Năm 1935, TÔI HỌC THẦY ở lớp Nhất trường Tiểu học Sông
Cầu. Thuở ấy toàn tỉnh chỉ có hai trường Tiểu học, một ở Tuy Hòa, một ở
Sông Cầu. Trường Tiểu học Sông Cầu là trường tỉnh lỵ mà chỉ có một lớp
Năm, một lớp Tư, một lớp Ba, một lớp Nhì A (chính danh là Cours Moyen de
1ère Année), một lớp Nhì B và một lớp Nhất... Mới biết là hồi đó sự học
quả thật là quí. Với một dân số 20 vạn dân cư mà hằng năm toàn tỉnh chỉ
chọn khoảng một 100 đứa trẻ khá nhất để cho vào học lớp Nhì thì có khác
nào sâm nhung chỉ dành cho tì vị kẻ giàu sang. Tôi học lớp Năm và lớp
Tư ở trường làng Ngân Sơn. May mắn đưa đẩy, tôi được vào học lớp Ba ở
trường Phủ Tuy An. Và lại cũng may mắn xô tới mà tôi được vào lớp Nhì
trường Tỉnh.
Thầy năm ấy khoảng
27-28 tuổi. Dáng thầy cao, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Thầy thường mặc Âu
phục trắng. Giày nâu, đế cao su. Mũ casque cứng lợp vải màu kaki. Ði tới
lớp, tay ôm cặp da, thứ da cá sấu mềm.
Thời
đó Âu phục và Nam phục song song tồn tại. Nam phục là quần trắng áo dài
đen. Quần trắng bằng vải "tàu bay" hay lụa. Vải áo dài đen thông thường
là vải trang đầm cho đàn bà và học sinh trung lưu. Người đàn ông thì
mặc áo lương đen (miền Bắc gọi là áo the), áo xuyến (mặt láng), áo sa
văn minh (một loại the mỏng, dệt có vân, có bắt hình chìm) áo sa tanh
(satin). Vải may Âu phục tiêu chuẩn là một loại vải dệt thật dày bằng
sợi đay, màu trắng. Sau thế giới đại chiến lần thứ hai, sợi tổng hợp
Polyester mới thịnh hành và vải thường màu đen hoặc màu xanh tối gần với
đen. Phép xã giao thời đó đòi hỏi phải khoác áo vét-tông chứ không được
chỉ mặc sơ-mi khi đi ra ngoài. Cho dẫu trời nóng 35 độ. Chỉ có thể, khi
ngồi trong lớp dạy hay ngồi làm việc ở bàn giấy, cởi áo vét-tông ra
máng vào thành ghế.
Ðôi giày cũng có lịch
sử của nó. Cũng sau thế giới đại chiến lần thứ hai, màu giày đen mới
thịnh hành. Dưới thời Pháp thuộc, màu giày sậm nhất là màu nâu, màu
cà-phê rang. Lợt một chút là màu vàng thiên nhiên của da thuộc. Lợt nhất
là màu trắng. Duyên dáng ăn diện là giày hai màu. Giày màu đen chỉ được
dùng trong những đại lễ.
Vậy đó, cái dáng
cao cao của thầy tôi, mặc Âu phục, đội mũ ôm cặp đi những bước nhanh từ
góc đường phía biển, vượt qua sân quần vợt, đi vòng quanh rào trường,
đi thẳng từ cổng trường oai vệ bước vô.
Vào
thời chúng tôi, học trò rất sợ thầy. Chương trình học toàn tiếng Pháp
nên chúng tôi càng sợ thầy hơn, bởi chưng dù học giỏi hay kém thì học
thuộc được một bài toát yếu 20 dòng viết bằng tiếng Pháp không phải là
chuyện dễ. Chúng tôi phải chắp chữ này nối theo chữ kia bằng trí nhớ,
nhiều khi hoàn toàn bằng trí nhớ chớ không hiểu vì sao. Mà một khi quên
đi một chữ thì đành cứ đứng khựng ra đó, ấp a ấp úng, tựa như rớt một
cục gỗ thì cả khối gỗ chồng chất lên nhau bỗng đổ sụp. Ðố mà có thể xếp
lại. Thầy giáo sốt ruột, sẵn cái thước gạch vụt luôn cho một vụt. Và các
cục gỗ lăn xa hơn, tan tác.
Thầy nào
cũng biết đánh học trò. Ngồi nghĩ lại thấy thương hơn trách. Người Pháp
không đem sang cái roi. Tổ tiên mình vót roi để sẵn, kèm theo bản chỉ
dẫn cách dùng, "yêu cho roi cho vọt". Tiếng roi vun vút của các thầy đồ
còn vang vọng rất trong sáng trong tâm hồn của các thầy tôi. Các bậc phụ
huynh dường như cũng chỉ an tâm khi nghe thầy giáo ban phát tiếng roi
xé gió. Sống trong một không khí rèn nhân cách khắc khổ như kiểu đó, một
ông thầy có lương tâm phải mượn cái thước và con roi để hỗ trợ cho lời
giảng bài. Ở lớp Nhì A, tôi học thầy Huỳnh Tiến. Thầy gầy, da trắng, nói
giọng Quảng. Không biết giờ này thầy có còn khỏe mạnh không. Thật là
bội bạc khi hơn 50 năm trôi qua tôi không hề biên được một cái thư thăm
hỏi thầy. Với nhiều thầy khác tôi cũng có niềm ân hận đó. Chớ chi mỗi
thầy đều cho chúng tôi biết địa chỉ chính thức – không kể những dời đổi
nhiệm sở – thì hy vọng 20–30 năm sau còn liên lạc thư tín được dẫu chỉ
là muôn một cũng vẫn là hy vọng.
Năm lớp
Nhì B, tôi học thầy Ngô Văn Lương. Thầy đẫm thấp, nói giọng Hà Tĩnh. Ấn
tượng còn lưu lại là bộ Âu phục màu ka-ki nhạt rất nhã thầy thường mặc.
Và màu da mặt trắng hồng. Thầy Trần Sĩ thì trông cao ráo linh hoạt hơn
thầy Lương. Ðược phân công dạy lớp Nhất là một vinh hạnh, vì học sinh
lớp Nhất, cuối năm thi bằng Rime (Primaire: Tiểu học) là được xin bổ làm
hương sư dạy lớp Năm, lớp Tư ở các trường làng. Hương sư được nể hơn lý
trưởng, phó tổng. Ðã vậy, thầy còn đứng tên với ông Kiểm học Nguyễn
Ðình Cầm, sáng tác cuốn Ðịa dư tỉnh Phú Yên. Trước khi cuốn sách ra đời,
chúng tôi học ở lớp Tư phải chép bài Ðịa dư tỉnh Phú Yên vào vở để học
thuộc lòng. Ði thi Sơ học yếu lược, môn thi viết có hỏi địa dư tỉnh.
Dường như học sinh nào cũng đều thuộc làu bài đọc thêm "Sông Cầu và Tuy
Hòa" trong đó, bằng lối văn biền ngẫu, thầy so sánh: "Sông Cầu là đất
thừa lương, Tuy Hòa là nơi buôn bán, Sông Cầu là bà già lão luyện, Tuy
Hòa là cô thiếu nữ xuân xanh". Thầy có một cách đặc biệt theo dõi đôn
đốc sự học của học sinh mình: đó là hằng đêm vào chặng 8-9 giờ, thầy đi
rảo một vòng những nhà học trò ở các con đường lân cận coi thử chúng tôi
có ngồi nhà học bài hay không. Do vậy mà có những buổi sáng thầy vô lớp
kêu tên một đứa bạn tôi, hỏi:
- Hồi hôm trò đi đâu lang thang ở trước tiệm Chấn Thanh?
Hoặc:
- Hồi tối nhà trò sao mới 8 giờ mà đã tối thui? Trò học bài trong tối hả?
Một
đêm kia thầy đi qua nhà ông cử Giáp, nơi trò Huỳnh và trò Duyên, quê ở
Gò Duối đang trọ học. Thầy nghe có tiếng sát phạt "Xì Rô... Già Cơ.. Ðầm
Chuồn... Bồi Bích..." Thầy lặng lẽ hé cổng bước vô, đứng sau trò Huỳnh
đang say sưa cắt bài, chia bài. Cái miệng cứ tía lia, cười cười nói
nói, đôi tay cứ dẻo quẹo cắt cắt chia chia, chợt thầy đằng hắng ho một
tiếng ở sau lưng. Quay lại. Ngó lên. Trời ơi, chết rồi! Ríu ríu bốn tay
bài lặng lẽ đứng dậy, mắt mở trao tráo như khỉ bị rắn thôi miên. Thầy
cúi lượm bộ bài, lặng lẽ đi ra cửa ngõ.
Ai
cũng đoán biết được hôm sau loại bão tố nào nổ ra giữa lớp. Bốn tay bài
rủi ro đều là học trò lớp Nhất. Ngoài Huỳnh và Duyên, hai người kia tôi
quên mất tên.
Thầy hay dùng những cách
xưng hô "tụi bay... đứa nào...!" dẫu không tao nhã bằng "các em, cậu
nào, cô ấy..." nhưng đầy chất thân tình. Thầy la lối giận dữ khi học
sinh không thuộc bài, chúng tôi sợ mà không ghét... Như vậy hơn cách nhã
nhặn mà lạnh lùng, rất văn minh của nhiều thầy cô giáo thuộc thế hệ sau
này. Thật giống như đi coi hát bội. Hồi tôi còn nhỏ, kép hát ở nhà quê
đóng vai nịnh hét to đến nổi gân cổ nổi lên như dây chão, trợn mắt cơ hồ
toét luôn khóe mắt, vung tay vung chân như người đấu quyền trên võ đài.
Năm 1974 coi hát bội trên sân khấu đặc biệt chọn lọc ở Sài Gòn. Y trang
Thượng Hải rực rỡ, hệ thống ánh sáng và âm thanh tối tân, đào kép xinh
đẹp thượng thặng... nhưng hát không ra hơi thậm chí múa tay cũng múa
lười biếng. Ðó, đẹp thì có đẹp, có tinh tế, có quí phái... đủ mọi ưu
điểm, nhưng thực chất của sự hát thì... rất dở. Như ông thầy tận tình la
mắng hồi xưa và cô giáo nhã nhặn thời nay. Lớn lên, gặp thầy, nghe thầy
đối đãi bằng giọng xung hô "tụi bay..." quen thuộc, chúng tôi vui, vừa
thêm cảm động. Cho tới lúc tuổi hơn 50, gặp nhau, ngồi nhắc chuyện xưa,
nhắc đến thầy, chúng tôi cười thích thú và thêm thương thầy.
Những
khối óc lý luận hình thức thường đồng hóa cái mộc mạc thân tình với cái
thô lỗ, tưởng ai cũng say mê sự trơn láng của một mái tóc chải
bi-ăng-tin ép vuốt bóng nhầy. Họ nghĩ rằng một khuôn mặt xác chết phấn
son chải gọt đúng qui cách hấp dẫn hơn cái ấm áp hồn nhiên của sự sống.
Cứ
gần cuối niên khóa là thầy được cử đi chấm thi. Năm đó, tôi nhớ thầy đi
chấm ở Nha Trang. Lúc bấy giờ đường xe lửa xuyên Ðông Dương mới làm
được hai đoạn: đoạn phía Bắc dừng lại ở Tourane (Ðà Nẵng), đoạn phía Nam
dừng lại ở Nha Trang. Tourane có xe thơ do hãng STACA đảm trách. Xe
STACA dài, rộng và cao như xe buýt thời nay, sơn màu xám trắng trông
thật lịch sự. Hành khách ngồi trên xe toàn những người sang trọng, không
như hành khách ở xe hàng (ở miền Trung xe hàng là xe chở khách đi đường
ngắn, trong Nam gọi là xe đò, còn xe hàng chỉ chuyên dùng để chở hàng
hóa), áo quần xốc xếch. Thầy ghé đón xe ở nhà dây thép (bưu điện) trước
mặt trường, cách trường 100 thước. Khi xe chạy qua trường, nhìn thấy
thầy ngồi oai vệ trong xe, mặt nhìn ra trước. Thời đó khách đi xe hàng
phải ngồi trên những băng gỗ kê dọc thân xe, lưng quay ra hông xe thành
thử ở dưới đất nhìn lên chỉ toàn thấy những lưng người. Còn người ngồi
trên hai băng thì đâu mặt vào nhau nên suốt đoạn đường trường cứ phải
nhìn mặt người ngồi trước. Có trải qua cảnh khổ nhọc đó mới hiểu được sự
sang quí của một tư thế ngồi nhìn ra trước xe, thong thả, rộng rãi,
không như xe hàng người này giơ tay vịn trần xe cho khỏi té nghiêng,
người kia nép vào nách người nọ, người khác chân bị kẹp giữa hai đùi của
người thứ tư. Chiếc xe STACA hùng dũng lướt tới, bớt tốc độ, lượn qua
cửa. Chúng tôi đứng ngoài giơ nón chào, và thầy tươi cười rạng rỡ chào
lại. Thật là vinh quang!
Vài chục năm sau
tôi cũng đi dạy học và cũng được cử đi chấm thi, đi cả bằng máy bay
nữa, nhưng cái hào quang rực rỡ tôi nhận thấy nơi thầy ngày trước, tôi
không có nơi tôi. Người Trung Hoa có nói "Tự kỷ văn chương, tha nhân thê
thiếp" có nghĩa là vợ người thì đẹp, văn mình thì hay. Chẳng lẽ hào
quang lại giống như thê thiếp hay sao?
Với
cái nhìn của tôi lúc đó thì tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng thành
đạt cho thầy. Lấy ông Kiểm học Nguyễn Ðình Cầm làm tiêu chuẩn thì tôi
đinh ninh chỉ vài năm nữa thầy sẽ thi đậu vào ngạch Huấn đạo là một
ngạch học quan. Nhìn sự tín nhiệm của cấp trên đặt nơi thầy và cung cách
làm việc tích cực của thầy thì đoán được. Mùa hè nào cũng vậy, tôi cứ
nghe mấy ông hương sư tập họp về Sông Cầu để học sư phạm và họ nhắc đến
thầy, một trong những người huấn luyện hướng dẫn sắc sảo mà họ tỏ ý nể
sợ.
Nhà thầy ở nằm trong một khu vườn nhỏ
nhìn ra biển. Tôi lưu ý đến những chùm ti-gôn nở hoa màu hồng trên lối
đi. Khác với những cúc, vạn thọ, tường vi... mọc lâu đời trên vùng đất
quê hương, hoa ti-gôn như mới được nhập cảng từ một lân quốc hải đảo nào
dó nên chỉ mới hiện diện ở vài ngôi nhà nơi thành phố. Màu hồng rất
tươi làm mát cả một khung cảnh. Ngôi nhà thầy mới cất, có gió biển thổi
mát suốt ngày, có ánh sáng mặt trời dọi nắng suốt ngày, có hoa nở rực rỡ
trên lối đi... đời sống của thầy thật êm đềm. Các thầy giáo khác và hầu
hết các ông thông, ông phán đều phải thuê nhà ở ngay trên phố. Thầy đốc
Nguyễn Viết Nguyên – mãi đến khi ông Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Quốc
gia Giáo dục mới đặt tên "Hiệu trưởng" – Người Thanh Hóa, mặt đẹp và
phúc hậu thì thuê một căn phố của anh Nên, trước tiệm ông Bang Chín. Căn
phố của thầy Huy – học trò ưa kêu là thầy Huy lùn – nằm ở phía cầu Thị
Thạc thì vừa thấp vừa hẹp. Ðã vậy mà thầy còn dựng một thùng nuôi ong
mật nơi mái hiên khiến trẻ con, người lớn cứ tấp nập nom dòm. Bầy ong
thì bay vù vù suốt ngày. Chỉ cần 100 con mà mỗi con cứ bay lượn 100 vòng
là số ong tưởng đâu tới mười vạn.
Ðậu
Tiểu học xong, tôi giã từ Sông Cầu đi Qui Nhơn học Trung học. Rồi cứ thế
con đường học vấn dẫn tôi đi càng xa, những cảnh mới Hà Nội, Ðà Lạt,
Sài Gòn, nguy nga nhộn nhịp càng làm tôi yêu cái vắng lặng hiền hòa của
Sông Cầu, như yêu người bạn gái đầu tiên ngây thơ, ít nói. Mười lăm năm
sau, ngẫu nhiên tôi được điều động về dạy tại trường Trung học Lương Văn
Chánh nơi thầy làm Hiệu trưởng. Rồi lại ngẫu nhiên, ba năm sau thầy đi
nhậm chức Trưởng ty Giáo dục, tôi thay thầy làm hiệu trưởng trường Lương
Văn Chánh. Sau hiệp định Genève lại thêm một sự ngẫu nhiên thứ ba: thầy
ở Sài Gòn, tôi ở Nha Trang đều đi dạy thuê ở các trường tư thục. Năm
1983, thầy từ Sài gòn ra, có ghé thăm tôi. Tôi xúc động vì lòng ân cần
của thầy, càng xúc động vì nhìn dấu vết thời gian nơi "người hùng thuở
nhỏ" của tôi. Thằng học trò từng sợ thầy là tôi mà tóc đã nhiều sợi
trắng rồi, huống chi bậc tôn sư của nó. Mắt thầy đã yếu. A quelque
chose, malheur est bon, cái bất hạnh nhiều khi cũng có ích. Chắc thầy
không còn soi gương nữa để khỏi nhìn thấy bóng mình trong gương. Mắt tôi
còn sáng, nhưng may nhờ cái gương nơi tủ áo tôi nó mờ nên bằng một thái
độ quân tử cao khiết và với một lòng nhân ái vô biên, nó xóa đi những
khuyết điểm nơi khuôn mặt tôi, nó chỉ phản chiếu lại bằng những nét mờ
ảo. Mà phàm cái gì mờ ảo thì trông cũng đẹp. Hôm 20 tháng 11, ngày nhà
giáo, là một thầy giáo niên trưởng, tôi được mời lên phát biểu. Giờ giải
lao, một thầy kém tôi chừng 5-7 tuổi tiến tới bắt tay: "Xin chào lão
sư". Tôi thân ái cầm hai tay người bạn, cảm ơn, vừa nói: – Tôi muốn chữ
"sư" có bộ Khuyển một bên (cách viết chữ Hán. Chữ SƯ (thầy) nếu thêm bộ
Khuyển ở trước thì có nghĩa là "con sư tử". "Lão sư" là con sư tử già,
chớ không phải là người thầy giáo già. Thầy giáo phải có cốt cách của sư
tử, không được có cốt cách của loài cáo, loài chồn.
Thầy
tôi! Con sư tử của vùng núi rừng Hóc Lá! Vì thầy mà tôi yêu cái tên Hóc
Lá, tên của vùng quê hương thầy. Cứ nghĩ đến thầy là tôi thấy cánh đồng
Chợ Ðèo, trên đó một bóng học sinh lầm lũi cần mẫn bước, bắt đầu là
những bước rụt rè, tiếp theo là những buớc mạnh dạn hơn, vững chắc hơn,
kiêu hãnh hơn, những bước đi tới.
... Mẫu
chuyện trên, tôi viết gởi tặng một thầy học cũ nhân sinh nhật thứ 75
của thầy. Tôi có nhắn rủ vài người bạn cùng làm. Họ "ừ" nhưng rốt cuộc
không ai thực hiện. Ngẫu nhiên sau đó, một cô học trò cũ, vừa có học tôi
vừa có học thầy, tới thăm. Tôi trao cho cô đọc. Ðọc vừ xong, cô phản
ứng:
- Nhưng "thầy" không công bằng. Thương nể học sinh đẹp giàu. Coi thường học sinh nghèo.
Tôi cười nhẹ hàng:
- Tôi biết. Và chính tôi đây cũng từng là nạn nhân.
Cô học trò cũ mở to mắt ngạc nhiên.
- Tôi
nhờ trời học khá, đứng nhất nhì trong lớp. Nhưng tôi xuất thân từ nhà
quê thì làm sao thầy không cưng Lê Phúc Hán con quan Án Sát, cưng Hồ Thị
Yến con ông chủ Dây thép... hơn tôi? Ngày Tết cha tôi đón xe đi hơn 20
cây số, mang theo nếp tượng giã thật trắng và con gà cồ thiến để tết
thầy theo tục lệ Nho học mà cha tôi chịu ảnh hưởng. Cha tôi đâu có ngờ
những phụ huynh ở thành thị là con quan Tuần Vũ, quan Tham Lục lộ, thầy
Phán tòa sứ, ông chủ tiệm buôn Hoa kiều, chủ hãng xe, chủ khách sạn. Họ
đi tết thầy những bôm, nho, táo, xá lị... những xấp hàng Cẩm Châu,
Thượng Hải để may áo dài. họ đi tới bằng xe láng bóng. Chỉ cần một
thoáng mắt nhìn là cha tôi đã cảm thấy buồn. Tôi nói tôi cũng là nạn
nhân là ý đó. Nhưng mà này cô Liên Vũ (tên cô học trò cũ), ta chỉ nên
nhìn phía đẹp của cuộc đời. Thầy lớn tuổi rồi, sinh nhật nhận quà và lời
chúc tụng là chuyện thường tình. Tôi ở xa, gợi nhớ vài "kỷ niệm đẹp"
thầy thưởng thức lâu hết hơn.
Quả đó là
một cách sống đạm bạc vừa tầm khả năng của nhiều người. Làm nghề dạy
học, cứ gần ngày nghỉ hè là tôi bảo học sinh viết kể lại những kỷ niệm
trong lớp, rất ngắn, rất gọn, chỉ cần nhắc sơ lại sự việc. Viết trên tờ
giấy lớn nhỏ gì cũng được. Tôi gom những tờ giấy đó về đóng thành tập.
Mười năm, hai mươi năm sau mở ra đọc lại, quên rằng tóc mình đang bạc,
tưởng mình đang cầm viên phấn đứng trước bảng đen.
Quanh
ta người ta than khổ, hai mươi tuổi còn than huống kẻ sáu mươi, bảy
mươi. Và thường ta chỉ lo cái khổ của ta mà quên giải khổ giúp người.
Tôi gợi nhớ những kỷ niệm đẹp cho thầy là nhằm tạo một niềm vui nhỏ,
giải một nỗi khổ nhỏ cho thầy tôi đó. Vì ai khỏi khổ? Không có cái khổ
lớn thì người ta cố tìm những cái khổ nhỏ để mà khổ.
*
Ngoài
ông bà, cha mẹ, anh chị và người thân trong gia đình thì thầy và cô
giáo là người thương yêu ta chân tình hơn ai hết và ta cũng yêu lại, tin
tưởng, chân tình. Bởi một lẽ đơn giản: đó là người ta tiếp xúc đầu
tiên, tiếp xúc hàng ngày, ngay từ lớp mẫu giáo ngây thơ.
Lần
đầu tiên tập đứng sắp hàng, tập giở mũ chào, tập vòng tay ngồi im, tập
giơ tay xin nói. Y như mới ngày nào mẹ tập đứng tập đi.
Ðừng
nặng lời đối với quan niệm Quân Sư Phụ mà ghét lây vị trí của thầy
giáo. Vào cái thời mông muội xa xưa, nông nghiệp thô sơ đó, người đàn
ông có uy quyền lớn nhất là vua. Rồi tới người đàn ông có nhiều chữ
nghĩa và truyền dạy chữ nghĩa, mở đường cho con cháu mình thi cử đỗ đạt,
đó là ông thầy. Người cha khiêm tốn nhận địa vị thứ ba vì cha thường là
nông dân ít nói, ông thợ cần cù. Mà có chi phải ganh nghét ông thầy, vì
ông thầy, thầy đồ, thì luôn luôn nghèo, văn chương thương tình tặng cho
hai chữ "thanh bạch", không nỡ nói trắng ra là "bần khổ". Và thời nay
thì cũng đâu có khác mấy thời xưa?
Chưa
dám kể rằng các bậc thông thái thời xa xưa đều đóng vai thầy chớ ít ai
đóng vai tể tướng. Như Ðức Khổng Tử, vạn thế sư biểu mà không mấy ai
không biết. Người thầy có sức học uyên bác, biết con vật đào ở dưới đất
nước lỗ lên là con Phần dương chớ nhất định không phải là con chó, biết vật
lạ vớt được ở sông Ðại giang nước Sở là trái bèo, bửa ra ngọt như mật,
biết dị nhân ở nước Trần cầm giáo đâm mình là con cá Chiêm Ðại ngư, biết
con chim lớn mình đen cổ trắng, có một chân ở nước Tề là con Thượng
dương, bay đến đâu là nơi đó có mưa to lụt lớn. Người thầy đó suốt đời
chu du trải khắp bảy nước Lỗ, Vệ, Tống, Trịnh, Tấn, Tần, Sở. Có hồi làm
tới Tướng quốc, có hồi ngồi giảng cho học trò dưới một gốc cây (quan Tư
mã thấy ngứa mắt liền sai chặt gốc!), có hồi nhịn đói ba ngày mà vẫn
điềm nhiên ngồi gảy đàn, đọc sách. Suốt đời chăm dạy Lễ, Nghĩa, Liêm,
Sỉ, bỏ nước Lỗ ra đi vì vua Lỗ thiếu Lễ, bỏ nước Vệ ra đi vì vua Vệ
thiếu Ðức.
Bậc thầy ở Á Ðông là vậy, còn ở
phương Tây? Lần trang sử cũ thấy ông Socrate. Lạ thay, cũng đồng thời
với Khổng Tử, nhích nhau chẳng mấy năm, khi Khổng Tử qua đời thì Socrate
lên chín.
Socrate, đó là một người khiêm
tốn hiền lành, mặc áo sờn vai, đi chân trần ngao du trên những con
đường của thủ đô Hy Lạp, nói chuyện với mọi người về những đề mục tầm
thường: thời tiết, mùa màng, chợ búa... Nhưng khi giã từ, kẻ đối thoại
chợt nhìn thấy cái ông mặt mũi xấu trai đó có nói cho mình một cái gì đó
khiến mình suy nghĩ và mình đang hiểu mình hơn. Nghệ thuật của thầy
Socrate đó. Thầy chỉ đặt những câu hỏi và người học trò học suy nghĩ.
Thầy mở mắt cho họ hiểu là họ chưa biết được bao nhiêu, chưa biết đúng
và khiến họ ước muốn những hiểu biết chân chính. Thầy so sánh phương
pháp giáo dục của mình với phương pháp đỡ đẻ, – mẫu thân của thầy là một
bà mụ – giúp trí tuệ con người đẻ ra cái Chân lý mà nó có mang sẵn
trong đó.
Ðệ tử theo Socrate càng ngày
càng đông và những quan niệm mới của ông khiến ông có nhiều kẻ thù. Ngay
cả nhiều bậc phụ huynh cũng không bằng lòng vì đầu óc con em họ tràn
ngập những suy nghĩ mới. Và ông bị đưa ra tòa, lấy cớ là ông phỉ báng
chân lý, phỉ báng thần linh và làm hư giới trẻ. Ông trả lời rất ít,
không tự bào chữa. Tòa tuyên án tử hình. Ông từ chối không xin giảm án,
hy vọng rằng cái chết của mình sẽ khắc sâu vào lương tâm của người công
nhân Nhã Ðiển, bây giờ và cả ở thế hệ tương lai, còn hùng hồn hơn cả
những lời rao giảng.
Trong ngục thất, ông
uống cạn ly thuốc độc một cách bình tĩnh, các đệ tử bao quanh ông, nước
mắt chảy ròng. Ðệ tử Criton vuốt mắt cho thầy.
Lý
tưởng của người Thầy vĩ đại (chữ dùng của sử gia: grand maître) được
các môn sinh khai triển thành những môn phái, trong số có những môn phái
tưởng như trái ngược nhau: phái Khuyển nho, phái Khắc kỷ, phái Hưởng
lạc... Ðệ tử sáng chói nhất của Socrate là Platon, được người đời tôn
vinh là "ông vua của ngành Triết học", người được Hoàng đế Denys tiếp
long trọng như tiếp một vị quân vương. Ðệ tử của Platon là Aristote,
thầy học của A-Lịch-Sơn Ðại đế, nhà thông thái toàn diện mà thời Trung
cổ đã tôn vinh là "Thầy của mọi khoa học". Thật là thời đại hoàng kim
của sự kế tục thầy trò!
Ở ta thuở xưa,
nghề dạy học đã thành cái nghiệp của người biết chữ. Nhà Nho khi còn hàn
sĩ, khi thi đậu đợi bổ ra làm quan, khi hồi hưu hoặc khi phải treo ấn
từ quan lui về ẩn dật... đều mở trường dạy học. Trường chỉ sơ sài một
mái tranh đã đủ, khỏi thủ tục xin giấy phép kinh doanh. Học không phải
nhiều môn nên khỏi cần mời nhiều thầy chuyên môn. Thỉnh thoảng lịch sử
có nêu tên những bậc thầy khả kính, có kiến thức uyên thâm, có đạo đức
cao khiết, có môn đệ thành đạt. Tiêu biểu là thầy Chu Văn An đời Trần,
thanh liêm chính trực, dâng sớ xin chém bảy gian thần, vua không nghe
liền từ quan lui về ẩn dật, mở trường dạy học, đào tạo nhiều môn sinh
hiển đạt như Phạm Sư Mạnh...). Chừng như danh nhân văn hóa nào cũng từng
là thầy giáo: Phan Huy Chú, Bùi Hữu Nghĩa, Ðặng Huy Trứ, Phan Văn Trị,
Nguyễn Ðình Chiểu, Nguyễn Khuyến...
Thầy
cô giáo hôm nay không dám sánh với những bậc sư biểu đó. Trường sư phạm
đào tạo những thầy cô giáo dạy đúng chương trình, dạy có lương tâm, và
chỉ bấy nhiêu đó thôi, học sinh và phụ huynh đã phải có bổn phận đối xử
có nhân có nghĩa. Ðừng như bà phụ huynh nọ ỷ mình có sạp buôn lớn, quen
thân với cấp tỉnh cấp khu, một hôm nhận được giấy cô giáo chủ nhiệm
thông báo con mình vô kỷ luật liền đợi tới giờ cô, xông thẳng vô lớp,
tát tai đấm đá túi bụi đứa con, chửi mắng ầm ỹ rồi hùng dũng bỏ đi ra.
Khiến tôi chợt nhớ tới cuộc diện kiến giữa A-Lịch- Sơn Ðại đế với nhà
hiền triết Diogène thuộc môn phái Khuyển nho.
Diogène
sống với một con chó, ở trong một cái thùng gỗ, hạn chế tối đa nhu cầu
đến mức một cái một cái chén để múc nước uống cũng ném đi khi thấy hai
bàn tay bụm lại cũng hứng được nước. Nghe danh nhà hiền triết, một hôm
Ðại đế đến đứng cạnh cái thùng lễ độ thưa:
- Tiên sinh có cần gì, quả nhân xin...
Triết gia trả lời:
- Ta cần ngươi đứng xê ra để nắng dọi được vô cửa thùng.
Tướng tùy tùng rút gươm toan chém tên vô lễ (nghề chuyên môn mà!), nhưng vua gạt đi, nói:
- Nếu ta không là A-Lịch-Sơn thì ta muốn được là Diogène.
A-Lịch-Sơn
trọng Diogène như trọng thầy mình, người thầy mà nhà vua đã từng nói:
"Sinh ra ta là cha ta, Hoàng đế Philippe. Dạy ta sống xứng đáng là thầy
ta, Aristote".
Lên ngôi năm 20 tuổi mà
đánh Ðông dẹp Bắc, xua quân từ Hy Lạp sang tận Ba Tư, Ấn Ðộ, cái thế anh
hùng, nhưng nhà vua biết cúi đầu trước cái Ðức của bậc hàn sĩ. Thử đặt
bà phụ huynh chủ sạp vào địa vị nhà vua, thì bà sẽ đá cho cái thùng lăn
lông lốc mấy chục vòng!
"Nhất tự vi sư,
bán tự vi sư", vậy mà tôi gặp trường hợp có người học trò cũ xưng hô với
tôi bằng "anh". Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị xúc phạm mà chỉ thấy
thương hại cho anh ta. Rõ ràng là anh ta có tỏ ra lúng túng khi sắp phải
chọn giữa hai tiếng "thầy" và "anh". Tôi muốn vỗ vai thân mật an ủi:
"Sao em khổ chi vậy?
" Tiếng "thầy" có gì là cao giá đâu mà em phải cân
nhắc? Xung quanh ta thiên hạ dùng tiếng "thầy" khỏe ru mà: thầy thuốc,
thầy cúng, thầy võ, thầy phù thủy, thầy địa!...
" Kẻ
ác tâm nghĩ và người ác khẩu nói: truyền đạt kiến thức cho học sinh thì
nói có công ơn gì? Chỉ là nghề sinh nhai, còn nhẹ hơn nghề đắp đường,
khỏe hơn nghề bửa củi. Kiến thức thức đó của danh nhân kim cổ chớ đâu
phải của chính thầy cô mà phải thán phục? Vậy là bao nhiêu cái ơn phủi
đi, bấy nhiêu cái oán lãnh đủ, vì kiến thức truyền rao, học sinh phải
nghe, phải học, phải thuộc, phải biết vận dụng để làm bài. Lười học, cẩu
thả, làm sai, thầy cô phải la phải phạt, vậy là mang oán. Gặp phụ huynh
có quyền có chức thì từ oán chuyển sang uy hiếp.
Có một lần một bà mẹ cầm tờ đơn đến trường kiện cô giáo. Tôi mời ngồi nơi phòng khách và mở lời trước:
-
Tôi biết vụ này. Con bà về mét là bị cô giáo bạt tai. Cô giáo nói
không. Không có ai làm nhân chứng. Nhưng mà đôi co chứng tá làm gì,
chúng ta cùng giải quyết cái căn bản. Con bà được bà cưng, học lười và
hỗn với cô giáo từ lớp Một. Cô giáo rầy la, cảnh cáo nhưng bà bênh con:
ăn hiếp lại cô giáo. Lên lớp 2 cũng vậy, lớp 3, lớp 4 và bây giờ lớp 5
đều cũng vậy. Nội dung đang rất bi đát mà bà đâu có hiểu. Con bà không
học thì sức đâu mà lên lớp? Nhưng để học lại một năm nữa thì cô giáo
chịu sao nổi với nó, với bà? Vậy là nâng điểm, cho lên. Cứ liên tiếp như
vậy. Rốt cuộc nay học lớp 5 mà trình độ đâu chừng tới lớp 3 rưỡi. Mà
phàm học kém thì ngồi nghe giảng không hiểu, phải nghịch phá. Bà ơi, rốt
cuộc cô giáo nào rủi dạy trúng con bà đều cũng phải nhẫn nại chịu đựng
cho qua năm học, chịu khó ngồi tụng niệm một trăm chữ NHẪN. Nhưng còn
bà, thưa bà, bà sẽ phải khổ với nó suốt cuộc đời bà.
Người đàn bà chăm chăm nhìn tôi. Cái đơn kiện đến cuộn tròn khá lớn, giờ như được xếp cho nhỏ lại.
Nhà
giáo bị uy hiếp bốn bề. Là người thợ xây, nhưng tâm hồn học trò đâu có
dễ uốn như cây, như gạch? Quả là có một số ít nhà giáo kém phẩm chất
nhưng tại sao lại vin vào số ít nhỏ nhoi này để phủ nhận cài đa số lớn
lao kia?
Riêng người học trò cũ ngồi nói
chuyện với thầy, viết thư thăm thầy thì còn được hưởng thêm một niềm vui
ích kỷ: đó là thấy mình vẫn còn trẻ. Bởi một khi các bậc trưởng thượng:
cha, mẹ, thầy giáo đều từ trần thì mình sẽ cảm thấy cô độc lạ thường,
mình như già đi trong phút chốc. Như những ngày cây cổ thụ ngã xuống,
các cây nhỏ bấy lâu nép bóng chợt bị phơi trần ra chịu đựng nắng, gió,
mưa.
Gắng tạo niềm cảm thông, niềm an ủi
cho các thầy cô giáo để ngày ngày họ dạy dỗ con của bạn trong niềm vui.
Cũng dễ hiểu thôi mà: khi có nước mát tưới đều, bụi thúy cúc nở những
đóa hoa rực rỡ. Và con của bạn đang ngồi vây quanh, hưởng hương sắc của
hoa.
Còn thầy cô giáo cũ thì có mong chờ gì ở bạn đâu? Vì vậy mà một lời thăm hỏi đủ đem lại niềm vui thanh khiết.
VÕ HỒNG