Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NHẬT TIẾN VỀ ÔNG NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG - Đinh Quang Anh Thái


ĐQAT: Ông có thể cho biết trong hoàn cảnh nào khiến ông Khai Trí cho xuất bản báo Thiếu Nhi mà ông làm chủ bút ? 

 

NT: Tôi nhận thấy gần như trong suốt cuộc đời, một trong những nỗi ưu tư hàng đầu của ông Khai Trí là sự quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ. Chẳng thế mà ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại câu nói sau đây mỗi khi có dịp và đặc biệt ông đã dùng làm câu mở đầu cho loại sách Tuổi Thơ do chính ông chủ trương : “ Tương lai nước Việt Nam sau này hay hay dở đều do sự giáo dục hiện tại của lứa tuổi thiếu nhi, mầm non của đất nước”. 

 

Vào thời điểm khởi đầu của thập niên 70, (khi ông quyết định cho ấn hành tuần báo Thiếu Nhi), tình hình giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục dành cho tuổi thơ có vẻ như đang trên đà suy sụp. Lý do một phần là vì ảnh hưởng của chiến tranh với nếp sống ngoài xã hội ngày càng sa đọa do sự có mặt của trên nửa triệu lính Mỹ cư ngụ tràn ngập trên các tỉnh và đô thị; một phần khác, lãnh vực sách báo dành cho tuổi thơ hầu như đã bị tràn ngập bởi rất nhiều loại thiếu lành mạnh đến nỗi ông Khai Trí đã từng phải kêu lên xót xa: “ Chúng ta đang chứng kiến cái thảm cảnh đám trẻ thơ ngây ngày đêm cứ say mê tìm đọc các loại sách nhảm nhí chú Thoòng, hay sách trinh thám và kiếm hiệp rẻ tiền, kể cả những loại sách khiêu dâm, ma quỷ quái đản đầy tính cách đầu độc trí óc non nớt của con em chúng ta”. 

 

Như thế, việc ông quyết định cho xuất bản một tạp chí lành mạnh dành cho lứa tuổi thiếu nhi là điều dễ hiểu, nó vừa phù hợp với ngành nghề sách báo của ông vừa thỏa mãn phần nào tâm tư và nguyện vọng mà ông từng ấp ủ. 

 

ĐQAT: Báo Thiếu Nhi hiện diện trong sinh hoạt văn hóa của miền Nam đúng vào giai đoạn của cuộc chiến lên đến mức cao độ, vậy tờ báo có giúp độc giả trẻ em thoát khỏi nỗi ám ảnh của chiến tranh hay không ? Và các em có tìm được sự an bình đối với tuổi thơ của mình không ? 

 

NT: Tờ Thiếu Nhi tuy được phát hành rộng rãi trên toàn quốc nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, nên nó cũng chỉ tới được hầu hết giới trẻ em sinh sống tại các tỉnh hay đô thị, còn ở các vùng nông thôn, xa thành phố thì không. Do đó, ảnh hưởng của tờ Thiếu Nhi đối với độc giả cũng kể như bị giới hạn rất nhiều, mặc dù vào thời điểm mà tờ báo có điều kiện hoạt động mạnh mẽ nhất thì cũng có đông độc giả và tòa soạn cũng thành lập được Chi Nhánh Gia Đình Thiếu Nhi tại hầu hết các tỉnh và đô thị thuộc V.N.C.H. Chính nhờ cung cách tổ chức Gia Đình Thiếu Nhi như vậy, và qua các báo cáo sinh hoạt hoạt hàng tháng của mỗi chi nhánh , tòa soạn được biết các em đã tự quy tụ thành nhiều nhóm với sự trợ giúp của các thầy cô giáo địa phương để cùng nhau tham dự những sinh hoạt lành mạnh như tổ chức thư viện Thiếu Nhi, sinh hoạt tập thể ngoài trời, tổ chức các buổi cùng nhau đọc sách báo lành mạnh., góp phần tham dự vào những cuộc thi sáng tác văn chương hay đố vui do Gia Đình Trung Ương tổ chức v.v... Theo tôi nghĩ, có lẽ nhờ thế mà cũng có một số em đã có thể tìm thấy sự an bình trong tuổi thơ của mình và những nỗi ám ảnh về chiến tranh vốn đè nặng lên tâm hồn của các em do đó cũng giảm thiểu được rất nhiều. 

 

ĐQAT: Trong suốt thời gian làm bạn, làm việc với ông Khai Trí, ông nhận xét ra sao về những đóng góp của ông Khai Trí trên phương diện văn hóa và về đời thường của ông ấy ? 

 

NT: Một cách vắn tắt, có thể nói rằng miền Nam kể từ năm 1954 đến năm 1975 đã hình thành một nền nếp sinh hoạt văn hóa hết sức đa dạng và phong phú do công lao và sự đóng góp bền bỉ của nhiều khuôn mặt văn hóa nổi tiếng hay của nhiều ngòi bút tài năng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện hỗ trợ cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ấy được phát triển, ta không thể quên những nỗ lực không kém phần phong phú của các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành văn hóa phẩm. Trên phương diện này, nhà sách Khai Trí phải được kể là một trong những cơ sở văn hóa hàng đầu của miền Nam. Nhiều thế hệ tuổi trẻ đã được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường sinh hoạt văn hóa với rất nhiều loại sách báo giá trị do chính nhà sách Khai Trí cung ứng. Ông Khai Trí vừa là một người say mê với nghề nghiệp với một cung cách hầu như không bao giờ biết mệt mỏi, ông lại cũng vừa là con người hết lòng với văn hóa, với tương lai của thế hệ trẻ. Nhờ nguồn tài chính thu được dồi dào qua sách báo, ông cũng đã trao tặng rất nhiều phần thưởng cho các học sinh xuất sắc và cung ứng nhiều học bổng giá trị cho những học sinh nghèo. Riêng trong giới viết lách, nhờ khả năng đánh giá nhậy bén và sự hỗ trợ tận tình của ông mà rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo đã có cơ hội ấn hành tác phẩm của mình, cho dù có khi chỉ là tác phẩm đầu tay hay tác phẩm thuộc loại kén độc giả, giầu giá trị nội dung nhưng yếu kém về mặt thương mại.  

 

ĐQAT: Theo nhận xét của ông, với những đóng góp và hy hiến của ông Khai Trí như vậy thì thông điệp mà ông Khai Trí để lại là gì ? 

 

NT: Nhìn lại chặng đường gian khổ mà ông Khai Trí đã từng trải qua kể từ sau năm 1975, như ở trong nước thì bị tịch thu gia sản, và chịu đựng bệnh tật triền miên , dòng dã trên 5 năm trong trại tù, khi ra hải ngoại thì lại phải đối diện với sự thực phũ phàng, nhiều công trình sách vở của ông đã bị gian thương cướp trắng bằng cách cho in lại vô tội vạ tủ sách Khai Trí của ông, vậy mà tôi nhận thấy ông vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ họa hoằn mới buông lời than thở. Hình như ông không muốn đem chuyện buồn khổ riêng tư để làm mất vui người chung quanh. Hình như ông chấp nhận số phận không may, coi như một thứ đã được an bài và qua đó ông học hỏi thêm được tính kiên nhẫn, chịu đựng để xây đắp cho tình yêu tha nhân, yêu đời. Có lẽ vì thế mà vào mùa xuân năm 1981, ông đã viết những dòng như : “ Nhiều khi cảnh khổ đối với tôi là điều hay, có ích cho tôi. Biết đâu, nó lại giúp cho tôi trở nên tốt hơn và yêu đời hơn. Tôi cố thương yêu nhiều hơn nữa những người chung quanh tôi, mọi người trên trái đất này, yêu thương cả loài vật và cây cỏ” 

 

Dưới mắt tôi, đây là một thông điệp của một con người đầy lòng nhân ái, đáng để cho thế hệ đi sau suy ngẫm.

 

 

Nguồn :  https://nhavannhattien.wordpress.com

 

Không có nhận xét nào: