Dĩ nhiên đời nào có một cô gái tên kỳ cục là Vẫn-Nghinh như thế. Cũng tại vì cái anh chàng giàu óc tưởng tượng đặt ra cả. Trước đó anh chàng tha hồ tán tụng cô bằng đủ tên gọi mỹ miều... Nào là cô công chúa ngủ mơ trong rừng thẳm, nào là con chim sâu bí mật và ranh mãnh, nào là cô bé có mái tóc nhánh đen thơm hương chanh v.v... Thế mà, trong lần cãi nhau nào đó không nhớ vì lý do gì, anh chàng bực tức nói:
- Đáng lẽ tên em là Vẫn Nghinh mới đúng.
Cô đã hơi giận vì bị đặt cho một cái tên mới nghe thật trúc trắc này, nhưng cô cũng lấy giọng hiền lành hỏi:
- Tại sao?
Anh chàng hét tướng lên:
- Tại mỗi lần gặp anh, em cứ giữ cái vẻ nghinh nghinh kênh kênh hoài.
- Bộ anh dễ thương lắm sao?
- Anh lúc nào cũng nói cười vui vẻ, mỗi lần gặp em là anh vui hết lớn. Còn em thì cứ làm bộ nghiêm trang, khó khăn, nhíu mày, làm như... là chị của anh không bằng.
Vẫn-Nghinh quay mặt đi không thèm nói gì nữa. Tuy trong bụng cô thầm nghĩ có lẽ anh chàng nói đúng. Lâu nay mỗi lần gặp nhau, anh chàng lúc nào cũng cố "biểu diễn" đôi mắt nhìn cô với hết vẻ chân tình thân mật. Còn cô thì xem chàng như mấy ông anh ruột của cô thôi, cô nhìn ai cũng bằng đôi mắt láy đen long lanh nhưng bình thản tự nhiên như thường, chứ dại gì mà cho anh chàng một ánh mắt có ý nghĩa nào khác được. Anh chàng có tỏ vẻ săn sóc chiều chuộng bao nhiêu cô cũng cứ... vẫn nghinh như thường. Tha hồ cho anh chàng đem đủ trò "dụ nít", nào là "hối lộ" kem Êt-Ki-Mô, cốc dầm muối ớt, búp bê... cô cũng giữ thái độ "vẫn nghinh" cố hữu. Vì cô nghĩ đối với một anh chàng ba hoa bạt mạng như thế, cô mà bớt nghinh một chút là anh chàng được thể lên mặt liền.
Cuối cùng, anh chàng làm bộ hỏi bâng quơ vài câu cũng không thấy cô thèm trả lới. Cô biết anh chàng đang giận đau lắm nhưng ngoài mặt anh chàng vẫn làm bộ lì lợm tỉnh bơ, vứt điếu thuốc, nện gót giày cộp cộp bỏ ra về (nhưng không quên mở tủ lạnh nhà cô để tìm xem còn chén chè nào không).
Vẫn Nghinh cũng bỏ vào trong phòng, trở lại chúi đầu vào một đống bài vở. Thi với cử, thiệt là mệt. Cũng tại cái gia đình có quá nhiều ý kiến này. Đáng lẽ Vẫn Nghinh thi Tú Một kỳ đầu như đã dự định rồi, nhưng thiên hạ cứ bàn ra tán vào, anh cô khuyên nên thi kỳ hai đặc biệt cho những thí sinh ở vùng chiến nạn để được vớt điểm nhiều hơn. Nhà Vẫn Nghinh ở Huế, cô mới bỏ học chạy giặc vào Sàigòn, thành phố chi mà dễ sợ, tiếng xe cộ ầm ầm ngoài đường không ngớt vang vào tai. Ngồi trong phòng học bài, đọc lẩm nhẩm cứ mỗi đoạn là nghe một tiếng còi xe ré lên, báo hiệu... chấm xuống hàng!
Bây giờ là mùa thu, mùa thứ ba trong năm. Mùa xuân tưng bừng nhưng rất ngắn đã qua lâu rồi, mùa hè có được nghỉ ngơi gì đâu, giờ đã đến mùa thu. Đáng lã mùa thu là mùa đẹp nhất, học trò rộn rịp cắp sách trở lại trường, có bao nhiêu chuyện vui trong mùa hè vừa qua để tíu tít kể cho nhau nghe. Thầy giáo cũng thông cảm cho thói quen lơ là của đầu năm học, ai nấy vẫn còn như muốn kéo dại giấc ngủ muộn mùa hè.
Thế mà, mùa thu năm nay, trời Sáigòn chẳng có lấy một hơi lạnh mán mác nào như ở Huế, toàn là những cột đèn ba màu xanh vàng đỏ chứ đâu thấy hàng cây nào trút lá vàng.
Nãy giờ Vẫn-Nghinh bị "chia trí" khá nhiều rồi. Cô phải cố chú ý vào bài học. Trời ơi, sao mùa thu lại trúng vào mùa thi một cách dễ ghét thế. Lật một trang sách Giảng Luận Việt Văn: cụ Nguyễn Công Trứ sanh năm một ngàn... Thôi. Vẫn-Nghinh tìm thơ Lưu Trọng Lư đọc sướng hơn, mà biết đâu lại trúng đề thi như kỳ một:
Em nghe chăng mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức...
Có lẽ anh chàng "chịu đựng" không quá hai ngày. Đến ngày thứ ba, anh chàng lò dò trở lại. Lần này, anh chàng làm ra vẻ mặt mày tươi tắn như không có chuyện gì xảy ra cả, anh còn lân la hỏi chuyện học hành của Vẫn-Nghinh:
- Còn mấy hôm nữa em về Huế thi?
Vẫn-Nghinh lo lắng đếm trên đầu ngón tay rồi trả lời:
- Chưa đầy hai tuần nữa.
Anh chàng nói "lấy lòng".
- Em ráng lên. Học giỏi như em thế nào cũng đậu cao.
- Em lo quá, phải chi thi kỳ đầu cho xong. Em đọc báo thấy nói kỳ đầu đậu hơn năm mươi phần trăm. Cứ hai người thi là một người đậu.
Anh chàng trấn an:
- Em lo gì. Kỳ đặc biệt này còn dễ hơn. Cứ hai người thi là đậu đến một người... rưỡi.
Vẫn Nghinh cười:
- Anh nói chi lạ. Rứa còn một nửa người kia để mô?
- Cũng đậu vớt luôn.
Vẫn Nghinh bĩu môi quay mặt đi, tóc cô lòa xòa tung tăng trên vai áo. Cô nhớ anh chàng thường nói anh thích cô mặc áo lụa trắng trong nhà, lụa Thái Lan hay lụa nội hóa đều mềm mại và đẹp cả.
Hết chuyện học hành lài bắt sang đủ chuyện khác. Anh chàng luôn luôn gợi đủ chuyện để nói và Vẫn Nghinh cũng không thua kém gì ai về mặt này. Chỉ cần tả một buổi chiều đội mưa đi ven bờ sông Hương là cô kể cả một buổi sáng cũng chưa hết.
Sang đến chuyện xem chớp bóng, anh chàng nhắc đến phim Madly, câu truyện một mối tình tay ba, một người đàn ông đào hoa với hai người tình đến kết cuộc vẫn không tan vỡ. Anh chàng nói thật dễ ghét:
- Anh thích đoạn kết của cuốn phim này lắm. Phải chi anh được đẹp trai như Alain Delon, chiều chiều phi ngựa chở hai nàng sau lưng thì khoái biết mấy.
Vẫn Nghinh cũng đã xem phim này rồi. Cô cãi lại liền:
- Khiếp đảm. Anh ham lắm. Em thì ghét đoạn cuối đó.
- Anh thích. Đôi khi chuyện ba người vẫn được.
- Em ghét. Chuyện hai người là đủ rồi. Đáng lẽ ông đạo diễn phải sửa lại đoạn cuối: Cho "anh chàng" đó cỡi ngựa té chết đi, còn lại hai cô, mỗi cô đi mỗi ngả.
- Đâu được. Đoạn cuối êm đẹp như thế là hay rồi. Anh thích.
- Em ghét.
- Anh thích.
- Anh thích thì đứng đó mà thích một mình đi.
Nói xong, Vẫn Nghinh bỏ vào trong phòng, cánh cửa đóng mạnh một cách nặng nề. Còn lại anh chàng, đứng xớ rớ hoài không biết làm gì, anh chàng đi lui đi tới có ý nện mạnh gót giày nhưng Vẫn Nghinh không thèm biết đến.
Cuối cùng anh chàng lục lạo trong bếp xem có gì ăn đỡ buồn, anh chỉ tìm được một trái chuối. Ăn xong, anh chàng lén bỏ chiếc vỏ chuối trên đôi guốc của Vẫn Nghinh đặt trước cửa phòng đóng kín. Lát nữa nếu Vẫn Nghinh ra khỏi phòng chắc chắn cô sẽ nhìn thấy chiếc vỏ xanh ấy. Trên lớp vỏ mềm, anh đã dùng móng tay khắc mấy chữ: thôi, anh về.
Tóm lại, chuyện ba người không xong mà chuyện hai người cũng chẳng được. Chỉ còn lại chuyện một người. Anh chàng một mình lầm lũi ra về dưới bầu trời loáng thoáng mưa. Vẫn-Nghinh cũng ngồi một mình trước cuốn sách toán với cái định lý hình học: Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau... nếu hai đường ấy giận nhau...
Và khi hết giận nhau, hai con đường có thể tự ý đổi hướng đến tìm gặp nhau, như những nhánh phụ lưu cùng đổ vào dòng sông cái...
Bốn ngày sau, anh chàng lại đến.
Lần này, để làm hòa anh chàng mua cho Vẫn-Nghinh cuốn sách:
"Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò" của BS Đỗ Hồng Ngọc. Anh chàng lật vài trang, lên giọng chỉ dẫn:
- Học thi em cần phải có cuốn sách này. Nên đọc những mục như bệnh mau quên, bệnh buồn ngủ, v.v...
Vẫn-Nghinh ngước mắt lên hỏi:
- Còn gì nữa không?
- Còn nhiều cách chữa đủ thứ bệnh khác. Nhưng nếu em gặp... bệnh hay giận hờn thì chỉ có anh mới chữa nổi.
- Còn lâu à. Anh mới là mắc bệnh đó.
Có quà mở đầu bao giờ cũng ăn nói vui vẻ dễ dàng hơn. Anh chàng huyên thiên nói chuyện với Vẫn Nghinh. Lần này, anh say sưa kể về những thành phố xa lạ, anh đã sống ở đó một thời, mà Vẫn-Nghinh chưa hề biết. Nhất là Ban Mê Thuột, thị trấn heo hút nhỏ nhoi nào đó trên cao nguyên, nơi có những cánh đồn điền Cao su và Cà phê xanh mướt hai bên đường rừng đất đỏ. Anh chàng nói về giấc mơ của anh, một ngày nào đó sẽ tậu một căn nhà gỗ sơn màu nâu bóng, lặng lẽ nằm trong thung lũng, ở ven con suối Đê, chiều chiều có bầy trẻ con người Thượng đen đủi thi nhau bơi lội. Anh sẽ sắm một cỗ xe ngựa bạch, mỗi sáng chạy lóc cóc một vòng xuống phố mua thức ăn. Anh hỏi:
- Em có muốn anh chở theo đi chơi trên xe ngựa đó không?
Vẫn-Nghinh mỉm cười nhìn anh, cô chưa kịp trả lời thì nhà trên đã có nhiều tiếng chuông inh ỏi réo vang, báo hiệu có khách. Nhà Vẫn-Nghinh lúc nào cũng chật đầy khách khứa, bạn bè của mấy ông anh và tất cả những người này đều thân mật vui vẻ với nhau như người trong nhà. Chiều nay cả nhà đều đi vắng nên Vẫn-Nghinh phải bỏ anh chàng một mình để vội chạy lên tiếp khách. Ai cũng nhận được nơi cô một nụ cười nhỏ xinh xắn, và tùy theo lời yêu cầu của mỗi người, cô pha trà hoặc cà phê cho họ.
Sau khi xong xuôi tất cả những công việc tiếp đãi lịch sự đó, Vẫn-Nghinh trở xuống và ngạc nhiên khi nhìn thấy anh chàng ngồi lầm lì như có vẻ bực tức điều gì. Mặt anh chàng đỏ gay, bên cạnh là mấy vỏ chai bia, miệng anh chàng cứ rít thuốc lá liên tiếp và thỉnh thoảng lại thở dài sườn sượt.
Vẫn-Nghinh hơi nhíu mày, cô hỏi:
- Bữa nay sao anh uống bia dữ vậy?
Anh chàng vẫn lặng thinh không trả lời. Vẫn-Nghinh biết anh chàng này khi uống rượu có hai trường hợp xảy ra. Một là bốc đồng hứng chí nói cười không ngớt, hai là câm như hến như giận ai điều gì ghê gớm, và bây giờ cô nghĩ rằng có lẽ anh chàng đang rơi vào trường hợp thứ hai.
Vẫn-Nghinh bỗng nghe tiếng anh chàng nói, nhưng mặt lại tránh đi đâu như không muốn nhìn cô:
- Anh chẳng lúc nào được em pha cà phê cho cả.
Vẫn-Nghinh phì cười chợt hiểu. À, anh chàng lại ganh tị một cách vớ vẩn rồi. Cô nói nhỏ:
- Anh thường nói anh chỉ thích uống cà phê ngoài tiệm thôi mà. Búng tay kêu "bồi" một tiếng là có ngay.
- Em pha cà phê anh uống thấy ngon hơn.
- Thì anh phải nói em mới làm cho chứ.
Anh chàng đáp nhát gừng:
- Nói ra mất hay. Tự làm mới quý.
Giọng Vẫn Nghinh cũng khô khan không kém:
- Anh phải nói thì em mới biết. Em không tự động tự ý gì cả.
Anh chàng hớp trọn hết ly bia, vò nát bao thuốc lá như để hả giận, giọng anh chàng nặng nề:
- Em bướng lắm.
- Cũng bằng anh thôi.
- Con gái mà bướng không tốt.
Vẫn Nghinh bậm môi, cô nói lạnh nhạt:
- Tính em xưa nay như thế đó. Anh đã bướng thì tìm người nào ít bướng hơn mà... thân.
Im lặng một lúc lâu giữa hai người. Mặt anh chàng mỗi lúc lại càng đỏ như ông Quan Công. Anh chàng sẽ nhìn trộm Vẫn-Nghinh một thoáng nhanh rồi nói dằn từng tiếng:
- Anh ghét em.
Vẫn-Nghinh cúi đầu xuống. Mái tóc cô tung che lấp hết khuôn mặt nên sẽ không có một ai nhìn được đôi mắt cô trong lúc này, màu đen lóng lánh như thường lệ hay là màu của đóa hoa hồng.
Nhưng rồi cô cũng ngẩng cao mặt lên, nhìn thẳng vào anh chàng và nói:
- Em cũng chẳng bao giờ muốn anh thương.
Vẫn-Nghinh bắt gặp đôi mắt đỏ sâu của anh chàng nhìn mình như nghẹn ngào. Mọi lần, cô với anh chàng vẫn thi đua giương mắt nhìn nhau xem ai mở mắt được lâu hơn, và lần nào anh chàng cũng phải nhấp nháy trước vì mắt anh chàng hơi yếu.
Nhưng lần này, Vẫn-Nghinh không thể nhìn lâu hơn được. Cô yếu ớt gục đầu xuống, giấu đôi mắt mình trong lòng bàn tay. Bởi vì cô biết hình như có một cái gì không thật nắm trong lời nói lạnh lùng vừa rồi của mình. Lần này cô biết nếu gai nhọn của đóa hồng châm vào da thịt tan thành màu gì thì màu đó là màu mắt cô.
Lời nói của anh chàng vẫn tiếp tục châm thêm những cây gai:
- Em trả lại cho anh.
Vẫn Nghinh nhớ đến món đồ xoàng xĩnh của anh chằng tặng mình, giá đâu được chừng chục đồng bạc và cô đã đánh mất ở đâu rồi. Cô trả lời:
- Em làm mất rồi. Anh cứ đòi đi đòi lại như con nít. Em ghét mấy cái trò trẻ con của anh.
Anh chàng câm bặt như ngạc nhiên và đau lắm, kể ra thì già đầu như anh chàng mà bị gọi là con nít cũng tội nghiệp thật. Chẳng ai còn thèm nhìn ai nữa. Thời gian bò chậm chạp như một con rùa nhưng chẳng mấy chốc, chiều tối cũng đã xuống bên ngoài khung cửa sổ.
Vẫn-Nghinh nghe tiếng ghế kéo nhẹ, giọng nói run run của anh chàng vang lên:
- Thôi, anh xin lỗi... Anh chẳng bao giờ làm một trò trẻ con nào đối với em nữa. Rồi anh chỉ còn làm một trò trẻ con cuối cùng đối với anh thôi... Chúc em thi đậu, anh về.
Và anh chàng bỏ về thật vội vàng hơn tất cả mọi lúc, Vẫn Nghinh không thể nói kịp một lời nào nữa. Lần này có lẽ những bước chân của anh chàng sẽ thất thểu, loạng quạng hơn lúc nào hết, vì trong bụng chứa đầy ba chai bia lớn.
Và trong người, còn tẩm những lời đắng hơn bất cứ loại men rượu mạnh nào.
Ngày cuối cùng ở Sàigòn trước khi Vẫn-Nghinh về Huế thi. Thật là một ngày ồn ào rộn rịp, cả nhà bao vây lấy cô săn sóc đủ điều. Người dặn dò điều này, kẻ nhắc nhở điều kia. Mẹ bảo đem theo áo mưa, áo ấm vì mùa thu ở Huế thường hay mưa. Bà chị truyền cho một vài kinh nghiệm trong trường thi. Ông anh cả thực tế hơn, "khuyên" Vẫn Nghinh nên chép tài liệu vào trong lòng bàn tay, ngồi trong phòng thi cứ giả vờ vuốt má để "quay" là chắc ăn hơn hết.
Cả nhà làm một bữa bún bò để đãi Vẫn-Nghinh khăn gói lên đường. Đặc biệt trong ngày này, cô sẽ được hoàn toàn nghỉ ngơi, không phải đụng tay vào thứ gì hết. Từ lúc chị Tim đi lấy chồng, chị Thủy bắt đầu biết đánh đô-mi-nô, nhỏ Út bận đi học việc, bếp núc trong nhà "được" giao phó cho Vẫn-Nghinh và Hồng, cô gái kế.
Nhưng ngày hôm nay Vẫn-Nghinh là thượng khách. Cô được miễn làm mọi thứ. Được tự do đi lui tới trong nhà, từ nhà bếp lên phòng khách, rồi từ phòng khách xuống nhà bếp, tha hồ uyển chuyển chậm rãi như một con mèo tam thể. Vẫn-Nghinh chỉ có mỗi công việc thỉnh thoảng... nếm xem món ăn có vừa không, công việc nặng nề nhất là vào trong phòng, mở Ti vi xem một lát, và... ngủ dưỡng sức.
Bún bò Huế mà do những tay địa phương chính cống làm thì ngon khỏi phải nói. Nhưng không có anh chàng đến để ăn một bữa no bụng rồi chia tay.
Buổi trưa, Vẫn-Nghinh vào phòng riêng thu xếp áo quần vào va-li. Cô nghĩ ngợi đôi chút về anh chàng. Mọi khi, anh chàng đến nhà cô ngày một, vắng lâu lắm là bốn ngày. Nhưng lần này, hơn một tuần đã trôi qua cũng không thấy anh chàng đâu cả. Có lẽ anh chàng sẽ không bao giờ đến nữa.
Dầu ghét Toán, Vẫn-Nghinh cũng phải đem theo vài cuốn sách Toán cần thiết cho kỳ thi. Lại những con số rắc rối vì dấu cộng dấu trừ. Trừ với trừ thành cộng, nhưng anh chàng với Vẫn-Nghinh, bướng với bướng đụng nhau chỉ có thể vỡ, như hai viên kim cương chạm nhau.
Thế là xong một mùa hè và mùa thu. Thi xong, Vẫn Nghinh sẽ lên lớp, sẽ ở lại học ở Huế như mọi năm. Cô sẽ tiếp tục sống hết chuỗi ngày hồn nhiên êm đẹp bên cạnh gia đình và trường học. Anh chàng cũng sẽ cố sống vất vưởng ở một nơi xa nào đó. Mọi người sẽ quên nhau, cây gai yếu không cắt được da thịt mà chỉ ươm trồng cho Vẫn-Nghinh một kỷ niệm vui vui nho nhỏ của thời thơ dại. Khi cô lớn lên, thỉnh thoảng cô sẽ nao nao hồi tưởng.
Vẫn-Nghinh ngồi dựa người trên chiếc ghế mây. Cô tưởng tượng đến một ngày nào đó nhiều năm sau, anh chàng sẽ vợ con đầy đàn, sẽ đến thăm cô và đem theo giới thiệu "bà xã" với bầy con khoảng độ ba cô tiểu thư, rồi nói:
- Đây là "trò trẻ con" cuối cùng của anh: Một vợ ba con.
Lúc đó, Vẫn-Nghinh sẽ huýt sáo một tiếng. Cửa phòng lập tức bật mở. Từ trong nhà bước ra, "ông xã" của cô dẩn theo mười cậu quý tử lừ lừ tiến đến trình diện. Cô sẽ mỉm cười thật tươi với anh chàng và trả lời "đáp lễ":
- Còn đây là "trò người lớn" cuối cùng của em.
Và thế là hết. Thời gian sẽ qua như vó câu chẳng đợi chẳng chờ, đời trôi nhanh như dòng sông chảy vào lòng biển cả, quen nhau vào một mùa thu tình cờ năm nào, và bây giờ đã đến mùa thu. Mới đến mùa thứ ba mà đã xa nhau rồi, chứ chẳng đợi chi đến mùa đông rét mướt ly biệt.
Sắp xếp áo quần sách vở xong, Vẫn Nghinh ngồi nán lại một chút trong phòng. Cô không biết nên cười hay nên khóc. Anh chàng vẫn thường nói, phải cố cười để sống, cười là một liều thuốc bổ trong khi giọt lệ là viên thuốc độc rất có hại cho trái tim. Vẫn Nghinh thầm nghĩ bây giờ không có anh chàng ở đây, mình chẳng thấy mắc cỡ thua kém gì anh chàng nữa, có lẽ mình nên bớt bướng một lần cuối, tự ý nghe lời của anh chàng một lần cuối. Cô nhìn bóng mình trong gương và mỉm cười.
Không còn một cuốn sách giáo khoa nào trên bàn học, chỉ còn lại một cuốn thơ của Bùi Giáng. Vẫn-Nghinh bâng quơ lật một trang cô gặp vài dòng thơ quen của Appolinaire, nhưng bây giờ mới thấy thấm thía hơn.
... Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có được trên đời...
HOÀNG NGỌC TUẤN
(Trích từ tập truyện ngắn Học Trò, Vàng Son xuất bản 1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét