Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

BÓNG MÁT - Phạm Ngủ Yên

 

Những ngày tháng học trò của tôi không có gì đáng nói. Bởi vì nếu nói ra chỉ thêm xấu hổ khi tôi bị bắt buộc phải rời khỏi lớp học ngay giữa năm học đệ tứ. Nhưng tiếc thay ngày đó tôi không hề xấu hổ và không coi đó là một tai nạn lớn của đời mình. Mùa hạ là mùa tương đôi tôi yêu mến nhứt bởi vì tôi được nghỉ suốt ba tháng không phải đi học - dù mùa hạ ở cao nguyên không làm gì tìm ra được một cánh hoa phượng - chỉ có mưa và ngày tháng lạnh chết người. Và chỉ có một người nữa yêu thích mùa hạ không có hoa phượng đó của tôi : Hà Huệ.

Đó là người con gái nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng lại học cùng lớp (một điều thật tai hại nếu thỉnh thoảng tôi bắt nàng phải nghe lời tôi - mà chắc chắn là không bao giờ nàng nghe lời). Và điều tai hại nữa là dù mới mười bốn tuổi, Hà Huệ đã chứng tỏ là nàng cao hơn tôi nếu nàng chịu mang giầy cao gót. Nhiều lúc đi bên cạnh nàng tôi mắc cỡ muốn chết. Tên nàng là Hà thị Huệ (sao lại là Hà nhỉ?) Và tôi gọi tắt là Hà Huệ đúng với đường lối thích gọn gàng của nàng. Có lần tôi nói:

- Tên bồ nghe có vẻ Hồ Quảng quá.

Tức thì nàng hất mặt lên và kênh:

- Yêu cầu ăn nói đứng đắn, đừng xuyên tạc.

Sự phản ứng của tôi phải nói là quá chậm, mặc dù trên địa hạt thể thao tôi là cây vợt gỗ xếp sòng của trường. Khi tôi còn đang suy nghĩ để nói những câu khác đầy tính chất chê bai cái họ của nàng thì Hà Huệ đã lái câu chuyện sang chiều hướng khác. Cho đến ngày tôi rời khỏi trường và đi lính tôi vẫn chưa chắc chắn được rằng nàng có phải Tàu lai không. Nhưng hề gì, giữa tôi và nàng có nhiều điều để thông cảm nhau trước khi có những điểm lỉnh kỉnh khác để gây gổ nhau. Vả lại, nàng đâu phải đứa con gái duy nhất tôi thích ở đây. Như hôm tôi được loan báo giữa sân cờ và mấy ngàn học sinh khác rằng nhà trường rất tiếc đã không nhận dạy dỗ cho tôi đến hết niên học, tôi được mời lên văn phòng hiệu trưởng để hợp thức hóa tình trạng rời khỏi học đường vì lý do kỷ luật. Tôi cũng rất tiếc là mình đã không tỏ vẻ buồn rầu tí nào trong trường hợp này, trái lại còn tỏ ra khoái chí nữa là khác. Ông hiệu trưởng già nua trước tuổi với cặp kính cận muốn chiếm gần hết khuôn mặt rất thường hay giơ tay lên trời những khi ông cảm thấy bất lực. Tôi còn nhớ là ông rất nhiều lần giơ tay lên trong buổi sáng đó. Sau lưng ông là khung cửa được mở ra bên ngoài, nhìn xuống khu vườn trồng đầy hoa. Tôi đứng lặng yên, nghĩ đến khoảng cách từ phòng ông đến khu vườn mà không biết cách nào hái cho Hà Huệ những cánh hoa ngoài đó mà không bị phát giác. Đôi lần tôi phàn nàn với người gác dan già của trường là những cây hoa kia đáng lẽ nên được trồng ở một nơi nào đó, ít ra không phải là phía sau của căn phòng ông hiệu trưởng già nua không hề thưởng thức được những cành lá mềm mại và những cánh mỏng êm đềm. Cũng như không hề biết xót xa khi ở trong này chợt nghe một vài cơn mưa đổ xuống. Vườn hoa đẹp làm tôi thương nhớ một thời gian, sau nay khi phải bỏ đi, tôi nghĩ mình mất rất nhiều thứ, trong đó có nó. Tôi ước ao được làm cánh bướm bay phiêu du trong những ngày tháng mỏng và không lâu bền. Vì cánh bướm nào cũng vui và cũng vô tư hết sức.

Buổi chiều hôm đó thật tuyệt diệu nếu Hà Huệ không bắt tôi chờ đợi quá lâu. Con nhỏ lúc nào cũng tỏ vẻ muốn chơi gác tôi. Nhưng dù sao mấy cành hoa tôi sắp sửa cho nàng cùng nỗi vui được làm người lớn khiến tôi có thể chịu đựng được. Nhưng khi thấy chiếc áo len xanh của nàng hiện ra giữa vòm cây cùng chiếc khăn quàng quấn ngang cổ nàng có vẻ thật ấm áp trong khi tôi chỉ có một chiếc áo phong phanh và chân thì mang dép, tôi bỗng giận dữ:

- Tại sao lúc nào bồ cũng bắt tôi phải đợi? Làm bộ vừa chứ?

- Tôi ra đây để bồ sỉ vả phải không? - Nàng cười. Nàng luôn luôn có nụ cười mà ai nhìn thấy cũng không thể giận được, nhất là tôi.

- Bồ ở trong đó ấm áp nên cứ tưởng tôi đứng ngoài này dễ chịu lắm chắc? Lạnh chết được. (Tôi giơ mấy cành hồng Brigite lên trước mặt nàng) Tặng bồ mấy cành đẹp nhất ở vườn ông hiệu trưởng, và lưu ý với bồ là khi tôi đi khỏi đây rồi sẽ không có ma nào dám hái cho bồ đâu.

- Ở đó mà lối. Thiếu gì đứa hái cho tôi. Vả lại chưa chắc là chỉ có vườn ông hiệu trưởng là có hoa.

Tôi biết nàng nói dóc. Làm gì có đứa nào hái hoa tặng nàng. Nhưng tôi vẫn thấy tức trong bụng. Chúng tôi không nói gì thật lâu trên khoảng đường đi xuống nhà thờ. Buổi chiều có vẻ như xuống quá chậm. Có mấy người mặc áo khoác ngoài đi vội vã ngược về phía chúng tôi, cố cho kịp giờ lễ chiều. Trời lạnh. Tôi chợt thấy mình thấp hơn Hà Huệ rõ ràng.

- Ê hôm nay bồ có ghé vô nhà thờ không?

Vừa nói tôi vừa lóng cóng tìm bao thuốc, nhưng không còn điếu nào cả, vừa có ý nghĩ muốn nắm thử bàn tay nàng.

- Làm gì mà ghé? Tôi Tin Lành chớ không phải Thiên Chúa Giáo đâu. Sao bồ cứ quên hoài vậy?

- Ai biết. Cứ tưởng hai bên đều giống nhau.

- Khác.

- Nhưng cả hai đều khuyến khích mọi người nên yêu thương nhau kịch liệt.

- Vô duyên.

Đáng lý tôi không nên để Chúa gia nhập vào câu chuyện vớ vỉn này. Chỉ tại tôi thấy nhà thờ và cây thánh giá sừng sững trước mắt. Tôi không muốn nhìn con đường dẫn ra chợ. Trong túi tôi chỉ còn một ít tiền đủ để mua vài điếu thuốc lẻ, không đủ tiền để kêu hai ly kem hoặc hai chén chè ở đường Phan Đình Phùng. Tự dưng tôi thấy không thể chấp nhận được sự nghèo thiếu vô lý của mình. Nhưng tôi đã gặp được Huệ và gởi hoa cho nàng. Một buổi chiều quá đủ. Tôi tính bài tẩu:

- Nếu bồ không vào nhà thờ thì tôi vào.

Nàng bĩu môi:

- Có đạo đâu mà vào đó?

- Không cần. Suốt ngày nay tôi tội lỗi quá nhiều.

- Trong đó có chuyện ăn cắp hoa?

Tôi cười khoái trá:

- Ừ, nhưng bồ là nguyên nhân. Bồ đã cám dỗ tôi.

Và trong một vài giây, tôi cầm lấy bàn tay ở không của nàng, bóp mạnh, rồi chạy biến vào cánh cổng lớn của nhà thờ, trước khi nàng kịp phản ứng. Lần đầu tiên tôi đã tỏ ra lanh lẹ đúng lúc. Như một cây vợt nhà nghề.

*

Tôi quên nói đến một người tôi yêu mến nữa, ngang với mùa hè và Hà Huệ : Bác Nhượng, người gác dan già lâu năm nhất của trường. Bác có mặt từ những ngày trường xây xong, có lần nghe bác nói với tôi như thế, có lẽ trời sinh bác ra để làm công việc giữ gìn và coi sóc nơi mà ai cũng chịu thua sau ma quỷ. Và những đứa học trò con trai chúng tôi dù sống trong một thành phố yên tịnh bởi sương mù quanh năm nhưng không có được cái thầm lặng của đồi thưa núi trọc. Chúng tôi là những con nai nhỏ và những con báo con giữa đám con gái làm bộ hiền lành nhưng ẩn dấu nét ma mãnh của loài sóc. Và tôi là một đứa con trai xuất sắc trong bộ môn phá.

Tôi thật không thích lắm nếu phải đi thẳng từ nhà đến trường một lèo, nên đã ghé nhiều nơi không có vẻ dính líu gì đến vấn đề học hành cả. Chẳng hạn như quán cà phê, bàn billard (tôi không thích chơi billard nhưng đến để coi người lớn đánh độ - và vì tại đây có một bàn ping pong). Mỗi lần ghé lại như vậy là tôi đến trường sau giờ học. Cổng chính ra vào được đóng chặt bởi tay bác Nhượng. Tôi bỏ tất cả tập sách vào bụng áo men tường, đến một góc tương đối thấp, có dây leo thòng lọng treo thật nhiều hoa màu tím mà tôi không hề biết tên, trèo vào. Tại đây trong lần trèo thứ nhất của cuộc đời đi trễ tôi gặp bác Nhượng. Hôm đó, sau khi nhảy hẳn vào phía trong, chân vừa dẫm lên bãi cỏ êm ái, cuốn sách toán bỗng tuột hẳn ra khỏi áo, tôi cúi xuống để nhặt thì có tiếng la:

- A. Xếp nào ngon dữ. Trời đất, bây giờ loạn rồi.

Tôi ngẩng lên, cuốn sách cầm ở tay, cười cười:

- Cháu mà bác. Sao bác đóng cổng sớm quá?

- Giờ nầy mà sớm? Rồi làm sao vào lớp đây?

- Cháu vào được, chỉ cần bác đừng báo Giám thị, nghe bác.

- Không báo, để mấy cậu leo sập hết tường phải không?

Nhưng bác không bao giờ nói lại với ai cả. Tôi biết chắc như vậy. Và tôi yêu bác từ những ngày đó. Không phải bác làm lơ để chúng tôi nhảy tường vào hay nhảy tường ra, mà tôi yêu đời sống bình dị của bác. Có những việc làm mà ở một tuổi nào đó người ta mới đảm nhiệm nổi - tuổi khác không thể. Tôi cũng yêu công việc của bác làm đầy tính chất dịu dàng. Một ngày như mọi ngày, đóng cổng mở cổng, chăm sóc vườn cỏ vườn hoa. Bác làm những việc đó với sự thận trọng như thể làm cho gia đình. Sau đó bác rút về chỗ của mình, một căn nhà gạch cũ ở khu đất dùng để xây phòng thí nghiệm mai sau. Tôi nghĩ căn nhà của bác phải là căn nhà đẹp nhất của trường. Dù nó lâu đời như chủ của nó. Vì ở đó, cách một bức tường nhỏ, vào mùa hạ mưa điểm lấm tấm những đài hoa bụp trắng ngần, tôi đứng nghểnh cổ nhìn sang nhà Hà Huệ. Buổi sáng chủ nhật có sương bay phơi phới trông rõ như những hạt bụi mỏng. Tôi muốn thở khói bay thật xa qua đến tận nhà nàng. Bác Nhượng hình như nghi ngờ sự có mặt của tôi sau nhà bác (nó có vẻ tà đạo):

- Cậu nầy thật lạ. Ngày thường thì làm biếng không muốn đến lớp. Nhưng ngày nghỉ thì lại tới đều đặn. Cậu đến thăm tôi đấy chắc?

- Cháu không thăm bác thì thăm ai?

- Vậy mà tôi thấy con chó bên nhà kia hình như nó không thích cậu đến thăm tôi tí nào.

Tôi cười:

- Bác tinh thật. Nhưng này bác Nhượng ơi. Bỏ chuyện con chó hắc ám đó đi. Hôm nào cháu có tiền, nghỉ học, cháu đến mời bác uống cà phê.

- Thôi cậu. Tiền có cứ để dành mà xài. Vả lại, từ lâu tôi không có thói quen uống cà phê sáng.

- Sáng lạnh như ở đây mà bác không uống cà phê làm sao chịu nổi?

- Tôi uống trà nóng và tiếp sức bằng cái nầy - Bác chỉ cái điếu bằng tre ở bên cạnh bếp đèn dầu hỏa - Có nó đỡ lằm. Nếu cậu là người lớn thì tôi mời cậu thử ngay. Bây giờ nhứt định không được.

Tôi lắc đầu:

- Cháu chịu, cháu không thấy thích thứ nầy, dù cháu có là người lớn.

Tôi thở khói thuốc xanh trên những mạng nhện óng ánh những giọt sương của một cành ngo mọc gần đó, dù buổi sáng mặt trời lên thật cao. Trông cành ngo thật lẻ loi hết sức. Vòng khói không bám vào đâu hết và tan đi. Tôi chào bác Nhượng để về, nghĩ đến mùa bãi trường sắp đến chắc làm bác buồn bã vô cùng. Không có điều gì làm cho người ta sợ hãi bằng sự cô đơn. Ba tháng đối với bác thật chán phèo, trong khi đối với tôi thật vô cùng dễ chịu. Tôi trái ngược với bác nhiều thứ, nhưng cần gì. Miễn là tôi vẫn yêu bác là đủ.

*

Như trên tôi đã nói Hà Huệ không hẳn là người con gái tôi mến duy nhất. Dù tôi còn quá trẻ để hiểu những điều rõ rệt của tình yêu. Như một người lớn. Tôi lại không hề nghĩ đó là khởi đầu cho một tình yêu. Chỉ biết rằng nếu có thể được đi giữa những vòm cây xanh phủ kín mặt trời với người con gái nhỏ hơn tôi vài tuổi, hay lớn hơn tôi vài tuổi, thay vì ôm mấy cuốn sách đến lớp học. Tôi thích ghê gớm những đóa hoa lạ lùng và tình cờ gặp bên vệ đường và cũng ghét ghê gớm những con số vẽ đầy trên bảng đen. Đóa hoa, như thể một trong những quà tặng của đất trời. Dù trên những cành lá mỏng và yếu đuối hay trên những gai nhọn đâm chảy máu tay người. Đóa hoa nào cũng đáng yêu và chứa đầy hạnh phúc. Một lần trong đêm tối, đe dọa bởi rắn rít và chó dữ, tôi đã cố bò qua nhà hàng xóm, hái cho được mấy cành hồng tôi vừa thấy buổi chiều. Sương trên cỏ non làm ướt hai đầu gối, thấm qua lớp vải dầy thật khó chịu và gai đâm nhức mấy đầu ngón tay. Không bao giờ Hà Huệ biết những điều đó cả. Khi thấy tôi cho nàng những đóa hoa hái vội vàng đó nàng nghĩ rằng tôi hái thật dễ dàng cũng như để chọc tức tôi, nàng chê chúng thật quê mùa.

- Bồ cho nhiều quá rồi bình đâu tôi cắm đây?

- Không biết. Nếu không có bình thì trả lại đây cho tôi.

Tôi hờn giận. Tôi không ưa những đứa con gái làm điệu như con gái. Tuy nói vậy, nhưng nếu nàng đưa trả cho tôi chắc tôi buồn ghê gớm. May mà nàng không trả lại, nhưng làm bộ nhận một cách không sốt sắng.
 
- Tôi về nhé - Nàng nói - Khuya quá rồi (nàng cũng không bao giờ đeo đồng hồ để xem giờ. Đó đâu phải là lý do để cho nàng lúc nào cũng trễ hẹn đâu?) Tôi chưa học bài gì cả. Sáng mai có giờ của cô Tố Lan phải không?

- Hình như vậy. Nhưng tôi nghĩ là cô Tố Lan sẽ hát hay hơn là chia verbe.

- Chưa chắc. Bên tụi nầy không thích nghe cô ấy hát. Cô ấy có vẻ thích dạy bên bồ hơn.

Nhờ bóng tối nên Hà Huệ không thấy gương mặt nóng bừng của tôi. Tôi cảm động vài giây bên cạnh nàng. Đã sắp đến ngã rẽ về nhà nàng. Tôi sắp chia tay nhưng không thấy buồn bã lắm. Tôi nghĩ đến tiếng hát cô giáo dạy Pháp văn chúng tôi và nếu Hà Huệ không thấy thích cô Tố Loan đó là quyền của nàng. Riêng tôi thấy cô hát hay hơn bất cứ ca sĩ nào tôi nghe hồi đó. Tôi dừng lại ngồi xuống vệ đường. Hà Huệ đã bỏ đi. Những bài thơ tình tôi biết làm lẩn đầu tiên không phải để tặng Hà Huệ mà cho tiếng hát của cô giáo. Dù cô giáo không hề biết bài thơ tôi làm ra làm sao và nếu đọc được chưa chắc đã biết tác giả của nó là ai. Cô chỉ đến lớp dạy chúng tôi tám giờ trong một tuần lễ. Rồi trở về một mình. Tôi không biết trên đường về nhà cô có hát bài hát nào không? Nếu có, những lá cỏ non mọc hai bên vệ đường chắc phải có một ngày thật vui. Nghĩ đến ý nghĩ muốn được làm lá cỏ trên đoạn đường đi của cô Tố Loan, tôi thích thú cười một mình. Đêm lạnh hơn sự tưởng tượng của tôi. Tôi thấy thèm một điếu thuốc hơn bao giờ hết. Khăn choàng cổ được quấn cẩn thận. Có một đêm tôi cũng quấn khăn như thế này nhưng không thấy lạnh lắm vì ngọn lửa quá ấm áp. Sáng hôm sau có đứa bạn quả quyết là nhờ có tiếng hát của cô Tố Lan mà đêm lửa trại ấm áp thêm phần nào. Đêm đó cô hát bản Thu Vàng của Cung Tiến. Và khi tiếng hát đầu tiên vừa cất lên giữa bóng tối lặng lẽ của sương mù và ánh sáng reo vui của ngọn lửa từ mấy thân cây thông được dùng làm củi, tôi thấy thương cô giáo mình quá đỗi. Có đóa hoa nào nở dịu dàng trong hồn tôi cùng tiếng hát của cô (tôi dùng chữ dịu dàng chắc không đúng lắm, vì suốt đêm hôm đó và những đêm sau nữa tôi đã không hề ngủ sớm được). Cô đã hát một bài thật hay trong một đêm thật tuyệt vời.

*

- Bác Nhượng. Hôm nay cháu mời bác một ly cà phê. Sáng mai cháu không thèm đến trường này nữa.

Bác Nhượng đứng ở cổng định vào trong, nghe tiếng tôi bác nhìn ra:

- Cậu đó à? Đi đâu mất biệt mấy hôm rày? Như vầy là chấm dứt rồi.

- Chấm dứt cái gì bác?

- Chấm dứt chuyện leo rào và hái trộm hoa, trường này chắc buồn dữ.

- Ủa, bác biết cả chuyện đó sao bác?

- Sao không. Nghề của tôi mà.

Quán cất gần nhà giữ xe, cạnh cổng ra vào. Quán nhỏ, nhưng cà phê thì tuyệt vời. Tôi gọi một ly cà phê sữa thêm cho bác Nhượng.

- Nhất định ngày hôm nay bác phải uống. Để mừng ngày bác hết bị quấy rầy bởi cháu.

- Hết cậu rồi sẽ đến người khác. Làm sao hết được. Ngôi trường mà không có những cảnh đó thì thầm lặng quá.

Bác ngồi xuống chiếc ghế đầu, khuấy đều ly cà phê. Có một thoáng mưa qua những vòm lá trên đầu chúng tôi. Mưa mỏng gần như không có.

Có tiếng ai gọi bác bên trong sân trường. Bác vội đứng lên:

- Hình như ông hiệu trưởng cần tôi. Cậu để tôi vào một tí rồi ra. Cậu cứ uống trước đi.

Bác đứng dậy chạy nhanh vào trong. Ly cà phê của bác còn đầy. Bác chưa kịp uống tí nào. Còn lại một mình, tôi khuấy từng vòng chậm ly cà phê của tôi. Tiếng muỗng va nhẹ vào thành ly. Tôi biết bác không bao giờ trở ra để uống kịp ly cà phê của mình, sắp nguội. Tôi muốn mình bỏ đi khỏi đây, đừng bao giờ trở lại nơi này. Không cần biết cây đào ở nhà Hà Huệ sau mùa này sẽ nở hoa nhiều hay ít. Bởi có loài hoa nào nở mãi trong mùa niên thiếu của mình mà không hẹn ngày tàn rụng? Cũng như không có đóa hoa nào mọc mãi trong hồn người.

*

Chắc chắn là không bao giờ mọc mãi. Vì Hà Huệ bây giờ đã lớn. Tôi không còn nhìn thấy nàng khi đứng sau nhà bác Nhượng trong buổi sáng tôi đến trường cũ để thi. Bác Nhượng đã chết lâu lúc tôi còn vất vả ngoài quân khu một. Căn nhà của bác bây giờ làm nhà kho của trường và người lính đứng ở đó thấy nó quạnh hiu quá. Tôi không biết khu vườn của ông hiệu trưởng thêm cây hoa nào và mất cây hoa nào. Vì tôi đã bỏ cuộc ra về ngay từ giờ thi thứ nhất. Có lẽ tôi chỉ suốt đời làm một nhân chứng mà không hề dám nhập cuộc - như người gác dan già của ngôi trường miền núi mỗi năm đứng nhìn đám trẻ hân hoan đi vào cổng trường thay cho đám đàn anh buồn bã bước ra. Tôi dĩ nhiên không còn là trẻ thơ để có quyền trở vào lại nơi mà tám năm trước tôi tình nguyện bước đi. Vì mỗi bước đi gần đến cuộc đời sẽ bỏ xa bóng mát thơ ấu của mình thêm một chút. Tôi tự ý từ chối bóng mát đó, để chạy ra ngoài tìm kiếm những khoảng trời mà tôi tin rằng sẽ rực rỡ hơn - không hề biết rực rỡ quá nhiều sẽ làm mình chóng mặt. Bởi thế, tôi không buồn bao nhiêu nếu một sáng nào đó, đứng ở trước khu Hòa Bình tình cờ trông theo Hà Huệ hoặc cô Tố Lan đi những bước thật êm đềm bên chồng con. Chỉ hối tiếc bác Nhượng không chịu trở ra để uống hết ly cà phê phần bác.


PHẠM NGỦ YÊN     

(Trích từ tạp chí Văn số tháng 3-1975)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét