- Này con sóc nhỏ, sáng nay em lại không đánh răng phải không ?
Con bé ngậm cái miệng vừa mở rộng. Chàng hối hận đã làm con bé thôi cười, nụ cười của trẻ con bao giờ cũng quá đẹp. Chàng đưa hai ngón tay bóp thật mạnh vào má con bé để chọc cho nó cười, nhưng hàm răng nó cương quyết nghiến chặt lại, khuôn mặt nặng nề với những tiếng nói giận dỗi.
- Sao lại không ? Chú lúc nào cũng làm thầy bói ẩu. Sáng nay cháu đánh răng đến hai lần, một lần trước khi ăn bánh mì, một lần sau.
Chàng búng tai con bé một cái khá mạnh.
- Thôi dẹp đi, em là con nhỏ nói láo và bướng nhất thế giới. Em nói chuyện đánh răng này mấy ngàn lần rồi, tôi là con nít sao mà lừa mãi được.
Con bé im lặng. Nó ngồi bệt xuống cỏ, tay ngắt một cây cỏ đưa đưa lên miệng ngậm nát giữa kẽ răng.
Chàng lôi một cái bàn chải đánh răng từ trong túi áo, chiếc bàn chải màu xanh loại mềm và nhỏ dành cho trẻ con. Con bé miễn cưỡng cầm lấy, đôi mắt lườm chàng nhưng phút chốc lại toét miệng cười khi thấy chàng đưa cho nó một ống kem có những sọc đỏ chạy dài. “Thứ này ngon như kẹo cao su phải không ?” Con bé la lên.
-
Đừng la hét như con mẹ điên nữa. Em có biết lần này là lần thứ mấy tôi
phải đem cái đồ đánh răng này theo cho em không ? Con gái mà làm biếng
đánh răng, sún hết trông kỳ cục lắm.
Con bé không thèm để ý đến
lời chàng nói. Nó có vẻ bực dọc ra mặt, làm như một cô học trò đến tuổi
thành niên rồi mà cứ phải nghe ông giáo già giảng luân lý. Con bé lặng
thinh chạy lại phía suối để lấy nước.
Chàng nhìn theo cái bóng nhỏ nhấp nháy như một cánh bướm. Chàng ngồi xuống đất, gắn một điếu thuốc giữa kẽ môi. Chàng dùng chiếc quẹt máy hiệu Ronson màu trắng đục trày trụa thật nhiều vết va chạm. Hơi thuốc đậm ngon lành trong bầu trời lạnh dịu dàng của miền cao nguyên. Chàng như nuốt tất cả khói thuốc.
Thứ thuốc hiệu Basto bao xanh rất hiếm ở đây, chàng phải mua mỗi lúc cả một tút hai mươi lăm bao với giá khá đắt. Thị trấn Ban Mê Thuột cách xa thủ đô một ngày đường xe hơi nhưng bây giờ đường bộ không đi được, đường hàng không chỉ có một đôi lần mỗi tuần. Và thuốc lá dĩ nhiên là được đem từ thủ đô về. Ở đây không có gì ngoài những đồn điền cao su, cà phê, đồ rau trái và những con đường bùn lầy đỏ ngầu sau cơn mưa gió.
Ở nơi này chàng không quen một ai cả. Chàng không muốn quen biết hay có lẽ không một ai thích làm quen với chàng. Bọn người ngợm chung quanh thật đáng ghét. Con mẹ chủ tiệm cơm ở ngay chợ Cổng số một mà chàng là tên khách ăn “ghi sổ” trung thành nhất, lão già ba tàu bán cà phê rất nhớ mặt chàng vì những vụ ăn điểm tâm hẹn đầu tháng trả tiền, những anh chàng trạc tuổi trong xóm mà chàng phải đụng đầu luôn trong sòng bạc. Tất cả, tất cả đều trở nên chướng mắt đối với chàng. Và chàng không thể nào tìm được một lý do chính đáng để giải thích.
Chàng không có được một người bạn. Ngoại trừ con bé này, nó chừng mười tuổi, có lẽ mười một hay mười hai. Chàng không chắc chắn về số tuổi của nó cho lắm. Hình như có một lần nào đó con bé ấy đã nói cho chàng biết số tuổi của nó, nói bằng cái giọng khó chịu như muốn nhắc khéo cho chàng nhớ rằng thật là bất lịch sự khi hỏi tuổi một người đàn bà. Chàng lại mù tịt về cái tên của con bé và chàng buồn bã nghĩ rằng có lẽ không bao giờ chàng biết được tên của nó.
Nếu có thể gọi một cách khôi hài cái lúc ấy là “thuở ban đầu” thì thuở ban đầu ấy nó như thế này. Chàng vừa thua hết tiền sau một buổi chiều ngồi cong lưng trong sòng bạc. Khi chàng vừa chán nản bước ra khỏi nhà để tránh những cặp mắt khoái chí của bọn con bạc thì con bé chạy từ trong ra níu lấy áo chàng. Điều tệ hại nhất là con bé này lại là cô con gái cưng độc nhất của con mẹ chủ tiệm cầm đồ, đã cất kỷ trong tủ không biết bao nhiêu món đồ lỉnh kỉnh của chàng. Con bé dúi vào tay chàng một bao thuốc lá, hai mươi điếu ngắn ngủi ấy bây giờ rất quí giá đối với chàng. Khó mà quên cái cảnh con bé mở to mắt thú vị nhìn tay chàng hấp tấp xé vội bao thuốc châm lửa và rít mạnh làm đỏ rực nơi đầu điếu. Con bé chỉ nói: “chú thắp thuốc ngộ lắm” rồi bỏ chạy vào nhà.
Chàng cất kỹ bao thuốc trong túi áo, bước những bước chân cẩn thận trên con đường đầy những vũng nước dơ bẩn. Chàng bỗng nghe một tiếng gọi thật lớn. Con bé ở đằng sau lưng, nó cười khoe hàm răng thiếu một cái ở giữa. “Sáng mai chú đến suối Buji đánh bài với cháu nghe. Ở đây má cấm không cho đánh bài buồn quá”.
Đến đây chàng mới biết là bao thuốc lá đáng quý chàng vừa nhận được là món đồ hối lộ. Chàng gật đầu thật dại dột. Buổi sáng đầu tiên, trên khoảng đất trống ven suối Buji, chàng đã bị con bé lột sạch một trăm đồng chỉ trong vài ván cát-tê.
Rồi cái sòng bài kỳ lạ và vắng vẻ ấy tiếp diễn đều đặn đến nay đã hơn một tuần. Sáng từ chín giờ đến gần mười hai giờ. Buổi chiều đóng cửa vì con bé bận những giờ học tại trường tiểu học Công Lập của thành phố. Và những buổi chiều ấy đã trở thành một khoảng thời gian trống trải vô cùng đối với chàng.
Sáng nay chàng nhất định chấm dứt cái trò cờ bạc ấy, chàng nhủ thầm mình phải cứng rắn lắm mới được bởi vì con bé này có tài năn nỉ giỏi chưa từng thấy. Lời dọa nạt dễ sợ nhất của nó là không thèm chơi với chàng nữa, điều này có thể làm chàng chết đi được.
Điếu thuốc đã hết bị ném bay đi, tung những làn khói xám loang trên đám lá rừng. Chàng đứng dậy, tiến về phía con bé đang nhúng hai bàn chân cọ quậy trong nước suối đỏ thẫm.
- Này con sóc nhỏ, em định ngủ luôn dưới suối hả ?
Con bé quay đầu lại, nó trả thù chàng bằng cách thong thả ném chiếc bàn chải và ống kem đánh răng ra giữa lòng suối chảy xiết.
Chàng bật cười nhìn con bé đứng đối diện với chàng, miệng nó mím lại cau có như không bao giờ biết nở một nụ cười.
Chàng đã nhìn khuôn mặt con bé cả trăm lần. Kỹ càng cho đến nỗi giả thử chàng có bị thủng hai mắt, cũng có thể diễn tả được rõ ràng từng đường nét của khuôn mặt của nó, nhưng mỗi ngày chàng gần như thấy nó khác hẳn đi, và bao giờ chàng cũng nhìn vào đôi mắt bỡ ngỡ như mới nhìn lần đầu tiên. Mỗi ngày con bé hình như lột xác, tỏ bày cái vóc dáng và bộ mặt mới mẻ lạ lùng trước mặt chàng. Tóc con bé cắt ngắn, hai chùm tóc nhỏ xíu buộc bằng sợi dây cao su lủng lẳng trên đầu. Đôi mắt trong suốt của nó biến đổi mãi mãi, lúc thì rũ xuống còn một mí, tối tăm với cái vẻ đáng thương, lúc thì chói sáng như ngọn hải đăng, phản chiếu lung linh cả một bầu trời và đám lá cây rung động.
Chàng la lên: “nhe răng ra xem !” Con bé chậm rãi nhe hàm răng đã sạch sẽ phần nào hơn trước.
-
Tôi tốn quá nhiều tiền về cái vụ đánh răng của em rồi đó. Sáng mai em
mà còn làm biếng đánh răng ở nhà, tôi sẽ không còn chơi bài với em, và
cũng không bao giờ gặp mặt em nữa đâu.
Con bé hỏi với giọng lo âu.
- Thật không ? Chú không thèm gặp cháu nữa hả ?
- Thật chứ, tôi sẽ mua một vé máy bay trở về Sàigòn ngay lập tức, nếu em không chịu nghe lời tôi.
Con bé có vẻ sợ hãi thật tình. Chàng mường tượng sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt của nó, chàng cũng sợ hãi những giọt nước mắt đó vô cùng, chàng cố làm bộ mặt cứng rắn nhưng trong lòng đang run rẩy vì sợ con bé khóc. Cái tài khóc dai dẳng không biết mệt này của con bé, chàng đã có kinh nghiệm một lần, và chàng không muốn có thêm một lần nữa.
Chàng đưa tay nắm lấy cái gáy nhỏ của con bé lôi nhẹ cho nó ngồi xuống trên một tảng đá ven bờ suối.
- Này sóc nhỏ, nghe tôi nói đây. Từ bây giờ trở đi tụi mình chấm dứt cờ bạc đi, là bạn bè ai lại đi ăn thua nhau bao giờ, phải không ?
Con bé làm cái điệu bộ ra vẻ buồn rầu, nó nhìn chăm bẵm thật khó chịu vào mặt chàng.
- Chú bữa nay sao kỳ cục vậy ? không đánh bài thì biết làm gì cho vui.
- Thiếu gì, tụi mình ngồi nói chuyện chơi. Tôi sẽ kể cho em nghe nhiều chuyện ở Sàigòn, Sàigòn có nhiều chuyện vui lắm.
Chàng thấy đôi môi của môi của con bé bĩu dài ra với một độ dài kinh khủng.
- Bỏ cái Sàigòn của chú đi, ở đây có khối chuyện lạ, hay gấp mười chuyện chú. Chú có muốn nghe không ?
Chàng sung sướng lặng im, háo hức chờ đợi lời con bé với cảm giác hồi hộp hạnh phúc lạ thường, tưởng chừng như sắp sửa được một đấng Thượng đế nào đó hồi sinh ban cho những ân sủng kỳ diệu. Chàng kêu lên “kể mau đi !” nhưng con bé như chợt nghĩ đến điều gì, nó tỏ vẻ khó chịu hỏi chàng.
- Này, mà sao bữa nay chú lại gọi cháu là Sóc nhỏ ? Chú thật kỳ cục, gọi cháu lung tung cả. Khi thì Bò rừng, Lợn lòi, Cọp vằn, Tê giác, Hươu cao cổ, Cá heo, Cá sấu… rồi bây giờ là Sóc nhỏ.
Chàng cười vang khoái trá. Không khí vô hình lạnh ngắt của trời cao, mùi suối, lá già, lá non trên cây, chim chóc rủ nhau chạy ào ào vào buồng phổi.
- Còn nhiều nữa, chưa hết đâu. Mai tôi sẽ gọi em là Gấu rừng, rồi Vượn già, Thằn lằn, Dế mèn, Rắn hổ mang, Sư tử, Chim cú… cho đến khi nào em chịu cho tôi biết cái tên của em.
- Không.
Con bé mặt mày buồn so sau câu trả lời cương quyết, nó lặng lẽ di hai ngón chân có cái móng dài trên đám rêu đá. Chưa bao giờ con bé chịu nói cái tên của nó cho chàng biết. Năn nỉ, làm mặt giận, dọa nạt, đều vô ích. Chàng có thể tìm biết tên tuổi con bé bằng cách hỏi những người quen trong xóm, nhưng chàng không muốn thế. Chàng kiên nhẫn chờ đợi cặp môi mỏng và hồng như quả đào rụng thốt lên cái tên của chính nó.
- Chú hỏi làm gì ? Tên của cháu kỳ cục lắm. Nói ra chú sẽ cười và không thèm chơi với cháu nữa đâu.
- Không đâu, ai lại thèm để ý đến cái tên đẹp hay xấu, tên của tôi cũng dở ẹt đó.
Con bé cắn môi, chàng có cảm tưởng là nó sẽ khóc. Nhưng đôi mắt của nó vẫn trong suốt.
- Có một lần cháu nói tên cháu cho tụi bạn trong xóm. Tụi nó phát lên cười rồi chế nhạo cháu mãi, rồi mỗi khi gặp cháu là cái bọn mất dạy con bác Tư hớt tóc kêu ầm lên để phá cháu. Cháu thề sẽ không khi nào… Chú cũng như cái bọn dễ ghét đó thôi.
- Tôi khác chứ, tôi là bạn thân của em mà.
Con bé lắc đầu tỏ vẻ không tin tưởng “Cháu không tin, cháu sợ nhất là làm trò hề cho người khác”. Chàng nhìn cái mặt làm ra vẻ già dặn như một người lớn tuổi đã trải qua nhiều cay đắng ở đời của con bé, cái lỗ mũi hếch lên trời như hai ống khói thật ngộ nghĩnh. Từ đấy trở đi con bé không nói một tiếng, nó cũng không thèm kể những chuyện thật lạ ở Ban Mê Thuột mặc dầu chàng đã nhắc khéo vài lần.
Cuối cùng chàng đành nói vẩn vơ với nó về kỷ niệm tuổi thơ của những ngày tháng trọn vẹn ở Huế. Sông Hương, sông Bến Ngự… dài, rộng và mát dịu gấp trăm lần con suối ở đây. Những ngày nóng bức của mùa hạ nằm ngâm mình suốt cả buổi chiều trong lòng sông đầy cát, buổi chiều xách ná cao su đi lùng chim sẻ, chim sâu, chim chào mào nhảy nhót trên những tàn cây trứng cá. Buổi chiều tập vở đút trong túi tuần, say mê nhìn từng động tác lành nghề của lão già câu cá bên mé cầu Trường Tiền.
Chàng say sưa nói như người giảng đạo tìm được chú tín đồ ưng ý nhất của mình. Con bé phá lên cười khi nghe chàng kể đến đoạn chàng đá bóng ở một công viên gần chợ Bến Ngự, quả bóng da từ bàn chân chàng bay như mũi tên trúng ngay vào mông của một lão cảnh sát già rất ghét trò đá bóng; lão thổi còi và chạy rượt chàng lúc ấy chỉ là một cậu bé con mười một tuổi chạy có cờ.
Chàng dừng câu chuyện để hoàn toàn lắng nghe tiếng cười trẻ thơ trong veo như bong bóng nước .Con bé ngưng cười khi thấy chàng đang nhìn nó chăm chú, nó nói làm như một nữ chúa cướp biển.
- Sao khi không chú lại câm vậy ? Kể tiếp đi chứ.
Chàng yên lặng, lấy điếu thuốc trong bao. Con bé đưa hai tay vê tay chàng. Nó vụng về quẹt lửa bằng cả hai tay và cố đem cái khuôn mặt bé bỏng của nó để che gió. Ngọn lửa le lói bùng lên. Chàng sung sướng đưa điếu thuốc chạm vào đám lửa hồng, rồi chàng tiếp tục.
- Cũng không còn gì để kể nữa. Thuở còn nhỏ như em, vui lắm, mùa đông má tôi đan cho tôi ít nhất là ba cái áo ấm màu khác nhau… Rồi tôi lớn lên, vào Sàigòn học, ở đây chán lắm. Và tôi có một cô bồ học cùng lớp trong năm đầu tiên ở Đại Học. Cô ấy cũng đẹp tuy không bằng em được.
Chàng dừng lại như bị cả một mặt trời đỏ rực lửa rơi vào mặt. Đã hết. Không thể nào tiếp tục được nữa. Chàng đã thề không bao giờ kể cho con bé này hay bất cứ ai biết câu chuyện đó… Chàng với người con gái ngồi trong một quán ăn ở trung tâm thủ đô, bàn tay chàng nắm nhẹ tay nàng đang đặt trên bàn. Có lẽ cả hai đang xây dựng những ước mơ bằng ý nghĩ. Và một quả mìn định hướng nổ vang khủng khiếp. Chàng như bị ném vào lòng bóng tối bao la, rồi chàng tỉnh dậy, nghe người quen cho biết người con gái đã chết. Tấm thân của nàng bị xé vụn như người ta xé một tờ nhật báo. Chàng bị một mảnh sắt trúng vào gáy, và đã thoát chết một cách lạ lùng. Nhưng từ ngày ở bệnh viện ra, chàng có cảm tưởng những người quen đều nhìn chàng bằng đôi mắt khác lạ. Tên bác sĩ khốn kiếp đã nói là vết thương có ảnh hưởng đến bộ máy thần kinh của chàng. Nói trắng ra người ta nghi ngờ tâm trí chàng không được bình thường như lúc trước, và khuyên chàng nên vào dưỡng trí viện một thời gian. Cái bọn người ngợm chung quanh thật đáng ghét, chúng biến lời phỏng đoán mơ hồ của tên bác sĩ thành một sự thật rắn chắc như vách đồng. Chàng có thấy mình đổi khác gì đâu, chàng vẫn còn có những thói quen, ký ức và tình cảm thường lệ.
Chàng sẽ không bao giờ nói cho ai biết kỷ niệm khó chịu này, nhất là với con bé, nó sẽ nghĩ sao khi người bạn thân của nó bị người khác coi như khùng. Chàng liếc trộm con bé, mặt nó tự dưng tối sầm lại, cái giọng nói thật lạnh nhạt.
- Cô bồ của chú tên gì ?
- Em hỏi làm gì vậy ?
Con bé nhắc lại câu hỏi với cái giọng thật cứng rắn, gần như dọa nạt là sẽ bỏ đi. Chàng mỉm cười, nói: “cô ấy tên Châu”.
Con bé không nói gì thêm. Bàn chân của nó quậy dưới nước như cái đuôi cá làm nước suối vẩy đục hẳn lên. Chàng đã quen thuộc cái lối giận hờn, gây chuyện của nó nên cẩn thận đề phòng. Con bé nhếch mép, với dáng mỉa mai như một người đàn bà.
- Châu, cái tên hay quá. Chắc cô ấy đẹp ghê lắm hả ?
- Tôi đã nói rồi, em đẹp hơn cô ta nhiều.
- Chú nói láo.
Chàng lắc đầu. Con bé bỗng nhiên hỏi thật bất ngờ, chàng không bao giờ sửa soạn được một câu trả lời khôn khéo cho những câu hỏi ấy được.
- Chú nói thật đi, chú thương cô ấy hay thương cháu hơn ?
Chàng lóng cóng làm điếu thuốc cháy đỏ rớt xuống tay, chàng hất vội nó rơi xuống đất. Chàng cố gắng giải thích, nhưng chàng bao giờ cũng là người ăn nói rất kém, rất vụng về.
- Làm sao tôi trả lời được. Tôi thương cô ấy khác, thương… cháu khác chứ.
- Khác gì ? Chú thương ai hơn ?
Con bé giận dữ như một anh chàng cảnh sát hỏi cung tên sát nhân.
- Tôi đối với cô ấy khác em. Tôi thỉnh thoảng có thể... ôm hôn cô ấy, hay quàng vai cô ấy đi chơi giữa phố. Nói em đừng cười… tôi với cô ấy… định làm vợ chồng với nhau đó, như ba má em vậy.
- Ba cháu chết lâu rồi, chú đừng nhắc lại nữa. Còn chú đối với cháu ra sao, ghét lắm hả ?
Chàng
ấp úng, chàng lóng cóng như một anh nhát gái lần đầu tiên tỏ tình.
Nhưng chàng hài lòng vô cùng, một thứ hạnh phúc mong manh không tên nào
đó hình như đang lan đậm trong người.
- Dĩ nhiên tôi cũng thương em. Nhưng em phải khác cô ấy chứ. Thỉnh thoảng tôi cũng béo má hay xoa đầu em…
Chàng cười: “… chứ đâu có làm… cái chuyện ấy được”, con bé có vẻ xấu hổ, nó nói thật lớn có lẽ cho đỡ ngượng.
- Thôi dẹp đi. Bây giờ chú nói đi, thương cháu hay thương cô ấy hơn ?
Chàng mỉm cười dùng nấm tay đấm nhẹ vào cái mũi phồng lên khi nóng giận xem thật khôi hài của con bé.
- Em thật lắm chuyện. Bây giờ thì tôi thương em hơn chứ ?
- Còn trước kia ?
- Trước kia thì dĩ nhiên... tôi phải thương cô ấy hơn, lúc đó tôi đã quen với em đâu.
Chàng không kịp hối hận vì lời nói dại dột của chàng. Con bé đã khóc òa và đứng bật dậy, những giọt nước mắt như chờ đợi sẵn sàng đã lâu thi nhau phủ nhòe nhoẹt trên khuôn mặt. Nó vừa khóc vừa nói lẩm bẩm: “Chú thương cô ấy hơn cháu”.
Chàng hoảng hồn quàng tay trên vai nó dỗ dành nhưng con bé đã vùng mạnh ra, nó ráng hết sức ném thật mạnh cái bật lửa nãy giờ vẫn nằm trong tay nó vào ngực chàng. Chàng kêu lên một tiếng đau nhói làm con bé mở lớn con mắt nhìn chàng để xem có bị việc gì không, và khi thấy chàng vẫn mạnh khỏe như thường, con bé càng khóc lớn thêm. Chàng khổ sở không biết phải làm sao thì con bé vù chạy thật mau ra phía đường cái. Từ bờ suối đến con đường lớn, phải đi dọc theo một quãng dài mới đến Cổng số một, khu xóm mà con bé và chàng đều ở đó. Nhưng khoảng đất đang dưới chân con bé đầy những ụ đất, đá tảng và những khúc cây ngổn ngang nên chàng sợ con bé vấp ngã. Chàng chạy theo, con bé quay đầu lại vừa khóc vừa kêu lên: “ Chú về đi, không muốn gặp chú nữa .”
Chàng giật mình đứng lại, tâm hồn bị vây bủa bởi một cơn buồn bã dị thường và lớn mạnh không gì ngăn chặn được. Chàng ước ao bằng tuổi con bé để có thể khóc òa.
Con bé thấy chàng đứng lại, nó có vẻ chạy hơi chậm để chàng đuổi theo. Nhưng chàng đứng bất động, chàng nghĩ là con bé thực tình không muốn gặp chàng nữa, và chàng muốn biết thật chắc chắn điều ấy. “Sáng mai em có lại đây nữa không ? Nếu không, tôi về Sàigòn liền à”. Con bé gần như nín khóc: “Không biết, mai chú cứ đến xem sao”. Rồi hình như còn đủ trí khôn để nhận thấy câu nói lố bịch của mình, con bé dậm chân và tiếp tục khóc thật lớn, và nó chạy một mạch mất hút từ trên triền dốc cao. Đến bây giờ chàng mới chú ý cái áo màu xanh da trời và chiếc áo ấm màu nâu cổ tròn của con bé xinh xắn vô cùng.
Cao nguyên đã đến mùa đẹp nhất, mùa thu. Buổi sáng đã đến lúc đẹp nhất, mặt trời không quá chói chang, lấp lánh trên đám lá cây xanh lăn tăn như những hạt sóng biển. Nhưng chàng cảm thấy lạc lõng trong một cơn bão biển kinh dị trong đêm tối, và khuôn mặt đầy nước mắt của con bé là ngọn hải đăng thấp thoáng mù xa.
Buổi sáng hôm nay buồn bã vô cùng… Nếu chàng viết nhật ký, chàng sẽ ghi những dòng như thế. “Buổi sáng hôm nay buồn bã vô cùng”. Nhưng chàng không bao giờ viết nhật ký.
Chàng khóa cửa phòng lại cẩn thận, bọn trẻ con và có lẽ cả người lớn ở đây đều là những tên trộm chúa cả. Chàng huýt sáo một bản nhạc đã nghe cả trăm lần trong radio, chân đi những bước chim chảy. Khi chàng vừa đi ra khỏi nhà thì gặp một đôi nhân tình đang đi vào. Chàng mỉm cười chào họ, chàng quen mặt với hai người này, người đàn ông là một sĩ quan ở trại lính gần đây và cái ả đàn bà tóc quăn răng vàng là một con mẹ bán vải trong chợ, cả hai thuê căn phòng sát bên phòng chàng.
Chàng khoan khoái cho tay vào túi quần mân mê xấp giấy bạc gần mười ngàn đồng mới toanh, những tờ giấy thơm phức mới lãnh chiều qua tại ty bưu điện. Đây là số tiền mà bà chị ruột của chàng gửi cho chàng mỗi tháng, trong suốt thời gian chàng dưỡng bệnh tại Ban Mê Thuột, theo lời khuyên nhủ của bà.
Điều này có lẽ chàng cũng không bao giờ nói với ai, nhất là với con bé. Đàn ông hơn hai mươi mấy tuổi rồi mà không làm ra một đồng nào thì quả thật phải hổ thẹn.
Chàng buồn cười nghĩ đến cái buổi con bé hỏi chàng làm nghề gì mà có nhiều tiền đánh bạc vậy, chàng bịa ra chàng là một nhà văn, hiện đang viết một cuốn tiểu thuyết dài cho một tờ báo ở Sàigòn. Mỗi tháng tòa báo gởi tiền cho chàng đều đặn. Con bé thán phục nhìn chàng, và chàng không ngần ngại lòe thêm. Chàng bảo làm nhà văn hách lắm, muốn cho ai yêu nhau, ai chết ai sống, đều được hết. Con bé khoái chí, nó đòi chàng viết một câu chuyện trong đó nó phải là vai chính, phải là cô công chúa giàu sang, có cái tên thật đẹp, và mỗi sáng có người hầu đánh răng giùm. Chàng trả lời: “ tôi phải làm một bài dài một ngàn trang để tả riêng cặp mắt của em, một cuốn tiểu thuyết dài hai ngàn trang để ghi chép những lời nói của em, và một cuốn sách nghiên cứu dài năm ngàn trang về cái tật làm biếng, nói dối và hay khóc của em. Bằng lòng chưa ?”
… Chàng đi đến phố bằng chiếc xe ngựa lọc cọc kéo lê từng bước khi leo lên triền dốc ở quốc lộ. Chàng đã cho tên lái ngựa một trăm đồng với điều kiện chiếc xe chỉ chở một mình chàng thôi. Tên này bằng lòng liền, gã không ngần ngại đuổi hết những người đang ngồi đợi trên xe từ lâu. Khi chiếc xe đi qua khoảng rừng cây ở suối Buji, chàng không thể nhìn thấy được ngọn suối bởi vì những đám cây rậm che lấp. Chàng nhớ đến vụ hờn giận sáng hôm qua của con bé, nhưng chắc chắn sáng hôm nay con bé sẽ đến, nó không giận chàng lâu đâu, vả lại hôm nay chàng đang sửa soạn làm lành với nó bằng những món quà đặc biệt.
Chàng bước vào một tiệm sách ở đường Ama-Trang-Long, tìm đến kệ tủ chứa những sách truyện dành cho trẻ con. Thật khốn nạn, cái ngăn này chứa đầy những tập báo hình in nhòe nhoẹt, lời lẽ thì thật nham nhở và tục tĩu. Chàng chán ngán nhìn một lũ trẻ con đang châu đầu lựa mua những cuốn tập hình cóp nhặt sách báo ngoại quốc một cách vụng về, do mấy tên thợ vẽ mất dạy nào đó chế tạo. Cuối cùng chàng đành mua một cuốn sách mỏng, có cái bìa trắng láng vẽ hình một cậu hoàng tử mặc áo nhiều màu rất đẹp, chuyện này dịch của Exupéry và chàng đã đọc nó cách đây ít lâu.
Chàng sợ con bé sẽ không thích đọc loại sách này, và có lẽ nó cũng không thích đọc sách cho bằng cái việc lượm những chiếc lá chết thả tung trên dòng suối. Nhưng biết làm sao, chàng dốt đến nỗi không biết tìm được một món quà thích hợp cho lứa tuổi của con bé. Chàng mua thêm ở tiệm sách một cây bút máy Nhật Bản thật xinh xắn, một chiếc máy bay nhỏ làm bằng thứ gỗ nhẹ, ném món đồ chơi này lên không trung, nó sẽ bay là đà như cánh diều hâu
Cuối cùng chàng đến tiệm bán thực phẩm ở gần chợ, mua một tút thuốc cho chàng, những hộp kẹo Chocolat, kẹo hạt điều, một hộp nho khô cho con bé và khi chàng cầm lấy tiền thối lại của bà chủ tiệm, chàng nghĩ rằng tháng này phải nhịn đánh bạc, nhịn chơi cái trò thuê xe ngựa chạy vòng quanh thành phố, nhịn nhậu nhẹt với khô nai và la-de ở tiệm Ba Tàu gần nhà…
Sáng
nay, sáng nay sẽ là buổi sáng thịnh soạn nhất cho đôi bạn. Chàng sung
sướng nhìn lên bầu trời nhuộm nắng dịu dàng, mừng rỡ vô cùng nhìn thấy
một cánh chim trắng bay qua nhanh.
Đồng hồ tay chỉ đúng 10 giờ.
Chàng ngồi nôn nóng dưới một gốc cây rừng nhiều rễ, bên cạnh chàng bao
giấy to tướng chứa những đồ mới mua ở phố. Con bé thường đến rất đúng
giờ, và nhiều lắm sai hẹn chừng nửa giờ. Nhưng mặt trời đã lên cao,
chàng biết điều đó khi thấy mặt trời phản chiếu chói chang. Chàng hút
gần hết một bao thuốc, mùi vị đậm quen thuộc không còn ngon như thường
lệ, lưỡi chàng nhạt nhẽo mùi khói. Chàng bỗng thấy sợ hãi khi nghĩ rằng
con bé giận chàng thật, và sẽ không bao giờ còn gặp chàng nữa.
Nhưng đúng lúc chàng bực dọc vò nát bao thuốc ném đi thì con bé xuất hiện. Nó đi chậm rãi từ trên triền dốc xuống, hai chân lều nghều trong chiếc quần xanh, và vẫn mặc chiếc áo len màu nâu cổ tròn. Nó tiến về phía chàng, đưa mắt dò hỏi nhìn vào bao giấy dưới đất. Chàng hỏi tại sao nó đến quá trễ nhưng nó im lặng. Và mỗi khi con bé im lặng có nghĩa là cạy răng nó cũng không nói một tiếng. Chàng bảo nó nhe răng ra xem và lần này thì con bé đã đánh răng ở nhà. Chàng khen nó nhưng trong bụng hơi buồn vì cái bàn chải và ống kem đánh răng mới tinh trong túi quần chàng trở nên vô dụng. Chàng mở bao giấy và trút bỏ tất cả những món đồ lỉnh kỉnh ra trên bãi cỏ: “của em đó”. Con bé nhăn mặt khi cầm lên chiếc máy bay gỗ.
- Cái này để cho tụi con trai chơi, chú mua làm gì ngốc quá.
Chàng giận dỗi bẻ gãy món đồ chơi ra làm hai. Con bé cười xòa, nó dùng nắm tay đấm nhẹ một cái vào mũi chàng.
- Gì mà mau giận quá vậy, chú còn hơn con nít. Còn cây bút máy này nữa, chú đem về nhà khắc tên chú đi, mai đem lại cho cháu.
Chàng cảm thấy giận hờn tiêu tan, sung sướng nhìn con bé vồ lấy hộp kẹo Chocolat và nho khô. Nó bốc ngay một nắm vừa nho khô trộn lẫn với kẹo cho vào miệng, nhai ngốn ngấu như một con heo nhỏ bị đói lâu ngày. Chàng có cảm tưởng cái con nhỏ này dư sức ăn hết tất cả số lượng kẹo sản xuất ở Hoa Kỳ.
- Bữa này làm gì mà chú sang quá, mới lãnh lương hả ?
Chàng gật đầu, sực nhớ đến cuốn sách, đây là lần đầu tiên chàng mua cho con bé sách. Chàng trịnh trọng rút cuốn sách mới tinh thơm phức mùi giấy từ trong ngực áo. Con bé tỏ vẻ chú ý, nó đưa tay cầm lấy, lật vội vàng. Ngay ở trang đầu tiên, dưới tên của tác giả, chàng không ngần ngại viết những chữ của chàng “Tặng con hươu cao cổ cưng nhất của tôi” và ký tên mình. Con bé nhún vai. “Em thích không ?” Đôi lông mày của con bé nhíu lại nghiêm trang như một vị giáo sư đại học đang nhìn vào một cuốn sách dày cộm.
- Cái thằng nhỏ này ngộ quá, đầu tóc như trái chôm chôm, truyện này của ông e-xu-pe-ri viết hả, cháu đọc truyện của ông hoài hoài à.
Chàng cốc cho con bé một cái nơi đầu vì cái tội nói dối của nó.
- Thôi đừng dối nữa.
Con bé tỏ vẻ bất bình mỗi khi chàng khám phá ra được sự nói dối muôn thuở của nó.
- Mà cái ông e-xu-pe-ri này là ai vậy ?
Trí não của chàng thật khốn khổ, chàng quên ngay chàng vừa mới trừng phạt con bé vì tội nói láo.
- Exupéry ? Cái thằng này là một phi công người Pháp. Nó là bạn thân của tôi đó, hồi nhỏ hai đứa học cùng một lớp. Nó lái máy bay chở tôi đi chơi đều đều. Em biết không, năm ngoái cái thằng bạn mắc dịch ấy nó làm tôi suýt chết, nó lái chiếc máy bay chở tôi bay xuyên qua dưới cầu Bình Lợi, một chút nữa thì đâm vào cầu…
Con bé trợn mắt nhìn người anh hùng thoát hiểm một cách thán phục, tay đưa lên ngực để giữ trái tim khỏi bay mất. Rồi nó tiếp tục lật những trang giấy miệng vẫn nhai kẹp không ngừng, bỗng nó chợt thấy vẻ chăm chú của chàng.
- Chú đi chỗ khác chơi đi, để cho cháu đọc truyện. Chú nhìn hoài vậy cháu đọc không được đâu.
Chàng thầm nghĩ mình quả thật dại dột, chàng nói rằng con bé vừa có thể đọc sách vừa có thể nói chuyện được.
- Chú thật dốt, như vậy làm sao mà chú ý được. Thôi, cho chú ngồi gần đây, nhưng nhắm mắt ngủ đi, chừng nào cháu đọc xong sẽ thức chú dậy.
Chàng đành nằm dài người ra trên cỏ, miệng nhai một nắm cỏ khô, bàn tay chàng đưa lên mắt cố dỗ một giấc ngủ. Rồi chàng vụt mở mắt ra, định hỏi con bé một điều nhưng nó đã lạnh lùng đưa ngón tay lên ở môi, ra dấu im lặng. Chàng lại nhắm mắt lại, nghe rạt rào bên tai bài hát mơ hồ của lá cây và chim chóc gọi nhau đâu đây.
Chàng vẫn nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt con bé, nó đang say mê nhìn vào những chữ in đậm nét đang kể chuyện phiêu lưu ngộ nghĩnh của ông hoàng tử bé.
Có lẽ chàng đã ngủ được một lát. Khi chàng bừng mắt dậy, mặt trời đã nóng hổi trên mặt và con bé không còn ở cạnh chàng, nó đang đứng bên bờ suối, và từ một khoảng cách ngắn chàng có thể nhìn thấy rõ trên mặt suối đầy những chiếc thuyền con trôi lờ đờ, mà mới nhìn qua chàng biết ngay rằng được chế tạo bằng những trang giấy mới từ cuốn sách bị xé bỏ, rơi từng tờ lả tả trên mặt cỏ.
Chàng giận điên người lên, vội vàng chạy xuống phía con bé và cố nén giận lắm mới không tát một cái vào bộ mặt thản nhiên của con bé.
- Sách mới mua sao em xé nát vậy ? Tôi mua cho em đọc chớ để em làm thuyền sao ?
Con bé nhăn mặt vì cái béo tai của chàng, rồi nó im lặng nhìn những chiếc thuyền giấy quay tròn trong một cơn nước xoáy.
- Cháu đọc rồi để dành làm cái gì ? Bộ chú muốn đòi lại hả ?
- Đọc hết thật rồi, chú muốn cháu kể lại cho nghe không ?
Chàng nghi ngờ nhìn con bé. Giọng nó rành rọt nghe êm đềm như bà tiên kể chuyện cổ tích.
“Chuyện hay lắm. Kể chú nghe nhé, ở trong... cuốn sách này, nó có hai ông hoàng tử cùng thương một cô công chúa tóc vàng. Hai ông bèn thách nhau đấu gươm. Cái ông thứ nhất dữ tợn lắm, hắn đâm trúng ông hoàng tử thứ hai một nhát vào vai, làm ông này bị thương nặng và thua trận. Chú biết cô công chúa thương ông nào hơn không. Cô ấy đuổi cái ông chiến thắng đi và nói: “ mày dữ quá, làm bạn với mày có ngày mày nổi sùng đâm tao một nhát chết tươi”. Rồi cô ta săn sóc cho người bị thương và sau đó lấy cái anh chàng thua trận này làm chồng… Chuyện này hay lắm, nhưng cháu đã đọc ở đâu rồi chú à”.
Con bé nó “tóm tắt” câu chuyện ông hoàng nhỏ của Exupéry như thế. Chàng quên cả giận, tài nói dối kỳ diệu của con bé như gáo nước lạnh làm mát mẻ cả người. Con bé bỗng lôi trong túi áo của nó ra một trang giấy đưa cho chàng xem “cháu còn giữ lại một tờ này thôi, cháu cất kỹ nó mãi”.
Chàng muốn hét lên một tiếng vang khắp núi rừng. Đó là trang sách đầu tiên, có ghi mấy chữ của chàng “ tặng con hươu cao cổ cưng nhất của tôi…”
Con bé cười. Hai vai nó hình như vừa được chắp đôi cánh chim trắng, để biến thành thiên thần bay vút lên trời xanh. Nàng thiên thần tuyệt vời trên tất cả các thiên thần của chúa.
Ngọn gió nào mang một mùi lan rừng thổi mạnh qua làm tóc con bé xổ tung, như mây sắp thành cơn mưa lũ.
“Sáng nay, tôi là người buồn nhất thế giới”. Chàng dùng mũi dao khắc lên lớp vỏ cây một câu như thế. Con bé thật đáng ghét, nó nói với chàng.
- Này chú, cháu mới có một thằng bồ giàu lắm. Nó lớn hơn cháu hai tuổi, học lớp nhất. Hôm qua thằng ấy mới gửi cho cháu một cái thư, chú đọc đi.
Chàng run rẩy cầm tờ giấy học trò từ tay con bé. Trên trang giấy trắng sạch sẽ, nét chữ của “thằng bồ” con bé nắn nót thật đẹp.
BMT ngày 1.2. 1967.
“Mến gửi bồ… (con bé đã xóa tên nó ở chỗ này)
“Tôi xin được hân hạnh giới thiệu với bồ, tôi tên là Nguyễn Hoài Ngọc, học lớp Nhất 5 cùng trường với bồ. Tôi viết lá thư này để muốn làm quen với bồ, để khỏi nhìn trộm bồ hoài mỗi khi tan học.”
“Nhà tôi có hai tầng ở đường Quang Trung, trong vườn có nhiều cây hoa sứ thơm lắm và có hai con béc-giê thứ Foch rất đắt tiền. Ba tôi là chủ đồn điền cà phê nên nhà tôi giàu lắm, lúc nào tôi cũng có nhiều tiền trong túi, và ba tôi thương tôi lắm, nên tôi luôn mặc quần áo đẹp nhất trường. Tôi có năm cái áo len đủ màu, nếu bồ thích tôi xin tặng bồ một cái màu đỏ làm kỷ niệm (nhưng bồ đừng nói cho ai biết)”.
“Thôi tôi dừng bút nơi đây, chúc bồ cuối năm được lãnh thưởng danh dự (như tôi năm ngoái), chiều mai lúc 3 giờ tôi sẽ chờ bồ ở xe bán cà-rem của bà Tám, tôi sẽ bỏ giờ Toán pháp để gặp bồ .”
Thân ái
Nguyễn Hoài Ngọc.
“T.B. Tôi quên nói với bồ tôi là một thi sĩ, thơ của tôi có đăng hai lần trên tờ Măng Non. Bút hiệu của tôi là Người Tha Hương, nếu bồ muốn tôi sẽ làm tặng bồ một bài thơ .”
Chàng buồn bã thấy rằng mình hoàn toàn thua sút hẳn anh chàng thi sĩ trẻ tuổi tuy chưa biết mặt, nhưng có lẽ là rất đẹp trai, học giỏi và con nhà giàu. Cái anh chàng ấy xem ra lại sành sỏi về tâm lý nữa, tặng con bé một chiếc áo len chắc nó thích ghê lắm. Không ai rồ dại như chàng, đem sách mà tặng cho một cô bé nhỏ tuổi.
Con bé có vẻ khoái chí nhìn cái bản mặt của chàng mà chắc chắn là như một miếng giẻ rách. Chàng vươn vai chán nản đứng dậy. Hạnh phúc tan biến như một ngụm khói.
Con bé mắt mở to tinh nghịch nhìn những chữ chàng vừa khắc trên thân cây.
Một lát sau, xem chừng nó cảm thấy thương hại chàng.
- Thôi từ bây giờ trở đi em gặp tôi làm gì nữa, em có bạn mới rồi. Chiều mai em đi ăn kem với “thằng ấy” đi.
Con bé lôi thêm từ ngực áo ra một tờ giấy học trò. Chàng đoán đây là một bài thơ của chàng thi sĩ trẻ tuổi.
- Cho đáng kiếp chú, ai bảo thương cô Châu hơn cháu. Thôi này, thư của cháu viết trả lời thằng ấy, chú đọc đi.
Chàng như một tên tò mò bần tiện lén xem hạnh phúc của một đôi nhân tình đẹp nhất thế giới. Trang giấy đầy những chữ nguệch ngoạc như rắn bò.
“BMT ngày…
“Gởi Ngọc,
“Tôi đã hân hạnh nhận được thư của Ngọc, bồ ném vào lớp ẩu quá, chút nữa thì cô giáo bắt gặp. Tôi viết thư này để trả lời Ngọc “dứt khoát”.
“Tôi không thích chó Foch, nhà lầu hai tầng và hoa sứ. Tôi thích những lá cây rụng hơn, và thứ này ở BMT đi đến đâu cũng lượm được. Tôi cám ơn Ngọc định cho áo len, nhưng tôi đủ áo rồi, tôi có đến 10 cái khác màu nhau (con bé vẫn nói dối như thường lệ, nó có nhiều lắm là 2 cái).”
“Tôi không thể cho Ngọc làm quen được. Tôi đã hứa với đức mẹ Maria hôm chủ nhật vừa rồi tại nhà thờ là tôi chỉ có một người bạn mà thôi, đó là ông chú của tôi. Ông chú tôi trông ghê lắm, ông ấy có vẻ thật khùng, áo quần bê bối và dơ, râu của ông đen sì dưới cằm và móng tay móng chân làm biếng cắt, nên dài dễ sợ .”
“Ông ấy chắc học dở thua Ngọc vì tôi thấy ông ấy đánh bài thua tôi hoài, nhưng tôi thương ông ấy nhất nước. Ông ta biết hút thuốc, thở khói thành hình chữ o, hay thở bằng lỗ mũi đẹp lắm. Ngọc thì sức mấy dám hút thuốc, thầy giáo đánh chết .”
Ông ấy lại rất sợ tôi, nhất là khi tôi khóc, và ông ta cũng không có một người bạn nào cả, chỉ quen với một mình tôi .”
“Để dứt lời tôi báo tin cho Ngọc biết chiều mai tôi sẽ không ra quán cà-rem đâu, bồ đừng đợi mất công .”
“ký tên”
(con bé để trống vì sợ chàng đọc được”
“T.B. Tôi cũng quên nói ông chú của tôi là một văn sĩ. Truyện của ông ấy hay lắm, mặc dầu tôi chưa đọc…
Chàng buông tờ giấy muốn ôm con bé vào lòng, và nếu không sợ con bé chế diễu chàng sẽ khóc òa. Con bé bỗng hỏi.
- Bút hiệu của chú là gì nhỉ, để cháu viết vào thư cho thằng ấy ngán.
Chàng gần như nhìn thấy bộ mặt thê thảm của cái anh thi sĩ con mà bây giờ xem chừng thua sút chàng quá nhiều.
- Tôi hả ? Bút hiệu của tôi là… Mây Hải Hồ.
- Trời ơi ! hay quá. Tên của chú hay gấp trăm lần tên thằng kia.
Chàng để mặc con bé cắm đầu nắn nót cái tên bịa đặt của chàng trên trang giấy. Chàng nhìn những chữ khắc trên thân cây, chàng dùng mũi dao bén xóa một chữ, thêm vào hai chữ vụng về.
“Sáng nay tôi là người hạnh phúc nhất thế giới.”
Có những bộ tiểu thuyết dài chứa đầy biết bao tấm thảm kịch ghê gớm nhất của loài người mà chỉ khiến ta thoáng rung động. Nhưng đôi khi, rất ít khi, hay có khi chỉ là một lần trong đời, một vài hàng chữ vắn tắt cũng đủ làm ta kinh hãi.
Không biết chàng bận tâm với ý tư tưởng đó từ bao giờ. Nhưng sáng nay, sáng nay chàng nhận được một tấm giấy nhỏ nhầu nát đưa từ tay một con bé hơi mập, tự xưng là bạn với con bé hươu cao cổ của chàng. Tấm giấy ghi vội vàng một dòng chữ tháu “Chú thương, cháu muốn được chú đến thăm một lần tại nhà cháu. Từ nay chú đừng đến suối Buji, không bao giờ cháu được đến đó nữa đâu .”
Mồ hôi chàng toát ra nhột nhạt nơi lưng, sống lưng như có một con rắn hổ mang lạnh ngắt chạy dài. Chàng như nằm trong cơn đau hãi hùng. Không có gì chắc chắn và rõ ràng cả. Nhưng chàng sợ, chàng sợ vô cùng những chữ “không bao giờ .”
Từ ngày quen con bé ở nhà mẹ nó, con mẹ chủ tiệm cầm đồ kiêm nghề chứa bạc, chàng chưa bao giờ trở lại đây cho đến bây giờ.
Căn nhà gỗ hai tầng nằm ngay ở đầu ngõ đi vào chợ, không có một bảng hiệu nhưng người ta sẽ dễ dàng biết được nghề nghiệp của chủ nhân nhờ những món đồ đạt bừa bãi trong tủ kính: những cái radio cũ, cái đồng hồ cũ…
Con
mẹ chủ là người độc nhất ở trong nhà dưới. Khác với những con mẹ có
tiền khác phần đông đều mập mạp, con mẹ này gầy như một cây củi cháy, cả
cái thân hình lẫn khuôn mặt đều tím ngắt một màu tuyệt đối không pha
trộn. Suốt đời chàng, có lẽ lúc nào chàng cũng thắc mắc không hiểu sao
một con mẹ như vậy lại đẻ ra được một con bé như con bé bạn chàng.
- À, chào cậu. Lâu ngày không thấy cậu lại chơi.
Chàng cố gắng nhếch một tí mép để tỏ ra là chàng mỉm cười, cái tác động thường lệ của bất cứ người nào mỗi khi chào nhau. Trong nhà vắng vẻ, từ tầng trên văng vẳng những tiếng cãi cọ ồn ào. Sòng bạc ở trên gác chắc đã gay cấn. Chàng nói vài câu thông thường với con mẹ. Đại khái là đã lâu chàng không có tiền, những món đồ hơi đáng giá một chút của chàng như sợi dây chuyền vàng, cái radio Nhật thì đã rủ nhau nằm trong tủ của con mẹ chủ rồi. Chàng mỉm cười ra vẻ bí mật nói rằng hiện nay chàng mới có được một số bạc lớn và chàng đến đây dĩ nhiên là với mục đích dùng số bạc lớn ấy để kiếm thêm một số bạc lớn nữa.
- Tôi sẽ chuộc đồ cho bà sau. Hôm nay tôi thách mấy ông trên kia lột sạch hết của tôi.
Chàng nói dối rất thường. Trong túi chàng còn chưa đến hai ngàn đồng, số tiền cuối cùng còn lại sau khi đã tiêu vặt vãnh, đã thanh toán nợ nần ở quán cà-phê, tiền cơm, tiền nhà trọ. Con mẹ chủ tiệm cầm đồ có lẽ cũng không màng đến cái việc chuộc đồ cho lắm, vì đã cầm cho chàng cái giá rẻ mạt. Con mẹ tươi cười, đưa tay chỉ lên cầu thang.
- Cậu lên mau đi. Hôm nay đầu tháng ai cũng đã lãnh lương hết nên họ đánh dữ lắm, ông Tư Húi đã ăn cả làng gần hết rồi.
Chàng chậm rãi bước lên thang gác. Bóng dáng con bé không thấy đâu. Chàng khó chịu khi gặp lại những khuôn mặt bần tiện đang đổ mồ hôi chăm bẵm dò xét nhau như kẻ thù trên chiến trường. Lão Tư Húi ngồi bình tĩnh trước một xấp giấy bạc màu xanh thật xinh đẹp làm chàng nuốt nước bọt. Bên cạnh lão, bọn con bạc mặt mày thảm não như người mất hết máu. Gã thanh niên chủ tiệm may mặt đỏ gay, mồ hôi lấm tấm trên trán, những ngón tay run rẩy tội nghiệp. Gã thanh niên này đang suy nghĩ về một cú tố thật lớn của của Lão Tư Húi, gã liếc mắt nhìn trộm và có lẽ bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo như đồng của Lão Tư Húi, gã sợ và bỏ. Lão Húi đưa hai bàn tay gân guốc, bàn tay đã gọt đầu cả ngàn người, quơ cẩn thận đống giấy bạc trên chiếu.
Chàng quên bẵng con bé và lá thư của nó. Chàng cũng quên rằng chàng có ít tiền cho những ngày quá dài của tháng này. Chàng ngồi xuống chiếu bạc và được lão Tư Húi ném cho một cái nhìn thèm thuồng. Mọi khi chàng vẫn đánh rất ẩu và thường thua lớn.
Khi chàng ném một ngàn đồng ra trên chiếu, bắt lấy một con tám chó chết, rồi một con tẩy xì giấu kín, chàng bắt đầu không nghĩ, không thấy gì cả. Những con bài sặc sỡ muôn màu như nhảy múa. Chàng thấy rõ trên mặt con bài, đôi mắt mở lớn của con bé, đôi mắt như vừa bị một một múi chanh tươi vắt nhỏ vào, đỏ ngầu và chực khóc…
Hình ảnh con bé đậm đà trong những tác động chia bài, rút bài, tố, theo tiền mà chàng làm như cái máy. Bọn người chung quanh chỉ là những cái bóng mờ nhạt.
Chỉ trong vòng nửa giờ, số bạc lớn đã đổi chủ. Đôi mắt của lão Tư Húi long lanh đau đớn nhìn mấy tờ giấy bạc lác đác trong bàn tay của lão. Bây giờ chàng là vua, chàng ăn tất cả tiền của các con bạc. Gần ba chục ngàn đồng nằm hiền lành như những con trừu trước mặt chàng. Ba chục ngàn đủ mua một cỗ xe ngựa, với con ngựa bạch đầu lốm đốm đen. Chàng sẽ là tên lái ngựa sung sướng và nhàn hạ nhất thế giới. Mỗi sáng con bé sẽ ngồi bên cạnh chàng reo vang như tiếng nhạc theo nhịp lóc cóc đều đều của vó ngựa, trên những con đường tráng nhựa êm ái trong thành phố, trên những con đường mòn gập ghềnh hoang vu trong rừng.
Chàng cương quyết đúng dậy. Mọi khi chàng là tên đánh bạc lì nhất, ngồi cho đến lúc hết tiền hay tan sòng, nhưng hôm nay, chàng bất cần những tiếng càu nhàu bực bội của bọn con bạc. Chàng nắm chặt bó tiền trong túi và lạnh lùng nhìn những cặp mắt bất mãn đang nhìn mình, nhất là cặp mắt đỏ ngầu đầy vẻ sát nhân của lão Tư Húi. Chàng nhủ thầm là từ nay chàng không bao giờ dám hớt tóc ở tiệm lão Tư nữa, cái lão ghê gớm này dám dùng dao cạo cắt cổ chàng cho hả giận lắm.
Chàng xỏ chân vào giày, chiếc dây cương mềm mại cài ở cổ con ngựa bạch đẹp tuyệt như đang nằm trong tay chàng. Bỗng chàng nghe một tiếng đàn theo điệu cải lương từ phòng bên văng vẳng. Cái điệu nhạc áo não thật khó chịu làm chàng mở cánh cửa không suy nghĩ.
Con
bé đang ngồi như một xác chết trong chiếc ghế. Bên cạnh là một gã đàn
ông mặt choắt, tóc chải đầu ướt mềm vắt ngược ra sau, lông mày kẻ như
đàn bà và đôi môi mỏng tím nghiện ngập. Cái gã ra vẻ kép hát này ôm cây
đàn, gẩy những âm thanh thê lương ai oán như đám ma.
Con bé từ
từ mở mắt nhìn thẳng vào chàng. Đôi mắt khổ sở và tuyệt vọng làm chàng
rùng mình. Chàng chưa bao giờ nhìn thấy một cặp mắt nào như thế. Nó nhìn
chàng không nhấp nháy, môi mím chặt như cố nén tiếng khóc. Con mẹ chủ
tiệm cầm đồ mở cái giọng the thé hướng về phía chàng.
- Cậu xem tôi làm vậy có phải không ? Tôi cho con nhỏ này nó nghỉ học, học hành thời buổi này có làm được đồng nào nuôi thân đâu. Tôi bỏ tiền rước thầy Ba Đờn đây về dạy cho con nhỏ ca cải lương, con nhỏ có giọng hay lắm cậu thấy không ? Thầy Ba đây bảo nó chịu khó luyện giọng mỗi ngày, sau này thành đào nhứt như chơi, kiếm cả triệu bạc dễ dàng cậu à…
Chàng muốn nhổ một bãi nước bọt nào hôi nhất của chàng vào cái bản mặt của con mẹ.
- …. Thầy Ba đây có giới thiệu con gái tôi cho ông Giám Đốc đoàn hát đang lưu diễn ở đây rồi. Ông Giám Đốc chịu lắm, ông khen con nhỏ này thanh sắc vẹn toàn, cậu à. Giờ chỉ học hát một tuần là ông ấy thâu nhận cho đóng vai phụ. Cậu thấy sướng không ? Chưa gì mà đã được một gánh hát lớn thâu nhận. Rồi đào phụ lên đào chánh mấy hồi, chẳng bao lâu là danh tiếng lừng lẫy, có hình đăng lên nhựt báo, đi xe hơi, ở khách sạn, ăn cơm Tây cơm Tàu quanh năm. Tôi sẽ vô Sàigòn luôn với con nhỏ, chán cái xứ mọi này lắm rồi. Cậu thấy tôi tính như thế có phải không ? Thế mà… cái con ngu này nó bướng bĩnh cãi cho bằng được. Nó cứ thích cả ngày nhảy nhót trên rẫy trên rừng như ngựa, rồi lại đòi học nữa. Cậu biết không, tôi phải cho nó một trận đòn nên thân mới được đấy.
Tiếng con mẹ ghê rợn như tiếng phù thủy làm chàng rởn óc, người chàng nóng bừng lên. Con mẹ đưa mắt có vẻ hãnh diện rồi nhìn vào con bé nạt lớn “ca đi !” Con bé sợ hãi bật tiếng như một cái máy hát vừa mới bật điện vào. Gân cổ nó run run mệt nhọc để cố gắng phát ra những âm thanh thật cao. Đại khái nó hát những lời than thân trách phận của một người con gái đã “dâng hết tâm hồn và thể xác” cho người yêu, để rồi “chàng” bỏ ra đi, lên đường như một cánh chim giang hồ phiêu bạt” và “nàng” bây giờ lo sợ cho “tấm thân yếu ớt như cánh hoa” của mình giữa “cơn giông tố phũ phàng” của cuộc đời…
Một con bé mười tuổi nói lên những lời như thế. Chàng chưa bao giờ chứng kiến một màn kịch ngu xuẩn như vậy.
Chàng nhìn cái thân thể bé bỏng đang run rẩy vì cố gắng hết sức của con bé. Nó không còn là một sinh vật mang tên người nữa. Đó là một thứ mọi đen bị chung thân khổ sai, là một con gà mạnh khỏe bị người ta bắt nhốt vào trong ống tre để càng ngày càng dài ra như quái thai, là con nhồng bị lột lưỡi máu chảy ròng ròng để bập bẹ nói tiếng người.
Em
sẽ không còn là cô bé tuyệt vời của tôi nữa. Không còn được cười khi
vui sướng, được khóc khi hờn giận, em sẽ khóc sẽ cười khi truyền lệnh.
Em sẽ không còn thì giờ để nhặt từng chiếc lá rụng, để ném từng viên sỏi
bay xa và xếp những con thuyền giấy thả trôi theo giòng suối.
Tôi
không còn được ai chọc tức cho giận dỗi, dỗ dành cho tôi vui. Những lời
thì thầm của suối trở nên vô nghĩa, thành phố này trở nên vô duyên, và
bọn người vây quanh như những cây gai làm đau đớn.
Đêm
đêm màn khép lại, khán giả bỏ ra về sau khi đã vỗ những tràng pháo tay
như tiếng reo hò cổ võ của bọn người xem đấu bò. Em sẽ mệt mỏi trút bỏ
bộ y phục màu mè nóng nực, rửa sạch lớp phấn son đóng đầy trên da mặt.
Em sẽ soi bóng mình trong gương để nhìn thấy những nếp nhăn lộ rõ trên
làn da trắng bệch, môi khô tái xanh, mắt đầy quầng thâm và sâu hoắm.
Em
sẽ nằm dài trên giường ngủ như một con heo. Đêm đêm sau khi múa may như
một người trong cơn đồng bóng, em sẽ vật mình ngủ mê mệt như con đàn bà
say rượu.
Tôi không muốn em như thế. Tôi không muốn. Tôi không cho phép. Tôi cấm. Tôi ngăn cản…
Chàng
nhìn vào mắt con bé và tin chắc nó đã nghe được những lời thì thầm
trong trí não của chàng. Con bé lắc đầu nhẹ, mắt đỏ hoe làm con mẹ chủ
hét lên: “con nhỏ này chưa gì mà đã đòi ngủ rồi”.
Riêng mình chàng biết con bé không buồn ngủ. Nhất là đêm nay, đêm thức trắng với nước mắt ướt đầy trên gối.
Chàng nhìn cái bản mặt bẩn thỉu của con mẹ chủ tiệm cầm đồ, và biết chắc rằng không có ai cản ngăn được ý định của con mẹ. Chàng không bao giờ thuyết phục được, hay làm cho con mẹ hiểu được những điều mình chàng muốn nói. Cái miệng như máy phát thanh của một bộ óc đần độn là trở ngại mà chàng không tài nào vượt qua nổi. Con mẹ sẽ cho rằng chàng là người khùng, và không chừng sẽ nhìn chàng bằng đôi mắt nghi ngờ “Tại sao cái thằng cha này lại xía vô chuyện nhà mình, nó là cái gì của con bé chứ”.
Chàng
ghê sợ những đôi mắt nghi ngờ. Chàng không còn chịu đựng nổi, chàng
vùng bước ra khỏi phòng và nghe sau lưng cánh cửa đóng mạnh vào vang dội
như tiếng nổ.
Đêm có lẽ gần sáng, chàng trở lại nhà con bé với
một cây súng ru-lô nhỏ giấu trong ngực áo. Cây súng mà chàng vừa đánh cắp
được của viên sĩ quan phòng bên cạnh khi y đi vắng, ổ súng chứa đủ sáu
viên thép giết người thật nhỏ nhắn và báng gỗ lạnh ngắt trên da bụng
chàng. Chàng bước vào nhà, quay đầu nhìn lại khoảng trời đêm lạnh ngắt
lốm đốm những ngọn đèn đường im lặng.
Chàng lắng nghe tiếng gọi của mình thật lạ lùng.
- Bà chủ ơi, xuống đây cho tôi chuộc mấy món đồ.
Chàng nghe những bước chân vội vàng của con mẹ chủ, và sau cùng là cái thân hình khô mực và bộ mặt sáng rực có lẽ vì đang nghĩ đến món tiền lời. Tất cả khối thịt xương đứng trước mặt chàng.
- Tôi không muốn bà giết con bé đó !
Con mẹ chủ giương đôi mắt trắng dã kinh ngạc. Chàng ghê tởm cái bản mặt đần độn. Cây súng rời khỏi ngực áo, hướng về phía trước và tiếng nổ chát chúa vang lên khủng khiếp như tiếng mìn. Con mẹ ôm bụng há miệng tỏ vẻ không hiểu gì cả. Chàng ghét giải thích, chàng bắn thêm hai phát vào thân hình đang đổ xuống như một diễn viên trên sân khấu.
Chàng gục đầu nhìn xuống đất, nhưng vẫn nhìn thấy rõ ràng những bộ mặt ngơ ngác sợ hãi của bọn con bạc đang đứng vây quanh, mà có lẽ cũng có được vài ba đôi mắt thoáng mừng rỡ của những con nợ kinh niên bỗng dưng thoát khỏi tay bà chủ nợ dai dẳng.
Chàng bất cần bọn đó. Chàng chỉ ao ước đừng bắt gặp một đôi mắt yêu dấu quen thuộc, kinh hãi nhìn xác chết và trách móc nhìn chàng. Chàng có thể chịu được năm năm tù, mười năm, hay suốt đời nhưng không thể nào chịu đựng được đôi mắt ấy.
Những đêm ở Cao nguyên lạnh như thế này, chàng vẫn thường rúc mình trong căn phòng nhỏ, dưới làn chăn dầy và miệng lảm nhảm những bài hát đã nghe ngày xưa. Nhưng giờ đây thì không bao giờ chàng có được những giây phút như thế nữa, không bao giờ.
Cũng không một cỗ xe ngựa bạch, cô gái nhỏ và cuộc dạo chơi vòng quanh thành phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét