Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

CÔ HỌC TRÒ THÚ VỊ - Lê Miên Tường


Một ngày giữa tháng sáu. Buổi đầu, lúc vào nhận công việc dạy dỗ, gặp học trò, học trò chào thầy như thế này : thưa thầy. Chào với con mắt nheo nheo rất chi là ngổ ngáo. Ngổ ngáo nhưng dễ thương. Cái chào như ngụ ý : học trò này không phải vừa. Đừng tưởng bở.
 
À. Đụng phải thứ "hip" chính cống rồi đây. Thầy tự nhủ thầm như vậy. Tuy nhiên, thầy không lấy làm lo, trái lại, cơn kích thích cảm khoái về một cuộc chơi đối với một kẻ trong ê kíp người lâu nay thầy cho không ra gì, đột ngột nổi lên khiến thầy thích thú. Thích nên bắt đầu. Nhưng bắt đầu một cách dè dặt. Phải dò dẫm từng bước. Phải đo từng chút mắt nhìn. Phải cân từng ly lời nói. Phải cảnh giác từng điệu đi đứng mới mọc. Phải đủ thứ. Không phải cho học trò, mà về phía chủ nhà. Xưa nay, bọn nhà giàu vất tiền mướn thầy dạy dỗ cho con cái, ít có người coi trọng ông thầy. Đã không trọng lại còn tỏ ý coi thường. Nhưng thầy không cần chi hết. Chỉ dạy chơi. Không phải, nghỉ. Sòng phẳng.
 
Nhưng gia đình của học trò thuộc loại hiểu biết. Không kính trọng quá đáng. Không vồn vập vượt bực. Chỉ ở mức đối đãi vừa phải.
 
Đó là về gia đình. Riêng học trò thì khác. Ở những buổi đầu, thầy gặp phải sự ngấm ngầm chống đối. Chống một ít thôi. Chống, để khỏi bị đồng hóa. Lạ gì tính ngang ngạnh của các cô bé vừa lớn. Có cái gì các cô chịu đồng ý cho đâu. Cứ luôn luôn làm ra vẻ ta đây bất cần và đứng về phía đối lập. Mặc. Thầy cứ tỉnh bơ dạy. Tỉnh bơ trình diễn bộ mặt nghiêm nghị lầm lý suốt hai giờ học. Đệ tam cỡ như cô bé cũng chưa thông minh lắm. Chưa biết "quậy" ông thầy. Chưa có những câu hỏi lắt léo. Vị thứ cuối năm đứng thứ ba, đè đầu cả mấy chục mạng, như cô bé, ở cái tỉnh lẻ miền núi này, đối với những trường lớn ở các thành phố lớn, chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, để bù vào cô bé có sự nhận xét tinh vi. Có cái nhìn sắc, thấp thoáng vẻ mơ mộng nghiêng hẳn theo giòng chiêm ngưỡng cây cỏ, đồi núi, thiên nhiên.
 
Ít ra, với đời sống của tốp nhà giàu như cô bé, giữa miền vốn hoang rỗng của tâm hồn, cô bé là kẻ ngoại lệ, biết tự cấy vào đó những ngọn lá, ươm xuống đó những hạt mộng, chảy qua đó từng con suối mùa thu lăn tăn sóng gợn các giòng xanh, đưa cô bé thăng hoa lên mấy nấc, vượt thoát khỏi đời vốn bị bao vây bởi tiền, danh và giả dối.
 
Với cô bé, đã có sự dung hòa. Với cô bé, đã có sự cộng chung tuyệt vời giữa những thao thức hồng và mơ mộng biếc. Như thế đó. Nói về một cô học trò có tâm hồn điệu nghệ nhưng lạc loài như tiếng kêu cô độc, vút lên, cao, như đưa đi, như bay thoát, nhưng cõi thinh không câu kết với cơn gió mông lạnh đầu thu, cột níu, bắt víu lấy đôi cánh mỏng đang đập bay theo cùng cái hun hút của dặm trường. Cùng độ loãng hụt hẫng của bát ngát những chân trời tăm tắp. Của điệp điệp rừng cây xa. Của trùng trùng đồi núi rộng.
 
Thầy nghĩ về học trò bằng những khơi dẫn khách quan, đẹp như thế. Còn học trò thì sao?
 
Với mấy buổi đầu, hoặc bắt chước, hoặc tỏ sự mềm dịu chống đối, học trò cũng trình diễn bộ mặt lầm lỳ.
 
Nói cái đáng nỏi. Hỏi điều đáng hỏi. Im lặng chỗ nên im lặng. Thầy và học trò "triển lãm" hai bộ mặt như đưa đám ra như để đối chọi nhau. Như cùng hai cực dương xô đẩy. Nhưng sức chịu đựng của học trò phải thua thầy. Thua là cái chắc.
 
Không lâu, một tuần sau, học trò đã tỏ cho thầy rõ sự thua. Tỏ một cách rất trẻ con. Rất đáng yêu.
 
Đầu tiên, học trò nói với thầy vài câu. Đại khái như : Thầy biên chữ lu quá, bay bướm quá, nhìn không rõ. Thầy vẽ vòng tròn đó chưa hoàn toàn tròn. Thầy cho bài tập nhiều quá, làm bắt mệt...
 
Biết là cô bé nói kháy, cho hả. Mặc. Biên chữ lu thì biên lại. Vẽ vòng tròn chưa hoàn toàn tròn thì xóa, vẽ vòng tròn khác. Rên bài tập nhiều, thầy sẽ cho ít. Ông thầy ổng kiên nhẫn lắm. Mọi sự ông đều chiều theo ý cô bé. Chịu. Cô bé hết cớ để giận lẫy. Hết cớ thì tìm. Tìm mãi. Một cớ nhỏ cũng thêm thắt cho nó lớn. Chẳng hạn như với cây bút nguyên tử, thì nói : bút chi viết mực ra cả cục, cả cục. A lê, vụt xuống bàn. Với cây thước kẻ, thì nói : mấy ông thợ đúc thước, làm biếng quá, đúc thước cong vòng. A lê, vụt. Với vở thì vở giấy không trắng. Với sách thì sách in chữ mờ. Hết cớ sách vở bút thước, bí quá, bèn sang cớ thiên nhiên. Với thiên nhiên thì trời mưa chi mưa mãi. Gió chi lạnh ác v.v...
 
Tội cho lũ sách vở. Tội cho thiên nhiên bị cô bé rầy oan. Ông thầy vẫn phớt tỉnh ăng lê. Đôi khi ông quay mặt cười thú vị. Nếu thấy được ông thầy cười, học trò liền chớp lấy cơ hội đó để nói một câu (cũng tức cười):
 
- Học trò có chi mà thầy cười? 
 
Ông thầy chọc thêm cho tức:
 
- Cười mà cũng cấm.
 
- Cấm chứ.
 
- Khó quá.
 
- Nghiêm nữa.
 
- Nghiêm như thế này này.
 
Này... Này... Cô bé kéo dài chữ này ra, rồi ngậm miệng, nhướng mắt lên, phình má ra... đại khái nói là phải nghiêm thế. Nhưng mặt đó không phải mặt nghiêm. Mặt đó để chọc cười. Thế là cả trò lẫn thầy đều cười.
 
Bầu không khí lúc đó hơi dễ thở một chút. Nhưng cười cũng chẳng lâu. Ông thầy lại đưa bộ mặt lầm lỳ ra. Học trò cũng như thầy. Có khi nghiêm hơn. Mà là nghiêm giả. Ai cũng giả. Ai cũng giả vờ hết.
 
Thầy chăm chú giảng bài. Học trò chăm chú nghe. Giảng xong ông thầy ngồi nghỉ. Học trò ngồi đối diện với thầy hí hoáy biên chép, thỉnh thoảng liếc mắt lên nhìn thầy cầm chừng. Thầy tỉnh bơ đọc sách. Đôi khi học trò cắn bút vờ suy nghĩ nhưng thật ra đang tìm cớ để "làm khó" thầy chơi. Biết "tim đen" của cô bé, ông thầy cố giữ. Không để sơ hở.
 
Nhưng dù cho cố giữ, thỉnh thoảng thầy cũng phải lỡ quên. Ví dụ, trời đang mưa lạnh, lúc giảng bài xong, ngồi nghỉ, cảm thấy thèm một hơi thuốc quá, thầy quên khuấy sự "chực gờm" của cô bé, bèn mò túi rút ra một điếu, gắn lên môi, bật lửa, hít hơi đầu tiên khoái chí, chưa kịp nhả khói ra, sực nghĩ rằng cô học trò khó tính này không thích ai hút thuốc, tức thì, vội vàng dựng cuốn sách lên che, xong từ từ thở khói xuống gầm bàn. Một cơn gió ác ôn, lúc đó, sẽ chui lòn qua khe cửa, thổi tạt một ít khói về hướng cô bé. Cô bé cười mỉm. À, cơ hội đây rồi. Thầy có giữ đằng trời. Thế là cô bé bỏ viết, gấp vở, làm ra vẻ thật quan trọng, đưa hai tay ra trước mặt quạt lia lịa để đuổi khói, trông điệu bộ như sắp chết ngộp đến nơi, làm như khói nhiều lắm (Thật ra chỉ một tí khói thôi. Không để ý sẽ không thấy). Tay quạt khói và miệng cô bé hô lớn:
 
- Ngồi với con gái mà cũng hút thuốc?
 
Thầy chưa kịp phân bua gì, dường như thấy câu nói của mình có vẻ sao sao, cô bé vội sửa lại:
 
- Ngồi với học trò mà cũng hút thuốc?
 
Chữ "con gái" đổi thành chữ "học trò". Ông thầy nghe thế, chợt hiểu ra, lấy làm thích thú quá, nên quên chuyện phân trần, lại buột miệng nói một câu gián tiếp bày chỗ nhược của mình cho học trò thấy:
 
- Tại thèm quá. Trời mưa lạnh hút thuốc mới đã.
 
- Tập nhịn cho quen.
 
- Bắt nhịn như thế là ác.
 
- Ác ở chỗ nào đâu?
 
= Ở chỗ đó đó.
 
- Đâu?
 
- Thì ác. Ác lai ác. Ở chỗ ác đó.
 
- Đâu?
 
- Đâu hoài. Không cho người khác hút thuốc là ác.
 
- Ác rồi có sao không?
 
- Ác là ác báo. Sang năm thi sẽ trượt vỏ chuối.
 
- Sang năm đâu đã thi mà trượt. Nói hớ rồi.
 
- Thì sang năm nữa.
 
- Sang năm nữa, lâu quá, "nguội" rồi, cái ác cũng quên  đi, đâu còn nhớ mà "báo"?
 
- Sẽ có người nhắc "nó" tới báo.
 
- Ai?
 
- Chẳng hạn người-hút-thuốc bị cô bé làm khó.
 
- Thù dai.
 
- Ờ, dai.
 
- Nhưng sang năm nữa chắc chi học trò còn ở đây. Có khi lên Đà Lạt. Như chim bay cái vụt, mất rồi. Ở đó mà nhắc.
 
Hề. Nói xong cô bé nheo mắt cười. Ông thầy cũng cười. Cười vì không nín được. Cô bé tinh nghịch và dễ thương. Những mẩu đối thoại, nói trống, không có chủ từ. Dường như ai cũng muốn thế. Học trò thì không muốn làm học trò. Ông thầy cũng chẳng thích làm thầy. Thầy trò không có ranh giới. Không đẳng cấp. Không có rào cản. Như ngọn gió sớm lồng lộng lên cao, lướt qua bao nhiêu chòm lá còn óng ánh sương, từ đó, tự do nẩy sinh những mơ ước hồng, cũng tinh khiết như buổi sớm và luồng gió tình trường đó. Như nụ cười chưa vẩn đục của hài nhi thuở vừa chui ra khỏi lòng mẹ. Không trách. Không chê. Không kết án. Những gì được dấy động, khởi phát từ tự nhiên, do sự chân thành, đều không mang nhiều mặc cảm tội lỗi nào. Cứ như thế, lòng mở ra chào nhau. Cứ như thế, lòng trải ra thành hai chỗ ngồi chung. Và sẽ ngồi lại với nhau - điều tiên tri (?) - một ngày sắp tới. Mai. Mốt. Hay vài tháng. Một năm nữa? Chưa biết chừng.
 
Những vụ "đấu khẩu" giữa thầy và trò thường được kết thúc bằng các nụ cười dòn, trong. Rồi giờ học hết. Thầy lững thững ra quán cơm. Học trò mở cửa đứng ngó theo, bâng khuâng.
 
Rồi chiều mai, như công thức, thầy lầm lỳ ôm sách tới. Học trò đã ngồi đợi từ lâu. Thầy thường nói với học trò rằng thầy rất ghét những gì có tính cách đều đặn, công thức ; nhưng vì bất khả kháng, thầy rán lăn theo như chiếc xe. Học trò hơi buồn buồn lúc nghe thầy tự ví thầy như chiếc xe. Chiếc xe còn lăn nữa. Mãi mãi.
 
Lần tới, lại vờ quên chuyện cười chiều qua, vẫn như cũ, ông thầy giữ mặt nghiêm. Học trò cũng như thế, nhưng độc đáo hơn một chút.
 
Hai khuôn mặt lạnh. Bàn ghế. Ly trà sâm. Bảng đen. Khăn lau. Phấn viết. Nói. Và trời mưa. Cũng lạnh.
 
Và rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
 
Chuyện thương yêu. Chữ viết rất xác định. Bóc trần. Không ngầm giấu. Nói rất rõ, to. Không đậy che.
 
Nhưng chỉ là chuyện yêu thương câm. Âm thầm như những cánh én cuối đông tụ về đất. Nhảy đùa ở đó. Buồn ở đó. Và có lẽ, chết cũng im lìm ở đó. Ở đó, tình yêu. Ở đó, thấp thoáng những cánh quạ đen vờn quanh, nhiều, đen kịt như truyền rao những đe dọa ngầm, nhưng rộng tỏa.
 
Chuyện xảy ra như thế này:
 
Một chiều, như thường lệ, cô bé đang ngồi làm bài. Làm gần một giờ không ra. Làm không ra, đổ quạu, bèn bỏ bút, vùng vằng với ông thầy:
 
- Vì không cho hút thuốc, tức quá, nên mới ra bài khó.
 
Nói xong, cô bé trề môi ra. Thầy định cười, nhưng cố nín, vờ làm mặt nghiêm, nói với học trò:
 
- Khó mới mau giỏi. Ra dễ thôi học chi.
 
- Học trò không thèm giỏi.
 
- Không thèm giỏi, sang năm sẽ đứng chót.
 
- Có sao không?
 
- Đứng chót, sẽ đội hơn năm chục mạng, ê đầu.
 
- Kệ.
 
- Kệ cũng không được. Cái đầu đâu phải tiệm tạp hóa mà "kệ".
 
- Được. Được. Được.
 
- Không được.
 
- Không được cũng được. Nhưng học trò đứng chót, ông thầy xấu.
 
- Sang năm ông thầy đâu còn ở đây nữa mà xấu. Lúc đó học trò sẽ xấu một mình.
 
- Thầy xấu.
 
- Học trò xấu.
 
- Thầy...
 
Cô bé chực khóc. Ông thầy không nỡ, xuống nước nói, thôi thôi, để giảng cho. Đừng đem nước mắt ra dọa. Học trò lầm bầm nói, thèm dọa. Ông thầy lên đứng trên bảng đen. Học trò ngồi nghe nhưng vẫn chưa hết tức.
 
Thầy bắt đầu nói. Những danh từ đại số có vẻ mới. Những hệ thức nhị cấp. Tích Descartes. Tính phản hồi. Tính đối xứng. Tính gián truyền. Tính phản đối xứng...
 
Thầy say sưa nói. Học trò chống cằm nhăn nhó. Thầy viết công thức. Học trò cũng biên chép... Giảng xong bài, thầy hỏi : hiểu chưa? Học trò lắc đầu. Thầy giảng lại. Hiểu chưa? Chưa. Hiểu chưa? Chưa. Thầy vẫn kiên nhẫn. Lần thứ năm giọng thầy hơi khàn khàn. Học trò cúi đầu xuống, rưng rưng. Thầy bỏ tới đứng tựa vào ô cửa nhìn mông ra ngọn đồi trùng điệp rừng cây mịt mù dưới cơn mưa lớn giữa mùa. Rồi học trò nói:
 
- Thầy hút thuốc đi.
 
Thầy hỏi:
 
- Không cấm nữa à?
 
- Bữa nay không cấm đâu. Thầy hút đi.
 
- Ừ, hút. Nhưng hiểu bài chưa? 
 
Học trò không nói. Lại cúi đầu, rưng rưng. Thầy xao xuyến. Học trò buồn bã. Thầy nói, thôi, tôi về. Hết giờ rồi. Bận sau đến giảng tiếp. Học trò ngước mắt lên, khẽ giật mình như vừa đánh mất một cái gì. Thầy ra cửa. Học trò quýnh quíu nói, mưa ướt hết. Để lấy dù thầy che. Thầy không cần dù, đội mưa đi. Quán cơm gần đó.
 
Chiều hôm sau, thầy cảm, không đi dạy được. Thầy bèn nhờ người bạn đem tới cho học trò tấm giấy viết vài dòng : Đau rồi. Học trò được nghỉ mấy buổi đó. Sướng chưa?
 
Nhưng học trò không sướng như ông thầy tưởng. Học trò buồn buồn. Những chiều mà ông thầy lững thững tới gặp học trò như một sự đều đặn, đã khiến học trò chấp nhận lấy sự đều đặn đó là niềm vui đầy, nỗi hạnh phúc lớn. Đôi khi, ta cũng cần có sự thường xuyên, miễn sao sự thường xuyên không thường xuyên lắm. Không đến độ như cái máy. Không đến độ ù lỳ, tuân phục. Vì thế, học trò cũng như thầy, cũng thấy rất cần sự thường xuyên đó. Nên chi, khi thầy đau không đến dạy, học trò buồn quá, tới thăm thầy.
 
Học trò tới, gõ cửa. Ông thầy ra mở. Học trò ngạc nhiên vô cùng. Mặt thầy bơ phờ, hốc hác. Học trò vội cúi đầu, nói nho nhỏ:
 
- Học trò xin lỗi thầy đó.
 
- Lỗi với phải. Vô đây kẻo mưa.
 
- Học trò xin lỗi lần nữa.
 
Ông thầy kéo ghế, nói:
 
- Ngồi xuống đi.
 
Học trò nghe theo, nhưng vẫn nói:
 
- Học trò xin lỗi.
 
- Không có lỗi đâu.
 
- Có. Lỗi học trò bắt thầy giảng bài tới năm lần. Bữa đó hiểu rồi, nhưng tức, giả vờ nói chưa để bắt thầy giảng. Giảng quá nên thầy mệt. Thầy phát đau. Học trò hối hận lắm. Thầy trách không?
 
- Không. Bỏ chuyện đó đi.
 
- Bỏ chi được. Hôm nay học trò "đền" thầy một buổi tới thăm, với một bịch cà phê.
 
- Trời đất. Đau mà cho uống cà phê.
 
- Để lành rồi uống. Hợp lý không?
 
- Hợp lý.
 
- Thầy hết giận học trò rồi nghe?
 
- Nghe.
 
- Chắc?
 
- Chắc.
 
Rồi học trò về. Thầy trở vô giường nằm. Như thế đó. Nhưng như thế là như thế nào? Ông thầy nghĩ ngợi điều đó rất dữ. Nghĩ, buồn. Những người đàn bà đã đi qua đời thầy, một thời, như những cơn lại nồm tàn bạo. Đi qua. Rồi hết. Không để lại một dấu tích. Không chứng cứ. Cõi miền tình yêu bỗng trở nên im sững, bất động, giẫy chết. Nhưng yêu một người đàn bà khác hơn yêu một cô bé. Quang Dũng có mấy câu thơ : Lòng trai ba mươi. Vui như trẻ lên mười. Yêu hơn tuổi mười bảy... Tuổi ba mươi thì còn lâu ông thầy mới tới. Tuổi mười bảy thì qua rồi. Ngó tới. Trông lui. Tuổi thầy lưng chừng giữa hai giới hạn đó, nhưng không hiểu sao thầy bỗng yêu ghê gớm. Lòng yêu rộn ràng như bông gạo một mai rụng rớt đầy đường. Chính là tình yêu rớt. Chính cô bé là ngọn gió nhẹ rung. Tình yêu lay. Ông thầy chới với. Cô bé nhập nhòa.
 
Cô bé tới thăm. Cô bé bỏ về. Ông thầy khỏi đau. Ông thầy tiếp tục đi dạy. Đã có những câu chuyện kể xen vào giữa giờ học. Đã có những bài thơ tình được ngâm nga. Đã cất bộ mặt lầm lỳ. Đã lộ ra bản chất tự nhiên. Đã có, thỉnh thoảng, vài lần hò hẹn. Đã có vài lần thỉnh thoảng cô bé khoanh tay đứng trước mặt thầy, nói:
 
- Thầy cho học trò đi uống cà phê đi ạ.
 
Lúc đó, ông thầy sẽ khoát tay:
 
- Bậy bạ. Học trò không được uống cà phê với thầy. Luân lý cấm.
 
Luân lý? Nói là để nói chơi. Không bao giờ ông thầy nghĩ tới luân lý đạo đức. Trái lại, ông thầy còn kiêu mạn, dẫm chân lên. Nói : Ta sống cho ta. Bất cần thị phi. Sống. Ăn. Ngủ. Đi rông. Mơ mộng. Đau khổ. Buồn bã. Vui sướng. Yêu... Ta sống cho ta. Mặc kệ thị phi. Ta sống cho ta. Không lý tới tha nhân. Khi vui, cười to một tiếng. Lúc buồn, hét tướng vài câu. Ta sống cho ta.
 
- Đi. Thầy cho học trò đi uống cà phê đi.
 
Đi. Đi. Đi đi. Ông thầy dại dột đến độ thích thú để tuân theo. Không cần cấm cản. Không cần tự chế. Mở ra để rước vào. Rước vào tiếng chim sơn ca thánh thót. Rước vào những khuôn trăng đêm rằm vằng vặc. Và rước vào mơ ước trắng hồng như bông lài bông huệ. Ơi cô bé tóc dài buông che. Ơi cô bé tay hồng lông măng sữa!
 
Và, dĩ nhiên sẽ đi uống cà phê. Đi ngồi quán. Giam kín hồn tại đó. Đi. Rồi còn đi nữa. Không cưỡng được, xếp sách vở lại. Đi. Đi uống cà phê. Đi kể chuyện những chàng thi sĩ đói rách làm thơ tình trên những ống khói. Đi nói chuyện có con bướm vàng, chiều vàng, đậu trên khóm cúc vàng.
 
- Thủng thẳng. Đi thì đi.
 
- Không phải thầy sợ à?
 
- Sợ chi?
 
- Sợ đi với học trò người ta bêu cho.
 
- Mặc kệ người ta. 
 
- Ngon dữ.
 
- Chứ sao. Mình sống cho mình. Dư luận là đất. Đất làm thành con đường. Hãy ngẩng đầu, bước lên đó mà đi.
 
Đi một bữa. Ba bữa. Chín mười bữa. Sẽ có chín mười chuyện tuyệt vời, khó quên. 
 
Nhưng, ít thì được. Nhiều quá là có chuyện. Nhiều quá, dư luận sẽ xía vô, sẽ đồn. Dư luận đồn, gia đình sẽ hay. Gia đình hay, sẽ nhân danh luân lý để cấm cản. Cấm cản bằng cách rẽ núi chia sông.
 
Một sáng đẹp trời, học trò buồn bã tới nhà thấy để báo tin : bể rồi. Có đứa chơi ác, mách với ba rằng học trò đi vô quán với thầy. Ba tức. Ba bắt học trò lên Đà Lạt học. Đi gấp. Bao giờ đi? Mai.
 
Mai? Ông thầy ngạc nhiên hỏi. Học trò gật đầu. Thế đã xếp đặt chưa? Rồi. Rồi là rồi. Xa rồi. Hết rồi. Phải không?
 
- Thôi. Mai thầy đưa học trò ra bến xe.
 
Học trò lại gật đầu, muốn khóc. 
 
Ông thầy đóng mạnh  cánh cửa màu xanh.
 
*
 
5 giờ sáng.
 
Học trò khoác áo choàng nhung tím, nón nỉ, quần "bát" xám. Thầy mặc chiếc len nâu. Hai thầy trò đang đi trên đường.
 
Học trò ôm cặp. Thầy xách giúp chiếc xắc, miệng môi phì phèo thuốc lá.
 
Trời mưa lất phất. Khối sương mù ít, loãng, vờn quanh, bị gió đẩy trôi là đã dạt về hướng ngọn đồi.
 
Quán T.N. Hai phin đen.
 
Đây là tách cà phê chót, học trò uống với thầy. Cô bé nói thế. Thầy im lặng.
 
Một lát, thầy đọc thơ René Char cho học trò nghe : ne regardez q'une fois la wague jeter. L'anere dans la mer.
 
Học trò nói học trò đi xe chứ không đi thuyền. Thầy đừng nói tới sóng và biển. Buồn. René Char kệ René Char.
 
Thầy không nói nữa.
 
Một lát.
 
- Đây là tách cà phê chót.
 
Cô bé lập lại. Thầy giả vờ cười.
 
- Học trò lên trên đó không được học thêm ai nữa nghe?
 
- Nghe.
 
- Không được cứ rủ ông thầy khác đi uống cà phê nghe?
 
- Nghe. 
 
- Nghe sao? Nói lại coi.
 
- Không được đi uống cà phê với ai. Chỉ đi với thầy này.
 
Cô bé chỉ vào ông thầy : này, này.
 
Ông thầy nói hứa đi. Cô bé gật gật, hứa.
 
Một lát. Cô bé hỏi:
 
- Dặn xong chưa?
 
- Xong.
 
- Giờ đến lượt học trò dặn.
 
- Dặn đi.
 
- Ở đây thầy không được đi dạy thêm ai nữa nghe?
 
- Nghe.
 
- Không được rủ học trò khác đi uống cà phê với thầy nghe?
 
- Nghe.
 
- Thầy đọc định đề Euclide đi.
 
- Từ một điểm ngoài một đường thẳng ta có thể vẽ một đường thẳng khác, thẳng góc với đường đã cho, và chỉ một mà thôi.
 
Cô bé nhắc theo định đề đó:
 
- Một ông thầy có thể "quen" một cô học trò, và chỉ một mà thôi.
 
Cả hai cùng cười.
 
6 giờ sáng.
 
Ngồi quán một giờ. Hai thầy trò lại ra đi ngơ ngẩn trên con đường. Trời mưa có hột.
 
Cô bé khe khẽ đọc thơ Nguyên Sa : Mai tôi đi chắc trời mưa. Tôi chắc trời mưa mau. Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội. Nhưng chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau...
 
Ông thầy nói:
 
- Không được "tôi". Không được lạm dụng chủ từ. Phải đọc là học trò.
 
- Dạ. Học trò.
 
Bến xe. Người đàn ông ngồi ghi vé sau quầy. Khoản tiền thối lại được ông thầy nhét vào cặp da của học trò. Dãy quán bên kia đường, phía trước những nồi soups sôi ùng ục thổi lên nghi ngút từng vệt khói xám vẽ thành các vòng tròn. Hai người cùng ở trên một vòng tròn nếu bỏ công tìm nhau chắc có ngày cũng gặp. Nhưng lâu. Những chuyến xe chờ sẵn với ì ầm tiếng động cơ nổ bao giờ cũng có chia ly.
 
Cô học trò nhắc cho ông thầy lơ ngơ nhớ điều đó:
 
- Thưa thầy. Học trò sắp xa thầy.
 
Ông thầy ngó lơ về phía núi. Hai giọt nước mắt thật đẹp bịn rịn ứa ra khỏi riềm mi mắt đen, từ từ lăn xuống, đậu lại trên đôi má bầu bĩnh của cô học trò mới lớn. Ông thầy ổng ngó lơ là phải.
 
- Thưa thầy...
 
- Thầy với bà. Đi đi. Ngoan.
 
Cô học trò cúi đầu.
 
- Học trò sẽ ngoan như thầy nói.
 
- Cười đi.
 
- Thầy ác lắm. Buồn "thúi ruột" mà biểu cười.
 
- Khóc đi.
 
- Ai lại đứng giữa bến xe mà khóc. Dị lắm.
 
- Thế thì đi đi.
 
- Lên trên đó học trò viết thư về liền liền. Thầy chờ không?
 
Một phút.
 
Xe rồ máy. Cô học trò ngỡ như tim mình đập nhịp tư.
 
Số ghế 13. Cô học trò ngồi xuống. Số xui.
 
Anh lơ xe hô lớn:
 
- Đà Lạt. Chạy.
 
Xe chồm tới. Một bàn tay con gái thò ra khỏi ô cửa, vẫy vẫy. Mới thoáng nhìn một chút, xe đã vụt đến gần chân cầu. Ông thầy chợt ngơ ngác đưa mắt ngó tìm quanh bến xe nhưng chẳng thấy cô học trò đâu. Chỉ thấy lơ ngơ thiên hạ quay về. Và thấy mưa.
 
 
LÊ MIÊN TƯỜNG      
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 63, tuần lễ từ 10-8 đến 17-8-1972)
 

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2025

CÒN LẠI ÂM THẦM MỘT THOÁNG HƯƠNG

Hân đứng lên, nghẹn ngào nói:

- Thưa cô, tụi em tha thiết xin cô ở lại đây vào mỗi vụ nghỉ hè, trước ngày bãi trường vài hôm, để xem lại mấy cây phượng vĩ của ta.

Cả lớp đều thấy một cục tròn như viên đạn, chạy lên chạy xuống dưới làn da cổ của Mỹ, Mỹ cố can đảm vì biết rằng, hễ nàng mà khóc thì cả lớp sẽ òa lên khóc như nhà có đám ma, vì phái nữ rất dư nước mắt. Đó là kinh nghiệm của bản thân.

Một nữ sinh khác, Loan, đứng lên đề nghị:

- Thưa cô năm tới hay năm tới nữa, cô có con đầu lòng, xin cô đặt cho em ấy tên là Diễm Phượng, tụi em về sau cũng vậy.

Cả lớp rộ lên mà cười.

Mỹ cũng cười nên khí hậu đổi màu sắc tức khắc. Mỹ cười vì nàng biết chắc rằng đề nghị của Loan không phải do tinh thần cởi mở của con gái đời bây giờ chi phối, mà chỉ vì Loan còn quá ngây thơ nên mới bạo miệng về chuyện lấy vợ lấy chồng ấy, trẻ con bảy tám tuổi vẫn thường chơi trò đám cưới một cách ngây ngô, không ẩn ý, không tà tâm. Loan cũng vậy, vì Loan chỉ là học trò lớp đệ ngũ mà thôi.

Duyên, cô học trò cao niên và to lớn nhứt lớp, rất có vẻ trưởng thành, ngồi tuốt dưới băng chót nói to:

- Rất là bất tiện. Xứ nầy sẽ có một thế hệ nữ sinh mà cả lớp đều mang tên Diễm Phượng, quí vị giáo sư sẽ lầm lẫn chết. Nào là Đào Diễm Phượng, Lê Diễm Phượng, Trần Diễm Phượng, Hồ Diễm Phượng, Ngô Diễm Phượng, Đinh Diễm Phượng, Tô Diễm Phượng, vân vân lộn xộn quá đi.

Mỹ đợi nửa phút cho sự im lặng trở lại rồi nói:

- Diễm Phượng không ổn. Tiếng Phượng phải đi với tiếng Vĩ thì nó mới có nghĩa loại cây mà các em thích. Chữ Phượng một mình trong tiếng kép Diễm Phượng có nghĩa là con phượng đẹp chớ không phải là cây phượng vĩ đẹp như các em nói đâu. Nhưng con phượng đẹp lại sai văn chương vì phượng là chim trống, hoàng là chim mái, Diễm Hoàng thì có, chớ giống đực thì không nên "Diễm" chút nào.

Loan cố nài:

- Nhưng Diễm Phượng kêu lắm mà kêu nghe rất hay thì ổn hay không, em thấy không quan trọng, cốt là ta hiểu với nhau rằng Diễm Phượng là cây phượng vĩ đẹp là đủ rồi, không cần người khác tán thành là đúng hay chê là sai.

Mỹ gục gặc đầu, thầm cho rằng cô bé Loan hữu lý.

Buổi học chia tay để vĩnh biệt vị nữ giáo sư Bùi thị Mỹ nầy cứ xoay quanh cây phượng vĩ, mặc dầu sinh hoạt chánh hôm nay của lớp đệ ngũ A2 là lễ ra mắt tờ bích báo "Hoa Nắng".

Học trò lớp đệ ngũ A2 đã xin phép soạn tờ bích báo nói trên, để làm văn nghệ hè, mà cũng để gián tiếp tỏ lòng cảm mến vị nữ giáo sư của họ sắp đi vĩnh viễn, cô ấy cũng ham văn nghệ y như các em.

Chính cô ấy đã dạy các em hai trò chơi mà cô rất thích hồi còn học ở Gia Long: đề thơ trên lá khuynh diệp và ép hoa, ép lá vào một tập vở đặc biệt.

Nhặt lá rụng hong thơ sầu trong nắng là một câu thơ của ai, Mỹ không còn nhớ nữa nhưng cứ ngâm lên mỗi lần khắc thơ trên lá khuynh diệp xanh rồi đem phơi, hồi còn ở Gia Long và đã truyền cả trò chơi lẫn câu thơ cho học trò của cô.

Lớp học được trang trí bằng một cành phượng vĩ vĩ đại mà các em đã thức hồi năm giờ khuya để đi đốn rồi khiêng vào lớp, trồng giữa hai bàn dài kéo sát đầu lại với nhau. Quanh gốc phượng vĩ thật mà giả này, là một bó hoa ngọc nữ trắng, nhị đỏ gồm năm mươi mốt bông, con số đó là nữ sinh của lớp học, mỗi em đem đến một cành ngọc nữ chỉ mang một đóa hoa độc nhứt mà thôi.

Cô Mỹ lại mặc áo đỏ màu hoa phượng vĩ. Tờ bích báo "Hoa Nắng" công phu của hai tháng trường thức đêm của các em bị bỏ quên phần nào và nhơn vật chánh bất ngờ của cái buổi họp mặt cuối cùng nầy là cây phượng vĩ.

Phượng vĩ trổ hoa đúng vào mùa nghỉ hè, một giai đoạn đời học sinh rất là quan trọng vì ba tháng sau, trở lại trường cũ thì đã có vài chị bạn thôi học vì gia cảnh hoặc bị tử thần đưa sang thế giới khác rồi. Còn nói chi ở các lớp cuối một cấp như lớp đệ tứ và lớp đệ nhứt thì chắc chắn là họ không bao giờ gặp lại nhau nữa, sau buổi chia tay cuối cùng.

Hoa phượng vĩ đỏ tươi nhưng lại không tượng trưng cho niềm vui mà lại là biểu hiệu của nỗi buồn của cả một lớp người trong toàn quốc. Văn thơ của học sinh ta tràn ngập danh từ phượng vĩ khiến người lớn ngấy ra mà buồn cười, nhưng các cô cậu nói đến phượng vĩ không phải là dùng sáo ngữ đâu mà họ rất thành thật đó.

Hay tin người giáo sư Việt ngữ của họ thôi dạy học sau vụ hè nầy, các nữ sinh lớp đệ ngũ đã trồng nơi sân trường năm cây phượng vĩ từ nửa tháng nay hầu kỷ niệm một niên học mà cả giáo sư lẫn học trò đều hay nói đến cây phượng vĩ.

Lạ quá, ở miền Nam, trừ thành phố Sài Gòn ra còn thì các nơi khác rất ít thấy phượng vĩ, muốn có phải cố mà trồng và hình như sân trường trung học nữ nào ở miền Nam nầy cũng được các cô học trò đa cảm trang trí bằng vài cây phượng vĩ.

- Nhá cô nhá ? - Loan lại cố nài.

- Cô sẽ nhớ mãi lời các em.

*


Nghỉ hè rồi mà trời còn nắng đổ lửa nên các nữ sinh nhà ở gần trường Sĩ Nhiếp thay phiên nhau vào ngôi trường hoang lạnh để tưới năm cái cây mà họ trồng giữa mùa nắng trên một đám đất gò khô.

Năm ấy, cả năm cây đều thoát chết !

Lớp đệ ngũ A2 cũng không thiếu mất một người khi biến thành đệ tứ A2 sau vụ hè.

Đó là một lớp gồm toàn con nhà khá giả nên họ sẽ đi tới đệ nhứt hết lớp, trừ vài cô đi lấy chồng sớm, vài cô vắn số. Họ không có dịp hay chưa có dịp "bùi ngùi phượng chia ly", nhưng họ vẫn quý cây phượng vĩ, vì đó là cái điện cực của tình cảm học trò con gái.

Họ làm quen với người nữ giáo sư Việt ngữ mới và bắt đầu thương mến cô nầy như đã thương mến cô Mỹ, nhưng cứ săn sóc năm cây phượng "của ta", ta đây là kể cả họ và người nữ giáo sư đã đi xa.

Giữa người ấy và họ bắt đầu một cuộc trao đổi thư từ ngay từ trong vụ hè và cô Mỹ được cho hay tin tức về năm cây phượng mỗi tuần, y như là đó là những đứa con mà cô gởi vú nuôi, người vú tốt bụng lắm, không phải chỉ làm việc ăn tiền, mà có để cả tấm lòng của chị ta trong công việc.

"Cô ơi, giếng xa quá như cô biết, giếng cũng sâu quá, kéo nước thật mỏi tay, xách nước đi mỏi chân lắm, nhưng tụi em quyết cứu sống năm cây phượng "của ta".

...........................

Cô ơi, tuần rồi thật là hú vía. Cây phượng bên trái cửa ngõ nó ngủm cù đèo nhưng may quá, tụi em tưới mỗi ngày bốn bận, còn chặt tàu chuối để che cho nó nữa nên rồi nó tươi trở lại....

............................

Cô ơi, hè tới cô về chắc năm cây phượng "của ta" đã lớn lắm rồi tuy nó chưa cho được bóng mát, nhưng có thể giúp cho mát mắt người nhìn ra sân...

... Cô ơi, cô giáo sư mới, người thay thế cho cô, cũng ưa phượng lắm, cô ấy định sẽ cùng tụi em trồng thêm; nếu thế, trường "của ta" nên đổi là trường "Phượng Vĩ" là hơn. Mà có lẽ dân chúng họ sẽ gọi như vậy, chớ cái tên Sĩ Nhiếp khó nhớ, họ kêu không được.

....................................."

Những bức thư như trên cứ thưa lần, thưa lần, khiến Mỹ nghe buồn quá, mặc dầu phải trả lời thư cho học trò cũ mãi nàng rất bực mình. Thư thưa lần mà thư cũng lần lần bớt đá động đến những cây phượng vĩ ngỡ là trung tâm vũ trụ ấy.

Mỹ chỉ buồn vài tháng rồi thôi khi nhớ lại chính mình cũng đã bạc tình với những cây khuynh diệp của trường Gia Long mấy năm trước và cũng đã quên được vài người nữ giáo sư mà nàng nguyện sẽ nhớ trọn đời.

Con người ai cũng bận sống. Sống ở đây, không phải chỉ có nghĩa là tìm sinh kế, mà là tìm học, thương, ghét, giận, yêu, bao nhiêu thứ ấy sao mà đông đúc thêm hoài, khó lòng mà trung kiên được với những tình cảm vụn vặt của tuổi thiếu niên.

Những bức thư buổi đầu, Mỹ hiểu được giữa dòng và thấy được sự cà nanh của em nầy đối với em khác: các em tranh giành tình thương của người thầy học cũ.

Nhưng những bức thư về sau, giọng các em bình thản hơn nhiều. Mỹ biết đó là dấu hiệu tiền phong của sự nhạt phai tình cảm của các em rồi vậy. Người ta chỉ bình thản được, hết ghen được khi nào người ta bớt thương và hết thương mà thôi.

*


Bốn mùa mưa nắng đã qua rồi và Mỹ không còn nhận được thư của những người bạn trẻ ở trường "Phượng Vĩ" nữa.

Nàng không bội ước, đặt tên cho đứa con gái đầu lòng là Diễm Phượng, mặc dầu cha nó cả quyết cản ngăn vì cái nghĩa không ổn của danh từ. Không bội ước, không phải vì Mỹ nuôi nấng ảo tưởng nào đâu. Nàng biết rằng các em học trò cũ của nàng chỉ tiếp tục tưới năm cây phượng vĩ ấy trong suốt hai mùa nắng rồi thôi, vì cây đã mạnh rồi, mà nhứt là vì các em cũng bận "sống".

Không bội ước vì nguyền xưa "còn một chút nầy" nàng là người độc chất còn nhớ được lời nguyền, các em còn lâu lắm mới nên gia thất và chừng ấy "Diễm Phượng" đã bị bao cái tên khác cướp mất chỗ rồi, chẳng hạn tên một người yêu vắn số, tên một người yêu không cưới được em nào, vì trắc trở nào đó - người độc nhứt là nàng không có quyền bỏ trôi luôn thệ ước xưa.

Mỹ không nuôi nấng ảo tưởng nào cả nhưng vẫn nuôi dự định về Chợ Búng một chuyến để thăm lại cố nhân, cố cảnh.

Sài Gòn - Chợ Búng là một lộ trình chỉ tốn vài mươi đồng bạc xe mà thôi nhưng nàng không còn một phút hoàn toàn là của nàng để đi cái chuyến đi dự tính ấy.

Năm nay nàng đã đi được rồi đây. Mỹ chuẩn bị rất nhiều ngày, quà cho bạn cũ chẳng có gì đáng kể đâu, mà chuẩn bị tấm lòng, cho bõ cái tội ít thư từ với các em ngay cả năm đầu cũng vậy.

Đến cái tuổi nào đó trong đời con người, tự nhiên người ta đâm ra lười viết thư; các em chắc không hiểu cái điểm đó và chắc đã giận nàng lắm.

Mỹ đi Bình Dương hai tuần trước ngày bãi trường, mong thấy lại được nguyên vẹn cái khí hậu của ngày ấy bốn năm về trước với mầu sắc, mùi vị, âm thanh cũ, thay đổi theo mùa chớ không phải tháng nào cũng có thể nghe trong gió mùi bông bưởi, tháng nào cũng thấy màu lá mạ non đâu.

Xuống xe đò tại đầu con ấp lộ trải đá đỏ đưa vào trường, nàng đứng đó, lòng rộn vui khi thấy cái quán bánh bèo bì Mỹ Liên ở cạnh đầu lộ vẫn còn buôn bán như xưa.

Cái quán này tàng trữ kỷ niệm của thầy trò họ mấy năm trước. Khách sang của quán nầy là dân Sài Gòn, nhưng khách quen của quán là học trò trường nữ trung học Sĩ Nhiếp và giáo sư của họ.

Mỹ đếm bước trên đường đá đỏ mà ở hai bên nhà cửa vẫn còn đủ số. Ngôi nhà đồ sộ của ông cụ chơi non bộ vẫn cứ đặc biệt với pho tượng cẩm thạch một cô gái khỏa thân, lối trang trí sân nhà của Âu châu mà xứ ta rất là hiếm có.

Rồi tim Mỹ đập thình thình khi thấy dạng hàng dừa quen thuộc ớ đàng xa.

Hàng dừa nầy trồng ở bờ một con rạch con; sang tới bên kia rạch còn phải qua một thửa ruộng bắp nữa mới tới trường.

Đây là hàng dừa danh tiếng đối với nữ sinh Sĩ Nhiếp, nhứt là cây dừa thứ năm.

Cây dừa thứ năm nhìn rạch, soi bóng xuống mặt nước. Một nếp nhà xinh xắn núp bóng cây dừa thứ năm ấy. Đó là nhà riêng của một nữ sinh, học trò của nàng, em nầy nhà ở xa đây, cha mẹ em là người có của nên mới mua cho em nếp nhà đó để em đỡ nhọc đi, về, mỗi ngày hai buổi đường xa.

Cây dừa thứ năm nổi danh tức khắc vì bạn đồng song của cô chủ nhà tí hon và cả giáo sư của cô nữa, thường ghé nghỉ chơn nơi đây, núp nắng, đụt mưa, nói chuyện khào.

Cảnh vật y hệt như cảnh năm nào, nhưng Mỹ hơi lo lo vì cùng lúc ấy, nàng thấy có khói lam quyện lấy mái tranh của nếp nhà "cây dừa thứ năm", thấy bóng dáng người lớn và trẻ con.

Nàng mau bước tới đó, nhìn vào nhà thì bao nhiêu gương mặt lạ ở trong đó đều nhìn lại nàng. Mỹ đẩy cổng bước vào sân, một con chó vện núp đâu đó, sủa lên thình lình. Nàng hỏi một đứa bé ra sân đuổi chó:

- Em nè, cô Diệu, nữ sinh trường đàng kia, còn ở đây chớ ?

- Thưa cô không. Cô ấy đã đi lấy chồng năm ngoái. Nhà nầy đã bán lại cho ba má em.

- Lấy chồng về đâu em ?

- Dạ em không biết.

- Thôi cám ơn em nhé.

Mỹ vội trở gót rồi ra tới cổng, nàng thẫn thờ đứng lặng hồi lâu. Giờ nầy, nếu Diệu còn theo học ở trường Sĩ Nhiếp thì hẳn Diệu đang ngồi trong lớp. Thế nên Mỹ không định ghé qua nhà Diệu trước, nhưng mà phải ghé vì người lạ trong nhà khiến nàng đâm nghi có "tang thương" qua đây. Quả có "tang thương" thật, "tang thương" đối với nàng ấy, chớ đi lấy chồng là một điều tốt đẹp cho cô tú tài I Diệu.

Mỹ băn khoăn tự hỏi không biết năm nay Diệu có tự học để thi nốt bằng tú tài hay chăng, và nhứt là băn khoăn về cái chốn xa mà có lẽ Diệu đã đến ở vì chồng em ấy sinh sống ở đó, Định Tường chăng ? Hay Kontum ?

Mà biết đâu lại chẳng là Sài Gòn.

Ai cũng bận sống nên có thể cùng ở một thành phố với nhau mà Diệu không tới thăm nàng được. Thời kỳ trăng mật có thể kéo dài một năm, mà trong thời kỳ ấy người con trai con gái sẵn sàng quên tất cả để hưởng hạnh phúc riêng của họ.

Mỹ lặng lẽ bước qua chiếc cầu gỗ dẫn vào ruộng bắp, mặt ngước lên nhìn cái cây chết trơ cành, đứng giữa ruộng từ không biết bao nhiêu năm rồi mà chưa ngã. Cho đến cái cây chết nầy mà cũng còn đây, chơn trời quen thuộc xưa không thay đổi chút nào cả.

Từ nãy giờ, nàng cố tránh "thấy" ngôi trường, để dành cho chính mình, không phải sự ngạc nhiên, bởi nàng biết rằng không có gì thay đổi bao nhiêu, mà một cuộc thưởng ngoạn khoái mắt vào phút chót. Ngôi trường Sĩ Nhiếp là cây đinh của cuộc đi chơi hôm nay, cái đích của cuộc hành hương, nếu muốn nói lớn lối.

Mỹ chỉ dạy ở đây có hai năm, nhưng cũng đã quá thân lắm rồi với ngôi nhà gạch xinh xắn ấy, với cái bối cảnh sau trường: một bãi tha ma và bên kia bãi tha ma là một khu rừng.

Đó là một người bạn gần như thân, người bạn ấy lại che chở những người bạn rất thân đang chuẩn bị thi tú tài đôi và đang dọn lòng để vĩnh biệt người bạn chung ấy.

Mỹ đã để lại nơi nầy một phần tấm lòng nàng và mang theo những mảnh lòng thơ dại của các em nhỏ dễ thương, gói trong hình bóng rộng lớn và mơ hồ của ngôi trường mà nàng quyết chỉ "thấy" vào phút chót mà thôi.

Mỹ ngước lên và nàng được thấy.

Có ai đốt lửa trại giữa ban ngày ngoài sân trường. Không, đó là năm cây phượng vĩ đã lên bông, cả năm cây đều lớn như thổi y như học sinh qua cái tuổi mười hai và cả năm cây đều cháy bừng bừng.

Mỹ lại dừng bước, tim đập thình thịch trong lồng ngực nàng. Nàng xúc động đến ứa nước mắt nhưng lòng lại rộn ràng, vừa muốn chôn chân nơi đó để nhìn đuốc phượng, lại vừa nôn nao tới trường để gặp lại những cô bạn mà chắc có cô đã cao hơn nàng đến nửa cái đầu. Các em đã trồng năm cây phượng vĩ, không phải là sự tình cờ đâu. Số học sinh trong lớp đệ ngũ A2 năm ấy là 51. Không lẽ trồng đến năm mươi mốt cây ? nên họ chọn số 5 làm biểu tượng vậy.

Mỹ cố tự trấn tỉnh rồi mau bước đến cổng trường.

Nàng gặp nơi sân, chị gác-dan ngày trước. Chị ta kiêm luôn chức vụ lao công và đang ngồi chồm hổm mà nhổ cỏ. Chị ta bỏ việc ngước mặt lên nhìn người khách lạ giây lát rồi đứng lên gọi:

- Cô !

- À chị Tư ! Mạnh giỏi !

- Trời, lâu quá cô mới về đây ! Cô cũng mạnh giỏi ?

- Cám ơn chị. Ở đây có gì thay đổi hay không ?

- Dạ không cô à.

- Để tôi đi thăm các lớp một lát rồi sẽ nói chuyện với chị nhiều hơn.

Vào giờ nầy, học sinh lớp nào cũng đang học. Trên lý thuyết thì như vậy chớ thật ra, các em đang nghe giáo sư kể chuyện cổ tích, hoặc đang làm giặc trong lớp. Còn có bốn hôm nữa là trường làm lễ phát phần thưởng thì còn học tập gì, và các em đã nghỉ chơi như vậy cả tuần, cả tháng rồi, tùy lớp. Biết thế, Mỹ vẫn giữ lễ độ đi thăm ông hiệu trưởng trước, để rồi xin phép ghé qua các lớp mà nàng đã dạy học năm xưa, nhứt là lớp đệ ngũ A2, à quên, lớp đệ nhứt A2.

Khi Mỹ gõ cửa văn phòng ông hiệu trưởng, cửa nầy vốn không đóng, thì nàng thấy ông ấy là người lạ, trẻ hơn ông hiệu trưởng ngày trước nhiều. Mỹ đã liếc sơ vào mấy lớp nàng đi ngang qua và thấy giáo sư toàn người lạ.

- Mời cô vào.

Ông hiệu trưởng nói to lên, và Mỹ vừa bước vô văn phòng vừa xưng tên:

- Thưa ông hiệu trưởng, tôi là Mỹ, nguyên giáo sư trường này cách đây bốn năm.

- Vậy à ? Hân hạnh. Mời cô ngồi.

Mỹ ngồi lên chiếc ghế đặt trước bàn viết của ông Hiệu trưởng và hỏi:

- Thưa ông, chắc đã có nhiều cuộc thuyên chuyển.

- Người cũ không còn ai hết. Mấy ông và mấy cô dạy học ở đây hiện nay, chưa ai tới đây quá hai năm.

- Thế ra, tôi sẽ không còn gặp đồng nghiệp cũ nào hết ?

- Chắc là như vậy.

- Nhưng tôi cũng xin phép ông đi thăm mấy lớp mà tôi đã dạy qua.

- Xin mời cô. Cô thứ lỗi cho vì cô phải đi một mình, tôi bận chuẩn bị cho thật chu đáo lễ phát phần thưởng.

- Không hề gì, ông hiệu trưởng cứ làm việc. À lớp đệ ngũ, à không, lớp đệ nhứt A2 nằm về hướng nào, thưa ông hiệu trưởng ?

- Lớp đệ nhứt A2 ? Không, không có lớp đó.

- Sao lại không, thưa ông ?

- Lớp ấy đã bị giải tán rồi.

Mỹ chết sững giây lát rồi ấp úng:

- Các em... đã... làm gì ?

- Không, các em không có làm gì tội lỗi hết. Chẳng, có hai mươi lăm em rớt tú tài I rồi thôi học, một em thì điên đang được điều trị, hai em qua đời...

- Trời !

- Ừ, một lớp học, đi tới cuối chu kỳ là hao hụt hết năm bảy học sinh vì họ yểu tử. À hai em qua đời, tám em đi lấy chồng, bốn em đi làm, còn lại mười một em thì các em ấy lại xuống Sài Gòn để theo học lớp đệ nhứt ờ dưới ấy.

- Trời !

- Chắc cô buồn lắm nhưng đời các lớp học là thế, biết sao.

Mỹ tần ngần đứng lặng hồi lâu rồi xin phép ông hiệu trưởng để đi. Nàng thất thểu bước xuống sân, quên thăm mấy lớp khác mà tuy học trò không gắn bó nhiều với ràng, chớ giữa thầy trò vẫn có tình mà tình chưa phai nơi lòng vài em.

Nàng lủi thủi đi trên sân, quên cả chị gác-dan nhổ cỏ có lẽ cũng đang đợi nàng trở ra. Người nữ lao-công ấy là nhơn chứng độc nhứt còn sót lại của những năm nàng bắt đầu vào đời ở đây. Nhưng đó là một nhân chứng thờ ơ, quả chị ta có mừng đón nàng, nhưng nàng biết chị ta xem cuộc ở, đi, còn, mất, của các giáo sư, các lớp học, không dính dáng mảy may đến chén cơm của chị, không ghét ai mà cũng chẳng thương ai.

Tới ruộng bắp, Mỹ xây lưng lại để nhìn lần cuối cùng cái nơi không còn mang dấu vết nào cả của một đoạn đời của nàng.

Không còn gì hết !

Hay là còn, đó là hình bóng xa mờ của những em bé áo dài trắng, đầu đội nón lá, đi trên các bờ ruộng quanh trường, đó là hình bóng của những cánh diều vào mùa gió, những cánh diều đã được nói đến rất nhiều trong tờ bích báo "Hoa Nắng".

Bỗng một mùi phân chuồng thoang thoảng đâu đây. Mỹ nhìn lại thì thấy cái chuồng bò nơi góc ruộng bắp ngày xưa vẫn còn. Cái chuồng bò này chỉ có nàng và vài nữ sinh thi sĩ chú ý mà thôi.

Mùi phân chuồng thơm chớ không hôi đâu. Nó thơm hương đồng áng, hương của một nông trại hẻo lánh nào, hương ấm của một gia đình nông dân đủ ăn.

Tự nhiên Mỹ nhớ đến hai câu thơ mà tên tác giả vụt thoát khỏi ký ức nàng vì nàng đang bị xúc động mạnh:

Về đây rồi nhạt dần duyên sắc,
Còn lại âm thầm một thoáng hương.


Mấy đoạn đời qua của nàng chỉ còn lại ảo ảnh, kể cả đoạn đời gần nhất nầy nữa ?

(Ý truyện cô Hạnh)   
Tuần báo Gia Đình - 1967

(Trích từ tập truyện ngắn Diễm Phượng)

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2025

NGHÌN NĂM BIẾT CÓ NGHÌN NĂM NỮA - Phạm Khánh Vũ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
có khi tôi ngủ mà tôi biết
cũng có khi lòng tôi dửng dưng
buổi sáng mang thùng ra tưới đất
đất cười một nụ quá ung dung
 
cũng có khi lòng tôi rách rưới
buổi chiều mây khói tụ sau nhà
tôi nhớ người như tôi nhớ bóng
tôi đứng một mình tôi hát ca
 
có khi tôi thức tôi không biết
con mắt tròn xoe trông bóng đen 
vượn hú đâu mà nghe ảo não
tôi khóc vùi cùng nỗi êm đềm
 
có hôm mang vở lên trường học
tôi ngủ quên trời đất cay nồng
tôi mơ tôi bước ra đời sống
giật mình thức dậy hóa ra không
 
tháng ngày tôi xếp vào trong gối
tôi mộng hàng đêm rất tự nhiên
tôi bước trong đời không có thực
nên suốt đời chỉ thấy ưu phiền
 
khi tôi thong dong nằm nghe nhạc
tôi tưởng người ấm áp bên mình
nhạc ru từng nỗi buồn cao thấp
tôi ru người bằng mộng tinh anh
 
có hôm ra trước sân nhà vắng
tôi ngó trăng và trăng ngó tôi
một lúc tôi nghe đầu choáng váng
tôi khóc mà trăng cứ mỉm cười
 
Cứ uống cà phê là bỗng nhớ
tôi nằm chết ngất giữa tình say
tôi cười có lúc tôi không biết
cho nắng bò lên mỗi ngón tay
 
có lúc tôi ôm đầu tôi hát
tôi hát và tôi êm ái nghe
đời nhiều khi buồn như mây nổi
từ độ nào tim lạc lối về
 
nhiều lúc tôi bực mình muốn khóc
tôi hỏi tôi - này - hai mươi năm
bao nhiêu ngày tháng mòn trên tóc
chẳng lúc nào vui - cứ mãi buồn
 
có hôm tôi đứng bên bờ suối
nước trôi mà tôi thì đứng im
cành thông gió tạt còn nghiêng ngả
tôi đứng mình tôi rất tự nhiên
 
tôi cứ vô tình tôi không biết
tôi đứng mong manh giữa cuộc đời
lũ chim ngu dốt òa lên khóc
tôi ngã vào giòng nước chẩy xuôi
 
một ngày tôi đứng quay đầu lại
bên kia là rừng núi điệp trùng
bên này - cả đời tôi sóng vỗ
sóng vỗ nghìn năm rất dửng dưng
 
cả đời tôi buồn không dám nói
mà nói thì nào ai có nghe
những đêm mất ngủ nằm ôm gối
mơ trăng vàng lạnh bước sau hè
 
tôi ở giữa đời tôi lạc lõng
người bỏ đi rồi ai nữa đâu
tôi hái hoa vàng tôi khóc lóc
còn lại chút gì để nhớ nhau
 
có khi tôi gọi người rền rĩ
người ơi người xa biệt chốn nào
tháng ngày tôi chất vào trong bếp
tôi đốt cho lòng tôi bớt đau
 
tôi đi hiu quạnh trong đời sống
có ai về dìu lại bước chân
nghìn năm rồi có nghìn năm nữa
tôi vẫn ngồi ôm suốt căn phần
 
chắc rồi tôi chết tôi không biết
sớm mai này - xin chớ ai buồn
cho tôi hổ thẹn về với đất
tháng ngày còn lại ném sau lưng
 
                                 PHẠM KHÁNH VŨ
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 139, tuần lễ từ 5-7 đến 19-7-1974)
 
 
 

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

YÊU NGƯỜI, TA LÀM THƠ


- Nè Hiển, thấy Nam Du ra sao?
 
- Có vẻ hay hay.
 
- Rõ hơn tí nữa.
 
- Nhỏ có khuôn mặt xinh.
 
- Tốt quá.
 
- Và cái miệng đẹp.
 
Bây giờ thì anh biết rõ ràng rồi, anh vừa yêu, vừa thương Nam Du. Bất ngờ và độc đáo quá. Vân Muội xưa rồi, Lam Sương đã trở thành quá vãng, chỉ có Nam Du, Nam Du, Nam Du. Cô bé ngộ nghĩnh, cô bé dễ thương. Chúa ơi, anh muốn khoe với tất cả mọi người rằng anh yêu Nam Du ghê gớm.
 
Dời nhà Hiển, anh phóng xe như bay như biến, chẳng để làm gì cả, chẳng để đến với ai, vì giờ này Nam Du nho nhỏ của anh đang ngồi bí xị trong bàn học với những điều lệ khó khăn cô bé tự đặt cho mình. Niềm vui trong anh vỡ ra như những con sóng nhỏ, những con sóng cứ vỗ về mãi trái tim anh. Tối nay, trời cũng đẹp chi lạ, những con đường rộn ràng xe cộ không còn làm anh nhăn mặt, những cô bé Nha trang bỗng dưng dễ thương như nhau - dĩ nhiên là cũng còn thua Nam Du của anh một chút. Ôi, Nam Du, Nam Du... cả cái tên cũng dễ thương nữa cơ trời ạ. Phải chi không phải là mùa thi của Nam Du, phải chi ngày 26-6 chỉ là giấc mộng thì chắc chắn anh sẽ bắt cóc Nam Du cùng lang thang với anh, chở Nam Du xuống nhà tên Hiển nghe hắn hát những bài quái đản mà hay vô kể, đưa Nam Du xuống phố để khoe với thiên hạ rằng Nam Du nho nhỏ xinh xinh. Phải chi Nam Du có ông bố hiền hiền một chút có lẽ anh sẽ đến thuê nhà Nam Du mất thôi. Những cái phải chi đó làm anh vui sống, làm anh hăng hái và làm anh hy vọng.
 
Yêu Nam Du. Anh nghĩ mãi cũng không thể hiểu được rằng mình yêu Nam Du hay thương Nam Du. Nam Du 17 tuổi, còn nhi đồng quá đi thôi, còn mê ngậm kẹo, còn mê uống sữa, còn sợ những con zéro tròn vo của ông thầy. Anh 27 tuổi, cảm thấy mình già nua ghê quá, anh đã ra đời, đã lăn lóc với nỗi khổ nỗi đau. Anh khác xa Nam Du nhiều quá, anh mê cái chất ngọt quyến rũ của tuổi trẻ, ghiền những hương vị the cay của khói đời và thèm những con zéro tròn trĩnh. Những đóa môi hôn đó. Cô bé Nam Du dễ thương ơi! Có lẽ anh chưa yêu Nam Du, yêu ai là phải nghĩ đến chuyện xây dựng lâu dài (một mái nhà tranh, hai quả tim vàng thì thơ mộng thật nhưng mà Nam Du đâu có chịu. Cô bé cứ thích đi xe hơi, ở nhà lầu kia, Chúa ạ!). Anh cũng biết chẳng bao giờ Nam Du thích hợp với những vai trò lẩm cẩm ấy. Nam Du chỉ là người tình bé nhỏ thôi, hơi cải lương một chút, nhưng đúng y như thế.
 
Người-tình-bé-nhỏ! Anh cứ gọi đại như vậy cho nó thơ mộng, dù rằng Nam Du chưa hề biết chút nào về những âm mưu hắc ám của anh. Để lôi kéo Nam Du vào trò chơi ấy, anh sắp sẵn một chương trình quyến rũ đại qui mô : Một lần đi Đại Lãnh, anh chụp một cái hình Nam Du ngồi trên cát, cái dáng bó gối nghinh nghinh thật là đặc biệt, anh sang 2 tấm và chỉ đưa cho Nam Du một, tấm kia anh cất kỹ vào ví và trong một lúc vô-tình-đầy-cố-ý, khi trả tiền cà phê, anh hơi dí sát vào mắt tên bạn. Hắn chộp ngay lấy : Ô, Nam Du đây nè. Anh cười bí mật, không thèm trả lời. Hắn càng sốt ruột hơn : Cô bé cho mày hả? Dĩ nhiên, không cho sao tao có.
 
Rồi, anh yên chí là hắn sẽ phao cái tin đó lên bạn bè ai cũng biết Nam Du và cái tin đó hẳn phải chấn động dư luận lắm. Nhưng đâu có hề chi phải không Nam Du? Anh cũng "được" lắm chứ bộ. Chỉ tội nghiệp cho những tên con trai theo Nam Du đâm ra thất vọng não nề. Cũng chẳng sao, vì nhờ thế chúng ta có thêm những văn thi sĩ nặng ký, làm giàu cho nền văn học nước nhà. Cũng ích quốc lợi dân chán, phải không Nam Du? Và, cũng tôi nghiệp cho Nam Du. Một hôm thấy vắng những đóa Ngọc Anh trên thành cửa ngõ, cô bé đã nói với anh:
 
- Tự nhiên mấy hôm nay Âu không đem Ngọc Anh đến nữa.
 
- Tại Nam Du, ai bảo em cứ lửng lơ, lơ lửng hắn phải đi tìm người khác chứ bộ.
 
Nam Du ngạc nhiên:
 
- Tìm người khác làm gì?
 
- Để yêu, bộ ai cũng phải chờ đợi em sao.
 
Nam Du giận lắm:
 
- Nếu biết hắn nghĩ như vậy Du đã vất hết hoa của hắn vào giỏ rác. Cứ tưởng hắn thấy Nam Du thích Ngọc Anh rồi đem đến chứ.
 
Chao ơi Nam Du bé con! Có ai điên khùng chiều theo ý thích của một cô bé xa lạ không đã chứ. Có ai hằng ngày đem hoa đến tặng cho một người mình không yêu? 
 
Vậy là nốc ao một tên cây si cổ thụ, anh nghĩ rằng phải hạ thêm vài ba tên nữa mới yên ổn ngủ trên chiến thắng vinh quang. Nhưng để đền bù thiệt hại cho Nam Du, anh thường ăn cắp những đóa hồng nhung bên nhà cô giáo Tâm đem tặng. Cái tên Âu ngu ngốc, ai lại tỏ tình bằng Ngọc Anh bao giờ đã chứ. Nhất là tỏ tình với một cô bé ngang như cua và nhi đồng quá sức. Anh khôn hơn hẳn, những đóa hồng nhung thắm, để anh nhớ lại ý nghĩa : À, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, màu sắc càng đậm tình yêu càng nồng nàn. Nhất anh rồi phải không Nam Du, khen anh đi cô bé. Rồi cô Tâm cũng nhìn thấy những cây hoa cưng quý bị hành hạ, cô xót ruột lắm, buổi tối cô xích con Louis cạnh đó ; khi anh lẻn vào, may nhờ quen biết, con vật chỉ hực hực lên mấy tiếng đánh hơi rồi im bặt, dầu có nghe, cô Tâm cũng chả dám ra, cô giáo chi mà nhát dễ sợ. Bữa nào anh phải làm ma dọa mới được. Nhưng một ngày nào đó, những cây hồng nhung sẽ hết hoa, anh lo lắm (sao anh ngu quá, không nghĩ ra những hàng hoa tươi đầy chợ). Quen Nam Du, anh hay nghĩ đến chuyện lâu dài, vì Nam Du còn bé xí. Anh xin cô giáo một nhánh về ươm. Sao mà anh giống cái ông nào trong bài thơ kia quá cỡ:
 
"anh nuôi một nhánh hồng
chăm từng bông hoa nở
anh ươm một chút tình
đầy trái tim vừa mở"
 
anh đang chăm từng nụ đó Nam Du, những đóa hoa như miệng cười xinh tuyệt của em, ôi Nam Du Nam Du Nam Du.
 
Nam Du có một nụ cười răng khểnh, anh thấy nụ cười La Joconde mím mím và kênh kiệu quá, nụ cười Nam Du tươi tắn hơn nhiều. Cô bé cười trông giòn như quả ổi, và anh là một tên rất thèm ăn ổi. Chao ơi! Nếu có tài, anh sẽ họa lại nét cười của Nam Du, chắc chắn anh sẽ trở thành triệu phú trong một thời gian rất ngắn. Chẳng cần phải nghiên cứu quyển "Làm thế nào để trở thành triệu phú" làm cái quái gì cho mệt. Điều đáng tiếc là anh không phải là họa sĩ, không phải là thi sĩ, không phải là nhạc sĩ, cũng không là bất cứ loại "sĩ" nào mà thiên hạ mến chuộng. Anh chỉ là ông thầy tầm thường dạy quốc văn cho những lớp 11 ban đêm, như thế có nản không chứ? À quên, còn một lần nữa anh chưa nói, rằng nếu Nam Du từ chối tình yêu của anh thì anh sẽ là một đạo sĩ suốt đời lang thang để tìm chân lý, chân lý yêu...
 
rằng xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng ngủ say
 
Yêu Nam Du, anh làm được hai câu thơ trong giấc mơ chứ trên thực tế thì hai câu ấy mở đầu cho tập thơ "Động hoa vàng" của Phạm Thiên Thư đó, cô bé ạ. Và như thế, anh có được thiên hạ gọi là thi sĩ đâu!
 
Nam Du, sao Nam Du chỉ mới có 17 tuổi thôi hở em?
 
 
TÔN NỮ THU DUNG      
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 132, tuần lễ từ 17-5 đến 24-5-1974)
 
 

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2025

NGÀY MAI TÌNH SẼ KHÓC - Hạt Cát


Khi ô-mai ngọt trên môi. Và khi em là nạn nhân tình người, là lúc trái yêu vừa nở nụ trên môi nàng và trên môi tôi. Là lúc tôi gặp nàng và nàng gặp tôi. Là lúc tim tôi rung động trước nàng và tim nàng rung động trước tôi. Nghĩa là lúc tôi yêu nàng và nàng yêu tôi. Là lúc xa nhau đã biết tương tư.
 
Tôi mới tương tư nàng, "người khu tị nạn". Nàng ở không xa tôi lắm mà tôi cứ ngỡ là đã xa. Bởi tôi vừa thoát khỏi một cơn mơ. Bây giờ tôi đã mơ mộng lắm. Và bây giờ tôi hết là thằng học trò thơ ngây và hồn nhiên như một thuở nào. Có một lúc tôi đã thầm cám ơn những rủi ro đã đẩy nàng tới gần tôi và bắt tôi phải gặp nàng rồi nhung nhớ nàng. Tôi không nhớ hết khuôn mặt xinh của nàng. Nhưng tôi nhớ rõ nụ cười buồn của nàng. Trong suốt trận banh chiều hôm đó tôi đã quên tất cả. Chiều hôm đó gió quay nghiêng trái đất và tôi thấy nhân loại nhỏ bé. Chỉ mình tôi trên đồng cỏ xanh hoang vắng với một nụ hồng mới nở. Tôi chơi bóng rổ. Tôi đã bắt và nhồi hằng ngàn quả bóng. Và quả bóng thương yêu đã đến với tôi thật bất ngờ. Tôi bắt gặp nàng nhìn tôi và nàng mỉm cười. Có lẽ lúc đó mặt tôi đỏ vì tôi thấy mặt nàng cũng đỏ. Rồi chiều cũng tắt cho tôi lạc mất linh hồn. Bây giờ tôi thích ra đường ngắm thiên hạ. Thiên hạ chiều nay thật vui. Tôi để mặc gót chân thương nhớ đưa bước. Tôi bước đi trên con đường dài xa tít. Cỏ dại bên đường ướt sương lạnh làm tôi nhớ da diết. Gió rung nhẹ cành thông cho lá rơi đầy trên tóc. Rồi gió lại thổi tóc tôi bay bay cho lá bỏ đi xa. Có lẽ lá về cuối đường. Ở cây thông cuối đường chắc có con chim nhỏ đang hát vui...
 
Rồi tôi đến cuối đường khi tôi không biết. Khu tị nạn trước mặt thật gần. Nàng! Nàng đang đứng trước cổng nhìn tôi, mỉm cười. Thật là tình cờ. Bước chân tôi hình như run rẩy. Thân xác tôi hình như nặng thêm.
 
- Anh ấy, thẩy banh hay ghê.
 
Tôi không biết sao tôi gặp quá nhiều tình cờ. Tôi mơ mộng lắm. Vì tôi đã có những giấc mơ lớn. Nhưng giấc mơ lớn của tôi đã hết là giấc mơ, nó là sự thực. Con chim cuối đường đang hót. Tôi như tan biến. Tôi tình cờ đỏ mặt làm nàng cũng đỏ mặt. Tim tôi đập loạn xạ. Tôi không dừng lại được. Tôi ngượng ngập:
 
- Hôm đó có đi xem?
 
Nàng gật đầu. Đôi mắt nàng mở rộng.
 
Và cuộc tình đã bắt đầu bằng một lời khen và một cái gật đầu. Cuộc tình đến. Cuộc tình đã xong phần nhập để. Rồi cuộc tình tiếp nối. Cuộc tình đi vào thân bài. Tôi yêu nàng. Nàng đã yêu tôi. Ngày mai tình sẽ tha thiết hơn. Ngày kia tình sẽ nồng nàn hơn. Tình đẹp lắm. Tình thơ mộng lắm. Tình lãng mạn lắm. Tình hẹn hò lắm. Tình êm đềm lắm. Tình thích chuyện trò lắm. Tình thích chọc giận nhau lắm. Rồi tình thích vỗ về nhau lắm. Tôi đã yêu nàng. Tình nàng dịu dàng như trời mây. Mây trong sáng, mây lơ thơ nắng hạ. Có lúc tình ngây ngất. Tình mê say với thương yêu nồng nàn. Có lúc tình giận. Trời nghiêng ngả. Cây cỏ ngủ phôi pha. Rồi tình được vuốt ve cho tình thêm nồng nàn. Tình ngủ say mơ.
 
Như có lần tôi nhìn nàng cười và nàng hỏi tôi:
 
- Sao cười?
 
- Cái mặt nó mỏi mệt, nó muốn tập thể dục. Ai cấm?
 
Tôi không nghe trả lời. Nàng bí. Nàng giận. Tôi quay lại nhìn. Và tôi bắt gặp đôi má phính phì to, đôi môi hồng chúm lại. Tôi bật cười.
 
- Mặt em đang tập thể dục.
 
Tôi liền nhận được một cái nguýt thật dài.
 
- Ai thèm tập.
 
- Em.
 
- Hồi nào?
 
- Mới.
 
Lại lặng im. Nàng lại bí. Nàng lại giận. Tôi cười ngây ngô, ngạo nghễ.
 
- Đừng nên tập quá. Xấu. Lâu lâu tập một lần thôi. Mới dễ thương.
 
- Mệt. Không thèm nói nữa.
 
- Chưa chắc. Rồi sẽ thèm nói.
 
Nàng lại nguýt tôi một cái tưởng như dài vô tận. Tuyệt vời. Nàng mà nguýt một lần nữa thì tôi chết ngay.
 
- Cứ tưởng người ta cần lắm. 
 
- Có thể lắm chứ.
 
- Không cần. Nhất định lần này không thèm nói nữa.
 
- Những lần trước vẫn thế mà cứ vẫn thèm nói.
 
- Lần này khác.
 
- Không khác.
 
- Nhất định khác. 
 
- Nhất định không khác.
 
- Mệt. Không thèm nói nữa.
 
Và nàng đã không nói nữa. Nàng khóc. Ngoan ngoãn, dễ thương và ngây thơ như nàng nói, nàng để nước mắt thay lời giận hờn. Tôi để mặc nàng khóc. Ngắm  người yêu khóc hờn dỗi đối với tôi là một cái thú dù có đôi khi là thú đau thương. Bởi nàng khóc dễ thương quá. Bởi nàng khóc đáng yêu quá. Cho nên nàng phải chịu thua cái tính bướng bỉnh kỳ cục của tôi. Nàng đành tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
 
- Cái mặt dễ ghét lắm.
 
- Dễ ghét thôi. Không đến nỗi lắm.
 
- Lắm.
 
- Không.
 
- Lắm.
 
- Chưa chắc. Vẫn có người không ghét được.
 
- Không thèm, dễ ghét.
 
Tôi vui với cuộc tình của tôi. Thật ngây thơ và thật đẹp. Và tôi cười với nàng.
 
- Ừ, em bé ngoan lắm.
 
Bây giờ, tôi với nàng đang sóng bước trên con đường cát dài xa tít. Cát ướt mềm hôn gót chân nhột nhạt, làm chân hai đứa quấn quít lấy nhau. Bờ biển buổi tối thật đẹp mà lạnh lùng quá. Gió thổi lạnh hồn hai đứa. Gió hôn mái tóc hai đứa. Gió hôn thiết tha quá, mái tóc hai đứa bay cao. Gió hôn nồng nàn quá, mái tóc quyến luyến. Lần cuối cùng đi bên nàng rồi thôi. Ngày mai nàng sẽ lên xe về với quê hương nàng. Ngày mai nàng về cho sống lại cuộc sống bình thường mà đã lãng quên. Còn ngày mai tôi ở lại với nhiều thiếu sót.
 
- Ngày mai em ra đi?
 
- Dạ, ngày mai em về.
 
Tôi đã hỏi câu đó cả chục lần và nàng đã trả lời câu đó cả chục lần. Phút chia ly tôi đã định nói thật nhiều để bây giờ không nói được gì. Chỉ có thế mà tôi với nàng đã đi dọc theo bãi biển hằng giờ. Và rồi cũng chỉ có thế. Ngôn ngữ tôi cạn ráo. Nàng im lặng. Tôi im lặng. Bởi có còn gì để nói nữa. Chỉ bất chợt, tôi và nàng cùng dừng lại và cùng quay lại nhìn đoạn đường đã đi qua, gót chân hai đứa đè lên nhau quấn quít chạy dài trên mặt cát. Nhìn mà hai đứa cùng xót thương cho những dấu chân ngày mai sẽ bị sóng cuốn đi. Hai đứa không đi nữa. Hai đứa quay lại nhìn nhau, thật lâu. Và nàng khóc.
 
Cuộc tình nào rồi cũng đi vào đoạn kết. Có đôi khi kết vui. Có đôi khi kết buồn. Có đôi khi kết nồng ấm như nắng hạ. Có đôi khi kết lạnh như sương đêm đọng trên đôi mắt người yêu. Và cuộc tình của tôi với nàng cũng đã đi vào đoạn kết. Nó không kết bằng một dấu chấm, nghĩa là sau đó không biết sẽ bắt đầu bằng một chữ hoa hay sẽ không còn gì. Nó chỉ vừa kết bằng một dấu phẩy, nghĩa là sau đó còn có một mệnh đề nối tiếp. Mà, biết đâu ngày mai tình sẽ khóc xót xa như nàng đang khóc xót xa. Ừ, biết đâu ngày mai tình sẽ khóc.
 
 
HẠT CÁT      
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 139, tuần lễ từ 5-7 đến 19-7-1974)
 

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2025

GIỌT NƯỚC MẮT TRÊN DƯƠNG CẦM - Vũ Hạnh


Hồi còn đang lang thang tìm việc ở Đô thành, tình cờ tôi được gặp một người bạn cũ mời dạy dương cầm cho con anh ta.
 
Từ đấy một tuần ba buổi, tôi đến nhà anh, một biệt thự xinh xắn nằm trong một khu vực yên tĩnh của thủ đô.
 
Tôi còn nhớ rõ những cảm giác vừa tươi sáng vừa mệt nhọc buổi ban đầu, khi qua khỏi cái cổng kiến trúc theo lối Nhật, sơn màu đỏ tươi, phủ đầy hoa tím, men theo những lối đi rắc đầy đá trắng nhỏ vụn, sào sạo dưới đế giầy đã mòn nhẵn, dọc theo những hàng cây kiểng xinh tươi, bước đến một căn phòng gọn gàng, quét vôi xanh nhạt, dành riêng cho những buổi dạy. Bao giờ cũng thế, vào nhà tôi đã gặp người học trò độc nhất của tôi ngồi chờ bên chiếc dương cầm. Đó là một em gái nhỏ, khoảng chín mười tuổi, tóc hoe vàng, cặp mắt dịu hiền, khuôn mặt thon thon mà màu da trắng xanh càng làm tăng thêm vẻ ốm yếu của một vóc dáng gầy gò. Em chăm chú nghe lời tôi giảng giải về những điều thường thức nhập môn, ngoan ngoãn như một người con nghe lời cha dạy và vẻ thành kính trong cử điệu của em khiến nhiều khi tôi có cảm tưởng là đang đứng trước một tín đồ mộ đạo. Em có một lối học tập siêng năng, đứng đắn, khó tìm thấy trong những em nhỏ cùng lứa tuổi non trẻ ấy. Vốn có một bản chất dễ cảm và một năng khiếu thông minh đặc biệt, em hoàn toàn thích ứng với âm nhạc, hình như em cũng cảm thấy, bằng một trực giác tự nhiên rằng đó là món ăn thiết yếu của đời em. Em học say mê, chăm chỉ, cần cù. Thực ra những nhận xét trên đây mãi về sau này tôi mới có dịp để tìm hiểu rõ ràng. Còn lúc đó, tôi chỉ nhìn thấy em một cách mơ hồ, bởi vì tôi không bao giờ chú tâm đến người học trò nhỏ bé trong lúc chạy việc tạm thời. Đôi khi tôi cũng hơi ngạc nhiên về sự tiến bộ mau lẹ của em, nhưng rồi mối ngạc nhiên ấy thoáng qua, nhường chỗ cho những nỗi lo lắng khác chi phối tâm hồn.
 
Vào những buổi dạy, trong khi người học trò nhỏ ôn lại những bài tập, tôi ngồi trên chiếc ghế tựa cửa sổ nghĩ ngợi lan man... Những âm thanh còn ngượng ngập, những nhịp điệu còn so le lúc ban đầu dội lên trong phòng, khuấy rộn ở lòng tôi bao nhiêu suy nghĩ băn khoăn. Những giờ dạy ấy đối với tôi chán nản làm sao! Cả cái khung cảnh sáng tươi bên ngoài cũng như êm dịu bên trong đều như xa lạ với tôi. Đôi khi tôi cảm thấy thấm thía sự lạc loài của mình trong một nếp sống sang trọng và tôi tự hỏi tại sao mình lại dạy nhạc ở một nơi đáng ghét thế này, một nơi mà mỗi viên gạch vuông, mỗi hòn sỏi trắng đều sạch sẽ như một cuộc sống không lo âu. Tôi ngước nhìn thời gian trôi chậm chạp bên cạnh cái xuân không phai tàn của cô gái Tàu lộng lẫy khoe duyên trên tấm lịch, rồi âm thầm, tôi làm lại bài toán nhỏ trong óc - một vài phép nhân đơn giản - để tổng kết cái số tiền hàng tháng thu lượm qua những buổi dạy buồn tẻ này. Số tiền nhỏ mọn kia tôi đã chán biết là bao nhiêu rồi, nhưng như thường lệ những tư tưởng của tôi, sau khi vơ vẩn lượn qua khắp nẻo, lại quay về với nó, hình như bao giờ tôi cũng phải nghĩ ngợi thêm về nó để tìm ra những chân lý mới của cuộc đời.
 
Nhưng đến lúc ý nghĩ lập lại cái vòng lẩn quẩn của sự chán nản tôi mới bắt đầu nhận thấy người học trò của tôi bé nhỏ quá, ốm yếu quá, khờ dại quá. Sao không phải là cô gái mười bảy, mười tám đương xuân, hơ hớ dậy thì, mà tiếng đàn sẽ làm rung chuyển cả tâm não. Hay là một nàng đã quá tuổi xuân đi tìm khuây lãng trong âm nhạc, cõi lòng đang còn thao thức những rung động sôi nổi mà tiếng đàn sẽ khêu gợi dậy chứ không thể làm cho im đi. Như thế, với cái khung cảnh êm dịu vắng vẻ này, tôi có thể tìm được cái hào hứng để ôn lại những bản đàn mê hoặc ngày xưa, dệt nên những mối tình thơ mộng, tìm một ý nghĩ cho cuộc sống bấp bênh này.
 
Tôi lo nghĩ ngợi như thế suốt buổi dạy, tìm sự thỏa mãn bằng hưởng thụ trong thế giới không tưởng, để rồi khi bước ra về, với tay lấy chiếc mũ đã cũ nhàu, nhìn thấy thời gian nặng nề và cô gái Tàu duyên dáng trên tấm lịch, tôi lại ngao ngán trên những lối đi sào sạo dưới gót giày mòn nhẵn.
 
Một buổi chiều, như thường lệ, tôi lại đến phòng dạy bên cạnh người học trò bé nhỏ độc nhất của tôi. Ngón đàn của em đã thạo và em bắt đầu tập đến những bản hòa điệu. Tôi sẽ cho em đi qua tất cả bài tập của sách và như thế tôi sẽ có rất nhiều những giờ phút thong thả nghỉ ngơi... Như thường lệ, sau khi treo chiếc mũ lên mắc, liếc nhìn thời gian và cô gái Tàu trên lịch, tôi lại trên mặt bàn vớ lấy quyển sách bọc bằng lớp giấy hồng tươi đặt ngay ngắn trước mặt em bé, vội vàng giở ra, lấy cây bút chì màu, gạch dấu treo bên gốc một bản hòa điệu ở một trang bên cạnh bài cũ.
 
Trong khi em bé bắt đầu đánh thức dậy những âm thanh của chiếc đàn trầm lặng thì tôi lại gần cửa sổ mơ màng...
 
Tôi không còn nhớ tôi ngồi như thế được bao lâu thì tiếng đàn dừng lại và giữa cái im lặng lạnh lùng của gian phòng tôi nghe tiếng khóc nức nở của em bé. Tôi quay lại hết sức ngạc nhiên nhìn thấy đầu em cúi xuống rung chuyển từng hồi cùng với đôi vai gầy gò, theo những tiếng nấc. Tôi cảm thấy khó chịu hết sức. Ngồi thẳng dậy, tôi hỏi:
 
- Ái, việc gì mà cháu khóc?
 
Em bé như muốn nén tiếng khóc, nhưng càng ép lòng em lại càng nức nở. Tôi đến gần, cảm thấy thương hại:
 
- Tại sao cháu không nói? Việc gì mà cháu khóc?
 
Em hơi ngửng đầu lên nhìn tôi, cặp mắt em mờ lệ, rồi lại cúi xuống. Sự im lặng càng khiến cho tôi muốn tìm hiểu. Tôi lại bắt đầu cảm thấy trách nhiệm của mình, tôi đến lay nhẹ vai em, cố hỏi một cách thân mật:
 
- Tại sao Ái lại khóc? Ai làm gì mà Ái khóc? Chú có la Ái lần nào đâu?
 
Bây giờ tuy em đã nín, nhưng tiếng ấm ức vẫn còn. Tôi đứng yên lặng bên em, trong lòng cảm thấy khó hiểu. Bao lâu này, trừ những câu nói giảng dạy và sai bảo cần thiết lặt vặt, tôi không quen nói chuyện với người học trò mà tôi xem như còn quá dại khờ. Tôi không hiểu được em với cái tâm trạng kỳ quặc này. Tôi cúi xuống, bảo:
 
- Thôi, cháu hãy đi xuống nhà rửa mặt rồi sẽ lên học.
 
Em bé ngoan ngoãn vâng lời. Tôi lại chiếc ghế, càng thấy bực dọc vì không thể tìm hiểu. Tôi cố gắng một cách phiền bực giải thích cái tâm trạng ấy và sau cùng kết luận rằng đấy là sự trái chứng của những trẻ con được nuông chiều và bệnh hoạn.
 
Một lát sau, Ái đã đi lên và ngồi lại cạnh đàn. Những nút bấm bắt đầu gợi lại âm thanh một cách dè dặt. Nhưng khi tiếng đàn đã dàn trải trong yên lặng dịu dàng của căn phòng thì những tiếng nức nở cũng hòa theo. Sau cùng tiếng đàn ngừng bặt, và đầu em gục xuống, hai tay gầy nhỏ bám lấy thành đàn.
 
Tôi vừa tự bảo: "Đấy, lại khóc rồi". Nhưng những sự trạng vừa qua tưởng như đã giúp tôi thấy được sự thực. Tôi lại gần, hỏi rất vội vàng:
 
- Có phải tiếng đàn làm cháu khóc không?
 
Em đáp lại trong nước mắt:
 
- Thưa chú, bản nhạc buồn quá...
 
Những tiếng nói thấm đầy nước mắt ấy thực đã làm tôi sững sờ. Những tiếng ấy xoáy mạnh trong lòng tôi như lướt qua những rung động cạn cợt để tìm sâu vào cái phần xúc cảm bên trong của một con người biết suy nghĩ. Trong một thoáng, tôi thấy tất cả sai lầm của việc tôi làm. Người học trò, bản nhạc, tiếng đàn đối với tôi từ lâu nay hết sức xa lạ. Trong khi người học trò của tôi đem hết tấm lòng thơ ngây vào bài học, vào nghệ thuật, thì tôi mắc bận tâm vào bao nhiêu cái nhỏ nhen của cuộc đời. Sao lại bắt em bé trong trắng phải chịu dày vò vì những tình cảm cách xa em không biết bao nhiêu chặng đường, những tình cảm mà em không thể hiểu biết, có thể đi cho đến trọn đời em không bao giờ tìm gặp, nếu sự sống ngày mai sẽ xóa bỏ được hết những u uất khổ đau đã hành hạ con người từ bao nhiêu thế kỷ. Chính cái sự dạy dỗ mua bán này đã bắt tôi đem tấm lòng vẩn đục để phủ nhận những sự thực lớn lao trước mắt. Tôi đã vì tự ái, vì ghét ghen, vì thành kiến, hoặc đã vì những hình thức lòe loẹt của cuộc đời lung lạc để không nghĩ đến cái nhiệm vụ thiêng liêng của một nhà giáo dục, của sự truyền cảm trong nghệ thuật, của một kẻ đàn anh đối với em nhỏ thơ ngây. Tôi bỗng ý thức được sự thấp kém của mình. Tiếng khóc như có phép bùa đã tước lột được cả cái bên ngoài biến đổi, che đậy, để lộ nguyên hình cái cá nhân ti tiểu trong tôi. Cô gái trên tấm lịch như vô duyên hẳn đi, và thời gian, và thời gian trên xếp giấy mỏng manh như quá sức vội vàng. Có lẽ nào con người thực của chúng ta phải được thúc đẩy bằng nước mắt để xây dựng tiếng cười, niềm vui cho tương lai.
 
Tôi rút cây viết chì mầu, gạch tréo lên tất cả bản nhạc rồi vuốt tóc người học trò nhỏ, ôn tồn tôi bảo:
 
- Thôi, chúng ta sẽ không dùng bản nhạc này nữa. Mỗi buổi chú sẽ chọn lọc bài nào hay hơn, vui hơn để cho cháu đàn. Hôm nay, chúng ta nghỉ sớm. Cháu lau nước mắt và ra ngoài chơi đi.
 
Tôi đứng nhìn em nhẹ nhàng ra khỏi dãy hiên và cảm thấy cả cái khối nặng nề của tòa nhà, cái khối bao la của cảnh vật bên ngoài như quá to lớn đối với cái vóc người bé nhỏ kia. Nhưng cả những khối ấy không bao giờ có thể làm hủy diệt cái thân hình mong manh kia được. Chính những cảm xúc buồn bã, sa đọa của cuộc đời do bàn tay của những kẻ tự gọi là hướng dẫn giáo dục, truyền bá nghệ thuật mới có thể bẻ gãy những tâm hồn như thế, những tâm hồn tốt đẹp có thể sẵn sàng rung động với bao nhiêu nhịp điệu lớn lao của cuộc đời.
 
Và, mãi đến bây giờ, mỗi lần nghĩ đến sự mua bán trong phạm vi giáo dục, nghệ thuật, tôi lại cảm thấy vô cùng xấu hổ vì những giọt nước mắt của người học trò nhỏ vẫn còn sáng lóng lánh trong hồn tôi, tỏa chiếu cái sự thực luôn đòi hỏi vươn cao lên của ý thức con người.
 
 
VŨ HẠNH      
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 63, tuần lễ từ 10-8 đến 17-8-1972)
 

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

GIẤC MƠ CỦA RỪNG VÀ SUỐI - Nguyễn Thúy Ái


Tiểu Khê chạy băng băng ra khỏi ngõ và kéo chiếc khăn buộc ra khỏi mái tóc vất lên một bụi cây gần đấy. Buổi chiều đang đi dần vào hoàng hôn. Hôm nay trên dãy núi tây không có ráng chiều, màu vàng huy hoàng làm ửng hồng những phiến mây trắng và ửng hồng đôi má của bé Hạ Tuyền. Màu hỏa hoàng ấy tuy chói chang nhưng đẹp vô cùng. Có lúc Tiểu Khê đã đem màu ra pha và nhìn màu vàng ấy để pha cho đúng. Nhưng không bao giờ pha được cái màu sáng láng sống động ấy.
 
Hôm nay không gian hình như có màu tím rất nhạt, tuy bầu trời vẫn xanh, có lẽ do sự hiu quạnh và màu xanh của núi rừng đang sẫm bóng chiều nên Tiểu Khê cảm thấy như vậy. Đến bên bụi hoa cạnh lề một con đường mòn nhỏ, khóm hoa có những cành yếu mọc dày đan phủ trên một tảng đá, có hoa nở vào buổi chiều, những cánh hoa trắng nhỏ và hương thơm dịu dàng, Tiểu Khê ngồi xuống thảm cỏ bên cạnh, nghe gió đưa hương lùa vào tóc và tiếng cười trong trẻo của hai đứa em đùa với nhau. Chúng thường chơi với nhau và bỏ quên Tiểu Khê, bởi chúng nghịch và nhanh như những con sóc, Tiểu Khê không tài nào đuổi kịp.
 
Những hôm mới về, Tiểu Khê say mê đi dạo trong rừng và hái hoa, mỗi khi ra khỏi ngõ là Tiểu Khê trở về với cánh tay đầy hoa. Tiểu Khê cắm khắp các phòng trong nhà, đến nỗi mẹ phải ngán. Tiểu Khê thích thú vô cùng khi cắm xong một bình hoa, đứng ngây người ra ngắm, tâm hồn bỗng nhẹ như một phiến mây. Những lúc như thế, Tiểu Khê ước giá có mấy nhỏ bạn thì thật là tuyệt vời.
 
Nhớ ở lớp học đứa nào có một cành hoa là đứa khác năn nỉ xin hay đôi khi lấy ẩu. Tiểu Khê nhớ bạn quá đỗi vì chưa bao giờ thiếu bạn đến thế, Tiểu Khê đang có cả đồi hoa, còn bao nhiêu là con đồi, bao nhiêu là thảm cỏ xanh thênh thang. Và ơi, giòng suối trước nhà. Con suối mà ba vừa làm một chiếc cầu bắc qua đó, chiếc cầu dễ thương quá, khi ba vừa làm xong Tiểu Khê đứng xoa hai tay vào nhau và khen:
 
- Đẹp quá ba ơi, chiếc cầu như một giấc mơ, vươn qua giòng suối.
 
Có lúc Tiểu Khê ra ngồi trên cầu, thả hai chân xuống nước và nhìn những con tôm thấp thoáng trong mấy kẽ đá trắng. Chao ơi, giá mà có một đứa bạn lúc này, có ai nghĩ đến Tiểu Khê đang sống nơi núi đồi quạnh hiu này không?
 
Mẹ thì bận rộn với bao nhiêu việc trong nhà, ba thì thường đi với con ngựa của ba, hay đi săn. Lúc ở nhà thì ba đọc sách, làm việc, ngồi hút thuốc bên cửa sổ hay dạy hai đứa nhỏ học thêm. Ba chỉ hỏi Tiểu Khê rất ít vào mỗi tối về việc học, thầy cô, bạn bè. Giữa ba với mẹ Tiểu Khê thấy lạ nhất là hai người ít nói chuyện với nhau, chỉ nhìn và mỉm cười. Qua những vật kỷ niệm mà mẹ nâng niu giữ gìn, Tiểu Khê biết rằng ngày xưa ba mẹ đã có với nhau một cuộc tình tuyệt vời. Giữa những yêu thương dịu ngọt như thế mà Tiểu Khê vẫn mong có một người bạn vô cùng.
 
Buổi sáng thức dậy cho gà, chim ăn, giúp việc mẹ hay theo ba vào rừng. Nếu không thích thì ngồi ở nhà trong chiếc ghế mây bên cửa sổ đọc sách. Mỗi khi có một chiếc xe thổ mộ nào đi ngang qua, là Tiểu Khê giật mình và tưởng tượng ra, một bóng dáng thân yêu nào đó của bạn bè thấp thoáng trong xe, Tiểu Khê sẽ chạy ra đỡ xuống, hai đứa sẽ ôm nhau sau đó hãy nhận ra Nhiên hay Lê, Quỳnh, Phương Đông. Tiểu Khê đã bao lần sung sướng khi tưởng tượng ra như vậy và bao lần thất vọng nhìn chiếc xe đi thẳng, tiếng vó rung rung và mất hút.
 
Chỉ những buổi tối và những bữa ăn Tiểu Khê mới quên được nỗi nhớ mong này, vì những thương yêu đang vây quanh. Tiểu Khê ăn uống cười đùa với các em. Những thứ ba săn được và mẹ nấu thật ngon. Ba nói với mẹ : em cũng sáng tạo liên tục trong cách nấu ăn và trang trí nhà cửa.
 
Những lúc ấy thì mau qua hơn những buổi dằng dặc của những ngày hạ dài. Những sáng thức dậy lười lĩnh nằm trong phòng nghe chim hót, nghe tiếng nước đổ giữa sự im vắng của núi rừng. Tiểu Khê lại càng thích hát và kể chuyện cho mẹ nghe.
 
Đôi lúc có một vài người bạn của ba ghé qua, ở lại vài ngày, cùng ba đi săn và ban đêm thức nói chuyện thật khuya. Vui nhất là có người bạn từ ngày xưa của ba lẫn mẹ. Tiểu Khê thích thú ngồi theo trong một góc phòng nghe gợi lại những chuyện ngày còn trẻ, những lúc ấy Tiểu Khê thấy dường như ai cũng trẻ lại, nhất là mẹ, đôi khi mặt mẹ đỏ lên vì một mẩu chuyện. Tiểu Khê liên tưởng, trong tương lai, Tiểu Khê sẽ ngồi cùng bạn bè như thế trong căn phòng khách ấm cúng của sau này...
 
*
 
Tiểu Khê muốn đi ngược với chiều gió nên men dần theo con đường chính dẫn về thành phố, trong tay cầm một cành cây vừa hái bên đường, tóc bay lả tả. Tiểu Khê vừa đi vừa giữ tóc lại và hát vu vơ. Một tháng hạ đã trôi qua... Tiểu Khê cứ đi, thả ý tưởng theo những câu hát hòa trong gió chiều thoảng nhạt. Đã khá xa nhà, Tiểu Khê cũng hơi sợ nhưng chưa quay lại, đã yêu cảnh núi rừng này lắm rồi. Phía xa có tiếng xe độc mã trở về sớm hơn thường lệ. Xe có một người khách, Tiểu Khê hơi giật mình và tự nhủ, làm gì có bạn mình. Dáng ngồi có vẻ trẻ, cũng không thể là bạn của ba. Chiếc xe gần hơn, một cánh tay được vẫy ra, Tiểu Khê chưa kịp phản ứng gì dù là bằng ý tưởng, chiếc xe rẽ ngang đến, người khách nhảy xuống trước khi xe ngừng.
 
- Trời ơi, anh Phiên.
 
- Tiểu Khê, Tiểu Khê đi đón anh đó hả?
 
- Làm sao em biết, làm sao...
 
Tiểu Khê ngỡ ngàng khôn cùng.
 
Anh bảo người xà ích đánh xe đi trước và anh đi bộ về với Tiểu Khê.
 
Phiên là học trò cũ của ba - ba Tiểu Khê là một giáo viên - và là bạn của Tiểu Khê, không biết có thể gọi là bạn thân được không, thấy Tiểu Khê không có ai thân hơn anh và tuy anh học hơn Tiểu Khê nhiều lớp.
 
Phiên đỡ lấy cành hoa trên tay Tiểu Khê, im lặng một lúc rồi nói:
 
- Anh về đây chắc là thầy cô Tiểu Khê ngạc nhiên lắm nhỉ? Khi thi xong kỳ thi cuối năm trí óc thảnh thơi để nhìn lại một năm qua. Thêm một chứng chỉ, một mớ kiến thức, trong sinh hoạt bạn bè của anh thì cũng có nhiều điều vui. Nhưng rồi anh vẫn thấy anh là một kẻ du mục bơ vơ chưa tìm ra được bộ lạc, nên anh về đây mong được hưởng những ngày xuân trong mùa hạ này.
 
- Tiểu Khê vẫn thích câu thơ ấy lắm.
 
- Có thể suốt năm vẫn là mùa xuân Tiểu Khê nhỉ.
 
- Dạ. 
 
Anh mỉm cười thật ấm và mắt nhìn những núi đồi sâu trong bóng chiều.
 
Trước ngõ nhà, bên cạnh hành lý của Phiên, ba mẹ đang đứng hướng về phía hai dứa, Phiên đi nhanh trước đến chào.
 
Tiểu Khê mang đồ vào nhà. Trong khi anh ngồi nói chuyện với ba, mẹ đi làm đồ ăn. Tiểu Khê đi pha cho anh một ly sữa và đi dọn dẹp phòng, chọn cắm cho anh một loại hoa rừng mà Tiểu Khê thích nhất. Nghe tiếng Phiên nói với ba: "Về đây nhìn khung cảnh nơi đây con không hiểu sao con chịu đựng thành phố suốt năm một cách tốt đẹp". Ba bảo: "Có lẽ lúc đó con không phân tích nó, vả lại tuổi trẻ thì phải vậy". Ba hỏi về chuyện học hành của anh, hỏi thăm về những người học trò mà ba còn nhớ.
 
Phiên đi lại trong phòng xem những đồ vật, hỏi chuyện mẹ và hát thật tự nhiên, mẹ khen anh có giọng ấm, Tiểu Khê mỉm cười.
 
Sáng thức dậy thấy Phiên đi dạo trong vườn với ba. Trong khi ăn sáng ba bảo Phiên và Tiểu Khê nên đi chơi. Phiên nhìn Tiểu Khê, Tiểu Khê cười như không có ý kiến gì, chỉ vâng lời thôi. Tiểu Khê mặc áo dài màu trắng. Phiên nói như thế hay nhưng lại bất tiện lắm.
 
Anh mang theo một chiếc máy ảnh và một cái súng nhỏ, súng rất đơn giản, anh bảo súng này chỉ bắn được chim và những con thú nhỏ.
 
Anh kể chuyện những bạn bè của anh, những chuyện chưa có trong rừng mộng của Tiểu Khê và một ít ước mơ. Tiểu Khê hỏi phân khoa anh có nhiều con gái học không? Anh bảo ít thôi. Cả hai nói chuyện quên cả ngắm cảnh. Tiểu Khê lấy làm lạ, một người cao ngạo như anh mà lại cô đơn. Sao thế nhỉ?
 
Sau đó là mục chụp hình. Phiên nhảy lên những mô đá, trèo lên những cành cây để hái trái chất đầy chiếc lẵng mây của Tiểu Khê. Trưa về có được mấy con chim, anh nói, Tiểu Khê khá đấy chứ, đi bộ cả buổi sáng như thế mà vẫn tươi tỉnh.
 
Những buổi tối anh ngồi đánh cờ với ba hay ra hiên ngồi đàn hát, Tiểu Khê ngồi yên nghe hay đôi khi hát theo. Tiểu Khê bảo đêm thơm hơn một giòng sữa đó anh, Phiên cười nếu anh kể lại bạn bè anh nghe những điều nầy chắc họ không tin là thật. Có lần đi dạo trong vườn dưới một bầu trời sao huy hoàng Phiên nói:
 
- Tên Tiểu Khê diễn nôm có nghĩa suối nhỏ nhỉ. Để anh gọi Tiểu Khê là suối nhỏ. 
 
- Còn Phiên nghĩa là gì, chắc không hay đâu. Thôi để em gọi Phiên là Rừng.
 
- Tiểu Khê thấy anh có vẻ rừng rú lắm hả?
 
- Em nói rừng chứ đâu có rú. Phiên có vẻ âm ấm giống rừng núi.
 
Những hôm Phiên cưỡi ngựa đi săn một mình, Tiểu Khê thường ngồi trên bậc thềm, chờ ngựa tiến vào và ra đỡ những con chim anh săn được. Những hôm đẹp trời này ba cũng siêng làm việc. Có hôm giúp ba làm cái giàn để treo những giò lan hay làm những giàn rau cho mẹ, những việc này có vẻ hợp với Phiên lắm còn Tiểu Khê chỉ vì tính chất mộng mơ. Phiên xăn tay áo, Tiểu Khê cũng buộc mớ tóc lướt thướt lại, khu vườn trở nên nhộn nhịp vì Phiên và Tiểu Khê đều rất tếu. Những lúc đi hái quít, Tiểu Khê mang một cái đan bằng mây, Phiên bảo giống một sơn nữ và anh ca bài Sơn nữ ca.
 
Khi nói chuyện  về giòng suối trước nhà, Suối Tằm, Phiên hỏi giòng suối này phát nguyên từ đâu. Ba bảo cách đây khoảng ba cây số theo đường chim bay nhưng nếu đi bộ thì xa hơn. Phiên hứa hôm nào đi với Tiểu Khê đến nơi ấy. Hạ và Hào đòi đi theo, Tiểu Khê la, cho chị can đi không cõng em nổi đâu.
 
Buổi sáng đi thăm suối cả hai dậy rất sớm. Mẹ hơi lo, Phiên nói cô yên trí, con dám đánh lộn với cọp mà, nhưng phiền nỗi là ở đây chỉ có thú hiền thôi. Không khí còn ẩm sương, mùi hoa cỏ, mùi đất ngạt ngào trong sương sớm. Tiểu Khê vận đồ gọn, Phiên mang một chiếc Bêrê khiến Tiểu Khê nghĩ đến những nhân vật của thời kháng chiến, đến những bài thơ của Quang Dũng. Tiểu Khê đội một chiếc mũ rộng vành để che sương. Đi theo con đường mòn dọc bờ suối. Con đường thật "cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều". Thỉnh thoảng gặp những con thú nhỏ như chồn, sóc, thỏ chạy ngang qua. Hay những con chim ngỡ ngàng vì tiếng huýt sáo của Phiên. Tiểu Khê cứ tiếc là nhìn nơi nầy thì bỏ sót nơi kia. Có khi nhìn mà không kịp ngắm. Ở thành phố mà có được một khoảng nhỏ nào bằng ở đây thì bạn bè sẽ cho rằng còn thiên đường hơn những thiên đường. Tiểu Khê tả những cảm giác cho Phiên nghe, anh bảo chúng ta y như những kẻ của thời sơ khai. Ngồi nghỉ chân bên một bờ cỏ, Phiên ngồi nhìn chung  quanh rồi chợt mở xách lấy ra một con dao đến một bụi cây gần đấy hì hục đào. Tiểu Khê mệt quá nên chẳng buồn đi theo, lát sau anh cầm lại một cái củ khá dài. Tiểu Khê hỏi anh định đem về làm thuốc đấy à. Anh nói, củ mài đấy, anh biết thứ nầy khi còn là một hướng đạo sinh, nó ngon lắm. Tiểu Khê chợt nhớ, ba kể một năm đói nào đó rất xa, khi còn thực dân Pháp, người ta lên rừng đào củ nầy để ăn.
 
Phiên ra suối lấy nước cho Tiểu Khê rồi sau đó tiếp tục con đường, gần trưa mà vẫn chưa tới, mặt Tiểu Khê đỏ dưới vành mũ, Phiên cũng vậy, anh đỏ bừng. Tiểu Khê nghĩ thầm, hai đứa như say rượu. Bỗng Phiên nhìn Tiểu Khê cười, chúng ta y hệt như những kẻ say. Dừng chân bên một bãi cỏ mượt dưới bóng cây, Tiểu Khê ngã ra cỏ, Phiên vất ba lô. Tiểu Khê đưa khăn tay cho anh lau mồ hôi. Giày được mở ra, Tiểu Khê đặt đôi chân đỏ và rát trên cỏ. Tiểu Khê mở xách và lần lượt dọn đồ ra. Chiếc khăn hơi giống màu cỏ, Tiểu Khê để bánh và nước. Phiên bảo đáng lẽ chúng ta phải tìm lấy thực phẩm thì mới hay, mới đáng gọi là hai kẻ của sơ khai. Rồi anh đi gom củi khô để làm bếp đốt củ.
 
Họ ăn trong khi củ đang chín, vì đói bụng nên củ cũng hết trơn. Phiên ngồi châm thuốc, mỗi khi anh hút thuốc, có một tư thế hơi ngạo nghễ mà ngày xưa Tiểu Khê rất ghét (nhưng bây giờ thì không). 
 
- Tiểu Khê hát đi.
 
- Tiểu Khê hát hết nổi rồi, để nhường cho mấy con chim.
 
Ngồi nghỉ, nhưng rồi Tiểu Khê cũng đứng dậy đi quanh những bụi cây gần đấy và hét lên khi trông thấy một ổ gà rừng. Phiên giật mình, chạy lại và nhặt lên.
 
Giòng suối hẹp dần, chảy len giữa hai bờ đá. Từ trên một ghềnh đá cao, một cái thác nhỏ chảy xuống. Phiên định leo lên để nhìn nhưng đá chồng chất với nhau trông ghê quá Tiểu Khê sợ, nên Phiên không leo. Thế là vẫn chưa biết được nơi phát nguyên thực thụ. Phiên đem máy ảnh ra chụp rồi sau đó họ cùng ngồi yên trên một bờ đá bên suối. Trông Phiên yên lặng, Tiểu Khê muốn biết anh nghĩ gì vô cùng. Lát sau thì Tiểu Khê cũng lục vào ý nghĩ riêng. Và cứ mải mê ngắm nhìn, nên khi Phiên nhắc đến giờ đi về hai chân Tiểu Khê cơ hồ mỏi ra. 
 
- Bây giờ để Tiểu Khê đi lại con đường anh cũng ngại quá.
 
Anh đi bên Tiểu Khê một lúc rồi chợt nghĩ ra:
 
- Bây giờ đi tìm một khúc chuối rừng.
 
Tiểu Khê mừng hết sức và cố đi nhanh theo anh.
 
Anh đốn chuối để nguyên cả ngọn kéo về cho tiện. Tiểu Khê giúp anh lôi chuối ra bờ suối, Phiên bảo khúc ghềnh thác nầy thì mới thả bè được. Anh tìm hai cành cây thẳng và dài, vót nhọn đóng xuyên qua những thân chuối nằm song song sát nhau và làm một mái chèo. Tiểu Khê bảo, làm cho một chiếc. Xong xuôi anh cười: Bây giờ cho Tiểu Khê hạ thủy con thuyền.
 
Tiểu Khê cười thật vang, giá có chai rượu anh nhỉ? Thuyền còn neo bến vì còn sớm. Tiểu Khê theo Phiên để anh đi tìm gà rừng. Khi xuống bè, mới đầu Tiểu Khê thật sợ vì nó cứ chao đi chao lại. Dần dần giòng suối bớt hẹp, con nước bình hơn nên bè trôi thong thả khỏi phải chèo. Có lúc Phiên dừng lại để Tiểu Khê hái một ít hoa lạ bên bờ suối. Suối có một loại rong xanh thật đẹp. Bè êm ả trôi, Phiên ơi, có phải chúng ta đang hưởng những ưu ái trong số những ân huệ mà con người còn có thể tìm được cho mình. Phiên nói với Tiểu Khê, bằng lời, bằng những đầm ấm vui tươi, bằng bóng chiều đọng lại trong mắt, đôi mắt ấm mà Tiểu Khê muốn thu mình trong đó. Tiểu Khê bỏ mũ xuống để cho tóc bay. Tiểu Khê yêu những cơn gió chiều vô cùng. Những giọt nước mắt thật ngọt ngào lăn ra. Tiểu Khê vội quay đi và hát một câu hát thật vui tươi trẻ thơ để Phiên khỏi nhận biết. Và chẳng bảo nhau, cả hai cùng nhìn lên bầu trời, nhìn những cánh chim trở về, nghe khúc nhạc dạo của rừng núi đêm bắt đầu tấu lên. Chiếc cầu bắc qua giòng suối trước nhà rõ dần. Ba mẹ đứng trước ngõ, hai đứa em ùa ra. Hạ Tuyền nhìn màu nắng rám trên mặt hai người và nói:
 
- Hai người trông lạ hoắc, y như lạc đến từ một hành tinh nào.
 
- Hạ có lối ví von hay quá, anh có lời khen.
 
- Hào cố xách mấy con gà. Ba thì thích thú với chiếc bè của Phiên làm. Hào bảo, bây giờ anh cho em chiếc bè nhé.
 
*
 
Phiên đưa Tiểu Khê vượt qua giấc mơ bắc ngang giòng suối. Ấy là hôm đi câu ở hồ Nai. Đi vòng qua ba con đồi nhỏ, có một vũng nước lớn nằm dưới chân đồi. Từ trên đồi nhìn xuống, hồ nước trông xa rõ mây trời và bóng một cây to đang nở hoa bên hồ. Hoa vàng nhỏ kết thành từng chùm. Phiên để đồ trên bờ và mắc mồi vào lưỡi câu. Tiểu Khê đi dạo quanh hồ rồi đến ngồi bên nhìn anh câu. Những đợt gió lùa qua, phấn hương trên cây hoa vàng đổ xuống đầu hai người nổi trên mặt nước. Rồi Tiểu Khê muốn để Phiên đấy với sự yên lặng của anh, đi dọc tìm những cọng cỏ kết thành một chiếc mũ và gắn hoa trên đó - Tiểu Khê đang nằm trên cỏ làm thì Phiên đến, anh gọi là chiếc vương miện, đỡ lên đội cho Tiểu Khê rồi chống gót giày quay một vòng trở lại tiếp tục câu. Những ngày ở thành phố, đi chơi với bạn Tiểu Khê vẫn thường lén mọi người tìm đến một nơi vắng để được một mình. Tiểu Khê vẫn yêu vô cùng những quạnh hiu quanh mình tuy đôi lúc sự quạnh hiu cũng làm cho Tiểu Khê chảy nước mắt. Những ngày cô đơn đó, buổi sáng đi học trên con đường rộng thênh thang, đi nép sát bên lề và chợt thấy mình bé bỏng và cần một sự che chở nào đó. Những hôm ít bận rộn với bài vở, Tiểu Khê đi tìm một nơi vắng để ngồi với những mộng mơ, với hân hoan đầy hồn hay nước mắt ướt tóc ướt tay. Những nỗi buồn mà nguyên nhân mơ hồ cũng chiếm trong hồn Tiểu Khê khá bền... Tiểu Khê ngồi nghĩ miên man và hát, những lời ca rất đẹp và bi thảm, xúc động tỏa nhẹ trong tim và đôi mắt bỗng ướt. Phiên đã đứng bên từ lúc nào, vẫn cái vẻ trầm-tư-hăng-hái.
 
*
 
Buổi sáng sương sa nhiều, vẫn đi bên nhau không nói năng.
 
- Chừng nào anh đi nhỉ?
 
- Ngày mai.
 
Tiểu Khê nói, thật thản nhiên và giọng đầy dỗi hờn:
 
- Anh đã ngán nơi nầy?
 
- Không phải vậy...
 
- ...
 
- Tiểu Khê, sao anh không hợp với sự an lành, dù sự an lành đó thật đẹp, đủ những gì anh yêu thích. Anh nghĩ điều đó sau nầy sẽ khiến anh trở thành một kẻ phiêu bạt.
 
Buổi sáng Phiên đi nắng vui, trời xanh và dáng Phiên rồi khuất sau những dáng núi.
 
 
NGUYỄN THÚY ÁI      
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 110, tuần lễ từ 12-7 đến 19-7-1973)