Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

KHỞI HÀNH - Lê Tất Điều

 

Tôi chú ý và khoái nhất cái lối bước lên thang của Nhiên. Lúc thường anh ta đã có dáng đi là lạ, hơi ngất ngưởng như coi thường quả đất dưới chân mình, nhưng dường như vẫn thiết tha hướng về phía trước. Lúc anh ta lên thang, ngay khi đặt chân lên bậc đầu tiên, anh ta đã có vẻ hoàn toàn lạnh nhạt với cuộc đời. Anh ta dừng lại một chút ở bước đầu như để nghĩ ngợi, suy đoán. Lưng và đầu thật thẳng, hơi ngả về phía sau, nét mặt bình thản, thường mơ mộng bâng khuâng. Rồi bàn chân trước trở nên sống động, đưa cả thân người lên một cách vững chắc, có tính toán kỹ lưỡng. Những bước tiếp theo không nhanh, không chậm, chiều cao không làm cho anh ta bước lệch lạc.

Lên tới bậc thang cuối cùng bao giờ Nhiên cũng dừng lại một chút và anh ta nghiêng đầu, ngước mắt nhìn xung quanh thật nhanh, Nhiên vuốt lại tóc một cách hờ hững và trở lại với dáng bước uể oải của một kẻ biết đời có nhiều chuyện đáng chán mà vẫn không muốn nản lòng. Nếu cử chỉ có thể diễn tả được ít nhiều tính tình của con người thì cách lên thang của Nhiên đã nói được khá rõ ràng những khía cạnh đời sống nội tâm của anh ta.

Nếu Nhiên đến đây với chúng tôi sớm hơn năm tháng thì có lẽ những ngày đầu tiên trong cuộc đời kiếm sống của tôi đã bớt đi được khá nhiều kỷ niệm khó chịu.

Buổi sáng hôm tụ họp trước cửa bộ giáo dục để chờ sự vụ lệnh cử đi nhận việc, chúng tôi - bạn đồng học và sẽ là bạn đồng nghiệp của nhau - bàn tán xôn xao:

- Phen này không biết phải đi đâu đây?

- Trong niên học thằng nào càng lười, càng bướng thì bây giờ càng phải xa đô thành, đến miền rừng núi gần Tiên, Phật để tu tâm sửa tánh.

Tuy đã được một cách mơ hồ quãng đường xa kể từ đô thành đến nơi mình sắp nhận việc (nhờ ở sự dò theo bảng kết quả cuộc thi cuối năm, đếm tên số người đè trên đầu mình) tôi vẫn cảm thấy hồi hộp vì không rõ trong bốn phương trời đông, tây, nam, bắc mình sẽ được ném về phương nào. Nắm được tờ sự vụ lệnh trong tay, ngỡ ngàng nhìn tên cái tỉnh lạ hoắc ghi trên đó, thật tưởng như định mệnh của mình không phải do Trời định, mà do chính những chữ viết bằng nguyên tử xanh nguệch ngoạc trên tờ giấy dầy. Thấy thiên hạ xúm lại quanh anh chàng có tấm bản đồ toàn quốc trải rộng bên một gốc cây để hỏi han chất vấn về đường đi nước bước, tôi cũng chạy đến lay vai anh ta:

- Này, tỉnh K. ở đâu?

- Tỉnh K. à? Ối xa lắm bồ. Trong niên học đi bát phố cho lắm vào.

Anh ta cúi xuống bản đồ cầm cái thước kẻ nhỏ đo ngang, đo dọc rồi lẩm bẩm tính:

- Một, hai, ba, bốn... bốn mẫu rưỡi, tính ra là hơn bốn trăm cây số.

Không ngờ sự lười học, sự nghịch ngợm của mình lại biến thành quãng đường dài đến thế. Nước Việt cụt mất một nửa, còn ngắn ngủn, phải đi xa đô thành bốn trăm cây số thì hẳn sẽ tới một nơi nào mà lơ đễnh một chút mình có thể bước nhầm sang nước láng giềng. Tôi cười ruồi để cám ơn anh chàng có bản đồ rồi chạy một mạch về nhà sửa soạn hành lý lên đường. Bây giờ cuộc đua có một phạm vi nhỏ hơn, tôi chỉ còn phải thi nhanh chậm với những vị đồng nghiệp cũng đang khởi hành đến tỉnh K.

Tôi phải đổi xe ba lần mới tới tỉnh và càng tới gần tỉnh càng phải đi loại xe chạy chậm, xơ xác tang thương hơn.

Lại một phen nữa hồi hộp chờ đợi vì tỉnh K. cũng có đủ bốn phương đông, tây, nam, bắc.

Sau khi nhận một tờ giấy nữa tôi ra bến xe cùng hai ông bạn đồng nghiệp, đồng học có số phận giống tôi. Tự nhiên cả ba cảm thấy thân thiện và thương nhau hẳn lên. Ba đứa ngồi dụm lại ở một góc xe nét mặt cùng lộ vẻ hoang mang. Bài diễn văn nhắc nhiều đến cách xử thế của ông ty trưởng làm cho chúng tôi còn cảm thấy lo lắng. Anh tài xế và anh lơ xe nhìn chúng tôi hơi nhiều có lẽ vì thấy những bộ quần áo chúng tôi mặc quá sang trọng đối với vùng này nhưng chúng tôi lại đinh ninh là người ta đang dò xét tư cách nhà giáo của mình, và khi cần ho khẽ một tiếng tôi cũng vội vàng rút khăn tay ra trịnh trọng che miệng cho hợp vệ sinh.

Cả hai ông bạn tôi đều giữ thái độ lầm lì. Sơn người mập lùn, tròn trặn, gọn gàng như một quả xoài tượng, hắn có dáng đi vội vàng, láu táu, mắt mũi miệng hắn thì cái gì cũng được xếp theo hình chữ bát cả, lông mày và mắt song song nhau, cặp nằm theo chiều dấu sắc, cặp nằm theo chiều dấu huyền, hai bên mép cũng đi chéo trở xuống ngẩn ngơ như miệng trẻ nhỏ. Thoáng trông hắn có vẻ hiền lành, nhìn kỹ đôi mắt nhỏ, cái mũi hơi khoằm mới nghi rằng tính tình hắn không được rộng rãi.

Tịnh cao, gầy, nghiêm nghị đến độ thành ra lừng khừng, anh học cùng lớp với tôi trong trường sư phạm, lấy vợ từ hồi chưa thi bằng trung học. Sau khi cưới vợ anh bắt đầu học dốt và sinh tật hút thuốc lào sòng sọc, nói năng thích gật gù như các cụ lý, cụ xã, lại lười chải đầu, và thường lấy những cái kẹp tóc nhỏ của vợ để kẹp cho tóc khỏi xõa xuống trán, rồi luôn luôn đem phổ biến sáng kiến đó cho anh em noi gương, đỡ tốn tiền mua Brillantine. Sau khi có đứa con đầu lòng, anh sinh tật gọi bạn đồng lớp là: "các chú" hay "chú em" và xưng "ta" ngon lành. Thấy bạn bè hay đùa nghịch Tịnh khó chịu và khinh bỉ ra mặt, cho là một lũ trẻ con. Nhưng kiếm trong số bạn đồng nghiệp không có kẻ nào cũng là bố trẻ con như mình, Tịnh đành miễn cưỡng giao thiệp với chúng tôi, tuy vẫn giữ thái độ kẻ cả. Ngồi nghe giáo sư giảng Tịnh khoanh tay, mở to mắt như muốn nuốt chửng từng câu nói vào trí nhớ, nhưng lại chậm hiểu hơn hết và lúc làm bài thường phải lợi dụng chiều cao của mình để ngó sang tờ giấy của hai "chú em" bên cạnh.

Hồi mới nhập học được ít hôm, chúng tôi thấy Tịnh lớn tuổi hơn cả tưởng anh là loại người hơi ngu đần nên xúm xít lại đồng thanh bầu anh làm trưởng lớp. Không ngờ về sau tất cả những tên phá kỷ luật hay bỏ giờ một cách bí mật đều bị anh kê tên và báo cáo rất đầy đủ lên ông giám thị. Cả lũ hoảng hồn vây quanh Tịnh kỳ kèo. Tịnh giữ vững lập trường và lên giọng khuyên nhủ anh em bằng những lời giảng của vị giáo sư già dạy môn luân lý. Một vài tên ức quá trả thù bắng cách đặt cho anh cái biệt hiệu là "Tịnh gàn đểu".

Bây giờ, số điểm kém cỏi bằng nhau trong kỳ thi cuối năm đã đẩy ba chúng tôi ngồi chung một chuyến xe về làm việc ở cùng một nơi.

Chuyến xe càng lúc càng đi sâu vào những vùng hoang vắng, có khi con đường đất đỏ nhỏ hẹp hẳn lại như bị hai cánh rừng rậm mịt mù ở hai bên chèn ép, bóp nghẹt. Tôi mệt bã người mà không sao nhắm mắt ngủ gật gù được như người bạn đồng hành. Lắm lúc lại nẩy ra cái ý nghĩ chua chát là mình giống như bọn anh em thằng bé tí hon trong truyện xưa, bị chính phủ ghét đem bỏ vào rừng cho cọp tha, đỡ tốn tiền phát lương. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy rợn người khi nghĩ rằng đất nước mình quá rộng.

Anh Tịnh cũng mở to mắt phân vân nhìn rừng cây và đường dài. Tôi kêu:

- Khiếp! Xa quá, đi mãi chưa tới nơi.

Tịnh thắc mắc thật sự:

- Sao toàn rừng thế này nhỉ? Họ định cho mình vào đây dậy khỉ à?

Và Tinh rướn người, nắm lấy thành ghế phía trước, hỏi to:

- Này bác tài! Sắp tới chưa đấy?

- Chạy cỡ hai chục phút nữa.

- Trong đó có trường học không?

- Có chớ. Thiếu gì. Mấy thầy là thầy giáo hả?

- Vâng. Chúng tôi mới...

Tôi vội bấm vào đùi Tịnh để anh khỏi tiếp tục khai lý lịch quá đầy đủ và chi tiết.
 
Sau khi qua một chiếc cầu gỗ hẹp, ngắn có những nhịp kêu lắc rắc đe dọa, chiếc xe dừng lại ở đầu một con đường đất nhỏ. Một người đàn bà nhanh nhẹn bước xuống, đứng lên lề đường, ngửa cổ chờ anh lơ xe trao trả mấy cái thúng để trên nóc xe. Anh lơ ném cho chị ta bộ quang gánh và hai cái thúng. Chị ta cúi xuống lật chiếc mẹt che thúng, kiểm soát rồi bỗng kêu lên:

- Thiếu mất hai cái bánh tét nè.

Bộ mặt chợt linh động hẳn, chị ta đứng kiễng hai chân, nói với anh lơ xe:

- Anh coi trên đó coi.

Anh lơ đi lại rậm rịch trên nóc xe mấy bước rồi nói vọng xuống:

- Không có.

- Sao không có? Mua năm cái giờ thấy có ba.

Vừa nói người đàn bà vừa đi ra phía sau xe vén quần áo rồi nắm lấy chiếc thang sắt leo lên. Cuộc tìm kiếm diễn ra hơi lâu. Anh tài xế giơ cánh tay phải lên trời đập nhẹ xuống bánh lái, lắc đầu than:

- Trời đất!

Trên nóc xe có tiếng anh lơ càu nhàu:

- Chị buộc không kỹ lưỡng, nó sút dây rớt xuống chớ gì.

Giọng nói của người đàn bà cũng hậm hực không kém:

- Nói vậy nghe lọt sao? Đồ người ta gởi theo thì phải coi chừng cho người ta chớ. Bộ anh cho tôi quá giang không ăn tiền hả?

Người tài xế sốt ruột gõ thình thình vào cửa xe và thò đầu ra ngoài hét:

- Lẹ lẹ cho bà con đi. Muốn ngủ luôn ở đây hả?

Người đàn bà leo xuống, phân trần:

- Nếu rớt thì rớt hết năm cái chớ sao còn ba. Xe chạy làm mất hết trọi đồ rồi bắt hành khách phải chịu thiệt, đâu có được.

Thấy chị ta đã đặt chân xuống đất, anh lơ xe không cãi nữa, anh ra lệnh:

- Rồi... chạy đi.

Tiếng "đi" kéo dài một cách khoan khoái, thoát nợ. Nhưng máy xe vừa rú lên, xe chưa kịp chuyển bánh thì thình lình, người đàn bà đùng đùng chạy lên, đứng cản trước mũi xe. Cơn giận dữ làm chị ta thở hổn hển. Anh tài xế giật mình hét lên:

- Làm gì vậy? Muốn bị xe cán chết sao?

- Cán coi!
 
Qua làn kính trước xe tôi thấy khuôn mặt người đàn bà tái ngắt, mắt nhìn trừng trừng khiêu khích thách đố. Giọng quyết liệt của chị chứng tỏ rằng chị sẵn sàng dùng mạng sống của mình để bắt người ta trả lời minh bạch về hai khoanh bánh tét bị mất tích của chị. Hành khách thở dài sườn sượt. Tiếng máy xe rú ầm ĩ hòa với tiếng hành khách xôn xao che lấp hẳn những câu nói của người đàn bà. Chị ta dang hai tay đặt lên mui nhưng có lẽ bị nóng, chị rụt lại và nắm lấy chiếc đèn xe.

Anh lơ xe nhảy xuống, có vẻ đã chịu thua sự lì lợm của người đàn bả. Anh ta nắm cánh tay chị kéo dần vào lề đường, miệng năn nỉ ngọt ngào hơn:

- Trời ơi! Nó rớt mất rồi thì tôi biết làm sao. Bộ chị tưởng tôi lấy cắp hai cái bánh của chị hả?

Đưa được người đàn bà vào sát lề, anh lơ thình lình giơ tay phất một cái ra hiệu cho xe chạy. Anh tài chỉ chú ý đến cái phất tay thoát hiểm đó và anh gài số đạp ga. Chiếc xe chồm lên như một con ngựa bị người ta đâm kim vào mông, và anh lơ buông người đàn bà, nhảy tót lên phía sau xe đứng vừa lau mồ hôi vừa chửi đổng. Tôi quay lại xem phản ứng của người đàn bà nhưng chỉ còn thấy bóng chị ta mờ mờ sau một đám bụi đỏ ngầu., Những câu chửi chắc là dữ dội lắm của chị ta cũng không đuổi kịp theo xe.

Tịnh chép miệng phê bình:

- Dân ở đây gớm quá nhỉ.

Tôi ghé tai nghe Tịnh thì thầm:

- Phụ huynh học sinh ở đây bà nào cũng như bà này thì đời tụi mình tàn.

Quả thực người đàn bà này đã làm tôi kinh hãi.

Lúc ấy, trông về tương lai tôi thấy cái gì cũng đáng sợ cả. Bên phải là rừng, bên trái là rừng, đằng trước là con đường càng lúc càng gập ghềnh. Tôi muốn được lùi lại đằng sau, lùi thật nhiều, lùi mãi cho đến cái thời còn là một anh bé con ăn bám cha mẹ ngày ngày thảnh thơi cắp sách đến trường.

*

Trường gồm có năm phòng gỗ làm theo kiểu nhà sàn, có bốn cầu thang ngắn lên xuống. Ông hiệu trưởng già, để râu, đeo cặp kính trắng mắt tròn, mặc bộ quần áo bà ba dẫn đầu một phái đoàn gồm có một thầy giáo, hai cô giáo và gần mười đứa trẻ con tò mò, đi đón chúng tôi. Người nào cũng có vẻ hân hoan. Ông hiệu trưởng báo ngay cho chúng tôi một tin mừng:

- Năm nay nước lên sớm. Chừng nửa tháng nữa gặp mưa lớn nước sẽ ngập hết sân trường, mình được nghỉ dạy ít nhất cũng cỡ một tháng.

Sơn ngẩn ngơ hỏi:

- Năm nào cũng ngập vậy hay sao ông?

- Năm nào cũng vậy. Trường này đặc biệt mà.

Cô giáo trẻ tuổi, khá xinh đẹp, đủ bắt tôi nở một nụ cười thật tươi sau khi tôi đã bị quãng đường dài mấy trăm cây số hành cho mềm người, bảo chúng tôi:

- Các thầy may lắm. Nếu đến trễ ít hôm có khi các thầy phải vào trường bằng thuyền.

Nàng vừa nói vừa cười nên lúc ấy tôi lại tưởng nàng nói đùa. Cô giáo Hoan, đã đứng tuổi, nhất định đòi xách va ly dùm để tôi đỡ lúng túng trong việc vén quần nhảy qua những vũng bùn lớn. Nàng hỏi han chúng tôi rất thân mật nhưng thái độ vẫn nghiêm trang, và đặc biệt rất ít cười. Sau này tôi mới rõ lý do của sự nghiêm trang đó : Hoan có hàm răng vẩu và chiếc răng cửa hơi thô, nàng bị mặc cảm vì hàm răng đó, lúc nào nàng cũng đinh ninh rằng người khác có âm mưu chọc cười để xem răng nàng. Vì thế chúng tôi có tán dóc đùa cợt đến thế nào cũng chẳng làm cho Hoan cười lớn được.

Một trong năm căn phòng của nhà trường được chia đôi: một nửa là phòng làm việc của hiệu trưởng, một nửa dùng làm nơi tạm trú cho chúng tôi.

Ngay trong buổi tối hôm đầu tôi đã cảm thấy nhớ nhà và thương thân. Suốt thời thơ ấu cho đến ngày đó tôi ít có dịp xa gia đình, mà có đến đâu thì cũng được tả phù, hữu bật, chẳng bao giờ phải tự lo những việc vặt. Sơn đi ngủ thật sớm. Tịnh lôi trong va li anh ra nhiều bánh trái chia cho tôi ăn, nói là để giữ sức. Sau đó anh ta cũng nằm dài, kê lọ dầu nóng vào mũi, thỉnh thoảng hít một hơi. Tôi mở cửa sổ nhìn những ngọn đèn dầu tối mù mù trong những căn nhà ở gần trường, nghe tiếng côn trùng kêu ran như thác đổ trong rừng. Ý nghĩ thành thực lúc bấy giờ là thấy mình tệ quá, kém cỏi quá. Tôi thấy tôi học dốt, tôi nhớ ra là tôi đã hay đùa nghịch, không chịu cố gắng, rồi tôi thấy cả sự tôi... xấu trai nữa.

Sáng hôm sau học trò kéo đến đầy sân trường. Ánh nắng buổi sớm, tiếng trẻ cười đùa làm cho dẫy lớp nghèo nàn chợt như bừng tỉnh, linh động. Tôi bắt đầu cảm thấy hào hứng, hăng hái hơn. Lớp học của tôi tính cả thầy trò thì vừa đúng được hai chục mống, có vài đứa cao hơn thầy. Trong buổi học đầu, thấy nói thầy mình ở Saigon đến, chúng sung sướng kiêu hãnh ra mặt, chúng ngắm thầy mãi không chán làm như thầy chúng vừa từ trên trời hạ gót xuống trần gian. Hầu hết lớp là những học trò đúp hai ba năm. Ở đây không có trường trung học, lại xa tỉnh, nên cuối năm học trò lớp nhất dù giỏi, dở, dù thi đậu hay thi trượt đều phải học đúp lại hết, nếu cha mẹ chúng không thích để chúng ở nhà. Ấy thế mà có đứa học đi học lại mấy năm vẫn còn dốt, không theo kịp chương trình. Buổi đầu chưa hiểu rõ học trò, tôi hăng hái vung tay vung chân đọc một bài diễn văn khai mạc rất dài. Lũ trẻ ngồi ngẩn mặt, chẳng hiểu quái gì, nhưng vẫn phục thầy. Mấy đứa lớn đứa nào cũng mập mạp, đen trũi, trán gồ bướng bỉnh nhưng hiền như tượng đất. 

Lúc ấy tôi không hề biết rằng những tiếng "taxi" "xích-lô" "chiếu bóng" v.v... đối với phần lớn trẻ nhỏ ở đây là những danh từ hoàn toàn trừu tượng, nếu không chú ý thì bài giảng của mình lập tức thành một bài văn tối nghĩa, bí hiểm. Phải mất hơn một tuần giải thích, tìm hiểu vấn đề ngôn ngữ của chúng tôi mới được giải quyết ổn thỏa. Tuy vậy thỉnh thoảng vẫn có chuyện bất ngờ, ở lý lịch học sinh trong mục "nghề nghiệp của cha" có đứa ghi "Nghề nghiệp cha: cha đánh xe bò vô rừng chở gỗ cho người ta!" Một số khác kê ra những nghề lạ lùng rắc rối mà tôi cũng chịu không định nghĩa nổi.

Cô giáo Hoan giới thiệu cho chúng tôi một bà già thổi cơm tháng, ông hiệu trưởng thì đưa chúng tôi đi trình diện các nhân vật có uy quyền trong vùng, ông có vẻ khoái vì mỗi lần có thêm nhân viên là một lần địa vị ông được nâng cao thêm một tí. Sự khó khăn lúng túng ban đầu qua đi. Đeo cà-vạt, ăn nói trịnh trọng, nghe lũ học trò gọi là thầy mãi rồi cũng đâm cảm thấy mình đúng là người lớn. Mấy ông hương chức tiếp đón chúng tôi bằng những bữa ăn khá thịnh soạn. Xem ra chưa truyền thụ cho học trò được mấy tí đạo đức mà ông thầy đã học được thêm nhiều tật xấu: uống rượu, ăn uống nói năng khề khà, chậm tiến.

Nhưng chính những điều mới lạ đó lại giúp mình quên nhớ nhà, không chán nản và quen dần với cuộc sống mới.

Những lúc thật cảm thấy buồn rầu và trơ trọi tôi hỳ hục viết thư gửi cho gia đình và nhất là các bạn hữu ở Saigon. Thật là ngốc, tôi cứ tưởng là các bạn, thấy tôi phải đi xa, sẽ thương hại và săn sóc tôi hơn. Ngờ đâu chúng nó khoái làm những việc vô ích hơn là viết thư cho tôi. Thư gửi đi nhiều, thư trả lời chỉ có hai mà cái nào cũng mỏng dính, tác giả lại viết một mặt giấy như viết bài đăng báo, chữ thì to lớn nghênh ngang, tình thân kéo dài được độ hai chục dòng là đã đến mục biểu diễn chữ ký bay bướm, đạo bằng hữu hết đất đứng được bào chữa bằng một câu mơ hồ "thư sau sẽ nói nhiều".

Khi đã quen, tôi bắt đầu cảm thấy vùng này có nhiều điểm dễ chịu. Dân chúng sống tụ tập quanh ngôi nhà thờ - một trong ba cơ sở được xây cất bằng gạch ngói - dưới mái những căn nhà tranh nằm thành dẫy, thành hàng dài. Một số khác sống ở men rừng thỉnh thoảng lại ngả một ít gỗ để kiếm thêm đất trồng trọt. Họ nghèo tiện nghi nhưng giầu thực phẩm, nhất là món thịt rừng. Thỉnh thoảng, sau cuộc săn bắn thành công của một vị phụ huynh học sinh, chúng tôi lại được thưởng thức những món ăn lạ.

Phần lớn dân ở đây đều có vẻ hiền lành, ít nói. Những tiếng động do đời sống của họ gây ra chẳng bao giờ át nổi tiếng gió ào ào trong những cánh rừng mênh mông ở xung quanh. Bây giờ họ không còn lo vụ cọp về phá làng nhưng vẫn sợ hãi con sông lớn mỗi năm gây lụt một lần. Người đàn bà, đã một lần đứng chắn đầu chiếc xe đò để đòi người ta trả lời về hai khoanh bánh tét bị thất lạc của mình, chắc chắn không có mặt trong số những phụ huynh học sinh chất phác của tôi.

Lũ học trò ngoan hơn tôi tưởng. Chỉ cần trừng mắt một cái là lấy lại ngay được trật tự cho lớp. Các gia đình luôn luôn giúp đỡ nhà trường bằng cách bắt con cái chịu đựng một kỷ luật sắt. Một lời phê xấu ở trường có thể biến thành năm sáu roi đòn ở nhà. Chúng có nhiều tài vặt và một số có sức làm việc không thua gì người lớn. Trong lớp ông thầy là kẻ nói ba hoa chuyện trời, chuyện đất, đem đến cho chúng nhiều cái lạ thì ra khỏi lớp ông thầy lại là kẻ vụng về ngớ ngẩn nhất. Chúng có nhiều tài năng khiến thầy chúng phải kinh ngạc: có đứa bắn ná bách phát bách trúng, có đứa kê ống xì đồng vào miệng và thổi rụng chim như chơi. Lâu lâu lại có đứa đem biếu thầy một món quà chúng kiếm được trong lúc theo cha đi rừng vừa để tỏ lòng mến thầy vừa để tạ tội nghỉ học không xin phép. Hoặc là chúng đem đến một con sóc, hoặc là chúng đem đến một con "cheo" giống hệt một con nai được thu nhỏ, bốn cái cẳng chân chỉ lớn chưa bằng chiếc đũa coi thật xinh, có đứa lại buộc dây vào cổ một con khỉ dắt đến, nếu mình ra mặt từ chối chúng sẽ bắt chước lối xử thế của cha mẹ, bỏ đại quà tặng rồi chạy biến mất. Vì thế chúng cho chim chóc, khỉ vượn gì tôi cũng phải nhận rồi giao lại cho chúng nhờ nuôi giùm.

Ông hiệu trưởng đã già nên hơi hách một chút cho phải phép. Hình như ông luôn luôn sợ chúng tôi chê tài điều khiển trường ốc của ông. Trong những câu chuyện tâm sự thân mật ông hay nhắc đến cái "hồi xưa" tang thương của nhà trường. Trong hồi xưa ấy hẳn nhà trường phải xấu xí, tồi tàn lắm, bởi vì năm căn phòng gỗ không được đẹp đẽ gì của "ngày nay" vẫn thường làm ông kiêu hãnh. Anh chàng tùy phái thì lười hết sức và đôi khi lẩn thẩn như kẻ mất trí. Anh ta chỉ chịu khó lau cái bàn làm việc của ông hiệu trưởng, còn cái mặt ghế ngồi của ông thì bốn góc vẫn đầy bụi, chỉ có khoảng giữa, sau khi ông hiệu trưởng ngồi mới sạch được một vùng hình tròn.

Cô giáo Hoan vẫn tốt bụng và luôn kín đáo với hàm răng vẩu. Năm hai mươi mốt tuổi nàng đã được một chàng trai dạm hỏi, nhưng cuộc tình duyên không thành. Từ đó cuộc đời luôn luôn xê dịch đã khiến nàng không đủ thời gian để kiếm một người chồng vừa ý. Năm tháng chồng chất mãi mặc cảm thua kém và nỗi buồn cô đơn lên tâm hồn nàng. Trong câu chuyện Hoan giữ giọng nhún nhường thái quá và đôi khi tự khinh bỉ sự thiếu nhan sắc của mình đến độ thật đáng thương. Nàng có cái nhìn khắc khoải, chán nản nó chứng tỏ linh hồn nàng bất mãn vì đã phải đóng đô suốt đời trong một thể xác thiếu hấp dẫn. Tuy thế, trong lúc nói chuyện nàng có rất nhiều ý nghĩ thâm thúy, duyên dáng.

Chỉ có cuộc sống chung với Sơn và Tịnh lại hay làm tôi khó chịu. Tịnh tỏ ra làm việc rất hay nhưng càng ngày càng trở nên lừng khừng. Suốt ngày Tịnh nói chuyện vợ con và quanh quẩn chế tạo các kiểu điếu hút thuốc lào tạm thời. Anh đọc rất nhiều sách thuốc đông tây và một số sách nói về các thuật cầu cơ, thôi miên, luyện phép chịu đựng v.v..., rồi anh phổ biến những điều anh hiểu biết cho chúng tôi. Anh bắt chúng tôi kê giường theo đúng chiều đi của "tia vũ trụ", bữa ăn nên tiêu thụ nhiều rau "cải soong" để có nhiều chất bổ. Tịnh ham đánh cờ và mỗi khi thắng hay thua một trận hơi đặc biệt là anh kể đi kể lại, bắt chúng tôi nghe mãi. Trong những buổi họp thường lệ của nhà trường Tịnh càng trình bày nhiều cử chỉ lạ lùng. Anh kéo một chiếc ghế ra ngồi xa mọi người, khoanh tay chăm chú nghe được chừng năm phút rồi bắt đầu xoa cằm nhổ râu hoặc cắt móng tay lách tách. Đôi khi anh lừng lững đi lên bàn chủ tọa lấy một chiếc đinh ghim (kim gút) rồi dùng đầu nhọn xỉa răng và đầu kia để ngoáy tai.

Sơn cẩn thận và tỉnh táo hơn Tịnh nhưng cách đối xử lại có nhiều điểm khó thương hơn. Hắn ghét sự chung đụng và bảo vệ những cái gì của hắn một cách triệt để. Một sự dùng nhầm đồ đạc cũng khiến hắn tỏ vẻ khó chịu. Buổi tối hắn hay đi một mình đến quán uống nước mặc dầu chẳng bao giờ hắn từ chối lời mời của tôi và Tịnh trong những ngày chúng tôi mới lĩnh lương, cao hứng muốn ăn nhậu.

Một lần, đáng lẽ đi theo Tịnh xem mấy ván cờ, tôi lại bỏ về ngang vì cảm thấy hơi nhức đầu. Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã nhìn thấy Sơn ngồi xổm trên giường trước một cái mẹt nhỏ đựng năm sáu quả trứng, rau và muối tiêu. Thấy tôi, Sơn lúng túng quệt miệng, nhưng tôi còn lúng túng hơn hắn nhiều. Tôi cười vui và hỏi to:

- Không đi chơi đâu hả?

Một cánh tay Sơn giơ lên, lưỡng lự, hắn ngồi bệt xuống giường hai mắt mở to chào đón. Hắn liếm môi rồi chỉ vào mấy quả trứng mời:

- Nhậu chơi vài trái, bồ.

Tại sao hắn lại lúng túng đến thế, để rồi tôi mang mãi trong lòng một hình ảnh thiểu não về hắn? Cái cảnh ấy có một vẻ gì vụng trộm khổ sở quá, nó khiến tôi vừa buồn rầu vừa sợ hãi. Tôi cảm thấy bị hạ thấp xuống một cách đáng chán, tôi tưởng như Sơn là một hình ảnh xấu xí của tôi trong gương.

Và cứ thế, hai anh bạn này thỉnh thoảng lại trình bày một cử chỉ làm cho lòng tin tưởng của tôi sa sút dần.

Một nhận xét của các bậc đàn anh đi làm trước khá đúng trong trường hợp của tôi. Ở tỉnh nhỏ thiếu các trò giải trí, nếu ta không tìm được nguồn vui ở bạn bè thì chỉ còn thú đọc sách nếu đọc sách mà không hết thời gian nhàn rỗi thì ta sẽ đâm ra thèm lấy vợ.

Thiếu sự săn sóc chiều chuộng của gia đình, thiếu bầu không khí ồn ào, vui tươi của những người thân thuộc tôi bỗng mơ tưởng đến đôi cánh tay mềm mại, dịu dàng của một cô gái. Trong sự mơ tưởng đó đã có nhiều ý nghĩ nao nức, thiết tha thực sự nó thúc đẩy lòng ham phiêu lưu của một gã con trai trước thế giới phong phú của ái tình.

Sao, cô giáo trẻ đẹp độc nhất ở đây lại có đôi bàn tay mềm mại dịu dàng đó. Da nàng thật là trắng lại càng trắng thêm dưới đôi mắt phải nhìn quá nhiều những đứa học trò đen đủi của tôi.

Mỗi khi nghe ai nói, nàng có cặp mắt nhìn bâng khuâng và môi dưới nhè nhẹ bậm môi trên như đang ngậm một nụ cười mỉm. Khuôn mặt nàng lúc đó vừa có vẻ khiêm tốn lại vừa tinh quái một cách kín đáo. Tôi thích những nét biến chuyển mong manh trên mặt nàng.

Sao phải phụ trách một lớp năm tương  đương với lớp mẫu giáo. Lũ học trò bé nhỏ, ngộ nghĩnh và dễ thương như cô giáo. Sao có cái roi lớn treo ở đầu bảng nhưng lại chưa hề đánh học trò cái nào. Vì thế mỗi khi nàng ra đường thường có tiếng trẻ nhỏ reo to:

- Tụi bay ơi, cô giáo tao kìa.

Có đứa túm lấy vạt áo cô mà toét miệng cười. Thỉnh thoảng Sao lại than với tôi:

- Khiếp! Lũ học trò nghịch ngợm quá.

Tôi an ủi nàng:

- Lo làm quái gì. Rồi chúng cũng nên người cả. Mai sau lại có khối đứa làm quan làm tướng đấy mà.

Nhưng có lẽ tất cả sự duyên dáng đáng yêu của nàng được thể hiện trong giọng nói, một  giọng nói mềm, trong và thiết tha đặc biệt của những cô gái miền Bắc khi các nàng đang thủ thỉ nhắc lại một kỷ niệm về một mùa thu buồn xa xôi nào đó.

Những buổi tối có trăng Hoan, Sao và ông giáo già thường đến nói chuyện với chúng tôi. Sao thích ngồi trong ánh trăng và quay lưng về phía cánh rừng nổi gió ào ào. Giọng nói của nàng  thường bắt tôi nhớ đến những con đường quê dài thơm, những quán ngói đứng bơ vơ giữa cánh đồng lúa và những bông hoa gạo đỏ ối có mùi hương nồng nàn rơi nằm rải rác trên mặt đường hoặc bám chênh vênh ở những cành cây cao như sắp chạm vào bầu trời xanh, rộng rãi đến bâng khuâng. Có khi đó là hình ảnh một con cò trắng đứng ủ rũ giữa một cánh đồng chan hòa nắng trưa, hay một đàn chim nhỏ bay mãi về phía ngọn núi xanh xa tắp trong cái lạnh gây gây của một buổi chiều đầy sương thu và những cảm giác buồn hoang mang.

Lúc đầu tôi tưởng tôi muốn gặp Sao luôn chỉ vì giọng nói của nàng.

*

Ông hiệu trưởng báo tin cho chúng tôi biết có một nhân viên mới sắp về. Nhưng ông nói thêm rằng chắc anh ta là người tính tình khó khăn nóng nảy bất thường. Anh ta đã cãi nhau với hiệu trưởng và bị đổi về đây hẳn vì lý do ấy.

Vì thế chúng tôi, tuy vui mừng sắp được thêm một kẻ chia bớt gánh nặng, vẫn đón Nhiên với những cử chỉ thân mật dè dặt.

Nhiên đến với chúng tôi bằng một dáng đi đặc biệt, nó như đã mệt mỏi vì đường dài. Nét mặt anh ta bình thản, trầm tĩnh khác hẳn với bộ mặt hấp tấp, nóng nẩy mà tôi tưởng sẽ gặp. Một tay xách chiếc va li, một tay khoác áo mưa, và khi lên thang tự nhiên anh ta chiếm được cảm tình của tôi ngay. Trong mỗi cử chỉ Nhiên đều giữ một thái độ lịch sự vừa phải và hình như anh ta không thích dùng nụ cười của mình để khiến mọi người hài lòng.

Thêm một người cư trú căn phòng của chúng tôi hẹp lại và những mảnh đất nhỏ bắt đầu trở nên quí giá đối với những người như Sơn. Sơn thu đồ đạc lại một cách khó khăn. Hắn ngắm khoảnh đất của tôi, của Tịnh để so sánh. Nhiên nhận ra điều đó, nói ngay:

- Thêm mình thì căn phòng này có vẻ chật đấy nhỉ.

Câu nói đó làm cho khuôn mặt Sơn sáng sủa lại một chút.

Trong va li của Nhiên có nhiều thứ lặt vặt quá khiến tôi ngạc nhiên. Từ viên thuốc đau bụng, lọ dầu, chai cồn 90º đến một cuộn chỉ và mấy cái kim anh ta đều có đủ. Một người thích ôm đồm, quen với sự vướng víu vợ con như Tịnh cũng không có một cái va li đầy đặn, cẩn thận đến thế. Tôi hỏi:

- Anh sợ ở đây không có thợ may hay sao?

Nhiên vuốt tóc, cầm cuộn chỉ lên nhìn rồi cười:

- Mình đã sống độc thân tám, chín năm nay rồi. Nhiều khi phải tự vá lấy quần áo. Có những lúc không nhờ và cũng không thuê ai được. Đâm ra phải cẩn thận.

Chúng tôi hỏi về vụ Nhiên cãi nhau với ông hiệu trưởng trước của anh ta, Nhiên kể:

- Chuyện cũng chẳng có gì, mình thì nóng tính và lão ấy thì đần.

Những ngày đầu Nhiên ít nói, có vẻ lạnh lùng kín đáo. Buổi chiều anh ta hay ngồi ngả người trên một chiếc ghế kê ở khoảng hiên đầu trường. Anh ta gác hai chân lên thành lan can gỗ và đọc sách cho đến lúc bóng tối đến và đàn muỗi vo ve bay trên đầu anh ta.

Trong những đêm trăng, chúng tôi tụ họp ở sân trường nói chuyện - vì có phái nữ nên câu chuyện chỉ gồm các đề tài tranh luận về nhân tình thế thái, hoặc vui hơn là mục kể các tật lẩm cẩm của ông hiệu trưởng già - Nhiên cũng góp mặt, nhưng chỉ ngồi yên nghe người khác nói. Cô giáo Hoan thường mang đến những gói thức ăn lặt vặt như kẹo, lạc rang, và cuộc họp mặt chỉ chấm dứt khi chúng tôi không còn cái gì để nhai nữa.

Tôi đinh ninh là Nhiên còn buồn rầu vì chưa quen với chỗ ở mới. Lúc trước, đã có lần tôi nẩy ra cái ý muốn bỏ việc về đô thành kiếm nghề khác vì quá chán nản.

Một lần tôi hỏi:

- Nhớ nhà hả?

Nhiên trả lời:

- Nhớ nhà nào? Làm gì có nhà mà nhớ?

- Sao lúc nào mặt mũi cũng rầu rầu thế?

Nhiên mỉm cười, tôi chịu không hiểu câu trả lời trong nụ cười mỉm ấy. Nó vừa có vẻ nói rằng Nhiên không hề buồn rầu, nó lại vừa tố cáo rằng cuộc đời anh ta chẳng có gì đáng gọi là vui cả. Trong cách ngước mắt nhìn, trong cử chỉ vuốt nhẹ mái tóc trước khi mỉm cười, Nhiên có vẻ một người thường bị những ý nghĩ thầm kín làm băn khoăn, chán nản.

Thế rồi, bỗng dưng một buổi chiều Nhiên để lộ cho tôi thấy một phần cá tính đặc biệt của anh ta.

Lúc ấy đã gần cuối buổi học, Nhiên bỏ lớp sang đứng ở cửa lớp tôi, nhìn quanh rồi nói:

- Bên này cũng tối tăm quá. Phòng tôi những đứa ngồi bàn cuối không còn trông thấy chữ trên bảng nữa mới phiền chứ.

Quả thực, hồi này trời chóng tối. Sau khi mặt trời lặn được một lúc, có nhiều cơn gió lớn thổi đến, lạnh gai người. Rừng cây nổi những tiếng ào ào buồn nản. Nhất là những hôm trời đổ mưa lớn. Gió mưa bao kín trường. Những tấm ván kêu than như sắp phải lìa nhau. Các cửa sổ đều phải đóng kín. Và ông thầy chỉ còn biết ngồi chờ cho hết giờ, trong khi lũ trẻ lợi dụng bóng tối và mượn cớ tránh mưa ngồi túm lại nói chuyện, cười đùa khúc khích. Ông hiệu trưởng cũng biết rõ tình trạng này nhưng ông cho rằng dù sao như thế vẫn còn khả quan hơn "ngày xưa". Trong những ngày trước đây đã có lần một khoảng mái tranh, rộng bằng chiếc chiếu, của nhà trường thình lình bị mưa to làm sập xuống giữa buổi học khiến thầy trò hoảng sợ chạy như đàn vịt.

Tôi bảo Nhiên:

- Điều kiện ánh sáng như thế này thì nhất định là phản khoa sư phạm rồi. Lũ học trò tôi đêm nào cũng xách đèn ra ruộng bắt ếch, mắt chúng tinh như mắt cú, thế mà nhiều đứa không chép bài nổi, lúc cuối giờ.

Nhiên có vẻ băn khoăn, lo lắng về vấn đề này thật sự. Anh ta dang tay chống lên hai bên khung cửa và thở dài, nhìn xuống đất.

Ngày hôm sau, buổi họp thường lệ của nhân viên nhà trường bắt đầu mất hẳn không khí tẻ nhạt.

Mọi lần, chúng tôi chẳng có gì để bàn luận. Ông hiệu trưởng nói và nghe một mình. Câu nói hấp dẫn nhất của ông là : "buổi họp đến đây bế mạc". Tịnh cho đó là một giờ ngoáy tai và cắt móng tay lý thú nhất. Tôi ngồi ngắm Sao và Sơn thì lim dim mắt, chẳng hiểu thức hay ngủ. Các đề tai phần nhiều vu vơ, không liên can gì đến trường chúng tôi. Có khi cả tháng chúng tôi phải bàn luận về vấn đề trông coi học sinh cho chúng khỏi bị xe cán. Nhưng, thực ra, ở nơi này, nếu có một kẻ chán đời muốn tự tử bằng xe hơi, hắn phải đi bộ nửa cây số và ngồi chờ xe còn mệt.

Buổi họp hôm đó, Nhiên bỗng trình bày một mạch về những điều thiếu sót có thể sửa đổi được của nhà trường, rồi anh ta đề nghị:

- Chúng ta nên lui giờ học lại sớm hơn nửa tiếng.

Ông hiệu trưởng bỏ cặp kính trắng xuống. Ông ngồi im nhìn hết người nọ đến người kia, có vẻ ngạc nhiên. Hình như những ý nghĩ của Nhiên làm tổn thương đến niềm tự hào của ông về nhà trường. Ông nói:

- Tôi tưởng mình có thể tùy theo hoàn cảnh địa phương mà đặt thời dụng biểu. Nhất là hồi này buổi sáng, mặt trời mọc sớm.

Ông hiệu trưởng ngập ngừng rồi hỏi:

- Anh chị em nghĩ sao?

Sơn tỉnh táo lại. Tịnh ngước mắt nhìn. Một vài cánh tay giơ lên. Cuối cùng thì ai cũng đồng ý với Nhiên. Điều đó khiến ông hiệu trưởng có vẻ buồn, mặt ông xịu lại.

Giờ học được đổi lại. Một vài phụ huynh học sinh thắc mắc, đến văn phòng hỏi. Ông hiệu trưởng cho gọi Nhiên, kẻ đã đẩy ông vào cuộc phiêu lưu này, đến giải thích. Ông muốn cho Nhiên thấy rõ kết quả sáng kiến của anh ta. Cái lối chống đối các sáng kiến của ông hiệu trưởng xem ra không có ảnh hưởng đến các quyết định của Nhiên.

Trong buổi họp sau, anh ta nói về cái cây trồng trước cửa lớp anh ta. Cây thấp, mục, lại có quá nhiều tổ kiến. Những hôm trời nổi gió to, kiến bay vào lớp, đậu trên đầu trên cổ học sinh. Chúng la hét chạy tứ tung, mất hết trật tự. Thế rồi, ông hiệu trưởng lại uể oải làm vừa lòng anh ta, đánh ngã cây xuống.

Nhưng cái ý nghĩ táo bạo nhất của Nhiên có lẽ là: sửa lại sân trường. Sân trường quá thấp, sau mỗi trận mưa biến thành một vũng nước khổng lồ. Lớp học cao nên không việc gì. Nhưng lũ học trò mỗi đứa có hai bàn chân tải bùn vào lớp. Sàn lớp nhầy nhụa, bẩn thỉu. Chàng lao công được dịp càu nhàu suốt ngày. Học trò thiếu đất chơi đùa nẩy sinh ra lắm sáng kiến tai quái. Thầy cô chỉ sơ ý một chút là chúng té nước vào người nhau. Rồi thưa gửi ầm ĩ thật bực mình.

Đầu tiên, Nhiên đề nghị học trò lớn và trích quỹ thuê thêm một số nhân công, đắp một con đường từ cổng trường vào tới chân thang dẫn lên lớp học. Như thế giải quyết được cái họa: lớp học biến thành chuồng heo. Nhưng ông hiệu trưởng tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Có lẽ đã từ lâu, ông bắt đầu nghi ngờ Nhiên muốn vượt quyền ông.

Lúc này, ông không xịu mặt, ông nhếch môi cười hơi mỉa mai:

- Không phải bây giờ có ông Nhiên đến tôi mới nghĩ đến điều đó đâu. Tôi đã lo vấn đề này từ lâu. Nhưng chẳng làm gì khác được. Trường mình nghèo. Có món tiền niên liễm thì đứa nào cũng ì ra không chịu đóng. Thúc như thúc nợ cũng chẳng ăn thua gì. Nếu được, tôi đã đắp lại cả cái sân trường rồi. Ông xem có cách nào khác không?

Giọng châm biếm của ông hiệu trưởng có nhiều tính cách thách thức. Nhiên đứng dậy, vuốt tóc. Trong mỗi cử chỉ nhỏ nhặt, anh ta có vẻ cương quyết lạ thường. Nét mặt anh ta vẫn như mệt mỏi, không hề hăm hở, hiếu thắng. Sao đột nhiên quay lại, mở to mắt nhìn anh ta, phân vân, thắc mắc. Nhiên hơi cúi đầu, vuốt nhẹ cánh tay như muốn tìm tin tưởng ở đó:

- Chúng ta có thể tổ chức một buổi ca nhạc...

Ông hiệu trưởng phì cười:

- Lũ học sinh trường này thì làm gì được?...

- Mình sẽ cố dạy chúng. Có thể nhờ một số cơ quan khác giúp nữa...

Ngửa hẳn người ra ghế, ông hiệu trưởng quay mặt nhìn ra sân như chán nản lắm:

- Dù có tổ chức được thì cũng chẳng ăn thua gì. Dân ở đây nghèo quá!

Sao góp ý kiến:

- Mình có thể chia vé ra làm hai loại: một loại trả bằng tiền dành cho những ông tai mắt. Một loại trả bằng công... đắp đất.

Mọi người phì cười. Nhưng ý nghĩ ngộ nghĩnh đó lại là một giải pháp rất hay. Nhiên nói:

- Vâng. Tôi tin rằng dân chúng ở đây không tiếc công đâu. Nhất là, công việc này lại có lợi cho con cái của họ.

Ông hiệu trưởng im lặng một chút rồi ông nhìn thẳng vào mặt Nhiên:

- Vậy thì ông lãnh nhiệm vụ tổ chức nhé.

Nhiên nhìn quanh:

- Vâng, được. Hẳn các bạn đồng nghiệp cũng sẽ giúp tôi.

Các đồng nghiệp được gọi đến xem ra vẫn có vẻ lạnh lùng. Ai cũng ngần ngại công việc khó khăn. Tịnh bảo tôi:

- Thằng Nhiên này cũng khỉ thật. Tự nhiên bày đặt để đeo gông vào cổ cả bọn.

Nếu tôi là Nhiên, tôi đã thất vọng và bỏ ý tổ chức ca nhạc ngay buổi học hôm sau. Nhiên phải đi từng lớp để "tuyển lựa tài tử". Anh ta chật vật mãi mới kiếm được mười đứa học trò có làn da trắng và mặt mũi sáng sủa. Đến lúc Nhiên dạy hát, chúng ngẩn ra và nhìn nhau cười khúc khích. Ở đây cái máy thu thanh cũng là một vật hiếm và quí. Lũ trẻ chưa được dịp làm quen với ca nhạc.

Hơn một tuần lễ, ngày nào cũng phải làm việc ngoài giờ dạy học. Nhiên chưa thể khiến lũ trẻ hát đúng nhịp một bài ca dài. Chỉ có một vở hài kịch là tạm được.

Một buổi tối, Nhiên thở dài nói với chúng tôi:

- Ít mục quá thế này thì không xuôi. Anh em có đóng kịch được không?

Tôi cười:

- Đóng cũng được. Nhưng phiền lắm. Nếu tụi mình lên sân khấu nhăn nhở pha trò thì còn dạy dỗ làm sao được.

Chúng tôi chẳng ai muốn giúp đỡ Nhiên nữa. Và chúng tôi bắt đầu chờ anh ta thất vọng, bỏ cuộc. Tịnh nói riêng với tôi:

- Mình đã phải ở cái đất này thì cốt sao cho qua ngày. Bày đặt làm gì cho mệt xác.

Tư tưởng đó làm châm ngôn của anh ta từ lâu.

Chợt, một hôm Sao cho chúng tôi xem ban vũ của nàng. Nàng cũng đã âm thầm làm việc. Lũ trẻ nhỏ dễ uốn nắn. Nàng dạy chúng những điệu múa nhịp nhàng. Chúng múa thật hay. Nét mặt đứa nào cũng ngây thơ, ngộ nghĩnh. Tiếng hát của chúng ríu rít như tiếng chim. Thế là, tự nhiên cả bọn bị khích động, hăng hái một cách bất ngờ.

Hôm sau, Sơn khám phá ra hai quái kiệt trong lớp hắn. Một đứa có tài nhào lộn. Còn một đứa có tài bắt chước tiếng hổ gầm, chim kêu, gà gáy. Đứa sau có nét mặt ngô nghê, tóc lởm chởm, lại cao lỏng khỏng nó sẽ chọc cười khán giả thật dễ dàng. 

Tịnh bắt đầu lạnh nhạt với các kiểu điếu hút thuốc lào. Anh cắm đầu đọc mấy quyển sách dạy ảo thuật rồi tập luyện và chế tạo dụng cụ. 

Tôi đề nghị với Nhiên:

- Chúng mình không đóng kịch để khỏi mất uy tín với học sinh. Nhưng chúng mình có thể đồng ca được. Ta nên dành tất cả các vở kịch cho học trò.

Ông hiệu trưởng chịu khó đi hỏi ý kiến các vị tai mắt trong vùng. Còn phụ huynh học sinh thì họ đã biết rõ tất cả những cuộc sửa soạn vĩ đại ở nhà trường. Lũ học trò về nhà kể từng chi tiết. Tuy nhiên, họ chưa rõ mục đích của chúng tôi. Một số lại đinh ninh là nhà trường sắp sửa phải đón một nhân vật quan trọng nào.

Điều bất ngờ thú vị nhất là, trước hôm trình diễn, một số người ở gần trường đến xin giúp một tay trong công việc dựng sân khấu. Để đỡ tốn gỗ, chúng tôi phá một đoạn rào gỗ bao quanh hành lang. Nối thêm ít tấm ván là có một sân khấu vuông vắn. Sân khấu lộ thiên vì không có vải che nhưng vẫn có màn kéo tử tế. Hai bên cánh gà có treo hai cái đèn măng-sông.

Khoảng đất dành cho khán giả hơi mềm và ẩm ướt. Anh lao công phải huy động cả vợ con gánh đất rải lên những vũng bùn. Một số học sinh lớn được nghỉ học để trợ lực. Những phụ huynh học sinh đi qua cổng trường đều ngừng lại nhìn vào. Họ hân hoan như đang xem học sinh sửa soạn một đại hội. Sự nhộn nhịp của nhà trường hầu như lan ra khắp vùng.

Ông hiệu trưởng lên quận mượn được một ít nhạc cụ. Và chi thông tin có hứa cho mấy tài tử đến giúp vui, chúng tôi chỉ phải lo chỗ ngủ và đừng để họ nhịn đói.

Đem được một ít kèn trống về, ông cho vào tủ khóa tịt lại. Chúng tôi đòi lấy ra tập dượt thì ông cứ ngẩn ngơ, chỉ sợ chúng tôi làm hỏng kèn trống. Như thế ông sẽ phải đền hoặc từ giã vợ con đi ở tù. Chúng tôi vừa điều đình vừa thề sống, thề chết ông mới chịu mở tủ...

Đúng ngày trọng đại, một số nữ khán giả bồng con đến đi quanh quẩn trong sân trường từ buổi chiều. Nhiều người vạch màn ra ngó vào cái sân khấu trống.

Còn hơn hai giờ nữa mới khai mạc, khán giả đã lục đục kéo đến. Một số vị "tai mắt" trong vùng ăn mặc thật chững chạc. Người nào cũng mặc áo dài và tay phe phẩy cái quạt. Vẻ trịnh trọng của họ khiến mình phải cảm động. Họ ngồi xuống những cái ghế thấp. Và những người nặng cân thì lại thấy cái ghế của mình càng lúc càng thấp hơn.

Cô giáo Hoan cắt cho các học sinh giữ trật tự mỗi em một cái băng đỏ đeo ở cánh tay. Các nhân viên này biết chào hỏi rất lễ phép. Chỉ có vài chú nóng tính định dùng đấm đá để giải quyết với đám khán giả lỏi tì nên suýt gây hỗn độn trước lúc khai mạc.

Khán giả đứng ngồi chật ních cả sân trường.

Trong đời tôi chưa có lần nào tôi được thấy một buổi hát mà khán giả với tài tử lại thương yêu, dành cho nhau nhiều thiện cảm đến thế. Các mục được sắp đặt thật lộn xộn, ấy thế mà khán giả cứ thi nhau reo hò.

Thằng nhỏ biết bắt chước tiếng hổ, tiếng gà vừa bước ra là mọi người đã bật cười rồi. Nó đứng ngẩn ra rồi ấp úng:

- "Kính thưa... kính thưa..."

Bó quên béng mất hai tiếng "quí vị". Không văn hoa gì cả nó nói luôn:

- "Đây là tiếng hổ gầm!"

Và nó khom người, đặt hai tay lên miệng gầm một hồi. Nó cảm động quá nên tiếng gầm cũng chẳng giống cho lắm. Nhưng khán giả vẫn suýt soa khen ngợi.

Màn ảo thuật của Tịnh cũng thành công hoàn toàn. Anh biểu diễn trò nuốt dao, biến hóa trứng thành con gà, hóa giấy báo ra tiền v.v... Có một điều đáng tiếc là trò hấp dẫn nhất: lấy chim bồ câu trong khăn mặt ra, bị hủy bỏ. Mấy hôm trước chúng tôi góp tiền mua cho Tịnh 4 con chim để biểu diễn. Nhưng rồi cao hứng, chúng tôi lại thịt chim nấu cháo ăn dần hết.

Khi các thầy, cô trình bày một bản đồng ca, khán giả nhỏ reo hò hoan nghênh hăng hơn cả. Chúng nó gò người xuống, nhấp nhổm trên ghế nghiến răng vỗ tay như điên, như dại. Tôi nhìn bốn năm cậu học trò của tôi cứ há mồm hết cỡ để gào lên ca ngợi thầy nó.

Nhưng những màn hài kịch, những màn vũ mới thực là tuyệt diệu. Lũ nhỏ mặc váy kết bằng lá, đi thành hai hàng nhảy múa đã làm cho khán giả hoàn toàn ngẩn ngơ. Dưới ánh đèn măng-sông, nét mặt họ như dừng lại trong một niềm vui tuyệt vời. Các ông già ngồi hàng ghế "danh dự" ngừng quạt. Nhiều bà mẹ chỉ tay về phía con mình trên sân khấu rồi vội vàng cúi đầu cười. Hình như sự kiêu hãnh quá đáng đã làm các bà phải ngượng ngùng. Lũ trẻ cứ thản nhiên múa, hát. Ánh sáng làm cho chúng xinh đẹp, ngộ nghĩnh như những đứa bé trong tranh. Khán giả không ngờ rằng con cháu họ lại có tài đến thế. Khi màn đóng lại, họ còn ngơ ngẩn. Nhưng không ai biết hô "bis". Mặc dầu, nét mặt họ đã chứng tỏ họ muốn xem tài con họ năm lần, mười lần nữa.

Một vị phụ huynh không nén nổi sung sướng đã len ngay vào "hậu trường". Khán giả bồng ngay tài tử tí hon đặt lên vai mình và công kênh ra ngoài. Ông ta nhìn mọi người và cười mãi. Sự hân hoan đến với họ thật bất ngờ. Chúng tôi cũng không ngờ đến sự thành công ấy.

Cuộc vui phải tan sớm vì càng về khuya lũ châu chấu, cào cào, thiêu thân bay đến bu quanh mấy cái đèn càng nhiều. Chúng rơi lên đầu tóc quần áo khán giả làm cản trở cuộc trình diễn. Mấy bài ca bớt hay vì chẳng tài tử nào dám há to mồm.

Lúc bế mạc, khán giả vẫn quanh quẩn bên sân khấu. Cái hộp gỗ đựng tiền vé "tùy nhân tâm" cũng được cả các vị không thuộc hàng ghế danh dự chiếu cố đến. Vài ông già ở lại, vào phòng chúng tôi để nói chuyện với nhân viên nhà trường.

Nhiên và ông hiệu trưởng ngồi chính giữa, nhận những lời khen ngợi. Tóc Nhiên hơi xõa xuống. Chiếc cà vạt hơi lệch. Sự mệt mỏi của anh ta thật đẹp và hùng. Anh ta hoàn toàn chinh phục được cảm tình của mọi người. Trong số những người vây quanh Nhiên có cả Sao. Nàng cười tươi quá! Nàng ngồi trên ghế, khoanh tay một cách nghiêm trang. Nhưng đôi mắt nàng thì phản lại vẻ hiền lành ấy.

Với cái nhìn gắn chặt vào từng cử chỉ của Nhiên, Sao cứ hướng mãi về phía hắn, thiết tha, ngơ ngẩn. Nàng giống như một trái bóng nhẹ vừa tuột dây bay vội vào trong lòng trời xanh...

Tôi biết rằng từ lúc ấy tôi mất hẳn Sao. Tôi cần đôi cánh tay mềm dịu săn sóc của nàng. Nhưng nàng cần bàn tay ưa phá phách, xây dựng của Nhiên. Nhiên biết thích những điều anh ta phải làm.

Cũng may tôi chưa nói về tình yêu của tôi cho Sao nghe. Con trai không sợ đói khát, đau đớn, nghèo khổ. Nhưng con trai rất sợ hèn và thua kém.
 
Chỉ có một điều cay đắng là, nếu có thể coi Nhiên như tình địch, anh ta là một kẻ tình địch hoàn toàn chiếm được lòng cảm phục của đối thủ.


LÊ TẤT ĐIỀU       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét