Lão Tư Mã kéo vội dây cương siết hàm cho con ngựa đứng lại, cái đầu phất phơ bờm quay quả bốn phía, hai chân trước đạp quờ quạng suýt nhằm một bà già gánh rau băng qua đường. Mới sớm mai nhưng khúc đường trước chợ Hòa Hưng này đã kẹt xe như thường lệ, người buôn bán bày hàng tràn ra cả lề đường, một đoàn xe nhà binh, rồi xe hơi, xe lam, xe gắn máy dồn cục thúc lưng nhau, bóp còi inh ỏi. Chiếc xe ngựa của lão già đột nhiên đứng lại ở trước chợ, chỗ đông người nhất, làm xe cộ kẹt cứng thêm.
Lão Tư Mã kêu lên vài tiếng gì đó mà chỉ có lão với ngựa mới hiểu nhau, dây cương khéo léo lái đầu ngựa sang một bên và chiếc xe ngựa cũng từ từ tấp vào sát lề, hai ba người đàn bà khó nhọc nhảy xuống xe, lôi thôi thêm với một đống thúng rổ, đòn gánh. Vài người khác chen nhau, vội vàng nhảy lên, lại cũng rườm rà với đủ thứ giỏ chứa thịt cá và hàng hóa cồng kềnh. Có lẽ chỉ có những người buôn thúng bán bưng tiết kiệm tiền bạc nhất mới đi xe ngựa ở Saigon. Nhưng không hoàn toàn đúng đâu... Còn có tôi nữa chứ.
Với đôi mắt chỉ biết nhìn thẳng vì hai bên bịt kín, đầu ngựa khẽ nhảy chồm lên vì ngọn roi phớt nhẹ trên lưng và dây cương siết nơi hàm, chiếc xe nặng nề lê bánh, theo bốn ống chân ngựa ốm tong teo, tiếp tục đoạn đường đi về phía chợ Saigon.
Xe lóc cóc từng bước tránh né đám người đi chợ đông đảo chen lấn, và sắp sửa phi nhanh hơn. Khoan đã... Còn có tôi nữa chứ.
Tôi chỉ kịp vứt mấy đồng bạc cắc lên bàn trả tiền cho một ly cà phê, rồi chạy ra khỏi quán, cũng vừa kịp đu theo xe ngựa, nhảy phóc lên chỗ ngồi quen thuộc đàng trước, bên cạnh lão xà ích. Vì tôi là khách quen, hơn nữa, có lẽ là người khách đàn ông duy nhất trong đám đàn bà con gái chen chúc trong chiếc xe ngựa chật hẹp này nên lão Tư Mã bao giờ cũng dành ưu tiên cho tôi chỗ ngồi bên cạnh lão, đằng trước mui xe, thoát khỏi cảnh đụng chạm nóng nẩy và mùi mồ hôi người cùng mùi rau cải, thịt cá nồng nặc trong khoang.
Sáng nào cũng như thế cả. Tôi ở trong một ngõ hẹp gần chợ, khu xóm lầy lội bùn và nước mưa ứ đọng quanh năm. Đêm nào trời mưa xối xả hay mưa lớn hơn thường lệ một chút là sáng sớm thức dậy nhìn thấy nước lênh láng bao quanh cái nhà gỗ xập xệ của mình. Nước tràn lan trong xóm, những ống cống đều đã bị nghẹt ứ với đủ thứ đồ dơ bẩn, phải đợi đến trưa họa may nước mới rút đi một phần nào để có thể lội bùn đi ra đường.
Nhưng cũng như một vài người khác trong xóm, tôi thích ra phố sớm. Tôi đành vắt chiếc quần dài và đeo lòng thòng đôi giày trên cổ, mặc một chiếc quần xà lỏn ngắn, tôi khó nhọc lội nước, cẩn thận tránh những hố sâu hai bên ngõ. Nước ngập đến quá đầu gối, đỏ ngầu và lành lạnh thật khó chịu. Lội ra đến đường cái, vào tiệm ba Tàu quen, gọi một ly cà phê đen nhỏ thứ ít tiền nhất để có thể mượn quán làm một nơi mặc lại áo quần tử tế phần nào, mang giày mang vớ vào sẵn sàng và ngồi lơ mơ với một ly cà phê đã nguội còn chút ít cặn, thêm một miếng nước trà và vài điếu thuốc đen. Tôi chờ chiếc xe ngựa của lão Tư Mã sáng nào cũng đi qua chợ vào giờ này.
Từ ngày xe buýt và xe lam tràn ngập Saigon, loại xe ngựa chở khách như của lão Tư Mã chỉ còn lại vài chiếc chạy trên đường này. Chậm chạp, chật chội và nặng nề, cái nghề đánh xe của lão thua sút hẳn đi so với những phương tiện di chuyển mới mẻ khác, và nếu lão không lấy tiền xe bằng một cái giá rẻ mạt chắc lão đã thất nghiệp lâu lắm rồi.
Lão Tư Mã thương con ngựa già này ghê lắm. Ngọn roi cầm trong tay cho có lệ, chỉ vỗ về nhè nhẹ trên lưng ngựa, miệng lão thủ thỉ:
- Ráng nhanh thêm chút nữa mày... Xích Thố... qua mặt cái xe xích lô khốn kiếp đó đi... nhưng coi chừng, Xích Thố... coi chừng đụng phải cái xe "Dêm-xê" đang tới đó nghe mày.
Thật tình tôi không thấy con ngựa Xích Thố kéo xe này giống được một chút gì với ngựa Xích Thố của Quan Công hết. Bụng ỏng lộ rõ nguyên bộ xương sườn, da đen đủi tái mét, bờm lại khô queo rụng gần hết chứ đâu có oai phong dũng mãnh một màu đỏ chói như con chiến mã lừng danh trong truyện Tàu. Cũng như cái tên Tư Mã của lão già, chắc là để chỉ thứ bậc trong gia đình và nghề nghiệp của lão, chứ dĩ nhiên đâu phải bà con họ hàng gì với ông Tư Mã Ý đời Tam Quốc. Nhưng lão Tư Mã hãnh diện về người bạn đường của lão lắm. Cứ mỗi lúc gặp ngã tư đèn đỏ, xe phải dừng lại chờ là quay sang tôi, cái miệng móm thiếu rất nhiều răng của lão lắp bắp hăng hái:
- Nè, chú mày đừng thấy con Xích Thố lầm lì này mà khinh thường nó nghe. Một thời tung hoành oanh liệt ở trường đua Phú Thọ đó. Trời ơi, hồi đó mấy cha "tuyệt phích" thuộc nằm lòng tên nó còn hơn là nhớ vợ nữa. Bây giờ thì hết rồi, mày già rồi phải không Xích Thố? Ngày hai buổi cứ tà tà kiếm cho tao chút cháo là vui rồi...
Lão bỗng giật mình rung mạnh dây cương.
- Trời ơi! Dọt đi Xích Thố! Đèn xanh rồi mày.
Đằng sau xe ngựa, tiếng còi xe hơi ré lên nóng nẩy thúc hối. Lão Tư Mã nhổ nước bọt, quay đầu lại chửi thề lẩm bẩm mấy tiếng.
Một chiếc xe hoa kỳ bóng loáng phóng vụt qua, chèn sát ngựa làm con Xích Thố hí lên mấy tiếng, bốn vó sợ hãi đạp loạn xạ.
Rồi lão Tư Mã cũng lấy lại quyền điều khiển ngựa một cách bình tĩnh như thưởng lệ. Xe lọc cọc tiếp tục đoạn đường, thỉnh thoảng dừng lại cho một hai người khách xuống, và đón thêm khách mới, những đồng bạc cắc sáng chói hay bạc giấy nhầu nát rách rưới góp nhặt lần hồi vào túi lão Tư Mã.
Khi xe đến gần chợ Bến Thành, một người chảnh sát chận lại không cho chiếc xe ngựa thổ tả này chen chúc vào trung tâm thành phố tráng lệ. Lão Tư Mã lau mồ hôi, vuốt ve lưng con ngựa Xích Thố, giờ đây mới được tạm dừng chân, chiếc móng đạp bâng quơ vài cái lộp cộp rồi đứng yên, quanh miệng đã phì phò đôi chút bọt mép.
Tôi nhảy xuống xe, trả tiền cho lão Tư Mã. Lại thêm một lần kỳ kèo đáng cảm động diễn ra. Lão xua tay lắc đầu quầy quậy.
- Thôi mà, có bao nhiêu đâu chú mày. Tao không lấy tiền xe của chú mày đâu.
- Tôi còn tiền mà, bác lấy đại đi. Ngày nào cũng đi bác không lấy tiền coi cũng kỳ.
- Thôi mà, tao với chú mày cũng cùng xóm cùng phường với nhau. Chở thêm chú mày thì con Xích Thố cũng tốn chừng đó mồ hôi thôi. Chú mày để tiền uống nước mía đi.
Và tôi đành phải đút mấy đồng bạc cắc vào lại trong túi quần. Thôi thì cũng đỡ vài đồng đủ mua một hai điếu thuốc lá lẻ. Không phải ai cũng như lão Tư Mã cả đâu. Tôi tự nhủ thế, và nếu có người nào như lão, tốt hơn là để cho họ tỏ ra là họ chứ không phải là một cái giống gì trái ngược lại.
Tôi chen chúc, và mất biệt trong đám người của thành phố. Lững thững đi trên vỉa hè bán sách cũ, dĩa hát chạy thử vài bản nhạc thời trang chào mời khách hàng, những hàng vải đem bán "xôn" bày đầy đường, hát xiệc quảng cáo thuốc đau mắt hay trị nhức răng gia truyền, xe bò viên, bò khô... Đủ thứ và cuối cùng là quầy bán hàng nước mía ép danh tiếng nhất thủ đô. Tình cờ đúng như lời khuyên của lão Tư Mã, tôi uống một ly nước mía ngọt lịm và lạnh mát đã đời, nóng bức đã làm mồ hôi thấm ướt áo.
... Đến trưa tôi trở lại bến xe nhưng không thấy chiếc xe ngựa của lão Tư Mã đâu cả. Chắc là lão nghỉ sớm hoặc giờ này đang chạy trên đường. Tôi nhảy lên một chiếc xe buýt chật cứng người, cửa không đóng được vì khách bám đầy trên bục cửa. Tôi cũng đứng đó, ép người vào một lô thân thể nóng nẩy không biết của đàn ông hay đàn bà, một tay cố bíu chặt vào song cửa để khỏi bị đánh rơi xuống đường khi xe nghiêng gấp ở các ngã tư.
Buổi trưa. Dưới mái tôn thấp hắt hơi nóng rực lửa của mặt trời, vách nhà toàn bằng gỗ, bên ngoài nước lũ rút đi nhưng còn để lại nhiều vũng sình lầy hôi mùi bùn, tôi thiếp ngủ, mệt mỏi, người ướt đầy mồ hôi nhưng ngủ ngon lành, mê mệt đến gần chiều.
Tôi mang bộ mặt lờ đờ vừa mới ngủ dậy ra quán ba Tàu. Dầu còn tiền hoặc hết như lúc này, lúc nào tôi cũng có thể ngồi nhâm nhi cà phê thuốc lá ở đây cả. Lão chủ quán biết chỗ tôi ở trong xóm và sau một năm quen mặt ở tiệm nước, bây giờ lão đã chịu cho tôi "ghi sổ", đầu tháng thanh toán tiền bạc một lần hoặc có thể khất lại vài ngày. Thời kỳ này tôi cũng không biết phải làm thế nào và bằng cách gì mà mỗi đầu tháng lại có tiền trả nợ cho lão chủ được, thế mà rồi mọi chuyện cũng xong. Tôi tiếp tục uống thiếu chịu mỗi ngày và mỗi tháng lại nhặt nhạnh đâu đó trả đủ nợ.
Quán vắng người. Vợ lão chủ quán đang chậm chạp nhào nắn những viên mì hoành thánh, những cục tròn tròn trông xấu xí và dơ bẩn nhưng khi trở thành một tô mì nóng hổi bốc khói vào sáng sớm bụng đói, cũng ngon lành lắm.
Tôi định gọi một ly cà phê đá như thường lệ, ly nước của những chiều nóng bức và ngái ngủ, những chiều không khí gắt gỏng và lờ đờ như thể lập đi lập lại đủ ba trăm sáu mươi lăm lần trong một năm ở Saigon. Nhưng tôi bỗng thấy lão Tư Mã. Có lẽ lão thấy tôi trước, nên tôi chưa kịp nói gì thì lão đã kêu to tướng lên:
- A, lại đây chú mày. Lại đây nhậu với tao vài chai.
Tôi ra dấu khoan chế cà phê, và tiến lại bàn lão Tư Mã, trong một góc của quán, che lấp kín đáo sau chiếc cột nhà lớn có treo một tấm lịch Tam Tông Miếu.
Lão Tư Mã cười với tôi nhưng tôi thấy mặt mày lão buồn xo, đôi mắt không còn sáng một cách tinh quái nữa mà trái lại, mắt lão bây giờ rủ xuống như muốn ngủ, đỏ ngầu nhấp nhem. Không biết có phải vì hai chai bia lớn chỉ còn lại vỏ đang nằm trên bàn. Miệng lão đang móm mém nhai, trông méo xệch buồn rầu thật buồn cười mặc dầu đồ nhắm của lão cũng khá hấp dẫn. Tôi thấy một dĩa tôm khô củ kiệu và vài chiếc chân vịt nằm ngổn ngang trên bàn.
Lão Tư Mã kéo mạnh tôi ngồi xuống ghế, bàn rung rinh làm một vỏ chai lăn suýt rơi xuống đất. Tôi chặn lại kịp, và nói:
- Chiều nay bác không chạy xe à?
Lão Tư Mã lắc đầu. Tôi định hỏi tiếp nhưng lão khoát tay.
- Thôi. Nhậu cho đã đời rồi nói chuyện chơi mày.
Lão gõ ly vào chai kêu long cong làm mụ già đang nấu mì quay đầu lại.
- Cho thêm đá với vài chai la de đi bà chủ.
Lão quay sang tôi:
- Chú mày uống gì?
- "Băm Ba". Thứ đó số một đa bác, bia Mỹ cũng còn thua mà.
- Uống "Băm Ba" làm gì cho tốn mày. Uống bia lớn đi, còn nhậu dài dài tới tối mà.
- Ờ, thôi bia lớn đi. Nhưng tôi uống ít, một chai thôi nghe.
Lão Tư Mã trợn mắt:
- Đâu được, chú mày, bữa nay mày phải ngồi uống với tao cho đến lúc nào gục luôn mới thôi. Nhà gần, ráng nằm lăn vài cái cũng mò về ngủ được mà, sợ gì.
Tôi nhún vai, không nói gì thêm nhưng chắc là tôi phải làm vừa lòng lão Tư Mã. Tôi biết rành về mấy vụ nhậu nhẹt, một bợm nhậu dẫu thân thiết cũng có thể gõ nguyên một vỏ chai lên đầu mình nếu mình bỏ cuộc nửa chừng.
Chưa hết. Lão Tư Mã lớn tiếng gọi con nhỏ bán đủ thứ đồ nhậu lặt vặt ở ngoài cửa quán. Con nhỏ tất tả chạy vào.
- Ê, nướng một con khô mực, nhớ nhiều ớt tương nghe nhỏ. Thêm vài cái chân gà vịt coi.
Thế là tôi nhậu nhẹt khá ngon lành, uống được ba chai rượu bia trong nửa giờ. Lão Tư Mã và tôi đều ngà ngà nóng bừng thích thú, nhưng sao trông lão vẫn có vẻ ủ dột quá. Tôi phải nói một câu chuyện tiếu lâm nhưng lão Tư Mã chỉ cười ré lên một tiếng, rồi lại dàu dàu như cũ. Lão đẩy hết mấy cái chân gà về phía tôi, phần lão chỉ uống khan, bọt bia dính đầy quanh bộ râu mọc loạn xạ của lão.
Tôi uống thêm một hớp bia, ngồi duỗi dài ra, cười tươi cho không khí vui vẻ thêm một chút. Tôi cố nói bằng cái giọng gợi chuyện hào hứng nhưng giọng nói của tôi lúc này chắc cũng đã hơi lè nhè.
- Bữa nay có chuyện gì vui mà bác nhậu hách dữ a?
Lão Tư Mã không trả lời, lầm lì rót thêm bia vào ly.
Tôi nói tiếp, ngược lại:
- Bữa nay có chuyện gì buồn mà bác nhậu dữ vậy?
Tôi biết trong hai câu hỏi của tôi, thế nào cũng có một câu hợp lý. Người ta thường say sưa vào lúc vui quá hoặc buồn quá.
Nhưng lão Tư Mã vẫn không trả lời, vẫn lầm lì nốc trọn cạn ly.
Không biết giữa hai tình cảm vui và buồn còn có một chữ nào nữa không. Tôi đành hỏi thêm một câu thừa thãi:
- Bữa nay có chuyện gì mà nhậu ghê quá vậy?
Lão Tư Mã gõ mạnh ly vào bàn nghe một cái "cốp". Lão ngửng đẩu lên, nhưng mắt nheo lại cứ nhìn vào tận đâu đâu. Lão bỗng nói, khi tôi không chờ đợi gì nữa.
- Con Xích Thố chết rồi.
- Trời ơi!
Tôi la lên kinh ngạc. Tôi cũng cảm thấy khủng khiếp có lẽ giống như cảm giác của lão Tư Mã trước chuyện này. Trong lúc này, có cả hàng ngàn đứa hài nhi trên thế giới vừa mới mở mắt chào đời và cũng có cả hàng ngàn người chết đột ngột vì tai nạn, vì bịnh tật, chiến tranh v.v... nhưng tôi biết những chuyện ấy chưa thấm vào đâu đối với lão Tư Mã. Con Xích Thố đã chết, con Xích Thố đã chết... bây giờ có lẽ trong đầu óc lão chỉ vang vang náo động những tiếng ấy.
Tôi cố gắng bình tĩnh lại, nhưng men rượu làm tôi nói lắp bắp:
- Tại sao vậy bác? Lúc nào vậy bác?
Nước bia loãng ra, vàng nhạt và có vẻ nhạt nhẽo mất ngon, giọng nói của lão Tư Mã:
- Thì lúc gần trưa, chuyến chót đó mày. Ở ngã ba Chí Hòa... Mẹ nó, mấy thằng lính Mỹ tụi nó đâu có vượt ngục gì mà chạy xe như đồ điên. Chú mày nghĩ coi, cái thứ càng xe nhà binh mà quất cái rầm vào đầu con ngựa thì làm sao nó chịu nổi. Tao cũng không kịp nghe nó kêu hí gì cả, té xuống là chết liền...
- Trời ơi, bác có sao không?
- Tao mà có sao thì giờ này mà còn ngồi đây uống với mày được à... Cũng may chuyến đó tao chở đầy rau, chỉ có một con mẹ ngồi đu đưa đằng sau té xuống sơ sài thôi. Mẹ nó, con mẹ cứ đứng la oai oái mà không trầy một miếng da. Mấy cái thằng Mỹ đen Mỹ trắng, chúng nó nhảy xuống xe nói với nhau nheo nhéo gì tao không hiểu một chữ. Lại còn cái thằng quỳ xuống đất vuốt vuốt con ngựa vài cái nữa. Mẹ tụi nó, còn làm bộ thương hại... chỉ có tao mới biết thương con Xích Thố thôi.
Tôi an ủi:
- Tụi nó hối hận thiệt tình đó bác. Tôi xem phim cao bồi Mỹ hoài à. Bác có nhớ cái phim thằng "Ga-Ri Cốp-Pơ" đóng không... thằng đó cứ vuốt ve ôm hôn con ngựa trắng của nó mãi.
- Tao cóc cần biết con ngựa trắng của thằng cao bồi nào hết. Chú mày phải nhớ, con Xích Thố của tao...
- Thế bác có kêu cảnh sát lại lập vi bằng đòi bồi thường gì không?
- Tao đâu nói chuyện bồi thường... Tụi lính nó góp tiền nhau đền tao đâu được chừng mười ngàn. Mà tao đâu nói cái chuyện tiền bạc, thất nghiệp tao cũng không sợ nữa, xoay nghề khác mấy hồi... Nhưng mà tao nói chuyện con Xích Thố kìa... Trời ơi, làm sao có được một con ngựa hay như nó nữa, mà dầu nó có dở thì bề gì tao với nó cũng hú hí với nhau lâu năm rồi. Nhưng mày nhớ là nó cừ lắm nghe mày. Biết lúc nào cần nhanh, lúc nào phải chậm... Lúc nào thì phải qua mặt mấy cái xe xích lô đạp, lúc nào phải biết nhường mấy ông nội xe nhà binh... Nó tự động biết hết mày à.
Lão Tư Mã bắt đầu chảy nước mắt. Lão giả vờ nhíu mày nhìn vào bếp để tỏ ra là vì khói bếp bốc um lên. Nhưng tôi biết lão khóc. Dầu đây là một quán nước có nhiều người ngồi chung quanh. Dầu có dễ mủi lòng và yếu đuối vì say rượu hay không. Dầu lão đã vượt qua cái thời trẻ nít hơn bốn chục năm nay rồi. Nhưng lão phải khóc. Tôi thấy những giọt nước mắt chảy dài trên da mặt nhăn nheo rồi khô đi trên ống tay áo, hay một vài giọt rớt vào ly bia của lão, trông thật đẹp.
Rồi như không còn chịu đựng nổi, lão Tư Mã gục đầu hẳn xuống bàn, một chiếc vỏ chai bị cùi chõ lão quệt rơi xuống đất nhưng may không vỡ. Giọng lão rên rỉ:
- Chú mày uống thêm nữa không? Uống cho say mèm đi.
- Thôi, tôi no rồi mà bác.
- Tao có tiền mà. Hôm nay tao giàu mà. Tiền tụi mình nhậu đây là tiền bồi thường con Xích Thố đó. Nhờ xác chết của nó mà mình có đồ nhắm, có rượu uống mà mày.
Giọng nói của lão Tư Mã dĩ nhiên nghe cay đắng ngược lại với những lời tàn nhẫn đó. Tôi xếp những vỏ chai bia và trả lại cho bà Tàu già chủ quán. Tôi nói với lão Tư Mã có lẽ nên về nghỉ một chút.
Lão chợt ngửng đầu lên:
- Buồn quá mày, thôi chiều nay tao lên trường đua. Không chừng lát tối mày thấy tao đổi nghề rồi, chạy một chiếc xe taxi mới toanh cho coi.
- Thôi, đừng bác. Vô trường đua nướng hết tiền đó.
- Hết thì hết, để làm gì? Mày nghĩ coi tao còn biết làm gì nữa, tối qua mới trộn cỏ cho con Xích Thố ăn đó, mà...
Trời gần tối, đã trả tiền xong xuôi nhưng lão Tư Mã vẫn còn ngồi thừ người trong quán. Lão có vẻ tỉnh táo hơn một chút, nhưng khuôn mặt vẫn còn đỏ gay và đôi mắt ướt đục ngầu. Tôi ngồi yên hút thuốc lá chờ đợi đưa lão về nhà. Người đàn bà Tàu lại dọn dẹp bàn. Tôi chợt thấy mắt lão Tư Mã nhìn người đàn bà với vẻ khác lạ. Lão bỗng kề sát tai tôi nói nhỏ:
- Buồn quá mày à...
- Thì rồi cũng quên chứ bác, buồn lắm con Xích Thố cũng đâu sống lại được.
Giọng lão nhỏ hơn, mặc dầu người đàn bà Tàu đã đi khỏi.
- Này, chú mày biết có chỗ nào... chơi bời không? Tao đang buồn quá.
Nhìn thân hình già cọm của lão Tư Mã, lời nói đó của lão quả làm tôi ngạc nhiên hơn lúc lão báo tin con Xích Thố chết. Tôi trả lời:
- Thiếu gì. Xóm này là xóm điếm mà. Nhưng... bác cũng lớn tuổi rồi... Coi kỳ cục.
- Kỳ cục gì. Tao góa vợ năm sáu năm nay rồi. Trung thành với "bả" lâu vậy là đủ rồi. Hôm nay tao muốn... quên buồn một chút, không có con Xích Thố tao còn biết làm gì cho vui nữa.
Tôi ấp úng:
- Thôi mà bác.
- Dẫn tao đi mày. Rồi tao bao mày luôn... Mày chịu khó kiếm dùm cho tao một "con" nào mập mập một chút. Hôm nay tao giàu mà.
Hàm răng khập khễnh và ít ỏi của lão Tư Mã nhe ra nhăn nhở nhưng tôi biết đó không phải là một nụ cười.
Lão nì nài quá và tôi không biết làm sao hơn. Tôi cũng hiểu ý muốn của một người vừa có rượu vào thường bất ngờ nhưng rất cứng rắn.
Nhưng trước khi lôi lão Tư Mã vào một nhà chứa tôi bảo lão đợi một chút. Tôi chạy lại nhà chị thợ may quen biết trong xóm để mượn mấy trăm bạc đủ để kêu hai ả gái điếm rẻ tiền. Một vừa vừa cho tôi, và một mập mập cho lão Tư Mã.
Tôi phải đãi lão cái vụ này. Tôi đã làm nhiều nghề, nhưng cái nghề ma cô có vẻ mới lạ và kỳ cục làm sao ấy.
Và hơn nữa, lão Tư Mã và tôi đã nhậu nhẹt no nê bằng xác chết của con Xích Thố như thế là đã quá tay rồi. Con ngựa già này là một cái gì gần như vừa là một phương tiện để sống vừa là hạnh phúc để sống của lão Tư Mã. Đối với một điều như thế, ta không nên bán nó mua vui.
HOÀNG NGỌC TUẤN
(Trích từ tập truyện ngắn Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, nxb An Tiêm 1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét