; còn nghèo rớt mồng tơi như nhà hắn, nuôi làm gì? Giá thử nhà còn trẻ nhỏ, thì nuôi chó cũng còn được việc. Nhưng nhà không còn trẻ nhỏ. Thằng cu con đã lên ba. Nó đã có thể ra vườn được. Hạt gạo năm nay khó chuốc như hạt ngọc. Đến bữa ăn, phải tính đầu để chia cơm. Cứ tình hình ấy, thì phải dở hơi lắm lắm mới nuôi một con chó để chẳng có việc gì cho nó làm… Thế là đủ lắm. Hắn sung sướng vì đã nghĩ ra điều ấy. Hắn gật đầu luôn mấy cái. Rồi hắn đưa mắt nhìn trộm con chó vện. Con chó vện đã lại nằm thiu thiu bên một gốc chuối. Quả thật, nó đã đến ngày tận số. Hắn đi tìm cái thúng. Hắn rón rén đi vòng lại phía sau đuôi con chó… Ập! con chó giật mình đến thót. Nỗi nguy chụp xuống. Nó bị thu gọn trong cái thúng, không còn chỗ mà giãy giụa. Trong khi ấy, thằng người kêu rối rít:

- Chúng mày ơi! Chúng mày ơi! Tao úp được con chó rồi.

Lũ trẻ con đang nghịch đất, quăng cả những cái bẹ mèo chuối đi, xô đẩy nhau ngã kêu chí chóe, và vừa chạy về vừa reo lên:

- Chúng mày ơi! Chúng mày ơi! Thầy úp được con chó rồi!… A ha!

Người cha bảo:

- Chúng mày xúm cả lại đây, đè chặt lấy. Đè thật chặt.

Con Gái, và cu Nhớn, cu Nhỡ, cu Con xúm lại: đứa tì tay, đứa tì chân, đứa ngồi cả lên trôn thúng. Người bố đi tìm gậy để ngáng lên cổ chó mà nhận xuống. Lũ trẻ bắt đầu bàn tán:

- Thầy giết chó, nhỉ?

- Ừ, thầy giết chó để làm thịt chén.

- Thích nhỉ, cu Con nhỉ?

- Thầy cho cả chúng ta ăn thịt chó nhỉ?

- Tao cũng ăn thịt chó.

- Ừ, thầy cho cả mày, cả tao.

- Cả chị Gái…

- Chúng mày có im cả không, chó ra bây giờ thì mất ăn…

*

Người đàn bà ở chợ về. Thị tủm tỉm cười. Thị cười vì nghĩ đến đàn con. Hôm nay, chẳng biết cao hứng thế nào, thị đã mua cho chúng những bốn cây mía lách. Những ba trinh kia đấy, như thế kể đã là nhiều lắm. Cả đội hàng của thị đem đi buổi sáng, bán được vừa sáu xu. Vì đâu lại có sự hoang phí ấy? Có lẽ bởi hôm nay trời mát. Có lẽ bởi thị thương hại thằng cu Con. Mỗi lần mẹ về chợ, cứ nghe tiếng các anh reo là cu Con lại thét lên. Hình như nó sợ các anh chạy ra trước nó. Có khi nó khóc. Có khi mải mốt quá, nó ngã lộn tùng phèo từ trên hè xuống sân. Ấy thế mà mười lần thì đến chín, mẹ nó chỉ chìa cho nó bàn tay không. Người đàn bà, nghĩ đến cái bộ mặt tiu nghỉu của con lúc nào, rỏ nước mắt ra lúc ấy. Trông thương đứt ruột. Nhưng biết làm sao được? Đã đành quà của nó, chỉ một đồng trinh là đủ. Nhưng không thể đong một hào chín xu rưỡi gạo. Mà cái ngữ tiêu trong nhà thị, mỗi ngày không thể quá hai đồng hào. Vậy có thương con thì để bụng. Còn cái sự mua quà thật khó lòng thay! Nhưng thời tiết có ảnh hưởng đến người ta rất lạ lùng. Hôm nay, người mẹ đáng thương kia thấy dễ chịu trong người. Khí nóng nặng nề của mùa hạ đã tan rồi. Cái rét sắc như dao của mùa đông chưa tới. Trời xanh ngắt. Nắng êm êm. Gió phơi phới trên da, cho người ta cái cảm giác nhẹ nhõm sau khi tắm. Tạo vật hiền hòa lắm. Tạo vật không đè nén và dọa nạt. Người ta tin tưởng vào đời hơn. Người mẹ nghĩ rằng: mát mẻ thế này thì làm việc là một trò chơi. Rồi thị lại nghĩ rằng: nếu mía lách đem đi chợ mà không có người mua thì chẳng ai đem đến chợ. Ấy thế là thị đánh liều bỏ ra xu rưỡi và chọn lấy bốn cây vừa ngon vừa dài. Chọn xong, thị cũng thấy tiếc tiền. Và trên đường về thị còn lẩn quẩn nghĩ đến xu rưỡi mãi. Nhưng thị lại nghĩ đến thằng cu Con, đến lúc nó sẽ bíu chặt lấy mấy cây mía lách mà cười nấc lên. Vậy thì thị chẳng nên tiếc nữa. Có mất đâu mà tiếc? Con thị nó sẽ ăn vào miệng.

Về đến nhà, thị cảm động quá, hơi run. Môi thị tự nhiên mỉm cười. Nhưng chẳng có đứa nào reo. Chẳng đứa nào trông thấy mẹ. Chúng đi đâu cả? Thị vừa gọi vừa hoảng hốt chạy ra ngoài bờ ao. À! Hú vía… chúng nó đây cả rồi. Nhưng làm gì mà dao, thớt bừa bộn thế?

Thị hơi sửng sốt vì bố chúng nó đang thả một con chó thui xuống nước và cầm một búi rơm kì cọ. Sao lại có sự long trọng ấy? Thị đã toan hỏi nhưng lại nín, vì lại có cả mấy người anh em bạn chồng. À, thôi phải… có lẽ hôm nay là ngày giỗ ông nào, bà nào đây, thị ngây mặt ra, cố nhớ… Hăm nhăm tháng chín… không, mà không phải… Giỗ chạp gì hôm nay? Lửa giận chợt bốc lên ngùn ngụt. Thị thâm tím mặt. Thị biết chẳng phải giỗ chạp gì cả. Vả có giỗ cũng chẳng cần giết chó. Xưa nay có bao giờ phải giết chó mới làm giỗ được? Nhà nghèo, chả bát cơm, bát canh, thượng số vài, ba hào chỉ là đủ lắm. Gọi là có nhớ đến ông bà tiên tổ cho khỏi tội. Làm gì mà phải linh đình thế? Khốn nạn! Khốn nạn cho thị lắm! Cái số thị chẳng ra gì nên vớ phải một thằng chồng không biết lo, biết nghĩ, chỉ thích ăn, thích uống. Con chó to bằng ấy, lúc này bán đâu không nổi ba đồng bạc? Cả nhà ăn gạo hàng nửa tháng. Ấy thế mà cái môi nó vừa máy lên một cái, nó đã phải đè ra mà giết ngay. Ăn hoang, phá hại. Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời? Thị nghẹn ngào cả cổ. Thị muốn gào thật lớn. Nhưng còn vướng mấy người bạn đây. Thôi cũng đành cắn răng. Nhưng thị không còn sức mà đứng nhìn nó nữa. Thị chạy về nhà bình bịch. Thị quăng thị xuống cái phản gỗ sung đến phịch. Chao ôi là chán nản, thị thấy một nỗi chán nản rời rã xâm lấn người…

Một lúc thật lâu, anh chồng về. Anh vừa lau tay vào vạt áo, vừa tươi cười hỏi:

- Nhà còn gạo không?

- Làm gì mà còn gạo!

- Thế thì làm sao được?

- Muốn làm sao thì làm.

Anh bẽ lắm. Giá phải lúc khác thì anh đã cho cái tát. Nhưng lúc này làm thế có khác gì đuổi bạn. Vả lại chị vợ đang tức tối. Đánh thị, chắc thị sẽ gào lên đến bảy làng nghe thấy. Còn ra quái gì! Anh cũng đành cười gượng mà nịnh nọt cho xong chuyện…

- Bu mày chịu khó đi đong chịu vậy?

- Tôi không rỗi!

Hắn đã lộn tiết lên rồi, không còn nhịn được. Mắt hắn trợn lên. Hắn gườm nhìn vợ một giây, rồi hục hặc:

- Cái giống nhà mày khó bảo!

Mắt người vợ đã rân rấn nước. Hắn biết là hắn thắng. Chỉ cần khéo hơn một chút. Hắn lại xoay ra đấu dịu:

- Cái thứ người đâu mà ngang như cua vậy? Phải biết: tao muốn mất tiền làm gì chứ? Nhưng chết cái ăn của người ta mãi, chẳng lẽ không mời lại người ta một bữa thì cái mặt mình còn ra mặt gì? Nhân tiện con chó nó ăn phải bả hay sao mà chẳng biết, sáng hôm nay cứ rú lên rồi lăn ra giãy chết…

À, ra thế… Thị hơi nguôi lòng một chút. Thật ra thì thị biết không nguôi, không được. Nó cục như chó vậy. Ương với nó, nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là thường. Thiệt thân. Mà kết cục cũng vẫn phải đủ gạo cho nó thổi. Thị đứng lên, vừa nguýt hắn, vừa lạu bạu:

- Đong mấy hào?

Thế là hắn lại đổi mặt ra tươi cười:

- Thì bu mày liệu đấy. Có ba người khách với tôi là bốn. Với mẹ con nhà mày nữa.

- Mẹ con chúng tôi thì nhịn. Đong chịu chỉ có thể đong đến năm hào là hết đất. Ai bán cho mình hơn?

- Ừ thì đong năm hào. Với bảo mẹ Xuyên bán chịu cho tao chai rượu nữa. Mà cầm cả chai nước mắm đi, mua chịu cho tao một hào.

Bao nhiêu là thứ! Thị rên lên như một người mất cướp. Nhưng nó đã muốn chết thì mặc nó. Thị cứ mua cho nó. Rồi bán gì đi mà trả nợ thì cứ bán. Còn thì ăn, hết thì nhịn. Bố ăn lắm thì con chết đói. Cùng lắm thì bống bế nhau đi ăn mày…

Bây giờ thì mọi thức đã xong rồi. Con chó hơi gầy. Nhưng gầy thì cũng tốt. Hai bát tiết canh đông lắm. Ấy là cái điềm lành báo rằng cuộc vui sẽ hoàn toàn. Những miếng thịt ngon thái tái hộn ngay vào hai cái bát chậu thật to cho khỏi lôi thôi. Vẽ vời đơm vào đĩa hẳn hoi thì biết bằng nào đĩa cho nó xuể? Nồi xáo bốc hơi thơm lựng, chẳng cần múc làm gì cho rếch bát. Sau khi đã hỏi qua ý khách, chủ nhà định bê cả nồi lên để lúc nào ăn cơm hãy múc ra. Múc ngay vào những bát bây giờ dùng đựng tái. Như vậy, tiện. Chỉ có hai cái bát mà đủ cả. Ăn hết rồi lại múc. Ăn thịt chứ có ăn bát đâu mà cần… Hắn lảm nhảm bênh vực cho cách dự định của hắn như thế mãi, tuy chẳng có ai phản đối. Họ cũng thừa biết cả cửa nhà cơ nghiệp nhà hắn chỉ có hai cái bát chậu ấy thôi. Nhưng có gì. Miễn là được uống rượu sớm hơn một chút. Anh nào anh ấy đói ngấu. Mà cái mùi thịt chó bốc lên thơm vô cùng. Bao nhiêu là nước răng!

Chủ nhân, sau một cái liếm môi rất nhẹn, hất hàm hỏi khách:

- Xong rồi chứ?

- Xong

- Bưng mâm nhé?

- Ừ, làm thì làm!

- Nào, bưng mâm!…

Hắn dang hai chân, khuỳnh hai cánh tay và thè lè cái lưỡi ra như một con chó về mùa nắng. Trông như hắn muốn vần một cái cối đá nhất chứ không phải để bưng một cái mâm bằng gỗ. Nhưng thật ra đó chỉ là một cử chỉ trịnh trọng và sung sướng. Binh Hựu giơ bàn tay trái lên làm trống khẩu, dùng ngón trỏ tay kia làm dùi, ưỡn ngực ra, vừa gõ vừa kêu:

- Tung! Tung!… Tung!

Ấy là cái hiệu trống để cho phu nhắc kiệu lên vai. Chủ nhân ý tứ nâng cái mâm thịt chó lên ngang mặt…

- Tung! Tung!

Thế nghĩa là: Đi! Đi! Và chúng đi. Lũ trẻ, thấy người lớn cũng làm trò như chúng, thích chí cười sằng sặc. Chúng à à tuôn vào nhà trước, như đàn ruồi. Cu Nhỡ trèo lên phản ngồi xếp bằng sẵn. Cu Con trèo không kịp khóc òa lên. Nhưng người bố trợn mắt thật to và quát:

- Những thằng này hỗn! Chỗ chúng mày ngồi đấy à?

Cu Nhỡ cười như mếu, vội vàng tụt xuống. Cu Nhớn lấy thế làm khoái lắm. Nó vừa lêu lêu em, vừa nhạo:

- Xấu! Không ngồi đấy đi!… Xấu! Không ngồi đấy đi…

Nhưng nó cũng cụt hứng ngay. Bố nó quay lại nó:

- Còn mày nữa! Không xách thằng cu Con đi à? Đưa nhau xuống bếp, rồi ăn cơm.

Khi cả ba đứa trẻ đã lụt cụt chạy ra rồi, hắn mới đặt mâm xuống phản, nháy mắt và xếch môi lên để làm cái điệu bộ cười, rồi toang toang bảo như một kẻ cả vẫn đi ăn, đi họp:

- Láo toét! Chỗ này là chỗ quan viên uống rượu. Có phải không, các cụ?

Nhiêu Cừ bẹp mồm ra:

- Bẩm cụ bá dạy thế thật là chí lí.

- Ồ, có chăng thì thế chứ!… Vậy mời quan viên nào!

Ba ông khách ngồi. Chủ nhân chắp hai tay trước ngực, rồi lại đưa tay phải lên đầu gãi, lầm rầm như khấn ông vải về ăn cỗ:

- Bẩm các cụ, chả mấy khi các cụ có lòng chiếu cố đến chơi nhà chúng cháu… Gọi là chén rượu nhạt, xin rước các cụ cứ thật thà đi cho.

- Ờ!

Nghe tiếng “ờ” rất sang rung lên trong cái cổ họng của binh Hựu bắt chước giọng ông chánh Ngạc, cả bốn anh cùng cười. Chủ nhân rót rượu ra hai cái bát. Hai người uống chung một bát. Chúng bắt đầu ăn, uống, tranh nhau nói và cười rung cả mái nhà.

*

Người mẹ rất còm cõi và bốn đứa con gầy ốm, quây quần với nhau trong xó bếp. Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới cái ách một ông bạo chúa.

Thấy lũ con đứa nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó, người mẹ thương đứt ruột. Thị biết rằng chúng đói. Khi người ta đã đói mà lại ngửi thấy mùi thịt chó, thì bụng càng đói thêm. Thế mà bữa rượu của người bố với ba ông khách cứ kéo dài mãi. Nghĩ mà bực quá! Cái thể không chết được, chứ giá chết được thì thị chỉ thắt cổ mà chết đi cho rồi… Thị dỗ con:

- Cố mà nhịn lúc nữa, các con ạ: Đợi trên nhà ăn xong, còn thừa thì ta ăn.

Rồi muốn cho chúng quên đi, thị sổ tóc ra cho chúng xúm vào bắt chấy. Úi chà! Nhiều chấy quá! Chỉ việc rẽ một đám tóc ra là đủ thấy bốn, năm con bò lổm ngổm. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ thi nhau bắt. Chúng cho cu Con mấy con chấy kềnh làm trâu. Mới đầu cái trò chơi ấy cũng hay hay. Nhưng chỉ một lúc là chúng chán. Thằng cu Con ra hiệu đình công trước. Nó lăn vào lòng mẹ, oằn oại vừa hụ hị kêu:

- Đói!… Bu ơi! Đói…

Tức khắc những đứa kia cũng nhớ ra rằng chúng đói. Chúng không bắt chấy cho mẹ nữa. Chúng thở dài. Chúng nuốt bọt nhem nhép. Chúng thừ mặt ra. Chúng nằm ẹp xuống đất và lật áo lên để khoe cái bụng. Bụng đứa nào cũng gần dính lưng.

Mắt thị rơm rớm nước. Cũng may, tiếng người bố trên nhà gọi:

- Cái Gái đâu! Dẹp mâm đi, này!

Bốn đứa trẻ cùng nhỏm dậy: mặt chúng đột nhiên tươi tỉnh lại. Gái “vâng” một tiếng thật to và chạy lên. Cu Nhớn, cu Nhỡ ngồi chồm chỗm đợi… Một lát sau, Gái bê mâm xuống. Nó cũng nâng lên ngang mặt như cha lúc nãy. Các em nó đứng cả lên, chực đu lấy cái mâm. Nó càng nâng cao hơn, mồm thét:

- Khoan! Khoan! Kẻo vỡ…

Cu Nhớn thét:

- Thì bỏ xuống!

Gái vênh mặt lên, trêu nó:

- Không bỏ. Không cho chúng mày ăn.

- Có sợ thành tật không?

- Không cho ăn thật đấy.

Cu Nhỡ sốt ruột, khoằm mặt lại, vằng nhau với chị:

- Làm trò mãi! Có bỏ xuống đây không nào?

Gái hạ nhanh mâm xuống đất, bảo:

- Này, ăn đi.

Nó ngẩng mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay xuống. Trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu Con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ cũng khóc theo.

 
NAM CAO       
 

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

BUỔI SỚM - Thạch Lam

 

Cả đêm Bính trằn trọc không ngủ được, tuy chàng đi chơi về khuya. Trên tấm gối đẫm mồ hôi, Bính áp má nằm nghiêng cổ nhắm mắt. Nhưng hễ chập chờn một ít lâu, những mơ mộng kỳ dị, không liên lạc, lại đến ám ảnh chàng. Bính mở mắt, ngơ ngác nhìn lên đỉnh màn rồi lại nhìn nếp màn lặng rũ yên trong bóng sáng lờ mờ của ngọn đèn con vặn nhỏ. Chàng nghe chiếc đồng hồ treo trên tường buồn bã đánh hết giờ nọ sang giờ kia, và cái tiếng tích tắc đều đều kêu se sẽ cái sống ban đêm của dây cót thép. Bính thấy mệt mỏi vô cùng hơn bao giờ hết, đè nặng trên đầu các tay chân và thấm vào thớ thịt rời ra: tất cả những cuộc chơi trác táng từ trước đến nay như cùng dồn cái mệt đến người Bính trong lúc này.

Một tiếng gà gáy đầu tiên êm từ xa đưa lại. Ðêm tàn, buổi sớm bắt đầu; ánh sáng mờ và yếu ớt len vào khe cửa và khe hở của lá gói lợp nhà mà cái nóng ban ngày đã làm hé tách ra - một thứ ánh sáng lạnh và biêng biếc như thiếc mới.

Bính tung màn ngồi dậy. Không khí trong căn nhà tranh ẩm ướt qua một đêm đã trở nên u uất và nặng nề, đè nén trên mí mắt chàng. Bính toan nằm lại, như mọi khi; nhưng về sau, không hiểu tại sao, chàng bước xuống đứng dậy hẳn. Ðất lạnh dưới bàn chân cho chàng một cảm giác mát và dễ chịu; chàng để chân đi đến mở cửa buồng, và một lát sau, chàng đã ở ngoài sân.

Bính ngồi trên thềm gạch, bên gốc cau. Thật là lạ lùng, ban sớm yên tĩnh mà mát quá, một cái yên tĩnh mát hay một cái mát yên tĩnh chàng cũng không biết nữa. Nước trong bể nhỏ lắng trong và mát lạnh, sương ở trong bể nhỏ lắng trong và mát mát, đất sân cũng mát khô và sạch sẽ (nước giữ cái mát của đêm trên mặt, và cây hồng giữ cái mát của đêm trong kẽ lá). Bính bắt đầu thấy cái mệt mỏi trong người tan dần, máu bắt đầu chảy mạnh như xô nhau đi đón khí trời trong.

Ðã lâu lắm, chàng không dậy sớm. Chàng đã quên không biết buổi sáng thế nào. Bao nhiêu năm nay miệt mài trong những cuộc hành lạc của đêm, chàng trở về nhà trong đêm khuya khi người ta bắt đầu đi bán hàng. Nhiều lần nằm mệt mỏi trên chiếc xe, mắt díu vì buồn ngủ, chàng gặp những người đàn bà gánh hàng rau lên chợ bán ; những gánh rau mới hái, tươi xanh và ướt nước, khác hẳn cái thân hình rời rã và khan ráo của chàng lúc ấy. Ba, bốn giờ đêm! Giờ Hà Nội đang ngủ yên trong các căn nhà đóng kín, giờ mà ở ngoài, dẫy đèn điện chiếu sáng những con đường dài vắng, yên lặng và trống trải, chỉ có lá khô rơi. Lúc ấy chàng mới ở những ngõ hẻm tối tăm đi ra, mũ đội sụp, hai tay bỏ túi và bước chân nặng trên hè gạch. Cái chấm đỏ thắm như máu, của một ngọn đèn lục lộ treo giữa lối, lặng chiếu từ đầu xa, tận đầu đàng phố kia.

Chàng đã sống như thế, bao nhiêu lâu nay rồi? Bính cũng không nhớ nữa. Lâu lắm, trước ngày vì hết tiền, mất việc, chàng phải về ở căn nhà cũ này, cái dinh cơ nghèo nàn độc nhất còn lại của nhà chàng.

Bính đưa mắt nhìn mảnh vườn nhỏ trước mắt, cái sân đất khô hãy còn vết chổi quét của mẹ chàng chiều hôm trước. Cảnh vật quen thuộc này đối với chàng thành lạ, vì đã lâu chàng không nhìn thấy trong buổi sớm bao giờ. Cái núi non bộ nhỏ mà thầy chàng, khi còn sống, vẫn hay đứng lặng ngắm hàng giờ; cái bể con rêu phủ, hai thân cau mốc trắng, luống rau mà mẹ chàng vun xới, cây hồng nhung nảy hoa cùng buổi sớm, tất cả những vật đó bây giờ trở lại dần thân mật như ngày xưa.

Cái mát và rộng thoáng của buổi mai khiến Bính nhớ lại ngày tuổi trẻ. Ðộ ấy, chàng dậy sớm cũng như mọi người, khỏe mạnh và tỉnh táo như mọi người. Chàng lấy thau múc nước trong bể ra rửa mặt, nước mưa lạnh thấm mát vào da. Buổi sớm bấy giờ chàng thích lắm. Chàng ưa nhìn trời cao và trong xanh, những lá cây ngoài vườn tươi và mướt với một vẻ riêng, hình như chúng cũng mới tỉnh dậy như người. Qua giậu thưa, thấp thoáng những người đi chợ sớm, tiếng cười nói vang lần với tiếng đòn gánh kĩu kịt vì những bì gạo nặng. Rồi vừa học ôn lại bài nhà trường bên chiếc án thư đầu nhà, chàng vừa lặng nghe những tiếng gù gù của bầy chim bồ câu trong chuồng bên xóm.

Không bao giờ Bính nhớ lại những ngày tươi trẻ ấy. Chàng vẫn quên đi, và đêm tối sau mệt mỏi làm mất cái quá vãng đã xa xăm ấy. Giấc ngủ nặng nề không để chỗ cho những nhớ lại mong manh, còn lúc tỉnh chàng đắm đuối dẫn mình vào những cuộc vui chơi chán nản.

Bính không muốn nghĩ đến cái cớ tại sao chàng trụy lạc. Từ khi thầy chàng mất đi Bính đâm ra ăn chơi mài miệt. Ðêm quyến rũ chàng như ngọn lửa quyến rũ con thiêu thân. Ðêm và ánh sáng rực của đèn, ánh sáng làm đẹp mịn má hồng và làm thắm cặp môi của những gái đàng điếm lẳng lơ : rượu sánh trong cốc, với gói thuốc phiện thơm càng làm trí chàng say sưa. Bao nhiêu lần chàng đã giằng tay mẹ già níu giữ con trước cửa, bước vội ra để không nghe tiếng nức nở ở lại trong bóng tối. Chàng chơi mãi cho của cải hết, nhà cửa bán dần, và sức khỏe của chàng ngày một mất đi. Một sự chua chát thấm vào tâm hồn chàng, một sự chán nản cho mình và cho người khác. Có lẽ mối thất vọng trước sự tan vỡ của những mộng tưởng cao quý và đẹp đẽ trong đời chàng đã đẩy Bính xuống vực sâu. Trong thâm tâm, chàng mơ hồ cảm thấy như một bóng lửa sáng chiếu ngoài đêm tối, đáng lẽ chàng theo mà chàng đã không theo.

Nhưng hôm nay, cái mát của buổi mai làm tươi lại những cảm giác trong sạch, thanh cao ngày nhỏ. Tiếng gù gù của chim bồ câu bên hàng xóm không còn nữa, nhưng tiếng cười nói của những người đi chợ sớm vẫn vang lên bên giậu thưa. Nước mưa trong bể vẫn mát như ngày còn trẻ; trên cao, trời xanh thẫm không một gợn mây, trời lát nữa sẽ rực rỡ những ánh hồng của nắng.

Bính đứng dậy bước đến bên bụi hồng nhung cạnh bể. Chàng cúi xuống ngắt một bông hoa. Như ngày xưa, chàng ngắt để trên đĩa sứ sớm mai ; bông hoa vừa hé nở, cánh nhỏ còn khép giữ một giọt sương long lanh trong như ngọc. Tự đóa hoa bốc lên một mùi hương quen mến, mùi hương mộc mạc và đầm ấm của hồng nhà ; Bính tưởng mùi hương dịu dàng và cao quý cũng như tình yêu của mẹ chàng đối với chàng.

Lòng thương mẹ rung động khẽ trong tâm Bính. Chàng muốn sớm nay, khi trở dậy, bà mẹ già đã nhiều lần khóc vì con lại thấy trên đĩa sứ mấy bông hoa hái trong sương sớm như ngày xưa. Ðây là thức dâng của buổi sớm mai, của cái mát thanh cao giữ trong khe lá và trên mặt nước mưa. Bính thấy tâm hồn cũng trở nên mát rợi và yên tĩnh. Chàng thấy mình, lại như ngày trẻ, đang cúi người nhìn sương đọng trên chùm lá tươi non. Và tiếng buổi sớm, tiếng gù của đôi chim bồ câu đôi bên hàng xóm từ những ngày đã qua trọng thời niên thiếu, lại hình như vang vang ở đây.

Chàng đứng dậy ; gió mát từ ngoài đồng rộng quanh nhà nhẹ nhàng đưa lại mùi cỏ ướt. Trời đã đổi mầu xanh ra mầu hồng phơi phới, trên cao. Bình minh của ngày rực rỡ bắt đầu tươi sáng ở phía xa.

Trong nhà, bà mẹ đã trở dậy, vén màn, ngồi lần tràng hạt, cụ niệm trăm câu kinh Phật. Tiếng mẹ chàng còn trong và nhẹ như xưa.

Bính rón rén đi vào ; không dám động mạnh. Chàng đến bên bàn thờ đặt hoa trên đĩa, thay nước mưa trong chiếc bát cổ. Và khi đặt tràng hạt xuống, mẹ chàng hỏi như ngày xưa, dịu dàng và âu yếm, như khi chàng còn nhỏ:

- Sao dậy sớm thế, con ?...
 
 
 THẠCH LAM    
 
(Trích từ tập truyện Nắng Trong Vườn) 
 

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

NGƯỜI VÀ NGỰA - Hoàng Ngọc Tuấn


Lão Tư Mã kéo vội dây cương siết hàm cho con ngựa đứng lại, cái đầu phất phơ bờm quay quả bốn phía, hai chân trước đạp quờ quạng suýt nhằm một bà già gánh rau băng qua đường. Mới sớm mai nhưng khúc đường trước chợ Hòa Hưng này đã kẹt xe như thường lệ, người buôn bán bày hàng tràn ra cả lề đường, một đoàn xe nhà binh, rồi xe hơi, xe lam, xe gắn máy dồn cục thúc lưng nhau, bóp còi inh ỏi. Chiếc xe ngựa của lão già đột nhiên đứng lại ở trước chợ, chỗ đông người nhất, làm xe cộ kẹt cứng thêm.

Lão Tư Mã kêu lên vài tiếng gì đó mà chỉ có lão với ngựa mới hiểu nhau, dây cương khéo léo lái đầu ngựa sang một bên và chiếc xe ngựa cũng từ từ tấp vào sát lề, hai ba người đàn bà khó nhọc nhảy xuống xe, lôi thôi thêm với một đống thúng rổ, đòn gánh. Vài người khác chen nhau, vội vàng nhảy lên, lại cũng rườm rà với đủ thứ giỏ chứa thịt cá và hàng hóa cồng kềnh. Có lẽ chỉ có những người buôn thúng bán bưng tiết kiệm tiền bạc nhất mới đi xe ngựa ở Saigon. Nhưng không hoàn toàn đúng đâu... Còn có tôi nữa chứ.

Với đôi mắt chỉ biết nhìn thẳng vì hai bên bịt kín, đầu ngựa khẽ nhảy chồm lên vì ngọn roi phớt nhẹ trên lưng và dây cương siết nơi hàm, chiếc xe nặng nề lê bánh, theo bốn ống chân ngựa ốm tong teo, tiếp tục đoạn đường đi về phía chợ Saigon.

Xe lóc cóc từng bước tránh né đám người đi chợ đông đảo chen lấn, và sắp sửa phi nhanh hơn. Khoan đã... Còn có tôi nữa chứ.

Tôi chỉ kịp vứt mấy đồng bạc cắc lên bàn trả tiền cho một ly cà phê, rồi chạy ra khỏi quán, cũng vừa kịp đu theo xe ngựa, nhảy phóc lên chỗ ngồi quen thuộc đàng trước, bên cạnh lão xà ích. Vì tôi là khách quen, hơn nữa, có lẽ là người khách đàn ông duy nhất trong đám đàn bà con gái chen chúc trong chiếc xe ngựa chật hẹp này nên lão Tư Mã bao giờ cũng dành ưu tiên cho tôi chỗ ngồi bên cạnh lão, đằng trước mui xe, thoát khỏi cảnh đụng chạm nóng nẩy và mùi mồ hôi người cùng mùi rau cải, thịt cá nồng nặc trong khoang.

Sáng nào cũng như thế cả. Tôi ở trong một ngõ hẹp gần chợ, khu xóm lầy lội bùn và nước mưa ứ đọng quanh năm. Đêm nào trời mưa xối xả hay mưa lớn hơn thường lệ một chút là sáng sớm thức dậy nhìn thấy nước lênh láng bao quanh cái nhà gỗ xập xệ của mình. Nước tràn lan trong xóm, những ống cống đều đã bị nghẹt ứ với đủ thứ đồ dơ bẩn, phải đợi đến trưa họa may nước mới rút đi một phần nào để có thể lội bùn đi ra đường.

Nhưng cũng như một vài người khác trong xóm, tôi thích ra phố sớm. Tôi đành vắt chiếc quần dài và đeo lòng thòng đôi giày trên cổ, mặc một chiếc quần xà lỏn ngắn, tôi khó nhọc lội nước, cẩn thận tránh những hố sâu hai bên ngõ. Nước ngập đến quá đầu gối, đỏ ngầu và lành lạnh thật khó chịu. Lội ra đến đường cái, vào tiệm ba Tàu quen, gọi một ly cà phê đen nhỏ thứ ít tiền nhất để có thể mượn quán làm một nơi mặc lại áo quần tử tế phần nào, mang giày mang vớ vào sẵn sàng và ngồi lơ mơ với một ly cà phê đã nguội còn chút ít cặn, thêm một miếng nước trà và vài điếu thuốc đen. Tôi chờ chiếc xe ngựa của lão Tư Mã sáng nào cũng đi qua chợ vào giờ này.

Từ ngày xe buýt và xe lam tràn ngập Saigon, loại xe ngựa chở khách như của lão Tư Mã chỉ còn lại vài chiếc chạy trên đường này. Chậm chạp, chật chội và nặng nề, cái nghề đánh xe của lão thua sút hẳn đi so với những phương tiện di chuyển mới mẻ khác, và nếu lão không lấy tiền xe bằng một cái giá rẻ mạt chắc lão đã thất nghiệp lâu lắm rồi.

Lão Tư Mã thương con ngựa già này ghê lắm. Ngọn roi cầm trong tay cho có lệ, chỉ vỗ về nhè nhẹ trên lưng ngựa, miệng lão thủ thỉ:

- Ráng nhanh thêm chút nữa mày... Xích Thố... qua mặt cái xe xích lô khốn kiếp đó đi... nhưng coi chừng, Xích Thố... coi chừng đụng phải cái xe "Dêm-xê" đang tới đó nghe mày.

Thật tình tôi không thấy con ngựa Xích Thố kéo xe này giống được một chút gì với ngựa Xích Thố của Quan Công hết. Bụng ỏng lộ rõ nguyên bộ xương sườn, da đen đủi tái mét, bờm lại khô queo rụng gần hết chứ đâu có oai phong dũng mãnh một màu đỏ chói như con chiến mã lừng danh trong truyện Tàu. Cũng như cái tên Tư Mã của lão già, chắc là để chỉ thứ bậc trong gia đình và nghề nghiệp của lão, chứ dĩ nhiên đâu phải bà con họ hàng gì với ông Tư Mã Ý đời Tam Quốc. Nhưng lão Tư Mã hãnh diện về người bạn đường của lão lắm. Cứ mỗi lúc gặp ngã tư đèn đỏ, xe phải dừng lại chờ là quay sang tôi, cái miệng móm thiếu rất nhiều răng của lão lắp bắp hăng hái:

- Nè, chú mày đừng thấy con Xích Thố lầm lì này mà khinh thường nó nghe. Một thời tung hoành oanh liệt ở trường đua Phú Thọ đó. Trời ơi, hồi đó mấy cha "tuyệt phích" thuộc nằm lòng tên nó còn hơn là nhớ vợ nữa. Bây giờ thì hết rồi, mày già rồi phải không Xích Thố? Ngày hai buổi cứ tà tà kiếm cho tao chút cháo là vui rồi...

Lão bỗng giật mình rung mạnh dây cương.

- Trời ơi! Dọt đi Xích Thố! Đèn xanh rồi mày.

Đằng sau xe ngựa, tiếng còi xe hơi ré lên nóng nẩy thúc hối. Lão Tư Mã nhổ nước bọt, quay đầu lại chửi thề lẩm bẩm mấy tiếng.

Một chiếc xe hoa kỳ bóng loáng phóng vụt qua, chèn sát ngựa làm con Xích Thố hí lên mấy tiếng, bốn vó sợ hãi đạp loạn xạ.

Rồi lão Tư Mã cũng lấy lại quyền điều khiển ngựa một cách bình tĩnh như thưởng lệ. Xe lọc cọc tiếp tục đoạn đường, thỉnh thoảng dừng lại cho một hai người khách xuống, và đón thêm khách mới, những đồng bạc cắc sáng chói hay bạc giấy nhầu nát rách rưới góp nhặt lần hồi vào túi lão Tư Mã.

Khi xe đến gần chợ Bến Thành, một người chảnh sát chận lại không cho chiếc xe ngựa thổ tả này chen chúc vào trung tâm thành phố tráng lệ. Lão Tư Mã lau mồ hôi, vuốt ve lưng con ngựa Xích Thố, giờ đây mới được tạm dừng chân, chiếc móng đạp bâng quơ vài cái lộp cộp rồi đứng yên, quanh miệng đã phì phò đôi chút bọt mép.

Tôi nhảy xuống xe, trả tiền cho lão Tư Mã. Lại thêm một lần kỳ kèo đáng cảm động diễn ra. Lão xua tay lắc đầu quầy quậy.

- Thôi mà, có bao nhiêu đâu chú mày. Tao không lấy tiền xe của chú mày đâu.

- Tôi còn tiền mà, bác lấy đại đi. Ngày nào cũng đi bác không lấy tiền coi cũng kỳ.

- Thôi mà, tao với chú mày cũng cùng xóm cùng phường với nhau. Chở thêm chú mày thì con Xích Thố cũng tốn chừng đó mồ hôi thôi. Chú mày để tiền uống nước mía đi.

Và tôi đành phải đút mấy đồng bạc cắc vào lại trong túi quần. Thôi thì cũng đỡ vài đồng đủ mua một hai điếu thuốc lá lẻ. Không phải ai cũng như lão Tư Mã cả đâu. Tôi tự nhủ thế, và nếu có người nào như lão, tốt hơn là để cho họ tỏ ra là họ chứ không phải là một cái giống gì trái ngược lại.

Tôi chen chúc, và mất biệt trong đám người của thành phố. Lững thững đi trên vỉa hè bán sách cũ, dĩa hát chạy thử vài bản nhạc thời trang chào mời khách hàng, những hàng vải đem bán "xôn" bày đầy đường, hát xiệc quảng cáo thuốc đau mắt hay trị nhức răng gia truyền, xe bò viên, bò khô... Đủ thứ và cuối cùng là quầy bán hàng nước mía ép danh tiếng nhất thủ đô. Tình cờ đúng như lời khuyên của lão Tư Mã, tôi uống một ly nước mía ngọt lịm và lạnh mát đã đời, nóng bức đã làm mồ hôi thấm ướt áo.

... Đến trưa tôi trở lại bến xe nhưng không thấy chiếc xe ngựa của lão Tư Mã đâu cả. Chắc là lão nghỉ sớm hoặc giờ này đang chạy trên đường. Tôi nhảy lên một chiếc xe buýt chật cứng người, cửa không đóng được vì khách bám đầy trên bục cửa. Tôi cũng đứng đó, ép người vào một lô thân thể nóng nẩy không biết của đàn ông hay đàn bà, một tay cố bíu chặt vào song cửa để khỏi bị đánh rơi xuống đường khi xe nghiêng gấp ở các ngã tư.

Buổi trưa. Dưới mái tôn thấp hắt hơi nóng rực lửa của mặt trời, vách nhà toàn bằng gỗ, bên ngoài nước lũ rút đi nhưng còn để lại nhiều vũng sình lầy hôi mùi bùn, tôi thiếp ngủ, mệt mỏi, người ướt đầy mồ hôi nhưng ngủ ngon lành, mê mệt đến gần chiều.

Tôi mang bộ mặt lờ đờ vừa mới ngủ dậy ra quán ba Tàu. Dầu còn tiền hoặc hết như lúc này, lúc nào tôi cũng có thể ngồi nhâm nhi cà phê thuốc lá ở đây cả. Lão chủ quán biết chỗ tôi ở trong xóm và sau một năm quen mặt ở tiệm nước, bây giờ lão đã chịu cho tôi "ghi sổ", đầu tháng thanh toán tiền bạc một lần hoặc có thể khất lại vài ngày. Thời kỳ này tôi cũng không biết phải làm thế nào và bằng cách gì mà mỗi đầu tháng lại có tiền trả nợ cho lão chủ được, thế mà rồi mọi chuyện cũng xong. Tôi tiếp tục uống thiếu chịu mỗi ngày và mỗi tháng lại nhặt nhạnh đâu đó trả đủ nợ.

Quán vắng người. Vợ lão chủ quán đang chậm chạp nhào nắn những viên mì hoành thánh, những cục tròn tròn trông xấu xí và dơ bẩn nhưng khi trở thành một tô mì nóng hổi bốc khói vào sáng sớm bụng đói, cũng ngon lành lắm.

Tôi định gọi một ly cà phê đá như thường lệ, ly nước của những chiều nóng bức và ngái ngủ, những chiều không khí gắt gỏng và lờ đờ như thể lập đi lập lại đủ ba trăm sáu mươi lăm lần trong một năm ở Saigon. Nhưng tôi bỗng thấy lão Tư Mã. Có lẽ lão thấy tôi trước, nên tôi chưa kịp nói gì thì lão đã kêu to tướng lên:

- A, lại đây chú mày. Lại đây nhậu với tao vài chai.

Tôi ra dấu khoan chế cà phê, và tiến lại bàn lão Tư Mã, trong một góc của quán, che lấp kín đáo sau chiếc cột nhà lớn có treo một tấm lịch Tam Tông Miếu.

Lão Tư Mã cười với tôi nhưng tôi thấy mặt mày lão buồn xo, đôi mắt không còn sáng một cách tinh quái nữa mà trái lại, mắt lão bây giờ rủ xuống như muốn ngủ, đỏ ngầu nhấp nhem. Không biết có phải vì hai chai bia lớn chỉ còn lại vỏ đang nằm trên bàn. Miệng lão đang móm mém nhai, trông méo xệch buồn rầu thật buồn cười mặc dầu đồ nhắm của lão cũng khá hấp dẫn. Tôi thấy một dĩa tôm khô củ kiệu và vài chiếc chân vịt nằm ngổn ngang trên bàn.

Lão Tư Mã kéo mạnh tôi ngồi xuống ghế, bàn rung rinh làm một vỏ chai lăn suýt rơi xuống đất. Tôi chặn lại kịp, và nói:

- Chiều nay bác không chạy xe à?

Lão Tư Mã lắc đầu. Tôi định hỏi tiếp nhưng lão khoát tay.

- Thôi. Nhậu cho đã đời rồi nói chuyện chơi mày.

Lão gõ ly vào chai kêu long cong làm mụ già đang nấu mì quay đầu lại.

- Cho thêm đá với vài chai la de đi bà chủ.

Lão quay sang tôi:

- Chú mày uống gì?

- "Băm Ba". Thứ đó số một đa bác, bia Mỹ cũng còn thua mà.

- Uống "Băm Ba" làm gì cho tốn mày. Uống bia lớn đi, còn nhậu dài dài tới tối mà.

- Ờ, thôi bia lớn đi. Nhưng tôi uống ít, một chai thôi nghe.

Lão Tư Mã trợn mắt:

- Đâu được, chú mày, bữa nay mày phải ngồi uống với tao cho đến lúc nào gục luôn mới thôi. Nhà gần, ráng nằm lăn vài cái cũng mò về ngủ được mà, sợ gì.

Tôi nhún vai, không nói gì thêm nhưng chắc là tôi phải làm vừa lòng lão Tư Mã. Tôi biết rành về mấy vụ nhậu nhẹt, một bợm nhậu dẫu thân thiết cũng có thể gõ nguyên một vỏ chai lên đầu mình nếu mình bỏ cuộc nửa chừng.

Chưa hết. Lão Tư Mã lớn tiếng gọi con nhỏ bán đủ thứ đồ nhậu lặt vặt ở ngoài cửa quán. Con nhỏ tất tả chạy vào.

- Ê, nướng một con khô mực, nhớ nhiều ớt tương nghe nhỏ. Thêm vài cái chân gà vịt coi.

Thế là tôi nhậu nhẹt khá ngon lành, uống được ba chai rượu bia trong nửa giờ. Lão Tư Mã và tôi đều ngà ngà nóng bừng thích thú, nhưng sao trông lão vẫn có vẻ ủ dột quá. Tôi phải nói một câu chuyện tiếu lâm nhưng lão Tư Mã chỉ cười ré lên một tiếng, rồi lại dàu dàu như cũ. Lão đẩy hết mấy cái chân gà về phía tôi, phần lão chỉ uống khan, bọt bia dính đầy quanh bộ râu mọc loạn xạ của lão.

Tôi uống thêm một hớp bia, ngồi duỗi dài ra, cười tươi cho không khí vui vẻ thêm một chút. Tôi cố nói bằng cái giọng gợi chuyện hào hứng nhưng giọng nói của tôi lúc này chắc cũng đã hơi lè nhè.

- Bữa nay có chuyện gì vui mà bác nhậu hách dữ a?

Lão Tư Mã không trả lời, lầm lì rót thêm bia vào ly.

Tôi nói tiếp, ngược lại:

- Bữa nay có chuyện gì buồn mà bác nhậu dữ vậy?

Tôi biết trong hai câu hỏi của tôi, thế nào cũng có một câu hợp lý. Người ta thường say sưa vào lúc vui quá hoặc buồn quá.

Nhưng lão Tư Mã vẫn không trả lời, vẫn lầm lì nốc trọn cạn ly.

Không biết giữa hai tình cảm vui và buồn còn có một chữ nào nữa không. Tôi đành hỏi thêm một câu thừa thãi:

- Bữa nay có chuyện gì mà nhậu ghê quá vậy?

Lão Tư Mã gõ mạnh ly vào bàn nghe một cái "cốp". Lão ngửng đẩu lên, nhưng mắt nheo lại cứ nhìn vào tận đâu đâu. Lão bỗng nói, khi tôi không chờ đợi gì nữa.

- Con Xích Thố chết rồi.

- Trời ơi!

Tôi la lên kinh ngạc. Tôi cũng cảm thấy khủng khiếp có lẽ giống như cảm giác của lão Tư Mã trước chuyện này. Trong lúc này, có cả hàng ngàn đứa hài nhi trên thế giới vừa mới mở mắt chào đời và cũng có cả hàng ngàn người chết đột ngột vì tai nạn, vì bịnh tật, chiến tranh v.v... nhưng tôi biết những chuyện ấy chưa thấm vào đâu đối với lão Tư Mã. Con Xích Thố đã chết, con Xích Thố đã chết... bây giờ có lẽ trong đầu óc lão chỉ vang vang náo động những tiếng ấy.

Tôi cố gắng bình tĩnh lại, nhưng men rượu làm tôi nói lắp bắp:

- Tại sao vậy bác? Lúc nào vậy bác?

Nước bia loãng ra, vàng nhạt và có vẻ nhạt nhẽo mất ngon, giọng nói của lão Tư Mã:

- Thì lúc gần trưa, chuyến chót đó mày. Ở ngã ba Chí Hòa... Mẹ nó, mấy thằng lính Mỹ tụi nó đâu có vượt ngục gì mà chạy xe như đồ điên. Chú mày nghĩ coi, cái thứ càng xe nhà binh mà quất cái rầm vào đầu con ngựa thì làm sao nó chịu nổi. Tao cũng không kịp nghe nó kêu hí gì cả, té xuống là chết liền...

- Trời ơi, bác có sao không?

- Tao mà có sao thì giờ này mà còn ngồi đây uống với mày được à... Cũng may chuyến đó tao chở đầy rau, chỉ có một con mẹ ngồi đu đưa đằng sau té xuống sơ sài thôi. Mẹ nó, con mẹ cứ đứng la oai oái mà không trầy một miếng da. Mấy cái thằng Mỹ đen Mỹ trắng, chúng nó nhảy xuống xe nói với nhau nheo nhéo gì tao không hiểu một chữ. Lại còn cái thằng quỳ xuống đất vuốt vuốt con ngựa vài cái nữa. Mẹ tụi nó, còn làm bộ thương hại... chỉ có tao mới biết thương con Xích Thố thôi.

Tôi an ủi:

- Tụi nó hối hận thiệt tình đó bác. Tôi xem phim cao bồi Mỹ hoài à. Bác có nhớ cái phim thằng "Ga-Ri Cốp-Pơ" đóng không... thằng đó cứ vuốt ve ôm hôn con ngựa trắng của nó mãi.

- Tao cóc cần biết con ngựa trắng của thằng cao bồi nào hết. Chú mày phải nhớ, con Xích Thố của tao...

- Thế bác có kêu cảnh sát lại lập vi bằng đòi bồi thường gì không?

- Tao đâu nói chuyện bồi thường... Tụi lính nó góp tiền nhau đền tao đâu được chừng mười ngàn. Mà tao đâu nói cái chuyện tiền bạc, thất nghiệp tao cũng không sợ nữa, xoay nghề khác mấy hồi... Nhưng mà tao nói chuyện con Xích Thố kìa... Trời ơi, làm sao có được một con ngựa hay như nó nữa, mà dầu nó có dở thì bề gì tao với nó cũng hú hí với nhau lâu năm rồi. Nhưng mày nhớ là nó cừ lắm nghe mày. Biết lúc nào cần nhanh, lúc nào phải chậm... Lúc nào thì phải qua mặt mấy cái xe xích lô đạp, lúc nào phải biết nhường mấy ông nội xe nhà binh... Nó tự động biết hết mày à.

Lão Tư Mã bắt đầu chảy nước mắt. Lão giả vờ nhíu mày nhìn vào bếp để tỏ ra là vì khói bếp bốc um lên. Nhưng tôi biết lão khóc. Dầu đây là một quán nước có nhiều người ngồi chung quanh. Dầu có dễ mủi lòng và yếu đuối vì say rượu hay không. Dầu lão đã vượt qua cái thời trẻ nít hơn bốn chục năm nay rồi. Nhưng lão phải khóc. Tôi thấy những giọt nước mắt chảy dài trên da mặt nhăn nheo rồi khô đi trên ống tay áo, hay một vài giọt rớt vào ly bia của lão, trông thật đẹp.

Rồi như không còn chịu đựng nổi, lão Tư Mã gục đầu hẳn xuống bàn, một chiếc vỏ chai bị cùi chõ lão quệt rơi xuống đất nhưng may không vỡ. Giọng lão rên rỉ:

- Chú mày uống thêm nữa không? Uống cho say mèm đi.

- Thôi, tôi no rồi mà bác.

- Tao có tiền mà. Hôm nay tao giàu mà. Tiền tụi mình nhậu đây là tiền bồi thường con Xích Thố đó. Nhờ xác chết của nó mà mình có đồ nhắm, có rượu uống mà mày.

Giọng nói của lão Tư Mã dĩ nhiên nghe cay đắng ngược lại với những lời tàn nhẫn đó. Tôi xếp những vỏ chai bia và trả lại cho bà Tàu già chủ quán. Tôi nói với lão Tư Mã có lẽ nên về nghỉ một chút.

Lão chợt ngửng đầu lên:

- Buồn quá mày, thôi chiều nay tao lên trường đua. Không chừng lát tối mày thấy tao đổi nghề rồi, chạy một chiếc xe taxi mới toanh cho coi.

- Thôi, đừng bác. Vô trường đua nướng hết tiền đó.

- Hết thì hết, để làm gì? Mày nghĩ coi tao còn biết làm gì nữa, tối qua mới trộn cỏ cho con Xích Thố ăn đó, mà...

Trời gần tối, đã trả tiền xong xuôi nhưng lão Tư Mã vẫn còn ngồi thừ người trong quán. Lão có vẻ tỉnh táo hơn một chút, nhưng khuôn mặt vẫn còn đỏ gay và đôi mắt ướt đục ngầu. Tôi ngồi yên hút thuốc lá chờ đợi đưa lão về nhà. Người đàn bà Tàu lại dọn dẹp bàn. Tôi chợt thấy mắt lão Tư Mã nhìn người đàn bà với vẻ khác lạ. Lão bỗng kề sát tai tôi nói nhỏ:

- Buồn quá mày à...

- Thì rồi cũng quên chứ bác, buồn lắm con Xích Thố cũng đâu sống lại được.

Giọng lão nhỏ hơn, mặc dầu người đàn bà Tàu đã đi khỏi.

- Này, chú mày biết có chỗ nào... chơi bời không? Tao đang buồn quá.

Nhìn thân hình già cọm của lão Tư Mã, lời nói đó của lão quả làm tôi ngạc nhiên hơn lúc lão báo tin con Xích Thố chết. Tôi trả lời:

- Thiếu gì. Xóm này là xóm điếm mà. Nhưng... bác cũng lớn tuổi rồi... Coi kỳ cục.

- Kỳ cục gì. Tao góa vợ năm sáu năm nay rồi. Trung thành với "bả" lâu vậy là đủ rồi. Hôm nay tao muốn... quên buồn một chút, không có con Xích Thố tao còn biết làm gì cho vui nữa.

Tôi ấp úng:

- Thôi mà bác.

- Dẫn tao đi mày. Rồi tao bao mày luôn... Mày chịu khó kiếm dùm cho tao một "con" nào mập mập một chút. Hôm nay tao giàu mà.

Hàm răng khập khễnh và ít ỏi của lão Tư Mã nhe ra nhăn nhở nhưng tôi biết đó không phải là một nụ cười.

Lão nì nài quá và tôi không biết làm sao hơn. Tôi cũng hiểu ý muốn của một người vừa có rượu vào thường bất ngờ nhưng rất cứng rắn.

Nhưng trước khi lôi lão Tư Mã vào một nhà chứa tôi bảo lão đợi một chút. Tôi chạy lại nhà chị thợ may quen biết trong xóm để mượn mấy trăm bạc đủ để kêu hai ả gái điếm rẻ tiền. Một vừa vừa cho tôi, và một mập mập cho lão Tư Mã.

Tôi phải đãi lão cái vụ này. Tôi đã làm nhiều nghề, nhưng cái nghề ma cô có vẻ mới lạ và kỳ cục làm sao ấy.

Và hơn nữa, lão Tư Mã và tôi đã nhậu nhẹt no nê bằng xác chết của con Xích Thố như thế là đã quá tay rồi. Con ngựa già này là một cái gì gần như vừa là một phương tiện để sống vừa là hạnh phúc để sống của lão Tư Mã. Đối với một điều như thế, ta không nên bán nó mua vui.


HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, nxb An Tiêm 1972)