Tôi vừa xem lại một cuốn phim cũ, màn ảnh nhỏ và màu sắc hơi loang lổ, âm thanh đã mòn, rè tiếng. Nhưng đây là một cuốn phim toát ra một nỗi âu sầu man mác không ngừng ray rứt người xem dầu khi đèn đã bật sáng.
Đoạn cuối, cô bé choàng áo rộng thùng thình, tóc tai bay lê thê, cổ đeo những chuỗi hạt đủ màu. Cô đi chập chững trên bờ con đường rầy xe lửa, một tay ôm đầy hoa dại miệng bi bô hát những lời non nớt vu vơ.
Chị của cô, Nathalie Wood vừa mới chết. Chỉ có cái chết mới giải quyết được (nhưng cũng không giải quyết gì cả) chuyện tình đam mê và bi thảm của nàng. Mẹ của nàng là chủ một khách sạn nằm bên sân ga, khách trọ thường là những công nhân của sở hỏa xa gần đó. Từ lúc ra đời cho đến lúc trở thành một bông hoa quyến rũ, đêm ngày nàng đều nghe bên tai tiếng còi tàu hú những hồi thúc hối bước khởi hành, tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt cuồn cuộn reo trong tim nàng, xui khiến hồn lãng mạn của nàng mơ tưởng đến chân trời xa, đến những kinh thành tráng lệ. Một ngày kia, có một người đàn ông từ nơi xa ghé lại quán trọ bên đường này. Chàng không giống ai cả, nhất là không hề giống với một bọn đàn ông cục mịch ồn ào quá quen thuộc ở đây với nàng. Thế là hai người yêu nhau. Chàng đã dự định đem nàng đến đô thị mà nàng mơ ước, chàng đang sống ở nơi đó. Nhưng cuộc tình nào mà không có ngộ nhận, dèm pha, chia rẽ. Chàng đau khổ bỏ đi một mình, nàng lén lút giã từ sân ga và ngôi nhà quen thuộc, bơ vơ đi tìm chàng. Khói tàu tỏa ra mịt mù như tâm sự rối bời và ngày mai lạc lõng của nàng. Nhưng rồi hai người cũng gặp nhau, họ sống một chuỗi ngày hạnh phúc , nhưng ngắn ngủi, bà mẹ của nàng, thuộc loại ham tiền theo lối "cổ truyền" đột ngột xuất hiện, quyết bắt nàng trở về gả cho một ông già triệu phú. Chàng ngăn cản, nhưng lời nói của bà mẹ như một lưỡi dao đâm ngập bụng chàng, làm chàng ngã quỵ, không còn đủ sức đứng vững để bảo vệ tình yêu nữa. Bà mẹ cho biết nàng đã qua đêm với một người đàn ông khác trong tỉnh và đã kết hôn trên giấy tờ pháp lý với người này (thực sự nàng đã làm thế trong một đêm say rượu và tuyệt vọng vì chàng bỏ đi). Chàng run rẩy bàng hoàng trước những lời ác nghiệt đó. Nàng bỏ chạy điên cuồng trong cơn mưa bão đang đổ xuống cùng sấm sét. Nàng vốn bị đau phổi từ lâu, đêm đó, cả tấm thân gầy yếu lẫn tâm hồn vừa mới bị trúng thương của nàng không chịu nổi những ngon roi mưa lạnh buốt. Nàng tắt thở.
Cuốn phim lững lờ chấm dứt với hình ảnh cô em gái nhỏ của nàng. Sau khi nhắc nhở đến người chị đã mất, cô bé vừa đi vừa hát cho đến lúc xa dần ở cuối con đường rầy sâu hun hút biền biệt. Tôi mong rằng cô bé sẽ không bao giờ đi theo con đường sắt truân chuyên của chị.
Một câu chuyện với những khúc mắc cổ điển thường thấy, phóng tác theo một vở kịch của Tennesse William. Nhưng khúc phim có đoàn tàu hỏa sầm sập chạy trên đường sắt, mang theo người thiếu nữ đang đắm đuối mê man đi tìm người yêu, cứ ám ảnh tôi mãi. Sân ga cũ quạnh hiu không giữ được con người phiêu lãng. Tiếng còi tiễn biệt tha thiết, khói tàu đen tối mịt mờ như một đời trôi nổi, bánh xe nghiến tan nát và con đường rầy dằng dặc không biết đưa tới chốn nào. Những hình ảnh liên hệ đến một cuộc chia ly từ giã ấy, bao giờ cũng làm tôi xúc động bồi hồi.
Ai mà không có một lần ở sân ga cầm chiếc khăn tay vẫy đưa người đi. Hoặc chẳng có một lần chính mình đứng trên một con tàu, nghiêng đầu ra khỏi cửa, nhìn ngắm một lần cuối, tiếc nuối nơi chốn quen thuộc của mình. Tàu đưa mình xa dần xa dần mà sân ga thì vẫn bất động một chỗ lặng lẽ âm thầm, nhỏ dần nhỏ dần tan biến sau làn khói.
*
Thuở còn nhỏ ở Huế, tôi yêu nhà ga lắm. Trước hết là vì nhà tôi ở ven sông, cách ga Huế chỉ một cây cầu ngắn bắc ngang qua sông Bến Ngự. Và có lẽ ở nơi nào cũng thế, nhà ga là một trong những tòa nhà xây theo lối cũ có vẻ phong trần nhất, như một ông già "đẹp lão ".
Mỗi sáng, trong cơn vật vờ nửa mê nửa tỉnh, tiếng còi tàu xa xa đã mơ màng vang vọng trong tai tôi. Mở mắt, nhưng người vẫn còn nằm kỹ trong chăn ấm, nhìn trời tờ mờ sáng bên ngoài, tôi tha hồ tưởng tượng đến cảnh của sân ga lúc tàu vừa đi, người người rộn rịp đi lại vội vàng trong khi những bánh xe lăn dần trên đường sắt. Và những điều tưởng tượng đó không khác với sự thực bao nhiêu, bởi vì thỉnh thoảng tôi cùng với vài thằng bạn đạp xe đến nhà ga chơi vào buổi sáng, dầu chẳng có ai để đưa tiễn hay đón chờ.
Nhà ga Huế nằm ở một nơi thật đặc biệt. Như một lòng chảo, chung quanh là khách sạn, quán ăn, quán nước san sát bên nhau. Trước cổng ga, chen lấn trong đám hành khách, những người bán rong rao hàng inh ỏi, nào là bánh mì, mè xửng, nem chua, bánh kẹo... nhất là những thứ mà mấy bà già thường mua dành sẵn lúc đi đường: dầu cù là, khuynh diệp, mấy viên thuốc bắc uống để trừ cảm nắng cảm gió.
Ngồi trên băng ghế sát tường, tôi thích thú nhìn những hành khách xa lạ. Mọi người đều trong có vẻ tất tả, bận rộn, hoa tay hoa chân nói chuyện ầm ĩ, chạy lui chạy tới, khuân vác cột cởi hàng hóa. Nét mặt của ai cũng trông có vẻ lo lắng buồn bã, rất ít khi tôi nghe được tiếng cười, vì bây giờ là buổi sáng, thời khắc của những chuyến xe hỏa ra đi chứ không phải trở về.
Vây chung quanh những người ăn mặc tươm tất sắp sửa đi, thân nhân dùng dằng nắm tay lăng xăng nói hết chuyện này chuyện kia không hề dứt, cho cả khi tiếng còi tàu báo hiệu đã đến lúc tàu bắt đầu chạy.
Tôi thường tiếc mình không có người quen nào lên tàu để vẫy tay chào, chia xẻ một chút với nỗi buồn và vài giọt nước mắt của đám người ở lại. Hồi đó tôi còn nhỏ quá nên không chú ý đến những cặp tình nhân từ giã nhau, chắc họ mới là kẻ tốn nhiều nước mắt nhất. Phải mất hai đồng mua cho được một vé vào sân ga, gần sát với những toa tàu, tôi có thể leo lên đi chơi một quãng đến An Cựu rồi nhảy xuống.
Khi tàu chậm chạp chạy, một vài người còn chạy theo níu kéo người đi dặn dò, tôi đứng yên một chỗ cho đến khi toa cuối cùng xa dần như một cái hộp nhỏ.
Còn nhớ trong sách giảng văn hồi đó, có một bài thơ của Tế Hanh về sân ga và tàu hỏa tôi đã học thuộc lòng :
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi , đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau buốt những chia xa
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương vấn trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau
Bài thơ rất giản dị nhưng đã mang cho con tàu sắt vô tri hơi thở nóng và trái tim biết xôn xao. Một lão xà ích già, suốt đời mang nặng trên lưng những niềm vui hội ngộ lẫn âu sầu cách biệt. Một công việc nặng nề biết mấy.
Rồi một ngày kia, tôi đã hiểu sân ga không phải chỉ là một nơi náo nhiệt vui vẻ. Dầu còn mang đôi mắt trong nhỏ dại, đôi mắt thông thường chỉ biết ứa lệ khi bị đòn, nhưng tôi cũng đã có dịp khóc vì những điều mường tượng như làn roi, nhưng vô hình và không quất trên thịt da, mà cứa đau trong một quả tim nhỏ tinh khôi còn mới.
Ngày đó mẹ tôi về Huế thăm tôi vào mùa xuân. Cả năm nay bà sống ở Ban Mê Thuột, một địa danh đem lại những cảm giác rờn rợn nhiều tưởng tượng về một chốn rừng sâu nước độc. Tôi không hề biết nơi đó, chỉ mơ hồ vẽ nên một vài cảnh sắc từ mấy tấm hình quảng cáo du lịch thường treo trong nhà ga, chụp những người Thượng đen đủi đóng khố đang uống rượu cần hay ngất ngư trên mình bạch tượng.
Bà ngoại tôi có thông lệ rải con cái khắp các tỉnh trên toàn lãnh thổ. Cậu T. lấy vợ ở Huế, cậu K., cậu H.,cậu Th, dì N. sống ở Sài gòn, dì T., dì L., theo chồng buôn bán ở Quy Nhơn,vợ chồng dì P. dạy học ở Lăng Cô và mẹ tôi ở Ban Mê Thuột, chắc là ngoài ý muốn của bà.
Một năm tôi được mẹ về thăm khoảng hai lần, ngày Tết và mùa hè nghỉ học . Từ một vùng cao nguyên mù xa đó bà chẳng có quà gì cho tôi, nhưng cần gì một món quà nào nữa. Tôi chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt đỏ hồng và thân hình phục phịch của bà, chỉ cần nghe tiếng nói oang oang của bà suốt ngày, chỉ cần ngã vào lòng bà hít thở trong khi đầu tóc của mình bị bàn tay của bà vò nát bù xù. Có món quà nào quí giá hơn quà tặng của mẹ, không biết gọi tên rõ ràng là gì nhưng thắm thiết như trút sang một dòng máu nóng. Quà tặng của mẹ, đôi khi ta chỉ nhận được một vài lần trong đời thôi đó.
Mấy ngày có mẹ tôi về thật là vui. Tôi cùng ngồi với bà trong xe xích lô đạp, đi vòng khắp phố, xem chiếu bóng thả cửa, mua đủ thứ sách truyện chứa đầy bàn, may sắm những bộ quần áo mới, khoái nhất là tiền lẻ ở các hàng quán thối lại cho bà, bao giờ tôi cũng nhanh tay đón lấy thủ sẵn trong túi chờ dịp đi chơi "bao" bạn bè.
Đi học lại, tôi bỏ xe đạp ở nhà. Mỗi sáng mẹ tôi đi đâu có việc đều đem theo tôi đến tận cổng trường. Tôi chỉ trỏ cho bà thấy trường học của tôi, ngôi trường bán công nổi tiếng với bọn học trò phá phách, huyên thuyên kể chuyện về lũ bạn, về mấy vị giáo sư khả kính mà bà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào ngoài trường này. Dĩ nhiên là tôi cũng phải lơ đi lão hiệu trưởng có lần quất mấy roi vào người tôi vì đi học trễ. Khi xe xích lô dừng lại trước cổng trường, tôi sung sướng nhìn thấy tụi bạn đang tò mò nhìn tôi rồi chụm đầu nói nhỏ gì đó. Tôi có mẹ. Và hồi đó mẹ tôi đẹp lắm, bà tốt tướng và khuôn mặt phúc hậu, chứ không đen đủi ốm nhom như tôi.
Nhưng những ngày nồng đượm ấy rồi cũng qua đi. Mẹ tôi lên Ban Mê Thuột trở lại.
Một sớm mai, tiếng còi tàu đánh thức tôi dậy, nhưng không phải để tưởng tượng gì nữa. Tôi theo mẹ ra sân ga trong hơi lạnh mù sương và cơn buồn ngủ. Đến bây giờ tôi mới hối hận là đã có lần mong đưa tiễn người đi. Hôm nay mẹ tôi là một hành khách sắp đi xa, và tôi là kẻ ở lại với muôn ngàn ý nghĩ đau buồn lẫn lộn.
Mẹ ở trong toa tàu hạng nhì, bà ngồi sát với khung cửa xe để nói vài lời cuối với tôi. Đứng trên sân ga, tôi khóc thút thít như một đứa con gái, không dám ngửa mặt lên nhìn đôi mắt đỏ hoe của bà. Bà nói với tôi hãy về trước khi tàu chạy nhưng tôi vùng vằng lắc đầu chôn chân mãi một chỗ.
Mẹ tôi nói tôi đừng dụi tay bẩn vào mắt hoài như thế kẻo đau mắt, bà cài kín chiếc áo len cho tôi, xong bà nói vài tháng sau vào dịp nghỉ hè, bà sẽ đón tôi lên Ban Mê Thuột với bà. Tôi khóc lóc đòi theo mẹ ngay bây giờ nhưng bà thở dài, nói rằng ở trên xứ rừng rú đó chưa có trường đàng hoàng nào cho tôi học.
Tôi bỗng thù ghét lớp học và sách vở, thầy giáo, bạn bè, những kỳ thi lục cá nguyệt v.v... Tôi nói với mẹ không muốn học hành gì nữa, thà làm một thằng mọi rừng xanh bên cạnh mẹ, còn hơn là làm một tên học trò mỗi tháng đứng nhất lớp mà phải đưa thông tín bạ về cho mấy bà dì ký sổ. Tôi cần mẹ hơn tất cả những thứ khác trên đời. Nhất là trong tiếng còi tàu đang hú lên thúc dục, khói sắp bay mịt mùng, bánh xe sắp lăn rời rã như hồn tôi. Tôi cũng ghét luôn những toa tàu, chứ không thương nó như ông Tế Hanh nữa. Dẫu nặng nề chậm chạp, nhưng đoàn tàu như một ông già sói đầu nhếch mép cười nham hiểm, bề ngoài có vẻ mệt nhọc như không mang nổi một cành hoa, nhưng thật ra dần dần mang đi mất khỏi tôi bông hoa quý giá nhất trên đời. Hoa tình mẹ, mấy ngày qua gắn chặt vào người tôi như một đinh ốc bằng kim cương, giờ đây rút ruột bật ra làm rách da thịt.
Rồi tàu hỏa cũng từ từ chạy không gì níu kéo được. Người bẻ ghi đưa hàng bánh sắt tách sang một đường khác.
Con đường ngược chiều mãi với tôi, một cậu nhỏ vừa tiễn mẹ ra đi, sớm mai lủi thủi ôm mặt khóc qua cầu trở về, bao tiếng động của thành phố như câm lặng hết, chỉ nổ bùng trong tai tiếng còi tàu rúc lên từng hồi như tiếng cú kêu suốt đêm thăm thẳm.
*
Thà làm một kẻ ra đi còn hơn là làm người ở lại. Một ngày kia, mùa hạ đến. Tôi đã được ngồi trên một toa tàu bên cạnh mẹ, lăng xăng với bộ quần áo kẻng nhất và va ly cồng kềnh trên tay. Tôi cũng đứng ngoài cửa sổ như mẹ tôi lần trước, nhìn xuống sân ga. Lòng tôi cũng nôn nao khi nhìn thấy khuôn mặt nhăn nheo và mái tóc bạc phơ của ngoại tôi ra đưa tiễn. Nhưng cảm giác nôn nao lúc này có một chút gì ngây ngất kỳ thú.
Tàu đi. Tôi thả người trong lòng mẹ, bềnh bồng mơ tưởng đến chân trời xa, những thành phố lạ, những cây cầu sắt tôi sẽ đi qua ,những căn hầm xuyên qua núi đá... và nhất là Ban Mê Thuột, một chốn rừng thiêng có lẽ giống như trong phim Tarzan mà tôi sắp sửa thám hiểm.
Tàu đi một quãng, tôi không ngồi yên một chỗ được. Tôi đi lại, chạy nhảy qua suốt những toa, tò mò nhìn qua khoen sắt nối các toa vào nhau, đứng trên những bục thang chạm san sát với cây lá hai bên đường.
Tàu chưa ra khỏi Huế, còn chạy dọc theo con đường bờ sông An Cựu. Cứ một quãng tôi lại nhìn thấy những cây cầu ngắn, những cành phượng đỏ ối, những ghe đò lùi xa dần cho đến khi mất biệt hoàn toàn ngoài tầm mắt. Tôi tiếc không nhìn thấy trường học của tôi trong lúc này, không thấy cầu Trường Tiền, không thấy quán bún bò trong Thành Nội, không thấy những quán chè trái cây trước rạp chiếu bóng. Đến một lúc, thành phố Huế như một đôi mắt đỏ bùi ngùi, dần dần khép lại.
Rồi tàu đi mãi, qua mấy hầm sâu đen ngòm, qua hầm Sen tối tăm ngạt thở dài dặc. Qua ven biển bát ngát với những cánh buồm xa xa đang giang hồ không thua gì tàu hỏa trên bộ. Qua đồng bằng, ruộng lúa, những quê nhỏ mái lá tiêu điều với khóm tre gầy guộc, thỉnh thoảng trên những cánh đồng loáng nước dưới ánh nắng, vài người nhà nông khẽ ngước đầu lên nhìn con tàu, tôi đưa tay vẫy vẫy nhưng không ai trả lời, họ lại cúi đầu xuống gặt lúa, vai áo đen thô và chiếc nón rách che kín mặt.
Tàu ghé ga Quảng Ngãi. Đám người bán hàng thi nhau ùa lên mời mua mạch nha, đường phổi, những gói cơm gà ủ trong lá, chiếc đùi gà béo ứ vàng rướm mỡ mà giá rất rẻ (về sau tôi mới khám phá ra được đó là những miếng gà chết thật dai và nhạt thếch, được bôi